Chuyện vớ vẩn
Lương Lan
Chuông điện thoại đổ dồn dập. Liên dụi mắt nhìn đồng hồ: mới 3 giờ sáng. Gọi vào giờ này chắc chỉ có Quân. Đi công tác xa, Quân thích gọi điện cho vợ vào ban đêm - để em không quên anh.
Chị thở dài, đã định không nhấc máy, nhưng tiếng chuông cứ như xói vào tai. Ở đầu dây bên kia, Quân dịu dàng với cái giọng hơi the thé: Em yêu, đêm nay em mặc váy ngủ màu gì? Anh rất nhớ em, nhớ muốn phát điên, một tháng xa nhau mà ngỡ như cả năm trời. Chiều nay anh về, có rất nhiều quà cho hai mẹ con, hai mẹ con em sẽ bất ngờ lắm...
Quân còn nói nữa nhưng chị bảo: Sao mà anh hay nhắc chuyện quà thế nhỉ, mệt quá, rồi cúp máy... Bất giác, chị cảm thấy rất ngột ngạt, đầu đau nhức. Khó chịu thật, quái quỷ. Trời oi nồng như sắp giông, không khí cứ đặc quánh lại. Trằn trọc mãi không ngủ lại được, trời vừa hửng sáng chị gọi điện cho mẹ, trong lòng rất muốn tâm sự với mẹ điều gì đó, nhưng không hiểu sao khi nghe tiếng mẹ, chị lại lặng người đi rồi nói, giọng như người hụt hơi: Chiều nay chồng con về, chút nữa con đến đón cháu nghe mẹ. Mẹ chị lo lắng hỏi: Có chuyện gì không con? Sao nghe giọng con yếu thế? Chị vội vàng: Con không sao đâu mẹ... Nói rồi chị thấy ân hận, hình như là mình sao thật rồi... Quái thật, chẳng có gì mà mắt cay thế. Thật vớ vẩn quá. Chị thấy rất thèm một ly chanh đá không đường, nhưng trong tủ chẳng còn trái chanh nào. Chị chép miệng, một sở thích giản dị như thế mà đôi khi vẫn không thể đáp ứng. Mỗi lần thấy chị uống chanh đá, chồng chị lại bảo em dại, uống cái thứ nước ấy làm gì, có bổ béo gì đâu, nếu mà đem phân tích thành phần thì có đến bảy ngày cũng chẳng tìm thấy chất bổ dưỡng. Chị thì chẳng cần quan tâm đến bổ dưỡng hay không bổ dưỡng, thấy thích thì uống. Có lần chị bực bội, bảo: Cân nhắc như anh mệt quá, anh không thể sống không tính toán cho thoải mái hơn hay sao... Quân cười bảo: Ừ, thôi, tuỳ em, mỗi người một tính thật. Ngay trong chuyện ăn uống cũng vậy, chị thấy thích ăn, còn Quân thì khác, ăn gì anh cũng cân nhắc, tính toán đến sự cân bằng hàm lượng dinh dưỡng, rồi thì ăn như thế nào cho phù hợp với từng khung cảnh, cho thể hiện bản sắc văn hoá như cách Quân hay nói. Có một điều khiến chị rất bực là cái gì chồng chị cũng dễ dàng quy ra giá trị vật chất để cân nhắc rất nhanh sự hơn thiệt, được mất. Anh thường bảo làm bất cứ việc gì, dù nhỏ, điều cần quan tâm trước tiên là mình sẽ được lợi ích gì từ công việc ấy. Quân không bao giờ làm những việc mà không mang lại lợi ích thực tế cho mình, cho dù những việc ấy cũng chẳng hại gì cho anh... Dù mỗi người mỗi tính nhưng vợ chồng chị hiếm khi cự cãi vì Quân luôn có ý thức nín nhịn vợ, còn chị thì không thích căng thẳng...
Chị định đến nhà mẹ đón con từ sáng nhưng vừa dắt xe ra cổng lại phải quay vào vì có điện thoại. Giọng chú Chín khao khao như kiệt sức: Thằng Quân sắp về chưa con? Chú mong nó quá... Liên vội nói: Chú yên tâm đi chú, chiều nay anh Quân về, sáng mai vợ chồng con tới chú ngay, đừng lo quá nghe chú. Chú Chín là người đã cưu mang Quân suốt những năm anh còn hàn vi, chính chú đã giới thiệu và gửi gắm Quân cho ba Liên. Chú chỉ có một người con trai duy nhất là Thủy, bằng tuổi Quân, chơi với Quân rất thân, bây giờ đang làm giám đốc một công ty trực thuộc Tổng công ty của Quân. Gần đây chị nghe phong thanh tin Thuỷ được dự kiến chọn giữ chức Tổng giám đốc trong khoá tới, thay cho chồng chị sẽ được rút về Bộ. Dù Quân ở Tổng công ty hay về Bộ, chị nghĩ cũng tốt thôi, mà có khi về Bộ còn tốt hơn vì Tổng công ty gần đây cũng có vài ba chuyện lùm xùm. Nhưng cụ thể như thế nào thì chị không rõ lắm. Đánh đùng một cái Thuỷ bị tố cáo dính dáng đến chuyện tiêu cực gì đó. Chú Chín lo quá tìm Quân để mong có sự giúp đỡ nhưng đúng lúc đó Quân lại đi công tác nước ngoài suốt một tháng. Chú Chín bị bệnh tim, chị thương chú quá, chỉ sợ chú có mệnh hệ gì...
An ủi chú Chín mãi, chị đến nhà mẹ đã quá 12 giờ trưa nhưng mẹ và Hương, con gái chị vẫn chờ cơm. Mùi canh cua đồng thơm ngậy khiến chị thấy đói ngấu. Húp một muỗng canh, chị hít hà: Ngon quá, lâu lắm con mới được ăn. Con thèm canh cua mà không có thời gian để nấu... Con Hương hóm hỉnh bảo: Vậy mẹ cố ăn cho nhiều. Ba về mẹ càng không có dịp ăn canh cua đâu, ba ghét món này lắm. Mà buồn cười mẹ nhỉ, mẹ là người thành phố lại thích ăn món quê, còn ba gốc ở quê nhưng chỉ thích những món quý tộc... Liên bối rối. Chị chưa biết trả lời con như thế nào thì con Hương đã lại hỏi: Mẹ có yêu ba không hả mẹ? Mẹ cái Hằng bạn con bảo ngày xưa nhiều người mê mẹ lắm... Tự nhiên Liên thấy miệng nghẹn đắng, chị lén nhìn mẹ nhưng mẹ đang cúi xuống nên chị không thấy được ánh mắt của bà. Quả là Quân rất thích ăn ngon, nhất là những món sơn hào hải vị có tên gọi thật cầu kỳ. Điều ấy không có gì là xấu, không có gì đáng chê trách vì trên đời ai chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp, sống sung sướng. Có lần Quân nói với chị rằng ngày nhỏ Quân rất khổ, làm việc quần quật cả ngày mà chỉ được ăn cơm độn khoai với dưa và muối trắng, cũng chẳng được ăn no. Chị đã rớt nước mắt vì thương chồng. Chị không hề mặc cảm vì chồng chị có một thời ấu thơ lam lũ, vất vả. Chị cảm thấy khâm phục anh vì anh là một con người có nghị lực, đã phấn đấu học hành vươn lên từ một hoàn cảnh khó khăn chừng ấy, đó là điều không phải bất cứ ai cũng làm được. Chị yêu anh một phần cũng vì cái lẽ ấy. Ở Quân có nhiều điều đáng quý mà ở những chàng trai khác không có được và chính những điều ấy làm chị một thời say mê anh. Nhưng càng ngày, chị càng thấy anh đổi khác, khác từ cách nói năng, đi đứng đến cả chuyện ăn mặc hàng ngày. Nhiều lúc chị tự hỏi phải chăng những nhận xét ngày xưa của mẹ về Quân là đúng?...
***
Việc Liên yêu và lấy Quân khiến cả cơ quan bất ngờ. Liên xinh đẹp và tinh tế, lại là con gái rượu của ông Vụ trưởng. Chừng ấy điểm mạnh khiến cho Liên trở thành một cô gái rất "có giá". Nhiều chàng trai con nhà gia thế, có học vấn, có địa vị tự nguyện đến trồng cây si, săn đón Liên và tìm đủ dịp để nói những lời có cánh. Thế nhưng không hiểu sao Liên chẳng hề rung động trước những vệ tinh đang xoay xung quanh mình, lại đi nhận lời yêu Quân - một anh chàng nhà quê đặc. Trong nhà, mẹ Liên là người phản đối nhiều nhất. Bà bảo người quê người phố, đẹp xấu gì cũng không quan trọng, nhưng bà thấy Quân "tướng hầu" không xứng với Liên. Lấy Quân, sau này Liên chỉ có khổ, không phải khổ vì vật chất mà là cái khổ về tinh thần. Bà bảo, lấy Quân, Liên sẽ suốt đời phải cô đơn vì không bao giờ có thể chia sẻ hay tâm sự với chồng... Nhưng ba Liên thì lại bảo: Thằng đó không có hãm tài đâu, rồi sau này nó sẽ làm nên sự nghiệp cho bà coi. Ba Liên nói có cơ sở vì Quân làm việc dưới quyền ông. Ngay từ ngày đầu làm việc với Quân, ông đã thấy Quân là một người đa mưu túc kế. Quân có khả năng đoán định tình hình chính xác và ứng phó nhanh. Cái vẻ bề ngoài quê kệch hoá ra lại chính là lợi thế vì nó khiến cho đối phương dễ chủ quan mà không đề phòng gì cả. Với những người làm chính trị hay làm ăn kinh tế thì đó là một điều rất quan trọng... Nghe ba mẹ phân tích, Liên chỉ cười. Trái tim có lý lẽ riêng của nó. Liên không thấy có cảm tình với những người con trai thành phố đang như vệ tinh xoay quanh. Là người nhạy cảm, Liên hiểu rằng đôi khi người ta săn đón chị không phải vì bản thân chị mà vì những gì họ sẽ đạt được nếu như trở thành con rể của Vụ trưởng. Liên thấy sợ sự hào nhoáng, sợ sự nhiệt tình có phần quá quắt của những chàng trai đang xum xoe xung quanh mình. Còn Quân thì khác. Mỗi khi giáp mặt Liên, anh đều giữ thái độ chừng mực, có phần hơi rụt rè. Trong khi Liên cảm thấy rất mệt và chán ngán bởi những người con trai áo cổ cồn là cứng vây quanh mình thì Quân xuất hiện như là một đối tượng. Nói chuyện với Quân, chị thấy thư thái nhẹ nhàng, những câu chuyện chân chất thật thà của anh chàng nhà quê không khiến chị phải cảnh giác như đối với bọn coi trai thành phố tóc bóng như bôi mỡ. Có lần Quân cùng Liên và một đám bạn bè rủ nhau ra quán uống nước, Liên hỏi anh uống gì, Quân ngồi im rồi bất ngờ bảo: "Cho cái nồi ngồi trên cái cốc". Cả bọn ngớ ra, chỉ có cô chủ quán là tinh ý, cô che miệng cười rồi mang ra cho Quân một... ly cà phê pha phin. Hiểu ra, cả bọn cười nghiêng ngả vì cái anh chàng Quân nhà quê một cục. Liên cũng cười như nắc nẻ nhưng khác với mọi người, cô cảm thấy Quân hóm hỉnh, hay hay. Tự nhiên sau lần ấy Liên có cảm tình với Quân. Liên thấy Quân không rỗng tuếch như những anh chàng khác. Quân có khiếu kể chuyện và những câu chuyện của Quân khiến cho Liên thấy thích thú. Dần dần Liên thấy thích Quân, thích cả cái dáng vẻ quê mùa thô kệch. Mẹ Liên bảo thích chưa phải là yêu. Giữa thích và yêu là một khoảng cách xa vời lắm. Cần phải cân nhắc kỹ con ạ. Nó là kẻ đa mưu túc kế, nó hiểu con, chắc gì cái vẻ ngờ nghệch lại không phải là cái vẻ bề ngoài nó cố tình tạo ra để thu hút con. Mẹ lo cho con lắm, lấy nó con sẽ khổ cả đời vì con sẽ không thể nào tìm thấy sự hoà hợp về tâm hồn, con sẽ không thể nào chia sẻ được lòng con với nó đâu. Lúc ấy, Liên chỉ cười. Mẹ lo xa quá, hạnh phúc hay không là do ở mình chứ mẹ. Từ lâu chị biết rằng mẹ chị không hạnh phúc. Cuộc sống trong gia đình chị luôn có cái vẻ ngoài êm thấm, chưa bao giờ cha mẹ chị to tiếng. Nhưng chị hiểu đó là sự êm ấm giả tạo giấu những cơn sóng ngầm. Mẹ chị rất đẹp, nhưng đó là một vẻ đẹp u buồn, rất hiếm khi chị thấy mẹ cười, nhất là khi có ba chị ở nhà. Hình như giữa ba và mẹ có một khoảng cách lớn lắm mà ngày ấy chị không thể hiểu được. Có một lần chị hỏi mẹ hạnh phúc là gì, mẹ chỉ bảo hạnh phúc là thứ hiếm hoi và mơ hồ lắm con ạ. Chị lại hỏi mẹ sống với ba có hạnh phúc không, mẹ chị không trả lời thẳng mà bảo: Hạnh phúc chỉ có khi người ta hiểu và chia sẻ được với nhau... Nhưng ngày ấy, chị chỉ là một cô gái mới lớn. chị không thể hiểu hết những điều mẹ nói. Không sao con ạ, sau này khi con trưởng thành hơn, con sẽ tự hiểu thôi, mẹ chị bảo. Có thể là mẹ không hạnh phúc, nhưng mình không phải là mẹ và Quân cũng không phải là ba, chị thầm nghĩ. Biết không ngăn được con gái, mẹ chị đành chép miệng bảo thôi thì tuỳ, nhưng mắt bà rân rấn nước, mẹ nói với con bằng tất cả sự linh cảm của một người mẹ và sự từng trải, chiêm nghiệm một đời của người đàn bà đấy, con ạ. Từ hôm ấy trở đi, bà không nói gì đến chuyện này nữa. Sau này, cứ mỗi lần nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ ngày ấy, Liên lại cảm thấy lòng mình đau nhói...
Lấy được Liên, Quân như bắt được vàng. Quân bảo có nằm mơ anh cũng không dám mong có một người vợ như Liên. Phải thừa nhận Quân là một người chồng tốt. Quân rất yêu và nể vợ. Về lòng chung thuỷ của Quân thì Liên không có gì phải phàn nàn.
Quân không phải hạng đàn ông phóng đãng, nhìn thấy đàn bà con gái như quạ thấy gà con. Đường hoan lộ của Quân cũng rất rộng mở. Không lâu sau khi cưới, Quân trở thành trợ lý đặc biệt của Vụ trưởng. Không ai nghĩ Quân cơ hội vì thực sự Quân là người có tài. Ba Liên hết sức hài lòng về anh chàng trợ lý - con rể này. Hai người có vẻ tâm đầu ý hợp. Quân thực sự là cánh tay phải của ông. Mọi việc đối nội đối ngoại trong cơ quan đều được Quân giải quyết gọn gàng, rốt ráo. Mọi sự tinh anh, khôn lanh của Quân đều được giấu đằng sau cái vẻ khù khờ của anh chàng nhà quê. Mấy năm sau, Quân được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Về nước, Quân giữ chức tổng giám đốc một công ty lớn. Công ty nhanh chóng nổi tiếng như cồn vì làm ăn có hiệu quả. Mọi người nhìn vào cuộc sống của vợ chồng Liên với con mắt ngưỡng mộ và thèm muốn. Ba Liên rất tự hào về con rể. Ông bảo Liên: Con thấy không, ba đâu có nhìn lầm người, thằng Quân rồi sẽ có tương lai lắm. Chỉ có mẹ Liên là vẫn im lặng không bình luận gì.
Quả thật thời gian đầu chung sống, Liên cảm thấy hạnh phúc. Với Liên, Quân như một thế giới lạ mà Liên muốn khám phá, như người ta khám phá sự quyến rũ của vùng đất còn bí ẩn và hoang sơ. Nhưng oái oăm thay, càng khám phá, Liên càng nhận thấy có những điều thật bất ổn. Quân vừa có cái vẻ ngờ nghệch của một chú gà tồ lại vừa có cái khôn lanh của một con mèo - khôn lanh đến phát sợ. Sự thô ráp vụng về chân chất của Quân từng làm Liên say mê nhưng rồi dần dần Liên nhận ra rằng không phải với ai Quân cũng thô ráp như thế. Nghĩa là Quân biết sử dụng cái chất nhà quê của mình rất đúng chỗ, và chỉ sử dụng khi nào cái chất ấy mang lại cho Quân một mối lợi nào đó. Khi đã thành vợ chồng, có lần Quân vui miệng bảo cái bảo bối nhà quê giúp Quân thành công rất nhiều trên bước đường công danh sự nghiệp, nhưng trong đời Quân sáng suốt nhất là khi áp dụng chiến thuật nhà quê để cưới được Liên, làm cho bao nhiêu anh chàng phải trắng mắt ra. Nghe Quân nói, Liên ngỡ ngàng và hoang mang... Mặc dù có nhiều cái lợi nhờ cái chất nhà quê nhưng Liên biết từ đáy sâu tâm khảm, Quân rất cay đắng vì cái gốc quê của mình. Liên cũng không biết rằng có phải vì tuổi thơ quá lam lũ cơ cực mà Quân cay đắng đến như thế không. Là vợ chồng, Liên nhận thấy rất rõ những cố gắng của Quân để "lột xác" khỏi quá khứ của chính mình, dường như với Quân, cái gốc gác người nhà quê khiến anh cảm thấy mình thua thiệt, hèn kém đi. Nhất là sau những năm du học trở về và trở thành tổng giám đốc thì Liên thấy chồng mình như trở thành một con người khác hẳn: khác từ cách phục sức đến lời ăn tiếng nói. Quân ăn mặc cầu kỳ hơn và rất tâm đăc với câu "quen sợ dạ, lạ sợ áo". Khi nói chuyện, Quân hay chua thêm những câu tiếng Anh rất điệu, hay nói theo kiểu: nhìn từ góc độ triết học mà nói... kể ra như thế cũng chẳng có gì là xấu nhưng Liên cứ cảm thấy khó chịu. Con người Quân không hợp với kiểu cách ăn mặc, nói năng như thế, nó cứ gượng gạo, giả giả thế nào. Liên cảm giác như Quân đang cố rũ bỏ cái quá khứ quê mùa để hội nhập vào với kiểu sống phố thị, để phố hoá con người anh. Nhưng bản chất anh là người nhà quê thì dẫu có cách tân kiểu gì cũng không phố được mà thành một thứ "giả cầy", chẳng phải cái này cũng chẳng phải cái kia. Trên bàn làm việc của Quân có một chiếc gạt tàn bằng pha lê rất đẹp mà Quân mua từ Pháp về nhưng không mấy khi được sử dụng đúng chức năng vì Quân không bỏ được thói quen vẩy tàn thuốc xuống sàn nhà một cách rất thoải mái. Những chuyện tương tự như thế rất nhiều nhưng không làm cho Liên khó chịu lắm.
Không hiểu sao, mỗi khi nhớ đến chồng, Liên hay nhớ đến những chuyện không đầu không cuối, mà toàn chuyện vớ vẩn. Quân là người dễ mủi lòng, xem phim thấy những cảnh thương tâm Quân cũng chảy nước mắt. Ngày mới quen nhau, Liên rất cảm động vì Quân có trái tim thật nhân ái. Nhưng về sau, sống với nhau, Liên khám phá ra rằng Quân có thể khóc vì thương người khi xem phim nhưng chỉ có thế thôi. Chưa bao giờ chị thấy Quân chìa ra với ai nếu như cái hành động từ thiện ấy lại không mang lại cho Quân một mối lợi nào đấy. Một lần cơ quan tổ chức quyên góp tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, Quân cho mời đài truyền hình và các cơ quan báo chí đến chứng kiến. Đến hôm sau, trong chương trình thời sự của đài truyền hình, người ta thấy hình ảnh Quân đang một tay chấm nước mắt, một tay cầm phong bì tiền bỏ vào hòm từ thiện. Một tờ báo lớn có uy tín ở thành phố cũng đăng trên trang nhất bức ảnh tương tự cùng với những lời bình luận hết sức mùi mẫn về một vị tổng giám đốc có tấm lòng vàng. Sau lần ấy, cơ quan Quân còn tài trợ cho một mái ấm tình thương nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, tiếng tăm của Quân lại thêm một lần nổi như cồn, người ta nhắc đến Quân như nhắc đến một vị lãnh đạo thật giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Liên bảo chồng: Em nghĩ mình làm từ thiện là ở tấm lòng chứ đâu cần phải lớn tiếng rầm rộ phô trương như thế mà làm chi. Quân cười: Em ngây thơ quá, một việc nhỏ nhưng nếu biết cách thì vẫn đạt được hiệu quả lớn, thậm chí còn ngoài sức tưởng tượng. Ví dụ như trong chuyện này cái anh đạt được là vô cùng lớn, không thể tính được: đó là uy tín, mà uy tín cũng có nghĩa là tiền và quyền em hiểu không. Lợi thì như thế nhưng mất gì của cá nhân mình đâu. Tiền từ thiện, cũng là tiền cơ quan cả thôi... Nói rồi, Quân cười lớn, tiếng cười đàn ông mà lanh lảnh như thuỷ tinh vỡ khiến Liên rợn tóc gáy. Chị nhớ rằng mặc dù bây giờ đã là người có ngôi thứ trong giới thượng lưu nhưng chồng chị vẫn còn giữ một thói quen đã gần như bản chất thâm căn cố đế là cái tính chi li keo kiệt. Cái tính ấy có đến chết Quân cũng không thể bỏ được. Nhưng anh chỉ chi li keo kiệt những gì là của riêng, còn đây là của cơ quan, tức của chùa, thiệt gì mà không chi đẹp... Chỉ vài ngày sau, Liên thấy Quân khoe anh vừa có thêm một hành động rất tuyệt, rằng anh vừa đi một con bài không chê vào đâu được: đó là Quân đã đích thân đến một toà báo lớn để nhờ báo gửi tặng một em nhỏ tật nguyền ở thành phố Nha Trang số tiền 30 triệu đồng giúp em phẫu thuật tim. Quân bảo bỏ đồng tiền ra, dẫu là từ thiện thì cũng phải đúng chỗ, đúng lúc và nhất là phải biết cách. Liên không nói gì cả nhưng trong lòng chị là một cảm giác thật khó tả, khó diễn đạt làm chị bứt rứt không yên. Từ hôm ấy, cứ mỗi lần nghe Quân vừa cho ai, hay giúp ai điều gì là chị lại tự hỏi Quân đã thu lại được gì từ những hành động nghĩa hiệp ấy. Thậm chí ngay cả khi Quân mua biếu cha mẹ chị một món đồ nào đó, chị cũng tự hỏi không biết Quân đang nhằm đạt được lợi ích gì và chị không sao vứt bỏ được ý nghĩ tệ hại kia ra khỏi đầu.
Có những chuyện khiến chị rất bị ám ảnh. Một lần nhân ngày chủ nhật, bạn Quân đến mời gia đình đi ăn món thịt cầy. Bữa ăn diễn ra vui vẻ, mọi người thi nhau kể chuyện chó tây, chó ta. Bất ngờ, anh bạn Quân vui miệng kể: Hồi Quân còn nhỏ, nhà Quân nuôi một con chó vàng rất khôn, có lần con chó đã cứu Quân và anh bạn thoát chết đuối. Lần ấy hai người rủ nhau đi tắm sông, bất ngờ Quân bị chuột rút, anh bạn cố dìu Quân vào bờ nhưng vì sức yếu nên cả hai suýt chìm, may mà con chó vàng thông minh kịp chạy về tìm người ra cứu. Quân với con chó thân nhau như bạn. Nhưng rồi về sau người ta cấm không nuôi chó nên con Vàng bị giết thịt. Hôm con Vàng bị giết, Quân khóc hết nước mắt. Buổi tốm hôm ấy, Quân vừa ăn thịt con Vàng vừa khóc... Kể xong, anh bạn cười phá lên, tự thưởng cho câu chuyện của mình. Nhưng cả nhà Liên lặng đi. Mọi người nhìn nhau. Còn Liên chết trân. Mẹ Liên thở dài, mặt tái xanh nhưng không nói gì. Chỉ có bé Hương lúc ấy mới có 5 tuổi là kêu ầm lên: Sao mà ba Quân ác thế... Dường như biết mình lỡ lời, bạn Quân nói lảng sang chuyện khác nhưng không khí trong bữa ăn vẫn rất nặng nề. Sau lần ấy, Liên không bao giờ dám ăn thịt chó nữa, chỉ mới nghĩ tới là đã muốn ói. Con chó Nhật trắng chân huyền đề rất đẹp mà chị rất mực cưng chiều, chị cũng gọi người tới cho đi. Cũng từ hôm đó, mẹ Liên đón hẳn bé Hương về nuôi. Bà không nói nhưng Liên hiểu mẹ nghĩ gì và chị cảm thấy lòng mình đau buốt...
Chị em cùng phòng Liên những lúc rảnh rỗi thường hay nói chuyện gia đình, chồng con, thấy nhà nào cũng có chuyện, không chuyện nọ thì chuyện kia. Đến lượt chị, chị chỉ cười không nói gì. Mỗi người một câu, bảo chỉ có chị Liên là hạnh phúc nhất, có được người chồng vừa tài năng, vừa đạo đức, lại hết lòng thương yêu vợ, không lòng thòng bồ bịch trai gái, sướng nhé. Chị bảo: Chắc gì mình đã hạnh phúc bằng các bạn. Tức thì cả phòng liền nhao nhao lên: được như chị là sướng như tiên rồi còn mong gì hơn nữa, đâu như chúng em lấy phải thằng chồng đít thâm môi cũng thâm, làm không đủ đút mồm mà lúc nào cũng tưởng như ông tướng, lại chỉ rình vợ ngơi mắt ra là tót đi chiều tím, tức là tìm chiếu cùng mấy con cave rồi về nhà lại leo lẻo cái mồm em ơi hôm nay anh phải làm tăng ca. Chúng em chẳng dám mơ nhiều, chỉ mơ được hạnh phúc bằng một phần mười của chị... Chị hoang mang tự hỏi có thật là mình hạnh phúc không? Chị không biết. Đã lâu chị thôi không còn tâm sự với Quân. Giữa chị với Quân như có một khoảng cách mơ hồ và cái khoảng cách chết tiệt ấy cứ ngày càng rộng ra. Chị cảm thấy sợ những việc Quân làm, sợ khi phải nghe Quân nói những điều nhân nghĩa. Những khi nhìn thấy Quân rơm rớm nước mắt vì thương xót ai đó, chị cứ thấy muốn ói. Quân không để ý đến những thay đổi của vợ hoặc giả nếu có thì anh cũng làm ra vẻ như không thấy. Quân vẫn chu đáo với chị, vẫn một lòng một dạ với chị, thậm chí còn nhẫn nhục trước chị. Ừ, như thế thì chị còn đòi hỏi gì hơn ở Quân nữa. Đòi Quân phải sống chân thật ư? Thì Quân vẫn chân thật đó thôi. Quân phải sống nhân ái hơn ư? Thì còn ai có thể nhân ái hơn Quân nữa. Cả cái thành phố này ai chẳng biết Quân là người có tấm lòng vàng. Mọi người đều nói như thế, hoặc giả vờ nói như thế - ít nhất là trước mặt chị và Quân, chị làm sao có thể phủ nhận được...
Không chỉ một lần con chị hỏi: Mẹ có yêu ba không? Ba là người tốt lắm phải không mẹ? Một câu hỏi nghiêm túc của con khiến chị hiểu rằng con đã lớn. Tự đáy sâu tâm khảm, chị thấy biết ơn mẹ vô cùng khi mẹ nuôi bé Hương. Còn tình yêu ư? Như thế nào thì được gọi là yêu? Chị với Quân chưa bao giờ cãi cọ nhau vì chị là người biết tự kiềm chế còn Quân thì chẳng bao giờ nặng lời với chị. Quân luôn nâng niu chị đến mức gần như là tôn thờ. Như thế có phải là yêu không, chị cũng không dám chắc. Nhưng chị biết ít khi có thể chia sẻ lòng mình với Quân. Chị luôn cảm thấy cô đơn. Sống bên Quân, chị luôn phải nghe, phải chứng kiến những gì mà chị không muốn nghe, không muốn chứng kiến. Nhiều lúc chị muốn gào lên rằng chị đau khổ lắm, rằng chị chẳng đòi hỏi gì nhiều ở Quân, chị chỉ muốn Quân sống chân thật, đừng giả dối, rằng chị muốn Quân hãy thật là Quân... Nhưng rồi chị lại hoang mang: thì Quân vẫn đúng thật là Quân đấy thôi. Cách sống của Quân là như thế. Bản chất của Quân là thế và xưa nay Quân vẫn sống đúng như Quân có. Mọi người xung quanh vẫn thừa nhận và có ai chê trách, phê phán gì Quân đâu. Thậm chí mọi người còn nức nở khen Quân không tiếc lời đấy thôi. Chỉ có chị hay cả nghĩ, mà toàn nghĩ vớ vẩn. Thời nay, những người có cách sống như Quân nhiều lắm, nhiều đến nỗi ai có cách sống hay suy nghĩ ngược lại là có thể dễ dàng bị thiên hạ cho là kẻ dở hơi. Thì như chị đấy, chị cũng đâu dám công khai nói ra những gì chị nghĩ. Lại chả không có khối kẻ nhao nhao bảo chị là khùng khùng điên điên. Còn đau khổ ư? Lý do gì mà chị phải đau khổ?... Một lần chị buột miệng bảo: có lẽ tụi con phải chia tay nhau. Ba chị bảo: Mày chê nó ở điểm gì? Nó không rượu chè trai gái. Nó có học thức, có địa vị. Nó yêu thương, chiều chuộng mày. Mày còn muốn gì nữa, hả? Phải, chị còn muốn gì nữa? Mẹ chị im lặng không nói gì. Đôi mắt bà nhìn chị, thấu hiểu, thương xót. Chị đọc được rất nhiều trong đôi mắt ấy. Chị nhớ hồi xưa chị cũng từng hỏi mẹ đúng câu hỏi mà con gái hỏi chị bây giờ. Chị cũng nhận ra rằng Quân rất giống ba chị, giống từ cách đi cách đứng đến cách nói năng, ứng xử, giống đến nỗi nhiều người lầm tưởng Quân là con trai ruột chứ không phải con rể, có khác chăng là ở dáng vẻ bên ngoài. Mẹ chị là người đầu tiên phát hiện ra sự giống nhau kỳ lạ giữa hai người. Liên nhớ rằng không bao giờ chị nghe mẹ ca cẩm hay phàn nàn gì về ba trước mặt chị. Mẹ sống kín đáo. Chỉ có đôi mắt mẹ luôn chứa chan nỗi buồn sâu kín mà hồi còn con gái chị không thể hiểu nổi. Chỉ duy nhất có lần chị hỏi mẹ có hạnh phúc không, mẹ bảo mẹ sống chỉ vì chị, còn hạnh phúc đó là thứ khó kiếm lắm... Ừ, mà hạnh phúc có thật là thứ khó kiếm không? Bạn bè ai cũng bảo chị hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc cụ thể là cái gì mới được chứ...
***
- Mẹ ơi, ba về rồi.
Tiếng con gái reo lanh lảnh khiến chị giật mình. Nhìn ra ngoài chị đã thấy xe của chồng đậu ngay trước cửa. Chồng chị bệ vệ bước xuống. Anh có vẻ mập hơn sau chuyến đi Pháp dài ngày. Hương nhào ra ôm cổ ba, gọi mẹ rối rít. Con bé đã mười bốn tuổi, cao gần bằng bố mà tính nết vẫn còn hệt như trẻ con. Tự nhiên, Liên cảm thấy thương con gái vô hạn. Con đã lớn là hơn lúc nào hết nó cần có một gia đình... Mình hạnh phúc. Chị tự nhủ như người đọc kinh. Phải, đúng là chị hạnh phúc. Chị sống vì tương lai của nó. Suốt cả buổi tốt, Liên cứ tự nhủ mình như thế. Quân có vẻ sung sướng và thoả mãn. Lâu lắm rồi anh mới lại nhìn thấy vợ vui vẻ và cởi mở như thế này. Quân nghĩ, lâu lâu vợ chồng xa nhau một thời gian cũng tốt. Cả gia đình tràn ngập trong bầu không khí thật đầm ấm. Mình hạnh phúc, còn mong gì hơn nữa nào, Liên cố cười thật tươi... Khuya, chỉ còn hai vợ chồng, Quân ôm chặt Liên vào lòng và thủ thỉ bên tai chị những lời yêu thương bằng cái giọng hơi the thé rất đặc trưng của anh. Hai vợ chồng cứ rủ rỉ nói chuyện mãi. Liên bảo: Anh này, ngày mai vợ chồng mình đến thăm chú Chín nhé, chú mong anh lắm. Quân im lặng không trả lời. Tưởng chồng chưa nghe rõ, chị nhắc lại. Quân ôm chị chặt hơn và bảo: Ừ, nhưng để từ từ em à, thằng Thủy bị tố cáo dính vào một vụ kinh tế, không khéo bị truy tố đây, mình đến lúc này không có lợi. Càng thế mình càng phải an ủi chú chứ anh. Mà anh Thuỷ là bạn anh, ở cùng tổng công ty với anh, anh biết chắc anh ấy bị oan cơ mà, anh phải có trách nhiệm với anh ấy chứ... Ừ, đành thế, nhưng mình thì làm được gì, mình dính vào lúc này, không khéo chết chìm em à, cứ từ từ để anh tính. Thôi ngủ đi, mai anh đưa mẹ con đi ăn đặc sản... Tự nhiên chị nghĩ đến món thịt chó. Chị thấy sởn gai ốc, lạnh hết cả người. Quân hốt hoảng hỏi: Em làm sao thế? Chị chạy ào vào buồng tắm và chốt cửa lại, nôn thốc nôn tháo. Nước mắt chị trào ra. Chị khóc tức tưởi, không sao nén được... Quân giật tung cánh cửa: Em sao thế, có chuyện gì thế? Thấy chị khóc, Quân ôm chặt chị, vỗ về: Cho anh xin lỗi. Em giận anh lắm phải không? Anh xin lỗi, ngày mai mình đến chú Chín... anh xin... Trong phút chốc, chị chỉ muốn gào lên rằng Anh buông tôi ra... nhưng rồi chị sững người khi thấy con gái xuất hiện ở cửa, run rẩy: Mẹ ơi, mẹ làm sao thế? Câu nói chực thốt ra nghẹn cứng nơi cuống họng. Cố nén cơn nức nở, chị vội vàng trấn an con: Mẹ không sao đâu con, mẹ bị cảm gió. Đi ngủ đi con. Mà con đừng nói gì với bà ngoại nghe con... rồi quay sang chồng không hiểu sao chị lại bảo: Trời oi quá anh ạ, chắc sắp có giông. Quân bảo: Ừ đúng rồi, sắp có giông, nhưng không sao đâu... Phải, không sao đâu, chắc chắn là không sao đâu, chị tự nhủ. Chẳng có chuyện gì cả. Chẳng có chuyện gì hết. Mình chỉ hay nghĩ vớ vẩn thôi. Phải rồi, chỉ toàn chuyện vớ vẩn... Chị lau nước mắt và nhìn mình trong gương. Chị giật mình nhận ra ánh mắt của mình giống hệt mẹ. Chị lại nghĩ đến con gái, nhiều năm trước, mẹ chị cũng đã từng nghĩ đến chị như bây giờ chị đang nghĩ đến con. Và chị hiểu rằng chị sẽ chẳng còn có cách lựa chọn nào khác.