Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chân dung vô hình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 877 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chân dung vô hình
Nguyễn Hộ
"Tình cờ, đọc trên báo, tao mới biết mầy vẫn đeo nghề viết và chụp hình, tao rất mừng. Tao viết vội mấy chữ này thăm mầy nhờ tòa
soạn báo chuyển dùm. Nếu mầy chưa quên tao thì hãy về thăm tao, tao đang rất cô đơn. Địa chỉ của tao: ấp Bàu Le, xã Tân Khai".
Bức thư ngắn như một bức điện, lại viết trên giấy gói trà, chữ run rẩy, nét mờ, nét tỏ, làm tôi bàng hoàng. Tôi nhận ra ngay tuồng chữ
quen thuộc của Nguyễn Chiến, người đồng nghiệp nhiếp ảnh mười lăm năm không gặp, cũng không được tin tức gì chính thức, ngoài
cái tin anh bị thương nặng, bị tù trở về, không còn ở trong quân đội nữa.
Nguyễn Chiến đến với tôi trước hết bằng tình đồng đội, sau đó mới kết thành bạn tâm giao. Chúng tôi gặp nhau trong một trận đánh
phục kích thời đồng khởi. Chiến là phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp của tỉnh đội đã có tác phẩm treo trong triển lãm. Còn tôi là
phóng viên viết báo, chụp ảnh nghiệp dư. Trong lưới đạn dày đặc, Chiến vẫn bình tĩnh bấm từng kiểu ảnh một cách thận trọng. Cứ mỗi
lần Chiến bấm máy là mỗi lần làm tôi thêm mất tự tin vào các kiểu ảnh mình chụp. Và chúng tôi trở thành bạn thân của nhau trong
trường hợp lòng tự ái của tôi không bị tổn thương. Chiến không tỏ ý xem thường tôi. Ngược lại, trong cái đêm hai đứa hì hục trước máy
phóng ảnh, Chiến đã kín đáo giúp đỡ tôi. Bằng kinh nghiệm che chắn và cắt cúp, Chiến đã làm cho nhiều bức ảnh của tôi có bố cục
khá hơn so với âm bản và nhờ đó nội dung ảnh tốt hơn. Tất nhiên, khỏi phải khen ngợi những bức ảnh của Chiến. Đó là những bức ảnh
mà tôi chưa dám mơ ước tới. Với ống kính trung bình của chiếc máy ảnh chiến lợi phẩm, nhà nhiếp ảnh chiến sĩ trẻ đã ghi được hàng
trăm ảnh chiến đấu, sinh hoạt và chân dung con người. Mãi nhiều năm sau này tôi còn thấy những bức ảnh đó trên báo chí, trong các
nhà bảo tàng. Thành công đặc biệt của Chiến là ảnh chân dung. Bức ảnh "bộ đội đầu tóc" miêu tả một người phụ nữ đấu tranh thắng
lợi trở về. Đầu tóc chị bị xổ rối tung. Ngực áo bị địch xé toạc một mảng. Chiếc nón lá méo mó trên tay. Bản thân chị hơi nghiên, khuôn
mặt lấm tấm mồ hôi hướng thẳng vào ống kính, mắt sáng rực, miệng mỉm cười kiêu hãnh. Sau lưng chị là ánh đuốc lá dừa lung linh mờ
ảo. Trong suốt cuộc kháng chiến, tôi chưa bắt gặp bức chân dung nào có bản sao đậm đà về người phụ nữ miền Nam như vậy. Tuy
nhiên đó không phải là bức chân dung thành công duy nhất của Nguyễn Chiến. Hầu như tất cả những nhân vật tiêu biểu trong phong
trào đồng khởi ở quê tôi đều được Nguyễn Chiến đưa vào khung hình. Người nữ chỉ huy bộ đội đầu tiên, người nông dân sáng chế
súng ngựa trời, người giao liên đưa cán bộ qua sông, người chiến sĩ du kích với bàn chông đinh...
Tất cả mọi người, qua ống kính của anh đều trở thành hình tượng nghệ thuật và được lưu truyền đến ngày nay.
Với tâm hồn nghệ sĩ và chiến sĩ, Nguyễn Chiến nghiễm nhiên trở thành một nhân vật được nhiều người chú ý một thời. Khi chúng tôi
xa nhau, tôi vẫn đinh ninh trong lòng, một ngày nào đó sẽ gặp lại Chiến với tầm vóc lớn lao hơn.
Đâu ngờ Nguyễn Chiến lại ở Bàu Le, một xóm nhỏ hẻo lánh không có tên trong bản đồ, cái căn cứ bé bỏng, chỉ có những người đồng
hương với chúng tôi họa chăng mới còn nhớ. Vậy mà đó là địa chỉ của anh, con người tưởng như không bao giờ biết dừng lại. Chẳng lẽ
Nguyễn Chiến gặp những điều nghiệt ngã? Không. Tôi chưa bao giờ tin như thế. Đối với một chiến sĩ bản lĩnh và dày dạn như Nguyễn
Chiến, mọi sự sẽ không đến nỗi nào. Nhưng tại sao Nguyễn Chiến mở mở đầu bức thư vội vàng ấy cho tôi bằng hai chữ "tình cờ", tại
sao anh không viết được đến hết diện tích trang giấy gói trà? Tại sao...
Nỗi nghi ngờ cộm lên trong lòng tôi. Tôi cần phải thu xếp công việc chóng vánh để đi về Bàu Le, cách thành phố ba trăm cây số. Thật
ra, thu xếp công việc trong lúc này không dễ dàng gì. Vì vậy mà mãi hai tháng sau, tôi mới lên đường.
Lên xe, xuống đò dọc, lội bộ suốt một tiếng đồng hồ trên đường cộ vắng ngắt trong mùa khô, trải qua lắm vất vả tôi mới phăng ra được
con đường mòn về xóm Bàu Le. Xưa "qua lộ Đông Dương" vắt giò lên cổ mà chạy đến hụt hơi mới đến được cái lối mòn xâm xấp
nước này. Cái bàu hoang mùa nước rộng ra mênh mông, sen trắng sen hồng tỏa ngát hương. Chim le le chọn nơi đây làm giang sơn,
mỗi lần có tiếng chân người lạ đến chúng chỉ dáo dác một lúc rồi tiếp tục lặn ngụp rỉa mồi như những đàn vịt con. Bên rìa Bàu Le chỉ
có một mái nhà lá lụp xụp tối om, một ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ trong gió đồng, leo lét quạnh hiu như đèn ma. Thế mà chúng tôi
mừng rơn vì đó là tín hiệu bình yên của trạm giao liên. Đây chỉ là trạm bản lề ở vùng "meo", ven lộ, nơi gặp nhau để giao nhận khách
qua đường.
Tôi và Nguyễn Chiến đã qua lại Bàu Le không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ nhận rõ được quanh cảnh thật của xóm này. Tất
cả các chuyến đi đều vội vã vào đầu hôm hoặc nửa khuya. Người quen duy nhất ở đây là chú tư Năng một lão nông vạm vỡ, râu rậm,
lúc nào cũng ở trần trùng trục. Chú Tư là cha của một tổ du kích canh đường dây. Đứa con gái, cô út Mến thì làm giao liên công khai,
chỉ đưa khách đi hợp pháp ban ngày. Ban đêm, cô phụ với mấy anh cô lo tiếp tế cho khách. Ngụm nước mưa mát rượi trong mấy phút
dừng chân chờ đổi trực là của cô. Trong bóng trăng mờ mờ, nước da con gái trắng bàng bạc, hàm răng màu sữa bắp non và mái tóc dài
xức dầu dừa óng ánh như một con suối nhỏ. Khách đường dây là con trai chỉ cần qua đây một lần, ai cũng nhớ hoài hình ảnh cô gái
yêu kiều, mộc mạc, con gái chú Tư Năng. Nhưng chẳng có ai có cái diễm phúc được dừng lại lâu ở Bàu Le, trừ một người duy nhất là
Nguyễn Chiến. Anh bị địch phục kích khi băng qua lộ, bắp chân bị trúng đạn, phải em lại Bàu Le đợi đến đêm hôm sau mới đưa về
vùng giải phóng. Nguyễn Chiến dùng dao găm cắt phăng cái mảng thịt bắp chân đã ngả màu xanh tái còn dính trên da, để làm yên
lòng gia đình c hú tư Năng. Cô út Mến bặm môi, cắn răng như chính da thịt mình bị xẻo. Chú Tư Năng tròn mắt thán phục, nhìn người
con trai dũng cảm ấy. Cô út Mến thoa mật ong ruồi vào vết thương Nguyễn Chiến, băng bó và đưa xuống hầm bí mật. Đêm hôm sau,
anh em vào khiêng Nguyễn Chiến đi, chú Tư Năng chỉ nói một câu: "Mày đã để máu thịt lại thì phải làm rể tao". út Mến đứng dựa cột,
miệng cắn chặt chéo khăn rằn, không nói lời nào. Vài ngày sau đã thấy út Mến đi công khai đến trạm quân y, tay xách một giỏ chim le
le...
Tôi đi lững thững trên con đường mòn, nay chỉ còn trong ký ức, càng đi càng thấy nó xa lạ. Mười lăm năm rồi cảnh quan biến đổi quá
nhiều. Dấu vết cái bàu xưa chỉ còn là vuông ruộng hơi trũng xuống. Hai mái nhà ven rìa bàu biến mất nhường chổ cho cả một xóm mới
mọc lên. Mặc dù tôi cố tìm khuôn mặt rậm râu của chú Tư Năng, khuôn mặt người Bàu Le duy nhất mà tôi quen, nhưng hầu như
những người chạm mặt tôi trên đường đều không có nét gì của quá khứ. Bà con thành thị về đây lập nghiệp khá đông, họ lập ra xã mới
gọi là Tân Khai, hỏi Nguyễn Chiến - Bàu Le, ai cũng lắc đầu không biết. Thấy tôi vẫn tìm kiếm, một người đi đường động lòng dừng
lại ngỏ ý muốn giúp đỡ. Đó là cụ già tóc bạc trắng, chống gậy, đội nón lá, có vẻ là người từ xa đến.
- Chú muốn hỏi ai?
- Dạ thưa... Tôi nói rõ là tìm nhà Nguyễn Chiến, người bạn trước là bộ đội nay về ở Bàu Le. Ông cụ lắc đầu tỏ vẻ khó hiểu.
- Chú đó làm nghề gì, có tên gì khác nữa không?
- Dạ có. Tôi nhớ ra Nguyễn Chiến còn có tên là Tư Hình, vì anh chụp hình và thứ tư
Ông già suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời.
- Tư Hình thì tôi không biết. Nhưng thợ nhuộm thì tôi biết. Trước đây có chú bộ đội chụp hình tên là Thợ Nhuộm, rể của Tư Năng, là
người quen tôi. ở đây chỉ có người đó thôi.
- Đúng rồi! Tôi reo lên. Đúng là Thợ Nhuộm rồi.
Chỉ có vậy mà tôi quên bẵng đi. Trước đây, dân miệt bên này họ quen gọi Nguyễn Chiến là thợ Nhuộm vì ngó thấy anh nhúng giấy vào
nước và nhuộm thành hình. Nguyễn Chiến vốn thích cái tên nôm na này hơn cả tên bí danh dùng trong kháng chiến. Tôi nhớ, đôi lúc
anh còn tự xưng "Tôi là Thợ Nhuộm đây". Và mọi người đã quen cái tên nghề nghiệp của anh, "chú Thợ Nhuộm ơi, anh Thợ Nhuộm
ơi, chụp cho tôi một tấm hình..."
- Vậy chú cứ lại cái nhà kia, hỏi cô chủ tịch thì biết
Ông cụ chỉ nói vậy rồi lọc cọc chống gậy đi tiếp.
Tôi đến trụ sở ủy ban mới bt chủ tịch xã Tân Khai chính là út Mến
út Mến nhận ra tôi, nhưng tôi thì còn ngỡ ngàng vì chị đã đổi khác nhiều so với út Mến ngày nào. Mái tóc dày như một dòng suối đen
đã bới gọn sau gáy, khuôn mặt rám nắng, đôi mắt đen ẩn sâu. Chỉ còn hàm răng hạt bắp trắng ngà là của út Mến ngày xưa.
Về đến sân nhà, chỉ thấy cháu bé gái chừng sáu tuổi đang vãi thóc cho gà ăn, tôi sốt ruột hỏi út Mến:
- Nguyễn Chiến đâu?
Chờ cho tôi vào nhà xong, út Mến lẳng lặng nhìn lên bàn thờ đặt tựa bên vách lá. Bàn thờ vẫn còn ghi ngút khói hương, ngọn đèn trứng
vịt leo lét nhạt nhòa. Giọng út Mến buồn buồn:
- Anh về muộn quá rồi. ảnh đã.... đi cách đây hai tháng.
út Mến nói như đọc, giấu mọi xúc động trong giọng nói cố làm ra vẻ tự nhiên. Trên khuôn mặt kềm chế nét răn rúm xúc động, đôi mắt
út Mến mở to không chớp.
Tôi đã biết tất cả
- Tôi nhận được thư anh ấy - Tôi nói như tạ tội - Nhưng cố chờ tới kỳ nghỉ phép để về chơi lâu. Không ngờ...
- Lúc viết thư cho anh - giọng út Mến bắt đầu run - ảnh còn làm việc cho Ty Văn hóa và Thông tin tỉnh, chuẩn bị đi Kompông
Chơnăng. ảnh đi có một tuần lễ để chụp hình cho nhà bảo tàng. ảnh đi Campuchia hoài anh à. Ngờ đâu, đúng vào cái năm đó bên đó
bình yên, ảnh lại bị tụi bắn lén. Viên đạn trúng vào sọ não. Xớt qua thôi, vết thương chỉ bằng mút đũa nhưng đã cướp hết của ảnh cả
đầu óc. Anh trở về thành một người câm, và thường bị co giật cho tới lúc ảnh chết.
út Mến nói những lời đầy cố gắng, suôn sẻ trong nước mắt lã chã.
- Anh biết không, ảnh không qua được cái tuổi bốn chín. Thôi, anh ngồi đây, em đi nấu nước.
út Mến đi như chạy để giấu tiếng nấc. Còn lại một mình, tôi đứng trơ ra như cây keo đã rụng hết lá ở rìa sân. Đốt một nét hương tưởng
nhớ bạn, tôi mới nhận ra trên bàn thờ trống trải đến hiu quạnh. Bạn tôi khôgn có ảnh chân dung, phía sau bàn thờ chỉ là khoảng vách
dán giấy hoa cũ kỹ. Lẽ nào Nguyễn Chiến không để lại co út Mến một tấm hình nào, một tấm phim nào. Vô lý quá. Tôi nhìn quanh
quất tìm chân dung bạn tôi, nhưng chỉ thấy toàn những bức ảnh triển lãm. Những hình ảnh về cuộc chiến tranh, ảnh phong cảnh và rất
nhiều ảnh chân dung mà tôi đã biết và chưa biết được phóng to, khung lớn, treo chật cả hai tấm vách lá. Trên bàn thờ, một chồng
anbum dày cộm ở góc trong cùng.
Tôi đem những tập anbum xuống chiếc bàn và xem lướt qua những trang hình Nguyễn Chiến còn để lại. ảnh về cuộc đồng khởi được
dán ngay những trang đầu. Kế đó là các bức ảnh chụp về sinh hoạt trong vùng giải phóng cách đây hai mươi năm. Cứ như thế, các
trang ảnh nối tiếp nhau ghi nhận các giai đoạn của cuộc kháng chiến: cuộc tấn công vào thị xã năm Mậu Thân rồi ngày ba mưới tháng
tư năm 1975. Tập anbum sau cùng dành cho đề tài chiến trường biên giới và đất nước Campuchia hồi sinh. Vẫn tới phong độ ngày nào,
Nguyễn Chiến rất dè xẻn trong khai thác chất liệu và kịp thời ghi lại phút giây nóng bỏng nhất của các sự kiện. Khung hình nào cũng
trong sáng, giản dị và chân thật. Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là toàn bộ các bức ảnh từ tập đầu tới tập cuối đều bóng ngời nước
thuốc, chứng tỏ đây là những tập ảnh vừa được phóng lại.
Nhưng hình ảnh đọng lại trong tôi nhiều nhất chính là những bức chân dung. Chiến vẫn tiếp tục phong cách thể hiện chân dung đầy
nghiêm túc, công phu của anh từ ngày đồng khởi. Anh không bỏ sót một chân dung đồng đội nào, trong đó có cả tôi do anh chụp
trong lần quen nhau đầu tiên. Lẽ tất nhiên những bức ảnh chân dung đẹp nhất, Chiến dành cho những người có chiến công, những
người lãnh đạo phong trào. "Chị Ba", là bức ảnh chụp một người lãnh đạo phong trào địa phương, trông oai vệ như một vị tướng, chỉ
với tấm áo bà ba mộc mạc và chiếc khăn rằn. Anh đã sử dụng các mảng tối sáng chọn lọc làm cho đường nét trên khuôn mặt đạt hiệu
quả tương phản cao độ, làm bật lên chủ đề bức ảnh, chủ đề đấu tranh. Trong số tác phẩm đạt tới trình độ nghệ thuật ấy có chân dung
một em bé bị bom napan đang cắn răng, nước mắt lưng tròng. Khung hình chỉ có vậy, hoàn toàn không có lửa cháy nhưng tôi cảm giác
như em bé đang rát đau dữ dội. Nhìn những chân dung nữ du kích của Nguyễn Chiến, tôi bỗng nhớ tới điều mơ ước của anh, chụp
chân dung út Mến, cô giao liên Bàu Le đã là vợ anh. Tuy là con gái quê mùa nhưng út Mến là một thôn nữ điển hình - Nguyễn Chiến
tâm sự - cô có cái duyên thầm - chỉ bộc lộ ra cử chỉ, đặc biệt là cái lung linh của đôi mắt. Vừa làm giao liên công khai vừa đấu tranh
chính trị, đôi mắt dịu dàng mà cương nghị của út Mến đã giúp cô làm chủ được tình thế. Làm sao bỏ hết chi tiết thừa để tập trung thể
hiện đôi mắt thôn nữ ấy trước kẻ thù. Một lần, Nguyễn Chiến nghe út Mến kể lại một cuộc đấu tranh, nhưng đó là một lần duy nhất
không sao "chộp" kịp vào khung hình.
Vậy là cho tới nay, chân dung đôi mắt ấy chưa có trong những tập album của Nguyễn Chiến. Lòng tôi trữu nặng, khi lật đến trang cuối
của tập ảnh cuối cùng. Không có cả hình ảnh chân dung của chú Tư Năng, của nu người thân khác mà Nguyễn Chiến ước ao được
chụp. Tất nhiên chân dung của chính anh, cũng không hề có.
Tôi ngồi trước những tập ảnh, lòng ngổn ngang những bâng khuâng mơ hồ. út mến và cháu gái cũng đã trở lên, chúng tôi ngồi quanh
bàn.
- Anh Thảo uống trà đi. út Mến dịu dàng.
Tôi hỏi:
- Cháu tên gì?
- Dạ thưa cháu là Thu Ba
- Thu Ba. Tôi lặp lại cái tên dịu dàng của cháu gái.
- Cháu cũng thứ ba? Tôi nhìn út Mến.
- Đúng là cháu thứ ba anh Thảo à. Tôi còn cháu Thu Hai nữa, sinh năm sáu mươi hai.
út Mết kể:
- Thu Hai lớn hơn Thu Ba tám tuổi. Hồi tôi vô cứ thăm anh Chiến, gặp nhau, tôi chưa có Thu Hai. Cháu sinh ra năm sau đó, đến cuối
năm bảy hai, lúc tụi nó bình định ác liệt, cháu vừa tròn mười tuổi. Lúc này, xóm Bàu Le đã bị "khai quang", dân trong vườn bị dồn ra
nơi đây thành ấp chiến lược. Cha tôi và mấy anh bị biệt kích vây diệt gọn trong một đêm. Tôi đi công tác trở về thành mồ côi cha mẹ
cho tới bây giờ. Cái nền nhà cũ của cha tôi trở thành nền bót, rào gai vây kín không còn đường đi nữa. Bà con bị gom dân xáp lại đấu
tranh xin xác cha, anh tôi và đùm bọc tôi. Tôi ở lại làm dân ấp chiến lược, sau đó móc ráp được anh em mình rồi tham gia đấu tranh tới
ngày giải phóng.
- Cháu Thu Hai đâu rồi?
- Trời ơi! Cháu Thu Hai đâu còn nữa mà anh hỏi. Cháu hy sinh năm bảy hai.
"Cháu Thu Hai đã hy sinh". Quả thật tôi không còn tin vào tai tôi nữa.
- Cháu Thu Hai làm gì hy sinh?
- Cháu làm giao liên. Cả nhà này làm nghề giao liên mà anh. Cháu cầu thư của tôi, lúc đó tôi là trưởng ban cán sự phụ nữ Bàu Le. Tụi
bình định nông thôn, đánh phá cơ sở tơi bời hết, không còn cả giao liên. Cháu Thu Hai mười tuổi phải đi liên lạc cho mẹ mang thư vô
cứ. Tụi bình định bắt được biểu phải chỉ căn cứ xã. Thu Hai lắc đầu từ chối và cắn răng chịu đòn. Chúng giam thu Hai trong trụ sở bọn
bình định. Nửa đêm cháu chui rào trốn ra bị trúng lựu đạn gài của chúng.
- Cháu Thu Hai chết khi ảnh đang đi chụp hình chiến dịch đánh địch phản kích - út Mến bị nghẹn nói, phải ngừng một hồi rất lâu sau
mới tiếp tục một cách khó nhọc - ba tháng sau tôi mới tìm được nơi đóng quân của ban chỉ huy mặt trận. Nghe tin con, đang nằm đong
đưa trên võng dã chiến, anh ngồi phắt dậy nhìn trân trối vào mắt tôi, mặt tái xám lại, tay ảnh run lên không sao cuốn nổi điếu thuốc,
môi anh mấp máy định nói nhưng sau đó mím chặt lại. ảnh cứ làm thinh như thế từ chiều đến đêm. Đồng đội đến chia buồn ảnh cũng
chỉ gật đầu.
Thật khuya, khi tôi mệt thiếp đi trên võng, mới nghe cử động lụp cụp của anh. Anh mở thùng đại liên đựng phim lúc nào cũng mang
theo bên mình, soi đèn pin tìm kiếm rất lâu, mỗi lúc cử chỉ của anh thêm rối ren, tuyệt vọng. Rồi tôi nghe anh thổn thức. Anh lén tôi,
khóc thầm một mình.
Về sau này tôi mới biết, trong đêm đó, hành động của ảnh hoàn toàn vô nghĩa. Chỉ vì muốn tìm lại hình ảnh con đã mất mà anh quên
bẵng đi, chính ảnh đã cắt vụn cuốn phim chụp mẹ con tôi từ cái lần cuối cùng ảnh về Bàu Le. Lần đó, địch đang triển khai bình định,
chúng gần như phong tỏa chặt vùng xung quanh xóm. Vậy mà ảnh cũng núp ló, kỳ cạch chụp hình cho Thu Hai và tôi. ảnh thức đêm
tráng phim và làm ảnh nhưng không biết sao ảnh không vừa ý và cắt vụn ra tất cả. Thu Hai khóc đòi xem, ảnh không cho. Anh hứa với
Thu Hai sẽ chụp hình con lần sau. Nhưng, đường dây qua lệ bị đứt, ấp Bàu Le bị chiếm, anh không còn dịp nào trở lại. Từ đó, kể cả
sau ngày hòa bình, ảnh đi chụp đâu đâu, chớ khi gặp người trong gia đình ảnh không bao giờ nghĩ tới việc chụp hình nữa.
- Nghĩ lại cũng tủi anh à - út Mết nói tới đây, nước mắt lưng tròng - Vợ chồng hiểu nhau, nhưng riêng cái chuyện chụp hình này thì ảnh
không cho tôi hiểu biết điều gì hết. ảnh không nghe ý kiến tôi, gần như bắt buộc tôi phải nghe ảnh mà thôi. Bởi vậy tôi đâu dám nhờ
ảnh chụp hình cho em của Thu Hai là Thu Ba đây. Cháu càng lớn lên càng giống chị như hai giọt nước. Tôi mốn ảnh chụp hình Thu
Ba, ảnh chỉ hứa là sẽ nhờ người khác chụp hay hơn. Nhưng tôi lo nhất là hình của chính ảnh. ảnh vào sanh, ra tử mà nhà thì không có
tấm hình nào để phòng khi gặp chuyện rủi ro.... Có lần tôi đánh bạo nói ra thì ảnh chỉ cười trừ...
Lần đó, coi như chuyện chụp hình... tạm gác qua một bên. Kế đến là giải phóng miền Nam, là hòa bình, không còn bom đạn, chuyện
đó coi như không còn bức thiết nữa. Đâu ngờ... chính cái lúc này.... ảnh bị thương!
Nói tới đây, út Mến quay mặt chỗ khác, kéo khăn lau nước mắt. Hồi lâu sau, chị nói tiếp một cách khó nhọc:
- Đâu ngờ... ảnh đi chụp hình khắp người ta, mà rốt cuộc, một cái hình riêng cho mình thì không có. Kể cả tấm hình gắn giấy tùy thân
cũng lạc mất luôn...
Nghe út Mến kể lòng tôi đau nhói. Thật không thể nghờ được sự trống vắng một bức chân dung của người đã khuất lại gây nên bao
nỗi niềm trắc ẩn đến ngần này. Càng nghe út Mến, nỗi ân hận càng giày vò tôi. Là đồng nghiệp với nhau, trước đây có biết bao cơ hội
để chúng tôi bấm máy cho nhau. Nhưng không biết sao, lúc cầm máy ảnh, ống kính của chúng tôi chỉ hướng về phía trước. Phía trước
có sức hút kỳ diệu đến nỗi chẳng ai nghĩ đến việc quay ngược ống kính về phía chân dung mình cả. Trong hoàn cảnh hiện nay, nói như
thế có cường điệu quá chăng? Nhưng quả là có thật, trong những năm sáu mươi, ít ai nghĩ tới việc bấm máy cho nhau những bức ảnh
kỷ niệm. Vả chăng, đối với Nguyễn chiến việc chụp chân dung anh gần như là một việc không cần thiết, một việc cấm kỵ.
Cho đến bây giời, sự tình đã như vậy, chính tôi cũng ngạc nhiên, không hiểu sau lại có thể có trờng hợp đặc biệt này. Tôi không tin vào
trí nhớ mình nữa, trái lại, tôi còn hy vọng mơ hồ rằng, trong những kiểu ảnh bất chợt vô tình nào đó của tôi chụp, có thể có dính hình
ảnh của anh. Có thể lắm, nhất là những cảnh chụp từ phía sau, chụp trong khi Nguyễn Chiến hướng ống kính về phía trước. Tuy lơ mơ
hy vọng, tôi cũng đã hứa sẽ cố tìm cho út Mến và cháu Thu Ba bức chân dung bạn tôi. Lời hứa cốt để làm yên lòng những người đang
sống trong đó có tôi.
út Mến cũng tươi tỉnh hơn, chị đề nghị chỉ chỉ cần tấm hình nào cho có dạng để nhờ họa sĩ vẽ thêm, gắn với tấm hình trong thẻ Đảng
của chị. Cái ước mơ nho nhỏ đó cũng đủ làm cho mắt chị sáng lên, miệng cười tươi làm tôi liên tưởng tới út Mến xinh đẹp thời con gái.
Từ đó, câu chuyện chúng tôi đỡ nặng nề hơn lúc đầu. Mỗi người một ý về nét mặt, về tâm tính của Nguyễn Chiến. Tất cả những ý kiến
góp lại làm cho tôi như cảm nhận rõ rệt chân dung người bạn, thứ chân dung trừu tượng vô hình nhưng rõ nét lồng lộng trong trí não.
Chỉ trừ một người ngồi chung bàn không góp lời nào vào cái chân dung tưởng tượng đó, người đó là cháu Thu Ba. Cháu ngồi tựa ngực
vào mép bàn, mắt dán vào cái tập ảnh, chuyện trò nho nhỏ với những bức ảnh. Từng trag ảnh được lật tới, lật lui, mái tóc bom bê mải
miết sà vào đó, cái mũi xinh xinh cứ chúi vào các bức ảnh. Ngắm Thu Ba xem ảnh Nguyễn Chiến một cách chăm chú như vậy, tôi biết
chắc một điều cháu đã từng một mình trò chuyện với các bức ảnh ấy nhiều ần qua trí tưởng tượng trẻ thơ.
Em bé nào cũng thích những bức ảnh sáng rõ và tươi vui. Thu Ba cũng thế. Cháu vứ vuốt ve một tấm ảnh mới nhất và được phóng to,
đầy một trang album. Đó là bức ảnh chụp theo kiểu lưu niệm, có nhiều người đứng hàng ngang tươi cười, phía sau là toàn cảnh dinh
Độc Lập rực rỡ cờ hoa sau ngày ba mươi tháng tư năm 1975.
- Má ơi má. Trong tấm hình này có ba con đây nè má.
Thu Ba dựa sát vào mẹ, đẩy tập album ngay trước mặt út Mến chỉ vào tấm ảnh phóng to. ý kiến của cháu làm cho mọi người chồm tới
bức ảnh. Người vừa sửng sốt xen với nỗi vui mừng là tôi. Chỉ cần một chấm nhỏ bằng đầu đũa trong khung hình cỡ lớn ấy thôi, tôi
cũng đủ sức chụp lại và phóng ra một bức chân dung như đã từng mơ ước từ nãy giờ. Tôi chồm tới, vồ lấy trang hình và dán mắt vào đó
để tìm khuôn mặt quen thuộc Nguyễn Chiến. Mắt tôi căng ra, lướt qua các khuôn mặt đang tươi cười trong ngày đại thắng. Mọi khuôn
mặt đều rực lên trong ánh sáng hơi chếch, tóc lấp lánh đường viền thật đẹp. nhưng không có khuôn mặt chữ điền, không có đôi mắt
kính cận và mái tóc bồng. Hoàn toàn không có ai là Nguyễn Chiến trong tấm ảnh chụp trước dinh Độc Lập đó cả. Tôi lắc đầu thất
vọng. Nhưng cử chỉ này chỉ làm cho thái độ Thu Ba càng kiên quyết hơn. Cháu giật mạnh bức ảnh về phía mình, lại chăm chú nhìn vào
tấm ảnh, giọng cháu sôi nổi lạ thường.
- Có mà. Dứt khoát là có ba cháu mà!
Thái độ kiên quyết của Thu Ba làm cho cả hai người lớn đều mất lòng tin vào mắt mình.
út Mến có vẻ bán tín bán nghi. Chị hỏi con:
- Ba con đâu, con chỉ coi?
Tôi cũng thế, tôi vuốt tóc cháu:
- Mắt cháu tỏ, cháu chỉ chú coi, ba cháu chỗ nào?
Thu Ba ngước nhìn mọi người, rồi nhìn tôi tỏ vẻ khó hiểu. Sau đó, cháu trỏ vào một góc ngoài khung hình:
- Đây ba cháu đứng đây, đứng chỗ góc này nè.
Chưa ai hiểu được ý Thu Ba muốn nói gì, ít nhất là trong vài giây. Cháu bé bị hỏi dồn, lúng túng cực độ, mặt tái nhợt, nước mắt sắp ứa
ra. Cháu cố gắng giải thích:
- Ba cháu đứng đây thật mà. Ba phải đứng chỗ này mới chụp được mấy chú trong hình
- Sao con biết ba con phải đứng đây? Giọng út Mến bắt đầu run. Sao con biết, con nói đi
- Con biết mà - Thu Ba nhìn mẹ, cặp mắt van lơn - Con hỏi sao không có hình ba, ba nói có chứ, trong tất cả các tấm hình này đều có
ba đứng gần đó. Ba nói, ba phải đứng gần đó mới chụp hình được.
Thu Ba nói ấp úng khó nhọc, ngón tay trỏ rối rít chỉ vào những chỗ ngoài khung hình, trên bàn, trên những khoảng trắng của trang
album. Nói xong, mắt cháu sáng long lanh như ngọc, chờ đợi ý kiến chúng tôi.
út Mến tròn mắt nhìn con gái, nước mắt trào ra. Còn tôi, tôi cũng kịp nhận ra cái hồn của câu nói bé thơ vừa rồi. Đó không phải là ý
nghĩ của cháu Thu Ba mà chính là của Nguyễn Chiến muốn nói với con, nói với mọi người. Nỗi buâng khuâng bỗng chốc tiêu tan trong
tôi. Thì ra đâu có thiếu vắng chân dung của bạn tôi trong cuộc đời này. Nguyễn Chiến vẫn có mặt bên cạnh tất cả chân dung của mọi
người.
Chỉ đơn giản vậy thôi mà trước đó tôi không hề nghĩ ra.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 162

Return to top