Tối hôm ấy Long đi tìm Bằng mà chàng muốn làm quen lâu dài cho dẫu không có vụ mai mối kia. Chàng hỏi thăm Song, người đã đưa Bằng đi xem triển lãm năm nọ, và biết được Bằng ở trọ tại nhà một người Tàu, trên gác.
Khi Long đến nơi thì Bằng sắp sửa ra đi.
- À, anh Long, Bằng reo lên! Về hồi nào đó?
- Về hổm rày, cũng định cho anh hay tin nhưng mãi đến nay mới có dịp.
- Thế là anh đã giữ lời hứa. Đáng khen. Anh có việc gì kín cần nói ở đây không?
- Có việc cần nói nhưng nói ở đâu cũng được.
- Tốt lắm. Ta đi uống nước vậy. Ở đây nóng bỏ xừ.
Đôi bạn dẫn nhau xuống một tiệm nước các chú ở đầu phố. Tại đây khách chung quang toàn là người Trung Hoa, họ khỏi lo ai lắng tai nghe câu chuyện của họ cả.
- Từ hôm anh về đây tới nay, có viết thơ lên trên ấy không?
Long không khó chịu vì sự quá tò mò đó. Hai người bạn trai biết điệu này đã ngầm hiểu nhau nhiều rồi, không có gì giấu nhau nữa hết, chàng đáp:
- Có. Nhưng...
- Tôi không cần biết anh có đứng đắn trong thơ hay không vì chắc chắn là anh đứng đắn. Tôi muốn rõ anh viết cho ai?
- Cho cả nhà, người nào tôi cũng có thơ riêng thăm cả.
- Vậy thì tốt lắm. Nếu anh vụng tính, chỉ viết cho một người thôi thì khổ. Anh đi rồi, sóng gió vẫn còn. Anh nên dè dặt vậy.
- Tôi hiểu.
- Anh có gì muốn nói?
- Thăm anh để được quen biết với anh chơi...
- Hân hạnh.
- Với lại để hỏi ý kiến anh về một cuộc hôn nhơn.
- Nếu trang nghiêm thì tôi hoan nghinh.
- Không phải, hay nói cho đúng, chưa phải hôn nhơn của tôi với ...
- Chớ của ai? Bằng ngạc nhiên và lo lắng hỏi.
- Của một người bạn của tôi với cô Hoa.
- Anh định nhờ tôi làm mai. Sẵn lòng, nhưng tôi phải biết người bạn của anh.
- Thì cố nhiên là anh phải biết. Nhưng miễn là anh sẵn lòng thì việc biết kia, việc phụ thuộc, chỉ là việc dễ thôi. Nầy nhé!Anh Đăng ấy là một công chức, nghĩa là một người dễ hiểu. Anh sẽ đi với tôi tới nhà ảnh chơi vài lần là biết ảnh như biết một người bạn lâu năm.
- Tốt lắm. Nhưng ít ra anh ấy cũng phải cậy tôi...
- Thì cố nhiên. Tôi sẽ bắt ảnh cậy anh.
Bằng vui vẻ trong lòng lắm, anh uống cạn ly nước cam rồi nói:
- Nên lạc quan. Tôi cũng đang lo cho một đám đây. Anh cậy thêm thì tôi được ăn hai cái đầu heo.
- Đám nào? Có ...
- Có, có ăn thua đến gia đình dì dượng tôi, cô Quá ấy mà.
Long nghe chuyện ấy cũng mừng rỡ hết sức.
- Trời ơi, sao mà tôi đoán giỏi quá như vậy. Tôi tin thế nào anh cũng lo cho cô Quá. Nếu hai cô mà có chồng xong, tôi có thể yên lòng xin vào làm rể ngay.
- Tôi hiểu thâm ý của anh. Riêng tôi thì tôi lo là vì lẽ nầy: Dượng tôi định bỏ vườn mà trở về Saigon. Tôi không muốn cho những người lui về vườn phải thất bại, rồi nêu thành tích không hay cho kẻ khác, nên quyết lo cho mấy em tôi có đôi bạn hết tôi mới an lòng.
Bằng trả tiền đứng lên hỏi Long:
- Có đi chơi không?
- Cần lắm để được quen với anh nhiều hơn.
* * *
Ra khỏi hộp đêm, Long nói:
- Đói quá, đi ăn cái gì nghen anh.
- Đồng ý. Nhưng khuya lắm rồi, nên mãi dưới Chợ cũ mới có đồ ăn, anh liệu đi bộ nổi hay không? Tôi thì vào giờ này tôi chỉ thích đi bộ thôi.
- Nghệ sĩ chắc cũng thích đi bộ ít lắm là bằng anh. Và đi nổi như thường.
Đôi bạn có cảm giác là đang sống vào lúc tận thế. Một thành phố không đèn là một thành phố ngủ. Một thành phố sáng trưng mà không người, giống một thành phố mà dân cư bỗng chết hết cả.
- Nếu tận thế mà anh còn sống sót một mình, anh có thích không? Long hỏi.
- Thuở bé, tôi cứ mong được như thế, để một mình vào các cửa hiệu bánh tây mà ăn cho đã thèm. Bây giờ thì không mong nữa, nhưng vẫn thích được, nếu...
- ... nếu còn một người bạn gái.
- Ta là hai linh hồn to gặp nhau. Nhưng người bạn ấy phải như thế nào kia?
- Phải đẹp, chắc?
- Hẳn là phải đẹp, mà danh từ đẹp phải hiểu theo từng người. Có người đối với anh là đẹp, nhưng đối với tôi lại không. Thí dụ cô vũ nữ mặc đen khi nãy có đẹp hay không, theo anh?
- Theo tôi thì không, cô ta dáng điệu hơi quê. Có những người phụ nữ lạ lắm. Nếu cứ lấy riêng từng món mà coi thì đẹp: tay cô ấy đẹp, mặt cô ấy đẹp v. v... Nhưng những món đó ráp lại không khéo, thành ra toàn thể xem quê kịch.
Bằng nhìn Long giây lâu rồi hỏi, giọng lo lắng:
- Anh yêu một người như vậy được hay không?
- Được. Nhưng nhất định không đi chung với người đó.
Bằng thở dài, Long hỏi:
- Ý kiến của tôi sao lại làm anh suy nghĩ?
Bằng cứ nhìn đường nhựa mà đi, mặt cúi gầm xuống. Long vịn vào vai bạn rồi hỏi:
- Phản ứng gì lạ vậy?
Bằng cũng ôm vai bạn rồi thở dài, đáp:
- Tôi sợ lắm!
- Sợ gì?
- Chưa thể nói được.
* * *
Ba hôm sau Long đưa Bằng đến nhà Đăng. Đăng khá đẹp trai, nhưng thật khác họ xa, từ cử chỉ đến lời nói. Trò chuyện một lát thì Bằng lại thấy thêm rằng cả tư tưởng lẫn tâm hồn của anh nầy cũng khác họ.
Đăng sẽ là một anh chồng tốt: có sức khoẻ, có tiền, hiền lành, biết chiều bạn, lo hạnh phúc cho gia đình. Hoa còn đòi hỏi gì hơn? Nhưng con gái nó dại, nó hay đòi hỏi hơn.
Nếu không thấy cái hơn, nó không so sánh được và sẽ an phận dễ dàng. Đằng này nó yêu hụt người nghệ sĩ rồi, nó vẫn còn luyến tiếc loài nghệ sĩ thì khó mà bắt nó bằng lòng một anh chồng tốt.
Công việc của chàng sẽ khó khăn biết bao! Nó đã xem vân Thượng hải, bây giờ bắt nó bận lụa Hà đông, tuy có bền hơn, nhưng ít hào nhoáng, nó sẽ dẫy nẩy cho mà xem.
Người khách ngồi nhìn ông chủ nhà nói chuyện, có cảm tình với con người đứng đắn, đàng hoàng ấy lắm, nhưng bụng cứ nghe tội nghiệp anh ta hoài.
Dường như chàng hỏi thầm:
- Tại sao anh lại không là nghệ sĩ như người ta? Không nghệ sĩ thật thụ được thì cũng có tâm hồn nghệ sĩ cho nó oai. Con gái nó dại lắm, chỉ yêu nghệ sĩ thôi, mặc dầu chính hạng người như anh mới làm cho nó hạnh phúc.
Khi đã cạn đề, hai khách xin phép ra về, Bằng siết tay chủ nhà, bụng nghĩ:
- Tôi quyết tìm chỗ làm cho anh đó. Nhưng giấy chứng chỉ của anh tốt, mà tôi lại khó vận động. Anh biết cái khổ của tôi không?
Tuy nói thế, Bằng không sợ bao nhiêu, Hoa nó có dại, thì anh nói mãi nó sẽ phải nghe.
Điều đáng sợ là làm sao cho Côn chịu lui tới Thái huyên trang trở lại. Tự ái của anh nầy bị va chạm mạnh dữ. Anh ta tức và giận lẫy, mà cũng đâm nhát như con thú bị cắn một lần dữ dội nên anh ta sẽ trốn trong hang của anh ta, biết làm sao xúi anh ta ra khỏi đó được.
Từ hôm bị Côn mắng vốn đến nay, Bằng không có trở lại thăm người bạn trẻ tuổi đó. Chàng đã lên cự cô em họ, nhưng không tìm ra được lý lẽ gì để nói cho trôi thái độ bất lịch sự của em mình, chàng trốn luôn.
Hôm nay ra tới đường, Bằng bắt tay Long rồi xem lại đồng hồ thì đã mười giờ sáng rồi. Giờ nầy không rõ Côn có ở nhà hay không.Nó thích đi xi nê buổi chín giờ rưỡi sáng chúa nhựt lắm.
Sợ bạn đi vắng, Bằng lại đến đó với hy vọng Côn không có ở nhà. Lạ quá, chàng đâm ra sợ sự gặp mặt nầy. Ăn làm sao, nói làm sao với người ta? Tìm mãi sẽ ra lý lẽ để cắt nghĩa thái độ tầm phào của Quá. Nhưng đó là lý lẽ giả dối, mà Bằng lại rất không thích nói dối.
Bằng đến nơi thì thấy Côn đang tiễn khách ra ngõ. May quá!
Khách là một người bạn gái mà có lần Côn định cưới làm vợ. Không hiểu sao rồi chàng bỏ ý định ấy nhưng cô bạn vẫn còn yêu Côn và không hết hy vọng.
Bằng lo lắm. Cô gái vận động cho sợi dây đã đứt được nối lại hay chăng? Không chắc, và nếu có, chưa hẳn cuộc vận động ấy sẽ có kết quả. Tuy vậy nó cũng cản trở phần nào công việc của anh.
Côn thuộc hạng em út của Bằng. Anh ta vẫn cung kính tiếp người bạn vong niên chớ không có tỏ vẻ gì giận lẫy cả.
- Sao lâu quá anh không thấy tới chơi. Tôi thì tôi tìm anh mãi mà không gặp.
- Tìm làm gì? Bằng hy vọng hỏi.
- Tìm để thăm anh chớ có gì đâu.
- À, ra vậy. Bằng hy vọng hão trong giây phút nên phải thất vọng sau câu trả lời rất hợp lý của Côn.
Ngồi đó làm thinh giây lâu Bằng lại hỏi:
- Anh còn giận tôi hay không?
- Sao tôi lại giận anh?
- Vì tôi làm ông mai, mách cho anh một chỗ kỳ cục
Côn cười lớn:
- Anh nói quá! Không có gì là kỳ cục hết. Vậy tôi không có giận anh đâu.
Bằng thở dài mà rằng:
- Tôi nói ra chắc anh cho tôi là một ông cụ già, chớ quả thật là như thế: con gái ở buổi giao thời nó ba lăng nhăng lắm, khôn không ra khôn, mà điên cũng chẳng ra điên...
Không giấu gì anh, con em tôi nó cũng là một cô gái điên nhưng tôi ngỡ nó khỏi rồi, nào dè chừng nào nó vẫn còn tật ấy. Nó trẻ lòng, non dạ ấy mà, rồi nhiễm những tư tưởng quá bạo, nên trông nó gàn gàn...
- Không, tôi thấy cô ấy thông minh lắm, và thành thật lắm.
- Để tôi nói hết anh nghe. Lúc dì dượng tôi định lui về vườn, có hỏi ý kiến của con cái. Vì nội nhà không ai đồng ý nhau cả, nên bày ra bỏ thăm. Con em út tôi nó bị thiểu số. Không biết làm sao để ngăn trở sự qui điền, nó mới hăm dọa không lấy chồng hoặc cắt tóc đi tu, nếu bắt ép nó về vườn. Nhưng rồi nó không bao giờ có gan cắt tóc cả. Thế nghĩa là nó quyết chọn sự không lấy chồng. Khi anh đến, nó nói như vậy, vì tự ái hão, muốn tỏ ra cho các chị nó thấy là nó hễ dám nói thì dám làm.
- Anh thấy có phải là điên lắm hay không?
Côn làm thinh mà nghe, chừng Bằng nói xong, anh mới đưa ý kiến riêng ra.
- Cô ấy có điên như vậy, tôi cũng chẳng trách gì cô. Mỗi người một cá tánh, tại mình…
- Tại tôi, phải. Tôi nhận lỗi cả. Tại tôi không kiểm soát xem con bé ngông thuở bé ấy, đã hết ngông chưa và lời hăm dọa của nó, cà rỡn hay thật.
Tôi hối hận đã làm phiền anh, nhưng không biết lấy gì để chuộc lỗi. Con em tôi thì vì điên nên nó giải quyết hối hận của nó cũng rất giản tiện.
- Cô ấy cũng hối hận nữa à?
- Phải. Nhưng tôi cần thú thật với anh là nó hối hận không phải vì đã làm phiền anh. Nó không tin là anh lấy thế làm nhục, vả nó cũng ích kỷ lắm, nghĩ đến nó nhiều hơn. Nó hối hận vì đã từ chối anh là một người nó thú nhận là xứng đáng làm chồng của nó. Đó là sự hối hận đã bỏ trôi qua hạnh phúc.
Côn chú ý nghe rồi hỏi:
- Thế cô giải quyết hối hận của cô bằng cách nào?
- Bằng cách giản tiện hơn hết, giản tiện cho nó, là uống thuốc ngủ tự tử.
Côn nhảy dựng lên:
- Tự tử? Hồi nào?
- Sau ngày anh lên trên ấy.
Côn ngậm ngùi kêu than:
- Trời ơi! Tội nghiệp! Sao không thấy báo đăng tin, cũng chẳng nghe anh nói gì hết.
- Nhà đã giữ kín, không ai biết được cả.
Côn ngã người trên lưng dựa của chiếc ghế mà anh ngồi, rồi thở dài mà nói một mình:
- Vậy là xong một đời! Cô ấy làm xằng quá.
- Không, nó không chết đâu.
- Vậy hả?
Côn bị kích thích ngồi chồm tới mà hỏi như vậy, Bằng cố giấu sự vui mừng cứ chực trồi lên mặt chàng. Chàng đã dùng đúng chiến lược và đẩy người bạn trẻ tuổi từ chỗ giận lẫy, thờ ơ, đến chỗ chú tâm tới người con gái đã ngược đãi anh ta một cách tàn nhẫn.
Chàng cười ha hả rồi nói:
- Đã bảo là nó điên, nó ngu, nó tự vẫn cũng điên và ngu lắm. Ai đời muốn chết mà nó khóc đến bốn giờ sáng mới uống thuốc ngủ. Cho nên sáng ra là người nhà hay kịp bắt nó phải sống dậy. Nếu nó khôn, đừng thèm khóc, đừng thèm viết thơ để lại, uống ngay hồi đầu hôm thì có trời mà cứu.
Côn cũng cười rồi hỏi:
- Vậy bây giờ cô ấy ra làm sao?
- Nó lại càng điên hơn, sau vụ chết hụt đó. Tôi lo ngày kia phải thật sự đưa nó đi Biên Hòa. Thây kệ, cho đáng kiếp.
Nói tới đó, Bằng đứng lên giã bạn.
Côn không nói gì nữa, không hỏi gì thêm đến cô Quá, nhưng anh hẹn:
- Tôi sẽ tìm thăm anh. Nhưng anh không có mặt ở đâu cả, làm sao mà tôi tìm được. Vậy xin vô phép mời anh trở lại chơi thường thường.
Bằng cố ý không đáp.
*
-Á, anh Bằng lên chơi!
Lạ quá, lần nầy chỉ có một mình cô Hương reo mừng người anh họ thôi. Hồng ít lời thì đã đành rồi, nhưng Hoa và Quá là kẻ mong đợi anh nầy hơn ai hết, lại chỉ mừng bà con một cách âm thầm và có chưng mực thôi.
Cả hai không còn mong mỏi nhiều nơi tài giúp đỡ của Bằng như trước nữa, vả Hoa đã yêu hụt một người, lòng còn bận bịu người đó, Quá thì chán nản lắm rồi không thiết đến gì nữa.
Nhưng cả bốn chị em đều ngạc nhiên mà thấy Bằng vui vẻ như trước chớ không quạu quọ, càu nhàu như mấy chuyến lên chơi vừa rồi.
Bằng mới tới sân đã hét:
- Có dừa xiêm hôn, chặt mau mau lên. Nạo được thì nạo, bỏ thêm muối vô!
Sự thờ ơ, bẽ bàng, sự chán nản bỗng như hoảng sợ bay mất trước tiếng nổ dữ dội ấy.
Cô Quá già đi đến bốn năm tuổi, sau ngày chết hụt, nghe mình trẻ con lại như cũ được. Hôm nay mới thật là ngày Thái huyên trang trở lại nguyên trạng trước biến cố.
Bằng pha trò trước mặt dì dượng:
- Chúa nhựt hôm nay tôi cần đi Mỹ tho có việc mà phải dẹp chuyến đi ấy lại để lên đây vì tôi cần tìm danh sư cho một người bịnh.
Cả nhà nghĩ ngay đến bà lang băm, và đều nhìn Hương mà cười. Bằng thêm:
- Con bịnh đang ốm nặng, đau tương tư ấy mà!
Vẫn chưa ai hiểu gì. Có người lo lo, băn khoăn không biết Bằng đem tin dữ gì tới đây. Người thanh niên vui tánh này liền chỉ vào Quá mà nói:
- Đây là danh sư. Chỉ có bà mới chữa khỏi bịnh người ấy thôi, bởi vì chính bà đã gây ra bịnh. Thằng Côn bây giờ nó dở sống dở chết dưới ấy.
Ông bà Nam Thành bỗng nghe hy vọng nở lại chật lòng ông bà. Nhưng cố làm ra bình tĩnh, ông Nam Thành hỏi:
- Ừ, thế người ta còn giận hay không? Cháu xin lỗi giùm dì dượng, em cháu nó còn khờ dại lắm.
- Người ta nào dám giận, thưa dượng. Người ta chỉ đau khổ thôi.
- Tội nghiệp!
Cô Quá lảng đi nơi khác, trong khi ba chị em bu quanh Bằng mà hỏi thăm về anh chàng đi coi mắt vợ gặp rủi ro.
Thật là cảm động, mấy chị em thương yêu nhau lắm, và cô nào cũng rất thương yêu đứa em út nầy. Hạnh phúc của nó là mối lo nghĩ lớn của các cô, cho nên các cô cũng hy vọng không kém cha me.
Hương hỏi:
- Anh nói giỡn hay nói thật anh Bằng? Cậu ấy nghĩ gì về gia quyến mình?
- Nếu không có, ai dám nói. Tôi chỉ cà rỡn đối với việc cà rỡn thôi. Việc nghiêm trang thì tôi nghiêm trang hơn ai cả.
- Đâu, anh tả chứng đau tương tư nghe coi, Hoa yêu cầu.
- Nè, đau tương tư là như thế này: tim kẻ tương tư thì nó hoặc là khô lại hoặc tan thành nước. Nếu nó khô thì hễ kẻ đau tương tư mà đi đứng thì ta nghe tim hắn kêu lốc cốc, lộc cộc trong lồng ngực hắn, nếu tim tan thành nước thì hắn đi, ta nghe kêu lọc ọc lọc ọc như trái dừa khô mà nước đã cạn nửa chừng.
Hoa cười ngả nghiêng mà Bằng lại nói thêm cho cô cười đến sặc:
- Những tiếng lốc cốc ấy đánh nhịp cho sáu câu vọng cổ mà hắn ca suốt ngày.
- Sao hắn lại không ca trường tương tư?
- Vì đời nay người ta chỉ đau tương tư có vài tháng ngắn ngủi thôi rồi người ta tìm vợ khác, còn trường được sao được mà trường.
Rồi anh kết luận:
- Bởi vậy đừng có bắt người ta tương tư lâu. Họ sẽ chán rồi đi mất. Các cô nên cắt nghĩa cho cô Quá hiểu lẽ đó.
Hương thấy cần phải nghiêm trang nên suỵt em một cái rồi hỏi:
- Nhưng nó đã có thái độ dại dột như vậy, bây giờ tính sao?
- Thì có tính sao. Bắt nó phải thề đừng nói điên nói khùng nữa, tôi mới dám cho người ta trở lên đây. Nếu để họ lên đây một lần nữa mà nó còn làm như vậy thì chết tôi.
- Thôi. Anh đi nói chuyện với má em đi, rồi ta tính chung.
- Phải, tôi phải để các cô lo món chả giò đặng đãi khách chớ.
- Gì đó nữa? Lành hay dữ?
- Lành. Hỉ tinh mà.
- Thì anh nói đại đi, em sốt ruột muốn chết đây.
- Cô Hoa có sốt ruột hay không?
- Nữa, sao lại không, Hoa đáp, cả hai đứa, bụng đang nóng như lò lửa đây.
- Để dành hai cái bụng đó lát nữa chiên chả giò. Này cô Hoa. Tôi báo trước cho cô biết. Tôi sẽ dẫn bạn tôi lên đây xem mắt cô. Nếu cô đâm khùng như cô Quá thì trọn đời tôi chẳng dám để chân tới đây nữa đâu.
- Ai mượn anh?
Hoa hỏi bằng giọng căm giận thật tình chớ chẳng phải làm bộ.
Không thể thú nhận được, cô quả đã tức cho tình thế oái oăm nầy. Hằng bao lâu, mong mỏi nơi người anh họ, mà không thấy tia hy vọng nhỏ xíu nào cả. Nay vừa yêu một người, thì anh ấy lại đưa ra một tin khiến cô rất khó nghĩ.
Nhưng Bằng không giận thái độ của em mà chỉ cười hề hề rồi đáp:
- Tình thương mến bà con biểu tôi như vậy. Tôi có bổn phận gây hạnh phúc cho các cô, mặc dầu các cô nổi điên mà phản đối. Các cô điên cả, điên hết nhà. Nhưng tôi còn tỉnh thì phải lo cho các cô.
Cô Hương, người ngồi lại bàn ăn sau hết hồi nãy, đang ăn tráng miệng, thì ông bà Nam Thành nói:
- Các con, đừng đứa nào đi hết cả. Ba má có việc quan trọng nói với các con.
Đoạn day lại bà, ông bảo:
- Tôi nhường lời lại cho bà đó.
Bà Nam Thành chưa chi đã rút khăn ra để hỉ mũi, rồi mếu máo kể lể:
- Ba, má thương các con không biết bao nhiêu, muốn lo gầy dựng cho các con sớm chừng nào hay chừng nấy, mà các con xem bộ không coi lo nghĩ của ba má vào đâu cả.
Nay anh Bằng các con lên đây để cố gắng lần chót giúp ba má lo cho con Hoa và con Quá trước. Ba má nói thật với hai đứa, nếu hai đứa mà lộn nài tháo ống nữa thì ba má chỉ còn nước chết cho rồi.
Rồi bà khóc sụt sùi như là hai cô đã làm khổ bà rồi vậy.
Ông Nam Thành tiếp lời vợ:
- Các con có thể không thương người ta, điều đó cha mẹ không thể ép. Nhưng thương hay không, để người ta đến vài lần rồi sẽ hay. Chớ con cố ý đẩy người ta ra khi người ta mới bước vào nhà thì thật là không biết thương cha mẹ vậy.
- Thế là rõ. Bằng nhìn bốn cô em gái, nhứt là Hoa và Quá, mà nói như vậy. Dì dượng có ép các cô phải ưng quyết người nào đâu. Nhưng mà các cô phải lấy chồng cho dì dượng an lòng. Đó là một sự hi sinh nhỏ mà người con nào biết thương cha mẹ cũng phải làm.
Bằng giỏi lắm. Anh đã sắp đặt chiến lược một cách khéo léo,trình bầy câu chuyện thì y như là các cô không thích lấy chồng mà phải hy sinh vì lời kêu gọi của anh.
Hoa và Quá nhờ thế thay đổi thái độ được mà khỏi phải mắc cỡ với ai cả.
Lần nầy hai cô không khoe bản lãnh nữa mà chỉ làm thinh theo điệu Việt Nam cổ. Bằng nói:
- Có chứng nội nhà. Tôi xem sự im lặng của hai cô là sự nhẫn nại chịu số phận. Vậy tôi sẽ đưa người ta lên, không biết ngày nào…