Tôi ngồi ở hàng ghế cuối trong hội trường xem các bạn tập kịch. Ðăng ngồi ở hàng ghế thứ nhất, anh muốn tôi ngồi xa để có những nhận xét bổ sung về các diễn viên.
Trên sân khấu, Hạnh đóng rất thoải mái vai một cô nữ sinh lớp 12. Có lẽ nàng không đóng mà đang sống lại thời mặc áo dài trắng đến trường. Tình yêu của cô nữ sinh trong vở kịch rất đau buồn, mong rằng ở ngoài đời Hạnh đã không gặp phải hoàn cảnh ngang trái đó.
Bỗng Trung, người phụ trách ánh sáng, đến vỗ vai tôi nói có người cần gặp ở bên ngoài hội trường. Tôi đẩy cửa bước ra, không ngờ anh tài xế của bà chủ nhà. Tôi vừa bắt tay anh, anh nói ngay:
- Bà chủ cần gặp anh gấp nên nói tôi đến đây đón anh.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Người tài xế nói:
- Tôi không biết.
- Anh đợi tôi một chút tôi ra ngay.
Tôi đẩy cửa bước vào hội trường và đi nhanh đến hàng ghế thứ nhất nơi Ðăng ngồi, tôi nói nhỏ với anh:
- Hết buổi tập, cậu xin lỗi Hạnh giùm tôi. Tôi không thể đưa nàng về nhà vì phải đi ngay bây giờ.
Ðăng cầm tập kịch bản đánh vào tay tôi, hỏi:
- Chuyện gì gấp vậy?
- Bà chủ nhà muốn gặp tôi gấp. Không chừng bà ấy đã bán được nhà và muốn tôi dọn đi.
- Ðược rồi. Cậu đi đi. Nếu cần tôi sẽ nói với bà ấy cho cậu ở thêm một tuần nữa.
- Thôi khỏi. Nếu thấy bất tiện tôi sẽ dọn đi ngay trong tối nay.
Tôi bước ra ngoài hội trường. Người tài xế đã ngồi bên trong chiếc xe hơi đậu ở bên kia đường. Anh mở cửa xe khi thấy tôi đến gần. Tôi ngồi vào ghế trước, đóng cửa lại và chiếc xe phóng đi. Tôi chẳng biết trò chuyện gì với một người ít nói. Tốt nhất để âm nhạc làm việc. Tiếng đàn dương cầm của Richard Clayderman vang lên bản Feelings. Những băng nhạc này chắc của bà chủ chứ không phải của anh tài xế.
Có một chiếc xe hơi màu trắng đậu trong sân khi xe chúng tôi chạy vào cổng nhà. Bà chủ ngồi ngoài hiên như hôm đầu tôi đến đây. Bà đang nói chuyện với một người đàn ông đầu hơi hói, đeo kiếng trắng. Có thể ông ta là người đến mua ngôi nhà của bà.
Khi tôi mở cửa xe bước ra, hương hoa hồng thơm ngát làm tôi bần thần. Người đàn ông đã đứng dậy bắt tay bà chủ và đi đến chiếc xe hơi trắng của ông.
- Mời cậu ngồi.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế người đàn ông vừa ngồi lúc nãy và nói ngay:
- Chúc mừng bà đã bán được nhà.
Bà chủ nhíu mày hỏi:
- Người tài xế đã nói cho cậu biết?
- Không. Tôi đoán vậy. Và bà muốn tôi dọn đi ngay?
Người đàn bà mỉm cười lắc đầu:
- Cậu muốn ở bao lâu tùy thích. Chuyện giấy tờ còn phải kéo dài một thời gian nữa.
Người giúp việc bưng ra đặt trước mặt tôi một ly cafe đá và lấy đem đi ly nước mà người đàn ông đeo kính trắng vừa uống. tôi hỏi bà chủ:
- Có phải người đàn ông đó đến mua nhà của bà?
- Không. Ông ấy là bác sĩ đến khám bệnh. Con tôi mới bị ngã cầu thang sáng nay.
Tôi sững sờ kêu lên:
- Ồ! Lan Hương có bị thương không bà?
- Một vết thương ở trán nó đã phải khâu lại.
- Bà có thể cho phép tôi vào thăm cô bé.
- Chính nó đòi phải có cậu đến thăm nên tôi mới cho xe đến đón cậu. Nhưng tôi đang phân vân không biết có nên để cậu vào thăm nó không.
- Tại sao vậy bà?
- Thân thiết với cậu cũng có cái hại cho nó. Bởi khi cậu về Saigon, nó cứ đòi tìm gặp cậu thì tôi biết làm sao?
- Chỉ có vài hôm xa cách, cô bé sẽ quên tôi ngay thôi.
Người đàn bà lắc đầu:
- Cậu biết đấy, nó rất hay quên nhiều chuyện nhưng có chuyện nó nhớ rất dai. Như nó luôn luôn nhớ đi tìm cái mà nó đã mất. Chỉ tội nó không nhớ rõ đã đánh mất cái gì?
- Tôi muốn được an ủi em, lúc em bị thương.
- Những lúc bị thương hay đau ốm nằm một chỗ, người ta thường nhớ mãi người đến thăm mình.
- Nếu cô bé có nhớ đến tôi thì cũng tốt. Bởi dù tôi ở xa nhưng cũng có một địa chỉ để tìm. Còn hơn bà để đầu óc em nhớ mãi một cái gì mà chính em và bà cũng không biết nó là cái gì và ở đâu.
Người đàn bà mỉm cười:
- Cậu lập luận hay lắm. Thôi được, mời cậu đi theo tôi.
Người đàn bà đứng dậy đi vào trong nhà, tôi cũng đứng dậy bước theo. Ly cafe đá vẫn còn nguyên trên bàn. Ði qua một phòng khách rộng trang trí sang trọng, chúng tôi bước lên cầu thang gỗ có tay cầm đánh vẹc ni bóng loáng, lên lầu.
Phòng cô bé cửa hé mở, người đàn bà đẩy cửa bước vào. Người vú già ngồi ở chiếc ghế kê sát đầu giường, chậm rãi đứng dậy chào. Người đàn bà nói:
- Vú để tôi lo cho nó.
Ngươì vú già lặng lẽ bước ra ngoài và đóng cửa lại.
Cô bé đang nằm đắp mền đến ngực trên giường nệm trắng, mắt em nhìn chăm chăm lên trần nhà. Một miếng băng lớn dán trên trán em. Người đàn bà ngồi xuống giường vỗ vai em nói:
- Có bạn đến thăm con.
Vẫn nhìn lên trần nhà, cô bé nói:
- Con không có bạn.
- Có mà. Ông bạn của con đến đó.
- Ông "mát" đó hả?
- Con đừng nói hỗn. Bạn con rất đàng hoàng.
- Nếu không "mát", ông ấy không phải là bạn con.
Tôi đi vòng qua phía bên kia giường, cúi xuống thì thầm:
- Ờ, tôi "mát" đây.
Cô bé khẽ nghiêng đầu nhìn tôi:
- Chỉ những người "mát" mới thân với em. Má em không "mát" nên má em không thân với em.
Người đàn bà lắc đầu thở dài:
- Cậu ở lại chơi với nó. Tối nay mời cậu dùng cơm với gia đình tôi.
Người đàn bà mở cửa bước ra rồi đóng cửa lại. Tôi ngồi xuống giường, hỏi cô bé:
- Tại sao em ngã vậy?
Cô bé đặt ngón tay lên miệng ra dấu im lặng. Em nhìn quanh xem còn có ai trong phòng không rồi nói:
- Lỗi tại ông đó!
- Lỗi tại tôi?
Cô bé nhổm người dậy. Tôi đỡ vai em, nói:
- Em cứ nằm nghỉ, cần gì tôi giúp cho?
Cô bé lắc đầu. Em nghiêng người, thò tay vào phía dưới tấm nệm lấy ra cái quẹt gaz màu xanh lá cây. Em quẹt cho ngọn lửa bùng lên rồi tắt ngay.
- Em đang đi xuống cầu thang thì nó "nhảy" khỏi tay em. Sợ mọi người trong nhà trông thấy sẽ lấy mất, em vội vã chạy đuổi theo chụp lấy nó và bị ngã. Nó là quà tặng của ông. Vậy lỗi chính là tại ông làm em ngã.
Tôi phì cười nói:
- Ðúng là lỗi tại tôi đã tặng em một vật biết "nhảy" khỏi tay em. Còn kẹp tóc thì không lo nó "nhảy" khỏi đầu em.
Tôi nhìn xuống mái tóc em và không thấy cái kẹp màu xanh lá cây. Tôi hỏi:
- Cái kẹp tóc đâu rồi?
- Nó chết rồi.
- Nó mà "chết" được à?
Cô bé gật đầu:
- Khi em ngã đập đầu xuống cầu thang, cái kẹp đã bị gãy đôi. Nếu ông bị gãy làm đôi, ông còn sống nổi không?
Tôi lắc đầu, cười:
- Thôi được, tôi sẽ mua tặng em một cái kẹp tóc khác.
- Ông đừng mua nữa. Càng nhiều quà tặng em càng dễ bị tai nạn.
- Sao lại bị tai nạn?
- Bởi vì em phải lo bảo vệ chúng nếu không muốn chúng bị mất.
Tôi gật gù đồng ý:
- Ðúng rồi. Người bảo vệ cho người khác thường dễ gặp tai nạn hơn người khác.
- Vậy ông có dám bảo vệ em không?
- Tôi rất sẵn sàng.
Cô bé bước xuống giường, nắm tay tôi kéo đi.
- Ông hãy dắt em đi trốn.
Tôi gỡ tay em, nói nhỏ nhẹ:
- Tại sao phải trốn? Em ở đây sống sung sướng quá trời. Muốn gì được nấy, còn đòi hỏi gì nữa?
Cô bé hất tay tôi ra. Em đi đến chống tay bên cửa sổ:
- Ở đây em không có tự do, đi đâu cũng có người canh giữ. Ông luôn luôn nói sẵn sàng giúp đỡ em vậy mà khi em nhờ là ông nói lảng ra.
Tôi đến đứng bên em, ngó xuống vườn. Nắng buổi chiều đã nhạt. Những nụ hồng đã được cắt đem bán, trên thân những cây hồng đầy gai chỉ còn những bông hoa nở rộ. Tôi nói:
- Này nhỏ, em hiểu lầm rồi. Má em và bà vú chỉ lo bảo vệ em chứ không phải canh giữ em.
- Bảo vệ gì? Mọi người trong nhà đều nghĩ em "mát" nên đã canh giữ em như canh giữ người tù. Ông có nghĩ em "mát" không?
- Không. Trái lại, tôi nghĩ em rất "nóng".
Cô bé bật quẹt gaz, đưa ngọn lửa sát mặt tôi, hỏi:
- Nóng như ngọn lửa này?
- Phải. Tánh em nóng như lửa. Khi người khác vừa làm trái ý em một chút là em cau có, giận lẫy, la hét. Em cần phải tập sống hòa đồng với mọi người. Sống đơn độc, ngươì ta dễ nghĩ mình nhỏ như con kiến hoặc to như con voi.
- Em không thích hòa đồng. Em thương ai, ghét ai rõ ràng.
- Vậy em thương tôi hay ghét tôi?
- Em GHÉT ông.
Cô bé nhào lên giường nằm, lấy mền trùm kín đầu. Tôi đến vỗ vai em.
- Thôi nhỏ, chúng ta đi xuống dưới vườn dạo chơi.
Tiếng cô bé lùng bùng trong tấm mền mỏng:
- Ông đi đi. Hãy để em tự làm "nguội" em, nếu không em "cháy bùng" lên bây giờ.
Tôi đứng im một lúc rồi đi đến mở cửa, bước ra khỏi phòng. Cô bé ló đầu ra khỏi mền hỏi với giọng tức nghẹn:
- Ông đi đâu đó?
Tôi quay lại nói:
- Tôi đi về.
- Ông mới đúng là người nóng như lửa. Em vừa nói "đi đi" là ông cau có, giận lẫy đi ngay. Vậy mà ông còn chê trách em. Thôi được rồi, ông đi luôn đi.
Tôi bước trở vào phòng đặt 2 tay lên đôi vai nhỏ bé của em:
- Không. Tôi không đi.
Cô bé nhổm dậy, gục đầu vào ngực tôi, òa khóc.