Về đi, cún con ơi!
Bùi Việt Sỹ
Bác Lê ơi! Con Cún nhà cháu có đến đây không? Nhìn đôi mắt to ngấn nước mắt và khuôn mặt gầy gò, hốc hác của đứa cháu gái mới hơn mười tuổi, người đàn ông thảng thốt đáp lại:
- Không, mà sao nó đến đây được?
Chưa nghe hết câu trả lời của người bác ruột, đứa bé đã khóc òa lên, thảm thiết. Người đàn ông trạc độ ngũ tuần vòng một tay ôm lấy đứa cháu gái và kéo nó vào nhà, đặt nó ngồi lọt thỏm vào chiếc sa lông mây, rồi vội vã đi lấy cho nó một cốc nước trắng. Đứa bé gái vẫn khóc thảm thiết khiến người đàn ông rất đau lòng mà chưa biết giải quyết thế nào? Mẹ nó là em gái ông, chết vì một cơn đau tim đột ngột cách đây hơn ba năm. Từ ngày mẹ nó qua đời, nó thường xuyên lui tới nhà ông và ông cũng thường xuyên tới chăm sóc đứa cháu gái tội nghiệp. Hôm đó, cách đây chừng hai năm, ông cũng ở đó - nhà cháu gái - một căn hộ ba phòng rưỡi khá rộng rãi và thoáng đãng trên tầng hai, một khu tập thể nội đô. Ông đang chuẩn bị ra về thì chợt thấy một con chó con lông trắng, có đốm vàng rất to ở lưng như một chú bò khoang chạy tọt vào nhà. Người cha thấy vậy vội vàng đi tìm gậy để xua con chó ra khỏi nhà. Nó quấn lấy chân đứa bé và ngước đôi mắt rất to tròn và gần như là toàn lòng đen màu nâu nhạt lên cầu cứu. Toàn thân run rẩy, nó có vẻ rất mệt nhọc và hoảng sợ vì bị truy đuổi. Người cha đã vớ được một chiếc gậy gỗ tròn và vùng lên, đứa bé vội ôm lấy đùi ông ta và hốt hoảng thốt lên: “Đừng! Bố!...”. Người bác thấy vậy vội can: “Ồ, mèo đến nhà thì khó. Chó đến nhà thì giàu. Đừng đuổi nó đi!”. Người cha lưỡng lự một phút rồi quẳng chiếc gậy vào phòng trong.
Đứa bé khom lưng cúi mặt làm quen với chú chó. Đôi mắt to màu nâu nhạt ươn ướt ngước mắt nhìn lên như vẻ cầu cứu và chiếc đuôi bông nhỏ vẫy nhè nhẹ. “Ồ, mày tên là gì hả? Tao gọi mày là cún con nhé! Cún cun cun...”. Đứa bé gái nựng con chó nhỏ. Đuôi nó ve vẩy nhanh hơn. Người bác bảo đứa cháu gái lấy cho nó một bát nước. Nó chạy vào phòng trong. Và thay vì một bát nước, nó bưng ra một bát sữa trắng. Con bé đặt trước mõm chú chó nhỏ. Nó đánh hơi và liếm mép, nhưng mắt vẫn nhìn lên và đuôi không ngừng phe phẩy, chưa dám ăn. Đứa bé gái phải nựng: “Nào cún con! Uống đi. Sữa Vinamilk đấy! Đừng sợ!...”. Đầu tiên chú chó thè lưỡi ra liếm vòng quanh chiếc bát. Không thấy ai có phản ứng gì, nó bắt đầu tăng tốc và loáng một cái bát sữa đã sạch trơn. Nó vẫn ra sức liếm khiến cái bát lăn tròn kêu lốc cốc trên sàn đá hoa. Người bác bảo: “Cứ để nó ở đây vài hôm. Nếu có ai đến nhận thì trả cho người ta”. Đứa cháu gái đáp vâng một tiếng rất khẽ.
Từ khi có cún con lạc vào nhà, đời sống tinh thần của đứa bé gái như được bù đắp một phần bởi nỗi trống trải mênh mông mà mẹ cô bé ra đi đã để lại. Ba căn phòng rưỡi trống trải đơn côi giờ nhiều lúc đã có tiếng cười đùa. Sau màn khởi đầu làm quen chỉ mất vài ngày, chú chó đã bện hơi cô chủ mới. Những lúc cô bé đi học, nó nằm thu lu ở một góc phòng, thở dài não nề. Nhưng đánh hơi được cô bé xuất hiện từ đầu cầu thang, nó đã vùng ngay dậy, đuôi ngoáy tít thò lò từ lúc cô bé còn chưa kịp mở cửa. Đầu tiên, cô bé cùng cún con chơi trò trốn tìm. Ba căn phòng rưỡi dù ngoắt ngoéo đến đâu chỉ chưa đầy nửa phút nó đã mò ra chỗ cô chủ trốn. Cô bé chui vào khoang tủ treo quần áo, nó đứng ngoài cào cào vào cánh cửa và sủa nhặng xì ngậu. “À, tao biết rồi! Mày có cái mũi, cái mũi thính như... chó ấy mà!”. Cô bé vừa nựng nó vừa lấy chiếc khăn quàng đỏ buộc chặt mõm nó lại. Cuộc chơi lần này có vẻ công bằng hơn. Và có lúc để dành ưu thế cho mình, cô bé còn ranh mãnh xức một ít nước hoa vào chiếc khăn quàng đỏ. Những lúc như thế, cún con phải dựng đứng đôi tai làm rađa định hướng, đợi từng tiếng động nhỏ phát ra từ chỗ cô chủ nấp để tìm đến. Rất nhiều trò huấn luyện chó trong phim ảnh và trong sách dần dà cô gái đã đem ra áp dụng. Nó đã biết tha dép ra khi ông chủ về. Và biết khẽ khàng dùng mõm nhấc từng chiếc giày hoặc dép da của ông chủ đặt lên giá. Duy chỉ có trò dạy nó làm toán cộng trừ đơn giản là nó bập bõm khi nhớ, khi quên. Những lần bạn bè của cô bé đến chơi, cô bé đều không quên giới thiệu về các trò “làm xiếc” của cún con. Tuy nhiên cứ đến giờ làm toán là thất bại. “Mẹ mày! Đúng là ngu như... chó”. Cô bé lấy tay đánh yêu vào đầu nó để chống chế với bạn bè. Lũ bạn thích chí cười ngặt nghẽo. Còn cún con chạy thẳng vào toalét, giơ một chân sau lên “tè” một bãi. Lũ trẻ lại một phen cười thích thú.
Mới hơn một tháng mà cún con lớn lên trông thấy. Nó “trổ mã” rất đẹp. Ngực nở, bụng thon. Đám lông trắng thì trắng tinh ra, các mảng lông vàng ở lưng, ở mông thì vàng rộm lên như một chú bê khoang. Và cùng với cái mõm dài ra với hàm răng trắng ởn có bốn cái nanh nhọn hoắt, nó bắt đầu tham ăn cực kỳ. Các loại xương to nhỏ, cứng hay mềm, nó đều nhai rau ráu. Song, nó lại tỏ ra rất “lịch sự”, luôn luôn khẽ khàng đón nhận các loại thức ăn mà cô chủ tận tay ban phát cho nó, từ cái kẹo bi tròn xoe, nhỏ xíu đến cái bánh quy vuông hay chiếc xương lợn to tướng. Dường như nó sợ bốn chiếc răng nanh nhọn hoắt có thể làm “tổn thương” đến bàn tay “thân thương” của cô chủ.
Mặc dù vậy, nó vẫn tự xác định nghĩa vụ của mình. Nghĩa vụ của loài chó. Đang vục cái mõm dài và to vào đĩa thức ăn, nhưng đôi tai lúc nào cũng dựng đứng, cảnh giác, không bỏ qua một tiếng động lạ, dù là rất nhỏ. Và khi đã xác định được “mục tiêu” thì dù trong đĩa là thức ăn gì, nó cũng bỏ mặc đấy, lao thẳng ra cửa. Nó còn có tài bắt chuột chẳng kém gì mèo. Hễ trong nhà có chuột lọt vào, đầu tiên, nó dùng mũi đánh hơi, bước tiếp theo là phục kích. Rồi nhanh như chớp, khi chuột di chuyển, có được khoảng trống tối thiểu là đã thấy “chóe” lên một tiếng. Con chuột đã bị tiêu diệt bởi hàm răng nhọn hoắt cắn vào giữa cơ thể. Nhưng không bao giờ nó ăn thịt con mồi đã săn được. Cô chủ đôi khi cũng tự hào khoe với các bạn: “Cún con cũng là dũng sĩ diệt chuột đấy”.
Mặc dù luôn xuất sắc “hoàn thành nghĩa vụ của loài chó”, nhưng đôi lúc nó vẫn bị ông chủ lớn - cha của cô bé – cho những trận đòn nhừ tử một cách vô cớ. Chẳng rõ ông ta bực bõ chuyện gì ở cơ quan, mà khi về nhà, thấy cún con ra mừng, vẫn đi cả giày, ông thẳng chân cho nó một cú đá vào giữa ức. Nó quay lộn mấy vòng, rên ư ử rồi cúp đuôi chui vào gầm giường. Sợ oai của ông chủ lớn, nên dù bị đánh rất đau, nó cũng không dám kêu to mà chỉ rên trong cuống họng. Nhưng sau những trận đòn thừa sống - thiếu chết, nó lại cảm thấy rất sung sướng được nằm trong vòng tay khẳng khiu của cô chủ nhỏ với những cái vuốt ve và những lời nựng ngọt ngào.
Cứ khoảng dăm bữa nửa tháng tại căn hộ có ba phòng rưỡi, ông chủ lớn lại rủ rê bạn bè đến uống rượu - bia và bàn mưu tính kế để “chơi” một ai đó. Việc này như đã thành thông lệ, cô bé chúi vào phòng học của mình. Còn cún con ngồi chầu hẫu quanh chiếu rượu với chiếc bát nhựa màu vàng cắn trong mõm chờ được ném cho những khúc xương thừa. Đôi lúc thấy đôi mắt thèm khát của nó, có người bạn của ông chủ lớn đã “thương hại” vứt vào bát cho nó mấy cục đá lạnh. Song, nó vẫn vọc mõm vào nhấc cục đá lên và ngửa cổ lên trần nhà, trợn mắt nhai cục đá rau ráu giữa tiếng cười khoái chí của các vị khách quý. Nhưng vốn là một chú chó tinh ranh, nó cũng biết cách “chơi” lại chính cái người đã “xỏ” nó. Nó lỉnh ra ngoài hành lang, đánh hơi đúng đôi giày của người “cao thượng”, giơ một chân sau và khẽ tia một vài giọt nước vào từng chiếc giày. Nó khôn ngoan tới mức, chỉ “tè” để chủ nhân cảm thấy ướt chân khi đã ra khỏi nhà...
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Chả mấy chốc đã sang mùa xuân thứ hai của chú cún con (bây giờ đã là một con chó gộc nặng gần hai chục ký) đến làm “đệ tử” tại nhà cô bé. Năm nay là năm Bính Tuất 2006. Cuộc sống ở nhà cô bé vẫn chưa có gì thay đổi. Ông chủ lớn vẫn cùng đám tay chân bày ra các cuộc nhậu nhẹt để xọc gậy vào những bánh xe trong guồng máy của cơ quan.
Sắp tới đơn vị ông chuẩn bị đề bạt một phó tổng nữa. Tay sắp được lên chức vốn chẳng có thù oán, thậm chí là xích mích nhỏ với ông. Nhưng từ lúc nghe tin hắn sắp “bằng vai - phải lứa” với mình, bỗng dưng ông thấy ghét cay – ghét đắng cái thằng mà theo ông “miệng vẫn còn hơi sữa” ấy (mặc dù tuổi đã độ bốn mươi). Thế là ông bàn với lũ đàn em tổ chức một bữa nhậu có hát karaoke, mời tay “miệng còn hơi sữa ấy đi “rửa ghế”. Cũng đã cảm thấy chờn chợn, nhưng rượu vào, lời hát tuôn ra, tay “miệng còn hơi sữa” đã “sập bẫy” ông ta. Một pô ảnh được kín đáo chụp từ chiếc điện thoại di động Nokia đời mới nhất khi tay “miệng vẫn còn hơi sữa” đang được một nữ tiếp viên ăn mặc hớ hênh bá vai, bá cổ. Rồi pô ảnh đó được phát lên mạng của tổng công ty và tới cả màn hình di động của vợ hắn ta. Thế là chiếc ghế “phó tổng tương lai” được rút lại. Gã “miệng còn hơi sữa” đau điếng người, biết kẻ chủ mưu là ai, nhưng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Sau chiến tích đó, ông ta rủ đám đệ tử đi ăn mừng. Cuối năm đi nhậu thịt chó bảy món là hợp nhất. Sau khi đã đánh chén no say, hứng chí, ông ta mua nguyên một chiếc đùi sau mang về nhà. Khi đứa con gái vừa ra mở cửa, ông đã mở catáp lôi ra chiếc đùi chó thơm phức dứ dứ trước mõm cún con. Cún con nhăn mặt lùi dần rồi chui tọt vào gầm ghế sa lông. Giọng nửa say nửa tỉnh, ông ta quát: “Mày hỗn láo thật! Dám chê lộc của chủ hả?”. Đứa con gái vội đỡ lời: “Cún không biết ăn thịt chó bố ạ!”.
“À, không biết ăn phải không? Để đói rã họng ra là phải ăn tất!”. Vẫn giọng lè nhè, ông ta nói tiếp, rồi trở về phòng của mình thay quần áo ngủ. Dường như bây giờ có phần rảnh rang hơn, ông ta xắn tay áo, cầm chiếc đùi chó béo ngậy quay trở lại tìm cún con. Cún con vẫn rúc trong gầm ghế sa lông. Ông ta cười lớn một tiếng: “Mày dám thi gan với tao à?”. Rồi kéo tung bộ sa lông ra giữa nhà, ông ta dứ chiếc đùi chó vào mõm của cún con. Hai mắt xanh lè, toàn thân run cầm cập, cún nép sát vào góc tường. Đứa con gái khóc trong nước mắt xin bố đừng làm thế. Nhưng những lời năn nỉ của con gái càng kích thích tính hiếu thắng trong lòng ông ta: “Hừm! Mày là con chó tham ăn lắm cơ mà? Bây giờ lại lên mặt sĩ không ăn thịt chó hả?”. Ông ta vừa nói, vừa cười hả hê. “Thôi được rồi. Hôm nay mày không ăn thì mai mày phải ăn! Đời tao chưa chịu thua ai, chả lẽ lại chịu thua mày!”. Nói rồi, ông ta quăng chiếc đùi chó vào trong tủ lạnh khóa trái lại, bỏ chìa khóa vào catáp! Rồi ông gọi đứa con gái nhỏ lại đe dọa: “Từ giờ này, tao cấm mày cho con cún ăn thứ gì! Đến bữa, tao mua cơm hộp mang về cho mày; ăn không hết, tao tống vào toalét, giật nước là xong. Để cho đói xem nó có thi gan được với tao không?”. Và ông ta đã hành động đúng như thế. Đứa con gái mỗi bữa chỉ ăn mấy hạt cơm, khóc sưng mọng cả mắt, ông ta cũng không chạnh lòng.
Mặc dù bụng đói cồn cào, nhưng mỗi lần thấy chiếc đùi chó được dúi vào mõm, trong đầu cún con lại hiện về cái cảnh vô cùng hãi hùng cách đây hơn hai năm. Đó là một buổi sáng mùa hè. Cún đang chạy nhảy tung tăng chợt nghe thấy tiếng xe máy áp sát. Gã ngồi sau lăm lăm một chiếc cần câu có dây thòng lọng. Nó sợ quá chạy thục mạng. Tiếng xe máy vẫn rít bên tai và chiếc thòng lọng bằng loại dây thép nhỏ đã ba lần trượt qua cổ nó. Giữa lúc cuộc săn đuổi sắp đi vào hồi kết thì mẹ nó xuất hiện, chạy xen vào giữa xe máy và nó. Rồi chỉ nghe thấy “oẳng” một tiếng, quay lại thì đã thấy mẹ nó bị nhấc bổng lên không. Và hết sức lành nghề, gã ngồi sau đã ôm gọn mẹ nó trong lòng và chiếc xe máy vọt đi như biến. Nó thất thần không tìm được lối về nhà. Sau hơn một ngày lang thang chui lủi, nó lọt vào căn hộ có ba phòng rưỡi này.
Cuộc chiến giữa ông chủ và chú cún con sang ngày thứ ba thì trở nên hết sức quyết liệt. Lần này một tay cầm gậy gỗ tròn, tay kia lăm lăm chiếc đùi chó được ướp lạnh, ông ta ra khẩu lệnh cuối cùng: “Nào cún con, ăn đi thì tao tha!”. Phản ứng của cún con cũng đã đến hồi quyết liệt, hai mắt xanh lè, đám lông suốt từ gáy đến khấu đuôi dựng đứng và ghê sợ nhất là hai hàm răng trắng ởn, nhọn hoắt nhe ra. “À, mày dám cắn lại chủ hả? Hả? Hả?”. Mỗi một câu “hả”, ông ta lại thẳng tay vụt vào mình cún con một đòn trí mạng.
Không một tiếng kêu, cún con mở đường máu chồm lên ngực ông ta khiến ông phải lùi lại. Có được khoảng trống, cún lao ra cửa. May mà cánh cửa chỉ khép hờ, cún dùng một chân trước đẩy cánh cửa rộng ra và phóng ngay xuống cầu thang xuống chiếc sân rộng. Khi cô bé đi học về thì mọi việc đã kết thúc. Cô bé bỏ ăn, bỏ học đi tìm cún con. Rồi nó chợt nhớ đến nhà người bác của nó. Nhìn đứa cháu gái đã rạc đi, cổ khản đặc và mắt dường như hết nước mắt, lòng người bác ruột quặn đau. Sau khi bắt cháu uống một vài ngụm nước nhỏ, bác dỗ dành: “Rồi cún sẽ về thôi cháu ạ!”. “Không, nó sợ bố cháu lắm, nó không dám về đâu!” - đứa cháu mếu máo.
- Nếu cún không về, bác sẽ mua cho cháu một con cún khác!... Người bác lựa lời khuyên giải.
- Nhưng, bố cháu lại mang thịt chó về thì làm thế nào?
Cô cháu vẫn mếu máo hỏi lại.
- Ờ, phải rồi, bác sẽ mua cho cháu một con cún... biết ăn thịt chó!
- Không! Cháu vẫn nghe người lớn bảo chó mà ăn thịt chó là con má! Cháu không nuôi con má đâu!...
Nói xong, cô bé gào lên thảm thiết, chạy ra khỏi nhà người bác ruột. Vừa khóc, vừa chạy, nó vừa gọi bằng giọng khản đặc: “Về đi, cún con ơi!...”.