Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Kiến ngãi bất vi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 418 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Kiến ngãi bất vi
Nguyễn Kim Châu

Có rất nhiều câu chuyện truyền tụng về quyền lực và pháp thuật kỳ dị của nhà sư mà tên trộm từng sởn người khi chứng kiến. Nhưng chiếc đẫy vàng của ông khiến hắn bất chấp tất cả, thề đi theo ông đến cùng trời cuối đất...

Đến đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh
(Ca dao Nam Bộ)

Hai người, một thầy, một trò, trên chiếc xuồng nhỏ đang đi sâu vào cánh đồng nước hoang vùng Đồng Tháp Mười. Gã học trò đứng trước mũi xuồng, gập người chống chiếc sào dài và nặng trịch xuống nước, chốc chốc lại quay về phía sau nhìn ông thầy của mình, một nhà sư có dáng vóc nhỏ thó và ánh mắt lạnh lẽo. Ông ta ngồi giữ lái, nhịp nhàng và khéo léo dùng cây dầm ngắn đẩy xuồng lướt tới. Họ đã đi suốt đêm trong mưa lạnh để giờ đây có thể tắm mình trong những ánh nắng đầu tiên từ vầng dương đỏ ửng ló dạng làm rạng hồng cả một vùng chân trời tít tắp. Đó cũng là lúc họ nhận ra quanh mình toàn là nước. Cả một biển nước mênh mông, tuyệt không có bóng dáng cư dân, xóm làng, chỉ lơ thơ lau sậy hay mấy cụm cây trâm bầu trên những gò đất thấp, lúp xúp hệt như những hòn đảo chìm dưới mặt nước đục ngầu phù sa, lình bình rong rêu và cỏ dại. Giữa vùng nước bao la, chiếc xuồng mỏng manh như một chiếc lá cỏ dập dềnh vô hướng đang trôi giữa hồng hoang, khi mặt đất bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy tuyệt diệt, chỉ còn lại hai nguyên thể nhỏ nhoi ghi tên vào bản khai sinh mới mẻ của loài người.

Có tiếng cá bầy quẫy nước và những lớp bọt khí sôi lên ùng ục khiến chiếc xuồng sóng sánh, chao đảo. Có tiếng kêu lạ lùng như sấm động của bầy chim hàng nghìn con bay rợp trên nền trời, làm rung chuyển cả một vùng đồng nước khiến gã học trò đứng nơi mũi xuồng giật mình, suýt đánh rơi chiếc sào trên tay. Gã vừa chống xuồng vừa lầm bầm nguyền rủa cái thế giới nước chết tiệt không có bờ bến, không có bóng dáng sự sống con người. Hơn lúc nào hết, gã bỗng ghét cay ghét đắng cái công việc chống xuồng nhọc nhằn và cả ông thầy kỳ dị, khó hiểu. Nửa đêm, một người lạ mặt đến đưa cho nhà sư một phong thư. Đọc xong, ông ta ra lệnh đi ngay dù cơn giông chợt đến, mưa như trút và gió thổi ầm ào. "Khùng!" - Gã lầm thầm chửi trong lúc gạt mồ hôi ròng ròng trên mặt. Chưa lúc nào gã cảm thấy chán ngán , mệt mỏi đến vậy. Gã thèm ngủ và khổ sở với cái ý nghĩ muốn được biết nhà sư sẽ dẫn gã đi đến đâu trong cái thăm thẳm của chốn trời nước lẫn lộn, mịt mờ này. Nhưng gã thừa hiểu, dù có hỏi, ông ta cũng sẽ không trả lời. Tốt nhất là câm lặng hệt như hai năm qua, gã đã từng câm lặng, nhẫn nhục làm theo tất cả mệnh lệnh của nhà sư, kể cả những mệnh lệnh điên khùng nhất...

... Như một sự an bài kỳ lạ của số phận, họ trở thành cặp đồng hành gắn bó suốt chuyến giang trình có lẽ bằng chiều dài nửa vòng trái đất, lênh đênh khắp kênh rạch, sông nước đồng bằng. Gã, một tên trộm khét tiếng và nhà sư, người có cả một kho báu vô giá trong chiếc đãy nhỏ lúc nào cũng dính chặt vào người, ngay cả khi ngủ. Chao ôi! Vàng! Cả một đời khoét ngõ đào tường những nhà giàu có, gã chưa từng thấy một số vàng lớn như vậy vào cái đêm vô tình đi ngang ngôi miếu thờ thần sóng gió. Nín thở nhìn qua khe cửa, gã tận mắt chứng kiến, trong ánh sáng chập chờn của ngọn nến sắp tàn, cảnh nhà sư lôi từ chiếc đãy nhỏ của mình ra những thỏi vàng lóng lánh. Chúng nhiều vô kể, nhiều đến mức gã không sao tin được rằng cái đãy nhỏ xíu kia lại có thể chứa nổi nếu nó không phải là cái túi thần kỳ. Vào lúc đó, một tia chớp lóe qua trí não gã: Số vàng ấy đủ để gã sống giàu sang, phung phí đến tận kiếp sau. Đáng để liều lắm chứ! Một giấc ngủ thật sâu bởi làn khói từ mấy cây mê hương mà hắn luôn chuẩn bị sẵn bên người. Một cú thoát qua cửa, nẫng nhẹ chiếc đãy. Một cuộc trốn chạy đến vùng đất xa xôi nào đó tậu ruộng, làm nhà, cưới vợ, sinh con và sống đời vương giả. Mắt gã long lên, vằn tia dục vọng. Tay gã run rẩy khi nắm chặt cây nhang thuốc mê sắp mồi lửa. Nhưng, chính lúc đó, gã bỗng sửng sốt, chết điếng khi nghe nhà sư bên trong cất tiếng: "Vô đi! Ta còn chút cơm chay giúp người lạ đỡ lòng." Gã rùng mình, tê cứng người! Lạ thật! Cứ như ông ta có đôi mắt nhìn xuyên tường, ánh mắt cứ xoáy sâu, dồn ép, đè nặng lên ngực gã từ phía trước và sau lưng gã, hình như có cảm giác lạnh lẽo của cái chết quanh quất đâu đó khiến gân cốt gã chợt rã rời và cổ gã như bị ai xiết chặt bằng dây thừng. Gã chầm chậm ngoái nhìn phía sau. Tiếng thét hoảng loạn bị nghẽn lại ở cổ họng trở thành thứ âm thanh ú ớ của người câm khi gã nhận ra cảm giác lạnh lẽo của cái chết khủng khiếp đến từ một con rắn dài hơn hai thước nằm chặn mất đường trốn chạy! Nó ngẩng cao đầu thở phì phì trong cái thế đe dọa đáng sợ khiến gã hoảng hốt, lập cập xô cửa miếu, lùi từng bước, từng bước vào gian chính điện và cuối cùng đứng trước mặt nhà sư lúc nào chẳng rõ. Ông ta mỉm cười, khoát tay thành một vòng tròn rộng tựa như đang vẽ trong không gian một thứ ngôn ngữ bùa chú để sai khiến âm binh. Con rắn cúi đầu xuống, ngoan ngoãn như một đứa trẻ, lùi dần ra và thoắt chốc đã biến mất trong bóng đêm mịt mùng. Tên trộm đổ quỵ xuống trước mặt nhà sư. Gã vừa thở dốc vừa dập đầu xuống đất mà lạy. Trán gã đổ máu nhưng mắt gã có dịp nhìn thật sát cái đãy nhỏ chứa cả một kho vàng: "Con lạy thầy! Xin hãy nhận con làm đồ đệ!". Gương mặt nhà sư vẫn bình lặng, lạnh lẽo, cứ như tạc bằng đá: "Vào cửa Phật là thoát kiếp nhân sinh, chịu tam quy ngũ giới, khổ sở thân xác diệt dục phá chấp. Người có làm được không?" Gã vẫn lạy trối chết, mặt xanh xám vì sợ: "Con làm được! Làm được!"...

Hai năm trôi qua, kể từ cái đêm cơ ngộ kỳ lạ đó, tên trộm khét tiếng trở thành một gã học trò cúc cung, tận tụy, không thán oán, dằn dỗi, không hỏi han, tò mò. Gã tập quen dần với cái đầu cạo trọc, nhẵn bóng và bộ quần áo nâu sòng thùng thình. Bắt chước nhà sư, gã cũng niệm Phật, đôi mắt nhắm nghiền khi cùng thầy đi qua những khu chợ quê, những lễ hội đông người, những làng xóm heo hút. Thật buồn cười, nhờ bộ quần áo nhà chùa mà đi đến đâu, người đời cũng chắp tay cúi đầu chào gã với tất cả lòng thành kính. Đôi khi, trong vai kịch xuất thần gã tưởng mình chính là người phân phát lòng từ tâm vô biên cho chúng sinh khổ ải. Gã chỉ sợ vào đình chùa, những nơi mà ông Thiện và ông Ác hay nhìn gã bằng đôi mắt khó hiểu. Gương mặt họ nửa như bối rối, phân vân, nửa như giận dữ, căm ghét. Tay họ vung khí giới như sắp giáng xuống đầu gã bằng tất cả sự thịnh nộ của thần thánh. Những lúc như vậy, gã kín đáo liếc nhìn và thấy nhà sư lặng lẽ mỉm cười hệt như ông ta đọc được tất cả nỗi sợ hãi, những toan tính, những xung đột căng thẳng thoáng hiện trong đôi mắt thất thần của gã học trò bất đắc dĩ. Nụ cười của nhà sư mới thật là đáng sợ! Nó như một cái nhếch mép mỉa mai, đau đớn nhưng đầy bao dung của kẻ mang thiên chức đi gieo cấy hạt giống vị tha bỗng thấy cô đơn và bất lực trên cánh đồng nhân sinh còn bạt ngàn cỏ ác trên lớp đất khô cằn tình người.

Nụ cười đó, đôi khi, ám ảnh gã nhất là trong những đêm mất ngủ nhưng thật khó mà lung lay được ý chí của kẻ đã quyết hy sinh mọi thứ để làm một cú ngoạn mục nhất trong cuộc đời trộm đạo của mình. Gã vẫn thức khuya dậy sớm, cơm bưng nước rót, gồng gánh mọi thứ đồ lề dù thâm tâm gã chỉ muốn vứt bỏ hết và trở về với cuộc đời phóng túng trước kia. Gã cắn răng nuốt vội những bữa cơm chay nhạt phèo trong khi nhỏ dãi, nhớ đến mùi vị béo ngậy của thịt cá và hương rượu thơm nồng. Gã cúi đầu khi chen chúc đi qua những khu chợ mà bàn tay nghề nghiệp thì lúc nào cũng ngứa ngáy trong cái cảm giác thèm muốn được thọc vào túi tiền rủng rỉnh hớ hênh của bọn nhà giàu. Hai năm trời nhẫn nhục trong kiếp sống khổ hạnh, gương mặt gã dần trở nên khô cứng, lạnh lẽo, không một chút cảm xúc nhưng lòng gã như có lửa đốt, ngọn lửa của thứ ham muốn cùng cực thiêu cháy bỏng rát, nhức nhối ánh mắt và trí não mỗi lần gã kín đáo thèm khát nhìn chiếc đãy nhỏ chứa đầy vàng. Nhưng, cũng trong ngần ấy thời gian, thật khó tin là chưa một lần gã có cơ hội để cuỗm lấy túi vàng và xa chạy cao bay. Ban ngày, chiếc đãy không bao giờ rời xa nhà sư. Đêm, ông ta nằm hơi thở đều đặn nhưng mắt vẫn mở trừng trừng, chẳng biết đang ngủ hay thức. Vả chăng, ông ta còn có những quyền lực đáng sợ, những thuật pháp kỳ dị mà tên trộm từng sởn người khi chứng kiến. Cư dân trong những làng xóm heo hút dọc hai bên bờ kênh rạch um tùm lau sậy và dừa nước thường quỳ xuống vái lạy nhà sư khi chiếc xuồng nhỏ của ông đi ngang qua. Câu chuyện truyền tụng về ông thường được dùng để lấp đầy khoảng trống của những buổi nhậu rời rạc, buồn tẻ khi men rượu chưa đủ sức làm nóng lên những tính cách thâm trầm. Người ta kể rằng nhà sư có thể sai khiến được cọp dữ, trị được nọc độc của những loài rắn kỳ lạ nhất, hoặc làm thuốc chữa bệnh, hoặc trừ khử tà ma, thậm chí còn có thể dùng thuật pháp làm nổi cơn giông tố, gió xoáy trôn ốc, xô những cành lá rậm rạp của cây đa cổ thụ xoay về hướng khác không cho chúng đâm thẳng vào mái ngói của một ngôi đình. Mỗi lần cứu giúp cho những gia đình giàu có, người ta thường tặng nhà sư nhiều thứ quý giá. Ông ta không từ chối mà điềm nhiên nhận tất cả rồi chuyển chúng thành vàng, cất vào trong chiếc đãy nhỏ. Mãi sau này, gã mới biết rằng nhà sư làm như vậy là để thực hiện ước nguyện lớn nhất trong đời: Xây một ngôi chùa thật to, đúc một bức tượng Phật bằng đồng và một chiếc chuông đồng cũng thật to ngay trên quê hương mình.

Thật là điên khùng! gã nghĩ - Hai năm qua, thật khó tin là gã lại có thể nhẫn nhục sống với một con người có những ý nghĩ kỳ quặc như vậy. Gã không hiểu mục đích cuối cùng của nhà sư là cái gì và thật ra cũng chẳng cần phải hiểu bởi mục đích cuối cùng của gã chỉ là tìm một thời cơ thuận lợi để cuỗm lấy túi vàng rồi trốn đi thật xa. Gã tự nhắc mình đừng làm bất kỳ hành động dại dột nào. Một con dao đâm từ sau lưng chăng? Không, đôi mắt nhà sư dường như nhìn thấy mọi hướng và sức ông ta có thể quật ngã cọp dữ? Một liều thuốc độc chăng? Cũng không! Mọi thứ nọc rắn độc nhất trên đời với ông ta dường như chỉ là thuốc bổ? Một con người không rượu chè, sắc dục như ông ta khó có thể dùng những phương cách hạ đẳng để quyến dụ? Tất cả đều không thể, đều làm gã phải nản lòng vì mai phục, chờ đợi mà chẳng biết đến bao giờ. Tuy nhiên, trời sinh ra gã là một kẻ lì lợm, đã quyết là sẽ làm đến cùng. Gã thề là sẽ đi theo nhà sư, đi mãi, đi mãi tới cùng trời cuối đất, cho đến khi nào lấy được chiếc đãy vàng mới thôi...

Quá trưa hôm đó, hai thầy trò vượt qua được cánh đồng nước mênh mông. Họ còn tiếp tục đi dọc theo con sông nhỏ và cuối cùng dừng chân nơi một căn nhà rộng bỏ hoang trên giồng cát cao ráo. Có vẻ như căn nhà được xây nên để làm nơi nghỉ chân cho rất nhiều người. Quanh quất đâu đó vẫn còn sót lại những vật dụng cũ nát, những mẩu thức ăn thừa và trong cái bếp được đào vội vã vẫn còn những thanh củi cháy dở. Gã định dọn dẹp qua loa nhưng ông thầy khoát tay ra hiệu không cần. Họ ăn lương khô, rồi nghỉ ngơi trên nền đất trống trải giữa nhà. Suốt chuyến đi dài, nhà sư không nói một lời nhưng, thật bất ngờ, khi chiều xuống đậm, ông ta lại bắt đầu lên tiếng: "Con xuống xuồng và đi đi! Hãy đi thật xa khỏi nơi này! Ta muốn ở lại một mình." Gã hoảng hốt nhìn thầy nhưng vẫn chẳng nói gì. Hai năm trời sống với nhà sư, gã thừa hiểu tính khí thất thường và những quyết định ngẫu nhiên, quái đản của ông ta. Nhà sư lắc đầu buồn bã nói thêm: "Ta không giấu con nữa! Đây là nơi lính Pháp thường nghỉ qua đêm trước khi tấn công vào căn cứ của ngài Thiên Hộ Dương. Đêm nay, bọn quỷ Tây sẽ đến! Ta phải giúp nghĩa binh tiêu diệt chúng! Súng đạn vô tình! Con không nên ở lại. Thầy trò duyên phận đã hết. Con hãy về đi và nhớ sống đời lương thiện."

Gã chết điếng người, ngồi thừ một lúc, lòng dạ trào sôi bao ý nghĩ! Thì ra là vậy! Chuyến đi kinh khủng lúc nửa đêm mưa gió chính là để kịp đến nơi này. Đêm nay căn nhà hoang sẽ trở thành nơi đẫm máu và có thể chính gã cũng không giữ được mạng sống của mình. Một cảm giác sợ hãi choán ngợp tâm trí gã. Chưa bao giờ trong đời, gã nhìn thấy sự nguy hiểm và cái chết lại cận kề, ám ảnh đến vậy. Cũng chưa bao giờ gã lại thấy căm hận kẻ đã buộc gã phải sống nhẫn nhục hai năm qua rồi cuối cùng đẩy gã vào chỗ chết đến vậy. Thốt nhiên, gã muốn đứng lên, chạy thật nhanh ra ngoài chiếc xuồng buộc sẵn dưới bến sông. Nhưng về ư? - gã nghiến răng, ghìm mình lại - Không! Không về được! Về thì bao công lao khổ nhục của gã chẳng lẽ đổ sông đổ biển? Ông ta hoặc sẽ vùi thây ở đâu đó, hoặc sẽ lại tung bay như một cánh chim trời, khó lòng tìm lại được. Nghĩa là gã sẽ mất tất cả? Không đời nào! Sao lại có thể dễ dàng đến vậy? Thật trớ trêu, giây phút bối rối nhất giữa cái sống và cái chết lại chính là lúc gã buộc phải quyết định từ bỏ hay theo đuổi cái kho tàng vô giá mà vì nó, hai năm qua gã đã nuốt nhục uống hờn. Mắt gã trợn trừng ánh lên cái nhìn tức uất, đau đớn. Cánh tay gã run rẩy, những bắp thịt như nở to, căng cứng bởi dòng máu đang sôi lên trong huyết quản rần rật. Nhưng thật lạ, đầu óc gã vẫn tỉnh táo để hiểu rằng mọi hành động và sự giận dữ ngu ngốc hoàn toàn không xứng đáng với công sức mà gã đã bỏ ra trong ngần ấy thời gian. Gã nhìn nhà sư, lúc này vẫn ngồi trong cái tư thế tọa thiền đầy thanh thản. Ông ta đang thử mình - gã nghĩ vậy và quyết định đi một nước cờ liều lĩnh nhất trong cuộc đời khi dập đầu lạy nhà sư: "Con không đi! Con nguyện ở lại cùng thầy!" Nhà sư vẫn lắc đầu cương quyết. Mắt ông ta nhắm nghiền như không muốn nhìn cái cảnh tượng gã học trò quỳ gối, trán cúi sát đất; và giọng nói đều đều, chậm rãi của ông ta chừng như có một khoảnh khắc hụt hẫng, ngập ngừng: "Ta nghĩ kỹ rồi. Con phải đi thôi. Nhanh lên kẻo không còn kịp nữa!"

Có lẽ ông ta nói đúng - gã nghĩ thầm, gan ruột rối bời khi nghe tiếng súng nổ văng vẳng từ một nơi nào đó trong đồng nước mênh mông. Nhưng vẫn phải liều! Phải chờ đợi! - gã tự nhắc mình bình tĩnh bởi chỉ có bây giờ hoặc không bao giờ gã gặp lại cơ hội lần thứ hai trong đời. Nghẹt thở vì cái giây phút lựa chọn sinh tử, gã vẫn quỳ sụp dưới đất, ngước mắt nhìn thầy, ánh mắt đau đáu, khắc khoải nửa như van vỉ, cầu xin, chờ đợi, nửa như căm phẫn, tuyệt vọng, nhục nhằn. Nhà sư vẫn lặng thinh. Gương mặt ông ta như bị bao phủ một lớp sương khói u ám. Những nếp nhăn trên vầng trán, nơi khóe mắt ông ta từng lúc giãn ra rồi lại hằn sâu hơn khiến vẻ mặt cứ biến chuyển liên tục lúc xám ngắt, lạnh lẽo, lúc cau có, dữ dội, lúc lại hồng hào, ấm áp, nhân từ. Mãi lâu, nhà sư chợt thở dài: "Ta biết, hai năm qua, con cực nhọc theo ta thực ra là vì túi vàng này. Đây, hãy cầm lấy nó và đi đi." Gã điếng người vì sợ, đôi mắt mở trừng trừng nhìn chiếc đãy mà vẫn không tin, không hiểu nổi những ý nghĩ kỳ dị trong đầu nhà sư. Ông ta ngạc nhiên khi thấy gã cứ há hốc mồm nhìn chiếc đãy mà không thò tay chộp lấy nó: "Sao con không nhận? Bây giờ, nó là của con. Tất cả! Con không tin sao? Đây, vàng đây mà! Ta không gạt con đâu! Đêm nay, ta nguyện chết vì súng đạn của bọn quỷ Tây để cứu được hàng trăm người dân vô tội khỏi vòng kiếp nạn. Thân ta còn chẳng kể huống gì của ngoài thân. Ta giao nó lại cho con!"

Gã nghẹn ngào nhìn nhà sư! Bây giờ thì gã tin rằng tất cả đều là sự thực! Chính mắt gã nhìn thấy nhà sư thọc tay vào chiếc đãy, lấy ra những thỏi vàng ròng và chính bàn tay gã đang run run giữ chặt cái kho tàng vô giá. Chao ôi! Hai năm trời sống trong chờ đợi, khổ hạnh, gã chưa bao giờ nghĩ rằng ở chính cái thời khắc nghiệt ngã này, gã lại có được điều mình mong muốn. Còn chờ gì nữa? Phải đi thôi! Đi thật xa nơi này? Tiếng súng nổ đã nghe rất gần. Gã giàu rồi và hơn lúc nào hết gã thèm được sống. Gã nhìn nhà sư lần cuối trước khi đứng dậy, dè dặt lùi từng bước về phía cửa, rồi quay người chạy thật nhanh ra bến, lấy xuồng chống đi. Trời tối rất nhanh. Phút chốc quanh gã chỉ còn là một bóng đêm mịt mùng.

Thốt nhiên, gã dừng xuồng lại, ngoái nhìn về hướng căn nhà trơ trọi trên giồng cát. Tay chân gã chợt bủn rủn và những ý nghĩ quyết liệt làm trán gã nóng bừng bừng như lên cơn sốt. Khốn nạn! - gã tự mắng mình - Dẫu là một tên trộm, một kẻ sống cùng cực trong thế giới dối trá, lừa lọc, tàn nhẫn thì ít ra cũng phải có chút nghĩa khí của kẻ xiêu bạt giang hồ. Và thật ra, gã đâu có được túi vàng này bằng sự dối trá, lọc lừa hay những ngón nghề trộm đạo. Ông ta tự nguyện và hào sảng trao cho gã. Đã mang ơn thì phải trả ơn! Dẫu chỉ là nghĩa thầy trò bất đắc dĩ nhưng cái ơn chu toàn không giết của nhà sư đối với gã quả là không thể chối từ. Gã không ngu ngốc để xông vào chỗ chết nhưng dầu sao, đào một nấm mộ để thân xác nhà sư có chỗ vùi lấp, linh hồn được siêu thoát âu cũng là một việc đáng làm. Nghĩ sao làm vậy! Gã quyết định chống xuồng quay lại, ẩn người trong một bụi đế sậy rậm rì, đất gần ngôi nhà.

Đó cũng là lúc bọn lính Tây vừa đến! Chúng đông vô kể và gần như vây kín cả ngôi nhà! Gã căng mặt nhìn nhưng không thể đếm được. Gã cố lắng tai nghe thứ ngôn ngữ kỳ lạ của chúng nhưng chẳng hiểu được. Chỉ có thể nhận ra sự giận dữ của chúng trong tiếng hò hét, tiếng súng nổ vang dội cùng những ánh chớp lóe sáng từ nòng súng hướng lên trời. Rồi bỗng nhiên, gã nghe thấy tiếng của nhà sư. Hai năm trời chung sống, gã khó mà quên được tiếng nói to, trầm và vang của ông ta. Nhưng đêm nay, đó lại là một tiếng hú kỳ lạ. Nó chói gắt, rít xé như tiếng kim loại cọ xát, va đập cứ xoáy ngon ngót vào trong màng nhĩ rồi bất ngờ chùng xuống, đục, trầm như tiếng sấm động làm rung chuyển mặt đất và sau đó mất hút trong không gian đêm vô tận. Một khoảnh khắc yên ắng đến nghẹt thở tựa phút bình lặng đáng sợ của đại dương trước khi cơn bão dữ ập đến. Rồi gió! Gã nghe thấy tiếng gió rít, tiếng nước chảy ầm ầm và cảm thấy chiếc xuồng nhỏ chòng chành bởi những lượn sóng bất ngờ ập tới từ phía cánh đồng nước hệt như một đàn trâu điên dại hàng trăm con đang chạy băng băng về hướng ngôi nhà. Thật không thể tin được! Đó là rắn? Tưởng như tất cả loài rắn của vùng Đồng Tháp Mười từ bốn phương tám hướng nghe theo tiếng hú hiệu lệnh mà dồn về. Chúng bò nhung nhúc khắp giồng cát, chúng tràn vào nhà như dòng nước lũ phá vỡ đập chắn. Vài tiếng súng hoảng loạn vang lên và sau đó chỉ còn lại những tiếng thét thất thanh vì đau đớn, sợ hãi, những hình người bò lết, quằn quại, vật vã điên rồ trong vòng vây của rắn và rắn. Lửa bắt đầu bén vào vách và mái lá lợp bằng dừa nước rồi nhanh chóng bốc lên cao thành đám cháy sáng rực cả một vùng trời.

Lửa khói vẫn còn âm ỉ nơi những thanh kèo cột gãy đổ đến tận sáng hôm sau, khi gã tìm thấy nhà sư vẫn còn thoi thóp thở trên bến sông, cách xa chỗ nền đất xạm đen, nham nhở, hỗn độn xác người. Ngực ông đầy máu nhưng sức sống dai dẳng kỳ lạ như vẫn còn bám riết trong cái cơ thể cứ từng lúc co giật đau đớn. Nhà sư nhìn gã học trò trâng trối, đôi mắt ánh lên sự ngạc nhiên mừng rỡ rồi phút chốc tối sầm lại trong nỗi niềm sâu thẳm, đầy u uẩn. Ông ta nặng nhọc hỏi: "Sao con trở lại?" Gã không trả lời, chỉ lắc đầu buồn bã. Nhà sư thở đài: "Ta hiểu rồi! Ta đã sai! Ta ân hận biết bao khi đưa cho con túi vàng! Than ôi, suốt một đời làm điều tốt, vậy mà phút cuối ta cũng chẳng giữ được mình toan tính điều xấu cho người. Phải! Ta đã giấu con một điều! Hãy đưa cái túi ra đây!" Gã học trò đưa ngay chiếc đãy cho nhà sư như bị thôi miên. Ông ta gắng chút sức tàn, thọc tay vào tận đáy sâu của chiếc túi rồi nhổ người đau đớn hệt như ngón tay bị mũi kim đâm vào. Rất chậm chạp, ông ta rút bàn tay ra khỏi chiếc túi. Gã học trò há hốc mồm trong nỗi sợ hãi buốt người khi nhìn thấy một con rắn nhỏ xíu có lớp vảy vằn vện, nửa trắng, nửa đen và những nốt đỏ chạy dọc sống lưng đang cắn chặt vào đầu ngón tay trỏ của nhà sư. Cả bàn tay ông ta đen sẫm lại và vệt sẫm đen đó cứ từng chút một lan dần lên khuỷu tay. Cắn răng nén chịu cơn thống khổ cùng cực, nhà sư thều thào: "Không có thuốc để chữa nọc độc của con rắn kỳ lạ này. Nó cũng chỉ cắn một lần duy nhất rồi chết! Bây giờ con có thể dùng được số vàng trong đó! Chỉ nên nhớ rằng tận cùng của cái có là cái không. Đừng dùng hết lộc thực của trời!"...

... Mùa thu năm 1865, có một người đàn ông trung niên tình nguyện đến gia nhập vào đội nghĩa binh của ngài Thiên Hộ Dương trong căn cứ Đồng Tháp Mười. Ông ta chẳng có gì đặc biệt để nhớ ngoài chiếc đãy nhỏ lúc nào cũng đeo bên người, ngay cả khi xông pha ngoài chiến trận. Một con người quả cảm đến kỳ lạ. Cứ như lúc nào ông ta cũng chỉ muốn xông vào chỗ làn tên mũi đạn để mong được chết nhưng hóa ra, đạn pháo Tây Dương lại luôn tìm cách tránh khỏi người ông ta. Những chiến công đáng kinh ngạc có được vì tinh thần cảm tử đã giúp ông trở thành một người tùy tướng trung thành, được nể trọng và yêu mến dưới trướng ngài Thiên Hộ. Năm sau, chiến khu vỡ vì những trận càn liên tục của quân Pháp. Ngài Thiên Hộ mất trong nỗi uất hận vì đại nghiệp chưa thành. Viên tùy tướng tìm về cố hương. Ông ta bỏ tiền xây cầu, mua đá xanh đắp con đường, tiện cho người dân đi lại trong mùa lũ, lại mua ruộng đào hồ, diện tích hơn nửa mẫu cho dân có nước ngọt uống quanh năm. Chọn một giồng đất cao ráo, ông ta quyết đem tất cả số vàng bạc còn lại dựng một ngôi chùa, đúc một bức tượng Phật rất to và một chiếc đại hồng chung đặt trên ngôi lầu bát giác. Bất kể ngày mưa tháng nắng, cứ sáng sớm là ông ta lên lầu đánh những hồi chuông thong thả, ngân nga, vang đi rất xa trong không gian mờ sương. Tiếng chuông trầm ấm đánh thức người đi cày ruộng, kẻ đi buôn bán xa gần hay mang lại chút sảng khoái, tịnh tâm cho những lão nông dậy sớm tìm vui bên ấm trà đặc thơm nồng. Chín mươi tuổi, vị tùy tướng nổi tiếng một thời của ngài Thiên Hộ, người giàu có nhất mà cũng là người nghèo khổ nhất vì dùng hết vàng bạc của mình để xây cầu, đắp đường, dựng chùa, đúc chuông, đã nhắm mắt một cách thanh thản sau khi yêu cầu một cỗ quan tài bằng gỗ thường, không ma chay linh đình, không mộ chí đề tên, chỉ cần táng theo ông một chiếc đãy nhỏ mà mầu sắc của nó đã phai nhạt theo năm tháng và trong nó chỉ chứa một thứ duy nhất: Bộ quần áo nâu sòng.


Tháng 9-2004
NKC      
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 106

Return to top