Ăn cơm xong là anh Thành vác cái chổi kẹp bằng tàu lá cọ, phốc ra phố đến tập trung ở sân bóng chuyền. Hôm nay đội thiếu nhi Dốc Trầu làm tổng vệ sinh đường phố.
Bọn trẻ con phố Dốc Trầu chẳng rõ nghe ai nói, kháo nhau ầm ĩ là có bộ đội đặt những cỗ súng to lắm ở trên đồi để bắn máy bay nên chúng mới không dám bay qua vùng này. Và cũng lâu lắm rồi, không thấy máy bay cào cào thả truyền đơn nói xấu kháng chiến.
Dân phố Dốc Trầu náo nức hướng theo kháng chiến. Nhiều thanh niên đi tòng quân, nhiều người đi thanh niên xung phong làm tiếp vận cho mặt trận, nhiều người đi dân công hỏa tuyến.
Lần đầu tiên tôi thấy bọn trẻ con không gọi nhau bằng "đằng ấy" hoặc "nó", bỏ lối xưng hô "mày tao chi tớ" để nói với nhau là "bạn".
Nghe là lạ đến thích.
Tất nhiên chỉ có riêng tôi, cái Hằng, thằng Quý là không thấy các anh chị phụ trách nhắc đến tên cho vào danh sách gọi đi sinh hoạt. Chúng tôi cũng buồn. Tôi và cái Hằng buồn nhất.
Thằng Quý thì nó chẳng thiết gì cả. Nó có nghe có nói được đâu mà thèm khát. Hôm thằng Xẩm trở lại phố hát rong, tôi có nói chuyện này cho nó biết. Nó ngồi im một lúc, chớp chớp đôi mắt đục ngầu đỏ như khói bếp rồi khẽ khàng: - Mày buồn rầu làm gì cho nó cực thân! Ông giời bắt mày què cũng như bắt tao mù lòa, bắt con Hằng điếc, bắt thằng Quý cả câm lẫn điếc, thành thân phận kẻ tật nguyền hèn kém, sau này làm được gì mà sống? Cái khổ của bọn mình là ở chỗ đó. Chứ cái chuyện nhảy múa, hát hò không có cũng chẳng sao. Bọn mày bây giờ còn có bố mẹ nuôi đã sướng hơn tao rồi. Có lo là lo sau này phải sống tự lập ấy.
Nghe nó nói mà tôi sởn gai ốc khắp người. Quả đúng như thế thật. Dẫu sao tôi cũng còn sướng hơn nó là có bố có mẹ. Thì thầy u tôi chẳng một mực bảo tôi là con đẻ là gì. Sau này nếu cha mẹ tôi không còn sức làm ăn nuôi nổi con cái thì hỏi liệu tôi làm gì để kiếm sống? Những chữ "Nếu"... cứ nảy nở hiện ra làm tôi kinh hoàng. Tôi sẽ sống ra sao khi chỉ là một cậu bé tàn tật? Sẽ đi ăn mày hay hát rong như thằng mù ư? Chao ôi, cái viễn cảnh xám xịt hiện ra trước mắt tôi mới u tối buồn thảm làm sao!
Bất giác, tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời. Bầu trời trong xanh cao vời vợi, thẳm sâu và im lặng. Tôi đảo mắt nhìn cảnh vật đồi núi bao quanh, màu xanh cây rừng ngời ngời trong nắng sớm.
Từng đàn bướm vàng, bướm trắng bay dập dờn qua các lùm cây.
Thiên nhiên sinh động và rực rỡ màu sắc của sự sống.
2
Thằng Bền chạy ngược lên phố theo kịp anh Thành. Thành thử chỉ có một mình tôi ở nhà. Những ý nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu. Liệu trên đời này có ai tàn tật giống tôi mà làm nên công trạng được như người mạnh chân khỏe tay không?
Lúc sau cái Hằng và thằng Quý chạy đến tìm tôi, xôn xao những chuyện ở chỗ bọn thiếu nhi dọn vệ sinh.
- Vững ơi các anh chị thanh niên phạt đám lau cạnh giếng thấy hang rắn to lắm. Trứng rắn trắng xóa dưới đất, còn rắn con thì nhiều nhung nhúc.
Thằng Quý ú ớ gân cổ "nói" chen vào. Hai tay nó khua khua vẽ những đường lượn sóng trong không gian một hồi rồi ngoáy tít.
Có nghĩa là nhiều vô kể.
- Bụi lau ở đằng sau nhà anh thợ khắc đấy. - Cái Hằng nói thêm, nó hỏi tôi: - Vững còn nhớ chuyện Rắn Thần không?
- Sao lại không nhớ. Nhưng...
Tôi phải hét vào tai cái Hằng. Nó dịu dàng bảo:
- Thế mà dạo ấy dân phố lại đồn anh thợ khắc dấu với nhà cô
Mán trên rừng bên La Thạch. Rồi cô ta...
Phải rồi, tôi vẫn còn nhớ như in sự thể xảy ra. Bởi hồi đó lũ trẻ lau nhau bàn cãi ầm ĩ đến hàng tháng về chuyện này. Trí tưởng tượng con trẻ của chúng tôi được nảy nở trong đầu mỗi đứa.
Biến những câu chuyện cổ tích, chuyện thần thoại mà người lớn thường kể, gắn liền cuộc đời vào anh thợ khắc dấu. Vậy mà bây giờ lại thấy hang rắn. Như thế có nghĩa là... đứa trẻ nào cũng là thằng bốc phét. Còn anh thợ khắc dấu thành kẻ làm trò cười cho thiên hạ.
Câu chuyện Rắn Thần và anh thợ khắc dấu là như thế này:
... Số là anh thợ khắc dấu sống có một mình, làm nhà mở hiệu hành nghề ở gần giếng nước chung của dãy phố. Cái nghề chẳng có mấy khách hàng. Đôi khi có cơ quan kháng chiến nhờ khắc một số bản tin hay công báo để in thành nhiều bản gửi tới từng gia đình thì mới có việc. Cho nên anh ta phải đi buôn để kiếm sống. Anh đến các xã lân cận có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống mua các thứ lâm sản của họ về bán cho người trong vùng tề ra chợ Kim Tân đón hàng. Có đợt anh ta đi biền biệt hàng tháng trời.
Vào một buổi chiều, anh thợ khắc dấu về nhà, vừa mở cửa là nhìn thấy ngay một con rắn to như đoạn tre lớn, dài tới hai mét, đầu có mào, từ trong phía chạn bát lao ra. Anh hoảng loạn kêu la hàng xóm sang cứu. Dân phố đổ xô đến. Người ta xông vào đánh chết con rắn.
Mọi người vây quanh con vật hung dữ là thế, giờ nằm im dưới đất như một đoạn tre mốc thếch, bàn tán đủ chuyện. Đám trẻ con được một phen sợ hú vía, mặt xanh đít nhái... cũng nhặng xị dứ dọa nhau, tranh cãi về con rắn. Không có nhẽ nó là Rắn Thần.
Rắn thường sao lại có mào? Mà là Rắn Thần thì đánh chết được ư?
Hôm đó tôi quả quyết với chúng nó đây là con Trăn tinh trong chuyện Thạch Sanh. Chợt có một người đàn ông dân địa phương đi qua đường thấy đám đông tụ tập bàn tán bèn ngó vào xem. Ông ta ngỏ lời xin con rắn. Anh thợ khắc dấu bằng lòng ngay. Dân phố chẳng ai phản đối. Người đàn ông bèn cuộn con rắn chết đó lại, bỏ vào đầy cái thúng cái, đội lên đầu, đi về nhà. Nhà ông người Mường này ở trên đồi sau vạt rừng vầu cạnh Dốc Trầu.
Ngay sáng hôm sau dân phố Dốc Trầu lại một phen bàn tán.
Thì ra trên đường mang con rắn về nhà người đàn ông không để ý tới con vật đã chết này. Nhưng thật sự nó chỉ bị đánh chết giấc thôi. Thế là rắn hồi tỉnh lại văng mình xuống đất quấn chặt lấy người đàn ông mà nó tưởng là kẻ đã đánh nó. Vốn là người quen bắt rắn nên ông ta bình tĩnh tìm cách chống lại. Ông gắng sức lăn người về phía tảng đá ven đường. Khi cái đuôi rắn ngoe nguẩy gần cổ, người đàn ông ghé miệng cắn vào. Lập tức rắn văng mình ra.
Thừa cơ ông ta bưng tảng đá định nện vào đầu rắn. Con vật không đến nỗi ngu dốt văng mình tới đớp vào chân kẻ thù. Người đàn ông hăng máu liều mạng chẹn đầu nó lại, đè người lên rồi nện cật lực tảng đá vào đầu nó cho đến nát bét. Cuộc giao tranh quyết liệt xảy ra chưa đầy dăm phút. Về đến nhà người đàn ông sai vợ đi lấy lá dịt vào chỗ rắn cắn. Nhưng muộn rồi. Bà chưa kịp xuống sàn thì ông ta co giật toàn thân rồi lăn đùng ra chết...
Hằng điếc nói với tôi:
- Đúng là Rắn Thần đấy Vững ạ.
Anh thợ khắc dấu sợ vợ con rắn trả thù phải bỏ đi biệt mấy ngày.
Một hôm, khi trở về vào lúc chập tối. Vào rũ giường chiếu để ngủ, anh ta giật mình vụt lao ra đường hô hoán, miệng líu cả lưỡi:
- Rắn... rắn... n...ó nằm dưới chiếu.
Dân phố lại một phen nữa vác gậy đến đánh. Con rắn này nhỏ hơn con rắn trước một tí.
Đến lần thứ ba. Cách tới hơn một tháng sau, tưởng đã yên ổn anh thợ khắc dấu mới trở về. Không ngờ "chạm trán" ngay một con rắn cuộn mình trên dóng tre ngang cửa ra vào. Anh đành sang ở nhờ bên hiệu trồng răng.
Nhân có đợt đoàn thể phố vận động đi thanh niên hỏa tuyến, anh thợ khắc dấu làm đơn tình nguyện lên đường...
Chuyện xảy ra là như thế. Nhưng dân phố Dốc Trầu lại xì xào nhỏ to với nhau là anh thợ khắc dấu bị cô Mán bỏ bùa mê. Anh ấy không giữ đúng lời hứa hẹn nên cô Mán lén vào nhà bỏ thuốc nhử rắn độc vào trị tội anh chàng phản phúc. Chả rõ đúng hay không? Riêng lũ trẻ con chúng tôi đều quả quyết đó là Rắn Thần chứ không có cô Mán nào qua đây lẻn vào bỏ thuốc nhử chúng để trả thù kẻ bạc tình.
Nay làm vệ sinh phạt hết bụi lau mới lộ ra hang rắn. Sự thật làm đảo lộn tùng phèo mọi điều tranh cãi trước đây.
Cái Hằng ngỡ tôi là đứa vô tâm, nghĩ sao đó, nó thủ thỉ nói:
- Vững ạ! Con Trăn tinh trong chuyện Thạch Sanh chưa chắc đã có thật đâu. Đấy thôi, con rắn có mào vào nhà anh thợ khắc dấu chả kinh à? Thế mà dân phố mình lại đánh chết nó được đấy.
Tôi muốn đến xem hang rắn nó như thế nào quá. Cái Hằng cản: - Các anh chị thanh niên dọn sạch rồi, còn đâu mà xem.
- Sao dọn nhanh thế? Không sợ rắn nó cắn à?
- Có mấy người Mường đi qua bèn tới bắt hết rắn mang về.
Eo ơi! Họ bạo lắm, không sợ rắn cắn đâu. Thò tay bắt như bắt lươn ấy.
Tôi trố mắt nghe cái Hằng kể. Giá mà tôi được xem họ bắt rắn nhỉ?
3
Một hôm cái Dung đến rủ anh Thành đi rửa rau câu để nấu thạch. Bọn thiếu nhi chúng nó mở quán nước để bộ đội hay dân công đi qua dừng nghỉ chân vào uống giải khát. Nó mang cho tôi với thằng Bền củ sắn nướng để ở nhà chơi với nhau. Tôi thèm gì củ sắn mà nó dứ như dứ trẻ con. Cứ làm như đã là chị tôi không bằng. Tôi không cầm. Nó đành dúi vào tay thằng Bền. Thằng Bền hí hửng bóc vỏ ăn liền. Mùi sắn nướng đến thơm. Tôi phải quay mặt đi cho khỏi thèm. Khi anh Thành với cái Dung dắt tay nhau đến nhà chị phụ trách lấy rau câu mang ra giếng rửa thì thằng Bền vẫn bám theo. Tôi cũng khép cửa lại đi ngược lên phố đến nhà cái Hằng chơi. Đang tập tễnh bước chợt nghe tiếng hát xẩm:
... Ai về chợ huyện Thanh Vân Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?...
Tiếng hát ngân nga như các bà mẹ vẫn thường ru con à ơi bằng cái giọng buồn buồn trầm bổng theo nhịp gõ vào ống tre làm phách. Đích thị thằng Xẩm lại đến phố Dốc Trầu hát rong rồi. Tôi bước mau chân vậy mà vẫn lạch bạch như vịt bầu trong tháng đẻ.
Tiếng hát lại vang lên, chuyển giọng sang bài mới:
Kìa xa nơi Côn Đảo u ù...
Lại bài hát về những người bị đầy đi Côn Đảo mà ai đó đã dạy thằng Xẩm hát. Lời bài hát nghe rõ buồn. Vừa não nề vừa bâng khuâng man mác. Tôi chợt nhớ tới câu chuyện giữa mẹ tôi và bác Vinh. Cha đẻ tôi bị giặc đưa đi đầy ngoài Côn Đảo. Có thật như thế không? Cứ mỗi lần nghe thằng Xẩm hát bài này là tôi lại nghẹn ngào, nhiều khi ứa nước mắt. Mà sao thằng Xẩm biết ít bài hát thế? Quanh đi quẩn lại hết "Ai về chợ huyện Thanh Vân", lại đến "Con cò bay lả bay la", rồi cuối cùng là "Đưa con thuyền vượt muôn trùng dương...". Đệm cho tiếng hát khàn khàn do viêm họng mãn tính là tiếng đàn bầu tưng tửng nghe rõ chán. Mà cái đàn bầu của nó đâu có ra cái đàn bầu. Nó chỉ là cái vỏ đồ hộp bằng sắt tây, được đục một cái lỗ buộc đầu sợi dây cước vào, còn đầu dây cước kia cuốn vào cái thanh tre, chứ không phải cần tre, để co ra hoặc chùng tay lúc bật dây cước ngân thành tiếng trầm bổng. Hồi còn ở thị xã Ninh Bình, lúc chưa bị tật nguyền như bây giờ, tôi đã từng chạy theo những người hát xẩm. Họ hát đến hay. Bài nào cũng ai oán nghe mà rớt nước mắt. Còn đằng này thằng Xẩm chẳng thuộc được mấy bài, lại không tự vận được lời ca, mà giọng cứ khàn khàn như gào thì đúng hơn. ấy vậy mà dân phố Dốc Trầu kéo đến nghe đông đáo để.
Tôi rẽ đám người vào ngồi xuống bên cạnh thằng Xẩm. Nó đưa tay dờ dờ vào người tôi, nhận ra ngay:
- Vững đấy à?
- Ư, tao vừa đến. Thế mày tới đây lúc nào đấy?
- Ở mãi chợ Kim Tân cũng chán. Nhớ chúng mày quá nên tao thủng thẳng đi ra đây từ sáng. May gặp mấy người đi cùng đường, nhờ họ dắt, bước cũng chóng.
Rồi nó lại cất giọng hát, miệng dẻo quẹo:
... Anh đừng tựa cửa chờ sung, mong độc lập hô to nơi cửa phòng. Em mong trong đoàn quân ngũ đi chiến chinh lại có tên anh...
Nó co chân ngồi xếp bằng tròn, hai bàn chân đen đủi và mốc thếch quặp chặt cái "đàn" để một tay co thanh tre căng dây cước, tay kia gảy tửng tưng. Hát xong nó quờ tay cầm lấy cái nón mê ngửa ra chìa trước mặt, giọng thống thiết van vỉ:
- Xin ông đi qua, xin bà đi lại... đoái thương đến kẻ mù lòa, cho cháu dăm chục, một trăm kiếm bát cháo miếng cơm nuôi miệng.
Tôi thò tay vào túi. Túi rỗng không chẳng có thứ gì cho thằng Xẩm. Mấy lần trước tôi đều dành phần cho nó, khi củ sắn luộc, lúc chùm dâu da hay hồng bì. Ban đầu nó nhất mực không nhận, bảo tôi là đứa tàn tật có đâu dư dật mà đem cho nó. Tôi phải thề sống thề chết rằng tôi có nhiều, vả lại ăn no rồi, kéo tay nó đặt vào bụng mình xem. Tôi ngậm hơi cho căng bụng để nó tin. Nó cầm củ sắn đưa lên mũi ngửi, miệng tóp tép: "Sắn thơm nhỉ!" Tôi ngồi nom nó
ăn đến ngon lành, vừa thương nó vừa tủi cho phận mình. "Tao chưa thấy ai tốt với tao như mày!", ăn xong nó quệt tay lau miệng nói thế. "Thì mày cũng tốt với tao đấy thôi!" - tôi nói để an ủi nó:
"Dẫu sao tao cũng còn bố mẹ. Chứ mày...". Thằng Xẩm chớp chớp mắt, những giọt lệ ứa ra từ từ lăn xuống gò má. Nó thều thào bảo tôi: "Mày chưa vấp phải gai nhọn đâm vào cuộc đời nên nghĩ thế thôi. Chứ con người, một khi đã độc ác thì ác độc hơn cả dã thú đấy. Nhưng mà thôi, mày cũng đừng nghĩ lắm cho nó khổ thân.
Biết đâu mày sẽ gặp toàn những sự tốt lành thì sao...". Tôi mà gặp những sự tốt lành ư? Không đâu Xẩm ơi. Mày là thằng mù, còn tao là đứa què... Những người tàn tật như chúng mình thì đừng có mơ hão huyền rằng sẽ gặp mọi sự may mắn mà rồi lại khổ đau hơn.
Tôi thầm nghĩ.
Thoáng trong đầu tôi bao chuyện về thằng Xẩm. Trong con người nó chứa chất bao điều bí ẩn. Thì ra mọi sự đời nó đều biết cả, song nó cứ ngây ngô làm như chẳng hiểu gì, làm như không thấy người ta giễu cợt hay ác độc đối với nó. Mù lòa còn nhìn thấy chi. Chao ôi! Nhiều người sáng mắt mới ngu ngốc làm sao!
Trong túi áo tôi chẳng có gì. Biết vậy lúc nãy tôi cầm củ sắn của cái Dung lại hay. Tôi sẽ bẻ cho thằng Bền một nửa, còn lại để dành cho thằng Xẩm. Nào có ngờ bữa nay nó đến. Tôi cầm lấy tay nó lắc lắc:
- Giá ban nãy tao cầm củ sắn của cái Dung thì mày đỡ đói.
Không ngờ thằng Xẩm cằn nhằn:
- Mày lấy của người khác cho tao làm gì. ăn những thứ đó chẳng no bụng được đâu.
Tôi đành ngồi nín lặng. Đám người nghe hát lác đác đã có mấy cánh tay vươn ra bỏ vào cái nón mê tờ giấy bạc hai chục đồng tiền kháng chiến. Thằng Xẩm sau một hồi cất lời xin mấy lần, đặt nón xuống đất, sờ soạng bàn tay gầy guộc nhem nhuốc nhặt tiền, vo tròn lại giắt vào cạp quần. Xong đâu đấy, nó lại cầm thanh tre co dây cước, dài miệng hát:
Trên trời có đám mây xanh Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng Ước gì anh lấy được nàng...
Một lúc sau mới thấy cái Hằng và thằng Quý đến. Thằng Xẩm thôi không hát nữa hỏi:
- Sao hôm nay không thấy bọn trẻ con, chúng mày nhỉ?
- À, chúng nó đi sinh hoạt đội thiếu nhi cả rồi. Chúng mở quán nước đón bộ đội, dân công qua đường dừng chân nghỉ vào uống giải khát. Vui lắm mày ạ.
- Sao mấy đứa mày không đến đấy mà chơi?
- Đến đấy để đứng chầu rìa à? Chúng nó không cho mình tham gia. Đếch thèm đến xem. Chơi một mình cũng được.
Thằng Quý bỗng rối rít khua tay "nói". Cái Hằng rất thạo thứ "ngôn ngữ" của nó nên "dịch" lại cho chúng tôi nghe:
- Thằng Quý bảo mẹ nó cho nó nắm xôi to lắm. Mấy đứa cùng ăn nhé.
Chúng tôi liền dắt thằng Xẩm ra đằng sau phố, lên đồi ngồi chơi ăn xôi với nhau. Cái Hằng đòi cõng tôi để bước cho nhanh, tay nó dắt thằng Xẩm. Còn thằng Quý cầm gói xôi đi trước.
Mặt trời đã lên cao. Nắng chói chang. Bốn đứa trẻ tật nguyền dắt díu nhau lên đồi tìm chỗ vắng chơi với nhau, tránh sự ồn ào ngoài đường phố, tránh sự diễu cợt của đám trẻ con khỏe tay mạnh chân và những người nhớn rỗi nhàn suốt ngày ngồi tựa cửa chẳng biết làm việc gì, đợi đến bữa ăn và mong sớm hòa bình yên ổn để được trở về thành phố, không hề lo lắng đến cuộc sống và thời buổi chiến tranh loạn lạc.
***
Ăn xôi xong, bốn đứa chúng tôi không biết bày ra trò gì mà chơi được với nhau. Mỗi đứa mang tật nguyền một kiểu thành thử không nghĩ ra trò nào để cùng nhau tham gia được.
Thằng Quý hiếu động nên bứt rứt chân tay lắm. Nó uơ uớ ra hiệu rồi bỏ đi, xuống đồi ra phố. Tôi với thằng Xẩm nằm kềnh xuống đám cỏ dưới gốc cây trẩu. Cái Hằng ngồi bên cạnh tôi lấy cành lá phe phẩy quạt. Ba đứa đều im lặng như cục đất.
Chợt thằng Xẩm hỏi tôi:
- Tao nghe nói mày là đứa học giỏi lắm phải không?
- Sao mày biết?
- Ấy là tao nghe người ta nói thế.
Nghĩ đến những lần cha mẹ nói với nhau về tương lai mai sau của tôi, tôi thở dài:
- Dẫu tao có học giỏi thật thì cũng chẳng làm được gì nên chán lắm.
Thằng Xẩm mắng tôi:
- Mày ngốc bỏ mẹ! Mày mà học giỏi thì sau này thế nào cũng kiếm được một chân làm bàn giấy văn phòng. Thiếu gì việc.
Tôi lắc đầu:
- Ai người ta nhận thằng què?
- Sao lại không nhận? ối người mắt tinh, khỏe tay mạnh chân nhưng không biết chữ thì chỉ có đi cày mà thôi. Làm bàn giấy văn phòng phải biết chữ. Mày hiểu chưa?
Tôi hỏi:
- Thế việc bàn giấy ở văn phòng là việc gì? Thằng Xẩm nói vanh vách như nó đã từng qua cái việc đó:
- Làm thư ký viết lách này, đánh máy chữ này, chạy giấy tờ này... khối việc. Cốt có ít tiền lót tay cho chủ sở.
Tôi bật phì cười. Thằng Xẩm gắt:
- Mày cười cái gì?
- Là tao cười vì mày mù lòa biết quái gì chuyện bàn giấy văn phòng mà cũng bốc phét.
Thằng Xẩm ngồi nhổm dậy như bật lò xo:
- Mày tưởng tao không biết thật à?
Tôi cũng nhổm người dậy:
- Vậy ai nói cho mày biết?
Mặt thằng Xẩm cau có, cặp mày díu lại như muốn dính vào nhau, mấy nét nhăn trên trán hằn sâu. Nó chừng mười lăm mười sáu tuổi là cùng. Sao trông nó lúc này y hệt như ông lão sáu mươi.
Đôi vai gầy nhô lên giơ mỏm xương bả vai bởi cái áo cộc tay rách toạc đến nách. Hai chân dài nhẳng, gầy guộc và gân guốc ngồi xổm đầu gối chấm tai. Mái tóc rễ tre bù xù đỏ quạch trùm lên khuôn mặt choắt lại, hốc hác với đôi gò má lúc nào cũng tấy đỏ. Nó khẽ mấp máy cặp môi:
- Tao mới bị lòa năm sáu năm nay thôi.
- Thế hả?
Tôi ngó gần sát vào mặt nó kinh ngạc và khó hiểu, như để kiểm chứng tự thật. Đôi con ngươi mắt nó hằn lên những tia mạch máu trên lòng trắng đã biến thành màu khói bếp. Đôi con mắt... cái cửa sổ tâm hồn con người... cái thần sắc của gương mặt con người... không có nhẽ... không có nhẽ nó mới bị lòa. Nhưng sự thật thằng Xẩm bảo thế cơ mà. Chao ôi, ban đầu nó cũng là đứa trẻ lành lặn mặt mũi chân tay ư? Tôi bật lên câu hỏi như thét vào mặt nó:
- Vì sao mày bị mù hử? Bố mẹ anh em mày đâu?
Tôi hỏi nó dồn dập trong nỗi xúc động. Cái Hằng không nghe thấy gì, nhưng nhìn vào miệng tôi hẳn đoán biết hai đứa đang nói chuyện với nhau. Có thể là do tính tò mò, nên nó hỏi chen vào:
- Chúng mày cãi nhau à?
Tôi ghé vào tai cái Hằng nói như hét cho nó biết chuyện thằng Xẩm. Nó gật gù:
- Cũng như tao thôi. Tao mới điếc mấy năm nay thôi mà...
Thằng Xẩm ngồi im như tượng đá. Nó ngẫm nghĩ gì đấy mặt hướng lên trời, chốc chốc lại nhíu mày, bặm môi nom đến lạ. Hồi lâu nó mới sờ tay quờ quờ tìm tôi:
- Tưởng mày ngồi đâu. Như thế là bọn chúng mày sướng hơn tao rồi. Dẫu sao chúng mày cũng chưa bao giờ phải nhịn đói dăm ba ngày như tao, có người thân yêu thương đùm bọc, chở che, có nếp nhà mà ở. Còn tao... Suốt ngày tao phải lang thang đầu đường xó chợ, đến cái ổ chó cũng không có để mà chui rúc, những người ruột thịt thì ruồng bỏ. Để kiếm miếng ăn, tao phải bỏ qua mọi sự giễu cợt, chọc ghẹo móc máy của người đời để họ bố thí cho hào bạc hay nắm gạo...
- Chắc mày bỏ nhà đi lang thang chứ gì?
Cái Hằng khẽ hỏi.
Thằng Xẩm chợt nổi cáu:
- Có điên mới bỏ nhà đi ăn mày!
Ba đứa chúng tôi đều im lặng. Một sự im lặng buồn bã.
- Nằm xuống đây với tao, - nó khẽ kéo tay tôi, nói tiếp như để lái sang chuyện khác: - Vững này, mày phải cố gắng mà học nghe không! Tao nói thật đấy. Cầu trời khấn Phật cho mày đừng khổ như tao. Mày không chịu đựng nổi đâu...
Tôi nằm xuống bên cạnh nó, quên béng sự có mặt của cái Hằng. Thằng Xẩm đưa tay sờ khắp mình mẩy chân tay tôi, nó còn sờ cả mặt mũi tóc tai tôi nữa. Để làm gì nhỉ? Nó khẽ nói như nói với chính mình:
- Tao "thấy" mình mẩy mặt mũi mày cũng được đấy. Chỉ tội bị hai cái cẳng...
Chắc chắn là thằng Xẩm xúc động về chuyện gì đấy hoặc là tin cậy tôi như một người thân có thể trút bầu tâm sự được nên nó bảo:
- Vững ơi... mày phải cám ơn đời vì chưa bị rơi vào hoàn cảnh như tao...
Tôi nằm yên nghe nó nói. Cái Hằng đến lạ. Chẳng rõ nó có nghe thấy thằng Xẩm nói không mà ngồi dịch gần gốc trẩu, tựa lưng vào thân cây cho đỡ mỏi, phe phẩy cành lá quạt cho hai đứa chúng tôi.
***
- Tao tên là Quyền, - thằng Xẩm tâm sự. - Nhà tao đông tới tám chị em. Tao là em rốt. Gia đình tao vốn là một nhà giàu có ở thị xã Thanh Hóa. Bà mẹ tao người đẫy đà, trắng trẻo, tài đảm nhưng tính khí cũng quá trời. Bà là chủ hiệu cao lâu, công việc phó thác cho viên quản lý, còn suốt ngày ngồi đánh chắn. Viên quản lý này là một gã đàn ông mặt mũi sáng sủa, áo quần lúc nào cũng chải chuốt, xu nịnh và láu cá, nên chiếm được lòng tin yêu của mẹ tao. Chẳng rõ giữa mẹ tao và lão quản lý có tư tình với nhau không nhưng cha tao hậm hực, căm ghét gã này lắm. Căm ghét mà chẳng làm được gì bởi ông sợ mẹ tao bằng phép. Sau này cha tao tằng tịu với một con bé bằng tuổi chị gái thứ hai của tao, người ở Nông Cống rồi đưa nhau vào Vinh sinh sống. Các chị gái tao lần lượt lớn khôn, mười sáu mười bảy tuổi là đi lấy chồng, cuỗm của mẹ tao ít tiền xong là ra ở riêng. Bà nào cũng chanh chua đanh đá. Nhưng bà nào cũng vớ phải thằng chồng "dùi đục chấm mắm cáy". Cười đấy rồi đánh chửi nhau ngay đấy.
Tao được sinh ra trong sự ăn mặc đầy đủ, song thiếu thốn tình cảm một cách khó hiểu. Cả gia đình tao ai nấy đều lao vào kiếm tiền cuồng say, không mấy người đoái hoài nhòm ngó đến nhau. Ngay cả mẹ tao đối với các con cũng thế. Tao được bà vú em chăm sóc ân cần và tận tâm đến nỗi nhiều khi cứ ngỡ bà chính là mẹ tao mới phải.
Năm tám tuổi, tao theo đám trẻ con cùng phố nô đùa chạy nhảy, chẳng may trượt chân ngã va đầu vào tảng đá bên đường.
Đau điếng người đến nỗi nổ đom đóm mắt. Mẹ tao cho người đưa tao vào nhà thương chạy chữa nhưng vô vọng. Thế là mắt tao bị lòa từ đấy...
Đến đầu năm 1946 thì thảm họa mới thực sự giáng xuống đầu tao. Chẳng rõ vì sao, bà mẹ tao lăn đùng ra chết đột ngột. Gã quản lý khoắng sạch của, chuồn thẳng. Xác mẹ tao vừa liệm vào quan tài là các anh chị tao, cả dâu lẫn rể đánh chửi nhau om sòm vì chia bôi tranh nhau gia tài.
Tao còn bé, lại là đứa mù lòa nên càng rối mù không còn biết cuộc sống nó là thế nào nữa. Không còn ai đứng ra giàn xếp. Cha tao sống trong Vinh không ra được. Mà dẫu ông có ra kịp cũng chả ai nghe ông hòa giải. Các anh chị đùn đẩy cho nhau phải nhận nuôi tao. Tao không thể nào quên cuộc cãi nhau này. Lần đầu tiên trong đời tao bừng tỉnh để đón nhận sự thật. Ngay cả những anh chị mà tao yêu mến, thường làm theo lời họ xui đánh cắp tiền của mẹ tao cho họ, cũng kiếm cớ gạt tao cho người khác. Có một việc đến giờ tao mới thấy "lý thú" là hôm cãi nhau đó, anh chị nào cũng khóc thút thít, xoa đầu tao, nào những thương những khổ Quyền ơi!
Cuối cùng, chính bà vú đã giải thoát cho các anh các chị tao.
Bà nhận đưa tao về nhà nuôi. Bà không khóc thút thít như họ. Từ nhà ngang bà sấn sổ lên nói với các anh chị tao:
- Các người lấy nước mắt khoe lòng xót thương thằng bé.
Nước mắt có nuôi nổi nó không? Không một ai nhận chăm sóc thằng bé hả? Im thế? Thôi được, cứ để cho tôi cáng đáng.
Nhưng nhà bà vú nghèo quá. Vẫn biết bà ấy thương tao như con, nhưng tao không thể ở nhà bà để thêm gánh nặng đè lên vai người đàn bà tốt bụng này được.
Ít lâu sau tao tìm cách trốn bà ra đi.
Để không một ai biết tông tích mình, và tránh mặt những người thân thích, tao bám theo các đoàn dân công mà đi đến chỗ thật xa. Xa hẳn nơi chôn rau cắt rốn, xa hẳn những kỷ niệm ấu thơ chẳng rõ vui hay buồn nữa. Hơn mười tuổi đầu chưa hết choáng váng về nỗi khổ đau bị mù lòa thì tao phải nhận thêm sự đau xót mới. Đó là sự hắt hủi ruồng rẫy của những người ruột thịt, buộc tao phải bước vào cuộc sống với hai bàn tay trắng.
Tao đi qua nhiều làng xóm, chợ búa phố huyện với cái "nghề"
ăn mày, rồi sau đó nhờ một ông lão cất vó khuyên bảo, tao chuyển sang hát xẩm. Kể cho mày nghe cảnh tao sống lang thang suốt mấy năm qua rồi trôi giạt tới đây thì dài dòng lắm. Nói vắn tắt cho mày biết thế này: đói, rét, cô đơn và buồn tủi luôn luôn là "bạn" chí cốt quanh quẩn quanh tao. Đường đời dần dần "mở mắt" cho thằng bé mù lòa bừng ngộ lẽ sống. Kiếp hát rong đưa tao đi đây đó. Nếm trải không biết bao cay đắng. Và tao cũng được nghe nhiều chuyện thương tâm mà con người đọa đầy lẫn nhau. Thoạt đầu tao còn vẩn vơ với các kỷ niệm êm ấm trong cảnh gia đình sung túc. Rồi sau cuộc sống ê chề làm tâm hồn còn chút trẻ thơ trong tao chai sạn đi. Tao nghiệm thấy mọi chuyện đều dối trá cả thôi. Đến nỗi tao không hề thấy rung động một cái gì, không thèm tự ái với ai.
Người ta bố thí cho tao chục bạc, nắm gạo thì họ cũng bắt tao phải trả lại bằng một bài hát nỉ non, hoặc lời van xin cho bõ. Thậm chí người ta cứ việc bầy ra các trò dứ một thằng mù lòa cũng chẳng sao. Tao chưa thấy có người nào cho tao mà không đòi hỏi cái gì.
Ngay cả những người lương thiện và đứng đắn. Có một lần nhận một nắm gạo của một bà ở phố chợ cho, tao chưa kịp nói: "Cháu đội ơn bà" thì bà ta đã kéo dài giọng: "Gớm... đã ăn mày mà còn khinh khỉnh thế!". Mày thấy không, con người cũng có nhiều kẻ độc ác lắm...
Nó thôi không nói nữa. Im lặng hồi lâu. Tôi ngơ ngác như muốn nghe tiếp câu chuyện. Cái Hằng vẫn kiên trì ngồi quạt bằng cành lá từ nãy tới giờ cho chúng tôi, lặng lẽ như một cái bóng, đôi mắt bồ câu của nó mở to hướng cái nhìn xa xăm xuống phía dãy phố.
Thằng Xẩm lại cất tiếng làm tôi phải quay lại nhìn nó.
- Vững ạ, từ ngày gặp bọn chúng mày ở phố Dốc Trầu này, không hiểu sao tao bỗng thấy quyến luyến quá. Xa chúng mày dăm bữa nửa tháng là tao không chịu nổi, lại lần ra.
Như để kết thúc câu chuyện, nó thở dài rồi nói:
- Chẳng biết đến ngày nào kháng chiến mới thành công để những đứa tật nguyền như chúng mình đỡ khổ nhỉ?
***
Thằng Xẩm chợp mắt ngủ thiếp đi rồi. Tôi vẫn nằm bên cạnh vẩn vơ ngẫm nghĩ những điều nó nói. Rồi tôi ngẩn ra. Thằng Xẩm nói đúng quá. Tôi cũng đã từng chứng kiến hoặc gánh chịu những cảnh y như câu chuyện của nó. Ngay đến bác Vinh, tôi vẫn coi là người tốt mà một hôm tôi đi sang tìm cái Dung, cũng nghe thấy bác ấy mắng con gái ở trong nhà vẳng ra: "Có rỗi rảnh thì con ngồi học đi chứ. Cứ quấn lấy thằng Vững mà không thấy xấu hổ à?".
Cái Dung nói lại: "Nó bị què, chẳng ai đỡ đần, con giúp nó mà mẹ cũng...". Bác Vinh đành dịu giọng, nói nhỏ với nó: "Nó què thì đã có bố mẹ, anh em nó đỡ đần. Việc của mày đâu. Bây giờ còn được chứ mai này lớn lên, chúng bạn mày nó cười cho". Tôi lẳng lặng lê gót chân quay về nhà. Từ đó tôi cạch, không bao giờ bước chân đến nhà cái Dung chơi nữa. Lòng tôi những buồn. Không có nhẽ bị tật nguyền là một tội lỗi hay sao?
4
Một hôm, vào buổi chiều, có mình tôi ở nhà. Chẳng biết làm gì, tôi thơ thẩn ra ngồi ở bậc cửa vẩn vơ nhìn đường phố. Vẫn cảnh núi rừng bao bọc điệp trùng, yên tĩnh như muôn thuở nơi đây vẫn sẵn thế. Chốc chốc mới lại có dăm bảy người dân địa phương đi chợ
Kim Tân qua, nặng trên vai những gùi hàng toàn măng khô, mộc nhĩ, nấm hương hoặc hoa trái trong vườn.
Dạo này đêm nào cũng thấy máy bay liên tục bay vè vè ngang qua vùng tôi, bật đèn đỏ nhấp nháy. Người ta bảo giặc Pháp đang thua to ở Điện Biên Phủ.
Ở một góc rừng hẻo lánh, dân phố Dốc Trầu, từ người già cho tới trẻ con lau nhau chúng tôi đều theo dõi tin tức từ các mặt trận.
Nếp sống sôi động hướng ra tiền phương. Mọi sinh hoạt từ buôn bán làm ăn, họp bàn đóng góp người ra hỏa tuyến, cho tới các mặt thông tin, văn nghệ học bình dân đều rộn ràng. Đồng bào ở các bản trong rừng, trên núi xuống, người từ các cơ quan kháng chiến đóng ở đâu đó ra mua, người qua kẻ lại đông đúc hơn, có hôm tấp nập như giữa vùng tề với vùng tự do đã thông thương.
Chợ Kim Tân giờ lại nhóm họp cả ngày cho tận đến khuya mới tan. Tối tối các cô gái Mường xuống chợ về bản đốt đuốc sáng bừng nom như con rắn lửa vòng vèo lên núi, cùng với tiếng hát véo von được rừng núi ngân vang, nghe mà bồi hồi xao xuyến: "In noọng ơi... Cái noọng hời..." Thỉnh thoảng tòa án kháng chiến lại mở một phiên tòa xử tội những tên Việt gian làm tay sai cho giặc, nợ máu nhân dân ở ngay chợ Kim Tân. Kỳ nào anh Thành cũng đi xem về kể cho tôi nghe. Giá như không có những kẻ theo giặc như chúng thì cuộc kháng chiến đã tới ngày thắng lợi lâu rồi... Tôi cứ miên man suy nghĩ.
Bỗng từ xa có tiếng ô tô chạy. Đám trẻ con tai thính phát hiện ra tiếng ì ì trước nhất. Chúng chạy ra giữa đường ngó quanh xem chiếc ô tô đó đang tiến đến phố Dốc Trầu từ hướng nào.
Kia rồi. Tôi đã nhìn thấy từ phía dưới chợ Kim Tân một chấm đỏ và oang oang cất tiếng hát qua máy phóng thanh. Chấm đỏ to dần rồi nom rõ. Lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phần phật trên nóc chiếc ô tô.
Tiếng hát bay tới nhanh nhất, át cả tiếng máy xe.
"Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua. Bộ đội ta vâng lệnh cha già..."
Chiếc ô tô tiến đến gần phố, tốc độ giảm dần rồi lăn bánh từ từ. Người con gái ngồi cạnh anh lái xe cất tiếng lanh lảnh vọng qua máy phóng thanh gần ở phía đầu xe:
- A lô!... A lô!... Xin mời đồng bào hai bên phố chú ý đón nghe tin chiến thắng. Xin mời đồng bào chú ý đón nghe...
Tôi ngó trước ngoảnh sau, ngước lên phía trên đỉnh dốc, dân phố Dốc Trầu đổ xô ra hai bên đường từ lúc nào không biết, cứ như đã đứng sẵn chờ từ trước. Bọn trẻ con chen lấn nhau chạy lại vây kín xung quanh ô tô. Anh Thành đã phốc về tới nhà rối rít:
- Vững ơi! Giải phóng Điện Biên Phủ rồi! Hoan hô chiến thắng Điện Biên...
Quẩn quanh trong nhà chưa được chốc lát, anh ấy lại phốc ra ngoài đường:
- Vững ở nhà nhé, anh đi theo ô tô lên phố một tí.
Thằng Bền vừa đuổi kịp anh Thành về đến nhà, lại cuống cuồng chạy theo. Tay chân tôi cũng bứt rứt đứng ngồi không yên.
Tôi định lết chân ra theo ô tô, nhưng không hiểu sao bỗng lại nhảy cẫng lên reo to:
- Hoan hô chiến thắng Điện Biên!
Chân tôi đã cứng cáp như mọi đứa trẻ bình thường đâu, nên tôi ngã đến oạch xuống đất. Đau đến chảy nước mắt, song vẫn cố gượng cười:
- Chiến thắng rồi...
Cái Hằng và thằng Quý đến trong lúc tôi ngồi bệt giữa sàn chờ dịu cơn đau. Chúng nó ùa vào như cơn lốc:
- Vững ơi... giải phóng Điện Biên rồi! Hòa bình đến nơi rồi!
Thằng Quý thì hét lên uơ uớ, khoắng hai tay trong khoảng không thành những đường kỳ dị và khó hiểu.
Sáng hôm sau đến lớp học, thầy giáo Khang xúc động nói với chúng tôi:
- Các em ạ, hôm nay là buổi học cuối cùng của chúng ta.
Lũ học trò chúng tôi ngơ ngác nhìn thầy giáo. Lớp học im lặng đến nghẹt thở. Nghe thầy giáo nói mà tôi cũng bàng hoàng.
Thầy giáo đi đâu? Vì sao lại bỏ lớp chúng tôi mà ra đi? Hay đã hòa bình rồi?
Thầy giáo lại nói tiếp:
- Vì đây là buổi học cuối cùng nên các em xếp sách vở lại, chúng ta nói chuyện với nhau một lúc để rồi chia tay...
Thầy giáo kể cho chúng tôi nghe về chiến dịch Điện Biên.
Chao ôi, những năm mươi nhăm ngày đêm quân ta bao vây chia cắt tập đoàn cứ điểm của giặc thành từng cụm để tiêu diệt chúng, gian khổ và hy sinh biết bao xương máu mà chúng tôi ngồi học trong rừng vầu này chẳng biết tí gì. Thì ra những đoàn bộ đội hành quân qua Dốc Trầu độ nọ là đi lên giải phóng miền Tây Bắc.
Những hơn một vạn sáu nghìn binh lính lê dương và toàn bộ tướng tá Bộ chỉ huy Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Thì ra những cỗ súng hàng mấy người khiêng là súng pháo, giờ thầy Khang nói chúng tôi mới biết. Lũ học trò há mồm tròn mắt ra nghe thầy giáo thuật lại từng trận đánh. Gương anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên, gương anh Tô Vĩnh Diện xả thân chèn pháo để khỏi lao xuống vực thẳm, gương anh Bế Văn Đàn còng lưng xuống làm giá súng cho anh Pù quét băng đạn tiêu diệt giặc, ngăn bước tiến của chúng. Thầy giáo Khang rưng rưng xúc động. Nhiều đứa học trò chúng tôi òa lên khóc. Nước mắt tôi chẳng biết chảy từ bao giờ, lăn xuống má nóng hổi.
Thầy giáo có giấy triệu tập trở về trường cũ. Thế là lớp học chúng tôi kết thúc sớm. Nay mai hòa bình đến nơi rồi, mỗi đứa chúng tôi cũng sẽ trở về quê hương thôi. Nghe những tin này tôi cứ ngỡ như trong mơ. Mới ngày nào cách đây hơn một tháng là cùng, tôi cùng cái Hằng và thằng Xẩm ngồi nói chuyện với nhau ở đồi trẩu. Thằng Xẩm mong mau tới ngày kháng chiến thắng lợi để những đứa trẻ tật nguyền chúng tôi bớt khổ. Giờ kháng chiến thành công đến nơi rồi... Chẳng rõ vì sao lâu nay không thấy thằng Xẩm trở ra đây? Nó còn ở dưới chợ Kim Tân nữa hay không?
Hay nó lang bạt tới nơi đâu? Thầy giáo phát cho học trò mỗi đứa một tờ giấy chứng nhận của chính quyền kháng chiến địa phương để sau này về quê tiện xin học ở trường mới. Tôi ngắm nghía mãi tờ giấy trong tay bằng khổ tờ giấy học sinh có in các tiêu đề và từng mục bằng mực tím. Nét chữ khắc trên gỗ dập vào giấy không "ăn" mực lắm nhưng cũng đọc được. Tự tay thầy giáo Khang điền tên tôi vào, cả mấy dòng ghi nhận xét rõ ràng và cụ thể.
Xong đâu đấy, chúng tôi ùa vây quanh thầy giáo bịn rịn và lưu luyến. Biết đến bao giờ mới lại có dịp gặp nhau ở lớp học trong rừng vầu này?
Trước lúc chia tay, thầy giáo Khang gọi tôi lại, nói riêng:
- Vững ạ, chỉ nay mai là có lệnh ngừng bắn. Hòa bình sẽ được lập lại. Về quê, em hãy gắng sức chịu khó học hành nhé. Không được một phút nản lòng, đừng có bi quan. Nếu em khao khát trở thành người thầy thuốc đem sức lực và tài năng phục vụ nhân dân, chữa chạy cho những người tàn tật như em được lành lặn nguyên vẹn thì phải chuyên tâm học tập mới đạt được. Thầy tin là em sẽ vượt qua mọi khó khăn. Tương lai đã mở ra trước mặt vẫy gọi em kia rồi...
5
Dân phố Dốc Trầu tổ chức đêm liên hoan văn nghệ mừng chiến thắng. Sân khấu được chuẩn bị từ ngày hôm trước ở bãi đánh bóng chuyền. Không khí hào hứng rậm rịch từ đầu phố tới cuối phố. Nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng trước cửa. Những lá cờ đỏ thắm tung bay trước gió như muôn bàn tay hồng tươi vẫy gọi, hân hoan. Các anh chị thanh niên đi khắp mọi nhà mượn vỏ chăn hoặc vải rồi khâu đính lại thành phông, màn, màn gió, cánh gà... đầy đủ như sân khấu của gánh hát Lạc Việt ở Cầu Cừ trước đây.
Mấy người đi dân công hỏa tuyến vừa trở về mang cái dù "chiến lợi phẩm" đến để căng phủ nóc sân khấu. Tôi chưa thấy sân khấu diễn kịch được trang hoàng lộng lẫy như thế bao giờ. Xung quanh bãi bóng đều chôn cột nứa treo cờ đuôi nheo cắt bằng giấy điều. Cả phố vui như ngày hội, nhà nào cũng "ăn tươi". Mẹ tôi khao một bữa cơm canh cua nấu với rau đay ngon ơi là ngon. Bữa ăn đến vui. Thằng Bền dám thi ăn ớt cả với tôi. Nó cũng cắn những quả ớt chỉ thiên cay xé lưỡi nhai với cà ghém rau ráu. Đến nỗi xong bữa cơm, môi nó đỏ chót vì ớt cay. Mẹ tôi đổi khác một cách lạ lùng. Cái sự cau có gắt gỏng hàng ngày tan biến đi đâu ấy rồi, thay vào đấy là giọng nói dịu dàng hơn. Bà bảo:
- Tối nay u nghỉ một buổi chợ. Cả nhà sẽ đi xem liên hoan văn nghệ.
Bà nhìn anh Thành, ánh mắt sáng long lanh. Tối nay anh Thành cùng đội thiếu nhi lên múa trên sân khấu mà. Suốt hơn một tuần qua anh ấy bận rộn cả ngày. Hết đi tập múa, về nhà là chạy khắp nơi mượn đồ hóa trang, lại còn nhờ tôi vót nan uốn vòng luồn vào mũ bê rê, cắt bìa dán làm vành mũ lính thủy, rồi "trổ" hàng chữ bằng giấy trắng dán vào vành mũ: "Thủy quân Việt Nam". Làm một cái vòng tròn to bằng cái vành nón, dán giấy đỏ giấy xanh vào cho cái Dung làm "đạo cụ múa". Tôi vốn sáng ý và khéo tay, cắt vẽ đều khá, nên cũng bù đầu vào việc giúp bọn thiếu nhi chúng nó trang điểm y phục đi múa, từ cái phù hiệu mỏ neo đến viền váy hoa văn cho các cô gái "dân tộc".
Cái Hằng bám riết bên tôi như hình với bóng. Để nó đỡ buồn, thỉnh thoảng tôi lại nhờ nó đỡ cho việc này việc nọ. Nó thích thú và hào hứng làm theo ý tôi. Tôi rất tỷ mỷ và kỹ tính. Vậy mà nó làm không sai tý nào. Con bé kể cũng sáng dạ. Chỉ tiếc nó bị điếc nên không được học hành gì. Tôi nói với nó:
- Giá cậu được ở trong đội múa thì tớ sẽ trang điểm bộ áo váy thật đẹp. Y hệt áo váy của các cô Thái trắng ấy.
Tôi chợt ngắm kỹ nó. Đúng thật, giá nó được ở trong đội múa nhỉ?
Cái Hằng nom cũng kháu đấy chứ. Gương mặt tròn tròn, trắng hồng, với đôi mắt bồ câu lúc nào cũng mở to hồn nhiên như tính tình của nó. Thân thể nó đẫy đà nhưng không nặng nề ục ịch. Mặc bộ váy áo đã điểm trang vào thì ăn đứt những đứa con gái lành lặn ở phố Dốc Trầu này. Vậy mà nó chẳng được...
Mấy chị thanh niên phụ trách đội múa đến xem tôi cắt dán trang điểm cứ trầm trồ khen hết lời khiến tôi bừng đỏ tía tai. Song cái Hằng lại lấy làm mãn nguyện. Nó thủ thỉ nói với tôi:
- Vững tài thật! Hôm nay Vững vẽ cho tớ đôi bướm bay trên cành hoa ban vào góc khăn mùi xoa để tớ thêu nhé!
Tôi nhìn vào mắt nó, gật đầu.
Riêng thằng Quý là cứ chạy lăng xăng đâu đấy rồi sà đến chỗ tôi đứng xem một tí, lại phốc đi ngay. Nó nhảy cẫng lên như thằng rồ. Tôi làm cho nó một cái mũ ca-lô bằng giấy, có dán ngôi sao vàng hẳn hoi. Nó đội suốt ngày rong chơi khắp phố...
Tối đến, cái Hằng thằng Quý đến rủ tôi đi xem. Thằng Quý mang cho tôi một gói xôi lạc đến ngon. †n với nhau xong, nó uơ uớ gì đấy rồi chạy biến đi đâu đó. Chỉ có tôi với cái Hằng đi ra bãi bóng chuyền. Tại đây, nhiều người lớn và đám trẻ con lít nhít đã đến ngồi kín phía trước mặt sân khấu. Các anh trong tổ ánh sáng đang hì hụi bơm đèn măng-xông, lại còn đặt ngửa bốn cái xe đạp lên bốn mặt bàn ở quanh bãi trước sân khấu, quay pê-đan để bánh sau xe đạp quay siết cho đi-na-mô chạy bật đèn chiếu sáng lên khán đài. Chúng tôi chọn chỗ ngồi nhìn bao quát được sân khấu.
Lát sau, người kéo đến chật sân bãi bóng chuyền ra đến tận đường cái.
***
Đi xem về, lên giường nằm hồi lâu tôi vẫn không thể nào ngủ được. Cuộc sống rộn ràng vui tươi khuấy động trong lòng tôi.
Trong đội hình điệu múa "Thủy quân Việt Nam" anh Thành được chọn đứng cầm lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" trên hàng đầu. Đội múa mặc quần xanh áo trắng lính thủy, đội mũ bê-rê có hai giải đuôi nheo; đám con gái mặc váy xanh áo trắng, đội mũ ca-lô bằng giấy màu xanh. Chúng nó múa rõ đều, hòa cùng với tiếng hát và tiếng trống ếch nhịp nhàng. Người xem vỗ tay rào rào. Rồi đến các anh chị thanh niên ở trường trung học Lam Sơn, Thanh Hóa trình diễn các điệu múa dân gian Mông Cổ. Tiếng trống tiếng mõ như tiếng ngựa phi hòa với tiếng đàn măng-đô-lin, ghi-ta vang tiếng nhạc: "Son son son mỳ, son son đố la son son...". Người xem vui miệng cất tiếng hát theo bản nhạc, vỗ tay bắt nhịp. Rồi bài hát ru con Nam Bộ ngân vang, bài hát tập thể: "Hò ơi lúa chín vàng".
Cái Hằng kéo tôi ngồi sát bên người nó, khẽ nói:
- Vững ơi... mai mốt hòa bình rồi. Vững về quê phải học cho giỏi nữa nhé. Tớ nghe các anh chị thanh niên nói với nhau thế này:
"Thằng Vững mà chịu khó sẽ thành tài đấy. Nó học giỏi, lại khéo tay, thứ gì cũng biết. Chỉ hiềm một nỗi bị què chứ không chẳng có đứa trẻ nào ở Dốc Trầu này ăn đứt nó đâu..." - Nhưng nhà tớ nghèo lắm. Kháng chiến đi học bình dân không mất tiền còn được.
Chứ sau này, lấy của đâu ra mà ăn học. Vả lại tớ yếu đuối thế này.
Cái Hằng thở dài. Lát sau, chả rõ nó nghĩ gì đấy rồi lại khẽ nói: - Giá mà nhà tớ ở cùng quê với nhà cậu nhỉ?
- Để làm gì? - Tôi quay lại nhìn nó.
- Lớn lên tớ sẽ đi làm thuê nuôi cậu ăn học, thật mà!
Lòng tôi bồi hồi nghe những lời cái Hằng nói. Chả được đâu, mỗi đứa một quê, biết đâu mà tìm đến nhau. Tôi nói vừa như tự an ủi mình vừa để an ủi nó:
- Nếu được đi học thì tớ sẽ chịu khó gắng học cho thật giỏi để làm nghề thầy thuốc. Tớ sẽ chữa chạy cho cậu khỏi điếc.
Cái Hằng khẽ thốt lên, ánh mắt sáng long lanh:
- Thật nhé!...
Đêm về khuya. Các tiết mục hát trong tối liên hoan vẫn cứ hiện ra trong đầu tôi, ào ạt và sôi động. Chỉ có tiếng ngáy ngủ của mẹ tôi, tiếng nói mơ của anh Thành chốc chốc lại rộn lên một chút như nhắc nhở tôi ngủ đi, trời sắp sáng đến nơi rồi.
6
Vào một buổi sáng, khi mẹ tôi đã chuẩn bị gánh đôi bồ hàng xén đi chợ Kim Tân thì có hai người, một đàn ông và một đàn bà còn rất trẻ nhảy qua rãnh nước vào cửa nhà tôi. Người con gái reo to:
- Trời ơi thím Thành!
Mẹ tôi đứng ngây ra như trời trồng giữa nhà, miệng há hốc không nói nổi thành tiếng. Người con gái rối rít:
- Kìa em Thành, em Vững không nhớ chị à?
Tôi và anh Thành cũng ngẩn ra.
Sau giây phút bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của hai người khách lạ, mẹ tôi mới thốt lên:
- Vui đấy ư cháu? Thằng Vững kìa, chị Vui đấy.
Giờ tôi mới nhớ ra. Chị Vui con gái bác cả, anh ruột cha tôi ở ngoài Hà Đông. Khoảng năm 1947 hay 1948 gì đó, khi ấy tôi mới năm sáu tuổi thôi còn anh Thành lên tám lên chín là cùng, cha tôi có cho hai anh em về quê sống với gia đình bác cả. Bác sinh con một bề, lại có được mỗi một mình chị Vui thôi.
Nhưng hai anh em chúng tôi chưa về tới quê thì gặp gia đình bác cả chạy tản cư xuống vùng Khả Liễu. Thế là chúng tôi ở lại đấy. Hồi chị Vui bằng tuổi tôi bây giờ.
- Thế còn ai đây? - Mẹ tôi chỉ vào người con trai, hỏi chị Vui.
- Nhà cháu đấy, - chị Vui giới thiệu: - Chúng cháu lấy nhau được hơn một năm rồi... À , em Bền kia phải không?
Cha tôi không còn công tác ở tỉnh nữa mà lên làm việc ở cơ quan kháng chiến Liên khu Ba. Khi ban bố lệnh đình chiến Đông Dương, cha tôi đi công tác về Hà Đông nên có rẽ thăm làng quê, gặp lại anh em ruột thịt, họ hàng nên bác cả cho anh chị Vui vào tìm mẹ con tôi, đón tôi với anh Thành về quê trước. Để mẹ tôi tin, cha tôi có biên thư cho anh chị Vui cầm vào. Vậy là tôi với anh Thành chỉ còn ở lại đây có mấy ngày nữa rồi sẽ hồi hương về quê cha đất tổ.
Mẹ tôi rối cả lên, những chưa muốn cho hai anh em về trước.
Song sợ phật ý cha tôi, bà đành phải chấp nhận.
Mấy ngày thím cháu, chị em hàn huyên với nhau bao chuyện. Chúng tôi kể cho vợ chồng chị Vui nghe cảnh chạy tản cư của mình, còn anh chị Vui thuật lại cuộc sống làng quê trong vùng giặc chiếm đóng. Dần dần tôi mường tượng ra cảnh làng xóm quê hương. Cái làng có tên là Khênh ở đâu đó mãi ngoài tỉnh Hà Đông.
Làng Khênh của tôi rộng lắm, có tư thất quan Nghè bề thế với những dinh thự đồ sộ như cung vua, có đình chùa, đền miếu và có cả nhà hai tầng kiểu tây. Đường đi lối lại trong làng đều lát gạch rộng thênh. Có trường học và nhà hộ sinh xây dựng từ năm 1927.
Lắm lúc tôi tự hỏi, ấy vậy sao nhà cha tôi nghèo thế? Sao mẹ tôi lại không muốn về?