Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Nợ Đời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24381 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nợ Đời
Hồ Biểu Chánh

Chương 1

  
Nhà nước mới mở cái lộ quản-hạt cho xe-hơi chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Nhơn-dân ở dọc theo lộ nầy, thuở nay cứ xẩn bẩn trong chốn thôn quê lo lập vườn làm ruộng, phần nhiều chưa thấy những cơ xảo(#1) văn-minh phát hiện nơi thị-thành, bởi vậy hễ nghe tiếng xe-hơi chạy ồ-ồ trên lộ, thì công cấy công mạ đương loi-nhoi dưới ruộng đều xóng lưng xây mặt mà ngó, còn trong xóm trong làng thì con nít người lớn đều bỏ nhà chạy ra sân đứng mà coi.
Một buổi trưa, trời ui-ui, gió mát-mẻ, có một cái xe-hơi ở phía dưới Mỹ Thuận chạy lên, qua khỏi chợ Cai-Lậy một đổi rồi rề-rề ngừng ngay cái xóm nhà dựa lộ, bên mé tay trái.
Nhơn-dân trong xóm chạy túa ra đứng dài theo lề đường mà coi, đờn-ông có, đờn-bà có, bà-già có, con-nít có, song ai nấy đều đứng xa xa mà ngó chớ không dám lại gần, không hiểu tại họ sợ cái mầu-nhiệm của món cơ-xảo lạ lùng, hay là tại họ kiêng hơi oai nghiêm của người chủ xe sang trọng.
Cái xe còn mới tinh nên kèn cản chói sang lòa, lại sơn màu lá cây sậm nên coi mặn-mòi đẹp-đẽ.
Người sớp -phơ mở cửa xe leo xuống, mặc đồ tây trắng, mang giày tây trắng, đội kết cũng màu trắng, giơ tay ngoắt đám dân làng và kêu mà nói rằng: “Ê! mấy người lại đây đặng hỏi thăm một chút coi nào”.
Bộ oai nghiêm, giọng cứng-cỏi, ai nấy tưởng hoặc quan lớn đi vãng dân vãng làng, hoặc đội quản đi kiếm bắt đạo-tặc, nên trơ mắt nhìn nhau, không dám bước lại. Người sớp-phơ kêu nữa rằng: “Ai đó, đi lại đây một người cho bà lớn hỏi thăm một chút; kêu sao đứng trơ trơ đó”.
Ông cai-lân Cư, tuổi đã 64, mà sức còn mạnh-mẽ, tóc xợp-xạp, râu le-the, nhìn mặc một cái quần vải trắng cũ trổ màu luốc-luốc với một cái áo quảng-đông vải xiêm tay rộng, vai có vắt một cái khăn vằn sọc xanh sọc trắng, ông nghĩ mình có chức sắc lớn nhỏ chút đỉnh trong ấp, không lẽ không đởm-đương trong cơ hội nầy mà tỏ dấu trên trước trong xóm, bởi vậy ông nắm cái khăn vằn mà lau miệng, tằng-hắng một tiếng mà làm dạn-dĩ, rồi thủng-thẳng đi lại chỗ xe đậu. Mấy người đứng với ông, ngó thấy ông đi thì đi theo, có lẽ không nỡ để cho ông đi một mình, mà cũng có lẽ muốn coi cái xe hơi cho tường-tận, song kẻ nhát người dạn nên đi rải-rác sau xa.
Ông Cai-lân đi gần tới thì người sớp-phơ nạt rằng: “Dữ hôn! Kêu lại hỏi một chút, mà làm bộ đứng đẳng! Ông ở đây có làm chức gì hay không?”
Ông bị rầy, liền chấp tay khum lưng mà xá và đáp rằng: “Thưa, tôi làm chức Cai-lân”.
Người sớp-phơ thấy ông lóm-khóm sợ-sệt thì tức cười nên đổi giọng nói dịu rằng: “À, ông làm Cai-lân! Ông đi riết lại gần đây cho bà lớn hỏi thăm một chút, ông Cai-lân”.
Ông Cai-lân lại tới, thấy trên xe có ba đứa nhỏ với một bà đầu choàng khăn màu trứng gà, mình mặc áo màu xám tro. Ông nghe nói “bà lớn” thì sợ, nên vừa thấy thì rúc cái khăn vằn vắt vai, vò tròn trong tay mà xá.
Người đờn-bà ngồi trên xe mà sớp-phơ xưng hô “bà lớn” đó, gặc đầu rồi hỏi rằng: “Ông ở xóm nầy, ông biết Hương thân Luông hay không?”.
Ông Cai-lân đứng ngơ-ngáo, dường như không hiểu câu hỏi. Người đờn-bà nói tiếp rằng: “Hương-thân Luông thiệt tên là Phạm-gia-Luông, anh ruột của ông Phủ Phạm-gia-Tăng, nghe nói hồi trước ở xóm dựa bên chợ Cai-Lậy đây, ông không biết hay sao?”
Ông gục-gặc đầu mà đáp rằng: “Ờ, ở! Tưởng hỏi ai, chớ Hương-Thân-Luông tôi biết lắm, sao lại không biết. Hương-Thân-Luông chết hồi năm tức(#2) lận mà”.
Người sớp-phơ bước lại vỗ vai ông Cai-lân mà nói rằng: “Ê! ông Cai-lân, bà lớn đây là bà Phủ ở trên Saigon, ông trả lời phải có phép tắc, lơ-mơ ở tù chết, chớ không phải chơi đâu”.
Ông Cai-lân day lại ngó sớp-phơ rồi xá bà lớn mà nói rằng: “Xin lỗi bà lớn, tôi quê mùa không hiểu”.
Bà lớn cười mà đáp rằng:
-Phải, Hương-Thân-Luông chết lâu rồi, tôi biết. Mà vợ con còn ở đây hay không?
-Bẩm bà lớn, vợ cũng chết lâu rồi.
-Ủa, chết hồi nào?
-Bẩm, thím Hương-Thân chết hồi năm kia, năm nay mãn khó rồi.
-Cơ khổ dữ hôn! Vậy mà tôi có hay đâu! Chỉ chết còn con bây giờ ở đâu?
-Vợ chồng có một đứa con gái; hồi thím mất, Cai-tuần Kim thấy con nhỏ bơ-vơ chú thương, nên chú đem về chú nuôi mấy năm nay.
-Cai-tuần Kim nhà ở gần đây hay không?
-Bẩm, nhà ở đằng trước kia, ngay ở chỗ cây cột dây-thép thứ nhì đó.
-Con nhỏ bao lớn?
-Bẩm, năm nay nó được 15-16 tuổi.
-Đâu, ông làm ơn dắt xe tôi lại nhà Cai-tuần Kim một chút đặng coi con nhỏ ra làm sao. Tôi đây là bà Phủ Tăng, em dâu của Hương-Thân-Luông. Ông biết quan lớn của tôi hay không?
-Bẩm, tôi biết hồi nhỏ. Mấy chục năm nay quan lớn không có về trong làng, nên gặp chắc tôi quên.
Sớp-phơ mở cửa xe và biểu ông Cai-lân leo lên đặng đi chỉ nhà Cai-tuần Kim. Ông Cai-lân du-dự, ngó cái xe muốn leo lên, song mại hơi nói rằng: “ Tôi đi bộ được mà”. Sớp-phơ nắm cánh tay ép ông leo lên và nói rằng: “Ông đi bộ theo sao kịp xe. Ông lên ngồi đặng chỉ nhà cho tôi ngừng chớ”.
Ông Cai-lân Cư lên ngồi dựa bên Sớp-phơ, trong ngực phập-phồng; chừng nghe máy rồ ông càng thêm sợ, nên quíu hai tay chưn.
Xe rút chạy; mấy người đứng dọc theo lề đường thấy ông Cai-lân ngồi trên xe thì thấy làm lạ, không hiểu tại sao ông lại được đi xe, nên chong mắt ngó theo mà hỏi nhau.
Ông Cai-lân mới được ngồi xe-hơi lần thứ nhứt, ông lấy làm đắc ý, một tay cầm cái khăn vằn, một tay vuốt râu, miệng chúm-chím cười. Ông chỉ phía trước mà nói với sớp-phơ rằng: “Cậu ngừng ngay cái nhà, chỗ cây cột dây-thép trước kia, chỗ có bụi cây chưn-bầu(#3) đó. Nhà Cai-tuần Kim ở đó đa”.
Ông nói dứt lời, thấy có một đứa con gái, chừng 15-16 tuổi, đương đứng trên lề đường mà coi xe, ông liền ngoắc và kêu mà nói lớn rằng: “Phục, có bà lớn Phủ kiếm mầy đây nè; trở về nhà cho mau. Trở về”.
Ông lại day lại phía sau mà nói với bà Phủ rằng: “Bẩm bà lớn, con nhỏ đó là con của chú Hương-Thân.”
Bà Phủ gặc đầu, rồi xe ngừng ngay một cái nhà lá ba căn xông, nhà dọn vén-khéo sạch sẽ, trước có sân để đạp lúa, hai bên hè có trồng rau ớt chút đỉnh.
Sớp-phơ mở cửa xe. Ông Cai-lân leo xuống, miệng cười ngỏn-ngoẻn. Ông ngó một đám người ta đương đứng trong sân và kêu mà nói lớn rằng: “Chú Cai-tuần, có bà lớn Phủ kiếm chú đây. Chú bước ra cho bà lớn biểu”. Ông bước lại đứng gần chỗ bà Phủ ngồi mà nói rằng: “Có hai vợ chồng chú Cai-tuần Kim ở nhà đủ hết kia. Để tôi kêu chú ra đây cho bà lớn hỏi thăm”.
Bà Phủ nói: “Thôi, để tôi vô nhà. Nhà ở gần mà”. Bà vừa nói vừa leo xuống đất. Ba đứa nhỏ cũng theo bà mà leo xuống, một đứa con gái chừng 13-14 tuổi, và hai đứa con trai chừng 9-10 tuổi, con gái mặc áo tím quần trắng, đi giầy thêu nhổn-nha, còn con trai mặc đồ tây xám, đầu đội kết đen, coi chẳm-hẳm lắm.
Bà Phủ trạc chừng 45 tuổi, nhỏ thó, thấp người, mặt dồi phấn trắng toát, chơn mày cạo nhỏ rí, nhưng mà cặp mắt oai nghiêm, tướng đi yểu-điệu. Ông Cai-lân Cư thấy Cai-tuần Kim tới lộ thì nói rằng: “Bà lớn Phủ đây là em dâu của chú Hương-Thân-Luông hồi trước. Bà lớn kiếm chú mà hỏi thăm con Phục. Biểu bầy trẻ chạy kêu con Phục về đây coi. Tôi mới thấy nó đi phía trên kia.”
Cai-tuần Kim chừng 40 tuổi, đen-đúa, vạm-vỡ, nghe nói bà Phủ thì lột khăn mà xá và nói rằng: “Mời bà lớn vô nhà”. Anh ta day lại kêu vợ mà biểu vô quét ván trải chiếu.
Bà Phủ với mấy đứa nhỏ đi theo Cai-tuần Kim mà vô sân. Ông Cai-lân Cư ngoắt kêu con Phục om-sòm, biểu chạy về cho mau. Còn dân trong xóm tựu lại, tốp đứng chung quanh cái xe-hơi mà coi, tốp đi theo coi bà Phủ và mấy đứa nhỏ.
Bà Phủ vô nhà vừa ngồi, thì ông Cai-lân dắt con Phục vô mà nói rằng: “Bẩm bà lớn, con nhỏ nầy là con của chú Hương-Thân-Luông đây”. Ông lại day qua mà nói với con nhỏ rằng: “Bà lớn đó là thím dâu của cháu đa. Tội nghiệp quá! nghèo khổ, côi-cút, có cô bác giàu sang mà có biết đâu mà đi tìm. Bà lớn phải thất công đi tìm cháu như vầy, thiệt bà lớn nhơn đức quá”.
Bà Phủ thấy con Phục mặc áo quần bằng vải đen cũ xì, đầu tóc rối nùi, tay chưn lem-luốc, nhưng mà gương mặc sáng rỡ như trăng rằm, nước da trắng trong, hai môi đỏ chói, chơn mày nhỏ mà lại cong-vòng như vẽ, miệng tự nhiên mà cũng như chúm-chím cười hoài, hai bàn tay ngón nhỏ mà dài, cặp con mắt long-lanh đa tình đa cảm. Bà thấy nhan sắc ấy thì bà khen thầm trong bụng, nên bà gục-gặc đầu mà hỏi rằng: “Má của cháu mất hồi nào? Sao cháu không gởi thơ cho chú thím hay?”
Con Phục đáp rằng:
-Thưa, cháu không biết chú thím ở đâu, nên không biết làm sao mà gởi thơ.
-Cháu được mấy anh em?
-Thưa, cháu có một mình, không có anh em nào hết.
-Năm nay cháu mấy tuổi?
-Thưa, 16 tuổi.
-Từ ngày má cháu mất rồi cháu ở với hai vợ chồng anh Cai-tuầm Kim đây phải hôn?
-Thưa, phải. Mợ Cai tuần thương cháu nên đem cháu về nuôi.
-Có bà con chi hay không?
-Ở một xóm thuở nay quen biết cha với má cháu, chớ không có bà con.
Cai-Tuần Kim chen vô nói rằng: “Thưa bà lớn, ở trong xóm quen biết nhau lâu. Chị Hương Thân mất, vợ chồng tôi thấy cháu bơ-vơ tội nghiệp, nên đem nó về làm phước”.
Bà Phủ cười mà nói rằng: “Anh không có bà con, mà anh ở như vậy, thiệt là anh tốt lắm. Quan lớn của tôi ổng hay chắc là ổng cảm ơn anh biết chừng nào. Hồi trước anh Hương-Thân ở nhiều cái không phải, quan lớn của tôi ổng giận, nên ổng không chịu nhìn ảnh là anh em nữa. Tuy vậy mà chừng nghe ảnh mất rồi thì vợ chồng tôi cũng buồn, không biết vợ con ảnh ra làm sao. Mấy năm nay tôi có ý đi kiếm tìm mẹ con chỉ đặng đem về Saigon rồi giúp vốn cho chỉ làm ăn. Ngặt vì đường-sá cách-bức, đi không tiện, nên không biết làm sao. Nay nhờ nhà-nước mở cái lộ nầy cho xe hơi chạy, tôi về Cái-Vồn, quan lớn tôi dặn tiện đường phải ghé kiếm mẹ con chỉ. Thiệt chỉ mất, vợ chồng tôi không hay, chớ nếu tôi hay, thì dầu xa-xuôi cách nào cũng xuống đặng trước lo chôn-cất chỉ, sau đem cháu về nuôi, ai nỡ để nó bơ-vơ như vầy. Vợ chồng anh Cai-tuần ra công nuôi nó mấy năm nay, thiệt là phước đức lớn lắm. Thôi, như tôi không gặp thì không nói gì; bây giờ tôi gặp cháu tôi đây, tôi nói với hai vợ chồng cho tôi rước nó về Saigon. Công ơn hai vợ chồng nuôi nó mấy năm nay, quan lớn tôi không quên được đâu. Hễ tôi về tôi nói lại đây thì chắc quan lớn tôi sẽ xuống mà cám ơn”.
Vợ Cai-tuần Kim đứng dựa cây cột nghe bà Phủ xin rước con Phục thì cười mà đáp rằng:
-Vợ chồng tôi nuôi nó mấy năm nay cũng mến tay mến chưn. Phần tôi không có con gái, nên tôi thương nó lung lắm. Bà lớn bắt nó thì tội nghiệp vợ chồng tôi.
-Phải, tôi biết chị nuôi nó thì tự nhiên chị thương; bây giờ tôi rước nó đi thì làm sao mà chị khỏi buồn được. Nhưng mà tôi xin chị Cai-tuần phải nghĩ đều nầy: Quan lớn tôi ổng làm tới chức Tri Phủ Hàm, giàu có sang trọng, danh giá ở Lục-Châu ai ai cũng đều biết. Nếu ổng bỏ con cháu rơi-rớt, không đem về mà nuôi, thì còn gì là danh giá của ổng. Tôi phải đem nó về đặng cho nó học chữ nghĩa bánh mứt, học thêu thùa may vá, rồi tôi kiếm chỗ sang trọng xứng đáng mà gả nó lấy chồng, chớ nếu để nó ở đây với hai vợ chồng, thì thiên hạ họ cười quan lớn tôi, mà rồi cái thân nó ngày sau cũng cực khổ tội nghiệp.
Ông Cai-lân Cư chen vô nói rằng: “Bà lớn nói phải lắm. Thím Cai-tuần chẳng nên cãi, phải để cho bà lớn đem con Phục về Saigon bà lớn nuôi nó, đặng nó nhờ ngày sau. Thím thương nó thì phải để cho nó đi, chớ thương mà thím giữ nó lại thì cũng như thím ghét thím hại nó. Chú Cai-tuần nghĩ thử coi tôi nói đó phải hay là quấy.”
Cai-tuần Kim thở dài mà nói rằng: “Ông nói đó phải lắm chớ. Bà lớn thương con Phục, bà lớn đem nó về trển mà nuôi, ấy là cái phước của nó, có lẽ nào tôi lại cản trở. Mà bà lớn là thím dâu, còn vợ chồng tôi là người dưng, tôi có quyền gì mà dám cản. Nhưng còn ngại một điều nầy là không biết con Phục nó chịu đi hay không chớ.”
Bà Phủ cười mà nói rằng: “Có lẽ nào nó không chịu đi”. Bà ngoắt con Phục mà nói tiếp rằng: “Lại đây cháu, lại gần cho thím hỏi một chút. Cháu chịu lên Saigon ở với chú thím hay không? Cháu lên trển rồi Thím may áo quần tốt cho cháu bận, thím mua dây chuyền, sắm vàng, sắm bông cho cháu đeo, thím cho đi học, như mấy đứa em của cháu đây vậy. Sao, cháu bằng lòng đi với thím hay không?”
Con Phục thấy cái xe hơi đã chóa mắt, thấy bà Phủ và mấy đứa nhỏ đi với bà ăn mặc lòe lét thì đã động lòng, lại còn nghe những lời dụ dỗ dịu ngọt như vậy nữa, thì có thế nào mà nó không mê cho được, bởi vậy nó ngó vợ chồng Cai tuần Kim rồi cúi đầu đáp nhỏ-nhỏ rằng: “Thưa, cháu bằng lòng”.
Bà Phủ cười mà nói rằng: “Ờ, vậy mới phải chớ”.
Cai-tuần Kim không còn lời chi mà cản nữa được, nên phải cười gượng mà biểu con Phục rằng: “Thôi con vô gói áo quần mà đi với bà lớn”.
Con Phục đi vô buồng. Vợ Cai-tuần Kim ngó theo, mà chảy nước mắt, nên phải lấy vạt áo mà lau.
Ông Cai-lân Cư ngó ba đứa nhỏ mà hỏi bà Phủ rằng:
-Cô với hai cậu nhỏ đây là con hay là cháu của bà lớn?
-Con của tôi hết.
-Bà lớn với quan lớn được mấy người con?
-Có ba đứa đó.
-Có phước quá, giàu của mà cũng giàu con. Được tới hai người con trai. Bà lớn còn làm phước đem cháu về nuôi đây, chắc trời phật còn cho bà lớn có con trai thêm nữa.
-Thôi, bao nhiêu đó cũng đủ rồi.
Cai-tuần Kim cùng nhiều người khác nữa cũng chen vô mà nói chuyện.
Còn con Phục vô buồng đặng xếp quần áo mà gói. Thằng Hiền, là con của Cai-tuần Kim, năm nay đã được 18 tuổi nó đương ngồi chồm-hổm tại cửa sau, nó thấy con Phục thì bước lại gần mà hỏi rằng: “Em đi với bà đó hay sao?”
Con Phục cười mà đáp rằng: “Đi”.
Thằng Hiền đứng ngó trân-trân, bộ buồn thảm lắm. Chừng con nhỏ gói đồ gần xong, Hiền mới nói tiếp rằng: ”Em đi qua buồn lắm, chắc qua chết, chớ học giống gì được nữa”.
Con phục day qua thấy Hiền ứa nước mắt, nhưng vì cái màu phú quí nó mạnh hơn cái thảm thiết của Hiền. Bởi vậy con Phục đã không cảm động mà lại đành đoạn cười và đáp rằng: “Giống gì mà buồn. Tôi đi rồi lâu lâu tôi về tôi thăm. Thôi, anh ở nhà mạnh giỏi”. Nó nói dứt lời rồi xách gói bước ra khỏi cửa buồng.
Bà Phủ đương ngồi khoe giàu khoe sang với mấy người trong xóm, bà thấy con Phục sửa soạn rồi bà bèn nói rằng: “Thôi, tôi kiếu mấy bà con đặng đem con nhỏ về cho sớm kẻo quan lớn tôi ở nhà ổng trông.Về đây chắc ổng mừng lắm. Con Phục thưa với vợ chồng anh Cai-tuần Kim mà đi cháu cần gì mà phải đem áo quần theo nhiều; về trển rồi thím may đồ lụa đồ nhiễu cho mà bận, chớ đồ dưới nầy mà đem về Saigon bận sao được”.
Con Phục bước lại chấp tay cúi đầu xá vợ chồng Cai tuần Kim. Hai vợ chồng cai tuần cảm động nên không nói được một tiếng chi hết.
Bà Phủ dắt ba đứa con với con Phục ra xe, sau lưng người ta đi theo rần rần, kẻ khen bà Phủ nhơn đức, người mừng cho con Phục có phước.
Con Phục xách gói lên ngồi phía trước với sớp-phơ, mặt mày hớn hở, miệng chúm chím cười hoài. Ông Cai-lân Cư nói rằng: “Thôi bà lớn về trển mạnh giỏi. Xin nói dùm với quan lớn bà con trong làng gởi lời thăm quan lớn. Còn con Phục, cháu được như vầy là nhờ cái đức của bà lớn. Cháu về trển phải gắng ăn ở tử-tế cho quan lớn bà lớn thương đặng sung sướng tấm thân. Từ rày sắp lên cháu khỏe rồi, khỏi đi mót lúa, khỏi đi đuổi trâu nữa”.
Bà Phủ nói rằng: “Thôi, ông Cai-lân với vợ chồng anh Cai-tuần ở lại mạnh giỏi. Hai vợ chồng Anh Cai-tuần có công nuôi cháu tôi mấy năm nay, thiệt tôi cám ơn lắm. Để ít ngày rồi quan lớn tôi sẽ xuống mà thăm hai vợ chồng. Bây giờ có lộ, nên đi dễ rồi. Tôi kiếu hết mấy bà con”.
Xe hơi rút chạy, bà Phủ tươi cười, con Phục hớn hở.
Ai nấy đứng ngó theo thảy đều vui, duy có thằng Hiền, đứng phía sau, nó rưng rưng nước mắt rồi bỏ đi trước vô nhà.
Chú thích:
(1-) Khéo léo
(2-) Năm tuất
(3-) trâm bầu

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 233

Return to top