Việc tìm nữ ca sĩ Đan Thanh - nếu bà còn sống - tôi thấy không khó khăn gì lắm. Bà Đan Thanh là một nghệ sĩ tất nhiên tên tuổi của bà hẳn chưa bị lãng quên trong làng ca nhạc. Đáng lý xưa kia cô tôi phải làm công việc tìm kiếm như tôi bây giờ mới phải. Sự thể sẽ đỡ phiền phức biết bao nhiêu. Nhưng cơ hôi đã lỡ rồi, phiền trách cũng vô ích mà thôi.
Sau cuộc tiếp xúc với nhà báo Quê Hương tôi không còn can đảm bước chân vào một nhà báo nào nữa. Các chị ở chỗ tôi tạm trú mách nước cho tôi ra quán điện thoại, gọi đến báo Kịch Trường - tờ báo chuyên viết về sinh hoạt của giới ca nhạc kịch - hỏi thăm về bà Đan Thanh. Sau ít phút chờ đợi tôi được trả lời là nữ ca sĩ Đan Thanh nay đã già không còn xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu nữa và hiện mở lớp dạy hát tại tư gia, trong một chung cư ở đường X. Ba giờ chiều hôm ấy tôi tìm đến địa chỉ đã ghi. Bà Đan Thanh ở trên lầu. Tôi bấm chuông đứng đợi. Một chị giúp việc ra mở cửa. Thoạt nhìn tôi biết ngay chị mới ở dưới quê lên, cục mịch và thật thà. Tôi hỏi bà Đan Thanh. Chị ngó tôi:
- Cô gặp bà tôi có chuyện gì?
Tôi nói:
- Chuyện riêng!
Chị lắc đầu:
- Bà tôi dặn ai hỏi thì nói là bà đi khỏi... chỉ trừ những người tới học hát.
- Đúng ra thì... tôi...
- Vậy cô đến học hát hả?
Tôi chưa kịp giải thích rõ ràng chị đa le te quay vào:
- Để tôi báo cho bà biết.
Tôi bước vào một căn phòng khá rộng, bày biện lủng củng với những đồ đạc mà chắc khi mua sắm đã tùy theo hứng của chủ nhân. Chiếc bình phong Nhật Bản ngăn đôi căn phòng, đứng nhìn bộ ghế cẩm lai, vài con búp bê lồng trong hộp kính e thẹn bên giỏ hoa bằng nhựa đặt trên mặt chiếc tủ thấp, nơi dùng làm điểm tựa cho chiếc đàn ghi-ta dựng đứng một bên; chiếc dương cầm choán nhiều chỗ hơn cả, và có lẽ đó là linh hồn của các buổi tập hát.
Bà Đan Thanh tuy đã có tuổi nhưng vẫn còn tươi đẹp với phấn son. Bà đón tôi niềm nở:
- Có thêm một cô học trò nhỏ nữa. Tuyệt quá! Tên cháu là gì nhỉ?
- Thưa... Nguyễn Bảo Khánh!
- Tên cháu đẹp quá!
Bà Đan Thanh ngồi xuống ghế dương cầm.
- Cháu đã có học hát qua rồi chưa?
Toio nhỏ nhẹ thưa:
- Dạ chưa. Đúng ra thì... cháu đến đây không có ý để xin học hát.
- Nếu vậy cháu đến đây có chuyện gì? Tôi đã dặn người nhà rồi mà! Thế đấy, con bé này đần độn quá!
Bà cất giọng bực bội gọi:
- Chị Út!
Tôi vội đỡ lời:
- Dạ, cháu xin lỗi đã lợi dụng sự hiểu lầm của chị Út để vào đây. Cháu cần được gặp bà vì có một chuyện quan hệ muốn hỏi.
Tôi vắn tắt kể cho bà nghe hoàn cảnh của tôi, giải thích cho bà biết hiện tôi đang kiếm các chứng nhân của vụ đắm tầu Bạch Phượng, hầu tìm ra thân nhân của tôi biệt tích trong đêm giông bão đó.
Bà Đan Thanh tái mặt im lặng nhìn tôi. Rồi bà tới ngồi xỉu xuống chiếc ghế bành đưa hai tay úp lên mặt. Giọng bà lạc hẳn đi:
- Tôi rất ân hận là không giúp cháu được việc gì cả.
Tôi khẩn khoản:
- Thưa bà, chắc bà còn nhớ...
- Không, không! Tôi không muốn nhớ gì hết. Tai nạn đó thật là khủng khiếp. Đêm nay chắc chắn tôi sẽ mất ngủ.
- Nhưng...
- Thôi! Cháu đừng nói nữa. Cháu về đi...
Cơn xúc động của bà Đan Thanh làm tôi bối rối. Miệng tôi vâng dạ mà chân thì cứ đứng trồng tại chỗ. Bà Đan Thanh bỏ chạy vào trong mặc tôi ngẩn ngơ cạnh chiếc dương cầm. Chiếc đàn đối với tôi lúc ấy giống như một con vật thời tiền sử, dãy phím ngà là hàm răng đang nhe ra. Tôi thẫn thờ ấn tay xuống một phím ngà. Tiếng đàn vang lên. Cùng lúc ấy tôi chợt nghe giọng nói châm chọc:
- Còn đứng đó mà gõ đàn nữa chớ!
Tôi quay đầu lại, không thấy ai trong phòng.
Bà Đan Thanh chạy đi kiếm nước uống đã tỉnh táo trở lại, mỉm cười bước ra:
- Xin lỗi cháu nhé. Câu chuyện vừa rồi làm tôi xúc động. Tôi phải tránh những gì làm hại cho sức khoẻ; bác sĩ đã căn dặn như thế.
Bà gọi chị giúp việc:
- Út ra mở cửa cho cô đi...
Và như không cần để ý đến tôi nữa, bà gọi một người đang chờ sẵn:
- Nào, cậu Chương đâu, mời cậu ra học tiếp.
Chiếc bình phong động đậy. Thì ra tiếng nói châm chọc vừa rồi phát ra từ sau tấm bình phong ấy. Một thanh niên trạc mười sáu, mười bảy tuổi bước ra. Tôi không khỏi nguýt anh ta một cái, và được hắn đáp lễ lại bằng một cái bĩu môi.
Bạn học cùng trường với tôi có nhiều anh trạc tuổi này. Họ vui vẻ, náo hoạt chứ không lầm lì, cau có như cái anh chàng khó thương đó.
Tôi ra khỏi nhà bà Đan Thanh. Cánh cửa đã đóng lại, tôi chơ vơ ngoài hành lang. Thêm một lần thất bại nữa.
Bí mật về tôi vẫn hoàn bí mật. Sự xuất hiện đột ngột khó hiểu của Chương càng khó hiểu thêm. Tại sao Chương tìm đến nhà báo Quê Hương trước tôi? Tại sao Chương cũng lại có mặt tại lớp học hát của bà Đan Thanh?
Những câu hỏi ấy làm tôi điên đầu. Tôi lủi thủi bước xuống thang, bần thần đứng trước bồn cỏ của chung cư.
Giữa lúc ấy thì bà vợ ông gác cổng xách chổi đi tới. Bà hỏi tôi:
- Cô tìm ai ở đây?
- Toi đến gặp bà Đan Thanh. Nhưng...
Tôi ngừng lại, bỏ dở câu nói. Tâm sự với bà nào có ích gì?
Nhưng cũng như mọi người đàn bà mau miệng khác, bà niềm nở tiếp:
- Chắc bà Đan Thanh không chịu tiếp cô chứ gì? Phải rồi, bà ấy bận lắm! Nhiều ca sĩ thành tài được là nhờ công luyện tập của bà. Hồi còn trẻ bà là một ca sĩ nổi tiếng. Vợ chồng tôi làm việc ở đây lâu, tôi biết. Chà! Hồi đó bà được người ta tặng hoa quá xá!
- Hồi trẻ chắc bà Đan Thanh có đi trình diễn nhiều nơi lắm nhỉ?
- Còn phải nói! Bà đi từ Nam ra Bắc là chuyện thường xuyên. Rồi Mên, và cả ngoại quốc nữa.
Câu chuyện của bà vợ ông gác cổng làm tôi lưu tâm. Tôi dò hỏi:
- Mỗi lần đi như thế, chắc bà đi bằng máy bay?
- Không, hồi đó làm gì có sẵn máy bay như bây giờ. Hơn nữa vào kỳ chiến tranh Mỹ Nhật rồi Pháp Việt, chỉ có máy bay đi thả bom thôi. Thường thì đi bằng xe lửa hay tầu thủy. Chuyến đi cuối cùng của bà ấy bị nạn ngoài khơi. Dạo đó chiến tranh đã chấm dứt nhưng thiên hạ ùn ùn từ Bắc di cư vô Nam nên không ai nhắc tới vụ đắm tàu ấy cả.
- Chuyến ấy chắc bà ta thoát nạn nhỉ?
Câu hỏi của tôi làm bà vợ ông gác cổng bật cười:
- Dĩ nhiên, vì bà ấy còn sống nhăn đó thôi!
Tôi cũng cười, vì câu hỏi thật ngớ ngẩn của mình.
- Thế còn... con gái của bà Đan Thanh?
- Con gái... con gái nào?
- Bà Đan Thanh có lập gia đình chứ?
- Có. Nhưng chồng bà ấy chết lâu rồi.
- Còn con?
- Bà có hai người con trai. Song vì bà mắc đi trình diễn luôn nên giao hai cậu cho bà nội nuôi. Hiện nay họ đã lớn, có vợ con cả rồi.
- Thế ạ!... thôi, cám ơn bà nhé!
***
Rời khỏi chung cư X tôi rút cuốn sổ tay gạc bỏ tên hai người. Còn lại năm người nữa, biết họ ở phương trời nào đây?
Tôi nghĩ đến dì Anges. Tôi sẽ tìm dì ở đâu?
Dì Anges là nữ tu dòng Thánh Tâm. Vậy thì tôi cứ đến các nhà dòng nữ thuộc giáo hội Công giáo tìm Dì.
Tôi dùng đủ mọi cách di chuyển: xe buýt, tắc xi, xe lam, cyclo máy mới mò được đúng nơi chỉ dẫn cho tôi về Dì. Hiện nay Dì đang hưu dưỡng tại một nhà dòng ở Thủ Thiêm.