Trong cái nhà gianh ba gian của ông đồ Uẩn, hôm ấy có đông nghịt những khách khứa. Ngoài số thân bằng cố hữu đến hỏi thăm cô Mịch bị nạn đêm trước, lại có cả bọn lý dịch trong làng đến thúc giục ông đồ thảo đơn kiện lên trình quan trên. Bà đồ phải nghỉ việc đồng áng để ở nhà bếp nước thết khách. Mấy bà già, mấy cô gái ở hàng xóm cũng sang làm giúp, y như nhà có giỗ tổ vậy. Còn cô Mịch thì nằm ốm liệt giường, song bọn con giai trong làng cứ há mồm ra mà cười, sau khi đồn đại nhau rằng ấy là cô bé ấy làm ra thế cho đỡ ngượng đó mà thôi. Bà Uẩn đặt lên chiếu một mâm đầy những thịt cá rồi thì ông đồ xoa tay nói: “Bẩm các cụ thương tôi lại hỏi thăm cháu và lo việc cho thế này, thật cảm kích quá, vậy xin mời các cụ dùng cơm ngay đây cho tiện để còn lên quan kẻo cụ nào cũng lại phải về nhà thì lích kích quá”. Chứ “các cụ” đây chỉ ông chánh hội, ông phó hội, ông lý trưởng, ông phó lý, nghĩa là mấy ông tuổi mới độ 40 cả mà thôi chứ không ai già nua tuổi tác gì, song ông đồ Uẩn dùng lối xưng hô ấy
là bởi cái tập quán ở chốn hương thôn. Bốn ông này đã ngồi chễm chệ bốn góc giường, nhưng chưa muốn cầm đũa vội, còn ra ý đợi ông trương tuần, một người anh em đồng tông với... khổ chủ, lúc ấy lên huyện trình quan. Ông đồ nài:
- Mời bốn cụ chánh phó cứ việc cho, rồi chú cháu thì về ăn với tôi cũng được.
Bốn ông kia còn dùng dằng, may sao đã thấy một giọng oang oác từ ngoài cổng tre:
- Thôi cứ việc kiện đi là được!
Đó là ông trương tuần đã về. Mọi người xúm lại hỏi han, ồn ào đến nỗi không còn ai nghe hiểu ai muốn nói gì nữa.
Ông Trương tuần lên họp cỗ, rồi sau một hồi mời mọc nhau lào xào, mới kịp nói rành rọt cho cả nhà nghe:
- Tôi vào hầu cụ lại, kể hết đầu đuôi thì cụ vội thưa lên quan, và quan bảo bây giờ bác đồ tôi có thể đệ đơn kiện kẻ vô danh, mà riêng tôi thì thay mặt cho cả làng mà rất có thể kiện cái ông chủ nào đó, ở chỗ chiếc ô tô ấy, sao thấy hiệu lại không dừng. Quan bảo cứ làm đơn cho rành mạch thì có thể vịn vào cớ suýt nữa xe đè phải người mà buộc chủ xe vào tội mưu sát được. Quan huyện là người tân học, xem ra ý sốt sắng về việc này lắm, chắc thế nào quan cũng xét xử rất công minh.
Ông chánh hội vỗ đùi rất mạnh, múa tay nói:
- Cái kiện này thế nào cũng phải được! Vì rằng điều can hệ là biển số xe thì nom thấy rồi, có phải không, ông Trương?
Ông Trương ngần ngừ mà rằng: - Nhớ thoang thoáng thôi ạ. Lúc ấy tôi cũng hốt hoảng lắm, không biết là số xe thì: hai vạn bốn nghìn tám trăm bẩy mươi nhăm, hay là hai vạn bốn nghìn tám trăm mười lăm.
Ông lý trưởng trầm tĩnh làm ra mình hiểu pháp luật:
- Mình có nhớ đích xác thì hãy khai số xe. Bằng mơ hồ thì thà kiện kẻ vô danh còn hơn, kẻo không nhỡ trùng số xe của một người nào khác thì rồi khốn cả đấy.
Nhưng ông phó hội tức khắc nổi giận mà rằng:
- Việc gì mà khốn cả? Ông bảo việc gì mà khốn cả? Tôi thì tôi tưởng nếu ông Trương đã nhìn thấy như thế thì cứ việc khai trong đơn cả hai số xe, mà không rõ đích xác là số nào! Có phải thế không, hở các cụ? Ta chỉ nhầm mà không rõ là con 7 hay con số 1 mà thôi! Ta cứ việc khai như thế, để nhà chức trách tiện điều tra chứ việc gì mà sợ!
Ông phó lý ngăn lại:
- Thôi đi, ngộ nhỡ quan trên khiển trách ông Trương, làm sao đi tuần mà gặp việc như thế, có một hàng số xe cũng không nhớ, thì có phải khổ cả không? Cái điều ấy ta phải suy nghĩ lắm mới được.
Nói rồi thì ông này từ tốn rót đầy năm cốc rượu. Năm ông mời nhau, ngửa cổ nốc một hơi cạn đoạn ông chánh hội xắn tay áo, giơ một quả đấm lên trần nhà hăng hái nói:
- Thôi các ông không phải bàn ra tán vào! Nói lắm chỉ nát chuyện! Ông Trương lúc ấy mà không nhanh chân chạy né sang một bên đường thì tất mất mạng rồi, tất nhiên đến quan thống sứ đi nữa cũng không nỡ nào bắt ông ta phải nhớ kỹ số xe... Vậy thì ta cứ kiện! Mà thằng chánh này xin thề với cả làng này, nếu thằng chánh này không kiện nổi cái thằng cha dâm ác nào đó, thì thằng chánh này đem mẹ nó triện đồng mà lên trả lại quan trên.
Mấy chục người quây quần nhau trong gian nhà, ai cũng tái mặt đi vì kính phục, không ai dám nói gì nữa. Ông chánh đứng lên, cao lênh khênh giữa đường, lại múa tay mà rằng:
- Không thì nhục lắm, xấu hổ lắm! Mà nhục cho cả làng! Nhục cho cả cái làng này, các cụ đã biết chưa?
Cử chỉ ấy làm cho ông đồ Uẩn cũng đâm ra sợ xanh mắt. Ông đồ ngăn một cách vô nghĩa lý thế này:
- Thôi, cụ chánh! Xin cụ đừng nóng nảy quá thế. Việc đã xảy ra rồi, ta cứ bình tĩnh mà nghĩ đến việc thảo đơn kiện rồi sửa soạn vào quan.
Một người hỏi:
- À, thế nhưng mà quan truyền thế nào? Quan có bảo gì ông Trương đấy không?
Ông Trương hớn hở đáp một cách sung sướng:
- Có lắm chứ! Quan bảo tôi rằng: muốn kiện hay không thì tùy, nhưng mà cứ bảo thằng chánh hội với thằng lý trưởng lên đây tao bảo. Quan lại bảo thêm phải giữ cẩn thận 5 cái giấy bạc một đồng mà lão chủ xe ấy đưa cho con Mịch thì mới có tang chứng được. A, bác đồ, thế cái số tiền ấy đâu? Đừng có tiêu đi mất đấy nhé!
- Không, tuy nhà tôi lúc nào cũng túng thật nhưng mà ai lại tiêu như thế?
Giữa lúc ấy, bà đồ Uẩn mở phòng con gái ra, sưng mặt lên mà cự ông trương tuần:
- Này, tôi xin ông! Ông khinh bỉ nhà tôi vừa vừa chứ! Tôi nghèo thực đấy, nhưng không khi nào lại khốn nạn đến như thế đâu! Tôi chưa đến lúc phải cho con gái tôi đi làm đĩ! Dù sao đi nữa thì con giai tôi cũng vẫn gửi cho tôi mỗi tháng một số tiền.
Ông đồ nhảy lên mặt đất, như giẫm phải đống kiến lửa, tru tréo:
- Thôi đi, tôi xin con gái già! Con gái già đừng có thêm điều đẻ chuyện, không có mà tôi điên tiết lên bây giờ đấy.
Từ buồng bên cạnh cũng thấy giọng của cô Mịch:
- Khổ lắm u ơi! Con sung sướng gì mà u còn phải lắm nhời, lắm điều như thế nữa!
Ấy thế là ồn ào lên một hồi. Mỗi người vào một lời, thành thử nhà như là có cuộc loạn đả. Sau nửa giờ vỡ chợ, kẻ khuyên can lại to tiếng hơn kẻ gây sự, hàng chục cái mồm đàn ông đàn bà, già và trẻ, phân bè kéo đảng nhau mà nói kháy nhau, chọc tức nhau. Ông chánh hội phải vớ lấy một cái gậy mà rằng:
- Thôi cả đấy nhé! Cấm không ai được nói nửa nhời đấy, kẻo không có mà thằng này phang cả cho một lượt chứ chẳng từ ai đâu! Lại không biết người ta bận? Lại không biết người ta chỉ chốc nữa là phải lên quan à? Cút cả đi cho các cụ làm việc!
Sau câu hát cai quyền ấy, lại nghe thấy tiếng “lên quan”, thì không một ai dám nói gì nữa. Quá nửa người làng rủ nhau len lét ra về. Bà đồ vào phòng con gái, lặng im. Sáu người kia dọn giường dọn bàn rồi ông đồ nằm bò ra thảo đơn kiện.
Ông lý trưởng nói:
- Cái kiện này to lắm! Tôi không được mục kích nên không dám chắc nhưng mà cứ theo như lời bác Trương nói thì dễ thường chủ xe là lão Nghị Hách ở tỉnh miền trên ấy chứ chẳng phải xa lạ đâu!
- Thằng cha có hai chục con vợ lẽ trong đồn điền ấy à?
- Phải.
- Cái thằng cha bỏ bã rượu vào ruộng lương dân rồi báo nhà đoan và chỉ bởi một thủ đoạn ấy đã tậu được ba trăm mẫu ruộng rất rẻ tiền ấy à?
- Chính thế.
- Cái thằng cha độc ác đánh chết người làm rồi vứt xác người ta xuống giếng, mà khai người ta tự tử ấy à?
- Nó đấy?
- Thế nào? Thế thì phải kiện cho nó bỏ mẹ nó đi chứ?
Ông Lý bình tĩnh đáp ông Chánh:
- Nào biết là rồi nó bỏ mẹ hay chúng mình bỏ mẹ!
Ông đồ vứt bút xuống chiếu, ngồi lên mà rằng.
- Ông nói đến chó cũng không nghe được.
Ông Lý vẫn bình tĩnh một cách khả ố:
- Chó không nghe được nhưng mà tôi nghe được! Đây nhé: lão nghị ấy có năm trăm mẫu đồn điền trên tỉnh này, một cái mỏ than ở Quảng Yên này, ba chục nóc nhà tây ở Hà Nội, bốn chục nóc nhà nữa ở Hải Phòng này, bạc nhà nó cứ gọi gà ăn không hết, vậy ông có đủ tiền chọi nhau với nó không? Vô phúc thời đáo tụng đình ông ạ.
Ông phó hội cự ông lý:
- Chả nhẽ nó hiếp con gái làng mà không kiện à? Sao ông cứ bàn ngang thế?
- Tôi không bàn ngang mà cũng không ngăn trở gì ai hết. Ai có tiền có sức cứ việc theo kiện. Nhưng tôi mong rằng cứ để ông đồ kiện về con gái ông ấy bị hiếp mà thôi.
Ông chánh ngồi lên ngay ngắn mà rằng:
- À, thế mà lúc nãy ông cứ tự do ngồi vào đánh chén! Ông tưởng cụ đồ làm bữa rượu ấy để cho ông ăn không đấy à? Ông phải biết nghĩa lý cái mâm rượu ấy mới được chứ!
- Thôi, ông say rồi, tôi không dám nói nữa.
- Ông bảo ai say? Ông bảo ai say?
- Kìa, chết chửa kìa! Sao lại thế, hai ông?
- Tôi chỉ muốn bảo một mình ông đồ kiện thôi cũng đủ, chứ không việc gì mà phải có cả lá đơn của làng cũng đứng kiện. Trương tuần không chết chẹt thì không việc gì đến làng, mà cả làng phải đứng kiện. Tự nhiên trêu người ta để rồi người ta thù cho cả lũ ấy à?
- Thế ông có biết quan truyền ra sao không?
- Mặc! Ông quyết không ký vào đơn.
- Ông mặc thì kệ ông? Đây có bốn người ký rồi. Chánh hội, phó hội, phó lý, trương tuần, ký cả rồi. Còn ông là lý trưởng mà không ký thì cũng không ai cần. Ông là đồ hèn nhát! Ông không muốn lên quan thì ông về đi.
Tuy thế, ông lý trưởng cũng không về. Ông cứ ngồi nguyên chỗ, chờ cho đến nửa giờ sau khi hai lá đơn kiện
thảo xong rồi thì ông cũng ký. Mọi người đều được bằng lòng thì lại đến lượt bà đồ Uẩn ra ngăn:
- Thôi, các cụ ạ! Nào biết rồi có ăn thua gì không mà kiện với tụng, rồi nay quan gọi, mai quan gọi, chỉ tổ mất cả công việc làm ăn. Phương ngôn đã có câu: Vô phúc đáo tụng đình.
Ông đồ phải làm ầm ĩ lên một hồi nữa rồi người ta mới quyết định kéo nhau lên quan.
Làng Quỳnh Thôn cách xa huyện lỵ chừng mười cây số. Bà đồ Uẩn phải mở cái hòm khóa chuông lấy nốt ba đồng bạc chinh ra trao ông đồ. Đó là cả vốn liếng của một cái gia đình của một thầy đồ có dưới cái roi mây của mình, đúng sáu đứa trẻ thuộc hạng nửa người, nửa ngợm, và nửa đười ươi. Tiền xe pháo mà thừa thì chẳng kể, chứ nếu lại ăn hết vào chỗ ấy thì rồi người ta không biết trông vào đâu mà ăn cho đến tết nguyên đán.
Thị Mịch đã phải gắng gượng ngồi dậy...
Đến lúc thấy mẹ thúc giục, cô bé phải mặc đến cái áo bông, cái quần thâm là những cái để dành riêng cho ngày đình đám. Cô Mịch tuy nghe thấy bảo lên để quan khám, nhưng chưa hiểu khám là thế nào. Cho nên cô cứ việc theo mẹ ra đi.
Cả bọn lôi thôi, lốc thốc, kéo nhau ra khỏi làng. Trước những cặp mắt toét mà còn tò mò của bọn giai làng, trước những cái mồm cười rất khả ố, cô Mịch cúi gầm mặt xuống
đất, vịn vào tay mẹ mà đi. Còn bà đồ thì coi bộ đăm đăm, chiêu chiêu của một tín đồ đạo Gia tô, đi vào cái hàng sẽ dẫn lên cây thập tự, hoặc sẽ bị chết chém ở thời vua Minh Mệnh vậy.
Qua một cánh đồng ngót hai cây số mới thấy đường cái quan. Lên chỗ một cái quán mái gianh rồi, ông chánh hội mời cả bọn nghỉ chân để cho một anh phu xe đi gọi thêm mấy cái xe khác nữa đến cho đủ.
Tám người còn ngồi chờ thì thấy từ xa tiến đến một thiếu niên áo sa tanh, giầy ban, khăn lượt, áo dạ khoác ngoài, trông sang trọng lắm. Thiếu niên tiến đến chỗ tám người, nghiêng đầu chào cả lũ mà rằng:
- Tôi hỏi thăm các ông có phải làng có ông đồ Uẩn dạy học thì chính là cái rặng tre đây kia rồi, có phải không ạ?
- Phải đấy. Nhưng mà ngài tìm ai trong làng?
Lời ông đồ hỏi.
- Tôi muốn tìm chính ông đồ.
- Để có việc gì thế ạ?
- Nguyên tôi là phóng viên một nhà báo...
- Bẩm thế sao nữa ạ?
- Tôi thấy đồn đêm qua, hình như có một việc chẳng may xẩy ra cho con gái ông đồ.
- Thế ngài ở báo nào vậy?
- Tôi giúp việc cho một tờ báo tên là Lưỡng kỳ, nghĩa là một tờ báo hàng ngày to nhất Đông Dương.
Ông chánh hội sốt ruột nói phăng ngay:
- Các ông nhà báo hỏi chuyện để lấy tin chứ còn làm gì nữa! Ông nhận quách đi cho có được không! Chính ông đồ Uẩn đấy ngài ạ. Chúng tôi là lý dịch trong làng cùng ông ấy đi lên quan đây.
Thiếu niên nghiêm giọng:
- Nếu việc là đích xác thì chúng tôi xin hết sức công kích kẻ làm bậy, mà bênh vực người yếu thế, mặc lòng kẻ làm bậy, là người quyền thế như thế nào.
Giữa lúc ấy, anh phu xe đã đi gọi thêm được hai chiếc xe.
Ông đồ Uẩn hỏi thiếu niên:
- Thế ngài là người ở Hà Nội về hay là người vùng này?
- Tôi là con ông chủ ty rượu ở ngay huyện.
- Ồ thế thì hay lắm, mời ngài lên xe về huyện, chúng ta chúng ta chuyện trò ở dọc đường.
Tất cả có ba cái xe mà những chín người. Anh phu kêu chỉ gọi về được có thế thôi cả bọn đành phải ngồi ba người một xe. Cái xe cuối cùng kéo ông đồ, bà đồ và cô Mịch.
Cái đám rước ngoạn mục ấy bắt đầu khởi hành. Ba anh phu xe cắm cổ kéo... Cùng đường, người ta thấy ông chánh hội và nhà viết báo là hai người có những giọng hùng hồn,
hết lòng vì nước vì dân. Sau một giờ đồng hồ thì đến huyện.
Huyện Cúc Lâm ở vào chốn ấy quang cảnh cũng như trăm nghìn huyện khác. Ở một phố kéo dài hai bên đường quan lộ, huyện có nhà bưu điện, nhà thương, nhà đoan và một nhà lô cốt. Phố xá lơ thơ một ít nhà gạch hai tầng giữa những cái nhà gianh.
Đến cửa huyện, bốn tay lý dịch trong làng nói gì với bác lính khố xanh, để cho bác này chạy vào một lúc rồi chạy ra bảo:
- Quan cho vào cả!
Quan huyện còn trẻ lắm, trông chỉ mới ngoài hai mươi tuổi thôi, đương ngồi cặm cụi viết.
Bốn ông lý dịch vừa phủ phục dưới đất, quan đã giơ tay ngăn:
- Thôi, ta tha cho!
Viên đề lại rón rén để hai lá đơn trên bàn. Quan cúi xuống đọc đơn. Sự im lặng trong huyện đường khiến cho quan càng oai vệ lắm. Bỗng quan ngừng lại, hất hàm bảo một lính lệ:
- Dắt hai người đàn bà kia sang nhà thương để quan đốc khám nghiệm!
Tên lính lệ ra hiệu cho bà đồ và cô Mịch lại quay ra để theo gót mình.
Quan xem đơn một lúc rồi ngẩng đầu lên hỏi:
- Thế các thầy lý dịch phải gọi ba bà già với ông cụ gánh rạ ấy lên đây ký vào đơn làm chứng nhé? Chiều ngày mai thì lên cả đây, hiểu chưa?
Bọn lý dịch giậm dạ vang huyện đường. Vừa lúc này thấy viên cai lệ từ ngoài nhanh nhẹn lẻn đi vào để lên bàn giấy quan một tấm danh thiếp:
Quan trầm ngâm một lát, hỏi:
- Trong bọn này ai là trương tuần Quỳnh Thôn?
Bác trương xích ra, kêu:
- Bẩm con,
Quan khẽ bảo:
- Thử vờ ra xem có phải chính cái ô tô ấy không rồi lại vào đây.
Bác trương ra cửa huyện đường một lát rồi quay vào, kêu lên:
- Bẩm quan lớn, chính đấy ạ.
Quan phán:
- Lệ đâu! Dắt bọn này ra cửa sau huyện mà cho về. Lý dịch thì rồi chiều mai phải viện đủ chứng tá đến. Còn anh cai thì ra bảo rằng quan tôi cho vào.
Ba phút sau, khi bọn ông đồ Uẩn đã thảo ra rồi thì quan huyện chỉ thấy một người đàn bà, một mỹ nhân nữa, quần áo tân thời, sang trọng bệ vệ, bước vào, cười nói rất tự nhiên mà rằng:
- Lạy quan lớn ạ! Chúng tôi phải dùng thiếp của ông nghị tôi thì chắc quan mới cho vào ngay. Vậy xin lỗi quan lớn nhé! Tôi thay mặt ông nghị Hách tôi, đến thưa với quan lớn một chuyện riêng... Thế ngài có bằng lòng tiếp tôi không nào?