Ngàn mây đỡ chân thiếp
Ngàn hoa rải quanh thiếp
Không bằng được gặp chàng
Bên bờ cỏ Trường GiangKhi thánh nữ Đại Ỷ Ty và Hàn Thiên Diệp làm lễ cưới thì hết phân nửa người trong Minh giáo ở đỉnh Quang Minh không đến dự để phản đối.
Họ hậm hực rằng: "Hàn Thiên Diệp là đại địch của bổn giáo, ngày nọ y đã muốn bức tử Dương giáo chủ và dồn mọi người vào tình huống bế tắc, nay sao nàng Đại Ỷ Ty lại chịu lấy y như vậy?". Song nhờ Dương giáo chủ và Tạ Tốn lên tiếng che chở, nên việc kết hôn của hai người hoàn tất. Trước đó, do có công lớn nên Đại Ỷ Ty được tặng mỹ hiệu là Tía Sam Long vương và được xếp ngang hàng với tam vương trong Minh giáo là: Ưng vương, Sư vương, Bức vương, hợp thành tứ vương. Về sau nàng rút khỏi Minh giáo cùng Hàn Thiên Diệp xuống núi. Để tránh sự truy đuổi của các cao thủ đến từ Ba Tư, Đại Ỷ Ty phải cải trang thành một bà già xấu xí "mũi ngửng lên trời, mặt vuông, tai to" và qua lại giang hồ với tên mới là Kim Hoa bà bà. Ngay dáng đi, cũng giả làm lụ khụ, lom khom, với tiếng cười "giống tiếng cú kêu trong đêm khuya". Vợ chồng Đại Ỷ Ty sinh một con gái là Tiểu Siêu cũng gửi đến một nơi tin cậy, không ai biết, để nhờ nuôi giùm. Cứ hai năm Đại Ỷ Ty mới đến thăm con một lần.
Tiểu Siêu lớn lên, xinh đẹp chẳng thua mẹ. Nàng được Đại Ỷ Ty giao vật tín giáo làm thánh nữ, tiếp tục sứ mệnh tìm Tâm pháp Càn khôn đại nã di trên đỉnh Quang Minh - thánh địa của Minh giáo Trung thổ - mang về Ba Tư. Muốn thâm nhập lên đó, Tiểu Siêu phải giả làm bề ngoài nhem nhuốc, biến mình từ cô gái xinh đẹp thành xấu xí, khó coi, miệng méo môi vồ. Nàng giả vờ lếch thếch cô thân trong sa mạc như người bị lạc đường và được tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu thương tình đem về nuôi, cho làm kẻ hầu người hạ trong nhà, trên đỉnh Quang Minh. Ở đó, đã chớm nở tình yêu âm thầm của Tiểu Siêu với một người: Trương Vô Kỵ.
Trương Vô Kỵ do nhiều nhân duyên đưa đẩy đã bị lọt giữa đường hầm hiểm hóc trên núi cao, chưa biết lối ra. Dưới địa đạo đỉnh Quang Minh ấy, Trương Vô Kỵ nghe cô bé Tiểu Siêu hát: "Hôm nay hãy biết bữa nay. Trăm năm thấm thoát đã hay một đời. Mấy ai thọ đến bảy mươi. Thời gian như nước chảy xuôi qua cầu". Nghe lời hát đó, Trương Vô Kỵ nghĩ đến "mười năm qua nếm trải đủ mùi gian khổ, đêm nay bị kẹt giữa lòng núi, trước mắt thấy không còn đường sống, bất giác cảm thấy não lòng"(*). Nhưng rồi, từ địa huyệt âm u đó, hai người tình cờ tìm được Tâm pháp Càn khôn đại nã di chép trên một tấm da dê. Để đọc những dòng chữ loằng ngoằng bí hiểm, Tiểu Siêu phải dùng đến chính máu của mình. Sau đó, Trương Vô Kỵ vận dụng Cửu dương thần công để kết hợp bí kíp tâm pháp, luyện thành "võ công kỳ diệu". Thoát khỏi địa huyệt, họ chứng kiến cảnh sáu đại môn phái bao vây giáo đồ Minh giáo vào giữa, Trương Vô Kỵ can thiệp và "Tiểu Siêu đã xả thân bảo vệ" Trương lúc cần kíp. Sau đó, lúc Trương Vô Kỵ được tôn làm giáo chủ Minh giáo, Tiểu Siêu hết lòng hầu hạ suốt hai năm dài. Trương Vô Kỵ, Dương Tiêu và tất cả quần hào Minh giáo không hề biết Tiểu Siêu xuất thân từ một địa vị tôn quý như thế nào. Họ cũng không hề hay biết Tiểu Siêu là đứa con duy nhất của thánh nữ Đại Ỷ Ty (tức Tía Sam Long vương). Tiểu Siêu vẫn đóng vai một con ở, một đầy tớ trên đỉnh Quang Minh. Những ngày đó, nàng lặng lẽ sống với "nỗi lòng" yêu Vô Kỵ. Dẫu thế, đối với nàng, đó là những ngày đẹp trôi mau.
Đến sau này, khi Trương Vô Kỵ và Tiểu Siêu (cùng Tạ Tốn, Triệu Minh, Chỉ Nhược, Hân Ly) bị hơn mười chiếc thuyền của Minh giáo Ba Tư vây khốn, họ lại kề cận một lần nữa bên cái chết. Mười hai chiếc thuyền ấy đến từ Ba Tư chở theo 12 Bảo Thụ vương sau những ngày truy tìm đã bắt được Đại Ỷ Ty thánh nữ. Bấy giờ, Đại Ỷ Ty đang giả làm Kim Hoa bà bà, chối phăng mọi lời chất vấn. Một trong 12 Bảo Thụ vương là Trí Tuệ Vương liền "cười nhạt một tiếng, đứng dậy giơ tay lột luôn mớ tóc trắng ở trên đầu Kim Hoa bà bà ra, làm hiện suối tóc đen nhánh và nhỏ mượt như tơ (…) lột luôn cái mặt nạ xuống để lộ khuôn mặt đẹp khôn tả". Rồi họ đứng trên thuyền nói to: "Đại Ỷ Ty đã phạm lỗi lớn với Tổng giáo thế nào cũng bị hành hình bằng cách thiêu thân". Tiểu Siêu khóc. Trương Vô Kỵ bối rối. Tạ Tốn nói: "Thà mình có tán thân mất mạng cũng phải cứu Đại Ỷ Ty thoát hiểm". Và họ cứu được Đại Ỷ Ty thật, nhưng diễn biến bất lợi sau đó khiến thuyền họ bị chìm dần. Thuyền Ba Tư lại áp tới vây kín. Lúc thập tử nhất sinh như vậy, một lần nữa, thánh nữ Đại Ỷ Ty đột nhiên cứu nguy, hướng về Trí Tuệ vương nói lớn những câu gì đó bằng tiếng Ba Tư. Có lẽ thánh nữ vừa nhận lỗi mình, vừa thông báo việc Tiểu Siêu nhận lời làm giáo chủ... Nghe xong, Trí Tuệ vương ngẩn người một lúc, lệnh 8 thủy thủ buông một chiếc xuồng nhỏ xuống, chèo như bay về phía thuyền sắp chìm của Trương Vô Kỵ, để vớt Đại Ỷ Ty và Tiểu Siêu lên chiếc thuyền lớn nhất của họ "rồi hoan hô reo hò chấn động cả một góc trời". Tất cả người Ba Tư trên các chiếc thuyền còn lại bao quanh đều hướng về phía Tiểu Siêu để "nằm rạp người xuống vái lễ". Cả các vị Bảo Thụ vương cũng quỳ trước mặt Tiểu Siêu. Hành lễ xong, Tiểu Siêu vẫy tay gọi: "Trương công tử!" và đưa thuyền đến vớt Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ, Triệu Minh, Chỉ Nhược, Hân Ly lên thuyền lớn của Tổng giáo. Nàng sai người cung kính đem khăn mặt và thức ăn cho mọi người. Riêng mình thì đích thân cầm một bộ quần áo vào khoang thuyền của Trương Vô Kỵ dịu dàng nói: "Công tử hãy để tiểu nữ hầu hạ thay áo cho". Vô Kỵ xúc động: “Này Tiểu Siêu, nay cô đã là giáo chủ của Tổng giáo, tôi trở thành hạ thuộc của cô mới phải, sao cô còn hầu hạ tôi như thế?". Tiểu Siêu van lơn: "Thưa công tử, đây là lần cuối cùng xin công tử cho phép tiểu nữ được hầu hạ công tử. Rồi đây, Tiểu Siêu sẽ lên đường về Ba Tư nghìn trùng, không còn dịp nào gặp mặt nhau nữa. Lúc ấy, tiểu nữ muốn hầu hạ công tử một lần nữa cũng nào có được đâu". Tiểu Siêu vừa chải tóc cho Trương Vô Kỵ vừa khóc "nước mắt chảy thành dòng, Vô Kỵ không sao kềm chế được xúc động, liền giơ tay ôm nàng vào lòng, cúi đầu hôn nhẹ". Tiểu Siêu kể hết lai lịch và nói rõ tâm tình của mình trước đây là "không muốn làm giáo chủ của Minh giáo Ba Tư mà chỉ muốn suốt đời làm người hầu của công tử, suốt đời không muốn rời xa công tử". Nhưng nay phải nhận làm, vì lẽ gì hẳn mọi người đều có thể suy ra. Khi chia tay, Trương Vô Kỵ nhìn theo "cho tới lúc chiếc thuyền lớn của Tiểu Siêu chỉ còn là một chấm đen, nhưng mỗi khi gió bể thổi tới, Vô Kỵ còn nghe như có tiếng khóc văng vẳng của Tiểu Siêu từ xa vọng lại".
(*) Bàn về các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung. Trần Mặc, NXB Hội Nhà văn (Lê Khánh Trường dịch).