Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Oxfỏd Yêu Thương

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5010 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: angellife_pinky 13 năm trước
Oxfỏd Yêu Thương
Dương Thụy

Oxfỏd Yêu Thương
Ngỡ ngàng nhập học
Cô gái Việt Nam vô cùng rụt rè xuất hiện trước cửa văn phòng giáo sư Baddley sau tiếng gõ rất khẽ. Anh chàng trợ lý có gương mặt rất sáng, mũi thanh và đôi mắt đặc biệt thông minh niềm nở mời cô vào:
“Tôi tin chắc em là Trần Vũ Thiên Kim - Anh phát âm tên cô một cách vụng về nhưng hoàn toàn duyên dáng - Em học hệ Cao học phải không? Giáo sư Baddley dặn tôi đưa em lịch học và cuốn giáo trình này”.
Kim vụt trở thành một con người khác, cô vui vẻ và dạn dĩ trò chuyện cùng người trợ lý, đôi mắt sáng long lanh nhìn cuốn giáo trình dày cộp đã được photo sẵn:
- Thật không ngờ giáo sư quan tâm đến tôi như thế - Kim siết cuốn giáo trình vào ngực như thể đấy là quyển thánh kinh làm người trợ lý bật cười - Tôi phải gửi lại anh bao nhiêu tiền photo? À mà anh tên gì? Anh có thể cho tôi địa chỉ e-mail không? Tôi xin học bổng ở một tổ chức phi chính phủ, họ chỉ cho học bổng trong một năm nhưng vì sang đây trễ do thủ tục giấy tờ phức tạp, thầy trưởng khoa nói chắc tôi đành phải kéo dài chuyện học trong hai năm. Anh không tưởng tượng được đâu, tôi khổ sở mấy ngày nay...
- Ồ! Tôi tưởng tượng được chứ! Tôi là Fernando Carvalho - Người trợ lý mỉm cười - Tôi cũng là người nước ngoài mà. Tôi đến từ Bồ Đào Nha. Tôi đã hoàn thành chương trình Thạc Sĩ cũng bằng học bổng của chính phủ nước này cách nay vài năm. Rồi giáo sư Baddley nhận tôi vào làm trợ lý chính, giờ tôi đang trong giai đoạn nghiên cứu sinh. Đây là danh thiếp của tôi, em cần hỏi gì cứ tự nhiên nhé.
Dù Kim còn muốn trò chuyện thêm tí nữa nhưng Fernando đã lịch sự mỉm cười tiễn cô ra cửa. Anh nói thêm như vừa chợt nhớ ra: “Em không phải trả lại tôi tiền photo sách đâu, coi như tôi tặng em một món quà nhỏ để chúc em can đảm lên!”. Kim thật sự cảm động, cô lắp bắp cảm ơn rồi bước giật lùi cho đến khi cánh cửa khép hẳn lại và Fernando cùng với nụ cười tươi rói của anh biến mất.
Quả là những phút giây được an ủi sau bao nhiêu sự kiện làm Kim cực kỳ bối rối, đến nỗi gặp ai cô cũng lặp lại điệp khúc: “Tôi chỉ có học bổng trong một năm mà sang đây mới biết chắc phải học những hai năm. Bạn không tưởng tượng được đâu, tôi khổ sở mấy ngày nay...”. Cô thuộc týp người sống cần có người quan tâm và đã đắm mình trong sự yêu thương của gia đình từ bấy lâu nay đến mức gần như không trưởng thành nổi. Hôm qua khi trình diện giáo sư trưởng khoa, Kim bị ông ta phán cho một câu xanh rờn: “Cô sẽ không thể hoàn thành khóa Cao học này chỉ với một năm ngắn ngủi. Thật ra điều này cũng có thể xẩy ra nếu cô đến từ một nước nào đó ở Châu Á có nền giáo dục phát triển như Singapore hay Malaysia. Đằng này cô lại... Đã vậy còn nhập học trễ nữa chứ!”. Rồi khi Kim há hốc mồm ra một cách ngu xuẩn “Vậy... vậy thầy khuyên em phải làm sao?”, ông ta nhấn mạnh “Chuẩn bị tinh thần và tài chính để nếu phải kéo dài sang hai năm thì cũng không bị hụt hẩng!”.
Thấy Kim ngơ ngẩn không buồn trả lời, ông trưởng khoa chép miệng:
- Ở những trường Đại học danh tiếng trên thế giới, đôi khi người ta cũng buộc phải cấp bằng cho những nhân vật đến từ nước ngoài vì lý do ngoại giao hay chính trị. Tuy nhiên tôi không nghĩ cô thích bằng cấp kiểu đó. Cô đã đích thân tìm học bổng sang đây, cô được trường chấp nhận cho nhập học, nên tôi đoán cô muốn có kiến thức thật sự! Thôi cố gắng xoay sở. Tôi thấy không có vấn đề gì!
Kim định nói “Dĩ nhiên, vì đó đâu phải là vấn đề của thầy!”, nhưng ông đã ra dấu tiễn cô với nụ cười nhếch môi vừa lạnh lùng vừa giễu cợt.
Kim từ văn phòng khoa Kinh Tế trên phố Manor buồn bã không muốn quay về khu học xá, cô lang thang vào trung tâm thành phố nơi qui tụ những ngôi trường trực thuộc Đại học Oxford. Sang đây Kim mới ngỡ ngàng nhận ra Đại học thuộc loại lâu đời nhất châu Âu này có đến ba mươi chín ngôi trường độc lập khác nhau gọi là “college”. Mỗi college trông cổ kính và đẹp kiêu hãnh như những tòa lâu đài với những cánh cổng bằng gỗ được chạm khắc công phu và những ngọn tháp vươn cao quyền quí. Sinh viên và cả giáo sư chạy xe đạp luồn lách vào những con đường hẹp hay những con hẻm nhỏ lót đá di chuyển từ college này sang college kia. Kim biết rồi mình cũng sẽ được vào trong những ngôi trường cổ kính này dùi mài kinh sử, cô sẽ không học cố định ở một nơi mà tùy theo từng môn sẽ đến các trường khác nhau. Kim tưởng tượng mình như Harry Potter buổi đầu ngơ ngác nhập học ở trường Phù Thủy, ngôi trường cổ kính với những lớp học bé tí, những cầu thang đá nhỏ hẹp và những hành lang dài vô định. Và quả thật, bộ phim Harry Potter được quay tại những college ở Oxford. Ở ngoài phố, Kim thấy có rất nhiều khách du lịch và những đoàn học sinh được giáo viên dẫn đi tham quan Đại học Oxford. Hẳn họ muốn gieo vào lòng những học trò nhỏ niềm hy vọng được vào học trong ngôi trường danh tiếng này. Cô thở dài, nghĩ dù mình đã được nhận vào học nhưng áp lực lớn nhất là phải đi ra với mảnh bằng tốt nghiệp. Sau này về Việt Nam với cái danh học ở Oxford mà không chìa ra được giấy tờ chứng minh chắc Kim chỉ còn nước bỏ xứ đi luôn.
Buổi tối trong khu học xá, gió gào hú không ngừng, mưa quất từng hạt nặng nề vào kính như thể muốn tìm đủ mọi cách chui vào phòng. Kim bất an chốc chốc lại đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời đêm. Ánh đèn vàng cao áp đủ cho cô nhìn thấy cây cỏ oằn mình trong gió rét. Suốt đêm Kim cứ trằn trọc với câu hỏi “Làm sao có tiền để ở lại Oxford thêm một năm nữa?”. Cô đã đổ bao công sức để xin được học bổng của một tổ chức phi chính phủ và song song đó phải đáp ứng đủ yêu cầu của Đại học Oxford mới được nhận vào ngôi trường danh tiếng này. Vậy mà không lẽ phải quay về Việt Nam khi chưa hoàn thành chương trình. Bao nhiêu cố gắng lại bỏ phí đi sao? Mộng du học ở Anh đã được Kim ôm ấp hồi còn là học sinh Trung học. Cô luôn cố gắng trao dồi tiếng Anh từ những ngày đó, rồi trong suốt bốn năm Đại học, cô vẫn không ngừng truy tìm học bổng và duy trì điểm số luôn ở mức xuất sắc. Tốt nghiệp ra trường Kim vẫn chưa có cơ hội nên cô lại tiếp tục xoay xở tìm nơi cấp học bổng và xin các trường Đại học chấp nhận. Mãi đến ba năm sau khi tốt nghiệp Đại học, khi đã có một công việc thú vị trong một công ty uy tín, Kim mới hạnh phúc có được niềm vui biến giấc mơ từ thời học sinh thành hiện thực. Đó là cả một quá trình dài phấn đấu và kiên nhẫn không ngừng. Nhưng giờ giấc mơ đó chỉ mới thực hiện được một phần, quan trọng nhất là phải hoàn thành khóa học rất nặng bên đây theo đúng thời hạn một năm.
Gia đình Kim tuy rất quan trọng chuyện học nhưng không đủ khả năng để nuôi cô trong một năm sinh hoạt ở Anh, nơi có mức sống thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Lương đi làm của Kim dành dụm được sau ngày ra trường cũng chỉ đủ cho cô mua sắm đồ đạc trước khi sang đây. Gần sáng, Kim tìm ra câu trả lời: “Chỉ có một con đường: bất cứ giá nào cũng phải học xong trong một năm như người ta! Cố gắng hết sức đuổi kịp ba tuần nhập học trễ. Phải làm cho ông trưởng khoa thấy người Việt Nam cũng học hành đàng hoàng không kém ai!” rồi mệt nhoài đi vào giấc ngủ nhiều mộng mị đến mức ngã lăn xuống nền gạch lạnh như băng. Khu học xá đã tắt lò sưởi trung tâm để tiết kiệm nhiên liệu.
x
Oái ăm, buổi học đầu tiên của Kim rơi vào sáng thứ bảy, vào cái ngày mà ai cũng cuộn tròn trong chăn ngủ vùi lười biếng. Ông giáo sư bận quá nhiều việc nên chỉ dạy vào giờ này. Cô khoác áo lạnh dày cộp, ôm cặp, xách dù mò mẫm bước ra đường. Trời hãy còn tối, không một bóng người dù đã bảy giờ ba mươi sáng. Các cửa hàng đóng cửa im lìm chìm khuất trong màn đêm. Kim bước lên xe bus và là người khách duy nhất trên tuyến đường chạy vào trường. Môn này cô học ở một cơ sở hiện đại nằm gần ga, không nằm trong trung tâm thành phố cổ kính. Khi bus dừng thả người khách cô đơn xuống trước khuôn viên khoa, mặt trời cũng vừa hé bức màn dày màu xám ló ra e thẹn. Kim đột nhiên thấy phấn chấn hơn, cô ngước nhìn cảnh bình minh lên với ánh hồng pha cam đẹp lạ lùng rồi mạnh dạn lần đầu bước chân vào giảng đường Oxford, nơi được biết bao người trẻ ao ước. Môn này đã bắt đầu được hai buổi và thu hút khá đông sinh viên nước ngoài. Tụi Ý ăn mặc diêm dúa, một cặp người Nga tóc hung ngồi đầu bàn, ba người nói tiếng Tây Ban Nha, vài đứa sinh viên Anh mặt đầy tàn nhang đang ngáp to như trực thăng kêu. Tất cả đều có vẻ không hài lòng thậm chí là phẫn nộ vì phải đi học vào ngày cuối tuần.
Đúng tám giờ trợ lý Fernando đến phát tài liệu và vào lúc Kim hồi hộp nhất, giáo sư Baddley xuất hiện. Sẽ chẳng bao giờ cô có thể quên giây phút ấn tượng đó, một người đàn ông mập mạp, tóc húi cua, mặc chiếc áo len màu xanh thủy thủ có nụ cười hiền như bụt đang ngồi trên một chiếc xe lăn bằng điện dần dần tiến vào lớp. Giáo sư Baddley trứ danh đây sao? Kim ngỡ ngàng. Ông là người khuyết tật, chiếc xe của ông phát ra tiếng “rè rè” làm cô bối rối. Xe chạy ngang qua chỗ Kim, theo phản xạ tự nhiên cô đứng dậy cúi đầu chào giáo sư kính cẩn. Hành động lễ phép này làm sinh viên trong lớp hơi ngạc nhiên vì bọn chúng vẫn đang vô tư nhai kẹo cao su. Nhưng giáo sư không lấy đó làm lạ. Ông gật đầu chào lại và tiếp tục lái xe tiến đến bàn giáo viên. Sau vài phút hướng dẫn, giáo sư điều khiển xe lui xuống, nhường bục giảng lại cho một sinh viên người Tây Ban Nha. Mỗi người trong lớp phải soạn bài và giảng lại cho các bạn đồng môn. Vai trò của giáo sư chỉ hướng dẫn chung và chấm bài tiểu luận.
Cuối buổi học giáo sư Baddley lái xe lăn đến bên Kim cười đôn hậu: “Em là người Việt Nam phải không? Tôi có nghe thầy trưởng khoa nói về trường hợp nhập học trễ của em. Hiếm khi có sinh viên từ Việt Nam. Cố gắng nhé. Cần gì cứ đến văn phòng của tôi, nếu tôi không có ở đó thì cứ nhờ trợ lý Fernando”. Kim xúc động lí nhí cảm ơn rồi nép người nhường đường cho ông lái xe ra thang máy.
Trời đang mưa. Lại mưa. Những cơn mưa trứ danh của Anh, mạnh mẽ, dai dẳng, rơi mãi không ngừng. Gió thổi những cơn gió rét quất vào mặt Kim thật thô bạo. Cô quấn khăn vào cổ chặt đến mức gần nghẹt thở phải ho khan lên. Tụi sinh viên Oxford thích đi xe đạp và khóa xe đầy đường nhưng Kim biết mình chỉ ở đây không lâu nên chẳng cần mua xe đạp làm gì. Gặp lúc xe hư còn khổ thêm vì làm sao tìm được những chỗ sửa xe ngoài góc đường như bên Việt Nam. Ở trạm xe bus chỉ có vài người đứng chờ, miệng nhai nhóp nhép chút gì đó. Bụng Kim cũng cồn cào, cô mở cặp tìm mấy viên kẹo nhai cầm hơi. Đã một giờ trưa. Lúc xe bus chở Kim chạy ngang bãi đậu xe cô thấy giáo sư Baddley điều khiển xe lăn của mình chạy đến một chiếc xe hơi rồi loay hoay tìm cách chui vào đó. Thì ra ông tự lái xe đi dạy.
Sau buổi học đầu tiên với người thầy dễ mến dù không có khả năng tự đi trên đôi chân của mình, Kim thất vọng nhận thấy những giáo sư còn lại tuy lịch sự nhưng khá lạnh lùng và gần như vô cảm với những khó khăn của người khác. Đa phần họ đều trông rất sang trọng với những bộ complet cắt may vừa khéo. Khoa Kinh Tế, giáo sư ngoài những giờ lên lớp còn hợp tác làm tư vấn cho các công ty và tham gia nhiều dự án đầu tư với các nước giàu. Kim hay nhòm ngó sang những khoa “hiền lành” như Nông Nghiệp, Lịch Sử hay Sinh Vật để ao ước học với những vị giáo sư mộc mạc, giản dị và nhiệt tình. Fernando bảo cô đừng trông đợi sự tử tế của bất kỳ ai. Cứ cố gắng hết sức rồi thì sẽ có một “quới nhân” phù hộ. Giáo sư Baddley là một người như thế. Fernando nói ngay trong cộng đồng Châu Âu, những nước giàu cũng hay xem thường những nước kém phát triển hơn. Bồ Đào Nha là một nước tụt hậu nhiều so với Châu Âu, nên bản thân anh trước kia cũng gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng giáo sư Baddley vẫn đối xử với Fernando một cách hoàn toàn công bằng. Ông đánh giá anh qua thái độ cần mẫn, nghiêm túc trong công việc và qua tinh thần cầu tiến của một thanh niên đến từ một đất nước còn nhiều rào cản. Khi Fernando kể lại với Kim điều này, anh hơi ngượng. Cô cười, làm bộ trêu nhưng thực lòng thấy tự hào được anh chia sẻ: “Chà! Em thấy giáo sư biết nhìn người ghê!”. Fernando hơi đỏ mặt, đôi mắt thông minh ánh những tia lém lỉnh: “Đến từ những nước nhỏ thì chỉ có một con đường là nỗ lực để đừng bị người ta xem thường!”
Nhiều đêm, khi gió không chịu ngủ cứ thang lang luồn lách vào những cành cây khẳng khiu làm chúng phải kêu lên răng rắc, Kim trằn trọc. Những người trẻ đến từ một nước nhỏ xíu gần như không tên tuổi như cô không phải chỉ muốn “đừng bị người ta xem thường” mà còn làm sao để được người ta tôn trọng. Nhưng quả thật “vươn lên” là điều ai cũng muốn nhưng không phải cứ muốn là được như câu tục ngữ tự phỉnh mình “Vouloir c’est pouvoir” (*) của dân Pháp. Học ở Oxford dù có cố gắng “lấy cần cù bù thông minh” hay “năng động - sáng tạo” kiểu gì thì so với sinh viên Anh, Mỹ hay các nước Châu Âu khác, Kim cũng chỉ là người đến từ một nước có nền giáo dục không được phát triển như ông trưởng khoa đã lo ngại. Những lúc phải nộp bài theo nhóm, bị chúng bạn tìm cách né tránh không cho cùng gia nhập, Kim vừa chán nản vừa phẫn nộ. Mấy đứa sinh viên nước ngoài - mà đa phần là dân châu Mỹ La Tinh và châu Á - đành tụ lại thành một nhóm “hợp chủng quốc”. Và với vốn kiến thức rất “ô hợp”, thường nhóm không bao giờ có được điểm cao và luôn nhận được những nhận xét rất khắc nghiệt của giáo sư. Một lần Kim ao ước: “Giá mà tụi sinh viên bản địa chịu “gánh” dùm mỗi nhóm một vài đứa nước ngoài thì điểm số mình không đến nỗi lẹt đẹt như vậy!”. Fernando đã nổi giận phản đối: “Với ý nghĩ đó, tự em đã xếp mình vào hạng làm gánh nặng cho người khác. Nếu muốn được nhìn nhận, phải có lòng tự trọng chứ!”. Lần đó cảm thấy bị “xúc phạm ghê gớm” Kim thề sẽ không bao giờ nhìn mặt Fernando nữa. Nhưng rồi cô chột dạ nhớ lại, ngày trước học Đại học ở Việt Nam, cô vẫn có thái độ xem thường những bạn từ các tỉnh xa. Cô nghĩ họ làm sao giỏi tiếng Anh bằng mình, làm sao năng động được trong điều kiện nghèo nàn sách vở, làm sao tiếp cận nổi giới doanh nghiệp vì có quen biết ai. Những người bạn đó cũng không được giới thành phố như Kim đón nhận, họ tự chơi với nhau, tự giúp nhau học rồi đi tìm việc để trang trải cho cuộc sống xa nhà. Chẳng bao giờ cô bận tâm khi nghĩ về những khó khăn của họ. Giờ đây sang Oxford, thấy khoảng cách giữa “người ta” và “mình” xa vời vợi, như thể người Sài Gòn tự nhận văn minh nhìn vào một cô nàng nào đó từ núi rừng mọi rợ bước ra đòi hội nhập.
Trong khu học xá gồm nhiều căn nhà cổ theo lối kiến trúc Victoria trên phố Woodstock, Kim ngụ trong một căn nhà có mười hai nhân khẩu. Sang Oxford cô mới kinh ngạc nhận ra những hình ảnh các ký túc xá to lớn, rộng rãi thường thấy trên phim hoàn toàn chỉ thích hợp cho những trường Đại học ở Mỹ hay các thành phố hiện đại khác ở Anh. Oxford trung thành với lối kiến trúc cổ và tự hào vì điều đó. Những dãy nhà cổ bé tí dễ thương với những căn phòng cũng nhỏ xíu nằm trên những con phố xinh đẹp như Woodstock, Walton, St John... chính là những khu học xá dành cho sinh viên. Trong căn nhà chung của Kim, ngoài cô còn có Yutaka người Nhật và Lệ Chi người Trung Quốc là sinh viên nữ đến từ châu Á. Thời gian đầu có vẻ hút nhau vì cùng màu da vàng, ba người hay ăn cơm chung trong nhà bếp dưới tầng một, nhưng vài tuần sau Lệ Chi tự động lảng tránh nhóm các cô gái châu Á để hòa mình nhanh chóng vào thế giới châu Âu.
Lệ Chi xinh xắn nhất, trẻ nhất, mới là sinh viên dự bị Đại học gọi là “A level”, nhưng cực kỳ chịu chơi. Lắm hôm khi đi xuống bếp pha trà, Kim giật mình đụng mặt cô bé từ phòng tụi Tây Ban Nha đi ra lúc đêm khuya. Kim đã thử khuyên Lệ Chi nhưng cô bé khó chịu ra mặt nên Kim quyết định “mạnh ai nấy sống”. Nghe đâu Lệ Chi là con một, cha là thương gia, mẹ trước kia là diễn viên, gia đình giàu có nhưng không hạnh phúc. Yutaka trái ngược hoàn toàn với Lệ Chi, cô trạc tuổi Kim, tính chững chạc và không nhan sắc nên sống khép kín. Yutaka học ngành khảo cổ, một ngành luôn tìm về với quá khứ nên trông cô cũng rất lạ. Bọn Tây ngại tính giữ kẽ của Yutaka nên thường cũng chỉ giao thiệp với Kim và Lệ Chi. Xem chừng họ quí Kim hơn vì cô thân thiện nhưng biết dừng đúng lúc, không quá đà và “dễ dụ” như cô bé Trung Quốc. Nhiều lúc Kim lắc đầu cười cho những ngộ nhận, trước kia cô cứ tưởng phụ nữ Nhật rất quậy còn con gái Trung Quốc đoan trang hơn.
Sang đến cuối tháng mười, Kim vui mừng đón một đồng hương mới từ Việt Nam sang, chị là giáo viên một trường Đại học, sang tu nghiệp theo chương trình hợp tác với khoa Hàng Hải, sẽ chỉ ở Oxford bốn tháng. Mấy ngày đầu Thúy Hà phải nhờ Kim dẫn đi giới thiệu trường
và giúp làm một số giấy tờ. Kim ngỡ ngàng nhận ra Thúy Hà hoàn toàn không hợp với mình. Chị nói tiếng Anh chưa rành nhưng hay ra vẻ ta đây, thích lên giọng đàn chị dù chỉ hơn Kim một tuổi. Kim thường nhìn cái cách “dốt mà làm như hay chữ” của Thúy Hà mà ngẫm đến lời giáo sư trưởng khoa: “Ở những trường Đại học danh tiếng, đôi khi người ta cũng buộc phải cấp bằng cho những nhân vật đặc biệt vì lý do ngoại giao hay chính trị”.
Chán thực lực của Thúy Hà đã đành, Kim còn bất mãn với tính nết của cô bạn đồng hương. Có tí nhan sắc và dù đã có chồng với một con trai hai tuổi, Thúy Hà vẫn lúng liếng đưa tình với tất thảy bọn con trai ở đây, dù da đen hay da trắng, miễn vạm vỡ và đẹp trai là được. Cái vẻ lẳng lơ lộ liễu như Thị Mầu của Thúy Hà làm Kim xấu hổ khi có ai đó hỏi “Bạn và Thúy Hà cùng là người Việt Nam hả?”.
Kim thất vọng nghĩ mình tìm không ra một người bạn tâm giao ở đây, trong lớp bị lạc lõng đã đành, về khu học xá cũng chỉ là những mối quan hệ xã giao. Có thể bọn Tây không lạnh lùng, thậm chí còn sẵn sàng giúp đỡ, nhưng bản thân họ cũng luôn bận rộn, mà Kim thì thấy thật tự ti. Vài anh chàng người Anh đẹp trai như hoàng tử William, chắc xuất thân từ gia đình quyền thế, đôi khi làm Kim rụng tim nhưng cô biết họ không dành cho mình. Cũng có chàng xấu trai và mặt đầy tàn nhang, nhiều lúc Kim muốn kết thân nhưng họ lại có vẻ mặc cảm. Những anh chàng nước ngoài khác đến từ khắp nơi trên thế giới, đủ mọi màu da, sang hèn các loại, đẹp trai cỡ Brad Pitt không thiếu mà ngáo ộp như một chàng Ivan nông dân cũng rất nhiều. Ai cũng “thủ”, tự tôn, tự ti rộn cả lên. Rốt cuộc, Kim kết luận: “Đừng mơ mộng gì nữa!”
Từ ngày bị Fernando nói thẳng đến mức tự ái không thèm nhìn mặt anh, Kim tìm ra nguồn khác để trút những than thở của mình. Cô hay viết email về kể khổ và nhận được những lời động viên của bạn bè bên nhà. Tuy nhiên họ thường làm cô khó chịu. Có người vô tư hô khẩu hiệu: “Người Việt Nam mình ở đâu cũng giỏi!”. Người thì tin tưởng cô tuyệt đối: “Kim phải đứng nhất lớp đó nhé!”. Kẻ khác thuộc hạng “ếch ngồi đáy giếng”, chúc cô một câu xanh lè: “Học giỏi cho tụi Tây lé mắt luôn!”. Kim bực mình nghĩ lỗi này do các phương tiện truyền thông chỉ đua nhau ca ngợi những gương mặt Việt Nam thành công ở nước ngoài, rồi báo chí hè nhau hoan hô các học sinh - sinh viên đoạt giải thưởng và các huy chương quốc tế. Nhưng những trường hợp đặc biệt này chiếm bao nhiêu phần trăm? Còn bao nhiêu du học sinh học hành lẹt đẹt, ngoại ngữ lõm bõm, cày ngày cày đêm cũng chỉ mong vượt qua được ngưỡng không bị điểm liệt sao họ không đưa tin? Rồi chịu khó lên mạng Internet mà xem, ở khắp nơi trên thế giới còn bao nhiêu sinh viên Việt Nam bế tắc đến nỗi phải vào bệnh viện tâm thần hay thương tâm nhất là tự hủy mình, sao báo chí không lên tiếng? Kim căm ghét cái thói sĩ diện và hay ca ngợi của dân mình. Hay là càng tự ti nên mới càng tự tôn, dạng như Thúy Hà, giáo viên Đại học đó?
<< Chiếc xe lăn nhân từ |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 909

Return to top