Nửa vầng trăng khuyết
Đỗ Kim Cuông
Tôi không biết chị Lụa buồn vì lẽ gì? Bị bà cụ Mít chửi cấm chị lấy chồng xa? Hay chỉ vì chị trót yêu một anh chàng đi bộ đội. Làng nào bây giờ chả có người ra trận? Nghe nói đã có người trên huyện đánh tiếng hỏi chị Lụa, nhưng chị kiên quyết không lấy. Bà cụ Mít càng giận... Bỗng chị Lụa bật khóc ngay trước mặt tôi. Rồi chị đứng dậy đi lên bờ đê... Tấm áo cánh nâu, chiếc quần thâm bó chặt lấy cơ thể phổng phao, cái bụng đã hơi căng đầy của người con gái...
- “... Mỗi trạm từ 20 đến 25 kilômét một ngày. Tiền công hai đồng bốn hào. Ngoài ra các cháu còn được cấp 5 lạng gạo... Anh Cấp - cán bộ của trạm sẽ chỉ huy cả toán. Mọi công việc hàng ngày, chuyện gì không biết các cháu cứ hỏi anh Cấp...”. Ông trạm trưởng trạm tư liệu nông nghiệp, một người đã ngót nghét tuổi 60. Da sạm đen, tóc bạc trắng như cước. Ông đang nói với chúng tôi, chợt vớ lấy điếu cầy, tranh thủ nhồi thuốc lào, châm lửa. Tiếng điếu cầy khô giòn vang âm trong căn nhà cấp 4, lợp ngói, ẩm thấp. Một con cóc tía - chắc nghiện mùi thuốc lào - nhảy ra từ dưới gầm tấm phản kê ở góc nhà, đứng giương mắt nhìn không hề e sợ. Yết hầu con ếch phồng lên xẹp xuống, nó há miệng đớp những đám khói thuốc lào phả ra mù mịt trong căn nhà. Ông trưởng trạm già, chiêu một hớp nước chè, nói tiếp: “Các cậu đang nắm giữ trong tay một đống tài sản quốc gia, mất mát hư hỏng bị đền đã đành, có khi còn ngồi tù. Kỷ luật đi đường là quan trọng. Anh Cấp thay mặt cho trạm nói gì, các cháu phải nghe nấy. Cấm cãi... Được chưa nào? Đồng ý thì ký vào đây”.
... Sáu con người đang đi xin việc làm chẳng ai hé ra một lời nào. Phải là quen biết lắm mới kiếm được công việc béo bở này! Ông chìa ngay ra trước mặt chúng tôi những bản hợp đồng làm việc. Những tờ giấy đánh máy chi chít vết bẩn dấu vân tay, vết mực. Có tờ còn bị xé một dẻo phía dưới. Ý hẳn ai đó đã tiện tay dùng tạm làm đóm thuốc lào.
Như một cái máy, tất cả chúng tôi đều ký vào bản hợp đồng. Một ngày 8 tiếng đi bộ, lương hai đồng tư, thêm nửa ký gạo. Hời chán. Chị gái tôi ngày hè đi xúc than từ xà lan đổ lên bến sông, gánh than vã mồ hôi, công chỉ được có một đồng hai. Mẹ tôi, bác tôi trần chăn bông, vò nan cả ngày chưa kiếm nổi một đồng. Dù tôi có phải lặn lội lên rừng, ngủ bờ rúc bụi cũng sướng. Ba tháng hè có được một chuyến đi lên rừng bằng tàu hỏa, ôtô coi ngó chim trời cá nước, sông suối. Làm gì cũng được miễn là có được vài chục đồng đã là oách rồi. Có tiền để mua sách, mua vở, bút mực không phải ngửa tay xin cha mẹ. Tự hào và kiêu hãnh lắm!
Cái gọi là “tài sản quốc gia” như ông già trạm trưởng nói té ra là sáu con trâu. Mỗi người phải có trách nhiệm chăn dắt đàn trâu đưa về xuôi phục vụ cho bà con nông dân cày cấy. Đang lúc chiến tranh, máy bay Mỹ bắn phá, trâu bò vận chuyển từ miền núi về xuôi không được phép đi tàu, đi ôtô mà phải dắt bộ. Con trâu là đầu cơ nghiệp tài sản của hợp tác xã chứ còn gì? Dù hợp tác xã đã có cả chục năm nay, ở miền xuôi con trâu, cái cuốc vẫn là chủ lực cày kéo.
Anh Cấp, một công nhân của trạm mới ngoài đôi mươi, trẻ khỏe có nước da rám nâu. Anh là chỗ quen biết với gia đình tôi. Chính anh gợi ý với cha mẹ tôi, cho tôi đi theo anh trong dịp hè làm kiếm tiền. Buổi chiều anh Cấp nhận người, nhận trâu và tiền bạc cho cả chuyến đi. Chúng tôi có một ngày để chăm sóc làm quen với đàn trâu rừng hung dữ vốn sống hoang dã, được mua từ các buôn bản xa đưa về. Buổi chiều, anh Cấp giao cho chúng tôi dắt từng con trâu để anh đánh số trên sừng, trên mông bằng những chiếc dùi có số đã hơ nóng trên lửa. Mỗi con trâu khi bị chiếc dùi sắt gí vào mông đều vùng chạy vì nóng. Mùi lông da trâu cháy khét. Những con số đã in hằn lên sừng, lên mông chúng như những số tù. Những người đi áp tải chăn dắt đàn trâu, anh Cấp cũng chỉ phát cho mỗi người một ngày 5 hào. Ngày nào phát tiền ngày ấy. Anh Cấp bảo vậy. Năm hào đủ để chúng tôi góp tiền mua gạo, thức ăn và tiêu vặt.
II
Công việc rong ruổi theo bầy trâu đi bộ tưởng nhẹ nhàng, dễ ăn hóa ra không đơn giản chút nào. Bầy trâu đi theo đàn rất chậm. Lại là giống trâu rừng, sợ người, sợ tiếng động. Lần đầu lũ trâu được quây thành đàn chưa quen nhau, chúng đánh nhau lộn bậy. Trên đường quốc lộ, chỉ cần có ôtô chạy qua, rít còi, những con trâu đã hoảng loạn chạy tứ tán. Chúng đâm bổ xuống ruộng, xuống ngòi, đạp lúa phá hoa màu... Lùa được đàn trâu trở lại hàng ngũ quả là vất vả. Phải sang ngày thứ ba, đàn trâu mới dần quen với cảnh đi bộ, không còn sợ xe ôtô, đôi khi chúng còn nghênh ngang đứng giữa đường tè vô tư, cọ sừng vào lưng nhau đùa giỡn, mặc tiếng còi xe rú như cháy nhà.
Chỉ có những ngọn roi tre, mềm vút lên mông, lên cổ và tiếng nạt nộ gắt gỏng của những người áp tải bầy trâu mới chịu phục tùng, đi vào hàng ngũ. Con trâu mộng đi đầu cả đàn. Con nọ nối đuôi con kia thẳng tiến. Trên đường chỗ nào có bãi cỏ, bầy trâu được thả ra cho ăn cỏ no nê, tắm mát trong những ao đầm ven đường. Đấy là những lúc chúng tôi được nghỉ ngơi đôi chút, ngắm nhìn những làng mạc cánh đồng sau vụ gặt đang cày vỡ, chờ nước. Bầy cò đậu trắng cánh đồng đi kiếm ăn trên các thửa ruộng vắng bóng người. Không ai còn để ý tiếng máy bay phản lực đang ném bom đâu đó ở ngả Hà Nội, Hải Phòng. Tôi quen dần với những bữa cơm chỉ có rau muống luộc chấm tương, chấm nước cua vào mỗi buổi sáng, buổi chiều. Buổi trưa cả toán đi làm thuê lót dạ bằng cơm nắm chấm muối vừng.
Anh Cấp, trưởng toán có vẻ quý tôi. Có thể tôi còn trẻ, lần đầu xa gia đình. Mẹ tôi gửi gắm tôi cho anh. Buổi tối đầu tiên anh ngủ chung với tôi. Quãng nửa đêm, anh gọi tôi dậy đi theo anh ra ngoài bãi thả trâu cho bày trâu ăn đêm. Anh còn bảo: “Hôm nào về tới làng Yên, anh cho em tha hồ ăn nhãn”.
Làng Yên nằm bên bờ sông Đuống. Hôm ấy, bầy trâu được lùa đi từ ba giờ sáng để tránh các trọng điểm máy bay Mỹ hay ném bom và qua cầu Sông Đuống. Bốn giờ chiều, đàn trâu đã về tới bãi cỏ chân đê. Phía ngoài sông, nước trên nguồn đổ về đục ngầu, dâng cao. Những cánh ruộng đay trồng trên đất bãi ven sông ngập nước. Cỏ lên xanh. Bầy trâu được bữa ăn thỏa thích. Mới tới làng Yên được một lúc, anh Cấp đã mất hút. Anh bảo phải đi trình báo với xã, với thôn. Đi liên hệ mua rơm và lo nơi ăn chốn ngủ. Chúng tôi sẽ dừng lại ở làng Yên thêm một ngày cho bầy trâu lại sức trước khi về xuôi. Đâu quãng sẩm tối, anh Cấp mới về. Đi theo anh còn có một cô gái trẻ, gánh theo gánh cỏ mật. Anh Cấp chỉ nói gọn lỏn: “Đây là cô Lụa, con cụ Mít bán nước ở cửa đình. Gia đình cụ Mít là cơ sở của trạm nông nghiệp. Bữa chiều các cậu khỏi phải lo cơm nước. Tối nay xã có chiếu phim, cho phép các cậu nghỉ ngơi, đi xem phim” .
Chị Lụa còn trẻ quãng mười tám, đôi mươi, gương mặt xinh xắn. Chị dỡ gánh cỏ lấy ra một rổ nhãn đãi chúng tôi. Bầy trâu ăn no, tắm mát, bụng căng tròn. Mỗi con được cột vào một gốc tre; con nằm, con đứng thảnh thơi, nhai cỏ. Bữa cơm chiều có canh cua đồng, cà bát muối và tép kho. Ăn xong, tôi không đi xem phim mà ra chân đê hóng mát. Bầy trâu phơi mình dưới ánh trăng chiếu hắt vào từ hướng ngoài sông. Làng quê thanh bình yên ả. Vọng lên tiếng sáo diều từ một nơi nào đó phía trong làng. Rặng nhãn dọc theo bờ đê quả sai trĩu cành. Tôi tìm đến một chân đống rơm cao ngất ngưởng nằm tựa vào bờ cỏ nhìn lên bầu trời dày đặc một dàn sao. Ngọn gió mát từ mặt sông đưa lên, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Có thể là gió lạnh làm cho tôi tỉnh giấc. Vẫn tiếng sáo diều vút lên trong vắt. Giữa đêm khuya thanh vắng càng lảnh lót vang ngân. Ỳ oạp tiếng ếch kêu phía đầm sen. Và giọng nói thì thào như gió thoảng ở ngay sát nơi tôi nằm... “Anh có yêu em thật không?”. Giọng nam thở gấp: “Lại chả thật. Mùa thu tới, thầy u anh sẽ mang lễ lên đây ăn hỏi em. Hai ta sẽ thành vợ, thành chồng”. Giọng nữ khẽ khàng: “Thật chứ? Anh có dám thề không?”. “Thề thì thề, sợ gì! Nhưng ngộ nhỡ anh đi bộ đội thì sao?”. “Lâu mấy em cũng chờ...”. Tôi nằm dán xuống cỏ. Nín thở, nhưng nghe rõ tim mình đập loạn. Anh Cấp và chị Lụa. Giọng nói của họ chớ có sai. Hèn chi anh Cấp mấy ngày nay nóng ruột, chỉ mong bầy trâu về đến làng Yên. Tôi nằm ở phía bên này đống rơm. Anh chị ở phía bên kia đống rơm. Có thể họ không biết tôi ngủ quên ở đây. Hoặc giả anh Cấp có biết tôi đang ngủ, cũng coi tôi là con nít. Mười lăm tuổi con nít chớ còn gì? Một lúc lâu sau, nghe tiếng hai người vật lộn, không đừng được tôi trườn nhẹ, ghếch đầu he hé mắt nhìn. Chỉ thấy tấm lưng trần của anh Cấp và tấm thân trắng lốp của chị Lụa nhập nhòa trong khoảng tối của tán lá nhãn đung đưa. Tôi tự cắn vào tay mình để khỏi hét lên. Tôi nhắm mắt lại, bịt tai để khỏi nghe thấy những câu đối đáp của họ, xen lẫn tiếng thở gấp. Chỉ đến khi, tiếng mõ khua lốc cốc của mấy người du kích đi tuần canh trên đê, đôi trai gái yêu nhau mới rời khỏi chân đống rơm đi lại phía đàn trâu cho chúng ăn cỏ.
III
Vào cuối tháng tám, tôi còn có một chuyến đi nữa trở lại làng Yên. Chỉ huy chúng tôi và bầy trâu 48 con không phải là anh Cấp mà một ông trung niên tên Cứ. Tôi chỉ nghe láng máng vào tháng 7, anh Cấp có giấy gọi nhập ngũ. Tôi đã quen với công việc và có chút ít kinh nghiệm làm bạn với bầy trâu rừng. Lòng thoáng chợt buồn vì thiếu vắng anh Cấp.
Những ngày đi đường, tôi mong ngóng từng đêm để tới được làng Yên. Đàn trâu về đến làng đã sẩm tối. Chị Lụa nhận ra tôi là người quen cũ, từng đi với anh Cấp về nghỉ ở nhà chị lần trước, nhưng trong bữa cơm chị không nói gì. Còn bà cụ Mít cũng ậm ừ cho qua chuyện và đôi mắt luôn dõi theo cô con gái từng bước một. Hình như ông Cứ không được bà cụ Mít tiếp đãi nồng nhiệt như anh Cấp bữa trước. Sau bữa ăn, cụ Mít ngồi tính chi ly từng hào để thanh toán tiền gạo củi, rau mắm, tiền cỏ trâu, tiền thuê bãi cho trâu nghỉ. Tôi buồn bã cầm tấm mềm mỏng đi ra bờ đê tìm đến gốc nhãn. Đống rơm to như cái nơm cá khổng lồ hao đi quá nửa. Tôi ngồi xuống dệ cỏ, ngửa đầu ngắm trời sao. Lòng buồn se sắt. Chị Lụa lặng lẽ tới bên tôi tự bao giờ. Bàn chân chị đi trên lớp cỏ êm ái không một tiếng động. “Anh Cấp đi bộ đội, chị có biết không?” - Tôi hỏi chị Lụa. “Anh ấy chẳng nói gì với chị, trước ngày đi anh ấy có lên đây được một tối, thưa chuyện với mẹ chị. Bà cụ chửi cho một trận, rồi cấm cửa...” “Đang thời chiến tranh mà chị...”. Tôi an ủi. Chị Lụa nhìn lên mặt đê, buông giọng buồn rầu: “Chị buồn lắm em ạ. Biết anh ấy bây giờ ở đâu mà tìm?”.
Tôi không biết chị Lụa buồn vì lẽ gì? Bị bà cụ Mít chửi cấm chị lấy chồng xa? Hay chỉ vì chị trót yêu một anh chàng đi bộ đội. Làng nào bây giờ chả có người ra trận? Nghe nói đã có người trên huyện đánh tiếng hỏi chị Lụa, nhưng chị kiên quyết không lấy. Bà cụ Mít càng giận... Bỗng chị Lụa bật khóc ngay trước mặt tôi. Rồi chị đứng dậy đi lên bờ đê... Tấm áo cánh nâu, chiếc quần thâm bó chặt lấy cơ thể phổng phao, cái bụng đã hơi căng đầy của người con gái...
Thêm một mùa hè nữa, tôi lại ngược rừng làm bạn với bầy trâu về xuôi. Vẫn những chặng nghỉ đêm sau khi đi bộ quãng đường 20, 25 km một ngày. Mùi trâu rừng hôi hám ám vào quần áo, lẫn vào giấc ngủ. Chỉ có điều khi đi qua những thành phố, thị trấn, làng mạc cả người và trâu lo đi cho nhanh để tránh những trận máy bay Mỹ đánh phá đường sá, cầu cống không theo một quy luật nào cả.
Đêm ngủ lại làng Yên, bà cụ Mít vẫn nấu cơm cho toán thợ, bán cỏ, rơm khô cho bầy trâu ăn đêm, keo kiệt tính từng xu gạo mắm... Khi tôi buột miệng hỏi: “Chị Lụa đi đâu, thưa bà?”. Chỉ nghe tiếng bà chít nước bã trầu qua kẽ răng và một giọng đay nghiến: “Bôi vôi, thả trôi sông rồi...!”. Tôi chạy ào ra ngoài bờ đê, úp mặt vào thân cây nhãn khóc tấm tức. Năm ấy tôi tròn 16 tuổi.
Thêm một mùa hè nữa qua đi. Tôi vào bộ đội. Rồi đi Nam. Gặp lính Công trường 4 ở Phú Vang, Phú Lộc; đụng với lính Công trường 6 ở Phong Quảng, đi với Sư đoàn 324 đánh điểm cao Dốc Chè, Cao điểm 360, căn cứ Động Tranh Bình Điền, chốt giáp ranh với lính Sư đoàn 325 ở bờ sông Ô Lâu, lên đường tuyến A Sầu. A Lưới đi nhận gạo đạn gặp lính cao xạ bảo vệ đường tuyến, gặp ai đồng hương tôi cũng dò tìm tin tức về anh Cấp. Cả một trung đoàn toàn là lính Hải Phòng, Thái Bình tăng cường cho chiến trường Trị Thiên trong chiến dịch Mậu Thân 68 không lẽ chết cả...
Cho đến một ngày khi tôi bị thương phải vào trạm phẫu Nhô bên bờ Bắc sông Bồ, tôi mới tìm được tung tích của anh. Anh Cấp vào Nam được điều về một đơn vị vận tải gạo dọc theo Khe Trăng, Khe Lu. Trong một lần đi tải đạn B41, anh Cấp đã bị lính Mỹ phục kích bắn chết ngày dưới chân Động Chuối. Y sĩ Nhô - Trạm xá trưởng đã đưa tôi tới nơi chôn cất anh Cấp. Hy sinh cùng với anh còn có 5 người lính vận tải. Những cơn mưa rừng tầm tã ở miền Tây Bắc Huế làm cho những ngôi mộ hao vẹt cả. Chỉ còn lại dòng tên anh được đục bằng đinh trên những mảnh sắt tây cắt ra từ thùng lương khô đã han gỉ.
IV
Anh cán bộ huyện Lắc đưa tôi đi thăm hồ cả buổi sáng. Hồ Lắc rộng nhất nước và đầy vẻ thơ mộng. Thỉnh thoảng trên mặt hồ nổi lên những hòn đảo nhỏ. Thấp thoáng bóng nhà sàn, nhà ngói có những cần ăngten bắt sóng truyền hình thấp thoáng bóng cây rừng.
Ở một ngọn đồi sát mép hồ ngôi biệt điện của vua Bảo Đại bao năm mưa nắng vẫn soi bóng xuống mặt hồ. Gần đây còn có trại nuôi voi của Hoàng cung. Vào mùa săn bắn, vua từng lên đây cưỡi voi đi săn, đi câu cá... Buổi trưa, mấy anh cán bộ huyện ủy đưa tôi vào ăn cơm ở Trường phổ thông cơ sở nội trú dân tộc. Anh hiệu trưởng Y Ban khoe với tôi: “Ở đây anh có đồng hương đó nghen!” - Y Ban chỉ cho tôi một cô gái ngoài 20 tuổi: “Cô Kim Thu, Hiệu phó chuyên môn của trường tôi”. Cô giáo Thu nghe nhắc tên ngẩng lên nhìn tôi, khẽ chào và có ý xin lỗi vì đang trao đổi điều gì đó với hai ba thầy cô giáo đang giờ nghỉ giải lao.
Khi tôi còn mải nhìn các cháu học sinh nội trú tập thể dục giữa giờ, bỗng giật mình nghe có người hỏi: “Có phải chú đi theo anh Cấp đến nghỉ ở làng Yên năm nào không?”. Tôi quay lại, sững sờ đánh rơi cốc nước đá... Trước mặt tôi là chị Lụa. Chị Lụa của hơn 20 năm trước ở làng Yên. Vẫn gương mặt bầu bĩnh phúc hậu. Tóc chị lốm đốm nhiều sợi bạc, đuôi mắt có chân chim. Chiếc chổi chị Lụa cầm trên tay đang quét lá rụng cũng rơi xuống sân.
Vậy là chị Lụa đã không chết trôi sông như lời nguyền của cụ Mít. Người đàn bà không chồng mà chửa đã chịu bao cơ cực tủi nhục để còn được sống tới ngày hôm nay, quyết chí đi tìm chồng. Hai mẹ con chị đã tới hàng trăm nghĩa trang ở các tỉnh dọc dải miền Trung và Tây Nguyên, làm đủ nghề để hai mẹ con khỏi chết đói, chỉ cốt dò la cho được tung tích của anh Cấp. Một ngày nọ, chị Lụa dắt con dừng lại bên hồ Lắc. Cô hiệu phó xinh đẹp nói giọng bắc: “Kim Thu là cô con gái rượu của chị”.
Hết