Bài "Vài kỷ niệm của một cựu sinh viên trường thuốc Hà Nội", sau khi được đăng trong Y Tế Nguyệt San Bộ III tháng 3 năm 1997, đã gặp nhiều hồi âm khen tặng cùng nhiều thư từ góp ý. Sau đây là một số thư từ trao đổi giữa Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên và độc giả.
LỊCH SỬ TRƯỜNG THUỐC HÀ NỘI VIỆT NAM
Springfield, VA ngày 6 tháng 9 năm 1997
Kính gởi: Dược Sĩ Vũ Văn Tùng và Nha sĩ Nguyễn Kim Liễu
Kính thưa Anh và Chị,
Tôi có nhận được thơ của Anh và Chị và phóng ảnh bài "Sơ lược về trường thuốc Hà Nội Việt Nam" của BS Nguyễn văn Tín.
1. Theo tài liệu ấy thì BS. Tín năm nay 86 tuổi, thì tôi chắc là đúng. BS. Tín mà tôi quen ở ngoài Bắc vì là "đàn anh" của tôi trong trường thuốc. Nếu tôi nhớ không lầm thì lần cuối tôi gặp Ông ấy là hồi năm 1947 (cách đây 50 năm!) lúc Toàn Dân Kháng Chiến chống Pháp dành độc lập, khi quân Pháp vượt ra khỏi Hà Nội, xuống đến Trường Tín trên đường đi Phủ Lý, thì chúng tôi phải chạy vào vùng Vân Đình, chợ Siêu, chợ Đặng, thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, trên sông Đáy đi vào chùa Hương, vì tôi phải di tản một bệnh viện đặt ở làng Vạn Phúc phải đưa vào gần núi phía chùa Hương để trốn quân Pháp. Gặp ở đó có BS. Tín, DS Hoàng Xuân Hà (em của Ông Hoàng Xuân Hãn), Nha Sĩ Phùng Thị Cúc (về sau vợ của Nha Sĩ Bửu Điền), BS. Đặng Văn Chung, BS. Nguyễn Thị Lợi (về sau vợ BS. Lương Phán) và Tôi.
2. Theo ý tôi thì bài "sơ lược về Trường Thuốc Hà Nội Việt Nam" quá sơ lược, không có đem đến cái gì mới, không có những chi tiết rõ ràng, nếu so với bài cùng một đề tài đăng trong mục Thư Tín của Tập San Y Sĩ (Canada) số 110 tháng 2-1991 (kèm theo đây).
3. Để Anh và Chị có một chút ý niệm về sự hoạt động của Trường Thuốc trong những năm đầu sau khi thành lập (năm 1902), tôi photocopy và kèm theo đây vài trang của một bài rất dài của báo (bán nguyệt san) "La Dépêche Coloniale Illustrée" số 23 ngày 15-12-1908 cách đây gần 89 năm! Mà một Anh bạn gởi biếu tôi [sau khi đọc bài của tôi (đăng trong Tập San Y Sĩ Canada 1990)].
Thân Ái kính chúc Anh, Chị và quý quyến được vạn an.
BS Nguyễn Lưu Viên.
TRÍCH HỒI KÝ CỦA BÁC SĨ NGUYỄN VĂN TÍN
Bác Sĩ Nguyễn Văn Tín sinh năm 1911, Tốt nghiệp Bác-sĩ Y-Khoa năm 1938.
Giám-Đốc Bệnh-Viện thành-phố Hải-Phòng 1941-1946.
Thứ-Trưởng Bộ Y-Tế 1968-1978,
Phó Chủ-Tịch Hội Chữ Thập-Đỏ Việt-Nam 1971-1988
Chủ Tịch Hội Đồng Khoa Học Ủy Ban Thể Dục Thể Thao TU 1958-1966
Nay là Chủ- Nhiệm Câu Lạc Bộ Thời Sự Khoa Học
Tới Năm 1992 thuộc Liên-Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt-Nam.
SƠ LƯỢC VỀ TRƯỜNG THUỐC HÀ-NỘI VIỆT-NAM
Trường thuốc Hà-Nội được thành lập vào năm 1902 đào tạo y-sĩ Đông-Dương cho cả ba xứ Việt Nam, Cao Miên và Lào. Sinh viên có bằng thành chung (Diplome d études primaires) vào học bốn năm ra y-sĩ Đông-Dương, sau trường mở thêm khóa Dược tương đương học ba năm ra Dược-sĩ Đông-Dương. Hiệu-Trưởng đầu tiên là Bác-sĩ Alexandre Yersin.
Bác-sĩ Alexandre Yersin nguyên là chuyên viên của viện Pasteur Paris (ancien Elève de l Institut Pasteur Paris), kế tiếp là Bác-sĩ Le Ray Des Barres thay thế Bác sĩ Alexandre Yersin (Section Doctorat). Rồi đổi tên thành Trường Đại Học Y-Khoa (École de Medecine et de Pharmacie) chương trình học là 7 năm.
Năm đầu tiên là năm dự bị PCN (vật-lý, hóa-học, thực-vật) rồi PCB (vật-lý, hóa học, sinh-học). Sau vào năm thứ nhất đến năm thứ sáu thì trình Luận-án Bác-sĩ Y- Khoa (Trước năm 1935 phải sang thi ở Đại-học Y-Khoa Paris, từ năm 1936 Đại- học Y-Khoa Paris cử sang Hà-Nội Hội-đồng Giám-thị cùng với các Giáo-Sư của trường Hà-Nội chấm thi tại trường Y-Khoa Hà-Nội.
Nói chung Trường Y-Khoa Hà-Nội được tổ chức theo mô hình Trường Đại-Học Y-Khoa Paris ngoài việc thi lên lớp mỗi năm, còn tổ chức thêm kỳ thi tuyển lựa ngoại trừ các Bệnh-viện Hà-Nội tiếp theo thi tuyển lựa Concours nội trú các Bệnh-viện Hà-Nội, làm nội trú 4 năm rồi trình luâïn án Bác-sĩ, thường các Bác-sĩ có ghi thêm là "Nguyên nội trú các Bệnh-viện ...A...B...C Hà-Nội" thì có giá trị hơn các Bác-sĩ thường. Hệ thống ngoại trú các Bệnh-viện Hà-Nội được tổ chức từ năm 1934 sinh viên ngoại trú một năm được thì tiếp nội-trú (chúng tôi đều nhớ sinh viên nội trú như Sinh-viên Tôn-Thất-Tùng Ngoại-Khoa, Đặng-văn-Chung Nội-Khoa, Đinh-Văn-Thắng Phụ-sản-khoa v.v...)> Tại trường Đại học Y khoa Paris tổ chức thi tuyển lựa Giáo-Sư Thạc-Sĩ Đông-Dương (Professeur agrégé pour L Indochine) để có giáo sư cho Trường Hà Nội lúc đó là Giáo Sư Massias (Nội Khoa), Meyer May (Ngoại Khoa), Daleas (Sản-Phụ-Khoa), sau này có Giáo Sư Việt-Nam như GS Đặng-Văn-Chung (Nội-Khoa), GS Vũ-Công-Hòe (Bệnh lý giải phẩu), GS Trần-Quang-Đệ v.v...
THƯ TÍN
Bác Sĩ Phụng Hồng, Florida
Từ một thắc mắc của anh nhân đọc "Ông già kể chuyện đời xưa" (Bs Nguyễn Lưu Viên) trên Tập san Y sĩ số 108, không biết rõ trường thuốc Hà Nội thành lập hồi năm nào, anh đã thử đề nghị căn cứ vào một đoạn văn trong hồi ký của cựu trung tướng Trần văn Đôn để tìm giải đáp.
Đại ý trang 16 trong tập hồi ký của tướng Đôn cho biết thân phụ của ông sau 4 năm học y khoa ở Hà Nội, tốt nghiệp y sĩ Đông Dương và được sang Pháp tiếp tục học để thành người "Annam" đầu tiên có bằng bác sĩ bên Pháp.
Do đó anh đã suy đoán:
1. Thân phụ ông Đôn là người Việt Nam quốc tịch Pháp đậu bác sĩ đầu tiên.
2. Thân phụ ông Đôn học thuốc ở Hà Nội 4 năm, qua Pháp học tiếp và sinh ông Đôn năm 1917.
Vẫn theo anh, như vậy thân phụ ông Đôn bắt buộc phải vào trường thuốc Hà Nội từ năm 1913. Vậy trường này bắt buộc phải được thành lập từ năm 1913 hoặc trở về trước. Do đó ta có thể lấy năm 1913 làm năm chính thức của trường được chăng?
Trộm nghĩ suy luận giản dị như thế không thể nào được hưởng sự khoan hồng của công luận, và căn cứ theo các tài liệu mà Tập san hiện có, chúng tôi xin trình bày sơ lược về lịch sử của Trường Y Khoa Hà Nội. Hy vọng có thể thỏa mãn lòng hướng về cội của bạn Phụng Hồng.
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TRƯỜNG THUỐC HÀ NỘI CÓ THỂ CHIA LÀM 3 THỜI KỲ:
1. Thời kỳ 1902-1921
Năm 1898 Toàn quyền Paul Doumer bổ nhiệm một ủy ban nghiên cứu việc thành lập một trường y khoa tại Sài Gòn do bác sĩ R. Henaff làm chủ tịch. Đồng thời giáo sư thạc sĩ Edouard Janselme nhận sứ mạng của Bộ Thuộc Địa Pháp sang nghiên cứu tại Đông Dương trong 2 năm, cũng khuyến cáo mở trường y khoa.
Ngày 8 tháng 1 năm 1902, Toàn quyền Paul Daumer ký nghị định thành lập trường thuốc tại Hà Nội, chứ không phải tại Sài Gòn, vì lý do: "parce que le Tonkin permet, en plus de l observation des maladies propres au climat chaud de l Extrêmê Orient, l étude des maladies spéciales à la saison d hiver et en outre, il est voisin de la Chine où s accentue notre intervention médicale, l une des formes les plus efficaces et les plus honorables de notre réputation".
Trường tọa lạc tại Thái Hà, phía nam Hà Nội, gồm có trường sở, một thư viện và một nhà thương thực tập 40 giường.
Theo chỉ thị của Bộ trưởng Thuộc Địa, M. Decrais, ngày 16-11-1901, "qu on trouve un directeur, point trop jeune, qui ait un prestige et une autorité suffisante, pour mener cette création à bien", vị khoa trưởng đầu tiên được bổ nhiệm là bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943), học trò của Pasteur, y sĩ thiếu tá, lúc đó đang giữ chức giám đốc Viện Pasteur Nha Trang.
Ban giảng huấn gồm có Bs Degorce, Bs Leroy des Barres (Enseignement clinique), Bs Capus (Anatomie), Ds Duvergne (Clinique médicale), M. Jacquet (Botanique), M. Gallois (Histoire, Géographie, Chimie et Physique élémentaire, Arithmétique), M. Lê văn Chính (Interprète-répétiteur).
Lể khánh thành trường cử hành vào ngày 27 tháng 1 năm 1902 dưới quyền chủ tọa của Toàn quyền Paul Doumer.
Khóa học đầu tiên của trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902 gồm có 29 khóa sinh, được hưởng học bỗng mỗi người 8 đồng bạc một tháng, thành phần như sau:
- 15 người thuộc Bắc kỳ
- 5 người Trung kỳ
- 8 người gốc Nam kỳ
- 1 người gốc Cao Miên
Các sinh viên được đeo trước ngực thẻ bài ngà, trên đó ghi 7 chữ "Đông Dương Thái Y Viện Hậu Bổ".
Sau kỳ tam cá nguyệt đầu tiên tháng 6-1902, 14 người bị loại, chỉ còn 15 sinh viên được tiếp tục học.
Vì những bất tiện về vệ sinh, trường được di chuyển về trung tâm thành phố một năm sau, tọa lạc tại đường Bobillot, và nhà thương Bảo Hộ được chọn là nhà thương thực tập. Bs Cognacq thay thế Bs Yersin giữ chức vụ Khoa trưởng từ 1904 đến 1922.
Các y sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên năm 1907 được bổ nhiệm "Médecins auxillaires de troisième classe" theo tinh thần nghị định ngày 12 tháng 8 năm 1905, và được phân phối đi các tỉnh để phụ tá các bác sĩ gốc Âu Châu.
Báo cáo cho biết họ được thiện cảm của dân chúng và nhà cầm quyền vì khả năng và sự tận tụy làm việc.
Đến 17-1-1918, Toàn quyền Albert Saurraut ký nghị định cho phép mở thêm phần khoa Dược học và cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú sang mẫu quốc Pháp tu nghiệp thêm (Thân phụ tướng Đôn chắc đã được sang Pháp học do quyết định này)
2. Thời kỳ 1921-1941
Kể từ 18-5-1921, trường được đổi thành Ecole de Médecine et de Pharmacie dành cho các sinh viên có bằng tú tài Pháp hay bản xứ.
Chương trình học gồm có 1 năm P.C.N. (Physique, Chimie, Biologie), 4 năm y khoa tại Hà Nội và 2 năm chót tại Paris.
Hơn 10 năm sau, nghị quyết ngày 19-10-1933, trường mới được phép tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp và đệ trình luận án tiến sĩ y khoa.
Các giáo sư thạc sĩ thuộc Đại học Paris được cử sang giảng dạy, chấm thi các kỳ thi bệnh lý, và chủ tọa các buổi trình luận án y khoa. Trường cũng được xây thêm trên đường Gambetta, thư viện có hơn 5.000 cuốn sách và nhiều báo chí y khoa định kỳ, bệnh viện thực tập mở rộng, có hơn 750 giường, và các phòng thí nghiệm được trang bị khá đầy đủ.
Năm 1935 cuộc đệ trình luận án đầu tiên của trường gồm có 12 sinh viên tốt nghiệp y khoa bác sĩ.
Trong khoảng 1930-1940, mỗi năm trường thu nhận 50 tới 60 sinh viên P.C.N. và gần một nửa số sinh viên này được trúng tuyển vào năm thứ nhất y khoa. Niên khóa 1939-1940 tổng số sinh viên các lớp toàn trường là 147 người.
3. Thời kỳ 1941-1954
Trường đổi tên thành "Faculté Mixte de Médecine et de Pharmacie" do nghị định ngày 15-10-1941, và tiếp tục được Đại học Paris bảo trợ.
Chứng chỉ dự bị vào y khoa đổi tên là P.C.B. thay vì P.C.N... Trường tự tổ chức hội đồng giám kháo các kỳ đệ trình luận án y khoa, không cần mời các giáo sư từ Paris sang chấm thi. Trong học trình 6 năm, sinh viên có thể thi các kỳ thi externat, internat, aide d anatomie hay prosecteur.
Hai vị giáo sư Việt Nam đầu tiên đậu thạc sĩ y khoa Pháp (khoa giải phẩu) là giáo sư Phạm Biểu Tâm và giáo sư Trần Quang Đệ năm 1947. Các giáo sư Nguyễn Hữu (Anatomie), Đặng văn Chung (Médecin), Vũ Công Hòe (Anatomo - Pathologie) trúng tuyển thạc sĩ năm 1952.
Sau vài gián đoạn năm 1945 và 1946, trường có thêm chi nhánh tại Sài Gòn, và đến năm 1954, trường di chuyển toàn bộ vào Nam sau hiệp định Genève và biến thành Trường Đại học Y khoa Sài Gòn.