1- Những cuộc cải cách Marathon Không khó khăn lắm trong việc “bắt mạch, thăm bệnh” cho nền kinh tế Việt Nam. Hàng chục căn bệnh đã được phát hiện cách đây vài ba chục năm. Ngay từ văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các kỳ thứ 4, thứ 5, 6 đã tìm thấy và liệt kê ra một số bệnh như: Nền hành chính cồng kềnh, kém hiệu lực; Tình trạng vi phạm dân chủ cơ sở; Kỷ cương phép nước không nghiêm; Tệ tham nhũng ở các cơ quan công quyền…. Đã là bệnh thì phải chống, phải cải cách, chữa trị. Đó là lý do để hàng trăm cuộc cải cách ra đời. Công cuộc cải cách hành chính được phát động cách đây ngót một phần tư thế kỷ; cải cách tư pháp rồi mở rộng dân chủ, chống tham nhũng… đều được những nhà lãnh đạo “nhìn xa trông rộng” phát động cách đây vài ba chục năm.
Ngày nay, nếu có một ai than phiền hay khiếu kiện về các tình trạng trên, thì lập tức được giải thích: Tham nhũng, Đảng ta có biết không, biết cả! vi phạm dân chủ cơ sở, Đảng có biết không, biết cả!… chính vì thế Đảng đã có chủ trương, đã làm và đang làm, nhưng không thể nóng vội!
Là người đã tham dự nhiều kỳ họp Quốc hội, phần chất vấn và trả lời chất vấn quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng đó vấn đề, không cần phải suy ngẫm nhiều mà đã thuộc lòng nơi cửa miệng: Ngành xây dựng, công nghiệp: Nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, lạc hậu; Thất thoát đầu tư xây dựng cơ bản; hiệu quả đầu tư thấp… Ngành giáo dục: Thua ngay trên sân nhà; Nạn dạy thêm, học thêm; Chất lượng giáo dục, đào tạo thấp, tụt hậu; bệnh chạy theo thành tích; Ngành nông nghiệp: Giống má, cây con chất lượng không đảm bảo; các dự án 135 bị rút ruột; đơn thư khiếu kiện vượt cấp… Ngành Nội vụ và Lao động: Chế độ tiền lương thấp; tệ quan liêu, tắc trách của bộ máy hành chính…
Mỗi lần chất vấn lại có bộ trưởng trả lời, lại hứa cải cách, sửa đổi, từ kỳ họp này qua kỳ họp khác, không nói là còn nguyên nhưng chỉ thay đổi hình thức, biến tướng từ dạng này sang dạng khác mà thôi.
Chứng kiến những cuộc cải cách kiểu Marathon như thế, nên tôi không khỏi hoài nghi. Liên tưởng đến thời kỳ đen tối của nền kinh tế trong những năm cuối thập niên 70, đầu 80. Lúc đó, Đảng ta cũng giải thích cho tình trạng bi đát của nền kinh tế: “
Đường lối không sai, chỉ tổ chức thực hiện sai mà thôi”. Cách giải thích này khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn “Mèo đeo nhạc” của La Fonten. Cách giải thích đó đã trấn an được một bộ phận dân chúng dân trí thấp, thiếu thông tin.
Ngày nay, khi hệ thống thông tin toàn cầu được kết nối, giải thích như vậy nghe không ổn. Chính sách không thể đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng sao có thể gọi là đúng? Tại sao khi có chính sách khoán sản phẩm, trao quyền sử dụng ruộng đất cho dân, lập tức sản lượng lương thực liên tục tăng; tại sao khi giao quyền tự chủ tài chính cho giám đốc doanh nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp từ chỗ thua lỗ, sắp phá sản đã làm ăn có lãi; tại sao khi Luật doanh nghiệp quy định quyền tự do kinh doanh, hàng ngàn doanh nghiệp đã ra đời với số vốn đầu tư hàng tỷ USD chỉ trong vòng vài năm?
Câu trả lời đã rõ, những chính sách đúng đã thực sự đi vào đời sống đã phát huy tác dụng trong một thời gian ngay sau đó. Còn những chính sách, những cuộc cải cách Marathon, tiến hành trong hàng chục năm không phát huy hiệu quả cần phải đặt ngay câu hỏi: Đâu là cội nguồn, là căn nguyên của mọi vấn đề? Bởi cũng như những căn bệnh, lở loét ngoài da chưa hẳn đã là mụn nhọt, mà sâu xa hơn là sự hỏng hóc từ lục phủ ngũ tạng, cần tìm rõ căn nguyên, có như thế mới chữa trị triệt để tận gốc.
Gần đây, khi luồng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm một cách thảm hại, các tỉnh, thành trong cả nước đua nhau trải thảm đỏ mà kịch bản đều na ná nhau: Tiềm năng triển vọng; những dự án gọi vốn đầu tư; chính sách ưu đãi thuê đất; chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào; chính sách hỗ trợ đào tạo nhân công… chính sách nào nghe cũng hấp dẫn, cũng tưởng như doanh nhân nào vào cũng có thể phát tài trong nháy mắt.
Chính sách là vậy nhưng thực tế lại là một chuyện khác. Một doanh nhân nói với tôi: khi anh cần thuê 1,5 ha đất cho một dự án đào tạo; “ông xây dựng” nói rằng, hiện nay không còn diện tích như thế, chỉ có thể thuê được 7.000m2 thôi. Nếu nghe lời “ông”, thuê 7.000m2 thì không thể làm ăn gì được, “lì xì” cho ông 1.000 USD thì lập tức được thuê diện tích như ý muốn. Xong việc ở “ông xây dựng”, đến lượt “ông Địa chính”, “ông Kế hoạch Đầu tư”, “ông Quận”, “ông Phường”… đều tương tự. Chỉ có điều, khoản phong bao không nhất thiết phải một ngàn đô mà có khi hơn hoặc kém, tuỳ theo ý tứ các xếp theo kiểu “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”. Tỉnh nào cũng trải thảm đỏ, nhưng thảm đỏ chỉ trải đến tỉnh, có việc xuống dưới là vướng ngay chông gai mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn vượt qua.
Cùng với chiến dịch trải thảm đỏ là hàng loạt chiến dịch khác như cải cách hành chính, chiêu dụ nhân tài… mà chiến dịch nào cũng rầm rộ, cũng hoành tráng. Cách đây dăm năm, khi Bình Dương nổ phát súng đầu tiên khơi mào chuyện “chiêu hiền đãi sỹ”, cùng với những thành tựu mà tỉnh này đạt được trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các tỉnh khác nô nức sao chép cách làm này mà kịch bản đều na ná nhau: đăng thông báo mời gọi các trí thức có trình độ cao về tỉnh làm việc. Thời hạn ít nhất là năm năm, được bố trí chỗ ở, trợ cấp một lần ngay khi về nhận công tác: thạc sĩ, 10- 15 triệu; tiến sĩ, 15- 20 triệu; giáo sư 20- 25 triệu…
Vấn đề đặt ra là có thể coi những gì mà các tỉnh nói trên làm là “chiêu hiền đãi sĩ” không? Cách “chiêu” như thế có phù hợp với hiền sĩ? Và những người theo tiếng gọi của những ưu đãi vật chất thuần túy, và đáng nói hơn, theo lời kêu gọi “khơi khơi” của các tỉnh này, có thể coi là hiền sĩ hay không? Ðã có ai thử điều tra xem các tỉnh nói trên chiêu được bao nhiêu “hiền sĩ” và họ là những ai?
Chỉ cần nhìn vào cái cách “chiêu” các “hiền sĩ” của các tỉnh ấy cũng đủ thấy rằng hình như có chuyện không ổn ở đây. Đó là kiểu chiêu hiền khơi khơi. Năng lực khơi khơi thay vì nói năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, năng lực đọc thực trạng xã hội, năng lực bắt mạch tìm rõ căn nguyên bệnh tật của cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành; năng lực hoạch định chiến lược phát triển, năng lực tổ chức, điều hành, năng lực dùng người…
Những cuộc cải cách, những chiến dịch nặng về hình thức, không đi vào thực chất có thể kể ra vô số. Đều là những điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi” mà không có cách giải quyết hữu hiệu. Những cuộc cải cách hô hào từ năm này qua năm khác như những cuộc chạy Marathon đường dài không biết bao giờ mới tới đích. Tệ nạn tham nhũng, trì trệ của bộ máy hành chính khiến các nhà đầu tư mất lòng tin. Những doanh nghiệp đã có chút thành công hết động lực và không muốn đi xa hơn vì không thể lường hết điều gì đang đợi phía trước. Những doanh nghiệp chưa thành công thì ngần ngại với vô số chông gai của cửa ải hành chính mà họ phải vượt qua.
Người có tiền nhàn rỗi mua vàng, mua đất, mua ngoại tệ mạnh cất trữ mà không muốn đầu tư. 75% dân số sống ở nông thôn với khoảng một phần tư trong số đó là thất nghiệp và chưa nhìn thấy lối thoát. Số còn lại làm việc một cách cầm chừng, khép kín, khuất bóng dưới lũy tre làng. Cải cách, chiến dịch nhiều nhưng kết quả thu được là không đáng kể mà kết cục của môi trường đầu tư vẫn đứng thứ 77 trên 104 nước trên thế giới. Tiềm lực đất nước vẫn ngủ mơ màng, việc đánh thức chưa được bao nhiêu, trong khi đó, với xuất phát điểm thấp như hiện nay, không cho phép chúng ta bình chân như vại nhìn những làn sóng đầu tư ầm ầm chuyển động vào các nước khu vực.
2- Tham nhũng Tham nhũng là hiện tượng chỉ có trong khu vực giao tiếp giữa chính quyền và xã hội công dân tức là giữa nhà nước với người dân. Nhờ quyền thế của mình, viên chức nhà nước có thể trục lợi bất chính mà người dân khó thoát được vì quyền uy của nhà nước. Các định chế quan tâm đến việc nâng cao mức sống đều đánh giá tham nhũng là trở ngại lớn nhất cho hai lãnh vực phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
Nó phá hoại nền tảng luật pháp theo lối các cụ ngày xưa gọi là "đồng bạc đâm toạc tờ giấy" vì gây lệch lạc trong việc áp dụng luật lê. Nó làm suy yếu các định chế và cơ quan cần thiết cho phát triển, và khiến tài nguyên quốc dân bị trút vào nơi không có lợi về kinh tế, cản trở công cuộc phát triển quốc gia.
Tham nhũng là thảm họa cho giới cùng khốn vì người nghèo là nạn nhân đầu tiên khi tăng trưởng kinh tế sút giảm do tham nhũng. Giới cùng khốn cũng là thành phần trông đợi nhiều nhất vào các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp, nạn tham nhũng làm ung thối các cơ quan này, đâm ra ảnh hưởng trước tiên đến người nghèo. Vì thành phần cùng khổ là người không tiền nên chẳng có phương tiện đút lót viên chức nhà nước và càng khó vượt qua các chướng ngại do tham nhũng gây ra. Tham nhũng vì vậy là bất công xã hội vì làm đa số nghèo khổ bị thiệt nhất, mà lại giúp thiểu số quyền thế có thêm cơ hội làm giàu bất chính. Tham nhũng là đứa con sinh đôi với độc tài, và nuôi dưỡng độc tài theo thế cộng sinh.
Về dài, các nước nghèo khó không thể đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo nếu không diệt được tham nhũng vì tham nhũng gây lệch lạc cho chính sách kinh tế quốc dân, vô hiệu hóa các kế hoạch phát triển và là mầm động loạn xã hội, thậm chí khủng hoảng chính tri Tổng kết lại, tham nhũng là tai họa cho người dân và dễ tồn tại trong các xứ độc tài, dù tự mệnh danh xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam. Các chế độ đó đều có đặc tính độc tài, nên mới khó diệt tham nhũng, và cũng là các nước có nhiều bất công về xã hộị Theo chỉ số năm nay của viện The Heritage Foundation tại Mỹ về mức tự do kinh tế từ cao đến thấp thì Trung Quốc xếp hạng 127, Việt Nam hạng 135 trong 156 nước, so với một lân bang cứ hay bị coi thường là Cambốt, đứng hạng thứ 35. Một trong các tiên chuẩn đo lường mức độ tự do về kinh tế chính là tình trạng tham nhũng.
Quốc gia nào trên thế giới cũng có thể gặp nạn tham nhũng, vì xã hội con người nơi đâu cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng chỉ có thể diệt trừ hoặc giới hạn được sự hoành hành của tham nhũng nếu có cải tổ cơ bản về chế độ chính trị và từ đó mới có thể áp dụng được biện pháp chống tham nhũng hữu hiệụ Kinh nghiệm của các quốc gia và định chế phát triển cho thấy việc diệt trừ tham nhũng phải khởi sự từ địa hạt chính trị trở đi, cụ thể là có quy luật minh bạch khiến cho giới chính trị, từ lãnh đạo tới viên chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nghĩa là chịu trách nhiệm trước quốc dân, quốc hội và hệ thống tư pháp độc lập.
Muốn vậy thì phải công nhận quyền cạnh tranh bình đẳng về chính trị giữa các đảng phái, vì các chính đảng này mới có nhu cầu và khả năng tố giác tham nhũng. Các xứ dân chủ thường ít bị tham nhũng hơn các chế độ độc tài là do sự cạnh tranh đọ Mà nhờ các chính đảng này, người dân có nơi bảy tỏ nguyện vọng và chọn lựa kẻ lãnh đạo có tài đức thay vì bị một thiểu số áp đăt quyền cai trị của một đảng duy nhất. Bước thứ hai là mọi đảng phải đều phải công khai hóa nguồn tài trợ của mình, để không còn tình trạng dùng công quỹ vào việc kinh tài cho đảng. Các vụ tham nhũng tai tiếng nhất của Pháp đều ít nhiều dính đến việc kinh tài cho đảng cho nên cải tổ và minh bạch hóa việc tài trợ hoạt động đảng phái là yêu cầu không thể thiếụ Quy tắc ở đây, y hệt như trong mọi giao dịch kinh tế, là làm gì cũng phải có hồ sơ và hóa đơn minh bạch hầu có thể kiểm tra được. Cũng trong địa hạt chính trị, người ta cần có luật lệ minh bạch về sinh hoạt chính trị, quyên góp tiền bạc, vận động tranh cử, sử dụng phương tiện quốc gia trong hoạt động bầu cử và nhất là quyền tự do về thông tin. Hoa Kỳ là xứ có sinh hoạt dân chủ kỳ cựu nhất mà vẫn thường xuyên nói đến cải tổ luật lệ vận động tài chánh cho hoạt động chính trị, hoặc việc bảo vệ quyền tố giác và phanh phui của các cơ quan độc lập. Chính hệ thống luật lệ ràng buộc các đảng phái và quyền tự do của các tổ chức độc lập mới làm các đảng thận trọng khi tranh cử và thận trọng hơn khi cầm quyền. Sự việc chính quyền Bush hoặc Clinton tại Mỹ bị tố cáo là liên hệ với doanh gia không có nghĩa là các chính quyền đó tham ô mà chỉ có nghĩa là báo chí có thực quyền và nếu có chứng cớ thì tòa án vẫn xử đúng lối "pháp bất vị thân", luật pháp không tha tay chân của lãnh đạo hay chính quyền.
Khi nói luật lệ chặt chẽ đối với các đảng phái chính trị, ở trong và ngoài chính quyền, ta phải thấy mặt kia của vấn đề là cho người dân quyền tham gia vào hoạt động chính trị và nâng cao khả năng tham gia đó của xã hội công dân. Ta thường nghe nói là "phép vua thua lệ làng", nhưng, nếu trình độ dân trí không được nâng cao thì cái lệ làng đó có khi chỉ là tệ nạn hương đảng hoặc quyền lực bất chánh ở địa phương làm cản trở đường lối quốc dân. Thí dụ kinh niên tại Việt Nam là nạn tranh chấp liên hệ tới đất đaị Ngoài điều khoản phi lý của Hiến pháp rằng "đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý", người dân bị thêm nạn cường hào ác bá của đảng viên và cán bộ nhà nước. Nếu xã hội công dân được phát triển, hiệp hội của dân được tự do thành lập, thì dân có nơi bày tỏ nỗi bất công để được giải quyết, thay vì viết đơn khiếu kiện hàng năm rồi vẫn phải xuống đường biểu tình, xô sát với công an.
Vì quan niệm kinh tế thị trường là quyền tự do vô luật pháp, nên thấy các tệ đoan xã hội xảy ra tại các nước đang chuyển hướng như Việt Nam hay Trung Quốc, nhiều người lại đổ lỗi là do kinh tế thị trường mà ra. Sự thật lại hoàn toàn khác. Kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển trên một nền tảng luật lệ phức tạp và tinh vị Không có nền tảng luật lệ đó là không thể có kinh tế thị trường. Nền tảng luật lệ này phải khởi đi từ việc "ai làm ra luật", tức là người dân phải có quyền trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào tiến trình làm luật, theo quy tắc gọi là dân chủ. Thứ nữa là phải có sự phân quyền rõ rệt giữa người làm ra luật, người thi hành và người phân xử những vi phạm, tức là phân quyền giữa hành pháp hay chính phủ, với lập pháp là quốc hội và tư pháp là hệ thống tòa án từ trên xuống dưới. Vì các cơ quan hay định chế của chính phủ có quyền ảnh hưởng rộng rãi nhất, không người dân nào tránh khỏi, nên luật lệ về các cơ quan này phải công khai minh bạch và tinh vi để khỏi gây ra nhũng lạm, mở đầu cho tham nhũng. Viên chức tòa án phải được độc lập, y như các cơ quan giám định hoặc kiểm soát việc làm của cơ quan công quyền cũng phải có tự do.
Người ta thường nói đơn giản gần như ngụy biện hay biện hộ cho tham nhũng là xứ nào cũng có tham nhũng. Vấn đề là có quốc gia thực tâm coi tham nhũng là vấn đề nên có thiện chí giải quyết. Cách giải quyết rốt ráo nhất vẫn là giới hạn quyền lực của nhà nước và các đảng phái đồng thời gia tăng quyền tự do của người dân bằng một hệ thống luật lệ công minh. Các nước độc tài hay nói tới bài trừ tham nhũng, nhưng nếu đảng độc tài giành độc quyền lãnh đạo và độc quyền diệt tham nhũng thì chả khác gì cho đạo tặc khoác áo công an đi bắt kẻ cướp. Người dân không tin vào lối diệt tham nhũng đó và xứ sở tiếp tục nghèo khổ, chỉ có tay chân nhà nước là giàu to.