Người đàn ông ấy tự vẫn. Ông ta chết chẳng tự nhiên chút nào. Ông ta xếp đặt, sửa soạn kỹ lưỡng cái chết của ông trước mắt người khác. Trong những người ông nhắm tới không có tôi, nhưng tôi vẫn phải nhìn. Và lúc này tôi chỉ cười thầm, tôi đang nắm ông qua một người khác. Tôi nghĩ đó là đứa con của ông, chính ông ta đã sinh ra hắn, không phải tôi.
Hắn là hiện thân của ông. Cái tác điệu cao kỳ tới cùng, ngay trong lúc khốn nạn nhất của đời người cái dáng vẻ bí mật, phủ lên mọi cử động một ý nghĩa bí nhiệm dành riêng cho một số kẻ được ngầm lựa chọn để gửi gấm, cái giọng nói như giấu giếm những xúc động thường tình, nhưng tuôn như bị cuốn hút bởi một sức lực mạnh mẽ nuốt chửng cả tâm trí, bởi những ý tưởng chế ngự một đời mình. Hắn chính là ông, chính là người đàn ông ấy đang sống trong cái chết ngoạn mục và bắt tôi sống cùng theo những bước chân của ông trong những ngày chót của một đời người. Một đời người khác thường với một vẻ tầm thường, như trong cổ tích ông bụt hiện xuống trong bộ áo ăn mày và chỉ chịu lộ chân tướng sau khi đã thử lòng người. Tôi không thể nào chịu nổi một sự ức hiếp kiểu ấy. Chẳng khi nào ông loà mắt nổi tôi.
"Đó là những buổi chiều ngút nắng cuối tháng Tư, các anh biết chứ cái không khí chính trị sau cái ngày… đáng chán nản tuyệt vọng biết nhường nào… Anh Khả, anh nhớ chứ, anh xuống gặp tôi, anh hỏi: Phải làm cái gì chứ? QUE FAIRE?... Phải làm cái gì chứ? Tôi gặp ông ở vườn hoa bên bờ sông, gần chỗ người ta đánh cù. Tôi đã đứng với ông suốt cả buổi chiều chẳng còn chuyện gì để nói với nhau. Có lẽ lúc ấy ông đã có ý định chọn cái chết… mà tôi không hay. Lúc bắt tay từ giã, ông nói với tôi một câu mà đến bây giờ tôi mới hiểu là lời trối trăng: Hy vọng là ở lớp các chú… chỉ còn các chú.
Hắn ngửa cổ, phà thuốc lá. Hắn đợi câu nói ngấm vào người nghe. Không ai nhìn hắn cả, trừ tôi. Nhưng mọi người chắc chắn đều thấy lởn vởn trước mắt hình bóng của ông già ngoài năm mươi tuổi, sự hiện diện của hắn qua hình bóng ấy vì hắn là kẻ thừa kế của ông. Còn tôi, tôi trông chính hắn là ông già kia. Hắn là ông đồng cho mượn xác và tôi định lên tiếng. Người đàn ông ấy không để cho tôi kịp lên tiếng.
"Ông biến mất cả tuần lễ. Ông vẫn như thế nên không ai chú ý. Người ta nghĩ là ông đã ẩn trú ở một nơi kín nào đấy không muốn liên lạc với bất cứ ai… Người ta đang mượn cơ hội đó làm một mẻ lưới lớn, xét hết những ai không chịu thần phục. Ông không thể ra mắt".
Đến lúc biết thì không còn nhìn ra nổi xác của ông trương sình nằm trong nhà xác công cộng. Đời mà đến thế thì thôi… Ông chết không nhắm mắt. Nghĩ đến ông tôi cũng không sao nhắm mắt nổi…
Hắn lại ngửa cổ thổi phà liên tiếp khói thuốc xanh um. Không ai chen được lời nào. Hắn đang bầy cái xác chưa nhập quan của một nhân vật cao vời và mọi người bắt buộc phải cúi đầu tưởng niệm. Chỉ riêng hắn nằm cùng với xác ấy, hắn không phải tưởng niệm ai hết hay hắn chỉ tưởng niệm chính hắn. Thật buồn cười và cũng thật đáng giận. Tôi không sao có thể là con đẻ của người đàn ông ấy, bởi lẽ chẳng bao giờ tôi đóng nổi vai tuồng đang được trình diễn.
"Có lẽ ông đã nhảy xuống sông chỗ chiếc phi cơ rớt… chỗ anh chàng phi công bị bắt ấy… Xác ông lúc nổi lên tấp vào bờ gần đáy, ông vận quần áo mới nhất, bộ quần áo của một người vừa tặng ông… Trước khi tự tử, ông đã đi hết thảy những chỗ quen, ngồi trò chuyện rất lâu. Ông không gặp tôi. Đó là điều tôi ân hận hết sức. Ông có nhắn tôi đến chỗ ông ở. Mãi sau khi chôn ông xong, tôi mới đến gian buồng của ông. Tôi đã đọc hết các giấy tờ ông để lại cho tôi.
Đọc xong, tôi càng thương ông hơn, càng thấy mình thật có lỗi. Tôi còn giữ hết cái di sản ấy. Tôi sẽ cho đánh máy, gửi mỗi anh có mặt ở đây một bản, giữ hộ. Đó là những tài liệu lịch sử không thể nào để tiêu huỷ. Tôi phải nhờ các anh giữ cho sau này. Một mình tôi giữ e không chắc chắn… Rồi đến một ngày, mọi sự đều phải phơi ra dưới ánh sáng. Không ai bưng bít nổi sự thật hết.
Hắn ném tẩu thuốc lá xuống sân và lần này im lặng thật lâu. Ngoài trời mảnh trăng non toả ánh biếc trên những đồi xa như một bức phong cảnh vẽ trên sân khấu.
Không khí bỗng dưng huyền hoặc thêm. Trong hành lang dài rộng của ngôi nhà gỗ những người hiện diện biến thành những bóng bờ bị trói chặt vào chỗ ngồi của mình. Tôi nghe rõ mình đang bị đẩy loại ra ngoài vòng thân mật. Tôi không quen biết một ai ngoài Khả. Khả ngồi sát bên tôi, duỗi dài trên chiếc xích đu. Chiếc ghế đong đưa nghiến khẽ trên mặt gỗ bào nhẵn.
"Các anh đọc, rồi các anh sẽ thấy như tôi… Ông quả thật là người sáng suốt… sáng suốt nên tuyệt vọng… Không tuyệt vọng sao được… Nếu ông còn chút mờ tối, tôi nghĩ thế… phải chi ông còn chút mờ tồi, một chút thôi… người ta sống với một chút mờ tối nào đó, tôi nghĩ thế…"
Tôi càng lúc càng bực bội. Tôi nghe mình cất tiếng hỏi:
"Tôi tự hỏi người ta có thể nào lấy cái chết của chính mình để dối gạt kể khác hay không?"
Câu hỏi của tôi vang lên như một viên đá nắm lăn lách cách trên một mái ngói. Tôi ném tiếp không thể để tiếng động rơi không trơ trẽn.
"Cái chết như sự tự do độc nhất trong đời người được sử dụng để vẽ cuộc đời theo một ảnh tượng nào đó. Vẽ mình và vẽ người. Tại sao không nhỉ?"
Tôi cười. Tiếng cười của tôi đáp thẳng vào mặt hiện thân của người đàn ông ngồi cách tôi một người. Tôi muốn lôi cổ hắn dậy.
"Anh có bao giờ nghĩ như thế hay không?"
Sự xấc láo của tôi khiến mọi người ngơ ngác. Sự khó chịu lan rõ, nhưng vẫn không ai phản ứng gì.
"Ông bạn quá hoài nghi…"
"Cứ cho là như thế. Thế anh không bao giờ hoài nghi hay sao? Anh vừa nói đến cái chút gì mờ tối ấy và người ta lấy cái chết của mình để làm như rằng không có sự mờ tối nào cả?"
"Nhưng ông bạn có biết người đã chết không cái đã?"
"Tôi không biết. Nếu tôi biết thì…"
"Ông bạn đã phỏng đoán cả một đời người dễ dàng quá… nếu không muốn bảo là độc đoán. Tôi hy vọng tôi sẽ gửi anh một bản những giấy tờ của ông ấy để lại và anh sẽ thay đổi ý kiến".
"Tôi cho là vô ích. Có lẽ tôi sẽ hiểu được một người nếu người ấy còn sống. Tôi không tính vào những gì được viết ra. Văn chương là thứ mặt nạ, không tiết lộ điều gì ráo…"
Tôi cao giọng lúc nào không hay. Tôi tưởng như tôi đang gây gổ với chính ông. Ông muốn nói gì, muốn làm gì cũng không thể bịp tôi. Ông chỉ có thể bịp những tên cao ngạo một cách ngu muội. Một người nào đó can thiệp:
"Tôi chắc ở đây không có chuyện văn chương chỉ có cuộc đời kinh nghiệm và những ý nghĩ được ghi chép… Tôi chắc thế phải không anh Bảo? Ông là một người hành động mà… Tôi đã được gặp ông một lần. Lâu lắm rồi… nhưng tôi, tôi không thể nào quên ông".
"Anh nói đúng. Các anh đọc và các anh sẽ thấy. Anh gặp ông hồi nào?"
Rõ ràng người ta đang dùng chiến thuật gạt tôi ra ngoài câu chuyện. Người ta muốn chôn vùi những câu hỏi của tôi. Tôi không thể chịu. Tôi thấy rõ nụ cười khinh bạc nửa miệng của ông ngày nào, nụ cười như được khắc trên đá thay cho mọi câu trả lời. Ông lẩn tránh đôi mắt tôi, dáng điệu hèn mọn, nhưng nụ cười của ông thầm bảo: Con không hiểu gì hết thảy, con sẽ không bao giờ hiểu nổi bố… Trong khi tôi hiểu ông, tôi hiểu ông đóng vai người bố bị đứa con không hiểu mình. Tôi làm sao chịu để cho ông đóng vai bố tôi. Không bao giờ. Người ta lại tiếp tục câu chuyện về ông không có tôi. Tôi quay hỏi Khả:
"Ai đấy?"
Khả bóc gói thuốc mới trao cho tôi, đáp: "Bảo", rồi không nói thêm gì nữa. Tôi đốt thuốc hút, buông mình trong ghế nhìn thẳng trước mặt.
Những chiếc cọc gỗ trắng đóng dấu khoảng sân lờ mờ trên nền xầm tối của rừng cây thấp. Con đường hiện dưới ánh trăng như một dòng sông cạn. Trong rừng cây vẳng tiếng hót khoan nhặt đơn độc của loài chim không rõ tên. Người ta vẫn tung hứng những câu nói liên hồi, những tiếng động tạp nhạp phô bầy lòng kiêu ngạo, sự giả nguỵ phô trương của sự trống rỗng say sưa theo hấp lực của bóng ông già đã chết thối rữa dưới lòng đất… Mấy người phụ nữ bị đẩy lùi vào vị trí trang hoàng cho khung cảnh. Một anh người làm từ sau nhà bưng khay cà phê ra. Trước dãy chỗ ngồi bày sẵn những chiếc bàn nhỏ, ánh trăng soi nửa mặt bà. Một phụ nữ đề nghị: "Chủ nhân cho nghe nhạc". Hắn gạt ngang ý kiến. Vẫn hắn, vẫn cái giọng trống không chắc nịch trong những câu ngăn. Rồi đó sự im lặng dồn né. Sự im lặng vẩn đục hư nguỵ và hèn nhát, tôi phải đập vỡ.
"Anh Bảo này. Anh là Bảo phải không? Tôi muốn hỏi trước anh một câu: Trong những trang ghi chép của… cái ông gì đó anh đã đọc, có trang nào ông ta viết về cái chuyện… hỏng nhất trong đời không?"
"Có chứ, ông thú nhận đời này là thất bại. Ông bạn có hiểu được tâm sự của kẻ bằng lòng thất bại không? Bằng lòng thất bại để…"
"Tôi hiểu… tại cái câu không thành công thì thành nhân… tôi hiểu… Xin lỗi anh, tôi muốn hỏi đúng ra là… ông ta có viết trang nào về một sự bẩn thỉu… xấu xa nhất trong đời ông… Vâng, bẩn thỉu nhất…"
"Tôi không hiểu rõ ý ông bạn…"
"Tôi muốn nói bẩn thỉu… chẳng hạn như… xin lỗi các bà có mặt ở đây… bẩn thỉu hèn hạ đại khái như trong một truyện của Dostoievsky, một phụ nữ bị xã hội coi là không đứng đắn đã yêu cầu các vị khách của mình mỗi người phải kể chuyện ấy ra trước mặt mọi người. Kể ra… có người chết ngất… chắc quý vị ở đây đều đã đọc truyện ấy".
"Nếu thế thì không có… không phải ông viết tiểu sử của ông… Vả lại… tôi không hiểu tại sao ông bạn đặt câu hỏi kỳ vậy? Ông có ý gì thế… Với người đã chết?"
"Tôi thành thật xin lỗi… Tôi chẳng có ý gì với người chết… Có lẽ với người sống, may ra có. Tôi nói may ra có… Anh không nghĩ có nhiều lối viết tiểu sử lắm sao? Lối hay nhất là bắt người khác phải viết… Thí dụ như tôi phải viết về ông ta…"
"Ông là một nhà văn? Một người đàn bà xen lời. Thế mà anh Khả chẳng chịu giới thiệu…"
"Không, không phải thế. Nếu tôi là nhà văn, tôi viết tiểu sử của tôi chứ ai lại mất công viết tiểu sử người khác, nhất là người khác đây chẳng có dây mơ rễ má gì với mình. Anh Khả đây mới là nhà văn này…"
"Chắc tôi là nhà văn raté…"
Vợ Khả cười khanh khách vui tươi hết sức tự nhiên. Đó là một người đàn bà trưởng giả lịch thiệp thừa tinh khôn khéo léo phá tan bầu không khí gay go do tôi tạo nên. Tôi nghe một giọng nói dịu dàng tiếp theo tiếng cười của vợ Khả:
"Anh Phúc đang nói dối đấy nhé…"
Tôi quay đầu bắt gặp đôi mắt sáng như mắt mèo của Hồng chiếu thẳng về phía tôi. Đã lâu tôi không gặp Hồng. Tôi đã nhận ra Hồng ngay lúc mới đặt chân đến đồn điền này nhưng tôi chưa nói chuyện với nàng. Suốt buổi chiều, tôi ngủ hoài trong phòng riêng và trong bữa cơm đông người, tôi lại ngồi cách xa nàng mỗi người một bàn. Tôi không hiểu ý Hồng, tuy nhiên tôi vẫn cười to.
"Tôi nói dối. Đúng tôi đang nói dối. Chị có biết là tôi đang bắt chước muốn bày trò chơi yêu cầu mọi người ở đây kể câu chuyện… nhảm nhí nhất đời mình cho vui. Không, tôi không dám đề nghị chuyện bẩn thỉu… chỉ cần nhảm nhí thôi…"
Tiếng một người đàn bà gióng lên vẻ giận dữ: "Ông là ông gì mà ăn nói kỳ lạ thế nhỉ? Trò đùa của ông… hơi vô ý thức đấy". Tôi hướng về phía người ấy cười to: "Cám ơn bà, bà đã quá lễ phép với tôi… tôi mất dạy mới đúng. Thưa quý bà, tôi mất dạy, đúng quá phải không quý bà". Hồng can thiệp, giọng nhỏ nhưng rạch ròi từng tiếng:
"Anh Phúc… anh nhảm nhí quá".
"Chị Hồng… thì tôi nhảm nhí mà… Chị biết tôi quá sao chị còn mắng tôi".
Cơn phát khùng làm tôi lố bịch. Những phút này tôi không thể không làm trò hề, trò phá thối cuộc họp mặt trưởng giả đáng ghét. Khả kéo tay tôi đứng lên, xuống đây xem cái máy điện đi, tôi cúi gập đôi người chào: "Thưa quý bà, kẻ đê tiện nhất xin được phép lui…"
Chúng tôi bước xuống sàn. Sau lưng tôi người ta đang nói lớn phủ lấp sự sửng sốt tôi nén lại.
"Xin lỗi nhé… Bậy quá".
"Cậu làm sao thế?"
"Cái đầu mình không hiểu sao cứ trục trặc mãi…"
"Cậu cứ thích làm cho nó trục trặc".
"Cũng là một lẽ".
Khoảng sân rộng còn vẻ hoang vu. Tôi ngửng nhìn mảnh trăng treo trên cao trên đỉnh đồi mờ biếc, đầu óc dịu trong gió trống mặc dù những nhịp máu còn bốc trào lên mặt.
"Vợ tôi nó thích mấy cái trò này. Tôi phải chiều. Tôi không ngờ cậu lại lên trúng vào giữa đám này. Hỏng hết cả dự tính của tôi. Tôi định cho cậu sự yên tĩnh hoàn toàn để nghỉ ngơi… mà không xong. Đàn bà có những ý muốn chịu không thấu… Cậu như thế là sướng…"
Tôi đứng lại ngoài sân trăng. Khả bước vào trong nhà chứa máy điện một mình, nhà chỉ có máy không có vách. Tôi nhìn bóng Khả lúi húi quanh chiếc máy điện như thấy một người chưa từng quen biết. Khả thay đổi nhiều, mập mạp nặng nề hơn, đầu tóc húi ngắn cố giữ vẻ mạnh mẽ gân guốc của một người hoạt động. Từ trên hành lang vẳng bay tiếng cười vui của đàn bà. Trong khu rừng cây đã sát gần, tiếng chim lại khoan nhặt rành rọt như hót cho mình tôi nghe dưới các khóm bụi xào xạc tiếng lá động do các con vật nhỏ rút nhanh.
Khả giựt máy nổ chạy inh tai. Tôi bị choáng váng bất ngờ, tự động sắp giựt chạy như con ngựa chứng. Tiếng lịch xịch ngừng ném trả sự bàng hoàng xa vắng. Tiếng ồ oà của đám người trên nhà lúc điện bật tắt như một thứ nhịp quái dị.
Khả bước ra sân xoa tay khoan khoái, ngửa mặt hít thở. Trên nhà ánh vàng đục nhấp nháy thấp lẻ loi. Nền rừng phía sau đen nghịt to sững đẩy cao đỉnh trời. Tôi rời xa tiếng máy động.
"Bảo… Anh chưa gặp nó bao giờ cả. Tên ấy khó chịu thật. Đâu nó cũng đã từng sang Tầu. Hồi xưa nó là…"
Khả chậc chật trong miệng, bỏ dở chừng câu nói:
"Đêm nay thật tuyệt phải không? Mình bỗng dưng thèm lãng mạn như hồi trẻ…"
Trên hành lang, vợ Khả gọi chồng. Tiếng gọi lảnh lót vang ngân. Khả làm như không nghe, tiếp tục bước cạnh tôi. Có cái gì ngập ngừng không thốt được ở Khả.
"Nghĩ buồn cười phải không?... Bảo nó là người yêu cũ của "en". Đàn bà nó dễ xáo động lắm, không làm cách gì nói cho hiểu. "En" tưởng tôi không biết. Tôi biết rõ cả… Nhưng cậu bảo tôi phải làm thế nào… Không lẽ mỗi lúc mình cứ phải dứt khoát chỉ vì một thứ caprice như thế mệt quá… "En" nhìn tôi là thứ raté… mà có lẽ mình thế thật… lắm lúc tôi cũng muốn đập phá tan hoang, muốn ra sao thì ra nhưng tôi lại thấy để làm gì mới được… Rồi mình trở thành "hiền giả" không hay…"
Khả cười, tiếng cười chua chát đứt rời lẫn trong tiếng gọi còn ngân. Khả… Anh… Khả… Khả…
"Có thật không nói gì hết không?"
"…Đời tịch mịch lặng lẽ… Mỗi người một cách sống, thế thôi. Một ngày nào, "en" sẽ bỏ đi, chắc chắn như thế rồi… Tôi chẳng làm gì cả… Như nước trôi xuôi… Vô vị mà. Mình tự hỏi mình hết cả tham vọng rồi chăng? Rồi mình lại tự hỏi cớ sao mình cứ tự hỏi mình?... Tôi nhất định không muốn cái đầu mình trục trặc… Trục trặc mất công quá chừng…"
Khả lại cười, lần này tự nhiên ròn rã, tiếng cười cởi bỏ những phiền luỵ, mở ra một nền thăm thẳm dưới chân trời hút mắt giữa lũng đồi. Tôi không chịu nổi sự bay bổng thoát tục ấy. Có thể Khả đang quên lãng mình một cách hiền giả như thế thật. Nhưng tôi không sao chịu nổi.
Tôi quay nhìn bờ rừng để khỏi trông thấy Khả. Tiếng gọi của vợ Khả lại vọng tới.
"Thôi cậu tiếp khách đi".
"Ừ, phải về thật… "En" đang trói tôi đây, "en" tưởng như thế mà… Mình cứ giả đò như chẳng có sự gì cả… mà thật ra cũng chẳng có sự gì… nhảm nhí hết phải không?... Tôi lên trên kia nhá. Cậu coi chừng có thể có rắn…"
Tôi nghe rõ tiếng chân Khả rời xa. Trong nhà người ta mở nhạc, khúc mở dồn đầy những nhịp mạnh vỡ nghe xa vẫn hắt hiu như ảo giác. Như ảo giác cả. Tôi đang còn trong tầm mắt của những người trên hành lang. Trong rừng đêm, tôi nhìn thấy ánh trăng rớt rải loang lổ trên mặt đất rối mắt, gây hoang mang như tiếng gọi thấp thoáng: Anh Phúc… Anh Phúc…