CĂN NHà DƯớI GốC ĐA
Trần Hồng Long
Trăng thượng tuần treo lơ lửng trên nền trời xanh biếc, hắt ánh đèn màu ngà xuống dòng sông đầy hoa tím. Mùa này nước ngọt nên lục bình ken dày đặt. Trương chóng xuồng gần ngót nửa tiếng mới tới đầu rạch Ông Hào. Vừa quẹo vào rạch, Trương nghe tiếng gọi: " Anh gì ơi ! Có đi Trại Dài không, làm ơn cho em quá giang 1 đoạn !". Trương cắm sào ngước mắt nhìn lên bờ. Nếu không có ánh sáng xanh xanh chớp tắt của hành triệu con đôm đóm trên đọt tràm thì Trương không thể thấy được 1 cô gái mặc nguyên bộ đồ bà ba trắng, mái tóc dài vắt chéo qua vai trái mà đuôi tóc vần chấm đến gối, tay cầm nón lá vẫy Trương. Lạ ! Đây là khúc vắng, không có nhà ai, lại không có đường bộ, cô ta đi đâu mà đứng đây? Như đọc được ý nghĩ của Trương, cô gái nói: " Em đi chợ, trễ tàu, quá giang ghe về được tới đây!". Nghe có lý, Trương chống xuồng vào bờ. Cô gái cúi xuống bưng cái rổ mây khá to, chất đầy thịt cá rau cải, rồi bước xuống xuồng. Trương chống xuồng đi. Cô gái cứ ngước mắt nhìn Trương đăm đăm. Buộc lòng Trương phải nhìn lại. Trương thầm công nhận là cô đẹp. Mặt trái xoan, mắt bồ câu, mũi cao thanh tú, làn da trắng mịn... Trương nghe lòng rộn lên một chút xao xuyến lạ.
" Anh có đi tới Trại Dài không?". Cô gái bắt chuyện. "Tới". "Vậy thì tiện quá! nhà em còn cách khoảng năm trăm thước nữa mới tới Trại Dài!". Chỉ vào cái thùng giấy, cô gái hỏi: "Đây là cái gì vậy anh?". Trương đáp: "Đầu máy!". Cô gái lại hỏi: "Đầu máy gi?". "Video!". Cô chau mày ngạc nhiên: "Đầu máy video là gì hả anh?". Bây giờ tới lượt Trương ngạc nhiên. Thời buổi này còn có người không biết đầu máy video là gì thì quả là chuyện lạ. Tuy ở quê không văn minh, không giàu sang bằng thành phố, nhưng hầu như bây giờ xã nào cũng có đôi ba nhà có video, từ khi có điện về, để chếu phim kinh doanh. Những đứa trẻ năm, sáu tuổi cũng có ít nhất một lần xem video, huống chi cô gái này đã mười tám, hai mươi? Cô gái giải thích: " Nhà em ở tuốt trong đồng, vừa nghèo, má em lại vừa không cho em đi đâu chơi, nên chưa từng biết video là gì". Trương nghe tồi tội. "Đầu máy video dùng để chiếu phim mà không cần phải bắt đài". Cô buột miệng: "Lạ quá ! Anh đem nó đi dâu vậy?". "Tôi đem cho bạn mượn để chiếu phim. Hôm nay nó cưới vợ. Bạn tôi là Thi, con dì ba Hòa, chủ nhà máy xay lúa. Cô biết không?". "Dạ không!". Trương lại càng ngạc nhiên hơn. Cả xóm Trại Dài chỉ duy nhất một nhà máy xay lúa, không ai không biết. "Vậy, cô thường chà gạo ở đâu?". "Má em đi không hà! Bà ít cho em ra khỏi nhà lắm. Sáng mai là đám giỗ nội em. Hồi trưa này bà bị té trật chân, nên em mới đi chợ thay. Từ nhỏ tới lớn, em mới đi tàu lần đầu, không biết giờ giấc ra sao, nên trễ!". Thảo nào cô gái chẳng biết gì về văn minh làng xóm. Bây giờ là cuối thế kỷ hai mươi rồi, sao lại còn có bà mẹ giữ con gái mình bo bo như thời phong kiến? Vậy chắc cô ta không được học hành gì. So với bạn bè cùng trang lứa cô quả là bất hạnh. "Tại sao má cô lại khó khăn với cô quá vậy?". Cô gái phật ý, cãi lại: " Anh nói sai rồi! Không phải má em khó! Bà thương em ấy chứ! bà sợ em ra đường, gặp phải bọn lính sàm sỡ!". Trương phá lên cười: "Cô ngờ nghệc quá đi thôi! Giải phóng đã hai mươi năm rồi thì làm gì còn chuyện lính... mà sợ? Vậy cô không sợ tôi sao?", Trương đùa. "Trông anh hiền lành như vậy, sao có thể làm ác được?". Trương nghe cảm giác sung sướng chạy khắp cơ thể. Bất kỳ chàng trai nào cũng có cảm giác như vậy, khi nghe cô gái đẹp nói một câu đầy thiện cảm về mình.
Gió nhẹ mang theo vài đám mây bạc. Trăng thoắt ẩn, thoắt hiện. Lác đác vài vì sao khi mờ, khi tỏ. Mưa lắc rắc. Trương bảo : "Cô lấy miếng nilông che đi, kẻo ướt!". "Còn anh?". "Tôi ướt cũng không sao!". Cô gái mở tấm nilông che đầu máy. "Sao không che cho cô luôn?". "Xuồng của anh, nilông của anh, em là người quá giang, làm như vậy coi sao được!". "Tôi là đàn ông, khỏe mạnh, có ướt cũng chẳng hề gì!". Trương nói thế nào cô gái cũng không chịu. Gió mạnh, thổi ùn về những đám mây đen kịt. Đất trời chìm trong màu tối âm u. Mưa nặng hạt. Mưa như bàn tay khổng lồ cầm chĩnh nước trút từ trời cao. Trương lũi xuồng vào trại ghe đụt nhờ. Gió xoáy chiều, nước vừa tạt vào hai người. Trương lại chỗ thùng giấy mở bung tấm nilông che cho anh và cô gái. Bây giờ cô mới không từ chối. "Cô tên gì?", Trương hỏi khá to, sợ cô gái nghe không rõ. "Dạ Mộc!", cô gái đáp lại, "Còn anh?". "Trương ! Năm nay Mộc bao nhiêu tuổi?". "Dạ, ba mươi tám !". Trương nghĩ cô gái đùa, nên anh không chịu nhường. "Anh ba mươi chín! Nè, Mộc có tin vào duyên số không?". "Dạ tin !". "Mộc có tin duyên số đã xui chúng ta gặp nhau trong đêm mưa này không?". "Em không biết !". "Nếu anh yêu Mộc, Mộc có đáp lại không?". "Em không biết !". Trương nắm lấy tay Mộc, tay cô lạnh ngắt. "Mộc bị cảm lạnh rồi! Xích lại gần anh cho ấm !". "Dạ !". Trương xoa mạnh hai lòng bàn tay mình rồi vuốt lên tay Mộc. Tay cô vẫn lạnh giá. " Hay để anh đưa Mộc lên nhà, xin lửa hơ!". Mộc cản: "Không cần đâu anh ! Được như vầy em đã thấy ấm lắm rồi !". Trương cúi xuống hôn Mộc, cô đưa hai tay che lấy má. "Đừng anh! Em sợ chỉ làm khổ anh!". "Đêm nay được quen biết Mộc là một điều hạnh phúc lớn trong anh ! Hãy tin anh đi Mộc !". "Em tin anh, nhưng hãy đợi sự đồng ý của má em !".
Lát sau mưa tạnh, hai ngươì lại đi. Gần đến Trại Dài thì Mộc chỉ lên bờ: "Anh cho em lên đây ! Nhà em ở gốc cây đa trên đồng kia !". Theo tay Mộc chỉ, Trương thấy lùm lùm một bóng cây to. Bên cạnh là căn nhà nhỏ, có ánh đèn vàng vọt hắt ra từ khung cửa. Trương ghé xuồng lại, chợt thấy một cái xẻo nhỏ, vừa hơn 1 chiếc xuồng, nước xâm xấp. Trương hỏi: "Cái xẻo này tới nhà Mộc không?". "Dạ tới!". "Vậy, để anh đưa Mộc tới nhà !". Mộc từ chối: "Thôi, để em lội tắt đường ruộng được rồi ! Anh còn phải đi chiếu phim đám cưới bạn mà !". "Trễ chút cũng đâu có sao!". Đoạn, Trương chống xuồng vào xẻo. Đi được chừng non trăm thước, cái xẻo cạn queo. Trương cởi quần dài máng lên cổ, lội xuống bùn đẩy xuồng. Những bông lúa ma (luá mọc dưới nước do người gặt vụ trước làm rớt hạt) hai bên xẻo trổ bông, quất vào mặt Trương ran rát. Trương vẫn hì hục đẩy, mưa lạnh là vậy, nhưng mồ hôi mồ kê vẫn nhỏ giọt. Quái ! hồi nãy thấy được căn nhà, mà đẩy muốn đứt hơi vẫn không tới. Mộc nói: "Chắc anh mệt dữ lắm !". Trương dối: "Không sao !". Bất chợt Mộc hỏi: " Anh có tin người ta ai cũng một lần trở lại nơi mình đã làm ác không ?". Trương nghe lạ :" Mộc hỏi như vậy nghĩa là sao?". "Má em hay bảo vậy !". Mệt nhọc làm Trương không muốn suy nghĩ nhiều. "Có lẽ!". Trương ráng sức đẩy một hồi nữa. Mộc bảo: "Tới rồi!". Trương ngước mắt lên thì cây đa và căn nhà đã ở ngay trước mũi xuồng. Càng quái hơn ! Trương vừa ngước mắt lên khoảng hai ba phút không thấy gì, giờ lại sờ sờ hiện hữu. Tưởng như chúng biến, rồi hiện để trêu anh. Mộc gọi: "Má ơi ! Con đã về !". Trong nhà có tiếng của người đàn bà: " Má nghe rồi !". Cánh cửa bật mở. Một người đàn bà trạc tuồi bốn mươi, cũng mặc nguyên bộ đồ bà ba trắng, xách cây đèn bão bước ra. Mộc bưng cái rỗ mây bước lên. Bà hỏi: "Có gặp nó không?". Mộc đáp: "Dạ không !". Trương nghĩ, chắc ngoài việc đi chợ mua đồ mai giỗ nội, Mộc còn đi tìm một người nào đó . Mẹ Mộc chửi đổng: "Quân giết người !". Song, bà chỉ Trương, đã lên xuồng đang đứng gỡ đỉa, hỏi: "Ai đây?". Mộc đáp: "Anh Trương, một thanh niên tốt bụng đã đưa con về đây!". Mẹ Mộc nói: "Cảm ơn cậu ! Ra đìa rửa chân đi, rồi lên nhà nghỉ chút đã. Mưa sắp tới nữa rồi!". Trương ngước mắt nhìn trời, bấy giờ đã quang đãng, chỉ vài đám mây trắng lững lờ trôi, muôn vì sao lấp lánh, trăng đã treo chếch trên ngọn cây đa, nhưng vẫn tỏa sáng thì làm gì có mưa. "Cậu không tin à? Mưa lớn hơn đám mưa khi nãy nữa đó!". Quả thật Trương không tin. Vả lại Trương nghĩ giờ này bạn đang chờ đem đầu máy tới để chiếu phim, Trương địng đi, nhưng như có 1 ma lực nào đó khiến Trương không thể từ chối. Trương ra đìa rửa chân. Trên bờ đìa là những hàng cây thuốc lá xanh tốt, lá nào lá nấy lớn hơn cả bàn tay xòe. Loại cây thuốc lá này hồi nhỏ Trương có thấy, nhưng đã mười mấy năm qua không còn ai trồng. Trương vào nhà, lại càng ngạc nhiên hơn. Căn nhà không lớn, nhưng trông có vẻ cổ kính bởi những đồ xưa. Cái bàn thờ để ở giữa nhà bằng gỗ mun được khảm xà cừ đủ thứ loại hình chim cò. Trương nghĩ, người xưa tài ba thật, không biết họ làm thế nào lại chạm được móng chân chim nhỏ xíu, tinh vi đến mức này. Chiếc khung đồng hồ quả lắc treo trên vách nhà cũng được đóng bằng cây. Bên phải là bộ ngựa gõ đen mun, đã lên nước bóng lưỡng, nếu là ban ngày sẽ thấy bóng mình dòi dọi trên mặt gỗ. Bên trái là bộ trường kỷ. Ngồi trên bộ trường kỷ là một người đàn ông cụt mất cánh tay trái, đầu cạo nhẵn bóng, khoác bộ áo nâu sòng. Trông mặt ông hiền lành, phúc hậu của 1 thầy tu chân chính. Nhưng sao Trương vẫn cảm thấy lành lạnh dọc sống lưng. Có lẽ đây là lần đầu tiên Trương bước vào 1 căn nhà cổ kính, cách biệt với thế giới bên ngoài như vầy. Ông cất giọng trầm đặc: " Cậu lại đây!". Trương máy móc bước lại chiếc trường kỷ, ngồi đối diện với ông. Người đàn bà ngồi xuống bên cạnh ông. Mộc cầm cây đèn ống khói từ nhà sau đi lên, đặt trên trường kỷ rồi ngồi xuống bên cạnh anh, nhưng lại hỏi người đàn ông: " Ba về hồi nào vậy?". Ông đáp: " Ba về hồi chiếu!".
Ngoài trời gió mạnh, tiếng lá đa kêu vun vút, chớp lóe, trời gầm và đổ mưa. Mưa mỗi lúc một lớn, lớn hơn trận mưa vừa rồi, đúng như mẹ Mộc nói. Trương phục. Ba Mộc lấy bọc thuốc lá trong túi áo ra, mẹ Mộc vấn thay ông. Trương để ý thấy mẹ Mộc vấn thuốc không phải bằng giấy quyến, mà bằng 1 loại lá gì đó cứng hơn, được cắt thành từng xấp. Ba Mộc nói: " Lá cà bắp đó! Xé hai, phơi khô, ép thẳng!". Từ nào đến giờ Trương mới nghe và tận mắt chứng kiến người ta dùng lá cà bắp để vấn thuốc. Và càng lạ hơn, từ khi gặp Mộc, mẹ Mộc, ba Mộc dường như họ đều đọc được những thắc mắc của Trương, nên đã giải thích trước khi Trương hỏi. "Cậu biết hút thuốc không?". "Dạ không!". "Hay là bảo bà nhà tôi vấn cho một điếu, hút thử. Nó ngon và thơm hơn giấy quyến nhiều!". "Cháu đang bị viêm mũi, không hút thuốc được!". "Lấy đất trên cây, phía sau chùa Phước Sơn, đốt cháy, dùng ống trúc lấy khói của nó xông mũi, tất khỏi ngay!". Trương định hỏi đất trên cây là thứ gì, nhưng chưa kịp thì ông tiếp: " Tôi biết cậu là 1 người tốt. Giá như có một chàng rể như cậu thì hay biết mấy! Nhưng giữa cậu và con Mộc không có duyên nợ, chỉ là bèo nước gặp nhau, không nên để nhớ trong lòng. Vả lại con Mộc không còn là một cô gái trinh trắng!". Mộc vụt đứng lên, chạy vào buồng. Trương nghe tiếng khóc thút thít. "Tại sao lại ...". Ông khoát tay ngăn Trương: "Cậu không nên biết nhiều thêm nữa! à, tạnh mưa rồi, cậu đi đi! Chỗ này không nên ở lâu!". Giọng ông nghe lành lạnh. Trương đứng lên, định nói với ông, mặc dù mới quen Mộc mà đã dành cho cô rất nhiều thiện cảm, nhưng Trương lại thôi và thầm bảo mình hôm nào sẽ quay lại. Trương bước ra cửa, không ai tiễn. Chỉ có tiếng khóc thút thít của Mộc đeo đẳng theo anh.
Trương đến đám cưới đã 1 giờ sáng. Bạn đã mướn đầu máy khác để chiếu video. "Ông dóc tổ! Báo hại tôi chạy mướn đầu máy muốn đứt hơi!". Trương không giải thích, quay xuồng về. Về đến nhà gà đã gáy canh ba. Trương đánh một giấc đến trưa. Thức dậy Trương chợt nhớ ba Mộc chỉ "lấy đất trên cây, sau chùa Phước Sơn". Trương lên đó xem thử. Sau một hồi nhìn ngó hết cây này sang cây khác, Trương thấy một ổ mối to đùng trên gốc cây mận. Trương kêu lên: " Đây rồi! Đất trên cây!". Trương bèn trèo lên gỡ lấy ổ mối, rồi đặt xuống thềm của một ngôi mộ đá để phủi kiến vàng. Trương bỗng giật mình. Phía trước ngôi mộ có cẩn hình một nhà sư... Và, nhà sư ấy chính là ba Mộc - người mà Trương đã gặp đêm qua. Phía dưới tấm hình có ghi ngày mất của ông: 12 tháng 3 năm 1974. Không thể nào! Có lẽ người giống người ấy thôi! Khi ấy có một nhà sư vừa ra tới. Chỉ vào ngôi mộ, Trương hỏi: " Thưa thầy có phải nhà sư này còn có một người em song sinh tại thế?". " Không! Ông ấy chỉ có ba chị em gái!". "Hay là trước khi xuất gia ông ấy đã có gia đình và khi viên tịch còn để lại một người con trai?". " Đúng là trước khi xuất gia ông ấy đã có gia đình, nhưng ông viên tịch sau khi cô con gái duy nhất và bà vợ đã qua đời!". Trương lẩm bẩm: " Cô con gái và bà vợ qua đời?". Trương hỏi: " Thầy có biết cô gái ấy không?". "Biết!". "Tên gì?". "Mộc!". Trương thấy đấy trời chao đảo, toàn thân lạnh ngắt. "Thí chủ! Người có sao không?". Vừa hỏi nhà sư vừa dìu Trương vào hậu liêu. Sư rót cho Trương ly trà nóng. Thấy Trương đã bình tĩnh, sư hỏi: "Trông thí chủ còn trẻ, sao lại có ý tìm hiểu về những người đã mất hai mươi năm trước?". "Vì tôi mới gặp họ đêm qua!". "Sao ...?". Nhà sư kêu lên. "...Ông còn chỉ cho tôi lấy đất trên cây để xông mũi!". "Ra vậy! Xem ra thí chủ rất có duyên với họ! Chúng tôi ở đây chưa ai từng được thấy!". Rồi nhà sư kể cho trương nghe câu chuyện như vầy: Cha Mộc - tức vị sư đã viên tịch hai mươi năm trước - ngày xưa ở chăn trâu cho một ông thầy thuốc nam. Vốn đam mê nghề thuốc và có trí thông minh, cha Mộc đã học trộm hết tất cả các bài thuốc của ông thầy. Ông quyết định mở phòng thuốc riêng để " cứu nhân độ thế". Rồi ông gặp mẹ Mộc. Hai người sống với nhau khi Mộc lên ba tuổi. Một ngày kia, ông hốt thuốc cho một con bệnh, không biết do con bệnh tới số hay ông hốt nhầm thuốc mà nó lăn ra chết. Thân nhân của nó nhất định đòi đền mạng. Ông phải bán hết mười công ruộng, bao nhiêu năm dành dụm được, để đền. Và tự chặt bỏ cánh tay trái, giã từ nghề thuốc, lên chùa Phước Sơn sám hối. Còn mẹ Mộc dời nhà lên ruộng, cất cạnh gốc cây đa, sống với Mộc bằng nghề giăng lưới. Cuộc sống của mẹ con bà khép kín, không giao tiếp với ai, trừ khi bưng cá vào xóm đổi gạo. Tuy cha Mộc đã xuất gia, nhưng tình nghĩa của mẹ Mộc vẫn còn. Cứ cách mười ngày bà lại đem thuốc hút - đã được vấn sẵn từng điếu bằng lá cà bắp và được quấn lại bởi vài dòng chỉ rất khéo để điếu thuốc không bị bung ra - lên cho ông. Vì biết ông nghiện nặng, không bỏ được. Thuốc bà có trồng sẵn trên bờ đìa. Còn lá cà bắp thì đâu cũng có.
Lúc ấy bọn lính đồn hoành hành dữ lắm. Chúng hay vào xóm lùng sục gái đẹp hãm hiếp. Mà cô Mộc càng lớn càng xinh đẹp, nên mẹ cô không cho đi đâu cả. Vậy rồi, một ngày kia, năm Mộc lên 17 tuổi, hôm sau là đám giỗ nội, nhưng mẹ Mộc lại bị đau chân, bà đành để cô đi chợ. Khi về ngang đồn đóng ở đầu rạch Ông Hào, Mộc bị thằng đồn trưởng bắt lên hãm hiếp. Mộc chống trả quyết liệt. Cuối cùng cô bị nó bắn chết, quăng xác xuống rạch. Xác cô trôi về tận nhà. Mặc dù lúc ấy nước ròng, chảy ngược ra chợ. Mẹ Mộc kêu gào thảm thiết. Dân dưới xóm chạy lên. Ba Mộc cũng về. Sau một hồi gào khóc, bà xách cây mác vót chạy xuống đồn - vì nhìn thân thể Mộc bà biết kẻ nào là thủ phạm. Mọi người cùng giữ bà lại. Họ biết bà đi xuống đồn chưa trả được thù thì đã chết. Sau khi chôn cất Mộc, mẹ Mộc hóa điên, châm lửa đốt cháy ngôi nhà. Trong đó có bốn món đồ quý, nghe nói là gia sản của cha bà để lại. Đó là: cái tủ thờ khảm xà cừ, bộ trường kỷ, cái đồng hồ quả lắc, bộ ngựa gõ. Nhìn lửa cháy, mẹ Mộc hét: "Đốt đồn! Phải đốt bỏ cái đồn hôi hám, thúi tha!". Cha Mộc đem mẹ Mộc về chùa, nhốt vào hậu liêu. Bà luôn miệng lẩm bẩm câu "Đốt đồn! ...". Ba tháng sau thì bà mất. Ông đưa bà về chôn cất cạnh mộ Mộc ở gốc cây đa. Một năm sau ông viên tịch ở tuổi bốn mươi lăm. Vì ông là người của chùa, nên phải chôn ở đất chùa.
Trương chợt nhớ đêm qua Mộc bảo, mẹ cô nói: "Người ta, ít nhất ai cũng một lần trở lại nơi mình đã làm ác". Và câu mẹ Mộc hỏi "Có gặp nó không?", hẳn là mẹ Mộc sai Mộc đến đó đợi người đã hãm hại đời cô. Tạm biệt nhà sư, Trương cầm ổ mối về nhà đốt, dùng ống trúc lấy khói xông lên mũi, được ba ngày thì hết đau nhức - Xin các bạn đừng bắt chước chàng Trương, vì chỉ Trương mới có duyên với họ. Sang ngày thứ tư, Trương mang theo dao, len, chống xuồng lên gốc cây đa. Quả nhiên, nơi đây có hai ngôi mộ hoang, đầy cỏ dại. Trương khẩn xin cho được đắp mộ. Trương đứng trước hai ngôi mộ mới thầm thì: "Mộc ơi! Có lẽ kẻ hãm hại đời em đã không còn nữa! Nhưng em hãy tin rằng: Người ta, ít nhất ai cũng một lần trở lại nơi mình đã làm ác".
Hết