Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Suy ngẫm, Làm Người >> CÂU CHUYỆN TIẾP THEO

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1977 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

CÂU CHUYỆN TIẾP THEO
CEES NOOTEBOOM

Phần II
Ai đã quen xử lý một lớp học với ba mươi học sinh hẳn phải biết cách nhìn nhanh, thật bén. Một cậu choai choai, hai ông già, hai người đàn ông trạc tuổi tôi. Người đàn bà dáng hơi lãnh đạm khó đoán tuổi, nhưng có nhẽ cảm tưởng đầu tiên thường đúng hơn cả, bà giống như một hình chạm nơi mũi tàu. Bà vẫy tay gọi chiếc thuyền nhỏ chở chúng tôi ra tàu lớn cắm neo ở giữa sông. Trời còn sớm tinh mơ, sương giăng mỏng, chiếc tàu là một khối đen thẫm, nhạt nhòe. Cái làm tôi chú ý nhất là vẻ nghiêm trọng nơi cậu bé, cặp mắt như hai nòng súng. Tôi từng thấy thứ mắt này ở vùng cao nguyên xứ Tây Ban Nha. Đó là thứ mắt có thể nhìn được rất xa, đâm thủng màu trắng mặt trời. Chưa ai nói gì nhưng chúng tôi biết ngay chúng tôi thuộc cùng nhóm. Những giấc mơ của tôi thường giống đời sống thực một cách đáng lo, hầu như trong giấc ngủ tôi chẳng tưởng tượng được gì thêm, nhưng bây giờ thì ngược lại, đời tôi sao lại giống cơn mơ thế này. Những giấc mơ là những hệ đóng kín, trong đó tất cả đều ăn khớp với nhau.
Tôi nhìn bức tượng Chúa Giêsu, trông thật vô lý, sừng sững đứng trên bờ phía nam con sông, hai tay giang rộng, như sẵn sàng nhảy. "Sẵn sàng nhảy", bà Maria có lần nói như thế. Thấy lại bức tượng bỗng làm tôi nhớ chúng tôi đã nói gì đêm ấy, cũng ở trên bến nước này. Bà muốn giải thích cho tôi nghe tất cả về óc não, tế bào, kích thích thần kinh, tiểu não. Hệ thần kinh là một cái hàng thịt tinh tế luôn luôn theo dõi và điều khiển mọi hoạt động của con người, và tôi cho nàng biết tôi rất hãi những từ như "chất xám", và "tế bào" bắt tôi liên tưởng tới nhà tù, và tôi thường cho con Dơi ăn thứ pút-đinh trộn với máu. Tóm lại, tôi nói toạc ra rằng tiến trình suy tư của tôi không cần thiết phải biết đích xác những ngõ ngách trong bộ phận mềm xốp ấy làm việc ra sao. Và bà đáp lại là tôi còn tồi tệ hơn người sống thời Trung cổ, bởi vì lưỡi dao mổ xẻ của Vesalius đã giải thoát những kẻ thui chột trí tuệ như tôi ra khỏi cái ngục tù của thể xác hàng mấy thế kỷ trước, và tôi đáp lại rằng tất cả con dao bén nhất và hàng triệu tia laser vẫn chưa hề mó tới được cái giang sơn hiểm hóc của ký ức, và đối với tôi Mnemosyne còn thực hơn ngàn lần ý niệm cho rằng tất cả hồi tưởng của tôi, kể cả hồi tưởng tôi sắp có về bà, được chứa trong cái hũ đựng chất xam xám, nâu nhạt, màu kem sữa, xôm xốp và nhờn nhờn ấy, và sau đó Maria hôn tôi và tôi lẩm bẩm những gì vào cặp môi khẩn thiết, tìm kiếm, đam mê, nhưng cặp môi ấy chỉ việc khóa cái mồm bô bô của tôi lại, và cứ thế chúng tôi ngồi đấy cho đến lúc bình minh bắt đầu trỏ những ngón tay hồng vào bức tượng chúa Giêsu bên kia sông.
Trên con thuyền bé đưa chúng tôi ra sông, ông già tài công cho nổ máy, thành phố chìm dần phía sau. Trên tàu chúng tôi cũng không rời nhau, và sau khi đám phục dịch đưa chúng tôi đến ca bin, chỉ một lát sau chúng tôi đã đứng trên boong phía sau, mỗi người ở vị trí như đã định trước bên lan can, như một chùm sao bảy ngôi dị kỳ mà chú bé là ngôi sao xa nhất, bởi vì chú đứng nơi tận cùng ở đuôi tàu, đôi vai nhỏ bé là điểm thế giới biến dần. Khi chú bé quay đầu lại, tôi biết tôi đang nhìn thấy ai: chú bé có khuôn mặt của Icarus, ngó nghiêng, trên tấm tranh khắc nổi nơi Biệt thự Albani ở Roma, thân hình chẳng lớn hơn thân hình một đứa bé, cái đầu quá to, tay phải dựa vào cái cánh định mệnh người cha vừa mới tạo thành. Và dường như chú bé đọc được ý nghĩ của tôi, chú đặt tay vào cái cán cắm cờ chẳng có cờ, chênh chênh về phía thế giới đang biến dần. Và như thế chúng tôi đứng yên, ngọn tháp Bêlem, những ngọn đồi thành phố, cửa sông rộng, hòn đảo nhỏ với ngọn hải đăng, tất cả như bị hút vào một trọng điểm. Thời gian làm cho cái thế giới hữu hình teo lại thành một vệt sáng nơi chân trời, từ từ lan mãi ra, cho đến khi thế giới chỉ còn là một chấm khói hơi. Cái vô cùng chậm cũng là cái nhanh, chúng ta biết điều này hơn ai cả bởi vì ta phải sống hoài trong thời-gian-mộng-mị, trong đó những co dãn cứ tuần tự triệt tiêu lẫn nhau.
Vệt đất liền đã biến đâu mất phía chân trời xa, và chúng tôi vẫn còn đứng ở đấy, bất động, chỉ còn đám bọt bám theo chiếc tàu, và những ngọn sóng nhấp nhô đầu tiên của vũ điệu nước cuồn cuộn đưa chúng tôi trở về thực tại. Nước đại dương thẫm màu, quay cuồng, quẳng lên, lướt đi lướt lại, tung ra rồi lại cuốn về, những tấm kim khí lỏng, bóng nhoáng, rơi xuống không thành tiếng, quyện vào nhau, mỗi đợt sóng xẻ rãnh cho đợt kế tiếp, bao nhiêu biến thiên mãi hoài không lay chuyển nổi, mãi hoài cứ thế. Chúng tôi giương mắt nhìn đăm đăm, như bị nước thôi miên, những cặp mắt kia sẽ trở thành thân quen với tôi vào những ngày sắp tới. Ôi ngày và ngày, bây giờ tôi phát ngôn tiếng "ngày" thật lớn, tôi nghe nó nhỏ nhoi làm sao. Nếu bạn hỏi tôi điều gì làm tôi khổ sở nhất, tôi sẽ trả lời đó là lúc không còn mẫu mực ở đời. Tách rời nó ta không biết phải sống như thế nào. Cuộc đời vốn trống trải, bỏ ngỏ, vì thế chúng ta phải nghĩ ra bao phương cách cho mình bám víu: tên gọi, thời gian, đo lường, giai thoại. Vậy thì bạn cứ để mặc tôi, vốn liếng tôi chẳng có gì ngoài mớ quy ước, và tôi vẫn cần tham chiếu ngày giờ, cho dù chuyến hành trình chúng tôi chẳng mảy may đếm xỉa đến những quy ước ấy. Dân Sioux da đỏ không có lấy một từ để chỉ thời gian, tôi thì chưa đạt tới mức ấy, nhưng tôi là một thằng học khá nhanh. Có khi tất cả là đêm dài dằng dặc, rồi ngày lướt qua như những phút giây bồn chồn phớt ngang chân trời, chỉ đủ lâu để nhuốm đại dương hai lần với muôn sắc hồng tía, rồi bóng tối dày đặc lại trùm xuống.
Lúc đầu chúng tôi chẳng chuyện vãn gì với nhau. Một nhà tu, một phi công dân sự, một chú bé, một nhà giáo, một nhà báo, một học giả. Đấy là thành phần nhóm chúng tôi, như được tiền định hoặc hoàn toàn ngẫu nhiên: đó sẽ là những tấm gương cho chúng tôi nhận diện chính mình. Bạn biết chúng tôi đang đi đâu, và biết rằng bạn biết, thế là đủ rồi. Nhưng tôi không thể nói như thế được, vì bạn không thể vừa ở trong chuyện vừa ở ngoài chuyện này. Và tôi đâu phải là thần thánh vạn năng để biết những bộ óc kia đang chứa chấp những suy tư gì. Về phần tôi, tôi có thể nói rằng chung quanh tôi bao trùm một không khí tĩnh lặng chưa từng trải qua. Ai nấy hầu như bận bịu, gậm nhấm một ý nghĩ, một hoài niệm, có khi lẩn mất hồi lâu ở xó xỉnh nào trên tàu, có khi chuyện trò với một nhân viên thủy thủ đoàn, đấy để phiền nhiễu gì chứ, ông nhà tu đọc sách một góc nơi phòng khách, anh học giả hầu như lúc nào cũng giam mình trong ca bin, người phi công đêm đêm dán mắt vào ống nhòm đặt cạnh ca bin thuyền trưởng, ông nhà báo tán gẫu với anh batenđơ và nhậu, và tôi nhìn ra những cánh buồm cuộn gió, nghiền ngẫm dịch những bài thơ ác hiểm từ quyển II. Thơ Horace, còn ai vào đây? La Mã xuống dốc, đồi trụy, điêu tàn, ung thối. Quid non imminuit dies. Có gì mà không bị thời gian hủy diệt.
Tại sao thầy lại chuyển "dies" thành "thời gian", cô bé Lisa d India có lần hỏi tôi. Cho đến bây giờ, trong chuyến đi này, tôi vẫn không khỏi tủm tỉm cười về câu hỏi đó. Ngày tháng cô bé cũng qua rồi, thời gian cô bé đã hết từ lâu, nhưng đã có một lần chúng tôi đứng cạnh bục giảng trong lớp, cô ta cầm trong tay bản dịch của James Michie trong loạt sách cổ điển Penguins, tôi với mảnh giấy đầy chữ gạch xóa lung tung, và lúc này tôi còn nghe giọng cô như mũi kim tẩm axit đục lên năm chữ Latinh, damnosa quid non imminuit dies, theo sau là phần dịch chín chữ theo lối thơ bắc phương: Thời gian làm hỏng cả. Chẳng chừa ai đâu. Tôi muốn tìm chữ thật bay bướm để tả nét độc đáo của một ngày, một ngày có thể đương đầu với tất cả thời gian quá ư thừa thãi chứa chất bao nhiêu ngày và ngày, nhưng lại rơi vào mớ hỗn mang vô nghĩa: tờ lịch của ta là bàn tính của những gì không đếm được, và bỗng nhiên tôi thấy thất vọng hiện ra trong mắt cô bé, khi cô học trò nhận ra ông thầy tìm cách giải thích vòng vo, mò không ra mã số. Tôi tán hươu vượn thêm chừng một tiếng nữa, không còn giấu nổi cái bất lực của mình. Khi cô bé bỏ đi với dáng dấp một người đàn bà, tôi biết mình đã phụ lòng một đứa bé, và đấy là cái tồi trong nghề gõ đầu trẻ: lũng đoạn đầu óc những đứa bé thơ dại. Đối đầu với cái bất lực của mình, cứ việc đẩy chúng vào một thế giới không có giải đáp. Biến trẻ con thành người lớn chẳng hay ho gì, nhất là khi chúng còn xanh ngời tuổi thơ. Mà thôi, từ lâu rồi tôi đã bỏ cái nghề cậu giáo.
Ông thầy tu bước dọc theo mạn tàu. Dáng đi nhẹ tựa lông tơ, người hơi lắc lư theo nhịp tàu. "Dom Antonio Fermi", ông đã có lần tự giới thiệu. Và khi nghe chữ DOM tôi ngạc nhiên nhìn ông, thì ông bảo: "Dominus, thuộc dòng Benedictine". Fermi, Harris, Mussert, Carnero, Dekobra, đó là danh tính bọn chúng tôi. Chúng tôi trao cho nhau những mảnh đời riêng, và từ nay cùng vượt đại dương với những phần đời còn lạ hoắc, chưa kịp tiêu hóa. Cũng có thể ta gặp những mảnh đời khác, những mô hình ngẫu nhiên kiểu khác. Nếu bạn không du hành đơn độc, thế nào bạn cũng gặp toàn kẻ xa lạ. "Tôi thấy ông lẩm bẩm một mình", ông tu sĩ bảo tôi.
Tôi cao giọng đọc lại lần nữa đoạn cuối của bài thơ thứ sáu, làm sao tôi có thể bỏ qua dịp hãn hữu như thế này, không phải ngày nào ta cũng gặp một kẻ xài tiếng Latinh như một sinh ngữ. Đến câu thứ hai thì ông tu sĩ họa theo với giọng yếu như sậy của một cụ già. Chúng tôi là hai con diệc La Mã chơi vơi giữa biển cả.
"Tôi không ngờ người tu dòng Benedictine lại thuộc làu thơ Horace".
Ông cười: "Không nhiều đâu, như ông biết đấy, nhưng người ta phải là cái gì khác trước khi trở thành đồ đệ thánh Benedict chứ". Nói rồi ông tung tăng nhảy đi. Bây giờ tôi biết thêm ít nhiều về ông thầy tu, nhưng mà những mẩu thông tin vụn này có ích gì cho tôi? Không phải tôi phải đơn thân độc mã đi chuyến này sao? Tôi có gì giống họ, họ có gì giống tôi? "Ta có cả ngàn đời sống và ta chỉ nắm bắt mỗi một mà thôi", tôi có lần đọc ở đâu đó. Điều này có nghĩa là tôi có khả năng nắm bắt nghìn cái đời kia? Tôi đâu có định được sinh ra trên xứ Hà Lan vào thế kỷ hai mươi này cũng như ông giáo sư Đặng đâu có chọn cho mình làm người Trung Hoa. Có nhiều cơ duyên cho một người Công giáo như Cha Fermi sinh ra ở Ý mà không ở nơi khác, nhưng cho dù có sinh ở Ý, tại sao ông ra đời vào thế kỷ hai mươi mà không vào thế kỷ thứ ba hoặc năm mươi ba, những chi tiết này dĩ nhiên tùy thuộc theo luật ngẫu nhiên. Thật điên đầu. Chung chung thì ta đã hiện hữu trước khi ta có dính líu gì với cuộc sống.
Chú bé Alonso Carnero làm gì được khi bọn phát xít bắn chết người bà của chú thời nội chiến Tây Ban Nha, và cứ thế chúng ta tồn tại, cho nhau xem tấm gương phản ánh cái ngẫu nhiên tiêu biểu của mỗi người. Và nếu tôi là anh chàng Peter Harris thì tôi nói rằng tôi là thằng nát rượu nát gái, nhưng cũng là chuyên gia về gánh nợ của Thế giới thứ ba, và nếu tôi là ông phi công Dekobra thì không những tôi làm chủ cái thân hình thẳng đơ như cây nến và cặp mắt trong xanh soi mói, mà còn là kẻ lái chiếc DC 8 đã bao nhiêu lần vi vút qua đại dương, cái đại dương hiện nay tôi đang vượt qua như rùa bò trong cái vỏ kim khí của chiếc tàu không tên. Nếu tôi có thể đào sâu vào đời sống của từng người tôi cần có một đời dài bằng tất cả các đời kia cộng lại, nhưng làm gì có chuyện ấy, thành thử ta phải tự mãn với những mảnh vụn vô nghĩa, những sự kiện tạp nham. Giáo sư Đặng trước đây từng viết luận án tiến sĩ so sánh thiên văn Tây phương và Trung Quốc thời cổ đại. Tuyệt. Harris không ham đàn bà tóc vàng, vì thế hắn định cư ở Băng Cốc. Tốt lắm. Hắn chu du khắp Thế giới thứ ba với tư cách nhà báo. "Nợ chúng nó, bát cơm tôi". Đúng phắc. Và Cha Fermi có dạo phục vụ tại ngôi thánh đường Duomo ở Milan. "Ông biết ngôi thánh đường ấy chứ?". Đương nhiên. Tôi rất muốn tặng ông cuốn Chỉ nam du lịch miền Bắc Ý chán phèo của tiến sĩ Strabo, trong đó ngòi bút tôi đã góp công biến cái kiến trúc bằng đá diễm lệ này thành một thứ nhà hàng tạp hóa cục kịch, cứ việc lùa đám du lịch tới đó.
"Ngôi nhà thờ ấy làm tôi nghĩ tới địa ngục". Lời phát biểu từ mồm một linh mục nghe mà kinh. "Trong nhiều năm tôi từng nghe con chiên thú tội ở đấy. Ít ra ông chưa bao giờ phải làm việc ấy". Đúng thôi. Tôi cố hình dung cảnh tượng này, nhưng vô hiệu.
"Mỗi lần từ điện thờ bước vào thánh đường, khổ ơi là khổ. Tôi có cảm tưởng mình là cái giẻ rách nằm dưới sàn nhà để cho người ta đến chùi những mảnh đời của họ vào đấy. Chắc ông chưa bao giờ giáp mặt họ cận kề như tôi. Cái đạo đức giả, cái dâm ô, những tấm trải giường thum thủm, lòng ham hố. Và luôn luôn họ trở lại, và cứ thế ta buộc phải tha thứ cho họ. Như vậy mình đã nhẫn tâm làm kẻ đồng lõa, dính vào những hệ lụy họ không tài nào dứt nổi, mắc vào cái tính gian của họ. Bởi vậy tôi phải đào thoát, ẩn mình trong tu viện, tôi không còn chịu nổi tiếng người, ngoại trừ tiếng hát ca". Nói xong ông lại nhảy đi.
Tôi chọn một góc cạnh mạn tàu làm chỗ nghe xưng tội. Tôi nghiệm rằng nếu ta cứ bám trụ một nơi cố định, sớm muộn gì người ta cũng sẽ bâu lại. Chỉ có Alonso Carnero là không bao giờ tìm đến tôi. Một lần tôi lân la đến chỗ chú bé. Người đàn bà đứng cạnh đấy, cả hai cùng nhìn cái hố đêm thăm thẳm. Trời không sao, và lần đầu tiên tôi có cảm giác kinh hãi như mình đang ở địa ngục. Càng đi vào cuộc hành trình, những gì giả tưởng tôi nhiều lần diễn giảng trước đám học trò càng giống thực tại. Màn tôi tả đại dương, cùng với màn biểu diễn chuyến đi chơi bi thảm của Phaethon, là cao điểm trong nghề gõ đầu trẻ của tôi. Tôi nhại biển cả: đen thẫm, hung hãn, nước chuyển mình quanh trái đất bằng phẳng, cái yếu tố dấy lên nỗi sợ hãi lúc ta không còn nhận ra đường nét ở những vật quen thuộc, những gì còn sót lại mù mờ từ khối vật thể ở đó vạn vật khởi đầu, cái bề mặt hỗn mang ngặt nghèo của thế giới, điều ông cha ta gọi là tội lỗi của tạo hóa, cái hăm dọa vĩnh hằng của cơn hồng thủy mới. Và ngoài kia, ở hướng tây, nơi mặt trời chìm xuống, nơi ánh sáng theo đi, phó mặc con người cho cái nguyên tố vô dạng, đêm, là đại dương, nơi Atlas có lần đứng đó, và nay gọi là Atlantic, Đại Tây Dương, và đằng sau nữa: Tartarus, giang sơn thâm u của cõi chết, chốn lưu đày của Saturn. Làm sao tôi giải thích nổi cái vui rộn ràng khi phát âm tiếng Latinh. Phải chăng đấy là cái sướng nhục thể, một kiểu ăn uống ngược đời. Ôi chao cái lão thầy giáo Socrates điên khùng ấy vào một ngày giông bão, bốc đồng dẫn mấy đứa học sinh ra biển chơi, những đứa chưa bị ngã lăn vì cười. Đáp chuyến tàu nhắm hướng Ijmuiden đi tìm địa ngục, và đứng tuốt ngoài xa trên bờ đá, hiện thực không thể nào gần hơn, biển giận dữ quất vào những tảng đá như muốn vồ lấy trời cuồn cuộn mây bất thường, mưa táp vào lũ năm đứa chúng tôi và giữa tiếng gào của đám hải âu, tôi lao động quá giờ, ngoảnh về hướng tây, cất giọng thét gào át cả cơn bão, và đằng sau khối sóng nước cuồn cuộn ấy là thế giới ma quỉ với bốn con sông ngặt nghèo. Mặc tôi kêu la, bầy hải âu cứ gào thét như tiếng vọng cuồng nộ của Orpheus và Styx, và tôi chợt nhớ khuôn mặt trắng trẻo, rạng rỡ của cô học trò cưng nhất của tôi, bởi vì qua những khuôn mặt như thế thần thoại trở thành sự thực. Tôi đứng đấy như một thằng điên, đối diện với lớp người chết ngụy trang, huênh hoang thét la về cõi sương khói vĩnh hằng và sự hủy diệt. Socrates ở Ijmuiden. Hôm sau cô bé d India trao cho tôi một bài thơ chủ đề về giông tố và cô đơn, tôi gấp nó lại và đút vào túi, bài thơ chẳng theo thi pháp nào, thứ thơ tự do hiện đại ta thường gặp trên báo, nhưng tôi chẳng muốn nói ra, tôi đã câm mồm, và giờ đây, trên chiếc tàu này, tôi tự hỏi hiện nay nó nằm ở đâu. Chắc đâu đó trong đống giấy của tôi, trong một căn phòng ở Amsterdam.
Chú bé có cặp mắt của người đàn bà. Mắt dân Nam Âu. Chú đăm đăm nhìn tôi bước tới. Lúc tôi đến gần bên, người đàn bà rút tay khỏi vai cậu bé và biến đâu mất, như bỗng tan đi.
"Người hướng dẫn đấy", ông phi công Dekobra có lần gọi người thiếu phụ như thế, nửa đùa nửa thật. Lúc có đấy lúc biến đâu, nhưng dù thế nào bà vẫn là cái mốc giữ chúng tôi với nhau và không ai buồn hỏi tại sao. Đến cạnh chú bé Alonso Carnero tôi không biết mình muốn nói gì đây. Tôi chỉ nghĩ ra một câu: "Cháu đang nghĩ gì vậy?". Chú bé nhún vai: "Những con cá dưới biển". Và tự nhiên tôi cũng đâm ra nghĩ như thế, đến tất cả sinh vật xa lạ, mắt không nhìn thấy, cả hàng cây số dưới kia, tôi chợt rùng mình và trở về ca bin.
Đêm ấy tôi lại mộng thấy mình đang nằm trong căn phòng ở Amsterdam. Có nhẽ nào ta chẳng làm nên tích sự gì ngoài việc ngủ? Tôi muốn thức dậy và nhận ra mình đang bật đèn trong ca bin, người tôi bấn loạn, đẫm mồ hôi. Tôi không muốn nhìn thấy cái thằng cha đang ngủ ấy nữa, miệng há, mắt như mù, vẻ cô đơn hằn trên cái thân thể phập phồng, bất an. Sau Maria Zeinstra tôi không còn ngủ qua một đêm với ai khác, tôi nghĩ rằng cơ duyên cuối cùng một đời sống thực đã qua rồi, dù nó là gì chăng nữa. Cái ý tưởng mình thuộc về nhau, thuộc về thế giới, những điều lẩm cẩm như thế. Có lần tôi nhắc đến chuyện con cái, nàng cười rộ: "Bộ chẳng có gì đáng bàn trong cái đầu hói kia?". Giọng bà ta như đang giảng bài: "Anh với con nít! Có hạng người không bao giờ được phép có con cái. Và anh thuộc vào hạng ấy".
"Bộ bà tưởng tôi mắc bệnh gì ghê gớm lắm chăng. Nếu bà thấy tôi tởm tới mức ấy, tại sao bà chịu ngủ với tôi?", "Bởi vì tôi có khả năng giữ cách biệt giữa các sự kiện với nhau. Và bởi vì tôi thích ngủ, nếu anh muốn biết",
"Hay là bà chỉ muốn có con với chàng thi sĩ chơi bóng rổ ấy chăng?".
"Tôi muốn có con với ai là chuyện của tôi. Nhưng tuyệt nhiên là không với anh lùn nửa tỉnh nửa điên trong tiệm đồ cổ. Và cũng đừng đem Arend Herfst làm đề tài thảo luận".
Arend Herfst. Kẻ thứ ba. Cây thịt với nụ cười nham nhở tiền chế. "Dù sao anh cứ thử làm một bài thơ đi. Và nếu anh chịu khó chơi tí thể thao thì cũng chẳng hại gì". Đúng thôi, nếu được vậy thì giờ nay tôi đã bay rồi, đâu phải đi tàu thế này. Bay ra ngoài ca-bin, giương hai cánh tay vút lên trời, dưới kia là con tàu im lìm, người tài công đơn độc dưới ánh đèn vàng, cứ thế bứt khỏi mọi người, đi vào màn đêm đen nghịt.
Tôi mặc áo quần và bước ra boong tàu. Mọi người đã đứng đấy, như thông đồng từ trước. Họ tụ tập quanh ông phi công Dekobra đang nhìn trời qua ống viễn kính. Chưa bao giờ có một đêm như thế, nếu có những đêm sao thắp đầy trời làm ta sợ hãi thì đêm này là một. Trời dày kín sao và sao. Tôi có cảm giác như chúng rì rào trên tiếng động của biển, chúng gọi ta, như ước mong, giận dữ, chọc ghẹo. Không còn thứ ánh sáng nào khác, ngàn sao trùm lên chúng tôi như cái vòm bán nguyệt, những cổng ánh sáng, bụi ánh sáng cười cợt chế nhạo những cái tên, những con số mà ta đã gán cho chúng trong giây phút trễ tràng ta có mặt trên cõi đời này. Chính chúng chẳng biết chúng tên gì, nhưng những con mắt hữu hạn của chúng ta nhận ra trong đám khí bốc cháy những hình dạng cổ quái nào ngựa, nào rắn, nào sư tử, và với định kiến cho mình ở điểm giữa, xa nữa dưới chân ta là một vòm kín khác, một cái màn an toàn hình cầu, cứ thế tồn tại mãi mãi.
Biển bóng láng, đong đưa. Tôi tựa lan can, ngắm những người đồng hành. Không có gì làm bằng, nhưng tôi thấy họ đã thay đổi, không, họ lại thay đổi lần nữa. Có gì đã biến đi, những đường nét bắt đầu thiếu vắng, tôi thấy, một thoáng thôi, có phải đấy là cái mồm của ai, hay là con mắt, chỉ một khoảnh khắc phút giây, rồi không còn nhận ra nữa, thân hình người này lồng qua người kia, phải chăng cái thể đặc của thân thể bắt đầu bị tháo gỡ, và cùng lúc cái hào nhoáng của những gì mắt còn nhận ra cứ lớn mãi ra, nghe thì có vẻ vô lý, tôi có thể nói chúng tỏa ánh hào quang chung quanh. Tôi đưa hai bàn tay ra trước mắt và không thấy gì ngoài hai bàn tay. Với tôi phép lạ chưa từng xảy ra, vì thế không lý do gì làm cho những kẻ kia nhìn tôi với vẻ kỳ cục khi tôi đến gần họ.
"Cháu thấy người đi săn chứ?". Ông phi công Dekobra nói với chú bé Alonso Carnero. "Chùm Orion. Cái thiên thể khổng lồ ấy hơi chúi về phía trước. "Đi săn đấy. Lục lạo tìm kiếm. Nhưng lão ta phải thận trọng, vì lão mù. Cháu thấy ngôi sao trong veo, sáng ngời dưới chân lão chứ, ở phía trước một tí? Sao Thiên Lang, con chó của lão đấy. Cứ nhìn qua cặp kính này cháu có thể thấy nó đang thở".
Cậu bé nắm lấy ống nhòm nặng trịch nhìn hồi lâu, chẳng thốt một lời. "Giờ hãy nhìn lên, dọc theo dây buộc cổ: Alnilam, Alnitak, Mintaka", ông ta phát âm như tiếng cầu kinh. "Bây giờ cháu tiếp tục nhìn lên vai phải con chó: ibt al Jakrah, cái nách đấy, ngôi sao Betelgeuse, lớn gấp bốn trăm lần mặt trời."
Alonso Carnero đặt ống nhòm xuống và nhìn Dekobra. Cặp mắt đen chòng chọc nhìn vào cặp mắt trong xanh, hai kiểu nhìn lồng vào nhau, không còn thấy rõ mặt, chỉ còn những con mắt trong khoảnh khắc một giây, và rồi đường nét khuôn mặt lại hiện về trong ánh đêm. Những người kia không thấy gì, hoặc không nói gì. Tôi cũng lặng thinh. Lớn hơn mặt trời gấp bốn trăm lần, Maria Zeinstra cũng có lần bảo tôi như thế, lỗ tai tôi mất trinh rồi còn gì. Bà ta biết tất cả những gì tôi không muốn biết. Tôi vốn không quen thuộc với màn trời đêm bởi vì tôi thường nhìn thế giới qua những cái cốc chứa rượu, nhưng tôi nhận ra được lão thợ săn, tôi biết vào lúc đêm tàn, lão ta bò về với thế giới còn say ngủ, đối với tôi lão là kẻ lưu đày trong quyển Chín bộ Odissey, lão là tình nhân của nàng Bình Minh với những ngón tay hồng, nhưng tôi không rõ những ngôi sao của lão nóng đến mức nào và có tên gì, và lão ở tận mãi đâu đâu.
"Anh cứ chịu khó dốt nát như thế mà hay đấy".
Tôi nghe giọng Maria cạnh bên nhưng bà ta không có đây.
"Cái kiến thức về vũ trụ theo kiểu bà thì có ích gì? Những con số lố bịch đầy zê rô chỉ làm ta choáng váng thôi".
Ngạc nhiên. Nghiêng đầu. Mớ tóc đỏ như lá cờ rủ xuống, chòm Ôriôn nhòa dần trong ánh sáng ban mai. Chúng tôi vẫn chưa ngủ.
"Anh muốn nói gì đây?".
"Tế bào, enzim, quang niên, kích thích tố. Sau những gì tôi thấy, bà lúc nào cũng còn thấy những cái khác",
"Bởi vì chúng nó có đấy",
"Rồi sao nữa?".
"Tôi chẳng muốn làm đứa mù mò mẫm trên trái đất này, mình chỉ ở đây một lần thôi".
Bà đứng dậy. "Bây giờ tôi phải về nhà chờ anh thợ săn to lớn kia. Cứ tưởng bọn Ý gốc Sicile giữ con kỹ lắm chứ".
"Cô bé không còn là trẻ con".
"Không". Giọng cay đắng. "Ai mà chẳng biết thế".
Im lặng. "Lão ta cũng ghen đấy", bà nói tiếp.
Bà ta chẳng thèm hỏi tôi có ghen không.
"Castor và Pollux", tôi nghe ông phi công nói. Tôi có cảm giác như thể mọi người muốn tôi tìm lại quá khứ của mình. Tấm bảng trên trời đầy ắp chữ Hy Lạp, nhưng tôi không còn là ông giáo. "Orion, Taurus, lên cao chút nữa là Perseus, Auriga". Tôi ngước mắt nhìn theo bàn tay chỉ trỏ những tinh thể lắc lư như chúng tôi dưới này. Theo ông phi công, ở một thời điểm nào đó chúng sẽ tách rời nhau, tản mác, để rồi lại được phân phối trong một vòm trời khác. Điều đã giữ chúng lại với nhau trong mấy ngàn năm qua chẳng qua là cái nhìn ngẫu nhiên của chúng ta, những gì chúng ta muốn thấy ở chúng. Chúng kết hợp với nhau tình cờ chẳng khác gì đám bộ hành trên đại lộ Champs Elysées, những chùm sao này chỉ là những thu hình một khoảnh khắc của dòng thời gian, nhưng những khoảnh khắc này lại khá dài theo định chuẩn của chúng ta. Vài ngàn năm nữa chòm Đại hùng sẽ tan rã, chòm sao Cung sẽ không còn bắn ra những mũi tên, từng hành tinh cứ thế tách riêng mà đi, xa nhau mãi hoài, xóa nhòa những ký hiệu ta gán cho chúng: chòm Kim Ngưu không còn canh giữ Gấu, Perseus sẽ không còn giải cứu Andromeda khỏi tảng đá, Andromeda sẽ không còn nhận ra bà mẹ Kassopeia. (Vâng, thưa ngài phi đoàn trưởng, tôi hiểu stella có nghĩa là sao). Cố nhiên sẽ có nhiều chòm sao mới, xuất hiện tình cờ, nhưng liệu còn ai để ban phát cho chúng những cái tên? Lúc ấy những thần thoại ngự trị đời tôi sẽ mãi mãi xóa nhòa, có thể chúng đã bắt đầu tiến trình ấy, thần thoại chỉ tồn tại trong ý thức chúng ta nhờ những chòm sao. Tên gọi chỉ tồn tại lúc nào còn có người sống để gọi chúng. Hình thế chòm sao còn đấy làm ta liên tưởng đến Perseus, và cũng như ông phi công kia ta biết Perseus đang giơ cao cái đầu lâu nàng Medusa, và con mắt độc địa của nàng nhấp nháy nhìn chúng ta, hung ác, thách đố, nguy hiểm cho đến phút chót.
"Thiên hà đấy", giáo sư Đặng nói.
Chúng tôi nhìn ông. Ông chỉ tay vào chòm Auriga, gã đánh xe. Một cỗ xe, một bãi lầy. Giọng ông thật nhẹ, mặt ông sáng ngời. Tự dưng tôi thấy ông giống cha Fermi quá. Cả hai cùng thuộc hạng già, nhưng dùng chữ già để tả tuổi tác loại người này thì không ổn. Họ đã vượt quá thời gian, họ thật trong suốt, khai phóng, họ đã bứt xa hẳn bọn chúng ta.
 
"Cho rồng ngâm giữa ao trời,
Buộc dây cương vào gốc phù tang Bẻ nhành cây quất vào vừng thái dương..." "Quý vị thấy không", ông Đặng nói, "chúng tôi cũng đặt tên cho những vì sao, nhưng không giống những tên quí vị đặt cho chúng. Từ lâu lắm rồi, thời tiền sử. Thuở ấy chúng tôi chưa được biết thần thoại của quý vị". Mắt ông nhấp nháy đầy vẻ châm biếm. "Thời gian còn ngắn quá, cũng còn quá ngắn cho dù đã có từ mấy ngàn năm rồi".
"Và bài thơ?", tôi hỏi. "Trong thần thoại chúng tôi chỉ có ngựa kéo qua trời, không có rồng".
"Thơ của Khuất Nguyên đấy, giáo sư Đặng nói, nhưng có lẽ ông chưa hề đọc tới. Văn chương cổ điển Trung Quốc, có trước cả Ovid".
Và như mình có lỗi, ông tiếp: "Khuất Nguyên cũng là kẻ lưu đày. Ông cũng than vãn về đấng quân vương của mình, những kẻ xiểm nịnh bao quanh vua, cái thối nát chốn cung đình". Ông cười: "Trong thần thoại chúng tôi thái dương cũng được kéo qua bầu trời, nhưng kẻ đánh xe không phải là một anh trai trẻ như Phoebus Apollo của quý vị, mà là một bà. Và quý vị chỉ có một mặt trời trong khi chúng tôi có đến mười. Họ ngủ trong những nhánh cây phù tang, một thứ cây khổng lồ nằm ở cõi Tây phương, đại khái nơi vùng Atlas của quý vị. Những thi sĩ và sa man chúng tôi lại xem những thiên thể này như những vật hiện thực. Auriga của quý vị là cái ao trời của chúng tôi nơi đó ông Trời gội tóc, lại còn có bài hát tả thần Thái dương ngồi nhậu với Đại hùng nữa chứ".
Chúng tôi cùng nhìn góc trời thoáng chốc biến thành cái ao, và tôi muốn nói, đối với tôi, chòm Oriôn lúc nào cũng là anh thợ săn thứ thiệt, và bỗng nhiên mọi người đều muốn phát biểu. Cha Fermi kể lại chuyến hành hương đến Santiago de Compostella, được đặt cho cái tên dải Ngân hà thời Trung cổ. Chính ông đã đi bộ suốt chuyến hành hương ấy, và vì dải Ngân hà lúc ấy là vệt sáng phất phơ trên đầu, chúng tôi thấy ông đang đi tới đấy với những bước nhẹ nhàng nhún nhảy. Ông phi công kể chuyện học lái máy bay bằng cách định hướng các tinh tú, và chúng tôi thấy ông bay vút trên kia như vòng hào quang đơn độc, tiếng động cơ rầm rì trong cái vỏ im lặng buốt người, những cây kim run rẩy trên bảng nút điều khiển, và trên cao nữa, gần ông là những chùm sao khác từng được người Trung Hoa, người Hy Lạp, người Babylon, người Ai Cập gán cho những mỹ từ khác nhau, có biết đâu đằng sau những tinh tú này còn hằng hà sa số tinh tú khác, nhiều hơn tất cả những hạt cát trên quả đất này gom lại mà không thần thoại nào có đủ thần thánh anh hùng để đặt tên cho chúng.
Harris nãy giờ im lặng lắng nghe, tuyên bố rằng hắn chỉ nằm ngó sao vào những lúc say bét và bị tống khỏi quán rượu, và chúng tôi cười ầm lên; chú bé Alonso Carnero kể rằng ở làng chú nơi cao nguyên xứ Tây Ban Nha, đêm đêm lúc mọi người dán mắt xem truyền hình, chú thường lấy ná bắn vào chòm Đại hùng - và bây giờ chúng tôi hình dung chú bé lúc ấy - chú nghĩ rằng biết đâu hòn sỏi sẽ bay tuốt lên cao, có khi trúng vào sườn con thú to lớn kia cũng nên. Ai mà chẳng muốn cầu thân với những đốm sáng long lanh mát rượi trên kia, nhưng chúng vẫn lãnh đạm khước từ.
"Trời sắp sáng", ông phi công Dekobra nói.
"Giông giống thế", Harris nói.
Chúng tôi lại cười, và tôi thấy giáo sư Đặng thấy trên mặt tôi có gì mà tôi đã thấy trên mặt ông.
Tôi hỏi ông: "Tôi còn đây chứ?",
"Yên chí, ông vẫn còn đây", ông nói, và bởi ông đứng chắn nơi mặt trời đang lên, một vầng hào quang vây quanh đầu ông, gây cảm tưởng khuôn mặt ông biến đi, có thể nó biến đi rồi chăng. Tôi bước sang một bên và lại nhìn thấy ông.
"Sáng vừa vượt vũng lội nơi Thiên giới,
Chiều đã đến biên cương thế giới phương tây", ông Đặng ngâm lên, và khi tôi nhìn ông với con mắt hỏi han, ông nói: "Cũng thơ Khuất Nguyên đấy. Thời gian ở chốn quỷ thần chúng tôi đi nhanh hơn thời gian dưới trần thế, với quý vị thì sao? Nhà thơ lớn đấy, kiếp sau xin nhớ nghiên cứu ông ấy nhé. Trong bài thơ trường thiên ông dành những hàng đầu để kể về gốc gác thần tiên của mình, và cuối bài thơ bày tỏ ý muốn từ giã cuộc đời ô trọc để quay về với cõi tiên".
"Tôi chẳng biết vũng lội thiên giới ở tận đâu, ông phi công nói, nhưng nhiều lần tôi đã ở mãi miền cực Tây vào ban đêm, dù rằng mới buổi sáng hôm ấy tôi vừa thức dậy ở phương Đông".
"Nếu chẳng biết mình đi đâu, thì nhanh hay chậm ăn thua đếch gì", Harris lầu bầu.
Không ai buồn phản ứng gì, dường như Harris đã phạm điều cấm kỵ. Hắn nhún vai, rút cái chai dẹp bằng bạc khỏi túi, tu một hớp rượu.
"Tôi không còn chịu được ánh sáng ban ngày", hắn nói, rồi lẩn mất. Tôi bước về phía đuôi tàu. Bọt nước rẽ sóng lan mãi tận chân trời. Tôi đứng ngay chính giữa, bao lơn bằng sắt hình cung bao quanh tôi như vỗ về mơn trớn. Dải nước sau con tàu màu vàng kim và huyết dụ.
"Tôi không còn chịu được ánh sáng ban ngày". Tôi biết nếu tôi quay lại lúc này, tôi sẽ thấy những bạn đồng hành kia như chòm sao bảy ngôi rã cánh, chỉ vì tôi xé hàng. Tôi phải đứng đấy, một mình, và suy ngẫm. Đó là lời bà ta nói vào ngày giáp chót trong cái nghiệp thầy giáo của tôi, hoặc nói một cách khác, vào những giờ khởi đầu của ngày cuối cùng, bởi vì hai ngày cuối ấy quyện vào nhau thành một. Và vì tôi chẳng chợp mắt được tí nào, cứ cho rằng đấy là ngày dài nhất trong đời tôi. Và hãy tạm cho rằng tôi thật hạnh phúc hôm ấy. Với tôi, hạnh phúc thường đi đôi với mất mát, như thế phải có buồn bã chen vào, nhưng chung chung vẫn là hạnh phúc. Maria không bao giờ muốn nói yêu tôi ("Về nhà mà hỏi mẹ về những chuyện như thế"), nhưng lúc nào cũng tuyệt vời trong việc sắp xếp giờ giấc, tín hiệu, nơi hẹn hò. Dù sao suốt thời gian ấy tôi đã chịu đựng nổi cái mẽ xấu xí thường nhật của mình, có gì trong tôi đã phát tiết ra ngoài. ("Với một kẻ xấu trai như anh, trông cũng không đến nỗi nào"). Một lần trong đời mọi thứ phải hòa nhịp với nhau, vì thế tôi đã chọn Phaedo của Plato làm bài giảng cuối cùng.
Có thể tôi là một tên viết chỉ nam du lịch quèn, nhưng tôi là nhà giáo tài ba. Tôi có khả năng đưa bầy học trò như đám cừu hiền lành qua những hàng rào gai góc của cấu từ, của văn phạm dễ như bỡn, tôi đủ sức bắn những xe - mặt - trời rơi xuống đất, biến lớp học thành biển lửa kinh hoàng, tôi còn có thể, như tôi đã làm hôm ấy, cho lão Socrates chết với trọn vẹn phẩm cách để cho bọn trẻ sống dai (hoặc chết yểu) kia sẽ không bao giờ quên được. Nhập màn là cái cười mỉa ngượng ngập vì cái biệt hiệu của tôi ("Thưa quý cô quý cậu, đáng tiếc tôi không thể làm quý vị vừa lòng hôm nay") và sau đó là yên lặng. Bởi điều tôi nói không đúng sự thật, tôi sẽ chết thật đấy. "Nếu ông bạn đồng nghiệp Mussert bày cái màn Socrates ấy ra, thì bọn trẻ con sẽ im thin thít như chuột suốt ngày", Arend Herfst có lần nói, và ít ra một lần gã có lý. Cả lớp học trở thành một nhà tù ở Aten, bạn hữu tôi đã tụ tập ở đấy, và đến lúc mặt trời lặn tôi sẽ nốc cạn chén thuốc độc. Tôi có thể bỏ đi, trốn chạy, rời Aten, nhưng tôi đã không làm thế. Giờ thì tôi có cả một ngày dài để tán chuyện với lũ bạn và cũng là đám môn đồ của tôi, tôi sẽ dạy chúng đối đầu với cái chết như thế nào, và tôi sẽ không chết một mình mà tôi sẽ chết có chúng bên tôi, một kẻ thuộc thế giới này. Tôi, cái tôi thứ hai, thừa biết hắn phải dìu dắt lớp học vượt qua những khúc mắc trừu tượng để bước lên đỉnh cao khoa học, theo đó người sắp chết phải tách hồn khỏi xác. Hắn cố xếp chồng lên nhau những bằng chứng của sự bất tử, nhưng đằng sau những lý luận là cái mồm há hốc của tử thần, phần hồn chẳng thấy đâu.
Cái thân xác xấu xí ngồi đấy, lúc nói năng, lúc vỗ một cái gáy, lúc bước tới bước lui, nghĩ ngợi, thốt ra tiếng, và lát nữa đây sẽ chết, sẽ được chôn hoặc thiêu, trong khi đám trẻ vừa nhìn vừa lắng nghe; những tiếng phát ra từ cái thân xác ấy như vỗ về chúng, như tự an ủi mình. Cố nhiên chúng muốn tin rằng sau cái vỏ kịch cỡm, cồng kềnh ấy phải còn có cái gì vương giả, vô hình, bất tử - cái chất không phải là chất - và một khi cái xác bảy mươi tuổi đến lúc nằm ngửa xuôi tay, cái ấy sẽ được giải phóng ra khỏi tất cả những gì kìm hãm lý trí đơn thuần, thoát ly dục vọng, ra đi từ giã thế giới này, nhưng còn vất vưởng đâu đây hoặc sẽ trở về - điều không thể có được. Tôi không tin những điều này, nhưng chẳng nhằm nhò gì, bởi vì tôi chỉ đóng vai một kẻ tin chúng. Những điều tôi nghĩ chiều hôm ấy không quan trọng. Cái quan trọng ở đây là một người đã cố đem niềm an ủi cho lũ bạn, trong khi chính bản thân hắn cần được an ủi, cái quan trọng là ta có thể cống hiến những giờ cuối cùng của một đời cho hoạt động trí tuệ, không phải để tranh cãi suông, mà để tung ra những suy tư, những lựa chọn, những nghi ngờ, những mâu thuẫn, để bắc những vòng cầu từ tâm não này sang tâm não kia trong cái không gian hạn hẹp, để sử dụng khả năng trí tuệ suy ngẫm về mình, để đảo lộn những quan niệm, để dệt một mạng câu hỏi xong lại gắn chúng vào hư vô, ở đó cái chắc chắn rồi cũng tự triệt tiêu.
Và cũng như Phaethon, tôi cho lũ trẻ nhìn quả đất từ trên cao, điều mà chúng đã thấy cả trăm lần trên máy truyền hình, lơ lửng như quả bóng xanh nhạt, chúng thừa biết quả khí cầu bóng láng ấy không phải là cái rốn vũ trụ, nhưng lúc này chúng đang là môn đệ của Socrates, chúng bay theo ông ra khỏi nhà tù Aten và nhìn cái thế giới bí ẩn thuở nảo thuở nào "như quả bóng ghép từ chín mảnh da" mà ông Socrates chính hiệu đã có lần nói, một thế giới sặc sỡ, rạng ngời làm bằng đá quý so với nó thì cái thế giới chúng phải sống hằng ngày và ông bạn vong niên của chúng sẽ rời bỏ, chỉ là bức minh họa lu mờ. Và tôi kể cho chúng nghe rằng trong cái thế giới nhìn từ trên xuống, cái thế giới vừa có thật vừa không có thật ấy, ở dưới mặt đất có vô số sông ngòi cuồn cuộn chảy về cái vũng tên gọi Tartaros, một khối nước vô biên không lòng không đáy, và tôi nhảy cà tưng trước đám học sinh, giang hai cánh tay cụt ngủn quạt nước tràn qua lớp học, như ngài Socrates chính hiệu mà tôi mượn lời làm bài giảng, đã có lần cho nước tràn qua nhà ngục ở Aten nơi ông chẳng bao giờ trốn thoát. Tôi trở thành cái bơm phân phối nước khắp địa cầu. Tôi kể cho chúng nghe - không, chính ông Socrates kể cho chúng nghe - về bốn con sông lớn chảy qua miền hạ giới xa nhất: Okeanos là dòng lớn nhất bao quanh địa cầu, dòng Acheron uốn mình trong cõi hoang vu tĩnh lặng trước khi đổ vào một cái hồ, trên bờ những hồn người chết đang chờ dịp nhập vào kiếp sống mới; về những vùng lửa, bùn, đá; về những mộng mơ thưởng phạt không bao giờ nguôi của con người, và tôi để mặc cho những linh hồn tội nghiệp ấy vất vưởng chờ đợi trong vũng sáng mù mờ, như đám thợ làm đường đứng chờ xe buýt một sớm mùa đông mù sương.
Và rồi đến hồi kết thúc. Tôi bước lùi, tạo một khoảng cách giữa tôi và hàng ghế đầu lớp học, giờ thì tôi chết đây. Tôi nhìn vào mắt đám học sinh như Socrates từng nhìn vào mắt đám môn đệ của ông, tôi biết chắc chắn ai là Simias, ai là Kebes, và đã từ lâu tôi biết Lisa d India đích là Krito, và trong thâm tâm hắn cũng chẳng tin về sự bất tử. Những gì tôi nói nãy giờ đều uổng công. Tôi đứng lặng yên một xó gần nơi bảng đen và nhìn Krito, môn đồ cưng của tôi. Cô ngồi thẳng người trên ghế, mặt mày nhợt nhạt. Tôi bảo chúng rằng một nhà thơ lúc này có thể ví von: số mệnh đang gọi đấy. Tôi muốn đi tắm gội, vì lát nữa đây tôi không muốn làm phiền các bà. Krito hỏi có thể giúp gì được tôi, có thể làm gì cho con cái tôi, và tôi trả lời là các bạn ơi cố tự lo cho mình đi, đó là điều quan trọng nhất, và Krito lại hỏi tôi muốn được chôn cất thế nào, tôi nói rằng cần phải gói tôi lại, cái phần hồn thôi bởi vì nó vút nhanh lắm đấy, và tôi trách hắn sao chỉ chú ý tới phần xác của tôi mà thôi, chỉ tin cái phần tôi để lại, cái xác trước mặt hắn, mà không tin vào chuyến du hành vô hình, và cái bất tử của tôi.
Xong tôi đi tắm, tuy tôi vẫn đứng trong một xó lớp học, và Krito cùng đi với tôi, trong khi Lisa vẫn ngồi trên ghế và tôi thấy chúng đang nhìn tôi và rồi tôi trở lại nói chuyện với gã đàn ông đến bảo tôi đã đến giờ uống liều độc dược. Gã thừa biết tôi sẽ không gào thét như những tử tội khác khi được ban cho chén thuốc độc. Krito muốn tôi ăn chút gì trước đã, hắn nói trời còn sáng, mặt trời chưa khuất sau núi, và chúng tôi đưa mắt nhìn ngọn núi nơi bãi sân chơi, và những vệt nắng đỏ vương trên nền núi xanh. Nhưng tôi từ chối. Tôi biết nhiều kẻ khác chờ cho tới phút chót, nhưng tôi không muốn thế. "Không, Krito", tôi nói, "Trì hoãn phút uống liều thuốc độc, cố bám vào cái sống như đứa bé con thì có được gì?". Krito ra hiệu và gã kia cầm cái cốc đến gần và tôi hỏi gã giờ phải làm và gã nói: "Chẳng gì cả. Cứ uống cạn và đi loanh quanh, cho tới khi cảm thấy hai chân nằng nặng thì nằm xuống. Ông chẳng phải làm gì". Gã trao cho tôi cái cốc và tôi từ từ uống cạn, và sau khi tôi uống giọt cuối cùng trong cái cốc giả tưởng, tôi trả lại cốc cho người đầy tớ vô hình, tôi nhìn vào mắt Krito cũng là mắt Lisa d India và tôi dừng lại, tôi không muốn diễn màn cải lương. Tôi không nằm xuống, tôi không để kẻ đầy tớ sờ mó chân mình xem còn cảm giác gì không, tôi cứ đứng nguyên chỗ, tôi chết, mồm đọc những dòng thơ cuối cùng trong khi một cảm giác lạnh buốt dấy lên trong tôi và tôi nhắc còn Asklepios, con gà trống, nói thế để chứng tỏ tôi muốn chết trong thế giới này, cái thế giới thực tại. Rồi đến hồi kết cuộc. Tấm khăn phủ trên mặt Socrates được gỡ ra, hai mắt trừng trừng.
Krito vuốt cho chúng nhắm lại, khép luôn cái mồm há hốc. Nhưng chúng tôi không diễn những chi tiết này. Rồi đến giờ phút tế nhị lúc bọn học sinh rời lớp. Chúng chẳng buồn nói gì, và tôi cũng vậy. Tôi quay người, lục lọi trong cặp. Tôi biết ảnh hưởng lý thuyết của Plato cho rằng thể xác là một chướng ngại cho linh hồn đã ảnh hưởng thế nào đối với đạo Kitô, và tôi thấy có gì tiêng tiếc; và tôi cũng biết Socrates đã góp một phần trong việc gây cái hiểu nhầm dai dẳng về văn minh phương Tây, nhưng cái chết của ông luôn luôn làm tôi xúc động, nhất là khi tôi đóng vai ông ta.
Khi tôi quay lại, hầu hết học sinh đã đi khỏi. Vài cặp mắt đỏ ngầu. Bọn con trai quay đầu như muốn nói: đừng tưởng ông làm tôi cảm động đâu nhé.
Trong hành lang vang tiếng ồn ào, có ai cười to. Chỉ còn d India ở lại, và cô bé khóc thật.
"Nín ngay đi, tôi nói. Thế thì em chẳng hiểu một chữ nào tôi vừa giảng".
"Em không khóc vì chuyện ấy đâu". Cô nhét sách vào túi đeo vai.
"Thế tại sao?". Câu hỏi ngu ngơ lần thứ mấy trăm.
"Vì tất cả".
Hình ảnh nữ thần rơi lệ. Làm sao mà khỏi động lòng.
"Tất cả là một từ quá lớn".
"Đúng thế". Rồi cô bé to tiếng: "Thế thầy cũng không tin linh hồn bất tử chứ gì?",
"Không".
"Vậy sao thầy đọc lâm ly thế?".
"Tình thế trong nhà tù chẳng liên quan gì với ý nghĩ của riêng tôi".
"Nhưng sao lại không tin?".
"Bởi vì chính Socrates đã bốn phen cố tình minh chứng điều này. Chứng tỏ mình ở thế yếu, còn gì. Theo tôi, ông không tin đâu, nửa vời thôi. Nhưng cốt lõi vấn đề không phải ở sự bất tử".
"Thế thì gì đây?".
"Cái quan trọng là chúng ta có khả năng suy ngẫm về sự bất tử".
"Mà chẳng cần tin?".
"Nếu em muốn biết, đúng thế. Nhưng thực ra tôi không sành nói chuyện kiểu thế này".
Cô bé đứng dậy. Cô cao lớn hơn tôi, tôi tự động lùi một bước. Bỗng nhiên cô nhìn thẳng vào mặt tôi và nói: "Nếu em bỏ lão Arend Herfst, có nghĩa là thầy mất bà Zeinstra chứ gì?".
Bắn ngay trúng tim. Tôi vừa mới chết xong thì nay phải đóng vai mới trong một vở kịch khác. Cứ tưởng tượng ông Socrates chính hiệu phải qua một cuộc đối thoại như thế. Mỗi thời có cách trừng phạt khác nhau. Nhưng thời này quả có hơi nhiều.
"Cứ cho rằng không có cuộc đối thoại hôm nay nhé?", tôi nói. Cô bé như muốn nói điều gì, nhưng ngay lúc ấy Maria Zeinstra hiện ra, bước chân thoăn thoắt như mọi khi, đến quá nửa lớp học mới nhìn thấy Lisa d India. Trong một thoáng giây mớ tóc đỏ bay vào trong, mớ tóc đen vèo ra ngoài, cô học trò với chiếc khăn tay che trước mồm.
"Rõ trẻ con", Maria Zeinstra có vẻ thỏa mãn.
"Đã chắc gì".
"Còn phải nói".
Chúng tôi chợt thấy cuốn sách Lisa d India bỏ lại trên ghế. Bà ta nhặt lên xem.
"Plato, ừ, ông thắng nhá. Hôm nay tôi giảng về động mạch và tĩnh mạch cho lũ chúng nó".
Lúc Maria đặt cuốn sách xuống, một phong thư rơi ra. Bà nhìn và nhặt lên cho tôi xem.
"Gửi cho ông đấy",
"Cho tôi?",
"Nếu tên ông là Herman Mussert, bức thư này gửi cho ông. Đọc nhé?".
"Chẳng cần đâu".
"Tại sao?".
"Bởi vì bà không phải là Herman Mussert".
Bỗng dưng Maria gầm gừ giận dữ. Tôi chìa tay định nắm phong thư, nhưng bà lắc đầu.
"Hãy chọn đi. Hoặc ông lấy bức thư, ông sẽ không bao giờ còn thấy mặt tôi, đếch cần biết nó viết những gì. Hoặc tôi xé tan nó ngay thành vạn mảnh". Kỳ diệu thay trí tuệ con người. Có khả năng ôm đồm cả ngàn việc cùng một lúc. Chưa có sách vở nào dạy tôi đối phó với hoàn cảnh tương tự, nhưng tôi chợt nghiệm ra rằng con người "thật" thường phải đối đầu với những chuyện vớ vẩn như vậy. Hãy xem Horace viết nên những vần thơ trác tuyệt về những chuyện không đâu, và giữa những dòng ý tưởng này tôi nghĩ rằng tôi không muốn mất Maria, và tôi bảo bà ta cứ việc xé nát bức thư và bà ta đã làm thế. Trong cụm giấy vụn như bông tuyết rơi xuống còn sót lại những chữ xé ngang xé dọc, những câu viết riêng cho tôi bây giờ rải rác tứ tung dưới đất, nằm đấy bất lực, câm nín.
"Ta đi thôi. Mình còn lấy đồ để trong phòng 5b".
Hành lang im vắng, bước chân chúng tôi dội vang, chẳng ăn nhịp với nhau. Trong phòng học 5b một hình vẽ lạ lùng hiện ra trên bảng, từa tựa như hệ thống sông ngòi, với những hòn đảo nhú lên giữa dòng nước. Tôi nghe bà vặn chìa khóa cửa phòng. Trên dải nước rộng gợn lên những vòng tròn.
"Cái này là gì vậy?".
"Huyết trắng, mạch mao giới, huyết tương. Những gì tuần hoàn trong cơ thể, nhưng lúc này tôi không muốn đếm xỉa đến chúng".
Bà siết người tôi từ phía lưng, cằm bà dựa trên vai trái tôi, mảng tóc mờ đỏ hiện ra trong khóe mắt tôi.
"Về nhà mình nhé", tôi nói như cầu khẩn, vì trong lúc ấy có tiếng chân vang lên ngoài hành lang. Chúng tôi đứng im, người dính sát vào nhau. Bà đã hôn mờ cặp kính tôi, tôi không còn thấy được gì. Có tiếng ai vặn ổ khóa, rồi buông ra, cái then bật về chỗ cũ. Tiếng chân lại vang lên, yên tĩnh trở lại. "Xong đâu đấy chúng mình sẽ về nhà ông, bà ta nói, và tôi sẽ ở với ông". Quyết định chóng vánh. Chúng tôi sẽ nói chuyện thâu đêm, bà sẽ đáp chuyến tàu sớm, bà sẽ cho lão Herfst biết bà bỏ hắn, và tối đến bà sẽ dọn đến nhà tôi. Hôm sau bà đứng bên cửa sổ nhà tôi nhìn ra ngoài, trong ánh sáng nhợt nhạt buổi sớm tinh mơ. Tôi nghe bà nói:
"Tôi ghét ánh sáng ban ngày".
Bà lập lại lần nữa, như thể bà linh cảm ngày đang tới là một ngày không như mọi ngày: "Tôi ghét ánh sáng ban ngày".
Và sau đó? Bà đi tắm, la ơi ới chẳng cần cà phê đâu nhá, chạy vọt qua phòng như cơn lốc (con Dơi đã chui mình dưới đám chăn), để tôi đứng đấy ngắm mớ tóc đỏ rảo nhanh qua con kênh. Tôi cố mường tượng mọi chuyện sẽ ra sao nếu bà ở mãi với tôi, nhưng đành chịu. Tôi chúi đầu cố soạn bài giảng cho lớp đầu tiên trong ngày. De Amictia, chương 27, đoạn 104, của Cicero, bài giảng mà tôi sẽ không bao giờ đọc trước lớp học. Tôi đập vỡ câu Latinh ra khỏi ngôi nhà cấu trúc ngữ pháp, quẳng phần động từ nằm sau ra trước ("Thưa quý cô, quý cậu, hôm nay tôi sẽ hiến cho quý vị những miếng ăn dễ tiêu, bởi vì quý vị đã quá bị sa lầy trong cú pháp tiếng mẹ đẻ") nhưng cũng đành thua, chẳng ra gì. Đầu óc tôi đang ở bên bà trên xe lửa. Và một giờ sau đến lượt tôi phải đi. Tôi có cảm tưởng tất cả không còn như trước, từ lan can cây cầu bắt ngang con kênh cho đến gác thang nơi nhà ga. Amsterdam, đồng cỏ dọc đường rầy, tất cả bỗng mang một vẻ thản nhiên khác thường, những thứ vặt vãnh báo trước chuyện động trời, cả thế giới vô tri như bổ vây lấy tôi. Và như thế tôi đã được cảnh giác lúc tôi đặt chân vào phòng giáo viên. Người đầu tiên tôi chạm trán là lão Herfst, lão ngồi sẵn đợi tôi. Trước khi tôi kịp đào tẩu, lão đã đến cạnh tôi. Người lão ngun ngút mùi rượu, râu ria chẳng cạo, những trường hợp như thế này dường như phải theo một mô hình định sẵn. Sau đó sẽ có màn túm lấy nhau, vật lộn, nắm áo, la hét. Thế rồi sẽ có kẻ chạy đến can thiệp, tách rời hai đối thủ, đứng chắn giữa. Nhưng chẳng có ai tới.
"Herman Mussert, chúng ta cần phải nói chuyện. Tớ có nhiều điều nói với cậu",
"Chờ lát nữa đi. Tôi có lớp bây giờ",
"Cái lớp học cậu chẳng ăn nhằm gì đến lỗ đít tớ. Không đi đâu hết".
Năm thì mười họa mới có cảnh hai ông giáo rượt nhau. Vừa tới lớp, tôi cố lấy vẻ trịnh trọng bước vào thì lão Herfst kéo bật tôi ra. Tôi vùng thoát ra ngoài sân chơi. Thật là một màn ngoạn mục để trình diễn cho cả trường xem vở tuồng tôi bị đánh tơi bời. Tôi bị nốc - ao trên võ đài, như ta thường nói. Như mọi khi, tôi có khả năng làm nhiều thứ cùng lúc: ngã xuống, bò dậy, chảy máu, yếu ớt đánh trả, ghi nhận tiếng la inh ỏi phát từ cái đầu bò to tướng, cho đến khi tôi không còn thấy gì nữa bởi vì cặp kính của tôi đã bị đánh văng. Tôi mò mẫm loanh quanh cho đến khi có ai giúi cái vật thân quen ấy vào tay tôi.
"Kính mày đây, cái thằng kia".
Lúc tôi đeo kính vào, tất cả đều đổi thay. Sau những cánh cửa sổ lúc nhúc những bộ mặt trắng nhợt của lũ học sinh, những chiếc mặt nạ không giấu nổi cái vui ngầm. Có mấy khi chúng được ngắm cảnh tượng hiếm có như thế: một bàn cờ bằng đá khổng lồ với năm nhân vật, trong đó hai đứng yên, bởi vì khi ông hiệu trưởng bước về phía tôi thì Maria Zeinstra tiến về hướng Arend Herfst, nhưng lão Herfst đã quay gót đi theo Lisa d India. Đúng lúc ông hiệu trưởng đến bên cạnh tôi, lão Herfst giơ tay đẩy mạnh làm Maria Zeinstra ngã chúi. Trước khi bà ta kịp đứng dậy, ông hiệu trưởng bảo tôi: "Ông Mussert, chỉ vì ông mà mọi sự hỏng bét", nhưng cùng lúc ấy lão Herfst đã nắm cánh tay Lisa d India kéo đi.
"Arend!".
Cũng giọng ấy mới sáng nay đã nói với tôi bà ta muốn đến chung sống với tôi. Bây giờ tất cả lặng như tờ. Tôi như được nhấc lên khỏi cái hoạt cảnh khựng lại như đóng băng, và từ trên cao tôi nhìn xuống, như tôi không còn ở dưới ấy nữa: một ông quá trung tuần với bộ mặt nhăn nhó chỉ ngón tay vào gã đàn ông đầy máu me đứng tựa vào tường, người đàn bà tóc đỏ đứng giữa sân, gã đàn ông kia chân nam đá chân chiêu, tay nắm cô bé như gọng kìm. Trong cái yên lặng ấy, vang lên cái tên xuẩn ngốc mà lũ học sinh đã đặt cho tôi.
"Socrates".
Có gì khẩn trương về cái tên ấy. Như than vãn, chẳng chịu biến khỏi cái sân chơi này, nó vẫn còn vất vưởng đâu đây sau khi cái thằng lúc nói, lúc thì thào, lúc thét lên tiếng ấy, đã đi khuất từ lâu, chiếc ô tô lão lái đâm vào chiếc xe tải cách đấy mấy cây số. Nhưng không, tôi không phải dự đám ma bởi vì, vâng, lão Herfst chỉ bị gãy chân thôi. Không, từ lâu tôi không còn tin tức gì về Maria Zeinstra, và vâng, Herfst và tôi, cả hai, bị tống cổ khỏi trường, và cặp vợ chồng có tên "Mùa thu" ấy hiện nay dạy học ở tận thành phố Austin, bang Texas, nước Mỹ. Và không, tôi bỏ hẳn nghề gõ đầu trẻ, tôi trở thành tiến sĩ Strabo chuyên viết sách chỉ dẫn đường đi nước bước cho dân xứ Hà Lan tham quan cái thế giới đầy hiểm nghèo này. Năm thì mười họa tôi còn gặp lại một vài học trò cũ. Chúng vênh cái mặt già dặn người lớn rất khó thương. Chẳng ai buồn nhắc đến hai cái tên còn vất vưởng đâu đây. Tôi cũng thế.
Peter Harris bước lại gần tôi.
"Tôi cứ nghĩ rằng ông bạn ghét ánh sáng ban ngày", tôi nói. Người hắn nặc mùi rượu, cũng như lão Herfst sáng hôm ấy. Cuộc đời là nguồn tham khảo vô tận. Nhưng ít ra hắn không đấm đá tôi. Hắn chìa cho tôi chai rượu, và tôi từ chối.
"Gần tới đất liền rồi", hắn nói.
Tôi nhìn về phía chân trời, mù mịt.
"Đừng nhìn phía ấy. Nhìn dưới kia kìa". Hắn chỉ tay xuống nước. Suốt cuộc hành trình, mặt biển mang màu xám, hoặc xanh, hoặc đen, có khi đủ màu cùng một lúc. Bây giờ tuyền một màu nâu.
"Bùn sông Amazôn. Phù sa",
"Sao ông bạn thành thạo thế?",
"Đã có lần tôi đến đây. Bây giờ tàu đi hướng tây nam. Vài tiếng nữa là thấy Bêlem rồi đấy. Tôi phục dân Bồ sát đất về điểm này: Vừa rời Bêlem, lại đến Bêlem. Có gì từa tựa như một chu trình, mãi mãi trở lại. Dĩ nhiên ai mà tin như thế. Còn anh?".
"Chỉ đúng với loài vật thôi", tôi nói cho có chuyện.
"Tại sao?".
"Bởi vì chúng nó luôn luôn trở về như chúng nó có. Làm sao phân biệt được con chim câu năm 1253 và con chim câu bây giờ. Cũng là chim câu thôi. Hoặc chúng còn đấy mãi mãi, hoặc chúng luôn luôn trở về".
Bêlem. Thành phố hiện ra trước mắt tôi. Công trường Praca de Republica hâm trong nắng, nhà hát Paz. Có người sinh ra để lê gót giày khắp chốn. Trường đại học, vườn thú với những con beo, thỏ vàng, heo biển; nhà thờ thế kỷ mười tám. Tất cả đều có trong Chỉ nam du lịch của tiến sĩ Strabo. Vâng, tôi biết Bêlem. Vườn bách thảo Bosque với cây cỏ nhiệt đới, giá vào cửa mười bốn xu tiền Mỹ. Gái điếm da đỏ.
Và viện bảo tàng Goeldi. Hãy dạy tôi tìm hiểu thế giới này. Cái va-li là bạn thân nhất của tôi.
Mặt nước trở thành một sắc nâu, hăm dọa, thẫm hơn, những mảng gỗ lớn trôi lềnh bềnh, đây là cổ họng dòng sông lớn, ở đấy cả một đại lục phụt ra ruột gan của mình, bùn từ rặng Andes đổ qua những cánh rừng già thương tích đầy mình, che giấu những bí mật cuối cùng, những bản dân ẩn náu cuối cùng, cái thế giới thâm u muôn thuở đã mất. Procul recedant somnia, et noctium fantasma - Hãy tránh cho tôi những cơn mộng dữ, những quái đản của đêm thâu. Đó là lời cầu kinh của người tu sĩ trước khi ngủ. Màn hơi ẩm la đà trên sóng nước. Trong thoáng chốc chúng tôi bỗng thấy hai dải bờ cách xa nhau, vô vọng như đôi tình nhân chẳng một lần gặp gỡ. Những người kia cũng lên đứng nơi boong tàu. Người đàn bà với chú bé, hai ông già tựa như cặp sinh đôi, ông phi công với chiếc ống nhòm, mỗi người giữ vị thế, đứng riêng hay cặp đôi. Những bạn đồng hành của tôi.
Biển bớt sóng, cái vạt nước ẩm ướt trở thành chiếc khay trên đó con tàu nằm im như vật tế thần. Chúng tôi còn di chuyển chăng? Tôi nhìn những người kia, những người bạn quý hiếm tôi không tìm mà gặp.
Chúng tôi chỉ là một đám rước ngẫu nhiên, tôi thuộc về họ như họ thuộc về tôi. Nhưng chẳng còn bao lâu nữa. "Vàng và gỗ", tôi nghe giọng lão Harris. Có lúc khuôn mặt lão che khuất sau mớ tóc màu hạt dẻ và tôi nhìn thấy một người không mặt nói huyên thuyên. Tôi bắt đầu quen dần với những thiếu vắng bất ngờ, những đường nét trống rỗng, những bàn tay biết chúng nằm đâu mặc dù thực tại không còn thấy chúng. Vàng và gỗ. Tôi lắng nghe, thế giới này có nhiều điều để nói với tôi, và đang tiếp tục. Vàng, có lần Harris viết về cuộc chiến tranh về vàng giữa Johnson và De Gaulle nhưng chẳng được mấy ai nói tới bởi vì Việt Nam lúc ấy chiếm hết mọi chú ý của thế giới. Đấy là cuộc chiến thực sự, tuy không tốn tên lính nào nhưng gây nhiều tổn thất. Hắn viết một cuốn sách không ai đọc cả. Và gỗ là lý do hắn đã đến đây, vùng Amazôn, Thế giới đã mất, tựa đề cuốn sách của Conan Doyle, tôi đã đọc cuốn đó chưa nhỉ, hình như cũng có chiếc tàu đi ngược dòng Amazôn, chiếc Esmeralda. Hắn biết tất cả về vàng và gỗ. Vàng sẽ còn đấy, gỗ thì không. "Nếu bạn trở lại đây một trăm năm sau, nơi này chỉ còn là một bãi sa mạc khổng lồ, khiếp hơn cả Sahara. Đúng là ngày tận thế, một bãi truông bị mút cạn, một thùng cát hóa thạch".
Hắn nói liên miên, nhưng tôi đã bay lên cao, bởi vì tôi thấy dưới kia con tàu vẫn đi, con tàu trên nước mênh mang. Nó vẽ ra đằng sau một hình chữ V đơn điệu, một cái nêm dãn to ra, trang giấy với độc một chữ suốt cuộc lữ hành như có điều gì muốn kể với tôi. Nhưng điều gì đây? Xa xa đôi bờ giống như hai cánh tay dang ra như muốn nối vòng với con tàu, giữ chúng mãi với nhau. Từ trên cao tôi nhìn thấy tôi, tôi thấy chùm sao gồm những bạn đồng hành của tôi, ba đôi, một đơn, tôi thấy người đàn bà tách khỏi chú bé, chuyển mình theo quỹ đạo riêng, độc lập với những người kia, người đàn bà thu hút lũ chúng tôi như theo một luật tự nhiên, hai ông già nhún nhảy theo người đàn bà, ông phi công đặt kính nhòm xuống và nhập cuộc, Harris tách khỏi tôi và bước theo, và tôi tách khỏi tôi, từ từ hạ xuống cho đến khi chân tôi ngập ngừng nhập vào đám rước dưới kia, trong khi thằng tôi ở trên như quả khí cầu bốc mãi lên cao, nhìn con sông bị đất lấn dần, đất càng to ra, một màu lục, hiểm nghèo, toát mồ hôi, đẫm mình trong cái ẩm ướt của cơn sốt, rồi tan hòa trong bóng đen của buổi tối nhiệt đới thình lình đổ xuống. Tôi thấy ánh đèn thành phố Bêlem, như Lữ hành gia nhìn thấy địa cầu giữa những hành tinh, giữa những tinh vân trong hệ thái dương. Socrates trong giấc mộng cuồng của ông chưa hề lên cao được thế, ngỡ rằng cứ lên khỏi mặt đất là bắt ngay thiên đường. Tôi bay cao hơn cả Amstrong người đã làm bẩn mặt trăng, và bây giờ tôi phải trốn cái lạnh ghê người ở đây, tôi phải trở về vị trí của mình, về với cái thân thể dưới kia. Tôi là kẻ cuối cùng bước vào phòng khách. Alonso Carnero ngồi dưới chân người đàn bà. Có gì trong cung cách đứng ngồi cho thấy chú bé là trọng tâm chú ý của mọi người. Hai ông già nhìn chú bé với vẻ bao dung. Thân xác chúng tôi hầu như lạc vào cõi hồ nghi, tôi chưa từng thấy một nhóm người thiếu mất nhiều như thế, có khi toàn thể đầu gối, cặp vai, bàn chân biến đâu, nhưng con mắt chúng ta chẳng lấy thế làm bối rối, chúng cứ việc đắp vào những chỗ thiếu, trao đổi với nhau những cái nhìn, cố xua đuổi ý tưởng là cả bọn có thể biến mất hẳn. Chỉ có người đàn bà nguyên vẹn ngồi đấy, chú bé nhìn người đàn bà và cất giọng. Hẳn bà ta đã ra hiệu cho chú bé bắt đầu.
Bắt đầu? Từ này nghe ra không ổn, và đến lúc cần chọn những từ chính xác, điều này bạn biết rõ hơn tôi. Chú bé không bắt đầu, chú kết thúc. Nói sao bây giờ? Câu chuyện có đầu có đuôi hẳn hoi nhưng có điều là chúng tôi biết khá nhiều về đoạn kết, người bà của chú bé bị bọn Phát xít xử tử ở Burgos cùng với một số phụ nữ khác, và người ông của thằng bạn thân nhất chú bé lại có chân trong đội xử bắn ấy, và dân làng đều biết chuyện này, cũng như chuyện trước khi chết, các bà đã vén váy lăng nhục bọn lính đúng vào lúc chúng sắp nổ cò, và bố mẹ cậu đã cấm cậu không được chơi với thằng bạn bởi ai mà có thể quên được những chuyện như thế, nhất là ở vùng quê ấy, vì vậy chú bé và thằng bạn tên là Manolo phải lén lút gặp nhau, và cả hai đứa có mặt vào cái đêm mà chú sắp kể sau đây, như tràng kinh cầu, một dòng chữ dài lê thê, chuyện hai đứa thường thách nhau nằm trên đường sắt chờ con tàu đêm tốc hành Burgos - Madrid, xem thằng nào dám nằm lâu nhất. Trong phòng im như tờ. Chú bé đứng lên, giống như Chúa Giêsu ở trong Đền, chúng tôi biết có gì sẽ đến và không muốn nghe, chúng tôi nhìn nhau vì không đành lòng mãi nhìn chú bé đứng đấy. Chú bé cũng không còn nhìn chúng tôi, mắt chú dán vào người đàn bà, và tôi nhận ra một điều mà sau này tôi còn nhận ra khi nghe những người khác tới lượt kể chuyện về họ: có gì ở người đàn bà đã gây sự tin cậy nơi người kể, như thể bà là một kẻ nào khác mà họ quen biết từ lâu, và như vậy họ không kể chuyện cho một kẻ xa lạ nào, mà cho một người chỉ mình họ thấy mà thôi. Mặc dù chúng tôi chẳng thấy ai khác ngoài bà ta, người kể chuyện nhìn thấy một người nào khác đã gây cho mình cảm hứng để diễn tả thật sát cái hiện thực bên trong câu chuyện mình kể.
Tôi nghe tiếng máy tàu lịm dần, ngoài kia giang hà bát ngát màn đêm nhường chỗ cho mênh mông đất khô. Hai thằng đã nằm xuống, chú bé nhận ra chùm Đại Hùng có lần chú dùng ná nhắm bắn, chú ngỡ rằng con Gấu Lớn đang nhìn xuống chú, ngỡ rằng chú sẽ thấy tất cả. Mới đầu hai đứa tán gẫu một lát, chúng bảo nhau quyết sẽ không là đứa đứng dậy trước tiên, nhưng lần này riêng về chú, chú biết chắc đấy là sự thực, rồi im lặng trở lại, chỉ còn tiếng cỏ lao xao, dăm ba ô-tô đằng xa, không còn gì khác. Rồi từ mãi xa có tiếng ồn, như tiếng hát, từ nhánh đường sắt cứng ngắc đập vào sọ não, cho tới bây giờ chú bé vẫn còn cảm giác ấy. Nước mắt chú ứa ra, chú cảm thấy hổ thẹn, nhưng đồng thời cũng khoái run vì việc phải đến sẽ đến, tiếng vù vù kinh hoàng, dội vang, cái im lặng khi nó dần tới, ngàn vì sao sáng trên dải cao nguyên nay trở thành những vệt sáng nhạt nhòa, ẩm mờ sau những giọt lệ. Không ai cử động. Tôi còn nhớ tôi không còn đủ can đảm nhìn chú bé, bởi vì trong giọng nói chú bé cái tiếng ầm ầm đậm đặc nhường chỗ cho tiếng rít như muốn vỡ màng nhĩ, tất cả trở thành một tiếng động duy nhất, không ai có thể tưởng tượng lúc ấy ra sao, chú vừa nói vừa bịt hai tai, và trên cái tiếng động nghe như cơn cuồng phong bao trùm tất cả, giọng chú vẫn cực kỳ nhẹ nhàng, tiếp tục tả lại cảnh thằng Monolo cố chồm dậy đúng vào lúc cái khối khổng lồ, đen đủi, nặng nề tràn ngập lên chú, Alonso, hai tay chú dang ra, diễn lại lúc thân thể bị xé toạc thành hai mảnh, chú bé đứng giữa phòng khách nhìn quanh nhưng chẳng thấy một ai, trong khi chúng tôi lặng im nhìn người đàn bà đứng lên, dìu chú bé ra ngoài với cử chỉ trìu mến vô vàn.
Chúng tôi ngồi đó hồi lâu, rồi đi lên boong. Tôi đứng nơi đuôi tàu, đưa mắt nhìn bờ phía nam, từ đó vọng về những tiếng động xa vời. Tôi không nhìn thấy gì ngoài bóng sáng con tàu phản chiếu trên mặt nước láng như xa-tanh. Sự thể là thế đấy. Thế giới vẫn tiếp diễn màn đeo mặt nạ của ngày và đêm như nhắc ta tìm về ký ức, và cho dù ta có về chốn khác, ta vẫn nhìn thấy nó. Đất này quen thuộc với tôi dù ngoài kia trời nước còn mông lung, tôi biết có gì xảy ra trên những bờ xa xôi ấy. Chúng tôi sẽ vượt qua eo Obidos, lạc vào chốn mê cung chằng chịt sông ngòi đầy bùn lầy vàng sánh, cây cối rừng già cách một tầm tay, qua Furo Grande tàu chúng tôi sẽ lướt chạm cành cây ngọn cỏ. Tôi biết cả, vì tôi có lần qua đây. Trẻ con da đỏ trần truồng trên những chiếc mành, chòi tranh dựng trên cột nằm trên nước, thuyền độc mộc với những người chèo hình dạng cổ quái, từng đàn khỉ chuyện trò la hét trong vòm cây lúc đêm xuống. Lại xuống lần nữa. Đôi khi một cơn bão chạm điện nguệch ngoạc quệt lên bầu trời đen kịt những chữ giận dữ, chớp nhoáng, lập lòe không tài nào đọc ra. Qua rồi eo Obidos, hiện về dãy núi phẳng phiu như những cái bàn cổ quái, qua rồi Santarem, nửa đường đi tới Manao với ngôi nhà hát lớn kỳ cục, nước dòng Tapajos màu lục trộn với bùn vàng óng, và màu lục kia, cái lục chói chang chen với sắc đỏ, sắc vàng của những con vẹt, đàn bướm như tấm thảm muôn màu nhấp nhô, và về khuya những con bướm đêm mượt tơ nhung lớn cỡ bàn tay, nướng đôi cánh trong những ngọn đèn trên boong. Và cứ thế mà đi, có gì như gánh nặng, trì xuống, và bọn lữ hành chúng tôi như giữa cõi u minh.
Mỗi buổi tối, nếu ta có thể dùng chữ ấy, một trong chúng tôi kể một câu chuyện về mình, và có thể tôi đã biết chúng, cũng có thể không, và mỗi chuyện thường là đoạn kết của một chuyện khác, dài hơn. Điểm khác nhau là những người kia hình như biết rõ hơn tôi sẽ kể chuyện nào. Vâng bây giờ tôi hiểu, nhưng lúc đó thì không. Người kể chuyện không có đoạn kết là người kể chuyện tồi, bạn cũng biết thế. Chẳng ai tỏ vẻ sợ hãi, tôi nhận thấy thế. Chúng tôi đã quá giai đoạn ấy. Riêng tôi cảm thấy một nỗi hân hoan khó tả.
Dòng sông hẹp lại nhưng vẫn còn to như cái hồ. Tại Manao chúng tôi vượt lằn ranh rẽ hai con sông Amazone và Rio Negro, nước đen ngầu chảy song hàng với nước màu nâu ở giữa, hai màu thách đố sự hội nhập, màu nước đen của chết chóc chùi bóng như mã não, màu nâu ngăm, bền bỉ, gợi lên sự cách trở, tính rừng rú. Tôi không biết khi nào đến lượt mình, giờ thì tôi hài lòng vừa nghe chuyện vừa ngắm những người kia, tôi đọc những mẩu giai thoại về đời họ như ai đó đã bịa cho riêng tôi. Ông linh mục lắng nghe chuyện gã Harris như một lần nữa nghe con chiên thú tội, Harris không phải nghe cha Fermi bởi vì lúc đó ông đã đi rồi. Hắn là người thứ hai kể chuyện, và chúng tôi nghe hắn cũng như nghe những người còn lại, đấy là một nghi thức giã từ, tôn vinh cái ngẫu nhiên đã gắn bó chúng tôi với một thời điểm, một không gian, một cái tên. Và chúng tôi đãi nhau lịch thiệp, chúng tôi chết cái chết của nhau, chúng tôi giúp nhau kéo dài thêm phút giây cuối cùng cho đến hồi kết cục, nhưng việc đâu có hết, còn phải suy ngẫm, và thời gian đối với chúng tôi như chẳng có hạn kỳ.
Harris có lần bị đâm trong một quán rượu ở Guyanne, những giây phút bất tận lúc con dao bạc sáng loáng xuyên qua cơ thể, hắn vẫn có thì giờ bước lên tàu ở Lisbon để cùng đi với chúng tôi, và nhát dao chí mạng ấy vẫn còn mãi đấy. Rắc rối vì một mụ da đen trong ổ điếm ở ngoại ô thành phố Georgetown, tuy cách đấy cả nghìn cây số hắn vẫn thấy con dao ghen tuông nhắm vào người, hắn đã gói ghém cuộc đời trong khoảnh khắc ấy, và điều làm hắn mãi ngạc nhiên khi thấy cuộc sống theo lô-gic của nó - đúng là từ hắn dùng - cứ thế mà trôi.
Mười ba phút, ông phi công Dekobra còn nhớ rõ mồn một, thời gian từ lúc một trong bốn động cơ ngừng chạy cho đến khi ông đụng mặt biển. Tiếng động lúc tiếp cận. Ông kể cho chúng tôi về đám mây giữa vòm trời không gợn chút mây, và vì mặt trời chiếu từ đàng sau, nó tựa như một người khổng lồ làm bằng bạc choán cả bầu trời đi tới gần. Lúc ấy ông không nghĩ đến mấy trăm khách hành hương từ Mecca trở về trên chuyến bay đặc biệt do ông lái, mà ông lại nghĩ đến bà vợ ở Paris và cô nhân tình ở Jakarta, và nhất là hai cái hộp tầm thường nằm trong tủ đông lạnh, đâu đó dưới kia. Mọi sự liên tục diễn ra. Máy rađa trục trặc trở lại, phải một lúc sau ông mới nhận ra đám mây chỉ là bụi tro phun ra từ miệng núi lửa Kracatau dưới kia, ông nghe tiếng động cơ theo nhau chết dần, nhiệt độ từ 350 tụt xuống thê thảm vì thiếu chất đốt, cố nhiên ông sợ chứ, ông cố gắng cho máy nổ lại với bộ phận điện dự phòng, nhưng chẳng có phản ứng nào, sức đẩy nào, và đột nhiên ông có cảm giác như đang bay lần đầu tiên trên chiếc tàu lượn, đã lâu lắm rồi, chỉ khác lần này ông lái cái tàu lượn lớn nhất chưa từng có qua không khí vang lên tiếng rào rào thật xa lạ, ông nghe tiếng la hét đằng sau, ông đã phải sử dụng bình điện dự trữ, ông đã đánh đi tín hiệu báo nguy, và giữa những hoạt động tới tấp ấy, ông cảm thấy tự nhiên dâng lên một niềm thanh thản kỳ diệu. Nó kéo dài cả năm, nhờ đó ông có thể viết xong cuốn hồi ký về chiến tranh, những trận đánh trên không, những vụ dội bom, về hai người đàn bà trong đời ông, hai người mà ông không bao giờ quên nấu cho họ món ăn đặc biệt trước khi bay, để lại trong tủ lạnh, món ăn mà họ sẽ dùng khi ông đáp xuống bên kia địa cầu, hành động lố bịch, thật trẻ con, nhưng đối với ông đấy là nguồn thích thú ngầm, cũng như ông khoan khoái tưởng tượng một khi ông đi thật rồi, hai người đàn bà chưa hề biết nhau ấy, sẽ thưởng thức món ăn tự tay ông nấu, khi ông không còn trên thế giới này nữa, và ông hỏi chúng tôi thấy câu chuyện này thế nào, có buồn cười không, vâng, chúng tôi thấy nó thật buồn cười, nhìn thẳng vào đôi mắt xanh nghiêm nghị của ông, và ông rời chúng tôi, lưng ông thẳng đơ, bước chân đi như có ai búng, một người không hề biết sợ, đã có lần lèo lái chiếc máy bay lớn nhất thế gian lướt qua không trung như mảnh đồ chơi bằng giấy xếp lại, ông nắm bàn tay bạn chìa ra, và tôi thấy hai người biến khỏi cánh cửa kính phòng khách.
Đêm ấy là đêm cuối cùng tôi mơ về tôi nằm trên giường ở Amsterdam, nhưng tôi, kẻ nằm trên giường, bắt đầu làm tôi phát chán. Trán đẫm mồ hôi, nét mặt co quắp, còn gì khổ ải đau thương hơn, dù rằng trong lúc ấy tôi đang yên lành ngược dòng Amazone, chiếc đồng hồ báo thức nằm cạnh tôi, ở đấy thời gian như bị keo dính lại, trong khi tôi đã nếm bao nhiêu chuyện trần ai. Tôi nghĩ rằng hắn cứ thế phải tiếp tục, nét khổ đau trên mặt hắn chẳng dính líu gì với nỗi vui thoát tục ở tôi, nơi đây. Chỉ còn lại ba chúng tôi, và riêng với một kẻ chuyên nghề văn chương cổ điển với định kiến mọi chuyện phải có đầu có đuôi, tình thế này chẳng mấy sáng sủa. Tôi không có khả năng cho máy bay đáp xuống vào trường hợp khẩn trương, chưa ai từng dí dao vào người tôi, lần duy nhất tôi phải đương đầu với bạo lực là khi bị lão Arend Herfst hành hung, nhưng nói cho cùng lão cũng chỉ đánh khẽ thôi.
Cha Fermi không phải bận tâm tới những chuyện như thế. Ông kể lại niềm hân hoan khi được cha xứ cho phép làm cuộc hành hương tới thăm Santiago de Compostella. Trong trí ông còn in đậm hình ảnh cây cột lớn nơi lối vào thánh đường, dân hành hương từ nhiều thế kỷ đã đặt tay vào để tỏ nỗi vui sau chuyến đi gian truân, vì thế trên mặt cẩm thạch chùi nhẵn đã trũng xuống thành hình một bàn tay. Phải công nhận đó là một hình ảnh sinh động, tôi làm thế nào diễn tả tới mức ấy trong cuốn Chỉ nam du lịch miền Tây và Bắc Tây Ban Nha của tiến sĩ Strabo. Tôi chỉ ghi lại thôi, nhưng ông dựng lên được hình ảnh thật độc đáo: làm sao một bàn tay áp vào cột đá lại có thể nhấc lên hạt bụi cẩm thạch tí xíu, mắt trần không nhìn thấy, và vô số bàn tay qua bao nhiêu thế kỷ, bằng một động tác lặp đi lặp lại, đã khắc vào đá một bàn tay tập thể vốn không có ở đấy. Phải mất bao lâu nếu một người phải làm việc đó một mình? Hai chục thế kỷ, có thể lắm chứ. Tôi hiểu ông nói gì, bởi vì tôi là một trong những nhà điêu khắc ấy, tôi từng đặt bàn tay tôi nơi bàn tay trũng xuống ở đấy. Cha Fermi thì chưa bao giờ làm thế. Khi ông đến Santiago sau cuộc đi bộ dài ba tháng khởi đầu từ Milan, ông đã làm như mọi người khác (đề nghị của tiến sĩ Strabo): trèo lên đỉnh ngọn Monte Gozo để ngắm bóng dáng ngôi giáo đường từ xa, ông đã quỳ và cầu nguyện, và sau đó ông chạy bổ xuống đồi như kẻ xuất thần (ông kể chi tiết này hơi ngượng ngùng) và dưới chân đồi, khi ông băng qua đường "để bước phía bên phải", một chiếc xe cứu thương đã húc vào ông. Cũng như ông đã diễn lại cuộc hành hương cho chúng tôi, ông già với bước chân nhún nhảy, bây giờ ông nhảy giật lùi dưới sức nặng chiếc xe cứu thương ấy, quơ tay chới với như đụng phải một con chim khổng lồ bay tới, một thiên thần hung ác. Giáo sư Đặng phải chồm lên giữ ông cho khỏi ngã, nhưng ông chẳng hề để ý, mắt ông chăm chú nhìn một mình bạn. Bạn đã làm để ông lưu ý? Giữa chúng tôi không ai biết những người kia thấy gì khi ông kể cho bạn chuyện này, có gì nơi khuôn mặt bạn, hiển hiện hay ngấm ngầm, chờ đợi hay dửng dưng, phải có gì đấy liên quan tới sự hoàn thành. Tôi tự hỏi.
Chỉ còn lại ông Đặng, và bây giờ đến lượt ông. Con tàu như bò đi, miễn cưỡng chuyển mình. Chung quanh toàn rừng rú giữa đêm mịt mùng. Xông về mùi cá khô và mùi trái cây ung thối từ một xóm thôn. Thỉnh thoảng có tiếng trẻ con trên sông, một chiếc xuồng chở dân da đỏ đi qua, tiếng máy thuyền nấc lên một hồi trước khi lịm hẳn. Coari, Fefé, ở đây thế giới còn mang những địa danh.
Hai bạn đã có mặt ở đấy khi tôi đến. Tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện tôi một mình. Bạn mang khuôn mặt Persephone (Cha Fermi: "Một học giả văn chương cổ điển như ông hẳn phải biết cái chết là một người đàn bà chứ"). Nhưng giáo sư Đặng thấy cái gì khang khác, có gì như ăn nhập với Khuất Nguyên, người thi sĩ bạn vong niên của ông, cũng như Ovid với tôi, và bỗng nhiên giọng ông vang lên, nhại tiếng đám đông tố khổ ông, những sinh viên của chính ông trong những ngày tháng Cách mạng văn hóa. Chúng bắt ông đứng trên bục, chúng khạc nhổ vào ông, đánh đập ông vì tội phản cách mạng, đắm mình trong thú tiêu khiển đồi trụy phong kiến của giai cấp bóc lột, dám tâng bốc bọn bè lũ từng nhục mạ nhân dân, chúi đầu vào thói dị đoan và cảm xúc cá nhân của một thời xưa bỉ ổi. Ông đã may mắn bởi vì ông sống sót. Bị phát vãng về một vùng quê hẻo lánh, ông ở đấy cho đến khi tình thế đổi thay, nhưng có gì đã rạn nứt trong ông. Như Khuất Nguyên trước đây, ông cảm thấy bị hãm trong một thế giới bệnh hoạn ông chẳng ham sống chút nào, và dù cho bánh xe đổi thay lại chuyển vòng lần nữa, ông đã quay lưng và trốn chạy. Ông trích dẫn nhà thơ yêu chuộng này: "Buổi sáng vừa bị vu khống, thì ngay tối hôm đó lại bị tống đi".
Với hành trang vỏn vẹn có bài thơ, ông cất bước ra đi cho đến khi ông tới một dòng sông, ở đấy ông bỏ lại trên bờ cuộc đời ông như vật phế thải. Nước trĩu dìm áo quần ông xuống, người ông nổi như một con thuyền, chờ gió lên để bắt đầu chuyến đi lớn. Chung quanh ông nước thì thào với đủ thứ giọng, dịu dàng, nhẹ ngọt. Ông nâng cánh tay vẫy bạn, hầu như ông đã biến đâu mất rồi, phải chăng người ông làm bằng thứ nguyên tố thật mong manh, từ thời thái cổ. Và bạn cũng vẫy tay, đứng dậy. Trong tấm kính từ xa nơi phòng khách tôi thấy tôi ngồi một mình và nghĩ về người đàn ông ở Amsterdam, tay hắn nắm tấm hình, giấc mơ hắn mơ về tôi đang nghĩ về hắn. Tôi bước ngang qua lão Socrates, đi về hướng cửa. Tôi nhìn vào cặp mắt mù dưới hàng lông mày thô, cái sọ người tiền sử đăm chiêu đang nghĩ về tôi ở Amsterdam.
Con tàu đi không để dấu vết gì trên nước, mặt nước lặng tờ, đen ngầu, loáng thoáng những con rắn, bọ cạp, biểu tượng cho thần thánh anh hùng phản chiếu trên mặt gương thẫm màu. Thật là hạnh phúc nếu làm được như giáo sư Đặng từ từ lủi xuống nước, tôi đã thấy nét phớn phở trên mặt ông. Tiếng cóc nhái khàn khàn vang lên từ bờ sông. Tôi đứng đấy từ bao lâu tôi không còn biết, mặt trời phía đông một lần nữa làm cánh rừng bừng lên như đám cháy. Lại một ngày chóng vánh thoáng qua và màn đêm buông xuống, phủ lên cây cối, chim muông, tất cả. Người đàn ông ở Amsterdam đi ngủ không hay biết chuyến lữ hành đang chờ hắn. Ai đó sẽ tìm thấy hắn sau khi tôi kể cho bạn chuyện này. Người ta sẽ đến và đặt cái xác cồng kềnh của hắn nằm lại ngay ngắn, đút nó vào lò hỏa táng ở Driehuis - Westerwell. Cái gia đình khó thương của tôi sẽ quẳng đi bản dịch Ovid, không chừng lại đốt nó đi, xin ông trời chứng giám cho, những cuốn chỉ nam du lịch của tiến sĩ Strabo còn được tái bản trong mươi năm nữa, cho đến khi một thằng khùng khác xuất hiện để viết chúng, một học sinh cũ đọc cáo phó về lão Herman Mussert và thốt lên: Này, lão Socrates chết rồi đấy, và cùng lúc ấy tôi biến đổi. Không, linh hồn tôi sẽ không làm cuộc du hành như ông Socrates thứ thiệt đã tưởng tượng, hình hài tôi sẽ ngao du mãi hoài, không gì có thể bứng nó ra khỏi vũ trụ, và như thế cái xác ấy phải biến hóa cực kỳ ngoạn mục, nhưng nó chẳng có gì để nói với tôi bởi vì nó đã quên tôi từ lâu. Đã một lần cái nguyên tố tạo nên hình hài ấy đã chở một cái hồn giông giống tôi, nhưng giờ đây nó có nhiệm vụ khác. Và tôi? Tôi phải quay lại, tôi phải rời lan can boong tàu, rời bỏ tất cả, để nhìn bạn. Bạn đã gọi tôi, và tôi theo, thế thôi. Bạn đã dạy tôi bài học về vô thủy vô chung, về chốn không gian nơi vô vàn ký ức có thể chứa trong khoảnh khắc, và trong khi tôi vẫn còn đấy, nhỏ nhoi, ngẫu nhiên, bạn đã dạy tôi nhận chân tầm vóc thật của tôi. Bạn chả cần gọi tôi, tôi đã tới. Không một ai sẽ được nghe câu chuyện tôi kể, không một ai thấy người đàn bà ngồi kia đợi tôi, mang khuôn mặt Krito muôn vàn yêu dấu, khuôn mặt cô bé có thời là học trò tôi, ở cái tuổi non dại có thể nói chuyện thoải mái về sự bất tử. Và rồi tôi kể cho cô ấy nghe, rồi tôi kể cho bạn nghe.

<< Phần I |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 581

Return to top