Những kẻ độc ác chẳng có giờ nào mà chẳng tính chuyện hại người. Ðỗ-Cẩm tuy bị đánh nứt da lòi thịt, ngày như đêm cứ nằm sấp trên giường mà khóc, không bước ra khỏi nhà được, song lúc nào bớt đau bớt nhức thì anh ta thầm tính hễ lành bịnh rồi sẽ đi kiếm bà con Vương-thể-Hùng mà hăm dọa, hoặc may họ sợ tội lây, họ lo lót chút đỉnh tiền mình ăn. Những người theo Lê-văn-Khôi đều bị chết chém hết thảy. Thể-Hùng theo Khôi, tuy đã bị thương chết rồi, song nếu quan họ hay Thể-Hùng làm phản, thì cha mẹ vợ con cũng khó ngồi yên. Ðỗ-Cẩm nhớ lại ngày trước Thể-Hùng có nói tổ quán ở Bến-Lức, song đã dời nhà về ở Vũng-Gù. Vậy nếu tìm trong hai xứ ấy cho kỹ thì ắt ra mối. Mà khi Thể-Hùng gần chết, anh ta có cho mình một chiết vòng đồng. Vòng là đồ nữ trang sao anh ta lại giữ trong mình? … Chuyện cũng kỳ! … Mình lếu quá, lúc mình cõng anh ta đem vô rừng rồi, mình lại bỏ mà đi liền, không thèm gạn hỏi coi cha mẹ vợ con gì, nhà cửa ở đâu, chớ chi mình hỏi kỹ thì bây giờ dễ kiếm lắm. Ðỗ-Cẩm nằm hoài, đến ba tháng mới lành mấy lằn roi. Anh ta đi được rồi, liền tuốt lên Bến-Lức mà hỏi thăm cha mẹ bà con của Thể-Hùng. Có người biết thì họ nói cha mẹ của Thể-Hùng chết hết, còn Thể-Hùng bỏ xứ đi đâu không biết, đã gần mười năm rồi không thấy trở về làng. Ðỗ-Cẩm không thối chí, lần-lần trở qua Vũng-Gù mà hỏi thăm nữa. Anh ta đi từ xóm mà hỏi, nhưng vì lúc Thể-Hùng ở nhà ông Ðàm-tự-Chấn không giao tiếp với ai, nên không ai biết mà chỉ. Một bữa nọ Ðỗ-Cẩm đi tới nhà ông Ðàm-tự-Chấn. Khi bước vô sân, thì thấy Tự-Chấn trong nhà đi ra, tay cầm cái mác, coi bộ hầm-hừ lắm. Tự-Chấn thấy Ðỗ-Cẩm dị hình dị dạng thì mắt ngó lườm, miệng hỏi rằng: - Chú đi đâu đây? Ðỗ-Cẩm và thụt lui và đáp rằng: - Tôi đi kiếm bà con của anh Vương-Thể-Hùng. Tự-Chấn thấy hình dạng của Ðỗ-Cẩm đã ghét rồi, mà nghe nói tới tên Vương-thể-Hùng thì lại nổi giận, nên nạt lớn rằng: - Ế! Ði ra cho mau, ai biết Thể-Hùng Thể-Hèo nào mà hỏi! Ta cho một mác đứt đầu bây giờ. Ðỗ-Cẩm nghe lời gây-gổ quá như vậy thì kinh lắm, nên ríu-ríu bước ra không dám hỏi nữa. Khi ở nhà đi ra thì Ðỗ-Cẩm lấy làm chắc ý, chừng trở về sẽ có bạc tiền. Chẳng dè đi hơn nửa tháng mà không tìm được bà con Thể-Hùng, bởi vậy chừng trở về nhà chỉ mang một cái bụng đói, với một cặp giò mỏi, lưng không có một đồng tiền nào hết. Thị-Phi thấy chồng về mặt mày buồn xo, thì biết đi về không [16], rồi nên tỏ sắc giận, không thèm hỏi tới. Ðỗ-Cẩm lén xuống bếp kiếm cơm nguội mà ăn, bộ xẻn-lẻn, và ăn và ngó chừng vợ. Cơm nguội còn chừng một chén, nên anh ta ăn hết rồi mà chưa no, mới lấy vá (muỗng lớn dùng xúc cơm hay múc canh) cạo đít nồi mà cạy cơm cháy khua lộp-cộp. Thị-Phi ở nhà trên óng tiếng la rằng: - Làm cho bể nồi đi! Ði đâu hổm nay rồi bây giờ về lục nồi lục ở đó? Ðỗ-Cẩm nín khe một hồi, nửa muốn đem cái nồi đi cất, nửa tiếc về [17] cơm cháy, nên nghiêng mình ngoáy cổ ngó chừng vợ rồi cạy nhẹ nhẹ, không dám cho vợ nghe nữa. Anh ta đương cạo nồi bỗng nghe vợ hỏi lớn rằng: - Dữ hôn! Mầy đi đâu mà lạc đến đây? Rồi lại thấy có một nàng bồng con xăm-xăm bước vào nhà. Anh ta không biết là ai, lật-đật đem cất cái nồi, ngay cổ nuốt phứt búng [18] cơm cháy, rồi lấy vạt áo chùi miệng và bước lên nhà trên. Ðỗ-Cẩm ngó thấy Lý-ánh-Nguyệt đương lum khum để một đứa nhỏ, chừng năm sáu tuổi, đứng xuống đất, thì anh ta chưng hửng. Vì cách nhau đã 6 năm, bởi vậy gặp nhau cả 3 người đều mừng, nên hỏi nhau lăng-xăng. Ðỗ-Cẩm thấy Ánh-Nguyệt tuy quần áo lang thang, tuy tay chơn lem-luốc, nhưng mà gương mặt còn sáng rỡ, bộ tướng còn dịu dàng, nhắm thế chắc nghèo nàn, mà nhan sắc càng xinh đẹp. Ánh-Nguyệt ngồi ghé tại đầu ván, kéo con Thu-Vân đứng trong lòng rồi lột khăn lau mồ-hôi cho con. Thị-Phi hỏi: - Con nhỏ nầy là con của ai? Hải-Yến bây giờ ở đâu, còn mầy đi đâu? Ánh-Nguyệt rưng-rưng nước mắt mà đáp: - Con của tôi chớ con ai! … Hải-Yến thi đậu rồi bỏ tôi đi về An-Giang, mấy năm nay biệt tích. Mẹ con tôi bơ-vơ nghèo khổ hết sức, rồi lại bị giặc-giã xiêu lạc, nay ở chỗ nầy, mai ở chỗ kia, khi cấy mướn, khi may vá kiếm cơm mà ăn, trôi nổi mấy năm nay bây giờ mới tới đây, chớ có nhà cửa chi đâu. Khi Hải-Yến bỏ tôi thì tôi có qua kiếm chú thím, té ra nhà cửa đã dỡ đi đâu mất hết, tôi hỏi thăm người lân cận họ nói chú thím về Vũng-Gù. Tôi muốn đi tìm chú thím đặng kể chuyện bạc-bẽo của Hải-Yến cho chú thím nghe, ngặt vì khi trước tôi bị mang-mển trong lòng, nên phải nấn ná ở Gia-Ðịnh mà nuôi con. Lúc trong thành Gia-Ðịnh nổi giặc, tôi kinh tâm bỏ nhà bồng con mà chạy. Phần thì tôi không biết đường sá, phần thì tôi sợ hãi, nên cứ chạy theo thiên-hạ, họ chạy ngả nào tôi theo ngả nấy, bởi vậy xiêu-lạc lên tới Bến-Lức. Chừng tôi nghe yên giặc rồi, tôi mới lần-lần đi xuống mà tìm chú thím đây. Thị-Phi nghe Ánh-Nguyệt nói sơ mấy điều thì xụ mặt chau mày; còn Ðỗ-Cẩm lại chúm-chím cười, dường như vui mà nghe được sự khốn khó của người khác. Thị-Phi không có con, mà thấy con Thu-Vân ngộ-nghĩnh, nói tiếng ráo-rẻ, gương mặt sáng trưng, thì đem lòng thương, nên theo vuốt-ve rờ-rẫm hoài. Trời vừa xế qua, nhưng mà Thị-Phi lấy nồi đi vo gạo nấu cơm trong ý muốn nấu sớm mà ăn, đặng cho mẹ con Ánh-Nguyệt ăn luôn thể. Ăn cơm rồi mà trời mới nửa chiều. Thị-Phi ôm bó lác lại ngồi dựa gốc cột mà đánh võng. Ánh-Nguyệt với Thu-Vân lại ngồi gần một bên, còn Ðỗ-Cẩm thì đi xách nước tưới rau sau hè. Thị-Phi biểu Ánh-Nguyệt kể hết đầu đuôi việc Hải-Yến bạc-bẽo cho mình nghe. Ánh-Nguyệt day qua ngó Thu-Vân rồi cúi mặt xuống, miệng chúm-chím cười mà không chịu nói. Ðến tối, Thu-Vân ngủ rồi, Ánh-Nguyệt mới thỏ-thẻ kể rõ đầu đuôi sự Hải-Yến bạc tình bội nghĩa cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm nghe. Ðỗ-Cẩm nghe rồi vụt nói rằng: - Nếu Hài-Yến thi đậu thì chắc năm nay nó đã làm quan. Vậy để tao hỏi dọ coi nó làm quan tại xứ nào, tao đến đó tao rầy nó. Nó sợ xấu chắc nó cũng phải lòi tiền bạc mà cho mẹ con mầy. Ánh-Nguyệt chau mày đáp rằng: - Chú đừng có làm như vậy, người còn không phải, thứ tiền bạc mà kể gì. Tôi chẳng hề tham tiền của kẻ bội nghĩa đâu. Thị-Phi xen vô mà nói rằng: - Tiền bạc sao lại không thèm. Mình nghèo, nếu họ đưa tiền mà mình không lấy thì té ra mình dại. Nhưng mà tao nghĩ dầu tìm cho được Hải-Yến, cũng không dễ gì lấy tiền nó được đâu. Bây giờ nó làm quan, mình tới mình nói xính cường, nó nổi giận nó thộp đầu mình mà bỏ tù càng khổ mình nữa. Mình là dân, người ta là quan, mình cự sao cho lại. Ðỗ-Cẩm nghe vợ nói như vậy thì khen phải. Còn Ánh-Nguyệt trề môi, cười gằn, song không nói chi hết. Thị-Phi ngồi suy nghĩ một hồi rồi ngó Ánh-Nguyệt mà nói rằng: - Thôi, thứ đồ bạc mà kể đến nó nữa mà chi, bỏ nó đi, lo kiếm chồng khác làm ăn. Cháu cũng chưa bao lớn tuổi, đã vậy mà nhan sắc của cháu coi cũng còn ngộ lắm. Ðờn ông con trai thiếu gì người thấy cháu họ nhểu nước miếng. Ðể thủng-thẳng thím coi chỗ nào giàu có, thím làm mai dùm cho mà nhờ tấm thân. Nếu kiếm được chỗ họ chết vợ thì sướng, bằng không thì làm bé cũng chẳng hại gì. Ánh-Nguyệt nghe mấy lời khuyên bất nhã đó thì nàng hổ ngươi nghẹn cổ, nên nàng cúi đầu rưng-rưng nước mắt, rồi nhỏ nhẹ đáp rằng: - Cháu lấy chồng nữa sao được. Phận cháu là gái, sống thác thờ một chồng mà thôi. Chồng cháu nó ở bạc, thì lỗi về nó chịu; nếu cháu giận lẫy mà cải giá, thì cháu lại càng quấy hơn nữa. - Ôi! Ðời nầy mà kể gì phải quấy, miễng là có tiền nhiều, cho sung sướng tấm thân thì thôi mà! - Thím nói như vậy sao phải. Cháu là đứa có học, cháu phải trọng danh dự trinh tiết chớ. - Trinh tiết làm gì? Trinh tiết mà quần áo lang thang, trinh tiết mà đói cơm khát nước, trinh tiết mà ngủ bờ ngủ bụi, trinh tiết mà cực khổ tấm thân; còn họ bạc tình mà họ lên võng xuống dù, họ nhà cao cửa lớn, họ nằm nệm bông gối gấm, họ ăn mâm cao cỗ đầy, mình dại gì mà giữ trinh tiết cho thiệt thân. Ánh-Nguyệt nghe như vậy lại càng đau-đớn trong lòng, nên ngồi khóc ngay không còn lời chi đáp. Ðỗ-Cẩm mới hỏi rằng: - Nếu cháu không chịu kiếm chồng khác, thì cháu làm nghề gì cho có cơm mà ăn? Cháu cũng biết, chú thím không phải giàu có chi đây mà nuôi cháu cho nổi. Hay là cháu muốn về xứ mà tìm cô bác bà con. - Thưa chú thím, từ khi chồng cháu nó bỏ cháu cho đến nay, thiệt cháu muốn trở về xứ mà tìm bà con cô bác lắm. Ngặt khi ra đi, cháu không có chồng, bây giờ trở về, cháu cũng không có chồng mà lại có con. Thoảng như bà con xóm riềng người ta hỏi chồng cháu ở đâu, con đâu mà bồng đó, thì cháu biết lấy lời chi mà đối đáp. Nếu cháu nói thiệt thì ai tin cho cháu. Còn như nói dối thì nói sao cho xuôi. Vì có cáo cớ đó, nên mấy năm nay cháu muốn về xứ, mà sợ xấu hổ không dám về. - Cháu phải một là lấy chồng khác, hai là phải về xứ mới yên thân. - Phải chi chú thím làm phước cho cháu ở đây với chú thím. - Không được. Mà như muốn ở, hễ tao gặp chỗ nào giàu có, tao gả cho họ, thì phải ưng, chớ không phép vặn nài bẻ ách[19] như trước nữa, chịu hôn? Ánh-Nguyệt suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: - Thà là cháu chịu cái nhục trở về xứ, chớ cháu không đành chịu cái nhục lấy chồng khác. Ðổ-Cẩm nói: - Tự ý cháu. Trời đã khuya rồi, Ðỗ-Cẩm gài cửa rồi vợ chồng dắt nhau vào trong buồng mà ngủ. Ánh-Nguyệt với Thu-Vân nằm trên cái sập ở ngoài, muỗi ào-ào áp cắn. Con Thu-Vân nguy không biết sợ, khổ không biết lo, nên nằm ngửa chòng-chòng mà ngủ. Ánh-Nguyệt ngồi một bên con, tay cầm vạt áo phất qua phất lại mà đuổi muỗi, hồn vởn-vơ nơi cố lý, trí nghĩ ngợi nỗi cựu tình, tính việc sẽ tới, nhớ việc đã qua, đôi tròng giọt lụy chứa chan không ngăn đặng. Nàng ngồi suy tới nghĩ lui, buồn rồi lo, lo rồi tính, chờ đến mặt nhựt rạng đồng, gà đua gáy sáng, nàng mới nằm mà nghỉ. Chằng biết đêm ấy nàng toan liệu phận nàng thế nào, mà sáng ngày sau, vợ chồng Ðỗ-Cẩm vừa thức dậy thì nàng nói mà gởi con Thu-Vân ở ít ngày, đặng nàng đi về Cần-Ðước tìm chú với cậu mà thăm coi còn mạnh giỏi hay không. Ðỗ-Cẩm nghe nói thì chau mày đáp rằng: - Úy! Ðược đâu nà! Giao thứ tội báo đó, ai dám lãnh. Vợ chồng tao nghèo, làm hết sức cũng chưa đủ mà đút vô miệng. Bây giờ mầy gởi con mầy, lớp thì phải chạy cơm cho nó ăn, lớp thì phải giữ nó nữa, ai chịu cho nổi. Ánh-Nguyệt nhỏ-nhẹ nói rằng: - Thưa chú, con nít mà ăn hết bao nhiêu cơm. Mà nó chơi một mình được, chú thím coi chừng coi đổi nó vậy thôi, chớ cũng khỏi giữ. Cháu về xứ tìm chú và cậu của cháu trong ít ngày, như cháu gặp và như cháu liệu có thế nương náu được, thì cháu sẽ trở lên đây mà rước con Thu-Vân. Còn như cháu tìm không gặp, hoặc gặp mà không có thế được, thì cháu cũng trở lên đây liền, đặng mẹ con cháu tính thế khác. Bề nào cháu cũng trở lên, cháu không nỡ lìa con cháu lâu đâu mà chú sợ. Thị-Phi vốn không con, lại thấy con Thu-Vân ngộ-nghĩnh thì thương, nên muốn lãnh con Thu-Vân mà nuôi, bởi vậy đáp rằng: - Ðược. Mầy muốn gởi thì để nó ở đó. Mầy muốn cho đứt nó tao cũng chịu nữa. Ðỗ-Cẩm trợn mắt ngó vợ mà nói rằng: - Nuôi làm gì? Mầy giàu lắm há, nên ai mầy cũng muốn nuôi hết thảy. Anh ta lại day qua ngó Ánh-Nguyệt mà nói tiếp rằng: - Không được đâu. Mầy nói mầy gởi ít bữa, mà biết đi rồi mầy có trở lại hay không? - Thưa chú, có lý nào mà cháu không trở lên. Vì việc bức lắm nên cực chẳng đã cháu mới tạm lìa con cháu, chớ tình mẹ con, thà là cháu chết, cháu đâu nỡ bỏ nó mà chú lo. - Không lo sao được. Mầy bỏ đây rồi mầy báo hại người ta chớ. Mà tao hỏi gắt một điều nầy -- mầy gởi nó lại đây mấy bữa? Ánh-Nguyệt trầm ngâm một lát rồi đáp rằng: - Chừng một tháng. - Lâu quá! Chừng 10 bữa nữa vợ chồng tao mắc đi Bến-Tranh, rồi ai mà giữ nó? - Thưa chú, cháu nói một tháng đó là nói phòng hờ, vì đường sá xa xôi cách trở nên cháu phải nói nhiều ngày một chút, chớ không biết chừng mười bữa hoặc nửa tháng, thì cháu sẽ trở lên. - Tao không nói dài chi nữa. Mầy nói vài bữa mầy trở lên, mà tao làm sao dám tin. Vậy tao nói trước một cái, như mầy gởi đôi ba bữa thì được, chớ gởi lâu phải chịu tiền cơm và tính công giữ. - Trời ôi! Cháu không có một đồng một chữ, tiền đâu mà trả. - Như không có tiền, thôi thì bồng nó theo. - Chẳng phải là cháu không muốn bồng con cháu theo, ngặt vì bổn phận của cháu khó liệu lắm, nên cháu mới tính gởi nó ở lại đây với chú thím. - Việc gì mà khó liệu? - Chú nghĩ đó mà coi, phận cháu là gái, dầu cha mẹ khuất hết, song cũng còn cậu cô chú bác. Khi cháu lấy chồng, cháu không đợi lịnh chú với cậu, bây giờ bồng con về, thoảng như chú với cậu của cháu hỏi cháu lấy chồng hồi nào, ai đứng mà gả, thì cháu biết lấy lời chi mà đối đáp. Vì vậy cháu mới xin gởi con nhỏ ở lại đây. - Dữ ác! Tưởng là chuyện gì nữa! Thứ chuyện như vậy mà lo dữ hôn! - Thưa, cháu là con nhà học trò, nên phải lo sợ về danh tiết, về lễ nghĩa. - Ừ, mầy lo giống gì thì lo. Tao nói như vậy đa. Như muốn gởi con ở lại đây thì phải tính tiền cơm với công giữ. Ánh-Nguyệt ngó ra cửa mà thở dài, không có lời chi mà đáp. Thị-Phi bèn nói với chồng rằng: - Nó đã nói nó không có tiền, thì nó làm giấy biếu. Nó về dưới xin tiền bà con rồi chừng nào nó trở lên rước con nhỏ thì nó trả cũng được. Tôi ở cũng là rộng rãi, chớ có gắt gao gì đâu. - Ờ, mình tính như vậy thì hoặc may được, chớ bây giờ buộc nó phải trả tiền trước thì tiền đâu nó có. Ánh-Nguyệt ngồi lặng thinh mà nghe hai vợ chồng Ðỗ-Cẩm nói với nhau. Nàng suy nghĩ giây lâu thì hỏi Ðỗ-Cẩm rằng: - Như chú cho cháu làm tờ thì có lẽ được. Mà cháu gởi con nhỏ ở lại đây, chú tính bao nhiêu tiền? - Và tiền cơm và công giữ mỗi tháng một quan. - Cha chả! Chú tính như vậy thì thành ra một năm tới 12 quan, tiền đâu cháu trả. - Mầy gởi nó một năm lận sao? Mầy nói mầy đi chừng mười bữa hoặc nửa tháng mà mầy sợ nỗi gì. Ánh-Nguyệt ngồi trầm-ngâm một hồi nữa rồi nàng chịu. Ðỗ-Cẩm đi lại đàng xóm xin một tờ giấy và mượn viết mực đem về cho Ánh-Nguyệt làm tờ. Ánh-Nguyệt làm tờ mướn vợ chồng Ðỗ-Cẩm nuôi con Thu-Vân tiền công giữ và tiền cơm tính mỗi tháng một quan, y theo lời Ðỗ-Cẩm buộc. Ánh-Nguyệt tính bữa sau lối mặt trời rạng đông thì nàng tìm đường đi bộ mà về Cần-Ðước. Con Thu-Vân tuy còn khờ dại, nhưng mà có lẽ nó hiểu mẹ nó sẽ lìa nó hay sao nên ngày ấy nét mặt nó coi hết vui, mẹ nó ra vô nó cứ lẩm đẩm chạy theo một bên hoài. Ánh-Nguyệt thấy vậy lấy làm tủi lòng, hễ nhìn mặt con thì nàng ứa nước mắt, bởi vậy nàng làm lơ không dám ngó. Tối lại vợ chồng Ðỗ-Cẩm khuyên Ánh-Nguyệt ngủ sớm đặng khuya thức dậy nấu cơm ăn rồi đi cho sớm, Ánh-Nguyệt cũng tính như vậy, nhưng mà đêm ấy nàng nằm một bên con cứ hun hít con hoài, lại mỗi lần hun thì nàng ứa nước mắt ướt mặt con Thu-Vân nên nàng phải lấy vạt áo mà lau. Ðến đầu canh năm nàng lén con thức dậy lấy nồi nấu cơm. Ăn cơm rồi thì mặt trời đã rạng đông và vợ chồng Ðỗ-Cẩm đã thức dậy. Ánh-Nguyệt bưng thếp đèn lại rọi mặt con Thu-Vân, lén hun nó một lần nữa rồi mới từ tạ vợ chồng Ðỗ-Cẩm mà đi. Nàng ra khỏi cửa rồi nàng lại trở lại mà dặn Thị-Phi rằng: - Thím làm phước coi chừng dùm con nhỏ, thím dặn nó đừng có ra chơi ngoài mé sông, nghe hôn thím. Thị-Phi gặt đầu. Ánh-Nguyệt liếc mắt nhìn con một lần nữa rồi mới đi. oOo Trong quyển thứ nhứt chúng tôi đã có thuật truyện một người cùng khổ, tên là Lê-Văn-Ðó, vì lén bưng có một trã cháo heo đem về cho mẹ và sấp cháu ăn đỡ đói mà phải bị quan bắt đày 20 năm tù. Ở tù mãn hạn rồi anh ta tìm đường về xứ, đi dọc đường đói lạnh, ghé nhà nào xin ăn họ cũng xô đuổi, là cho anh ta phiền lòng cực trí, đổi tánh hiền ra tánh dữ, oán hờn hết thảy xã-hội nhơn-quần. Anh ta giận loài người đến nỗi vào chùa Hòa-Thượng Chánh-Tâm cho ăn no ngủ ấm, mà anh ta không thèm tạ ơn, lại ăn cắp bộ chén với cái bình trà mà đi, giận loài người đến nỗi vào một chòi rách, gặp bọn ăn mày mà cũng không biết thương, đàng giựt nồi cơm mà chạy. May nhờ có mấy tiếng chuông là cho anh ta tỉnh giấc say mê; trở lại cái chòi ấy mà trả nồi cơm và lén cho một nén bạc. Anh ta lại nhớ những lời đạo đức của Hòa-Thượng Chánh-Tâm khuyên giải, nên trong lòng cảm xúc, quyết cải tà qui chánh, không hờn trời đất, không oán loài người nữa. Lê-văn-Ðó còn bốn nén bạc, xuống xứ Cần-Ðước, cải danh diệt tánh, xưng mình là Trần-chánh-Tâm, rồi đốn cây cất nhà ở khai phá rừng hoang mà làm ruộng. Nhờ có mấy nén bạc của Hòa-Thượng Chánh-Tâm, nên anh ta mới có thế mà qui tụ dân đông, mà nhứt là anh ta bền chí dầy công, nên trong bốn năm thì anh ta đã mở rừng cấy lúa hơn một ngàn mẫu đất. Ruộng có sẵn, lúa có nhiều, mà chủ ruộng lại từ thiện, bởi vậy dân nghèo ở mấy huyện gần đó dắt vợ cõng con đến Cần-Ðước mà xin ở làm ruộng cho Chánh-Tâm. Ðến năm Quí-Tỵ (1833) là năm nổi giặc Lê-văn-Khôi tại đất Gia-Ðịnh, thì tên Trần-chánh-Tâm đã bay khắp các phủ các huyện, ai ai cũng biết Chánh-Tâm là người cự phú, ai ai cũng nghe Chánh-Tâm là người nhơn từ. Cái danh ấy không phải là danh giả, bởi vì lúc ấy thiệt Chánh-Tâm chứa lúa trong các lẫm kể hơn 10 vạn giạ (một vạn là 10 ngàn), còn những dân nghèo bất luận già trẻ, hễ đến than nghèo thì Chánh-Tâm làm cho no cơm ấm áo hết thảy. Lúc binh triều kéo vô vây Lê-văn-Khôi trong thành Gia-Ðịnh, quan cần dùng lương thực mà nuôi quân lính, nghe Chánh-Tâm có lúa nhiều, bèn hạ lịnh truyền cho Chánh-Tâm phải chở lúa nạp cho quân lính ăn. Có một mình Chánh-Tâm chịu lúa cho mấy ngàn binh triều trót 3 năm trời. Thảo-nghịch hữu-tướng-quân là Phan-văn-Túy nghĩ vì Trần-chánh-Tâm có công với triều đình, nên làm sớ gởi về Huế mà tâu với vua. Vua Minh-Mạng bèn phong cho Trần-chánh-Tâm đến tước “Tùng thất phẩm Thiên-Hộ”. Từ ấy về sau danh thơm của Chánh-Tâm lại càng thên lừng-lẫy; quan dân ở đất Gia-Ðịnh đã tôn-trọng người giàu sang, mà lại còn kính mến lòng hiền đức nữa. Mà Chánh-Tâm được giàu, được sang rồi, chẳng hề tính hưởng sự giàu sang ấy bao giờ. Trong nhà chẳng có một vật chi quý, y phục thì quần vải áo vải mà thôi. Ban ngày thì cứ ở hoài ngoài ruộng, hoặc chỉ đắp bờ đào ao, hoặc coi cày bừa trục phát. Ban đêm thì thường khi chong đèn ngồi cả một hai canh. Trong buồng chẳng có vật chi, chỉ có cái giường ngủ với một cái ghế, trên ghế có để một bộ chén chung với một cái bình, nhưng mà cấm nhặt không cho người ở trong nhà bước chơn vào đó. Lê-văn-Ðó vừa được phong Thiên-Hộ thì hay tin Hòa-Thương ở chùa Chánh-Tâm đã tịch rồi. Thiên-Hộ nhớ mình nhờ ơn người giảng dạy đường ngay lẽ chánh ngày trước nên mình mới hồi tâm định tánh trở nên người có ích cho đời, bởi vậy Thiên-Hộ nghe tin ấy thì lật-đật đi lên Rạch-Kiến mà điếu tang. Khi Thiện-Hộ trở về, thì trong lòng buồn bực ăn ngủ không được, cứ thương tiếc Hòa-Thượng Chánh-Tâm hoài. Ðêm nào Thiên-Hộ cũng chong đèn ngồi mà suy nghĩ. Người ở đời hung dữ rồi cũng chết, từ bi rồi cũng chết, nghèo khổ rồi cũng chết, giàu sang rồi cũng chết. Mình bây giờ giàu có, bạc tiền chất đầy kho, lúa gạo trữ mấy lẫm, những vật ấy để làm gì? Những người ở đất mình, kể hết nam phụ lão ấu gần đến số một ngàn người, ai cũng đều no ấm, nhưng mà ở chốn dương trần nầy có phải chỉ bao nhiêu đó mà thôi đâu. Ngày trước mình nghèo đói, có lẽ ngày nay cũng còn nhiều người khác nghèo đói như mình. Vì ngày trước không có ai hảo tâm cứu giúp, nên thân mình mới lọt vào vòng khốn khổ, còn mẹ thì chết, cháu thì xiêu tán hết. Ngày nay mình có tiền dư, có lúa sẵn, nếu mình dùng tiền với lúa ấy mà cứu kẻ bần hàn, cho khỏi có những Lê-văn-Ðó khác nữa, há chẳng tốt hay sao? Thiên-Hộ nghĩ như vậy rồi trong lòng hớn-hở, dường như có người khuất mặt xúi giục biểu phải làm cho mau. Thiên-Hộ mới xuất tiền cất nhà dãy ngang dãy dọc, chỗ thì để dạy trẻ nhỏ học, chỗ thì nuôi người có bịnh, chỗ thì để nuôi người tật nguyền, chỗ thì để nuôi con nít mồ-côi, chỗ thì để nuôi người già yếu. Trường học thì có rước thầy nho ở dạy, nhà dưỡng bịnh thì có danh-y điều trị, còn chỗ nuôi người tàn tật, người già cả và con nít mồ-côi thì có đặt mỗi chỗ một người đàn bà để điều định xem xét. Vì Thiên-Hộ mắc lo nhiều việc, không thế coi sóc cho hết được, nên Thiên-Hộ cậy bà Hai, là người cho Thiên-Hộ ở đậu lúc mới đến Cần-Ðước, cai quản dùm việc xuất phát trong nhà. Rủi thay bà Hai coi dùm có một tháng kế bà chết, túng thế Thiên-Hộ phải cậy một bà khác, tên là Bạch-Thị, cai quản dùm. Những kẻ bịnh hoạn, già cả, côi cúc nghe Thiên-Hộ Chánh-Tâm thi ân bố đức mà nâng đỡ cứu giúp con nhà nghèo thì xa gần đều kéo nhau đến đó mà cầu cứu. Vì Thiên-Hộ có dặn trước nên ai đến bà Bạch-Thị cũng cho ở hết thảy, song vì bà ghét đờn ông gian-giảo với đờn bà trắc nết nên duy có hai hạng người ấy bà không chứa mà thôi. Một buổi chiều Thiên-Hộ đi viếng nhà nuôi bịnh, vừa vô thì nghe ông lương-y Sanh nói với Bạch-Thị rằng có một người đờn-bà bịnh nặng sợ cứu không được. Thiên-Hộ liền biểu lương-y dắt mình đi lại chỗ người đờn bà ấy nằm mà thăm. Thiên-Hộ vừa thấy mặt thì biến sắc, lại đứng gần một bên giường mà dòm, muốn kêu người ấy mà rồi không kêu, lại day qua dặn lương-y Sanh rằng: - Thầy ráng hốt thử một thang thuốc cho uống hoặc may có khá chăng. Lương-y Danh đáp rằng: - Tôi đương biểu sắc thuốc, để thuốc tới rồi tôi cho uống thử coi như đêm nay tỉnh lại, thì có lẽ tôi cứu được. Thiên-Hộ gật đầu rồi bỏ đi ra; Bạch-Thị liếc coi thì thấy Thiên-Hộ ứa nước mắt. Tối lại, chờ ai nấy đều ngủ hết, Thiên-Hộ mới lén đi một mình xuống nhà nuôi bịnh. Thiên-Hộ cầm đèn đi thẳng lại chỗ người đờn bà hồi chiều đó, thấy trên ghế để gần đầu giường có một chén thuốc còn vài muỗng, mới lấy muỗng múc mà cho uống. Người đờn bà ấy uống rồi mở mắt ngó Thiên-Hộ. Thiên-Hộ đưa đèn nhìn kỹ thấy người ấy già nên mặt dùn da, mà lại đau nên mình ốm nhách, song gương mặt coi giống hịt Thị-Huyền là chị dâu của mình, Thiên-Hộ bèn cúi xuống hỏi nhỏ-nhỏ rằng: - Chị gốc gác ở đâu? Chị phải tên Huyền, hồi trước ở Vồng-Tre hay không? Người ấy nhướng mắt đáp rằng: - Phải. Tôi tên Huyền. Sao ông biết tôi? Thiên-Hộ nghe mấy lời thì bủn-rủn tay chơn, nước mắt chảy ròng ròng nên và khóc và nói rằng: - Té ra chị hay sao? Em là thằng Ðó đây. Chị đi đâu mà mấy năm trước em về Vồng-Tre kiếm chị hết sức không được …? Thiên-Hộ nói chưa dứt lời thì Thị-Huyền lại nói rằng: - Té ra chú nó còn sống hay sao? Trời ôi! Tôi có dè ngày nay còn được gặp chú nó đâu. Chú nó ôi! Tôi chết chớ không chịu nổi. Thiên-Hộ thảm thiết hết sức, song gắng gương hỏi nữa rằng: - Còn sắp nhỏ ở đâu mà chị xiêu lạc đén đây? Thị-Huyền lăng thinh coi bộ mệt lắm. Cách một hồi rồi ráng nói rằng: - Còn đâu mà hỏi! Bị nghèo đói quá nên chết lần làn hết …. Thiên-Hộ nghe nói như vậy thì đau lòng như dao cắt, dằn không được nữa, nên ngồi chồm hổm dưới đất, dựa bên giường; cứ lắc đầu chắc lưỡi kêu trời, chớ không nói được tiếng chi nữa hết. Cách một hồi lâu Thiên-Hộ đứng dậy tính hỏi thăm thêm việc nhà, chẳng dè Thị-Huyền đã nhắm mắt tắt hơi rồi. Ðau đớn thay! oOo Ánh-Nguyệt gởi con cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm mà đi tìm chú với cậu. Phần thì không biết đường nên đi lấn-quấn, phần thì trong lưng không có một đồng tiền, gặp xóm phải ghé xin ăn, qua truông phải đợi có người rồi mới dám đi, ban đêm phải kiếm chỗ ngơi nghỉ, bởi vậy nàng đi tới nửa tháng trường về mới đến quê xưa. Khi nàng đi gần tới xóm nàng ở hồi trước, thì lòng khoan-khoái mà lại bâng-khuâng, khoan-khoái là vì bỏ xứ mà đi chẵn 9 năm trường, nay trở về thấy bước đường cũ, thấy cảnh vật quen thì nàng mừng quýnh, còn bâng-khuâng là vì khi xưa ở đây có cha, nay trở về một mình, đã vậy mà thấy cỏ cây sông rạch cũ mà thẹn-thùa cho chút phận vô duyên, nên nàng tủi thầm. Nàng đi riết lại chỗ nhà cũ, thì nhà đâu mất, duy còn cái nền trọi-lỏi, với cái sân rậm-rạp đó mà thôi. Những bông huệ, bông lan trồng chỗ nầy, vì mất chủ xem, nên điêu tàn, nhường chỗ cho cỏ cú, cỏ cầm chầu tranh tươi, những rau râm, rau vấp trồng chỗ nầy, vì không ai tưới nên rụi hết, nhường chỗ cho rau đắng, rau sam đua mạnh nên rụi hết, không còn được một cây; mấy bụi chuối tiêu trồng phía sau tuy còn sống đủ, song lá rách, đọt còi, nhìn xem càng thê thảm. Ánh-Nguyệt nhìn xem nhà cũ vườn xưa dường ấy, thì tâm thần áo não, giọt lụy tràn-trề, nàng lấy làm đau-đớn cho con người hiệp tan, nàng lấy làm chán ngán cho cuộc đời. Nàng ngó qua phía nhà bà Hai, thì nhà bà sập nát, sân bà cỏ cũng mọc tàn-lan. Nàng ngó quanh-quất thì không thấy một người quen nào mừng rỡ, hoặc ái truất. Nàng khoanh tay ngồi trên đám cỏ mà khóc, khóc nỗi mẹ cha vô phước, khóc nỗi mình phận bạc vô duyên, khóc nỗi con lìa mẹ bơ vơ, khóc nỗi chồng phụ tình bội ước, khóc nỗi cửa nhà tan nát, khóc nỗi danh tiết nhuộm bùn, nàng ngồi khóc cho đến buổi chiều, rồi mới lần đi tìm nhà ông sáu Thới mà hỏi thăm bà con. Ông sáu Thới năm nay tuổi đã gần 70, mà sức lực ông còn mạnh, cặp mắt còn tỏ. Vợ ông chết đã 2 năm rồi, nên ông quạnh hiu có một mình, may nhờ có chút cháu là tên Hiển cưới vợ cất nhà ở một bên, nên lúc buồn mới có người nói chuyện. Ông đương ngồi trước sân mà vá tay lưới, thình-lình Ánh-Nguyệt bước vô, ông hết sức mừng rỡ, nên lật đật đứng dậy hỏi lăng-xăng rằng: - Cháu về hồi nào? Mấy năm nay cháu ở đâu? Bất nhơn quá! Năm trước ông đi với cháu lên Gia-Ðịnh cháu bỏ đi đâu mất làm cho ông chờ đến ba bốn ngày. May là ông hỏi thăm, có người biết họ nói cha cháu đã khuất, còn cháu thì bị quan bắt, nên ông mới biết mà đi về, chớ phải hỏi không ra mối, ông ở chờ hoài, còn cơm gạo đâu mà ăn. Mà tại sao cha cháu chết, rồi quan lại bắt cháu? Mấy năm nay cháu ở đâu? Có chồng hay chưa? Ông hỏi nàng chưa kịp trả lời, rồi ông thôi-thúc khuyên nàng đi thẳng vô nhà mà nói chuyện. Ánh-Nguyệt nghe hỏi thì lòng thêm chua xót, song nàng không biết làm sao mà đáp cho xuôi, chỉ ứa nước mắt ríu-ríu đi theo ông sáu Thới vô nhà mà thôi. Ông sáu Thới quét ván mời, rồi hỏi lăng-xăng nữa. Ánh-Nguyệt lấy làm bối-rối, nửa muốn tỏ thiệt tâm sự, nửa lại hổ ngươi thất tiết, bởi vậy nàng ú-ớ một hồi rồi kiếm lời nói dối rằng vì cha nàng thiếu nợ Ðỗ-Cẩm, vợ chồng Ðỗ-Cẩm đi kiện nàng, nên quan mới bắt rồi dạy nàng phải ở đợ mà trừ nợ. Mấy năm nay nàng ở với vợ chồng Ðỗ-Cẩm, may nhờ có giặc, vợ chồng Ðỗ-Cẩm xiêu lạc, nên nàng mới thoát thân trốn mà về đây. Còn sự chồng con thì nàng sợ nói ra xấu hổ, nên nàng giấu biệt chẳng hề nói đến. Nàng nói chuyện của nàng rồi mới hỏi thăm rằng: - Không biết bà Hai bây giờ bà ở đâu, mà nhà của bà bỏ hư sập vậy ông? Ông sáu Thới lắc đầu đáp rằng: - Còn đâu mà bỏ! Bả chết hồi năm ngoái. - Tội nghiệp dữ hôn! Còn ông có nghe chú và cậu của cháu bây giờ ở đâu hay không? - Chú của cháu là Lý-kỳ-Phùng chết đã lâu rồi, cháu đi có mấy tháng rồi kế nó chết. Còn cậu của cháu là Ðinh-Hòa, ảnh đui mù bóng quáng, phần thì không có ai nuôi dưỡng, nên tội nghiệp thân ảnh quá. Mấy năm nay nhờ có ông Thiên-Hộ làm phước lập nhà nuôi kẻ tật nguyền, ổng cho ảnh vô đó mà ở nên ảnh no ấm, chớ nếu không ai nuôi thì chắc đã ảnh chết rồi. Năm nay ảnh yếu lắm, ảnh lớn hơn ông có 5 tuổi mà coi ảnh già cúp. - Ông Thiên-Hộ làm phước nuôi cậu của cháu, ông Thiên-Hộ nào ở đâu? - Ờ, có một người tên là Trần-chánh-Tâm ở đâu không biết, mà lại đây ở mấy năm nay. Người sẵn có tiền qui dân phá rừng làm ruộng lần lần rồi giàu lớn quá. Ông nhớ hồi (khi) người lại ở xứ nầy, còn cháu ở nhà mà! - Không có. Hồi cháu còn ở nhà thì cháu không có nghe ai lạ đến đây. - Nói vậy cháu đi rồi ông Thiên-Hộ mới đến. Bây giờ ổng thiệt là giàu. Cháu nghĩ đó mà coi, mấy năm binh triều vây thành mà dẹp giặc Khôi, có một mình ổng chịu lúa mà đủ cho quân lính ăn hết thảy, bởi vậy vua mới phong cho ổng chức Thiên-Hộ đó đa. Ổng giàu mà nhơn đức lắm. Ai nghèo nàn hay là tật nguyền bịnh hoạn đến ổng ổng nuôi hết thảy. - Nhà ổng ở đâu? - Ở dưới vàm rạch Mát. Ối! Cháu xuống thấy công việc ổng làm cháu thất kinh. Ổng làm kinh-dinh lắm. - Nói vậy té ra bây giờ cậu của cháu ở tại nhà ông Thiên-Hộ? - Phải. Mà không phải ở tại nhà ổng, ở tại cái nhà của ổng cất để nuôi kẻ già cả tật nguyền đó. - Nhà ấy chỗ nào? - Cũng trong vuông rào của ổng. - Vậy thì để cháu xuống đó cháu tìm mà hỏi thăm việc nhà. - Mà cháu mới về tới đây, chắc chưa ăn cơm. Thôi, để ông đi nấu cơm cho cháu ăn. Ông sáu Thới và nói và đi lấy nồi xúc gạo nấu cơm. Ánh-Nguyệt ăn cơm rồi ở ngủ đó một đêm. Nàng suy tới nghĩ lui, tưởng mình về xứ tìm bà con mà nương nhờ, chẳng dè về đến đây, chú đã chết rồi, cậu bịnh hoạn đương nương nhờ người ta, bây giờ mình làm sao? Sáng ngày sau Ánh-Nguyệt đi viếng mộ của mẹ thấy nó hoang, cỏ mọc, nền sụp, núm lạn [20] thì nàng rất buồn tủi trong lòng. Ðến trưa nàng mới từ giã ông sáu Thới mà đi xuống rạch Mát tìm cậu. Nàng vừa ra khỏi xóm, ngước mặt ngó về phía Rạch Mát, thì rặng rừng cóc ngày xưa đã biến đi đâu mất, bây giờ chỉ thấy đồng ruộng minh-mông bằng phẳng, dài theo rạch nhà lại cửa cất dầy đeo. Khi nàng đến tận nơi rồi, nàng thấy công cuộc của ông Thiên-Hộ làm kinh-dinh thì nàng lắc đầu le lưỡi. Dài theo mé rạch đếm có 10 lẫm lúa, còn sụt vô thì chíng giữa là nhà ông Thiên-Hộ ở, một bên là trường học với nhà nuôi trẻ mồ-côi, còn một bên là nhà nuôi kẻ bịnh hoạn tật nguyền với nhà nuôi người già cả không con . Ánh-Nguyệt hỏi thăm lần lần vô tới nhà nuôi kẻ già. Lúc ấy đã nửa chiều rồi. Nàng bước vô ngó thấy người cậu là Ðinh-Hòa, đương ngồi ngoáy trầu mà ăn. Tuy Ðinh-Hòa đã ốm và già hơn xưa, song Ánh-Nguyệt ngó thấy thì biết liền, bởi vậy nàng đi riết lại vỗ vai và khóc và nói rằng: - Cậu năm nay trong mình cậu mạnh giỏi thể nào? Cháu mới về tới hôm qua, hỏi thăm họ nói cậu ở đây, nên cháu vô đây mà thăm. Ðinh-Hòa mù quáng không thấy mặt Ánh-Nguyệt, phần thì cậu cháu xa cách nhau đã 9 năm rồi nên không nhớ tiếng, bởi vậy Ðinh-Hòa vinh mặt, nhai trầu, nháy mắt mà hỏi lơ láo rằng: - Ai đó? - Cháu là Ánh-Nguyệt. - Ờ, té ra cháu hay sao? - Dạ. - Bất nhơn dữ hôn! Năm trước cậu nghe nói dượng ba nó mất, mà chừng nghe nói thì cháu đã đi rồi. Sao cháu đi rồi mấy năm nay cháu không về, vậy chớ cháu ở đâu? Ánh-Nguyệt và khóc và kể chuyện của mình lại cho cậu nghe, song nàng cũng giấu biệt không dám tỏ sự có chồng có con, vì sợ e nói ra cậu trách sao lấy chồng không đợi lịnh của cậu. Ðinh-Hòa nghe thân cháu cực khổ ông thương, nên ông khóc ròng. Mấy ông già ở trong nhà ấy thấy cậu cháu gặp nhau mà kể việc nhà thê-thảm quá như vậy, thì hết thảy đều cũng động lòng. Chừng Ánh-Nguyệt nói dứt chuyện của nàng rồi, Ðinh-Hòa mới nói rằng: - Bây giờ cháu tính đi đâu nữa, hay là về ở luôn dưới nầy? Ánh-Nguyệt lấy làm bối rối, nên ngồi suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: - Cháu về đây thiệt ý cháu tính về nương dựa cô bác bà con, chẳng dè về đến đây mới hay chú của cháu đã mất rồi, còn cậu thì tật nguyền nghèo khổ đến nỗi phải nương náu chỗ nầy. Trong vòng bà con bây giờ còn ai nữa đâu, bởi vậy chắc cháu phải đi xứ khác kiếm nơi nương dựa. Ðinh-Hòa khóc và nói rằng: - Con cháu bây giờ còn có một mình cháu, nếu cháu bỏ xứ mà đi, đến chừng cậu chết chắc là không thấy mặt…. Ánh-Nguyệt nghe cậu nói mấy lời ấy, nàng càng thêm cảm xúc, nên nước mắt tuôn dầm-dề. Hai cậu cháu đương ngồi khóc với than, thình-lình Bạch-Thị, là người của ông Thiên-Hộ đặt ra để thay mặt cho ông mà quản xuất mọi việc, bà ở ngoài bước vô nhà dưỡng lão. Bà nầy tuổi chừng lối 55, vóc lớn cao, da trắng nõn, răng chưa rụng, tóc còn đen, tướng đi đứng dịu dàng, cách ăn nói hòa huỡn. Tuy bà ít nói ít cười, song bà có thiện tâm, thường thương yêu người nghèo khổ. Bà có tánh nầy ai ai cũng đều kính sợ, là bà ăn ở ngay thẳng, mà bà lại ghét những kẻ giả dối, nhứt là không ưa trai gian tà, bà không chịu gái mất nết. Khi bà bước vô nhà dưỡng lão bà thấy cậu cháu Ðinh-Hòa đương ngồi khóc thì bà chưng-hửng, đứng nhìn Ánh-Nguyệt trân-trân. Mấy ông già với Ánh-Nguyệt thấy bà vô thì đứng dậy chào bà hết thảy, duy có một mình Ðinh-Hòa không ngó thấy nên cứ ngồi mà khóc. Bạch-Thi ngó Ánh-Nguyệt mà hỏi rằng: - Cháu ở đâu? Vô đây có việc chi? - Thưa bà, cháu đi xa mới về, nghe nói cậu của cháu nhờ ân đức ông Thiên-Hộ nên được vô đây mà dưỡng bịnh, bởi vậy cháu tìm đến đây mà thăm. - Cháu là con của ai, cháu tên chi? - Thưa, cháu là con của Lý-kỳ-Nguyên, tên là Lý-ánh-Nguyệt, gốc ở xứ Cần-Ðước nầy. - Có phải ông già cháu năm trước đi thi, rủi nhuốm bịnh bỏ mình trên Gia-Ðịnh đó hay không? - Thưa phải. - Tội nghiệp dữ hôn! Cháu có mấy anh em? Từ khi ông già cháu mất rồi cháu ở đâu? Có chồng hay chưa? - Thưa bà, cháu một mình, không có anh em chi hết. Khi cháu hay tin ông già cháu đau nặng, cháu lật-đật lên Gia-Ðịnh tính đem ông già cháu về mà lo thuốc thang. Chẳng dè lên đến đó thì ông già cháu đã mất rồi. Vì ông già cháu lúc đau ốm có mắc nợ người ta nên họ bắt cháu ở cố công, chừng nào có tiền trả đủ rồi mới được về. May nhờ có giặc, thiên hạ chạy trốn hết, nên cháu mới thoát thân, rồi lần-lần mới trở về đây. - Nhà giàu nào mà bất nhơn dữ vậy, thiếu bao nhiêu tiền mà đến nỗi bắt người ta ở cố công. Mà bây giờ cháu đã có chồng hay chưa? Ánh-Nguyệt cúi đầu đáp nhỏ rằng: - Thưa chưa. Bạch-Thị hỏi tiếp rằng: - Vậy thì bây giờ cháu ở với ai? Cháu có phương thế chi làm ăn hay không? Ánh-Nguyệt nhỏ-nhẹ đáp rằng: - Bà con của cháu bây giờ chỉ còn có một mình cậu của cháu đây mà thôi. Mà cậu của cháu thì già cả nghèo nàn, cháu không nương dựa được, bởi vậy cháu tính rồi đây cháu phải đến xứ khác kiếm chỗ làm ăn. Ngặt vì cậu của cháu già mà lại có bịnh, không biết còn mất bữa nào, nên cháu không nỡ bỏ mà đi. Vậy để vài bữa rồi cháu sẽ liệu. - Thôi thì ở đây, đi đâu làm chi. Sắp nhỏ mồ côi càng ngày càng đông, có một mình Hồng-Thị coi không xiết. Vậy thì cháu ở đây giúp với Hồng-Thị mà săn sóc dùm sắp nhỏ đó. Cháu làm tại đây thì ăn ở tại đây. Ðể bà nói với ông Thiên-Hộ mỗi năm cho cháu thêm vài ba quan tiền, được hôn? Ánh-Nguyệt cúi đầu suy nghĩ. Bạch-Thị ngó nàng rồi nói tiếp rằng: - Phận cháu là gái, bây giờ không có chỗ nương dựa, vậy ở đây thì tốt hơn hết. Bà dặn cháu có một đều nầy -- Ông Thiên-Hộ là người nhơn đức, song ổng không ưa con gái trắc nết. Vậy cháu ở đây, thì làm việc phải siêng-năng, lại nết-na phải giữ cho tử-tế. Nếu cháu chịu ở thì ở liền bây giờ cũng được. Ánh-Nguyệt vì con nên dụ-dự, mà nếu không ở đây, bây giờ biết đi đâu. Ðã vậy mà Ðinh-Hòa thương cháu nên cũng khuyên nàng ở đặng gần-gũi, bởi vậy Ánh-Nguyệt chịu ở. oOo Ánh-Nguyệt ở tại nhà mồ côi của ông Thiên-Hộ Chánh-Tâm mà săn sóc sắp nhỏ. Nàng nghe danh ông Thiên-Hộ có đức, lại thấy công việc của ông làm thiệt là có nhơn, bởi vậy nàng có ý trông gặp mặt ông đặng xem coi tướng mạo thế nào mà tánh tình tốt dường ấy. Từ khi ông Thiên-Hộ gặp chị dâu là Thị-Huyền một cách rất thảm thiết, thì ông buồn rầu áo-não, bởi vậy ông cứ ở trong nhà riêng hoài, không muốn đi xem xét các công việc của ông làm nữa. Lâu lâu ông mới đi coi trường học và mấy nhà nuôi bịnh, nuôi kẻ già, nuôi kẻ mồ côi một lần, song ông có đi thì đi thì đi lúc ban đêm, nên ít ai thấy mặt. Ai muốn nói việc chi với ông thì cứ nói với Bạch-Thi, rồi Bạch-Thị chuyển đạt lại cho ông, bởi vậy Ánh-Nguyệt ở với ông mà không thấy mặt ông được. Ánh-Nguyệt thấy trẻ nhỏ mồ côi thì nàng càng nhớ con tha-thiết, ăn ngủ không yên. Có đêm nàng nằm mà khóc đến sáng. Nàng nghĩ phận nàng thiệt là khó liệu. Trong vòng bà con bây giờ chỉ còn có một ông cậu mà thôi. Còn ông cậu thì còn có một mình nàng, chớ không có con cháu nào khác. Cậu già yếu tật nguyền. Mình tính đi xứ khác làm ăn. Cậu mở miệng than mấy lời như vậy, mình đi sao đành. Tuy ở đây thì đã yên thân lại được gần cậu song ở đây rồi bỏ con hay sao? Nếu lên Vũng-Gù đem con về, người ta hỏi chưa có chồng sao lại có con, thì mình nói sao cho xuôi? Mình tỏ thiệt sự Hải-Yến bạc-bẽo thì mang lỗi với cậu, vì lấy chồng sao không thưa cho cậu hay, mà dầu mình tỏ thiệt biết người ta có tin hay không, sợ người ta nghi mình là trắc nết thì càng xấu hổ cho tông môn mình nữa. Mà bây giờ mình lên Vũng-Gù rước con, tiền đâu mà trả cho Ðỗ-Cẩm. Hễ gởi con ở lâu chừng nào thì số tiền càng tăng lên chừng nấy. Theo lời bà Bạch-Thị nói thì mình ở đây ông Thiên-Hộ trả cho mình mỗi năm vài ba quan tiền, còn mình gởi con cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm thì mỗi tháng phải chịu một quan, tính ra mỗi năm tới 12 quan, tiền đâu đủ để trả. Khổ thay! Khó liệu thay! Nàng suy tới tính lui một đàng thương con, một đàng thương cậu, một đàng nữa là danh dự của tông môn. Tuy cha mẹ mình nghèo, song xưa nay ở trong làng trong xóm đã giữ cái danh cho họ Lý trắng như tuyết, trong như gương, sanh mình là gái, mình đành đem cái danh thơm tiếng tốt của cha mẹ mà chôn xuống bùn hay sao? Nàng dụ-dự hoài không biết lẽ nào phải mà quyết định. Nếu vì con mà đi thì lỗi với cậu. Nếu vì cậu lại vì luôn con mà đem con về đây, thì nhơ danh tiếng của họ Lý. Bởi nàng liệu định không được, nên nấn ná ở đó hoài. Ngày qua tháng lại, Ánh-Nguyệt tính lại thì nàng ở nhà nuôi trẻ mồ côi đã gần 6 tháng rồi. Một đêm nọ nàng thương nhớ con quá, dằn lòng không đặng, nàng mới tính mướn ông sáu Thới lên Vũng-Gù mà thăm dùm con coi nó mạnh giỏi thể nào. Sáng bữa sau nàng xin phép bà Bạch-Thị đặng lên nhà ông sáu Thới. Nhưng vì nàng sợ xấu nên lên tới đó nàng nói dối với ông sáu Thới rằng lúc ở Gia-Ðịnh nàng có quen với một người chị em bạn gái. Người ấy vì giặc-giã vợ chồng xiêu lạc nên buồn rầu nhuốm bịnh mà chết, song trước khi chết có gởi lại cho nàng một đứa con gái. Nàng nuôi mấy năm nên thương yêu cũng như con ruột. Khi về đây nàng gởi lại cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm. Vậy nàng cậy ông sáu Thới lên thăm dùm vì phận nàng là gái đi xa chẳng tiện. Nàng nói thì ông sáu Thới sẵn lòng đi dùm liền. Nàng mới viết một phong thơ nói riêng cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm hay sự nàng khốn đốn ở dưới nầy và cậy vợ chồng Ðỗ-Cẩm ráng nuôi dùm con Thu-Vân -- nàng hứa hễ ông Thiên-Hộ mỗi năm phát tiền công cho nàng bao nhiêu thì nàng gởi hết lên cho. Ông sáu Thới lãnh thơ rồi mượn xuồng lối xóm bơi mà đi. Cách ít ngày ông về tới, ông xuống sở của ông Thiên-Hộ kiếm Ánh-Nguyệt mà trao một phong thơ của Ðỗ-Cẩm trả lời và nói rằng con Thu-Vân không bịnh hoạn chi, song nó ốm lắm. Ánh-Nguyệt nghe nói con ốm thì đau lòng, mà chừng đọc thơ thấy Ðỗ-Cẩm thôi thúc biểu phải đem 6 quan tiền trả cho đủ mà rước con Thu-Vân, nếu để trể anh ta phải bán nó, vì nghèo nuôi không nổi nữa, thì nàng càng thêm bối rối. Nàng tạ ơn ông sáu Thới và khuyên ông về nghỉ, song nàng dặn ông chừng đôi ba bữa ông trở xuống đặng cho nàng cậy việc khác. Nàng lấy làm buồn-bực xốn-xang vô cùng. Tiền đâu có mà gởi cho Ðỗ-Cẩm. Mà dầu có tiền đi nữa, nếu rước con Thu-Vân về rồi để nó ở với ai. Nếu không trả tiền đủ số mà rước con thì Ðỗ-Cẩm nó bán cho họ, rồi sau mình biết đâu mà tìm. Có lẽ rước về đây mình gởi cho ông sáu Thới nuôi dùm thì được. Ngặt vì bây giờ làm sao cho có đủ 6 quan tiền. Ðêm ấy nàng nằm gát tay qua trán mà lo tính. Nàng nghĩ ông Thiên-Hộ là người nhơn đức, ai nghèo ông nuôi, ai bịnh ông cũng cứu. Thân mình khốn khổ nếu ông rõ thấu, có lẽ nào lại chẳng giúp mình hay sao? Nàng nghĩ như vậy nên nàng mới tính lập thế giáp mặt với ông Thiên-Hộ đặng tỏ thiệt tâm sự của mình cho ổng nghe, rồi lạy mà xin ổng 6 quan tiền đem lên trả cho Ðỗ-Cẩm và rước con Thu-Vân đem về để tại nhà mồ côi mà nuôi. Ánh-Nguyệt tính như vậy có lẽ nàng tưởng là tính đúng lối, bởi vậy nàng hớn-hở trong lòng, nên mới ngủ được. Qua ngày sau nàng dợm muốn đi đại lên nhà ông Thiên-Hộ hai ba lần, mà vì nàng ở đây gần 6 tháng rồi nàng chưa thấy mặt ông Thiên-Hộ cho chán chường, bởi vậy nàng sợ oai nên phập phồng hoài, nàng dợm mấy lần, mà không dám đi lần nào hết. Tối lại ai nấy đều ngủ hết. Ánh-Nguyệt ngồi một mình dựa cửa mà ngó lom-lom lên nhà ông Thiên-Hộ. Trăng mùng 8 đã không tỏ, mà lại còn bị mây án nên trời đất lờ-mờ. Cách một hồi, Ánh-Nguyệt thấy nhà ông Thiên-Hộ mở cửa rồi có một người đờn-ông bước ra sân. Nàng tưởng chắc người ấy là ông Thiên-Hộ, nên nàng khấp-khởi trong lòng, lật-đật đứng dậy rồi bước nhẹ-nhẹ đi lần lại gần. Nàng thấy người ấy ra trước sân, ngước mặt ngó lên trời một lát rồi cuối mặt xuống mà đi. Người ấy ngó xuống đất mà đi, không hay nàng đi theo sau lưng. Người ấy đi một vòng chung quanh nhà rồi tới cửa bước vô đóng cửa lại, không thấy Ánh-Nguyệt, mà Ánh-Nguyệt vì người ta không thấy, nên cũng không nói tiếng chi được. Ánh-Nguyệt lấy làm ức-uất trong lòng, quyết đợi đêm khác ông Thiên-Hộ đi ra nữa, nàng sẽ đón đường mà nói chuyện. Vì có lời dặn trước, nên sáng bữa sau ông sáu Thới xuống kiếm Ánh-Nguyệt mà hỏi coi nàng còn cậy việc chi nữa. Ánh-Nguyệt lại trường học xin thầy giáo một miếng giấy và mượn viết mực về viết một bức thơ cho Ðỗ-Cẩm mà xin huỡn huỡn đợi ít ngày, nàng sẽ gởi đủ số tiền lên rồi rước con Thu-Vân. Nàng trao bức thơ ấy cho ông sáu Thới và mượn ông đón coi có ghe nào đi Vũng-Gù thì gởi cho họ đem dùm lên cho Ðỗ-Cẩm. Ông sáu Thới lãnh bức thơ rồi ra về. Vã trong nhà mồ côi thì có Hồng-Thị cai quản. Hôm trước ông sáu Thới vô nói to-nhỏ rồi đưa thơ cho Ánh-Nguyệt, Thị-Hồng đã ngó thấy. Ánh-Nguyệt đọc thơ rồi buồn rầu mấy bữa rày Hồng-Thị cũng liếc thấy. Nay Ánh-Nguyệt viết thơ trao cho ông sáu Thới, Hồng-Thị cũng ngó thấy nữa. Hồng-Thị nghi cho Ánh-Nguyệt ở đây mà tình ở đâu, nên mới có thơ vô thơ ra. Hồng-Thị liền đem chuyện ấy mà thuật lại cho Bạch-Thị nghe, mà khi thuật chuyện lại lấy sự nghi ngờ mà đổi ra sự quả quyết. Thị-Bạch nghe rồi, không gạn đục lóng trong, không hỏi đi xét lại, đến nửa chiều bà vào nhà mồ côi kêu Ánh-Nguyệt mà nói trước mặt sắp con nít rằng: - Phận làm con gái phải ở cho có nết na, phải giữ cho tròn trinh tiết. Theo như lời cháu tỏ bà nghe ngày trước, thì cháu là con nhà lễ nghĩa, sao cháu không biết giữ danh giá, học đòi thói huê nguyệt gió trăng chi vậy? Bà có nói trước -- ông Thiên-Hộ là người nhơn đức, song ông thương kẻ phải, mà ông lại ghét kẻ quấy, nhứt là ông ghét thứ con gái trắc nết lắm. Mấy bữa rày cháu lãnh thơ vô, cháu gởi thơ ra mà tỏ tình với trai. Vậy ông Thiên-Hộ đã nhứt định đuổi cháu ra khỏi nhà ông, rồi mặc tình cháu muốn gió trăng chừng nào cũng được, vì cháu ở đây mà làm quấy như vậy thì treo cái gương xấu cho sắp nhỏ nó bắt chước không nên. Thôi cháu đi đi. Bạch-Thị nói dứt lời liền xay lưng đi ra. Ánh-Nguyệt ức-uất mà lại thẹn thùa, nàng muốn trả lời mà nghẹn cổ nói không ra tiếng. Bạch-Thị ra tới cửa rồi day lại nói vói rằng: - Ông Thiên-Hộ nói cháu phải đi ra lập tức. Vậy cháu phải đi liền bây giờ, đừng ở nán lại đó ông hay ông rầy. Sắp con nít mồ-côi đứng ngó Ánh-Nguyệt trân-trân. Ánh-Nguyệt nghe lời vu oan thì tức lòng, mà thấy trẻ nhỏ ngó lại hổ thẹn, bởi vậy nàng cúi mặt bước ra cửa đi liền, mà nước mắt tuôn dầm dề. Lúc đi ngang qua nhà dưỡng lão, nàng ghé lại đó vỗ vai Ðinh-Hòa và khóc mà nói rằng: - Người ta đuổi không cho cháu ở đây nữa. Người ta lại nói chuyện xấu hổ cho cháu lắm. Thôi cậu ở đây mạnh giỏi, để cho cháu ra. Ðinh-Hòa nghe cháu nói như vậy thì chua xót trong lòng nên hỏi rằng: - Cháu ra rồi nương dựa với ai? - Cháu không cần gì. Thân cháu bây giờ còn kể gì nữa. Miễn là ra khỏi chốn xưng làm phước mà thiệt làm ác nầy rồi thì thôi, cháu đi đâu hay là ở đâu cũng không sá gì. - Phải chi cậu sáng sủa hai con mắt, cậu mạnh giỏi như người ta, thì thân cháu có đến nỗi như vầy đâu! Cháu đi thì cậu ở đây sao yên! Trời đất ôi! Khổ chi dữ vầy! Ánh-Nguyệt nghe cậu than mấy lời, thì nàng đứt ruột. Nàng đã buồn thảm mà thấy cậu lại buồn thảm hơn nàng nữa, bởi vậy nàng tủi lòng khóc rống lên một hồi, rồi gắng gượng làm khuây khuyên cậu hãy ở đó mà dưỡng bịnh, nàng hứa rằng nàng sẽ kiếm chỗ ở đậu tại Cần-Ðước mà làm ăn cho gần gũi cậu, chớ nàng không đi xa. Ðinh-Hòa căn dặn chừng ở chỗ nào yên rồi thì cho ông hay, kẻo ông lo. Ánh-Nguyệt chịu lời, rồi từ biệt cậu mà trở lên nhà ông sáu Thới. Ông sáu Thới đương ngồi trong nhà, thấy Ánh-Nguyệt bước vô mà nước mắt nước mũi chàm-ngoàm thì ông lấy làm lạ nên lật-đật hỏi có việc gì. Ánh-Nguyệt ngồi xề lại góc ván rồi khóc mà kể sự nàng bị đuổi rất oan-ức lại cho ông nghe. Ðương lúc tức-tủi, nàng mất hết trí khôn, nàng không còn kể danh dự chi nữa, nên nàng tiếp mà thuật luôn sự Hải-Yến giả dối, gạt nàng rồi bỏ giữa đường làm cho nàng đã hư danh tiết mà lại có con lòng-thòng thêm nữa. Ông sáu Thới nghe đủ mọi đều, ông cũng tức giận nên, nên đứng dậy bước ra đứng dựa cửa mà nói rằng: - Ở đời thiên-hạ họ giả dối độc ác lắm, không biết thương con nhà nghèo. Vậy mà họ lại giàu sang, mới kỳ chớ! Ánh-Nguyệt nghe mấy lời ấy như giục lòng nàng oán hận thêm nữa, bởi vậy nàng cũng đứng dậy mà nói rằng: - Cháu đã hết sức giữ tử-tế; thiên hạ họ xấu quá, họ hiệp nhau quyết làm cho nát thân cháu, thì cháu làm sao mà tránh cho khỏi. Trời Phật, xin chứng dùm cái lòng trinh bạch nầy, xin chứng dùm cái thói độc ác của thiên-hạ một chút! Ðêm ấy Ánh-Nguyệt sòng-sòng quyết lên Vũng-Gù tìm con, dầu Ðỗ-Cẩm làm khó dễ thế nào cũng được, miễn là mẹ con được gần nhau thì thôi. Ông sáu Thới theo can hoài, ông khuyên ở đây với ông, thủng thẳng là kiếm tiền rồi sẽ lên chuộc con Thu-Vân đem về nhà ông mà nuôi. Ánh-Nguyệt tuy muốn đi, song nghe ông sáu Thới khuyên nhằm lý, lại nhớ mấy lời thảm thiết của Ðịnh-Hòa nữa, bởi vậy nàng dụ-dự, không biết tính lẽ nào. Nàng sực nhớ nàng ở với ông Thiên-Hộ trọn 6 tháng, mà chừng ông đuổi nàng, không trả tiền, thì nàng càng oán ông Thiên-Hộ nhiều hơn nữa. Ánh-Nguyệt còn lưỡng-lự, chua quyết phải ở hay là đi, thình lình nàng nhuốm bịnh nóng vùi, mê sảng không biết chi hết. Ông sáu Thới lo sợ, rước thầy thuốc coi mạch dùm, thì thầy thuốc nói Ánh-Nguyệt bị ban cua lưỡi trắng, bịnh nặng nên khó mạnh, mà dầu có mạnh thì cũng lâu lắm. Chú thích : [16] thất bại, không đạt kết quả như dự định [17] một miếng [18] miếng lớn [19] nài: dây choàng vào cổ trâu bò, ách: thanh gỗ đặt lên cổ trâu để cày, bừa, trục, cộ. Nghĩa đen chỉ sự chống đối của gia súc bằng đủ cách để khỏi phải làm việc nhọc nhằn, nghĩa bóng: người con gái không tuân lịnh cha mẹ định việc đôi lứa. [20] bị san bằng, chỗ cao thành thấp chỗ sâu thành cạn