Lời người dịch: "Kẻ lưu đày này đã sống trong nỗi đau khôn nguôi của sự biệt ly xa xứ. Bị giằng co giữa Đông và Tây, hắn pha trộn những đóng góp của hai nền văn hóa, như bài thơ tiên tri sau đây (viết năm 1981) minh chứng, trong đó hắn tán dương sự đau khổ của người bình dân nơi quê hương của hai dòng sông, miền Mésopotamie cổ kính...", Alfred Gilder viết. Nhà thơ xứ Iraq Abdul Wahab Al-Bayati (1926-1999) sinh tại Baghdad, đã sống hơn nửa đời ở các nước Lebanon, Syria và Ai Cập, từng là bạn với Paul Éluard và đồ đệ của chủ nghĩa siêu thực. Ông đã giữ chức tùy viên văn hóa Iraq ở Mátxcơva năm 1959, nhưng từ chức vào năm 1961. Năm 1980, Saddam Hussein bổ nhiệm ông làm tùy viên văn hóa ở Madrid. Năm 1990, khi Iraq đưa quân vào Kuwait, Al-Bayati đào nhiệm trốn sang Jordan và bị Saddam tước quyền công dân khi ông đến Ảrập Xêút dự Đại hội Văn hóa. Những ngày cuối đời, ông sống lang thang cùng với những đồng hương lưu vong trong các quán cà phê ở Damascus. Ông mất ngày 3/8/1999. Trong bài điếu văn chia buồn (4/8/1999) với gia đình nhà thơ, tổng thống Zine El Abidine Ben Ali (Tunisia) ca ngợi El Bayati là một nhà thơ lớn, và là một trong những nhà thơ tiên phong cho phong trào thi ca hiện đại thế giới, đã cách tân thi ca Ảrập trên cả hai phương diện hình thức và nội dung, cũng như đã quảng bá những giá trị và tư tưởng của văn chương hiện đại. Tác phẩm của ông sử dụng ngôn ngữ đời thường pha lẫn với ngạn ngữ, tục ngữ, đối thoại, được ngưỡng mộ trong thế giới Á rập Nỗi buồn hoa tím Những tập thể lao tác Không mơ mộng cái chết của con bướm Hay những nỗi muộn phiền của hoa violet Hay cánh buồm long lanh Dưới ánh trăng xanh màu lá của những đêm mùa hạ Hay những cuộc tình của thằng điên yêu bóng ma Những tập thể lao tác Tự lột trần Tự cấu xé Những tập thể đóng con thuyền cho kẻ mộng mơ Những tập thể dệt những chiếc khăn tay của những cặp tình nhân Những tập thể khóc than Hát ca, đau khổ Quanh trái đất Trong những xưởng sắt, dưới những hầm mỏ Nhai mặt trời của những cái chết hiển nhiên Có khi cười thành tiếng Họ si tình Nhưng không như thằng điên yêu cái bóng ma Dưới ánh trăng xanh màu lá, những đêm mùa hạ Những tập thể khóc than Hát ca, đau khổ Dưới ánh mặt trời đêm Mơ tưởng miếng bánh mì của mỗi ngày.