Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Về quê

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 814 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Về quê
Nghiêm Lương Thành

   
            Ai mà biết được cây cỏ trên trái đất xanh tự bao giờ. Cũng chẳng ai biết, cũng trên trái đất này, cây đời xanh tự bao giờ. Chúng ta, hiện giờ, so với lớp lớp cha ông, là lớp hậu sinh, nhưng, dần theo dòng thời gian, rồi cũng trở thành lớp tiên nhân của nhiều lớp con cháu sau này và có khối cái mà chúng phải học theo, có khối cái mà chúng phải nhìn nhận, ghi nhớ và rút kinh nghiệm, hệt như hiện giờ chúng ta đang kính cẩn chiêm ngưỡng, học tập, noi theo và phát triển những thành quả của các cụ để lại. Điều đó, trước đây, được coi là một đạo lý, nhưng bây giờ, thực ra, đang có nguy cơ trở thành việc "tính cua trong lỗ" ! Nhiều cánh rừng cách đây vài ba chục năm vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ tươi mát, nay đã trở thành đồi hoang đất trọc, nắng lửa chói chang, khiến thiên nhiên, bao dung là thế, cũng phải giận dữ mà giáng tai ! Tình người đẹp là thế, đẹp đến nỗi có người nào đó đã từng nói rằng nếu quả thật có kiếp sau và con người được quyền lựa chọn hình thức đầu thai cho mình thì ông, chắc chắn, sẽ không chọn phương án làm chúa sơn lâm mà lại đầu thai làm Người.
            Đó là đôi ba cái suy nghĩ của một gã làm nghề viết sớ, có thâm niên bên cửa Phật, cửa Thánh và đầu óc có thể đã phần nào khuynh hướng tín ngưỡng. Nhưng có lẽ cũng không sao, bởi chưa thấy cái "ngưỡng" nào lại xui con người ta làm bậy. Những cái suy nghĩ lộn xộn, ngơ ngác đó nẩy ra sau khi được nghe một khách hàng cả nghĩ, cả hoài đem lòng yêu mến mà kể cho nghe một câu chuyện có liên quan đến đời ông. Vị nào không có thời gian dành cho những thứ giải trí vô bổ thì nên dừng ở đây để bắt đầu hoặc làm tiếp những việc nghiêm túc, quan trọng của mình. Còn vị nào ham vui và không thiếu thời gian (Vàng đấy ! - Chẳng bết có phải không, thấy người ta bảo thế) thì xin xem qua câu chuyện của vị khách đó cho vui. "Tôi" trong câu chuyện là chính người kể chuyện. Công việc của gã viết sớ chỉ đơn giản là chép lại thôi.

*
 
Cha đưa cho tôi một cái túi nhỏ bằng lụa điều. Tôi cẩn thận đỡ lấy và hỏi: " Cha đưa cho con cái gì vậy ?". "Mở ra đi !" - Cha tôi nói. Tôi mở chiếc túi và lấy ra một cái hộp nhỏ sơn mài, phần thân và nắp là hình hai chiếc rổ xảo úp vào nhau, thứ rổ quê tôi vẫn dùng để đựng khoai, giong riềng hoặc rau bèo cho lợn. "Con có thể xem được không ?". "Được !". Tôi mở tiếp nắp hộp: Trong đó chỉ có một vuông gỗ nhỏ thớ mịn sắc hồng. Viền quanh bề mặt của vuông gỗ được khảm một dây lá bằng vàng. Nhìn kỹ, đó là hình dây khoai lang. Rải rác, trên cái dây khoai đó, có lẫn những chùm củ thấp thoáng ẩn hiện. ở chính giữa, và choán phần lớn diện tích vuông gỗ, khảm một chữ Tâm to khoẻ, đầy đặn, cũng bằng vàng. Gắn trên nền chữ Tâm là chữ Phúc bằng thứ xà cừ rực rỡ màu lửa hồng tía, nhỏ chừng bằng một phần ba chữ Tâm.
- Thế nghĩa là gì hở cha ? - Tôi không hiểu gì, hỏi ông.
- Quỹ thời gian của cha chẳng còn được bao nhiêu. Cha muốn về quê lắm, nhưng yếu quá rồi. Đây là tâm nguyện cuối cùng của cha. Nhất định con phải về, tìm bằng được ông ấy, thay cha đưa cho ông chiếc hộp này và nói giúp cha: "Xin ông nhận lấy. Đây là tấm lòng biết ơn của một con người đối với một con Người !". Nếu chẳng may, ông ấy mất rồi thì con hãy xin phép các con ông ấy, đặt chiếc hộp này lên ban thờ mà kính cẩn thắp một nén nhang thay cha !
Ngay sáng hôm sau, tôi chào cha và lên đường. Không cần cha phải giải thích, tôi đã biết người mà tôi cần trao "báu vật" kia là ai. Và, nhờ cái tuổi "tri thiên mệnh" trời cho, tôi cũng hiểu ngay, gần như tất cả, cái nghĩa tình mang hơi ấm của lửa hồng mà cha tôi tha thiết gửi gắm vào chiếc hộp kia. Từ khi anh em tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng ông vẫn nhắc lại chuyện cái rổ khoai lang, chuyện chú em tôi được vớt lên khỏi dòng sông vô tình nước cả thế nào. Và lần nào cha cũng dặn dò chúng tôi không bao giờ được quên cái ân tình đó. Trong mấy anh em, tôi là con trưởng khôn lớn nên được chứng kiến và biết chuyện này hơn cả. Từ khi tôi tốt nghiệp đại học, đã nhiều lần ông giục tôi về quê. Thực bụng, nhớ thì vẫn nhớ đến cháy ruột cháy gan, nhớ đến từng bụi cây, tảng đá ven đường. Thậm chí, thấy một con đò, tôi cũng nhớ đến quê. Chỉ ngửi thấy mùi rạ mục, mùi hăng hăng của phân trâu tươi cũng đủ gợi cho tôi một tâm trạng cảm hoài của những kẻ tha hương viễn xứ. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện về quê là y như rằng chân tôi chùn lại. Những hình ảnh, những kỷ niệm tái tê, buồn tủi thỉnh thoảng vẫn vô thức kéo về, không dễ gì nguôi ngoai. Có lúc tôi đã tự vấn mình, đã tự kết tội mình là hạng cố chấp, nhỏ nhen, nhưng cũng chẳng ăn thua. Người ta bảo tâm hồn trẻ thơ cũng như tờ giấy trắng. Có lẽ thế thật. Những gì được ghi lại trong quãng đầu đời người thường bền vững đến kinh ngạc. Thật may mắn nếu đó là những điều chân thiện, chân mỹ. Thật đáng sợ nếu đó là những điều ác. Và đáng sợ hơn, đó là niềm tin vào những điều tốt đẹp nhưng, theo thời gian khôn lớn, chúng nhận ra rằng thực tế không có gì giống như thế ! Đấy là điều không ai là không biết, nhưng thường cứ phải nếm đủ vị của cuộc đời mới có cơ hiểu được. Tôi nằm trong cái đám "thường" ấy. Để các con tôi tiết kiệm thời gian suy ngẫm và tự vật vã mà thực hiện cái sự điều chỉnh không đáng có ấy, ngay từ khi chúng còn nhỏ, tôi đã luôn cố gắng chỉ cho chúng thấy cuộc đời đúng như nó vẫn tồn tại: Sâu bệnh bao giờ mà chẳng có, nhưng cỏ cây thì vẫn cứ mãi xanh tươi !
Lần này về quê, tôi mang theo thằng con trai 16 tuổi để mong nó hiểu được phần nào cái nơi được gọi là quê hương mà ai cũng có, cái đạo lý mà ông nội nó được tiếp thu từ nhỏ và cho đến tận cái tuổi cổ lai hy này, ông tuyệt đối chưa bao giờ sao nhãng.
 
*
 
Quê tôi không nằm sát quốc lộ và xa nhà ga xe lửa. Xuống tàu, hai bố con tôi hì hụi đỡ chiếc xe máy do người phụ trách toa xe đưa xuống. Sau khi loay hoay chằng chằng buộc buộc những túi những bọc lỉnh kỉnh lên xe, bố con tôi tiếp tục hành trình. Theo con lộ 1A, chả mấy chốc chúng tôi đã tới phố huyện. Khác hẳn với quang cảnh lần ra đi, chỉ lèo tèo vài nóc nhà tranh xác sơ, nằm rải rác trên một đoạn ngắn tũn, phố huyện bây giờ như đã thay da đổi thịt. Ngoại trừ số ít căn nhà vẫn còn tranh tre nứa lá, nhà cửa của dân chúng nói chung là đẹp đẽ khang trang. Các cửa hiệu buôn bán, dịch vụ với đủ thứ biển hiệu, biển quảng cáo san sát kề nhau, kéo dài có dễ đến ngót hai cây số. Thằng con tôi kêu đói. Nó chỉ tay vào một quán ăn lụp xụp, vắng teo, phía trước dựng một cái biển trông khá tạm bợ "Quán Quê hương": "Bố ơi, ta vào quán này đi". Tôi hỏi: "Tại sao không vào cái quán bên cạnh, vừa cao ráo sạch sẽ, vừa đông khách và chắc hẳn là phải ngon hơn rồi !". Nó nhoẻn miệng cười: "Con không biết, nhưng nhà này nghèo hơn, bố con mình vào giúp họ cái khí thế hàng họ ! Với lại, nó là quán Quê hương mà bố !". Nghe nó lý giải, tôi phì cười và thấy vui vui trong lòng. Đúng là phở quê, nhạt nhẽo quá. Tuy vậy nó vẫn làm dịu được cơn đói của hai bố con tôi. "Anh tính tiền giúp" - Tôi nói với anh chủ quán. "Năm mươi ngàn". "bao nhiêu ?!" - tôi ngỡ là mình nghe nhầm và hỏi lại. "Năm mươi ngàn !" - Anh ta nhắc lại, tay cầm con dao chặt thịt bổ bổ trên mặt chiếc thớt khô khốc, nứt nẻ, ngữ điệu rành rọt, chắc nịch và kiên định. Thằng con tôi tròn mắt, mặt đỏ tía tai, toan đứng dậy đòi công lý. Thấy vậy, tôi nhanh tay kéo nó ngồi xuống và đưa mắt ra hiệu hãy kiềm chế. Tôi đưa đủ số tiền gã chủ quán yêu cầu và hai bố con lên xe đi tiếp. Bọn trẻ bây giờ thật nhanh và nhạy cảm. Ngồi đằng sau, nó nói với tôi: "Mình ở xa đến, phải cái người như thế, cũng không còn cách nào, thế cho an toàn, được việc !". Thằng bé nói đúng ! Nhưng sao tôi lại thấy buồn. Cái vùng quê khô cằn, chất phác thân thương của tôi mà cũng có những thứ rác rến như vậy sao ?! Đáng ra tôi phải làm một việc gì đấy, thuận lẽ, thì tôi lại dễ dãi thanh toán, nhẹ nhõm như một nhà tỷ phú. Đáng lẽ thằng con tôi phải tiếp tục phẫn nộ và yêu cầu gã kia không được ngang ngược như thế thì nó lại nhanh chóng hiểu ra vấn đề, tự rút ra cái bài học "Trường đời tân thanh" như một kẻ khôn ngoan thiệp đời như thế. Ôi ! Lỗi tại tôi ? Tại nó ? Hay tại ai đây ?
 Đi quá phố huyện một đoạn, chúng tôi rẽ vào một con đường rải đá răm nhỏ dẫn về làng. Thế mà thấm thoắt đã mấy chục năm trời, kể từ khi cha tôi đứt từng khúc ruột, quyết định dứt áo lìa quê, đưa mẹ con chúng tôi lên định cư trên một vùng núi xa lắc, hẻo lánh ở một tỉnh phía Tây Bắc, lúc bấy giờ vẫn còn bị coi là xứ "ma thiêng, nước độc".
Cũng trên con đường này đây, năm 1953, ngày ngày mẹ con tôi, vai khoác áo tơi (thứ áo làm bằng lá kè vẫn dùng để lợp mái nhà lúc bấy giờ), lẽo đẽo gánh mía ra phố huyện để bán. Mẹ tôi đi trước, một bên gánh là những lóng mía đã tiện ngắn gọn ghẽ và đều tăm tắp, bên gánh còn lại là đứa em trai đi còn chưa vững. Tôi theo sau mẹ, kẽo kẹt trên vai là hai vác mía, được buộc liền với chiếc đòn gánh theo hình chữ A. Công việc hèn mọn vậy thôi, nhưng mẹ đã bền bỉ cóp nhặt từng xu nhỏ, độ nhật cho cả gia đình tôi sống qua những ngày vô cùng khốn khó và dở cười dở khóc đó.
Thời gian trước khi xảy ra biến cố, ông nội tôi đã già yếu. Mẹ tôi thì chuyên tâm lo việc đồng áng. Tôi và đứa em gái tên Tuyết đang đi học, ba em trai là Nhoại, Tấn và Du thì hãy còn quá nhỏ. Cha tôi, theo nghiệp của ông nội, làm nghề thầy lang. Nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Đó là những nông dân áo quần vá đụp, nón mê, chân đất, lam lũ và luôn rụt rè, khúm núm. Cái sự rụt rè và khúm núm ấy lắm lúc khiến tôi đến phát bực. Sau này, khi đã khôn lớn, tôi mới hiểu được tại sao, đôi lúc, mình lại có thái độ như thế. Có thể diễn nôm cái lý do đã khiến tôi bực bội như thế này: Mình và những người bà con đó đều là nông dân, đều sinh ra từ mảnh đất khô cằn, thấm đẫm mồ hôi và máu này; Họ là mình, mình là họ. Vậy, cái thái độ rụt rè, thiếu tự tin đó đã vô tình hạ thấp phẩm giá của cái giới tự bao đời đã bền bỉ không ngừng tạo ra lúa gạo và biết bao hiền nhân dưỡng sáng cho đời !
Năm ấy, theo trào lưu của nông thôn mới lúc bấy giờ, gia đình tôi phải dọn đến ở trong căn nhà xiêu vẹo của gia đình ông Chinh. Tôi vẫn nhớ cái buổi chiều ảm đạm đó, thằng cu Tấn mới ba tuổi cứ khóc ời ời, nước mắt, nước mũi toá ra đầy cặp má phính lem luốc và nhất định cứ bám chặt vào cái chõng tre, không chịu ra khỏi nhà: "Nỏ [1] đi mô ! Nỏ đi mô ! ... ờ ... ờ ... tụi bay có nhà thì về nhà bay mà ở ! ...". Tôi phải cố gỡ tay nó khỏi cái gióng tre và lặng lẽ bế đi, lòng đầy buồn tủi, thứ buồn tủi của một đứa trẻ đang ở cuối độ tuổi niên thiếu. Ông nội tôi là người cuối cùng đi ra khỏi ngõ, sau khi để lại một bãi nước đái - trước sự chứng kiến của đội công tác và các tân chủ - chính giữa sân của cái cơ ngơi khiêm tốn, được dựng nên sau bao năm bằng mồ hôi nước mắt và sự chắt bóp bền bỉ đến kinh ngạc của người dân quê khúc ruột miền trung. Trước đó, tôi có nghe mấy người già nói ở đâu đó rằng thời trẻ, ông nội tôi vốn là người ngang tàng và hào sảng. Ngang tàng thì rõ rồi, nhưng hào sảng là gì thì lúc bấy giờ tôi chưa hiểu. Trên đường dọn đến "nhà mới", chúng tôi không gặp một ai. Qua khoảng trống của những rặng râm bụt ven đường làng, nhìn vào những căn nhà quen thuộc, tôi nhận thấy các cánh cửa đều khép lại. Qua các khe cửa khép hờ, tôi nhận ra, lấp ló, mấy khuôn mặt quen thuộc và đâu đó, vọng ra những tiếng thở dài hoặc một giọng lẩm bẩm vút nhẹ lên, hả hê: "Sướng cho lắm vô !". Đổi lại, gia đình ông Chinh và mấy gia đình nữa lại dọn sang ở nhà tôi. Sau đó vài hôm, người ta đến bắt ông nội và đưa ông đi trong tiếng kêu gào của mấy đứa em và nước mắt của mẹ tôi.
Người ốm, người bệnh thì bao giờ chẳng có. Họ vẫn tìm đến cha tôi. Nhưng thuốc thang và đồ làm chúng tôi không được mang đi, biết lấy gì mà chữa bệnh cho họ ! Cha tôi ngồi ở đầu hè, ái ngại cầm tay một bà lão nước da vàng ệch đang lả người thở dốc vì mệt; hai giọt nước mắt ứa ra, lăn xuống gò má xạm đen của cha. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cha khóc. Tôi lẳng lặng về nhà cũ, nói với ông Chinh là tôi cần phải đem các khay, lọ thuốc về để cha tôi làm thuốc cho bà lão. Ông Chinh, tròng mắt vằn đỏ vì vừa uống rượu mừng nhà mới, nhe ra hai hàng răng lởm khởm, cười khằng khặc vào mặt tôi. Kệ, tôi cứ xông bừa vào nhà, bê lấy một chồng khay thuốc. Lúc quay ra đã thấy lão cầm chiếc nạng phơi rơm đứng chắn ngang ngay cửa: "Mi muốn đưa đi thì phải đưa tiền cho tau ! Những thứ ni chừ là quả thực của tau rồi !". Tiền thì lấy đâu ra lúc bấy giờ ! Có một cái gì đấy, nóng và nghẹn, ngầm ngập dâng lên ứ cổ. Tôi đặt phắt chồng khay xuống và vớ bừa lấy một chiếc ghế đẩu, vung lên, nhằm vào lão mà giáng xuống. Mặt tái dại, quẳng chiếc nạng xuống đất, lão chạy xon xón ra ngoài, báo với dân quân rằng tôi đang cướp nhà lão. Còn tôi, không hiểu làm sao, cứ đứng đực ra đấy, cho đến khi mấy anh dân quân mặt mũi non choẹt, lăm lăm mấy khẩu Mút-cơ-tông cùng những thứ gậy gộc chắc nịch, kéo đến trói nghiến tôi lại và đưa lên chùa nhốt chung với ông nội tôi. Hơn hai ngày sau, phần vì có nhốt tôi thì cũng không giải quyết được gì, phần do có bác Lề thuyền chài bạn của cha, không tấc đất cắm dùi, quần ống xéo ống cao ống thấp, khuềnh khoàng bước vào chùa, nói với người đội trưởng: "Cả cái tổng ni, ai chả biết hắn là đứa bặt trai [2]. Hắn chỉ về lấy thuốc để cha hắn chữa bệnh cho bây tui [3]. Thui [4]... hắn nhỏ rứa, tội tình chi mô mà nhốt như nhốt bọn Việt gian nứ [5] !", người ta bèn thả tôi ra. Trước lúc tôi ra khỏi chỗ nhốt, ông nội ghé vào tai tôi nói: "Biểu với cha cháu lo thu xếp đưa mấy mẹ con đi một nơi thật xa mà sống !". Ba hôm sau, buổi sớm, khi tôi và mẹ vừa gánh mía ra khỏi cổng, thì Tuyết, vừa đi đưa cơm cho ông nội cách đấy chừng mươi phút, mặt mũi tái xám, thập thõm chạy về, vừa nói vừa mếu máo, câu được câu chăng: "Ông ... nội chết ... rồi !". "Tầm bậy !" - Mẹ tôi mắng, vẻ không tin. "Con ... vô chỗ ... nhốt người, con thấy ông ... nằm, con gọi ông, ông ... nỏ nói ... chi, con đỡ ông ngồi ... dậy ... dựa vô ... tường, con xúc cơm cho ông ... mà ... ông ... nỏ ... há ... miệng... ờ ... ờ ... mẹ đền ông cho con ... ờ ... mẹ đền ...".
Cái chết của người ông kính yêu, đối với tâm hồn đứa trẻ nít mới lớn của tôi, như một nhát dao, chém ngang thân cây tre. Tại sao con người ta lại có thể đối xử với nhau ác độc đến thế ? Vì cái gì chứ ?! ... Lúc đau đớn quá thì oán trách như vậy, chứ thực ra cũng có nhiều người quý trọng ông tôi lắm. Cơm của nhà mang đến cho ông, hồi mới bị nhốt, thức ăn ngoài rau ra mẹ tôi còn cố làm thêm cho riêng ông một chút cá tép hoặc một chút con ruốc kho mặn với khế. Nhưng những ngày sau đó, chỉ mang có cơm và rau thôi, bởi lần nào sau khi ăn xong, ông cũng lén bỏ cá hoặc những loại thức ăn mặn vào liễn để đưa về nhà. Cha nói thì thào với mẹ: "Rứa ra đêm đêm vẫn có người lén đưa thức ăn cho ông, nỏ biết ông có ăn chút mô không, hay lại trút hết về nhà cho con cháu !". "Nước mắt răng chừ chả chảy xuôi !". Mẹ thở dài và lặng lẽ thắp một nén nhang lên chiếc bàn thờ làm tạm rồi cứ lầm rầm khấn vái mãi.
Mẹ tôi lấy ra từ cái ruột tượng cũ cáu bẩn, lúc nào bà cũng vấn quanh người, những đồng tiền lẻ tích cóp được, cũng cáu bẩn nhem nhuốc như vật đựng chúng, vừa đủ mua cho ông tôi một cỗ quan tài mỏng mảnh bằng thứ gỗ không biết có nên gọi là gỗ tạp không. Nhiều năm sau này, khi mẹ đã đi theo ông nội, cha tôi đóng một chiếc tráp nhỏ, để cái ruột tượng ấy vào, đặt lên bàn thờ bà và nói với các con: "Đấy là cái đức của mẹ các con. Các con nên nhìn vào đấy mà gắng chăm chỉ học hành, lao động; tiêu pha đúng mực, thương yêu đùm bọc lấy nhau và ... nếu giúp được người ngoài thì càng tốt !".
Cha mẹ tôi làm ma cho ông nội tôi. Một đám tang không kèn trống, cỗ bàn. Nhìn dòng người lặng lẽ đưa ông nội tôi ra đồng, ngoài những người làng - không hiểu tại sao, thời gian ấy không sang nhà tôi chơi nữa, thậm chí có gặp người nhà tôi ở ngoài đường cũng tìm cách lánh mặt - tôi nhận ra còn có cả người ở xã khác, huyện khác và cả những người đã được ông tôi chữa bệnh ở tít đâu, xa lắm. Cũng từ dòng người đang thực hiện cái nghĩa tận của mình ấy, tôi còn nghe được có ai đó đang thì thào với người đi bên cạnh: "Hồi kháng chiến, nhà ông cố nuôi nhiều bộ đội lắm đó. Người mô mà rộng rãi rứa !". Hơn ba năm sau, sau khi thay nhà cho ông nội, cha gọi anh em chúng tôi lại và bảo: "Các con chuẩn bị gói ghém đồ đạc, chỉ những đồ dùng thật cần thiết, hai ngày nữa nhà mình sẽ dời đi quê mới !". Các em tôi bắt tay vào việc ngay. Thằng Tấn, thằng Du cứ nằng nặc đòi đem đi cả chiếc chõng tre. Mẹ thì không nói gì, chỉ thở dài nhìn chúng tôi, lòng đầy thương cảm. Còn tôi lại nghĩ: Thì ra cha vẫn nhớ lời ông nội ! Tuy vậy, trong lòng, tôi vẫn thấy bứt rứt, nao nao, không thông. Tôi đánh liều hỏi cha: "Mần răng lại phải lìa quê mà đi hở cha ?!". Cha buồn rầu trả lời: "Phải xa quê cha tất tổ, xa mồ mả các cố, cha mẹ cũng đau lòng lắm con ạ, nhưng còn cuộc đời về sau của các con ... Nếu không, đến khi trăm tuổi, cha còn mặt mũi mô mà gặp ông nội các con nữa ?!"  
 
*
 
Chiều muộn, bố con tôi đã đến bến đò. Chỉ còn hơn hai cây số nữa là về đến quê. May quá, đò vừa tới bến. Đợi cho khách lên bờ hết, bố con tôi hỳ hục đưa xe máy xuống đò. Không quen việc nên cứ hỳ hà hỳ hục như đánh vật, tý nữa thì rơi cả xe lẫn người xuống sông.
-  Nầy, mấy chú ! - ông lão lái đò gọi giật mấy thanh niên đang cắm cúi đi ngược lên đê - xuống đây giúp ông ni một tay hề [6], cấy [7] xe nặng quá.
Mấy cậu trai nghe tiếng ông lão gọi, liền vui vẻ quay xuống giúp. Loáng một cái, chiếc xe đã nằm gọn an toàn trong khoang đò.
- Lần sau đi đường phải có ý - ông lão vui vẻ nói với mấy cậu trai - thấy người gặp khó thì giúp người ta. Nhớ hề ?!
- Dạ, chúng con nhớ !
Bọn trẻ vui vẻ đáp lại và chào ông lão. Tôi quay sang thằng con: "Con cũng nhớ chứ ?". "Vâng !" nó cười với ông lão và đáp. Đò đã đủ khách và bắt đầu chậm chạp rời bến. Một cô gái đứng lên, bước lần về phía ông lão: "Cố để con". "ừ !" Ông lão trao tay chèo cho cô gái và tìm một chỗ để ngồi. Ông tháo bầu rượu đeo bên hông, làm một tợp nhẹ, chép miệng một cái, rồi cao hứng cất lên một câu Đò đưa:
"Nước lên lắp xắp bờ biền[8]
Người ta sang cả, em cắm thuyền đợi ai ?"
"Cố vẫn yêu đời hề ?" - Một nông dân trạc tuổi tôi trêu vui ông lão. "Ăn thua chi, hồi xưa bây tui [9] còn "Hát cho đổ quán xiêu đình, cho long lanh nước cho rung rinh trời" nữa ấy chớ ! ... Bây dừ chẳng thấy hát nữa, nghĩ cũng thấy thương tụi trẻ". Ông lão lại làm một tợp rượu nữa rồi cất tiếng cười khà khà. Nhìn mái tóc cụ già bạc như mây, phất phơ trong làn gió nồm nam; khuôn mặt sáng hồng, hiền vui, nhẹ nhõm; hàm răng đều đặn, chắc khoẻ và đôi mắt lanh lợi, hóm hỉnh, tôi bỗng giật mình: Phải chăng đây là tất cả ý nghĩa của cuộc đời mà con người ta cứ vật vã, loay hoay, làm cho nó trở nên rối mù, tẻ nhạt và đôi khi có lẫn cả máu !
Chỉ còn vài chục mét nữa là tới bờ. Tôi nhìn xuống dòng nước, ngay chỗ này đây, vào cái đận tôi đi bán mía với mẹ ... thằng cu Tấn cứ khóc, đòi đi theo bằng được. Hôm ấy hàng bán hết sớm, mẹ còn đi mua gạo, anh em tôi về trước. Lúc ngồi trên thuyền, nó nhoài người ra nghịch nước và bị ngã xuống sông. Đôi tay bé tý của nó đập loạn xạ, tuyệt vọng ... cái đầu của nó bắt đầu giã gạo. Lúc bấy giờ, tôi cuống quá, chân tay mồm miệng cứng đờ. Mấy bà hét lên, kêu cứu mấy người đang đi phía trên đê. Tôi nghe tiếng ai đấy, từ đám người đó vọng xuống: "Con nhà địa chủ, cứu mần chi !". Thế rồi, ơn Phật, cùng lúc ấy, tôi nghe ùm một cái, từ một chiếc thuyền đánh cá đang tiến lại phía chiếc đò ngang, một người đàn ông để nguyên áo sống lao xuống sông. Loáng một cái, tôi đã trông thấy người ấy nổi lên, một tay túm lấy tóc thằng Tấn, tay kia khoát nước, bơi thẳng vào bờ. Người ấy chính là bác Lề thuyền chài, là cha thằng cu Sạch và con Thơm, bạn thuở nhỏ của tôi. Người ấy chính là mục đích chuyến đi này của bố con tôi.
 ò í e ... ò í ... Tiếng chuông điện thoại di động kéo tôi ra khỏi dòng hồi tưởng buồn bã. Ai trong số những người dân quê trên thuyền đang dùng thứ đồ xa xỉ này vậy ?  Ông lão thò tay vào túi, lấy ra cái vật vừa phát ra cái âm thanh xa xỉ ấy. Tôi bật cười vì chợt nhớ rằng, bây giờ, Đức Di lặc còn được người đời mời cả rượu Heinessy nữa là, nhưng có điều chẳng ai chịu mở nắp khi cúng cả. "Cha về chừ, lỡ còn khách thì mần răng ? Thui, tối ni làm muộn một chút cũng được, hề. Việc đó có quan trọng chi mà bay cứ hối [10] !". Đấy là toàn bộ thông tin của ông lão gửi sang đầu máy bên kia.
Đò vào bến. Tôi hỏi tiền đò hết bao nhiêu, ông lão bảo: "Tuỳ ông !" rồi chỉ tay vào cái hộp gỗ nhỏ để ở đầu mũi đò. Tôi quay lại, thấy mọi người bỏ vào cái "hòm phiếu" ông lão vừa chỉ ấy kẻ một ngàn, người năm trăm, cũng có người bỏ hai tờ hai ngàn. Lại có người không bỏ gì mà cứ thế đi thẳng lên đê. Tôi thấy lạ, nhưng cũng bỏ vào mười ngàn (theo giá chung ở mọi nơi) và chào ông lão.
Đường từ bến lên người ta làm chéo vát so với chiều con đê nên cũng thoai thoải, không dốc lắm. Bố dắt, con đẩy cũng nhẹ nhàng. Chợt tôi nhận ra chiếc xe lăn nhanh hẳn lên, khiến tôi phải rảo bước mới kịp.
- Đẩy mạnh thế làm gì cho mệt, con ! - Không quay lại, tôi nhắc thằng bé.
- Chỗ ni dốc lắm, nỏ lên được mô, để tôi giúp thì mới được - Một giọng người già vang lên phía sau lưng tôi.
Tôi quay lại, cũng vừa lúc xe đã lên mặt đê.
- Cảm ơn cố ! - Tôi quay lại cảm ơn con người tốt bụng vừa giúp bố con tôi.
- Ơn huệ chi ... - Người đó đưa tay lên gãi gãi đầu, nở một nụ cười méo xệch, phô ra hàm răng lởm khởm vàng khè - ông cho tui mười ngàn tiền công.
Đưa tay lên gãi gãi đầu, cái cười méo xệch, hàm răng lởm khởm, giọng lè nhè và mùi rượu nồng nặc ... Tất cả những cái đó khiến tôi ngờ ngợ, như đã gặp ở đâu, lâu lắm rồi. Tôi trân trân nhìn ông già gầy guộc, đôi tròng mắt láo liên trong hai hốc mắt trũng sâu, môi dưới ướt dượt, trề ra như chỉ chực chảy xuống như sáp ong gặp lửa. Tôi biết, đây cũng là một kiểu làm tiền đã có ở nhiều nơi, nhưng nhìn ông già khô héo, lưng còng xuống trong bộ áo quần tiều tuỵ, hôi hám, tôi vẫn thấy có cái gì đấy thương cảm và móc ví biếu ông ấy hai chục.
- Này, bác đi đường ơi, cho ông nứ một ngàn thôi -  Cô gái bán nước chè xanh ở một cái quán dưới gốc đa ven đường chạy ra nói với tôi và quay sang ông già - Ông Chinh ! Răng mà ông quá đáng rứa ... bác nứ là khách qua đường. Ông muốn bêu xấu dân cả xã ni à ?!
- Này cô ! - Tôi túm lấy tay cô gái, đưa mắt nhìn ông già đang cầm tờ hai mươi ngàn vừa đi lảng ra xa vừa ngoảnh lại như sợ tôi đổi ý - Có phải đây là ông Chinh có hai người con là anh Khoái và chị Nhàn không ?
- Đúng rồi ! Rứa ... ra bác cũng là người vùng ni ?
- Vâng, gia đình chúng tôi đi Yên Bái khai hoang cũng lâu rồi. Bây giờ về thăm quê, thấy đâu cũng lạ.
- Vậy mời bác đồng hương vô quán nghỉ uống bát nước chè xanh đã, rồi cần biết cái chi, cháu nhủ [11].
- Cô à, hoàn cảnh nhà ông Chinh bây giờ thế nào ? - Tôi hỏi trong khi cô gái đang lúi húi rót nước.
- Cũng chả ra răng ! ... Hồi chưa chia ruộng khoán, còn dựa dẫm vô hợp tác được. Từ chập có khoán mười đến chừ, cả nhà vẫn chứng mô tật nứ, siêng ăn nhác làm, nên không đủ ăn. Chú Khoái nhủ ông Chinh bán nhà, bán ruộng, ra phố huyện mua một vuông đất nhỏ, mở quán ăn, kêu bằng chi hề .... Quán Quê hương. Chậc ... hàng quán kiểu đó làm chi có nhiều khách ! Rứa rồi túng bấn vẫn hoàn túng bấn. Vợ chồng chú Khoái cũng nỏ ngó ngàng chi tới cha, cứ để cho ông rứa đó. Nghĩ cũng thấy tội. Hồi đầu năm, ăn quen bén mùi, cháu nghe nói vợ chồng chú nứ lại bán tiếp một đứa con nhỏ mới hơn một tuổi cho một người Tây, lấy được mô hơn hai chục triệu. Vung vinh được mấy tháng, đánh đề thua hết rồi. Ông Chinh buồn quá, chừ thì thành ra nát rượu, thân tàn ma dại ra rứa đó.
- Thế cô có biết ông cố Lề không. Hồi tôi còn nhỏ, cố làm nghề thuyền chài, không có nhà cửa, sống luôn trên thuyền ?
- Bác có họ với cố nứ à ?
- Không. Nhưng cố là ân nhân của gia đình tôi. Rổ khoai lang cố đưa cho mẹ tôi, ở đúng dưới cái gốc đa này đây, giữa lúc cả nhà tôi đang bị đói, đã cứu gia đình tôi qua được cái đận khốn khó ngày ấy.
- Hồi năm ất Dậu hở bác ?
- Không ...  à ... ừ, phải đấy - Tôi lúng túng trả lời - Cô cho tôi hỏi thăm đường đến nhà cố được không ?
- Cố nứ  ... - cô gái nhìn xuống phía sông và chợt im bặt ... rồi quay lại phía tôi, cười tinh quái - Cháu vẽ đường ra giấy cho bác, dễ tìm lắm. Mà tối nay là lễ mừng thọ cố tám mươi tuổi, bác gặp may rồi đó !
Rồi, như thể người đã lâu không được nói, cô hào hứng kể liền một hơi: Cố Lề ni là tức cười lắm. Các bác con của cố nứ đều khá giả mà lại tốt tính lắm. Các cháu của cố đứa mô cũng ngoan. Có hai đứa đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, đem lại hãnh diện cho cả xã nhà mình đó. Nhà cố có thiếu tiền tiêu mô. Các bác nứ cũng có bắt cố phải làm lụng chi mô. Nhưng tính cố vẫn rứa: Nỏ làm nỏ chịu được. Này bác ơi - cô gái hạ giọng, thì thào đến tức cười - Cố kiếm được rặt có tiền lẻ thôi, rứa mà tích cóp ra răng đủ tiền xây được nhà mẫu giáo cho xã mình đó, sạch và đẹp lắm. Chính quyền xã lấy tên của cố đặt cho cái nhà trẻ, nhưng cố không ưng, đòi vạc mấy chữ tên cố trên nóc đi. Ông chủ tịch xã biểu: Thì cũng phải có một cái tên mà gọi chớ. Cố biểu: Thì cứ gọi là nhà trẻ Kim Ngọc ! Ông chủ tịch nghe vậy thì nhìn cố, tủm tỉm cười. Còn từ độ nứ, chả ai đắp lại mấy cái chữ đã vạc đi đó, nhưng cả xã, chẳng ai biểu ai, cứ kêu cái nhà trẻ đó là nhà trẻ Cố Lề.
 Tôi cất cẩn thận tờ giấy vẽ đường cô gái bán nước đưa cho vào túi ngực. Nhưng ngày hôm ấy sao lại có lắm cái trục trặc thế. Đi được non cây số thì bánh xe xì hơi. May mà chỉ phải dắt bộ có một đoạn. Hiệu chữa xe tư nhân cấp xã có lẽ ít vốn, lượng phụ tùng thay thế dự trữ không nhiều và đến lượt tôi thì không còn xăm mới để thay cho cái xăm cũ vừa bị vò nát vì dắt bộ nữa. Nhờ sự nhiệt tình, khẩn trương của người đồng hương trẻ tuổi mặt mũi lấm lem dầu máy, đến hơn bảy giờ tối, gần một chục vết thủng đã được bịt lại chỉn chu. "Hai ngàn bác ạ" - cậu bảo tôi khi tôi trả tiền. "Sao lại thế ! Gần mười lỗ thủng to nhỏ, nhất định là cậu tính nhầm rồi !". "Bác cũng kể như là người gặp nạn. Lấy rứa cho bác đỡ ngại, chứ tui không lấy tiền của người bị nạn !" - Cậu thanh niên nói rất dứt khoát và xem thái độ thì rõ là không gì có thể lay chuyển nổi. Tôi ngẩn người: "Cậu thật phúc đức quá !". "Phúc chi mô, tui chỉ mần theo cố Lề thui. Mà mần rứa cũng thấy sướng trong người lắm đó. Nỏ tin, khi nào bác cứ mần thử coi, thật đó !". Cậu toét miệng cười, một nụ cười vừa trong vừa mát và có nhiều khuynh hướng hỷ xả.
 
*
 
Trong nhà đèn nến sáng choang. Mọi người, chắc là toàn con cháu, đang ăn uống vui vẻ. Bố con tôi dắt xe vào sân. "Cẩn thận nhỡ có chó !" - Tôi quay lại, nhắc thằng con. "Nỏ có chó mô, lâu rồi nhà không nuôi chó ! Lỡ đường hả ? Vô đây nghỉ uống rượu, mai đi tiếp !" - Tôi ngoảnh lại, một cụ già nhanh nhẹn bước ra - "Ô ! Cố đò ... Nhà cố đây à ? - Tôi chột dạ, đồ là mình đã vào nhầm nhà - Con đang đi tìm nhà cố Lề !". "Há ! Tôi đây, còn ông là ... ?". Tôi quýnh lên, quên phắt, buông tay khỏi cái xe máy chưa dựng chân chống và chạy tới túm lấy tay cố.
- Bác ơi, con là thằng Mẫn, con ông lang Mẫn đây !
- Há ... - Ông nắm lấy hai cánh tay tôi, ngửa mặt ra phía sau nhìn cho rõ, mắt rơm rớm - Mi đó hở Mẫn ? Ông bà cố chừ ở mô, có được mạnh giỏi không ? Có bị cực không ?
Tôi kể tóm tắt tình hình gia đình tôi.
- Ừ, rứa thì tốt rồi. Chỉ tiếc cho bà cố mất sớm, đến lúc con cháu phương trưởng, tốt đẹp thì không được trông thấy. Thôi, hắn cũng là cái số con ạ ! - Rồi ông quay sang thằng con tôi ngó trân trân - Con nhà mi đó Mẫn ?
- Con chào cố ạ ! - Thằng bé, không biết học ở đâu, khoanh hai tay trước ngực, cúi đầu chào cố.
- Mặt mũi sáng sủa lắm, gắng rồi thành người hữu dụng con ạ !
Mọi người trong nhà lúc đó mới chạy ồ ra. Bằng thứ trực giác trẻ con vẫn còn xót lại chút ít, tôi nhận ra - không, phải nói là "đánh hơi" - ngay anh cu Sạch và cô Thơm. Trông gương mặt hồ hởi và nụ cười sáng rỡ của họ, tôi nhận ra trong đó có cả cái hồn của cố Lề và biết chắc rằng mọi điều đang ngày càng tốt đẹp. Chúng tôi cười nói ồn ào, kéo nhau vào nhà, tiếp tục cuộc vui.
Khi các bà các cô bắt đầu thu dọn mâm bát, ông Sạch nháy mắt ra hiệu cho tôi cùng với ông đi đến bên Cố:
- Cha ơi, mời cha vô thay áo để con cháu chúc mừng.
- Tau đã biểu là không cần phải lãng phí rứa mà bây không nghe ! - Ông cố phật ý ra mặt. Còn ông Sạch thì kín đáo nhìn tôi cầu viện.
- Bác ơi, hôm nay là ngày vui lớn của con cháu. Bác chiều con cháu đi, bác ! - Tôi nài nỉ.
Chừng như nể tôi đi xa, lâu ngày mới về, Cố cười và miễn cưỡng đi vào buồng. Thoáng một cái, đám thanh niên đã thu dọn và kê bàn ghế xong xuôi. Cố ra khỏi buồng trong bộ lễ phục áo dài khăn sếp may bằng lụa điều, ông Sạch và bà Thơm theo sau. Cố dừng lại ở giữa nhà. Một thằng bé chạy tới túm lấy tay cố, rồi nhảy cẫng lên: "Hoan hô Cố nội bữa ni đẹp quá !". Rồi nó kéo cố về phía chiếc ghế đặt sát bức tường gian giữa, phía sau cái bàn uống nước phủ vải đỏ, kê ngang trước cái ghế: "Con mời cố nội ngồi đây !". Thằng con tôi nhìn cảnh tượng, thấy thích quá, nó ghé vào tai tôi: "Bố ơi, nhà mình cũng làm mừng thọ ông nội đi !". "ừ, phải đấy, chắc chắn nhà mình sẽ đông và vui lắm !"
- Trật tự ! trật tự nào ! - ông Sạch đứng giữa nhà, dang hai tay. Mọi người lúc bấy giờ đã đứng quây phía trước cố, dáng chừng định nói đôi lời.
- Thôi, thôi ... không phải phát biểu chi hết, nhạt lắm - Cả nhà chợt nhất loạt im lặng - Hôm nay thật là vui, cảm ơn ông Trời xui khiến, ông Mẫn, con cố Lang Mẫn bạn ta, cũng về vui với nhà ta.
Nhân dịp cơ hội đang thuận lợi, tôi tiến lên phía cố, hai tay kính cẩn nâng chiếc túi mà cha tôi gửi gắm biết bao tình cảm, ý tứ vào đó:
- Cha cháu gửi biếu bác chút quà, xin bác nhận lấy. Đây là tấm lòng biết ơn của cả gia đình cháu.
Cố tiến lên một bước, cũng lấy hai tay kính cẩn mà đỡ lấy. Trước bao nhiêu cặp mắt tò mò của cả nhà, cố lần mở miệng túi, lấy ra chiếc hộp, ngắm nghía và mở ra. Cố nhìn vào lòng hộp, thoáng giật mình rồi nhìn tôi.
- Ta thực chưa xứng với món quà này ... - cố lặng đi một lúc - nhưng vì cha của con đã yêu mến ta mà khó nhọc công phu tạo ra báu vật này ... - Đến đây, cố xoay người về hướng Bắc, cúi đầu thi lễ - tôi xin lạm nhận tấm tình của cố nhân !
Bồi hồi hồi lâu, cố chậm rãi quay lại phía con cháu: "Ta cũng có vài câu, đã chuẩn bị từ lâu, nay muốn đọc cho các con các cháu cùng nghe và cố gắng đừng bao giờ quên". Nói rồi, cố cất giọng, từ từ đọc:
Giữ đạo cương thường con kính bố
Sáng trong đạo đức cháu chiều ông.
Đất Trời vần vụ đâu dâu bể ?
Làm người cốt trọn một chữ Nhân ! [12]
Không khí lắng xuống, không ai nói câu nào cho đến lúc thằng bé ban nãy hồn nhiên phá vỡ sự im lặng:
- Cố ơi, cháu nỏ hiểu chi hết.
- Rồi dần dần cháu sẽ hiểu - Cố cười hiền lành, đưa tay xoa đầu thằng chắt nhỏ trong trẻo như chú chim sâu.
Ông Sạch ra hiệu cho thằng bé quay lại. Vẫy bà vợ và vợ chồng cô Thơm lại đứng bên, rồi cả bốn người vòng tay trước ngực, cúi đầu kính cẩn:
- Chúng con kính chúc cha vui khoẻ, sống lâu với con cháu !
Tiếp theo sau là hàng cháu. Cảnh tượng thật ấm áp và cảm động. Cố Lề ngồi ở chiếc ghế dành riêng cho mình, nhìn đàn con cháu chắt đông đúc mỉm cười hài lòng. Sau khi hàng con và cháu dâng quà mừng là đến lượt các chắt. Sắp trẻ thơ chưa biết phép tắc, cứ thế giành nhau lên trước, đặt vào lòng cố đủ các món quà "lẩm cẩm".
Có tiếng ồn ngoài cổng. Chẳng đợi ai ra mở, hai cánh cổng gỗ đã bật tung ra và theo đó, một đàn con nít cùng bà con hàng xóm ùa vào. Tôi nhận ra, trong đám người đó có cả cô bán nước và cậu thợ sửa xe. Cô bán nước chào tôi, vẫn nụ cười tinh quái ban chiều. A ... - tôi chợt hiểu ra - cảm ơn cô gái nghịch ngợm ! Anh thợ ảnh có vẻ vất vả tợn. Có lẽ anh không muốn bỏ sót những hình ảnh mà không bao giờ còn lặp lại lần thứ hai nữa. Thôi thì đủ các thứ quà: quê có, tỉnh có. Bên cạnh những gói quà của bà con hàng xóm như ta thường thấy, còn có cả những thứ "lẩm cẩm" của bọn nhỏ nhà trẻ, giống y như quà của các chắt của cố: Quả ổi, quả na, mấy chiếc kẹo, mấy quả chuối, cái bánh cu đơ ...
Cố Lề ngồi đó, ngập trong quà biếu đủ loại, đủ cỡ, đủ màu sắc ... và nở một nụ cười, nụ cười làm sáng bừng cả gian giữa, chỉ thấy ở những người hạnh phúc mà may chăng, chỉ có âm nhạc mới có cơ ghi lại được.
            Không khí đầm ấm, thân tình. Kẻ cười người nói râm ran. Người lớn kể với nhau những chuyện về cố và luôn nhắc đám thiếu niên phải nhớ lấy như những bài học. Lũ trẻ nhỏ chạy nhảy, tung tăng nô dỡn và thỉnh thoảng có đứa cao hứng hét tướng lên: Cố Lề muôn năm !
 - Răng mà cố cười lâu rứa hề ?! - Một người đàn ông trạc tuổi tôi, mà mọi người giới thiệu với tôi là bác sỹ, níu tay tôi, nhìn cố, lo ngại hỏi, tựa như hỏi chính mình.
Không đợi ai trả lời, ông bước đến chỗ cố ngồi: "Cố ơi !". Không trả lời. "Cố ơi !". Vẫn không trả lời. Ông hốt hoảng cầm tay cố bắt mạch. Lát sau, mặt tái nhợt, ông quay ra, thì thào: "Cố thăng rồi !". Những người đứng bên cố chợt im bặt, bàng hoàng. Những người khác chưa hề biết gì, vẫn cười nói râm ran. Lũ trẻ vẫn mải nô đùa cười hát. Tôi nắm tay cố: Đôi tay vẫn mềm và ấm. Tôi nhìn cố: Cố vẫn cười ... đúng là vẫn cười ! Nụ cười vẫn tiếp tục toả sáng, thứ ánh sáng có màu hồng nhẹ, có lẽ cũng giống như vầng sáng toả ra từ xứ Tây Trúc huyền thoại xa xôi !                  

Tháng 01 năm 2005

 

Chú thich:


[1] Không



[2] Giỏi trai



[3] Bọn tôi



[4] Thôi



[5] ấy



[6] nhỉ



[7] cái



[8] Bãi bên sông



[9] bọn tôi



[10] Giục



[11] Bảo



[12]  Thời ấy ở vùng Diễn Châu - Nghệ An, có mấy câu thơ lưu truyền trong dân chúng: 
    Lỗi đạo cương thường con tố bố
     Vùi sâu đạo đức cháu khiền ông …



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 540

Return to top