Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Hàm oan

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 527 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hàm oan
Arthur Conan Doyle

Khi bị bắt tôi đã kể toàn bộ sự việc, nhưng chẳng ai muốn nghe tôi nói cả. Rồi một lần nữa, tôi lập lại nguyên xi chuyện đó ở phiên tòa: kể tả cả những sự việc đã xảy ra, không thêm bớt bất cứ chữ nào. Tôi đã trình bày hết sự thật, tôi xin thề là đúng như vậy! Tất cả những gì mà phu nhân Mannering đã nói, mọi chuyện mà tôi đã nói và làm, tôi kể giống từng một dấu phẩy, tôi được lợi gì trong chuyện nầy kia chứ? “Phạm nhân đã sa đà trong lời khai lan man và không đúng sự thật, không thể tin các chi tiết của nó, và không dựa trên cơ sở nào của những bằng chứng cụ thể”. Đấy là tin đã đăng tải trên một nhật báo ở London. Còn những nhật báo khác thì lại cho rằng tôi không tự bào chữa. Tuy chính mắt tôi nhìn thấy ngài Mannering bị ám sát, nhưng tôi cũng vô tội trong vụ án nầy như bất kỳ một thành viên nào trong bồi thẩm đoàn đã kết án tôi.

Thưa ngài, ngài là người nhận đơn xin ân xá của các phạm nhân. Mọi việc tùy thuộc ở ngài. Tôi chỉ cầu xin ngài một điều: đọc lá đơn của tôi, rồi tiến hành một cuộc điều tra nhỏ về cá tính của vị “phu nhân” Mannering ấy, để coi bà ta có giữ được danh hiệu mà bà đã nhận từ ba năm trước không, khi tôi gặp bà ấy để rồi lâm vào cảnh tù tội, tan nát cuộc đời.

Ngài có thể giao việc điều tra nầy cho một thám tử tư hay một người của tòa án, ngài sẽ nhanh chóng biết tường tận sự việc để hiểu rằng chuyện tôi kể là hoàn toàn sự thật. Xin ngài hãy lưu tâm đến vinh quang mà ngài sẽ gặt hái nếu toàn thể các nhật báo đều đưa tin rằng vụ tuyên án sai lầm không thể tha thứ được và chắc chắn nó sẽ xảy ra nếu không có lòng kiên trì và sự tinh tế của ngài. Đấy sẽ là phần thưởng của ngài, vì tôi nghèo túng nên không biết phải tặng ngài cái gì. Nhưng nếu phớt lờ vụ án thì ngài có thể sẽ không hưởng được một giấc ngủ ngon nào! Sẽ không có đêm nào trôi qua mà ngài chẳng bị ám ảnh về một kẻ đang chết dần, chết mòn trong trại giam vì ngài đã không làm tròn nhiệm vụ! Song thưa ngài, ngài sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ đó, tôi tin chắc như vậy. Ngài chỉ cần làm một vài cuộc điều tra nhỏ, và ngài nhớ rằng kẻ duy nhất hưởng lợi trong vụ án nầy là bà Mannering, vì vụ án sẽ biến người đàn bà khốn khổ ấy thành một góa phụ giàu sang. Tôi đã báo cho ngài một đầu mối và chỉ cần truy tìm, ngài sẽ thấy nó đưa ngài tới đâu.

Thưa ngài, xin ngài lưu ý là tôi không nhắc gì đến những việc liên quan tới vụ trộm. Tôi không kêu oan gì về những điều mà tôi đang phải chịu, hiện nay tôi chưa nhận hình phạt nào nặng hơn là hình phạt mà tôi đang phải chịu. Quả thật có một vụ trộm và ba năm tù của tôi là để đền tội đó.

Trong phiên tòa, người ta tuyên án rằng tôi đã dính líu tới vụ Merion Cross để phạt tôi ngồi tù một năm và vì thế lời khai của tôi không được người ta quan tâm tới!

Một kẻ phạm pháp thì lúc nào cũng bị tình nghi!. Tôi thừa nhận đã ăn trộm. Nhưng khi họ kết án tội tù chung thân về vụ án mạng (và ngoại trừ ngài James, bất cứ một vị quan tòa nào cũng có thể buộc tôi gánh chịu án tử hình) thì tôi khẳng định rằng tôi vô tội, không hề dính líu đến vụ án nầy.

Tôi xin kể lại với ngài về chuyện đêm 13 tháng 12 năm 1894, kể một cách chính xác về những gì đã xảy ra. Nếu tôi nói sai sự thật, dù chỉ một chút thôi thì Thượng đế hãy giết tôi đi!

Vào khoảng giữa mùa hè, tôi lặn lội tới Bristol tìm việc làm, nhưng tôi chợt nghĩ rằng tôi có thể mưu sinh được ở Portsmouth, vì tôi là một thợ máy giỏi, do đó, tôi đến miền nam nước Anh, vừa đi tôi vừa nhận các việc làm trên đường mỗi khi có thể.

Tôi cố thoát khỏi phiền muộn sau một năm đền tội trong nhà tù ở Esseter, điều đó quá đủ với tôi rồi. Nhưng thật khó trong lúc di kiếm việc làm khi tên mình đã bị đóng dấu chữ thập đen, suýt nữa thì tôi toi mạng vì đói rồi.

Cuối cùng, sau mười ngày chặt củi và đập đá vụn để kiếm một số tiền còm cõi thì tôi đã tới gần Salisbury. Tôi chỉ còn hai đồng bạc trong túi và một lòng kiên nhẫn cũng rách nát như đôi giày của tôi.

Đến khoảng giữa Blanford và Salisbury, tôi thấy một quán rượu để bảng hiệu “Thiện Chí”. Đêm ấy, tôi thuê một cái giường ở quán rượu nầy và ngồi một mình trong quán ít lâu trước giờ đóng cửa.

Người chủ quán tên là Allen, ông ta bước tới ngồi cạnh tôi và bắt đầu huyên thuyên đủ loại chuyện tầm phào với tôi. Ông ấy là người thích nói và thích có người chịu nghe ông ấy nói, tôi là kẻ tha phương thất nghiệp, nên có thời gian ngồi lại để hút thuốc và nhâm nhi một bình rượu bia mà ông ta cho tôi. Tôi không chú ý những gì ông ấy nói, cho tới khi ông ta bắt đầu ba hoa, như bị quỷ nhập, về những người giàu sụ ở lâu đài Mannering.

Tôi hỏi:

- Có phải cái nhà lớn ở bên phải trước khi tới ngôi làng không? Cái nhà nằm giữa vườn hoa ấy?

- Đúng vậy.

Tôi xin kể lại toàn bộ buổi nói chuyện của chúng tôi để ngài thấy rằng tôi nói đúng sự thật và tôi không giấu ngài chi cả.

Lâu đài trắng dài có những cây cột ấy nằm cạnh con đường Blanford. Đúng vậy, trước đây khi đi qua, tôi đã chú ý tới lâu đài nầy và nghĩ một cách ngu ngốc rằng nơi đó rất dễ ăn trộm vì có một dãy dài các cửa sổ lớn và những cửa lớn lồng kính.

Tôi đã xua đuổi ý nghĩ ấy nhưng lúc nầy lão chủ quán lại nhắc tới lâu đài và những chuyện về con người giàu sang sống tại lâu đài Mannering. Tôi im lặng lắng nghe, làm như một việc rất quan trọng nên ông ta càng được kích thích tiếp tục câu chuyện.

- Từ lúc trẻ, lão ấy đã tỏ ra bần tiện rồi! Đấy, anh nghĩ xem, tuổi tác đã chồng chất mà lão vẫn không thay đổi gì. Tuy vậy, do có lắm tiền, lão đã làm những việc không tệ lắm.

- Ông ấy làm việc gì chứ, có tiền mà ông ấy không dám xài kia mà? Tôi hỏi.

- Hừm, lão đã tậu được người đàn bà đẹp nhất nước Anh! Điều nầy không tệ! nàng ta nghĩ rằng đã sa hũ nếp, tha hồ mà tiêu xài, song bây giờ thì người đẹp vỡ mộng rồi!

- Nàng tiên ấy là ai?

Tôi đặt những câu hỏi, cốt để có chuyện nói mà thôi.

Một cô gái đầu đường xó chợ trước khi được lão quý tộc cưới làm vợ. Nàng đến từ London. Vài người khẳng định rằng nàng là diễn viên, song chẳng ai chứng minh được điều nầy.

Lão quý tộc vắng nhà suốt một năm. Khi trở về, lão dẫn theo một người đàn bà trẻ và từ đó, người đẹp không rời khỏi lâu đài nữa.

Stephens, người đầu bếp, đã có lần cho tôi biết rằng khi về đấy, nàng là ánh sáng trong lâu đài, nhưng với tính bần tiện và kiêu căng của lão chồng, với sự cô độc phủ trùm vì lão không thích tiếp khách và với lời nói khinh bạc của lão đã khiến cuộc sống dường như đã xa lánh người đẹp, nàng trở nên xanh xao, trầm lặng, suốt ngày bước vơ vẩn trên những con đường làng với tâm trạng nặng nề.

Nhiều người đồn rằng nàng yêu một người đàn ông khác và nàng đã mất người yêu mà chẳng được giàu sang: không tính tiền bạc của chồng, nàng là người đàn bà nghèo nhất trong giáo xứ.

Thưa ngài, chắc ngài hiểu rõ rằng xích mích giữa nhà quý tộc và người vợ chẳng dính líu gì đến tôi cả, việc cô ấy căm ghét tiếng nói của chồng hoặc ông ấy làm cô ấy tức giận vì những lời mai mỉa, chế giễu không làm tôi bận tâm.

Ông chủ quán đã kể cho tôi nghe nhiều về những chuyện ấy rồi, nhưng tôi không nhớ gì đến những việc không liên can đó. Ngược lại, điều mà tôi muốn biết là nhà quý tộc Mannering có những tài sản gì? Các loại chứng khoán, cổ phần chỉ là giấy tờ và nó là nguồn gốc của tai họa nhiều hơn là nguồn lợi của kẻ nào chiếm đoạt chúng. Trái lại, vàng bạc, đá quý và những đồ nữ trang mới xứng đáng với sự mạo hiểm.

Dường như lão chủ quán đoán được ý nghĩ của tôi nên lão kể về bộ sưu tập đồ sộ các huy chương bằng vàng của nhà quý tộc Mannering. Lão bảo rằng không có bộ sưu tập nào như thế trên hành tinh nầy. Người ta đã tính rằng, nếu chất tất cả vào một cái bao thì người mạnh khỏe nhất trong giáo xứ cũng không vác nổi nó. Tới lúc đó thì bà vợ lão chủ quán gọi lão đi ngủ, chúng tôi tạm biệt nhau.

Thưa ngài, tôi không muốn tự biện hộ, nhưng xin ngài suy xét kỹ sự việc. Theo ngài, có ai bị cám dỗ một cách mãnh liệt hơn tôi không. Tôi nghĩ rằng rất ít người có thể thoát khỏi cám dỗ nầy.

Đêm ấy, tôi nằm dài trên giường với một đồng bạc cuối cùng trong túi, không hy vọng và cũng chẳng có việc chi mà làm. Tôi đã cố gắng làm người lương thiện, song những người lương thiện đã ngoảnh mặt từ bỏ tôi, họ mắng tôi là kẻ cắp và đồng thời lại đẩy tôi trở về con đường phạm pháp. Tôi đã nhúng chân xuống bùn, không thể tránh dơ được nữa. Thế rồi cơ hội tới!

Một tòa lâu đài với những cửa sổ của nó, còn những tấm huy chương bằng vàng thì dễ nấu chảy ra. Giống như người ta đặt miếng bánh trước mặt kẻ đang đói và nghĩ rằng hắn sẽ không chộp nhai lập tức miếng bánh đó.

Tôi đã cố trút bỏ ý tưởng nầy một lát song vô hiệu. Tôi ngồi bật dậy với lời thề rằng, ngay tối nay, hoặc là tôi giàu to và có cơ sở để vĩnh biệt tội ác, hoặc là những cái còng thêm lần nữa siết chặt cổ tay tôi.

Tôi mặc quần áo rồi đặt đồng bạc cuối cùng lên bàn (vì lão chủ quán đã đối xử tốt với tôi nên tôi không muốn lường gạt lão). Tôi trèo cửa sổ ra ngoài vườn của quán rượu.

Một vòng tường cao bao quanh khu vườn. Khó khăn lắm, tôi mới leo lên tường được, nhưng qua tới bên kia tường thì mọi việc trở nên dễ dàng. Tôi không gặp ai trên đường cả, tấm lưới sắt của cửa ra vào vẫn mở. Không có gì lạ ở nhà của người gác cổng.

Trăng sáng xuyên qua cây cối giúp tôi nhận rõ lâu đài màu trắng. Tôi rón rén bước khoảng bốn trăm mét, rồi tới trước cửa cạnh lối đi. Ẩn mình trong bóng tối, tôi quan sát tòa lâu đài với những cửa sổ lung linh dưới ánh trăng. Tôi tự hỏi nên tìm lối vào dễ nhất ở đâu, cửa sổ gần chỗ tôi núp là nơi khuất nhất vì cây trường xuân rủ xuống rậm rạp.

Tôi men theo cây cối, nhẹ nhàng tiến về phía cửa sổ ấy rồi bò trườn tới trong cái bóng của tòa lâu đài. Một con chó hậm hực sủa, khua sợi dây xích kêu loạt soạt. Tôi nằm im chờ đợi giây lát rồi len lén đi tới dưới cửa sổ mà tôi đã chú ý. Thật là ngạc nhiên, ở làng quê người ta thường vô tâm quá! Có lẽ họ nghĩ rằng, ở nơi nầy chẳng có ma nào ăn trộm. Thật may, cửa sổ có cánh sập xuống nhưng không cài chốt. Tôi bèn dùng một lưỡi dao lớn để nạy, rồi nâng nó lên. Sau đó, tôi chận cây dao vào giữa các cánh cửa, rồi chui vào, đẩy chúng về phía trước rồi tụt xuống căn phòng.

- Chào ông. Ông đến thật đúng lúc. Một giọng nói vang lên.

Cả đời tôi, chưa bao giờ tôi giật bắn người lên như thế. Phía trước cánh cửa sổ mở có một người đàn bà trẻ đứng yên, tay cầm một cây nến nhỏ. Nàng cao lớn, mảnh mai trong tư thế đứng thẳng người, gương mặt đẹp và trắng như tạc bằng cẩm thạch, tuy nhiên tóc và mắt đen sẫm như màu đêm.

Nàng vận chiếc áo ngủ trắng dài tới gót chân. Với bộ cánh và gương mặt trắng như thế trông nàng như loài ma trơitừ trời cao bước xuống đứng trước mặt tôi. Hai đầu gối tôi run rẩy chạm vào nhau, tôi cố bám vào một cánh cửa sổ để khỏi quỵ xuống. Nếu còn đủ sức, thì tôi đào tẩu rồi, nhưng tôi chỉ có thể há hốc miệng và trợn mắt nhìn nàng.

Bất chợt cô ta kéo tôi về với thực tế:

- Đừng sợ! Nàng lên tiếng.

Thật lạ khi một bà chủ nhà nói với kẻ trộm như thế.

- Tôi đã nhìn thấy anh từ cửa sổ phòng tôi, lúc anh đang núp dưới đám cây. Tôi đi xuống rồi thấy anh phía bên kia cửa sổ. Nếu anh đợi thêm một lát thì tôi mở cửa cho anh rồi, nhưng khi tôi tới nơi đã thấy anh mở cửa sổ xong!

Cầm con dao dài có chốt hãm trên tay, râu ria bờm xờm và hai gò má đầy bụi suốt tám ngày đi đường, tôi nghĩ hiếm ai dám nhìn thẳng vào mặt tôi trong bóng đêm, lúc chỉ có hai người như thế nầy. Thế mà người đàn bà nầy thì ngược lại, nếu hẹn hò với tình nhân thì chưa chắc nàng nhìn hắn bằng con mắt tình cảm như thế. Nàng nắm tay tôi, kéo tôi vào phía trong gian phòng.

- Thưa bà, chuyện nầy là thế nào? Xin đừng thử thách tôi....

Tôi cố sức nói lớn lên và có lẽ bộ mặt tôi rất hung dữ:

- Bà định giở trò gì?

Tôi lăm le cây dao trước mặt nàng.

- Tôi chẳng định lừa anh. Ngược lại, tôi muốn làm bạn và giúp anh.

- Xin lỗi bà, tôi không thể tin được! Tại sao bà muốn giúp tôi?

- Vì lý do cá nhân.

Chợt đôi mắt đen sáng lên trên gương mặt trắng, nàng nói như hét lên:

-... vì tôi thù ghét, tôi căm giận ông ấy, tôi hận ông ấy! Lúc nầy thì anh hiểu chưa?

Nhớ lại những đều mà lão chủ quán đã nói và tôi chợt hiểu. Tôi nhìn vào mặt nàng. Vâng, có thể tin được. Nàng đang muốn trả thù chồng, muốn đánh vào chỗ quan trọng nhất của lão: đấy là túi tiền.

Nàng căm ghét chồng đến nỗi chịu hạ mình tin tưởng một người như tôi, nếu điều đó có thể giúp nàng đạt được mục đích. Xét đời mình, tôi từng thù hận nhiều người, song không nghĩ rằng mình đã hiểu thế nào là thù hận trước khi thấy gương mặt nàng dưới ánh nến.

- Lúc nầy, anh đã tin tôi rồi chứ? Nàng hỏi trong lúc đặt bàn tay dịu dàng lên cánh tay tôi một lần nữa.

- Vâng, thưa phu nhân!

- Anh biết tôi là ai à?

- Tôi có thể đoán được.

- Hừm. Tôi biết sự bất hạnh của tôi được đồn đại khắp nơi. Nhưng ông ấy chẳng bận tâm về điều nầy. Ông ấy chỉ quan tâm tới một việc trên đời nầy thôi, và đó là thứ mà anh sẽ lấy trộm của ông ấy trong đêm nay. Anh có mang theo túi không?

- Thưa phu nhân, không.

- Vậy hãy đóng các cánh cửa sổ lại. Như thế chẳng ai có thể nhìn thấy ánh sáng và anh sẽ hoàn toàn bình an. Đám gia nhân ngủ ở chái nhà bên kia. Tôi sẽ chỉ cho anh biết chỗ cất những vật quý nhất. Anh không thể mang đi hết được, nhưng có thể chọn những thứ giá trị nhất.

Căn phòng dài mà tôi lẻn vào có cái trần thấp, sàn nhà bằng ván đẹp, đánh xi bóng loáng có những tấm thảm, những tấm lông thú nằm rải rác khắp nơi và những tủ kính nhỏ. Các bức tường trang trí bằng những cây giáo, gươm, mái chèo và những đồ vật lạ lùng chỉ thấy trong các viện bảo tàng. Cũng có cả những loại y phục khác thường được mang về từ các nước xa xôi. Bà chủ nhà cúi xuống rồi nhặt lên một cái túi bằng da đen.

- Cái túi nằm ngủ nầy sẽ có ích - nàng nói – theo tôi, tôi sẽ chỉ cho anh thấy chỗ cất các huy chương.

Thật giống như sống trong mơ: người đàn bà cao lớn vận y phục trắng nầy, vốn là nữ chủ của lâu đài, thế mà lại tiếp tay cho kẻ trộm nhà nàng...

Tôi muốn bật cười nếu tôi không nhận ra trên gương mặt nhợt nhạt của nàng ánh lên cái gì đấy lạ lẫm, làm tắt ngấm nụ cười trên môi tôi.

Nàng cầm cây nến trong tay, bước ngang mặt tôi như một bóng ma, và tôi xách cái túi theo nàng tới cái cửa lớn ở cuối gian phòng bảo tàng ấy. Cửa đang khóa, nhưng chìa thì nằm trong ổ khóa, nàng mở cửa ra, chúng tôi bước vào.

Căn phòng nhỏ nầy treo những tấm màn vẽ. Có một tấm miêu tả cuộc săn hươu mà tôi nhớ rất rõ, và dưới ánh nến, người ta có thể tưởng tượng rằng những con chó và ngựa như từ trong tường phóng ra.

Vật duy nhất còn lại trong phòng là một dãy tủ kính với những trang trí bằng đồng. Vừa chạm mắt vào thì tôi đã thấy rất nhiều huy chương bằng vàng, xếp thành từng hàng, trong số đó, có vài cái lớn như cái đĩa và dày từ ba đến bốn phân. Chúng được đặt trên vải nhung đỏ, ánh vàng của chúng phản chiếu trong bóng tối.

Tôi cảm thấy ngứa tay nên chĩa ngay con dao vào ổ khóa của một cái tủ kính để mở nó ra.

- Đợi một lát! Nàng bảo trong lúc đặt bàn tay lên cánh tay tôi. Anh có thể kiếm được thứ quý hơn.

Tôi lên tiếng:

- Chỗ nầy thì quá đủ cho tôi rồi. Đa tạ phu nhân đã giúp tôi.

Nhưng nàng tỏ vẻ quyết liệt:

- Tôi bảo là còn nhiều vật quý hơn! Các vị vua chúa bằng vàng sẽ có lợi cho anh nhiều hơn là loại nầy.

- Vâng, đúng vậy! Chắc chắn là vua chúa bằng vàng thì đáng giá hơn!

- Nầy, ông ấy ngủ ở phòng trên đầu chúng ta. Chỉ cần lên một cầu thang nhỏ, anh sẽ thấy phía dưới giường của ông ta có giấu một cái hòm nhỏ đựng rất nhiều tiền, đủ nhét đầy cái túi của anh.

- Nhưng tôi làm sao lấy được mà không làm ông ấy thức giấc?

Nàng nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Anh biết cách không cho ông ta kêu lên chứ?

- Thưa bà... không! Không đâu. Tôi không thể làm được!

- Tùy anh! Ban đầu tôi nghĩ anh là một người gan dạ, nhưng có lẽ tôi đã lầm. Nếu anh sợ một lão già thì dĩ nhiên số vàng vẫn nằm dưới gầm giường ông ta! Vậy tốt nhất là anh nên chọn một nghề khác.

- Tôi không muốn giết người, chuyện nầy sẽ cắn rứt lương tâm tôi.

- Anh có thể khống chế mà không làm hại ông ấy. Tôi không bảo anh giết người. Tiền cất phía dưới giường. Nhưng nếu sợ thì tốt nhất anh không nên mạo hiểm.

Nàng đã tác động tôi bằng sự mỉa mai và số vàng mà nàng đem ra làm mờ mắt tôi. Có lẽ tôi sẽ xiêu lòng và trở nên liều lĩnh trong tòa lâu đài của lão quý tộc nầy, nếu tôi không phát hiện ra ánh mắt nàng: nó biểu lộ sự gian xảo và tàn nhẫn, khiến tôi nhận thức ngay rằng nàng cố biến tôi thành công cụ trả thù của nàng, nghĩa là không cho tôi sự lựa chọn nào khác ngoài việc loại trừ người chồng hoặc là tôi bị lão ta bắt được.

Biết ý đồ của mình bị phát hiện, ngay lập tức, nàng tặng tôi một nụ cười thân thiện, nhưng muộn rồi, tôi đã cảnh giác.

- Tôi không muốn lên lầu. Ở đây, tôi có đủ mọi thứ cần lấy rồi.

Nàng tỏ ra khinh bỉ khiến tôi điếng người.

- Thôi được! Anh có thể lấy những cái huy chương nầy, nhưng nên bắt đầu từ phía bên kia. Khi nấu chảy rồi chắc chắn chúng đều có giá trị như nhau, nhưng còn những tấm nầy là của hiếm hơn, chúng đáng quý hơn đối với ông ấy, không cần phải bẻ các ổ khóa. Anh hãy nhấn mạnh vào cái nút đồng nầy, một cái lò xo bí mật sẽ chuyển động. Đàng kia kìa! Nên lấy cái nầy trước...

Nàng mở một tủ kính, làm lộ ra những vật rất đẹp. Tôi chộp ngay vào tấm huy chương mà nàng chỉ thì bất chợt tôi thấy nét mặt nàng tái lại:

- Suỵt, có tiếng động!

Trong bầu không khí im lặng, chúng tôi nghe thấy có tiếng bước chân rất nhẹ, ngay lập tức nàng đóng tủ kính lại.

- Chồng tôi dấy! Anh đừng sợ. Mọi việc sẽ ổn thôi! Tôi đã tính trước rồi. Núp vào đây. Nhanh lên, phía sau tấm thảm.

Nàng vội đẩy tôi vào phía sau bức màn, trong tay tôi chỉ là cái túi rỗng. Nàng cầm lấy cây nến rồi nhanh bước trở về phòng bảo tàng, nơi mà chúng tôi vừa ra khỏi. Từ chỗ núp, tôi có thể nhìn thấy nàng qua cái cửa mở.

Bà phu nhân hỏi lớn:

- Anh đấy à, Robert?

Ánh nến lập lòe phía sau cửa phòng bảo tàng. Tiếng bước chân nghe rõ hơn. Rồi tôi thấy hiện lên trên bậc cửa một gương mặt to bè, nhăn nheo với những nếp da bịu mỡ, một cái mũi cong mang kính gọng vàng. Ông ấy rất cao lớn trong chiếc áo ngủ, đứng che kín cả cái cửa.

Ông già tóc xoắn bạc, có một cái miệng nhỏ không râu. Cái miệng ấy mỏng và chúm lại, mờ nhạt dưới cái mũi ngạo nghễ. Lão đứng bất động, quan sát vợ bằng một cái nhìn xa lạ, hiểm độc. Nhìn sơ qua, tôi hiểu ngay rằng ông ấy biểu lộ loại tình cảm mà nàng đã dành cho ông.

- Chuyện nầy là làm sao? Một cảm hứng mới à? Tại sao cô dạo chơi ban đêm trong nhà nầy? Sao cô không đi ngủ? Ông ấy hỏi vợ.

- Tôi không thể ngủ được...

Nàng cất giọng chán chường, ảm đạm. Nếu lúc trước là diễn viên thì chắc hẳn nàng đã không quên nghề nghiệp của mình.

- Cô có tin là một lương tâm trong sáng sẽ giúp ích cho giấc ngủ không? Ông già tỏ vẻ chế nhạo.

- Tôi không tin điều đó, do thấy ông vẫn có những giấc ngủ ngon. Bà vợ đáp.

- Suốt đời tôi, tôi chỉ xấu hổ một chuyện thôi...

Tóc ông già dựng lên vì giận dữ, trông giống như một con ác điểu.

- Cô thừa biết tôi muốn nói gì. Lỗi lầm đã bị trừng phạt rồi.

- Tôi cũng thấy vậy và đừng quên điều ấy.

- Cô còn kêu ca gì? Tôi đã tự hạ mình, còn cô, cô đã được giàu sang.

- Giàu sang!

- Đúng vậy! Chắc cô không phủ nhận là đã mãn nguyện khi tới lâu đài Mannering nầy. Tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đưa cô ra khỏi môi trường thật sự của cô.

- Nếu vậy, tại sao chúng ta không ly hôn nhau?

- Bởi vì có sự bất hạnh riêng còn tốt hơn là nhục nhã trước mặt mọi người. Bởi vì thà chịu đau khổ khi phạm sai lầm còn dễ hơn là thú nhận nó. Và cũng bởi vì thích chiếm hữu cô, muốn cô không thể quay trở về với hắn.

- Đồ khốn nạn. Đồ hèn hạ!

- Rất đúng, Milady ạ! Tôi đi guốc trong bụng cô, nhưng khi tôi còn sống thì tham vọng thầm kín của cô sẽ không thực hiện được đâu, cô vẫn không có được một đồng xu dính túi khi trở về sống với hắn. Cô và cái gã Edward đó, chẳng đời nào hai người toại nguyện để xài tiền của tôi. Cần nói cho cô biết điều nầy, Milady ạ. Tại sao các cửa sổ mở toang ra thế?

- Tôi thấy trong phòng có mùi hôi.

-Làm như vậy thì chẳng khôn ngoan chút nào. Biết đâu có một kẻ côn đồ lảng vảng quanh đây thì sao? Cô thừa biết bộ sưu tập huy chương của tôi có giá trị hơn bất cứ bộ sưu tập nào trên thế giới kia mà? Để cửa như thế thì ai sẽ ngăn cản được bọn đạo tặc lấy trộm đồ của tôi?

- Nhưng có tôi ở đây.

- Tôi biết. Vì tôi đã nghe thấy cô đi trong phòng cất huy chương, đó là lý do tại sao tôi xuống đây. Cô đã làm gì trong đó?

- Xem các huy chương. Tôi có thể làm gì khác nữa đâu?

- Hiếu kỳ như thế quả là mới lắm!

Ông già bắn tia mắt nghi ngờ vào gương mặt vợ, rồi bước vào phòng cất huy chương. Nàng vội bước theo chồng.

Ngay lúc ấy tôi nhìn thấy một vật khiến tôi muốn quỵ xuống. Tôi đã bỏ quên cây dao có khớp hãm trên mặt tủ kính. Nó nằm lồ lộ ra đấy, nhìn là thấy ngay. Người vợ đã nhìn thấy con dao trước ông già và bằng tất cả sự sắc sảo của một người đàn bà, nàng nâng cây nến lên cao để ngọn lửa làm ông chồng không nhìn thấy con dao. Rồi nàng khéo léo chộp con dao, áp sát nó vào áo ngủ của mình để ông già không nhìn thấy.

Lão quý tộc kiểm tra lần lượt từng tủ kính một, lão tiến gần đến phía tôi đến nỗi chỉ cần giơ tay ra thì tay tôi chạm vào cái mũi dài của lão. Nhưng không phát hiện ra gì, lão lặng lẽ kéo hai chân ra ngoài gian phòng lớn.

Và bây giờ tôi xin kể lại một điều mà tôi đã nghe chớ không nhìn thấy, nhưng tôi xin thề rằng cũng hoàn toàn đúng sự thật.

Khi họ bước vào phòng bảo tàng, tôi thấy ông già đặt cây nến trên góc bàn rồi ngồi xuống, nhưng lại khuất tầm mắt của tôi.

Nàng ta thì đứng sau lưng ông già, tôi đoán như thế vì thấy ánh nến chiếu cái bóng của vợ chồng họ trên sàn nhà. Lúc đó, ông già lại nhắc đến cái tên Edward, tình nhân của của vợ ông. Giọng nhà quý tộc nghe nhỏ quá nên tôi không hiểu hết song những gì nghe được thì cho thấy nàng đang bị đay nghiến thậm tệ...

Ban đầu nàng đáp trả bằng những lời sắc bén, rồi sau đó thì im lặng, ông già vẫn cất giọng lạnh lùng và chế nhạo, tiếp tục chửi mắng để làm tổn thương vợ, tôi thắc mắc là tại sao nàng có thể giữ im lặng khi nghe những lời như thế. Bất chợt tôi nghe ông già cất cao giọng hét lên:

- Đừng đứng sau lưng tôi nữa! Buông cổ áo tôi ra! Cô làm gì thế? Muốn đánh tôi à?

Và tôi nghe rõ tiếng động giống như một cú đập khô khan, ông già thét lên: “Trời ơi, máu, máu chảy...” ông quẫy đạp hai chân như muốn đứng lên. Lúc đó, tôi lại nghe thêm một cú đập nữa và ông già hét to “Ối trời, đồ ma quỷ”. Có tiếng đổ vật trên sàn nhà rồi tiếng chất lỏng chảy. Sau đó sự im lặng bao trùm một cách nặng nề.

Tôi vội rời khỏi chỗ nấp, chạy vào gian phòng lớn, cả thân người run rẩy vì hoảng sợ. Ông già đã tuột xuống khỏi chiếc ghế và cái áo ngủ đã độn lưng ông ta thành một cái bướu kinh khủng. Cái đầu ông ngoẻo sang một bên, trên sống mũi còn chiếc kính, ông há hốc cái miệng nhỏ như một con cá chết. Tuy không thấy máu chảy ra từ chỗ nào, nhưng tôi nghe nó rơi lộp độp trên sàn nhà.

Người đàn bà đứng lặng, đôi môi mím chặt, còn ánh mắt thì long lanh với đôi má ửng hồng. Bình thường nàng chỉ thiếu một chút sắc hồng nhạt như thế nầy, khi đã có, nàng trở thành người đàn bà xinh đẹp nhất mà tôi từng gặp.

- Bà giết ông ấy rồi sao? Tôi lúng túng lên tiếng.

- Đúng! Nàng đáp một cách thản nhiên. Tôi đã giết ông ta rồi.

- Bà định làm gì? Chắc chắn bà sẽ bị bắt về tội sát nhân. Tôi cất giọng.

- Anh đừng lo cho tôi. Cuộc sống không có gì đáng quan tâm cả, sống chết không quan trọng với tôi. Hãy giúp tôi một tay kéo ông ta lên ghế, ở tư thế nầy, trông ông ấy kinh dị lắm.

Tôi liền phụ giúp nàng và cảm thấy toàn thân giá lạnh khi chạm vào thi thể ông già. Một ít máu dính trên bàn tay tôi, khiến tôi muốn nôn mửa.

- Bây giờ thì anh có thể lấy những tấm huy chương đó – nàng dõng dạc ra lệnh – Hãy lấy rồi biến đi!

- Tôi không muốn lấy nữa! Chỉ cần rời khỏi chỗ nầy thôi. Chưa bao giờ tôi dính vào một vụ như thế nầy.

- Ngốc quá, anh tới đây vì những tấm huy chương, chúng đằng kia, toàn quyền sử dụng của anh. Tại sao anh không lấy? Không có ai ngăn cản anh kia mà?

Tôi cầm cái túi rỗng trên tay trong lúc nàng mở tủ kính, rồi chúng tôi bỏ khoảng một trăm tấm huy chương vào cái túi, tất cả đều nằm trong một tủ kính vì tôi không muốn ở đây lâu hơn nữa.

Tôi bước vội về phía cửa sổ để thoát khỏi không khí hắc ám trong lâu đài, tránh bị choáng về những gì tôi đã nghe và nhìn thấy. Tôi quay đầu lại và thấy người đàn bà vẫn đứng yên, với cây nến trong tay, cao lớn, mảnh mai và quý phái giống hệt như lần đầu tiên tôi nhìn thấy nàng. Vị phu nhân vẫy tay tạm biệt tôi. Tôi cũng đáp lại như thế rồi nhảy qua cửa sổ. Lạy trời. Tôi có thể đặt tay lên trái tim mà thề rằng, tôi chưa bao giờ phạm tội ác, nhưng có lẽ tôi sẽ không thề, nếu tôi đọc được ý nghĩ trong đầu mụ đàn bà nầy. Nếu tôi đoán được cái gì ẩn dưới nụ cười cuối cùng của mụ, thì lúc đó sẽ có hai xác chết thay vì một xác trong gian phòng. Song tôi chỉ nghĩ tới đào thoát ngay để khỏi bị bắt, chứ hoàn toàn không hề nghĩ tới việc mụ đang tròng dây thòng lọng vào cổ tôi.

Men theo tòa nhà tôi chạy chưa được năm bước thì trong bóng tối, tôi đã nghe thấy một tiếng hô hoán đủ làm cả giáo xứ thức dậy, rồi thêm tiếng thứ hai, tiếng thứ ba nữa...

- Giết người! Cô ta la lớn. Giết người! Có án mạng!

Tiếng cô ta vang lồng lộng trong đêm, phá tan sự yên tĩnh. Tiếng hét kinh khủng ấy như xuyên thủng đầu tôi.

Trong chốc lát, những ánh sáng hiện ra và các cửa sổ mở toang; không chỉ trong lâu đài sau lưng tôi mà cả trong nhà người gác cửa và những chuồng ngựa trên đường.

Như một con thỏ hốt hoảng, tôi đâm đầu chạy hết tốc lực trên lối đi, nhưng tấm lưới sắt đã đóng sầm lại trước khi tôi có thể tới nơi đó. Tôi vội vàng giấu cái túi đựng huy chương dưới một đống củi rồi định tẩu thoát qua công viên, nhưng có ai đó đã nhìn thấy tôi, rồi trong chớp mắt đã có năm, sáu người cùng lũ chó đuổi theo tôi.

Núp kỹ sau các bụi cây nhưng tôi không thoát khỏi lũ chó, chúng chồm lên người tôi song tôi lại mừng vì đám đông đã chạy tới, nếu không những con vật nanh nhọn hoắt ấy đã xé xác tôi.

Người ta chộp lấy tôi rồi áp giải tôi trở lại gian phòng mà tôi vừa chạy thoát khỏi. Người lớn tuổi nhất hỏi:

- Có phải gã nầy không, thưa phu nhân?

Mụ đàn bà gập mình trên xác chết, chầm chậm ngước lên nhìn tôi rồi chùi mắt bằng khăn mù soa. Trời ơi, mụ diễn xuất giỏi làm sao.

- Đúng rồi! kẻ nầy đó! Mụ kêu lên uất nghẹn. Quân giết người cướp của! Chính nó đã đánh chồng tôi!

Trong đám đông lố nhố vây quanh có một người bước ra, hình như ông ta là cảnh sát trong làng. Ông ta đặt bàn tay lên vai tôi và hỏi:

- Anh muốn nói gì về chuyện nầy không?

- Chính bà ấy đã giết ông chồng! Tôi chỉ tay vào mụ đàn bà và hét lớn.

Mụ ta vẫn nhìn tôi một cách tỉnh tuồng.

Viên cảnh sát cất tiếng:

- Nầy, anh còn bào chữa gì nữa không?

Bất chợt một gã trong đám đầy tớ vung tay đấm tôi một cú như trời giáng.

- Tôi nhắc lại với ông là tôi thấy bà ấy giết người! Bà ấy đã đâm ông chồng hai nhát bằng một con dao. Ban đầu bà ấy giúp tôi lấy trộm đồ của ông chồng rồi giết ông ta luôn.

Gã đầy tớ muốn nện tôi thêm một lần nữa, nhưng mụ ấy đã giữ tay hắn lại. Mụ thì thào:

- Đừng làm hắn bị thương. Tôi tin là pháp luật sẽ trừng trị hắn thích đáng.

- Thưa phu nhân, việc nầy để tôi lo liệu! Người cảnh sát lên tiếng. Bà đã chứng kiến tường tận án mạng nầy phải không?

- Vâng, đúng vậy. Chính mắt tôi thấy hắn gây án. Trời ơi, kinh khủng quá. Vợ chồng tôi nghe thấy tiếng động nên cùng đi xuống lầu. Người chồng bất hạnh của tôi đi trước. Tên nầy đã mở toang một cái tủ kính và đang cố nhét đầy cái túi da đen hắn cầm trên tay. Hắn định chạy trốn, nhưng ông chồng tôi đã bắt hắn lại; xô xát xảy ra rồi hắn dùng con dao đâm ông ấy hai nhát. Ông nhìn xem, hắn còn máu trên hai bàn tay kìa. Nếu tôi không lầm thì con dao vẫn còn cắm trên lưng chồng tôi.

- Kìa, các ông nhìn đi, hai bàn tay bà ấy đầy máu đó. Tôi hét lên.

- Đồ nói dối đê tiện, phu nhân đã nâng cái đầu của quan lớn. Tên đầu bếp cãi lại.

- Còn đây là cái túi mà phu nhân vừa nói. Người cảnh sát lên tiếng trong lúc nhận cái túi từ tay gã chăn ngựa đem tới, cái túi mà tôi đã giấu dưới bó củi khi chạy trốn. À, trong nầy còn những tấm huy chương. Như thế lá quá đủ nhân chứng, vật chứng rồi. Bây giờ chúng ta hãy giữ hắn lại, chờ ngày mai giải hắn tới Salisbury.

Mụ đàn bà lên tiếng:

- Đồ trộm cướp tàn nhẫn! Về phần tôi, tôi tha thứ cái tội hắn gây ra thương tổn cho tôi. Làm sao biết ma quỷ nào đã xui khiến hắn như thế? Luật pháp và lương tâm hắn sẽ trừng trị hắn đích đáng, để tôi khỏi phải nguyền rủa hắn.

Tôi đứng im như trời trồng. Thưa ngài, tôi thề rằng, tôi không nói được câu nào. Tôi hoang mang và lo sợ trước sự trắng trợn của mụ đàn bà ấy. Do đó, tôi không cự cãi, nên người cảnh sát nghĩ rằng tôi đã xác nhận tất cả những điều mụ ta nói, ông ta đẩy tôi vào căn hầm và nhốt tôi ở đó suốt đêm.

Thưa ngài, đấy là tất cả những gì liên quan tới vụ án ông Mannering trong đêm 14 tháng 9 năm 1894.

Có lẽ ngài sẽ bác bỏ sự trình bày vụ việc xảy ra như thế, giống như ông cảnh sát ở lâu đài Mannering, như vị quan tòa ở tòa án địa phương, hoặc là ngài sẽ tìm ra vài tia sáng chân lý, và ngài sẽ luôn giữ vững uy tín của một người không chùn bước trước bất kỳ trở ngại nào để làm sáng tỏ chân lý và sự công bình.

Thưa ngài, tôi cầu xin ngài, Nếu ngài rửa sạch được vết nhơ về tội giết người oan ức của tôi, tôi xin mang ơn ngài suốt đời. Nhưng nếu ngài không thèm đoái hoài tới, thì tôi xin thề rằng trong vòng một tháng kể từ hôm nay, tôi sẽ tự treo cổ trên thanh sắt cửa sổ phòng giam, và từ đó về sau, đêm nào tôi cũng sẽ hiện về quấy phá ngài và làm khổ ngài bằng khả năng mà một hồn ma có thể làm được.

Tôi chỉ cần xin ngài một điều vô cùng đơn giản thôi, xin ngài tiến hành điều tra về mụ đàn bà ấy, canh chừng và truy tìm quá khứ của bà ta, dò xét coi bà ta làm gì với số tiền được thừa hưởng, kiểm tra xem có người nào tên là Edward trong cuộc sống hiện nay của bà ta không.

Nếu ngài điều tra và phát hiện tính cách thật sự của bà ta, nếu điều đó phù hợp và hỗ trợ cho câu chuyện mà tôi vừa kể, thì chắc chắn rằng tôi có thể tin vào óc sáng suốt và lòng tốt của ngài.

Một lần nữa, van xin ngài hãy cứu lấy một kẻ không phạm tội giết người.

A. C. Doyle



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 137

Return to top