Tam ngưu tương mệnh
Vũ Ngọc Tiến
Sửu với bao thuốc lá “Ba số” lấy một điếu châm lửa hút. Anh ngả người ra thành ghế, ngửa mặt lên trần nhà, khoan khoái nhả những mành tơ khói thuốc màu xanh. Khu làm việc của Uỷ ban huyện đã cải tạo xong, oai nghi đường bệ giữa thị trấn. Lâu nay các vị tiền nhiệm quen tác phong du kích, nơi làm việc của Uỷ ban huyện mà lem nhem, úi xùi còn ra thể thống gì nữa. Mang danh là “quan chi phụ mẫu” thì dân hoặc cấp dưới đến nơi làm việc của mình phải thấy uy nghi, bước đi rón rén, nhìn vào đâu cũng thấy oai, thấy sợ. Cái quan trọng là người lãnh đạo phải biết khéo léo thu xếp, xoay sở cho ra nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung từ cấp trung ương, qua tỉnh, xuống huyện. Vỏ nhà đã xây xong, phần trang trí nội thất cứ gợi ý rồi khoán trắng cho mỗi doanh nghiệp đóng ở địa bàn góp một thứ sẽ đỡ tốn kém lại rất sang trọng. Có làm mới vỡ nhẽ, doanh nghiệp nào được huyện gợi ý đóng góp đều cảm thấy hãnh diện và đương nhiên mọi thứ đều phải thật “xịn”, sao cho đẹp lòng các ông Chánh, Phó Chủ tịch. Uy tín của Sửu với tỉnh và các ban ngành trong huyện qua việc này sẽ lên như diều. Cái quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm là từ đây mà ra chứ còn đâu nữa!...
- Có tiếng gõ cửa. Sửu sửa lại tư thế ngồi và nói sẵng:
- Cứ vào!
- Thưa anh! Em đến báo cáo về chiếc ô tô – Chánh văn phòng Khiêm xoa hai tay nói.
- Cậu ngồi xuống đi. Công việc đến đâu rồi?
- Dạ thưa anh! Xe Nhật, hiệu TOYOTA COROLLA đời mới nhất.
- Giá cả thế nào?
- Dạ, sáu trăm ba tư triệu. Mọi thủ tục thanh toán, sang tên trước bạ và treo biển có bên bán giúp đỡ nên rất nhanh gọn, chỉ trong một ngày đã đâu vào đấy.
- Nhiều tiền thế, cậu xoay ở đâu ra?
- Dạ thưa anh, vẫn miếng võ cũ. Em cũng không ngờ mọi việc xuôn xẻ, nhanh gọn đến như vậy.
- Cậu nói rõ hơn xem nào.
Khiêm nhấp ngụm chè, rít xong hơi thuốc, tủm tỉm nhìn Sửu cười và nói tiếp:
- Chiếc xe Uwat của anh, em gợi ý cho Giám đốc lâm trường mua lại với giá bẩy mươi triệu. Sòng phẳng ra nó chỉ đáng hai mươi triệu nhưng để hợp thức hoá sự đóng góp của lâm trường cho huyện nhà là năm mươi triệu. Đối với các doanh nghiệp trung ương và địa phương thuộc khối quốc doanh đóng trên địa bàn, em gợi ý mỗi nơi góp từ ba mươi đến năm mươi triệu, nhưng phải hợp thức hoá các khoản chi: đại hội thể thao, hội diễn văn nghệ, hội thi tay nghề giỏi hoặc chi phí đón tiếp khách nước ngoài đến tham quan, đàm phán hợp tác đầu tư...
- Thế còn khối ngoài quốc doanh? - Sửu ngắt lời hỏi.
- Dạ, báo cáo anh, với khối ngoài quốc doanh thì quá đơn giản. Tiền mua xe của huyện xem như bằng giá năm trăm con trâu, mỗi doanh nghiệp có phải góp một hai con thì ăn nhằm gì. Tuy vậy em phải nắm khả năng từng đứa. Bọn cai bưởng đào vàng, khai thác gỗ ăn dày thì nộp nhiều mà mặt cứ tươi hơn hớn. Đám buôn bán, sản xuất nhỏ, em chỉ chọn một số có máu mặt và họ đều dơ tay tình nguyện nộp kẻ ba triệu, người năm triệu cứ là vui như tết.
- Vậy hoá đơn chứng từ mua xe mới cậu làm cách nào hợp thức hoá? Lưu ý trên chỉ duyệt cho ta mua xe có một trăm hai mươi triệu.
- Dạ, báo cáo anh chuyện này dễ ợt. Chủ xe là tư nhân nên giá trị ghi trong hợp đồng thế nào chẳng được, miễn sao họ thu về đủ tiền “năm trăm con trâu”, thưa anh!
- Tốt lắm! Cậu báo với anh chị em khối văn phòng huyện, chiều nay ta liên hoan “rửa xe”, nhớ mời cho được anh Dần Bí thư.
- Dạ, thưa anh nhất định chiều nay phải có mặt anh Dần mới vui vẻ chứ ạ! Em có đề nghị nhỏ là “năm trăm con trâu” mua xe sẽ được rửa bằng năm trăm lon bia Tiger…
Khiêm đi rồi, còn lại mình Sửu trong phòng. Anh mở tập công văn, giấy tờ xem qua và ghi ý kiến chuyển sang các phòng chức năng của huyện. Lòng Sửu xốn xang niềm vui. Từ nay mỗi lần lên họp trên tỉnh hay xuống Hà Nội, anh có thể hãnh diện với bạn bè về chiếc xe TOYOTA COROLLA đời mới nhất của Nhật. Nghĩ lại những lần trước nhìn xe của họ mà ngán ngẩm cho chiếc xe Uwat của mình. Nó thô thiển quê mùa và suốt dọc đường anh phải chịu tra tấn bằng những tiếng lạch cạch, lọc cọc đến đinh tai, nhức óc. Sửu thầm khen Khiêm có tài, lanh lẹn và biến hoá, uyển chuyển bắt kịp xu thế đổi mới toàn diện. Cơ chế thị trường đòi hỏi phải sử dụng các cán bộ năng động. Sửu cảm thấy Dần quá ư thận trọng, khi anh nhắc phải cảnh giác với loại cán bộ dưới quyền như Khiêm. Sửu có quan điểm khác với Dần. Cái tài của người lãnh đạo không phải là hùng hục xông vào từng công việc cụ thể mà phải biết lựa chọn người giúp việc, giao cho họ đảm nhận những công tác đúng với năng lực, sở trường. Thế hệ của Dần đã lỗi thời. Nếp nghĩ, cách làm bảo thủ như vậy thì bao giờ huyện này mới khấm khá lên được.
Cái anh chàng Khiêm này vừa thạo việc mà cũng thật hóm. Chiếc xe mua mất già nửa tỷ bạc, ai nghe cũng vãi linh hồn. Hắn đưa ra khái niệm giá mới là năm trăm con trâu nghe bỗng thấy mềm oặt và rất nôm na, dân dã. Sửu nghĩ vậy và chợt nhớ đến hai người bạn thân là Bê và A Mộc. Bê quê Thái Bình, còn A Mộc người huyện bên cạnh, thuộc dân tộc Tày trên núi Mẫu Sơn, nhiều đào và những đàn trâu trắng. Ba đứa cùng tuổi Kỷ Sửu, cùng nhập ngũ một ngày và chiến đấu trong cùng đại đội dặc công của sư đoàn. Trận đánh thị xã Phước Long cuối năm bảy tư, Sửu bị thương nặng vào bụng tưởng chết. Bê và A Mộc đã thay nhau cõng Sửu về tuyến sau, kịp thời cấp cứu. Ngày xuất ngũ ba đứa ngồi trong quán bê thui ở cầu Khánh Hội – Sài Gòn nhậu lai rai, thề đến chót đời vẫn đi lại, động viên giúp đỡ nhau làm việc, nuôi dạy con cái trong thời bình. Mấy năm trước, Sửu đang làm cán bộ Trưởng ban Tài chính của huyện, bất ngờ Bê lên thăm. Luyên thuyên mọi chuyện trên giời dưới bể một hồi, Bê bảo:
- Quê tao bây giờ khôi phục lại truyền thống lễ hội. Hàng năm ở quê có lệ chọi trâu. Tao lên thăm mày với thằng A Mộc, nhờ nó tìm mua giúp con trâu đực thật khoẻ.
- Mày làm Chủ tịch xã chỉ cần đứng ra tổ chức, việc gì phải lặn lội lên tận đây mua trâu - Sửu hỏi.
- Đất lề quê thói, bố trẻ ơi! Tục ở quê tao, đến hội chọi trâu mỗi làng chọn ra con trâu khoẻ nhất để dự thi. Trâu làng nào bị thua quanh năm phải cắt cử người đến rửa đền, quét sân đình cho làng có trâu thắng trận. Việc tưởng nhỏ mà thấy nhục và ấm ức quanh năm, mày ạ!
- Đành rằng thế, nhưng mày có thể cử người đi mua và chăm sóc trâu. Làm anh lãnh đạo việc gì cũng ôm vào, vừa nhọc xác lại không có kết quả đâu.
- Ở làng tao nuôi trâu chọi cũng phải chọn người “lão nông chi điền”, gia đình phải siêng năng , thuận hoà. Ai được các cụ bô lão trong làng lựa chọn cắt cử việc này là một vinh dự. Năm nay ông cụ thân sinh ra tao được đắc cử. Nuôi trâu đòi hỏi rất công phu, tỷ mỉ. Hội chọi trâu đến cuối tháng mười âm lịch mới khai cuộc, nhưng từ tháng giêng, làng đã bắt đầu rục rịch phân công chuẩn bị. Giống vật cũng như con người, phải âu yếm, vỗ về chăm sóc nó, truyền cho nó cái dũng khí và âm đức của mình. Ngày xưa cụ cố nội tao nuôi trâu chọi, luyện cho nó ăn, nghỉ, tập luyện, tắm rửa đều đúng giờ. Chiều chiều, cụ dắt nó lên đê gặm cỏ, hóng gió hoặc cùng nó phi nước kiệu dọc bờ đê ngắm nhìn dáng sông, thế đất của làng quê. Những đêm sát ngày thi đấu, cụ kê chõng ra gần chuồng, ngồi hút thuốc lào, tâm sự với nó như với người bạn... Năm nay theo bốc thăm, trâu làng tao sẽ đấu với trâu làng Hạ. Xưa nay dân làng Hạ ỷ thế giàu có, con cháu nhiều người thoát ly làm việc ở trung ương nên vẫn coi thường dân làng tao. Nhưng ông cụ nhà tao quả quyết trận đấu năm nay trâu làng tao sẽ thắng. Ông bảo, giống vật, nhất là con trâu có đời sống tâm linh riêng. Chủ càng nghèo nó càng yêu quý, trung thành và quyết không làm nhục chủ, đặc biệt là những con trâu có nhiều xoáy lông ở hông và trán...
Lần ấy Sửu cùng Bê lên Mẫu Sơn thăm A Mộc. Họ uống rượu, tâm sự cùng nhau thâu đêm suốt sáng . Nhà A Mộc có đàn trâu trắng hơn ba chục con thảy đều to khoẻ, lực lưỡng. Con trâu đầu đàn được A Mộc rất quý, thương nó như con. Những ngày đi ăn trong rừng, nó chỉ huy đàn trâu chống lại thú dữ. Khi nhà có việc nó kéo gỗ, thồ hàng hay cày ruộng khoẻ gấp hai, ba lần các con trâu khác. A Mộc dẫn nó về nhà ra mắt chủ mới, làm Bê sướng rơn. Da nó đỏ hồng bóng nhẫy. Lông dài và thưa, sờ tay vào sợi lông cứng như dây thép. Mông nở, ức dày, bốn chân to và chắc lẳn như chân voi. Cặp sừng cong dài, đen nhánh như bôi mỡ lẫn bồ hóng. Đặc biệt cặp mắt biết nói của nó sáng một cách kỳ lạ như có thần khi bên trong. A Mộc nhất quyết biếu bạn không chịu nhận tiền. Khi Bê cầm dây định dắt con trâu đi, nó cứ dậm chân, lắc đầu, nước mũi, nước mắt cứ chảy ròng, không chịu bước. A Mộc phải dỗ dành, khuyên nhủ hồi lâu con vật mới chịu nghiêng đầu cọ má vào tay chủ từ biệt, theo Bê về xuôi…
Sửu muốn đi thăm gia đình A Mộc. Anh thấy nhớ bạn, hơn nữa cũng muốn đi thử xe và khoe chiếc xe TOYOTA COROLLA đời mới với thằng bạn một thời chinh chiến gian khổ, đói quay đói quắt. Chiếc xe là niềm kiêu hãnh để anh chứng minh với bạn rằng, người miền núi đang đổi mới, tiến kịp miền xuôi.
Xe đưa Sửu rời thị trấn huyện lên thị xã rồi thẳng con đường trải nhựa chạy về phía núi Mẫu Sơn. Anh thả hồn đê mê trong khúc nhạc du dương vọng từ máy ra-đi-ô caset. Tiếng máy điều hoà chạy xè xè, êm ru, mát rượi. Chiếc xe có bộ giảm sóc tự động khiến Sửu có cảm giác mình đang nằm bồng bềnh trên giường đệm của một khách sạn sang trọng. Nếu đi xe này về Hà Nội, thậm trí vào Đà Nẵng, hay Sài Gòn, Sửu chỉ cần ấn nút là hàng ghế phía sau tự động ngả ra thành chiếc giường nằm thoải mái, tha hồ đọc sách hay nhấm nháp lon bia, vừa nằm vừa ngẫm sự đời. Nhưng bắt đầu từ lúc rẽ vào con đường khai thác gỗ của lâm trường ở chân núi Mẫu Sơn, chiếc xe hiện đại của anh trở nên không thích hợp. Mỗi lần qua ngầm, vượt dốc nó leo ì ạch, thậm chí nhiều lần chú lái xe còn phải nhờ đến xe tải của lâm trường kéo giúp. Cuối cùng, Sửu cũng đến được bản Pò Linh của A Mộc. Hai người bạn lính lâu ngày gặp lại, ôm nhau thân thiết. A Mộc đầu quấn khăn, quần xắn quá gối, mồ hôi chua loét cứ thản nhiên khoác tay ông Chủ tịch huyện về nhà, giọng nói choang choang như hô khẩu lệnh quân sự. Người ở vùng cao thịt vịt quý hơn thịt gà nên chị vợ A Mộc vội vàng chạy ra suối, lừa bắt con vịt béo nhất đàn về làm thịt. Bạn lính gặp nhau ngồi uống rượu, kể toàn chuyện chiến trường và những thằng bạn cùng quân ngũ. Chợt A Mộc ngửa cổ tợp hết chén rượu hỏi bạn:
- Thằng Bê ốm nặng mày biết chưa?
- Không thấy ai đưa tin cho tao. Nó thế nào, nặng không?
- Nó hạn nặng!... Nhưng theo tao, nó tâm bệnh là chính. Ốm vì cái tâm thì trầm uất khó chữa lắm
- Mày là chúa hay vòng vo tam quốc, chuyện thằng Bê thế nào? Nói đi!
- Nó bị mất chức Chủ tịch xã. Cái đó với tụi lính chúng mình là nhỏ thôi. Không làm quan thì làm dân, cần chó gì!
- Vậy nó ốm vì cái gì? - Sửu lo lắng hỏi.
- Vì tội bán đất công vô tội vạ, sắp ra tòa đến nơi rồi. Tao đã nhờ bạn bè cựu chiến binh trong ngành kiểm sát ở tỉnh Thái Bình điều tra, tìm hiểu kỹ thì hoá ra nó bị con mẹ Thư ký Uỷ ban xã lừa vào tròng. Nhờ thế, tội đáng phải truy tố, nhưng xét công lao thời chống Mỹ và tình tiết vụ việc nên nó chỉ phải bán nhà, bán trâu bồi thường và chịu kỷ luật nội bộ. Mày nhớ con trâu trắng đầu đàn tao biếu nó chứ? Sau trận thắng oanh liệt, húc lòi ruột con trâu đen của làng Hạ, ông bố nó quý con trâu như cục vàng. Hôm nọ tao nhận thư vợ thằng Bê nói, đã bán cho dân làng Hạ để kéo mía làm đường rồi. Tao định mang tiền xuống chuộc lại con trâu cho ông cụ đỡ buồn. Mày làm quan, xa dân chưa hiểu hết nỗi lòng người nông dân dưới xuôi yêu quý con trâu đến mức nào đâu...
- Đại để tình tiết vụ việc sảy ra thế nào?
- Bắt đầu là do nó thiếu cảnh giác. Cái tuổi Kỷ Sửu chúng mình, đứa nào cũng lành như đất, thật thà và cả tin. Thằng nào vô phúc léng phéng với đàn bà tuổi Ất Mùi, lại đẹp và huyền biến, gian manh là hạn nặng, tong đời như bỡn. Năm ngoái, nhà nó bị cơn bão kéo sập phải dựng lại. Con mẹ Thư ký Uỷ ban xã tuổi Ất Mùi xăng xái đi vận động mấy ông chủ xay sát và xưởng gỗ, mỗi người đóng góp ít tiền cho Chủ tịch xã khắc phục cơn bão. Họ làm kín đáo, chỉ góp bằng gạch, xi măng, sắt thép, gạo thịt. Tất nhiên là mọi thứ đều dư thừa, có thể bán bớt, lấy tiền trả công thợ và làm việc khác nên thằng Bê mắc lỡm, cảm động rưng rưng, luôn miệng cám ơn bà con. Ai ngờ con mẹ Mùi đã sớm thì thụt đi đêm với họ, thỏa thuận giá bán mấy miếng đất ven con đường tỉnh lộ sắp mở qua xã. Tiền chênh lệch hàng trăm triệu nó hưởng. Thi thoảng nó thí cho ông Chủ tịch xấu giai, tuổi trâu ngờ nghệch vài cái liếc tình hay bóp ngực nhì nhằng là cùng, thế thôi. Tao đoán vậy… Hồi còn ở lính, tụi mình lạ gì tính cách thằng Bê, nhát gái đến mức chị em người dân tộc ở địa bàn đóng quân thì thầm với nhau, bảo nó không có “chim’ cơ mà. Về chuyện tiền nong, kết quả điều tra xác minh rõ,con mẹ Thư ký Mùi ăn ốc, còn thằng Bê đổ vỏ. Vạ chữ ký, thằng Bê hạn nặng vì mắc vạ chữ ký! Chỉ những thằng làm quan lớn, quan bé như chúng mày mới có thứ vạ ấy chứ tao thì nhõn một thứ vạ mồm thôi…
Sửu nghe A Mộc kể chuyện Bê chợt cảm thấy gai gai trong lòng. Hình như Khiêm cũng tuổi Ất Mùi. Anh nhớ lời nhắc nhở của Dần, hình dung lại thái độ xum xoe khúm núm và đôi mắt giảo hoạt của Khiêm. Ruột gan Sửu rối bời. Anh linh cảm thấy có điều gì không ổn trong việc mua chiếc xe ô tô Nhật đời mới. Biết A Mộc giỏi tử vi, tướng số, anh lựa lời bộc lộ dần với bạn về mấy việc vừa xảy ra ở Ủy ban huyện. A Mộc nghe xong, ngửa cổ tợp liền ba chén rượi. Hồi lâu, hắn nhìn sâu vào mắt Sửu, cất giọng trầm buồn nói:
- Sửu! Mày có tin thằng bạn cõng mày thoát chết ở trận Phước Long không?
- Sao mày lại hỏi tao câu ấy?
- Năm nay là năm hạn của tụi mình. Người dân tộc chúng tao kém văn minh, tin vào tướng số. Riêng tao tin vào sự linh cảm bắt nguồn từ tình bạn thời lửa đạn, hy vọng mày mới chỉ háo danh, hãnh tiến chứ chưa đến mức mọt dân, hại nước. Nó mách bảo tao chuyện mày xây dựng trụ sở Ủy ban, mua ô tô đời mới có gì không ổn, giống hệt chuyện thằng Bê, gặp hạn là cái chắc. Mày là Chủ tịch một huyện miền núi, thường xuyên phải đi các xã nên ngồi xe Uwat có lẽ tiện hơn ngồi xe Nhật đời mới, gầm xe thấp tè, làm sao qua ngầm, vượt dốc. Tao sống ở vùng sơn cước, ít tiếp xúc với văn minh thị thành, nhưng tao hiểu giá một chiếc xe mày đang ngồi cỡ bằng cả đàn trâu trong cái bản Pò Linh. Ngồi trên con trâu trắng đầu đàn của tao, bố con thằng Bê thấy kiêu hãnh, thanh thản trong lòng. Mày ngồi lên chiếc xe là ngồi lên hàng trăm con trâu, mỗi con chạy một hướng, liệu mày có yên ổn? Tao chưa xem mặt đoán tướng hay lấy số tử vi cho cái thằng Khiêm, Chánh văn phòng láu cá của mày. Song tao nghĩ, nó đã biết đẽo tiền dân để lấy lòng sếp thì đẽo thêm vào túi riêng của nó chắc không ít đâu. Ăn quen bén mùi, qua mấy vụ này sẽ có lúc nó mượn tên mày mà đẽo tiếp tiền dân dài dài nữa cơ. Cứ đà này, nó còn đẽo dần từng cái chân ghế Chủ tịch huyện mày đang ngồi cho mà xem. Đời là thế, mày tin tao hay không thì tùy…Bạn bè thời lửa máu đáng quý ở chỗ nói thật, Sửu ơi!...
Sửu nghe bạn nói, đầu có cứ ong ong, sôi lên ùng ục. Từ ngày lên chức Chủ tịch huyện chưa có ai dám nói với anh những lời bỗ bã, chân tình như vậy. Anh thầm cảm ơn A Mộc, cảm ơn tình bạn đồng niên, đồng ngũ. Sửu sực nhớ trong túi anh còn nguyên chiếc phong bì do Khiêm kín đáo nhét vào túi anh, sau bữa tiệc “rửa xe”. Luật chơi của kinh tế thị trường thời mở cửa đã thành nếp. Chiếc phong bì có lẽ chứa đủ số tiền năm phần trăm giá xe vừa mua. Nó có giá trị bằng mười con trâu của A Mộc, của Bê cũng nên. Anh móc túi lấy ra phong bì đưa cho A Mộc và nói:
- Tao bận việc, thế nào cũng sẽ xuống thăm thằng Bê. Mày xuống trước, cho tao gửi ít tiền đỡ nó chuộc lại con trâu cho ông cụ.
- Không. Tiền của các quan, lại được gói kín vào phong bì, chưa rõ lai lịch tao không cầm. Tao vừa sai thằng cu nhớn đem xuống chợ tỉnh bán mười con trâu đẹp nhất đàn. Tam ngưu tương mệnh, nhưng năm nay hạn của tao bé hơn chúng mày, chỉ phải bán trâu cứu bạn thôi. Mai tao sẽ đi Thái Bình. Mày nên sắp xếp công việc đi thăm thằng Bê một chuyến. Trên đời này có nhiều mối quan hệ giằng rịt con người, nhưng tình bạn kết bằng xương máu thời lửa đạn như chúng mình hiếm lắm. Dù đời có thế nào cũng đừng để mất nó!
Rời bản Pò Linh, Sửu thấy lòng buồn rượi. Mỗi lời A Mộc nói như vết dao cứa vào tim anh. Sửu bật nút cho băng ghế phía sau ngả thành chiếc giường để anh bồng bềnh trên đó hút thuốc và suy ngẫm. Mai anh sẽ mượn chiếc xe Uwat của Bí thư Dần về Thái Bình thăm Bê…
Hà Nội 1991 (Tân Mùi)