Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Những lá thư màu xanh

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 424 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những lá thư màu xanh
Minh Ánh

Mặc dù tôi kiếm được khá nhiều tiền và rất tán thành việc phụ nữ làm đẹp song Hương Thảo - vợ tôi - hầu như không thích may sắm quần áo, đồ trang sức, cũng không bao giờ đến các trung tâm thẩm mỹ như mấy nữ đồng nghiệp và đám con gái thời nay.
Nhưng cô ấy lại có một hứng thú đặc biệt là viết thư...
Tuần nào cô ấy cũng viết thư vào các ngày thứ 3, 5, 7. Mỗi lần một lá. Có khi cô ấy dành cả buổi chiều chủ nhật để viết thư. Một năm là 365 ngày, là 52 tuần, trung bình mỗi tuần ba lá, vị chi là 156 lá thư một năm. Cô ấy duy trì việc viết thư một cách đều đặn như một sự đam mê, không bao giờ vì bất cứ lý do gì mà quên viết thư, và cô cứ tự đạp xe ra bưu điện cách đó 1 km để gửi thư...
Hương Thảo còn có một thói quen đặc biệt nữa là rất chăm đến nghĩa trang liệt sĩ. Hầu như ngày rằm, mồng một, ngày lễ nào cô cũng đến đó lần lượt thắp hương cho hàng chục ngôi mộ trong nghĩa trang, mặc dù họ hàng nhà chúng tôi không có ai là liệt sĩ cả.
Nói thật, tôi không quan tâm là cô ấy viết thư cho ai và tại sao lại đến nghĩa trang liệt sĩ. Vì những cái đó không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi cả. Cô ấy vẫn chu đáo và không quên điều gì làm cho tôi hài lòng. Về việc viết thư thì tôi có thắc mắc, một vài lần tôi để ý liếc những lá thư cô ấy đặt trên bàn chuẩn bị đem đi gửi và thấy đề: "Con gái gửi Bố Mẹ". Thế là ổn. Tôi chẳng dại gì đả động đến chuyện đó vì chính tôi đã khiến cô ấy phải xa bố mẹ, xa gia đình cô ấy (trước khi cưới tôi đã thỏa thuận sẽ không bắt cô đi đâu rời xa cái thị trấn nhỏ bé của cô. Nhưng mới được một tháng thì tôi đột ngột phải chuyển công tác vào Nha Trang. Tất nhiên là cô ấy phải đi theo tôi).
Mãi đến mùa hè năm nay...
Tôi quyết định đưa vợ con về quê ngoại. Nghe tin ấy, mắt cô sáng lên nhìn tôi đầy biết ơn. Cũng đã gần bốn năm. Mặc dù xe cộ sẵn song công việc cứ cuốn đi nên đến năm nay tôi mới thực hiện được lời hứa là mỗi năm đưa cô ấy về thăm quê một lần. Tuy nhiên, ba năm qua tôi không thấy Hương Thảo nhắc nhở, cũng không giận dỗi gì. Quả thực tôi đã rất biết ơn vì điều đó chứng tỏ cô hiểu và thông cảm với tôi.
Vừa nghe tin vợ chồng tôi về, họ hàng đến chơi rất đông. Dù thực lòng không hứng thú và mệt mỏi vì sự quan tâm thái quá ấy, song chứng kiến cái cảnh mọi người vui mừng khi vợ tôi trở về, tôi cũng phải thầm nể phục cô ấy, và trong lòng dâng lên một cái gì giống như là tình yêu, hoặc là cảm giác hãnh diện.
Đến buổi tối thứ hai thì cô ấy để tôi ở nhà, còn cô bế cu Bi đi chơi. Buổi tối thứ ba, thứ tư cũng vậy. Tôi hài lòng và lấy làm biết ơn vì điều đó chứng tỏ vợ tôi vẫn luôn hiểu tôi. Trừ khi là những cuộc giao tiếp bắt buộc vì công việc, tôi chỉ thấy hứng thú khi đi chơi cùng với những người bạn, còn với họ hàng thì quả thực..., tôi thích ngủ hơn. Và tôi thường đền đáp sự tế nhị của Hương Thảo bằng cách chủ động đưa cho cô ấy số tiền đủ để cô giao tiếp họ hàng và bạn bè.
Có một lần, tôi buột miệng nựng thằng con khi bế nó đi dạo ở bên bờ sông:
- Bi đi chơi với mẹ có vui không?
Thằng bé hồn nhiên đáp:
- Có ạ.
Tôi vui miệng hỏi tiếp:
- Vui như thế nào nào?
Cu cậu tỏ vẻ rất hứng khởi:
- Nhà ông bà có nhiều con chim đẹp lắm. Nó kêu chích chích chích.
- Ông bà nào cơ?
- Ông bà ở đằng kìa kìa. - Thằng bé hồn nhiên chỉ tay qua bên kia sông - Đấy, nhà ông bà đấy.
Tôi nhìn theo tay thằng bé chỉ và thấy lạ là chưa bao giờ Hương Thảo kể cho tôi nghe về một người họ hàng nào ở bên kia sông. Tôi tò mò hỏi tiếp cu Bi:
- Tối nào mẹ cũng đưa Bi sang nhà ông bà chơi à?
- Vâng ạ.
- Thế hôm nay Bi đưa bố sang nhà ông bà chơi đi.
Thằng bé nghe thế thích quá trườn khỏi tay tôi chạy lon ton về phía trước dẫn đường.
Một bà già ra mở cổng cho chúng tôi vào. Bà tỏ vẻ mừng khi nhìn thấy cu Bi, còn cu Bi thì chạy lại ôm chầm lấy bà như là quen thân lắm. Bà già nắm tay cu Bi ngẩng lên nhìn tôi, như lạ, như quen, nửa mừng vui nửa e ngại. Tôi không biết phải nói gì đành chào một câu xã giao rồi theo bà vào nhà.
- Anh là... - Bà già ngập ngừng rót nước mời tôi - bố cu Bi...
- Dạ, vâng ạ. - Tôi lễ phép đáp, vẫn chưa biết phải bắt đầu như thế nào.
- Thật quý hóa quá. Ông nhà nó ơi - Bà quay ra cửa gọi vọng ra vườn - Ông ơi, nhà có khách này, bố thằng Bi đến nhà mình chơi này.
Tôi thật sự bối rối không hiểu tại sao mình lại được tiếp đón nhiệt tình như vậy. Từ ngoài vườn cây sum sê, một ông già đi vào, dáng chậm rãi và điềm đạm.
- Con chào ông. Dạo này ông có khỏe không ạ? - Tôi cố nhớ một câu mà Hương Thảo hay nói khi gặp người già để nói trong hoàn cảnh này cho đỡ ngượng.
- Ơn trời, nhờ thằng Nghĩa nó phù hộ nên ông bà già vẫn khỏe - Bà già nhanh miệng trả lời - Nhưng công lớn nhất phải kể đến con Thảo, nó làm cho ông bà già này nếu ốm là thấy có lỗi với nó.
- Dạ...
- Anh cũng đỡ rồi chứ. Con Thảo bảo mấy hôm rồi anh mệt.
- Dạ... - Tôi ngơ ngác.
- Con Thảo ăn ở hiền thảo nên trời phật cũng thương, lấy được anh là người hiểu biết, rộng lượng, là phúc cho nó, cũng là an ủi hai ông bà già này - Bà già đưa tay chấm mắt, giọng nói xúc động.
Quả thực là tôi không hiểu gì. Thấy bà khóc tôi vô cùng bối rối, đành nói bừa:
- Dạ, có gì đâu ạ.
- Hôm nghe tin anh với con Thảo về, tôi định bảo ông nó sang cảm ơn, nhưng hôm sau con Thảo sang nó gàn mãi nên lại thôi. Anh thật đức độ quá, vẫn còn mệt mà đã sang thăm.
- Dạ, con có làm được gì cho hai bác đâu ạ - Tôi nói rất thật trong sự ngỡ ngàng.
- Cũng xin được thưa lại với anh - Ông già từ khi bước vào nhà lúi húi pha chè, chậm rãi và cẩn trọng rót đầy ba cái chén hạt mít cho ba người, xong mới bắt đầu nói - Lần đầu con Thảo gửi tiền về, tôi đã khó nghĩ quá. Bà nhà tôi nhất định không nhận, bảo nó là phận gái theo chồng phải toàn tâm lo cho nhà chồng, tiền nong ở đâu mà gửi về.
- Khi viết thư về nó dọa ông bà già không nhận thì nó sẽ... - Bà già nói xen vào - Nó dọa thế nhưng ông nhà tôi vẫn nhất quyết không, phải đến khi anh gọi điện về thì ông nhà tôi mới xuôi xuôi... Thì thôi, cũng là tấm lòng của các con, mình từ chối quá phải tội.
- Dạ, vâng - Tôi càng lúc càng trở nên như một kẻ mơ ngủ. Hai ông bà vẫn mỗi người một câu lần lượt kể cho tôi nghe câu chuyện lạ lùng, như tôi là người rất quen, thậm chí là một nhân vật trong câu chuyện đó, trong khi thực sự là tôi chưa bao giờ gặp, mà cũng chưa bao giờ nghe Hương Thảo kể chuyện về họ. Song tôi ngờ rằng không phải là họ nhầm lẫn gì mà là tôi đã và đang bị Hương Thảo giấu giếm một chuyện gì. Song chuyện ấy là như thế nào, thật giả, tốt xấu thì chưa thể rõ được. Không muốn sa đà quá vào câu chuyện để như vô tình bị lộ là tôi không hề biết gì về họ, tôi lựa lời nói những câu vô thưởng vô phạt dựa theo câu chuyện:
- Có gì đâu ạ, chúng con là phận làm con, làm được gì cho ông bà những lúc còn khỏe là chúng con vui.
- Cảm ơn anh. Nhưng... - Ông già tỏ vẻ ngập ngừng - Hai người già thì ăn tiêu đáng bao nhiêu mà tháng nào anh chị cũng gửi ra. Thôi thì chúng tôi cũng không biết phải làm thế nào, đành cũng nhờ người làm cái sổ tiết kiệm, mỗi tháng gửi vào đấy một ít, gọi là để dành cho cu Bi, bao giờ nó lớn, nó đi học.
- Nói thực chúng tôi cũng không dám hở chuyện này cho con Thảo - Bà già tiếp lời ông già - Vẫn định bụng khi nào gặp anh mới nói, không phải là chê gì tiền của anh với con Thảo, nhưng mỗi tháng tôi có tiền của thằng Nghĩa, rồi cóp nhặt vườn quả đã đủ lắm. Nhà cửa thì Nhà nước lo cho rồi. Cái nhà này, hồi đầu năm bà con chòm xóm và các anh chị ủy ban xây cho đấy. Thế thì phải lo gì nữa. Mà anh với con Thảo thì cũng đỡ phải vất vả... cho nên...
- Tôi xin gửi lại anh sổ tiết kiệm này - đến lượt ông già nói - Mỗi tháng, thay vì gửi cho tôi, anh gửi số tiền ấy vào đây, cứ coi là của chúng tôi cho thằng Bi.
Tôi bất ngờ quá đỗi. Không biết phải xử sự thế nào. Cuối cùng, tôi nghĩ ra kế hoãn binh, nói rằng việc này tôi không quyết được, phải về hỏi lại Hương Thảo. Rồi tôi vội vàng xin cáo lui.
Cả hai người cùng đứng dậy tiễn tôi. Ra đến cửa, tôi quay lại nói họ không phải tiễn nữa thì thật bất ngờ, nói chính xác là lại thêm một bất ngờ nữa khi tôi nhìn thấy trên ban thờ nhỏ mé đầu nhà bên trái có ảnh một thanh niên trẻ, chỉ chừng 25 tuổi. Trong trang phục sĩ quan công an, trông anh ta chững chạc và nghiêm nghị, song đôi mắt rất sáng và ánh nhìn có vẻ hiền hậu. Tôi chưa bao giờ biết về người con trai này, và điều khiến tôi ngạc nhiên là ở chỗ trên ban thờ đang nghi ngút khói hương đó có một cái đĩa gỗ, trên đĩa gỗ đặt một chồng thư...
Bạn có thể hình dung được không. Đó là những bức thư của Hương Thảo, vợ tôi. Tôi có thể dám chắc điều đó vì những bức thư của Hương Thảo không thể lẫn vào đâu được. Suốt ba năm qua từ khi theo tôi vào Nha Trang, Hương Thảo luôn viết thư đều đặn một tuần ba lần, và tất cả những lá thư ấy đều được đặt trong phong bì do cô ấy tự làm bằng giấy pơluya mầu xanh. Tôi cũng đã một lần hỏi về những chiếc phong bì mầu xanh ấy và Hương Thảo bảo đó là một ý thích nho nhỏ từ thời học sinh. Thế mà hôm nay tôi lại thấy những phong bì thư mầu xanh, cái ý thích nho nhỏ của vợ tôi ở đây, trong ngôi nhà của hai ông bà già xa lạ, trên ban thờ một chàng trai trẻ. Có lẽ nào lại thế được.
Bà già là người tinh tường. Nhìn thấy vẻ ngỡ ngàng hiện rất rõ trên mặt tôi, bà mới bảo:
- Thư con Thảo gửi về, chúng tôi đọc xong lại để lên trên đấy, cho thằng Nghĩa về thấy để nó yên tâm là chúng tôi vẫn được con Thảo chăm sóc chu đáo.
- ...
Không biết nói gì, tôi cúi đầu, vâng một câu rất nhỏ và đi về. Mặc dù ra đến bờ sông, tôi đã hít một hơi thật sâu và thở mạnh song vẫn cảm giác rất rõ ràng máu đang dồn lên nóng rát trong huyết quản. Rõ ràng đây không phải là chuyện đơn giản, không phải là một ý thích nho nhỏ nào hết. Hương Thảo đang giấu giếm, thậm chí lừa dối tôi. Là chuyện gì và như thế nào thì tôi vẫn còn chưa rõ ràng. Cái vẻ kín đáo và thầm lặng của cô ấy, ánh mắt dịu dàng và đượm buồn của cô ấy, nụ cười mỉm thường trực của cô ấy... không phải là một đặc tính tốt đẹp nào hết, mà là để che giấu cái gì đó. Càng nghĩ, tôi càng thấy đau đớn và giận dữ, một cảm giác gần giống như của một thằng đàn ông bị cắm sừng. Tôi sẽ hỏi cô ấy mọi chuyện ngay bây giờ.
Nhưng Hương Thảo đã đi vắng từ sáng. Cô ấy không nói rõ ràng là đi đâu, chỉ nói tôi ở nhà đợi cô ấy về để đi ăn cơm mời ở nhà một người bạn. Chỉ ngày kia là chúng tôi sẽ trở vào Nha Trang.
Tôi không thể ngồi đợi Hương Thảo về để hỏi. Câu chuyện có quá nhiều mờ ám mà tôi muốn biết ngay bây giờ. Nhưng biết tìm cô ấy ở đâu? Đang quay cuồng trong những sự ức chế ghê gớm, bất chợt một ý nghĩ vụt sáng trong đầu và tôi tin chắc mình sẽ tìm được cô ta ở đâu.
Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn nằm ở chân đồi thông. Đó là một nơi yên tĩnh và cách biệt hẳn sự ồn ào của phố xá. Tôi thận trọng quan sát để giành thế chủ động theo dõi Hương Thảo mà không để bị phát hiện. Quả đúng như dự đoán, vừa bước chân vào cổng nghĩa trang tôi đã nhìn thấy Hương Thảo. Cô ấy mặc một chiếc áo mầu thiên thanh đã lỗi mốt từ lâu mà có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy cô ấy mặc nó. Tôi bỗng thấy ngạc nhiên rằng tại sao sáng nay khi cô ấy đi tôi đã không nhận ra sự đặc biệt ấy. Rõ ràng đây không phải là sự vô tình mà lại là một ý thích nho nhỏ. Dù không nhiều óc tưởng tượng và sự lãng mạn song tôi đã lờ mờ nhận ra thực chất của vấn đề. Thì ra cô ấy không hề yêu, chưa bao giờ chung thủy với tôi suốt bao nhiêu năm qua. Lúc nào, trong tâm tưởng của cô ấy cũng chỉ có một người đàn ông nằm kia, mà chắc chắn là người tình cũ của cô ta. Dù anh ta có là liệt sĩ thì cô ta cũng không có quyền lừa dối tôi như vậy. Việc phát hiện sự thật muộn màng cùng với việc mục sở thị cảnh cô ta đang tình tự với người tình trong tâm tưởng làm tôi đau đớn và giận dữ còn hơn khi nhìn thấy chồng thư giấy pơluya mầu xanh. Với suy nghĩ độc ác theo cách đầy bản năng của một thằng đàn ông bị phụ tình, tôi lặng lẽ đi về phía cô ta để bắt quả tang, lột mặt nạ giả dối của cô ta.
Hương Thảo giật mình quay lại, thảng thốt và hoảng sợ khi nhìn thấy tôi. Đúng là ánh mắt của một kẻ phạm tội. Tôi đắc thắng, không nói không rằng nhìn thẳng vào bộ mặt tội lỗi của cô ta. Hương Thảo lắp bắp:
- Anh, làm sao anh biết....
- Đúng là tôi biết hơi muộn - Tôi cảm giác rất rõ hai hàm răng mình sít lại - Có sự giả dối bỉ ổi nào mà cuối cùng không bị phơi trần ra ánh sáng đâu. Chỉ là trước hay sau mà thôi.
- Anh hiểu nhầm rồi - Mặt Hương Thảo tái đi.
- Nhầm, nhầm cái gì hả - Tôi cười khẩy - Kể ra thì ghen với một thằng đàn ông dưới mồ cũng là chuyện không bình thường...
- Anh không được xúc phạm anh ấy - Hương Thảo đột ngột đanh giọng, khuôn mặt từ tái chuyển sang đỏ hồng lên. Tôi bất ngờ quá đỗi, lại còn đến mức ấy, thật quá sức chịu đựng, tôi cũng không cười nữa mà quát vào mặt cô ta:
- Được lắm, cô cứ ở đây với mối tình chung thủy của cô. Ở đây, mãi mãi. Cô không cần phải quay về Nha Trang nữa. Tôi sẽ gửi đồ đạc của cô qua đường bưu điện. Cô yên tâm, sẽ không thiếu một cái phong bì thư nào đâu.
Nói xong, tôi hầm hầm đi thẳng về nhà lấy hành lý, mang theo cu Bi ra sân bay về ngay Nha Trang.
Tôi về nhà chưa lâu thì Hương Thảo cũng đến nơi. Có lẽ cô ấy đi chuyến bay ngay sau đó. Điều đó làm tôi thích thú một cách độc ác (vì cô ấy phải chạy theo tôi) nhưng lại làm tôi bực bội vì không có cơ hội trả đồ đạc cho cô ta với những phong bì thư mầu xanh.
Hương Thảo bước vào nhà một cách bình tĩnh và điềm đạm, dù đôi mắt thâm quầng, má có hơi tóp lại và da mặt thì sạm đi. Có lẽ cô ấy đã khóc nhiều. Nhưng tôi chưa kịp thưởng thức sự thích thú vì đau khổ của cô ấy thì cô đã chủ động nói:
- Tôi cần nói chuyện với anh, nếu anh muốn thì là lần cuối cùng cũng được, nhưng chúng ta cần nói chuyện với nhau như hai vợ chồng một lần này nữa, anh cứ coi như tôi cầu xin anh cũng được.
Mặc dù cô ta nói là cầu xin, song nghe giọng lạnh và đầy quyền uy. Tôi tò mò xem cô ta định bày trò gì.
- Được, tôi nghe đây.
Tôi mệt mỏi nằm ngả trên salông, và bất chợt thấy mắt cay cay. Không phải là khóc, song cổ họng chát đắng và một cảm giác mệt mỏi chán chường, trống rỗng ùa đến làm cho từng tế bào trong người như rời ra. Chao ôi, người phụ nữ hoàn hảo, niềm tự hào của tôi... Trong một phút, tôi nghĩ đến ngày mai, khi tất cả những đồng nghiệp, bạn bè của tôi biết câu chuyện này, chắc chắn họ sẽ vỗ vai an ủi, song trong lòng họ - tôi là kẻ bị phụ tình, thằng đàn ông bị cắm sừng, họ sẽ xì xào và nhìn tôi thương hại, hả hê, như thỉnh thoảng tôi vẫn vậy với những kẻ bất hạnh khác...
- Anh cần phải hiểu hai điều quan trọng - Hương Thảo bắt đầu nói bằng cái giọng quen thuộc, rành rẽ và chừng mực - Thứ nhất, số tiền tôi gửi cho hai bác mỗi tháng là tiền tiết kiệm của cá nhân tôi. Cũng không nhiều nhặn gì, chỉ 100 nghìn đồng. Hằng tháng, tôi đều cố gắng làm việc xuất sắc và được một khoản tiền thưởng nho nhỏ. Tôi nghĩ tôi có quyền sử dụng vào mục đích của cá nhân tôi số tiền đó. Tôi cũng tiết kiệm bằng cách hạn chế may sắm...
Tôi nói rõ thế để anh yên tâm rằng anh không bị tôi lấy cắp một xu nào hết.
Thứ hai, tôi chưa bao giờ phụ tình anh, dù chỉ là trong tâm tưởng. Anh là người yêu đầu tiên và duy nhất của tôi, ít nhất là cho đến lúc này. Còn người thanh niên trong nghĩa trang là ân nhân cứu cuộc đời con gái của tôi. Tôi kính trọng, biết ơn, và nợ anh ấy rất nhiều. Chỉ thế thôi.
Trong một phút, tôi bật ngồi thẳng dậy, vội vã nhìn vào mắt cô ấy. Hương Thảo vẫn ngồi ngay ngắn ở chiếc ghế đối diện. Cô không để ý đến thái độ của tôi mà tiếp tục dòng hồi tưởng, giọng cô nhỏ đi và mềm hơn, có cả hơi nước.
"Mùa hè năm tôi 16 tuổi. Mẹ cho tôi về quê ngoại chơi. Đó là một vùng trung du heo hút và hoang sơ... - Hương Thảo khóc, hai giọt nước mắt lăn dài trên má cô - Một hôm, tên thanh niên mới quen ở cùng làng rủ tôi đi chơi. Hắn dẫn tôi đi loanh quanh ra đằng sau một quả đồi vắng, bảo là ở đó có hoa mua rất đẹp... Tôi mê mải hái hoa mua, rất nhiều hoa mua tím ngắt... Trời tối lúc nào không biết, thế rồi bỗng nhiên, cả một đám chục thằng thanh niên gớm ghiếc lù lù xuất hiện, quây quanh tôi...
Khi hiểu ra bọn chúng định làm gì, tôi hoảng sợ vùng vẫy, nhưng chỉ kịp hét một tiếng thật to rồi ngất lịm đi".
...
"Tôi tỉnh lại vì nghe thấy những tiếng động rất mạnh. Một thanh niên trẻ đang đánh nhau với mười tên côn đồ vừa định xâu xé tôi. Anh ấy rất trẻ, và chỉ có một mình anh giữa vòng vây của bọn côn đồ. Bọn chúng có cả côn, cả gậy, còn anh ấy thì tay không, nhưng anh có võ. Anh ấy đã đánh cho bốn tên không dậy được. Còn lại sáu tên. Chúng quây anh ấy đằng trước, đằng sau, một tên chạy đi kiếm một hòn đá rất to... Tôi hoảng sợ và hét lên định báo cho anh ấy biết...
Thế là tôi đã giết anh ấy. Chỉ trong một tích tắc anh ấy quay nhìn về phía tôi vì tưởng rằng tôi bị làm sao, tên côn đồ đã choang hòn đá vào anh...
Anh ấy là một cán bộ công an. Nhà anh ở thị trấn nhưng anh đã tình nguyện lên công tác ở vùng quê heo hút ấy. Chỉ còn một ngày nữa là sinh nhật lần thứ 28 của anh. Còn trẻ quá. Thế mà tôi đã giết anh ấy. Đáng nhẽ khi vừa tỉnh dậy, tôi phải chạy đi tìm người kêu cứu, hoặc phải giúp anh ấy đánh lại những tên côn đồ, hoặc ít nhất cũng cứ câm lặng, và đừng kêu tiếng kêu tội lỗi ấy... Nhưng tất cả đã muộn. Anh ấy mới 28 tuổi và bố mẹ anh chỉ có một mình anh... Đó chính là hai bác buổi sáng anh đã gặp".
Hương Thảo nghẹn ngào, nước mắt ướt đẫm khuôn mặt cô ấy.
"Tôi sẽ không bao giờ quên anh ấy, không bao giờ quên được tội lỗi của tôi. Thấy tôi luôn bị ám ảnh, nhiều người đã an ủi rằng đó là nhiệm vụ của anh, vì anh là công an nên anh có trách nhiệm phải làm như vậy.
Anh có cho phép mình nghĩ thế không. Còn tôi thì không, không bao giờ. Sau lần đó tôi đã định bỏ học đến ở chăm sóc bố mẹ anh ấy. Tôi đã xin được làm vợ anh, làm con dâu của hai bác. Nhưng hai bác không cho. Bác gái ôm tôi khóc, bảo rằng nếu tôi thương hai bác, thương anh Nghĩa thì tôi phải tiếp tục đi học, và bác chỉ nhận tôi là con gái.
Tôi nghe lời bác tiếp tục đi học nhưng đã nguyện là không lấy chồng, để được suốt đời thay anh Nghĩa chăm sóc bố mẹ anh. Nhưng cả hai bác đã mắng tôi, giận tôi, thậm chí nói sẽ không nhận tôi là con, sẽ cấm cửa không cho tôi vào nhà nếu tôi còn giữ ý định đó.
Và tôi đã gặp, đã yêu và lấy anh".
"Tôi yêu anh thực lòng - Hương Thảo đã bình tĩnh trở lại - Vì thế tôi mới lấy anh. Song tôi cũng nhận ra rằng anh rất rộng lượng trong giao tiếp vật chất, song lại không phải là người quảng đại trong vấn đề tình cảm. Đó cũng là đặc điểm tâm lý thường thấy ở đàn ông các anh.
... Đã nhiều lần tôi muốn kể câu chuyện của tôi với anh, để thanh thản vì không phải giấu anh điều gì, và mong muốn được anh chia sẻ, nhưng anh đâu phải là một người đủ kiên nhẫn để nghe tâm sự của người khác".
Hương Thảo đã nói toạc ra thói ích kỷ của tôi, làm tôi phát khùng:
- Thế còn những lá thư?
- Khi anh thông báo về việc chuyển nhà vào Nha Trang, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất đau đớn. Tôi chưa bao giờ muốn xa quê, và sau chuyện đó, tôi đã tự hứa dù có đi lấy chồng cũng vẫn sẽ luôn ở bên cạnh hai bác. Nhưng cũng lại chính là bác gái đã hiểu lòng tôi, khuyên tôi về cái đạo làm vợ. Bác ấy tốt như thế càng làm cho tôi khổ tâm hơn. Tôi chỉ còn một cách chăm sóc hai bác từ nơi xa xôi này là viết thư để hai bác không cảm thấy đơn độc...
... Có lẽ anh còn thắc mắc tại sao tôi lại luôn gửi thư bằng phong bì giấy pơluya mầu xanh. Đó là một ý thích từ thời nhỏ của tôi. Tôi yêu mầu xanh và luôn tự làm phong bì bằng giấy pơluya để gửi thư cho bạn bè. Nhưng thời đó chỉ là một ý thích, còn khi gửi cho mẹ anh Nghĩa bằng những phong bì thư ấy, là tôi mong ước về một xã hội yên bình, và hứa với anh ấy sẽ luôn sống tốt...
Thôi, tôi xin anh nghe tôi chỉ ngần ấy. Tôi không làm phiền anh nữa".
Cô ấy đứng dậy đi thẳng, lặng lẽ như một dấu chấm than, không kịp để cho tôi có sự phản ứng nào.
Phải một tuần sau tôi mới đủ can đảm đến khu tập thể tìm Hương Thảo. Một tuần, đêm nào tôi cũng nghĩ về câu chuyện của cô. Tôi không ghen với Nghĩa, nếu quả thực câu chuyện là đúng như thế. Nhưng có thực là có một câu chuyện như thế không, chuyện một người con gái mỗi tuần viết ba lá thư cho bố mẹ của một người đã cứu sống mình trong suốt bao năm qua. Cuộc đời nhiều năm lăn lộn trong thương trường và từng trải trong đời thường, tôi đã nghe đủ thứ chuyện, những chuyện tưởng như phi lý nằm ngoài óc suy đoán của người thường. Nhưng chuyện tương tự như của Hương Thảo thì tôi chưa bao giờ thấy, cũng chưa được nghe. Nếu chỉ để trả ơn thì cô ấy đâu cần phải vất vả như thế? Vậy thì vì sao, chỉ có thể vì cô ta đã quá nặng lòng với người con trai nọ, chẳng phải cô ấy đã muốn làm vợ anh ta rồi đấy ư? - Nhưng Hương Thảo đâu phải là người có thể dối trá, nếu đúng có thế thì cô ấy không thể nồng nàn với tôi đến vậy. Thế là vì sao, lẽ nào... những phong bì thư mầu xanh..., mong ước về một xã hội yên bình... sẽ luôn sống tốt..., phải chăng là như vậy, là như vậy ư, hành động dũng cảm của người con trai trẻ đã làm cho cô ấy xúc động, và nhận ra trách nhiệm của mình trong việc sống xứng đáng với sự hy sinh của anh... Là vậy ư, tôi thở phào, thấy nhẹ bẫng, nhưng cùng lúc ấy, một cảm giác gần như là sự ngượng ngập, cảm giác của một kẻ có lỗi cũng âm ỉ bò lan trong ngực. Bao nhiêu năm qua, tôi làm việc chỉ để kiếm tiền cho cuộc sống của tôi, tôi đã nghĩ rằng chỉ cần kiếm tiền và hưởng thụ cuộc sống, còn lại tất cả đều không quan trọng, và tôi đã làm thế, bàng quan trước tất cả những cái không động chạm đến quyền lợi của tôi, trước cả cuộc đời của vợ tôi... Liệu tôi có xứng đáng với cô ấy, có đủ can đảm xin cô ấy tha thứ không?...
Hương Thảo đang lúi húi dạy cu Bi viết chữ. Tôi đứng trong bóng tối ngắm hai con người thân yêu của cuộc đời tôi. Lần đầu tiên tôi thấy lòng đau thắt khi nhìn dáng cô mảnh mai đến khiêm nhường. Tôi bước đến, lặng lẽ từ đằng sau vòng tay ôm lấy cô, ôm chặt cô vào lòng, tựa cằm trên mái tóc dài thơm mát của cô. Cu Bi vẫn cắm cúi tô chữ. Hương Thảo không quay đầu lại, nhưng cô ấy ở yên trong vòng tay tôi, và tôi có cảm giác một giọt nước ấm nóng rơi trên tay. Nghĩa là cô ấy đã tha thứ. Tôi run run ôm chặt cô hơn nữa, và nôn nóng nghĩ ra những từ thật nồng nàn để xin cô ấy tha thứ, để bày tỏ tình cảm yêu thương của tôi, tôi muốn nói với cô ấy là từ bây giờ trở đi, tôi sẽ cùng cô ấy làm tất cả những công việc trước kia chỉ mình cô làm, sẽ cùng cô đến viếng nghĩa trang liệt sĩ vào những ngày lễ, và gấp những phong bì thư mầu xanh...



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 376

Return to top