Mùa đông châu Âu, khi ánh sáng ban ngày bị rút lại để buổi chiều bốn giờ trời đã tối, khi cỏ cây mang một màu trắng buồn bã của sương tuyết, con người dễ rơi vào tâm trạng trầm uất của những ngày năm cùng tháng tận. Thế nhưng đó cũng là những ngày của lễ Giáng sinh, những ngày mà người ta xem là dịp để ngẫm nghĩ, để hồi tưởng, để rung động cùng thời gian và những điều đã trôi qua trong năm. Và lòng người thật kỳ lạ. Từ tận cùng của lòng tuyệt vọng mùa đông dâng lên sự cảm nhận về một niềm tin tươi mới. Thiên nhiên cũng như muốn phụ họa với lòng khát vọng của con người vì trong cảnh vật khô héo tàn tạ đó có một thứ cây vẫn mãi mãi xanh tươi, vẫn rực một sức sống trong gió tuyết. Thế nên thông xanh là biểu tượng của Giáng sinh, là niềm tin và sức sống trong những ngày đợi mùa xuân trở lại.
Trên đất nước chúng ta cũng thế. Cũng trong những ngày giá rét của miền Bắc, miền Trung, bỗng thoắt một cái, nói như Mãn Giác, trong "đêm qua sân trước", một cành mai, một cành hồng đã sáng một sắc màu tinh khiết và nhã nhặn. Những cành hoa yếu mềm đó mang một thông điệp lớn cho con người, đó là sức sống vẫn ẩn nhẫn đợi chờ. Kỳ diệu thay, sức sống của thiên nhiên. Đến phút cuối cùng, khi nó thể hiện, ta mới thầm kinh ngạc và biết kính sợ.
Cuối năm nhìn lại mười hai tháng, lòng người dễ bồi hồi nhưng cũng dễ phiền muộn. Mấy ai nhìn lại một năm mà thấy chỉ toàn niềm vui. Trong một đời sống ngày càng nhanh chóng, càng quay cuồng, càng nhiều thách đố, con người vừa kịp phản ứng cho kịp thì vấn đề khác đã trờ tới. Và vấn đề nào cũng thế, cũng đòi hỏi một sự chọn lựa mà so sánh loại bỏ tức là đã tự làm trái lòng mình ở một mặt nào đó. May mắn thay nếu ta khỏi phải chọn lựa, khỏi phải thỏa hiệp, khỏi phải tự tổn thương chính bản thân mình.
Cuối năm nhìn lại mười hai tháng, hay cuối một đoạn đời nhìn lại vài mươi năm hay khi tuổi già tóc trắng nhìn lại suốt cuộc đời, liệu tâm trạng có khác gì nhau? Có lẽ không khác. Vì dường như cuộc đời tuy thiên hình vạn trạng nhưng có chung một tính chất. Nói như Krishnamurti thì cuộc đời vốn chỉ “là tranh chấp, mâu thuẫn, là bất an, phiền muộn, thỉnh thoảng có chút niềm vui”. Phương Đông không khác phương Tây, ngày xưa cũng như ngày nay, nội dung của cuộc sống luôn luôn gồm những mâu thuẫn to nhỏ, gồm những điều bắt con người phải lựa chọn và thỏa hiệp. Đó là một chuỗi tranh chấp triền miên ở ngoại cảnh và trong nội tâm, mà bất cứ sự thỏa hiệp nào cũng làm đau chính mình. Phải chăng đó chính là bi kịch của con người?
Có lẽ chỉ có thánh nhân ngày xưa như Lão Tử mới hành động hồn nhiên không chọn lựa và cũng không thấy có cả chính bản thân mình để bị tổn thương. Làm người như chúng ta thì khác và nhất là trong thời đại này, một kỷ nguyên chứa đầy tranh chấp, trong đó những đắn đo tạm gọi là cao quí của nội tâm hầu như trở nên mờ nhạt trước những vùi dập phũ phàng của ngoại cảnh. Mâu thuẫn giữa người và người dường như tăng vọt lên trong một xã hội văn minh, trong một thế giới được mệnh danh là toàn cầu hóa. Hình như chúng ta không hề nằm trong mùa xuân của loài người mà ngược lại, vừa bước vào giai đoạn khắc nghiệt của mùa đông đầy sự lạnh buốt của lòng người và dông bão của các vấn đề thuộc xã hội loài người.
Nhưng cũng như trong thiên nhiên, trong những ngày đầy bóng tối và giá lạnh, sức sống và vẻ đẹp vẫn ẩn nhẫn chờ chực để được thể hiện. Xưa nay, nhiều người đã cảm nhận điều đó. Nói như Trịnh Công Sơn, trong cuộc đổi dời, "thành phố vẫn có những ước mơ", con người "vẫn sống thiết tha". Có ước mơ và thiết tha thì sẽ có một ngày, lúc đầy đủ điều kiện ngoại cảnh hội tụ, sức sống và vẻ đẹp sẽ trở thành hiện thực như cành thông, cành đào, cành mai đã khoe sắc giữa mùa đông.
Con người vẫn sẵn sàng quên những thương tổn của mười hai tháng qua, của một đoạn đời mấy mươi năm qua để sống với khát vọng của mình. Con người vẫn yêu thương cuộc đời như nhà văn Hermann Hesse, khi tự so sánh mình với một cành cây, đã viết:
Cũng như ngươi, ta bị cuộc đời vùi dập.
Nhưng không gục ngã,
hàng ngày vẫn vươn mình,
ngẩng cao trong ánh sáng mặt trời.
Tấm lòng ta mềm mại, tinh khôi,
đã chết vì cuộc đời thô bạo.
Nhưng tính cách ta vẫn không đổi.
Ta vẫn vui lòng, ta vẫn tha thứ,
vẫn cho đời những chiếc lá xanh tươi,
vẫn cho nứt hàng trăm chồi non mới.
Dù bị đau đớn quằn quại,
ta vẫn yêu thương trần gian điên dại này.
Hai câu cuối cùng đã được truyền tụng bằng nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới vì nó chính là chất người đích thực trong cuộc đời đích thực. Hai câu đó được Phùng Khánh thời xa xưa giới thiệu trong lời tựa cho tác phẩm “Câu chuyện dòng sông”. Phải chăng mỗi chúng ta vẫn vui lòng, vẫn tha thứ, mỗi chúng ta đều còn có một "mộng đời bất tuyệt"?.
Viết trong ngày ngắn nhất của năm 2003 (22.12)