Nó bỗng trở nên trầm lặng. Đôi mắt sau cặp kiếng như mờ hơn trước. Nó thường thẫn thờ nhìn mông lung. Thỉnh thoảng, mẹ hỏi nó đang làm gì, nó trả lời con đang làm triết gia. Thật ra, nó đang vừa chia tay với một kẻ bạc tình mà nó trót yêu hai năm nay. Lòng nó nuôi một nỗi thống hận không biết làm gì cho vơi.
Mỗi khi ra đường, nhìn thấy dáng ai đó trong màu áo xanh, cái màu áo nó từng tặng cho kẻ bội bạc là tim nó thắt lại. Khi đi trên đường, nó hay nhìn vào những chiếc xe. Những chiếc xe Attila làm cho lòng nó cuộn sôi. Nó đã từng thấy kẻ bội bạc ngồi sát rạt với người khác sau xe trên một chiếc Attila cáu cạnh, vòng đôi tay gác trên vai cô gái kia trong đôi vai trần với chiếc áo bó chẽn thời thượng. Chiếc xe lướt ngang mặt nó. Nó kịp nhìn thấy nụ cười của kẻ bội bạc nhưng không phải dành cho nó. Nụ cười từng làm nó mềm lòng. Nụ cười nó thường nghĩ đến trước khi rơi vào giấc ngủ êm ái mỗi tối. Nhưng từ tuần trước, cũng nụ cười đó làm cho nó không ngủ được nữa. Lòng nó nhen nhúm một mối hận không biết làm sao nguôi quên.
Bây giờ, nó cũng không dám nhìn những chiếc xe vì mỗi khi nhìn thấy chiếc Attila, lòng nó lại cuộn lên, tê tái. Nó biết mình thua kém. Nó không thể nào có thể ăn mặc mô đen vai trần, lưng trụi như thế. Nó cũng không có tiền để sắm một chiếc xe cho ngon lành để làm mặt làm mày với thiên hạ. Nó cũng không có mái tóc duỗi tha thướt như cô gái đó. Nó lại cận thị, tướng mạo thô thô. Không dám nhìn xe, nhìn người thì nó nhìn mông lung xa xa rồi về nhà như kẻ mất hồn. Mẹ nó lo lắng. Chị Hà lo lắng. Riêng có con em gái thì dường như hiểu được những thay đổi của nó.
Buổi chiều đi làm về, nó lại ra sau bếp giành phận sự nấu cơm của cô em út. Những lúc không có gì để làm, nó thường ngồi nhìn đăm đắm vào cái giàn mướp đã khô phía sau vườn. Không ai biết nó nghĩ gì. Út Hạnh im lặng ngồi cạnh nó. Tối hôm qua, nó nghe chị Hà nói với út Hạnh:
“Tao thấy thằng Liêm chở con nhỏ nào trên chiếc Atila. Con Hảo nó đang thất tình đó. Cẩn thận đừng nói gì làm nó buồn lòng.”
Lòng nó lại nhói đau. Chị Hà tính tình bổ bã, nói nhiều, vậy mà bây giờ cũng lặng lẽ tâm lý. Út Hạnh thì không cần phải dặn. Trời sinh Út Hạnh như để lắng nghe người khác. Hạnh có thể ngồi hàng giờ để nghe người khác nói. Ba nói út Hạnh có căn tu. Ba dặn nếu có điều gì muốn nói thì cứ nói với út Hạnh là vơi bớt nỗi phiền muộn rồi. Nó nghẹn ngào với út Hạnh: “Út ơi, người ta phản bội chị rồi”. Nó khóc như mưa, khóc như chưa từng khóc. Nó khóc và nấc lên, tuôn trào tất cả những nỗi uất ức kìm nén cả tuần nay. Nó khóc ướt cả vai áo Hạnh. Hạnh nói như một thiền sư: “Đời là bể khổ, tình là dây oan, yêu mà không được yêu là khổ, chị cứ khóc nữa đi...” Chị Hà vừa đi xuống bếp, nghe câu nói của Hạnh, biết là nó đã tiết lộ chuyện liền ngồi xuống:
- Không có gì phải khóc cả. Việc quái gì phải khóc khi chia tay với cái thằng bội bạc.
Hạnh nói:
- Không phải ngày xưa chị cũng khóc ròng rã khi chia tay với anh Hân sài gòn sao?
- Ui trời, bây giờ tao mới thấy tao ngu nè. Ngày xưa, tao chết mê chết mệt cái dáng cao cao, đẹp trai trí thức đó. Mới đây, tao có gặp lại hắn đưa vợ con ra Nha Trang nghỉ mát nè. Bây giờ, hắn to như con bò mộng, cái bụng phệ mỡ không, nhìn vào là hết muốn ăn thịt luộc. Đứng nói chuyện với tao mà hắn đút cái cây gãi lưng gãi ràn rạt. Giá mà tao biết mười năm sau hắn như vậy thì hồi đó tao đâu có tốn nước mắt làm gì. Con vợ hắn trông cũng “môn đăng hộ đối” với hắn lắm, nhìn sơ sơ chắc trên nửa tạ. Gặp tao, hắn nhìn đầy tiếc nuối. Quân tử báo thù mười năm chưa muộn. Tao chẳng động thủ gì mà sau mười năm tao vẫn thon thả với vóc dáng xì po phơi phới thế này cũng là một cách trả thù rồi…
Nghe chị Hà nói, nó và Hạnh cũng bật cười theo. Quả thật, chị rất đẹp. Lập gia đình xong, chị lại càng đẹp. Tuy nhiên, nó biết nó không thể nào bằng chị về ngoại hình cũng như học vấn. Nó mím môi:
- Ngày mai em sẽ bắt đầu.
- Bắt đầu gì?
Cả chị Hà và út Hạnh đồng thanh hỏi.
- Chống stress. Như chị ngày xưa đó.
Nó cười và chợt nhớ ngày đó chị Hà đã ăn rất nhiều sau khi chia tay với anh Hân. Tuy nhiên, nó không muốn ăn chút nào. Nó không thể nào làm được như chị Hà. Không ai thất tình mà nuốt trôi thức ăn cả, trừ chị. Đến bữa ăn là nó thấy muốn nghẹn.
* * *
Sau một tuần ngồi sau bếp nhìn giàn mướp xơ xác, nó quyết định trồng lan. Mẹ ngạc nhiên. Chị Hà ngạc nhiên. Xưa nay, nó đâu có thích cây cỏ. Mọi khi, về đến nhà là nó bật máy vi tính, đọc báo, kiểm thư. Sau đó, nó nghe nhạc, lang thang vào các forum để tán gẫu, đến tận khuya là lăn ra ngủ. Bây giờ, nó tỉ mẩn ngồi buộc dây thép từng cái rọ một. Nó lôi trên mạng xuống và in ra một đống tài liệu về chăm sóc phong lan. Nó tháo gỡ giàn mướp xơ xác ra, đi mua về một tấm lưới để giăng lên trên. Tất cả những sức lực dành cho mối tình đã mất của nó, dồn hết vào cái giàn mướp bây giờ đã trở thành cái giàn chưa có phong lan này. Nó vẫn không thôi im lặng và thỉnh thoảng ngồi nhìn cái giàn lan qua cặp kiếng cận thị. Lòng nó vẫn không nguôi đau đớn. Nó nhớ chị Hồng Phượng bạn của chị Hà có lần đã nói: “Chị đi làm nhiều áp lực quá. Chị trồng một giàn phong lan. Mỗi ngày khi đi làm chị về, chị cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản bên cạnh giàn lan này.” Bởi vậy nên nó cũng quyết tâm trồng lan. Nó không muốn thấy út Hạnh lặng lẽ đến ngồi bên cạnh nó chờ lắng nghe nó trút buồn phiền. Nó không muốn thấy mẹ lo lắng nhìn nó ngồi trầm ngâm làm triết gia. Nhưng nó cũng không muốn đi ra khỏi nhà. Bây giờ nó không biết đi đâu. Ra đường nó không muốn nhìn ai. Mỗi góc phố con đường đều có kỷ niệm của anh và nó. Ngay cả món phở nó thích nhất, nó cũng không muốn ăn. Mỗi lần đi ăn phở, anh và nó đều có thói quen bỏ cặp kính xuống, vì món phở nghi ngút khói sẽ làm cho mờ cặp kiếng. Anh thường hay nói đùa, nếu anh là người làm kính, anh sẽ làm chiếc kính đeo mắt có cái “gạt nước”. Mỗi lần đi chơi về, trước khi tạm biệt anh tháo cặp kính cận của nó ra. Anh sợ những cặp kính sẽ đụng nhau khi mặt anh cúi trên mặt nó. Những thói quen của nó, cũng là những kỷ niệm, nó không quên được. Lòng nó lại cuộn lên, đau nhói và sân hận. Tay nó bấm chặt vào sợi dây thép trên rọ lan quấn mấy vòng đau điếng.
* * *
Gã bán lan rừng bày những gốc lan la liệt trên đất. Nó rụt rè lựa chọn. Gã chìa cho nó từng loại một và nói tên từng loại. “Loại này nở hoa đẹp lắm nè, hoa to mà thơm lắm. Loại này nở hoa quanh năm. Nhìn nè, cái hoa này có môi đẹp ghê chưa...”. Nó nghe gã nói mà không nhìn lan, nó nhìn mặt gã. Trông gã cũng dễ nhìn, mặc dù ăn mặc hơi tồi tàn. Mà không tồi tàn sao được, trải bán những nhánh lan rừng hái từ trên rừng về, đâu phải là làm tiếp viên trong nhà hàng đâu mà phải ăn mặc đẹp. Gã khá dẻo miệng. Nhà gã dường như có cả một vườn lan. Khách đến đặt hàng những giò lan trồng sẵn, nó thấy gã ghi chép và hẹn sáng hôm sau mang ra. Gã hỏi nó:
-- Mới tập chơi lan phải không, lấy mấy nhánh trúc lan này nè, đem về trồng, dễ ra hoa lắm. Trồng lan rừng không phải lo, lan rừng vốn bụi đời, không phải chăm sóc gì nhiều, lại rẻ tiền, mua được một lúc vài chục loại hoa làm thành một giàn mát mắt mà không tốn bao nhiêu. Chứ như lan ngoại kia, mỗi giò lan hết trăm đến trăm rưỡi rồi. Lan ngoại vốn đỏng đảnh như con gái đẹp, mưa nắng thất thường một chút là hư hết. Lại hay bị bệnh nữa. Chưa kể là tốn nhiều tiền phân bón và thuốc men, không thua gì các khoản tình phí cho người đẹp.
Lòng nó xốn xang quặn lên nỗi đau khi nghe nói đến chữ tình. Nó không thể trốn đi đâu được cái nỗi đau của mình. Cho dù cúi mặt bên những nhánh lan rừng quăn queo dưới đất, vẫn phải nghe nhắc đến cái chữ tình từ miệng của một gã bán rong trên hè phố. Nó tiếp tục lắng nghe gã. “… loại này là giống Tiểu Hồ điệp, nghĩa là bươm bướm nhỏ. Loại này là Phượng Vĩ, nở ra đỏ rực nè. Loại này là Tuyết điểm màu trắng cứ đem về trồng đi, mỗi loại một ít, đẹp lắm…”.
Nó nghe lời gã quơ mỗi thứ một ít, mang về nhà cặm cụi trồng và treo lên giàn. Cũng than, cũng gạch, cũng xơ dừa, cũng dớn… Nó đem những chất liệu trồng lan đè xuống những cơn thổn thức của trái tim thù hận. Một tháng trời, mỗi ngày nó cầm bình phun nước, phun lên những rọ lan đèo đọt héo hon như khuôn mặt nó. Có những giọt nước âm thầm rớt lại trên mặt nó lành lạnh. Những khi lòng nó quặn lên, nó lại cầm bình xịt xịt lia lịa vào những lan cây lan. Những lúc đó út Hạnh xuất hiện sau lưng:
-- Tưới nhiều là nó chết đó chị.
-- Chị vẫn không thôi hận anh ta. Nhìn những đốm đen trên lá này, chị muốn xịt mãi làm sao cho hết. Nó giống như vết thâm trong lòng chị.
Nó nói và ấn cái bơm nước mạnh hơn, xịt dữ dội vào rọ lan trước mặt
-- Phải biết tha thứ đi chị. Ôm giữ mối thù hận chỉ là thuốc độc đầu độc cơ thể chị mà thôi. Tha thứ, không phải là cho anh ta, mà là cho chính chị. Nỗi đau của chị sẽ vơi đi khi chị tha thứ. Đó là cách lựa chọn tốt nhất cho chị.
Nó ngừng tưới và quay lại tròn mắt nhìn con em gái “thiền sư” mười tám tuổi của mình.
-- Nè, em đã yêu và hận tình bao giờ chưa mà nói như thật vậy?
-- Hi hi, không chị, em sẽ đi tu, hồi xưa ba nói em có căn tu mà chị không nhớ sao?
Nó cười.
-- Đẹp như em mà đi tu thì nam thí chủ đến trồng cây si chật chùa.
* * *
Nó đi ngang ngã bảy. Gã bán lan vẫn đang mải mê với những khách hàng và những cành lan quăn queo. Nó tắp xe ghé lại, mặc dù giàn lan của nó đã không còn chỗ treo. Hôm nay trông nó không còn ủ ê như lần trước ghé mua lan. Nó mỉm cười nhìn gã:
- Có loại lan nào rẻ, đẹp và bền không?
Gã bán lan ngừng lời với khách và nhìn nó. Một thoáng vui ánh lên trong mắt gã.
- Có phải hôm trước … mua hai trăm ngàn đủ loại không?
- Hình như vậy. Nó cười.
- Rồi… rồi mấy cây lan đó sao rồi.? Gã hỏi ngập ngừng, dè dặt
Nó cảm thấy dường như gã ái ngại cho nó. Trong cả trăm ngàn người chơi lan, hình như không ai mua lan kiểu như nó. Và cũng không ai bắt đầu trồng lan với một nỗi hận thù như nó. Dường như gã có một chút ân hận tựa như đã lợi dụng sự nhẹ dạ của nó.
Nó cười:
- Một tháng rồi mà mấy cây lan chưa chết, nhưng hình như cũng không có dấu hiệu gì đang lớn cả. Nếu lan bị héo thì mình phải làm sao?
Gã lại bắt đầu dẻo miệng:
- Chòy, chơi lan mới có một tháng mà biểu nó lớn. Người ta trồng cây lan mấy năm trời mới có hoa. Mới trồng thì mỗi tháng nó chỉ ra khoảng một phân rễ thôi. Về xem lại đi. Không biết xem thì nói nhà ở đâu để tới xem giùm cho.
Nó bật cười khi nghe gã nói đùa. Một người khách mua lan đang đứng gần đó cũng nháy mắt cười theo:
- Lan mà héo thì chỉ còn cách kêu Điệp đến mà thôi
Bỗng dưng nó thấy mình không còn càu cạu như trước nữa.
Trở về nhà, nó lập tức săm soi những giò lan. Từ một đoạn thân trơn tru, bỗng như tét làm hai, một đầu rễ non nhú lên. Nó ngắm nghía những cành khác. Nhiều mầm quá. Những thân lan như xẻ thịt mình ra, để nhú lên những chồi non. Có lẽ thân cây cũng đau đớn lắm khi phải banh da xẻ thịt để nứt lên chồi non này, giống như người phụ nữ phải quằn quại đau đớn khi sinh ra một đứa con. Nó chợt nhớ đến một bức tranh nổi tiếng nào đó có hình một nhành phong lan trổ hoa tươi đẹp vươn lên từ một vỏ đạn từ chiến tranh rớt lại. Những mầm xanh nhỏ bé cũng đâm chồi lên trong trái tim đang lành vết thương của nó.
* * *
Nó hạnh phúc nhìn bé Ngọc Lan với đôi mắt to trong trẻo đang nằm huơ huơ tay trong không khí. “Thiền sư” út Hạnh nghiêng người bên nôi vừa nựng nịu cháu vừa nói: “Mọi sự trên đời đều có nhân có duyên; nếu không có cái kẻ bạc tình, thì làm sao có giàn lan chống stress. Nếu không có giàn lan thì làm sao mẹ cháu gặp được bố Điệp. Làm sao mà dì út được có một bông hoa Ngọc Lan bé tí xinh xắn này.”
Điệp là anh chàng kỹ sư nông nghiệp làm ở Trạm Bảo Vệ Thực Vật, mỗi chủ nhật hàng tuần giúp chị gái đứng bán lan rừng ở ngã bảy. .