Nợ
Trần Thu Trang
Đây là truyện ngắn ưng ý nhất của tôi, viết dựa trên một sự kiện có thật khiến tôi dở khóc dở cười. Truyện đã được đăng trên Thanh niên tuần san số ra ngày 24/11/2006.
Cách chắc ăn nhất để khiến một người đàn ông luôn đi theo ta là vay tiền hắn!
(Lời ghi trong phòng tắm nữ)
1. "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được..."
Không cần chờ đến lời đề nghị vui lòng gọi lại sau và câu tiếng Anh líu lo tiếp theo vang lên, cô gái dập ống nghe xuống rồi lại nhấc lên, ngón tay trắng bợt lần từng phím số, thật chậm rãi và thận trọng, như thể lần gọi vừa xong cô sơ ý bấm nhầm. Vẫn không có gì thay đổi, lời nhắn tự động thậm chí không cần chờ tín hiệu ba nốt nhạc đã hối hả vang lên lưng chừng.
"... not available at the moment, please try again later"
Hôm nay có gió mùa đông bắc, mưa rét căm căm, sắp đến giờ cơm tối, cô vẫn đứng đó, tái mét và run rẩy, gọi và nghe những lời lịch sự vô hồn kia, đã nửa giờ rồi. Bốt điện thoại ở một góc phố nhiều công sở hơn nhà dân, ánh sáng của đèn đường đỏ đòng đọc bị che bởi lùm cây, người qua lại thưa thớt và vội vã, chẳng ai để ý tới vẻ bồn chồn trên gương mặt nhợt nhạt của cô.
2. Từng tiếng tút nhàn nhã và đều đặn, như những nhịp thở nhẹ, vọng khẽ trong không gian nhỏ hẹp của màn và chăn, chàng trai không áp điện thoại vào tai mà nhìn chăm chăm vào màn hình sáng đến chói mắt: "Đang gọi 0912..." Vài phút trôi qua, ánh sáng từ chiếc điện thoại tự động giảm dần rồi tự động tắt theo hạn định thời gian nhà sản xuất cài đặt trước, chuỗi âm thanh vẫn phát ra một cách máy móc từ những chấm loa, tiếng tút chầm chậm dường như càng lúc càng rõ. Hôm nay có gió mùa đông bắc, gió thốc ào ào, sắp đến nửa đêm, tiếng cánh cửa của căn nhà vắng chủ bên cạnh đập sầm sập vào tường nghe rờn rợn càng hối thúc thêm những suy luận trong đầu khiến cho chàng không thể không cầm đến điện thoại... Những nếp nhăn trên trán và khoé môi chàng càng lúc càng như trễ xuống, không một tiếng “alô” ngái ngủ vang lên. Đêm mỗi lúc một khuya, những tín hiệu từ máy chàng vẫn đều đặn truyền qua không trung đầy gió đến số máy kia, chẳng một giây ngưng nghỉ.
3. Cô gái log in vào Yahoo Messenger, một dãy tin offline cảnh báo virus, kêu gọi từ thiện, link truyện cười… Không có tin nhắn nào từ cái nick cô đang nghĩ tới. Cũng không có thông báo mail mới. Lúc trưa, sau khi bỏ hơn nửa suất cơm văn phòng không lấy gì làm đầy đặn, cô về cơ quan gục đầu xuống bàn, nhắm mắt, chập chờn và rơm rớm, cứ thế đợi giờ nghỉ trưa trôi qua. Suốt mấy tiếng làm việc buổi chiều, cô bỏ việc dịch tài liệu ngồi khắc lại những vết thương lòng sâu hoắm của mình vào một bức mail. Cô gõ chầm chậm, cân nhắc từng câu chữ, chốc chốc lại nghỉ cho giống với những lúc vừa tra từ điển vừa dịch tài liệu, lại còn chú ý xem có ai đến gần để bấm alt+tab chuyển cửa sổ cho kịp. Hết bức thư, bấm nút gửi đi xong, người cô bải hoải đến độ không nhớ đến việc phải copy tài liệu về nhà dịch bù. Đêm đã khuya lắm, friend list của cô chẳng còn nick nào sáng nữa, mặc kệ việc ngày mai phải nộp bản dịch, cô vẫn cứ đảo con chuột qua lại giữa các trang web về y tế và tâm sự, thấp thỏm đợi chờ một tiếng buzz từ cái nick đã hơn một tháng nay không sáng.
4. Chàng trai đăng nhập vào forum, không có thông báo nào về tin nhắn riêng, cái nick chàng mong đợi không có trong danh sách thành viên online, lần cuối cùng nó đăng nhập đã cách đây hai hôm. Vậy là tin nhắn gần đây nhất và cũng là khẩn thiết nhất của chàng vẫn ở đâu đó trong cơ sở dữ liệu đồ sộ của diễn đàn chứ chưa đến với người cần đến. Vậy là việc cấp bách đang làm lòng chàng như có lửa đốt vẫn không hề có biến chuyển. Đáp lại những lời của chàng, ngọt có xẵng có lý luận có van vỉ có, chỉ là một sự im lặng, trơ lì thì đúng hơn. Chàng biết có một số, không, phải nói là phần lớn tin nhắn của chàng đã được đọc, việc này thể hiện ở những dấu hiệu nho nhỏ, biểu tượng hoạt hình chiếc phong bì đã mở gắn bên cạnh, dòng tiêu đề chuyển từ đậm sang nghiêng... Nhưng ngay sau khi những dấu hiệu đó xuất hiện, cái nick vừa nhận tin nhắn sẽ rút khỏi forum ngay lập tức. Chàng chẳng thể làm gì được, mọi cố gắng liên lạc bất thành cho đến giờ phút này làm chàng ý thức được rằng thứ quý giá đó đang dần dần rời xa mình.
5. Cô gái nhìn lại một lần nữa chiếc que thử có 2 vạch rồi lặng lẽ kẹp nó vào cuốn nhật ký. Cô bỏ cuốn nhật ký với chiếc bookmark đặc biệt ấy vào lại trong túi xách rồi ngóng về cuối đường. Gần 7 giờ sáng mà trời vẫn chưa sáng hẳn, gió rét cắt da, vẫn chưa thấy xe buýt. Đã một tháng nay cô đi làm bằng xe buýt. Phải dậy sớm hơn, phải đi bộ xa, phải chen chúc, phải đem theo túi để nôn... cô chẳng còn sự lựa chọn nào khác khi không còn ai đón đưa. Bây giờ thì cô thầm cảm ơn những chuyến xe buýt, nhờ nó mà vẻ xanh xao của cô, những cơn nôn mửa của cô không bị ai trong cái văn phòng toàn các chị em rỗi việc hay ngồi lê đôi mách này nghi ngờ. Hôm nay là Chủ nhật, cô sẽ lên một chuyến xe buýt khác tuyến cô vẫn đi, tới một bến khác bến cô vẫn xuống. Cô cần phải có mặt ở đó trước 8 giờ, càng tới muộn, vẻ tím tái cô đơn của cô sẽ phơi bày trước càng nhiều người. Cô không muốn phải đến đó, không muốn phải làm những gì mà người khác vẫn làm ở đó, càng không muốn phải buông rơi cái cô đang lưu giữ, nhưng cô không còn sự lựa chọn nào khác.
6. Chàng trai nhìn lại một lần nữa góc làm việc trống trơn rồi đi ra hành lang lặng lẽ châm thuốc, điếu thứ 12 trong chiều nay. Chàng rít một hơi, nhìn ra khoảng không đùng đục màu chì phía trước, gió tạt khói bay thốc sang phía đầu cầu thang. Lát nữa, điếu thuốc sẽ hết, chàng sẽ ra phía khói thuốc vừa bay qua kia. Chàng sẽ đứng ở đó, sóng điện thoại sẽ lên được 2 vạch, và chàng sẽ lại gọi. Chàng hy vọng sẽ có ai đó nhấc máy, nhưng có lẽ sẽ không có ai. Người mà chàng muốn gặp bây giờ tránh mặt chàng, tránh mặt cả bạn chàng, tránh mặt cả bạn chung của hai người. Người đó không nghe máy dù chàng gọi bằng số điện thoại của chàng hay của cơ quan chàng, hay của nhà chàng. Tất nhiên, chàng sẽ vẫn cứ gọi, để biết rằng số đó vẫn chưa khoá và máy đó vẫn chưa tắt, để hy vọng một lần nào đó sự kiên nhẫn của chàng sẽ làm cho nút answer kia bật lên cùng giọng nói một thời quen thuộc. Chàng sẽ được nói, sẽ được hỏi, sẽ được trách móc. Và cuối cùng sẽ được một cái hẹn rõ ràng. Những suy nghĩ lạc quan đó cứ nhảy nhót nhẹ tênh ở một bên đầu chàng, còn ở nửa đầu bên kia, ý thức về một sự mất mát đang trĩu nặng.
7. Cô gái tới bên bình nước uống thêm một cốc rồi quay về chỗ cũ ngồi đợi. Trước lúc đến đây cô đã cẩn thận uống trước một chai nước, vậy mà vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để vào siêu âm ngay. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, ở đó có một khoảnh trời xám được viền bằng những cái cây trơ trụi. Ngày hôm nay ảm đạm hệt như ba năm trước, phòng khám không có gì thay đổi, những gương mặt bệnh nhân chờ đợi ủ dột vẫn như được đúc ra từ một khuôn, cô cũng vẫn một mình như vậy, chỉ có mấy dòng trong bệnh án là không giống như trước. Bây giờ cô phải cố gắng tìm cách có lại thứ mà cô đã từng vứt bỏ... Chiếc điện thoại trong tay lại rung lên bần bật, màn hình chỉ hiện số chứ không hiện tên. Ba năm trước, cô đã bấm dãy số này nhiều lần đến nỗi bây giờ không cần phải lưu vào máy nữa. Cô mở túi nhìn vào một giây rồi thả chiếc điện thoại đang rung đều đặn xuống ngăn nhỏ phía trong. Cô kéo khoá chiếc túi rồi đặt nó lên trước bụng, đôi môi tô son hồng thoáng nụ cười mai mỉa. Lượng nước cô uống vào vẫn chưa đủ cho việc siêu âm, còn số cuộc gọi cô nhận được thì quá đủ cho một quyết định.
8. “Sao giờ này vẫn đứng đây, T.?”
Tiếng gọi nhí nhéo của một chị đồng nghiệp làm chàng trai thoáng giật mình, đã hết giờ làm việc, trời cũng nhập nhoạng tối rồi. Bỏ điện thoại khỏi tai, chàng quay vào phòng xách chiếc cặp Targus nhẹ tênh rồi tắt đèn đóng cửa, đầu vẫn nghĩ mông lung.
“Dạo này hai bác ở nhà có khoẻ không, T.?”
Lời hỏi thăm ân cần của chị đồng nghiệp chợt đem đến cho chàng một gợi ý mới cho chuyện bế tắc. Phải rồi, tại sao chàng không nghĩ ra nhỉ, chàng sẽ không gọi điện nữa, chàng sẽ nhờ bố hoặc mẹ hoặc cả hai người, gọi điện hoặc đến tận nơi nói chuyện. Người lớn ra mặt thì châu lại về hợp phố thôi. Nghĩ đến đó chàng vội thở phào.
9. “H. xong chưa để dọn mâm ăn cơm, con?”
Cô gái tắt máy tính rồi đặt nó vào túi. Chiếc túi vuông vắn, màu đen trũi, khá thô kệch. Dù sao cô cũng sẽ không giữ máy lâu nên cũng chẳng bận tâm tới việc tìm một chiếc túi nữ tính hơn. Mẹ cô đặt nồi cơm lên bàn, cầm đến bó đũa chưa kịp so thì chuông điện thoại reo.
“Để con nghe cho!” - cô vòng lại phía tủ đặt điện thoại - “A lô”..
“A lô, cho tôi hỏi đây có phải nhà cháu H. không ạ?”
“Không phải, chị gọi nhầm máy rồi” - cô thản nhiên uốn giọng miền Trung.
“Ồ, xin lỗi.”
Cô dập máy, nhấc ống nghe cho nó kênh lên rồi quay lại mâm cơm. Bố mẹ cô vẫn chưa ăn, đang chăm chú hướng mắt về phía TV.
Cô nhìn gương mặt bình lặng an phận của hai người thân yêu, thầm nghĩ: nếu vừa rồi không phải cô mà là bố hoặc mẹ nhấc máy thì sao? Có lẽ hai ông bà sẽ đứng tim mất, khi nghe vị thông gia hụt từ trên trời rơi xuống kia giới thiệu về bản thân. Vì đến con gái ông bà là cô cũng mới chỉ được nghe giọng nói gãy gọn và rất Hà Nội ấy hai lần. Lần thứ nhất là ba năm trước, cái âm sắc thanh lịch và dứt khoát ấy đã dập tắt hy vọng níu kéo cuối cùng của cô bằng một câu nói nhẹ tênh: “Cô chưa nghe T. kể về cháu bao giờ.” Còn lần thứ hai này lẽ ra không bao giờ xảy đến nếu như cách đây ba tháng cô không đột nhiên gặp lại T. ở sân bay Changi và gật đầu trước lời đề nghị: “Hành lý em chưa quá cân phải không, xách hộ anh chiếc laptop này nhé”.
Ngày mai cô sẽ lên mạng rao bán chiếc laptop để đập vào chi phí thụ tinh trong ống nghiệm. Xét cho cùng, quá khứ vẫn bắt cô phải gánh nợ nặng hơn T.!
24.9.2006