Cây Đinh Trên Thập Giá
Sầu Đông
Từ quầy bán hàng tiểu thủ công nghệ nằm trên con đường Nguyễn Huệ đầy nghẹt những người vào chiều thứ bảy này, nàng lơ đãng nhìn về phiá Toà Đô Chánh cũ. Nàng như không nghe thấy lời mẹ nàng:
-Từ nay đến ngày cưới còn vài tháng nữa, con nhớ nhắc thằng Văn sửa soạn mọi thứ cho đầy đủ nghe con.
Bà mẹ nhắc cô con gái, nhưng mỗi lần gặp chàng rể tương lai bà cũng đã ý tứ dặn dò. Mẹ nàng, người đàn bà đẹp của đất Kim Long- đất của Kim Long có gái mỹ miều; Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều trẫm đi- giờ chỉ mong cho đứa con gái đầu lòng của mình được yên bề. Bà từng nghe kể bà ngoại của bà là một trong những cung phi xinh đẹp của một trong những ôngvua cuối cùng của triều Nguyễn. Bà cũng từng nghe kể về những mảnh đời vụn vỡ của những phi tần thất sủng; về những người đàn bà đẹp đất Kim Long giặt áo bên sông, mà tiếng cười tan trên những dợn sóng lăn tăn không che được những cặp mắt xẫm buồn. Bà thèm khát một đời an bình; mà đời bà chỉ là những phong ba. Cuộc tình đầu như bão, như lửa đã để lại cho bà một đứa con gái, là nàng, nhưng cũng đã ném bà vào đất Sàigòn quay quắt mọi chuyện. Bà đã vật lộn với đủ mọi nghề để nuôi con khôn lớn. Bà mua được căn nhà nhỏ trong một con hẻm đường Cường Để chưa được vài năm, chưa kịp ổn định, thì năm 75 đã đến Sàigòn như một cơn lốc. Bà đã xanh xao, rộc đi, những năm đầu sau ngày 30 tháng tư, năm 75 rất nhiều. Bây giờ, một chút hy vọng loé ra: thằng rể tương lai là con một gia đình có máu mặt nằm vùng. Nó lại sắp ra trường. Cha nó đang lo liệu cho nó vào làm ở một bịnh viện lớn trong thành phố. Bà cảm thấy yên lòng phần nào.
* * * * *
Hân nhìn gã đàn ông đang băng ngang đường, tay xách một bức sơn dầu. Gã cười từ xa. Nụ cười nhẫn nhục. Đó là một họa sĩ tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Sàigòn. Gã cũng là sĩ quan quân đội cũ, tù cải tạo về từ hơn một năm nay. Gã là bồ cũ của chị con bạn. Nó giới thiệu gã đem tranh gởi bán chỗ nàng. Chị nó đã vượt biên. Nó nói với nàng: Anh Lê vẽ tranh đẹp lắm. Mày phải nghe anh ấy nói về hội họa để mở mang kiến thức của mày ra. Hồi trước 75, mỗi lần ông ấy vào Đêm Màu Hồngvới bà chị tao, ai trông thấy cũng phải ghen. Giờ thất thế rồi, nhưng tranh còn đẹp bạo, mày cho ông ấy gởi tranh bán. Bán được, mày lấy huê hồng. Nói xong, nó nháy mắt với nàng rồi nhào lên yên sau của chiếc Dream, ôm cứng lưng gã thủy thủ viễn dương. Hôm ấy, nàng đã nghĩ: con này , chị em nhà nó sống như gió rừng.
Gã họa sĩ đã đến cửa quầy hàng. Nàng gật đầu chào gã.
Gã chào lại:
- Chào cô Hân. Chắc Hồng đã nói với cô về việc cho tôi gởi tranh ở quầy của cô rồi?
Gã vừa nói vừa nhìn quanh.
Hân đưa tay chỉ lên mặt kính của quầy:
- Anh mở tranh ra cho Hân coi một chút.
Trong lúc gã tháo lần lớp giấy dầu bọc ngoài, nàng tò mò nhìn gã. Đó là một người trung niên, thân hình không đến nỗi sa sút như nhiều người tù cải tạo khác lúc trở lại thành phố này, vào những năm này. Có người giới thiệu cho hắn vào làm ở công ty mỹ thuật không xa lắm chỗ quầy hàng của nàng. Khuôn mặt gã có thể coi là đẹp - một vẻ đẹp đàn ông , phong trần, từng trải. Nàng nhìn bức tranh Thà làm qui? nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc vẽ hình Trần Bình Trọng hai tay bị trói giật ra sau, mặt hất lên ngạo mạn, trên cái nền đầy mây xám vần vũ mà như nhìn rõ cặp mắt tối u uẩn của hắn. Nàng có cảm tưởng hắn lấy khuôn mặt hắn làm chính khuôn mặt của người anh hùng thời nhà Trần ấy.
Hắn biết nàng đang nhìn hắn. Cái nhìn dò hỏi, thương hại. Hắn đã đi ngang quầy hàng của nàng nhiều lần, phiá bên kia đường. Nàng đẹp. Cái đó đã rõ. Mười năm trước, cũng chỉ ở ngay phiá bên kia đường, gã là một người khác: bộ râu quai nón trên khuôn mặt đẹp trai có góc, có cạnh của hắn đã khiến nhiều em vũ nữ chết mệt. Những lần hành quân từ xa về, hắn thường dắt hai đệ tử ruột mà cũng là cận vệ của hắn đến vũ trường. Gã vào thứ lính dữ dằn, nhưng hồn hắn chất đầy những bài thơ lãng mạn của những thi hào Pháp mà hắn đã thuộc nằm lòng những năm trung học. Hắn nói chuyện về những danh họa bằng cái giọng trầm ấm, say đắm, khi rượu đã mềm môi. Nghe hắn nói, người ta thấy nét uy nghiêm cung đình trong màu áo hoàng hậu, thấy cả nỗi thống khoái ẩn trong màu xanh thăm thẳm của những cặp mắt đa tình, và nhìn suốt cả nỗi cô đơn của những người vợ trẻ hoài mong chồng chinh chiến phương xa, trên màu áo xám trắng báo hiệu thiệp tang trên những bức họa lừng danh của những danh họa Âu Châu qua nhiều thời đại. Chuyện với hắn một lần, khó có thể không đến với hắn lần nữa. Hắn đa tài, đa tình. Và những người đàn bà đẹp đã đến với hắn như thế: Tài tử, giai nhân vẫn là qui luật của muôn đời!
Hắn hỏi:
- Cô thấy tranh ra sao?
- Coi cũng... đẹp.
- Loại này, lúc này tương đối dễ bán. Đám du khách Nhật, Đại Hàn, Đài Loan bắt đầu qua đây thế nào cũng có người mua, nhưng tôi còn vẽ nhiều loại tranh khác.
- Ông vẽ những loại nào nữa?
- Phong cảnh, thú vật, chủ yếu để trang trí trong nhà; tôi cũng hay vẽ những đề tài bắt nguồn từ dã sử, từ ca dao; nhưng phải vẽ đàn bà mới đúng là sống cho nghệ thuật. Bây giờ khó lòng mà vẽ như vậy được nữa.
- Vẽ tranh có ai cấm đâu.
- Khó vẽ đàn bà đẹp lắm. Ở thành phố này giờ không kiếm ra nổi người đẹp. Mà có kiếm được, dễ gì có chỗ để vẽ.
- Chi mà khó dữ vậy?
Gã nhìn Hân. Cô thoáng thấy một tia lửa đằm thắm, ham muốn loé lên nơi đáy mắt của gã.
- Nhà cửa đâu còn, mà cũng phải có phòng vẽ cho đàng hoàng. Lại còn phường khóm, công an khu vực nữa; lúc nào họ muốn xục vào là vào; nó cho mình đi tù như bỡn. Mà vẽ đàn bà đẹp, quần với áo lùng nhùng thì bẻ cọ đi còn hơn.
Nàng có vẻ bị kích thích. Mặt nàng hồng lên. Nàng nhìn gã, nghe trong giọng nói chậm rãi của hắn cái âm trầm của một đam mê còn lẩn khuất đâu đó.
- Thôi, anh để tranh ở đây, khi nào có người hỏi, Hân nhắn con Hồng nó gọi anh.
Gã đã khuất hẳn ở ngã rẽ giữa con đường Lê Thánh Tôn và Nguyễn Huệ mà nàng vẫn còn thấy trong người một chút rạo rực. Giòng máu lãng mạn trong nàng còn chứa đầy những khát khao bỏng rát của những phi tần xưa, và cả những đắm say cuồng bạo của những đấng quân vương. Nàng chợt nghĩ tới người chồng sắp cưới của nàng- cái anh chàng mà lần đầu bước chân vào nhà nàng, mẹ nàng đã xem như tóm được báu vật. Anh chàng cao ráo, trắng trẻo, hơi bột một tí, là con một gia đình nằm vùng ở gần khu nhà nàng. Anh ta mê nàng ở cái giọng Huế quê anh đã pha thêm một chút trong trẻo của người di cư Hà Nội, và cái ấm nồng của âm sắc Sàigòn. Nhan sắc của nàng đã chinh phục hoàn toàn trái tim của anh chàng sinh viên học y sắp ra trường, ở vào buổi giao thời, mà phải là những kẻ được sàng lọc kỹ lắm về lý lịch hay phải cực kỳ vượt trội về học hành mới hy vọng bước chân được vào giảng đường. Vậy mà, từ những ngày quen nhau đến giờ- đến lúc cha mẹ anh chàng đến nhà xin hỏi - nàng chỉ thấy đôi chút hài lòng. Mấy con bạn nhìn cuộc đời nàng mà thèm, nhất là lũ bạn mà gia đình đã bầm dập, nát tan vì cuộc đổi đời dữ dội vài năm trước đây. Chúng khen nàng tốt số, mà chúng vẫn thầm ghen với nàng. Giải phóng vào, gia đình nào cũng rối tung lên. Kiếm cơm ăn đã đủ oằn người, nói gì kiếm chồng-loại chồng ngon lành như anh chồng chưa cưới của nàng- vào lúc mà những tin tức về chuyện vượt biên gặp hải tặc Thái- lan ngày càng dồn dập. Vậy mà những lúc sau này, mỗi lần gặp mặt anh chàng, nàng vẫn còn cái cảm tưởng xa lạ một cách kỳ quặc, khi anh chàng huyên thuyên về chuyện phấn đấu vào đối tượng đảng, khi anh chàng nhắc đi nhắc lại cái quá khứ nằm vùng của ông già chàng ta ở ngay con đường rất lớn giữa đất Sàigòn này, và nhất là về chuyện ông già của chàng đã cầy cục giúp mẹ của nàng một chân tiếp liệu trong một hãng thuốc bị nhà nước tịch thu. Những buổi chiều tối, trước khi đóng cửa quầy hàng ra về, nàng đã nghe căn dặn biết bao điều cần phải giữ gìn để anh chàng sau này, sau khi ra trường, vào làm ở bệnh viện gần nhà, còn có thể giữ được một chân quan trọng nào đó. Rồi lại còn chuyện nàng phải cố gắng phấn đấu vào đối tượng đoàn. Rồi cái hôn vội vàng trước khi đóng cửa quầy hàng ra về như sợ có ai bắt gặp của chàng. Ôi ! cái xã hội gì mà kỳ cục, lúc nào cũng như là một trại tù giam lỏng. Bất giác nàng rơi vào cái cảm giác trống trải, buồn chán, như người vừa cắn vào một trái chuối chưa chín.
Nàng treo bức tranh ngay trên tường sau lưng nàng. Nàng đăm chiêu nhìn lên khuôn mặt của người anh hùng Trần Bình Trọng trong tranh. Đúng là khuôn mặt của gã họa sĩ. Nhìn từ xa nàng chỉ thấy hắn là một gã đàn ông có dáng đi của một người lính bại trận, nhưng lạ lùng là cặp mắt đọng buồn của hắn như có nam châm bám hút lấy nàng. Nàng lắc nhẹ đầu như muốn xua đuổi hình ảnh hắn ra khỏi đầu. Nhưng mà khuôn mặt hắn đấy, ngay trên bức tường phiá sau của quầy hàng, và cái giọng trầm, đục của hắn gợi trong nàng cái mệt mỏi lười biếng, mà thú vị, của một buổi chiều nghỉ học nằm trong sân nhà trông lên những cành phượng vĩ đỏ rực ngay đầu con hẻm nhà nàng, khi thành phố này còn chưa thay tên, đổi chủ. Năm ấy, nếu nàng gặp gã, không chừng gã đã hỏi nàng làm người mẫu cho gã; và một dáng nằm lười biếng một cách khoan khoái dưới những tán hoa phượng không chừng sẽ để lại cho hậu thế một tuyệt tác. Nàng vừa nghĩ tới đây thì anh chồng chưa cưới của nàng đã dựng xe ngay bên quầy.
* * * * *
... Gã thanh niên rít lên:
- Em không được ngồi uống nước chung với thằng ấy nữa. Nó là một thằng tù cải tạo trở về. Thằng khốn nạn ấy, nhiều người trên con đường Đồng Khởi ( Tự Do , trước 75) quanh đây còn nhớ rõ hắn. Nó là con yêu râu xanh. Trước khi Giải Phóng vào, nó là đại úy TQLC. Nó thường hay nhảy đầm ở Đêm Màu Hồng. Nó đã có vợ, nhưng con rơi , con rớt cả đàn. Không tin, em cứ hỏi con vợ nó thỉnh thoảng vẫn lên chặn lương ở cái công ty chỗ nó làm thì rõ.
- Ngồi uống nước chung có gì mà phải sợ. Hắn đâu có ăn tươi nuốt sống được ai. Cách mạng rồi mà. Vả lại, hắn gởi tranh chỗ quầy của em, và tranh của hắn lại mới bán được. Hắn trả huê hồng cho em, rồi mời em đi uống nước. Em thấy hắn hiền lành, lịch sự, chớ có ác ôn chỗ nào đâu.
Gã gầm lên:
- Hiền lành, lịch sự! Sao em ngu quá!!
- Anh dám bảo tôi là ngu!
- Không ngu mà như vậy. Thời buổi này phải giữ gìn nhiều chuyện. Cô không nghĩ đến cô, thì cô cũng còn phải nghĩ đến tôi chứ. Bao nhiêu người ao ước lấy tôi mà có được đâu. Tôi đâu có thèm. Tôi thương cô, ái ngại cho mẹ cô và mấy đứa em. Gia đình tôi đã giúp cho nhà cô rất nhiều. Kiếm được chỗ làm cho mẹ cô, chỗ bán hàng cho cô vào thời buổi này, dễ gì. Hở ra là lê lết ngoài đường, cô không thấy à?
- Anh chửi tôi phải không?
-Tôi dạy cô. Với lại, cô sắp là vợ tôi, tôi có quyền. Cái thằng khốn nạn đó là một thằng lưu manh, ác ôn. Cô phải tránh nó cho xa. Nó là rắn độc. Bao nhiêu đàn bà, con gái qua tay nó rồi, cô không biết à?! Cỡ nó, hành quân vào những vùng quê ngày trước chắc nó phải đè ra hiếp không biết bao nhiêu người. Cô không thấy cặp mắt lừ lừ của nó đấy à? Cứ là giết người như ngoé. Tội ác của nó chắc kể ra không hết đâu!!
Cô bĩu môi:
- Anh chẳng cần phải dạy. Tội ác ngập đầu mà chỉ bị hai năm cải tạo, và Cách Mạng lại chịu cho vào làm việc ở Công Ty Mỹ Thuật Thành Phố?! Anh không biết người ta là cháu ruột của một cán bộ cấp cao ngoài Trung Ương hay sao? Mà mấy năm nay còn là lao động tiên tiến chỗ làm nữa.
- Nó kể cho cô nghe à? Nó xạo thì có?
- Xạo mà tranh được đem qua Tây bán.
- Cô bênh nó chằm chặp. Cô ăn phải cái gì vậy. Từ nay trở đi, cô không được tiếp chuyện nó nữa; cũng không được cho nó gởi tranh ở cửa hàng này nữa. Phần nó, tôi sẽ nhờ công an điều tra xem nó có liên hệ với người nước ngoài hay không; còn cô, tôi sẽ nói với ông già xin cho cô vào làm ở bệnh viện gần nhà.
Giọng cô đanh lại:
- Anh chưa là chồng tôi, anh không có quyền. Mà dẫu có là chồng, tôi cũng chẳng chịu là vật sở hữu của đứa nào cả. Còn cửa hàng, nó chẳng phải của anh. Tôi con nhà bình dân, tôi cóc sợ đứa nào cả.
Gã thanh niên mím môi, rồi bỗng nhiên khuôn mặt dịu hẳn lại. Gã nói với cô gái:
- Anh nói là vì hạnh phúc của chúng mình. Em phải nghe. Giao du với hạng người ấy nguy hiểm lắm.
Nói xong, gã liếc nhanh chiếc đồng hồ Poljot đeo trên tay, rồi bước vội ra chiếc Honda cũ, rồ máy xe vọt đi.
Hân không buồn ngó theo, nhưng lòng cô nôn nao khó tả. Càng ngày cô càng thấy không mấy thoải mái với anh chồng chưa cưới này. Chưa gì, hắn đã muốn kiểm soát cô từng chút. Chưa gì, hắn đã kể công. Và hắn ghen một cách kỳ cục. Cô mới bán được tranh của anh chàng họa sĩ đi tù về vào chiều thứ tư. Đến sáng thứ bảy, cô mới báo cho anh ta biết, qua con bạn của cô. Khi nhận tiền xong, anh lịch sự xin cô cái phong bì cũ và gởi cô món huê hồng cao hơn cô tưởng. Rồi anh ta lại còn mời cô đi ăn hủ tíu và uống nước ở ngay con hẻm đối diện. Ngồi ăn và uống với anh , nghe anh ta kể về những món ăn, những quán hàng mà anh ta ưa thích những năm trước đây, và nghe anh ta nói về hội hoa. , cô thấy ấm áp, gần gũi như với một người rất đỗi quen thuộc lâu ngày gặp lại. Cô còn nhớ anh ta nói về tranh Picasso như đang nói về một thế giới tan nát, giằng xé, méo mó, trong cái guồng máy sắp đặt mạch lạc của tạo hoá. Con người như vậy mà bảo là dữ dằn? là ác ôn? Và những câu cuối cùng của buổi chiều hôm trước, cô vẫn còn nhớ rõ như in: anh ta đam mê lối vẽ của trường phái trường hiện thực; anh thèm được vẽ những người nữ đẹp như tiên, khoa? thân. Đó là lẽ sống của đời người, như lời anh ta nói. Gã bảo: Cô là một nàng tiên . Con người ấy mà thằng chồng chưa cưới của cô dám bảo là một gã ác ôn, uống máu người không tanh, làm cô nghĩ đến những gã bộ đội ngờ nghệch, ngố đặc như mán rừng từ ngoài Bắc vào, đứng chỉ trỏ , cười cợt ra chiều khinh bỉ các cô gái Sàigòn còn thoa chút phấn, son những ngày sau 30 tháng tư năm nào. Cô nhớ cả cặp mắt như cú vọ của thằng cha phó giám đốc công ty kinh doanh những quầy hàng dọc đường Nguyễn Huệ. Và cả mấy lão già từ bưng ra, ở cái Sở mà cô vẫn hàng tuần phải đến giao dịch, mặt mày khó đăm đăm , mà hễ có dịp nói chuyện trai gái lúc còn ở trong rừng thì mắt sáng hẳn lên như vừa mới tụt được quần của mấy con cán bộ nữ vậy. Ở đấy mà cách mạng! Hở ra là chúng nó vồ người ta như bỡn ! Mấy năm nay, các anh lớn, chú lớn đều có bồ nhí cả!!!
* * * * *
Tò mò, cô tìm đến nhà, như lời mời, sau lần cô bán được bức tranh thứ ba , để được xem tác phẩm để đời của hắn. Hắn nói: Trước Giải Phóng, đã có người trả năm ngàn đô la cho bức vẽ, nhưng tôi không bán. Nó là máu thịt của mình. Cô nhờ con Hồng, bạn cô, đưa cô lại nhà. Căn nhà nhỏ một phòng nằm ở ngay con hẻm gần bịnh viện Bình Dân. Lê đã đợi sẵn ở nhà. Vợ gã mấy lúc này về tá túc bên ngoại. Đứa con gái lớn của gã ít khi về nhà. Thành thử, căn nhà phường cấp bù cho hắn, sau khi đã lấy căn nhà lớn trước đây của gã làm trụ sở phường, tuy nhỏ, nhưng cũng là chốn dung thân tạm yên của hắn.
Lê kéo một chiếc ghế đẩu nhỏ mời Hân ngồi. Hắn cười buồn:
- Đấy, bây giờ nhà chỉ còn có vậy, nhưng cũng còn khá hơn nhiều thằng bạn cũ, lúc này phải cong lưng đạp xích lô kiếm sống qua ngày. Căn này có phòng này vừa là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ; chỉ còn thiếu mấy con gà và heo là đủ cả.
Trong lúc hắn lui cui nhóm cái bếp lò ở góc trái phòng thì Hân cũng tò mò nhìn khắp gian phòng. Trên cái giường mền chiếu bừa bộn, Hân thấy một vài bản vẽ bằng viết chì, hình những thiếu nữ chồng lên nhau, như thể được xoá đi vẽ lại nhiều lần. Trên tường, phiá bên trái là một bức vẽ dở dang, lớn gần bằng nửa bức tường, bụi còn bám một lớp mỏng trên mặt; vài ba cái mạng nhện chăng ngang góc phải. Cô đứng lên, lại gần nhìn cho rõ, thì Lê đã từ góc trái nhà bước về phiá tranh.
Gã bảo:
- Bức này tôi vẽ đã lâu, cách đây bảy, tám năm , trước Giải Phóng một chút. May là về vẫn còn. Chẳng có đứa nào thèm lấy của này. Nhưng mà, nó là những kỷ niệm một đời. Cô biết chứ, tranh của Nguyễn Gia Trí - một hoa. sĩ sơn mài bậc thầy- trước giải phóng, đến tổng thống muốn ông ấy vẽ cũng phải nhờ người nói khó, và tiền tranh thì khỏi phải bàn, mà có đứa đòi chẻ ra làm củi. Nay thì...
Gã hạ giọng:
- Đủ để đóng nguyên một chiếc tầu vượt biên cho vài trăm người.
Cô nhíu mày nhìn hắn, rồi nhìn lại tranh. Hắn nói gì mà kỷ niệm một đờí? Lạ lùng!
Gã nhoài người đẩy cánh cửa sổ rộng hơn một chút. Cô lại gần nhìn cho rõ hơn. Cô thấy choáng người: đó là hình vẽ một cây thập giá mà người nằm trên đó không phải là Chúa Ki-tô của những tín đồ Công giáo. Người nằm trên ấy có khuôn mặt giống khuôn mặt của gã hoa. sĩ đang đứng cạnh cô. Khuôn mặt dúm dó, đau khổ, khác với nét mặt nhẫn nhục, chịu đựng, và vẫn còn dễ nhìn của gã lúc này. Nhìn kỹ, chính là khuôn mặt của gã. Cô tò mò lại gần hơn: trên cánh tay mặt, đầu hai người đàn bà nhô lên, mà phần thân là thân những cây đinh cắm ngập vào cánh tay gân guốc của hắn; cánh tay trái: ba cái đầu khác; và giữa mỗi bàn tay cũng một cây đinh cùng kiểu. Và những vệt máu ứa ra từ những cây đinh đóng trên tay hắn. Những người đàn bà, nhìn qua, đều thấy là đẹp.
Cô sững người, nhìn hắn:
- Bức này lạ quá.
- Không lạ đâu em.
Hắn bỗng nhiên đổi cách xưng hô. Giọng hắn vẫn trầm, ấm:
- Anh còn thiếu một cây đinh nữa để găm cho đủ vào hai bàn chân. Em có thấy không? Nơi chân Chúá, còn thiếu một cây.
Gã nhìn cô, u uẩn. Gã nói mà không buồn ngó đến cô:
- Những người đàn bà đẹp là lẽ sống của đời anh. Anh đã đau khổ vì những người ấy. Như với em vậy.
- Anh nói nghe kỳ. Tôi có làm gì anh đâu?
- Có chứ. Em đẹp. Em làm trái tim anh loạn nhịp mất rồi.
Cô nghe thoáng có hơi rượu trong giọng gã:
- Thôi đi cha, đừng có dỡn, đừng có cải lương như vậy. Cách mạng rồi. Phải sống ngăn nắp hơn anh à.
Cô chưng hửng khi nhận ra cô vừa gọi gã bằng anh, và cũng chợt thấy mình xao xuyến trước bộ mặt nghiêm trang, thành kính của gã.
- Cách mạng nào thì cũng vậy. Nó chỉ là nhất thời. Còn Nghệ Thuật mới là của muôn đời. Mà phải nhớ, Nghệ Thuật ở đây viết hoa.
Nghệ Thuật viết hoa hay viết thường có gì quan trọng đâu. Nhưng cô thấy có cái nồng nàn, quyến rũ trong giọng nói đó.
Gã tiếp lời:
- Anh có người bạn thân có vườn lan trên Thủ Đức. Tay này trước là tùy viên cho một viên tướng cũ. Nó là dân nằm vùng thì phải, không thấy phải đi học tập, cải tạo gì. Nay chuyên cung cấp lan cho Sở Ngoại Thương Thành Phố. Nó muốn nhờ anh lên coi vườn vào những chiều cuối tuần. Vợ chồng nó về quê vào những ngày này. Anh có tặng vợ chồng nó một vài bức tranh. Vợ chồng nó thích lắm. Họ cũng tử tế với anh. Để hôm nào anh đưa em lên đó xem tranh và ngắm hoa. Hoa lan ở đó đẹp lắm. Giống catleyas lai mọc thật khoẻ, và hoa rất đẹp. Hắn ngần ngừ, rồi tiếp:
- Không khác gì hoá của đàn bà đẹp.
Cô nhướng mắt nhìn hắn, làm như không hiểu, nhưng trong cô trào lên một đợt sóng.
Hắn lại tiếp tục:
- Để kỳ này bán được thêm tranh, anh sẽ mời em và Hồng lên đó, tổ chức bữa nhậu với vợ chồng hắn ta và một vài người bạn nữa. Lúc này, khách ngoại quốc vào nhiều nhiều rồi, mình cũng phải sống cho ra người một chút chứ. Uống xong ly trà chanh của hắn, cô kiếu từ ra về. Bỗng dưng, cô thấy hắn thật đáng thương, thật đáng tội nghiệp. Khi bước chân của cô còn ngập ngừng ở ngưỡng cửa ra vào thì bàn tay hắn đã đặt nhẹ trên vai cô, xoa nhẹ. Cô thấy trong mắt hắn tất cả cái thèm khát, say đắm của một kẻ đa tình.
Cô ra khỏi nhà hắn, người nhẹ hẫng.
* * * * *
Nàng nhớ lại cách đây hai tháng, nàng đã nhận lời lên chơi vườn lan cuối tuần với chàng...
... Ngay lúc này, nàng đã ở trong vườn, một khoảng không gian tĩnh mịch, êm ả. Vườn lan nằm trong khu vực an toàn, không người lạ nào héo lánh tới được. Nó là tài sản của vợ chồng người bạn của chàng, đã hiến cho Nhà Nước. Nó được Sở Ngoại Thương giao lại cho họ quản lý. Sở dành vườn này làm nơi tiếp những khách hàng nước ngoài, tháng một đôi lần. Những ngày khác, ít người lai vãng tới. Công an địa phương tuyệt đối không làm phiền toái nơi này. Con bò này còn vắt được ra sữa. Và như vậy, thỉnh thoảng, vợ chồng người bạn vẫn tổ chức ăn nhậu vào dịp cuối tuần, những khi bán được một đợt hoa cho khách nước ngoài. Riêng chàng, mới ngày hôm kia, nàng lại đã bán thêm cho chàng được một bức. Trên bàn, những món ăn nguội trên dĩa đã vơi dần. Vợ chồng chủ vườn nâng cao ly chúc mừng:
- Chúc mừng bạn ta nay đã sống lại. Tranh lại bán lại được rồi.
Ông chồng nháy mắt :
- Chúc mừng cho tình yêu của bạn vàng.
Họa sĩ uống một hơi cạn ly vang đỏ. Bỏ ly xuống, chàng hôn nhẹ trên tóc nàng. Từ 75 tới giờ, lần đầu tiên Hân mới được ngồi vào một bàn tiệc ê hề món ngon như thế này. Chẳng thiếu thứ chi cả: từ món xúp nấu măng đến vịt tiềm, cá chưng,... Những món này, một nhà hàng trong Chợ lớn cho người giao đến. Ai dám bảo là xã hội mới chỉ có thắt lưng buộc bụng. Nàng bỗng thấy hạnh phúc khôn cùng. Hàng chục đứa bạn cùng lớp với nàng ngày nào, giờ này còn lăn lưng giữa chốn chợ trời; còn nàng, giữa khung cảnh êm ả này, nàng là nữ hoàng.
Bữa tiệc buổi chiều đã tàn. Vợ chồng chủ vườn đã về Lái Thiêu, và con Hồng cũng đã ôm lưng thằng bồ về lại Thành Phố. Chỉ còn lại mình chàng và nàng, trên căn nhà sàn bằng gỗ bằng lăng, trông xuống hồ nước nhỏ ngay dưới chân sàn và vườn lan đầy hoa quanh nhà. Giữa những ngày tháng sáu nóng hầm, vườn lan như một ốc đảo tươi mát. Mùi thơm của đủ loại lan thoang thoảng. khắp vườn. Trăng giữa tháng bắt đầu lên, tròn, sáng. Trên chiếc giường nệm trong căn phòng riêng dành cho khách, nàng dán lưng vào người chàng. Chàng vuốt ve những sợi tóc mai mỏng manh như sương, như khói nơi gáy nàng. Hơi thở ấm của chàng còn lẫn mùi thơm của rượu toa? trên mặt nàng. Nàng nhắm mắt lại tận hưởng cái cảm giác êm đềm, sâu lắng. Đời con gái! dễ gì sống được một lần!! Như đêm nay!!! Các cung phi trong hoàng cung xưa cũng chỉ thế này là cùng chứ gì! Trái cấm đã treo lơ lửng đó rồi. Con Hồng nó vẫn than thở với nàng nhiều lần là từ sau Giải Phóng nó không còn hy vọng gì được hưởng những thú vui rộn ràng như đám chị nó nữa. Nó chưa kịp lớn để được hưởng. Vậy mà đêm nay, nàng đang được sống trong hoan lạc nhất đời. Góc phòng, tiếng nhạc và lời ca của cặp Lê Uyên Phương hối thúc, da diết. Chàng ngồi dậy, châm hai ngọn nến đã cắm sẵn trên bàn. Chàng quay trở lại giường nằm, ghé môi hôn nàng mỗi lúc mỗi say đắm. Rồi chàng hôn lên khắp người nàng, điên dại, như muốn uống cho cạn, cho hết màu hồng trên đỉnh ngực đến thì. Chàng nhập vai Romeo. Tiếng thì thầm trầm ấm của chàng rót vào tai nàng: Này thiên thần của anh, đêm nay anh sẽ vẽ bức tranh tuyệt vời của cuộc đời mình: mình là máu thịt của anh. Nàng run lên, hạnh phúc. Nhắm mắt lại, nàng căng người thấm từng dòng lửa thật dịu dàng đang âm ỉ đun sôi nàng lên. Rồi cơn mê cuồng bùng vỡ, với những tiếng rên hoà cùng nhịp với chiếc nệm giường. Nàng như nhìn thấy cả ngàn khuôn trăng vằng vặc lồng vào nhau, quấn lấy nhau, tan thành cái ánh trăng chìm đắm trong những bụi hoa. Khi toàn thân chàng đã phủ ngợp trên thân thể nàng, nàng chỉ còn thấy những đợt sóng hoan lạc dồn dập, tới tấp tràn về. Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt,... , câu thơ thoáng qua nhanh trong trí nàng, trước khi nàng lịm đi.
* * * * *
Mi cút ngay ra khỏi nhà tau. Tổ cha mi. Mi ăn chi mà mi ngu rứa con ơi. Sắp cưới đến nơi rồi mà mi đi ngủ với thằng tù cải tạo trở về. Mi bôi gio trát chấu vào mặt tau. Mi ngủ với thằng có hàng chục con vợ hờ. Mi bỏ đi cơ hội ngàn năm một thưở. Cơm ngon mi không muốn ăn, mi lại muốn ăn c... hả con! Trời ơi là trời! Rồi đây liệu nó có bảo bọc nổi mi không. Thân nó, nó còn lo chưa xong. Nó chơi mi cho liễu chán hoa chê rồi nó bỏ mi, nó đạp mi ra khỏi cửa con ơi!..
- Con lạy mẹ.
- Không mẹ con gì hết. Cút ngay ra khỏi nhà tau. Mi có thương ai đâu. Mi không thương mẹ mi. Mi không thương các em mi. Chính thân mi, mi cũng không biết thương mi nốt. Mi ăn phải bùa mê thuốc lú của cái thằng khốn nạn chuyên đời dụ dỗ đờn bà, con gái ấy; chuyên đời phá hoại gia cang người ta. Tổ cha cả lò cái thằng trời đánh thánh vật ấy. Nó hết l... rồi, nó nhè con nhà người ta sắp có chồng. Thằng khốn nạn, thằng lưu manh, thằng ăn máu l... què. Qui? tha , ma bắt mi đi. Bà sẽ thưa mi ra công an cho người ta gông cổ mi lại, đưa mi đi học tập cải tạo mút mùa. Vì mi mà đám cưới con bà bất thành. Trời ơi là trời!!
Cả bà lẫn anh con rể hụt của bà đều réo đến công an, nhưng đám công an chẳng rỗi hơi ngó ngàng đến chuyện ruồi bu ấy. Mấy thằng phản động mới đáng sợ chớ dăm ba cái thằng họa sĩ đĩ bợm ấy!... Hay hay dở, chúng mày với nhau, chúng mày liệu mà bảo nhau.
- Mẹ Ơi. Mẹ tha tội cho con.
- Không mẹ con gì với mi. Con vợ nó chán đến độ không thèm đánh ghen nữa, mi có biết không. Nó mà đánh ghen thì còn nhục đến nhường nào. Tao đã nhiều lần khuyên mi, nhắc mi không được đi chơi khuya, mi có thèm nghe đâu. Rồi ba thằng Văn và nó qua nhà, hết khuyên răn lại mắng mỏ, mà mi nào có cho vào lỗ tai mi. Mi khốn nạn quá mà. Mi ăn c... mà. Mi cút ngay ra khỏi nhà tau. Không mẹ con gì nữa. Bà rống lên khóc òa. Rồi bà cầm lấy chiếc gối kê lưng đôi ra phiá cửa. Nàng sợ hãi lùi ra. Trời u ám. Nàng lầm lũi ra khỏi hẻm, một tay che nón ngang mặt, tay kia che bụng. Đã vài tuần nay, ngực nàng căng hơn, tưng tức, và giữa bụng, một vệt dài mầu nâu xậm chạy ngang rốn kéo dài xuống phía dưới. Nàng đã có thai. Nàng đành quay trở lại nhà Lê.
Sầu Đông
Đoạn cuối của một cuộc tình: Năm 1999, một bạn quen của Lê về lại VN chơi, sau mười sáu năm xa Sàigòn, kể từ ngày vượt biên. Lê lúc này là một ông lão mắt mờ, chân tay chậm chạp, nói năng thều thào, đi đứng run rẩy. Bà vợ đầu còn sống, quắt queo như một cây củi, giờ về ở trông nom hắn. Mỗi lần ra ngoài, gã khó khăn chống gậy, bên cạnh bà vợ dìu một bên nách. Bạn cũ tới nhà, hắn thường cho xem bức tranh Cứu Chuộc của hắn. Hắn chỉ vào cây đinh đóng trên chân Chúá, và bảo đó là cây đinh cuối cùng của cuộc đời gã. Nàng đã ôm thằng con vượt biên qua Mỹ. Hắn chỉ nghe loáng thoáng nàng đã lấy một anh chồng Mỹ giàu có, và có thêm một đứa con với người này. Khi tiễn bạn ra về, hắn xin bạn hắn ít tiền mua thuốc chữa bịnh thấp khớp, không quên trả lời chẳng đâu vào đâu câu hỏi của bạn gã về cây đinh cuối cùng là cây đinh nào cũng giống nhau cả . Bạn hắn thấy một giọt nước mắt lăn trên má gã. Không biết đó là giọt nước mắt ăn năn hay nuối tiếc.
Hết