Ngày hôm sau khi Mameha về lại thành phố, nghe chuyện Mẹ nhận tôi làm con nuôi, cô ấy không có vẻ vui mừng như tôi mong đợi. Cô ấy gật đầu với vẻ hài lòng, đương nhiên, nhưng không cười. Tôi hỏi công việc như thể không như ý cô ấy mong muốn hay sao.
- Ồ không, việc hô giá giữa ông bác sĩ Cua và ông Nobu tiến triển như tôi mong đợi – cô ấy nói – và kết cuộc là số tiền đáng kể. Khi có tin chính thức, tôi nghĩ thế nào bà Nitta cũng nhận cô làm con. Làm sao tôi không vui?
Cô ấy nói thì như thế. Nhưng sự thực, như điều tôi được biết trong mấy năm sau, hoàn toàn khác hẳn. Điều thứ nhất là không có tranh nhau hô giá giữa bác sĩ Cua và ông Nobu. Mà tranh nhau giữa ông bác sĩ và ông Nam tước. Tôi không tưởng tượng ra được Mameha nghĩ sao về việc này, nhưng tôi tin vì việc này mà cô ấy đã tỏ ra lạnh lùng với tôi một thời gian ngắn, và tại sao cô ấy giữ kín chuyện đã xảy ra.
Tôi muốn nói không phải ông Nobu không tham gia vào việc này. Ông ta hăng hái hô giá mua mizuage của tôi, nhưng chỉ trong thời gian mấy ngày đầu, cho đến khi con số lên đến 8.000 yen. Khi ông ta bỏ cuộc, có lẽ không phải vì lý do quá cao, Mameha tin rằng nếu ông ta muốn, ông ta có thể hô giá chống bất kỳ ai. Vấn đề rắc rối là, vấn đề mà Mameha không tiên liệu trước, Nobu không thiết tha đến việc mua mizuage của tôi. Cô ấy nghĩ ông ta là loại đàn ông dùng thì giờ và tiền bạc để chạy theo mua mizuage, nhưng thực ra ông ta không phải là người như thế. Cách đây mấy tháng, chắc anh còn nhớ, Mameha nói rằng không có người đàn ông nào muốn có quan hệ mật thiết với cô geisha tập sự mười lăm tuổi trừ phi ông ta có quan tâm đến việc mizuage của cô ta. Trong thời gian cô ấy lập luận như thế, cô ấy từng nói với tôi “Tôi cá với cô rằng ông ta mê mệt cô không phải vì nói chuyện với nhau đâu”. Tôi không biết cô ấy có đúng về trường hợp của tôi không, nhưng nếu có gì khiến cho Nobu mê tôi, điều ấy không phải là chuyện mua mizuage của tôi.
Còn về phần bác sĩ Cua, ông ta là người có lẽ chọn cách tự tử theo phương pháp cổ điển trước khi cho phép người nào như Nobu chiếm mizuage khỏi tay ông ta. Dĩ nhiên ông ta không biết chuyện ấy, và bà chủ phòng trà Ichiriki quyết định không nói cho ông ta biết. Bà ta muốn giá cao chừng nào hay chừng ấy. Cho nên khi bà ta nói chuyện điện thoại với ông ta, bà đã nói như thế này “Ồ thưa bác sĩ, tôi vừa nhận được tin từ Osaka, và lời đề nghị báo đến 5000 yen” Có lẽ bà ta có nhận tin từ Osaka. Nhưng có thể tin từ bà chị của bà ta, vì bà chủ không thích nói láo triệt để. Nhưng khi bà ta nói đến Osaka và nói đến lời đề nghị một cách tự nhiên, đương nhiên bác sĩ Cua nghĩ rằng lời đề nghị là của Nobu, mặc dù đó là của ông Nam tước.
Còn phần ông Nam tước, ông thừa biết đối thủ của ông là ông bác sĩ nhưng ông cóc cần. Ông muốn chiếm được mizuage, và khi ông thấy không thể thắng được, ông bèn bĩu môi như một chú bé. Sau này, một geisha nói cho tôi nghe về câu chuyện giữa cô ấy với ông ta vào lúc đó – “Cô có nghe chuyện gì xảy ra không? – ông Nam tước nói với cô ta – tôi cố mua cho được một mizuage, nhưng có anh chàng bác sĩ hung hăng nào đấy đã cản đường tôi. Chỉ có một người đàn ông mới làm người khám phá ra cái vùng chưa được khám phá và tôi muốn là người ấy! Nhưng tôi biết làm sao được? Anh chàng bác sĩ điên cuồng hình như không hiểu rằng con số mà ông ta đưa ra là một số tiền quá lớn!”
Khi việc hô giá càng lúc càng cao, ông Nam tước bèn nói đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng con số đã lên đến rất gần với kỷ lục mới, đến nỗi bà chủ phòng trà Ichiriki quyết định đẩy sự việc lên cao hơn nữa, bằng cách lừa dối ông Nam tước cũng như lừa dối ông bác sĩ. Trên điện thoại, bà ta nói với ông ta rằng cái “ông quý tộc” kia đã hô một giá rất cao, rồi nói thêm “Tuy nhiên nhiều người tin rằng ông ta là loại quý tộc sẽ không tăng giá lên cao nữa” – Tôi nghĩ có nhiều người tin một việc như thế về ông bác sĩ, nhưng bà chủ không phải là người trong số này. Bà tin khi ông Nam tước hô giá cuối cùng, bất kỳ là bao nhiêu, ông bác sĩ sẽ chặn đứng lại giá đó.
Cuối cùng bác sĩ Cua bằng lòng giá 11.000 yen để mua mizuage của tôi. Trở lại thời ấy, đây là cái giá mua mizuage cao nhất ở Gion, và có lẽ ở bất cứ khu vực geisha nào ở Nhật. Cứ nghĩ vào thời ấy, một giờ geisha phục vụ giá khoảng 4 yen, và cái kimono đẹp nhất có thể bán 1.500 yen. Cho nên nghe ra thì không phải là một số tiền lớn, nhưng phải nói rằng với số tiền như thế này, một người lao động phải làm một năm mới có được.
Tôi phải thú nhận rằng tôi không biết gì nhiều về tiền bạc. Hầu hết geisha đều tự hào không mang theo tiền mặt trên người, và mua các thứ bất kỳ họ đi đến đâu. Ngay bây giờ ở tại New York City này, tôi cũng sống như thế. Tôi vào mua tại các cửa tiệm biết tôi, các nhân viên ở đấy chỉ viết các thứ tôi cần là đủ. Khi hoá đơn gởi đến vào cuối tháng, tôi có người phụ tá dễ thương trả tiền thay cho tôi. Cho nên anh thấy đấy, tôi không thể nói cho anh biết tôi tiêu bao nhiêu tiền, hay là giá một chai nước hoa đắt hơn một tờ tạp chí bao nhiêu. Cho nên tôi là người dở nhất trên trái đất này nói các chuyện liên quan đến vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên tôi muốn kể cho anh nghe câu chuyện có lần người bạn thân của tôi đã nói với tôi – người mà tôi tin là rất sành về vấn đề ông ta nói đến, vì ông ta là Thứ trưởng Bộ tài chánh Nhật trong một thời gian dài thập niên 1960. Ông ta nói tiền bạc thường mất giá năm này so với năm trước, và vì thế mà mizuage của Mameha năm 1929 có giá hơn của tôi vào năm 1035, mặc dù giá của tôi là 11.000 yen, còn của Mameha đâu khoảng 7.000 hay 8.000 yen gì đó.
Dĩ nhiên vào thời tôi bán mizuage, kỷ lục này không thành vấn đề. Ai cũng biết tôi đã có kỷ lục mới, và kỷ lục này giữ mãi cho đến năm 1951, khi Hatsumiyo phá kỷ lục – theo tôi, cô ta là người geisha vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Thế nhưng theo người bạn Thứ trưởng Tài chánh của tôi, kỷ lục của Mameha mới là kỷ lục đích thực duy trì cho đến thập niên 1960. Nhưng cho dù kỷ lục thực thuộc về tôi, hay thuộc về Hatsumiyo, hay thuộc về Mameha – hay thậm chí thuộc về Mamemitsu vào thập niên 1890 – thì anh cũng có thể tưởng tượng ra được hai bàn tay múp míp của bà Mẹ ngứa ngáy như thế nào khi bà ta nghe số tiền kỷ lục này.
Hiển nhiên vì thế mà bà ta nhận tôi làm con. Tiền bán mizuage của tôi quá nhiều, dư sức trả nợ của tôi cho nhà kỹ nữ. Nếu bà mẹ không nhận tôi làm con, một phần số tiền ấy sẽ rơi vào tay tôi – và anh có thể tưởng tượng ra cảnh bà Mẹ nghĩ sao về chuyện này. Khi tôi trở thành con gái của nhà kỹ nữ, nợ nần của tôi không còn nữa, vì nhà kỹ nữ phải gánh lấy hết. Nhưng tất cả lợi tức của tôi đều nhập vào nhà kỹ nữ hết, không những chỉ lúc ấy thôi, lúc tôi bán mizuage, mà mãi mãi sau này nữa.
Kể đến những giây phút trọng đại trong đời của người geisha, thì giờ phút bán mizuage là giây phút được xếp vào loại trọng đại. Việc bán mizuage của tôi diễn ra vào đầu tháng Bảy năm 1935, khi tôi được 15 tuổi. Sự việc bắt đầu vào buổi chiều khi bác sĩ Cua và tôi uống sakê để làm nghi thức ràng buộc hai chúng tôi lại với nhau. Lý do làm nghi thức này là mặc dù việc bán mizuage sẽ xong chóng vánh, nhưng bác sĩ Cua vẫn duy trì việc bảo trợ mizuage của tôi cho đến hết đời ông ta – không phải việc này sẽ cho ông ta đặc ân gì đâu anh nhớ cho việc này. Nghi thức được diễn ra tại phòng trà Ichiriki, trước sự hiện diện của bà Mẹ, bà Dì, và Mameha. Bà chủ phòng trà Ichiriki cũng đến dự, và ông Bekku, thợ may của tôi – vì người thợ may luôn luôn tham gia vào các nghi thức thuộc loại này, đại diện cho quyền lợi của người geisha. Tôi mặc bộ đồ đúng quy cách nhất của người tập sự mặc, chiếc áo có hình năm cái vương miện đen và cái áo lót màu đỏ, là màu của sự bắt đầu mới mẻ. Mameha dặn tôi phải xử sự cho thật nghiêm trang, như thể tôi không nghĩ gì đến chuyện vui cười. Vì trong lòng lo lắng, nên tôi thấy dễ dàng làm ra vẻ nghiêm nghị khi tôi đi dọc theo hành lang của phòng trà Ichiriki, với chiếc kimono dài phủ gót.
Sau khi xong nghi thức, tất cả chúng tôi đến nhà hàng ăn có tên là Kitcho để ăn cơm tối. Việc này cũng là việc quan trọng, tôi nói ít và ăn cũng ít. Ngồi trong bữa ăn, bác sĩ Cua có lẽ đã bắt đầu nghĩ đến giây phút sắp đến, và chưa bao giờ tôi thấy có người đàn ông nào đáng chán như thế. Suốt bữa ăn tôi cứ nhìn xuống, để tỏ ra mình thơ ngây trong trắng, nhưng mỗi lần tôi liếc mắt nhìn trộm ông ta, tôi thấy ông nhìn xuống qua cặp kính như người đang tham dự buổi họp làm ăn.
Sau khi ăn xong, ông Bekku đưa tôi đi bằng xe kéo đến một quán trọ thật đẹp nằm trong khuôn viên của đền Nazen-ji. Ông ta đã đến đây trước hồi nãy để thu xếp quần áo cho tôi trong căn phòng bên cạnh quán ăn. Ông ta giúp tôi cởi áo kimono để thay một cái áo bình thường, loại này cũng có khăn quàng lưng nhưng không có đồ chêm ở nút buộc – vì đồ chêm sẽ làm cho ông bác sĩ khó mở. Ông ta thắt cái nút rất đơn giản để cho dễ mở. Sau khi mặc áo xong, tôi cảm thấy rất căng thẳng đến nỗi ông Bekku phải giúp tôi trở về phòng của tôi và thu xếp chỗ cho tôi ngồi gần cửa để đợi ông bác sĩ đến. Khi ông ta bỏ đi, tôi cảm thấy lo sợ kinh khủng, như thể tôi sắp lên bàn mổ để mổ thận hay gan hay cái gì như thế.
Lát sau bác sĩ Cua đến, bảo tôi gọi sakê cho ông ta trong khi ông nằm trong phòng tắm nằm sát kề bên. Tôi đoán chắc ông ta đợi tôi đến giúp ông ta cởi áo, vì ông nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ. Nhưng hai tay tôi lạnh cóng, tôi thấy tôi không thể làm được. Mấy phút sau, ông từ phòng tắm trở vào, trên người mặc áo ngủ và đến mở cửa nhìn ra vườn. Rồi chúng tôi đến ngồi trên chiếc ban công gỗ nhỏ, nhấp sakê nghe tiếng dế kêu và tiếng nước chảy róc rách dưới con suối nhỏ. Tôi làm bắn rượu sakê trên áo kimono, nhưng ông bác sĩ không để ý. Thực ra mà nói, hình như ông ta không chú ý đến gì hết, ngoại trừ con cá nhảy trong cái hồ gần bên, ông ta chỉ cho tôi thấy con cá, như thể chưa bao giờ tôi thấy con cá như thế. Trong khi chúng tôi ngồi ở đấy, một cô hầu đến trải hai tấm nệm bên cạnh nhau.
Cuối cùng ông bác sĩ để tôi ngồi trên ban công một mình, ông ta đi vào phòng. Tôi nhích người để có thể liếc mắt nhìn thấy ông ta. Ông ta tháo túi xách, lấy ra hai cái khăn lau trắng, để trên bàn, sửa lui sửa tới cho đến khi vừa ý mới thôi. Ông ta cũng sửa hai chiếc gối trên hai tấm nệm cho đến khi vừa ý mới ra đứng ở cửa cho đến khi tôi đứng lên, theo ông vào trong.
Trong khi tôi còn đứng, ông ta tháo khăn quàng lưng tôi ra, bảo tôi đến nằm trên một tấm nệm êm ái. Mọi việc đều lạ lùng, làm cho tôi sợ, tôi không cảm thấy êm ái được, mặc dù tôi cố hết sức giữ bình tĩnh. Nhưng tôi nằm ngửa ra và dùng một cái gối độn đầu để nâng cổ tôi lên. Ông bác sĩ mở áo tôi ra và chậm rãi tháo các thứ đồ lót dưới áo, lần lượt cái này rồi cái khác mất một thời gian dài mới xong, ông ta đưa tay thoa lên hai chân tôi, tôi nghĩ chắc ông ta muốn làm cho tôi thư giãn. Ông ta thoa một hồi lâu như thế, nhưng cuối cùng, ông lấy hai cái khăn trắng hồi nãy. Ông ta bảo tôi nâng mông lên để ông ta lót khăn ở dưới.
- Những cái khăn này để hút máu - ông ta nói.
Dĩ nhiên khi bán mizuage, thường thì ai cũng ra máu rất nhiều, nhưng không ai giải thích cho tôi biết lý do tại sao. Tôi nghĩ nên giữ im lặng hoặc không cám ơn ông bác sĩ đã rất cẩn thận lót khăn dưới người tôi, nhưng thốt nhiên tôi buộc miệng hỏi:
- Máu gì thế? - Giọng tôi khàn khàn vì cổ họng tôi khô khốc.
Bác sĩ Cua bèn giảng cho tôi nghe rằng “màng trinh” của tôi sẽ chảy máu vì bị rách - rồi vì cái này cái nọ đủ thứ - nhưng tôi vẫn không hiểu ất giáp gì hết – tôi nghĩ chắc vì quá lo sợ khi nghe nói thế, nhưng tôi đã nhổm người lên trên nệm, vì ông bác sĩ đưa tay để lên vai tôi, ấn nhẹ tôi nằm xuống.
Tôi nghĩ như thế này chắc làm cho đàn ông mất hết hứng thú khiến họ không làm những việc họ định làm nữa, nhưng ông bác sĩ không phải là loại đàn ông đó. Khi ông đã giải thích cho tôi nghe xong, ông nói với tôi:
- Đây là lần thứ hai tôi có cơ hội thu mẫu máu của cô. Tôi cho cô xem nhé?
Tôi nhận thấy ông ta đến đây không những chỉ với cái xách da đựng đồ ở lại đêm, mà còn thêm một cái vali nhỏ nữa. Bác sĩ tìm xâu chìa khóa trong túi quần móc trong tủ. Ông mang đến, mở nắp vali ra nửa chừng như cái thùng trưng bày hàng hóa. Cả hai bên vali đều có kệ để những chai lọ thuỷ tinh nhỏ có nắp đậy kín và có dây giữ cho chúng đứng yên tại chỗ. Trên cái kệ ở bên dưới là vài thứ dụng cụ như kéo, nhíp, nhưng phần lớn chỗ trogn vali đều chất đầy chai lọ nhỏ, có lẽ nhiều đến bốn hay năm chục cái. Ngoại trừ một vài cái còn để không nằm trên kể cao nhất, còn bao nhiêu đều đựng đồ gì đấy, nhưng tôi không biết là cái gì. Chỉ khi ông bác sĩ đem cây đèn trên bàn đến, tôi mới thấy được những cái nhãn trắng trên đầu mỗi chai, nhãn có ghi tên nhiều geisha. Tôi thấy có tên Mameha ở đấy, cũng như có tên của cô geisha tuyệt vời Mamekichi. Tôi còn thấy nhiều tên geisha quen khác nữa, kể cả tên cô bạn Korin của Hatsumono.
- Cái chai này – ông bác sĩ nói, vừa lấy cái chai - thuộc về cô đây.
Ông ta viết tên tôi sai, cái nét ri trong chữ Sayuri khác với tên của tôi. Nhưng trong chai đựng một thứ gì co lại giống như trái mận dầm giấm, nhưng nó có màu nâu hơn là màu tía. Ông bác sĩ mở nút chai, và dùng nhíp để kẹp nó ra.
- Đây là miếng gạc đã thấm máu của cô - ông ta nói – khi cô bị rách chân, chắc cô còn nhớ, tôi thường không giữ máu của bệnh nhân, nhưng tôi…bị cô hớp hồn. Sau khi thu cái mẫu này, tôi quyết định thế nào cũng phải mua mizuage của cô. Tôi nghĩ, chắc cô nhất trí với tôi đây là loại mẫu máu bất thường, vì không những tôi có mẫu máu mizuage của cô, mà còn có mẫu máu do vết cắt nơi chân cô cách đây mấy tháng nữa.
Tôi cố giấu sự ghê tởm của tôi đi, trong khi ông bác sĩ chỉ cho thấy nhiều chai lọ khác, kể cả chai của Mameha. Chai của cô ấy không phải đựng miếng gạc, mà một miếng đệm nhỏ bằng vải trắng dính màu đỏ gạch và cứng ngắc, ông bác sĩ Cua có vẻ rất thích thú thứ mẫu này, nhưng tôi thì…tôi nhìn vào các thứ ấy để tỏ ra lịch sự, nhưng khi bác sĩ Cua không để ý, tôi quay mắt đi chỗ khác.
Cuối cùng, ông ta đóng vali lại, để sang một bên rồi tháo kính ra, xếp lại, để trên bàn gần đấy. Tôi sợ cái giây phút ấy xảy đến, và quả vậy, ông bác sĩ Cua kéo hai chân tôi hở ra và quỳ vào giữa hai chân tôi. Tôi thấy tim tôi đập nhanh như tim con chuột. Khi ông bác sĩ mở dải thắt lưng trên áo ông ta ra, tôi nhắm mắt lại và đưa tay lên che miệng, nhưng tôi nghĩ tốt hơn là nên giữ bình tĩnh cho đến giây phút cuối cùng, cho nên tôi để bàn tay xuống một bên đầu.
Tay ông bác sĩ sờ quanh một lát, làm cho tôi cảm thấy khó chịu như lần ông bác sĩ trẻ tóc bạch kim sờ cách đây mấy tuần. Rồi ông hạ người xuống trên người tôi. Tôi cố sức nghĩ ra một biện pháp gì đó để khỏi nghĩ đến việc này, nhưng không làm sao giữ được mình khỏi có cảm giác “con lươn” của ông bác sĩ – như Mameha đã gọi – chui vào bên trong giữa hai chân tôi. Ngọn đèn vẫn còn cháy, tôi cố tìm trên trần nhà có cái gì nhìn cho khỏi nghĩ đến chuyện này, nhưng ông bác sĩ đẩy thật mạnh đến nỗi đầu tôi lăn ra khỏi gối. Tôi không biết làm gì với hai tay, nên tôi nắm chặt lấy cái gối và nhắm nghiền mắt lại. Sau đó, tôi cảm thấy trên người tôi có sự hoạt động rất mạnh, đồng thời bên trong của tôi cũng có sự hoạt động mạnh. Chắc là máu chảy ra nhiều, vì tôi ngửi thấy mùi tanh. Tôi nhớ là ông bác sĩ đã trả giá rất nhiều tiền để có được cái đặc ân này, và tôi nhớ khi ấy tôi mong sao ông ấy được vui sướng hơn tôi. Tôi chỉ cảm thấy khó chịu như thể có người cầm cái dũa, dũa tới dũa lui bên trong tôi cho đến khi tôi chảy máu.
Cuối cùng con lươn không tổ đánh dấu lãnh thổ của nó, tôi nghĩ thế, còn ông bác sĩ đè nặng lên người tôi, mồ hôi nhễ nhại. Tôi không muốn nằm sát bên ông ta như thế này, cho nên tôi giả vờ khó thở, hy vọng ông ta ngồi dậy cho khỏi nặng. Ông ta nằm yên một hồi lâu, nhưng cuối cùng ông ta qùy lên và loay hoay bận bịu trở lại. Tôi không nhìn thẳng vào ông ta, nhưng tôi liếc mắt thấy ông ta lấy cái khăn lót dưới người tôi lên lau mình mẩy. Ông ta buộc dải thắt lưng, mang kính lên, không để ý thấy có dính vết máu một bên mắt kính, rồi ông lấy khăn và gạc vải lau giữa hai chân tôi, như thể ông ta đang làm việc trong phòng chữa bệnh ở bệnh viện. Giây phút khó chịu nhất của tôi đã qua, tôi phải xác nhận khi ấy tôi cảm thấy vui vui khi nằm yên như thế, dù hai chân mở rộng ra, mắt nhìn ông ta mở vali gỗ và lấy kéo ra. Ông ta cắt một miếng khăn có tẩm maú lót ở dưới người tôi, rồi nhét vào cái chai cùng với miếng bông ông ta vừa dùng để lau xong, trên chai có ghi tên của tôi bị viết sai. Rồi ông ta cúi chào lấy lệ và nói:
- Cám ơn cô rất nhiều – tôi đang nằm nên không cúi chào trả được, nhưng không hề gì vì ông bác sĩ đứng lên để đi tắm lại.
Tôi không nhận ra là tôi đang thở rất nhanh vì lo sợ. Bây giờ thì xong rồi và tôi có thể lấy lại được hơi thở bình thường, có lẽ tôi xem như tôi đang được người ta giải phẫu, nhưng bây giờ công việc xong xuôi, nhẹ người, khiến tôi mỉm cười. Tôi thấy việc này có vẻ rất kỳ cục, càng nghĩ đến, tôi càng thấy khôi hài, và bỗng tôi muốn phá ra cười. Nhưng tôi phải nín lại, vì ông bác sĩ đang ở phòng bên cạnh. Tôi nghĩ phải chăng việc này đã chuyển hướng tương lai của tôi? Tôi tưởng tượng ra cảnh bà chủ phòng trà Ichiriki điện thoại gọi cho ông Nobu và cho ông Nam tước trong thời gian đang tiến hành cuộc hô giá, bao nhiêu tiền bạc đã tiêu phí, và lắm chuyện rắc rối diễn ra. Chuyện của ông Nobu, nghĩ ra cũng thật kỳ lạ, tôi bắt đầu cảm thấy ông ta như một người bạn. Tôi không thắc mắc chuyện tôi với ông Nam tước rồi sẽ ra sao.
Trong khi ông bác sĩ đang tắm, tôi gõ cửa phòng ông Bekku. Chị hầu liền vào thay vải trải giường, rồi ông Bekku đến giúp tôi mặc áo ngủ. Sau đó, trong khi ông bác sĩ thiu thiu ngủ, tôi ngồi dậy đi tắm. Mameha đã dặn tôi phải thức suốt đêm, phòng trường hợp ông bác sĩ thức dậy, và cần cái gì. Nhưng, mặc dù tôi cố không ngủ nhưng không tài nào chịu nổi. Tôi cố thức dậy sớm để khi ông bác sĩ thức dậy, ông ta đã thấy tôi sẵn sàng phục vụ ông ta rồi.
Sau bữa ăn sáng, tôi thấy ông bác sĩ Cua ra trước cửa quán trọ, tôi giúp ông ta mang giày. Trước khi đi, ông ta cám ơn tôi đã cho ông một đêm hạnh phúc, rồi trao cho tôi một cái gói. Tôi không biết có phải ông ta cho tôi viên ngọc như là ông Nobu hay là cho tôi miếng vải cắt ra nơi tấm khăn tẩm máu vào đêm qua. Khi tôi vào phòng lại và lấy hết can đảm để mở gói ra, hoá ra đấy là gói thuốc Bắc. Tôi không biết gói thuốc này dùng làm gì, bèn đem hỏi ông Bekku, ông ta bo tôi pha vào nước trà mà uống mỗi ngày một lần để ngừa thai. Ông ta nói:
- Phải giữ gìn cẩn thận, vì thuốc này rất đắt tiền. Nhưng đừng quá khinh thường, vì vẫn còn rẻ hơn tiền khi phá thai nhiều.
Nói ra nghe thật kỳ lạ và khó giải thích, nhưng cuộc đời tôi xem ra đổi khác sau khi bán mizuage. Bí Ngô chưa bán, nên cô ta có vẻ thiếu kinh nghiệm và bé bỏng, mặc dù cô ta lớn tuổi hơn tôi. Bà Mẹ, bà Dì, và cả Hatsumono lẫn Mameha đều có ý nghĩ như thế, dĩ nhiên, và tôi ý thức được chuyện thay đổi này rõ ràng hơn họ. Sau khi bán mizuage xong, người geisha tập sự có kiểu tóc mới, với dải vải lụa đỏ ở dưới chân búi tóc hình cái gối găm kim, chứ không mang dải lụa hoa. Lúc này tôi biết rõ cô tập sự nào đeo dải vải màu đỏ trên tóc và cô tập sự nào đeo dải vải hoa, nên tôi có vẻ hãnh diện khi đi trên đường phố hay trên hành lang trường học. Tôi được người ta kính nể vì tôi thuộc loại thiếu nữ đã kinh qua mizuage, tôi cảm thấy mình sõi đời hơn những người chưa qua chuyện này.
Tôi tin tất cả các cô tập sự đều cảm thấy mình thay đổi khi đã trải qua việc mizuage như tôi. Nhưng với tôi, không phải chỉ có vấn đề nhìn thế giới với con mắt khác trước thôi. Cuộc sống hàng ngày của tôi cũng đổi thay,vì quan niệm mới của bà Mẹ về tôi. Tôi tin chắc anh nhận ra bà ta là loại chỉ đánh giá sự vật theo nhãn ghi giá trị trên vật đó. Khi bà ta đi trên phố, óc bà ta có lẽ hoạt động như cái bàn tính - Ồ kìa, con bé Yukiyo ngu ngốc, hồi năm ngoái nó đã làm cho chị cả nó phải thiệt hại gần 100 yen, và Ichimitsu đến kìa, cô ta chắc rất sung sướng với số tiền bảo trợ do danna của cô ta trả. Nếu bà Mẹ đi trên bờ suối Shirakawa vào một ngày xuân đẹp đẽ, trong khi mọi người thưởng thức cảnh đẹp trên suối, say sưa ngắm nhìn những sợi tua trên cây anh đào xoã xuống mặt nước, thì có lẽ bà ta không thèm nhìn đến các thứ này mà chắc chỉ nghĩ đến chuyện bán cái cây này được bao nhiêu.
Trước khi tôi bán mizuage, tôi không nghĩ đến chuyện việc này sẽ làm thay đổi thái độ của bà Mẹ về việc Hatsumono gây rắc rối cho tôi ở Gion. Nhưng bây giờ tôi đã có bảng giá trên người, bà ta phải ngăn chặn việc Hatsumono quấy nhiễu tôi, ngay cả khi tôi không yêu cầu. Tôi không hiểu bà ta làm việc ấy như thế nào. Có lẽ bà chỉ nói – “Này Hatsumono, nếu cô có thái độ gây rắc rối cho Sayuri để nhà kỹ nữ này thiệt hại về tiền bạc, thì cô phải đền đấy!” - kể từ ngày mẹ tôi bệnh nặng, cuộc đời của tôi trở nên khó khăn, đến lúc này mọi việc trở nên phức tạp. Tôi không muốn nói là tôi không cảm thấy mệt mỏi hay chán nản, thật vậy, lúc này tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Cuộc sống ở Gion khó thở cho phụ nữ kiếm sống. Nhưng tôi hết sức sung sướng được thoát khỏi sự đe dọa của Hatsumono. Ở trong nhà, cuộc sống cũng dễ chịu hơn. Khi làm con nuôi rồi, tôi ăn khi nào tôi muốn ăn. Tôi chọn kimono trước thay vì đợi cho Bí Ngô chọn trước – và khi tôi đã chọn xong, bà Dì lo khâu các đường may cho vừa với chiều rộng và khâu cổ áo vào áo lót, trước khi đụng đến áo của Hatsumono. Tôi không thèm để ý đến ánh mắt hằn học căm thù của Hatsumono, vì bây giờ tôi được đối xử đặc biệt như thế. Nhưng khi Bí Ngô gặp tôi trong nhà, cô ta tránh mặt không nhìn đến tôi ngay cả khi xáp mặt nhau, tôi thấy buồn kinh khủng. Tôi thường nghĩ giá mà hoàn cảnh trớ trêu trên không xảy ra giữa chúng tôi, thì chắc tình bạn của chúng tôi thắm thiết hơn nhiều.
Chuyện bán mizuage của tôi đã xong, bác sĩ Cua hầu như biến mất ra khỏi cuộc đời tôi. Tôi nói “hầu như” vì mặc dù Mameha và tôi không đến phòng trà Shirae để hầu vui cho ông ta nữa, nhưng thỉnh thoảng tôi gặp ông ta tại các buổi tiệc ở Gion. Trái lại, tôi không bao giờ gặp ông Nam tước. Tôi không biết vai trò của ông ta trong việc nâng giá mizuage của tôi ra sao, nhưng nhớ lại, tôi hiểu lý do tại sao Mameha muốn hai chúng tôi chia tay nhau. Có lẽ tôi cảm thấy rất khó chịu khi gặp ông Nam tước cũng như Mameha không muốn tôi gặp lại ông ta. Dù sao tôi cũng không thể giả vờ làm bộ nhớ những người này.
Nhưng vẫn có một người tôi rất muốn gặp lại, chắc không nói anh cũng biết tôi nói đến ông Chủ tịch. Ông ta không đóng vai trò gì trong kế hoạch của Mameha, cho nên tôi không muốn mối liên hệ giữa tôi và ông ta thay đổi hay đi đến chỗ chấm dứt vì chuyện mizuage của tôi đã xong. Thế nhưng, tôi phải xác nhận rằng tôi cảm thấy hết sức sung sướng khi sau đó mấy tuần tôi được tin công ty đồ điện Iwamura mời tôi đến mua vui cho họ. Tối đó khi tôi đến, cả ông Nobu lẫn ông Chủ tịch đều có mặt. Trước đây tôi đương nhiên phải đến ngồi cạnh ông Nobu, nhưng bây giờ bà Mẹ đã nhận tôi làm con nuôi, tôi không phải nghĩ đến ông ta như vị cứu tinh của tôi nữa. Vả lại, khi tôi vào, bên cạnh ông Chủ tịch còn một chỗ trống, nên tôi đến ngồi vào đấy với lòng ha6n hoan hớn hở. Ông Chủ tịch rất thân tình mỗi khi tôi rót sakê cho ông, ông cám ơn bằng cách nâng tách rượu lên cao trước khi uống, nhưng suốt cả buổi tối, không bao giờ ông ta nhìn tôi. Trong khi Nobu, bất kỳ khi nào tôi nhìn đến ông ta, ông ta đều nhìn lại như thể tôi là người duy nhất trong phòng ông ta lưu tâm đến. Tôi nghĩ ông có vẻ ao ước được ngồi bên tôi, cho nên trước khi buổi tối chấm dứt, tôi quyết định dành một ít thời gian với ông ta. Sau đêm đó, tôi không bao giờ giả mặt làm ngơ với ông ta nữa.
Quãng một tháng sau, một đêm đang lúc dự tiệc, tôi nói cho ông Nobu biết chuyện Mameha có thu xếp cho tôi tham dự buổi lễ hội ở Hiroshima. Tôi cứ nghĩ ông ta không để ý đến, nhưng ngay ngày hôm sau khi tôi đi học về, tôi thấy trong phòng tôi cái rương du lịch bằng gỗ do ông ta gởi đến tặng. Cái rương còn đẹp hơn cái tôi mượn của bà Dì khi đi dự tiệc của ông Nam tước ở Hakone. Tôi cảm thấy hết sức xấu hổ vì đã nghĩ cần phải xa lánh ông Nobu, vì ông ta không còn là trọng tâm trong kế hoạch của Mameha nữa. Tôi viết tờ giấy cám ơn ông, nói với ông tôi đang mong đợi đến dự buổi tiệc do công ty đồ điện Iwamura tổ chức vào tuần sắp đến, khi ấy tôi sẽ gặp mặt ông và tỏ lòng tri ân.
Nhưng một chuyện kỳ cục đã xảy ra. Trước khi buổi tiệc tổ chức một thời gian ngắn, tôi nhận được tin báo công ty không cần tôi giúp vui nữa. Yoko, chị giữ điện thoại ở nhà chúng tôi nghĩ rằng người ta huỷ bỏ buổi tiệc. Tình cờ xảy ra vào đêm ấy tôi đến phòng trà Ichiriki để tham dự một buổi tiệc khác. Khi tôi vừa quỳ xuống trên hành lang để mở cửa vào phòng, tôi thấy cánh cửa ở phòng đại tiệc nằm ở cuối hành lang mở ra và một geisha trẻ tên là Katsue bước ra. Trước khi cô ta đóng cửa, tôi bỗng nghe có tiếng cười của ông Chủ tịch từ trong phòng vọng ra. Tôi rất ngạc nhiên, bèn đứng dậy đến chặn Katsue lại trước khi cô ta ra về.
- Xin lỗi làm phiền hỏi chị - tôi nói – có phải chị vừa dự tiệc của công ty đồ điện Iwamura trong ấy ra phải không?
- Phải, rất vui nhộn, e cũng có đến ba mươi lăm geisha và gần năm mươi các ông.
- Và…có cả ông Chủ tịch Iwamura và ông Nobu trong ấy à?
- Không có ông Nobu. Sáng nay về nhà ông ấy mắc bệnh rồi. Chắc thế nào ông ấy cũng tiếc. Nhưng ông Chủ tịch có mặt trong ấy. Tại sao cô hỏi thế?
Tôi ấp úng vài lời – tôi không nhớ mình đã nói gì – và chị ta ra về.
Nhưng dù sao mãi cho đến khi ấy tôi vẫn nghĩ là ông Chủ tịch muốn tôi đến dự cũng như ông Nobu. Rồi tôi phân vân không biết có phải đấy là hy vọng hão huyền không, và Nobu có phải là người duy nhất lưu tâm đến tôi hay không.