Dòng sông thời gian
Lê Thấu
Chiếc com-măng-ca của ông Tính, Bí thư huyện ủy đỗ ngay trước cửa nhà ông Minh thương binh, Bí thư chi bộ xã kinh tế mới Tân lập. Trẻ con trong xóm lâu lắm mới lại được nhìn thấy ô-tô, bu vòng trong vòng ngoài đến nỗi ông Tính chật vật lắm mới mở được cửa xe bước ra.
- Các cháu ơi - ông Tính la lên vui vẻ – bác có phải là ông gấu đâu mà các cháu tò mò dữ vậy. Còn cái xe dã chiến này của bác thì mui rách, cửa kính vỡ, đẹp đẽ gì cho cam.
Ông Minh ở trong nhà ra, đón khách, cười nói:
- Lâu lắm mới lại thấy cấp trên xuống thăm. Anh không phải là con gấu, cũng chẳng phải nghệ sĩ làm xiếc. Bọn con nít chẳng hề ngưỡng mộ anh đâu, ông bạn già hom hem của tôi ạ. ở đây heo hút rừng núi đến nỗi chiếc ô tô của anh cũng là vật lạ đối với lũ trẻ. Làm sao mà cấp trên bỏ quên chúng tôi lâu như thế?
Ông Tính quay sang lũ trẻ con đang đứng chung qunh giọng nói nghiêm trang như với sử tọa người lớn trong một cuộc họp quan trọng.
- Các bạn ạ, không lâu nữa đâu con đường xóm ta ở đây, ô-tô, máy kéo sẽ qua lại tấp nập. Chúng ta đang hợp tác với các nước anh em mở mang vùng này thành vùng chuyên canh cà phê lớn.
- Đến cuối thế kỷ chứ anh?
- Trong kế hoạch năm năm này anh Minh ạ. Anh và tôi, chúng ta còn đủ sống, để thấy nơi đây biến đổi thành vùng dân cư đông đúc, những nông trường cà phê lớn.
Ông Mười vui vẻ:
- Tôi cũng muốn tin như thế.
Ông Tính đáp nghiêm chỉnh:
- Có đủ cơ sở để tin. Lòng tin là cái gì lớn lao lắm. Để cho lũ trẻ ở đây mất lòng tin vào cái lý tưởng mà anh và tôi chiến đấu đến bạc cả đầu thì thật đau lòng, phải không anh Minh?
- Cơn gió lạ nào đưa anh đến thăm tôi vào ngày chủ nhật như hôm nay, anh Tính?
- Muốn đi thăm vườn của anh. Nghe người ta đồn dữ quá.
- Tốt hay xấu?
- Cả tốt lẫn xấu.
- Vào nhà uống chén nước đã. Tôi có ít trà ướp sen người ta mới cho.
Ông Tính xua tay:
- Thôi khỏi. Tôi nghe người ta bảo Bí thư xã Tân Lập đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, đang giàu lên như một tên tư sản mới- một tên tư sản có đầu óc kinh doanh, bóc lột vợ con đến tận xương tủy.
Hai ông bạn già dừng lại ở dưới tán một cây đu đủ có hàng chục quả to như những ấm giỏ. Ông Tính mân mê một quả vàng ươm ở tầm tay với, nói tiếp với chủ nhà:
- Chương trình của chúng ta như vầy: Trước tiên đi thăm vườn cà phê và hồ tiêu của anh, sau đến cải bắp mùa hè, cuối cùng chuồng heo và ao cá. Nghe nói anh định xây cả cái nhà thủy tạ giữa ao cá để cha con anh sáng sáng uống cà phê ở đó, phải không?
Ông Mười cười, không trả lời câu hỏi của ông Tính.
- Trưa nay anh ăn cơm với vợ chồng tôi nhé, cơm rau thôi.
- Không, tôi chán cơm rau rồi. Thực đơn trưa nay của tôi là gà luộc xé phay chấm muối tiêu, cá chép chiên cả con, sau bữa là đu đủ chín cây. Còn quà mang về là hai quả mít chín và ít buồng chuối tiêu gì đó.
- ồ tưởng gì, bấy nhiêu thì xin có ngay. Bà nó đâu, ra chào khách quý đi. Bà biểu con nó chuẩn bị ngay bữa nhậu cho chúng tôi nhé. Hôm nay tôi với anh sẽ nhậu một bữa lai rai in hệt chúng ta là những ông chủ đồn điền.
Xã kinh tế mới Tân Lập là một đơn vị khá, lại thành lập hợp tác xã toàn xã đầu tiên trong huyện, nên được cấp lãnh đạo chú ý chỉ đạo giúp đỡ. Nói cho công bằng thì cũng được dăm, ba vụ bà con xã viên hăng hái, tin tưởng. Nhưng sau đó thì như quả bóng bị xì hơi, phong trào cứ xẹp dần. Nhiều tiếng xầm xì, rỉ tai nhau rằng làm nhiều tổ mệt xác, làm cật lực mà ngày công chỉ xấp xỉ một cân thóc. Quỹ công ích, khấu hao cơ bản, quỹ tích luỹ, chi công gián tiếp ư? Cứ tính tuồn tuột cũng không thấm vào đâu so với thóc và tiền bà con làm ra. Vậy thì nó đi đâu? Cái tính nghi ngờ rất hay lây, nhất là khi đụng chạm tới quyền lợi sát sườn, người nông dân dãy nảy lên như đỉa phải vôi.
Trong khi đi thăm vườn cây ao cá của ông Mười, hai ông bạn già không ngớt tranh luận. Ông Tính khoát tay chỉ cái cơ ngơi khang trang của ông Minh hỏi:
- Làm sao anh lại nghĩ ra được cái trò này? Tôi còn nhớ khi anh tuyên truyền tôi vào Đảng, anh nói những người cộng sản luôn luôn chiến đấu ở hàng đầu cho lý tưởng của Đảng, khổ trước thiên hạ, vướng sau mọi người. Lại có lần anh tâm sự với tôi: con người ta khổ nhất là lúc có tiền trong túi. Có tiền trong túi là nghĩ ra đủ thứ tầm bậy tầm bạ. Có đúng là anh đã từng nói vậy không?
Ông Minh trầm ngâm:
- Trước kia tôi đã nghĩ và đã nhiều lần nói như thế. Quy luật của cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của chúng ta là hy sinh. Kẻ nào không biết và không dám hy sinh thì không thể chịu được hoàn cảnh ác liệt của cuộc đấu tranh, không thể đi hết mình với cách mạng được. Thế hệ anh và tôi, chúng ta bước vào cuộc kháng chiến với tâm trạng hân hoan của những người nô lệ đi giành cả thế giới về mình. Đối với anh và tôi, đồng tiền lúc bấy giờ không hơn mảnh giấy lộn, thậm chí chúng ta coi đồng tiền là một cái gì bẩn thỉu, đê tiện, có hại. Điều đó là hiểu được, vì khi ấy chúng mình nghĩ rằng mọi tai họa trên đời này chung quy là do đồng tiền đem lại. Có đúng như thế không anh Tính? Không hiểu anh thế nào, chứ tôi đã từng nghĩ như thế đấy.
Ông Tính vỗ tay cười:
- Đúng quá đi chớ. Và chúng mình cũng đã từng nghĩ rằng chỉ cần đánh đuổi được thằng Tây là lập tức sẽ có tất cả. Còn đồng tiền đáng nguyền rủa, nguyên nhân của mọi tai họa trên đời này, chúng ta sẽ đào một cái hố thật to đem đào sâu chôn chặt. Không có tiền, con người sẽ sống với nhau tốt đẹp hơn.
Ông Minh nheo nheo cặp mắt nhìn ông Tính rồi nói đùa:
- Còn cái thằng thương binh loại bốn, vào đảng từ năm hai mươi lăm tuổi như tôi, khi về hưu tự hào không có một xu dính túi, nay đưa gia đình đi kinh tế mới lại ky cóp làm ăn, hàng năm thu hoa lợi vườn cây ao cá có hàng chục lạng vàng, trong nhà luôn có hàng tấn thóc, nhà ngói xây mít đàng hoàng. Đích thị đó là một tên tư sản mới, một kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Ông Tính nói giọng buồn rầu:
- Nhiều lúc do dốt nát, do ngộ nhận, chúng ta đã trở thành tù binh của những tư tưởng tiểu tư sản cuồng nhiệt. Tiêu diệt ngay cái "tôi" đi chỉ để lại cái "ta" tồn tại. Muôn năm cái chung, làm chung, ăn chung, chia đều nhất loạt. đả đảo tất cả những cái riêng. Chúng ta đang còn phải trả giá cho sự ấu trĩ ấy, của tôi, của anh, của chúng ta. Chúng ta giỏi phá cái cũ và có kinh nghiệm, nhưng xây thì thiếu kiến thức và truyền thống. Công việc xây dựng một gia đình mới, một buôn làng mới, một huyện mới khó khăn và phức tạp gấp trăm, nghìn lần chúng ta dự kiến phải không anh Minh?
Trong bữa cơm trưa hôm ấy hai ông bạn già xoắn xuýt lấy nhau trong tranh luận, trong hồi tưởng, trong dự kiến, khiến bà vợ ông Minh tưởng hai ông bạn lâu ngày gặp nhau vui anh vui em đâm quá chén.
Ông Tính ghé tận mặt ửng đỏ của ông Minh hỏi:
- Tôi muốn hiểu mục đích của anh?
- Mục đích gì?
- Anh đầu tư công sức vào cái vườn với mục đích gì?
- Làm giàu! - Ông Minh trả lời cụt lủn.
- Làm giàu cho ai?
- Tất nhiên là cho vợ con tôi trước, rồi ra là bà con xung quanh, cho Nhà nước, cho xã hội.
- Đã có bao nhiêu gia đình ở đây lập vườn như anh?
- Hơn một nửa.
- Hiệu quả kinh tế công việc anh làm, khỏi nói, rõ rồi. Tôi muốn biết động cơ nào thức đẩy anh làm điều đó? Ông Minh suy nghĩ hồi lâu rồi chậm rãi trả lời:
- Xã Tân Lập chúng tôi hầu hết là bà con sống lâu năm ở vùng Mỹ - ngụy. Bà con cho rằng chúng ta đánh giặc giỏi chứ không biết làm kinh tế. Nhưng điều kỳ quặc và tai hại hơn là bà con cho rằng những người cộng sản chúng tathích sống nghèo khổ và chiến đấu để cho mọi người cùng sống nghèo khổ như mình. Kẻ thù đã nhồi nhét vào đầu óc họ như thế và đáng tiếc là một số cán bộ, đảng viên ta trong cung cách làm ăn, trong lối sống và cư xử hàng ngày với dân đã vô tình hoặc cố ý củng cố cái suy nghĩ tai hại ấy trong đầu óc những người dân hiện nay. Tôi không nói đến bọn biến chất đâu anh Tính ạ. Cái bọn chó má ấy đang lấy uy tín, danh nghĩa của Đảng ta để vơ vét, bóc lột làm giàu. Còn về phần tôi, tôi chưa bao giờ có ý muốn sung sướng hơn đồng chí, đồng bào của tôi. Tôi nói với anh điều này với tất cả danh dự và lương tâm cộng sản của tôi. Tôi muốn chứng minh cho bà con thấy những người cộng sản cũng biết lao động, biết tổ chức lao động để sống sung túc hơn và để mọi người sống sung túc như mình. Đấy, động cơ của tôi là như vậy.
Hai ông bạn già im lặng. Mãi sau ông Tính mới nói nhỏ, trầm trầm:
- Anh Minh có nhớ không, năm bốn sáu, ở chiến trường "Ba ranh giới" đơn vị ta tan rã, lúc bấy giờ anh là tiểu đội trưởng của tôi, vì tin anh tôi đã theo anh tìm về được đơn vị. Sau này anh lại là người giúp đỡ, giới thiệu tôi với Đảng. Sự thận trọng của anh, tình đồng chí, đồng đội của anh, sự trung thành với cách mạng của anh, tôi là người hiểu rõ hơn ai hết, bởi vì ở chiến trường ác liệt, khi con người cứ trần trụi ra, luôn luôn phải lựa chọn giữa ta và địch, can đảm và hèn nhát, trung thành và phản bội, sống và chết dễ thấy bản chất của mỗi người hơn hiện nay khi Đảng ta nắm quyền.
- Cảm ơn những nhận xét tốt đẹp của anh đối với tôi. Quả thật thời gian đó khó khăn, anh và tôi, chúng mình chạy bộ từ mặt trận "Ba ranh giới" về tận sông Sê-rê-pốc. Không biết đối với anh thế nào? Anh đã được học lý luận tại trường Đảng cao cấp, từng tham gia Thường vụ Tỉnh ủy, được Đảng giáo dục nhiều, chứ tôi trình độ kém cỏi, nămg lực hạn hẹp. Chỉ có tấm lòng đi theo Đảng là không điều kiện. Thời kỳ khó khăn nhất trong quá trình tham gia cách mạng của tôi lại là giai đoạn hiện nay. Thú thực với anh chưa bao giờ tôi phải đáu tranh với mình dữ, phải suy nghĩ hung như hiện nay, để giữ chọn phẩm chất của người đảng viên. Nhiều lúc tôi tự nhủ con tàu cách mạng đang đến chỗ ngoặt đây, không ba má chắc vào toa có nguy cơ văng xuống đất. Chính những ý nghĩa ấy đã thúc đẩy tôi nhận chức Bí thư chi bộ xã khi anh đề nghị.
Ông Minh định nói nữa, nhưng bỗng im bặt. Ông Tính đăm đăm nhìn khuôn mặt gầy hóp của bạn chỉ có đôi mắt điềm đạm kia vẫn hệt như bốn mươi năm về trước, hồi ở mặt trận "Ba ranh giới". Người cộng sản không bao giờ già, có phải anh đã nói với tôi như thế không, anh Minh. Ngày ấy anh đã giới thiệu tôi vào Đảng, anh bảo anh ít văn hóa triển vọng không đi xã được như tôi. Anh bảo rằng anh ít năng lực. Nhưng năng lực là gì? Nếu như điều đó không đem lại lợi ích thiết thực cho dân, cho Đảng? Nếu như điều đó không phù hợp lòng dân, không được quần chúng công nhận?
Cho đến lúc chia tay, ông Tính không hề đả động tới chuyện cái vườn nữa. Nhiều chuyện vui được hai ông bạn già nhắc lại để rồi vỗ vào vai nhau cười ha hả, cười đến chảy nước mắt và đến khi ông Tính lên xe về huyện, bà Minh và cậu con trai út đã kịp ôm khệ nệ hai quả mít chín thơm lựng ra tiễn bác Bí thư huyện ủy, gọi là chút quà nhỏ cây nhà lá vườn.