Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> CHIỀU CHUNG CƯ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 492 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

CHIỀU CHUNG CƯ
Vũ Đình Giang

Căn phòng rộng mười sáu mét vuông, có một cái giá gỗ hai tầng đặt dọc cạnh bờ tường và bốn chiếc bàn con. Cứ hai chiếc bàn thì xếp liền nhau thành một, quay hướng về phía cửa cũng là hướng mặt trời mọc. Với cách bài trí như thế, trông căn phòng như một lớp học đặc biệt. Mỗi lần đẩy cửa bước vào, chiếc quạt trần lại kêu lên lạch cạch như chào - kiểu chào lờ đờ của người ốm mới gượng dậy. Chị Hồng ngồi cạnh bên tôi, dáng người thô kệch, mắt hơi lồi, giọng nói sang sảng và cục tính. Phía trên là Dũng và Tâm - hai công tử từng ăn chơi quậy phá một thời, giờ chịu phép ngồi rọ rạy trên ghế, làm được một chút là ngáp vặt rồi bảo nhau: "Lát nữa cà phê hông?". "Quán mây hả?". "Ừ". Hoặc hẹn hò nhau: "Chủ nhật này đi Thanh Đa?" và những câu đại loại như thế. Tôi đoán, chắc họ rủ rê thăm "đào", công tử mà! Có lần chị Hồng bảo tôi rằng Dũng đã từng vào tù vì tội đua xe gắn máy gây tai nạn cho người đi đường.
Ngoài trời mưa đến khiếp. Mấy hôm nay trời bão, cứ âm u buồn và mưa dầm dề. Chị Hồng ngồi lo lắng: "Hồi sáng đi vội, quên mang theo áo mưa, không biết lấy cái chi che thân mà về để kịp buổi lễ". Tôi tặc lưỡi nói thầm: "Lễ với lạc, nghỉ một bữa thì đã sao". Như tôi đây, không theo một đạo nào hết nên đỡ phần bận bịu. Chị Hồng có vẻ phật ý, bảo: "Lúc nào con người ta thất bại, người ta sẽ tìm đến một chỗ dựa tinh thần. Mà tôn giáo chính là chỗ dựa vững chắc nhất", và tôi ậm ừ: "Cũng tùy!" cho qua chuyện.
Làm được vài tuần, chị Hồng định xin nghỉ. Chị kéo tôi ra ngồi trong cái mái hiên nóng bức của một quán cơm bình dân, lắc đầu thất vọng: "Làm chỗ này chán quá em ạ!". Tôi trố mắt hỏi: "Chị tìm được chỗ khác rồi phải không?". Chị không trả lời, lại lắc đầu, vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi. Tôi đoán chị đang gặp một điều không hay nào đó nên không hỏi nữa, lặng lẽ ngồi ăn từng muỗng cơm nhạt nhẽo. Buổi trưa ở khu vực này yên tĩnh hẳn, những con phố nghèo nàn chật hẹp chen lấn với hàng dãy quán cơm bình dân với lèo tèo dăm bác xích lô ngáp dài đợi khách.
Bất chợt chị Hồng hỏi: "Em bao nhiêu tuổi?". "Mười chín", tôi trả lời mà không hiểu chị ra sao nữa. Chị hỏi tôi mãi điều này để làm gì. "Em còn quá trẻ - chị nhìn tôi chân thành - còn chị thì đã ba mươi. Cái tuổi mà người ta cho là chín chắn nhất… Nhưng với chị đó là độ tuổi dễ khiến người ta dại dột nhất". "Chị lại triết lý nữa rồi. Có chuyện gì xảy ra ư?"… Chị mỉm cười chua xót: "Người con gái hai mươi tuổi kiêu hãnh bao nhiêu thì khi ba mươi tuổi họ lại dễ dàng buông xuôi bấy nhiêu. Chuyện của chị… mà thôi! Em biết cũng chẳng ích gì". Tôi thở dài, chưa bao giờ chị Hồng lại khó hiểu như lúc này. Cái kiểu nói xa nói gần như thế dễ khiến người đối diện tức tối vì sự tò mò chưa được thỏa mãn. Suốt nửa năm trời làm việc chung với chị, tôi thấy cuộc sống của chị cũng yên bình, có gì lạ đâu? Sao hôm nay chị lại nói chuyện với tôi bí ẩn như vậy?
Trời bỗng dưng tối sầm, gió nổi lên đùng đùng, giật tấm vải nhựa chắn trước quán. Bà chủ buông đũa, chạy ra giằng lại bốn góc dây dù. Tôi thở dài ngao ngán nhìn bà: "Sao ở đâu cũng gặp những người vất vả. Giống như mình. Sao cuộc sống chẳng thể thay đổi? Có lẽ không hề thay đổi".
Mãi mà không thấy chị hồng thôi việc, tôi nghi ngờ: "Chị chưa tìm được
chỗ mới à?". Chị trả lời: "Biết sao được. Ván đã đóng thuyền rồi. Mọi chuyện bây giờ lở dở cả...", rồi lấy tay xoa bụng, nhìn lên phía trước giờ chỉ còn Tâm ngồi hì hụi một mình. Tôi lén nhìn chị, đau đớn nhận ra bụng chị Hồng ngày một to ra. Mà Dũng, khốn nạn thay, đã không hề đi làm từ lâu rồi.
Buổi trưa, chúng tôi kéo nhau ra hành lang hóng mát. Chung cư này có vẻ yên ả chứ không ồn ào như những nơi khác. Chị Hồng mặt mũi xanh xao, nôn ọe mấy lần, mắt nhìn tôi chua xót. Tôi cúi đầu, muốn khóc mà không khóc được. Có lẽ tôi chưa bao giờ bước chân vào thế giới của chị. Tôi chỉ là con bé sinh viên nghèo tập tễnh đi làm thêm để chi phí cho cuộc sống xa nhà đầy khốn khó.
Thế giới của tôi chỉ là những trang sách vở pha lẫn một chút cay đắng khi ông chủ trả tiền công theo kiểu "nhỏ giọt". Tôi chưa từng trải qua tâm trạng như chị. Hóa ra, con người ta sống đến ba mươi năm vẫn còn khờ dại chỉ vì một phút nông nổi.
Nắng tự dưng tắt và trời lại tối. Tôi kéo tay chị Hồng: "Vào nhà đi chứ, trời sắp mưa!". Chúng tôi bước qua đoạn hành lang tối sầm, thấy giống như một con đường dẫn vào địa ngục.
Tối về ký túc xá, tôi giở quyển nhật ký nhưng không viết được dòng nào. Trong óc luôn hiện ra hình ảnh chị hồng mắt hơi lồi, dáng người thô kệch ngồi ưu phiền sau chiếc bàn vuông, tỉ mẩn tô màu xanh đỏ lên mảnh lụa trắng có in hình phật bà chắp tay niệm chú. Và bàn trên Dũng cục cựa trên ghế, hỏi Tâm: "Chủ nhật này đi Thanh Đa không?". Hàng ngày, chúng tôi ngồi tô vẽ những mẫu Phật từ bi, mà cuộc sống chưa bao giờ dứt ra khỏi nỗi khổ sở. Tôi thiếp đi trong mệt mỏi. Trong mơ tôi thấy chị Hồng hiện ra với cái bụng ngày một to, tay phải cầm cọ tô màu áo xám của Phật bà, còn tay kia bấu chặt vào thành lan can chung cư, nước mắt vòng quanh má, nói với tôi: "Em còn quá trẻ. Còn chị thì đã ba mươi…". Lúc ấy tôi đã nghĩ: "Có thể người ta còn trẻ là hạnh phúc. Nhưng than ôi, người ta ai rồi cũng đến lúc ba mươi, chị Hồng ơi!"
Sau cùng, chỉ còn mình tôi cặm cụi đi làm. Đơn giản bởi vì tôi cần tiền,
nhưng chưa tìm được chỗ làm mới. Đành tự an ủi mình: "Dù sao cũng phải sống nữa chứ!"… Tâm nhướng đôi mắt hơi hí, chòm người qua bàn, hỏi kệch cỡm: "Sao đi có một mình thế?". Tôi rụt người lại, nhìn chiếc ghế trống cạnh Tâm, cảm thấy ghê tởm. Được một lát, tâm lại quay xuống, nụ cười đầy ý nghĩa: "Thế này thì chán thật! Em đi uống cà phê với anh không?". Tôi giương mắt khiếp hãi: "Không!" rồi cúi gầm mặt xuống vuông lụa trắng cầu cứu. Hóa ra bức hình chỉ là vô hồn. Đơn giản đó chỉ là sản phẩm do con người tạo nên. Trách sao được khi mỗi sáng đầu tuần, chính tay chúng tôi kéo bản lụa, trong một tiếng đồng hồ in ra hàng loạt những"Phật bà" như thế. Sau đó, mỗi người chúng tôi chia ra từng khâu tô vẽ, thêm thắt, viền kim tuyến lấp lánh; và ông chủ cho người đến mang đi tiêu thụ.
Tâm dường như không chịu nổi sự im lặng, xô ghế đứng dậy, phẩy tay bực dọc: "Chán nhỉ!". Tôi nghĩ, ừ, cũng chán thật, nhưng ít ra là với tôi; còn anh vì chán vì cái gì? Rất may ông chủ đi vào, trên môi luôn nở nụ cười khinh miệt, nhìn chúng tôi soi mói. Tôi bỏ ra cửa, nhìn mông lung về nóc nhà thờ phía xa, tự hỏi giờ này chị Hồng đang làm gì. Buổi tối chị có còn thức khuya giặt hai chậu quần áo đầy ứ cho một lũ em nữa không? Và chiều chiều chị có còn đội áo mưa nhẫn nại đi nhà thờ cầu nguyện?
Bỗng dưng tôi nhớ tới người chị họ ở quê. Năm nay đã ngoài ba mươi, lam lũ với chiếc áo bà ba, may bằng vải nội địa thô ráp, dáng người không đến nỗi thô kệch nhưng mặt mày buồn thảm. Dì tôi hay nhiếc mắng mà mắt nhìn con gái đầy thương xót: "Tội nghiệp! Cái số nó bạc quá. Gái lỡ thì như nó, chỉ mong cho thằng nào chết vợ rước đi". Chị họ tôi vừa đi gặt lúa ngoài đồng về, buông rơi lưỡi hái, cắp nón lá ra sau hè ngồi khóc rấm rức. Dạo đó tôi còn quá nhỏ để thấu hiểu nỗi đau và cảnh ngộ mà chị đang chịu đựng, chỉ biết cười kêu: "Ở một mình không sướng sao? Em chẳng sợ chết già", rồi chạy ù qua hàng xóm chơi.
Làm thêm được một tuần nữa, tôi nghỉ hẳn. Không hiểu sao chung cư này càng lúc càng bức bối, tôi càng không chịu được ánh mắt của Tâm, cứ hay đi xuống nhìn tôi, cười đểu giả: "Em đi uống cà phê với anh nhé?". Mỗi lần như thế, tôi lại cầu cứu vuông lụa trắng nhưng bất lực. Chiều chiều tôi lại phải đi qua dãy hành lang tối âm u. Mà lần nào cũng tưởng con đường này đang dẫn xuống địa ngục. Ánh nắng chiều vàng rực ngoài kia không bao giờ rọi vào được dãy hành lang này. Người trong chung cư đi lướt qua nhau, lặng lẽ như những cánh dơi đêm; nép sát người vào bờ tường, luôn nghi ngại kẻ đi bên cạnh chực giở trò lưu manh với mình.
Chiều thứ bảy, tôi rời giảng đường đi lang thang trên sân cỏ lác đác hoa dại. Bao nhiêu cặp trẻ tuổi đang sống bước bên nhau, hẹn hò một đêm tình yêu đầy ý nghĩa. Còn tôi, tôi chỉ nhớ tới chị Hồng. Mãi mãi tôi không quên được ánh mắt của chị nhìn tôi đau đớn: "Em mới mười chín... Còn chị thì đã ba mươi…". Trong mắt chị, tôi chỉ là cô gái mười chín tuổi. Và tôi ao ước giá như tôi mãi mãi chỉ là cô gái mười chín tuổi thôi. Rồi lại nghĩ thầm: "Biết đâu như thế mãi cũng không hẳn là hạnh phúc…".

 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 246

Return to top