- Các cụ cố của ta thư thả ăn,
Những cái cốc bạc, những gáo gỗ
Rượu vang, rượu bia sôi như lửa
Thư thả chuyền tay nhau quanh vòng
Ruxlan và Liútmaila43
Bây giờ tôi phải xin phép giới thiệu với độc giả khoan hậu, ông Gavrila Aphanaxiêvích Rơgiépxki. Ông vốn dòng dõi quý tộc lâu đời, có một điền trang rất lớn, là một người hiếu khách, rất thích đi săn bằng chim ưng; gia nhân của ông ta rất đông đúc. Nói tóm lại ông là một lãnh chúa Nga thuần tuý; nhưng ông vẫn thường nói, ông không chịu được cái óc sùng Đức và trong sinh hoạt gia đình ông cố giữ những tập quán của cổ xưa mà ông rất yêu thích.
Natalia Gavrilốpna, con gái ông đã mười bảy tuổi xuân. Nàng mất mẹ từ thuở hãy còn bé. Nàng được giáo dục theo kiểu cũ, nghĩa là quanh nàng có đủ những u già, cô nuôi, bạn gái và thị nữ; nghĩa là nàng biết thêu chỉ vàng, nhưng lại không biết chữ; cha nàng, tuy rất ghét bất cứ cái gì của nước ngoài, cũng không thể cưỡng lại ý nàng muốn học khiêu vũ Đức qua một sĩ quan người Thuỵ Điển bị bắt làm tù binh bây giờ được ăn ở trong nhà họ. Vị vũ sư thiện nghệ này trạc chừng năm mươi tuổi, chân phải của ông ta bị bắn thủng ở trận Narva cho nên không có khả năng nhảy cái điệu mơ-nuy-ê và cu-ran lắm, nhưng chân trái thì các pas (bước nhảy - tiếng Pháp) khó nhất đều có thể nhảy một cách cực kỳ điêu luyện. Cô học trò thật đã không uổng công chỉ bảo của cái chân tuyệt diệu này. Trong các vũ hội Natalia Gavrilốpna nổi tiếng là người nhảy giỏi nhất và đó cũng là một nguyên nhân khiến cho Koócxakốp phạm lỗi, mà hôm sau anh ta phải đến xin lỗi Gavrila Aphanaxiêvích; nhưng cái vẻ hoạt bát và cái lối ăn diện của chàng công tử không vừa lòng ông già quý tộc kiêu hãnh kia: ông ta hóm hỉnh gọi Koócxakốp là con khỉ Pháp.
Hôm đó là một ngày hội. Gavrila Aphanaxiêvích đang chờ mấy người bà con và bạn bè đến thăm. Trong gian phòng đại lễ cổ kính, gia nhân đang trải khăn, dọn đĩa trên cái bàn dài. Các tân khách cùng đến với các bà vợ và các cô con gái, những người, cuối cùng, vừa được giải thoát ra khỏi cảnh cấm cung, nhờ các sắc lệnh của nhà vua và nhờ bản thân ngài đã làm gương trước. Natalia Gavrilốpna bưng đến cho mỗi vị khách một chiếc khay bạc có đặc chén vàng, mỗi người cầm lấy chén của mình mà uống, thầm tiếc cái hôn nhẹ được nhận trong dịp như thế này ở thời xưa, nay đã bị bãi bỏ. Họ ngồi lại trong bàn tiệc. Ở ghế danh dự, bên cạnh chủ nhân, là nhạc phụ của ông ta, công tước Bôrít Alếchxêêvích Lưkốp, một vị đại quý tộc bảy mươi tuổi; các vị quan khách khác lần lượt ngồi vào chỗ theo thứ tự ngôi bậc dòng dõi đúng như tục xưa - các ông ngồi một bên, các cô các bà ngồi một bên. Ở cuối bàn như thường lệ vẫn có bà quản gia, mặc áo choàng su-sun kiểu cổ và đội mũ kít-ska, bên cạnh có người đàn bà lùn, đã ba mươi tuổi mà chỉ bằng đứa con nít, ăn mặc cầu kỳ, mặt mày nhăn nhó, và người tù binh Thuỵ Điển mặc bộ quân phục xanh đã sờn cũ. Trên bàn tiệc dọn đầy các đĩa thức ăn, một đám gia nhân đông đúc đi lại nhộn nhịp, giữa đám đông đó quản gia nô nổi bậc hẳn lên với đôi mắt nhìn nghiêm nghị, cái bụng phệ và cái tư thế đứng yên không cử động rất bệ vệ. Những phút đầu tiên của bữa tiệc được dành hoàn toàn cho các vị khách thưởng thức các món cao lương mỹ vị cổ truyền trong nước. Trong phòng chỉ nghe thấy tiếng những chiếc dĩa ráo riết hoạt động chạm vào đĩa ăn. Cuối cùng chủ nhân nhận thấy rằng đã đến lúc cần có câu chuyện vui giải trí cho các tân khách, bèn quay lại hỏi:
- Mụ Êkimốpna đâu rồi nhỉ? Gọi mụ ấy vào đây.
Mấy người đày tớ đã toan mỗi người một phía chạy đi gọi, thì ngay lúc ấy một người đàn bà già mặt trát bự phấn, mái tóc giắt đầy hoa và kim tuyến, mặc áo dài bằng vải thô, hở cổ hở ngực, nhún nhảy bước vào, mồm hát khe khẽ. Thấy mụ vào cả bàn tiệc đều vui hẳn lên.
Công tước Lưkốp nói:
- Chào Êkimốpna, dạo này thế nào?
- Cũng khá, ông bạn ạ: ca hát, rồi lại nhảy múa, chán rồi lại ngồi chờ các đám đến dạm hỏi.
Chủ nhân hỏi:
- Nãy giờ mụ ở đâu, hở mụ ngốc?44
- Tôi đang ăn mặc cho đẹp để ra tiếp khách quý, ông bạn ạ, để mừng hội Chúa, tuân theo lệnh đức vua, tuân theo lệnh các Chúa, ăn mặc theo kiểu Đức, để mọi người cười đùa.
Các tân khách nghe nói đều cười ha hả, còn mụ ngốc thì đến đứng sau ghế của chủ nhân, là vị trí thường lệ của mụ.
- Mụ ngốc nói thế mà đúng thật đấy, - Tachiana Aphanaxiépna nói (đó là bà chị của chủ nhân, vốn được chủ nhân kính trọng rất mực). - Quả thật, lối ăn mặc bây giờ chỉ là trò cười cho thiên hạ. Một khi mà các ông đã cạo mất râu đi và mặc áo ca-phơ-tan cũn cỡn như thế thì còn nói gì đến quần áo đàn bà nữa: thật là tiếc chiếc áo xa-ra-phan, tiếc những chiếc dải lụa với chiếc khăn trùm! Trông các cô tiểu thư ngày nay thật vừa buồn cười vừa thương hại: tóc thì xù ra như miếng dạ chải, lại trát mỡ lợn với rắc bột mì Pháp vào, bụng thì thắt thiếu đường đứt đôi ra, váy thì lồng những vòng mây cứng ngắc: vào xe cũng phải vào nghiêng, vào cửa thì phải lom khom, đứng cũng không, ngồi cũng không ổn, thở cũng không được - tội nghiệp, thật là các cô mình bị trời đày chứ không phải!
- Ô! Thưa bà Tachiana Aphanaxiépna, - Kirila Pêtơrôvích nói (ông này trước kia làm lãnh binh Riadan, kiếm được ba nghìn nông nô và một cô vợ trẻ: cả hai thứ đó chúng được chật vật hết sức). - Cứ như ý tôi thì đàn bà ăn mặc thế nào tuỳ ý: dù nhố nhăn như con dở, dù diêm dúa như vua Tầu cũng mặc; miễn là đừng cứ mỗi tháng lại đặt may thêm mấy chiếc áo, dù những chiếc khác hãy còn mới cũng cứ bỏ. Ngày trước thì cháu gái còn được hưởng chiếc áo xa-ra-phan của bà nội làm của hồi môn, chứ những chiếc áo dài bây giờ thì hôm nay thấy bà chủ mặc, đến mai đã thấy con ở mặc rồi. Biết làm thế nào được? Quý tộc Nga rồi khánh kiệt mất! Bất hạnh, chà chà, thật bất hạnh. - Nói đoạn ông thở dài đưa mắt nhìn bà Maria Ilinhítsna nhà ông. Bà này hình như không ưa gì những lối ca tụng ngày xưa, cũng như kiểu bài xích các tập tục mới. Các bà các cô khác cũng đồng tình với bà ta, nhưng họ im lặng, vì thời ấy tính ít nói vẫn được xem là đức tính tối cần thiết của một người thiếu phụ.
- Thế là lỗi tại ai? - Gavrila Aphanaxiêvích nói, tay khuấy tách nước giải khát cvát. - Chẳng phải tại chính ta đó sao? Các bà các cô thì hay vớ vẩn, còn chúng ta thì hay chiều họ.
- Thế ông bảo ta còn biết làm thế nào được, cái đó có phải tuỳ ý ở ta đâu? - Kirila Pêtơrôvích cãi. - Có người cũng muốn giam vợ mình trong nhà tháp gỗ, nhưng người ta lại đánh trống đòi các bà đi dự vũ hội kia; chồng thì dùng roi ngựa, còn vợ thì thích diện áo quần. Chao ôi, những cái buổi vũ hội ấy! Vì trước kia ta lắm tội nên đức Chúa Trời mới sinh ra những buổi vũ hội ấy để trừng phạt ta đấy.
Maria Ilinhítsna cứ như ngồi trên bàn chông; lưỡi bà ta cứ ngứa điên lên; cuối cùng bà ta không cầm lòng được nữa liền quay sang phía chồng, mỉm cưởi mỉa mai hỏi ông ta xem những buổi vũ hội ấy có cái gì mà ông bảo là xấu.
Ông chồng hăng tiết lên đáp:
- A, có cái này đây: từ khi sinh ra những buổi vũ hội chết tiệt ấy các ông chồng không còn hoà thuận với các bà vợ. Các bà vợ quên mất lời dạy của thánh tông đồ: làm vợ khả kính sợ chồng; việc nội trợ thì không lo, chỉ lo may áo mới; chiều chồng thì không muốn, chỉ muốn sao cho vừa mắt bọn sĩ quan vớ vẩn kia thôi. Vả lại, bà thử nghĩ xem, một mệnh phụ phu nhân hay một cô tiểu thư Nga mà lại đứng ngồi chung chạ với bọn buôn thuốc lá Đức cùng với cả bọn gái làm công của họ, thì thử hỏi có còn lịch sự không? Có đời thuở nào đàn bà con gái lại đi nói chuyện và khiêu vũ cho đến khuya với đàn ông như vậy? Mà có phải bà con họ hàng gì cho cam, đây lại là người lạ mới chết chứ!
- Cũng muốn nói một câu, chỉ hiềm tai vách mạch rừng, - Gavrila Aphanaxiêvích cau mày nói. -Thú thật tôi cũng chẳng ưa gì những thứ hội hè đó: lớ vớ lại đụng phải một thằng say rượu, hay chính mình lại bị họ bắt uống say mềm ra để mọi người cười cho sướng miệng. Lớ vớ một thằng du đản nào lại trêu ghẹo con gái mình; bây giờ thanh niên được nuông chiều quá đâm ra hư hỏng, chả còn ra cái gì nữa. Đấy như thằng con trai cố tôn ông Épráp Xerghêêvích Koócxakốp lần vũ hội vừa rồi đến mời con Natalia nhảy, làm ồn cả lên, thật mình bị một bữa ngượng chín người đi được. Hôm sau thấy có chiếc xe chạy thẳng vào sân; tôi tưởng có khách quý nào đến, đoán chừng là công tước Alếchxanđrơ Đanhilôvích Mensikốp cũng nên? Hóa ra thằng con ông Épráp! Thế mà hắn không thèm đi bộ từ cổng vào một tí cho người ta nhờ, hắn cho đánh xe vào tận thềm, nhảy xuống đập gót cồm cộp, mồm nói huyên thiên! Mụ ngốc Êkimốpna nhại hắn buồn cười lắm; nhân tiện: này mụ ngốc, mụ thử bắt chước cái con khỉ ngoại quốc ấy xem chơi nào.
Mụ ngốc Êkimốpna cầm lấy một cái nắp liễn kẹp vào nách như người ta thường kẹp mũ, rổi uốn éo, cộp gót giày vào nhau và cuối chào tứ phía, mồm nói liến thoắng: "Mơxiơ... Mămdem...Átxămblê... pácđôn". Các tân khách lại cười rộ lên một hồi lâu.
Khi yên tĩnh đã trở lại, lão công tước Lưkốp vừa quệt mấy giọt nước mắt chảy ra trong khi cười, vừa nói:
- Đúng Koócxakốp không sai tí nào. Nhưng thật tình cũng chả phải một mình Koócxakốp, còn khối đứa đi xứ người khi trở về xứ Nga thần thánh này, thì đã thành ra những thằng hề. Không biết con cháu mình học được những gì ở đấy? Cộp gót giày nói những thứ tiếng xì xồ có Chúa biết, không còn biết kính trọng người già cả, chỉ giỏi săn đón chạy theo vợ người ta. Trong b?n thanh niên ra ăn học nước ngoài (xin Chúa xá tội), chỉ có anh da đen của nhà vua là còn giống người hơn cả.
Gavrila Aphanaxiêvích nhận xét:
- Anh ấy thì đã đành, thật là một người chững chạc và đứng đắn, chứ đâu ngang hàng với gã lông bông kia... Lại xe ai vào cổng nữa thế? Không lẽ lại con khỉ ngoại quốc kia chắc? - Rồi lão quay sang đám giai nhân nói tiếp: - Này lũ súc sinh kia, đứng mà ngáp cả thế hử? Ra bảo với hắn là từ rày đừng có...
- Râu xồm già kia, mê sảng rồi hắn? - Mụ ngốc Êkimốpna ngắt lời. - Hay là lão mù rồi: xe của hoàng thượng đấy, ngài đã đến ngoài kia rồi kìa.
Gavrila Aphanaxiêvích vột vã bỏ bàn ăn đứng dậy: mọi người đều chồm ra cửa sổ; quả nhiên họ thấy nhà vua đang bước lên bậc thềm, tay vịn vào vai người hầu cận. Trong nhà nhốn nháo cả lên. Chủ nhân hối hả ra đón vua Piốt, gia nhân chạy tán loạn lên như những đứa hoá dại, khách khứa cuống quít sợ hải, thậm chí có người đã tính chuyện làm sao chuồn về nhà cho nhanh. Bỗng ở phòng ngoài vang lên tiếng nói sang sảng của vua Piốt, tất cả mọi người đều im phăng phắc. Nhà vua bước vào, theo sau là chủ nhân, đần độn ra vì mừng rỡ. "Xin chào các ngài", - vua Piốt lên tiếng, gương mặt tươi tỉnh.
Mọi người đều cuối rạp xuống đáp lễ. Nhà vua đưa đôi mắt tinh nhanh tìm kiếm cô con gái của chủ nhân trong đám đông và gọi nàng lại. Natalia Gavrilốpna bước ra một cách khá mạnh dạng, nhưng mặt nàng đỏ bừng đến tận mang tai, thậm chí đôi vai cũng đỏ ửng lên.
"Con ngày càng xin đẹp ra đấy", - nhà vua nói và theo thói quen thường có, ngài hôn lên mái tóc nàng. Sau đó nhà vua quay sang các tân khách nói: "Sao thế nhỉ? Tôi làm phiền các ngài quá. Các ngài đang ăn trưa. Xin các ngài ngồi lại cho còn xin ông Gavrila Aphanaxiêvích, cho tôi cốc rượu vốt-ca a-nít".
Chủ nhân bổ đến chỗ người quản gia nô b? vệ, giật lấy cái khay trên tay ông ta và tự mình rót rượu vào chiếc cốc bằng vàng, rồi kính cẩn dâng lên cho đức vua. Piốt uống cạn, cắn một miếng bánh và một lần nữa mời các tân khách tiếp tục bữa ăn. Mọi người đều về ngồi ở chỗ cũ, chỉ trừ người đàn bà lùn và bà quản gia không dám ngồi lại bàn ăn uống trước mặt nhà vua.
Vua Piốt ngồi xuống bên cạnh chủ nhân và hỏi xin một ít canh bắp cải. Người hầu cận của nhà vua đưa cho ngài một chiếc thìa bằng gỗ có nạm ngà, một con dao và một cái dĩa cán xương màu xanh, vì vua Piốt bao giờ cũng chỉ dùng bộ đồ ăn riêng của mình. Bữa tiệc, trước đây một phút đang vui vẻ náo nhiệt là thế, mà nay lặng ngắt, miễn cưỡng. Chủ nhân không ăn uống gì cả vì sùng kính và mừng rỡ quá, các tân khách cũng ngồi yên kính cẩn nghe vua Piốt nói chuyện bằng tiếng Đức với người tù binh Thuỵ Điển về chiến dịch năm 170145. Mụ ngốc Êkimốpna được nhà vua hỏi mấy lần, đều trả lời một cách rụt rè lãnh đạm; điều đó (nhân tiện xin nhận xét qua) chứng tỏ rằng cái ngốc của mụ ta không phải là bẩm sinh. Cuối cùng bữa tiệc đã xong, nhà vua đứng dậy, các tân khách đều đứng dậy theo. Vua Piốt bảo chủ nhân:
- Gavrila Aphanaxiêvích, tôi cần nói chuyện riêng với ông.
Nói đoạn nhà vua nắm lấy tay chủ nhân dắt ông ta ra phòng khách và đóng kín cửa lại. Các tân khách dừng lại trong phòng ăn, thì thầm về cuộc thăm bất ngờ của nhà vua, rồi sợ phiền nhà chủ, chẳng bao lâu họ lục tục ra về, mặc dù chưa kịp cảm ơn chủ nhân về bửa tiệc. Nhạc phụ, con gái và chị của chủ nhân lặng lẽ tiễn khách ra cửa và ngồi lại với nhau trong phòng ăn đợi nhà vua ra.