Ánh trăng mười sáu
Nguyễn Thị NGọc Dung
Hoàng đang chìm đắm trong giấc ngủ say sưa thì có tiếng điện thoại reo vang. Giật mình, chàng cố nhướng mắt nhìn đồng hồ. Mới tám giờ sáng Thứ Bẩy. Lại mấy bà làm văn nghệ, văn gừng réo chứ không ai vào đây. Bạn bè Hoàng không mấy người dậy sớm gọi nhau vào giờ này. Quyên nằm bên điện thoại vẫn ậm ừ vùi đầu trong chăn, chuông reo ba lần không chịu trả lời. Hoàng tung chăn, với tay qua đầu Quyên, nhấc máy với giọng còn ngái ngủ:
- A-lô?
Tiếng đầu dây bên kia:
- Chào anh Hoàng, Thúy đây! Xin lỗi anh, tôi đánh thức anh dậy phải không? Nhưng có chuyện rất cần nên phải gọi trước khi chàng và nàng ra khỏi nhà.
Hoàng mỉa mai:
- Còn sớm mà, đi đâu vào giờ này, định ngủ cho đã giấc sáng ngày nghỉ đấy thôi. Chị muốn nói chuyện với Quyên hả?
- Bộ nói với anh để anh mắng xéo ư? Quyên dậy chưa?
- Chưa và đang lắc đầu không muốn nói chuyện!
- Anh bảo Quyên rằng có chuyện thập tử nhất sinh tôi mới réo sớm như thế này!
Tiếng Thúy léo nhéo quá lớn qua điện thoại, Quyên đang nửa tỉnh, nửa mơ cũng nghe được. Nàng uể oải thò tay ra ngoài tấm chăn màu hồng ấm áp, với máy nghe và áp vào tai:
- Khỉ ạ, gọi gì mà sớm thế?
- Có chuyện phải bàn. Báo vừa đăng, ngày chủ nhật 13 có hai vụ ra mắt thơ và CD khác cùng ngày giờ tụi mình định giới thiệu sách Diễm. Nghe nói họ sẽ gửi giấy mời tụi mình nữa. Nếu muốn họ tới dự buổi của mình, mình phải đến buổi của họ. Phải đổi ngày của Diễm, chứ không vỡ nợ hết. Khách mời sẽ bị chia sẻ, không nhiều thì ít. Ngày Thứ Bẩy 12 không được rồi vì có hai đám cưới. Hay mình rời đến tuần sau.
Quyên đã tỉnh ngủ và cũng nhận thấy sự khủng hoảng đó. Nàng ngồi thẳng dậy, kéo cái gối cho giáp thành gỗ đầu giường để dựa lưng. Quyên vuốt tóc ngược qua trán và bắt đầu nhập vào ngày sinh hoạt:
- Không thể được. Diễm đã mua vé máy bay tới đây vào Thứ Tư. Tuần sau nó có buổi ra mắt sách khác ở Philadelphia và đám cưới con Minh ở New Jersey nữa chi? Chỉ còn chiều Thứ Sáu là được thôi. Bồ gọi cho Diễm biết vậy. Tôi liên lạc với Hội Quán Văn Nghệ để đổi ngày giờ ngay. Mong rằng chưa ai đặt ngày đó. Cũng may chưa in thiệp và đăng báo. Mấy bồ phải làm ngay những việc ấy vào Weekend này, không thể đợi đến thứ tư, thứ năm khi tôi được nghỉ rồi mới làm.
- Tôi sẽ gọi ngay cho Diễm. Nếu ngày giờ được đồng ý, tôi đưa thiệp đi in chiều nay, chiều Thứ Ba sẽ có. Tối thứ ba sẽ gọi Song, Minh, Liên, Hằng đến nhà tôi viết và gửi thiệp mời. Thứ tư đi đăng quảng cáo. Weekend tới, mọi người sẽ nhận được thiệp và hay tin qua báo. OK?
Vừa nghe Thúy hạ máy, Quyên quay số khác liền. Cứ thế cả buổi sáng Thứ Bẩy, nàng ngồi luôn trên giường lật giở cuốn sổ nhỏ, điện thoại đi khắp nơi. Vào phòng tắm Quyên cũng có cái máy không dây bên miệng, bên tai. Người ở đầu máy kia có lẽ nghe cả tiếng suối cô nàng róc rách chảy. Nhưng mặc kệ, Quyên phải giải quyết xong mọi chuyện mới yên tâm được. Định làm việc gì nàng cho rằng chính đáng, có ý nghĩa, Quyên tận tình hoàn thành thật tốt đẹp với hết sức mình. Khi chấm dứt điện đàm với Diễm từ San Diego đồng ý sự thay đổi trên và bàn thêm vài chi tiết cần thiết, vừa đến giờ Quyên phải sửa soạn đi làm. Nàng chỉ kịp gói nắm xôi đậu xanh, mấy miếng chả và vội vàng ôm hôn Thùy, Tuấn, Hoàng rồi vừa tất tả chạy ra xe vừa dặn dò:
- Anh lo đưa chúng đi McDonald giùm em. Cám ơn anh. Yêu anh lắm lắm!
Gần muộn giờ làm, Quyên phóng xe xuống đường dốc. Nàng hít hơi dài lấy thêm sức và cảm thấy tội lỗi với Hoàng. Thùy, Tuấn là con riêng Quyên với người chồng quá cố chứ đâu phải con Hoàng. Nhưng hình như từ ngày dọn vào chung sống với nàng gần hai năm nay, Hoàng săn sóc trông nom Tuấn, Thùy nhiều hơn bổn phận Quyên phải làm. Chàng coi chúng như chính con mình. Nhất là khi nàng để nhiều thời giờ tham gia hoạt động cộng đồng, trường cũ, bạn xưa, tổ chức buổi giới thiệu sách cho Diễm sắp tới.
Cuộc đời tình cảm Quyên nhiều đau khổ, gian truân, Quyên muốn viết lại thành sách như Diễm nhưng không có thời giờ, tâm trí. Và, chắc đâu nàng có khả năng ấy. Diễm rất cảm phục bạn hoàn thành được tác phẩm. Kể ra Quyên không phải là trường hợp đặc biệt. Từ ngày, miền Nam bị Cộng Sản thôn tính, cả nước Việt Nam bị nhuộm màu cờ đỏ, cảnh tù đầy, uất hận, chia ly, tử biệt chùm lên cuộc đời hằng mấy chục triệu đồng bào xấu số. Những kẻ thoát được đến những bến bờ tự do, có dịp cởi mở, bộc lộ tâm tình mình trên trang giấy. Mỗi người Việt di cư hình như đều mang tâm hồn văn thơ tiềm ẩn từ kiếp nào. Người Việt lưu vong, dù may mắn thành công trên đường xây dựng cơ ngơi sự nghiệp, vẫn mang mối sầu xa xứ, thương xót quê hương đang trong cảnh đói khổ, lầm than, cùm kẹp. Bao nhiêu bản nhạc ra đời, tác phẩm văn thơ xuất hiện và họa sĩ tên tuổi mới ở hải ngoại.
Điều không thể chối cãi, Quyên có tài hội họa. Bắt đầu năm đệ tam, Quyên học vẽ với người bạn của thân phụ. Nàng có nhiều tranh triển lãm, được giải thưởng Hội Họa Học Sinh Toàn Quốc, Hội Việt Mỹ, Hội Họa Sĩ Trẻ... Tuổi hai mươi mơ mộng, nàng yêu Khanh, một sinh viên nàng gặp tại những lớp Đại Học Văn Khoa. Quyên đưa rất nhiều hình ảnh chàng vào tranh. Khanh làm thơ phổ nhạc tặng và đáp lại tình yêu của Quyên. Nhưng, những ngày thơ mộng ấy thui chột nhanh chóng. Vì lý do chính trị, Khanh và cả gia đình phải rời Sài Gòn đi Paris. Chàng hứa hẹn sẽ trở về khi tình hình cho phép hoặc sẽ đón nàng sang Pháp.
Thế rồi biến cố tháng tư 1975 xẩy tới, hai người mất liên lạc. Vài năm sau, Quyên được tin Khanh cưới vợ. Nàng bỏ vẽ, cho hết tranh và thề không bao giờ cầm đến cây cọ. Quyên không hề oán trách Khanh. Hoàn cảnh ngăn cách hai người, ngàn trùng, biền biệt. Không ai đợi ai mãi trong vô vọng. Nhưng tình đầu mạnh mẽ, cao cả, ma quái, vượt không gian, thời gian, đi theo hoài trong đời nhân vật vướng mắc. Nàng cố tìm quên, không muốn nhìn thấy những bức tranh kỷ niệm và không còn cảm hứng theo đuổi hội họa.
Trong giai đoạn khốn khổ của con người chế độ cũ kéo dài như vô tận trong chế độ mới, nàng kết hôn với Cương, cựu quân nhân vừa ra khỏi tù và cùng chàng đi theo diện nhân đạo sang Hoa Kỳ. Bốn năm sau, Cương qua đời vì bệnh ung thư gan để lại cho nàng hai đứa bé mồ côi, Thùy ba tuổi, Tuấn mới một tuổi. Quyên gồng mình đi làm hết việc này qua việc khác để nuôi con, trả nợ cái nhà nát như tương, cái xe cũ rích Cương cứ tưởng sẽ sống lâu dài để sửa chữa, xây tổ ấm. Việc nào của Quyên cũng là nghề lao động như khâu may, uốn tóc, làm móng tay. Vì sang sau muộn màng, tâm hồn tiếp nối những lo âu, buồn khổ, nàng không thể để tâm não vào việc học, hoặc thi lấy cái bằng nào, nghề nào chuyên môn bằng trí óc cho nhàn thân. Việc hiện tại của Quyên cũng chỉ là nấu ăn cho một khách sạn lớn. Vất vả, nhưng lương khá, có bảo hiểm sức khoẻ, một điều kiện rất cần thiết cho mẹ con nàng.
Hoàng thương sự vất vả, quả cảm ấy của Quyên và yêu nàng. Hai người gặp nhau trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương do Hội Cao Niên tổ chức. Thân phụ và thân mẫu Quyên qua đời sớm. Quyên có bà bác còn năng nổ tham gia sinh hoạt trong Hội Già. Ở ngoại quốc, cụ là bậc trưởng thượng độc nhất trong gia tộc Quyên thương kính như cha mẹ. Bà bác nhờ Quyên tiếp tay cho ngày lễ dân tộc đó.
Hôm ấy, Quyên khệ nệ bưng mâm xôi gấc với hai đứa con nhỏ đi bên cạnh. Nàng trang điểm rất nhẹ, áo dài màu rêu sậm, quần đen thật nhã nhặn. Sự mộc mạc, giản dị ở nàng khiến Hoàng muốn làm thân với hai đứa bé có đôi mắt to đen láy trên khuôn mặt bầu bĩnh, hình ảnh các con chàng thuở xa xưa. Hoàng mỉm cười với chúng. Hai đứa bé bẽn lẽn núp mặt trong vạt áo dài của mẹ. Quyên nghiêng chao người xuýt ngã. Chàng vội đỡ mâm xôi trên tay nàng và đặt giùm lên bàn thờ. Hoàng cũng vẽ hai tấm biểu ngữ và đem đến treo giúp ban tổ chức. Chàng có nghề quét vôi, sơn cửa, làm vườn, sửa nhà, một nghề tự do, không bận đầu óc.
Hoàng cũng theo diện nhân đạo một mình tới định cư tại Arlington. Vợ con chàng rời Việt Nam từ tháng tư 1975 khi Hoàng cùng đồng đội còn đang chiến đấu những giờ phút cuối cùng dưới vùng lục tỉnh. Chàng bị chế độ mới bỏ tù 8 năm. Vợ chàng, Liên lập gia đình khác ngay sau khi tới đất Mỹ. Hoàng vẫn liên lạc với các con và vợ cũ trong sự hiểu biết. Thời gian trong tù, chàng nhận được thư Liên thẳng thắn trình bầy tất cả sự thật và hoàn cảnh mới. Nàng vẫn gửi quà, nhắc nhở các con viết thư thăm chàng. Giờ đây, tuy cùng ở trên đất Mỹ, miền Đông, miền Tây cách nhau cả một chiều ngang lục địa, chẳng ai phiền lụy, giận hờn ai.
Trước mắt Hoàng hiện tại chỉ còn hình ảnh Quyên và các con nàng. Thực vậy, sau vài lần gặp gỡ trong những sinh hoạt cộng đồng khác, Quyên nhờ chàng đến sửa cho nàng cái cửa nhà xe bị xệ, không đóng, cũng không mở được. Tiện thể, chàng vặn lại đinh ốc cho mấy cái chân bàn, chân ghế lung lay, sau đó là những vòi nước rỉ, bồn rửa bát, bồn tắm tắc nghẹt. Nhà góa phụ trẻ phải đi làm khó nhọc từ 2 giờ chiều tới 10 giờ khuya như thế đó. Trước khi đến chỗ làm, Quyên phải đón và đưa hai đứa con đến nhà người quen nhờ giữ hộ, tới khuya mới đón chúng về.
Từ khi có cảm tình quyến luyến mẹ con Quyên, Hoàng bỏ những việc làm chiều Thứ Bẩy, Chủ Nhật để trông Tuấn, Thùy, đưa chúng đi ăn hamburgers, pizza, đi xem movies, đi chơi công viên, sở thú... hay chăm sóc cho nàng cái vườn bỏ hoang, hoa khô, cỏ cháy. Người đàn bà, người đàn ông cảm thông sự cô đơn, sự cần thiết có nhau, tìm tới nhau. Một đêm Hoàng ở lại và ở lại nhiều lần sau đó cho đến khi công nhiên chung sống hẳn với Quyên.
Hai đứa bé coi Hoàng như bố. Hình ảnh người cha lên thiên đường từ bốn năm nay dần dần mờ nhạt. Với tâm trí non nớt, Tuấn, Thùy quấn quít yêu thương Hoàng vì sự săn sóc thật tình chàng dành cho chúng. Chúng sung sướng được người cha như những đứa trẻ khác có. Với đôi bàn tay và trái tim bao dung, Hoàng xây dựng lại mái nhà ấm cúng, khang trang cho mẹ con Quyên. Hoàng đang đào đào, xới xới vườn sau xây cái hồ gạch lớn.
Vậy mà từ mấy tháng nay, ỷ lại có Hoàng, Quyên tham gia nhiều hội hè, đình đám, để chàng luôn luôn lủi thủi với Thùy, Tuấn ở nhà. Nàng đâu nhìn thấy hoa lá được vun trồng, gạch ngói được xây cất vườn trước, sân sau. Hết giỗ Hùng Vương, Trưng Vương, Hội Già, Hội Trẻ lại đến họp mặt kỷ niệm 20 năm ra trường mời tất cả bạn học toàn quốc, năm châu, bốn bể về dự và ra đặc san dầy cộm hình ảnh chữ nghĩa, tốn bao công của.
Tuy nhiên, Hoàng cũng thấy vui lây khi cùng Quyên tham dự tiệc họp mặt, ca nhạc, ngâm thơ, kịch nghệ, hội thảo, chụp hình, quay phim tưng bừng, ăn uống tràn trề luôn hai ngày cuối tuần. Trước và sau đó các vị phu quân, kể cả Hoàng phải làm tài xế chở đầy xe khách xa gần đi xem danh lam thắng cảnh vùng Washington, D.C., Maryland, Virginia. Chưa nghỉ ngơi lấy sức, lại đến buổi ra mắt sách này của một nàng văn sĩ mới ra lò. Vừa nhận được cuốn sách, Quyên giúi ngay vào tay Hoàng với cây viết đỏ:
- Anh đọc giùm em, xem chỗ nào đặc biệt đáng chú ý và anh thích, anh gạch xuống, ghi chú bên cạnh rồi cho em biết. Gấp quá rồi, em không có thì giờ đọc.
Quyên đặt lên tóc, lên tai Hoàng những nụ hôn vuốt ve, khuyến khích. Làm sao chàng từ chối nàng được! Vài hôm sau, khi thấy Hoàng đọc xong và nói, “truyện cũng được, lôi cuốn, cảm động, Quyên lại dụ dỗ, năn nỉ:
- Em cũng nghe nói thế! Được lắm! Tiện thể anh đọc và gạch ghi tất cả những dẫn chứng rồi, chỉ cố một buổi tối anh viết xong bài giới thiệu! Chịu khó làm giùm em thêm tí nữa đi!
- Đã lâu lắm không làm việc này, anh không đủ kiên nhẫn ngồi viết tỉ mỉ đâu.
- Không cần tỉ mỉ, chỉ hai trang với những yếu tố chính cũng tốt rồi. Diễm là bạn thân của em. Đàn bà mấy ai dám viết cả cái dở, thói hư, tật xấu của chính mình như nó. Diễm muốn hy sinh cái nó để tìm, để đổi lấy những tốt đẹp và hy vọng cho cuộc đời, xã hội.
- Thực vậy, nếu Diễm hồn nhiên thuật lại tuổi thơ ngây cô ấy cũng phải sống lại một thời đau khổ, gian truân với nhiều nước mắt khi viết cuốn sách này. Đôi lúc anh muốn viết lại thời kỳ ở tù, nhưng anh sợ sống lại những cảnh đầy máu hận ấy. Anh sợ tim anh sẽ cạn khô không còn nhịp đập để yêu em, để lập lại cuộc đời với em.
Quyên biết truyện của Diễm đã thu hút Hoàng, chỉ cần thúc đẩy thêm một chút:
- Nếu anh yêu em thì cố làm cho Diễm và cũng là làm cho em đấy. Ai ra những tác phẩm đầu tay không mong có người chú ý và nói tới. Hồi xưa ba em là nhà báo đã từng viết bài giới thiệu sách cho các nhà văn mới. Anh nhé, cố gắng một chút, em sẽ thưởng cho. Anh muốn được paid in advance không?
Hoàng cắn nhẹ vào tai Quyên còn hôi mùi bếp:
- Thôi, nịnh anh chừng đó đủ rồi, đi tắm gội cho thơm tho đi, anh cưng!
Sáng hôm sau, Quyên giựt bài viết trong tay Hoàng, chạy ra xe, phóng tới tòa báo. Nàng nhờ bà chủ cho lên khuôn vào cuối tuần với khung quảng cáo miễn phí cái thư ngỏ mời độc giả đi dự buổi ra mắt sách Diễm. Mới sang Hoa Kỳ bẩy năm, nhưng vì Quyên sinh trưởng trong gia đình thân cận làng văn, làng báo nên được giới này quý mến. Tuy nhiên, nhiều lần Quyên vẫn phải ôm điện thoại hằng giờ, uốn bẩy tấc lưỡi nhờ quí vị ấy đọc sách và làm diễn giả trong buổi giới thiệu sách sắp tới. Nghe nàng nói, Hoàng cũng phát mệt, nhưng không khỏi phục tài ăn nói khéo léo, ngọt như mía lùi của nàng, người nghe không thể từ chối được. Và, chẳng lạ gì, một nhà văn, cựu giáo sư trường trung học Huế và một nhà văn khác, cựu nữ sinh trường cũ của Quyên nhận lời. Rồi đến việc thuê phòng sinh hoạt, đổi địa điểm vài ba lần, và mướn âm thanh, nhờ nghệ sĩ ngâm thơ ca hát, đặt người làm món ăn v.v.
Nàng có thời giờ cho tất cả các bạn, nhưng không có thời giờ cho Hoàng và hai đứa con. Bàn tới tiệc cưới nhỏ của hai người, Quyên thường nói nhà cửa chưa sẵn sàng, chưa thể mời bạn bè. Nàng muốn có tiệc tại nhà, chứ không đi tiệm, rườm rà, tốn kém. Nếu Quyên không mất nhiều thời giờ vào những việc "ăn cơm nhà vác ngà voi", nếu Hoàng không phải thay thế nàng trông hai đứa bé, làm tất cả việc gia đình cho nàng, cái nhà này đã đẹp đẽ, tươm tất cả trong lẫn ngoài từ lâu.
Røng rã mấy tuần bàn bạc, xếp đặt, sau cùng rồi cũng tới buổi ra mắt sách Diễm với quan khách các hội đoàn, văn thi nghệ sĩ báo chí, các phe đối lập. Thân hào, nhân sĩ, và rất đông cựu nữ sinh trường cũ của Quyên, Thúy ngồi chật hội quán, một sự rất hiếm có tại vùng Arlington cho buổi ra mắt sách của cây viết mới, đến từ tiểu bang California. Hoàng biết ngay rằng nhờ ảnh hưởng quen biết của Quyên và những người bạn với tình đồng môn, đồng trường ủng hộ Diễm, sốt sắng mời được mọi người chứ không phải vì tên tuổi Diễm.
Quyên là người mở đầu và điều khiển chương trình. Bà bếp của Hoàng khi lên diễn đàn, nghiêm trang, khả ái lắm trong bộ áo dài màu lam xậm làm nổi bật nước da mịn màng, căng bóng dầu mỡ nhà bếp. Thính giả im lặng lắng nghe từng lời nói đầm ấm, trau truốt của Quyên. Hoàng ngồi xa cùng Thùy và Tuấn. Hai đứa bé chẳng hiểu Quyên nói gì, nhưng cũng như Hoàng, chúng bị thôi miên, nhìn bà mẹ trẻ như thần tượng. Chàng hãnh diện với tấm biểu ngữ màu tím kẻ tên sách và tên tác giả màu hồng nhạt. Chàng đến sớm, căng tác phẩm của chàng trên sân khấu trước khi đi đón Thùy, Tuấn và đem chúng trở lại. Buổi ra mắt sách coi như thành công. Mọi người vui vẻ ra về. Hoàng lại là người tháo cuộn tấm biểu ngữ đưa tặng tác giả.
Tưởng đến đó là hết, Quyên sẽ về cùng Hoàng và hai con. Nhưng ra đến xe, nàng lại năn nỉ:
- Anh ơi, anh đưa Thùy, Tuấn về cho chúng đi ngủ sớm giùm em. Em lại nhà Thúy cùng bọn chúng nó ăn mừng với Diễm. Toàn đàn bà cả. Tối nay chúng nó slumber party ở đó. Sáng sớm mai anh đến đón em về như các quí vị phu quân khác đón các nàng kia nhé.
Hoàng không che giấu sự giận dỗi:
- Anh không thể tưởng tượng được các ông chồng Việt Nam ở bên đây cho các bà vợ đi ngủ lang như thế.
Quyên đứng sát cạnh Hoàng thì thầm:
- Ngủ lang gì đâu? Các bà, các cô họp bạn phải có mục như thế mới hàn huyên cho đã được chứ. Lâu lâu Diễm mới sang gặp tụi em. Nếu chồng nó nghĩ rằng đi ngủ nhà bạn là xấu thì đã không cho nó đi xa một mình.
Nói rồi Quyên cao giọng cầu cứu các bạn:
- Các bồ ơi, lại đây xin phép giùm tui. Cam đoan hộ với chàng rằng tụi mình là những bà vợ trung thành, ngoan ngoãn nhất thế giới, không làm gì xằng bậy cả. Nếu các nàng xin được chàng thì tui đi, không tui phải bỏ các nàng về nhà nằm khoèo với chàng đấy.
Cả nhóm đàn bà trẻ im lặng nhìn nhau một giây rồi ào ào chạy tới xe Quyên, Hoàng và cùng nhao nhao:
- Bảo đảm với anh Hoàng, chúng tôi chỉ đi đến nhà Thúy ăn cháo thập cẩm bà cụ của Thúy nấu và hàn huyên, tâm sự thôi.
- Anh ạ, cụ đã nấu mà bỏ không đến ăn là bị la đấy. Lần sau đừng hòng thấy mặt cụ.
- Chúng tôi cam đoan không đi Georgetown uống rượu.
- Không đi xem striptease show, không lộn xộn gì cả. - Khỉ ạ, đừng nói giỡn, anh Hoàng lại nghi ngờ thật đấy. Không tin, anh cứ gọi sang nhà Thúy mỗi giờ để kiểm soát chúng tôi!
Hoàng ngượng nghịu:
- Tôi tin các cô, các bà chứ. Tôi chỉ ngại mấy hôm nay Quyên mệt lắm rồi, lăng xăng nữa, đau cho coi.
Quyên nhanh nhẩu:
- Em còn xin nghỉ ngày mai nữa. Nhé anh?
Nhìn điệu bộ nũng nịu, nhõng nhẽo của Quyên, tim Hoàng mềm chảy. Họ tụm năm túm ba với nhau lành mạnh thế thôi. Chàng nhượng bộ, ôm eo Quyên trước khi bước lên xe:
- Thôi các bà cũng liệu nói thấp giọng, chứ không, qua đêm nay về nhà, các ông chồng lại ngỡ vịt cồ ở đâu lạc tới.
Cả mười cái miệng cựu nữ sinh cùng dạ vâng vang ran bãi đậu xe vắng. Quyên hôn nhanh lên mái tóc hai con:
- Tuấn và Thùy về trước với ba Hoàng nhé, mẹ sẽ về sau, chóng ngoan, mẹ thương.
Nàng định theo lên xe với các bạn, nhưng áy náy không yên tâm về sự bỏ bê Hoàng và hai con mình. Quyên đặt mấy cái bịch đang cầm tay xuống đất, chạy trở lại choàng vòng tay qua người Hoàng. Quyên kéo chàng sát nàng và đặt nụ hôn thật dài trên môi Hoàng:
- Cảm ơn anh.
Tiếng cười ròn rã hồn nhiên của những người bạn gái lại được dịp vang lên lần nữa dưới ánh trăng thanh.
Giờ đây, Hoàng ngồi im lìm trên ghế đá, hút thuốc dưới tàn cây dương liễu rủ lá xuống gần mặt đất góc vườn nhà Quyên mà chàng ước mong sẽ là tổ uyên ương của hai người. Làn khói xanh tỏa dưới ánh trăng bàng bạc. Côn trùng rên rỉ tình tự trong bụi cây, thảm cỏ. Tất cả hình như vô tình trước sự hiện hữu của Hoàng.
Cái hồ bán nguyệt đã xong mấy tuần nay. Quyên bận với bạn bè, đâu có thời giờ ngó ra vườn xem công trình xây cất của Hoàng! Nhiều lúc Hoàng có cảm tưởng Quyên chỉ cần chàng như nam nữ cần tình dục, như một người đàn bà yếu đuối cần một người đàn ông lo những việc nặng nhọc, sửa sang nhà cửa, trông con không tốn tiền. Quyên không yêu Hoàng. Bằng chứng, nàng có tất cả thời giờ tổ chức hội đoàn, nhưng không có thời giờ nghĩ tới tiệc cưới nhỏ giới thiệu chàng như người chồng. Hay là Quyên còn lưỡng lự, kén chọn người không làm nghề lao động như chàng. Chung quanh nàng thiếu gì các chàng độc thân gan cóc tía, chưa bao giờ có vợ hoặc góa vợ, bỏ vợ hay bị vợ bỏ, đang để ý tới nàng. Những lời khen ngợi nàng, những ánh mắt nhìn nàng dẫn chứng điều đó. Nhưng phải công nhận Quyên rất nghiêm trang, nói năng điềm đạm trước mọi người trừ những lúc đứng riêng với bạn học cũ, ríu ra ríu rít như con nít làm chàng cũng cảm thấy vui vẻ, trẻ trung, yêu đời trở lại. Hoàng đoán rằng cái thuở cắp sách đến trường, Quyên cũng là loại nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò chứ chẳng kém ai. Hoàng thương Quyên, yêu Quyên ở bề ngoài đầy nghị lực mạnh mẽ nhưng thực ra che giấu nội tâm mong manh dễ vỡ.
Lần thứ nhất gặp Quyên, chưa biết gia thế nàng, Hoàng linh cảm ngay thấy sự cô đơn của ba mẹ con. Họ cần được săn sóc, che chở và hai cánh tay chàng muốn làm điều đó như thần linh xui khiến. Lần thứ nhất Hoàng ở lại nhà nàng, Quyên ngả đầu trên vai chàng, trút đổ bao cơn thổn thức. Hình như đêm ấy, những đau khổ, bất hạnh chồng chất trong đời Quyên từ bao năm không thổ lộ với ai, đã theo nước mắt trào ướt ngực áo chàng. Có cả trăm bạn gái để tâm sự, người đàn bà vẫn cần một bờ vai yêu thương của phái mạnh để tìm yên bình, che chở. Hạnh phúc của Hoàng là làm được những điều ấy cho người yêu. Có thể nào chàng sẽ mất niềm hạnh phúc đó không?
Hoàng rít một hơi thuốc sau tiếng thở dài và thả những vòng khói tản mạn dưới ánh trăng lạnh lẽo như tâm hồn trống vắng của chàng. Từ ngày đến ở đây với mẹ con Quyên, Hoàng đã bỏ thuốc lá cho tới đêm nay, trong phút giây cô đơn chàng đã tìm lại hơi thuốc như tìm người bạn trút niềm tâm sự.
Bỗng trong khói sương huyền ảo ấy xuất hiện bóng Quyên trong áo ngủ màu trắng mỏng manh, hở đôi cánh tay trần. Hoàng giật mình tưởng như đang trong giấc mơ liêu trai nào. Nhưng không, đúng là Quyên bằng xương, bằng thịt. Nàng tươi cười, thong thả tới gần chàng:
- Anh lại hút thuốc rồi. Em ngửi thấy mùi thuốc lá lọt qua cửa sổ, nhìn ra vườn không thấy ai chỉ thấy những cụm khói, em hết hồn tưởng trộm cắp, ma quái gì chứ. Mãi mới nhìn thấy anh ngồi trong bóng tối.
Hoàng giụi điếu thuốc và nắm tay Quyên kéo nàng ngồi xuống bên cạnh:
- Kẻ trộm nào vào nhà khổ chủ mà dại dột hút thuốc lá, lạy ông tôi ở bụi này. Anh thương em vẫn ngây thơ như thế. Sao em không ở lại nhà Thúy? Ai đưa em về vậy?
- Hồng bị cảm và ho quá, nó gọi chồng tới đón về. Em cũng không yên tâm khi rời anh với cái mặt xụ một đống. Nên em quá giang vợ chồng Hồng về. Em xin lỗi đã mải mê lo bạn bè, quên cả anh và Thùy, Tuấn. Nếu không có anh, em đâu có thể bỏ chúng mà lo việc người được. Các bạn và em cám ơn anh nhiều lắm. Trưa mai là ngày chót tiễn Diễm về Cali, em mời họ tới ăn bánh sèo, tuyên bố ngày cưới chúng mình định nhé? Anh bằng lòng không?
Cánh tay mát rượi của Quyên choàng qua cổ Hoàng. Chàng không trả lời, ôm nàng trong vòng tay khép dần và đặt lên môi người yêu nụ hôn nhẹ:
- Nếu có em, cái gì anh cũng bằng lòng hết. Anh và hai con sẽ phụ em làm tiệc tiễn bạn. À, em đã thấy công trình xây cất của anh chưa?
- Cái hồ cá ấy hả anh?
- Ừ, hồ sẽ thả cá cho Thùy, Tuấn và hoa sen, hoa súng cho em.
Hoàng dìu Quyên đứng lên. Nàng hân hoan đi lại phía hồ. Chàng kéo cái bạt ny-lông ở giữa vườn để lộ cái hồ bán nguyệt xây gạch đỏ, đường kính chừng mười bước nhỏ. Quyên reo lên:
- Ô, hồ lớn quá. Trời ơi, anh phải bỏ nhiều công lắm hả? Anh giỏi quá đi thôi. Giữa hồ mà có tượng Venus đứng trong vỏ sò lớn như tranh Botticelli thì đẹp lắm.
- Em không nói, anh cũng đã có ý định đó rồi.
Quyên ngước nhìn bầu trời xanh thẳm. Trăng mười sáu tỏa vòng hào quang thật rộng, chiếu sáng những bè mây trắng bồng bềnh trôi. Niềm vui òa vỡ, Quyên xoay một vòng lả lơi, xiêm áo ngủ xòe rộng để lộ đôi chân thon dài. Hoàng đỡ tay và ôm eo nàng, nhẹ nhàng đưa vài bước luân vũ. Quyên nhìn chàng đắm đuối và cất tiếng ngâm câu ca dao tình tứ:
- Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng.
Hoàng tiếp lời:
- Ước gì anh lấy được nàng, để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại xây ngang, xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Quyên âu yếm ngả người trong vòng tay Hoàng:
- Ngày mai chúng mình có thể khoe với các bạn em cái hồ này và hoa anh trồng chung quanh vườn. Chắc chúng nó phải ghen với em. Những buổi họp mặt sau của tụi em có thể tại nhà chúng mình được rồi, anh nhỉ?
Niềm vui nhỏ bé của Quyên chỉ có vậy, không khó khăn với Hoàng để chiều. Yêu thương dạt dào sưởi ấm thân thể, chàng dìu nàng ngồi xuống bờ hồ bán nguyệt. Quyên vén xiêm áo ngủ, từ từ thả đôi chân trắng ngần xuống làn nước loang vỡ ánh trăng xanh, đầu ngả trên bờ vai chàng. Hoàng vuốt nhẹ làn da cánh tay Quyên mát rượi và dịu dàng đặt lên mái tóc nàng nụ hôn say đắm.