Ưu Quốc
Mishima Yukio
Mishima Yukio (bút hiệu của Hiraoka Kimitake, 1925-1970) là một trong những văn sĩ đương đại Nhật Bản nổi tiếng. Năm 1947, ông tốt nghiệp phân khoa Luật tại Ðại học Tokyo, rồi sau đó cống hiến cả đời mình cho một sự nghiệp văn học dồi dào và đa dạng: tiểu luận, sân khấu, tiểu thuyết, truyện ngắn, du ký... Ông đã được ba giải văn học lớn của Nhật.
Truyện ngắn "Ưu Quốc" (Yukoku) dưới đây mở đầu có nhắc tới ngày 26 tháng 2, một ngày máu đã đổ trên đất Phù Tang nhưng bản tiếng Pháp không chú dẫn. Văn hữu Nguyễn Nam Trân (Tokyo) đã giải thích liên hệ giữa Ưu Quốc với ngày lịch sử này như sau:
Biến cố 26 tháng 2 là cuộc đảo chánh năm Chiêu Hòa 11 (1936) của một nhóm sĩ quan lục quân trẻ tuổi phái bảo hoàng nhằm lật đổ chính phủ (theo họ là một chính quyền thối nát, làm kinh tế suy sụp, gây nạn đói), để lập một nội các mới. Nhóm sĩ quan này dẫn khoảng 1400 phần lớn là tân binh đi vây các dinh thự và giết chết năm Bộ trưởng phái dân sự, nhưng lại để Thủ tướng thoát được. Tuy họ ủng hộ Thiên hoàng, đòi ông ra thân chính, song Thiên hoàng Chiêu Hòa (Showa hay Hirohito) lại không chấp nhận phiến loạn, đã sát hại các đại thần do mình bổ nhiệm nên ra lệnh cho hải quân tiêu trừ. Ðiều này đưa đến nghịch cảnh là một số quân nhân phái bảo hoàng được lệnh nổ súng vào những người cùng chung chí hương. Sau đó, loạn quân đã phải quay về doanh trại, và các sĩ quan cầm đầu bị hành quyết ngay giữa Tokyo. Tuy thất bại kỳ đó, nhưng sau này thế lực quân phiệt càng ngày càng mạnh, dần dà họ nắm trọn chính quyền với tướng Tojo Hideki (Ðông Ðiều Anh Cơ), và nhảy vào đại chiến thứ hai.
Mishima rất ngưỡng mộ lý tưởng của cuộc binh biến ngày 26-2 này, mà ông cho là "biểu tượng của tình yêu nước trong trắng, không vụ lợi ". Năm 1970, ông cùng 30-40 người đồng chí trong Câu lạc bộ Cái Khiên (Tate No Kai, Club of Shield, một binh đội tư nhân do ông thành lập) đã gây một vụ "đảo chính" tương tự ngay doanh trại Bộ Quốc phòng Nhật, nhưng không ai theo mà còn chế nhạo, nên đã mổ bụng tự sát, lúc đó mới 45 tuổi.
Truyện ngắn này đã được dựng thành một cuốn phim ngắn, rất diễm tình, do Mishima đóng vai chính.
Xin cám ơn văn hữu Nguyễn Nam Trân đã vui lòng đọc lại bản dịch so với bản gốc Nhật ngữ. Bản tiếng Pháp dịch từ Anh ngữ, vài chỗ khá tối nghĩa và không lột tả được những nét đặc thù rất Nhật.
*
Một
Ngày 28 tháng 2 năm 1936 (tức ngày thứ ba sau cuộc Binh Biến 26 tháng 2), trung úy Takeyama Shinji thuộc trung đoàn bộ binh cận vệ thiên hoàng - đau đớn biết rằng các bạn thân nhất của mình đã tham gia cuộc nổi loạn, và căm phẫn trước tình thế bắt buộc các toán quân hoàng gia sẽ phải tấn công nhau - đã mổ bụng theo đúng nghi lễ bằng thanh kiếm tùy thân, trong căn phòng tám chiếu (1) tại nhà riêng thuộc quận Yotsuya, khu 6 xóm Aoba-chô. Vợ anh, Reiko, noi gương chồng, cũng tự vẫn theo. Lá thư từ biệt của trung úy chỉ gọn một câu : "Quân đội Hoàng gia muôn năm ". Còn vợ anh, sau khi tạ tội song thân sẽ phải nghịch đạo hiếu vì làm con mà chết trước cha mẹ, chấm dứt thư mình : "Ngày phải đến đã đến với vợ một quân nhân...". Những giây phút cuối cùng của đôi lứa trung trinh tiết liệt này đã khiến thánh thần cũng phải khóc. Nên lưu ý rằng trung úy chỉ mới ba mươi mốt tuổi và vợ hăm ba; chưa tới nửa năm trôi qua kể từ ngày cưới.
Hai
Ai thấy hình cưới cũng choá mắt chẳng kém người đã tham dự hôn lễ, không tiếc lời khen ngợi dáng dấp và sắc đẹp đôi trai trẻ. Viên trung úy đứng oai vệ trong bộ quân phục, tay phải trên đốc kiếm, mũ lưỡi trai trong tay trái, như đang che chở cô vợ thanh xuân. Anh có vẻ mặt oai nghiêm, và dưới cặp chân mày đen rậm, cái nhìn của đôi mắt to toát ra nét trẻ trung, ngay thẳng. Thật khó tưởng tượng nổi cái gì có thể sánh với nhan sắc cô vợ trong tấm áo cưới mà sự gợi cảm và nét tao nhã hoà quyện vào nhau; môi đầy đặn, mũi thanh tú, mắt bình thản dưới đôi mày mềm dịu. Bàn tay cầm cây quạt e ấp nhô khỏi cánh áo kimono, và các đầu ngón tay chụm lại như mầm mẫu đơn (2).
Sau cuộc tự vẫn, khi cầm lại tấm hình quan sát, ai cũng buồn bã than trách sao những cuộc hôn phối bề ngoài có vẻ hoàn hảo như vậy lại đã ngầm chứa điềm gở. Có thể chỉ là tưởng tượng, nhưng nhìn tấm hình sau thảm kịch, trông đúng là đôi trẻ bất động trước tấm bình phong sơn mài dát vàng kia đều có đôi ngươi trong vắt hệt nhau, đang chăm chăm nhìn thấu suốt trước cái chết đang chờ đợi họ.
Nhờ sự giúp đỡ của ông mai hôn lễ, Trung tướng Ozeki, họ kiếm được căn nhà mới xóm Aoba-chô quận Yotsuya. Nói nhà mới thì cũng hơi quá. Thực ra là thuê căn nhà cũ ba gian phía sau trông ra vuông vườn nhỏ. Vì cả gian sáu chiếu lẫn bốn chiếu rưỡi ở tầng trệt không hưởng được ánh mặt trời, họ dùng gian tám chiếu ở tầng trên làm phòng tiếp khách và phòng ngủ. Không có người giúp việc nên Reiko trông nhà một mình khi chồng đi vắng.
Họ miễn chuyện đi hưởng tuần trăng mật, viện cớ đất nước đang trong tình trạng báo động, và qua đêm tân hôn trong căn nhà này. Hôm đó trước khi đi ngủ, Shinji ngồi trên chiếu, thẳng ngực, cây kiếm đặt trước mặt, thuyết cho vợ cả một bài huấn thị về đạo đức nhà binh. Ðàn bà làm vợ quân nhân phải biết rằng chồng mình có thể chết bất cứ lúc nào, và phải chấp nhận chuyện đó một cách dứt khoát. Có thể là ngày mai. Hay ngày kia. Nhưng thời điểm nào không quan trọng, điều quan trọng là em đã hoàn toàn vững chí chấp nhận chuyện ấy chưa? Reiko đứng lên mở ngăn kéo bàn viết lấy ra vật quý giá nhất trong mấy món hồi môn, thanh đoản đao mẹ tặng. Trở về chỗ ngồi, cô đặt thanh đao trước mặt không nói tiếng nào, hệt chồng đã đặt thanh kiếm của anh. Họ như kết ước với nhau tức khắc trong im lặng, và viên trung úy không bao giờ còn phải tìm cách thử thách quyết tâm của vợ nữa.
Trong những tháng đầu sau đám cưới, nhan sắc Reiko ngày càng rực rỡ, cô rạng ngời với vẻ trong sáng trầm tịnh của mặt trăng sau cơn mưa.
Vì cả hai đều trẻ trung khỏe mạnh, họ yêu nhau với tất cả đam mê. Và không phải chỉ về đêm thôi. Nhiều lần về thẳng nhà sau buổi thao diễn, vừa bước vào ngay cả không kịp cởi bỏ bộ quân phục đầy bùn, viên trung úy đã vật vợ xuống sàn. Reiko phơi phới độ nồng nhiệt tương đương. Khoảng một tháng sau đêm hoa chúc, Reiko thực tình tràn trề hạnh phúc, khi nhận biết điều ấy, trung úy cũng sung sướng như cô.
Thân thể Reiko trinh tiết trắng ngần. Biết chống cự mãnh liệt như muốn giữ gìn vẻ thanh khiết nhưng vừa thuận tình là bộ ngực e ấp tròn trịa đã hào phóng toả ra hơi ấm. Ngay cả trên giường, cả hai vợ chồng đều nghiêm trang đến sợ. Trên tột đỉnh điên cuồng nhất của nỗi say đắm cùng cực, họ cũng giữ con tim nghiêm chỉnh trong trắng.
Trong ngày, trung úy nghĩ đến vợ vào lúc tạm nghỉ tập huấn, và suốt ngày ở nhà, Reiko hình dung bóng dáng chồng. Ngay cả lúc vắng anh, cô chỉ cần nhìn tấm hình cưới để nhận chân hạnh phúc của mình. Reiko không mảy may ngạc nhiên khi thấy người đàn ông chỉ mấy tháng trước còn hoàn toàn xa lạ, nay bỗng trở thành mặt trời mà toàn thể vũ trụ của mình xoay chuyển chung quanh.
Tất cả những điều đó đều có cơ sở đạo lý : theo điều dạy trong sắc lệnh về giáo dục của Thiên hoàng mà họ tuân phục, vợ chồng phải "sống trong sự hoà hợp". Chẳng lần nào Reiko nói trái ý chồng, và viên trung úy không có dịp nào phiền trách vợ. Trên bàn thờ Thần Ðạo dưới cầu thang bên cạnh tấm bảng đề Thần Cung Hoàng Tộc (3) có đặt tấm hình Thiên hoàng với hoàng hậu, và đều đặn mỗi sáng trước khi tới nhiệm sở, trung úy cùng vợ dừng lại chỗ thiêng liêng này cúi đầu thật thấp. Nước cúng thay mỗi ngày, và nhánh cây thiêng sakaki (4) luôn luôn tươi xanh. Họ sống dưới sự phù hộ của thánh thần và từng chân tơ kẽ tóc trên người đều rung động một niềm hạnh phúc tràn trề.
Ba
Căn nhà Bộ trưởng bộ Tư pháp Saito nằm cùng trong khu; vậy mà hai người không nghe tiếng súng nổ tảng sáng ngày 26 tháng 2. Chỉ mười phút sau thảm kịch, hồi kèn gọi tập họp trong buổi bình minh ngập tuyết đã đánh thức viên trung úy. Nhảy vội khỏi giường không một lời, anh mặc quân phục, dắt thanh kiếm vợ trao rồi vội vã lao ra; đường sá phủ đầy tuyết và trời hãy còn đêm. Anh chỉ trở về chiều tối ngày 28.
Về sau nghe đài phát thanh, Reiko mới hiểu mọi chi tiết sự bùng nổ bạo lực thình lình ấy. Trong hai ngày tiếp đó cô đã sống một mình trong sự yên tịnh tuyệt đối, cửa kín then cài.
Trên gương mặt trung úy khi anh bước ra dưới tuyết, Reiko đã đọc thấy lòng quyết tử. Và cô lấy quyết định riêng mình là nếu chồng không trở về, cô cũng sẽ chết theo thôi. Cô bình tĩnh phân phát tài sản của mình. Chọn mấy tấm kimono trang trọng nhất để làm quà kỷ niệm cho các bạn thời thơ ấu và bạn học, gói ghém cẩn thận rồi viết tên với địa chỉ trên mỗi gói. Chồng thường ngăn cấm nghĩ tới ngày mai, Reiko không bao giờ viết nhật ký và mất đi cái thú đọc tới đọc lui rồi đốt dần các trang giấy ghi lại từng chi tiết hạnh phúc của mình mấy tháng sau này. Bên cạnh máy phát thanh là con chó nhỏ bằng sứ đứng cạnh nào thỏ, sóc, gấu, chồn. Có cả chậu hoa nhỏ và bình nước con. Reiko không sưu tập gì khác. Nhưng khó phân phát mấy món đó làm di vật, cho chúng theo vào quan tài bằng được thì cũng không đáng. Khi miên man như vậy, cô cảm thấy sắc diện các con vật kia càng u buồn xa xăm hơn.
Reiko cầm con sóc lên nhìn. Rồi tâm trí hướng về miền thăm thẳm cao xa, nơi có cái gì đáng cảm phục vượt lên hẳn quyến luyến quá trẻ con của mình, đó là cái nguyên tắc sáng rõ như mặt trời mà chồng cô hiện thân. Reiko sẵn sàng lao nhanh vào chỗ chết và sung sướng được tháp tùng chiếc linh xa chói lọi thái dương - nhưng trong vài giây phút cô đơn, cô dịu dàng thả lòng mình về những phù phiếm ngây thơ vô tội ấy. Xa quá rồi, cái thời cô thật sự yêu thích mấy món vặt vãnh đó. Từ nay chỉ còn yêu cái kỷ niệm là xưa kia đã từng yêu thích chúng, và chỗ các món ấy đã chiếm lĩnh trong tim cô thuở trước giờ đây tràn trề niềm đam mê mãnh liệt hơn nhiều với hạnh phúc điên cuồng... Bởi ngay cả tận đáy lòng Reiko cũng không bao giờ gọi tên những lạc thú nhục dục say sưa đêm ngày kia là khoái lạc. Cái lạnh tháng hai và sự tiếp xúc băng giá với con sóc bằng sứ làm tê cóng những ngón tay thanh tú; dù sao đi nữa, với ý nghĩ giây phút hai cánh tay mạnh mẽ chồng vươn ra chờ đón mình, cô cảm thấy trong phần thân còn lại, dưới làn lót có nét vẽ đều đặn của tấm kimono sít sao bằng tơ meisen, toát ra chất mồ hôi hâm hấp xác thịt nóng hổi làm tan được cả băng tuyết..
Cô không hề sợ cái chết đang trăn trở trong đầu. Chờ ở nhà một mình, Reiko tin rằng những gì chồng cảm nhận, ta thán, lo buồn hay suy nghĩ cũng đều đưa cô tới cái chết hoan hỉ - chắc chắn như quyền lực thịt da anh trên thân thể cô vậy. Có cảm tưởng mọi ý nghĩ dù nhỏ nhoi của chồng cũng sẽ dễ dàng biến chất loãng tan trong thân xác mình.
Lắng tai trước thông tin dồn dập trên đài phát thanh, cô nghe xướng tên nhiều bạn đồng ngũ của chồng trong số sĩ quan nổi dậy. Loại tin tức đó loan báo cái chết. Chăm chú theo dõi biến cố và khi tình hình ngày càng trở nên không thể đảo ngược, cô lo âu tự hỏi sao không có sắc lệnh của Hoàng gia can thiệp, để đến nỗi cái mà lúc đầu người ta xem là phong trào nhằm tái lập danh dự quốc gia lại dần dà biến thành điều ô nhục bị gọi là phiến loạn. Không tin tức gì từ trung đoàn. Dường như người ta có thể lại tác chiến bất cứ lúc nào trên đường phố còn đóng đầy tuyết.
Ngày 28 vào khoảng mặt trời sắp lặn, tiếng đập ầm ầm trên cửa ra vào khiến Reiko giật bắn người. Cô vội vã đi xuống. Vừa vụng về kéo ổ khoá và thoáng thấy lờ mờ qua lớp kính dày một bóng người lặng lẽ, cô biết là chồng. Chưa bao giờ ổ khoá cứng đến vậy. Nó không chịu nhường bước. Cửa không chịu mở.
Giây sau, khi cô vừa biết mình mở được cửa thì trung úy đã đứng bên cạnh trên nền xi măng tiền sảnh, cổ rụt vào tấm áo choàng ka ki, đôi ủng dính bùn nặng cứng. Anh đóng cửa lại sau lưng và đẩy chốt khoá. Cử chỉ này nghĩa là gì? Reiko không hiểu.
- Anh mới về.
Reiko cúi người thật thấp nhưng chồng không đáp. Vì anh vừa tháo kiếm và sắp cởi áo choàng, Reiko vòng ra sau giúp anh. Tấm áo ẩm lạnh không còn mùi phân ngựa bình thường vẫn toát ra dưới nắng, trĩu nặng trên tay cô. Treo lên móc, ôm chặt chiếc dây nịt da và cây kiếm trong đôi tay áo rộng, chờ chồng tháo ủng để cùng anh lên phòng khách. Ðấy là căn phòng sáu chiếu ở tầng trệt.
Dưới ánh đèn, khuôn mặt chồng phủ lớp râu quai nón dày đã hai ngày không cạo trông hốc hác tiều tụy khó nhận ra. Má hõm vào mất vẻ tươi sáng rắn rỏi. Thường thì anh thay đồ ngay và đòi ăn tối, nhưng lần này cứ ngồi trước bàn, vẫn còn mặc quân phục, đầu cúi thấp, nặng trĩu âu lo. Reiko không dám hỏi có phải làm cơm tối không. Một lát, anh nói :
- Anh hoàn toàn không biết gì hết. Họ không thèm rủ anh nhập bọn. Chắc tại vì anh mới đám cưới. Kano, Homma nữa, và cả Yamaguchi.
Reiko thấy lại trong chốc lát khuôn mặt các sĩ quan trẻ đầy nhiệt tình, những người bạn của chồng thỉnh thoảng mời về nhà.
- Có thể ngày mai Thiên Hoàng sẽ xuống chiếu. Anh nghĩ họ sẽ bị gọi là bọn phiến loạn. Anh sẽ được giao quyền chỉ huy một đơn vị và nhận lệnh tấn công họ... Anh không làm được. Không thể nào làm một việc như vậy.
Rồi tiếp :
- Người ta miễn phiên gác của anh cho phép về nhà đêm nay. Nhưng sáng mai, nhất định, anh sẽ phải trở lại để tấn công họ. Anh không làm thế được, Reiko.
Reiko ngồi thẳng thớm, mắt nhìn xuống. Cô hiểu rõ ràng chồng nói về cái chết. Viên trung úy đã dứt khoát. Bắt rễ từ cái chết, mỗi lời anh mạnh bạo nhả ra ý nghĩa trọn vẹn của nó, sáng rõ như được ghi trên nền đen bất động. Mặc dầu trung úy nói như thể còn bị đặt giữa hai con đường phải chọn, nhưng thâm tâm anh không có chỗ cho lòng do dự.
Dù sao, sự im lặng giữa hai người có cái gì rất minh bạch, như nước trong vắt của giòng suối từ băng tuyết tan. Ngồi trong nhà mình sau hai ngày dài thử thách, lần đầu tiên trung úy cảm thấy yên ổn thực sự. Vì anh hiểu ngay rằng vợ đã đoán biết quyết định của chồng ẩn sau lời nói, dù cô không phát biểu chi cả.
Ðôi mắt trung úy mở thật to. Dù mệt mỏi cùng cực, cái nhìn của anh vẫn mạnh mẽ trong sáng, và lần đầu tiên chiếu thẳng vào mắt vợ. "Vậy thì.... tối nay anh sẽ mổ bụng".
Reiko không hề dao động.
Cái nhìn bình tĩnh của cô căng ra tựa sợi dây đàn đánh âm cao. Cô nói :
- Em đã sẵn sàng. Em xin phép được theo anh.
Viên trung úy cảm thấy gần như bị thôi miên trước sức mạnh ánh mắt cô. Anh trả lời nhanh chóng dễ dàng như người ta nói trong cơn mê sảng; và chính anh cũng không hiểu làm sao một sự xin phép nặng nề hậu quả dường ấy lại có thể được chấp thuận nhanh nhẹ dường này :
- Ðược rồi. Chúng ta sẽ cùng ra đi. Nhưng trước hết anh cần em làm nhân chứng cho sự tự sát của anh cái đã. Em hiểu không?
Khi điều đó thốt ra, một niềm hạnh phúc mãnh liệt bất ngờ bao phủ lấy hai người. Tim Reiko xúc động mạnh trước lòng tin cậy trọng đại của chồng. Ðiều chính yếu đối với trung úy là, dù gì xảy ra sau này chăng nữa, cái chết của anh phải hoàn toàn đúng nghi thức. Cần phải có người chứng kiến. Sự kiện chọn vợ là bằng cớ thứ nhất của lòng anh tin cậy. Biểu hiện thứ hai còn quan trọng hơn, là sau khi đã cam kết với nhau cùng chết anh không có ý định giết vợ, là anh đã trì hoãn cái chết của vợ cho đến lúc chính mình không còn sống nữa để kiểm chứng. Nếu trung úy là người chồng đa nghi, chắc chắn anh sẽ phải giết vợ trước, như trường hợp thông thường khi hai người cùng tự vẫn.
Khi Reiko nói "Em xin phép được theo anh", trung úy có cảm tưởng lời ấy là kết quả sự dạy dỗ chính anh đã gieo cấy từ đêm tân hôn, khi dạy vợ phải nói thẳng những gì phải nói, không ngần ngại khi đúng lúc. Anh cảm thấy tự hào về cách hành xử của mình. Bởi vì dù không hợm mình cũng không lãng mạn, anh không hề tưởng tượng rằng lời lẽ Reiko có thể tới một cách bộc phát từ lòng yêu chồng.
Ðôi tim tràn trề hạnh phúc khiến họ không thể không mỉm cười với nhau. Reiko tưởng như đang sống lại đêm ngày trăng mật.
Trước mắt cô không có đau khổ cũng chẳng có chết chóc. Chỉ thấy cảnh sắc tự do vô biên mở ra trên chân trời vô tận.
- Nước nóng rồi. Anh muốn tắm bây giờ chưa?
- Thế à, tắm chứ.
- Rồi ăn tối?
Mấy tiếng đó phát ra với giọng trầm tĩnh thân mật đến nỗi trong tích tắc, trung úy suýt tưởng tất cả những gì đã xảy ra chỉ là ảo giác.
- Anh nghĩ mình không cần ăn tối. Nhưng có lẽ nên hâm chút saké?
- Tùy anh.
Ðứng dậy lấy áo choàng tắm cho trung úy, Reiko cố tình khiến chồng để ý những gói quà trong ngăn kéo. Anh đứng lên bước tới bên tủ áo nhìn. Anh đọc từng địa chỉ ghi trên mỗi món kỷ niệm đã được bao bọc sắp xếp cẩn thận. Bằng chứng này của sự dũng cảm và dứt khoát không khiến buồn mà lại làm tim anh tràn ngập yêu thương. Như người chồng được cô vợ trẻ phô khoe những món quà thơ dại, sau lưng cô, viên trung úy quàng tay ôm vợ hôn lên gáy.
Reiko cảm thấy chiếc cằm chồng xù xì râu không cạo áp vào gáy. Thay vì chỉ giản dị là một trong muôn chuyện ở đời, cái cảm giác này đối với cô không chỉ như gói ghém toàn thể cuộc sống, mà còn - bởi vì cô biết mình sắp mất nó vĩnh viễn -, chiếm hữu cô dữ dội hơn bao giờ. Mỗi giây phút trôi qua đều mang lại nét gì mới mẻ với mãnh lực đặc biệt, và đánh thức mọi giác quan trong mỗi phần cơ thểâ. Ðón nhận mơn trớn của chồng không động đậy, Reiko nhón mình trên đầu ngón chân trong đôi tất vải, cho khoái cảm túa tràn khắp mọi sớ thịt.
Trung úy thì thầm bên tai vợ :
- Tắm cái đã, rồi uống chút saké... rồi thì mở giường trên nhà ra, em nhé?
Reiko im lặng thuận tình.
Trung úy cởi bỏ quân phục đi tắm. Reiko vừa lắng nghe tiếng nước khuấy, vừa kiểm lại lửa trong lò sưởi phòng khách và bắt đầu hâm rượu saké; rồi, cầm áo khoác tắm, sợi dây lưng và đồ lót, cô vào phòng tắm xem nước đã đủ nóng chưa. Giữa làn hơi nước, trung úy đang cạo râu, ngồi bệt dưới đất, chân co vào hai đầu gối mở rộng, bắp thịt trên chiếc lưng trần khoẻ mạnh ẩn hiện ăn nhịp với động tác cánh tay.
Tất cả những thứ đó không mang ý nghĩa đặc biệt nào lúc này. Reiko chú ý đến công việc mình, sửa soạn mấy món nhắm. Tay không run. Cô còn làm việc dễ dàng chính xác hơn thường lệ. Thực ra, thỉnh thoảng một nỗi lo âu kỳ lạ dấy lên làm tim đập mạnh. Như tia chớp từ xa, có cái gì dữ dội đâm vào cô rồi biến ngay không dấu vết. Ngoài điều đó ra, không có chi khác thường cả.
Ngồi cạo râu trong phòng tắm, thân thể ấm lên, cuối cùng trung úy cảm thấy cơn mệt mỏi tuyệt vọng xác thân được chữa lành một cách thần diệu khỏi dày vò đắn đo do dự, anh còn thấy khơi lên sự chờ đợi hân hoan, bất chấp cái chết đang đón chờ mình. Anh nghe văng vẳng tiếng vợ di động ở phòng bên. Nỗi ham muốn mãnh liệt lành mạnh bỗng bộc phát sau hai ngày ròng quên lãng.
Trung úy tin chắc không có gì bẩn đục trong niềm hoan lạc mà cả hai cùng cảm thấy khi quyết định sống chết có nhau. Mặc dù tất nhiên họ không ý thức được gì rõ ràng, lúc ấy cả hai cùng nhận biết một lần nữa rằng những lạc thú mà họ chia sẻ trong phòng the vẫn luôn luôn được đặt dưới sự che chở của Thánh Thần, rằng Thiện Tâm và Ðạo Lý là bảo đảm của họ. Khi cùng nhìn nhau để phát hiện trong mỗi ánh mắt lòng quyết tử cao cả, một lần nữa họ lại có cảm giác an toàn sau những bức tường thép vững chắc, được bảo vệ bởi chiếc áo giáp không thể xuyên thủng của Chân và Mỹ. Ðến nỗi trung úy không hề nhìn thấy mâu thuẫn hay xung khắc nào giữa đòi hỏi xác thịt và sự chân thành của lòng ưu quốc, mà chỉ trông thấy ở đó hai mặt của cùng một hiện thực.
Ghé mặt thật sát tấm gương tối rạn men mờ mờ hơi nước trên tường, trung úy chăm chú cạo râu. Ðó sẽ là gương mặt anh mang khi chết. Không nên để sót dấu vết khó ưa nào. Khuôn mặt sạch nhẵn đã tìm lại nét rạng rỡ tuổi trẻ dường như làm sáng hẳn tấm gương mờ. Anh tự nhủ, đặt cạnh bộ mặt tử thần, gương mặt chói chang sức khoẻ này hẳn phải thanh lịch lắm.
Diện mạo anh bây giờ thế nào thì khi chết cũng sẽ thế đó. Trên thực tế nó đã thoát ly trung úy một phần rồi, không còn hoàn toàn thuộc về anh nữa : đấy là bức tượng bán thân sẽ đặt trên mộ quân nhân. Anh thử nhắm mắt lại. Tất cả đều bị bóng đêm bao phủ, anh không còn là sinh vật sống và thấy nữa.
Từ phòng tắm ra, vết dao lướt trên hàm râu mới cạo hãy còn ánh trên đôi má bóng láng, anh ngồi xuống cạnh lò sưởi nhỏ. Ðể ý thấy Reiko dù bận bịu cũng tìm ra chút thời giờ tô nhẹ phấn son. Ðôi má bong bóng môi ươn ướt. Không thấy nơi cô dáng vẻ u buồn nào. Trước bằng cớ tánh khí cô vợ trẻ, viên trung úy tự nhủ thực ra anh đã chọn đúng người vợ mà anh phải chọn lựa.
Vừa uống xong ngụm saké, anh chìa ngay cho vợ. Reiko chưa bao giờ uống rượu nhưng đón nhận không do dự và bẽn lẽn ghé môi.
Trung úy gọi : "Ðến đây!"
Reiko tiến sát bên chồng, anh vòng tay ôm rồi lật nhào cô lên đầu gối. Ngực bừng lửa như thể nỗi buồn, niềm vui và rượu mạnh pha lẫn đang ẩu đả trong cô. Trung úy nghiêng đầu nhìn mặt vợ. Ðây là khuôn mặt cuối cùng anh nhìn thấy trong thế gian này, khuôn mặt đàn bà nhìn thấy lần chót trên đời. Trung úy chăm chú quan sát với cặp mắt của du khách nói lời vĩnh biệt cảnh quang khả ái mà mình sẽ không bao giờ tái viếng. Ðó là gương mặt anh nhìn không biết chán - đường nét đều đặn không tẻ lạnh, môi dịu dàng đầy đặn khép hờ. Trung úy bất giác đặt lên đôi môi ấy nụ hôn. Và thình lình, mặc dầu khuôn mặt kia không hề biến dạng vì tiếng nấc đáng hổ thẹn, anh thoáng thấy những giọt lệ chói ngời dưới hàng mi dài đang chầm chậm thoát khỏi đôi mắt khép, đầm đìa, tràn lan.
Lát sau khi anh đề nghị về phòng ngủ, Reiko trả lời tắm xong cô sẽ theo anh ngay. Lên thang lầu một mình và trong căn phòng đã sưởi ấm bằng ga, anh soãi người trên chiếc giường vừa mở, rướn duỗi tay chân. Ngay cả giờ khắc chờ đợi vợ như vậy cũng là thời điểm bình thường, không sớm hơn cũng chẳng muộn hơn thường lệ.
Ðan chéo tay dưới gáy, anh ngắm những cây mè đen trên trần nhà ngọn đèn chong không chiếu tới. Anh đang chờ đợi cái chết chăng? Hay sự say sưa nhục cảm điên cuồng? Cái này quấn quyện vào cái kia như thể đối tượng của ham muốn nhục thể cũng chính là cái chết. Dù sao chắc chắn là trung úy chưa bao giờ cảm thấy hoàn toàn tự do siêu thoát như vậy.
Có tiếng gầm gừ máy xe dưới phố, tiếng bánh xe hơi nghiến rào rạo trên tuyết đổ dọc bên vệ đường, tiếng kèn xe chạm tường dội lại. Trung úy có cảm tưởng nhà mình là ốc đảo cô đơn trong đại dương xã hội vẫn náo động như thường lệ. Chung quanh anh trong khoảng bao la hỗn độn, trải dài suốt miền đất nước đã làm anh đau khổ. Anh sắp hiến thân cho nó. Nhưng cái đất nước vĩ đại mà anh sẵn sàng can gián đến độ sắp hủy hoại đời mình này, liệu nó có màng đến dù chỉ là cái chết của anh chăng? Anh không biết; mà thôi mặc kệ. Anh sẽ chết trên một chiến trường không vinh quang, nơi chẳng ai có thể lập chiến công, vì đấy là cuộc chiến đấu tinh thần.
Bước chân Reiko vang vang trên cầu thang. Bậc gỗ khô cứng căn nhà cũ kêu cọt kẹt. Tiếng động này gợi lên bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, đã rất nhiều lần anh nằm trên giường hân hoan chờ đợi nó. Với ý nghĩ sẽ không bao giờ còn nghe thứ tiếng ấy nữa, anh chăm chú gấp đôi để âm vang bước chân dịu dàng lên thang lấp đầy từng phút từng giây của thời gian quý báu còn lại. Mỗi khoảnh khắc trở thành một hạt trân châu ngời sáng.
Reiko quấn thắt lưng đỏ siết chặt eo tấm yukata, nhưng ánh sáng yếu làm màu bớt thắm khi trung úy đưa tay, Reiko giúp anh tháo nút buộc và chiếc thắt lưng lỏng ra buông xuống chiếu. Reiko đứng trước mặt anh, mảnh yukata vẫn còn trên người. Chồng luồn tay vào khe dưới tay áo siết cô vào người; khi đầu ngón vừa chạm vào da thịt trần nóng bỏng, bàn tay vừa siết vào nách là cả thân thể anh bốc lửa.
Lát sau cả hai trần truồng nằm trước ánh lò ga nóng sáng.
Không ai nói lời nào nhưng ý nghĩ đó là lần cuối cùng khiến tim họ đập mạnh, lồng ngực muốn vỡ tung. Như thể những tiếng "yêu nhau lần cuối" vô hình đã được viết rõ ràng trên từng phân từng ly thân thể.
Trung úy kéo vợ áp sát mình hôn tới tấp, vũ bão. Lưỡi họ mơn man tìm kiếm nhau đến từng ngõ ngách trơn ướt trong miệng; chẳng khác nào ngọn lửa tôi thép, nỗi đau về cái chết hãy còn xa lạ thổi rực giác quan họ. Những đau đớn còn chưa cảm biết, nỗi kinh hoàng của cơn hấp hối còn xa xôi khiến sự đón nhận khoái cảm càng thăm thẳm.
Trung úy nói : "Ðây là lần cuối anh nhìn thấy thân thể em. Nằm yên anh ngắm". Và anh nghiêng chao đèn cho ánh sáng chiếu dọc suốt người Reiko đang duỗi dài.
Reiko nhắm mắt nghỉ yên. Ánh sáng thấp ngọn đèn chiếu hiện những đường cong đài các thịt da nõn nà. Với đôi chút ích kỷ, trung uý mừng là mình sẽ chẳng bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng sự kiều diễm ngần ấy tan nát trước tử thần.
Thật nhẩn nha, anh để quang cảnh khó quên này khắc sâu vào trí nhớ. Tay luồn vào tóc, tay kia ve vuốt dịu dàng gương mặt yêu kiều, anh đặt môi hôn lên bất kỳ nơi nào ánh mắt mình nấn ná. Chiếc trán cân đối mát mẻ trầm lặng như đỉnh ngọn Phú Sĩ, riềm mi dài dưới đôi mày mỏng trên cặp mắt nhắm, sống mũi thanh tú, hàm răng bóng ngời giữa môi mọng đều đặn, hai má mềm mại và chiếc cằm ngoan xinh xinh... tất cả những nét ấy gợi lên trong đầu trung úy hình ảnh gương mặt người chết thật rạng rỡ, và không ngừng đặt môi lên chỗ hũng của cổ họng trắng ngần - nơi rồi đây tay Reiko sẽ đâm vào -, yết hầu cô hực đỏ vì những miếng hôn. Rồi anh trở lại miệng, môi anh mơn trớn từ phải sang trái, từ trái qua phải, tròng trành như chiếc thuyền con. Anh nhắm mắt, cả vũ trụ chao theo.
Mắt anh lướt đến đâu, đôi môi theo sát đến đấy. Cặp vú căng cứng khi trung úy cắn nhẹ đầu nhũ hoa hồng tươi như nụ anh đào dại. Hai bên ngực, đôi tay bóng nhẵn tròn trịa cân đối duỗi dài rồi thuôn dần ở hai đầu, nơi những ngón tay thanh tú cầm quạt ngày cưới, đang từ từ khép lại. Mỗi bận trung úy đặt môi hôn, từng ngón tay lại bẻn lẽn gấp vào... Chỗ đi từ ngực xuống bụng càng lúc càng hẹp, nơi thắt đáy, đường cong vừa căng vừa mềm bỗng gấp lại không muốn cho thể xác quá buông thả trước khi toả về phiá mông hứa hẹn thể khối no tròn. Bụng và mông lấp lóe màu trắng sáng của ly sữa tràn đầy. Bóng mờ đột ngột chấm rốn tựa giọt mưa bỗng từ đâu rơi xuống cùng lúc, đậm đen dần nơi nở ra mảng lông mềm mại, và khi thân thể không còn thụ động nữa, cứ mỗi khoảnh khắc kích thích một mùi hương ấm nóng lại thoang thoảng nhả ra.
Cuối cùng Reiko nói giọng run rẩy :
- Ðể em xem... Em cũng muốn được ngắm anh, lần cuối.
Chưa bao giờ anh nghe một đòi hỏi mãnh liệt rõ ràng như vậy từ miệng vợ. Như thể cái gì đó mà đức hạnh Reiko muốn che dấu tới cùng đã xô vỡ mọi bờ chắn. Trung úy ngoan ngoãn duỗi người phó mặc cho vợ. Run rẩy ngồi lên, mềm mại trắng trẻo, thiêu đốt với khát khao vô tội là đáp đãi lại ve vuốt của chồng, cô đặt hai ngón tay lên đôi mắt đang đau đáu nhìn mình, nhẹ nhàng khép chúng lại.
Ðôi má hừng hực thứ cảm xúc quay cuồng, Reiko bất thần choàng hai tay ôm đầu chồng, rối loạn thắm thiết. Tóc trung úy ngắn cứng như bàn chải chích vào đồi ngực. Cô cảm giác trên làn da mình sống mũi mát lạnh cùng lúc với hơi thở ấm. Cô dang ra để nhìn rõ gương mặt rắn rỏi của chồng. Ðôi mày nghiêm nghị, cặp mắt khép, vòng mũi cong tuyệt vời, đôi môi đậm chắc mím chặt, hai má rạng rỡ điểm đốm xanh dấu dao cạo lướt qua. Reiko đặt môi lên đấy, trên chiếc cổ rộng, trên đôi vai thẳng và đầy, trên quầng ngực cường tráng vồng lên như đôi khiên với hai núm vú đo đỏ ở đầu. Từ nách và chùm lông chìm khuất dưới cơ bắp to chắc của vai và ngực toát ra mùi dìu dịu buồn buồn; như thể từ nơi êm ái này rỉ ra, bằng cách nào không biết, tinh chất của sự yểu mệnh. Làn da trần trung úy ánh ngời như đồng lúa mạch chín vàng, trên khắp người bắp thịt chắc nịch nổi lên lồ lộ rồi cùng tụ lại trên bụng, quanh chấm rốn nhỏ kín đáo. Nhìn chiếc bụng trẻ trung săn sắt lặng lẽ chìm dưới lớp lông rậm này, tự nhủ chỉ lát nữa thôi nó sẽ bị mũi kiếm đâm rách thô bạo, Reiko nức nở hôn trùm lên với nỗi thương xót não người.
Khi cảm nhận nước mắt vợ, trung úy biết là anh đã sẵn sàng chịu đựng với tất cả can đảm những đau đớn khủng khiếp nhất của cuộc tự vẫn.
Sau mơn trớn đó, người ta có thể mường tượng nỗi say đắm nào sẽ cuồn cuộn họ vào cuộc giao hoan. Trung úy nhổm lên ghì chặt cô vợ đã kiệt sức vì đau khổ và nước mắt. Má kề má, họ mê mẩn quấn chặt nhau. Reiko run rẩy. Ngực họ hâm hấp mồ hôi bám sát, mỗi gang tấc của một trong hai thân thể trẻ trung đẹp đẽ này hoà quyện vào thân thể người kia hoàn hảo đến độ tưởng chẳng bao giờ có thể cách ly được. Reiko rên rỉ. Từ đỉnh cao nhào xuống đáy vực sâu, rồi từ vực sâu họ lại chắp cánh bay lên đến những độ cao chóng mặt. Viên trung úy thở hổn hển như sĩ quan vác cờ sau chiến dịch dài. Chu kỳ như vậy vừa chấm dứt thì cơn sóng khác lại trào lên, và họ lại cùng đưa nhau lên đỉnh sóng trong cùng một hơi thở và cử động, không dấu hiệu mỏi mệt nào.
Bốn
Cuối cùng rồi trung úy cũng rời Reiko, không phải vì kiệt lực. Một phần không muốn mất sức mà anh biết là sẽ cần nhiều để hoàn tất việc tự sát. Phần khác, để khỏi tự trách đã làm hỏng cuộc ái ân êm dịu cuối cùng chỉ vì quá thoả.
Vì trung úy ngừng, Reiko cũng theo gương anh với sự phục tùng thường lệ. Cả hai trần truồng, nằm ngửa chăm chú nhìn những mảng tối trên trần, tay đan ngón vào nhau. Chiếc lò sưởi toả ấm căn phòng và họ không cảm thấy lạnh ngay cả khi thân thể không còn trĩn mồ hôi nữa. Bên ngoài, tiếng di động ồn ào cũng im bặt trong đêm thanh vắng. Tiếng rì rầm tàu lửa và tàu điện quanh ga Yotsuya không tới tận nhà: sau khi dội vào hệ thống thành lũy hố hào, cái ồn ào mất hút trong khu đất trồng cây dọc đại lộ trước điện Akasaka. Khó lòng tưởng tượng lại sự khẩn trương đã bao trùm cả khu phố, nơi hai thành phần thù địch của quân đội Hoàng gia tự xâu xé một cách đắng cay đang đợi chờ phút giây chạm súng.
Tận hưởng hơi ấm bao quanh, họ nghỉ ngơi và sống lại từng chi tiết phút giây hạnh phúc. Hồi tưởng không chán hương vị từng miếng hôn, sự cọ xát thịt da trần trụi, và mỗi người từng cơn chóng mặt tuyệt vời. Nhưng từ giàn gỗ đen chống đỡ trần nhà, tử thần đã giương mắt nhìn. Niềm hoan lạc lần này là cuối cùng rồi, và hai thân thể sẽ không bao giờ còn nếm biết niềm đời ấy nữa. Nhưng hoan lạc mãnh liệt dường ấy - cả hai cùng lúc nghĩ như nhau - chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nữa, cho dù sống đến cả trăm năm.
Sự êm ái ngón tay âu yếm lồng vào nhau cũng sẽ mất đi. Ngay cả đường nét và nút gút sớ gỗ tối tăm trên trần nhà họ đang cùng ngắm cũng sẽ không còn nữa. Họ cảm thấy cái chết đến cận kề từng bước. Không nên chần chờ thêm. Phải có can đảm đứng trước nó, chiếm lĩnh nó.
Trung úy nói : " Nào, chúng ta sửa soạn đi!". Sự dứt khoát trong giọng nói chồng quá hiển nhiên, nhưng chưa bao giờ Reiko nghe thấy nơi anh sự nồng nàn ngọt ngào dường ấy.
Vừa đứng lên họ có bao nhiêu việc phải làm.
Trung úy trước đấy chưa hề giúp vợ thu dọn chăn giường, vui vẻ đẩy cửa tủ hốc tường, tự mình cuộn tấm nệm lại mang xếp vào.
Reiko tắt sưởi ga và đẩy lui đèn chong. Trong khi chồng vắng nhà, cô đã cẩn thận chăm sóc căn phòng, quét dọn, lau bụi, và nếu người ta không lưu ý đến chiếc bàn gỗ huê mộc trong góc, căn phòng tám chiếu tạo cảm tưởng đây là phòng tiếp tân sẵn sàng đón rước khách quý.
- " Mình đã nhiều lần ngồi uống ở chỗ này em nhỉ ? Với Kanô, cả Homma và Noguchi..."
- " Vâng, các anh ai cũng uống nhiều."
- " Mình sắp gặp lại họ ở thế giới bên kia. Chắc chắn các bạn sẽ trêu tụi mình khi thấy anh mang em theo".
Khi xuống cầu thang, trung úy quay lại nhìn căn phòng yên tĩnh sạch sẽ, giờ đây sáng rực dưới ánh đèn trần nhà. Khuôn mặt những sĩ quan trẻ đã từng cạn ly cười đùa vô tư lướt qua đầu anh. Chưa bao giờ anh nghĩ hôm nào đó mình sẽ mổ bụng trong căn phòng này.
Ở hai căn từng dưới, đôi vợ chồng âm thầm chuẩn bị. Trung úy vào phòng vệ sinh, xong vào phòng tắm rửa ráy. Trong khi đó Reiko xếp áo choàng lót vải bông của chồng, dọn sẵn trong phòng tắm bộ quân phục, cái khố rộng mới bằng vải bông trắng, và đặt trên bàn phòng khách giấy mực để thảo thư vĩnh biệt. Rồi mở nắp hộp đựng nghiên mực bắt đầu mài. Về phần thư mình, cô biết là sẽ viết gì rồi.
Tay cô ấn mạnh mặt dát kim nhũ vàng lạnh của thỏi mực, nước trong chung nhỏ trở đen tức khắc như thể đám mây nào toả ra trong ấy. Cô thôi không thầm nhủ nữa rằng động tác của các ngón tay, sự cà cọ và tiếng nghiến kin kít khe khẽ kia, tất cả các thứù đó chỉ chuẩn bị cho cái chết. Cần phải xem đấy như việc nhà, một việc đánh dấu thời gian một cách bình thường cho đến cái chết. Vậy mà khi mài mực càng lúc càng nhẹ nhàng trên nghiên, mùi xông lên từ chung mực mỗi lúc mỗi đen vẫn làm nẩy sinh một cách lạ kỳ bao u ám không tả xiết.
Gọn gàng trong bộ quân phục sít sao, trung úy ra khỏi phòng tắm. Không một lời, anh ngồi xuống bàn, ngực thẳng, tay cầm cọ, mắt đăm chiêu nhìn tờ giấy trắng trước mặt.
Reiko đã mang vào phòng tắm chiếc kimono lụa trắng. Khi trở ra phòng khách với tấm kimono trắng trên người và lớp phấn mỏng trên má, lá thư vĩnh biệt viết xong đã nằm trên bàn dưới ánh đèn. Hàng chữ đậm nét chỉ ghi giản dị :
"Quân đội Hoàng gia muôn năm. Trung úy Takeyama Shinji."
Suốt thời gian Reiko thảo di thư, trung úy lặng lẽ ngắm với vẻ trang nghiêm tuyệt đối, ngón tay vợ trắng trẻo đang điều khiển cây cọ hết sức vững chãi.
Mỗi người cầm thư mình trên tay, trung úy với chiếc kiếm dắt bên dây nịt, Reiko với thanh đoản đao luồn dưới thắt lưng kimono - cả hai bất động trước bàn thờ và cầu nguyện trong im lặng. Rồi họ tắt hết đèn ở tầng trệt. Khi bước lên cầu thang, trung úy quay nhìn bóng vợ đang cúi mặt bước sau mình, áo trắng lung linh nổi bật trên nền tối khoảng trống sau lưng.
Thư vĩnh biệt đặt cạnh nhau trong hốc kê giường căn phòng trên. Họ hỏi nhau không biết có nên gỡ tấm liễn trên ấy xuống không, nhưng bởi nó mang bút tích ông mai hôn lễ, Trung tướng Ozeki, hai chữ Hán "Chí Thành", họ để yên không tháo. Ngay cả nếu nó bị máu văng tung toé dính lên, chắc rằng Trung tướng cũng sẽ hiểu cho.
Viên trung úy ngồi thẳng thớm, lưng tựa vào cột hốc kê giường, cây kiếm đặt trước mặt.
Reiko ngồi đối diện, cách nhau một chiếu. Màu hồng đôi môi trên tấm thân cô tuyền trắng, trông càng lôi cuốn đặc biệt.
Từ hai bên chiếc chiếu chia cách họ, mắt trong mắt, hai người nhìn nhau thật lâu. Cây kiếm nằm trước đùi viên trung úy nhắc Reiko nhớ tới đêm đầu tiên đôi lứa, và nỗi buồn tràn ngập cô. Viên trung úy nói với giọng khàn khàn :
- "Vì không có người thứ hai kết liễu giúp, anh sẽ phải đâm thật sâu. Chắc chắn sẽ là điều không dễ chịu đựng, nhưng xin em đừng sợ. Cái chết luôn luôn khó chứng kiến. Ðừng mất can đảm vì những gì em sắp nhìn thấy. Em rõ chứ?".
- "Vâng."
Reiko cúi rạp xuống.
Nhìn vợ, cái bóng mong mỏng trăng trắng trước mặt, một sự kích thích kỳ lạ bừng dậy trong lòng viên trung úy. Những gì anh sắp hoàn tất thuộc về đời công, cuộc đời quân nhân mà vợ chưa bao giờ chứng kiến. Hành động này cũng đòi hỏi nhiều ý chí như khi ra trận cần nhiều can đảm; đây là cái chết mà nhân phẩm và tư cách không kém gì kẻ vong thân trên tuyến đầu trận mạc. Những gì anh sắp phải biểu hiện, chính là phong cách hành xử của anh nơi chiến địa.
Ý nghĩ này đưa trung úy tới những tư tưởng kỳ lạ. Chết cô độc trên chiến trường, chết dưới cái nhìn của người vợ đẹp... có phải anh sắp vĩnh biệt cuộc đời cùng lúc cho cả hai cái chết đó, thực hiện sự đồng nhất bất khả thi ấy, một sự êm đềm mà không lời nào có thể diễn tả? Tất cả mọi khoảnh khắc anh ra đi sẽ được đôi mắt đáng yêu kia theo dõi - làn hơi ấm trăm hoa và mùa xuân sẽ đưa anh đến cõi vĩnh hằng. Ðó là ân huệ hiếm hoi. Anh không hoàn toàn thấu hiểu, nhưng nó thuộc vào lãnh vực mà người khác không thể biết, một hồng ân chưa ai từng được hưởng duy chỉ ưu ái dành riêng cho anh. Trước mặt trung úy, hình ảnh vợ trong tấm kimono lụa trắng tuyền giống màu áo cưới trinh bạch rạng rỡ là hiện thân tất cả những gì anh đã yêu thích, những gì khiến anh sẽ hy sinh đời mình - Hoàng gia, Tổ quốc, Quân kỳ... Và hệt người vợ đang ngồi trước mặt, những Cao quý ấy cũng đang dõi mắt theo anh, bất động mà tỏ tường.
Reiko cũng vậy, say sưa chiêm ngưỡng chồng, người chỉ lát nữa thôi sẽ từ giã cuộc đời, tự nhủ mình chưa bao giờ thấy gì đẹp hơn trên thế gian. Trung úy luôn luôn rất đẹp trong quân phục, nhưng hôm nay đối diện cái chết, chân mày thẳng và môi mím chặt, có lẽ anh là hình ảnh tuyệt vời nhất của vẻ đẹp nam nhi.
Cuối cùng trung úy nóí : "Nào, đi thôi!".
Reiko rạp người chào. Không dám ngẩng đầu lên. Cô sợ những giọt nước mắt sẽ làm hỏng phấn son trang điểm, nhưng không dằn được.
Khi cuối cùng nhướng mắt lên, xuyên qua màn lệ mờ, cô thấy trung úy đã rút kiếm khỏi bao và bọc chung quanh lưỡi kiếm băng vải trắng, chỉ để lộ ở mũi nhọn khoảng mười lăm phân thép trần.
Anh đặt cây kiếm bọc vải như vậy xuống chiếu trước mặt, nhổm trên hai gối, rồi ngồi chéo hai đùi lại, bắt đầu mở móc cổ áo. Mắt anh không trông thấy vợ nữa. Chậm chạp, anh mở dãy khuy đồng từng cái một. Bộ ngực đen nhạt hiện ra, rồi đến bụng. Anh gỡ thắt lưng, mở nút quần, để lộ cái khố trắng sạch siết chặt bên hông. Với cả hai tay, trung úy kéo khố để bụng trống hơn, rồi cầm lưỡi kiếm. Bàn tay trái anh xoa xoa bụng, mắt nhìn xuống.
Ðể chắc chắn rằng lưỡi kiếm thực sự sắc nhọn, viên trung úy kéo ống quần trái lên, vén hở một khoảng đùi cứa nhẹ trên da. Máu trào ngay lên vết thương tựa con suối nhỏ, ngời đỏ dưới đèn.
Ðó là lần đầu tiên Reiko trông thấy máu chồng, tim cô đập loạn trong lồng ngực. Cô nhìn mặt chồng. Anh nhìn dòng máu rỉ ra với sự hài lòng điềm tĩnh. Trong một thoáng, Reiko cảm thấy nhẹ nhõm - nhưng nhận ra ngay đấy chỉ là một an ủi giả dối.
Ðôi mắt trung úy dán vào vợ cái nhìn mãnh liệt bất động của loài chim săn mồi. Quay vũ khí về mình, anh hơi rướn người để phần thân trên chúc vào mũi kiếm. Vai áo bộ quân phục căng cứng tố cáo anh đã cố gắng dùng hết sức bình sinh. Anh nhắm vào chỗ sâu nhất bụng, phía trái. Tiếng thét lanh lảnh chọc thủng sự câm lặng căn phòng.
Tuy đã dùng tận sức tự đâm mình, trung úy có cảm giác như bị ai quật thanh sắt vào sườn. Anh thấy choáng váng một hai giây. Không biết chuyện gì đã xảy ra cho mình nữa. Mười lăm phân thép trần đã biến mất trong da thịt và cái băng vải trắng nắm trong tay co quắp áp trực tiếp lên bụng.
Anh lấy lại tri giác. Tự nhủ lưỡi kiếm chắc chắn đã xuyên thủng thành bụng rồi. Anh thở khó nhọc, tim đập dữ dội, và từ nơi thâm sâu nào không thể tin hẳn là một phần của chính mình, trỗi lên cơn đau đớn kinh hoàng, ghê gớm, như thể mặt đất vừa nứt để trào ra mảng nham thạch đất đá cháy lỏng. Cơn đau dồn dập với vận tốc kinh hồn. Trung úy cắn môi để khỏi vô tình rên rỉ.
Anh tự hỏi Seppuku là thế ư ? Có thể nói đây là sự hỗn độn tột cùng, như thể trời vừa sập xuống đầu, như thể cả vũ trụ đang say sưa, chao đảo. ý chí và lòng can đảm của anh cứng rắn là thế trước khi mổ bụng, đã xỉu lại chỉ còn bằng độ dày của cọng thép mỏng tênh sợi tóc, anh cảm thấy bất ổn ghê gớm khi ngờ rằng mình vẫn phải men theo và bám víu vào nó một cách tuyệt vọng. Nắm tay co quắp âm ẩm. Anh nhìn xuống. Bàn tay và băng vải trắng bọc lưỡi kiếm đã đẫm máu. Khố cũng đã nhuộm đỏ. Anh kinh ngạc thấy rằng giữa cơn đau khủng khiếp như vậy, những gì có thể nhìn vẫn thấy được, những gì tồn tại vẫn hiện hữu. Thật khó tin.
Lúc thấy trung úy đâm kiếm vào mạng trái và màu xanh xao tử thần trùm xuống mặt anh như tấm màn hạ trên sân khấu, Reiko phải cố hết sức ghìm mình để đừng nhào tới bên chồng. Dù gì xảy ra đi nữa, cô cũng phải canh chừng. Phải làm người chứng cho anh. Ðấy là đặc nhiệm mà chồng đã giao phó. Cách một chiếc chiếu trước mặt, thấy anh cắn môi dằn cơn đau. Cơn đau đớn nằm đó, chắc chắn, tuyệt đối, dưới mắt cô. Nhưng Reiko không có cách nào giải thoát anh hết cả.
Mồ hôi lóng lánh trên trán chồng. Anh nhắm mắt rồi mở mắt như muốn nhận biết. Ðôi mắt đã mất vẻ trong sáng, trông vô tội trống vắng chẳng khác nào đôi mắt con thú nhỏ.
Cơn đau đớn Reiko đang chiêm ngưỡng cũng chói lọi tựa mặt trời mùa hạ nhưng hoàn toàn xa lạ với nỗi đau xé nát hồn cô. Cơn đau ấy cứ tăng lên, tăng lên không dứt. Reiko thấy chồng mình đang bước qua thế giới khác, nơi mà con người tan biến vào đớn đau, bị giam hãm trong đau đớn và không bàn tay nào có thể tới gần. Nhưng cô, Reiko, không cảm thấy chút đớn đau nào. Nỗi đau của cô không phải cơn đau này. Ðến nỗi có cảm tưởng người ta đã xây lên bức vách thủy tinh vòi vọi, tàn nhẫn chắn giữa cô với chồng.
Từ ngày cưới nhau, đời chồng là đời cô và hơi thở chồng là hơi thở cô. Và bây giờ, khi cơn đau đớn là hiện thực của đời chồng, thì trong nỗi đau riêng mình Reiko không tìm thấy bằng chứng nào về hiện hữu của cô cả.
Bàn tay phải trên kiếm, trung úy bắt đầu rạch từ hông vào bụng. Nhưng lưỡi kiếm gặp chướng ngại vì vướng phải chùm ruột nhằng nhịt đàn hồi cứ đẩy ngược nó ra; trung úy hiểu anh cần phải dùng cả hai tay để giữ lưỡi kiếm lún sâu; anh ấn mạnh rạch ngang. Nhưng không dễ dàng như anh tưởng. Anh dồn hết sức bình sinh vào chỉ bàn tay mặt kéo về phía phải. Vết cắt mở rộng thêm khoảng mười phân nữa.
Chầm chậm, cơn đau lan khắp bụng từ vết sâu bên trong. Bao quả chuông điên cuồng rung lên, cả ngàn tiếng chuông cùng rung trước từng hơi thở, từng nhịp mạch đập, làm cả thân thể anh lao chao. Trung úy không kìm nổi tiếng rên nữa. Nhưng lưỡi kiếm đã rạch thẳng tới rốn, và anh hài lòng lấy lại can đảm khi nhận ra điều này.
Lượng máu tràn cứ đều đặn tăng lên và bắt đầu phụt ra từ vết thương theo cùng nhịp mạch đập. Máu văng tung toé nhuộm đỏ cả chiếc chiếu trước mặt trung úy, tiếp tục chảy thành vũng đọng dọc theo các nếp xếp trên quần bộ quân phục. Một giọt duy nhất bay như con chim nhỏ đến tận chỗ Reiko rồi đậu trên đầu gối làm hoen áo trắng.
Cuối cùng, khi bụng trung úy đã hoàn toàn bị rạch, lưỡi kiếm hầu như không còn lún vào trong, đầu nhọn lộ ra, bóng nhẫy mỡ và máu. Nhưng thình lình bị cơn buồn nôn ào tới, trung úy để thoát tiếng kêu khàn đục. Nôn mửa khiến cơn đau đã khiếp đảm càng khiếp đảm hơn, và cái bụng cho tới bấy giờ hãy còn khép bất ngờ phồng lên, vết đứt mở toang và chùm ruột túa ra như thể đến lượt vết thương cũng thốc tháo. Rõ ràng không ý thức được sự đau đớn của chủ, nó trượt ra dễ dàng rơi toé giữa hai đùi, gây ấn tượng khó kham về sức khoẻ lực lưỡng đầy nhựa sống. Ðầu trung úy gục xuống, vai so lên, mắt mở hé, một dòng nước dãi mỏng thoát ra từ miệng. Ánh vàng ở gù vai quân phục rực dưới ánh đèn.
Khắp nơi máu là máu. Trung úy ngập máu đến tận đầu gối và kiệt quệ không còn chút hơi sức nào, một bàn tay buông thõng trên đất. Mùi tanh nồng tràn ngập căn phòng. Ðầu lắc lư, trung úy không ngừng nấc cụt và cứ mỗi lần nấc thì vai rung lên. Anh vẫn giữ lưỡi kiếm mà chùm ruột đẩy ra trong bàn tay phải, mũi kiếm lồ lộ.
Khó lòng tưởng tượng cảnh quang nào anh hùng hơn lần cố gắng bật dậy của trung úy khi bất thần thu toàn lực ngẩng đầu lên. Ðộng tác của anh mạnh bạo tới nỗi phía sau đầu đập vào khúc ngang hốc kê giường. Cho đến lúc ấy vẫn luôn luôn cúi gằm như thể bị mê hoặc bởi vũng máu chảy tới đầu gối mình, Reiko nhướng mắt lên, ngạc nhiên vì tiếng động.
Gương mặt trung úy không còn là gương mặt của người sống nữa. Mắt lõm sâu, da nhăn nhúm, má và môi trước kia tươi mát là bao nay chỉ tuyền màu bùn khô quéo. Chỉ bàn tay phải còn động đậy. Khó nhọc nắm chặt cây kiếm, nó vừa giơ lên vừa run lẩy bẩy tựa bàn tay con rối cố điều khiển mũi nhọn về cổ họng. Reiko nhìn chồng làm cố gắng cuối cùng này, vô ích, xé lòng. Bóng loáng mỡ và máu, mũi kiếm nhọn một lần, hai lần, mười lần hướng về cổ họng. Mỗi lần đều hụt đích. Hơi sức đáng lẽ phải hướng dẫn nó đã kiệt quệ. Mũi nhọn đụng vào cổ áo quân phục và phù hiệu thêu. Các khuy móc đã mở tung nhưng cổ áo lính thô cứng tự động khép lại bảo vệ chiếc cổ thịt da người.
Reiko không thể chịu đựng cảnh tượng này lâu hơn nữa. Muốn đến giúp chồng nhưng đứng lên không nổi. Cô lết bằng đầu gối ngang qua vũng máu, chiếc kimono trắng tinh nhuộm màu đỏ rực. Cô lướt sau lưng chồng và không làm gì khác hơn là mở cổ áo ra. Mũi nhọn run rẩy cuối cùng chạm vào thân cổ trần. Lúc đó Reiko có cảm tưởng đã đẩy chồng về phía trước; nhưng không đúng. Ðấy là hành động tự giác cuối cùng của trung úy, cố gắng ý chí kiệt cùng. Anh bất thần gieo người xuống, lưỡi kiếm xuyên thủng cổ họng. Dưới ánh đèn điện, một luồng máu phụt ra khủng khiếp, trung úy lảo đảo rồi nằm bất động; lưỡi thép lạnh và xanh nhô ra sau gáy.
Năm
Reiko xuống cầu thang chầm chậm vì máu ướt đẫm đôi vớ ngắn khiến chúng trơn trợt. Tầng trên hoàn toàn tĩnh lặng.
Cô mở đèn tầng trệt, kiểm soát lại mấy vòi nước và máy đo ga, rồi rẩy nước vào than hãy còn hồng trong lò sưởi. Cô nhìn mình trong tấm gương lớn của căn phòng bốn chiếu rưỡi. Trên nửa phần dưới áo kimono trắng toát, vết máu tạo thành bức tranh ngang tàng bạo liệt. Khi ngồi xuống trước gương, cô cảm nhận có cái gì lành lạnh ẩm ướt trên đùi; đấy là máu chồng. Reiko rùng mình. Rồi thong thả chuẩn bị. Cô đánh phấn : đỏ thật nhiều trên má, trên môi. Không phải điểm trang để làm đẹp lòng chồng nữa. Mà là trang điểm cho cuộc đời sắp bỏ lại sau lưng; có cái gì lộng lẫy đầy kịch tính trong sự chăm chú của cô. Khi đứng lên, chiếc chiếu trước gương ướt máu. Cô không còn quan tâm về điều đó nữa.
Từ phòng vệ sinh ra, Reiko đứng trên nền xi măng phòng ngoài. Tối hôm trước khi chồng khoá cửa lại là để chuẩn bị cho cái chết. Cô đâm ra tư lự. Có nên kéo khoá lại không? Nếu đóng cửa, hàng xóm sẽ không nhận ra ngay cuộc tự sát. ý nghĩ thân xác họ sẽ hư thối trong vài ngày trước khi được khám phá khiến Reiko khó chịu. Dù sao, có lẽ cũng nên để cửa mở... Cô rút khoá và mở hé cánh cửa kính mờ... Luồng gío băng giá thốc vào. Không còn ai trên đường, đã quá nửa đêm, sao lạnh lẽo lóng lánh xuyên qua cây cối ngôi nhà lớn trước mặt.
Cô để cửa he hé, lên thang. Bước tới bước lui chút đỉnh, hai chiếc vớ ngắn không còn trơn nữa. Từ giữa chừng cầu thang cô nhận ra đã có mùi rất đặc biệt thốc vào mũi rồi.
Trung úy nằm phủ phục trong biển máu. Mũi nhọn chĩa ra từ gáy dường như lồi thêm ra. Reiko bước thẳng vào vũng đỏ, ngồi xuống cạnh xác chết chiêm ngưỡng thật lâu gương mặt chồng, một bên áp lên chiếu. Mắt mở to như thể có gì khiến anh chú ý. Cô nâng đầu anh lên bọc vào tay áo, chùi vết máu trên môi và đặt lên đấy chiếc hôn.
Xong cô đứng dậy lấy trong tủ cái chăn trắng mới, và sợi dây lưng. Ðể kimono không bung ra, cô quấn chăn quanh người và buộc sợi dây ngang eo.
Reiko ngồi cách xác trung úy khoảng nửa thước. Cô rút chiếc dao găm dưới dây nịt, nhìn thật lâu lưỡi thép bóng và đưa lên miệng. Vị thép có gì ngòn ngọt.
Reiko không chần chờ nữa. Tự nhủ mình sắp biết nỗi đau đớn khi nãy đã đào cái hố sâu giữa chồng với cô, rằng cơn đau đớn này sẽ trở thành một phần của chính mình, và chỉ nhìn thấy ở đấy niềm hạnh phúc được tới phiên mình bước vào khoảng không gian mà chồng đã thực hiện cho anh. Trên gương mặt tuẫn đạo của chồng có cái gì không giải thích được chỉ mới thấy lần đầu. Cô sắp tìm ra giải đáp của điều bí ẩn. Reiko cảm thấy rồi ra cuối cùng, mình có khả năng nếm biết, ngay trong tinh chất của nó, hương vị vừa đắng cay vừa dịu ngọt của nguyên tắc đạo đức lớn mà chồng đã tin yêu. Ðiều mà cho tới nay chỉ cảm nhận qua tấm gương của chồng thì cô sắp được nếm biết bằng chính miệng mình.
Reiko sửa thật ngay ngắn mũi dao găm trước cổ họng và bất thần ấn mạnh. Mũi đâm cạn thôi. Ðầu bốc lửa, hai tay run rẩy, cô kéo nó về bên phải. Một dòng ấm áp trào trong miệng, trước mắt cô mọi thứ đều đỏ tươi xuyên qua vòi máu. Thu hết sức lực, cô ấn sâu chiếc dao găm vào tận cùng cổ họng.
MIÊNG chuyển ngữ
Paris, Mars 2003
(dịch theo bản Pháp ngữ : Patriotisme của Dominique Aury, trong Tuyển tập truyện ngắn La Mort en été, nxb Gallimard, 1997)
(1) Chiếu Nhật là tatami, rộng khoảng trên 1 mét, dài khoảng 2 mét và dày độ 7, 8 phân vì có lót lớp rạ khoảng 5 phân, trên phủ chiếu mỏng, dệt suông không hoa hoè. Ngày xưa những nhà quyền quý dùng chiếu này làm nệm ngồi, sau phổ biến trong dân chúng và dùng để lót phòng, ngày nay thường xếp theo đơn vị lẻ như 3, 4 rưỡi, 6 hay 9 chiếu. (Chú thích của DVP va NNT).
(2) Bản tiếng Pháp là hoa cúc.
(3) Nguyên bản tiếng Nhật : Hoàng Thái Thần Cung (NNT).
(4) Bản tiếng Pháp : Sasaki.