Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Đôi điều suy nghĩ của một công dân

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8602 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đôi điều suy nghĩ của một công dân
Hà Sỹ Phu

I
Sự sụp đổ của các thể chế xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là sự sụp đổ của 2/3 số nước trong phe, của nơi quê hương, của nơi thành trì vững chắc nhất, của những điển hình xuất sắc mà ta đang phấn đấu để vươn tới, lại là sự sụp đổ sạch sành sanh không thể cứu vãn, là sự sụp đổ kéo theo tức khắc sự biến dạng của các nước còn lại. Vậy đấy là sự sụp đổ có tính cội nguồn, triệt để và toàn cục.
Vì thế một loạt câu hỏi tự nhiên cứ bật ra : Chủ nghĩa xã hội khoa học là gì?Biến cố kia là tất yếu không tránh khỏi hay do những thiếu sót có thể rút kinh nghiệm? Là khúc quanh thử thách để rồi lại phát triển mạnh hơn theo định hướng cũ hay đây là sự biểu hiện quyết định của sự cáo chung? Mấy nước còn lại, trong đó có nước ta sẽ đi về đâu và số phận nhân dân sẽ thế nào? Gia đình mình, cá nhân mình sẽ sống kiểu gì đây? Tiếp tục phó mặc đại sự cho những người lãnh đạo, mình là dân thì cứ sống theo, để rồi... đất nước vẫn tên là xã hội chủ nghĩa mà những kẻ kiếm bạc tỉ bằng cách mánh mung ngày càng nhan nhản, còn mình thì xin làm thuê không xong mà chẳng biết trách ai? Hay là rút kinh nghiệm, từ nay cứ sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi là xong? Các nước tư bản vẫn cứ tiếp tục đi theo ta lên chủ nghĩa xã hôi như lý luận Mác -Lê đã khẳng định, hay ta đang học theo họ làm tư bản?Hay ta cũng sẽ sáng tạo ra một thứ xã hội chủ nghĩa kiểu Việt Nam ? Các nước XHCN ấy đổ là do họ làm sai Mác- Lê hơn ta hay làm đúng Mác -Lê hơn ta? Hay đây chính là lịch sử lại một lần nữa khẳng định đường lối đúng đắn của ta và sức sống vô địch của chủ nghĩa?v.v..
Những câu hỏi ấy người ta có thể tránh trả lời trước mặt người khác nhưng làm sao lại không tự đặt ra trong đầu? Và dù ta có tự dối mình mà tránh né sự trả lời của ý thức thì cái vô thức cũng tự nó đã trả lời và chi phối hành vi của ta rồi. Chứng cứ là cả nước nhất loạt không ai tiếp tục sống như trước.
Vậy nên tôi nghĩ rằng, là một người Việt Nam có giáo dục, có văn hoá, không ai có thể cho phép mình tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của ý thức trách nhiệm và trí tuệ!
Nhưng sự suy nghĩ nên bắt đầu từ đâu? Tiếp cận vấn đề từ cửa mở nào? Đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề này nhưng tựu trung vẫn chỉ có hai con đường :đi từ thực tiễn đến lý luận hoặc từ lý luận đến thực tiễn, cuối cùng vẫn gặp nhau ở những điểm cốt lõi, bản chất. Những cách tiếp cận đa dạng khác nhau cũng chỉ khác nhau ở qui mô của cái lý luận hoặc thực tiễn ấy.
1. Đi từ thực tiễn, từ hiện tượng
Ghi nhận những sự kiện, những tình hình diễn biến của một xã hội, một giai đoạn lịch sử, một hệ thống thế giới... hoặc của nhiều xã hội, nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều hệ thống thế giới rồi so sánh, đánh giá, tìm cách giải thích rồi rút ra kết luận. Cách nhìn lưỡng phân (phe XHCN và phe TBCN ai thắng ai,...) cũng thuộc loại này, vì tình trạng hai phe cũng chỉ là hiện tượng nhất thời của lịch sử. Cách xét từng mặt, thống kê từng hiện tượng tuy có vẻ khách quan nhưng là phương pháp có độ tin cậy thấp vì dễ bị tình hình thời sự và cảm tính chủ quan làm cho thiên vị khi thống kê và nguỵ biện khi giải thích. Những mặt tốt xấu trong xã hội thường đan cài với nhau, một thể chế tốt nhất vẫn có những mặt xấu, một thể chế xấu nhất cũng vẫn có những mặt tốt. Nếu không có một nhận thức hệ thống thì nhiều khi không thể phân biệt đâu là mặt chính. Các hiện tượng ở mặt phụ có thể chính là mặt trái tất yếu buộc phải tạm chấp nhận, bởi không có một giải pháp xã hội nào hoàn hảo, nhưng mặt khác bên cạnh sự tốt xấu của thể chế còn có vai trò của truyền thống, vai trò của nhân dân và quốc tế.
Người có óc quan sát sắc sảo hơn thường không xem xét tình hình một cách tràn lan mà tập trung vào một số nhân tố có tính chất chỉ thị (indicateur). Ví dụ : Cứ xem tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận là biết mực độ của một nền dân chủ. Hiện tượng nhiều người xấu trở nên tốt là dấu hiệu của một thể chế tốt, nhiều người tốt trở nên xấu là dấu hiệu của một thể chế không tốt. Cứ thấy một người ngã, chục người tiếp bước thì đó là một phong trào đang lên, tìm mãi không thấy người kế tục thì đó là một phong trào đang xuống. Xem thái độ cởi mở tự nhiên hay dấu dấu diếm diếm thì biết là người tử tế hay kẻ gian phi. Nhất ngôn là người quân tử. Tiền hậu bất nhất là kẻ tiểu nhân. Khoan dung là sức mạnh của người trong lòng thanh thản. Thái độ thù địch thường trực là thế yếu của kẻ mưu điều bất chính... Cách xem tướng bắt mạch này đối với con người cũng như xã hội là cách định hướng nhanh và sơ bộ, sau đó phải được phối kiểm bằng sự khảo sát kỹ lưỡng và tư duy hệ thống.
2. Đi từ nhận thức hệ thống, từ bản chất của quá trình
Đây là sự nhận thức vấn đề từ đầu mối của nó, từ những qui luật tổng quát đã được khoa học thừa nhận và phát triển. ở tầm khái quát nhỏ có thể xuất phát từ những qui luật mà tính bao trùm của nó chỉ trong một phạm vi hay một mặt hạn chế nào đó. Ví dụ như qui luật đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp, qui luật về sự phù hợp giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất, qui luật phát triển về quyền lực... Một cách hệ thống hơn nữa thì nhìn sự thay đổi toàn diện của xã hội trong sự phù hợp với các nền văn minh kế tiếp nhau của lịch sử (như văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh tin học...)Nhưng khái quát hơn cả là xuất phát từ những qui luật tổng quát về sự tiến hoá của nhân loại, từ bản chất con người và xã hội. Đây là cách tiếp cận khoa học nhất nhưng cũng khó nhất, chạm đến những quan điểm chi phối cả hệ thống tư duy. Chỉ bằng cách ấy mới có khả năng đạt tới những nhận thức chính xác, nhưng ở độ khái quát ấy thì sai một ly đi một dặm!
Việc tách bạch các phương pháp tiếp cận cũng giống như việc phân tích các động tác võ thuật cơ bản, khi ứng dụng tất nhiên phải phối hợp linh hoạt, không thể cứng nhắc nhưng quán xuyến cả quá trình nhận thức phải là tư duy hệ thống.
*
Xuất phát từ những phân tích thực tiễn sâu sắc, và với một năng lực khái quát rất cao, Marx đã dựng nên một lý thuyết tương đối hệ thống, rồi đem nó trở về với thực tiễn và dùng thực tiễn để điều chỉnh lại nhiều lần. Marx và Lenine vừa là những bộ óc lớn vừa là những chiến sĩ và nhà tổ chức đại tài. Về mặt cá nhân những con người cụ thể dễ gì đã có người nào vượt qua!
Nhưng sức vóc một con người dù vĩ đại đến đâu cũng không thấm gì so với sức vóc một thời đại. Bên cạnh những phát hiện lớn lao, sự hạn chế của trí thức con người thời ấy đã để lại trong học thuyết của các ông những khiếm khuyết không phải không căn bản. Điều trớ trêu nhất của lịch sử là chính nhà triết học duy vật biện chứng và chống chủ nghĩa không tưởng lại trở thành nhà xã hội học duy tâm, siêu hình và không tưởng rất điển hình. Những kẽ hở ấy của học thuyết không phải không có những người nhận ra ngay từ đầu, và cũng nguy hiểm hơn là cũng ngay từ đầu, nó bị cái mặt bản chất thiện của con người lợi dụng, khai thác triệt để cho những lợi ích và sự nghiệp cá nhân. Thế là xuất phát điểm là tập thể mà lại thu được sản phẩm cá nhân cực đoan. Xuất phát từ đạo đức mà lại thu được sản phẩm phi đạo đức, chứ không phải như sự ngộ nhận của nhiều người, rằng tình trạng phi đạo đức là do ta tôn thờ một chủ nghĩa xã hội khoa học , quá đề cao lý trí nên hại đến cái tâm đâu!Vấn đề là chủ nghĩa xã hội khoa học còn thiếu khoa học , nhận thức chưa đúng qui luật, do làm sai qui luật nên kết quả mới lộn ngược so với khát vọng.
ở những năm cuối cùng của thế kỷ này, một đầu óc bình thường cũng có thể được thời đại chỉ cho để nhìn thấy sự thiếu cơ sở khoa học của học thuyết đó. Những điều như thế chỉ có thể vạch ra rõ ràng bằng tư duy hệ thống triệt để, mà ở một chừng mực nhất định tôi hy vọng có thể gợi ra được những phần viết sau đây.

<< V |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 101

Return to top