Trong Đêm Khuya
Varlam Shalamov
Varlam Shalamov sinh vào khoảng năm 1907 và mất ngày 17 tháng 1 năm 1982. Tác giả thường viết những truyện ngắn mô tả về cuộc sống trong các trại tù.
Truyện sau đây được chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh của John Glad với nhan đề "In The Night"
Bữa ăn tối vừa xong. Glebov chậm rãi liếm sạch cái chén rồi vét những mẩu bánh vụn trên bàn vào trong lòng bàn tay trái một cách lành nghề. Hắn không nuốt ngay. Hắn ngậm những mẩu bánh nhỏ xíu đó trong miệng lẫn với bao nhiêu nước miếng để rồi cảm nhận vị bánh một cách thèm thuồng. Glebov cũng chẳng có thể nói là bánh ngon hay không nữa. Vị giác là cái quái gì, đâu đáng được mang ra để mà so sánh với cái khoái cảm của hắn lúc này. Glebov không vội vã nuốt bánh xuống làm chi, để yên đấy, bánh sẽ chầm chậm tan dần trong miệng và lẹ làng biến mất đi mà!
Cặp mắt sâu hoắm của Bagretsov sáng lên và nhìn trừng trừng mãi vào miệng Glebov. Chẳng anh chàng nào có đủ nghị lực quay đầu đi mà không ngó chằm chằm vào miệng bạn mình khi cái miệng đó đang ăn. Glebov nuốt nước miếng xuống và Bagretsov lúc đó mới chịu lập tức quay nhìn ra phía khác, ra phía chân trời nơi mặt trăng vàng lớn đang lừng lững mọc lên.
"Tới giờ rồi!", Bagretsov nói. Họ chậm rãi đi dọc theo lối mòn dẫn tới một tảng đá lớn và trèo lên khoảng đất trống nhỏ ven đồi. Mặc dù mặt trời vừa mới lặn đây thế mà mấy tảng đá đã lạnh ngắt rồi, chính mấy cái tảng đá này ban ngày nóng bỏng đến cháy cả gót chân trơ trụi của họ đi trong đôi dép cao su. Glebov cài nút áo khoác dày. Đi như vậy mà người cũng chẳng ấm lên được. Hắn hỏi khẽ: "Còn xa nữa không?"
"Chút nữa thôi!", Bagretsov thì thào trả lời. Họ ngồi xuống nghỉ. Họ chẳng có chuyện quái gì để nói hay để suy nghĩ cả. Mọi việc đều đã rõ ràng và đơn giản. Trong một chỗ đất phẳng phiu ở cuối cái bãi trống này là những đống đá mà người ta đã đào từ dưới đất lên để lẫn với rêu đã tróc ra khô queo.
"Tớ làm chuyện này một mình cũng dư sức mà!", Bagretsov nở một nụ cười nhăn nhúm. "Nhưng hai đứa mình cùng làm thì vui hơn. Hơn nữa tớ lúc nào cũng coi cậu là bồ tèo...". Cả hai anh chàng đồng hội đồng thuyền này cùng được chuyển vào nơi đây mới năm ngoái thôi.
Bagretsov ngừng lại: "Cúi xuống không tụi nó trông thấy chúng mình đấy!". Họ nằm xuống và bắt đầu liệng những cục đá sang một bên. Chẳng có cục đá nào quá to để đến nỗi phải cần hai người xúm lại khiêng vì những kẻ chất đá sáng nay cũng không khỏe gì hơn Glebov.
Bagretsov khẽ chửi thề. Hắn bị đứt tay và chảy máu. Hắn đắp chút cát vào vết thương, xé một miếng giẻ trên áo khoác và buộc vào chỗ bị thương nhưng máu vẫn cứ rỉ ra. "Máu loãng, khó đông!", Glebov nói tỉnh khô. "Này! Bồ là bác sỹ đấy à?", Bagretsov hỏi, miệng mút vết thương.
Glebov lặng thinh. Cái thời mà hắn còn làm bác sỹ có vẻ như xa xôi lắm rồi, dường như không phải là chuyện có thực nữa? Luôn cả cái thế giới ở phía bên kia núi đồi, bên kia biển cả hầu như cũng không có thực nữa, nó mờ mờ mịt mịt như trong giấc mộng vậy. Chỉ còn những ngày giờ, những giây phút từ lúc ngóc đầu dậy bởi tiếng kẻng báo thức buổi sáng cho tới khi hùng hục "lao động" xong công việc hàng ngày mới là có thực mà thôi. Hắn chẳng muốn nghĩ ngợi gì thêm, chẳng còn hơi sức đâu để nghĩ. Mà cũng chẳng còn ma nào muốn nghĩ ngợi gì thêm nữa.
Hắn không biết được quá khứ của những người xung quanh, mà cũng chẳng muốn biết làm gì! Bởi thế nếu ngày mai đây cái anh chàng Bagretsov này mà có tự tiết lộ rằng y là một ông tiến sỹ hay một ông tướng tàu bay gì đi nữa thì Glebov cũng tin ngay, chẳng cần suy nghĩ gì thêm. Chính Glebov có thực sự từng là thày thuốc không nhỉ? Chẳng phải hắn chỉ mất tiêu đi cái thói quen suy xét sự việc mà còn mất luôn ngay cả cái thói quen quan sát sự việc nữa.
Glebov nhìn Bagretsov mút máu ở đầu ngón tay nhưng không nói gì. Mọi việc thoáng qua, hắn nhận thức thấy nhưng không thể tìm ra và cũng chẳng muốn tìm ra lời giải đáp. Cái ý thức còn sót lại trong hắn -có lẽ không còn là cái ý thức của con người nữa- nó rất phiến diện và giờ đây chỉ nhắm vào một mục tiêu mà thôi, đó là làm sao khuân những tảng đá ra càng nhanh càng tốt.
"Có sâu không?", Glebov hỏi khi họ tạm nghỉ tay. "Sâu thế quái nào được?", Bagretsov trả lời. Và Glebov nhận thấy câu hỏi của mình thật là vớ vẩn, cái hố này tất nhiên chẳng thể sâu được.
"Nó đây rồi!", Bagretsov nói. Y vươn tới và đụng vào một ngón chân người. Một ngón chân cái thòi ra từ phía dưới những tảng đá, nhìn rõ mồn một dưới ánh trăng. Cái ngón chân khác hẳn các ngón chân của Glebov và Bagretsov, không phải chỉ khác vì nó cứng ngắc và hết sinh khí; về cái khoản này thì ngón chân người chết cũng chẳng khác ngón chân người sống bao nhiêu. Nó khác vì móng chân của cái ngón chân người chết đó đã được cắt gọn ghẽ, và ngay chính cái ngón chân đó thì đầy đặn và mềm mại hơn ngón chân Glebov. Họ vội vã vứt những tảng đá còn chất đống ở trên xác chết qua một bên.
"Tên này còn trẻ mà!", Bagretsov nói. Cả hai kéo lê cái xác chết ra khỏi huyệt. "Tên này to con và phốp pháp quá à!", Glebov vừa nói vừa thở hổn hển. "Nếu tên này không mập ú như vậy thì tụi nó đã chôn hắn theo cái kiểu tụi nó thường chôn anh em mình rồi và chúng mình đâu còn lý do gì mà tới đây hôm nay nữa", Bagretsov nói.
Họ kéo cho cái xác chết nằm dài dưới đất rồi lột chiếc áo ra. "Bồ thấy không, cái quần đùi này gần như mới tinh đấy!", Bagretsov nói một cách mãn nguyện. Glebov dấu cái quần lót vào trong áo khoác.
"Tớ nghĩ bồ mặc nó vào thì hơn!", Bagretsov nói. "Không! Tớ không thích mặc đâu!", Glebov lầm bầm. Họ khiêng cái xác chết đặt lại vào trong mộ huyệt và khuân đá chất kín lên trên.
Mặt trăng đang mọc. Ánh trăng xanh tỏa sáng phủ lên những tảng đá và lên cả khu rừng thưa khiến đá và cây cối có một vẻ đặc biệt nhìn không giống lúc ban ngày. Mọi vật đều tỏ ra hiện hữu, có thật, nhưng khác hẳn lúc ban ngày. Dường như vũ trụ đeo vào một bộ mặt thứ hai, một bộ mặt về đêm. Glebov cảm thấy cái quần lót của người chết nhét trong áo khoác của hắn giờ đây ấm áp, không còn lạ lẫm nữa.
"Tớ thèm rít tí khói quá!", Glebov mơ màng nói. "Ngày mai sẽ hút!". Bagretsov mỉm cười. Ngày mai họ sẽ bán cái quần lót đi, đổi lấy bánh, và có lẽ ngay cả kiếm được chút thuốc lá nữa không chừng...