101. Vì sao trong những năm gần đây, việc giữ gìn sức khỏe thời kỳ tiền mãn kinh lại được coi trọng?
Tiền mãn kinh là một giai đoạn phát triển trong cuộc đời người phụ nữ. Nửa đầu thế kỷ 20, tuổi thọ bình quân của phụ nữ chỉ khoảng năm mươi tuổi, khi đó đại đa số phụ nữ sau khi kết thúc tuổi sinh đẻ không lâu đã bị qua đời. Một trong những nguyên nhân chính là do chị em chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe thời kỳ tiền mãn kinh.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tình hình dinh dưỡng và điều kiện sinh hoạt cũng được cải thiện. Tiến bộ y học đã kéo dài tuổi thọ bình quân của loài người trên toàn thế giới. Vào thập kỷ 80, tuổi thọ bình quân của phụ nữ Trung Quốc là 71 tuổi, ở các nước phát triển là 75-80 tuổi. Năm 1900, số người trên 65 tuổi ở Mỹ chỉ chiếm 4% tổng số nhân khẩu, dự tính đến năm 2030 sẽ tăng lên 17%, trong đó khoảng 60% là phụ nữ. Tuổi mãn kinh bình quân của phụ nữ trên thế giới là 50 tuổi; sau khi mãn kinh phụ nữ sống tiếp 20-30 năm. Thời gian này ước chiếm khoảng 1/3-2/5 tuổi đời của phụ nữ.
Sau khi mãn kinh, một số công năng sinh lý dần bị suy yếu, một số bệnh tật cũng dần xuất hiện như: chứng loãng xương, phù thũng, phong thấp, cảm mạo... Khi đó, họ là đối tượng tiêu phí chủ yếu của kinh phí bảo hiểm y tế xã hội. Ví dụ: Năm 1985 ở Áo, phụ nữ trên tuổi 65 chỉ chiếm 7,8% dân số, nhưng chi tiêu hết 28% kinh phí bảo hiểm y tế, trong đó 40% dùng cho nằm viện. Vì vậy, việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ sau khi mãn kinh có ý nghĩa xã hội và ý nghĩa kinh tế rất quan trọng.
Ngoài ra, phụ nữ vào thời kỳ này còn có trách nhiệm lịch sử đối với gia đình và xã hội, phát huy tác dụng chuyển tiếp của hai thế hệ. Đối với không ít người, đây là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Vì vậy, việc giữ gìn tốt sức khỏe thời kỳ mãn kinh khiến chị em có điều kiện tích lũy kinh nghiệm xã hội, giúp kinh nghiệm sống và làm việc thêm phong phú; tránh, giảm nhẹ hoặc kéo chậm lại những phiền nhiễu do bệnh tật gây ra, dự phòng khả năng phát bệnh. Nhờ đó, chị em có sức khỏe tốt, phát huy sự thông minh, tài cán trên cương vị công tác, tiếp tục cống hiến cho xã hội và gia đình.
Hai mươi năm trở lại đây, do y học phát triển, từ góc độ sinh học, thần kinh học, người ta có thể nhận biết sự thay đổi sinh lý của công năng phân tiết trong cơ quan sinh dục thời kỳ thanh xuân, thời kỳ mãn kinh, từ đó nhận thức rõ các biểu hiện lâm sàng và nguyên nhân gây một số bệnh ở tuổi già. Việc vận dụng tri thức khoa học và thành tựu dược học hiện đại để kéo dài tuổi trẻ của phụ nữ, đẩy lùi tuổi mãn kinh và quá trình lão hóa (vốn sản sinh ra những ảnh hưởng không tốt) đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của y học toàn thế giới. Đây là tin vui đối với chị em.
102. Vì sao kinh nguyệt của phụ nữ lại đến lúc tắt hẳn?
Khi phụ nữ đến tuổi trung niên, độ tắc nghẽn của noãn bào trong buồng trứng tăng, số lượng noãn bào cũng ngày càng ít đi. Khoảng từ ba lăm tuổi trở lên, khả năng phân tiết của noãn bào giảm. Hai đến ba năm trước khi mãn kinh, phản ứng kích thích của noãn bào với FSH và LH ngày càng giảm thấp; tuyến yên chỉ có thể phân tiết FSH và LH càng nhiều để duy trì sự phát dục của noãn bào. Khi đó, phụ nữ tuy vẫn có trứng rụng, chu kỳ kinh nguyệt có thể ngắn hoặc bình thường, nhưng nồng độ huyết thanh FSH đã cao hơn so với mức trung bình. Đây là những thay đổi nội tiết sớm nhất của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh.
Trước khi mãn kinh từ sáu tháng đến một năm, lượng oestrogen do noãn bào tiết ra cũng giảm rõ rệt, trứng trong buồng trứng không thể rụng bình thường hằng tháng như trước và cuối cùng sẽ ngừng hoàn toàn. Sự phân tiết của progestagen cũng vì thế mà ngừng. Những thay đổi này có nghĩa là công năng sinh dục đã chấm dứt. Nhưng noãn bào vẫn phát dục ở một mức độ nhất định, lượng oestrogen trong cơ thể vẫn được duy trì ở mức bình thường. Chỉ một mình oestrogen duy trì tác dụng đối với nội mạc tử cung, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều dưới các dạng khác nhau.
Cuối cùng, có thể do noãn bào dự trữ đã hết hoặc ngừng phát dục, buồng trứng không thể tiết oestrogen, nội mạc tử cung không thể dày lên, biểu hiện lâm sàng là kinh nguyệt ngừng vĩnh viễn, tức giai đoạn mãn kinh đã đến. Khi đó, oestrogen đã bị tiêu trừ do ảnh hưởng ức chế của tuyến yên, lượng huyết thanh LH và FSH cao dần lên (FSH tăng khoảng hai mươi lần, LH tăng ba lần) và đạt đến đỉnh điểm sau khi mãn kinh một đến ba năm.
103. Sau khi mãn kinh, cơ thể người phụ nữ còn sản sinh ra oestrogen nữa không?
Sau khi mãn kinh, buồng trứng của phụ nữ về cơ bản là không sản sinh ra oestrogen và progestagen.
Các nghiên cứu cho thấy, oestrogen trong cơ thể phụ nữ chủ yếu là do testosteron phân tiết ở tuyến thượng thận chuyển hóa thành. Sau khi mãn kinh, sự thay đổi trong cơ thể phụ nữ diễn ra nhanh hơn phụ nữ ở tuổi sinh đẻ. Phụ nữ béo thay đổi nội tiết nhanh hơn phụ nữ gầy. Lượng oestrogen trong cơ thể về cơ bản là không thể sản sinh được.
104. Cơ quan sinh dục của người phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh sẽ có những thay đổi gì?
Lượng oestrogen trong cơ thể người phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh dần giảm xuống, cơ quan sinh dục cũng xuất hiện một loạt những thay đổi theo hướng ngược lại với thay đổi thời thanh xuân. Nhưng cũng có một số thay đổi mà bản thân người phụ nữ khó nhận thấy. Đó là:
- Buồng trứng: Thường có những noãn bào phát dục khác nhau, nhưng đôi khi không có hoàng thể (hoàng thể là một tuyến nội tiết của buồng trứng sau mỗi lần rụng trứng).
Sau khi mãn kinh, buồng trứng của phụ nữ dần nhỏ lại, thể tích giảm 1/2-1/3 so với phụ nữ ở tuổi sinh đẻ. Trong buồng trứng không có noãn bào hoặc chỉ còn sót lại những noãn bào thoái hóa, không phát dục được. Tế bào chất trong buồng trứng vẫn phát triển và vẫn sản sinh ra testosteron. Vì vậy, lượng testosteron trong buồng trứng sau khi mãn kinh chỉ ít hơn so với phụ nữ ở tuổi sinh đẻ rất ít. Sau khi mãn kinh, tỷ lệ testosteron/oestrogen tăng cao, biểu hiện lâm sàng thường thấy là mọc nhiều lông trên mặt.
- Tử cung: Phụ nữ ở thời kỳ quá độ của mãn kinh tuy vẫn có kinh nguyệt nhưng đã ngừng rụng trứng. Nội mạc tử cung tiếp thu kích thích của oestrogen đơn nhất, thiếu tác dụng đối kháng của progestagen nên dễ xuất hiện tăng sinh...
Sau khi mãn kinh, lượng oestrogen trong cơ thể phụ nữ giảm xuống, tử cung dần hẹp lại, trọng lượng giảm, nếu có u thì thể tích của u cũng dần nhỏ lại, nội mạc tử cung nhỏ và mỏng đi. Nhưng khi có cơ hội tiếp xúc lại với oestrogen và progestagen thì tử cung vẫn có thể phát triển, có khi còn bị ra máu. Ngoài ra, cổ tử cung cũng có thể nhỏ đi, phân tiết giảm.
- Âm đạo: Sau khi mãn kinh, lượng oestrogen trong cơ thể phụ nữ giảm, niêm mạc âm đạo mỏng dần, độ nhăn, dính và đàn hồi dần mất đi, âm đạo hẹp, ngắn, chất phân tiết giảm. Ngoài ra, môi trường axít vốn có trong âm đạo chuyển thành môi trường kiềm, dẫn đến sức đề kháng giảm, tế bào vi khuẩn dễ xâm nhập, gây ra viêm nhiễm.
- Ngoài âm đạo: Sự co hẹp phía ngoài tử cung diễn ra chậm hơn. Mỡ ở dưới môi âm hộ giảm; niêm mạc mỏng dần, tính đàn hồi của mạch máu giảm; phía ngoài âm đạo vì vậy mà khô, nhăn; miệng âm đạo hẹp.
- Những thay đổi khác: Cơ quan sinh dục của phụ nữ nhờ có khoang chậu mà duy trì được vị trí bình thường. Sau khi mãn kinh, do lượng oestrogen giảm nên sức căng và tính đàn hồi của khoang chậu giảm, xương chậu xốp. Hiện tượng có thể xảy ra là: sa tử cung, bàng quang to, phình trực tràng.
105. Bộ xương của phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh có thay đổi gì?
Bộ xương do thành phần hữu cơ, thành phần vô cơ và nước tạo thành.
Xương và các tổ chức khác luôn ở trong trạng thái thay đổi liên tục. Trước tiên, các tế bào xương thoái hóa tại một số bộ phận trong cơ thể sẽ đưa canxi trong xương vào hệ tuần hoàn và hình thành nên những huyệt nhỏ. Quá trình này gọi là "hấp thụ xương". Sau đó, từ những huyệt này, các tế bào tạo xương sẽ làm cho canxi và phốt pho trong chất dịch xung quanh tích lại, hình thành nên tổ chức xương mới. Quá trình này gọi là "hình thành xương". Tốc độ thoái hóa và tạo thành xương luôn ở trong trạng thái cân bằng.
Từ nhỏ cho đến khi thành niên, lượng xương trong cơ thể dần tăng, đến 25-30 tuổi thì đạt đến đỉnh cao. Nhân tố di truyền có ý nghĩa quyết định lớn đối với sự phát triển của xương. Còn lại (20%) là do chế độ ăn uống, vận động, hoóc môn, thuốc, thể trọng và bệnh mạn tính quyết định. Trong giai đoạn phát dục, cơ thể cần bổ sung lượng canxi thích hợp.
Ở phụ nữ sau 30 tuổi, lượng xương dần thoái hóa, mỗi năm giảm 0,25-1%.
Sau khi mãn kinh (trong vòng 15 năm đầu) do lượng oestrogen giảm nên tốc độ thoái hóa xương cao, mỗi năm giảm 1%-5%. Trong 3-5 năm đầu sau khi mãn kinh, tốc độ thoái hóa xương cao nhất, với ảnh hưởng chủ yếu là xốp xương. Ngoài ra, do cơ thể già yếu nên công năng của tế bào xương giảm, sự hấp thụ canxi và hình thành vitamin D kém... Điều này gây ảnh hưởng đến xương cốt toàn cơ thể.
Bước sang tuổi 60-70, xương phụ nữ yếu hẳn, xuất hiện hiện tượng gù lưng, mỏi vai...
106. Có phải người phụ nữ nào sau khi mãn kinh cũng đều mắc chứng loãng xương không?
Trên thực tế thì không phải như vậy. Ví dụ: Phụ nữ da đen rất ít mắc chứng loãng xương; còn phụ nữ da trắng và da vàng thì thường mắc chứng bệnh này. Một số thống kê cho thấy, 30% phụ nữ đã mãn kinh mắc bệnh loãng xương. Ở tuổi trên bảy lăm, tỷ lệ này là 40%-60%.
Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng, những nhân tố dễ gây loãng xương là: di truyền, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, dùng đồ uống có hàm lượng caffeine quá cao, ít vận động mạnh, thiếu canxi, mãn kinh quá sớm... Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể gây loãng xương.
Theo thống kê, 40% phụ nữ trên tuổi 50 mắc các chứng bệnh về xương như: đau lưng, đau vai, mỏi gối, gãy xương...
Năm 1985, toàn nước Mỹ có 9,4 triệu người mắc chứng loãng xương (trong đó 80% là phụ nữ sau mãn kinh). Ở các quốc gia khác, tình hình cũng tương tự.
107. Hệ thống tim mạch của phụ nữ sau khi mãn kinh sẽ có những thay đổi gì?
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi tim mạch của 5.000 người ( cả nam và nữ) để tính tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành. Kết quả như sau:
TuổiTỷ lệ mắc bệnh của namTỷ lệ mắc bệnh của nữ
30 - 3921%0
40 - 4948%7%
50 - 5994%20%
Từ những con số trên, ta có thể thấy rằng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có sự bảo vệ của nhiều yếu tố nên tránh được sự phát bệnh. Nhưng sau tuổi năm mươi, những yếu tố bảo vệ này mất đi, tỷ lệ phát bệnh sẽ tăng lên rất cao. Ngày nay, người ta đã ý thức được rằng các yếu tố bảo vệ nói trên có thể là oestrogen.
Ở phụ nữ đã mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành cao gấp ba đến bốn lần so với những phụ nữ cùng độ tuổi nhưng chưa mãn kinh. Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở phụ nữ.
Hệ thống tim mạch của phụ nữ sau khi mãn kinh có những thay đổi sau:
- Thay đổi chất trong máu: Mỡ trong cơ thể con người bao gồm cholesterol, mỡ trung tính... Chúng kết hợp với anbumin để có thể tuần hoàn.
Sau khi mãn kinh, lượng cholesterol, mỡ trung tính và lượng LDL-C trong máu tăng; nồng độ HDL-C giảm rõ rệt. Nguyên nhân là lượng oestrogen bị thiếu, dẫn đến tác dụng thay thế cholesterol giảm. Phụ nữ mãn kinh nhân tạo cũng có những thay đổi kể trên. Hiện tượng thay đổi lượng mỡ trong máu có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ phát sinh bệnh tim mạch của phụ nữ sau khi mãn kinh.
- Thay đổi sự trao đổi chất: Sau khi mãn kinh, do tuổi tác tăng, khả năng trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể giảm, hoạt động thể lực kém, nhiệt lượng tiêu hao ít hơn so với thời trẻ tuổi. Vì vậy, nếu không chú trọng đến chế độ ăn uống, thể trọng sẽ dần tăng, dẫn đến phát phì, lượng mỡ trong cơ thể tăng (đặc biệt là ở bụng, đùi, eo), cơ thể nặng nề, hoạt động khó khăn.
Phụ nữ sau khi mãn kinh sẽ phát sinh khuynh hướng không mẫn cảm với insulin. Trong giai đoạn này, các tổ chức trong cơ thể giảm độ mẫn cảm với tác dụng của insulin, khiến cơ thể phải sản sinh nhiều insulin mới có thể duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường. Vì thế, lượng insulin trong máu sẽ tăng cao.
Sau khi mãn kinh, tốc độ lưu thông máu có thể giảm. Đây là nhân tố dẫn đến phát sinh chứng xơ vữa động mạch.
- Thay đổi động lực học mạch máu: Các nghiên cứu cho thấy, ở phụ nữ sau khi mãn kinh, việc giảm oestrogen sẽ làm tăng sức căng của tiểu động mạch và sự bất ổn định của mạch máu, khiến sức cản của mạch máu cũng tăng. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, óc.
108. Những bộ phận khác trong cơ thể phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh sẽ có những thay đổi gì?
- Bàng quang và niệu đạo: Khi lượng oestrogen trong cơ thể bị thiếu hụt thì niêm mạc của bàng quang và niệu đạo dần mỏng đi, sức đề kháng giảm, dễ phát sinh viêm nhiễm.
- Ngực: Sự phát dục của ngực và công năng tiết sữa đều chịu sự điều tiết của nhiều loại hoóc môn, trong đó oestrogen và progestagen là hai loại hoóc môn điều tiết quan trọng. Trong thời kỳ quá độ của mãn kinh, cơ thể phụ nữ chịu ảnh hưởng đơn nhất của oestrogen nên ngực luôn cảm thấy cương tức. Sau khi mãn kinh, lượng oestrogen thấp, ngực dần nhỏ đi, nhão và xệ xuống.
- Da và các bộ phận phụ thuộc khác: Da và bộ phận phụ thuộc khác như nang lông, tuyến mỡ dưới da đều chịu ảnh hưởng của oestrogen và testosteron. Oestrogen và testosteron nếu được điều tiết với lượng thích hợp sẽ khiến da phụ nữ trở nên đẹp hơn (dĩ nhiên, nhân tố di truyền, chế độ ăn uống, môi trường công tác, sinh hoạt cũng ảnh hưởng nhất định đối với da của phụ nữ). Oestrogen còn làm tăng tính đàn hồi và cung cấp mạch máu cải thiện cho da. Vì vậy, da của các thiếu nữ thường mỡ màng, mịn, có tính đàn hồi tốt. Sau khi mãn kinh, oestrogen trong cơ thể giảm, da dần trở nên khô, xốp, không có tính đàn hồi. Ở mặt, cổ xuất hiện nhiều nếp nhăn; mí mắt và cằm thường bị chảy xệ; bộ mặt trông rất nặng. Ở rất nhiều người xuất hiện các vết nám màu nâu trên da. Tóc dần trở nên khô, bạc và rụng nhiều.
Sau khi mãn kinh, tính mẫn cảm của da giảm, độ lành của các vết thương chậm, năng lực tái sinh kém; sức đề kháng các vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào cũng giảm thấp.
- Não: Oestrogen giảm có thể ảnh hưởng đến công năng và kết cấu của não, dẫn đến giảm trí nhớ, khả năng định hướng và tính toán. Các nghiên cứu khoa học gần đây cho rằng, bệnh quên ở người già có liên quan đến lượng oestrogen trong cơ thể.
- Mắt: Ở phụ nữ mãn kinh, mắt dần bị lão hóa, độ nhanh nhạy và phản xạ kém. Mắt thường bị khô, có màng, dễ bị đục thủy tinh thể.
- Răng: Răng lợi của người trung niên dễ phát sinh những thay đổi mang tính thoái hóa như sâu, viêm lợi, tụt lợi, xơ răng... Khi cần thiết phải lắp răng giả để đảm bảo nghiền thức ăn.
109. Thế nào là triệu chứng tổng hợp thời kỳ tiền mãn kinh? Phụ nữ trong thời kỳ quá độ này sẽ có những khó chịu gì?
Ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh thường xuất hiện một loạt triệu chứng, trong đó có một số là triệu chứng đặc thù mà y học gọi là "chứng tổng hợp thời kỳ tiền mãn kinh".
Các loại triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh dần xuất hiện với số lượng và mức độ nghiêm trọng khác nhau ở mỗi người. Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến độ nghiêm trọng của triệu chứng như: di truyền, tinh thần, thể trọng, độ suy thoái của công năng buồng trứng, nhân tố văn hóa xã hội (thái độ đối với kinh nguyệt)...
Cuộc điều tra ở Bắc Kinh năm 1990 cho thấy, khoảng 73% phụ nữ 40 -65 tuổi có ít nhất một triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh, trong đó 10% ở mức nghiêm trọng, cần được quan tâm và chữa trị đặc thù.
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là tín hiệu sớm nhất cảnh báo thời kỳ tiền mãn kinh đã bắt đầu. Có khoảng 1/3 phụ nữ đột nhiên dừng kinh nguyệt trong 1 năm khiến họ tưởng rằng mình đã mãn kinh. Trong đa số trường hợp, khoảng cách giữa hai kỳ kinh dài ra, lượng kinh ít đi, tử cung hay chảy máu... Tuy nhiên, những triệu chứng kể trên cũng có thể do u buồng trứng, u tử cung hoặc do một số bệnh khác gây ra. Vì vậy, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện kiểm tra. Nếu bác sĩ khẳng định đó là triệu chứng thời kỳ quá độ mãn kinh thì có thể hoàn toàn yên tâm.
Ngoài ra, trong thời kỳ quá độ của mãn kinh, trứng ngừng rụng nhưng noãn bào vẫn phát dục ở mức độ nhất định. Ảnh hưởng đơn nhất của oestrogen có thể dẫn đến hiện tượng phù thũng, ngực cương đau, đầy bụng, đau đầu, bồn chồn... giống như chứng căng thẳng thời kỳ tiền mãn kinh.
110. Những triệu chứng điển hình nhất trong thời kỳ tiền mãn kinh là gì?
Triệu chứng có tính chất đặc trưng nhất của thời kỳ tiền mãn kinh là:
- Sự mất điều hòa của công năng hệ thống thần kinh thực vật.
- Sự co thắt, mất ổn định của mạch máu.
Khi các triệu chứng trên ở thể nặng, cơ thể cảm thấy nóng lên, mồ hôi toát ra. Nếu kiểm tra cẩn thận, có thể thấy ngón chân, ngón tay đều nóng lên; vì mồ hôi toát ra nên điện trở của da giảm xuống, mạch đập tăng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng như: tinh thần bất ổn, luôn lo lắng, mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi (ảnh hưởng đến công việc hàng ngày).
75-80% phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh đều có những triệu chứng kể trên, nhưng chỉ 10-20% là ở mức nghiêm trọng. Một số điều tra cho thấy, đối với những phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn, chỉ 17% có triệu chứng trên; còn ở những phụ nữ kinh nguyệt không đều thì tỷ lệ này lên đến 40-85%. Ở những người nghiện rượu, thuốc lá, ăn cay và dùng nhiều đồ kích thích, những triệu chứng trên có chiều hướng nặng hơn.
Sự mất điều hòa công năng hệ thống thần kinh thực vật còn có thể dẫn đến sự bất thường về công năng co thắt của mạch máu, sự vận chuyển máu đến các bộ phận trong cơ thể, dẫn đến các hậu quả sau:
- Não không được cung cấp đủ máu, dẫn đến chóng mặt.
- Chân tay không được cấp đủ máu trở nên lạnh ngắt.
- Huyết áp không ổn định.
- Công năng đường tiêu hóa không tốt, dẫn đến buồn nôn, nôn, đầy bụng, bí đại tiện, mệt mỏi, đau đầu.
Khi xuất hiện những triệu chứng trên, bạn nên kịp thời đến bệnh viện để được chẩn đoán, uống thuốc phù hợp, nhằm cải thiện việc cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể.
111. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh sẽ có những triệu chứng thần kinh gì?
Những thay đổi thường thấy là: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chân tay tê dại, mệt mỏi, sức tập trung kém, hiệu suất làm việc giảm...
Mất ngủ cũng là biểu hiện thường gặp, có trường hợp bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, hoặc sau khi ngủ dễ tỉnh giấc mà không ngủ lại được, hay mê sảng... Người bị nặng hầu như thức trắng, thuốc an thần cũng không có hiệu quả. Do bị mất ngủ nên bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ. Tiết tấu của cuộc sống hiện đại khiến mỗi người phải dồn hết tâm sức cho công việc, khiến tinh thần luôn căng thẳng, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, tình trạng mất ngủ một mặt do những triệu chứng khó chịu (như ở câu 110), một mặt do sự thiếu hụt lượng oestrogen gây nên. Vì thiếu oestrogen, tác dụng ức chế của đại não giảm, quá trình hưng phấn tương đối cao, trạng thái cân bằng bị phá vỡ , dẫn đến mất ngủ. Có nghiên cứu cho thấy, sau khi bổ sung lượng oestrogen, giấc ngủ được cải thiện rất nhiều.
112. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh sẽ có thay đổi gì về tâm lý và tinh thần?
Ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, cuộc sống gia đình và hoạt động xã hội phát sinh những thay đổi; thêm vào đó là sự suy giảm công năng buồng trứng, mất cân bằng hoóc môn trong cơ thể, sự quấy nhiễu của các loại triệu chứng... Điều đó dẫn đến sự thay đổi diện mạo tinh thần và các loại phản ứng tâm lý.
Ví dụ, khi soi gương phát hiện ra mặt mình có nhiều nếp nhăn, tóc có nhiều sợi bạc, hình dạng béo phì, tác phong chậm chạp... , người phụ nữ sẽ có cảm giác lo lắng, sợ chồng không còn yêu tha thiết. Nếu chồng thường xuyên phải công tác vắng nhà, hoặc quá bận rộn không quan tâm đầy đủ đến mình, phụ nữ sẽ có tâm lý nghi ngờ, sợ chồng mình có người khác trẻ đẹp hơn.
Phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh thường đã đến tuổi nghỉ công tác, phải rời xa tập thể. Khi đó, con cái cũng đã trưởng thành, rời xa gia đình để học tập hoặc công tác. Do thể lực sa sút, hoạt động xã hội ngày càng giảm, trong tư tưởng của họ dần sản sinh cảm giác cô độc. Họ ngộ nhận là mình đã già, không còn có ích gì cho xã hội và con cái nữa; thấy cuộc sống tẻ nhạt, hoài nghi về giá trị tồn tại của mình, từ đó mà sinh ra trạng thái bi quan, tiêu cực, lo lắng, u uất, dễ kích động.
Phụ nữ trí thức lấy hoạt động đại não là chính. Tuy vẫn giữ cương vị công tác nhưng vì khả năng ghi nhớ giảm, tư duy không tập trung, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc nên họ cảm thấy lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng.
Một số phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh có những thay đổi về tính cách hoặc hành vi. Bình thường vốn rất hòa nhã, khoan dung, đại lượng, họ bỗng trở nên nóng tính, nổi cáu bất thường; hoặc suy nghĩ hẹp hòi, hay đa nghi, đố kỵ, lãnh cảm... Có những người lại thích giãi bày tâm sự với người khác. Khi gặp một người nào đó, họ đem hết u uất trong lòng ra để nói, có khi làm cho người nghe cảm thấy phát chán.
Những hoạt động tâm lý tiêu cực này sẽ tạo ra sự cản trở, ức chế công năng sinh lý của các bộ phận khác, dẫn đến tiêu hóa không tốt, chán ăn uống, huyết áp tăng cao, nếu lâu dài có thể gây bệnh.
Những triệu chứng tinh thần kể trên không phải là kết quả tất nhiên của mãn kinh. Cũng có phụ nữ không có những triệu chứng tinh thần trên hoặc có ở mức rất nhẹ. Đặc trưng tính cách, tình hình kinh tế, nhân tố môi trường... của mỗi cá nhân đều liên quan đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nếu khi còn trẻ tinh thần ổn định thì đến thời kỳ mãn kinh, trạng thái tinh thần cũng tương đối ổn định. Nếu khi trẻ quá yếu đuối thì trong thời kỳ mãn kinh, họ dễ phát sinh triệu chứng tinh thần. Phụ nữ nông thôn rất dễ vượt qua thời kỳ mãn kinh. Ngược lại, những phụ nữ có cuộc sống sung túc, điều kiện sống tốt, địa vị xã hội và tri thức tương đối cao... dễ xuất hiện những trở ngại tâm lý và triệu chứng tình cảm, duy trì trong thời gian tương đối dài. Cũng có người cho rằng triệu chứng tinh thần này là do mất ngủ, do thay đổi sinh lý gây nên.
Chị em nên tự điều chỉnh mình, vì năng lực thích nghi với môi trường có quan hệ rất lớn đến độ nặng nhẹ của các triệu chứng.
113. Tình dục phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh có những thay đổi gì?
Mãn kinh có gây trở ngại đến việc sinh hoạt tình dục hay không? Việc mất đi khả năng sinh đẻ liệu có làm mất đi ham muốn tình dục hay không? Câu trả lời là không.
Việc sinh con của phụ nữ là do công năng sinh lý của cơ quan sinh dục, còn tình dục lại là vấn đề phức tạp có liên quan đến tâm lý, hai việc đó không có liên hệ trực tiếp đến nhau. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh vẫn có nhu cầu tình dục, vẫn có thể tiến hành sinh hoạt một cách hài hòa.
Đa số phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh có nhu cầu tình dục ít hơn so với thời trẻ tuổi. Nguyên nhân là:
- Thời gian cần thiết để đạt đến cao trào khi sinh hoạt tình dục là rất dài do tuổi tác.
- Tính đàn hồi và sức căng của âm đạo giảm. Khả năng tiết chất nhầy kém. Vì thế khi sinh hoạt, phụ nữ thường cảm thấy đau. Có khi việc quan hệ gây tổn thương đến tổ chức niêm mạc, hoặc tiếp tục gây viêm nhiễm đối với những chị em từng bị viêm, khiến chị em không muốn sinh hoạt tình dục.
Cũng có những phụ nữ lại cảm thấy trong thời kỳ tiền mãn kinh, họ sinh hoạt tình dục thoải mái hơn khi còn trẻ vì không sợ mang thai, không phải tính toán chu kỳ rụng trứng. Hơn nữa, họ không phải chịu sự quấy rầy của con cái, hôn nhân ổn định, lao động gia đình và xã hội giảm nhẹ, gánh nặng tâm lý và sức ép tinh thần ít đi. Vì vậy, có người cho rằng thời gian này là "kỳ trăng mật thứ hai" của cuộc sống vợ chồng. Sinh hoạt tình dục của họ không những không giảm mà còn tăng lên.
Trong sinh hoạt tình dục của phụ nữ trung niên có thể phát sinh một số tình huống như: Từ vài phút sau khi sinh hoạt đến khi đi tiểu có cảm giác buốt, rát. Nguyên nhân là niệu đạo và niêm mạc bàng quang bị mỏng dần; dương vật khi ấn sâu vào âm đạo sẽ tạo thành ma sát gây ra vết thương nhẹ. Khi gặp tình trạng này, chị em nên ngừng sinh hoạt một thời gian, để cơ thể dần khôi phục lại.
114. Phụ nữ thời kỳ tiên mãn kinh sẽ có những triệu chứng gì khác?
Như đã giới thiệu ở phần trên, triệu chứng sớm nhất của thời kỳ tiền mãn kinh là: rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ, trở ngại tâm lý, sinh lý. Sau vài năm, do thiếu oestrogen, cơ thể sẽ dần xuất hiện các triệu chứng: viêm niệu đạo, âm đạo khô, sinh hoạt tình dục đau và chảy máu; da khô ráp, tính đàn hồi kém và xuất hiện nhiều nếp nhăn: rụng tóc...
Sau một thời gian dài thiếu oestrogen, cơ thể có thể xuất hiện triệu chứng loãng xương, xơ cứng động mạch, các triệu chứng bệnh về tim mạch, đau lưng, mỏi gân cốt, răng yếu dần hoặc rụng, lưng còng, huyết áp không ổn định... Gần đây, có tài liệu cho rằng sau khi mãn kinh, việc thiếu oestrogen trong thời gian dài còn gây ra thoái hóa hệ thống thần kinh và mất trí nhớ ở người già.
Phụ nữ trung niên nếu xuất hiện những triệu chứng kể trên nên kịp thời đến bệnh viện kiểm tra xem có phải là do thay đổi oestrogen thời kỳ mãn kinh hay hay do các chứng bệnh khác gây nên. Điều này cực kỳ quan trọng. Ví dụ: Có một phụ nữ cảm thấy đau đầu, thị lực giảm, chị cho rằng do mãn kinh; nhưng sau khi kiểm tra nhãn khoa hoàn chỉnh, chị mới phát hiện mình cần đeo kính lão.
Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là cực kỳ quan trọng. Nếu khẳng định được triệu chứng là do mãn kinh gây ra thì chỉ cần tìm hiểu quy luật tự nhiên và nguyên nhân phát sinh triệu chứng. Không nên quá lo lắng, triệu chứng sẽ dần mất đi. Nếu không thể chịu đựng được, có thể hỏi ý kiến bác sĩ, tiến hành các biện pháp điều trị cần thiết.
115. Thời kỳ tiền mãn kinh bắt đầu vào lúc nào? Sẽ kéo dài bao lâu?
Thời kỳ tiền mãn kinh sẽ xuất hiện khi nào? Kéo dài trong bao lâu? Vấn đề này khó có thể trả lời chuẩn xác.
Khởi điểm và kỳ hạn thời kỳ tiền mãn kinh không có tiêu chí thời gian rõ ràng, nhìn chung bình quân trên dưới 45 tuổi. Tuổi mãn kinh có thể xác định chuẩn xác. Ở Trung Quốc, tuổi mãn kinh bình quân của phụ nữ thành phố là 49,5; ở phụ nữ nông thôn là 47,5. Ở phụ nữ Mỹ, tuổi mãn kinh trung bình 51,4. Phạm vi của tuổi mãn kinh là 48-55 tuổi.
Trong những thập kỷ gần đây, tuổi bắt đầu có kinh nguyệt có xu hướng sớm dần, nhưng thay đổi về tuổi mãn kinh lại không rõ ràng. Chỉ có khoảng 1% phụ nữ mãn kinh trước tuổi 40, có thể chẩn đoán là "mãn kinh quá sớm" hoặc "buồng trứng suy thoái sớm". Nếu sau tuổi 55 mới mãn kinh thì được coi là "mãn kinh quá muộn".
Sự sớm, muộn của tuổi mãn kinh có liên quan đến các nhân tố khí hậu, di truyền, tình hình kinh tế gia đình, xã hội, độ cao so với mực nước biển... Người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, thói quen vệ sinh tốt thì tuổi mãn kinh sẽ kéo dài hơn. Ngược lại, người có chế độ dinh dưỡng không đảm bảo trong thời gian dài, trọng lượng nhẹ, sống ở cao nguyên, nghiện thuốc thì tuổi mãn kinh sẽ sớm hơn. Việc dùng thuốc tránh thai, có kinh sớm, chủng tộc... không ảnh hưởng đến thời gian mãn kinh. Tuổi mãn kinh của phụ nữ và số lần sinh đẻ cũng có ảnh hưởng lẫn nhau.
Kỳ quá độ mãn kinh của phụ nữ kéo dài trong bao lâu tùy thuộc vào mỗi cá nhân, có thể trong một năm, có khi kéo dài hai đến bốn năm.
116. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh có thể có thai không? Áp dụng biện pháp tránh thai nào thì thích hợp?
Câu trả lời là có. Mặc dù cơ hội có thai thời kỳ này là rất ít, nhưng chỉ cần có kinh nguyệt (tức có khả năng rụng trứng) là có khả năng thụ thai. Các báo cáo khoa học cho thấy, ở phụ nữ 40-45 tuổi, tỷ lệ thụ thai mỗi năm là là 10%; ở phụ nữ 45-49 tuổi, tỷ lệ này là 2- 3%. Trên 50 tuổi, phụ nữ vẫn có thể có thai nhưng rất ít. Vì vậy, khi sắp đến giai đoạn mãn kinh, hoặc đã tắt kinh được một thời gian ngắn, bạn vẫn nên áp dụng các biện pháp tránh thai. Sau khi mãn kinh trên 1 năm mới có thể ngừng tránh thai. Nếu vì không phòng tránh mà có thai vì việc nạo hút sẽ gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe của phụ nữ. Trường hợp vẫn nuôi dưỡng thai thì sẽ khó đẻ hoặc thai nhi có những dị thường.
Biện pháp tránh thai là dùng thuốc uống hoặc bao cao su. Phương pháp tính thời kỳ an toàn không còn đảm bảo, vì chu kỳ rụng trứng ở thời kỳ này đã mất tính quy tắc, khó có thể xác định khi nào là thời kỳ an toàn nhất. Khi dùng thuốc tránh thai, nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa vì có một số thuốc gây bất lợi cho sức khỏe, làm tăng huyết áp, sỏi mật... Vì vậy, phụ nữ trên 40 tuổi không nên dùng.
Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh thường có xu hướng rối loạn kinh nguyệt, vòng tránh thai đặt trong tử cung sẽ gây ra những phản ứng phụ, khiến rối loạn kinh nguyệt ngày càng nặng hơn. Đối với phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, phương pháp tránh thai này có hiệu quả rất tốt. Nếu sau khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh mà kinh nguyệt không thay đổi nhiều, âm đạo không bị chảy máu thì có thể giữ vòng tránh thai đến sau khi mãn kinh một năm. Khi đó cổ tử cung còn chưa bị hẹp, lấy vòng tránh thai ra không mấy khó khăn.
Nếu mãn kinh đã được nhiều năm, nhưng vì một lý do nào đấy chưa lấy vòng tránh thai trong tử cung ra, thì có thể lấy ra được không? Có gì khó khăn không? Đáp án là: Nên lấy ra. Nếu tử cung hẹp thì sẽ có khó khăn, khi đó bác sỹ sẽ phải cung cấp oestrogen cho cơ thể trong mấy ngày, sau đó mới lấy ra.
117. Thế nào là mãn kinh nhân tạo?
Những phần trên đã giới thiệu về mãn kinh tự nhiên của phụ nữ, nguyên nhân là tuổi tác hoặc bệnh tật dẫn đến suy thoái công năng buồng trứng, tạo thành mãn kinh.
Có những phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh, nhưng tử cung hoặc buồng trứng phát sinh khối u. Để cứu được sinh mạng, phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng (nhìn chung đều cắt bỏ cả tử cung). Có khi do chữa trị bằng tia phóng xạ nên buồng trứng bị phá hỏng. Những người phụ nữ này không thể sinh con nữa, buồng trứng cũng không còn tác dụng gì, gọi là mãn kinh nhân tạo.
Người chỉ cắt tử cung mà vẫn giữ một hoặc cả hai bên buồng trứng thì không thể liệt vào mãn kinh nhân tạo. Vì tuy không có kinh nguyệt, nhưng công năng của buồng trứng vẫn tồn tại. Để xác định thời điểm được tính là mãn kinh ở những phụ nữ này, cần căn cứ vào những biểu hiện lâm sàng của người bệnh và đo lượng hoóc môn trong máu.
Khi mãn kinh nhân tạo, lượng oestrogen trong cơ thể đột nhiên hạ thấp, cơ thể thiếu một quá trình thích ứng dần dần. Các triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh nghiêm trọng hơn mãn kinh tự nhiên, dẫn đến sự thay đổi rất lớn. Vì vậy, đối với phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh, nếu phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung thì nên cố gắng giữ lại một bên hoặc hai bên buồng trứng, để quá trình tiền mãn kinh của họ giống như mãn kinh tự nhiên. Đối với phụ nữ đã mãn kinh, khi cắt bỏ tử cung nên cắt bỏ luôn cả hai bên buồng trứng, tránh phải phẫu thuật lần nữa do những bệnh về buồng trứng phát sinh.
Ở phụ nữ bị cắt bỏ hai bên buồng trứng, lượng oestrogen trong máu thấp hơn hẳn so với người mãn kinh tự nhiên; hoóc môn và các tế bào điều tiết thay thế tế bào xương cũng thay đổi rất nhanh. Vì vậy, phụ nữ trẻ tuổi nếu bị cắt buồng trứng quá sớm nên dùng oestrogen và thuốc tránh thai để điều trị thay thế, bổ sung hoóc môn cho cơ thể. Những biện pháp này giúp giảm nhẹ triệu chứng, phòng co hẹp bộ phận sinh dục và mất đi lượng xương quá sớm, khôi phục năng lực làm việc và sinh hoạt bình thường.
118. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh phải tự mình giữ gìn sức khoẻ như thế nào? Làm thế nào để làm chậm lại quá trình lão hoá, giảm bớt bệnh tật?
Thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn sinh lý cần phải có ở tất cả những phụ nữ bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều người trong giai đoạn này tuy không bị sức ép công việc, gánh nặng gia đình, nhưng một số đặc trưng lão hóa bắt đầu xuất hiện do sự thay đổi sinh lý và do các bộ phận trong cơ thể đã phát sinh những chuyển biến theo xu hướng suy giảm. Vì vậy, chị em phụ nữ ở vào thời kỳ này nên vận dụng những tri thức khoa học hiện đại, tự giác duy trì sức khỏe bản thân, giữ được thái độ lạc quan để giúp cho tinh thần tốt, tư duy nhẹ nhàng, trí năng tốt, làm chậm sự suy thoái, lão hóa công năng sinh lý của các cơ quan, kéo dài tuổi thọ.
Để làm chậm quá trình lão hóa, người ta thường nghĩ đến những bài thuốc "trường sinh bất lão" hoặc "cải lão hoàn đồng" của các vị hoàng đế. Tuy nhiên, dùng thuốc trị bệnh chỉ là một trong rất nhiều việc phải làm. Để làm chậm quá trình lão hóa, nên dựa vào các phương pháp khoa học tổng hợp sau:
- Giữ cho trạng thái tâm lý tốt.
- Duy trì cuộc sống gia đình hài hoà.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt nề nếp.
- Duy trì thói quen vệ sinh sạch sẽ.
- Chú ý phối hợp ăn uống hợp lý.
- Tiến hành rèn luyện thân thể khoa học.
- Chú ý bảo vệ vẻ đẹp của da.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Dùng các loại thuốc trị bệnh thích hợp.
119. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh làm thế nào để giữ được trạng thái tâm lý tốt?
Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, người phụ nữ bước vào một giai đoạn mới của cuộc sống. Mỗi phụ nữ thời kỳ này nên có những tri thức cơ bản về những biến đổi trong cơ thể. Đồng thời, nên tự ý thức về những thay đổi về địa vị xã hội và cuộc sống gia đình, tự điều chỉnh những sinh hoạt cần thiết, giải trừ lo âu, bồi dưỡng tình cảm, lạc quan, vui vẻ.
Ví dụ: Khi nghỉ hưu ở nhà, nên sắp xếp cuộc sống hợp lý, tránh vì nhàn rỗi mà sinh ra buồn chán. Nên tham gia lao động ở gia đình và xã hội, tham gia các hoạt động giải trí như trồng hoa, nấu nướng, nghe nhạc, chơi cờ, câu cá, đọc sách, đi dạo... Những việc này đều có lợi cho đời sống tình cảm.
Phụ nữ tuổi trung niên trong công việc và cuộc sống gia đình thường gặp phải những sự việc không theo ý muốn, phải học cách tự giải toả. Đối với những vấn đề phi nguyên tắc, nên khoan dung, đại lượng, bình tĩnh xử lý, chủ động xây dựng quan hệ giao tiếp tốt.
Những phụ nữ có tình cảm bất ổn định cần đến bác sỹ tâm lý để xin tư vấn, có khi phải dùng đến các loại thuốc an thần, tạo hưng phấn. Nên tìm đến các trung tâm tư vấn tâm lý, cố vấn gia đình và hôn nhân... để khôi phục năng lực khống chế tình cảm.
120. Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh làm thế nào để giữ được cuộc sống gia đình hòa hợp?
Người trung niên là trụ cột gia đình; trên có người già cần được chăm sóc; dưới có con cái cần được nuôi dưỡng. Công việc mỗi ngày mỗi bận, nếu trở về gia đình với không khí vui vẻ hòa hợp, những mệt mỏi sau một ngày vất vả sẽ được giảm bớt, khiến người phụ nữ có sự nghỉ ngơi tốt, có lợi cho sức khỏe. Cuộc sống gia đình hài hòa còn có lợi cho việc giáo dục tình cảm con trẻ, giảm nỗi cô đơn của người già, giúp kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, việc các thành viên trong gia đình luôn cãi cọ, cáu giận nhau sẽ làm cho tinh thần mệt mỏi, ăn uống không ngon, giấc ngủ không yên, không những làm tăng gánh nặng tinh thần mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh lý.
Tình yêu của vợ chồng tuổi trung niên đã trải qua sự khảo nghiệm của những tháng ngày lãng mạn, so với tuổi trẻ thì tình yêu giai đoạn này ổn định hơn. Vì thế, bất luận phát sinh chuyện gì, nên nghĩ đến tình cảm vun đắp mấy chục năm qua, học cách nhẫn nại, khắc phục tính cố chấp, giảm thiểu sự va chạm vợ chồng. Đến tuổi trung niên, bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, người chồng nên hiểu và yêu thương, động viên, an ủi vợ, giúp vợ vợi đi những lo lắng, buồn phiền.
Nên bồi đắp tình cảm tốt, mọi thành viên trong gia đình yêu thương, kính trọng lẫn nhau, giúp đỡ, rộng lượng với nhau, kính già, yêu trẻ.
Phải sắp xếp tốt cuộc sống gia đình, tạo ra cuộc sống gia đình phong phú, hấp dẫn.
Thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ không nên quá lo lắng về việc giảm nhu cầu tình dục. Mãn kinh không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn sinh hoạt tình dục. Hơn nữa, khi đó, nhu cầu tình dục của người chồng cũng giảm rõ ràng, phụ nữ hoàn toàn có thể giải trừ lo lắng; từ tình hình thực tế để điều chỉnh sinh hoạt tình dục sao cho hợp lý. Mặt khác, người chồng cũng nên hiểu rằng, do mãn kinh mà âm đạo phụ nữ có những ảnh hưởng bất lợi; từ đó có sự cảm thông, tránh những động tác thô bạo. Nếu gặp khó khăn, có thể dùng các loại thuốc hỗ trợ theo chỉ định của bác sĩ.