Một Đêm Mơ
Linh Bảo
Minh ở phòng trong ra, đến ngồi cạnh Lý. Cả hai cùng dựa lưng vào ghế xô- pha. Lý bỏ giầy, gác chân lên một chiếc ghế con. Minh cũng bắt chước Lý, gác chân lên ghế, nhưng để cả giầy. Lộc nằm dài một cách thoải mái trên chiếc xô -pha đối diện. Hớn đi đi lại lại trong phòng suy nghĩ . Tất cả đều hướng về cái Ti Vi đang chiếu chương trình giải thưởng Oscar 1968. Cả ba cùng hò reo, dậm chân vỗ tay khi đoán trúng tên tài tử hay tên phim được thưởng. Lý nhìn họ, mỉm một nụ cười bao dung, như người chị đang nhìn đàn em vui đùa.
Ba chàng độc thân này đều vào quãng trên ba mươi tuổi, cùng thuê chung một căn nhà, và cùng là bạn thân của Lý.. Hôm nay họ làm tiệc sinh nhật cho nàng và cũng để tiễn chân Minh giải ngũ, độ mươi hôm nữa sẽ lên đường trở về tiểu bang của anh để học thêm .
Mùa hè này đến, cái nhà sẽ mãn giao kèo 1 năm, phải trả lại cho chủ. Hớn là sĩ quan cấp Úy đã nhận được lệnh chuyển đi nơi khác, Lộc cũng sắp mãn khóa học ngoại ngữ một năm, sẽ có nhiệm vụ mới. Thế là bộ ba này sắp tan rã. Chỉ còn Lý ở lại nơi đây chưa biết đến bao giờ. Công việc phụ tá ở phòng nha sĩ Quân y, coi như bận suốt ngày. Lý cũng thèm đi, thèm thay đổi, nhưng không có chương trình gì hết.
Bọn họ quen nhau từ một năm nay. Ba chàng trẻ tuổi cùng thuê chung một căn nhà, như thế vừa rẻ lại vừa tiện hơn ở túc xá Sĩ Quan. Minh nấu ăn giỏi nên được giữ chân đầu bếp, Hớn chịu quét dọn nhà cửa, còn Lộc rửa bát. Trưa nào bọn họ cũng ăn cơm ở Câu Lạc Bộ. Anh nào đến trước thì ngồi giữ cái bàn lớn cho cả bọn. Lý cũng là khách quen của Câu Lạc Bộ và cũng là người nhóm “ bàn lớn”, nghĩa là 3 cái bàn kéo lại gần nhau. Bàn lớn cũng còn có một số người nữa, nhưng bọn họ thấy vui nên chỉ thỉnh thoảng ngồi chen vào góp chuyện chứ không thân. Dù đông hay vắng, thường thường Lý chỉ thích ngồi im nghe tất cả mọi thứ chuyện của các “anh hùng tứ chiến “ này không bao giờ thấy chán
Tối hôm nay, cả ba làm tiệc sinh nhật cho Lý. Minh đi đón Lý từ 7 giờ chiều, lúc chương trình giải thưởng Oscar bắt đầu. Minh để nàng ngồi trên một chiếc ghế cao bên cạnh bếp, xem Minh trỗ tài nội trợ. Món đặc biệt là gà con ướp rượu bỏ lò, tôm luộc chấm nước sốt cay, xà lách và cơm.
Cả bọn vừa ăn vưà xem Ti Vi. Aên xong, lúc mọi người đang uống cà phê, Hớn bỗng đứng lên tắt Ti Vi, hằn học bảo:
• Xin lỗi, ồn quá, tôi chịu không được nữa!
Mọi người im lặng nhìn anh dửng dưng, chỉ mình Lý ngạc nhiên vì thấy Hớn cáu kỉnh, khác hẳn với thái độ nhã nhặn lịch sự hằng ngày. Mấy phút sau, Minh và Hớn vào bếp bưng ra một chiếc bánh sinh nhật thật lớn trên có năm ngọn nến nhỏ. Tất cả cùng đứng lên hát to bài ca mừng sinh nhật. Lý cảm động quá, không hát theo mà cũng không nói được. Thì ra Hớn giả vờ giận dữ, tắt Ti Vi để khỏi ồn ào xao lãng bài ca. Khi hát xong, Lý chỉ nói được hai tiếng “ cám ơn”, rồi thổi nến.
Hớn bảo:
• Chúng tôi không biết Lý bao nhiêu tuổi, nên cho năm ngọn nến đại diện.
Lý cười:
• Biết cũng vô ích. Cả ba anh góp lại cũng không đủ tiền mua nến đâu!
Cả bọn đều phá lên cười. Lộc bảo:
• Đâu có đến nỗi nghèo thế. Chỉ có hơn hai mươi cây nến mà cũng không đóng góp đủ sao!
Đó là một câu nói nịnh. Ai cũng biết Lý trên dưới 30 như họ, nhưng nàng trông rất trẻ, nên đồng ý cùng chấp nhận tuổi 25 muôn năm.
Lý không ăn hết phần bánh của mình, nàng chia cho Lộc một nửa. Lộc vui vẻ tán:
• Nếu cứ thế này thì Lý có thể làm bạn tốt của tôi suốt đời.
Lộc vốn nổi tiếng ăn nhiều nhất bọn. Các bạn anh vẫn thường đùa:
• Nhà không bao giờ có đồ ăn để cách đêm cả. Bất cứ cái gì thừa, cứ giao cho Lộc là nó giải quyết được hết!
Một lần, Lý đã trêu Lộc:
• HoÏ nói thế, có chạm đến tự ái của anh không? Thế là có ý bảo dạ dày của anh là cái thùng rác đấy!
Lộc lắc đầu:
• Tôi gầy, nên sẵn lòng ăn bất cứ lúc nào. Và dạ dày của tôi cũng rất đặc biệt. Tiêu được cả đến sắt và xi măng nữa! Giúp anh em giải quyết một vài món ăn thừa, đâu có phiền gì!
Hớn độ rày hơi béo nên ăn kiêng. Anh cắt một lát bánh rất mỏng, phân trần:
--Tôi ăn tượng trưng, vì đây là bánh sinh nhật của Lý. Mỗi ngày tôi chỉ được phép nhận 1.000 ca lô ri thôi. Chỉ một phần “gió thổi bay” này cũng quá đủ .
Bánh ngọt xong, lại một tuần cà phê nữa. Lý không uống cà phê, Minh nấu cho nàng một cốc nước trà. Cả bọn bưng theo cốc nước của mình, rời bàn ăn ra phòng khách ngồi, tiếp tục xem nốt chương trình Oscar phát thưởng.
Lý ngồi xuống xô pha trước, Minh đến ngồi cạnh nàng. Ban đầu Minh ngồi hơi xa. Một lúc sau, Lý nhận thấy càng ngày Minh càng xích lại gần. Cho đến khi cánh tay trần của Minh gần sát với tay Lý thì Minh chợt giật mình nhận thấy, anh xích ra xa một chút. Lúc ở bàn ăn, còn đang ăn bánh, một lần Lý cũng thấy Minh ngồi như thế. Khi cánh tay Minh đụng gần quá, anh sẽ tự động lui ra xa lại.
Xem Ti Vi được một lúc, Minh đứng dậy xin lỗi vào nhà trong. Một lúc sau anh trở ra ngồi lại bên cạnh Lý như cũ. Lý thoáng ngửi thấy mùi nước hoa cạo râu thơm ngát.
Lý nghĩ thầm:
• À, thì ra anh chàng chuồn vào nhà trong cạo râu làm đẹp, đánh răng, súc miệng cho thơm . . .
Trong chốc lát, Lý thấy hoang mang hồi hộp lạ thường. Mùi thơm nước hoa Minh dùng thoang thoảng, man mác nhẹ nhàng và rất đàn ông, mà mùi đàn ông cố nhiên là hấp dẫn đàn bà. Lý ngồi ngây ngất như lạc vào vùng khói sương bao phủ quanh mình. Mùi thơm ướp vào từng sợi tóc, làn da, thớ vải quần áo, mơ hồ kỳ diệu như có ma lực làm Lý không thể chống cự lại cảm giác say sưa lôi cuốn.
Tất cả các đèn lớn trong phòng đã tắt, chỉ còn một ngọn đèn mờ và ánh sáng của Ti Vi tỏa ra, Lý không sợ ai trông thấy mình đang chết ngạt trong mùi thơm, và thật ra, mọi người đều đang chăm chú xem giải thưởng Oscar, không ai để ý đến ai cả.
Từ lâu nay, Lý vẫn nghĩ cả bọn đều quí nàng và coi nàng như một người bạn lớn. Lý chưa hề mơ tưởng đến ai, không phải vì không có ai đáng mơ, nhưng vì có mặc cảm “ ai mơ mà mơ”, Lý sợ bị thương, bị đau khổ như mẹ nên không dám xông vào, không dám tranh đấu, không dám tin là mình sẽ được.
Là bạn thân của ba chàng trẻ tuổi hào hoa phong nhã, Lý phải giữ tâm hồn rất kỹ để khỏi lang thang, vì Lý biết, nếu sổng ra một cái là chết không kịp ngáp. Thế mà cũng có một lần, cách đây độ mươi hôm, Minh đã làm cho Lý sững sờ ngơ ngác. Nhưng sau đấy, Lý tự tìm cách xóa mờ coi như không có gì cả, để giữ cho tâm hồn bình tĩnh, khỏi bị lạc xa hơn.
Lý biết nhược điểm của mình: nếu đi quá một bước, Lý sẽ sống chết với cái bước thập tử nhất sinh đó. Nhưng thanh niên thời đại lại dị ứng với tình cảm, nên họ xa chạy cao bay, nhanh như tranh giải Thế Vận Hội. Bạn gái cũng chỉ là một vật trang hoàng, một nhu cầu, người có, ta có mà thôi.
Nhiều người biết Lý có một bà mẹ rất đặc biệt. Bà đã ngày đêm nhồi sọ dặn kỹ Lý rằng tình cảm là một thứ độc dược, và muốn sống yên lành thì hãy cố tránh càng xa càng tốt. Lý hiểu mẹ chỉ muốn bảo vệ mình nên đã gắng theo gần đúng lời mẹ dạy. Thỉnh thoảng Lý cũng hơi quên giống như học trò quên bài học ở trường. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Cho đến gần đây, Lý đã trong một lúc bốc đồng, ném tất cả thiên kinh vạn quyển lời mẹ dạy vào sọt rác.
Hôm ấy ở Câu Lạc Bộ có một buổi nhảy “ go go” đặc biệt. Một Vũ nữ nỗi tiếng từ Phi Luật Tân sang biểu diễn khao quân. Mấy cô bạn đồng hương Phi Luật Tân rủ đi xem, nên Lý ham vui cũng đi theo. Buổi dạ vũ không có gì lạ, ngoài cô gái đẹp ăn mặc ít ỏi, giống như hai mảnh áo tắm nắng, nhảy múa trên một cái bàn con để ở góc phòng. Đèn mầu chiếu vào vài mảnh áo bé tí có thêu đính kim ngân rung rinh lóng lánh. Trên sàn nhảy, nhiều cặp bắt chước điệu nhảy lên đồng của vũ nữ, hay tự sáng tạo ra một cử động kinh phong gì cũng được, miễn ăn nhập với tiếng trống.
Lý không biết và cũng không thích nhảy “ go go” nên chỉ ngồi phòng ngoài nói chuyện với vài người bạn khác. Độ 11 giờ, bộ ba Minh Lộc Hớn đi vào, và từ đấy, cứ đến bài nào nhảy chậm là Minh lại kéo Lý ra sàn. Xưa nay Lý đã từng nhảy nhiều lần, nhảy một cách lễ phép đứng đắn, vừa phải. Tay nắm vừa phải, vòng ôm vừa phải, người gần nhau vừa phải. Lý tưởng nhảy với Minh cũng mọi sự vừa phải như thế thôi. Nhưng Lý rất ngạc nhiên khi thấy vừa bước ra đến sàn nhảy là Minh ôm lấy nàng ngay, ôm thật chặt và càng ngày càng chặt hơn. Má anh kề sát vào má Lý, tay Minh cầm tay Lý để vào ngực anh, và Lý cảm thấy tim Minh đang đập liên hồi. Mùi nước hoa cạo râu của anh thơm ngây ngất. Mỗi lần Minh hơi cử động, má cọ sát nhẹ vào má, Lý lại cảm thấy lơ lững chơi vơi. Lý không có đủ thì giờ suy nghĩ, chống cự hay có một phản ứng tự vệï. Lý chỉ để mình tự nhiên lững lơ trên chín từng mây nhìn xuống trần gian như chị Hằng Nga bị lạc
Mẹ ơi! Bao nhiêu giáo huấn của mẹ hàng mấy chục năm trời giờ phút này chui cả vào xọt rác !
Thì ra, tất cả những cái mặt nạ nghiêm túc xưa nay của mọi người đều giả dối hết. Không có cơ hội ai cũng vỗ ngực xưng ta đây trong sạch lắm, tránh được mọi cám dỗ như bậc Thánh hiền, nhưng nếu cơ hội đến, mà lại đến gần quá, sát quá,thỉ không còn biết đằng nào mà tránh. Vã lại tránh vào đâu khi cơn mưa bão đến bất ngờ ở giữa chốn sa mạc đồng không mông quạnh!
Từ lâu, Lý vẫn được tất cả những bạn trai nhìn và kính trọng như một người chị. Khi có điều gì thăc mắc, họ tìm đến bà chị Phi than thở, phàn nàn, kể tâm sự vui hay buồn, hỏi ý kiến, xin khuyên bảo. . . Bây giờ mới có người đang nhìn Lý như một người đàn bà, nhất là người ấy lại là Minh, Lý vẫn rất quí mến và vẫn thấy quá xa vời. Dù cái nhìn chỉ trong giây phút, Lý cũng trân trọng giây phút ấy. Lý bỗng thấy mình biến thành một bé gái dại khờ, chứ không còn là người chị sai bảo bọn đàn em nữa.
Không muốn tự dối mình, Lý không đẩy xa Minh, nhảy một cách vừa phải để che mắt mọi người. Lý chỉ muốn thời gian ngừng trôi, âm nhạc du dương cứ dìu dặt vương vấn không gian, và cánh tay Minh cứ ghì chặt Lý mãi mãi như thế. . . .
Bây giờ, cũng thoang thoảng nuơcù hoa quen thuộc ấy, man mác ngây ngất tỏa ra ngay bên cạnh Lý thật gần. Lý lặng người, để mặc mùi thơm say sưa dẫn tâm hồn chơi vơi phiêu lưu . . .Mẹ ơi.mẹ đâu rồi ?
*
Thấy Lý đứng dậy, Minh hỏi:
• Lý buồn ngủ sớm vậy? Giờ này gà đã lên chuồng đâu!
• Chưa, nhưng có lẽ nên chào lui trước khi các anh phải cõng hay vác tôi về.
Minh đứng dậy tìm chìa khóa xe và lấy áo khoác cho Lý. Cả bọn cùng đứng lên. Lý bắt tay cám ơn từng người xong, theo Minh lên xe.
Sương mù xuống khắp vùng bể, đèn xe chỉ chiếu được một vài thước. Những con nai đi ăn đêm thơ thẩn hai bên vệ đường, nhìn thẳng vào ánh đèn một cách ngây thơ.
Lý hỏi:
• Nai của ai thả lỏng thế hở anh?
• Của thành phố. Con cưng đấy. Tha hồ đi lại tự do trong vùng này. Ai có vườn hoa trồng cây con thì lo rào kỹ. Chúng thích cành nhỏ, lá non, để nó ăn thì gắng chịu. Nai này thành phố nuôi làm cảnh, nó chỉ bắt nạt người chứ không ai bắt nạt nó được.
Hai người im lặng suốt dọc con đường viền theo bờ bể. Lý bỗng thấy hình như nàng đang mong cho đám sương mù trước mặt biến thành vô tận, không cần nói gì, nghe gì cả. Chỉ ngồi bên cạnh Minh phút giây này là đủ rồi. Thấy Minh im lặng một lúc khá lâu, Lý hỏi:
Mười ngày nữa, anh được giải ngũ về nhà, rồi làm gì?
• Đi học thêm chuyên môn về nội thương. Để tóc và râu dài . . . như anh em hippy chính hiệu con nai
Lý cười:
• Chốc nữa đến nhà, anh thử đội đầu tóc giả của Lý, xem mặt anh để tóc dài như thế nào.
• Ừ nhỉ, cũng hay đấy!
Trước đây, Minh đã đến nhà Lý hai lần. Lần thứ nhất, cả bọn đến ăn cơm trưa, lần thứ hai, Lý ốm, Minh đến thăm bệnh. Và mãi đến hôm nay, có lẽ sẽ là lần cuối cùng. Lý mừng thầm có cớ xem Minh tóc dài như thế nào để mời Minh vào nhà, và cùng một lúc, Lý cũng biết là sau đấy Lý sẽ buồn. Còn Minh thì không cần tìm hiểu những phức tạp vô ích, anh có vẻ cao hứng đặc biệt, như sẵn lòng làm bất cứ chuyện gì.
Vào đến nhà, việc trước nhất của Lý là lấy đầu tóc giả đưa cho Minh. Minh đội lên đầu tóc ngắn của anh. Vừa nhìn vào gương, Minh đã bỏ ra, kêu lên:
• Không được, trông kinh quá!
Lý giật lấy, đội lại lên đầu anh:
• Cho Lý xem đã. Lý chưa kịp trông thấy gì cả.
Minh lại đội lên đầu, nhưng vừa để lên anh kinh hoảng lột ra ngay. Minh thấy đầu tóc ngắn của anh trông sạch sẽ gọn gàng và đàn ông hơn. Thôi thế là tan vỡ giấc mộng để tóc dài dài hippy một tí cho hợp thời. Minh thấy mình không phải là mình trong bộ tóc lê thê lướt thướt trùm đầy trán và cổ.
Lý ngồi xuống bàn phấn, rút từng cái ghim tóc xuống. Tóc nàng quấn cao lên đầu, bây giờ thả dài xuống vai, chải thẳng như một cô bé con.
Minh nhìn Lý ngạc nhiên:
• Lý thả tóc xuống trông đẹp quá!
Lý đứng lên, nhìn thẳng vào mắt Minh, trí óc nàng trống rỗng khôngcó ý định gì, cũng không biết mình sẽ nói gì, làm gì bây giờ.
Minh nhìn Lý, hơi mỉm cười. Anh ôm quàng tay qua lưng Lý, kéo nàng đến gần hơn và hôn nhẹ lên môi. Lý vẫn đứng yên ngạc nhiên, không biết phản ứng ra sao. Minh lại ôm nàng chặt hơn và hôn lại lần nữa. Lần này, Lý nhè nhẹ choàng tay lên cổ Minh, hưởng ứng một cách ngại ngùng.
Không biết bao nhiêu phút trôi qua, Lý thì thầm:
• Ở lại xem Ti Vi với Lý.
Lý mở Ti Vi và hai người ngồi xuống cạnh nhau, nhưng cả hai cùng không nhìn vào Ti Vi và cũng không nhìn nhau. Hai tâm hồn như muốn tan biến hòa lẫn vào một thế giới Ta Bà không tên nào
Thôi thế là hết! Bao nhiêu lời mẹ dạy. Cả một Cẩm nang đựng mấy sàng khôn của mẹ dành dụm được trao truyền cho làm của gia bảo. Những gì gì nào là dè dặt, giữ gìn, lý trí, vân vân. . . đều bị ném qua cửa sổ.!
Lý thả mình vào vòng tay Minh như đã chờ đợi từ lâu . . .
Hình như suốt đêm, hai người không hề lỏng hai cánh tay gối đầu. Lý không ngủ nhiều và cũng không muốn ngủ. Có những giờ phút, người ta biết rằng không thể xảy ra hai lần giống nhau, nên tôn trọng nó và muốn kéo dài từng giây. Lý sờ cánh tay, sờ vai, sờ cổ Minh. Nàng gục đầu lên ngực trần của Minh, “nghe” mùi thơm trên người anh, nói:
• Bây giờ, Lý có thể viết cho Minh một giấy chứng chỉ.
• Giấy ấy gọi là gì?
• Chưa có tên, nhưng giấy này sẽ chứng nhận Minh ngủ không đạp, không ngáy, không hay trở mình, hơi thở rất thơm, mà mùi hơi nguời cũng rất dễ thương. Khi Minh muốn cưới cô nào, cứ đưa cho cô ấy xem chứng chỉ, sau khi trình bằng cấp, gia thế, hạnh kiểm, tình trạng kinh tế và quân dịch . . .
Minh cười rất thú vị:
• Cám ơn Lý. Lý chu đáo quá. Minh sẽ thuê in chứng chỉ trên giấy tốt, gửi đi cho các cô đẹp quen biết trong nước. Ai không tin thì đến tìm sự thật. Còn Lý định kén chồng như thế nào?
• Dễ lắm anh ạ. Thời gian càng qua, điều kiện càng ít lần. Bây giờ chỉ còn có hai điều kiện nhỏ thôi.
• Cho Minh nghe được không?
• Lý thích người nào mà Lý càng nhìn càng yêu, càng nghĩ đến càng mến phục.
Minh cười lăn ra:
• Trời! Em tôi giảm điều kiện đến thế cơ à! Càng nhìn càng đắm, càng ngắm càng say…. Lý cứ ngồi đấy chờ lên cụ cũng chưa chắc được gọi bằng Bà. Làm gì có thứ người ấy trên đời
• Không sao! Đối với Lý, nếu muốn khỏi bị mang tiếng “ nhỡ tầu” mà lấy một người mình không quí, và họ cũng không thực quí mình, sống đóng kịch giả dối với nhau thì chẳng thà không còn hơn. Cũng có người đủ các điều kiện, chỉ cảm thấy không hợp Lý cũng không muốn gieo quả báo. Dù họ chỉ mong được mời Lý ăn một bữa cơm tối cho vui cũng không nhận.
• Thế mới biết là Minh hân hạnh thực!
• Chứ gì! Tất cả những người quen khác đến chơi, chỉ ngồi một lúc Lý đã thấy chán rồi, chỉ thầm khấn cho họ chóng về. Anh chàng đứng dậy xin đi là Lý mừng bằng chết, “ bai bai “ ngay lập tức.
• Lý có đủ mọi phương diện để lấy một người chồng rất tốt và rất sớm. Tại sao còn chờ ai cho đến bây giờ?
Lý thở dài:
- Ngày xưa, mẹ Lý khó tính lắm. Lý thì chiều mẹ nên để tùy mẹ. Ai muốn cưới Lý mẹ cũng chê: anh này khác tôn giáo, anh kia đông anh em, anh nọ nghề nghiệp không có tương lai rực rỡ . .Anh này tướng sát thê . . .Anh kia .. . . Mẹ có đủ một ngàn hai trăm lý do để chê. Đấy là chưa kể xấu đẹp, béo gầy . . .Con cái nhà ai. . . Nhà có phúc đức hay không . . . Mấy năm nay mẹ bị bán thân bất toại, cần luôn luôn có người bên cạnh săn sóc. Lý phải đi làm nuôi mẹ, không ngày đêm trông nom được, nên phải gởi mẹ vào Viện dưỡng lão. Bây giờ, giá mẹ còn ở chung với Lý, chắc mẹ sẽ buồn vì không còn anh nào muốn cưới Lý, để mẹ chê cho vui nữa!
• Mẹ không muốn Lý lấy chồng phải không?
• Lý cũng đoán thế. Mẹ luôn luôn kể chuyện tệ bạc của đàn ông cho Lý nghe, để Lý tránh nạn và giữ mình. Ngày xưa mẹ đã yêu và bị tình phụ, nên mẹ muốn Lý học bài học của mẹ. Lý lại còn biết rằng mẹ rất sợ cô đơn nữa. Mẹ sợ Lý đi lấy chồng, bỏ mẹ một mình, nên mẹ cố giữ càng lâu càng tốt. Có lẽ cũng tại một mình mẹ phải phấn đấu, làm việc để nuôi Lý ăn học nên người. Mẹ hy sinh tất cả cho Lý, nên Lý có bổn phận phải hy sinh lại.
• Nhưng Lý thấy như thế có nên không?
• Lý còn nhớ lúc bé, nhiều lần Lý khóc dẫy nẩy lên nhất định xin mẹ đừng lấy chồng, sợ mẹ thương chồng bỏ Lý không cưng Lý nữa.Thuở ấy mẹ còn trẻ đẹp. Nhiều người “trồng cây si”, bọn họ chạy quanh theo mẹ như đèn kéo quân, tán tỉnh o bế dữ lắm. Mẹ lỡ “đạp vỏ dưa” nên thấy bất cứ vỏ gì cũng sợ, mẹ gạt bỏ hết. Có lẽ mẹ sợ, đàn ông một phần thôi, còn nhiều phần vì Lý năn nỉ xin mẹ đừng lấy chồng bỏ Lý không ai thương.
Nhưng bây giờ Lý lại nghĩ khác. Giá lúc ấy mẹ đánh Lý mấy phát vào mông phạt cái tội nhõng nhẻo, rồi cứ lấy chồng, thì có phải bây giờ mọi sự đều khác rồi không. Thuở bé Lý sợ mẹ lấy chồng, bỏ Lý cô đơn. Khi Lý lớn, mẹ sợ Lý lấy chồng, bỏ mẹ cô đơn. Bây giờ, kết quả là cả hai cùng không tránh được cô đơn. Thế là, suốt một đời người, hai mẹ con giữ nhau từng ly từng tí, lo cô đơn, tránh cô đơn, để rồi phần thưởng là cô đơn hơn ai hết.
• Lý có bao giờ muốn về thăm quê không?
• Phi Luật Tân à? Lý không biết có ai bà con ở đó. Mẹ đem Lý đến đây từ bé. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn không muốn nhắc đến những chi tiết về bà con của cả hai bên. Lý cũng muốn về thăm cho biết, nhưng về thăm ai, và về đâu? Giá mẹ cứ cương quyết lấy chồng khác, sinh thêm một đàn em thì bây giờ Lý đã có một số anh chị em bà con , và cháu gọi bằng cô bằng dì , ấm cúng biết bao nhiêu!
Lý gục đầu vào ngực Minh, chùi hai giọt nước mắt cố giữ từ đầu câu chuyện cho khỏi rơi xuống. Minh ôm chặt Lý vào lòng, hai cánh tay càng siết chặt hơn . . .
Thấy ngạt thở, Lý giật mình thức dậy. Đầu Lý vùi chặt giữa hai chiếc gối bông lớn, che cả mặt mũi. Nàng vùng dậy ngồi lên thở mạnh. Ánh nắng mai chiếu qua cửa kính làm Lý chói mắt, hắt hơi liền mấy cái. Lý lại nằm xuống, quàng tay qua bên cạnh! Cả một cái giường rộng mênh mông, Lý chỉ nằm nép vào một góc bên ngoài như thường lệ. Hơn một nửa giường, chăn gối vẫn còn nguyên vẹn, không hề nhàu nát tí nào.
Lý ngơ ngẩn tự hỏi:
Tất cả đều rõ ràng và thật như thế, có lẽ nào lại chỉ là một giấc mơ.
Lý úp mặt xuống gối hít mạnh. Thế còn cái mùi thơm nước hoa rất đàn ông thoang thoảng, phảng phất chung quanh gối, ở đâu ra ? Đầu tóc giả không đội lên cái đầu nhựa mà vứt trên bàn phấn, thì làm sao cắt nghĩa đây? Không lẽ lại gọi điện thoại hỏi Minh:” Tối hôm qua chúng ta đã làm gì?” Lỡ chúng ta không làm gì cả, Minh sẽ nghĩ sao? Minh cười cho thì ngượng chết!
Thứ bảy và chủ nhật Lý không đi làm, nên ăn cơm nhà và thăm mẹ. Nhìn mẹ ngồi trên xe lăn , mặt cúi gầm, không cười, không nói, đôi mắt thất thần đăm đăm nhìn vào khoảng không, Lý muốn biết mẹ đang suy nghĩ gì . Mẹ có thoả mãn sung sướng vì mục đích trên đời đã toại nguyện? Chỉ có hai mẹ con và mãi mãi bên nhau. Cả hai đều đã thành công nhưng có lẽ giờ phút này cả hai đều cùng ao ước . . .giá được thất bại . . .
Thứ hai Câu Lạc Bộ nghỉ, thứ ba lại mở cửa, nơi những nhân vật xóm “bàn lớn” gặp nhau như thường lệ. Không thấy Minh , Lý nhìn quanh hỏi:
• Ai bắt cóc Minh đâu rồi?
Hớn trả lời:
• Ba Minh lên cơn đau tim nặng, đánh điện gọi anh ấy về cấp tốc. Minh không kịp chào các bạn mà cũng không thể thăm ai được cả.
Thế là Minh rời “ xóm bàn lớn”, rời mọi người, không một lời từ giả.
Ngày ngày, Lý vẫn đến Câu Lạc Bộ ăn trưa, nhưng “ xóm bàn lớn” dần dần thưa người, rồi vắng hẳn. Chỉ còn một mình, Lý đổi chiếc bàn con khiêm nhượng trong góc phòng. Mỗi lần nhìn cái bàn lớn và hai dãy ghế không người trống trải, tưởng đến bộ đi , dáng ngồi, giọng nói, tiếng cười của các bạn, Lý thấy nhớ lạ lùng. Đêm đêm, mùi nước hoa như vẫn còn thoang thoảng đâu đây trên giường trên gối. Mỗi lần chỉ nghĩ đến Minh thôi, Lý lại thấy dư vị lâng lâng say sưa, còn dâng lên trong lòng.
Tiếng của Minh nghe như vẫn còn nồng ấm bên tai.
• Lý có một thân hình tuyệt đẹp, Lý có biết không?
Lý nũng nịu:
• Đáng lẽ Minh phải phát giác ra sớm hơn mới phải!
Lý bâng khuâng không biết đấy là một giấc mơ hiện thành sự thực, hay là sự thực tan biến vào hư vô như một giấc mơ.
Để tránh xuống tinh thần, Lý muốn tìm một khía cạnh vui khác. Đời mẹ đã qua rồi, mặc dầu không được hưởng hạnh phúc cùng “ tát bể Đông” với cha, nhưng mẹ có Lý, đứa con duy nhất để săn sóc, để thương yêu, và bây giờ tuổi già, cũng có con thăm viếng.
Còn Lý ở cõì vô thường này, nếu một này kia có phải ngồi xe lăn, dù không ai thăm viếng, thì ít nhất trong ký ức thuở xa xưa, đã ghi nhận có một kỷ niệm huyền diệu ngày sinh nhật nào đó, để thỉnh thoảng nhớ đến và quên đi như người ta thường nhớ và quên một giấc mơ.
LINH BẢO 1968