Bẫy Cọp
Trần Biên
Trưởng thôn nhắm nghiền đôi mắt. Ông nhắm mắt không phải để ngủ mà để không thấy rừng, không thấy núi, không thấy dòng sông, không thấy ngoại cảnh làm chi phối tâm can.
Khi nào cũng thế, để tập trung suy ngẫm ông thường nhắm mắt. Mọi kế sách đã bế tắc, thêm một mạng người nữa đã ra đi, trưởng thôn đau khổ vô cùng. Thôn trang đã vô cùng vắng vẻ, bây giờ càng não nùng hơn với vành khăn trắng. Vành khăn trắng không phải của một nhà mà cả thôn để tang thương tiếc. Không ai khóc nhưng nước mắt vẫn tràn ra trên má họ. Họ nuốt tiếng khóc vào trong, ngậm hờn, ngậm đau và ngậm cả nỗi hãi hùng để tìm kế sách đối phó. Từ độ lập làng với hơn năm chục cư dân vừa trẻ già trai gái, trưởng thôn lúc đó chừng mười lăm tuổi. Trong ký ức không quên của ông, cái thôn trang nhỏ bé trong hẻm núi này đã phải trải qua không biết bao phen gian nguy, khổ ải ngút trời, nhưng chưa phen nào thập tử nhất sinh như lúc này.
Vẫn đôi mắt nhắm nghiền, trưởng thôn lại thấy quang cảnh của hơn hai chục năm về trước... Một lũ người xiêu vẹo, rách nát, thương tích đầy mình, dẫn nhau chạy trốn. Họ đạp rừng, băng suối với dao, rựa, gậy gộc để tìm đường thoát thân. Đằng sau họ là tiếng la hét, rượt đuổi của bọn quan quân nha lại.
Trưởng thôn nén người thở dài. Cụ tổ nhà ông lúc đó cũng vào độ tuổi của ông bây giờ. Hơn bảy mươi rồi còn gì! Thế mà cụ vẫn còn dũng mãnh, thao lược. Với một cây gậy tre, cụ chỉ huy cản đường, đoạn hậu, đánh nhau với bọn quan binh, bang tá, nha lại cho đoàn người chạy thoát thân. Thuở ấy làng cụ tổ ở miệt đồng bằng bởi không chịu nổi cảnh sưu cao, thuế nặng và ức hiếp của bọn hào lý nên đã nổi dậy bắt trói lý trưởng, khống chế hương bạ, đốt hết giấy tờ, văn tự cầm cố, nợ nần của dân làng rồi bỏ chạy bán xới. Cầm đầu họ chính là cụ thân sinh ra trưởng thôn bây giờ.
Họ đi ngày, đi đêm đi sâu vào chốn rừng thiêng nước độc để lập nên một thôn trang quạnh quẽ, biệt lập cho đến bây giờ.
Cuộc hành trình va chạy trốn, vừa đánh trả đó kéo dài hơn ba mươi ngày đêm, với mười ba trận bị truy đuổi, mai phục và tập kích. Họ bị tổn thương mất mười tráng niên, năm bô lão và bảy phụ nữ. Trẻ em bị đói, bị bệnh, làng họ chỉ còn hơn năm chục người đói lả. Và, một tổn thất nữa ập đến là cụ tổ của ông bị cọp vồ vào ngay đêm đầu tiên ngôi nhà chung của làng được dựng lên. Cụ thân sinh của ông không nói một lời, vừa lo việc chôn cất, vừa lo tổ chức dân làng phòng chống hiểm họa có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Trưởng thôn lau nước mắt...
Trang sử bi hùng của sơn trang miệt rừng gắn với lịch sử gia đình ông như cuốn phim đang điễn ra trước mắt. Những mùa rẫy đầu tiên, với cái ăn chưa đủ no, người dân vàng da, tái bủng. Rồi rắn, rồi cọp beo, rồi lũ lớn... Thế mà cái làng nhỏ hiu quạnh này vẫn tồn tại qua từng ngày, từng tháng, từng năm. Cậu bé mười lăm tuổi ngày xưa bây giờ đã là một ông già bảy chục tuổi, râu tóc bạc phơ. Ông đã được phó thác, đảm nhận sứ mệnh của cụ thân sinh ngày xưa làm trưởng thôn để lo toan cái ăn, cái sống và cả cái hồn cho cả sơn trang như các bậc đi trước.
Trưởng thôn cố nén tiếng khóc vào lòng.
Ông không được yếu mềm, ông không được đổ gục trước mọi hiểm họa. Năm con trâu, Mười con bê, sáu con bò và bảy mạng người đẫ bị ngài ba móng xơi tái. Ba cuộc mai phục, săn đuổi, giăng bẫy làm mất ba mạng, vị chi là chín người ngã xuống suối vàng không nhắm mắt. Thế mà ngài ba móng vẫn còn; hiểm họa của ngài còn treo lơ lửng trước mắt mọi người từng phút, từng giây. Đêm đêm tiếng cà... uôm... của ngài trong núi vọng về. Rạng sáng người ta tìm thấy dấu chân rình mò của ngài ở khắp trong làng. Dân làng không còn dám lên rẫy, ra nương. Họ tụ tập nhau lại nhà chung, đình làng với tư thế phòng thủ nghiêm ngặt, hòng đối chọi với sự tác oai, tác quái của ngài. Thế nhưng ngài ba móng đã thành tinh thành yêu ma mất rồi! Ngài ẩn, ngài hiện lúc nào chẳng ai hay. Ngài vồ trâu, tha bò và mạng sống con người như ngóe. Món khoái khẩu nhất của ngài là thịt người sống. Ngài không bao giờ thèm xài những con vật đã chết. Hơn một lần trưởng thôn định đầu độc ngài bằng một chú heo được bơm sẵn thuốc độc, đặt ở mép nước suối Ma, ngài liền mò tới hít hít vài cái rồi lừng lững bỏ đi, không thèm đụng vào thứ thịt đã chết, chỉ tội cho bầy chó rừng phải bỏ mạng sau bữa tiệc no nê. Bây giờ thì nỗi hãi hùng lan tràn khắp mặt đất, mùi tử khí như phảng phất, rình rập quanh làng.
Năm xưa ngài chỉ là con cọp bình thường thỉnh thoảng ghé làng cõng đi con bò, con bê... dân làng phẫn nộ quyết diệt ngài. Họ đặt bẫy sập ngay tại cổng chuồng bò. Thế là ngài háu ăn bị sa bẫy. Ngài uất hận gầm rú, kêu rống và vùng vẫy. Rồi ngài thoát ra được. Ngài bị thương. Bẵng đi một thời gian im hơi lặng tiếng, rồi ngài xuất hiện. Nhưng lần này ngài đã thành cọp ba móng. Lần tái xuất này ngài hung ác hơn, tinh ma quỷ quái hơn. Chưa đầy hai tuần trăng ngài đã xơi tái sáu mạng người, bắt trâu, bắt bò, quần đảo phá nát nương rẫy. Những bẫy sập hầm chông bây giờ đối với ngài là đồ bỏ, không có tác dụng gì. Ba cuộc vây ráp, săn bắt ngài đều phải trả giá nặng nề. Ba cuộc ngài xơi tái ba vị. Kẻ nào nhắm bắt ngài, mưu toan diệt ngài, ngài vồ vào họng, cắn xé tả tơi. Mới hôm qua, tay thợ săn can trường nhất làng bí mật đặt một bẫy sập trên ngọn đồi Ma, chính giữa con đường ngài hay đi, rồi chính gã mai phục trên cây cao với những mũi tên tẩm thuốc độc. Thế nhưng ngài ba móng không sập bẫy mà còn rống lên một hồi kinh hồn, làm kẻ kia khiếp đảm rơi xuống đất chết ngất làm mồi cho ngài. Dân làng sợ hãi đồn đại lên rằng ngài ba móng đã thành tinh. Đi trước ngài luôn có những hồn ma của những người bị ngài ăn thịt; những hồn ma này bị ngài sai khiến có nhiệm vụ mở đường bảo vệ ngài. Người ta kháo nhau rằng ngài rất thiêng, ai âm mưu gì ngài, ngài biết cả. Chính những lời đồn đại này đã mang một tác động tâm lý nặng nề. Trưởng thôn đã lĩnh hội được điều này. Đối phó với mộ kẻ thù cực kỳ nguy hiểm như vậy mà lòng tin suy sụp, sự hoảng sợ bao trùm thì cầm bằng cái họa diệt vong trước mắt rồi. Ông phải tháo gỡ lời đồn thổi đó, lấy lại bình yên cho mọi người, lấy lại bình yên cho sơn trang, là sứ mệnh linh thiêng cao quý của người cầm chịch làng. Yêu tinh ma quỷ là thế lực đen tối trước sau gì cũng phải bị tiêu diệt. Ông và dân làng là con cháu, là hậu duệ của những người quật cường, đã can đảm đánh nhau với thế lục bạo tàn gian ác... thì không vì một lẽ gì mà chấp nhận diệt vong. Dù cọp ba móng đã thành tinh hay thành gì đi chăng nữa thì cũng phải tiêu diệt nó. Có tiêu diệt nó thì mới ăn yên, ở yên, sống thanh bình hạnh phúc... Lúc này sợ hãi là chết, phải anh hùng quyết tử để sống.
Trưởng thôn đã truyền đạt cái ý thức này đến với mọi người và trưa nay, hội đồng trưởng lão của làng đã họp bàn và lắng nghe. Họ chụm đầu vào nhau bàn bạc. Màu mắt của họ buồn da diết nhưng tia nhìn như có lửa vẫn rực lên. Niềm đau và nỗi căm hờn làm họ gắn chặt làm một. Trưởng thôn đã đưa ra được một kế sách, mười hai cánh tay đưa lên và bắt đầu một cuộc bốc thăm.
Thầy Cả Nhiêu ho sù sụ. Bàn tay thầy đã một lần đưa lên biểu quyết tán thành, và bây giờ, chính bàn tay xương xẩu đó đã bốc được lá thăm định mệnh. Mười người ngồi quanh đó chăm chú nhìn thầy, kể cả trưởng thôn cũng mở to đôi mắt chăm chăm nhìn thầy.
Thầy Cả Nhiêu nuốt tiếng thở dài, cố dữ phong thái điềm tĩnh mọi ngày, không ai dám lên tiếng. Cái không khí im lặng đến ngột thở này chừng như đè nặng lên lồng ngực mọi người.
Hơn năm mươi năm về trước trong đoàn người xiêu vẹo, rách nát tả tơi, bán sống bán chết chạy về phía núi rừng để tránh cuộc truy đuổi của bọn quan quân nha lại, thầy Cả Nhiêu là chú bé lên ba được mẹ địu trên lưng. Cụ thân sinh ra thầy là cụ đồ nho Bá Thước. Theo như bản cáo trạng của huyện quan sở tại bấy giờ; Bá Thước là tay đồ nho tạo phản, dùng chữ nghĩa thánh hiền kích động dân đen chống phép vua, luật nước, làm loạn quốc sự. Tội này thì phải xử lăng trì. May mà cuộc chạy trốn thành công. Cụ đồ nho chân yếu tay mềm này đã gánh nguyên được một gánh sách. Hơn ba mươi ngày đêm cực nhọc, đói khát, bị chặn đánh tả tơi, thương tích đầy mình, thế mà không biết phép màu gì làm cụ vẫn giữ nguyên được cả gánh sách với hai bồ cao có ngọn. Khi lập làng xong, cụ Bá Thước là người có học vấn và đức độ cao nhất, được dân làng trọng vọng nhất. Cụ mất đi, thầy Cả Nhiêu là người kế tục nghiệp học của cụ. Mấy bồ sách mang theo từ thời còn địu trên lưng mẹ, được dữ kỹ đến tận bây giờ.
Trong hội đồng trưởng lão của làng, thầy Cả Nhiêu là người nhỏ tuổi nhất. Thầy vừa qua tuổi ngũ thập tri thiên mệnh được chừng ba năm; nhưng nhờ học vấn cao, đức độ trong sáng như cụ Bá Thước xưa kia nên được đặc cách tham dự họp bàn những điều đại sự. Thầy thông địa lý, rành tướng số, giỏi y thuật, thấu đạt mọi lẽ huyền bí trong tuần hoàn vũ trụ. Bốn mươi tuổi thầy mới lấy vợ, sinh con. Dáng thầy gầy yếu mảnh mai nhưng ý chí của thầy thì bền vững, sắt đá.Trưởng thôn nhìn thầy dò hỏi:
- Thầy Cả có yêu cầu gì cho công việc không?
Cả Nhiêu lắc đầu rồi chậm rãi bước khỏi đình làng.
Quá trình lập làng là một chuỗi ngày đầy bất trắc, hiểm nguy. Cơ man hiểm họa rình rập, bổ lên đầu dân đen, nên lệ làng vô cùng nghiêm khắc. Con dân của làng phải biết đặt quyền lợi sống còn của làng lên trên hết. Tuân thủ lệ làng như máu huyết luân lưu trong da thịt, không thể bứt phá ra ngoài. Cả Nhiêu là người đọc sách, đã hiểu điều đó một cách tận tường. Chính vì lẽ đó mà thầy lặng lẽ ra về, với lá thăm định mệnh hằn buốt trong tim.
Thầy đi dọc con đường từ ngôi nhà chung về đến ngõ nhà mình, lưng còng xuống, cúi mặt nhìn đất. Thầy biết sau lưng các trưởng lão, bà con họ mạc và cả những con dân trong làng nữa đang nhìn theo mình. Nhưng thầy không ngoái lại, không ai chia sẻ được điều gì với thầy trong lúc này hết. Thầy đã được dạy dỗ: Kẻ sĩ khi đi vào dầu sôi, lửa bỏng, bao giờ cũng thế, phải biết giữ cái chính khí của mình. Thầy không được nhu nhược, yếu hèn, dẫu rằng tại vùng sâu thẳm cõi lòng mình đã dấy lên một cơn đau âm ỉ. Thầy cảm nhận được mùi vị cay đắng từ cổ họng trào ra. Thầy đứng sững trước cửa nhà mình. Phải nói như thế nào với chị Cả Nhiêu đây? Người đàn bà này sẽ lăn đùng ra ngất xỉu, hay kêu réo, hét toáng lên với trời đất? Thầy thấy đôi mắt mình cay cay, hình như những giọt nước mắt bắt đầu trào ra và thầy lại liên tưởng lại rằng: những oan nghiệt từ đời ông, đời cha, lại tái kiếp vào đời con, đời cháu. Tổ tiên thầy mấy đời đều chết bất đắc kỳ tử... Chết thảm khốc giữa pháp trường. Chết bị chém ngang lưng, chết bị chém rụng đầu. Họ đều là kẻ sĩ. Người phò Cần Vương, kẻ theo Văn Thân... Đến cụ thân sinh là Bá Thước dẫu đã đổi họ đổi tên ba lần, cũng không chịu nằm yên, cụ đã vùng lên chống sưu, chống thuế, kích động dân đen đốt phủ, đốt huyện, sự việc bất thành, kéo nhau bán sống bán chết chạy thẳng vào rừng sâu. Dẫu cụ Bá Thước không bị chết giữa trận tiền, nhưng vết thương bị mũi tên độc bắn phải, chữa đi, chữa lại không lành. Cụ chết vì vết thương đó âu cũng là cái nghiệp: Sinh không tử, thọ không an. Đó là số phận kẻ sĩ, và số phận đó đang tàng ẩn trong lá thăm định mệnh mà thầy Cả Nhiêu bốc được, để đến bây giờ thầy như đứng chôn chân tại ngưỡng cửa nhà mình.
Vợ thầy, con thầy như linh cảm được điều gì, họ đón thầy với cặp mắt lo lắng, đợi chờ. Màu mắt của họ như một luồng điện cực mạnh chạy dọc xương sống thầy, làm thầy tê cứng mọi nghị lực, mọi lý lẽ. Và thầy vẫn đứng chôn chân như vậy giữa cái buổi trưa oi nồng mà tiếng cà... uôm... của cọp ba móng từ rất sâu trong núi thẳm vọng về. Chính cái thời khắc này, thầy cần một lần duy nhất khóc thật to trong cuộc đời mình.
Con bé được cho ăn ngon mặc đẹp. Đó là điều kỳ lạ với nó. Bố nó, thầy Cả Nhiêu dạy con vốn rất mực nghiêm khắc. Lấy cái cần kiệm làm đầu, cái tu thân làm chính. Con người ta vốn dĩ hư hỏng, hám ăn ngon, hám mặc đẹp, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến người khác là quên cái Đức, cái Nhân. Thế nhưng ba ngày hôm nay, sự thể thay đổi. Ngôi nhà của thầy có nhiều người đến thăm viếng. Họ chắt bóp những đồ ăn ngon nhất đến tặng con bé. Những cái áo, cái váy đẹp nhất mà mẹ nó cất dành khi lễ hội được đem ra khoác lên người nó. Tuy nhiên con bé vẫn ngơ ngác không hiểu được điều gì! Tất cả đều thầm lặng như cái bóng. Không ai nói một lời ngoài những cái hôn lên trán nó. Anh nó cũng được dự phần trong những bữa ăn có thức ăn ngon nhưng anh nó không được mang áo đẹp. Còn bố nó, thầy Cả Nhiêu suốt đêm ngồi ẵm nó trong lòng. Thầy ít khi âu yếm chăm sóc con. Nhưng sự thể hôm nay đổi khác. Thầy ru con bằng những bài kinh thơ, giọng thầy cất cao chất chứa nỗi niềm. Thầy ân hận một điều, giá từ trước tới nay thầy đừng đem phép tắc dạy dỗ nó, đừng quá nghiêm khắc với nó. Cứ để nó thoải mái rong chơi, tự do hồn nhiên sống, hồn nhiên ăn, hồn nhiên hưởng hạnh phúc tuổi thơ. Phép tắc và lễ giáo mà làm chi khi sự sống con người ta mỏng manh quá. Ôi! Đôi mắt nó to tròn đen láy. Đôi môi nó mọng đỏ và tóc có mùi hương hoa lài. Mẹ nó mấy ngày hôm nay tắm rửa cho nó băng hương hoa lài. Trời ơi! Mùi hương này để thiên thu cho thầy nhớ...
Cho đến buổi chiều ngày thứ ba, khi mặt trời chưa tắt hẳn, ráng chiều còn ói đỏ thôn trang. Lại bữa ăn có thức ngon dọn lên, nào gà quay, thịt rán, bánh ngọt, xôi thơm... nhưng con bé ớn lắm rồi. Nó ngồi cầm đũa tư lự. Anh nó từ chối bữa ăn, theo bạn bè về tụ tập ở đình làng. Mẹ nó vẫn im lặng muôn thuở, nhưng gầy đi, hốc hác lắm rồi. Bố nó ngồi gắp thức ăn cho nó, dỗ cho nó ăn và lại cho nó nghe những bài kinh thơ nói về những đứa con hiếu thảo. Tiếng hát của ông khàn đi và tắt lịm khi bóng đêm dần trải xuống. Bỗng dưng, con bé có cảm giác kỳ lạ. Từ trong thức ăn, hay từ một mùi hương đâu đó xông lên, nó thấy nhẹ nhàng, bay bổng, lâng lâng. Rồi bố nó, mẹ nó biến mất. Rồi ngôi nhà đảo nghiêng, đảo ngửa và những người đàn ông mang những bộ quần áo đen lặng lẽ xuất hiện. Họ bồng con bé lên nhẹ nhàng, bỏ vào củi sắt lặng lẽ khiêng đi. Họ đi qua con đường cái của làng. Cả làng đen tối không một ánh đèn. Họ đi về phía suối Ma với tiếng gió rầm rì, tiếng thác đổ ào ào. Con bé vẫn còn dãy dụa, la hét, nhưng không ai tiếp cứu nó. Bố mẹ nó mất hút. Anh trai nó mất hút. Dân làng nó mất hút... Chỉ có gió rừng nỉ non và bước chân của những người khiêng củi. Con bé lại ra sức la hét, to hơn, khiếp đảm hơn. Tiếng la của nó lộng trong gió rừng, dội vào vách núi, đồng vọng trở lại những chuỗi dài âm thanh thê thảm. Mãi cho tới khi nó khàn hơi tắt tiếng thì vầng trăng nhô lên khỏi rừng cây. Trăng cũng lạnh lẽo não nùng. Cảm giác sợ hãi càng lớn dần, rờn rợn chạy khắp người con bé. Nó không định vị được không gian, thời gian, chỉ thấy hư ảo sắc xanh bàng bạc của trăng đêm và lá bủa trùm lên người nó. Nó cố giương mắt nhìn kỹ vào màn đêm nhưng không thấy gì hết. Tuy nhiên nó biết củi sắt được đặt giữa rừng sâu bên con suối nhỏ và những người khiêng củi cũng đã biến lâu rồi. Dẫu mới mười tuổi, nó cũng hiểu, nó là con mồi để nhử cọp vào bẫy sập.
Chiếc củi lại được khiêng trở về làng...
Dọc con đường từ suối Ma trở về làng người ta rải đầy hoa trắng. Người ta thương khóc và tặng hoa cho linh hồn con bé. Nó phải được đưa trả về nơi nó sinh ra. Nó phải được chôn cất bên tổ tiên, ông bà, xóm làng của nó.
Vậy là kế sách dùng trẻ con làm mồi nhử cọp của Hội đồng trưởng lão sơn trang hoàn toàn sụp đổ. Tảng sáng hôm ấy, đội dân binh và những tay thợ săn lão luyện tìm tới suối Ma, nơi cọp ba móng thường ra săn mồi và uống nước. Nơi đây một trận địa mai phục liên hoàn nhiều hầm chông và bẫy sập, nhiều cung nỏ tẩm độc tự động, và lưới giăng bao kín. Ai cũng khấp khởi hy vọng nhưng rồi tất cả đều sững sờ bởi thấy con bé đã chết cứng trong cũi sắt tự bao giờ! Con cọp ba móng này quả là đồ tinh ma. Nó gầm rú vang dội núi rừng, khiến bé chết khiếp vì sợ hãi rồi ẩn mình mất dấu, chỉ có chú nai vàng hiền lành, vô tội không may sa bẫy.
Trưởng thôn khi tận tường sự việc, đã uất người lên. ông mửa trào cả ngụm máu tươi và thốt lên đau đớn:
- Há lẽ ta khong bẫy được cọp, chỉ bẫy được nai thôi sao?
Từ giờ phút ấy, nghị lực và ý chí của trưởng thôn tan dần. Ông rũ người xuống trên chiếc gậy của mình trầm lặng, thất thểu cùng chiếc cũi sắt trở về làng.
Con đường về làng buổi sáng ấy dài lê thê và ảm đạm. Những tay thợ săn lì lợm nhất, cả đời chưa biết khóc cũng đưa tay chùi nước mắt. Tại làng, hương khói được đốt lên nghi ngút dọc theo con đường cái mà đêm qua những bóng đen thầm lặng đã khiêng con bé ra đi.
Thầy Cả Nhiêu qua một đêm thức trắng, thầy hiểu mình đang đứng trước thời khắc tan nát của trái tim. Lá thăm định mệnh mà thầy bốc phải ẩn tàng một số phận đã dược dự báo, giờ đây thành hiện thực nghiệt ngã khiến không biết phải làm tiếp những gì! Thầy đứng như trời trồng trong những phút giây người ta khâm liệm cho con bé. Khuôn mặt của nó còn mang dấu ấn nỗi kinh hoàng. Thầy đưa bàn tay với những ngón thon dài, gầy guộc vuốt mắt cho con. Bàn tay này thầy đã đưa lên biểu quyết tán thành. Bàn tay này thầy đã bắt lá thăm sinh tử và cũng chính bàn tay này thầy đã vuốt mặt tạ từ con.
Trong cái giờ phút não lòng này chị Cả Nhiêu cười rũ rượi, hóa điên mất rồi. Tóc chị rối tung xõa ra trong gió. Chị đứng tại ngưỡng cửa nhà mình để đón con, chị đón con bằng hai tay vỗ nhịp vào nhau và nhảy múa tưng bừng.
Trưởng thôn, lần đầu tiên trong đời cảm thấy mình là người có tội.
Chị Cả Nhiêu hóa dại. Thầy Cả Nhiêu trở nên thần bí.
Những điều này cả thôn trang ai cũng hay biết, nhưng không ai dám bàn tán gì. Họ thở dài chia sẻ và lo âu cùng nhau mỗi khi xế bóng chièu tà. Vì dẫu sao, dưới ánh nắng mặt trời ban ngày, họ còn nhìn rõ nhau, nỗi sợ hãi sẽ vơi đi. Nhưng đêm về, màn đêm đen tối hãi hùng cùng cái chết chờ chực, làm sao trái tim không se thắt lại!
Tiếp sau cái chết của con bé, lại thêm một người nữa đang đêm bị ngài ba móng vào tận nhà xé xác. Trưởng thôn muốn dời làng ra đi, nhưng gian nan quá, cực nhọc quá. Với lai, mảnh đất này đã đi vào máu thịt, ai nỡ bỏ cho đành.
Cuộc phòng chống dù đến đỉnh điểm cao trào nhưng cũng bộc lộ điều bất lực, thúc thủ. Trưởng thôn muốn tâm sự với thầy Cả Nhiêu đôi lời nhưng thầy lánh mặt. Ban ngày người ta nghe thầy giảng kinh sách cho cậu con trai với giọng rốt ráo chừng như thầy sợ không còn cơ hội để giảng giải cho con. Khi nữa chiều tà lại thấy thầy ôm đàn bầu ra dạo. Giọng chìm, giọng nổi, giọng thê lương như là thầy không thiết sống nữa mà muốn đi theo con gái của mình. Tâm trạng u uất đấy được thầy gửi gắm vào tiếng đàn như cào cấu vào gan ruột từng người. Không ai chấp trách thầy, hẳn thầy buồn quá!
Bỗng nhiều hôm người ta thấy thầy ôm đàn đi về phía suối Ma. Thầy ngồi đàn khi bắt đầu chập tối mà người ta không biết thầy trở về nhà lúc nào. Những tay săn lì lợm họp thành nhóm năm, nhóm ba bí mật bám theo thầy. ý đồ họ canh chừng cho sự an nguy của thầy và cũng tò mò muốn biết thầy làm sao sống còn trên con suối Ma đó. Nhưng người tò mò nhất là trưởng thôn. Một đêm trăng sáng vằng vặc ông bí mật vào rừng và không tin vào mắt mình nữa. Trên bờ suối Ma, thầy Cả Nhiêu tĩnh tọa như ngồi thiền, hai mắt nhìn thẳng phía trước rực lên như hai đốm lửa. Từ chỗ thầy ngồi vang lên tiếng đàn nhặt thưa, lúc mượt mà êm ái như lụa là, nhung, gấm; lúc nức nở ai oán như trách phận than thân. Ừ, thầy cứ đàn di cho vơi bớt nỗi lòng nhưng sao lại chọn chỗ tử địa này giữa đêm hôm khuya khoắt, một thân một mình? Không, thầy không ngồi một mình! Chợt trưởng thôn dựng tóc gáy khi phát hiện cách chỗ thầy ngồi không xa cũng có hai đốm lửa đỏ ngầu. Trời ơi! Đích thị là ngài ba móng. Ngài ngồi đó lặng im như một phiến đá dỏng tai nghe ngóng. Ngài đang nghe những âm thanh kỳ thú mà từ thuở lọt lòng đến giờ mới biết hay đang rình chủ nhân của những âm thanh đó? Rất có thể ngài kiên trì mai phục đợi giây lát nào đó thầy Cả Nhiêu sơ hở sẽ chồm lên xé xác thầy. Không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra sau đó. Mục kích cảnh tượng có một không hai này trưởng thôn vội vã trở về làng với trạng thái lâng lâng, dật dờ. Ngay từ hôm đó ông rỉ tai từng người: “Thầy Cả Nhiêu luyện tiếng đàn thần để trị cọp”. Chẳng rõ thực hư chuyện này ra sao, nhưng ngày ngày người ta vẫn nghe tiếng thầy sang sảng giảng kinh sách cho cậu con trai và lời lẽ ân cần dỗ dành bà vợ ngây ngây, dại dại của mình.
Cho đến một hôm khi vầng trăng vàng ối lên đến đỉnh đầu, trưởng thôn bị đánh thức bởi cậu bé con trai của thầy Cả Nhiêu. Cậu đưa cho ông phong thư mà trong đó bố cậu đã cặm cụi cả một buổi chiều để viết. Trưởng thôn đọc cặn kẽ từng chữ, và cũng rất vội vàng ông tập hợp dân binh và những tay thợ săn thiện nghệ lại. Mệnh lệnh của ông rất rõ ràng. Sự phân công rất chặt chẽ. Rồi tất cả thầm lặng gấp rút ra đi. Hướng tiến quân của họ cũng về suối Ma. Họ đi rất cẩn trọng. Khi khoảng cách ngang tầm bắn của những cung thủ, họ được lệnh mai phục và lặng lẽ bò lên. Bốn bề tĩnh mịch chỉ có tiếng lá rừng xào xạc trên đầu. Không nghe một tiếng đàn địch nào nữa. Thầy Cả về nhà rồi chăng? Đám dân binh cầu mong điều đó đã xảy ra nhưng linh tính lại mách bảo họ nơi đây vừa mới xảy ra một cái gì đó khủng khiếp lắm, ghê rợn lắm. Bỗng tất cả mọi người hốt hoảng bật cả dậy, quá đỗi kinh ngạc thấy xác thầy Cả Nhiêu bị phanh thành nhiều mảnh nằm rải rác trên đám cỏ, bụi cây. Cạnh đó là xác ngài ba móng sùi bọt mép, mắt trợn ngược, nằm thõng thượt bất động.
Cuộc chiến đã kết thúc, kẻ thù truyền kiếp đã bị diệt, hiểm họa đã tan nhưng chiến thắng này để lại trong lòng người dân sơn trang những nỗi đau khôn cùng và tổn thất không gì bù đắp.
Bây giờ người ta mới biết, thầy Cả Nhiêu đã dày công tìm kế sách. Phải triệt tiêu móng vuốt của ngài ba móng. Phải hủy diệt sự khát máu của ngài bằng chính bản chất khát máu của ngài. Ngài khoái khẩu món thịt người sống thì ngài sẽ được chén đã một bữa nhớ đời. Thầy dày công tìm tòi, chắt lọc, chưng cất một thứ độc dược nồng độ cao nhất. Thầy dẫn dụ ngài ba móng đến gần bằng tiếng đàn kỳ diệu của mình. Rồi đợi đến thời điểm quyết định nhất, ấy là lúc ngài đói mồi, liên tục quật đuôi phầm phập xuống đất, thầy ngửa cổ tu một hơi cạn chai độc dược cực mạnh và từ từ gục xuống đè lên cây đàn thân yêu. Chỉ đợi có thế, ngài ba móng lao vụt tới chồm lên người thầy, thả sức cắn, xé, nuốt...Và cái gì đến tất phải đến. Ngài xơi phải thứ độc dược ngấm vào da thịt thầy, ngài phải đền mạng.
Kế sách thầy Cả Nhiêu lựa chọn, nói cho cùng là điều bất đắc dĩ nhưng tâm nguyện thầy muốn thế, thầy sẵn sàng nhận mạng đổi mạng, nhưng sự hoán đổi này vời vợi hơn, cao cả hơn nhiều lần, ấy là đổi một mạng người cứu sống muôn người. Phàm là kẻ sĩ, không được đắn đo. Tâm nguyện đó đã được thầy bộc bạch trong lá thư để lại trưởng thôn, có đoạn: “Bởi đã được dạy dỗ kẻ sĩ là người nhận lãnh trách nhiệm nặng nề của xã hội, chịu phần thiệt thòi cho bản thân và gia đình. Số phận của kẻ sĩ đa phần sinh bất thọ, tử bất an. Nhưng đã đọc sách thánh hiền dạy làm kẻ sĩ, máu huyết được lưu truyền nòi giống thì phải biết làm tròn sứ mệnh. Không có cách nào khác”.