Cô văn công và người bán vé số
Thế Hải
Ngôi nhà của Hường nằm cách lộ đất đỏ chừng trăm mét, từ lộ vô đây chỉ có bốn nóc nhà tường đất, mái lá , và cùng quay về hướng Nam. Bốn gia đình thông với nhau bằng lối mòn chạy trước cửa, vừa đủ cho xe đạp đi lọt. Nghèo như nhau và cùng đông con như nhau, gia đình nào cũng bảy, tám nhân khẩu. Xứ này đã đất cát còn nhuốm phèn. Lúa, chỉ trồng được mùa mưa, mùa khô trồng đậu không kết trái, trồng khoai ra lá nhỏ như rau răm, lấy đâu ra củ.
Hường vơ vội bó củi khô, chạy lẹ về nhà cho khỏi ướt, đặng kịp nấu cơm, lũ nhỏ sắp tan lớp chiều. Cái xóm này, con nít học tới lớp 3, lớp 4 là nghỉ ở nhà, con trai phụ cha mẹ làm ruộng, làm rẫy, con gái bế em, nấu cơm. Riêng nhà Hường cho đầy đủ lũ nhỏ đến trường, chẳng gì cũng là con nhà văn nghệ sĩ cách mạng, cha mẹ đều đã qua lớp 7 từ những ngày kháng chiến.
Sau ngày miền Nam giải phóng, các đoàn nghệ thuật cấp sư đoàn không còn biên chế, Hường cũng như nhiều anh chị em khác cùng đơn vị giã từ quân ngũ trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng chiến tranh ác liệt, cha mẹ, anh em lưu lạc, thất tán mãi đâu đâu, biệt vô âm tín. Vậy là vợ chồng Hường bơ vơ…
Đất đai không có, nghề nghiệp cũng không, biết chút đờn ca thì nay tuổi đã lớn, ai nghe…Hai vợ chồng kiếm tạm chỗ nương thân, làm bất cứ việc gì có thể, đắp đổi qua ngày. Túp lều mà Hường và lũ con đang trú ngụ do ủy ban xã cho mượn tạm nền đất của một người vắng mặt đi làm ăn xa. Cơm không no, áo chẳng lành, nhưng tình nghĩa vợ chồng cộng với tình đồng đội, đồng chí, lại còn được thử thách trong bom đạn trải qua bao nhiêu năm tháng khiến ba đứa con: Cúc, Trang, Sen lần lượt chào đời. Lần nào đến ngày sinh, vợ chồng Hường cũng bồn chồn lo lắng, nhiều năm sống trong vùng Mỹ rải chất độc màu da cam, không biết con mình sinh ra có khiếm khuyết gì không? Trời thương, cả ba cô con gái đều xinh xắn, vẹn toàn. Con Sen vừa qua thôi nôi, chồng Hường ngã bệnh, nhà vùng sâu, thuốc kém, con vi trùng sốt rét vẫn chưa buông tha…Một ngày mưa dầm dề, chồng Hường ra đi, bỏ lại vợ hiền cùng ba đứa con thơ dại.
Nghiến răng, Hường bao choàng mọi việc, vừa làm mẹ, vừa làm cha, cả tâm hồn lẫn thể xác Hường như sắt lại. Các con của Hường phải được ăn no, mặc lành, phải được cắp sách tới trường…để hương hồn người chồng vắn số được bình thản, vô ưu.
Lũ nhỏ về, ướt lướt thướt mà cười giỡn rần trời. Bữa cơm nào con Sen cũng giành với hai chị để được bới chén cơm đặt lên bàn thờ, thắp nhang cúng cha rồi mới ngồi xuống ăn. Mấy con tép rang, bát canh khổ qua, đĩa nước mắm ớt mà bốn mẹ con ăn rào rào.
Mùa mưa năm nay kéo dài quá, gần hết tháng 10 vẫn mưa suốt tuần, ông trời không chừa cho một hai ngày nắng ráo để Hường chằm thêm mấy tấm tranh gài lên mái nhà lấp lại những chỗ chuột cắn làm ổ. Chuột năm nay phá dữ, hết cắn lúa ngoài đồng, lại vô nhà đẻ con, có bữa chuột còn đỏ hỏn rớt lộp bộp xuống nóc mùng, mấy đứa nhỏ khoái chí lượm bỏ vô lon sữa bò mang tới lớp chọc cô giáo từ thành phố mới về thực tập.
Tối tối, nhìn lũ nhỏ học bài, đứa ngồi viết, đứa nằm trên chõng tre ê a ráp vần, mọi nỗi mệt nhọc ban ngày trong Hường bỗng tan biến đâu hết. Quần quật suốt ngày, lúc chạy chợ, lúc làm thuê. Khi đi hội họp Phụ Nữ ấp, xã, khi đưa con đi chích thuốc, khám bệnh, rồi tham gia văn nghệ quần chúng…chẳng khi nào Hường rảnh rỗi.
Những đêm mưa lớn, nước mưa tràn qua nền đất nên trôi cả mấy đôi dép nhựa, dột tong tỏng trên nóc mùng ướt hết chổ nằm của bốn mẹ con, Hường phải lấy tấm tăng kỷ niệm thời ở rừng phủ lên nóc mùng cho mấy đứa nhỏ tròn giấc, những lúc đó Hường nhớ chồng da diết, nhớ nhung mùa mưa anh đứng che tấm mủ để Hường cho con bú, rồi anh hứa: nhất định sẽ kiếm tiền dựng cho mấy mẹ con một ngôi nhà mái ngói, tường xây, nền lát gạch bông, có mái hiên dành mắc võng những buổi trưa hè…cho bớt khổ. Từ ngày chồng mất, nỗi ao ước có mái nhà khang trang chẳng còn lưu lại trong tâm trí, Hường lo ăn, lo học cho ba đứa nhỏ còn hụt hơi, đất ở còn đi mượn, sao dám mơ nhà mới.
Chiều nay Hường ra chợ huyện mua thuốc cảm cho con Trang, mấy bữa rày nó bỏ cơm, nghĩ thương con, Hường vét tiền trong túi mua ổ bánh bông lan vừa dư 2.000đ. Xuống đò, ngồi cạnh chị bán vé số, chị ta nhìn mặt Hường rồi năn nỉ: " Chị mua giùm tôi hai tấm vé này đi. Bữa nay ngoài đại lý cắc cớ trả tiền công bằng hai tấm vé này, tôi không có một đồng mua gạo, tối nay mấy mẹ con tôi nhịn đói là cái chắc ". Hường áy náy lần túi áo rồi quyết định. " Chỉ còn bây nhiêu, tôi mua giúp chị một tấm ". Chị bán vé số lấn tới: " Tui bán thiếu cho chị tấm còn lại, tui biết chị bán hàng ngoài xã mà ". Giật lấy tờ 2.000đ, chị ta giúi ngay hai tấm vé số vào tay như sợ Hường đổi ý. Đò cập bến, chị bán vé số mua vội lít gạo rồi đi như chạy. Hường nhìn theo lắc đầu mà nghĩ thầm: hay vé giả ?
Ngày hôm sau Trang sốt cao hơn, Hường bỏ buổi chợ ở nhà chăm sóc con . Có mẹ, con Trang mừng lắm, nó ăn gần hết ổ bánh cho mẹ vui lòng, chỉ chừa cho Sen chút xíu. Hường âu yếm dỗ dành: " Má nấu cháo cho con ăn đỡ nghe ". Nồi cháo vừa sôi chợt có tiếng người lao xao ngoài đường. Hường bước ra sân đụng ngay chị bán vé số " Trời đất, tôi quên khuấy còn thiếu chị tiền, bữa nay con nhỏ bệnh tôi không ra chợ , chị chờ tôi qua hàng xóm mượn tiền trả cho chị nha". Chị bán vé số không nói năng gì, ra sau hè nhìn quanh rồi quay lại hỏi: " Chị ở đây đã lâu chưa ? Sao không trồng thêm vài liếp rau ? Đất này của tui nhờ xã trông giùm mà ? " . Hường lo lắng: " Vậy bữa nay chị tính đòi đất hay sao ? ", " không ! - chị bán vé số nắm tay Hường – " Chị chưa dò kết quả hả ? Trúng rồi chị ơi ! Độc đắc đấy ! Trúng rồi ". Hường ngơ ngác: " Trúng sao ? Độc đắc là sao ?", chị ta tiếp: " Chiều hôm qua tui cầm hai tấm vé ấy năn nỉ cả chục người mà không ai chịu mua, tui nhớ số 23116 mà. Đêm qua tui thức trắng, tiếc hùi hụi. Đã cầm trong tay còn để sẩy, mình chưa có phận mà. Tui ra chợ kiếm chị, người ta chỉ lòng vòng, ai dè chị lại ở ngay đất của tui. Chắc chị ăn ở phúc đức lắm mới hên như vậy chứ ".
Như trong mơ, đôi chân bỗng nhẹ hẫng, Hường bước đi như lướt trên mặt đất. Độc đắc cặp đôi những một trăm triệu. Hường véo vào cánh tay mình coi thử mơ hay thiệt. Một trăm triệu lớn lắm, Hường biết điều đó, anh em đồng đội có hứa đi vận động đóng góp, khi nào đủ 15 triệu sẽ cất cho mẹ con Hường ngôi nhà tình nghĩa, nghe nói ba năm rồi mới gom được vài triệu, bởi anh em cũng nghèo. Một trăm triệu, con số ấy cho Hường nghĩ tới đủ chuyện: may đồ mới cho con, mua xe đạp thồ hàng ra chợ cho đỡ cực, có vốn mua con heo nái, sắm cái tivi xài bình cho lũ nhỏ coi cải lương, coi phim hoạt hình, xây cái nhà nho nhỏ thôi, còn gửi tiết kiệm phòng lúc đau bệnh…Nhưng xây nhà chỗ nào ? Đất này đâu phải của mình. Hường bắt đầu thấy lo.
Người bán vé số vẫn than thân, trách phận: " Mấy năm nay tui đi bán vé số, vừa để kiếm gạo nuôi bầy nhỏ, vừa hy vọng may ra trời thương cho trúng vài triệu về đây cất cái nhà lá làm chỗ chui ra chui vào, ở đậu mãi nhà người ta nhục lắm chị ơi. Miếng đất này khi chồng tui chết, ba má ổng chia cho mẹ con tui, đất sâu cùng kiệt này bán ai mua, tui bỏ đó, nhờ xã trông giúp để dắt bầy nhỏ đi kiếm ăn. Thôi trưa rồi, tui về, lo cơm nước cho bầy nhỏ, chị rảnh thì theo tui chỉ chỗ lãnh thưởng. Tui không dám đòi nhưng nếu được chị thương, tui xin chị vài trăm ngàn làm vốn lo cho bầy nhỏ nhà tui ".
Hường biểu chị bán vé số chờ rồi chạy ra trường học xin cho con Cúc về sớm trông em để chị đi lãnh thưởng ngay. Qua ủy ban xã, Hường cẩn thận nhờ người bạn chồng đang làm công an tháp tùng. Ôm bọc tiền trúng số về, Hường như mọc thêm đôi cánh. Giữa trưa trời xanh ngăn ngắt, những đám mây trắng nhẩn nha bay, Hường nhìn lên thấy mình biến thành con chim chiền chiện chao cánh hót vang trời …
Ghé vô ủy ban xã Hường xin góp vào quỹ hỗ trợ người nghèo một triệu, giúp đội văn nghệ xã một triệu để mua sắm nhạc cụ thay thế mấy cây đờn đã long phím, đứt dây, nghe lời anh công an, Hường mang số tiền còn lại gửi tạm vào quỹ tiết kiệm. Đêm đó Hường không sao ngủ được. Bày một mâm trái cây lên bàn thờ chồng, Hường khấn vái: " Có phải anh phù hộ cho mẹ con em đấy không ? Em sẽ xây nhà cho con chúng mình bớt khổ như anh từng mơ ước ". Nhìn lên ảnh chồng, Hường thấy anh như mỉm cười.
Sợ con thức giấc, Hường ngả lưng khẽ đong đưa trên chiếc võng dù cũ kỹ. Hường nghĩ. Ra chợ xã mua đất thì cả số tiền này không đủ mua cái cái nền , chỗ này tuy nơi cùng kiệt nhưng bình yên, chòm xóm đã thân quen như ruột thịt, đám nhỏ cũng quen trường, quen lớp, nhưng đất này đâu phải của mình…Người bán vé số, trưa nay được Hường biếu 2 triệu, chị ta mừng lắm nói sẽ để dành cất nhà, Hường nhớ lại vẻ mặt đau khổ của chị ta khi năn nỉ mua giùm hai vé số, nhớ bước chân chạy vội vàng lúc mua xong lít gạo trên bến đò…Một ý định chợt loé sáng, Hường nhổm dâỵ ra sân múc nước rửa mặt cho tỉnh hẳn, ngoài lộ đá đỏ cọc cạch tiếng xe bò đưa hàng ra chợ, tiếng ghe máy mãi ngoài sông cũng ành ạch vọng tới. Phía đông đã ửng hồng.
Chị Bảy - người bán vé số sau khi nghe Hường nói rõ dự định đã ôm chặt lấy Hường khóc nức nở: " Vậy là trời Phật sai chị xuống đây cứu giúp mẹ con tui rồi, các con ơi ! Lạy tạ dì Hường đi. Tui đồng ý, tui có đất, chị có tiền, chị muốn xây sao cũng được. Nhỏ to gì tôi đâu cần, chỉ mong có chỗ che nắng, che mưa của riêng mình là sung sướng lắm rồi. Hai triệu này hôm qua chị cho tui, nay tui gửi lại góp vô xây nhà mới ".
Chẳng mấy chốc cả chợ xã lẫn chợ huyện hay tin cô Hường trúng độc đắc cặp đôi, lại còn tính xây nhà cho bà Bảy vé số. Người khen hảo tâm, người chê dại, dể tiền mà nuôi con. Có người còn dè bỉu đã nghèo còn làm bộ…
Hơn tháng sau, hai căn nhà mái tôn lạnh, tường xây, nền gạch bông, giống như hai chị em sinh đôi mọc lên giữa miền đất cùng kiệt. Lũ nhỏ hai nhà mau chóng thân nhau, con Cúc làm cô giáo cho mấy đứa con chị Bảy, Cúc hứa dạy cho chúng kịp biết chữ để sang năm vô trường học đàng hoàng.
Bữa tổ chức ăn tân gia, bà con địa phương và đồng đội cũ đến dự vui như hội. Ông trưởng ban liên lạc văn công sư đoàn nhận thư mời mà nghĩ Hường nhắc khéo lời hứa xây nhà tình nghĩa, khoản tiền vận động được, ông trao lại cho Hường, ngay lập tức Hường bù thêm mua tôn lợp thay mái lá cho cả ba ngôi nhà chung một lối mòn.
Hường mắc võng dù ngoài hiên hong gió. Cái võng cũ xì mốc meo chẳng hợp với ngôi nhà miớ xây, nhưng nó vô giá bởi đây là kỷ niệm thời kháng chiến, nó còn vương mùi mồ hôi của người chồng yêu thương và mỗi lần ngã lưng trên võng, Hường lại được nhớ tới những năm tháng đầy kỷ niệm: đạn bom, thiếu thốn, nhưng tràn đầy tiếng hát và tình yêu thương con người .