Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn (sinh 1918), nhà văn Nga, giải thưởng Nobel Văn chương 1970. Ngôi nhà của Matriona là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông.
Tại km 184 tuyến đường sắt Matxcơva - Murom và Kazan, có đến hơn nửa năm sau ngày xảy ra sự cố, tất cả các chuyến tàu đều giảm tốc, chạy thật chậm. Hành khách cứ dán mũi vào cửa kính, kéo ra cửa lên xuống: đang sửa đường hay sao vậy? Hay tàu chạy sai giờ? Không. Qua khỏi đoạn đường này, tàu lại bắt đầu tăng tốc, hành khách trở về chỗ. Riêng cánh lái tàu là biết rõ ngọn ngành. Và cả tôi nữa.
1
Mùa hè 1956, từ sa mạc nóng bỏng và bụi bặm, tôi trở về nước Nga mà chưa biết đi đâu. Chẳng một nơi nào trên đất nước có người đang đợi hay vẫy gọi tôi - tôi biệt tích đã mười năm. Tôi đơn giản muốn về miền Trung cho đỡ nóng, có tiếng lá rừng xào xạc. Những muốn đi, đi mãi để rồi mất hút vào nơi sâu kín nhất của nước Nga, nếu có nơi nào như vậy. Một năm trước ngày xảy ra sự cố, ở bên này dãy Ural, tôi không kiếm được việc làm, chẳng lẽ lại đi làm phu phen tạp dịch. Đến một chân thợ điện ở một công trường tử tế cũng đừng hòng xin được. Thực lòng tôi chỉ muốn đi dạy học. Những người am hiểu bảo tôi đừng phí công đi lại, mất tiền tàu xe vô ích. Nhưng rồi cũng có chuyển biến. Lên hết cầu thang Phòng Giáo dục Nhân dân tỉnh..., tôi hỏi thăm Phòng Tổ chức và ngạc nhiên khi thấy cán bộ ở đây không ngồi bên trong cánh cửa bọc da màu đen mà lại ngồi sau vách kính như trong hiệu thuốc. Tôi rụt rè đến bên ô cửa, cúi xuống hỏi: - Anh cho biết Phòng có cần giáo viên dạy toán ở một trường nào cách xa đường sắt không? Tôi muốn định cư luôn ở một nơi như vậy. Người ta soát xét từng câu từng chữ trong hồ sơ của tôi, chạy hết phòng này sang phòng khác và gọi điện đi đâu đó. Kể cũng là sự lạ ở đây: ai cũng cố xin về thành phố, nhất là thành phố lớn, càng lớn càng hay. Và tôi được xếp luôn một chỗ: Đồng Cao. Riêng cái tên cũng đã làm tôi vui sướng. Cái tên đã không đánh lừa tôi. Trên một ngọn đồi nằm giữa những khe nước nhỏ, rồi lại những ngọn đồi nhỏ khác, có rừng vây quanh, bên một đầm nước và một con đập nhỏ, Đồng Cao chính là nơi mà sống chết đều rất đỗi thanh bình. Tôi đã ngồi rất lâu trên một gốc cây rừng và ước chi ngày ngày không cần ăn sáng ăn trưa, miễn sao được lưu lại nơi này, đêm đêm nghe tiếng cành lá xào xạc trên mái nhà, không bao giờ nghe thấy tiếng loa đài từ bất cứ đâu và tất cả thế gian đều im lặng. Nhưng than ôi, ở đây người ta không sản xuất bánh mì! Không buôn bán thực phẩm! Cả làng phải lên tận thị xã khuân về hàng bao tải đồ ăn thức uống. Tôi quay lại Phòng Tổ chức để nài nỉ bên ô cửa nhỏ. Thoạt tiên người ta còn không muốn tiếp chuyện tôi nữa. Nhưng rồi họ lại chạy hết phòng này phòng nọ, gọi điện, than phiền và cuối cùng, đánh máy vào Lệnh điều động của tôi: "Torfoproduct". Torfoproduct? Chữ nghĩa như thế thì đến Turghenev cũng chào thua! 1 Tại ga xép Torfoproduct, ngay trước cái lán gỗ sơ sài có treo tấm biển quy định dứt khoát: "Chỉ lên tàu từ ga chính". Bên cạnh là dòng chữ vạch thêm bằng mũi đinh: "Và miễn vé". Còn ở quầy vé, cũng với cái cười chua chát như vậy là dòng chữ khắc hẳn bằng dao: "Không có vé". Sau này tôi mới hiểu được ý tứ thâm trầm của những phụ đề trên. Đến Torfoproduct thì dễ, nhưng đi thì khó đấy. Ở vùng này cũng đã từng ngự trị những cánh rừng vắng lặng, thâm u, sau cách mạng vẫn còn nguyên. Rồi rừng bị tàn phá bởi bàn tay của đạo quân khai thác than bùn và một nông trang tập thể kế bên. Chủ tịch nông trang là Gorscov đã đốn trụi nhiều hecta rừng, đem gỗ xuống tỉnh Odessa bán hái ra tiền, nông trang nhờ đó mới phất lên. Giữa những khu đất thấp ở Torfo đã hình thành một khu lao động lộn xộn gồm những lán gỗ đơn điệu, vách trát thô sơ, mẫu nhà ở thịnh hành vào những năm ba mươi và những ngôi nhà nhỏ có chạm trổ ở mặt tiền, vách hiên lắp kính - mẫu nhà thập kỷ năm mươi. Nhưng trong nhà lại không có vách ngăn chạm trần nên tôi chẳng tìm đâu ra được một chỗ trọ kín đáo. Bên trên khu lao động, khói nhà máy bốc lên nghi ngút. Cắt ngang khu là một dải đường sắt khổ hẹp, và những chiếc đầu máy cũng phụt khói mù mịt, rú còi inh ỏi, kéo những toa tàu chở than bùn đóng bánh màu nâu tái vùn vụt lao đi. Rất có thể tối nay, bên trên cửa sổ ra vào câu lạc bộ, tiếng máy quay đĩa lại ầm vang, còn dọc phố thì những gã say mặc sức làm trò, kể cả nói chuyện với nhau bằng đao búa. Tôi lại mơ về một góc khuất của nước Nga. Phải chăng ở nơi tôi vừa từ bỏ ấy, tôi đã có thể sống trong một túp khata 2 bằng đất nện, ngoảnh mặt ra sa mạc. Ở đó đêm về gió thật trong lành tươi mát, và chỉ một trời sao rộng mở trên đầu. Trên chiếc ghế dài trong ga, tôi không tài nào chợp mắt được. Trời hửng sáng là tôi đã cất bước tha thẩn trong khu lao động. Tôi gặp một cái chợ rất nhỏ. Có mỗi một người đàn bà đứng bán sữa lúc tinh mơ. Tôi uống ngay một chai. Giọng nói của người phụ nữ khiến tôi sửng sốt. Nó ngân nga như hát, còn lời lẽ của chị lại khiến tôi nhớ về châu Á xa xôi. - Uống đi à, uống đi cho ngọt cho ngon. Bộ anh từ đâu đến phải không? - Thế chị người ở đâu? - Tôi tươi tỉnh hẳn lên. Và rồi tôi được biết quanh đây không phải ai cũng là thợ mỏ than bùn, rằng bên kia đường sắt có một gò cao, bên kia gò cao là một ngôi làng, đó là làng Talnovo cổ kính từ thời Zigan phu nhân với những cánh rừng hùng vĩ. Tiếp đó là làng mạc trải dài: Tsaslisy, Ovintxy, Xputni, Severtni, Sestimirovo - càng ra xa đường xe lửa, thôn làng càng hẻo lánh hơn cho đến tận vùng hồ. Những tên đất tên làng vang lên bên tai tôi như những lời an ủi. Những địa danh đã gieo vào lòng tôi niềm hy vọng còn tìm lại được một nước Nga có tự bao giờ. Tôi nhờ người phụ nữ mới quen hễ bán xong hàng thì dẫn tôi đến Talnovo và tìm giúp một nơi ở trọ. Tôi là khách xộp rồi thôi: ngoài lương bổng ra, nhà trường còn hứa cho tôi một ôtô than bùn để chống chọi với ngày đông tháng giá. Vẻ lo lắng vừa xóa đi những nét dịu dàng trên gương mặt chị bỗng tiêu tan. Vợ chồng chị hiện nay còn phải chăm sóc mẹ già cao tuổi nên nhà không có chỗ cho thuê, chị đưa tôi đi khắp các nơi trong họ ngoài làng. Nhưng rồi cũng không sao tìm được chỗ kín đáo, đâu đâu cũng ồn ào chật chội. Chúng tôi đi mãi đến một con sông nhỏ, nước đã cạn khênh, có cầu bắc qua. Khắp làng chưa thấy ở đâu có cảnh sắc nên thơ đến thế: vài ba cây liễu, một ngôi nhà cũ kỹ, vịt tung tăng bơi lội dưới ao, mấy con ngỗng kéo đến bên bờ, giũ lông giũ cánh. - Chúng ta ghé vào nhà bà Matriona một tí vậy, - người dẫn đường của tôi chừng như đã nản. - Nhà này thì chẳng được gọn gàng đâu, bà ấy có một mình, lại còn đau ốm nữa. Nhà bà Matriona ở ngay gần đấy, mái hai độ dốc, lợp ván, một dãy bốn cửa sổ nhỏ ở phía sau và một cửa sổ trang trí nhỏ trên gác thượng, ngay dưới một tầng nóc con con. Nhà cao đến mười tám súc gỗ tròn, nhưng mái đã mục, những súc gỗ vốn chắc khỏe ở vách nhà và cổng chính đều bạc phếch bạc phơ, nẹp gỗ cũng bong dần. Cánh cổng đã cài then, nhưng người dẫn đường của tôi không gõ cửa mà luồn tay vào kéo then ra - cổng đóng chỉ để ngăn súc vật và người lạ thôi mà. Sân thì không có mái che nhưng nhà thì có nhiều phần, đều gắn kết với nhau, có mái tiếp nối. Vào nhà qua cửa chính, khách gặp ngay những bậc thang dẫn lên các nhà cầu rộng rãi có mái che cao. Bên trái có cầu thang dẫn lên nhà phụ - một gian tách biệt không có lò sưởi, và cầu thang dẫn xuống các buồng kho. Bên phải là nhà chính có gác bên trên và hầm bên dưới. Ngôi nhà được cất từ lâu, rộng rãi đàng hoàng, dành cho cả một gia đình lớn, vậy mà giờ đây chỉ còn mỗi một bà già cô đơn đã lục tuần. Khi tôi bước vào nhà thì bà đang nằm trên bệ chiếc lò sưởi Nga ngay cạnh cửa chính, trên người đắp một tấm vải rách nhem nhuốc, không rõ vải gì nhưng chắc chắn là đồ bỏ đối với người làm ăn tử tế. Ngôi nhà khá rộng và đặc biệt là phần sáng sủa cạnh cửa sổ có đặt những chậu cây cảnh bằng gốm, bằng gỗ trên những chiếc ghế đẩu, ghế dài. Chúng khỏa lấp nỗi cô đơn của bà chủ bằng cả một đám đông câm lặng nhưng tràn đầy sức sống. Chúng góp nhặt từng tia sáng nghèo nàn bên hướng bắc mà vươn lên tươi tốt. Từ sau ống khói lò sưởi, trong ánh chiều tà, khuôn mặt bầu bầu của bà chủ hiện ra rõ ràng, đau đớn trước mắt tôi. Qua ánh mắt mờ đục của bà, tôi có thể thấy được bệnh tật đã làm bà kiệt sức. Tiếp chuyện khách, bà vẫn cứ nằm sấp trên bệ bếp lò, không kê gối, đầu hướng ra cửa, còn tôi đứng ở phía dưới. Bà không tỏ vẻ vui mừng khi có người đến thuê nhà mà chỉ than phiền về căn bệnh quái ác mà lúc này bà vừa mới dứt cơn đau: không phải tháng nào bà cũng đau, nhưng mỗi lần đau - ... là cứ phải hai ba ngày, mà lúc đã nằm bẹp một nơi thì còn lo chuyện ăn uống cho anh thế nào được nữa. Còn nhà cửa thì tôi nào có tiếc, anh đến ở càng vui. Bà mách tôi tìm đến những nhà có chỗ ở tiện hơn, đỡ phiền toái cho tôi hơn. Nhưng tôi đã thấy cái số tôi là phải ở trong ngôi nhà này, ngôi nhà tối tăm có chiếc gương mờ soi không rõ mặt, hai tờ áp phích sặc sỡ rẻ tiền quảng cáo bán sách và cổ động cho vụ gặt treo trên tường với mục đích trang trí. Tôi còn thích ở đây vì Matriona quá nghèo không có máy thu thanh, quá cô đơn chẳng có người trò chuyện. Và mặc dù Matriona Vaxilievna đã bắt tôi đi khắp làng, khi tôi quay lại còn một mực thác: - Tôi vụng lắm, chả biết nấu nướng gì cả thế này thì phục dịch làm sao? - Nhưng bà đã xuống đón tôi, thậm chí còn sáng mắt lên khi thấy tôi quay lại. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về giá cả, về khoản than bùn mà nhà trường sẽ cho chở đến. Mãi sau này tôi mới được biết là đã nhiều năm nay Matriona Vaxilievna chẳng kiếm được rup nào. Bà không có lương hưu. Họ hàng thân thích trợ giúp chẳng được là bao. Ở nông trang tập thể thì đi làm chỉ lĩnh thẻ, làm gì có tiền. Thẻ công nhật được gã thống kê vào sổ ở một cuốn sổ chấm công nhem nhuốc. Vậy là tôi đến trọ ở nhà Matriona Vaxilievna. Chúng tôi không ngăn buồng. Giường của bà đặt ở một xó cửa cạnh bếp lò, còn tôi thì mở chiếc giường gấp ra bên cửa sổ và dồn gọn đám cây cảnh con cưng của Matriona lại, dành một phần ánh sáng cho chiếc bàn con kê dưới một cửa sổ khác. Điện trong làng đã được kéo từ Satura tới từ những năm hai mươi. Báo chí hồi đó gọi đèn điện là "đèn của Ilits", còn cánh mugic thì cứ trố mắt ra kêu "Lửa Sa hoàng!" Có thể đối với dân giàu có trong làng thì ngôi nhà của Matriona chẳng nghĩa lý gì nhưng đối với chúng tôi thì nhà khá tốt vào cả mùa thu lẫn mùa đông năm ấy: có mưa nhà vẫn không bị dột, gió buốt thì gần về sáng mới phụt ra từ miệng bếp lò, kể cả những ngày gió thổi từ phía thời tiết đang cơn tệ hại. Ngoài Matriona và tôi, trong nhà còn có một con mèo, một lũ chuột, gián. Con mèo cũng đã già, nhưng điều đáng nói là nó thọt một chân. Matriona thương tình nhặt nó về và nó cũng đã quen. Nó thì vẫn đi bốn chân nhưng là đi tập tễnh đến vẹo cả người: nó gượng nhẹ cái chân đau. Khi nó nhảy từ trên bệ lò sưởi xuống sàn nhà thì tiếng động phát ra không nhẹ không êm như tiếng mèo nhảy mà là một tiếng đập mạnh của cả ba chân một lúc: hập! - Tiếng đập mạnh đến nỗi tôi phải giật mình, chưa quen ngay được. Những lúc đó cả ba chân nó dộng xuống sàn, chân thứ tư co lại. Nhưng nhà có chuột không phải vì mèo què không bắt được chuột: nó lao như tên bắn vào đám chuột trong góc và tha ngay ra một con, cắn chặt giữa hai hàm răng. Nhưng mèo không làm gì được chuột vì không biết tự bao giờ, vị chủ nhân phong lưu nào đó đã dán lên vách nhà Matriona loại giấy bồi tường màu xanh lá mạ, có rãnh, mà không chỉ một lớp - những năm lớp liền. Các lớp giấy thì dính chặt vào nhau, riêng lớp dán vào vách thì nhiều chỗ bị bong keo, tạo nên một lớp áo của vách nhà. Giữa những súc gỗ làm vách và giấy bồi tường, chuột tạo cho chúng những lối đi và ngang nhiên chạy loạt soạt. Con mèo đưa mắt giận dữ dõi theo tiếng loạt soạt kia, nhưng chẳng làm gì được. Thỉnh thoảng mèo cũng ăn cả gián, nhưng rồi nó chán. Cái duy nhất mà lũ gián còn nể trọng là giải phân cách giữa miệng chiếc lò sưởi Nga và nhà bếp với nhà trên. Gián không bò lên nhà trên. Ngược lại trong nhà bếp, gián nhung nhúc cả đêm. Những lần đêm khuya tôi xuống bếp uống nước, cứ bật đèn lên là thấy hầu như toàn bộ mặt sàn, mặt ghế và thậm chí mặt vách hiện lên dưới một màu cánh gián lấp la lấp lánh. Tôi mang borac từ phòng hóa nghiệm về trộn với bột để trừ gián. Gián giảm đi, nhưng Matriona lại sợ chết mất mèo. Chúng tôi ngừng rắc thuốc, gián lại sinh sôi nảy nở. Đêm đêm, khi Matriona đã ngủ, còn tôi ngồi bên bàn thì tiếng chuột chạy nhanh thỉnh thoảng vang lên sột soạt cũng chìm đi trong tiếng gián lạo xạo lào xào dưới bếp nghe như tiếng sóng biển rì rào từ xa vọng tới. Nhưng tôi đã quen với bản hợp âm này vì trong đó có gì là độc ác và giả trá đâu. Tiếng lạo xạo của gián là sự sống của loài vật mà thôi. Và tôi cũng đã quen với người đẹp kệch cỡm trên tờ áp phích suốt ngày lẳng lặng chìa ra trước mặt tôi những trước tác của Belinxki, Panfiorov và cả một chồng sách gì đó nữa. Tôi đã quen với tất cả những gì hiện hữu trong ngôi nhà của Matriona. Matriona thường dậy vào bốn, năm giờ sáng. Chiếc đồng hồ quả lắc của Matriona đã được hai mươi bảy năm kể từ ngày mua ở cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ. Nó thường xuyên chạy nhanh nhưng Matriona không hề áy náy: còn hơn là chạy chậm, sáng ra rất dễ muộn giờ. Bà bật ngọn đèn con dưới bếp lên rồi rón rén, nhẹ nhàng để khỏi phát ra tiếng động, bà nhóm lò, đi vắt sữa dê (gia súc của bà có độc một con dê cái sừng con lông màu trắng đục thôi), sau đó đi lấy nước và nấu ăn bằng ba cái nồi gang: một cho tôi, một cho bà và một cho dê. Bà lấy khoai tây dưới hầm nhà lên, chọn những củ bé nhất cho dê, bé vừa cho mình, khoai của tôi bằng quả trứng gà. Khoai nhà trồng chẳng bao giờ được to củ: đất thì đất cát, từ những năm trước chiến tranh đến giờ vẫn chẳng có phân, chỉ trồng khoai tây hết năm này sang năm khác. Tôi hầu như không nghe thấy tiếng động nào từ trong bếp. Mùa đông tôi dậy muộn, mãi mới vươn người, thò đầu ra khỏi chăn và áo lông. Hai chân còn được đắp thêm một chiếc áo bông dã chiến, giường trải đệm rơm. Bao nhiêu thứ đã ủ ấm cho tôi ngay giữa những đêm băng giá từ phương bắc tràn xuống áp đảo những chiếc cửa sổ tồi tàn của chúng tôi. Nghe tiếng động nhẹ từ phía sau vách bếp, lần nào tôi cũng cất tiếng chào khe khẽ: - Chúc buổi sáng tốt lành, Matriona Vaxilievna! Và bao giờ tôi cũng được đáp lại bằng chính lời chúc đó, bắt đầu bằng tiếng ậm ừ trầm ấm như tiếng những người bà trong cổ tích: - Ừ, ừ... tôi cũng chúc anh như vậy! Và một lát sau: - Bữa sáng có rồi đấy. Bữa sáng có những gì thì bà không nói, nhưng cũng dễ đoán thôi: khoai tây luộc hoặc xúp khoai tây, không thì cháo đại mạch (năm ấy ở Torfoproduct không thể mua được các loại ngũ cốc khác và ngay cả đại mạch người ta cũng tranh nhau khuân hàng bao tải về nuôi lợn, loại lương thực rẻ tiền mà). Các món không phải lúc nào cũng được nêm muối vừa vặn, thường bị quá lửa, tôi thường bị cặn bám chân răng và rát cổ. Nhưng lỗi không phải ở Matriona: ở Torfoproduct không có bơ, dầu thực vật thì khách hàng phải tranh nhau, chỉ có mỡ hỗn hợp là sẵn. Hơn nữa, theo quan sát của tôi, cái bếp lò Nga không thật đắc dụng trong nấu nướng, nhiệt từ các phía tiếp cận chiếc nồi gang không đều đặn. Nhưng có lẽ nó đã đến với tổ tiên chúng ta từ thời đồ đá vì chỉ cần nhóm một lần là lò cháy suốt đêm, giữ được đồ ăn thức uống nóng suốt cả ngày cho người và gia súc. Ngủ cạnh bếp lò thì ấm. Tôi ngoan ngoãn chén hết các món được chế biến cho mình, chịu khó nhặt bỏ rác rưởi chẳng may lẫn vào, chẳng hạn một sợi tóc, mẩu than bùn, cái cẳng gián. Tôi không dám trách Matriona. Nói cho cùng, chính bà đã chặn trước: "Tôi vụng lắm, chả biết nấu nướng gì cả thế này thì phục dịch làm sao?" - Cám ơn bà, - tôi nói rất chân thành. - Có gì mà cám ơn? Vì anh đối tốt với tôi ư? - Nụ cười rạng rỡ của bà đã khiến tôi quên hết những điều nhỏ nhặt. Rồi bà đưa cặp mắt màu xanh nhạt nhìn tôi, vẻ thật thà: - Nào, anh ăn gì vào bữa sau nào? Bữa sau đây là bữa tối! Hàng ngày tôi vẫn ăn hai bữa như ở ngoài mặt trận. Thì cũng chỉ là các món khoai tây. Tôi cam chịu cảnh này, vì cuộc sống đã dạy tôi rằng ý nghĩa của sự tồn tại hàng ngày không nằm ở miếng ăn. Đối với tôi, điều đáng quý hơn chính là nụ cười kia - nụ cười hiển hiện trên gương mặt bầu bầu của người phụ nữ kia, nụ cười mà rút cục tôi đã không tài nào ghi lại được bằng máy ảnh. Trước con mắt lạnh lùng của chiếc ống kính đang chĩa thẳng vào mình, dáng vẻ của Matriona rất khác, không gượng gạo thì cũng ra điều nghiêm nghị. Duy mỗi một lần tôi ghi lại được hình ảnh bà đang nhìn qua cửa sổ xuống đường, cười rất tự nhiên. Mùa thu năm ấy Matriona có lắm chuyện bực mình. Số là mới có chế độ hưu bổng mới, chị em hàng xóm cứ khuyên bà cố gắng xin trợ cấp. Bà là người hoàn toàn không nơi nương tựa, vậy mà mới bắt đầu ốm nặng, đã bị nông trang tập thể thải hồi. Matriona phải chịu quá nhiều nỗi bất công: bà bị bệnh như thế mà vẫn không được coi là người mất sức; bà đã làm việc ở nông trang đến một phần tư thế kỷ nhưng chỉ người làm việc ở nhà máy mới được hưởng lương hưu. Như vậy bà chỉ còn biết đi xin tiền tuất của chồng: gia đình bà bị mất người lao động chính, người nuôi dưỡng gia đình. Nhưng chồng bà đã mất mười hai năm rồi, ngay từ hồi đầu chiến tranh, thành thử bây giờ mà đi xin chứng nhận về ngạch bậc của ông ở những đơn vị khác nhau là rất khó. Vấn đề đặt ra là phải xin được đủ giấy tờ có ghi rõ mức lương, dù chỉ 300 rup/tháng; lại phải có giấy chứng nhận về tình trạng không nơi nương tựa của bà; rồi giấy khai sinh; sau đó mang đủ giấy tờ lên Phòng Bảo hiểm xã hội; rồi còn phải làm lại giấy tờ vì sai sót. Nộp xong giấy còn phải đi lại hỏi thăm kết quả. Công việc khó khăn ở chỗ Phòng Bảo hiểm xã hội cách nhà bà đến 20 km về phía đông, Xô viết xã - 10 km về phía tây, Xô viết khu - một giờ đi bộ về phía bắc. Bà đã chạy khắp các văn phòng hai tháng, tốn nhiều thời gian vào thủ tục nhiêu khê. Mỗi bận bị mất đứt một ngày. Đến Xô viết xã thì hôm nay thư ký đi vắng - đi vắng là đi vắng, vậy thôi, ở các xã bao giờ chả thế. Vậy thì hôm sau lại đến. Bấy giờ thư ký có mặt nhưng lại không mang dấu đến. Hôm sau nữa vậy. Nhưng lại đành để đến hôm khác vì giấy vẫn chưa xong, bị ký nhầm sang giấy khác - giấy tờ của Matriona ghim cả thành một tệp mà. - Họ hành tôi quá xá, Ignatitr ạ, - bà than phiền với tôi sau bấy nhiêu phen công cốc công cò. - Mất bao công sức! Nhưng bà cũng chỉ nhăn nhó một lúc thôi. Tôi đã phát hiện ra phương thuốc đặc hiệu giúp bà lấy lại khí thế, ấy là công việc. Có chán chường thất vọng đến đâu thì rồi cũng ngay sau đó, hoặc là vớ lấy cái xẻng đi dỡ khoai tây, hoặc kẹp lấy cái bao tải vào nách đi kiếm than bùn, không thì xách cái giỏ đan đi sâu vào rừng hái quả kim anh, việt quất... Công việc xong xuôi, Matriona khẽ cúi chào tạm biệt, nhưng không phải là tạm biệt những chiếc bàn giấy văn phòng, mà là tạm biệt những lùm cây bụi trong rừng, trở về nhà với vẻ mặt rạng rỡ, nụ cười tươi tắn trên môi, cho dù lưng có gập lại vì mang vác. - Tôi yên chí từ nay biết chỗ lấy rồi, Ignatitr ạ, - bà nói về than bùn. - Chỗ này thì miễn chê luôn! - Kìa Matriona Vaxilievna, chả lẽ chỗ than bùn của tôi còn chưa đủ dùng hay sao? Cả một xe đầy. - Ờ, chỗ ấy thì ăn thua gì! Bằng ấy nữa, lại phải bằng ấy nữa thì mới gọi là đủ. Mùa đông ở đây ghê gớm lắm, đốt bao nhiêu cũng không vừa. Than bùn thì xưa nay chúng tôi vẫn đi kiếm hàng ngày, đống tướng! Bây giờ mà có than tôi lại không cõng hết ba ôtô ư? Nhưng thế thì sẽ bị bắt ngay. Có một mẹ ở đây sắp phải ra tòa đấy.
_______________ Chú thích của dịch giả:
1 Ở đây hai từ sản phẩm (product) và than bùn (torfo...) được viết liền để tạo địa danh, một lối "sản xuất" từ hơi "mới".
2 Kiểu nhà phổ biến trước đây của nông dân ở Ucraina, Belaruxia và miền Nam nước Nga.