Nỗi niềm Hương Giang
Lê Hoàng Hải
Nhà tôi xây trên vùng đất bồi của miền hạ lưu sông Hương, phía trước là dải cồn Hến án ngự. Thời thơ ấu tắm sông, đứng trên chiếc cầu tre trước nhà nhìn dòng sông xuôi theo miền hạ lưu chỉ thấy một vùng trắng xóa xa xăm, tôi cứ ngỡ nơi vùng trời xa xôi đó là cửa biển Thuận An.
Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, vượt qua những núi rừng, bao gian nan để đem về thị thành những dòng nước ngời xanh, tươi mát, chảy du dương những nhịp trữ tình, mang mang nỗi niềm sông núi.
Ai đã từng lang thang trên sông Hương mới có thể cảm được thần thái của dòng sông, và thưởng thức hương vị đặc biệt của dòng Hương vào sáng sớm tinh mơ trong màn sương mềm mại như lụa là, khi bầu không khí chưa bị ô nhiễm, lúc ấy lênh đênh trên sông mà như đang bềnh bồng trên tận cõi mây trời.
Vào giờ ngọ của một buổi trưa hè oi bức, tôi đi dọc theo dòng Hương để hưởng những cơn gió thoang thoảng mang theo hơi nước mát và bất chợt kinh ngạc nhận ra “Thanh kiếm dựng trời xanh” của cụ Cao Bá Quát. Thế là tôi chìm trong vệt sáng loang loáng thẳng tắp trên dòng sông và xa tít như dài đến tận trời xanh.
Phải chăng ngày xưa cụ Cao Bá Quát đã dừng chân nơi này vào giờ ngọ thiêng, dưới bầu trời xanh đang đổ bóng xuống dòng sông và đã phát hiện “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” với hiệu ứng của ánh mặt trời chiếu thẳng góc mặt sông, và sự nhạy cảm về màu sắc của dòng sông, với sự trực cảm của một tâm hồn thi nhân đang nung nấu bầu nhiệt huyết?
Những buổi chiều trời trở gió, nước sông Hương cuồn cuộn từ phía hạ lưu lên như dậy sóng, gợi hình ảnh những thủy quân Tây Sơn trên đoàn chiến thuyền hùng hậu đang cỡi sóng tiến vào thành Phú Xuân. Khi chiều xuống dòng Hương tĩnh lặng như vị thiền sư để soi lại một ngày vừa trôi qua và chuẩn bị cho cuộc công phu mới trước khi chìm vào giấc sâu của màn đêm.
Theo dõi màu sắc trên sông Hương mới thấy được sự thay đổi về sắc độ của sông đối với từng khoảng thời gian, từ xanh trong đến ửng hồng rồi dát bạc, từ vàng cam đến lam dụ pha lẫn xanh chàm..., và trước khi hòa vào màn đêm thì sông chuyển sang màu tím thủy chung phủ nhẹ trên mặt sông thật lung linh, huyền ảo.
Những chiều mưa giông, vô vàn hạt nước tạt lên mặt sông, tóe lên những đóa hoa mưa trắng xóa, dòng sông như một dải khăn nhung mượt mà kết vô số hoa huệ trắng, ngát hương tiễn những phận đời phiêu bạt về chốn xa xôi.
Những đêm trăng lênh đênh trên dòng Hương, nghe những điệu hò xứ Huế buồn man mác, gợi lên cảm giác não lòng về kiếp nhân sinh, bỗng những câu thơ của cụ Nguyễn Du vọng về du dương theo nhịp sông “Hương giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu” đã dẫn dắt tôi vào cõi “thanh sắc thi ca” của miền sông Hương núi Ngự.
Cái thú thưởng thức ca Huế không phải lúc nào cũng nghe được, phải có sự kết hợp giữa không gian, thời gian, khung cảnh... và điều chính yếu là tâm trạng của người nghe.
Đời sông gắn bó suốt đời cùng sự sống của nhân loại và có lẽ trong mỗi người chúng ta đều có một dòng sông thầm lặng, dòng sông của tâm tưởng đang âm ỉ, trôi bồng bềnh, lênh đênh vào chốn xa xăm bất tận, và bất giác một hôm nào đó trong chuỗi thời gian vô tận của kiếp người, ta hòa mình vào dòng chảy của sông để nhận ra bản thể của chính mình chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi của dòng sông, như những câu thơ trong bài Giọt nước Hương giang của Phương xích lô, một đời người đã tan vào thơ, hòa vào sông mãi mãi, mãi mãi...
...Dừng lại bên cầu nghe nước chảy.
Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang.