Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Bí mật về Luyện Ngục

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 510 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: Thythoa 12 năm trước
Bí mật về Luyện Ngục
Dynh Thy Thoa st

Bí mật về Luyện Ngục

________________________________________
Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại được cha Thánh Padre Pio chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Padre Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ chỉ cho các linh hồn này. Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Padre Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Padre Pio làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Hiển nhiên, các linh hồn ngày hiểu rõ rằng trái tim ngài giống như một núi lửa rực cháy vì yêu thương những ai đau khổ. Cha Padre Pio viết như sau:

“Khi tôi biết một người đang đau khổ trong linh hồn hay đang đau đớn trong thể xác, tôi phải làm mọi cách để xin Chúa giải thoát họ khỏi nỗi thống khổ ấy. Tôi muốn nhận chịu hết mọi sự đau khổ của họ để họ được cứu thoát. Và tôi muốn trao tặng họ những ơn ích của sự đau khổ, nếu Thiên Chúa cho phép tôi làm điều ấy!”

Tình yêu tha nhân sâu đậm của cha Padre Pio đôi lúc ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Ngài mong ước họ được cứu thoát và được hạnh phúc trên hết mọi sự, đến nỗi ngài thừa nhận rằng:

“Tôi vội vàng sống vì các anh chị em và sẵn sàng nhận chịu tất cả các nỗi thống khổ của họ, nên tôi đau khổ mà không than van.”

Trong lá thư thứ 615, ngài viết:

“Tôi thường nói cùng ông Môsê để thưa lên Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán rằng:

-Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi của họ hay xin Chúa loại trừ con ra khỏi sách Hằng Sống của Ngài!

Thưa các bạn đọc, nếu chúng ta muốn theo gương cha Thánh Padre Pio, thì tôi xin phép lập lại lời của cha rằng: “Xin hãy làm những gì tôi đã làm. Hãy cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho các linh hồn của người thân đã qua đời!”

Để kết luận, tôi xin chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta có thể xây một cầu thang của Chúa cho các linh hồn đáng thương nơi luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện và các hành vi bác ái để dâng lên Chúa nhằm cầu nguyện cho các ý chỉ của các linh hồn.

Bài 2: Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”

Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.

Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:

“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ. Cha nói:

“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.


Bài 3: Tôi Sẽ Dâng Thánh Lễ Cầu Cho Bạn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đức Giám mục Costa đến từ giáo phận Melfi, Ý Đại Lợi, để thăm viếng cha Padre Pio. Qua câu chuyện với cha Pio, Đức Giám mục hỏi cha có bao giờ thấy một linh hồn hiện về từ luyện ngục không, cha Padre Pio đáp:

” Thưa Đức cha, con đã gặp nhiều linh hồn hiện về với con, đến nỗi con không cảm thấy sợ họ nữa.”

Qua lời yêu cầu của Đức cha, cha Padre Pio kể lại câu chuyện có liên quan đến cha Alberto DApolito ở trong cuốn sách này. Cha Alberto vốn là một tu sinh ở vùng San Giovanni Rotondo, ngài cũng hiện diện khi cha Padre Pio kể câu chuyện sau đây:

Vào thời kỳ Thế Giới Đại Chiến thứ nhất, tu viện ở vùng San Giovanni Rotondo hầu như trống rỗng, bởi vì nhiều tu sĩ bị động viên để tham dự cuộc chiến. Tuy nhiên, các tu sinh vẫn còn đi học, dưới quyền của tôi và linh mục Paolino của vùng Casacalenda. Một buổi chiều đầy tuyết thì bà Assunta Di Tommaso là chị của cha Paolino đến thăm em của bà. Trước khi trời tối, cha Paolino bảo chị của ngài hãy đi xuống làng và vào ở trọ nhà của bà Rachelina Russo vì bà ấy có phòng cho mướn. Bà Assunta ngại đi trong mưa tuyết và sợ bầy chó sói thường hay túa ra để kiếm mồi về đêm, có thể chúng sẽ ăn thịt bà nếu bà gặp chúng. Thế là bà không dám đi. Cha Paolino nói với chị:

“Này chị Assunta, chị biết rằng tu viện này là dòng kín, và phụ nữ không được phép vào ở, vậy nếu chị không chịu đi thì em phải làm cách nào đây?”

Bà Assunta đáp:

“Thưa cha Paolino, xin cha cho con mượn một cái giường nhỏ và con sẽ nằm ngủ đỡ đêm nay, ngày mai, con sẽ đi đến nhà bà Rachelina.”

Cha Paolino bèn nói:

” Được rồi, nếu chị muốn ngủ trong phòng khách thì em sẽ nhờ người đến chuẩn bị chiếc giường cho chị để giúp chị ngủ ngon.”

Thế rồi, cha Paolino nhờ một vài tu sinh lấy một chiếc giường và đốt lò sưởi để giúp căn phòng bớt lạnh. Sau buổi cơm tối, tôi (tức là cha Padre Pio) lúc ấy đi một vòng xem các tu sinh đã ngủ chưa. Sau đó, tôi cùng cha Paolino xuống phòng dưới để chúc bà Assunta một giấc ngủ ngon. Cha Paolino nói với chị của ngài rằng:

“Chị Assunta ơi, em sẽ đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, xin chị hãy ở đây với cha Pio nhé!”

Nhưng bà Assunta đáp:

“Con cũng muốn đi đọc kinh với cha luôn!”

Thế là hai chị em cùng ra khỏi phòng khách và đóng cửa lại. Tôi ở lại một mình trong phòng. Khi tôi đang chìm sâu trong lời cầu nguyện thì tự nhiên cánh cửa mở ra và một ông già bước vào. Ông ăn mặc như những người khác ở vùng San Giovanni Rotondo, ông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi nhìn ông và tự hỏi tại sao ông lại có thể vào được trong tu viện trong đêm hôm khuya khoắt này. Tôi bèn hỏi ông:

“Ông là ai? Ông muốn gì?

Người đàn ông đáp:

“Thưa cha Pio, con là Pietro di Mauro, tên thường gọi của con là Precoco. Con chết trong tu viện này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong phòng số 4, khi tu viện này còn là một nhà dưỡng lão. Môt buổi tối con ngủ với điếu thuốc xì gà đang cháy, rồi chiếc giường của con bị bắt lửa và con chết phỏng. Con đang ở trong luyện ngục. Con rất cần một thánh lễ để được giải thoát khỏi nơi ấy. Chúa cho phép con đến gặp cha để xin cha cầu nguyện cho con.”

Sau khi nghe xong, tôi bảo ông rằng:

” Được, ông yên nghỉ nhé, tôi sẽ cử hành thánh lễ ngày mai để cầu cho linh hồn ông được giải thoát!”

Sau đó, tôi đứng lên và tiễn ông ra khỏi cửa. Tôi quên rằng các cánh cửa đã khóa kỹ bằng hai lớp cửa sắt. Tôi mở cửa và nói tạm biệt ông già ấy. Trời đang có trăng tròn và công trường trước tu viện ngập đầy tuyết trắng. Thế mà mọi sự bỗng trở nên sáng như ban ngày, và bỗng nhiên, ông ta biến mất ngay bên cạnh tôi. Tôi hoảng sợ, khóa cửa và suýt chút nữa, tôi ngất xỉu.

Khi cha Paolino và người chị trở về sau khi đã đi cầu nguyện chung, họ thấy mặt tôi trắng bệch như tuyết, họ tưởng rằng tôi lâm bịnh. Cha Paolino chúc bà Assunta ngủ ngon và hầu như phải vác tôi lên phòng của tôi. Tôi không nói cho ngài về cuộc hiện về ấy. Khi chị của ngài ra về xong, tôi mới kể cho ngài nghe chi tiết về câu chuyện đó. Tôi nói:

” Cha biết đó, con không dám nói về việc ấy vì con sợ bà Assunta sẽ không dám ngủ trong phòng khách nữa.”

Cha Padre Pio nói rằng ngày hôm sau, cha dâng một thánh lễ cầu cho linh hồn người đàn ông đó, và ông ta đã được vào Thiên Đàng. Sau đó, cha Paolino xuống khu làng và tìm hiểu thêm về lai lịch của người chết. Qủa đúng như vậy, ông Pietro di Mauro chết ngày 18 tháng 9 năm 1908, vì bị đốt cháy trên giường của ông.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng luyện ngục là nơi của lòng thương xót và nhân hậu của Chúa. Chúng ta không hể hiểu thấu được Chúa nhân từ và tốt lành biết bao. Lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn là một sự kinh ngạc cho chúng ta. Không nơi nào mà chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài tuôn chẩy dồi dào như trường hợp này. Qua lò lửa thanh luyện, chúng ta tìm gặp tình thuơng của Ngài. Dường như một linh hồn hỏi Chúa:

“Lạy Chúa, con có thể hoán cải được không ạ?”

Và Chúa đáp:

“Được chứ, con đang tiến vào Thiên Đàng. Con phải chịu đau khổ bây giờ để đền tội của mình. Và rồi con sẽ được tinh tuyền và xứng đáng để bước vào Vương Quốc của Cha.”

Rồi linh hồn được nhận vào luyện ngục với lòng biết ơn. Ở đó, linh hồn vui mừng trong sự nhân hậu của Chúa. Chúa đã thương ban cho linh hồn ấy được ở nơi thanh tẩy. Luyện ngục là nơi đền tội của các linh hồn tụ tập trong vực sâu. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, là nơi mà Lòng thuơng xót Chúa tạo dựng ra để chuẩn bị cho linh hồn được gặp gỡ Chúa trên Thiên Đàng.



:
________________________________________
Bài 4: Sự Đau Đớn Mà Linh Hồn Phải Chịu Ở Luyện Ngục
Nguồn:MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente

Theo giáo lý Công giáo, loài người phải chịu sự phán xét tùy theo cách thức họ sống khi ở trần gian. Phần thưởng hay sự trừng phạt sẽ là Thiên Đàng, Luyện ngục hay Hỏa ngục. Chúng ta thử tìm hiểu tình trạng của những nơi này, dựa theo các mặc khải của các thánh.

Thánh Frances thành Roma kể rằng Luyện ngục giống như môt phần của Hỏa ngục, và được chia ra nhiều phần. Thánh Tôma kể cho ta nghe rằng lửa của Luyện ngục cũng giống như lửa của Hỏa ngục, và Luyện ngục cũng là một phần của Hỏa ngục. Những nhận xét này giống như lời cha Thánh Padre Pio nói với Cleonice Morcaldi, một người con gái thiêng liêng của cha:

“Con gái ơi, có một số điểm ở Luyện ngục giống như Hỏa ngục.”

Tuy nhiên, công lý của Thiên Chúa có thể cho phép các linh hồn đền tội nơi mà họ đã phạm tội, như những câu chuyện về các linh hồn và về cha Pio mà sẽ được trình bày sau:

Tùy theo công lý của Thiên Chúa, Ngài sẽ cho một số linh hồn đền tội ở những nơi đặc biệt theo Ý của Ngài, để có thể dạy người còn sống và để giúp cho các linh hồn đã qua đời.

Nói về những nỗi thống khổ của Luyện ngục: sau khi Chúa đã kết án thì linh hồn phải đi về nơi nào đó, việc thanh tẩy đến với linh hồn ấy, và linh hồn biết rằng đau khổ là cách thức mau chóng nhất để sớm vào Thiên Đàng. Và nỗi thống khổ bắt đầu!

Theo Thánh Tôma thì sự đau đớn của Luyện ngục không nặng nề như đau khổ nơi Hỏa ngục. Khi ở Hỏa ngục thì thời gian đau khổ vô tận. Các nhà thần bí cũng xác nhận như vậy. Thánh Catherine thành Genoa kể cho chúng ta nghe:

“Các linh hồn ở trong tình trạng bị thanh tẩy thì đau đớn đến nỗi không lời nào có thể diễn tả nổi, không có một trí thông minh nào có thể hiểu được, trừ khi Chúa muốn cho họ hiểu, qua ơn sủng của Ngài. Có hai nỗi thống khổ ở Luyện ngục: đó là mong mỏi được gần Chúa và đau khổ cùng một lúc.”

Giáo hội không tuyên bố về bản chất của sự đau khổ trong các nơi chốn đó, nhưng đời sống của các bậc thánh thiện kể lại nhiều câu chuyện và thị kiến rõ ràng hơn.

Sau đây là câu chuyện của cuộc đời linh mục Stanislaus Chascoa, môt tu sĩ Dòng Đa Minh. Môt ngày kia, khi ngài đang cầu nguyện cho người chết, ngài nhìn thấy một linh hồn đang bị lửa bao bọc toàn thân. Ngài hỏi linh hồn ấy xem lửa có giống như lửa trên trần gian không. Linh hồn trả lời:

“Than ôi, tất cả lửa trên trần gian mà so sánh với lửa Luyện ngục thì giống như làn gío nhẹ.”

Cha Stanislaus hỏi làm sao diễn tả thì linh hồn xin cha hãy thò tay thử vào lửa ấy. Vị linh mục đặt tay ngài vào bụi tro rớt ra từ người tội nhân ấy, và ngay lập tức, ngài khóc lên và té xuống đất. Ngài rất hoảng sợ và kinh hãi. Các anh em tu sĩ vội vàng đến giúp ngài. Khi hoàn hồn, ngài kể lại câu chuyện kinh hoàng ấy cho mọi người nghe, và cha kết luận như sau:

“Ôi! các anh em ơi, nếu mỗi chúng ta hiểu được sự nghiêm trọng của việc trừng phạt, chúng ta sẽ không dám phạm tội đâu. Hãy đền tội mình trong đời sống này, để khi chết khỏi bị đền tội, bởi vì những cơn thống khổ ấy khủng khiếp quá. Chúng ta hãy chống trả lại các tật xấu, hãy để ý và sửa sai những sự bất toàn của mình, bởi vì Thiên chúa, vị Thẩm phán công minh, ghi nhận tất cả mọi sự chúng ta làm. Chúa Thánh Thiện vô cùng nên Ngài không thể chịu được một lỗi nhỏ của những kẻ được tuyển chọn.”

Thầy Modestino của thành Pietrelcina đã sống rất lâu với cha Thánh Padre Pio và luôn đi theo cha Thánh. Thầy kể lại câu chuyện sau:

Năm 1945, tôi ở tại San Giovanni Rotondo để gíup đỡ cha Padre Pio. Tôi luôn muốn ghi nhận những lời nói khôn ngoan phát ra từ cửa miệng của cha Thánh và cất dấu trong tim tôi như một món quà thiêng liêng. Một buổi tối kia, cha Padre Pio đi ra phòng ca đoàn sau khi đã chúc lành buổi tối, tôi cùng đi với cha đến ngang hành lang dẫn tới phòng cha. Tự nhiên, tôi buột miệng hỏi cha:

“Thưa cha, cha có thể nói về lửa ở Luyện ngục được không ạ?”

Cha Padre Pio đáp:

“Nếu Chúa cho phép một linh hồn đi từ lửa Luyện ngục để đến ngọn lửa nóng nhất trên trần gian, thì giống như đi từ nước nóng đến nước lạnh.” -Đó chính là những lời mà cha Padre Pio đã nói với tôi.

Trong một trường hợp khác, bà Birulli của thành Cerignola hỏi cha Padre Pio rằng:

“Thưa cha, xin cho con biết thêm về Luyện ngục.”

Cha Pio đáp:

“Con à, các linh hồn ở Luyện ngục muốn ném mình họ vào giếng lửa thế gian, bởi vì tình trạng ấy giống như một giếng nước lạnh.”

Rất nhiều nguời trong chúng ta không biết sự đau đớn của Luyện ngục. Nếu ta suy gẫm về nơi này, ta sẽ tránh những lỗi lầm mà ta không để ý, chúng ta sẽ cầu nguyện nhiều hơn cho các linh hồn đáng thương trong cuộc sống hàng ngày của ta.


Bài 5: Luyện Ngục Qua Cảm Nghiệm Của Hai Vị Thánh

Nguồn : MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một buổi tối vào năm 1921 hay 1922, khi các linh mục và tu sĩ Dòng Phanxicô đang ăn cơm tối thì Cha Padre Pio cầu nguyện trong nhà nguyện. Ngài thường không ăn tối mà lại chọn việc cầu nguyện. Sau đó, ngài mới cùng với các tu sĩ khác sưởi ấm nơi lò sưởi.

Nơi nhà nguyện, thình lình, ngài nghe một tiếng động từ phía bàn thờ. Cha Padre Pio bèn lắng tai nghe để biết chắc rằng mình không tưởng tượng. Bỗng nhiên một tiếng động khác nổi lên, đó là tiếng của các cây đèn nến rớt từ bàn thờ xuống, làm phá vỡ sự thinh lặng. Thoạt đầu, cha Padre Pio ngỡ rằng chắc là một tu sinh nào đó đi ngang qua mà làm cho các cây đèn nến đổ vỡ. Để biết chắc, ngài liền dựa đầu vào ban công của khu ca đoàn để nhìn kỹ hơn. Ngài ngạc nhiên khi thấy một tu sinh trẻ đang đứng lặng lẽ bên bàn thờ.

Cha Padre Pio lên tiếng dõng dạc hỏi:

- Này, anh đang làm gì vậy?

Không có tiếng trả lời nên cha hỏi tiếp:

- Hay thật, đây có phải là cách thức anh làm việc không? Thay vì sắp đặt mọi sự có thứ tự, anh lại làm gẫy đổ đèn nến và chân đèn!

Tuy nhiên, ngừời tu sĩ kia vẫn im lặng và không di động. Vì thế, cha Padre Pio lớn tiếng hỏi nữa:

- Này anh kia, anh đang làm gì ở đây?

Người tu sĩ đáp:

- Thưa cha, con là tu sĩ… từ…

Cha Padre Pio hỏi dồn dập:

- Anh làm gì ở đây trong giờ này?

- Thưa cha, con đang làm việc đền tội luyện ngục ở đây. Con vốn là một tu sinh trong tu viện này, và con phải đền các tội lỗi của con. Lúc trước, con đã không tận tâm trong bổn phận khi con phục vụ ở nhà thờ này.

- Anh nghe đây, tôi sẽ dâng thánh lễ cầu cho anh vào ngày mai, nhưng anh không được đến đây nữa, nghe chưa!

Trái tim cha Padre Pio đập mạnh, cha bèn rời nhà nguyện và đến ngay lò sưởi, nơi các anh em tu sĩ của cha đang ngồi. Mọi người đều nhận thấy vẻ tư lự và run rẩy của cha, nên họ hỏi lý do. Cha Padre Pio tránh nhìn đôi mắt họ mà chỉ trả lời là cha bị lạnh.

Khoảng mười phút sau đó, cha Padre Pio mời một linh mục khác cùng đi với cha đến nhà thờ. Tại đó, các ngài nhìn thấy nến và chân đèn đổ vỡ lung tung. Cha Padre Pio muốn biết thử xem cha có nghe đúng hay là trí tưởng tượng của cha làm việc.

Sau đó, cha kể về chuyện này và kết luận như sau: “Chỉ vì thiếu tận tâm trong bổn phận mà vị tu sĩ ấy phải đền tội trong Luyện ngục 60 năm, sau khi anh ta chết! Hãy thử tưởng tượng xem chúng ta sẽ phải ỡ luyện tội lâu như thế nào để đền tội cho những tội nặng nề hơn nữa?”

Cha Padre Pio nói rất đúng! Từ các mặc khải của các thánh, chúng ta hiểu được có nhiều mức độ đau đớn và thống khổ ở Luyện ngục.

Sau đây là mặc khải của Thánh nữ Mary Magdelen Dei Pazzi. Trong các vị thánh được giáo hội phong thánh, ngoài thánh Phanxico của Roma ra, thì vị thánh nữ này để lại sự miêu tả rõ ràng, chính xác và nhiều chi tiết nhất về Luyện ngục.

Môt buổi chiều khi thánh nữ và các nữ tu khác đang đi dạo trong vườn, thì bỗng nhiên linh hồn bà được cất đi. Người ta nghe bà nói:

“Vâng, con sẽ đi chung quanh chỗ này, con sẽ đi chung quanh chỗ này!”

Với những lời ấy, bà thánh cho phép Thiên thần Bản Mệnh của bà đưa bà đến Luyện ngục. Trong khi đó, các nữ tu khác đứng ngắm nhìn với vẻ ngưỡng phục. Cùng lúc, họ kinh hoảng khi thấy bà thánh bước vào cuộc hành trình đau đớn ấy. Khi cuộc ngất trí hoàn tất, bà đã kể lại một bài viết xuất sắc về Luyện ngục.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, người ta thấy bà cứ đi chung quanh một khu vườn rộng lớn của tu viện, thỉnh thoảng, bà ngừng lại và chăm chú nhìn một điều gì đó mà Thiên Thần Bản Mệnh chỉ cho bà. Mặt bà trở nên xanh mét, và bà thường giơ tay ra tỏ ý thương hại cho những ai mà bà thấy. Bà tỏ lộ cảm tưởng đau khổ và kinh hãi, đến nỗi các nữ tu đang theo dõi bà cũng cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, các nữ tu tiếp tục theo dõi và lắng nghe chăm chú khi bà ta thán về những sụ kinh khủng và sự đau lòng của bà. Họ nghe bà la lên:

“Ôi, đau khổ quá! Lạy Chúa, xin hãy thương xót. Xin Chúa thương xót, Xin Máu Thánh Cực Châu Báu của Đấng Cứu Thế hãy đổ xuống trên các linh hồn tội nghiệp này, và xin giải thoát ho khỏi nỗi thống khổ này. Ôi các linh hồn đáng thương, các ngài đau đớn quá. Tuy vậy, tôi thấy các ngài hạnh phúc và vui lòng ngay giữa những cơn khốn khổ ấy. Tuy nhiên, còn có các linh hồn khác đau đớn hơn.”

Bà than van tiếp:

“Làm cách nào mà tôi không thể nhìn đến các linh hồn ở gần tôi được?”

Rồi vì đức vâng lời, bà bước xuống sâu hơn trong hố thẳm. Sau khi đi được vài bước, bà đột nhiên đứng lại, run rẩy và sợ hãi. Bà khóc lớn lên:

” Cái gì đây? Các linh mục và tu sĩ mà phải ở nơi đáng sợ này sao? Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, các ngài bị hành hạ nhiều đến thế sao? ”

Sự run rẩy và cái nhìn lộ vẻ khiếp sợ của bà làm cho những ai hiện diện hiểu được tầm mức thống khổ mà bà đang trải qua trong giây phút ấy.

Khi ra khỏi nơi mà các tu sĩ bị giam cầm, bà đi lang thang đến một nơi bớt đau đớn hơn, nơi nhà giam của các linh hồn đơn sơ, đó là các trẻ thơ và những ai phạm tội vì sự ngu dốt. Tại đó, bà thấy không gì khác, ngoại trừ đá băng và lửa. Còn các linh hồn đi từ đá băng đến lửa và từ lửa đến đá băng. Bà nhận ra linh hồn của người em trai đã chết ít lâu trước, và bà la to lên:

“Tội nghiệp linh hồn của em trai tôi! Em đau khổ quá, dù vậy, em được an ủi. Em bị đốt cháy, nhưng em hạnh phúc, bởi vì những đau khổ này là con đường dẫn đến hạnh phúc.”

Rồi bà tiếp tục đi thêm vài bước nữa, mọi người theo dõi bà và hiểu rằng bà đang gặp các linh hồn không được hạnh phúc. Bà hét lên:

“Ôi, thật là khủng khiếp khi ở nơi này. Nơi đầy cả ma quỷ và đầy những sự hành hạ. Tôi có thể thấy các linh hồn bị đâm bởi các cây kim nhọn và bị xé ra từng mảnh.”

Lúc ấy, bà được biết đây là nơi giam giữ các linh hồn mà lúc còn sống hay muốn làm vui lòng kẻ khác và hay sống giả hình. Đi xa hơn, bà thấy một đám đông bị kéo ra khỏi một nơi, rồi các 1inh hồn ấy bị nghiền nát dưới một sức nặng lớn lao. Bà hiểu rằng đó là hình phạt dành cho các linh hồn thiếu nhẫn nại và không vâng lời. Khi bà nhìn ngắm các linh hồn ấy, bà đã diễn tả bằng mọi cử chỉ và bà thở dài với một tâm tình cảm thương.

Sau một hồi, bà cảm thấy đau khổ nên khóc thảm thiết. Sau đó bà bước vào nhà tù của những kẻ nói dối. Bà quan sát kỹ và nói lớn:

“Các người nói dối ở một nơi rất gần Hỏa ngục. Nỗi thống khổ của họ lớn lao vâ vô biên. Chất chì lỏng đổ vào miệng của họ, trong lúc ấy, họ ngập chìm trong môt hồ nước đá lạnh, để rồi họ bị cháy phỏng và lạnh cóng cùng một lúc.

Thế rồi bà đến một nhà tù ở đó đang giam cầm những linh hồn phạm tội vì sự nhu nhược, bà la lớn tiếng như sau:

“Than ôi, tôi đã sai lầm khi tin rằng qúy vị ở chung với những ai phạm tôi vì sự ngu muội, bởi vì tôi thấy qúy vị bị phỏng trong lửa nóng thiêu đốt.”

Một hồi sau, bà nhận thấy những linh hồn tham lam quá độ bị thiêu nóng chảy ra với chất chì trong lò thiêu. Rồi bà thánh tiếp tục đi mà không nói gì thêm nữa; nhưng đến cuối cuộc hành trình, người ta nghe tiếng khóc của bà:

“Ôi lạy Chúa, ý muốn tuyệt vời của Chúa là tiết lộ những nỗi thống khổ đáng sợ. Có lẽ Chúa muốn đáp lại ước muốn của con là được biết linh hồn của em trai của con đang ở đâu, hay là để khuyến khích con hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục. Vâng, con hiểu rồi. Chúa muốn con thấy để con có thể hiểu rõ hơn sự thanh khiết vô nhiễm của Ngài!”

Rồi bà đi ngang qua môt trại giam các linh hồn đầy cao vọng và kiêu ngạo, các 1inh hồn này đau đớn khủng khiếp trong sự đen tối mịt mùng. Bà nói:

“Ôi thật là khốn khổ! Các linh hồn này bị bắt buộc sống trong sự đen tối, bởi vì họ cố gắng hết sức để được nổi bật trong mắt của những người khác.”

Và rồi bà thấy các linh hồn của những người cứng lòng và vô ơn đối với Chúa. Họ không bao giờ biết yêu mến Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và là Cha của họ. Các linh hồn này bị chìm sâu trong cái hồ đầy chì lỏng. Họ phải chịu đau khổ vì họ biến suối nguồn ân sủng trở thành sự khô cằn, trơ trụi qua thái độ vô ơn của họ.

Cuối cùng, nhà tù cuối mà bà đi qua là nơi mà các linh hồn không có tội rõ ràng, nhưng chỉ có những tội nhỏ nhặt. Bà quan sát thấy các linh hồn phải đền trả cho những tội gì mà họ đã mắc phạm khi còn ở trần gian.

Sau 2 tiếng đồng hồ đau đớn khi viếng thăm luyện ngục, bà thánh trở về với thực tại, nhưng cơ thể yếu nhược và tinh thần sa sút trong một thời gian dài. Phải đợi rất lâu bà mới phục hồi sức khỏe và hoàn hồn, vì cảnh tượng kinh hoàng mà bà đã được chứng kiến với đôi mắt của bà.

Những cảm nghiệm về Luyện ngục mà bà thánh Mary Magdalen Dei Pazzi đã chứng kiến chỉ là một phần trong rất nhiều mặc khải của nhiều vị thánh trong giáo hội.


Bài 6: Thánh Padre Piô Luôn Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Cha Thánh Padre Pio luôn ban tình thương phụ tử cho các người hấp hối và người chết. Những linh hồn người chết thường hiện về với cha Padre Pio để xin ngài cầu nguyện cho họ sớm được lên Thiên Đàng. Có một số trường hợp mà cha Padre Pio hiện diện bên cạnh người hấp hối vì những người này có lòng mến mộ cha Thánh khi mà họ còn sống, bà Enedina Mori kể cho chúng ta một câu chuyện sau:

“Cha Padre Pio muốn chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi suốt ngày đêm để cứu giúp các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục được thêm ân xá. Lúc trước có những tràng hạt chuỗi Mân côi với các ân xá. Tôi bèn thưa với cha Padre Pio:

- Thưa cha, luôn luôn có những người cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi suốt ngày mà!

Ngài đáp:

- Những khi con mỏi mệt, con nên ngừng đọc một chút rồi lại bắt đầu đọc tiếp chứ!

Khi người em trai của bà Maria Pompilio qua đời, bà xin cha Padre Pio cầu bầu cho em trai bà và xin Chúa cho bà được nằm mơ thấy em mình, nhưng cha Padre Pio mắng bà:

“Chúng ta hãy sống trong thế giới thật đi, đừng nói đến các giấc mơ nữa!”

Tuy nhiên, bà Maria cứ năn nỉ cha mãi, cuối cùng, bà mơ thấy em trai về nói với bà rằng:

- Chị ơi, chị có biết là cha Padre Pio đã giúp đỡ em khi em hấp hối lâm tử không?

- Nhưng em ơi, chị đâu có thấy cha hiện diện bên giường bịnh của em?

- Em không thể nói cho chị biết, bởi vì lúc ấy em đang hấp hối, nhưng thật sự, cha Padre Pio hiện diện bên em cho đến khi Chúa phán xét em. Chúa truyền cho em phải chịu đền tội 11 năm ở luyện ngục, nhưng cha Padre Pio đã cầu bầu cho em nhiều lắm nên em chỉ còn ở luyện ngục có 1 năm thôi. Có nhiều sự nhiệm mầu trong cuộc sống của cha mà chúng ta sẽ được biết rõ khi ta sang thế giới bên kia!

Sáng hôm sau, bà Maria đi bộ từ ngoài phố đến nhà thờ. Lúc ấy, không có trạm xe buýt trong suốt 2 dặm đường. Khi cha Padre Pio nhìn thấy bà, ngài lên tiếng:

- Sao? Bà cảm thấy hạnh phúc rồi chứ?

- Thưa cha, cha đã làm gì vậy? Cha đi khắp nơi! Cha ở ngay trên trái đất mà rồi cha cũng ở trên Thiên Đàng !

- Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

- Thưa cha, em trai của con nói rằng…

Nhưng cha Padre Pio cắt ngang và nói:

- Đúng rồi, em của bà nói rằng sự nhiệm mầu của cuộc sống tôi sẽ chỉ được biết trên Thiên Đàng!

Xin tất cả mọi sự là để dành cho vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì các ân sủng dồi dào của Lòng Thương Xót Ngài đổ xuống trên chúng ta.

Vâng, Cha Thánh Padre Pio đã nói:

“Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

Như trong Thánh Kinh có kể câu chuyện các Thiên Thần đi lên xuống trên chiếc cầu thang của Tổ phụ Gia Cốp, cha Padre Pio đã ban ơn lành bằng lửa yêu mến và đền tội cho nhân loại bằng giá máu của ngài. Ai có thể hiểu nổi tình yêu mênh mông của cha Padre Pio? Ngài thường nói với chúng tôi là các con thiêng lieng của ngài rằng:

“Trái tim của cha nóng chảy còn hơn lửa mặt trời nhiệt đới. Trái tim cha ngọt ngào như tổ mật ong. Cha không sống với trái tim cha nữa, nhưng cha sống với trái tim của Thiên Chúa.”





Bài 7: Luyện Ngục: Người Do Thái Giáo Vẫn Được Cứu, Dù Chưa Có Phép Rửa Tộ

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đây là câu chuyện của gia đình bà Florence Ehrman, một người ngưỡng mộ cha Thánh Padre Pio:

“Năm 1965, ba tôi trở cơn bịnh nặng và nằm chờ chết. Tôi đã viết thư cho cha Padre Pio để xin ngài cầu bầu cho ba tôi sớm hết bịnh. Ba tôi vốn là một người chồng, một người cha tử tế và nhân hậu. Ông rất khiêm nhường và qủang đại. Ông tin tưởng mãnh liệt nơi Thiên Chúa và ông theo đạo Do Thái Giáo.

Sau đó, tôi nhận được thư hồi âm của cha Thánh Padre Pio, ngài hứa sẽ cầu nguyện cho ba tôi, và sẽ bảo vệ ba tôi.

Tháng 2 năm 1966, ba tôi qua đời, nhưng thật lạ lùng, tôi cảm thấy bình an và bình thản. Tôi lấy làm lạ vì tôi sống rất gần gũi ba tôi. Tôi yêu ba tôi nhiều hơn những người khác trong gia đình, nhưng có lẽ tôi yêu các con nhiều hơn ba. Từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thể chịu nổi nếu mà ba tôi ra đi.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu lo sợ không biết ba tôi có được ơn cứu độ hay không. Sở dĩ tôi sợ vì những người Công Giáo và Tin Lành thường nói rằng nếu muốn được ơn cứu độ thì phải qua bí tích rửa tội. Do đó, ý tưởng này bắt đầu dầy vò tôi, khiến tôi không còn sự bình an như trước nữa.

Vào tháng 10, năm 1967, tôi đến viếng vùng San Giovanni Rotondo, Ý để gặp cha Padre Pio lần thứ hai. Môt người bạn của tôi đề nghị tôi hãy viết những câu hỏi mà tôi có thể có, rồi bạn tôi sẽ đệ trình lá thư này cho cha Padre Pio.

Trong thư tôi kể lể về chuyện ba tôi chết đi mà không có phép rửa tội, nhưng ông là người rất tốt và dịu hiền. Về sau, tôi nhận được lá thư trả lời của cha Padre Pio như sau:

“Ông Julius Fine được ơn cứu độ, nhưng gia đình cần phải cầu nguyện nhiều cho linh hồn ông ấy. “

Thế là tôi lại cảm thấy bình an vì biết rằng ba tôi ở trong số các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Thật là cần thiết để cầu nguyện cho các linh hồn đang bị thanh tẩy, để nhờ lời cầu nguyện của chúng ta mà họ được lên Thiên Đàng. Lúc đó thì ta không cần phải cầu nguyện cho họ nữa. Nếu linh hồn rớt vào Hỏa ngục thì quá trễ để cầu nguyện. Trái tim tôi mừng vui và cảm động về phép lạ cứu độ. Chúa Thánh Linh đã ban ơn cho cha Padre Pio được biết để nói lời xác nhận. Tất cả chúng ta đều phải sợ hãi và run rẩy khi ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.



Bài 8: Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Của Các Đẳng Linh Hồn Ở Luyện Ngục

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Có nhiều giai thoại kể về việc Đức Mẹ Maria thường hay lui tới Luyện ngục để an ủi những linh hồn đau khổ ấy. Mỗi ngày thứ bảy là ngày đặc biệt, vì là ngày lễ biệt kính Đức Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ Thánh Thiện. Qua các mặc khải, các Thánh kể rằng ngày thứ bảy là ngày hội ở Luyện ngục, bởi vì Đức Mẹ xuống nơi ngục tù đáng thương ấy để thăm viếng và an ủi các tôi tớ trung thành và yêu mến Mẹ trong đời sống dương gian của họ.

LM Louvet kể như sau:

“Bậc Đáng Kính Nữ Tu Paola di Santa Teresa được ngất trí vào ngày thứ bảy, rồi bà được đưa vào Luyện ngục, nơi ấy, bà thấy sáng sủa như một ngày hội đặc biệt. Thế rồi, bà thánh được nhìn thấy Mẹ Maria đến và các thiên thần bao bọc chung quanh. Đức Mẹ ra lệnh cho các thiên thần hãy thả những linh hồn sùng kính Mẹ khi họ còn sống trên trần gian. Nếu cảnh nhộn nhịp này xẩy ra và các ngày thứ bảy ở Luyện ngục thì đến ngày lễ lớn kính Đức Mẹ còn lớn đến thế nào? Mẹ và các Thiên thần đem niềm vui đến cho Luyện ngục. Theo các thánh víêt kể lại thì ngày lễ huy hoàng nhất là ngày Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Thánh Phêrô Damian nói rằng mỗi năm, vào ngày lễ lớn này, Đức Trinh Nữ gỉai thoát hàng ngàn linh hồn khỏi Luyện ngục và đem họ đến niềm vui viên mãn muôn đời. Thánh nhân được thị kiến như sau:

Trong thời đại của Thánh Phêrô Damian thì tại Roma, người ta có thói quen đến viếng nhà thờ và cầm một ngọn nến, vào buổi tối trước lễ Mông Triệu ( Mẹ Lên Trời). Môt năm nọ, có một phụ nữ qúy tộc đang đi đền tội bằng hai đầu gối tại nhà thờ Đức Mẹ Aracoeli, trong thành phố Roma. Chợt bà ta thấy một phụ nữ đã chết mà nay hiện ra trước mắt bà. Bà nhận ra người đã chết từ năm ngoái ấy vốn là mẹ đỡ đầu của mình. Bà bèn đợi người quá cố nơi cửa nhà thờ để tìm lời giải thích thỏa đáng.

Bà nắm tay người phũ nữ kia, kéo đi ra cửa nhà thờ rồi hỏi:

- Thưa bà, bà có phải là mẹ đỡ đầu của con lúc con mới ra đời không?

- Đúng, tôi chính là người ấy!

- Nhưng làm sao mà bà lại có thể ở trong đám người còn sống? Bà đã chết cả năm nay rồi mà. Sự gì đã xẩy ra cho bà trong thế giới bên kia?

- Cho đến nay, tôi vẫn bị đốt cháy trong lửa, đau khổ vì các tội lỗi kiêu căng khi còn trẻ. Tuy nhiên, vì cứ mỗi ngày lễ lớn kính Đức Mẹ, thì Nữ Vương Thiên Đàng lại xuống lửa Luyện ngục, để giải thoát tôi và nhiều linh hồn khác, để cho phép chúng tôi bước vào Thiên Đàng trong đúng ngày lễ lớn của Mẹ. Cứ mỗi năm, Đức Mẹ Chúa Trời lại đổi mới phép lạ của Lòng Thương xót, và con số linh hồn được giải thoát lên đến hàng ngàn. Để tạ ơn Mẹ về hồng ân cao cả này, chúng tôi đi đến các nhà thờ được đặt tên của Mẹ. Nếu con chỉ thấy tôi thôi, nhưng tôi nói cho con biết, có rất nhiều các linh hồn cùng đi vào đây với tôi.”

Người phụ nữ tỏ vẻ không tin, thì linh hồn nói thêm:

- Để chứng tỏ đây là sự thật, tôi nói cho con biết chỉ còn một năm nữa, vào đúng ngày lễ này, con sẽ chết. Nếu thời gian đến mà con không chết thì xem như lời tôi nói cho con hôm nay chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng.

Thánh Phêrô kể thêm rằng người phụ nữ thánh thiện ấy trải qua một năm thực hành mọi việc đạo đức để chuẩn bị cho cái chết. Vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm sau, bà ấy đã chết.

Giáo hội nhận ra sự lãnh đạo của Nữ Vương, nên họ chăm sóc các linh hồn trong luyện ngục, an ủi, giúp đỡ họ cho đến khi họ được bước vào niềm vui của đời sống vĩnh hằng.

Còn người lãnh đạo nào tốt lành hơn là người mẹ hiền của Chúa Giêsu? Còn đường nào an toàn dẫn tới Bê Lem, Can-va-rê và sự Phục sinh bằng các chuỗi Kinh Mân Côi? Với Đức Mẹ, qua chuỗi kinh Mân Côi, chúng ta bước đi một cách an toàn trên con đường cứu độ. Đây là con đường lịch sử mà Công Đồng Vatican II khuyến khích.


Bài 9: Đức Mẹ Maria, Nơi Trú Ẩn An Toàn Của Kẻ Tội Lỗi

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Liệu một linh hồn sẽ ở một mình cô độc hay có ai chung quanh linh hồn ấy trong giờ phán xét. Có thể linh hồn ấy bị ma quỷ hiện diện để cám dỗ, cũng có thể linh hồn ấy được Đức Mẹ Maria cùng các thánh ở bên cạnh để cầu bầu cho. Khi nói về sự can thiệp của Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy nghe mặc khải của thánh Alphonso Liguori như sau:

“Một nữ tu thánh thiện tên là Nữ tu Catherine của Dòng Thánh Augustino có một thói quen đặc biệt là cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn mồ côi hay các lin hồn có liên hệ với sơ. Tuy nhiên, trong thành phố nơi Sơ Catherine ở có một người phụ nữ tội lỗi tên là Maria. Khi bà này chết, ai cũng nghĩ rằng bà ấy mất linh hồn. Vì thế, đám tang của bà có ít người tham dự để cầu nguyện cho bà. Chẳng những thế, sơ Catherine cũng không cầu nguyện cho linh hồn ấy, bởi vì sơ cũng nghĩ rằng bà ta xuống hỏa ngục rồi.

Bốn năm trôi qua. Môt ngày nọ, sơ Catherine thấy một linh hồn từ luyện ngục hiện về nói với sơ rằng:

- Thưa sơ Catherine, sơ luôn có thói quen thánh thiện là cầu nguyện cho các linh hồn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi với!

- Bà là ai?

- Tôi là Maria, người đã chết trong sự bỏ rơi của mọi người.

- Bà nói thế có nghĩa là gì? Bà cũng được ơn cứu độ à?

- Thưa vâng, tôi được ơn cứu độ nhờ vào lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria. Khi hấp hối, tôi biết rằng mình sẽ chết trong sự bỏ rơi của mọi người, nên tôi đã tha thiết cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Tôi nài xin Mẹ như sau:

“Lạy Nữ Vương của con! Mẹ là nơi trú ẩn của các kẻ tội lỗi và kẻ bị bỏ rơi. Xin Mẹ hãy nhìn đến tình trạng bơ vơ của con trong lúc này, và xin Mẹ hãy giúp đỡ con!”

Đức Trinh Nữ Thánh Thiện đã nghe tiếng tôi cầu nguyện và đến cứu giúp tôi. Mẹ ban cho tôi ơn ăn năn thống hối trọn vẹn để tôi được cứu thoát khi lâm tử. Và Đức Mẹ nhân từ giàu lòng thương xót còn ban thêm ơn cho tôi. Khi tôi đến trước tòa phán xét của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã xin Con của Mẹ một ơn khác để giảm bớt thời gian tôi phải đền trả nơi luyện ngục. Bởi vì công lý của Thiên Chúa không thể đi ngược lại với quyền lực của Ngài, nên tôi đau khổ nhiều lắm, hầu đền bù lại những tội lỗi tôi đã phạm. Lúc này đây, tôi rất cần thêm các thánh lễ để được giải thoát. Khi linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tôi, thì sự thống khổ được giảm thiểu. Xin sơ hãy thương xót tôi và xin lễ cầu nguyện cho tôi. Tôi hứa sẽ không ngừng cầu nguyện với Chúa và Đức Nữ Đồng Trinh Thánh thiện cho sơ.”

Sơ Catherine vội vàng xin lễ cầu cho linh hồn bà Maria ấy, và vài ngày sau, sơ thấy linh hồn này bay lên Thiên Đàng, trước đó bà đến cảm ơn sơ đã vì lòng bác ái mà xin lễ cầu cho linh hồn bà.

Đức Mẹ quả thật là nơi trú ẩn của các người tội lỗi. Cha thánh Padre Pio dư biết điều này. Có nhiều câu chuyện kể lại mối liên hệ giữa cha và Đức Mẹ. Trong một lá thư, cha Padre PIo đã viết như sau:

“Mẹ yêu dấu, sao Mẹ thương con nhiều thế? Con cảm nhận được tình yêu của Mẹ một lần nữa vào buổi bình minh của tháng Năm. Mẹ đã âu yếm đi cùng với con lên bàn thánh vào sáng hôm ấy. Con có cảm tưởng rằng Mẹ chỉ nghĩ đến con mà thôi. Mẹ đổ tràn đầy trong trái tim con với tình yêu thánh thiện của Mẹ…Con ước ao có một giọng nói mạnh mẽ đủ để mời gọi những kẻ tội lỗi của thế giới hãy yêu mến Mẹ. Nhưng điều này không ở trong quyền năng của con, con đang cầu nguyện và sẽ cầu nguyện với thiên thần của con để ngài thi hành nhiệm vụ ấy giúp cho con.”

Đức Mẹ Maria đã nói với Thánh Brigid rằng Mẹ là Nữ Vương và Mẹ của những ai ở nơi đền tội. Lời cầu bầu của Mẹ làm giảm bớt nỗi thống khổ của họ rất nhiều. Cha Louvet nói:

“Trong sự hiện diện của Đức Mẹ, nơi đáng sợ ấy trở nên một nơi huy hoàng, đặc biệt cho những ai khi còn sống mà có lòng hâm mộ và sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Còn những ai đeo áo Đức Bà trong suốt cuộc đời thì Mẹ hứa rằng vào thứ bảy đầu tiên, sau khi họ chết thì Mẹ sẽ xuống luyện ngục mà giải thoát họ khỏi nơi đau khổ ấy.

Vậy chúng ta hãy bắt chước cha Thánh Padre Pio, yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện liên tục cho các linh hồn ở luyện ngục được sớm giải thoát. Đó là điều làm cho Mẹ vui lòng hơn hết.




________________________________________
Bài 10: Luyện Ngục: Các Linh Mục Đền Tội Lâu Hơn Các Giáo Dân

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sau đây là câu chuyện của bà Carmela Marocchino nói về ngừơi anh của bà là Linh mục Vittore. Vị linh mục này mất ngày 29 tháng 1 năm 1958. Bà kể lại chuyện và hỏi thăm cha Padre Pio về tình trạng linh hồn của anh bà:

Mặc dù tôi luôn tuân theo Thánh ý của Chúa, nhưng tôi băn khoăn về tình trạng linh hồn của anh tôi, bởi vì anh của tôi chết bất thình lình. Sau khi anh tôi qua đời, tôi khóc thảm thiết, và cha Padre Pio cũng khóc nữa. Tôi hỏi cha Pio:

- Thưa cha, tại sao Chúa lại chọn anh của con?

- Con có biết Chúa Giêsu làm gì với anh của con không? Chúa Giêsu vào trong vườn hoa, ở đó có nhiều đóá hoa, nhưng có một đoá hoa đẹp hơn những hoa khác. Ngài liền bước đến bên đóa hoa ấy và ngắt đi. Đó là điều Chúa Giêsu làm với anh của con.

- Thưa cha, anh con có được ơn cứu độ không?

- Được, nhưng chúng ta phải cầu nguyện cho ngài.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 1958, ngày lễ quan thầy của anh tôi. Tôi hy vọng anh đã được ở Thiên đàng rồi, trong tòa giải tội, tôi bèn hỏi cha Padre Pio xem anh tôi đã ở Thiên đàng chưa, ngài đáp:

- Con biết không? Các linh mục chúng tôi có nhiều trách nhiệm hơn trước Tòa Chúa, và khi chúng tôi xuất hiện trước Nhan Ngài, chúng tôi rất sợ hãi và run rẩy. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện.

Vào ngày 28 tháng 12 năm 1958, trong ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, tôi đến xưng tội. Đến lúc cuối, cha Pio hỏi xem tôi còn tội gì khác để xưng thú nữa không, nên tôi hỏi ngài:

- Thưa cha, cha biết hết mọi sự mà Chúa mặc khải cho cha. Xin cha cho con biết là anh của con là cha Vittore đang ở đâu?

- Ngài đang ở trên Thiên Đàng rồi.

Tôi rất vui mừng, mặc dù anh của tôi là linh mục và là môn sinh của cha Pio, vậy mà anh tôi phải ở Luyện ngục đến 11 tháng, bởi vì trách nhiệm của anh tôi đối với các linh hồn mà anh hướng dẫn.

Vào một dịp khác, tôi hỏi cha Padre Pio nếu tôi có cần phải cầu nguyện cho cha mẹ tôi khi họ đã chết lâu rồi, và ngài đáp:

“Ngay cả khi cha mẹ của con đã ở Thiên Đàng rồi, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện. Nếu họ không cần lời cầu nguyện nữa thì các lời cầu nguyện ấy vẫn được chỉ cho các linh hồn khác.

Bài 11: Sự Thông Công Giữa Các Thánh, Các Linh Hồn Và Loài Người Ở Trần Gian

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sự hiệp thông giữa các thánh gồm có tất cả những ai sống trên trái đất, các thánh trên Thiên Đàng và các linh hồn dưới luyện ngục. Ba Hội Thánh Chiến Đấu, Khải Hòan, và Đau Khổ kết hợp thành một gia đình lớn, và hiệp thông với nhau một cách đặc biệt. Vì thế, sự thống khổ và niềm vui của một người cũng là của tất cả mọi người. Sự khải hoàn của các thánh, sự đau khổ của các linh hồn và sự thử thách của các người còn sống trên thế gian là điều kinh nghiệm của mọi người. Khi chúng ta ở thế gian vui mừng khi nghĩ về các thánh, và buồn cho các linh hồn ở luyện ngục, thì các ngài, dù ở trên Trời hay còn ở luyện tôi, cũng đều lo lắng cho số phận của chúng ta trên trần thế. Các ngài thấy và biết rõ các nguy hiểm mà chúng ta đang sống.

Các linh hồn ở Luyện ngục tham dự vào niềm vui huynh đệ với các thánh trên Thiên Đàng, và họ cảm ơn các việc lành thánh mà chúng ta làm để dâng hiến cho họ được sớm giải thoát. Họ xem chúng ta là những ân nhân của họ. Khi từ lửa luyện ngục, họ nhìn lên Thiên Đàng và thấy các thánh đang hạnh phúc, thì họ nghĩ rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ được hạnh phúc như thế. Các linh hồn ở Luyện ngục cũng biết rằng họ có các bạn hữu trên Thiên Đàng đang cầu bầu cho họ trước Ngai Tòa của Chúa. Do đó, sự liên hệ đặc biệt giữa các linh hồn ở Luyện ngục, với nhân loại trên trần gian, và với các thánh nơi Thiên Đàng, không bị quên lãng.

Chúng ta đừng quên các Thiên Thần, vì dĩ nhiên, các ngài rất chăm sóc cho các linh hồn ở Luyẹn ngục. Nhiều linh hồn phú thác cho các Thiên Thần của Chúa. Các Thiên Thần cho rằng sứ mệnh của họ chưa chấm dứt cho đến khi nào họ đem được các linh hồn lên Thiên Đàng. Toàn thể các Thiên Thần luôn chú ý đến những linh hồn khi còn sống mà biết tôn kính các ngài.

Nghi lễ cho ngày lễ kính Thánh Micae cho ta biết rằng ngài đã được Chúa chỉ định cho việc nhận các linh hồn vào Thiên Đàng, khi họ rời Luyện ngục. Do đó, Thánh Micae như là một vị Hoàng tử của vương quốc thống khổ. Ngài có lòng trắc ẩn với các linh hồn này, và Ngài tiếp tục cầu bầu cho các linh hồn ấy.

Thánh Frances thành Roma rất vui thích khi nói đến các Thiên Thần chăm lo cho mọi người trong suốt đời sống của họ. Bà nói rằng:

” Khi một người chết, tùy theo mức độ công trạng của họ, vị Thiên thần Bản mệnh dẫn đưa người ấy tới phần sâu của Luyện ngục, và ở lại bên phía tay phải của người ấy, trong khi ma quỷ ở phía tay trái người ấy. Thiên Thần dâng lên Chúa Giêsu các lời cầu nguyện để cầu bầu cho linh hồn ấy được giảm bớt sự đau đớn. Trong khi ấy, ma quỷ thì chịu sự điều khiển của Lucifer, nên bị hành hạ một cách đặc biệt vì không thể dụ dỗ linh hồn ấy vào Hỏa ngục. Khi giờ đền tội của một linh hồn đã hoàn tất, người ấy được chuyển qua một nơi chốn cao hơn, và ma quỷ rời linh hồn ấy để trở về với đồng bọn của hắn, những tên ma quỷ khác sẽ chỉ trích hắn vì hắn đã thất bại trong việc dụ dỗ linh hồn ấy.

Như vậy, các Thiên Thần Bản Mệnh thăm viếng các linh hồn nơi Luyện ngục và cầu bầu cho họ trước Tòa Chúa.

Trong chuyến thăm viếng Luyện nguc dài 2 tiếng đồng hồ của Thánh Nữ Mary Magdalen Dei Pazzi, bà thánh đến thăm một nhà tù mà người ta phạm tội vì sự ngu dốt hay yếu kém, và bà thấy các Thiên Thần Bản Mệnh của các linh hồn ấy ở ngay bên cạnh họ để an ủi.

Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque cũng vậy, trong khi bà bị bịnh, Thiên Thần Bản Mệnh của bà mời bà đến thăm Luyện ngục với Ngài. Ngài đưa bà đến một nơi rộng lớn đầy những lửa và than đá. Tại đó, Ngài cho bà thánh thấy rất nhiều linh hồn trong hình dáng con người, đang giơ tay ra để cầu xin lòng thương xót, và bên cạnh họ là các Thiên Thần Bản Mệnh đang an ủi họ với những lời yêu thương.

Các mặc khải trên đây đúng theo lời giảng dạy về Thần Học và hợp với đại đa số các Tiến sĩ Hội Thánh. Các ngài nói rằng các Thiên Thần Bản Mệnh đưa các linh hồn vào Luyện ngục, và để cho họ liên lạc với chúng ta, linh hứng để ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy, và rồi báo tin cho các linh hồn xem ai là người cầu bầu cho họ. Khi thời kỳ đền tội đã hoàn tất, các Thiên thần đưa họ lên Thiên Đàng và đến với chúng ta để báo cho ta biết về sự giải phóng của họ. Chúng ta đoan chắc rằng các Thiên Thần hành động như người trung gian giữa Luyện ngục và Trần gian.

Ngoài ra, các Thiên Thần còn là người trung gian giữa Luyện ngục và Thiên Đàng. Chúng ta đã nhắc đến việc họ dâng lên Chúa các lời nguyện và sư hy sinh mà chúng ta dâng lên để cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, và các ngài đem những an ủi mà Chúa ban đến cho các linh hồn.

Mỗi khi Chúa hay Đức Mẹ Maria ngự xuống Luyện ngục thì đều có các Thiên thần bao quanh, sự huy hoàng và sáng láng của các Ngài đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các linh hồn ấy. Nếu các Thiên Thần đã chăm sóc cho các linh hồn ấy khi ở trần gian, tại sao lại không chăm lo cho họ trong thời gian họ ở trong Luyện ngục chứ?

Để kết luận, và để hiểu rõ sự lưu tâm của các Thiên thần ở trong Luyện ngục, chúng tôi kể một câu chuyện do nhà văn Rossignoli kể trong tác phẩm của ông:

“Trong tu viện của Thánh Catherine ở vùng Naples, các tu sĩ có thói quen đạo đức là đọc kinh chiều cho các linh hồn vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ. Như vậy, trước khi nghỉ ngơi, người tu sĩ có thể đem lại chút ủi an cho các linh hồn. Một tối kia, các nữ tu vì quá mỏi mệt vì làm lao động mệt nhoài, nên họ không đọc kinh chiều cầu cho các linh hồn. Do đó, một ca đoàn Thiên Thần từ Thiên Đàng đi xuống và bắt đầu đọc kinh chiều cho các linh hồn trong cung ca đoàn của tu viện. Nhờ vậy, các linh hồn không lo buồn vì sự thiếu kinh nguyện. Như vậy chúng ta có cần thêm chứng từ nữa không?

Vậy chúng ta hãy luôn nhớ rằng niềm vui và hạnh phúc của các thánh, sự đau đớn và thống khổ của các linh hồn ở Luyện ngục và các thử thách và phiền muộn của các người đang sống ở thế gian đều hợp thông với nhau. Các thánh ở trên Thiên Đàng rất cảm động khi nhìn thấy sự nguy hiểm mà loài người trên trần gian phải đi qua, và các ngài nhìn xuống Luyện ngục với lòng thương xót và trắc ẩn. Họ cầu bầu cho các anh chị em của họ sớm hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng. Còn các linh hồn thì cảm ơn các ân nhân ở trần gian, và ngước mắt lên trời để chiêm ngắm các thánh đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Họ vui mừng và đầy hy vọng khi biết rằng lời cầu bầu của các anh chị em trên trời cũng như trên thế gian sẽ giúp rút ngắn thời gian thống khổ. Thật là một tương quan đẹp đẽ và thân thiện giữa Luyện ngục, Thiên Đàng và Trần gian, và đó chính là di sản quý báu và đẹp đẽ của Giáo hội Công giáo.


Bài 12: Vị Cố Linh Mục Chánh Xứ Hiện Về Đền Tội

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Tại thành phố Pietrelcina, Ý Đại Lợi vào sau năm 1910, cha Thánh Padre Pio được thụ phong linh mục bởi tay của Đức Giám mục Schinosi ở Benevento. Vì sức khỏe của cha Pio yếu kém nên ngài phải vâng lời Bề trên để ở lại Pietrelcina. Ai cũng hy vọng rằng với không khí trong lành, với sự săn sóc của mẹ ngài, và với sự tự do khỏi vướng bận những lo lắng của đời sống cộng đoàn thì cha Pio mạnh khỏe hơn.

Vị cha xứ tên là Giovanni Caporaso đã qua đời ít lâu nay. Vị cha xứ mới là cha Don Salvatore Pannullo đến thay thế. Ngài vốn là thầy dạy môn Thần Học của cha Padre Pio. Mỗi ngày, vị linh mục mới là cha Pio đều đến nhà thờ của giáo xứ để cử hành Thánh lễ. Ngay từ khởi đầu, các thánh lễ của cha Padre Pio cử hành đều mang sắc thái khác biệt.

Ngày ấy chưa có phòng Thánh. Vì thế vị linh mục thường mặc áo lễ sau bàn thờ. Một vài lần, cha Padre Pio mặc áo lễ ngay sau bàn thờ. Nhưng sau đó, cha xứ Don Salvatore chuẩn bị một bàn nhỏ ở bên cạnh bàn thờ chính. Ngài đặt các vật dụng cần thiết cho Thánh lễ trên bàn nhỏ ấy và dặn cha Padre Pio hãy mặc áo lễ bên cạnh bàn nhỏ, thay vì sau bàn thờ.

Cha Padre Pio vâng lời với sự đơn sơ thánh thiện. Sau đó, ngài hỏi lý do tại sao lại phải mặc áo lễ ở chỗ mới thì cha xứ Don Salvatore nói rằng rất nhiều lần, trong thánh lễ do cha Padre Pio cử hành thì cha Don Salvatore thấy vị linh mục qúa cố Caporaso hiện về, quỳ nơi hàng ghế sau bàn thờ. Ngài qùy và tham dự thánh lễ sốt sắng rồi biến đi.

Người ta cũng còn thấy cha xứ Caporaso hiện về qùy trong nhà thờ nhỏ tên Thánh Pio Tử Đạo, trong một lâu đài. Khi ông trùm đến rung chuông nơi nhà thờ chính vào mỗi buổi sáng thì bà vợ của ông ta đến rung chuông ở ngôi nhà thờ nhỏ ở trong lâu đài. Bà này chuẩn bị mọi sự trên bàn thờ môt cách chu đáo và tươm tất. Khi vừa đi về thì bà gặp cố linh mục Caporaso đang qùy trên các bậc thang ở cung thánh và sốt sắng cầu nguyện. Không tin vào đôi mắt mình, bà dụi mắt vì nghĩ rằng mình đang buồn ngủ. Rồi bà nhìn ngắm lần nữa.Đúng là ngài rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!

Bà ta bèn chạy ù té ra khỏi nhà thơ nhỏ, tim bà đập thình thịch. Vẻ mặt xanh mét, bà chạy đến nhà thờ chính để kể lại cho chồng nghe. Ông linh cảm có một điều gì ghê gớm đã xẩy ra cho vợ. Bà vợ kêu lên:

- Nè, nè, em không đến nơi nhà thờ nhỏ nữa đâu. Từ nay anh liệu mà sang bên ấy rung chuông đi nhé!

- Tại sao vậy?

- Bởi vì em vừa nhìn thấy ông cha xứ đã chết mà nay lại trở về trước bàn thờ, ông ấy làm cho em sợ mất vía đi thôi!

Thật ra, chính cha Padre Pio cũng đã thấy vị linh mục qùy cầu nguyện ở đó, nhưng ngài chỉ nhìn thấy phía đàng sau nên không biết là ai cả.

Việc hiện ra của cha Caporaso kéo dài khoảng 1 tháng. Vào lần cuối, cha quá cố nói với cha xứ như sau:

” Cha Salvatore ơi, tôi đi đây, và tôi sẽ không trở về nữa. Thật là khủng khiếp cho tôi, và tôi phải trả giá đắt khi xong Thánh lễ mà không tạ ơn Chúa, mà cứ đi thẳng một mạch.”

Lời nói này làm gương cho cha xứ mới. Cha xứ quá cố là một vị linh mục thật thà và công chính, chỉ vì không tạ ơn Chúa sau Thánh lễ và vội vàng đi chơi với bạn bè nên ngài phải đền tội. Lời cầu nguyện của cha Thánh Padre Pio rất hữu ích cho cha xứ quá cố. Nhờ vậy mà ngài được giải thoát khỏi Luyện ngục.








________________________________________
Bài 16: Với Thiên Chúa, Không Có Quá Khứ Hay Tương Lai

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Vào cuối năm 1949, một vị bác sĩ quen thân với cha Padre Pio nhận được lá thư của một bà mẹ có con gái đau nặng. Bà mẹ xin cha Padre Pio cầu nguyện cho con gái của bà sớm bình phục. Vị bác sĩ thông cảm nỗi lòng người mẹ nên ông vội đi tìm cha Pio. Ông nói:

-Thưa cha Pio, con có môt lá thư mà người ta xin cha cầu nguyện. Con đọc thư cho cha nhé?

Cha Pio đáp:

-Bác sĩ có thể đọc cho tôi sau được không? Bây giờ tôi rất bận.

Tuy nhiên, lá thư ấy không được đọc sớm. Vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, vị bác sĩ phải rời San Giovanni Rotondo bởi có chuyện gấp trong gia đình. Khi trở lại, vị bác sĩ thấy lá thư ấy vẫn còn nằm trên chiếc bàn của phòng giải phẫu. Ông tự nhủ:

-Tội nghiệp cho bà mẹ này, tôi phải nói chuyện cho cha Pio vào tối nay thôi!

Thế là chiều hôm đó, vị bác sĩ vào phòng của cha Pio và đọc thư cho cha nghe. Đọc xong, ông ta hỏi cha Pio:

-Thưa cha, bây giờ con phải nói thế nào đây?

Cha Pio đáp:

-Hãy nói: “Xin vâng!”

-Cha nói cái gì?

-Tôi nói: “Hãy xin vâng!”

Lúc ấy, cô bé bịnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, vị bác sĩ biết rằng thời gian đã trôi qua từ lâu, có lẽ chậm mất rồi, nếu có cầu nguyện bây giờ thì cũng vô ích thôi. Nhưng cha Pio hiểu ông ta nghĩ gì nên cha nói tiếp:

-Có lẽ ông không hiểu rằng: bây giờ, tôi có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi có một cái chết hạnh phúc.

-Nhưng ông cố nội của cha đã chết từ nhiều năm về trước rồi mà!

-Tôi biết chứ, nhưng bây giờ, tôi vẫn có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi chết trong hạnh phúc. Để tôi giải thích cho ông rõ hơn. Ví dụ ông và tôi cùng chết, qua sự may mắn, và qua lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ, chúng ta phải đền tội trong luyện ngục 100 năm. Trong những năm này, không ai còn nhớ đến chúng ta để mà xin Thánh lễ cầu nguyện cho chúng ta hay đọc kinh đền tội cho ta. Ai cũng nghĩ rằng cha Padre Pio và ông bác sĩ đã chết lâu lắm rồi, họ đã xin lễ cho chúng ta rồi. Nhưng đối với Thiên Chúa thì quá khứ và tương lai không hiện hữu. Tất cả đều là hiện tại vĩnh cửu. Các lời cầu nguyện được nhậm lời. Vậy tôi xin lập lại, bây giờ tôi vẫn có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố nội tôi!

Câu chuyện ngừng lại ở đó, rồi vị bác sĩ ra về. Đến nhà, vợ bác sĩ trao cho chồng một lá thư khác của bà mẹ cô bé bị bịnh. Bà cám ơn bác sĩ và cha Padre Pio vì con bà đã có dấu hiệu bình phục.

Hôm sau, bác sĩ lại đưa lá thư cho cha Padre Pio, cha mỉm cười:

- Hãy xin vâng nhé. Ông tưởng Thiên Chúa cần đến các thủ tục hành chánh như loài người ư? Chẳng lẽ người ta cần phải viết thư trên giấy để nhờ cha Pio xin ơn Chúa sao?

Trên đây quả thật là một câu chuyện làm cho mọi người phấn chấn tinh thần. Môt điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục, cho dù họ đã chết rất lâu rồi, bởi vì với Thiên Chúa sẽ không có quá khứ hay tương lai, mà tất cả chỉ là hiện tại vĩnh cửu mà thôi.



Bài 17: Lời Chúc Bình An

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một người bạn của LM Alessio Parente là ông Vincenzo Mercurio đã kể cho cha Parente câu chuyện về người cha của ông ta như sau:

“Lúc tôi còn thơ ấu thì ba tôi thường làm công tác đạo đức. Ông hay rủ tôi cùng đi với ông, và tôi rất hân hoan được đi với ba tôi. Cha con tôi thường cùng nhau thức dậy sớm để đến nghĩa địa cầu nguyện cho người chết. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, ông dành ra 2 tiếng đồng hồ để thăm viếng mộ phần của người chết. Mỗi ngày Chúa nhật, ba tôi thường đọc kinh Cầu hồn trong nhà nguyện, trước Thánh Thể Chúa.

Trong các buổi sáng ấy, chúng tôi dậy rất sớm bởi vì ba tôi phải về nhà để đi làm trước 8 giờ sáng. Ba tôi có thói quen ở trong nhà thờ khoảng 1 tiếng rưỡi để cầu nguyện. Chúng tôi phải đi bộ khoảng chừng 40 phút. Lúc ấy, tôi không thể hiểu được tại sao ba tôi lại dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho các linh hồn nơi nghĩa địa như thế. Rất nhiều lần, ba tôi phải đánh thức người gác cửa nghĩa địa để ông ta mở cửa sớm. Ba tôi thường đến viếng mộ của ba má ông, của thân nhân và bạn bè ông. Thế rồi ông đến nhà nguyện để cầu hồn cho người chết cùng với các người khác, rồi ông phụ giúp lễ buổi sáng. Ba tôi luôn chăm sóc cho các linh hồn và thăm hỏi họ rất ân cần.

Một hôm, vào ngày Tết Dương lịch, ba tôi cảm thấy thoải mái khi đi thăm mộ vì ông không phải vội vàng về đi làm. Thế là cha con tôi đến nhà nguyện dành cho Đức Me. Sau khi cầu nguyện xong, ông chào các linh hồn: “Chúc qúy vị bình an!” Ngay tức khắc, tôi nghe một giọng nói của trẻ thơ vọng trả lời:

“Chúc ba bình an!”

Tôi tò mò hỏi ba tôi xem giọng nói ấy là của ai vậy? Ba tôi đáp:

-Đó là tiếng của em trai con thay mặt cho các linh hồn để trả lời ba. Con có biết rằng các thân nhân của chúng ta đều được chôn ở trong nhà nguyện ấy không?

Lúc đó, tôi mới biết rằng đại gia đình tôi được chôn trong nhà nguyện. Tôi có thể kể cách chính xác nơi phát xuất ra giọng nói đáp lời ba của tôi, dù rằng nơi ấy giờ chỉ còn xương người chết mà thôi. Sau đó, chúng tôi đến các mộ phần khác ở trong nhà nguyện chính. Tôi không còn nghĩ đến giọng nói của trẻ thơ kia. Nhưng khi ba tôi nói lời chúc bình an thì tôi lại nghe một giọng nói của bà cụ già đáp lại:

“Chúc ông bình an!”

Tôi nói với ba tôi là tôi vừa nghe lời chúc của một bà cụ già, ba tôi nói chuyện một cách thản nhiên:

-Ồ, đó là giọng nói của một người nghèo trong gia tộc mình. Các người này nghèo nên họ không thể mua nổi một nấm mộ riêng, vì thế họ được chôn chung ở chỗ này. Câu chuyên này được xem như bình thường, vì thế ba tôi và tôi không kể lại cho gia đình nghe. Câu chuyện này chỉ trở lại trong ký ức của tôi khi mà tôi trở lại với niềm tin Công giáo để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, và qua sự hướng dẫn của cha Thánh Padre Pio.

Các linh hồn Thánh thiện cho phép ba tôi chăm sóc cho họ, và họ cũng bảo vệ ba tôi. Ba tôi biết điều ấy, và ông rất mang ơn các linh hồn. Ông đối xử với các linh hồn như họ là người thân trong gia đình ông. Ba tôi mong ước được trở thành người canh cửa nghĩa địa.

Với niềm tin tưởng, tôi kể lại câu chuyện sau đây:

Một buổi sáng sớm kia, khi ba tôi đang chờ đợi người canh cửa nghĩa địa mở cửa cho ông vào, vì cửa còn đóng kín. Ông thấy nhà nguyện chính được thắp sáng bởi một luồng ánh sáng tuyệt vời. Vì ba tôi siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn nên ông không hỏi người canh cửa nghĩa địa về bất cứ điều gì. Trong thâm tâm, ba nghĩ rằng ông kia đến nhà nguyện trước để chuẩn bị cho Thánh lễ và cho việc cầu hồn.

Thế rồi ba tôi đến thăm từng mộ phần, và các phần mộ chôn chung khác. Nhưng khi ba tôi đến nhà nguyện chính thì nơi đây vẫn còn đóng kín cửa. Ba tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nguyện chính chưa hề được mở cửa. Thế mà ba tôi đã chính mắt nhìn thấy vào nửa giờ trước đó, một luồng ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng như là đã có một Thánh lễ vĩ đại xẩy ra ở nơi ấy.


Bài 18: Thân Phụ Của Cha Thánh Padre Pio Nhìn Thấy Hai Linh Hồn Về
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Linh mục Francesco Napolitano kể cho chúng tôi câu chuyện sau đây:

Vào năm 1928, cha của Cha Thánh Padre Pio là Ông Orazio thường đến thăm con trai ở vùng San Giovanni Rotondo trong một vài ngày. Một buổi tối kia, sau bữa cơm tối, ông Orazio chào con và các tu sĩ khác để lên lầu ngủ. Căn phòng đựơc giao cho ông nằm trên lầu 1, và là phòng số 10. Lên đến nơi, ông Orazio ngạc nhiên khi thấy hai tu sĩ đứng ngay trước cửa phòng của ông và không cho ông vào phòng.

Ông Orazio thấy đó là hai tu sĩ lạ mặt, và có lẽ họ đi lộn phòng. Lúc ấy, các tu sĩ thường đến thăm viếng cha Padre Pio để xin ngài ban phép lành cho. Ông lịch sự giải thích rằng đây là phòng được dành riêng cho ông, xin họ cho phép ông đi vào. Nhưng vô ích, ông lập lại câu nói vài lần nữa nhưng hai người kia không trả lời. Cảm thấy khó chịu, ông dùng hết sức lực để bước vào phòng. Ông còn cho họ biết rằng đây chỉ cómột giường, chứ không có hai giường.

Khi ông cố gắng vượt qua hai tu sĩ thì họ bổng biến mất. Quá hoảng sợ, ông vội chạy đi tìm con là cha Thánh Padre Pio để kể cho con nghe. Cha Padre Pio hiểu ngay câu chuyện. Ngài bèn quàng tay qua vai cha mình và dùng lời lẽ để trấn an và khuyến khích cha đi ngủ.

Khi thấy cha lấy lại sự bình tĩnh, cha Pio nói với cha mình:

-Thưa ba, đó là hai vị tu sĩ đang ở luyện ngục. Họ phải làm việc đền tội ở chỗ mà họ đã phạm lề luật của thánh Phanxico. Xin ba yên tâm và đi ngủ trong sự bình an, bởi vì họ sẽ không đến làm phiền ba nữa đâu!

Thế rồi, cha Padre Pio đưa cha mình lên phòng số 10 và ngồi đợi cho đến khi người cha lên giường. Ngài chào cha và trở lại phòng mình.

Có lẽ người đọc tưởng rằng bất cứ linh hồn nào cũng có thể hiện về với người sống phải không? Không phải như thế đâu. Một người chết không thể trở về, nếu như Chúa không cho phép, bởi vì người chết không có quyền trên thân xác vật chất của mình nữa. “Chúa có thể cho phép linh hồn của người tín hữu trở về với người sống vì một mục đích hữu ích, và chủ yếu là biểu lộ sự thật.”

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, linh hồn người chết, qua lòng thương xót vô biên và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, thì có thể hiện về với người sống. Chúng ta có lời của cha Padre Pio, của các thánh, và những người đạo đức khác.





________________________________________
Bài 19: Linh Hồn Các Binh Sĩ Về Cảm Ơn Cha Thánh Padre Pio

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Trong đời cha Padre Pio có nhiều sự lạ xẩy ra, chẳng hạn như khi các linh hồn về cảm ơn cha vì cha đã cầu nguyện cho họ. Câu chuyện này xẩy ra khi có Đại Chiến thứ hai.

Một buổi tối nọ, sau bữa cơm chiều, tu viện đã đóng cửa, nhưng các tu sĩ đều nghe tiếng hoan hô vọng đến từ phiá dưới thang lầu: “Hoan hô cha Padre Pio!”

Lúc ấy cha bề trên là LM Raffaele gọi tu sĩ gác cửa là thầy Gerardo và bảo thầy hãy xuống cầu thang mà đuổi những ai dám xông vào hành lang dưới nhà. Thầy Gerardo vâng lòi đi xuống. Tuy nhiên, khi đến hành lang, thầy thấy tất cả chìm trong bóng tối, cửa chính đóng kín, còn có hai thanh sắt cài ngang. Thầy liền báo cáo sự thật lên cha bề trên. Sáng hôm sau, cha bề trên gọi cha Padre Pio đến để giải thích tại sao lại có sự kiện lạ lùng ấy. Cha Padre Pio nói rằng những tiếng hoan hô đó là của những binh sĩ đã chết nhưng họ đến để cảm ơn ngài đã thường cầu nguyện cho họ.

Trong các trường hợp lạ lùng như vậy, cha Padre Pio luôn khiêm nhường và trầm tĩnh. Ngài ít khi nào kể chuyện lạ lùng này, nếu như cha bề trên không hỏi. Ngài biết rõ rằng những điều quan trọng không phải là những gì lạ thừơng, nhưng Thiên Chúa dùng những kết qủa của các điều lạ thường để giúp các linh hồn. Ngài rất khiêm tốn trong mọi sự. Ai ai cũng biết cha Padre Pio là người khiêm nhường.

Ngài được Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng ngài xin Chúa lấy những dấu bề ngoài đi, và chỉ để lại sự đau đớn thôi. Ngài than thở vì thấy chỉ có một số ít các linh hồn yêu mà không vụ lợi. Ngài đau khổ khi thấy bản thân mình bất xứng. Đó là những dấu tích rõ ràng mà Chúa hành động trong linh hồn ngài. Những hành động của Chúa cần được đánh giá cao trọng hơn những biến cố lạ thường. Cha Padre Pio luôn đánh giá cao và chú trọng đến các hành động của Chúa.


Bài 20: Quyền Năng Của Lời Cầu Nguyện

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Chân Phước Suso đã hứa với người bạn rằng ngài sẽ dâng hai thánh lễ mỗi tuần trong suốt một năm nếu người bạn của ngài chết trứớc. Nhưng sau đó, khi người bạn chết, ngài đã quên lời hứa nên không dâng Thánh lễ cầu cho người bạn.

Một buổi tối kia, khi đang suy niệm thì ngài thấy linh hồn người bạn hiện về trước mặt mình. Người bạn âu yếm nhìn ngài và nhắc nhở ngài đã không giữ lời hứa. Chân phước Suso xin lỗi và hỏi bạn:

-Tôi đã dâng bao nhiêu lời cầu nguyện và việc làm đạo đức cho anh rồi mà, bộ chừng đó không đủ sao?

-Ồ, không anh ạ, chỉ có Máu Thánh Chúa Giêsu Ki Tô là điều cần thiết để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tôi. Chỉ có sự hy sinh cao cả của Chúa mới giải thoát tôi ra khỏi sự đầy đọa này.

Chân Phước vội vàng đáp lời kêu gọi của linh hồn thống khổ ấy để đền bù lỗi của mình. Vì thế, ngài cử hành nhiều thánh lễ hơn cả những gì ngài đã hứa với bạn. Một thời gian sau, người bạn hiện về với nét mặt hớn hở và chung quanh đầy hào quang. Linh hồn ấy nói:

-Cám ơn người bạn trung thành của tôi. Bạn hãy nhìn xem, bằng gía máu của Đấng Cứu Thế, tôi đã được giải thoát khỏi sự thống khổ rồi.

Chúa đã tỏ lộ cho một tu sĩ thánh thiện là Gioan thành Alvernia, kết qủa của hy lễ dâng lên trên các bàn thờ trong ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn. Vị tu sĩ thấy Luyện ngục mở cửa, và rất nhiều linh hồn được bay lên nhờ hy lễ. Các linh hồn giống các đóm lửa rực sáng bay ra từ các lò lửa.

Hy lễ thánh giá có giá trị tuyệt đối. Dưới con mắt của Chúa, hy lễ trên bàn thờ có giá trị tương tự. Tuy nhiên, hy lễ thánh này chỉ áp dụng một phần cho các linh hồn và tùy theo Công Lý của Thiên Chúa.

Sự suy niệm của chúng ta trong mỗi thánh lễ trở thành lời cầu nguyện của lòng thương xót, nếu chúng ta dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Con Yêu Dấu Ngài. Các lời cầu nguyện ấy có quyền năng lớn lao đối với Chúa. Thánh nữ Magdalen Dei Pazzi học được từ Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha Hằng Hữu Máu Cực Thánh của Con Chí Thánh Ngài. Đó là việc tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thánh nữ cứ dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đến ít nhất là 50 lần mỗi ngày. Trong một lần ngất trí, bà thấy một số lớn các linh hồn tội lỗi được ơn hoán cải và một số lớn các linh hồn được giải thoát khỏi Luyện ngục qua cách thực hành này.

Nếu giá trị của việc dâng hiến cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu lớn như vậy, thì khi dâng lễ là tái diễn cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu thì giá trị còn lớn lao biết bao nhiêu nữa? Thêm vào đó, chúng ta hãy nhớ rằng đến giờ chết, các thánh lễ mà chúng ta tham dự sẽ trở nên nguồn an ủi lớn lao nhất của ta. Mỗi thánh lễ sẽ đi với chúng ta tới Tòa Phán Xét và để xin Chúa tha tội cho ta. Nơi mỗi thánh lễ, chúng ta có thể xin giảm bớt những hình phạt vì tội lỗi mình, dù nhiều hay ít.

Bằng cách tham dự thánh lễ sốt sắng, chúng ta tôn vinh bản tính nhân loại thiêng liêng của Chủa Ki Tô. Ngài đền bù cho các tội bất cẩn và thiếu sót của ta. Ngài tha thứ cho các tội nhẹ mà ta quyết tâm tránh. Ngài tha thứ cho ta những tội mà ta không biết để xưng thú. Quyền lực của Satan đặt trên ta sẽ biến mất. Chúng ta giải cứu cho các linh hồn ở luyện ngục. Mỗi thánh lễ xin cho chúng ta lúc còn sống thì tốt hơn là xin cho ta lúc ta đã chết. Chúng ta sẽ tránh được nhiều sự nguy hiểm và xui xẻo nếu như có thánh lễ dâng lên để cầu cho ta. Chúng ta giảm bớt thời gian ở luyện ngục bằng mỗi thánh lễ. Mỗi thánh lễ đem lại cho ta các vinh quang lớn hơn trên thiên đàng. Chúng ta nhận được sự chúc lành của vị linh mục mà Chúa ban trên thiên đàng. Chúng ta qùy ở trong số đông các thiên thần, khi các ngài hiện diện với sự tôn kính nơi mỗi thánh lễ. Chúng ta được Chúa chúc lành trong mọi công việc và mục vụ.


Bài 21: Maria Simma, Người Phụ Nữ Được Các Linh Hồn Hiện Về

Nguồn:MeMaria.org

Lời dịch giả: Nhân dịp tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn, xin kính tặng bài này cho các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Xin các ngài cầu bầu cho chúng con trước Tòa Thiên Chúa.

Maria Simma of Austria (1915-2004) Bà Maria Simma là môt phụ nữ người Áo, bà mất vào tháng 3, 2004 ở lứa tuổi 90. Bà được nói chuyện với các linh hồn người chết và các linh hồn đau khổ để giúp họ vơi đi các nỗi thống khổ mà họ đang gánh chịu. Bà Simma đến Vùng Holy Shroud, Ý Đại lợi và trả lời môt cuộc phỏng vấn của tờ báo Medjugorje vào ngày 5 tháng 5 năm 1999, tại nhà thờ Corpus Domini. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Thưa bà Maria, bà có thể cho chúng tôi biết lần đầu tiên bà gặp các linh hồn là lúc nào?

Đáp: Một linh hồn đầu tiên đến với tôi là vào năm 1940. Tôi thức giấc vì có người đi trong phòng ngủ của tôi. Tôi hỏi: “Ai đang đi đó?” Không có tiếng trả lời. Tôi đứng dậy và đi về phía người ấy, nhưng tôi không còn thấy họ nữa. Tôi nói:

“Xin ông làm ơn đi chỗ khác đi. Nếu ông không nói thì hãy ra khỏi đây!”

Thế rồi tôi lại vào giường để ngủ tiếp nhưng tôi không thể ngủ lại được.

Hỏi: Bà có sợ hãi không?

Đáp: Không, tôi không dễ sợ hãi đâu!

Thánh Ý Chúa Dành Cho Tôi

Hỏi: Các cuộc thăm viếng tiếp tục chứ?

Đáp: Vâng. Khi tôi còn là môt thiếu nữ, tôi cảm nghiệm rằng Chúa muốn tôi làm một điều gì đặc biệt cho Ngài. Là một bé gái, tôi nói với mẹ tôi:

“Mẹ ơi, con sẽ không lập gia đình đâu!”

Me tôi thường trả lời:

“Con sẽ đổi ý khi con lên 20 tuổi!”

Và tôi thường lập lại:

”Con sẽ không lấy chồng đâu!”

Tôi đã không lập gia đình. Khi học xong, tôi thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con? Con có nên vào tu viện không?”

Nhưng sau ba lần xin vào tu viện để sống đời tận hiến cho Chúa, tôi đều phải ra ngoài. Trong khi cầu nguyện, tôi thường xin Chúa cho tôi được hiểu Thánh Ý của Ngài. Khi được 25 tuổi, tức là vào năm 1940, các linh hồn ở luyện ngục đến thăm tôi để xin tôi giúp đỡ cho họ. Vào tháng 11 năm 1953, các linh hồn khác đến với tôi và xin tôi chịu sự đau đớn giúp cho họ.

Từ đó đến nay, các linh hồn hiện ra với tôi mỗi ngày và mỗi đêm để xin tôi chịu đau khổ cho họ. Vị linh mục ở giáo xử của tôi khuyên tôi hãy thánh hiến chính bản thân mình cho Chúa Giêsu để đền tội cho các linh hồn, và xin Chúa Giêsu ban cho tôi sức mạnh`

Từ đó, tôi bắt đầu con đường dâng mình để đền tạ thay cho họ.

Hỏi: Có phải Chúa gửi linh hồn đến luyện ngục, hay chính linh hồn ấy đi thẳng xuống luyện ngục vì họ được soi sáng và hiểu rõ trong ánh sáng của Chúa?

Đáp: Mỗi linh hồn hiểu rõ ràng họ phải đến nơi nào trong luyện ngục. Luyện ngục có hàng ngàn cách thức khác biệt.

HỎi: Đến giờ chết, các linh hồn được nhìn thấy Chúa rõ ràng hay không?

Đáp: Mỗi linh hồn một khác, có linh hôn được nhìn thấy Chúa rõ ràng, có linh hồn không được nhìn thấy Chúa.

Đi Thẳng Lên Thiên Đàng

Hỏi: Xin bà cho chúng tôi biết giá trị của việc ăn năn thống hối vào giờ chết.

Đáp: Trước khi chết, những ai biết ăn năn thống hối thì đều được cứu rỗi. Nhưng linh hồn ấy phải ở nơi luyện ngục. Có một số linh hồn đi thẳng lên Thiên Đàng mà không cần ghé Luyện ngục. Những người chịu nhiều đau khổ trên trần gian với sự kiên nhẫn, những ai hiến dâng sự đau khổ của họ lên Thiên Chúa thì sẽ đi thẳng lên Thiên Đàng, và những ai luôn thì hành Thánh Ý Chúa thì cũng được hưởng phúc Thiên Đàng.
Nước Phép

Hỏi: Vậy ma quỷ có quyền lực để tấn công các linh hồn trong giờ chết của họ không?

Đáp: Ma quỷ làm đủ mọi cách để cám dỗ một linh hồn, nhưng nếu linh hồn ấy đặt mình trong bàn tay của Đức Mẹ Maria, rồi Đức Mẹ lại tín thác linh hồn ấy cho Chúa, thì ma quỷ không còn quyền lực trên ý muốn cũa chúng ta nữa.

Hỏi: Làm cách nào để các người hấp hối được giúp đỡ?

Đáp: Nước phép được rẩy chung quanh giường của người hấp hối thì rất hiệu nghiệm. Ma quỷ sợ nước phép. Không cần phải rẩy thật nhiều nước phép, một vài giọt là đủ rồi, nhưng phải rẩy nước phép thường xuyên.

Hỏi: Nếu người thân của chúng ta bị bịnh nặng, ta có nên nói cho họ biết tình trạng nguy kịch của họ để họ chuẩn bị dọn mình chịu chết không?

Đáp: Vâng, hãy luôn nói sự thật, để người ấy chuẩn bị dọn mình chịu chết.

Luyện Ngục Ở Nhiều Nơi

Hỏi: Luyẹn ngục ở đâu? Luyên ngục giống như thế nào?

Đáp: Luyên ngục ở nhiều nơi, không phải chỉ ở một nơi. Một số linh hồn phải chịu thống khổ nơi mà họ đã phạm tội. Ở một vùng thuộc Áo Quốc, người ta thấy một người đàn ông có ánh sáng, đi lên rồi đi xuống các cánh đồng, kéo theo một hòn đá lớn.

Họ hỏi ông ta:

“Ông làm gì ở đây?

Ông ta đáp:

“Tôi không biết đặt cái hòn đá này ở chỗ nào cả!”

”Thì ông cứ đặt nó ở chỗ nào mà ông đã lấy nó lên!”

Thì ra lúc trước, ông đã lấy hòn đá này từ một cánh đồng và phạm tội bất công. Khi ông đặt viên đá xuống nơi mà ông đã lấy đi, ngay lúc ấy thì ông ta biến mất, và chúng tôi hiểu rằng ông đã trả hết nợ của ông.

Hỏi: Những tội lỗi nào dễ dẫn ta vào luyện ngục?

Đáp: Tội phạm đến tha nhân, vu cáo, hạ nhục, kiêu ngạo.

Thánh Lễ Giúp Linh Hồn Nhiều Nhất Purgatory

Hỏi: Cách thức nào hữu hiệu nhất để cứu giúp các linh hồn?

Đáp: Thánh lễ. Nhiều người không biết và không hiểu đến giá trị của các Thánh lễ.

Hỏi: Chúng ta có thể xin Chúa cho ta chịu đau khổ luyện ngục ngay trên thế gian này không?

Đáp: Dĩ nhiên có. Mỗi sự hy sinh có thể dùng để giảm thiểu sự thống khổ của Luyện ngục, nếu ta biết dâng hiến điều này lên Chúa. Cầu nguyện chuỗi Mân Côi là điều rất quan trọng.

Hỏi: Các linh hồn đã tự hủy hoại đời mình bằng cách dùng ma túy và các sự nghiện ngập khác, họ có đến thăm viếng bà không?

Đáp: Có, họ phải ở luyện ngục rất lâu xứng với thời gian mà đáng lẽ họ phải sống trên thế gian, bời vì thời lượng sống và thời gian chết của chúng ta được Chúa ấn định cho mỗi một cá nhân.

Hỏi: Có rất nhiều sự dữ trong xã hội của chúng ta và giới trẻ thường trả giá đắt. Bà có thể nói cho chúng tôi về điều này không?

Đáp: Không phải chỉ có cần sa ma tuý làm hại đời sống, mà theo một lối nào đó, sụ đồi bại luân lý có thể cắt ngắn cuộc sống chúng ta, cũng như sự phá thai và thuốc ngừa thai.

Các trẻ thơ chết mà không được rửa tội vẫn sống hạnh phúc, nhưng họ không hưởng được thị kiến đẹp đẽ về Chúa. Tuy nhiên, họ không biết điều ấy, và vẫn vui vẻ.

Nếu một phụ nữ mang thai và lo sợ rằng con mình có thể chết trong bụng, bà ấy có thể ao ước cho em bé được rửa tội. Như thế, em bé nhận được phép Rửa của lòng ao ước.

Hỏi: Các linh hồn nói gì về những người ly dị?

Đáp: Họ cần nhiều lời cầu nguyện. Những ai đã ly dị mà sống chung với người khác thì không thể nhận lãnh các Bí Tích được. Mặt khác, nếu họ sống chung với nahu như tính cách là anh chị em thì họ có thể nhận lãnh các Bí tích.

Hỏi: Bà có thể cho chúng tôi biết về việc trợ tử (giúp người bịnh chết) không?

Đáp: Ta không thể giết người, dù là giết người vì lòng trắc ẩn. Nếu con người chịu đau đớn nhiều thì hãy dâng hiến sự đau đớn ấy lên Chúa, như thế họ có thể cứu chính mình, nhận lãnh được nhiều hạnh phúc trên Thiên Đàng, và cứu được nhiều linh hồn khác. Sự thống khổ rất có giá trị.

Tôi biết một người giáo viên tốt lành. Khi tôi đến thăm chị ấy, chị hỏi tôi:

“Tại sao Chúa không lắng nghe tôi? Người ta cần tôi ở trường học.”

Tôi đáp:

“Sự đau đớn và nỗi thống khổ là dấu chứng của tình yêu Chúa.”

Chị nói:

“Tôi mong ước Chúa yêu tôi ít hơn.”

Nếu chúng ta lâm bịnh hay đau khổ vì những lý do khác, chúng ta hãy dâng những giá trị lớn lao của sự đau khổ mà dâng hiến lên Thiên Chúa, hãy đặt mọi sự trên bàn tay Đức Mẹ Maria. Mẹ biết nơi nào rất cần những phần thưởng này để sử dụng. Khi lên tới Thiên Đàng, bạn sẽ thấy rất nhiều linh hồn mà bạn đã cứu qua sự đau khổ của bạn.

Hỏi: Bà nghĩ gì về việc tự tử?

Đáp: Chúng ta cần biết tại sao họ lại tự tử. Đôi khi, những kẻ xô đẩy người khác đi đến chỗ tự tử thì kẻ ấy phải chịu tránh nhiệm nhiều hơn. Có những người bị kẻ khác xô đẩy họ đến chỗ phải tự tử, chẳng hạn như họ bị vu cáo, bị sỉ nhục, bị từ chối tình yêu. Có các linh hồn tự tử được cứu rỗi. Tuy nhiên, tôi không thể nói rằng tất cả các linh hồn tự tử đều được cứu rỗi.

Hỏi: Vai trò của Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, quan trọng như thế nào nơi luyện ngục?

Đáp: Đức Mẹ thường hay tới luyện ngục và các linh hồn rất vui mừng. Tình trạng các linh hồn ở luyện ngục khác nhau. Có các linh hồn phải ở đó cho đến ngày phán xét, những linh hồn ấy may mắn chỉ suýt thoát khỏi hỏa ngục mà thôi.

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi những linh hồn mà bà chịu đau khổ cho họ mà rồi nhờ đó, họ được giải thoát?

Đáp: Tôi cảm thấy một sự thỏa mãn sâu xa, một niềm vui vô tận vì tôi đã giúp được họ. Ngày nay, người ta it yêu mến tha nhân. Mỗi hành vi thương yêu nhỏ nhoi của chúng ta đều được Chúa đền bù xứng đáng.

Các Linh Hồn Có Thể Tự Giúp Họ Được Không?

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi bà đền tội cho các linh hồn suốt ngày và đêm? Liệu các sự đau khổ của bà có đủ để giúp các linh hồn giảm bớt thời gian đền tội nơi luyện ngục không?

Đáp: Trong thời gian trước đây, các linh hồn thường đến xin tôi giúp họ bằng sự chịu đựng đau khổ của tôi, bằng lời cầu nguyện, bằng các thánh lễ. Hiên nay, tôi đi công du khắp mọi nơi, nói chuyện trước nhiều đại hội, và có thêm nhiều người giúp tôi để cầu nguyện cho các linh hồn.

Tôi hiểu rằng các linh hồn rất vui lòng khi tôi nói giùm cho họ về các nhu cầu của họ. Tôi cũng nhận những tiền bổng lễ để xin lễ cầu cho các linh hồn.

Hỏi: Tại sao các linh hồn không thể làm gì cho chính họ?

Đáp: Bởi vì các linh hồn đã chấm dứt đời sống, nhưng chúng ta CÓ THỂ GIÚP HỌ.

Hỏi: Các linh hồn có nói gì về thời đại giông tố mà chúng ta đang trải qua không?

Đáp: Chúng ta đang chìm đắm từ từ vì chúng ta sống xa lạc Chúa. Tuy nhiên, nhiều sự sẽ xẩy ra nhờ sự can thiệp của Chúa. Giáo hội cũng sẽ được canh tân.

Hỏi: Chúng ta phải làm gì cho các linh mục?

Đáp: Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục, và hãy dâng hiến sự hy sinh cho toàn thể Giáo hội.

Hỏi: Bà nghĩ gì về sự đau khổ của trẻ thơ?

Đáp: Họ là những linh hồn đền tội cho kẻ khác. Với sự đau khổ của họ, họ có thể nhận được nhiều ân huệ. Sự đền tội rất có giá trị.

Hỏi: Liệu sự đau khổ của trẻ thơ có giá trị không, ngay cả khi cha mẹ họ không chấp nhận?

Đáp: Vâng, tất cả đều có giá trị đồng đều như nhau.

Hỏi: Bà có thể nói cho chúng tôi về giá trị của các Thánh lễ Gregorian không?

Đáp: Thánh Lễ Gregorian ( 30 Thánh lễ cử hành liên tiếp câu cho linh hồn người chết trong 30 ngày, không đứt đoạn.) rất có giá trị. Tuy nhiên, các ân huệ không luôn luôn đến với linh hồn mà chúng ta cầu cho, và Chúa biết lý do tại sao. Sự hiệp thông của các Thánh giúp ích rất nhiều cho các linh hồn. Ngay cả cho các linh hồn của các tôn giáo khác cũng được cứu rỗi, nếu như họ sống với đức tin của họ, và với một lương tâm công chính.

Hỏi: Chúng ta thường nằm mơ thấy người chết, đó có phải là dấu chỉ rằng họ cần chúng ta không?

Đáp: Vâng, có thể họ cần chúng ta cầu nguyện hay xin thánh lễ chỉ cho linh hồn họ. Nếu bạn thấy họ buồn bã thì xin hãy cầu bầu cho họ. Nếu bạn thấy họ vui mừng thì bạn có thể hiểu rằng họ được hạnh phúc.

Hỏi: Các linh hồn có thể làm mọi sự cho chúng ta không?

Đáp: Vâng, họ có thể làm rất nhiều điều cho bạn, họ giúp bạn rất nhiều, và họ có thể trở nên bạn hữu của chúng ta.

Cách Thức Xin Thánh Lễ Gregorians

RADIO GIỜ CỦA MẸ XIN QUÝ VỊ HÃY CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN BẰNG CÁCH:

Xin lễ 30 ngày liên tiếp cho người quá cố (dead person) không phải các linh hồn còn sống. Có thể xin cho ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con cái hay người thân đã chết. Đây là thánh lễ Gregorian Masses. Xin gửi tên linh hồn đã qua đời, và $130. về địa chỉ các cha dòng Phanxicô sau: Franciscan Missions, Inc., P.O. Box 130, Waterford, WI 53185, Điện thoại: (262) 534-5470, Fax: (262) 534-4342, Website: www. franciscanmissions.org, Email: framis@wi.net









________________________________________
Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại được cha Thánh Padre Pio chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Padre Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ chỉ cho các linh hồn này. Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Padre Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Padre Pio làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Hiển nhiên, các linh hồn ngày hiểu rõ rằng trái tim ngài giống như một núi lửa rực cháy vì yêu thương những ai đau khổ. Cha Padre Pio viết như sau:

“Khi tôi biết một người đang đau khổ trong linh hồn hay đang đau đớn trong thể xác, tôi phải làm mọi cách để xin Chúa giải thoát họ khỏi nỗi thống khổ ấy. Tôi muốn nhận chịu hết mọi sự đau khổ của họ để họ được cứu thoát. Và tôi muốn trao tặng họ những ơn ích của sự đau khổ, nếu Thiên Chúa cho phép tôi làm điều ấy!”

Tình yêu tha nhân sâu đậm của cha Padre Pio đôi lúc ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Ngài mong ước họ được cứu thoát và được hạnh phúc trên hết mọi sự, đến nỗi ngài thừa nhận rằng:

“Tôi vội vàng sống vì các anh chị em và sẵn sàng nhận chịu tất cả các nỗi thống khổ của họ, nên tôi đau khổ mà không than van.”

Trong lá thư thứ 615, ngài viết:

“Tôi thường nói cùng ông Môsê để thưa lên Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán rằng:

-Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi của họ hay xin Chúa loại trừ con ra khỏi sách Hằng Sống của Ngài!

Thưa các bạn đọc, nếu chúng ta muốn theo gương cha Thánh Padre Pio, thì tôi xin phép lập lại lời của cha rằng: “Xin hãy làm những gì tôi đã làm. Hãy cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho các linh hồn của người thân đã qua đời!”

Để kết luận, tôi xin chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta có thể xây một cầu thang của Chúa cho các linh hồn đáng thương nơi luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện và các hành vi bác ái để dâng lên Chúa nhằm cầu nguyện cho các ý chỉ của các linh hồn.

Bài 2: Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”

Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.

Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:

“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ. Cha nói:

“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.


Bài 3: Tôi Sẽ Dâng Thánh Lễ Cầu Cho Bạn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đức Giám mục Costa đến từ giáo phận Melfi, Ý Đại Lợi, để thăm viếng cha Padre Pio. Qua câu chuyện với cha Pio, Đức Giám mục hỏi cha có bao giờ thấy một linh hồn hiện về từ luyện ngục không, cha Padre Pio đáp:

” Thưa Đức cha, con đã gặp nhiều linh hồn hiện về với con, đến nỗi con không cảm thấy sợ họ nữa.”

Qua lời yêu cầu của Đức cha, cha Padre Pio kể lại câu chuyện có liên quan đến cha Alberto DApolito ở trong cuốn sách này. Cha Alberto vốn là một tu sinh ở vùng San Giovanni Rotondo, ngài cũng hiện diện khi cha Padre Pio kể câu chuyện sau đây:

Vào thời kỳ Thế Giới Đại Chiến thứ nhất, tu viện ở vùng San Giovanni Rotondo hầu như trống rỗng, bởi vì nhiều tu sĩ bị động viên để tham dự cuộc chiến. Tuy nhiên, các tu sinh vẫn còn đi học, dưới quyền của tôi và linh mục Paolino của vùng Casacalenda. Một buổi chiều đầy tuyết thì bà Assunta Di Tommaso là chị của cha Paolino đến thăm em của bà. Trước khi trời tối, cha Paolino bảo chị của ngài hãy đi xuống làng và vào ở trọ nhà của bà Rachelina Russo vì bà ấy có phòng cho mướn. Bà Assunta ngại đi trong mưa tuyết và sợ bầy chó sói thường hay túa ra để kiếm mồi về đêm, có thể chúng sẽ ăn thịt bà nếu bà gặp chúng. Thế là bà không dám đi. Cha Paolino nói với chị:

“Này chị Assunta, chị biết rằng tu viện này là dòng kín, và phụ nữ không được phép vào ở, vậy nếu chị không chịu đi thì em phải làm cách nào đây?”

Bà Assunta đáp:

“Thưa cha Paolino, xin cha cho con mượn một cái giường nhỏ và con sẽ nằm ngủ đỡ đêm nay, ngày mai, con sẽ đi đến nhà bà Rachelina.”

Cha Paolino bèn nói:

” Được rồi, nếu chị muốn ngủ trong phòng khách thì em sẽ nhờ người đến chuẩn bị chiếc giường cho chị để giúp chị ngủ ngon.”

Thế rồi, cha Paolino nhờ một vài tu sinh lấy một chiếc giường và đốt lò sưởi để giúp căn phòng bớt lạnh. Sau buổi cơm tối, tôi (tức là cha Padre Pio) lúc ấy đi một vòng xem các tu sinh đã ngủ chưa. Sau đó, tôi cùng cha Paolino xuống phòng dưới để chúc bà Assunta một giấc ngủ ngon. Cha Paolino nói với chị của ngài rằng:

“Chị Assunta ơi, em sẽ đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, xin chị hãy ở đây với cha Pio nhé!”

Nhưng bà Assunta đáp:

“Con cũng muốn đi đọc kinh với cha luôn!”

Thế là hai chị em cùng ra khỏi phòng khách và đóng cửa lại. Tôi ở lại một mình trong phòng. Khi tôi đang chìm sâu trong lời cầu nguyện thì tự nhiên cánh cửa mở ra và một ông già bước vào. Ông ăn mặc như những người khác ở vùng San Giovanni Rotondo, ông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi nhìn ông và tự hỏi tại sao ông lại có thể vào được trong tu viện trong đêm hôm khuya khoắt này. Tôi bèn hỏi ông:

“Ông là ai? Ông muốn gì?

Người đàn ông đáp:

“Thưa cha Pio, con là Pietro di Mauro, tên thường gọi của con là Precoco. Con chết trong tu viện này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong phòng số 4, khi tu viện này còn là một nhà dưỡng lão. Môt buổi tối con ngủ với điếu thuốc xì gà đang cháy, rồi chiếc giường của con bị bắt lửa và con chết phỏng. Con đang ở trong luyện ngục. Con rất cần một thánh lễ để được giải thoát khỏi nơi ấy. Chúa cho phép con đến gặp cha để xin cha cầu nguyện cho con.”

Sau khi nghe xong, tôi bảo ông rằng:

” Được, ông yên nghỉ nhé, tôi sẽ cử hành thánh lễ ngày mai để cầu cho linh hồn ông được giải thoát!”

Sau đó, tôi đứng lên và tiễn ông ra khỏi cửa. Tôi quên rằng các cánh cửa đã khóa kỹ bằng hai lớp cửa sắt. Tôi mở cửa và nói tạm biệt ông già ấy. Trời đang có trăng tròn và công trường trước tu viện ngập đầy tuyết trắng. Thế mà mọi sự bỗng trở nên sáng như ban ngày, và bỗng nhiên, ông ta biến mất ngay bên cạnh tôi. Tôi hoảng sợ, khóa cửa và suýt chút nữa, tôi ngất xỉu.

Khi cha Paolino và người chị trở về sau khi đã đi cầu nguyện chung, họ thấy mặt tôi trắng bệch như tuyết, họ tưởng rằng tôi lâm bịnh. Cha Paolino chúc bà Assunta ngủ ngon và hầu như phải vác tôi lên phòng của tôi. Tôi không nói cho ngài về cuộc hiện về ấy. Khi chị của ngài ra về xong, tôi mới kể cho ngài nghe chi tiết về câu chuyện đó. Tôi nói:

” Cha biết đó, con không dám nói về việc ấy vì con sợ bà Assunta sẽ không dám ngủ trong phòng khách nữa.”

Cha Padre Pio nói rằng ngày hôm sau, cha dâng một thánh lễ cầu cho linh hồn người đàn ông đó, và ông ta đã được vào Thiên Đàng. Sau đó, cha Paolino xuống khu làng và tìm hiểu thêm về lai lịch của người chết. Qủa đúng như vậy, ông Pietro di Mauro chết ngày 18 tháng 9 năm 1908, vì bị đốt cháy trên giường của ông.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng luyện ngục là nơi của lòng thương xót và nhân hậu của Chúa. Chúng ta không hể hiểu thấu được Chúa nhân từ và tốt lành biết bao. Lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn là một sự kinh ngạc cho chúng ta. Không nơi nào mà chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài tuôn chẩy dồi dào như trường hợp này. Qua lò lửa thanh luyện, chúng ta tìm gặp tình thuơng của Ngài. Dường như một linh hồn hỏi Chúa:

“Lạy Chúa, con có thể hoán cải được không ạ?”

Và Chúa đáp:

“Được chứ, con đang tiến vào Thiên Đàng. Con phải chịu đau khổ bây giờ để đền tội của mình. Và rồi con sẽ được tinh tuyền và xứng đáng để bước vào Vương Quốc của Cha.”

Rồi linh hồn được nhận vào luyện ngục với lòng biết ơn. Ở đó, linh hồn vui mừng trong sự nhân hậu của Chúa. Chúa đã thương ban cho linh hồn ấy được ở nơi thanh tẩy. Luyện ngục là nơi đền tội của các linh hồn tụ tập trong vực sâu. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, là nơi mà Lòng thuơng xót Chúa tạo dựng ra để chuẩn bị cho linh hồn được gặp gỡ Chúa trên Thiên Đàng.



:
________________________________________
Bài 4: Sự Đau Đớn Mà Linh Hồn Phải Chịu Ở Luyện Ngục
Nguồn:MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente

Theo giáo lý Công giáo, loài người phải chịu sự phán xét tùy theo cách thức họ sống khi ở trần gian. Phần thưởng hay sự trừng phạt sẽ là Thiên Đàng, Luyện ngục hay Hỏa ngục. Chúng ta thử tìm hiểu tình trạng của những nơi này, dựa theo các mặc khải của các thánh.

Thánh Frances thành Roma kể rằng Luyện ngục giống như môt phần của Hỏa ngục, và được chia ra nhiều phần. Thánh Tôma kể cho ta nghe rằng lửa của Luyện ngục cũng giống như lửa của Hỏa ngục, và Luyện ngục cũng là một phần của Hỏa ngục. Những nhận xét này giống như lời cha Thánh Padre Pio nói với Cleonice Morcaldi, một người con gái thiêng liêng của cha:

“Con gái ơi, có một số điểm ở Luyện ngục giống như Hỏa ngục.”

Tuy nhiên, công lý của Thiên Chúa có thể cho phép các linh hồn đền tội nơi mà họ đã phạm tội, như những câu chuyện về các linh hồn và về cha Pio mà sẽ được trình bày sau:

Tùy theo công lý của Thiên Chúa, Ngài sẽ cho một số linh hồn đền tội ở những nơi đặc biệt theo Ý của Ngài, để có thể dạy người còn sống và để giúp cho các linh hồn đã qua đời.

Nói về những nỗi thống khổ của Luyện ngục: sau khi Chúa đã kết án thì linh hồn phải đi về nơi nào đó, việc thanh tẩy đến với linh hồn ấy, và linh hồn biết rằng đau khổ là cách thức mau chóng nhất để sớm vào Thiên Đàng. Và nỗi thống khổ bắt đầu!

Theo Thánh Tôma thì sự đau đớn của Luyện ngục không nặng nề như đau khổ nơi Hỏa ngục. Khi ở Hỏa ngục thì thời gian đau khổ vô tận. Các nhà thần bí cũng xác nhận như vậy. Thánh Catherine thành Genoa kể cho chúng ta nghe:

“Các linh hồn ở trong tình trạng bị thanh tẩy thì đau đớn đến nỗi không lời nào có thể diễn tả nổi, không có một trí thông minh nào có thể hiểu được, trừ khi Chúa muốn cho họ hiểu, qua ơn sủng của Ngài. Có hai nỗi thống khổ ở Luyện ngục: đó là mong mỏi được gần Chúa và đau khổ cùng một lúc.”

Giáo hội không tuyên bố về bản chất của sự đau khổ trong các nơi chốn đó, nhưng đời sống của các bậc thánh thiện kể lại nhiều câu chuyện và thị kiến rõ ràng hơn.

Sau đây là câu chuyện của cuộc đời linh mục Stanislaus Chascoa, môt tu sĩ Dòng Đa Minh. Môt ngày kia, khi ngài đang cầu nguyện cho người chết, ngài nhìn thấy một linh hồn đang bị lửa bao bọc toàn thân. Ngài hỏi linh hồn ấy xem lửa có giống như lửa trên trần gian không. Linh hồn trả lời:

“Than ôi, tất cả lửa trên trần gian mà so sánh với lửa Luyện ngục thì giống như làn gío nhẹ.”

Cha Stanislaus hỏi làm sao diễn tả thì linh hồn xin cha hãy thò tay thử vào lửa ấy. Vị linh mục đặt tay ngài vào bụi tro rớt ra từ người tội nhân ấy, và ngay lập tức, ngài khóc lên và té xuống đất. Ngài rất hoảng sợ và kinh hãi. Các anh em tu sĩ vội vàng đến giúp ngài. Khi hoàn hồn, ngài kể lại câu chuyện kinh hoàng ấy cho mọi người nghe, và cha kết luận như sau:

“Ôi! các anh em ơi, nếu mỗi chúng ta hiểu được sự nghiêm trọng của việc trừng phạt, chúng ta sẽ không dám phạm tội đâu. Hãy đền tội mình trong đời sống này, để khi chết khỏi bị đền tội, bởi vì những cơn thống khổ ấy khủng khiếp quá. Chúng ta hãy chống trả lại các tật xấu, hãy để ý và sửa sai những sự bất toàn của mình, bởi vì Thiên chúa, vị Thẩm phán công minh, ghi nhận tất cả mọi sự chúng ta làm. Chúa Thánh Thiện vô cùng nên Ngài không thể chịu được một lỗi nhỏ của những kẻ được tuyển chọn.”

Thầy Modestino của thành Pietrelcina đã sống rất lâu với cha Thánh Padre Pio và luôn đi theo cha Thánh. Thầy kể lại câu chuyện sau:

Năm 1945, tôi ở tại San Giovanni Rotondo để gíup đỡ cha Padre Pio. Tôi luôn muốn ghi nhận những lời nói khôn ngoan phát ra từ cửa miệng của cha Thánh và cất dấu trong tim tôi như một món quà thiêng liêng. Một buổi tối kia, cha Padre Pio đi ra phòng ca đoàn sau khi đã chúc lành buổi tối, tôi cùng đi với cha đến ngang hành lang dẫn tới phòng cha. Tự nhiên, tôi buột miệng hỏi cha:

“Thưa cha, cha có thể nói về lửa ở Luyện ngục được không ạ?”

Cha Padre Pio đáp:

“Nếu Chúa cho phép một linh hồn đi từ lửa Luyện ngục để đến ngọn lửa nóng nhất trên trần gian, thì giống như đi từ nước nóng đến nước lạnh.” -Đó chính là những lời mà cha Padre Pio đã nói với tôi.

Trong một trường hợp khác, bà Birulli của thành Cerignola hỏi cha Padre Pio rằng:

“Thưa cha, xin cho con biết thêm về Luyện ngục.”

Cha Pio đáp:

“Con à, các linh hồn ở Luyện ngục muốn ném mình họ vào giếng lửa thế gian, bởi vì tình trạng ấy giống như một giếng nước lạnh.”

Rất nhiều nguời trong chúng ta không biết sự đau đớn của Luyện ngục. Nếu ta suy gẫm về nơi này, ta sẽ tránh những lỗi lầm mà ta không để ý, chúng ta sẽ cầu nguyện nhiều hơn cho các linh hồn đáng thương trong cuộc sống hàng ngày của ta.


Bài 5: Luyện Ngục Qua Cảm Nghiệm Của Hai Vị Thánh

Nguồn : MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một buổi tối vào năm 1921 hay 1922, khi các linh mục và tu sĩ Dòng Phanxicô đang ăn cơm tối thì Cha Padre Pio cầu nguyện trong nhà nguyện. Ngài thường không ăn tối mà lại chọn việc cầu nguyện. Sau đó, ngài mới cùng với các tu sĩ khác sưởi ấm nơi lò sưởi.

Nơi nhà nguyện, thình lình, ngài nghe một tiếng động từ phía bàn thờ. Cha Padre Pio bèn lắng tai nghe để biết chắc rằng mình không tưởng tượng. Bỗng nhiên một tiếng động khác nổi lên, đó là tiếng của các cây đèn nến rớt từ bàn thờ xuống, làm phá vỡ sự thinh lặng. Thoạt đầu, cha Padre Pio ngỡ rằng chắc là một tu sinh nào đó đi ngang qua mà làm cho các cây đèn nến đổ vỡ. Để biết chắc, ngài liền dựa đầu vào ban công của khu ca đoàn để nhìn kỹ hơn. Ngài ngạc nhiên khi thấy một tu sinh trẻ đang đứng lặng lẽ bên bàn thờ.

Cha Padre Pio lên tiếng dõng dạc hỏi:

- Này, anh đang làm gì vậy?

Không có tiếng trả lời nên cha hỏi tiếp:

- Hay thật, đây có phải là cách thức anh làm việc không? Thay vì sắp đặt mọi sự có thứ tự, anh lại làm gẫy đổ đèn nến và chân đèn!

Tuy nhiên, ngừời tu sĩ kia vẫn im lặng và không di động. Vì thế, cha Padre Pio lớn tiếng hỏi nữa:

- Này anh kia, anh đang làm gì ở đây?

Người tu sĩ đáp:

- Thưa cha, con là tu sĩ… từ…

Cha Padre Pio hỏi dồn dập:

- Anh làm gì ở đây trong giờ này?

- Thưa cha, con đang làm việc đền tội luyện ngục ở đây. Con vốn là một tu sinh trong tu viện này, và con phải đền các tội lỗi của con. Lúc trước, con đã không tận tâm trong bổn phận khi con phục vụ ở nhà thờ này.

- Anh nghe đây, tôi sẽ dâng thánh lễ cầu cho anh vào ngày mai, nhưng anh không được đến đây nữa, nghe chưa!

Trái tim cha Padre Pio đập mạnh, cha bèn rời nhà nguyện và đến ngay lò sưởi, nơi các anh em tu sĩ của cha đang ngồi. Mọi người đều nhận thấy vẻ tư lự và run rẩy của cha, nên họ hỏi lý do. Cha Padre Pio tránh nhìn đôi mắt họ mà chỉ trả lời là cha bị lạnh.

Khoảng mười phút sau đó, cha Padre Pio mời một linh mục khác cùng đi với cha đến nhà thờ. Tại đó, các ngài nhìn thấy nến và chân đèn đổ vỡ lung tung. Cha Padre Pio muốn biết thử xem cha có nghe đúng hay là trí tưởng tượng của cha làm việc.

Sau đó, cha kể về chuyện này và kết luận như sau: “Chỉ vì thiếu tận tâm trong bổn phận mà vị tu sĩ ấy phải đền tội trong Luyện ngục 60 năm, sau khi anh ta chết! Hãy thử tưởng tượng xem chúng ta sẽ phải ỡ luyện tội lâu như thế nào để đền tội cho những tội nặng nề hơn nữa?”

Cha Padre Pio nói rất đúng! Từ các mặc khải của các thánh, chúng ta hiểu được có nhiều mức độ đau đớn và thống khổ ở Luyện ngục.

Sau đây là mặc khải của Thánh nữ Mary Magdelen Dei Pazzi. Trong các vị thánh được giáo hội phong thánh, ngoài thánh Phanxico của Roma ra, thì vị thánh nữ này để lại sự miêu tả rõ ràng, chính xác và nhiều chi tiết nhất về Luyện ngục.

Môt buổi chiều khi thánh nữ và các nữ tu khác đang đi dạo trong vườn, thì bỗng nhiên linh hồn bà được cất đi. Người ta nghe bà nói:

“Vâng, con sẽ đi chung quanh chỗ này, con sẽ đi chung quanh chỗ này!”

Với những lời ấy, bà thánh cho phép Thiên thần Bản Mệnh của bà đưa bà đến Luyện ngục. Trong khi đó, các nữ tu khác đứng ngắm nhìn với vẻ ngưỡng phục. Cùng lúc, họ kinh hoảng khi thấy bà thánh bước vào cuộc hành trình đau đớn ấy. Khi cuộc ngất trí hoàn tất, bà đã kể lại một bài viết xuất sắc về Luyện ngục.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, người ta thấy bà cứ đi chung quanh một khu vườn rộng lớn của tu viện, thỉnh thoảng, bà ngừng lại và chăm chú nhìn một điều gì đó mà Thiên Thần Bản Mệnh chỉ cho bà. Mặt bà trở nên xanh mét, và bà thường giơ tay ra tỏ ý thương hại cho những ai mà bà thấy. Bà tỏ lộ cảm tưởng đau khổ và kinh hãi, đến nỗi các nữ tu đang theo dõi bà cũng cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, các nữ tu tiếp tục theo dõi và lắng nghe chăm chú khi bà ta thán về những sụ kinh khủng và sự đau lòng của bà. Họ nghe bà la lên:

“Ôi, đau khổ quá! Lạy Chúa, xin hãy thương xót. Xin Chúa thương xót, Xin Máu Thánh Cực Châu Báu của Đấng Cứu Thế hãy đổ xuống trên các linh hồn tội nghiệp này, và xin giải thoát ho khỏi nỗi thống khổ này. Ôi các linh hồn đáng thương, các ngài đau đớn quá. Tuy vậy, tôi thấy các ngài hạnh phúc và vui lòng ngay giữa những cơn khốn khổ ấy. Tuy nhiên, còn có các linh hồn khác đau đớn hơn.”

Bà than van tiếp:

“Làm cách nào mà tôi không thể nhìn đến các linh hồn ở gần tôi được?”

Rồi vì đức vâng lời, bà bước xuống sâu hơn trong hố thẳm. Sau khi đi được vài bước, bà đột nhiên đứng lại, run rẩy và sợ hãi. Bà khóc lớn lên:

” Cái gì đây? Các linh mục và tu sĩ mà phải ở nơi đáng sợ này sao? Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, các ngài bị hành hạ nhiều đến thế sao? ”

Sự run rẩy và cái nhìn lộ vẻ khiếp sợ của bà làm cho những ai hiện diện hiểu được tầm mức thống khổ mà bà đang trải qua trong giây phút ấy.

Khi ra khỏi nơi mà các tu sĩ bị giam cầm, bà đi lang thang đến một nơi bớt đau đớn hơn, nơi nhà giam của các linh hồn đơn sơ, đó là các trẻ thơ và những ai phạm tội vì sự ngu dốt. Tại đó, bà thấy không gì khác, ngoại trừ đá băng và lửa. Còn các linh hồn đi từ đá băng đến lửa và từ lửa đến đá băng. Bà nhận ra linh hồn của người em trai đã chết ít lâu trước, và bà la to lên:

“Tội nghiệp linh hồn của em trai tôi! Em đau khổ quá, dù vậy, em được an ủi. Em bị đốt cháy, nhưng em hạnh phúc, bởi vì những đau khổ này là con đường dẫn đến hạnh phúc.”

Rồi bà tiếp tục đi thêm vài bước nữa, mọi người theo dõi bà và hiểu rằng bà đang gặp các linh hồn không được hạnh phúc. Bà hét lên:

“Ôi, thật là khủng khiếp khi ở nơi này. Nơi đầy cả ma quỷ và đầy những sự hành hạ. Tôi có thể thấy các linh hồn bị đâm bởi các cây kim nhọn và bị xé ra từng mảnh.”

Lúc ấy, bà được biết đây là nơi giam giữ các linh hồn mà lúc còn sống hay muốn làm vui lòng kẻ khác và hay sống giả hình. Đi xa hơn, bà thấy một đám đông bị kéo ra khỏi một nơi, rồi các 1inh hồn ấy bị nghiền nát dưới một sức nặng lớn lao. Bà hiểu rằng đó là hình phạt dành cho các linh hồn thiếu nhẫn nại và không vâng lời. Khi bà nhìn ngắm các linh hồn ấy, bà đã diễn tả bằng mọi cử chỉ và bà thở dài với một tâm tình cảm thương.

Sau một hồi, bà cảm thấy đau khổ nên khóc thảm thiết. Sau đó bà bước vào nhà tù của những kẻ nói dối. Bà quan sát kỹ và nói lớn:

“Các người nói dối ở một nơi rất gần Hỏa ngục. Nỗi thống khổ của họ lớn lao vâ vô biên. Chất chì lỏng đổ vào miệng của họ, trong lúc ấy, họ ngập chìm trong môt hồ nước đá lạnh, để rồi họ bị cháy phỏng và lạnh cóng cùng một lúc.

Thế rồi bà đến một nhà tù ở đó đang giam cầm những linh hồn phạm tội vì sự nhu nhược, bà la lớn tiếng như sau:

“Than ôi, tôi đã sai lầm khi tin rằng qúy vị ở chung với những ai phạm tôi vì sự ngu muội, bởi vì tôi thấy qúy vị bị phỏng trong lửa nóng thiêu đốt.”

Một hồi sau, bà nhận thấy những linh hồn tham lam quá độ bị thiêu nóng chảy ra với chất chì trong lò thiêu. Rồi bà thánh tiếp tục đi mà không nói gì thêm nữa; nhưng đến cuối cuộc hành trình, người ta nghe tiếng khóc của bà:

“Ôi lạy Chúa, ý muốn tuyệt vời của Chúa là tiết lộ những nỗi thống khổ đáng sợ. Có lẽ Chúa muốn đáp lại ước muốn của con là được biết linh hồn của em trai của con đang ở đâu, hay là để khuyến khích con hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục. Vâng, con hiểu rồi. Chúa muốn con thấy để con có thể hiểu rõ hơn sự thanh khiết vô nhiễm của Ngài!”

Rồi bà đi ngang qua môt trại giam các linh hồn đầy cao vọng và kiêu ngạo, các 1inh hồn này đau đớn khủng khiếp trong sự đen tối mịt mùng. Bà nói:

“Ôi thật là khốn khổ! Các linh hồn này bị bắt buộc sống trong sự đen tối, bởi vì họ cố gắng hết sức để được nổi bật trong mắt của những người khác.”

Và rồi bà thấy các linh hồn của những người cứng lòng và vô ơn đối với Chúa. Họ không bao giờ biết yêu mến Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và là Cha của họ. Các linh hồn này bị chìm sâu trong cái hồ đầy chì lỏng. Họ phải chịu đau khổ vì họ biến suối nguồn ân sủng trở thành sự khô cằn, trơ trụi qua thái độ vô ơn của họ.

Cuối cùng, nhà tù cuối mà bà đi qua là nơi mà các linh hồn không có tội rõ ràng, nhưng chỉ có những tội nhỏ nhặt. Bà quan sát thấy các linh hồn phải đền trả cho những tội gì mà họ đã mắc phạm khi còn ở trần gian.

Sau 2 tiếng đồng hồ đau đớn khi viếng thăm luyện ngục, bà thánh trở về với thực tại, nhưng cơ thể yếu nhược và tinh thần sa sút trong một thời gian dài. Phải đợi rất lâu bà mới phục hồi sức khỏe và hoàn hồn, vì cảnh tượng kinh hoàng mà bà đã được chứng kiến với đôi mắt của bà.

Những cảm nghiệm về Luyện ngục mà bà thánh Mary Magdalen Dei Pazzi đã chứng kiến chỉ là một phần trong rất nhiều mặc khải của nhiều vị thánh trong giáo hội.


Bài 6: Thánh Padre Piô Luôn Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Cha Thánh Padre Pio luôn ban tình thương phụ tử cho các người hấp hối và người chết. Những linh hồn người chết thường hiện về với cha Padre Pio để xin ngài cầu nguyện cho họ sớm được lên Thiên Đàng. Có một số trường hợp mà cha Padre Pio hiện diện bên cạnh người hấp hối vì những người này có lòng mến mộ cha Thánh khi mà họ còn sống, bà Enedina Mori kể cho chúng ta một câu chuyện sau:

“Cha Padre Pio muốn chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi suốt ngày đêm để cứu giúp các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục được thêm ân xá. Lúc trước có những tràng hạt chuỗi Mân côi với các ân xá. Tôi bèn thưa với cha Padre Pio:

- Thưa cha, luôn luôn có những người cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi suốt ngày mà!

Ngài đáp:

- Những khi con mỏi mệt, con nên ngừng đọc một chút rồi lại bắt đầu đọc tiếp chứ!

Khi người em trai của bà Maria Pompilio qua đời, bà xin cha Padre Pio cầu bầu cho em trai bà và xin Chúa cho bà được nằm mơ thấy em mình, nhưng cha Padre Pio mắng bà:

“Chúng ta hãy sống trong thế giới thật đi, đừng nói đến các giấc mơ nữa!”

Tuy nhiên, bà Maria cứ năn nỉ cha mãi, cuối cùng, bà mơ thấy em trai về nói với bà rằng:

- Chị ơi, chị có biết là cha Padre Pio đã giúp đỡ em khi em hấp hối lâm tử không?

- Nhưng em ơi, chị đâu có thấy cha hiện diện bên giường bịnh của em?

- Em không thể nói cho chị biết, bởi vì lúc ấy em đang hấp hối, nhưng thật sự, cha Padre Pio hiện diện bên em cho đến khi Chúa phán xét em. Chúa truyền cho em phải chịu đền tội 11 năm ở luyện ngục, nhưng cha Padre Pio đã cầu bầu cho em nhiều lắm nên em chỉ còn ở luyện ngục có 1 năm thôi. Có nhiều sự nhiệm mầu trong cuộc sống của cha mà chúng ta sẽ được biết rõ khi ta sang thế giới bên kia!

Sáng hôm sau, bà Maria đi bộ từ ngoài phố đến nhà thờ. Lúc ấy, không có trạm xe buýt trong suốt 2 dặm đường. Khi cha Padre Pio nhìn thấy bà, ngài lên tiếng:

- Sao? Bà cảm thấy hạnh phúc rồi chứ?

- Thưa cha, cha đã làm gì vậy? Cha đi khắp nơi! Cha ở ngay trên trái đất mà rồi cha cũng ở trên Thiên Đàng !

- Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

- Thưa cha, em trai của con nói rằng…

Nhưng cha Padre Pio cắt ngang và nói:

- Đúng rồi, em của bà nói rằng sự nhiệm mầu của cuộc sống tôi sẽ chỉ được biết trên Thiên Đàng!

Xin tất cả mọi sự là để dành cho vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì các ân sủng dồi dào của Lòng Thương Xót Ngài đổ xuống trên chúng ta.

Vâng, Cha Thánh Padre Pio đã nói:

“Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

Như trong Thánh Kinh có kể câu chuyện các Thiên Thần đi lên xuống trên chiếc cầu thang của Tổ phụ Gia Cốp, cha Padre Pio đã ban ơn lành bằng lửa yêu mến và đền tội cho nhân loại bằng giá máu của ngài. Ai có thể hiểu nổi tình yêu mênh mông của cha Padre Pio? Ngài thường nói với chúng tôi là các con thiêng lieng của ngài rằng:

“Trái tim của cha nóng chảy còn hơn lửa mặt trời nhiệt đới. Trái tim cha ngọt ngào như tổ mật ong. Cha không sống với trái tim cha nữa, nhưng cha sống với trái tim của Thiên Chúa.”





Bài 7: Luyện Ngục: Người Do Thái Giáo Vẫn Được Cứu, Dù Chưa Có Phép Rửa Tộ

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đây là câu chuyện của gia đình bà Florence Ehrman, một người ngưỡng mộ cha Thánh Padre Pio:

“Năm 1965, ba tôi trở cơn bịnh nặng và nằm chờ chết. Tôi đã viết thư cho cha Padre Pio để xin ngài cầu bầu cho ba tôi sớm hết bịnh. Ba tôi vốn là một người chồng, một người cha tử tế và nhân hậu. Ông rất khiêm nhường và qủang đại. Ông tin tưởng mãnh liệt nơi Thiên Chúa và ông theo đạo Do Thái Giáo.

Sau đó, tôi nhận được thư hồi âm của cha Thánh Padre Pio, ngài hứa sẽ cầu nguyện cho ba tôi, và sẽ bảo vệ ba tôi.

Tháng 2 năm 1966, ba tôi qua đời, nhưng thật lạ lùng, tôi cảm thấy bình an và bình thản. Tôi lấy làm lạ vì tôi sống rất gần gũi ba tôi. Tôi yêu ba tôi nhiều hơn những người khác trong gia đình, nhưng có lẽ tôi yêu các con nhiều hơn ba. Từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thể chịu nổi nếu mà ba tôi ra đi.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu lo sợ không biết ba tôi có được ơn cứu độ hay không. Sở dĩ tôi sợ vì những người Công Giáo và Tin Lành thường nói rằng nếu muốn được ơn cứu độ thì phải qua bí tích rửa tội. Do đó, ý tưởng này bắt đầu dầy vò tôi, khiến tôi không còn sự bình an như trước nữa.

Vào tháng 10, năm 1967, tôi đến viếng vùng San Giovanni Rotondo, Ý để gặp cha Padre Pio lần thứ hai. Môt người bạn của tôi đề nghị tôi hãy viết những câu hỏi mà tôi có thể có, rồi bạn tôi sẽ đệ trình lá thư này cho cha Padre Pio.

Trong thư tôi kể lể về chuyện ba tôi chết đi mà không có phép rửa tội, nhưng ông là người rất tốt và dịu hiền. Về sau, tôi nhận được lá thư trả lời của cha Padre Pio như sau:

“Ông Julius Fine được ơn cứu độ, nhưng gia đình cần phải cầu nguyện nhiều cho linh hồn ông ấy. “

Thế là tôi lại cảm thấy bình an vì biết rằng ba tôi ở trong số các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Thật là cần thiết để cầu nguyện cho các linh hồn đang bị thanh tẩy, để nhờ lời cầu nguyện của chúng ta mà họ được lên Thiên Đàng. Lúc đó thì ta không cần phải cầu nguyện cho họ nữa. Nếu linh hồn rớt vào Hỏa ngục thì quá trễ để cầu nguyện. Trái tim tôi mừng vui và cảm động về phép lạ cứu độ. Chúa Thánh Linh đã ban ơn cho cha Padre Pio được biết để nói lời xác nhận. Tất cả chúng ta đều phải sợ hãi và run rẩy khi ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.



Bài 8: Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Của Các Đẳng Linh Hồn Ở Luyện Ngục

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Có nhiều giai thoại kể về việc Đức Mẹ Maria thường hay lui tới Luyện ngục để an ủi những linh hồn đau khổ ấy. Mỗi ngày thứ bảy là ngày đặc biệt, vì là ngày lễ biệt kính Đức Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ Thánh Thiện. Qua các mặc khải, các Thánh kể rằng ngày thứ bảy là ngày hội ở Luyện ngục, bởi vì Đức Mẹ xuống nơi ngục tù đáng thương ấy để thăm viếng và an ủi các tôi tớ trung thành và yêu mến Mẹ trong đời sống dương gian của họ.

LM Louvet kể như sau:

“Bậc Đáng Kính Nữ Tu Paola di Santa Teresa được ngất trí vào ngày thứ bảy, rồi bà được đưa vào Luyện ngục, nơi ấy, bà thấy sáng sủa như một ngày hội đặc biệt. Thế rồi, bà thánh được nhìn thấy Mẹ Maria đến và các thiên thần bao bọc chung quanh. Đức Mẹ ra lệnh cho các thiên thần hãy thả những linh hồn sùng kính Mẹ khi họ còn sống trên trần gian. Nếu cảnh nhộn nhịp này xẩy ra và các ngày thứ bảy ở Luyện ngục thì đến ngày lễ lớn kính Đức Mẹ còn lớn đến thế nào? Mẹ và các Thiên thần đem niềm vui đến cho Luyện ngục. Theo các thánh víêt kể lại thì ngày lễ huy hoàng nhất là ngày Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Thánh Phêrô Damian nói rằng mỗi năm, vào ngày lễ lớn này, Đức Trinh Nữ gỉai thoát hàng ngàn linh hồn khỏi Luyện ngục và đem họ đến niềm vui viên mãn muôn đời. Thánh nhân được thị kiến như sau:

Trong thời đại của Thánh Phêrô Damian thì tại Roma, người ta có thói quen đến viếng nhà thờ và cầm một ngọn nến, vào buổi tối trước lễ Mông Triệu ( Mẹ Lên Trời). Môt năm nọ, có một phụ nữ qúy tộc đang đi đền tội bằng hai đầu gối tại nhà thờ Đức Mẹ Aracoeli, trong thành phố Roma. Chợt bà ta thấy một phụ nữ đã chết mà nay hiện ra trước mắt bà. Bà nhận ra người đã chết từ năm ngoái ấy vốn là mẹ đỡ đầu của mình. Bà bèn đợi người quá cố nơi cửa nhà thờ để tìm lời giải thích thỏa đáng.

Bà nắm tay người phũ nữ kia, kéo đi ra cửa nhà thờ rồi hỏi:

- Thưa bà, bà có phải là mẹ đỡ đầu của con lúc con mới ra đời không?

- Đúng, tôi chính là người ấy!

- Nhưng làm sao mà bà lại có thể ở trong đám người còn sống? Bà đã chết cả năm nay rồi mà. Sự gì đã xẩy ra cho bà trong thế giới bên kia?

- Cho đến nay, tôi vẫn bị đốt cháy trong lửa, đau khổ vì các tội lỗi kiêu căng khi còn trẻ. Tuy nhiên, vì cứ mỗi ngày lễ lớn kính Đức Mẹ, thì Nữ Vương Thiên Đàng lại xuống lửa Luyện ngục, để giải thoát tôi và nhiều linh hồn khác, để cho phép chúng tôi bước vào Thiên Đàng trong đúng ngày lễ lớn của Mẹ. Cứ mỗi năm, Đức Mẹ Chúa Trời lại đổi mới phép lạ của Lòng Thương xót, và con số linh hồn được giải thoát lên đến hàng ngàn. Để tạ ơn Mẹ về hồng ân cao cả này, chúng tôi đi đến các nhà thờ được đặt tên của Mẹ. Nếu con chỉ thấy tôi thôi, nhưng tôi nói cho con biết, có rất nhiều các linh hồn cùng đi vào đây với tôi.”

Người phụ nữ tỏ vẻ không tin, thì linh hồn nói thêm:

- Để chứng tỏ đây là sự thật, tôi nói cho con biết chỉ còn một năm nữa, vào đúng ngày lễ này, con sẽ chết. Nếu thời gian đến mà con không chết thì xem như lời tôi nói cho con hôm nay chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng.

Thánh Phêrô kể thêm rằng người phụ nữ thánh thiện ấy trải qua một năm thực hành mọi việc đạo đức để chuẩn bị cho cái chết. Vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm sau, bà ấy đã chết.

Giáo hội nhận ra sự lãnh đạo của Nữ Vương, nên họ chăm sóc các linh hồn trong luyện ngục, an ủi, giúp đỡ họ cho đến khi họ được bước vào niềm vui của đời sống vĩnh hằng.

Còn người lãnh đạo nào tốt lành hơn là người mẹ hiền của Chúa Giêsu? Còn đường nào an toàn dẫn tới Bê Lem, Can-va-rê và sự Phục sinh bằng các chuỗi Kinh Mân Côi? Với Đức Mẹ, qua chuỗi kinh Mân Côi, chúng ta bước đi một cách an toàn trên con đường cứu độ. Đây là con đường lịch sử mà Công Đồng Vatican II khuyến khích.


Bài 9: Đức Mẹ Maria, Nơi Trú Ẩn An Toàn Của Kẻ Tội Lỗi

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Liệu một linh hồn sẽ ở một mình cô độc hay có ai chung quanh linh hồn ấy trong giờ phán xét. Có thể linh hồn ấy bị ma quỷ hiện diện để cám dỗ, cũng có thể linh hồn ấy được Đức Mẹ Maria cùng các thánh ở bên cạnh để cầu bầu cho. Khi nói về sự can thiệp của Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy nghe mặc khải của thánh Alphonso Liguori như sau:

“Một nữ tu thánh thiện tên là Nữ tu Catherine của Dòng Thánh Augustino có một thói quen đặc biệt là cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn mồ côi hay các lin hồn có liên hệ với sơ. Tuy nhiên, trong thành phố nơi Sơ Catherine ở có một người phụ nữ tội lỗi tên là Maria. Khi bà này chết, ai cũng nghĩ rằng bà ấy mất linh hồn. Vì thế, đám tang của bà có ít người tham dự để cầu nguyện cho bà. Chẳng những thế, sơ Catherine cũng không cầu nguyện cho linh hồn ấy, bởi vì sơ cũng nghĩ rằng bà ta xuống hỏa ngục rồi.

Bốn năm trôi qua. Môt ngày nọ, sơ Catherine thấy một linh hồn từ luyện ngục hiện về nói với sơ rằng:

- Thưa sơ Catherine, sơ luôn có thói quen thánh thiện là cầu nguyện cho các linh hồn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi với!

- Bà là ai?

- Tôi là Maria, người đã chết trong sự bỏ rơi của mọi người.

- Bà nói thế có nghĩa là gì? Bà cũng được ơn cứu độ à?

- Thưa vâng, tôi được ơn cứu độ nhờ vào lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria. Khi hấp hối, tôi biết rằng mình sẽ chết trong sự bỏ rơi của mọi người, nên tôi đã tha thiết cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Tôi nài xin Mẹ như sau:

“Lạy Nữ Vương của con! Mẹ là nơi trú ẩn của các kẻ tội lỗi và kẻ bị bỏ rơi. Xin Mẹ hãy nhìn đến tình trạng bơ vơ của con trong lúc này, và xin Mẹ hãy giúp đỡ con!”

Đức Trinh Nữ Thánh Thiện đã nghe tiếng tôi cầu nguyện và đến cứu giúp tôi. Mẹ ban cho tôi ơn ăn năn thống hối trọn vẹn để tôi được cứu thoát khi lâm tử. Và Đức Mẹ nhân từ giàu lòng thương xót còn ban thêm ơn cho tôi. Khi tôi đến trước tòa phán xét của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã xin Con của Mẹ một ơn khác để giảm bớt thời gian tôi phải đền trả nơi luyện ngục. Bởi vì công lý của Thiên Chúa không thể đi ngược lại với quyền lực của Ngài, nên tôi đau khổ nhiều lắm, hầu đền bù lại những tội lỗi tôi đã phạm. Lúc này đây, tôi rất cần thêm các thánh lễ để được giải thoát. Khi linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tôi, thì sự thống khổ được giảm thiểu. Xin sơ hãy thương xót tôi và xin lễ cầu nguyện cho tôi. Tôi hứa sẽ không ngừng cầu nguyện với Chúa và Đức Nữ Đồng Trinh Thánh thiện cho sơ.”

Sơ Catherine vội vàng xin lễ cầu cho linh hồn bà Maria ấy, và vài ngày sau, sơ thấy linh hồn này bay lên Thiên Đàng, trước đó bà đến cảm ơn sơ đã vì lòng bác ái mà xin lễ cầu cho linh hồn bà.

Đức Mẹ quả thật là nơi trú ẩn của các người tội lỗi. Cha thánh Padre Pio dư biết điều này. Có nhiều câu chuyện kể lại mối liên hệ giữa cha và Đức Mẹ. Trong một lá thư, cha Padre PIo đã viết như sau:

“Mẹ yêu dấu, sao Mẹ thương con nhiều thế? Con cảm nhận được tình yêu của Mẹ một lần nữa vào buổi bình minh của tháng Năm. Mẹ đã âu yếm đi cùng với con lên bàn thánh vào sáng hôm ấy. Con có cảm tưởng rằng Mẹ chỉ nghĩ đến con mà thôi. Mẹ đổ tràn đầy trong trái tim con với tình yêu thánh thiện của Mẹ…Con ước ao có một giọng nói mạnh mẽ đủ để mời gọi những kẻ tội lỗi của thế giới hãy yêu mến Mẹ. Nhưng điều này không ở trong quyền năng của con, con đang cầu nguyện và sẽ cầu nguyện với thiên thần của con để ngài thi hành nhiệm vụ ấy giúp cho con.”

Đức Mẹ Maria đã nói với Thánh Brigid rằng Mẹ là Nữ Vương và Mẹ của những ai ở nơi đền tội. Lời cầu bầu của Mẹ làm giảm bớt nỗi thống khổ của họ rất nhiều. Cha Louvet nói:

“Trong sự hiện diện của Đức Mẹ, nơi đáng sợ ấy trở nên một nơi huy hoàng, đặc biệt cho những ai khi còn sống mà có lòng hâm mộ và sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Còn những ai đeo áo Đức Bà trong suốt cuộc đời thì Mẹ hứa rằng vào thứ bảy đầu tiên, sau khi họ chết thì Mẹ sẽ xuống luyện ngục mà giải thoát họ khỏi nơi đau khổ ấy.

Vậy chúng ta hãy bắt chước cha Thánh Padre Pio, yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện liên tục cho các linh hồn ở luyện ngục được sớm giải thoát. Đó là điều làm cho Mẹ vui lòng hơn hết.




________________________________________
Bài 10: Luyện Ngục: Các Linh Mục Đền Tội Lâu Hơn Các Giáo Dân

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sau đây là câu chuyện của bà Carmela Marocchino nói về ngừơi anh của bà là Linh mục Vittore. Vị linh mục này mất ngày 29 tháng 1 năm 1958. Bà kể lại chuyện và hỏi thăm cha Padre Pio về tình trạng linh hồn của anh bà:

Mặc dù tôi luôn tuân theo Thánh ý của Chúa, nhưng tôi băn khoăn về tình trạng linh hồn của anh tôi, bởi vì anh của tôi chết bất thình lình. Sau khi anh tôi qua đời, tôi khóc thảm thiết, và cha Padre Pio cũng khóc nữa. Tôi hỏi cha Pio:

- Thưa cha, tại sao Chúa lại chọn anh của con?

- Con có biết Chúa Giêsu làm gì với anh của con không? Chúa Giêsu vào trong vườn hoa, ở đó có nhiều đóá hoa, nhưng có một đoá hoa đẹp hơn những hoa khác. Ngài liền bước đến bên đóa hoa ấy và ngắt đi. Đó là điều Chúa Giêsu làm với anh của con.

- Thưa cha, anh con có được ơn cứu độ không?

- Được, nhưng chúng ta phải cầu nguyện cho ngài.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 1958, ngày lễ quan thầy của anh tôi. Tôi hy vọng anh đã được ở Thiên đàng rồi, trong tòa giải tội, tôi bèn hỏi cha Padre Pio xem anh tôi đã ở Thiên đàng chưa, ngài đáp:

- Con biết không? Các linh mục chúng tôi có nhiều trách nhiệm hơn trước Tòa Chúa, và khi chúng tôi xuất hiện trước Nhan Ngài, chúng tôi rất sợ hãi và run rẩy. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện.

Vào ngày 28 tháng 12 năm 1958, trong ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, tôi đến xưng tội. Đến lúc cuối, cha Pio hỏi xem tôi còn tội gì khác để xưng thú nữa không, nên tôi hỏi ngài:

- Thưa cha, cha biết hết mọi sự mà Chúa mặc khải cho cha. Xin cha cho con biết là anh của con là cha Vittore đang ở đâu?

- Ngài đang ở trên Thiên Đàng rồi.

Tôi rất vui mừng, mặc dù anh của tôi là linh mục và là môn sinh của cha Pio, vậy mà anh tôi phải ở Luyện ngục đến 11 tháng, bởi vì trách nhiệm của anh tôi đối với các linh hồn mà anh hướng dẫn.

Vào một dịp khác, tôi hỏi cha Padre Pio nếu tôi có cần phải cầu nguyện cho cha mẹ tôi khi họ đã chết lâu rồi, và ngài đáp:

“Ngay cả khi cha mẹ của con đã ở Thiên Đàng rồi, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện. Nếu họ không cần lời cầu nguyện nữa thì các lời cầu nguyện ấy vẫn được chỉ cho các linh hồn khác.

Bài 11: Sự Thông Công Giữa Các Thánh, Các Linh Hồn Và Loài Người Ở Trần Gian

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sự hiệp thông giữa các thánh gồm có tất cả những ai sống trên trái đất, các thánh trên Thiên Đàng và các linh hồn dưới luyện ngục. Ba Hội Thánh Chiến Đấu, Khải Hòan, và Đau Khổ kết hợp thành một gia đình lớn, và hiệp thông với nhau một cách đặc biệt. Vì thế, sự thống khổ và niềm vui của một người cũng là của tất cả mọi người. Sự khải hoàn của các thánh, sự đau khổ của các linh hồn và sự thử thách của các người còn sống trên thế gian là điều kinh nghiệm của mọi người. Khi chúng ta ở thế gian vui mừng khi nghĩ về các thánh, và buồn cho các linh hồn ở luyện ngục, thì các ngài, dù ở trên Trời hay còn ở luyện tôi, cũng đều lo lắng cho số phận của chúng ta trên trần thế. Các ngài thấy và biết rõ các nguy hiểm mà chúng ta đang sống.

Các linh hồn ở Luyện ngục tham dự vào niềm vui huynh đệ với các thánh trên Thiên Đàng, và họ cảm ơn các việc lành thánh mà chúng ta làm để dâng hiến cho họ được sớm giải thoát. Họ xem chúng ta là những ân nhân của họ. Khi từ lửa luyện ngục, họ nhìn lên Thiên Đàng và thấy các thánh đang hạnh phúc, thì họ nghĩ rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ được hạnh phúc như thế. Các linh hồn ở Luyện ngục cũng biết rằng họ có các bạn hữu trên Thiên Đàng đang cầu bầu cho họ trước Ngai Tòa của Chúa. Do đó, sự liên hệ đặc biệt giữa các linh hồn ở Luyện ngục, với nhân loại trên trần gian, và với các thánh nơi Thiên Đàng, không bị quên lãng.

Chúng ta đừng quên các Thiên Thần, vì dĩ nhiên, các ngài rất chăm sóc cho các linh hồn ở Luyẹn ngục. Nhiều linh hồn phú thác cho các Thiên Thần của Chúa. Các Thiên Thần cho rằng sứ mệnh của họ chưa chấm dứt cho đến khi nào họ đem được các linh hồn lên Thiên Đàng. Toàn thể các Thiên Thần luôn chú ý đến những linh hồn khi còn sống mà biết tôn kính các ngài.

Nghi lễ cho ngày lễ kính Thánh Micae cho ta biết rằng ngài đã được Chúa chỉ định cho việc nhận các linh hồn vào Thiên Đàng, khi họ rời Luyện ngục. Do đó, Thánh Micae như là một vị Hoàng tử của vương quốc thống khổ. Ngài có lòng trắc ẩn với các linh hồn này, và Ngài tiếp tục cầu bầu cho các linh hồn ấy.

Thánh Frances thành Roma rất vui thích khi nói đến các Thiên Thần chăm lo cho mọi người trong suốt đời sống của họ. Bà nói rằng:

” Khi một người chết, tùy theo mức độ công trạng của họ, vị Thiên thần Bản mệnh dẫn đưa người ấy tới phần sâu của Luyện ngục, và ở lại bên phía tay phải của người ấy, trong khi ma quỷ ở phía tay trái người ấy. Thiên Thần dâng lên Chúa Giêsu các lời cầu nguyện để cầu bầu cho linh hồn ấy được giảm bớt sự đau đớn. Trong khi ấy, ma quỷ thì chịu sự điều khiển của Lucifer, nên bị hành hạ một cách đặc biệt vì không thể dụ dỗ linh hồn ấy vào Hỏa ngục. Khi giờ đền tội của một linh hồn đã hoàn tất, người ấy được chuyển qua một nơi chốn cao hơn, và ma quỷ rời linh hồn ấy để trở về với đồng bọn của hắn, những tên ma quỷ khác sẽ chỉ trích hắn vì hắn đã thất bại trong việc dụ dỗ linh hồn ấy.

Như vậy, các Thiên Thần Bản Mệnh thăm viếng các linh hồn nơi Luyện ngục và cầu bầu cho họ trước Tòa Chúa.

Trong chuyến thăm viếng Luyện nguc dài 2 tiếng đồng hồ của Thánh Nữ Mary Magdalen Dei Pazzi, bà thánh đến thăm một nhà tù mà người ta phạm tội vì sự ngu dốt hay yếu kém, và bà thấy các Thiên Thần Bản Mệnh của các linh hồn ấy ở ngay bên cạnh họ để an ủi.

Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque cũng vậy, trong khi bà bị bịnh, Thiên Thần Bản Mệnh của bà mời bà đến thăm Luyện ngục với Ngài. Ngài đưa bà đến một nơi rộng lớn đầy những lửa và than đá. Tại đó, Ngài cho bà thánh thấy rất nhiều linh hồn trong hình dáng con người, đang giơ tay ra để cầu xin lòng thương xót, và bên cạnh họ là các Thiên Thần Bản Mệnh đang an ủi họ với những lời yêu thương.

Các mặc khải trên đây đúng theo lời giảng dạy về Thần Học và hợp với đại đa số các Tiến sĩ Hội Thánh. Các ngài nói rằng các Thiên Thần Bản Mệnh đưa các linh hồn vào Luyện ngục, và để cho họ liên lạc với chúng ta, linh hứng để ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy, và rồi báo tin cho các linh hồn xem ai là người cầu bầu cho họ. Khi thời kỳ đền tội đã hoàn tất, các Thiên thần đưa họ lên Thiên Đàng và đến với chúng ta để báo cho ta biết về sự giải phóng của họ. Chúng ta đoan chắc rằng các Thiên Thần hành động như người trung gian giữa Luyện ngục và Trần gian.

Ngoài ra, các Thiên Thần còn là người trung gian giữa Luyện ngục và Thiên Đàng. Chúng ta đã nhắc đến việc họ dâng lên Chúa các lời nguyện và sư hy sinh mà chúng ta dâng lên để cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, và các ngài đem những an ủi mà Chúa ban đến cho các linh hồn.

Mỗi khi Chúa hay Đức Mẹ Maria ngự xuống Luyện ngục thì đều có các Thiên thần bao quanh, sự huy hoàng và sáng láng của các Ngài đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các linh hồn ấy. Nếu các Thiên Thần đã chăm sóc cho các linh hồn ấy khi ở trần gian, tại sao lại không chăm lo cho họ trong thời gian họ ở trong Luyện ngục chứ?

Để kết luận, và để hiểu rõ sự lưu tâm của các Thiên thần ở trong Luyện ngục, chúng tôi kể một câu chuyện do nhà văn Rossignoli kể trong tác phẩm của ông:

“Trong tu viện của Thánh Catherine ở vùng Naples, các tu sĩ có thói quen đạo đức là đọc kinh chiều cho các linh hồn vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ. Như vậy, trước khi nghỉ ngơi, người tu sĩ có thể đem lại chút ủi an cho các linh hồn. Một tối kia, các nữ tu vì quá mỏi mệt vì làm lao động mệt nhoài, nên họ không đọc kinh chiều cầu cho các linh hồn. Do đó, một ca đoàn Thiên Thần từ Thiên Đàng đi xuống và bắt đầu đọc kinh chiều cho các linh hồn trong cung ca đoàn của tu viện. Nhờ vậy, các linh hồn không lo buồn vì sự thiếu kinh nguyện. Như vậy chúng ta có cần thêm chứng từ nữa không?

Vậy chúng ta hãy luôn nhớ rằng niềm vui và hạnh phúc của các thánh, sự đau đớn và thống khổ của các linh hồn ở Luyện ngục và các thử thách và phiền muộn của các người đang sống ở thế gian đều hợp thông với nhau. Các thánh ở trên Thiên Đàng rất cảm động khi nhìn thấy sự nguy hiểm mà loài người trên trần gian phải đi qua, và các ngài nhìn xuống Luyện ngục với lòng thương xót và trắc ẩn. Họ cầu bầu cho các anh chị em của họ sớm hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng. Còn các linh hồn thì cảm ơn các ân nhân ở trần gian, và ngước mắt lên trời để chiêm ngắm các thánh đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Họ vui mừng và đầy hy vọng khi biết rằng lời cầu bầu của các anh chị em trên trời cũng như trên thế gian sẽ giúp rút ngắn thời gian thống khổ. Thật là một tương quan đẹp đẽ và thân thiện giữa Luyện ngục, Thiên Đàng và Trần gian, và đó chính là di sản quý báu và đẹp đẽ của Giáo hội Công giáo.


Bài 12: Vị Cố Linh Mục Chánh Xứ Hiện Về Đền Tội

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Tại thành phố Pietrelcina, Ý Đại Lợi vào sau năm 1910, cha Thánh Padre Pio được thụ phong linh mục bởi tay của Đức Giám mục Schinosi ở Benevento. Vì sức khỏe của cha Pio yếu kém nên ngài phải vâng lời Bề trên để ở lại Pietrelcina. Ai cũng hy vọng rằng với không khí trong lành, với sự săn sóc của mẹ ngài, và với sự tự do khỏi vướng bận những lo lắng của đời sống cộng đoàn thì cha Pio mạnh khỏe hơn.

Vị cha xứ tên là Giovanni Caporaso đã qua đời ít lâu nay. Vị cha xứ mới là cha Don Salvatore Pannullo đến thay thế. Ngài vốn là thầy dạy môn Thần Học của cha Padre Pio. Mỗi ngày, vị linh mục mới là cha Pio đều đến nhà thờ của giáo xứ để cử hành Thánh lễ. Ngay từ khởi đầu, các thánh lễ của cha Padre Pio cử hành đều mang sắc thái khác biệt.

Ngày ấy chưa có phòng Thánh. Vì thế vị linh mục thường mặc áo lễ sau bàn thờ. Một vài lần, cha Padre Pio mặc áo lễ ngay sau bàn thờ. Nhưng sau đó, cha xứ Don Salvatore chuẩn bị một bàn nhỏ ở bên cạnh bàn thờ chính. Ngài đặt các vật dụng cần thiết cho Thánh lễ trên bàn nhỏ ấy và dặn cha Padre Pio hãy mặc áo lễ bên cạnh bàn nhỏ, thay vì sau bàn thờ.

Cha Padre Pio vâng lời với sự đơn sơ thánh thiện. Sau đó, ngài hỏi lý do tại sao lại phải mặc áo lễ ở chỗ mới thì cha xứ Don Salvatore nói rằng rất nhiều lần, trong thánh lễ do cha Padre Pio cử hành thì cha Don Salvatore thấy vị linh mục qúa cố Caporaso hiện về, quỳ nơi hàng ghế sau bàn thờ. Ngài qùy và tham dự thánh lễ sốt sắng rồi biến đi.

Người ta cũng còn thấy cha xứ Caporaso hiện về qùy trong nhà thờ nhỏ tên Thánh Pio Tử Đạo, trong một lâu đài. Khi ông trùm đến rung chuông nơi nhà thờ chính vào mỗi buổi sáng thì bà vợ của ông ta đến rung chuông ở ngôi nhà thờ nhỏ ở trong lâu đài. Bà này chuẩn bị mọi sự trên bàn thờ môt cách chu đáo và tươm tất. Khi vừa đi về thì bà gặp cố linh mục Caporaso đang qùy trên các bậc thang ở cung thánh và sốt sắng cầu nguyện. Không tin vào đôi mắt mình, bà dụi mắt vì nghĩ rằng mình đang buồn ngủ. Rồi bà nhìn ngắm lần nữa.Đúng là ngài rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!

Bà ta bèn chạy ù té ra khỏi nhà thơ nhỏ, tim bà đập thình thịch. Vẻ mặt xanh mét, bà chạy đến nhà thờ chính để kể lại cho chồng nghe. Ông linh cảm có một điều gì ghê gớm đã xẩy ra cho vợ. Bà vợ kêu lên:

- Nè, nè, em không đến nơi nhà thờ nhỏ nữa đâu. Từ nay anh liệu mà sang bên ấy rung chuông đi nhé!

- Tại sao vậy?

- Bởi vì em vừa nhìn thấy ông cha xứ đã chết mà nay lại trở về trước bàn thờ, ông ấy làm cho em sợ mất vía đi thôi!

Thật ra, chính cha Padre Pio cũng đã thấy vị linh mục qùy cầu nguyện ở đó, nhưng ngài chỉ nhìn thấy phía đàng sau nên không biết là ai cả.

Việc hiện ra của cha Caporaso kéo dài khoảng 1 tháng. Vào lần cuối, cha quá cố nói với cha xứ như sau:

” Cha Salvatore ơi, tôi đi đây, và tôi sẽ không trở về nữa. Thật là khủng khiếp cho tôi, và tôi phải trả giá đắt khi xong Thánh lễ mà không tạ ơn Chúa, mà cứ đi thẳng một mạch.”

Lời nói này làm gương cho cha xứ mới. Cha xứ quá cố là một vị linh mục thật thà và công chính, chỉ vì không tạ ơn Chúa sau Thánh lễ và vội vàng đi chơi với bạn bè nên ngài phải đền tội. Lời cầu nguyện của cha Thánh Padre Pio rất hữu ích cho cha xứ quá cố. Nhờ vậy mà ngài được giải thoát khỏi Luyện ngục.








________________________________________
Bài 16: Với Thiên Chúa, Không Có Quá Khứ Hay Tương Lai

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Vào cuối năm 1949, một vị bác sĩ quen thân với cha Padre Pio nhận được lá thư của một bà mẹ có con gái đau nặng. Bà mẹ xin cha Padre Pio cầu nguyện cho con gái của bà sớm bình phục. Vị bác sĩ thông cảm nỗi lòng người mẹ nên ông vội đi tìm cha Pio. Ông nói:

-Thưa cha Pio, con có môt lá thư mà người ta xin cha cầu nguyện. Con đọc thư cho cha nhé?

Cha Pio đáp:

-Bác sĩ có thể đọc cho tôi sau được không? Bây giờ tôi rất bận.

Tuy nhiên, lá thư ấy không được đọc sớm. Vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, vị bác sĩ phải rời San Giovanni Rotondo bởi có chuyện gấp trong gia đình. Khi trở lại, vị bác sĩ thấy lá thư ấy vẫn còn nằm trên chiếc bàn của phòng giải phẫu. Ông tự nhủ:

-Tội nghiệp cho bà mẹ này, tôi phải nói chuyện cho cha Pio vào tối nay thôi!

Thế là chiều hôm đó, vị bác sĩ vào phòng của cha Pio và đọc thư cho cha nghe. Đọc xong, ông ta hỏi cha Pio:

-Thưa cha, bây giờ con phải nói thế nào đây?

Cha Pio đáp:

-Hãy nói: “Xin vâng!”

-Cha nói cái gì?

-Tôi nói: “Hãy xin vâng!”

Lúc ấy, cô bé bịnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, vị bác sĩ biết rằng thời gian đã trôi qua từ lâu, có lẽ chậm mất rồi, nếu có cầu nguyện bây giờ thì cũng vô ích thôi. Nhưng cha Pio hiểu ông ta nghĩ gì nên cha nói tiếp:

-Có lẽ ông không hiểu rằng: bây giờ, tôi có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi có một cái chết hạnh phúc.

-Nhưng ông cố nội của cha đã chết từ nhiều năm về trước rồi mà!

-Tôi biết chứ, nhưng bây giờ, tôi vẫn có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi chết trong hạnh phúc. Để tôi giải thích cho ông rõ hơn. Ví dụ ông và tôi cùng chết, qua sự may mắn, và qua lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ, chúng ta phải đền tội trong luyện ngục 100 năm. Trong những năm này, không ai còn nhớ đến chúng ta để mà xin Thánh lễ cầu nguyện cho chúng ta hay đọc kinh đền tội cho ta. Ai cũng nghĩ rằng cha Padre Pio và ông bác sĩ đã chết lâu lắm rồi, họ đã xin lễ cho chúng ta rồi. Nhưng đối với Thiên Chúa thì quá khứ và tương lai không hiện hữu. Tất cả đều là hiện tại vĩnh cửu. Các lời cầu nguyện được nhậm lời. Vậy tôi xin lập lại, bây giờ tôi vẫn có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố nội tôi!

Câu chuyện ngừng lại ở đó, rồi vị bác sĩ ra về. Đến nhà, vợ bác sĩ trao cho chồng một lá thư khác của bà mẹ cô bé bị bịnh. Bà cám ơn bác sĩ và cha Padre Pio vì con bà đã có dấu hiệu bình phục.

Hôm sau, bác sĩ lại đưa lá thư cho cha Padre Pio, cha mỉm cười:

- Hãy xin vâng nhé. Ông tưởng Thiên Chúa cần đến các thủ tục hành chánh như loài người ư? Chẳng lẽ người ta cần phải viết thư trên giấy để nhờ cha Pio xin ơn Chúa sao?

Trên đây quả thật là một câu chuyện làm cho mọi người phấn chấn tinh thần. Môt điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục, cho dù họ đã chết rất lâu rồi, bởi vì với Thiên Chúa sẽ không có quá khứ hay tương lai, mà tất cả chỉ là hiện tại vĩnh cửu mà thôi.



Bài 17: Lời Chúc Bình An

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một người bạn của LM Alessio Parente là ông Vincenzo Mercurio đã kể cho cha Parente câu chuyện về người cha của ông ta như sau:

“Lúc tôi còn thơ ấu thì ba tôi thường làm công tác đạo đức. Ông hay rủ tôi cùng đi với ông, và tôi rất hân hoan được đi với ba tôi. Cha con tôi thường cùng nhau thức dậy sớm để đến nghĩa địa cầu nguyện cho người chết. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, ông dành ra 2 tiếng đồng hồ để thăm viếng mộ phần của người chết. Mỗi ngày Chúa nhật, ba tôi thường đọc kinh Cầu hồn trong nhà nguyện, trước Thánh Thể Chúa.

Trong các buổi sáng ấy, chúng tôi dậy rất sớm bởi vì ba tôi phải về nhà để đi làm trước 8 giờ sáng. Ba tôi có thói quen ở trong nhà thờ khoảng 1 tiếng rưỡi để cầu nguyện. Chúng tôi phải đi bộ khoảng chừng 40 phút. Lúc ấy, tôi không thể hiểu được tại sao ba tôi lại dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho các linh hồn nơi nghĩa địa như thế. Rất nhiều lần, ba tôi phải đánh thức người gác cửa nghĩa địa để ông ta mở cửa sớm. Ba tôi thường đến viếng mộ của ba má ông, của thân nhân và bạn bè ông. Thế rồi ông đến nhà nguyện để cầu hồn cho người chết cùng với các người khác, rồi ông phụ giúp lễ buổi sáng. Ba tôi luôn chăm sóc cho các linh hồn và thăm hỏi họ rất ân cần.

Một hôm, vào ngày Tết Dương lịch, ba tôi cảm thấy thoải mái khi đi thăm mộ vì ông không phải vội vàng về đi làm. Thế là cha con tôi đến nhà nguyện dành cho Đức Me. Sau khi cầu nguyện xong, ông chào các linh hồn: “Chúc qúy vị bình an!” Ngay tức khắc, tôi nghe một giọng nói của trẻ thơ vọng trả lời:

“Chúc ba bình an!”

Tôi tò mò hỏi ba tôi xem giọng nói ấy là của ai vậy? Ba tôi đáp:

-Đó là tiếng của em trai con thay mặt cho các linh hồn để trả lời ba. Con có biết rằng các thân nhân của chúng ta đều được chôn ở trong nhà nguyện ấy không?

Lúc đó, tôi mới biết rằng đại gia đình tôi được chôn trong nhà nguyện. Tôi có thể kể cách chính xác nơi phát xuất ra giọng nói đáp lời ba của tôi, dù rằng nơi ấy giờ chỉ còn xương người chết mà thôi. Sau đó, chúng tôi đến các mộ phần khác ở trong nhà nguyện chính. Tôi không còn nghĩ đến giọng nói của trẻ thơ kia. Nhưng khi ba tôi nói lời chúc bình an thì tôi lại nghe một giọng nói của bà cụ già đáp lại:

“Chúc ông bình an!”

Tôi nói với ba tôi là tôi vừa nghe lời chúc của một bà cụ già, ba tôi nói chuyện một cách thản nhiên:

-Ồ, đó là giọng nói của một người nghèo trong gia tộc mình. Các người này nghèo nên họ không thể mua nổi một nấm mộ riêng, vì thế họ được chôn chung ở chỗ này. Câu chuyên này được xem như bình thường, vì thế ba tôi và tôi không kể lại cho gia đình nghe. Câu chuyện này chỉ trở lại trong ký ức của tôi khi mà tôi trở lại với niềm tin Công giáo để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, và qua sự hướng dẫn của cha Thánh Padre Pio.

Các linh hồn Thánh thiện cho phép ba tôi chăm sóc cho họ, và họ cũng bảo vệ ba tôi. Ba tôi biết điều ấy, và ông rất mang ơn các linh hồn. Ông đối xử với các linh hồn như họ là người thân trong gia đình ông. Ba tôi mong ước được trở thành người canh cửa nghĩa địa.

Với niềm tin tưởng, tôi kể lại câu chuyện sau đây:

Một buổi sáng sớm kia, khi ba tôi đang chờ đợi người canh cửa nghĩa địa mở cửa cho ông vào, vì cửa còn đóng kín. Ông thấy nhà nguyện chính được thắp sáng bởi một luồng ánh sáng tuyệt vời. Vì ba tôi siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn nên ông không hỏi người canh cửa nghĩa địa về bất cứ điều gì. Trong thâm tâm, ba nghĩ rằng ông kia đến nhà nguyện trước để chuẩn bị cho Thánh lễ và cho việc cầu hồn.

Thế rồi ba tôi đến thăm từng mộ phần, và các phần mộ chôn chung khác. Nhưng khi ba tôi đến nhà nguyện chính thì nơi đây vẫn còn đóng kín cửa. Ba tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nguyện chính chưa hề được mở cửa. Thế mà ba tôi đã chính mắt nhìn thấy vào nửa giờ trước đó, một luồng ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng như là đã có một Thánh lễ vĩ đại xẩy ra ở nơi ấy.


Bài 18: Thân Phụ Của Cha Thánh Padre Pio Nhìn Thấy Hai Linh Hồn Về
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Linh mục Francesco Napolitano kể cho chúng tôi câu chuyện sau đây:

Vào năm 1928, cha của Cha Thánh Padre Pio là Ông Orazio thường đến thăm con trai ở vùng San Giovanni Rotondo trong một vài ngày. Một buổi tối kia, sau bữa cơm tối, ông Orazio chào con và các tu sĩ khác để lên lầu ngủ. Căn phòng đựơc giao cho ông nằm trên lầu 1, và là phòng số 10. Lên đến nơi, ông Orazio ngạc nhiên khi thấy hai tu sĩ đứng ngay trước cửa phòng của ông và không cho ông vào phòng.

Ông Orazio thấy đó là hai tu sĩ lạ mặt, và có lẽ họ đi lộn phòng. Lúc ấy, các tu sĩ thường đến thăm viếng cha Padre Pio để xin ngài ban phép lành cho. Ông lịch sự giải thích rằng đây là phòng được dành riêng cho ông, xin họ cho phép ông đi vào. Nhưng vô ích, ông lập lại câu nói vài lần nữa nhưng hai người kia không trả lời. Cảm thấy khó chịu, ông dùng hết sức lực để bước vào phòng. Ông còn cho họ biết rằng đây chỉ cómột giường, chứ không có hai giường.

Khi ông cố gắng vượt qua hai tu sĩ thì họ bổng biến mất. Quá hoảng sợ, ông vội chạy đi tìm con là cha Thánh Padre Pio để kể cho con nghe. Cha Padre Pio hiểu ngay câu chuyện. Ngài bèn quàng tay qua vai cha mình và dùng lời lẽ để trấn an và khuyến khích cha đi ngủ.

Khi thấy cha lấy lại sự bình tĩnh, cha Pio nói với cha mình:

-Thưa ba, đó là hai vị tu sĩ đang ở luyện ngục. Họ phải làm việc đền tội ở chỗ mà họ đã phạm lề luật của thánh Phanxico. Xin ba yên tâm và đi ngủ trong sự bình an, bởi vì họ sẽ không đến làm phiền ba nữa đâu!

Thế rồi, cha Padre Pio đưa cha mình lên phòng số 10 và ngồi đợi cho đến khi người cha lên giường. Ngài chào cha và trở lại phòng mình.

Có lẽ người đọc tưởng rằng bất cứ linh hồn nào cũng có thể hiện về với người sống phải không? Không phải như thế đâu. Một người chết không thể trở về, nếu như Chúa không cho phép, bởi vì người chết không có quyền trên thân xác vật chất của mình nữa. “Chúa có thể cho phép linh hồn của người tín hữu trở về với người sống vì một mục đích hữu ích, và chủ yếu là biểu lộ sự thật.”

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, linh hồn người chết, qua lòng thương xót vô biên và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, thì có thể hiện về với người sống. Chúng ta có lời của cha Padre Pio, của các thánh, và những người đạo đức khác.





________________________________________
Bài 19: Linh Hồn Các Binh Sĩ Về Cảm Ơn Cha Thánh Padre Pio

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Trong đời cha Padre Pio có nhiều sự lạ xẩy ra, chẳng hạn như khi các linh hồn về cảm ơn cha vì cha đã cầu nguyện cho họ. Câu chuyện này xẩy ra khi có Đại Chiến thứ hai.

Một buổi tối nọ, sau bữa cơm chiều, tu viện đã đóng cửa, nhưng các tu sĩ đều nghe tiếng hoan hô vọng đến từ phiá dưới thang lầu: “Hoan hô cha Padre Pio!”

Lúc ấy cha bề trên là LM Raffaele gọi tu sĩ gác cửa là thầy Gerardo và bảo thầy hãy xuống cầu thang mà đuổi những ai dám xông vào hành lang dưới nhà. Thầy Gerardo vâng lòi đi xuống. Tuy nhiên, khi đến hành lang, thầy thấy tất cả chìm trong bóng tối, cửa chính đóng kín, còn có hai thanh sắt cài ngang. Thầy liền báo cáo sự thật lên cha bề trên. Sáng hôm sau, cha bề trên gọi cha Padre Pio đến để giải thích tại sao lại có sự kiện lạ lùng ấy. Cha Padre Pio nói rằng những tiếng hoan hô đó là của những binh sĩ đã chết nhưng họ đến để cảm ơn ngài đã thường cầu nguyện cho họ.

Trong các trường hợp lạ lùng như vậy, cha Padre Pio luôn khiêm nhường và trầm tĩnh. Ngài ít khi nào kể chuyện lạ lùng này, nếu như cha bề trên không hỏi. Ngài biết rõ rằng những điều quan trọng không phải là những gì lạ thừơng, nhưng Thiên Chúa dùng những kết qủa của các điều lạ thường để giúp các linh hồn. Ngài rất khiêm tốn trong mọi sự. Ai ai cũng biết cha Padre Pio là người khiêm nhường.

Ngài được Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng ngài xin Chúa lấy những dấu bề ngoài đi, và chỉ để lại sự đau đớn thôi. Ngài than thở vì thấy chỉ có một số ít các linh hồn yêu mà không vụ lợi. Ngài đau khổ khi thấy bản thân mình bất xứng. Đó là những dấu tích rõ ràng mà Chúa hành động trong linh hồn ngài. Những hành động của Chúa cần được đánh giá cao trọng hơn những biến cố lạ thường. Cha Padre Pio luôn đánh giá cao và chú trọng đến các hành động của Chúa.


Bài 20: Quyền Năng Của Lời Cầu Nguyện

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Chân Phước Suso đã hứa với người bạn rằng ngài sẽ dâng hai thánh lễ mỗi tuần trong suốt một năm nếu người bạn của ngài chết trứớc. Nhưng sau đó, khi người bạn chết, ngài đã quên lời hứa nên không dâng Thánh lễ cầu cho người bạn.

Một buổi tối kia, khi đang suy niệm thì ngài thấy linh hồn người bạn hiện về trước mặt mình. Người bạn âu yếm nhìn ngài và nhắc nhở ngài đã không giữ lời hứa. Chân phước Suso xin lỗi và hỏi bạn:

-Tôi đã dâng bao nhiêu lời cầu nguyện và việc làm đạo đức cho anh rồi mà, bộ chừng đó không đủ sao?

-Ồ, không anh ạ, chỉ có Máu Thánh Chúa Giêsu Ki Tô là điều cần thiết để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tôi. Chỉ có sự hy sinh cao cả của Chúa mới giải thoát tôi ra khỏi sự đầy đọa này.

Chân Phước vội vàng đáp lời kêu gọi của linh hồn thống khổ ấy để đền bù lỗi của mình. Vì thế, ngài cử hành nhiều thánh lễ hơn cả những gì ngài đã hứa với bạn. Một thời gian sau, người bạn hiện về với nét mặt hớn hở và chung quanh đầy hào quang. Linh hồn ấy nói:

-Cám ơn người bạn trung thành của tôi. Bạn hãy nhìn xem, bằng gía máu của Đấng Cứu Thế, tôi đã được giải thoát khỏi sự thống khổ rồi.

Chúa đã tỏ lộ cho một tu sĩ thánh thiện là Gioan thành Alvernia, kết qủa của hy lễ dâng lên trên các bàn thờ trong ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn. Vị tu sĩ thấy Luyện ngục mở cửa, và rất nhiều linh hồn được bay lên nhờ hy lễ. Các linh hồn giống các đóm lửa rực sáng bay ra từ các lò lửa.

Hy lễ thánh giá có giá trị tuyệt đối. Dưới con mắt của Chúa, hy lễ trên bàn thờ có giá trị tương tự. Tuy nhiên, hy lễ thánh này chỉ áp dụng một phần cho các linh hồn và tùy theo Công Lý của Thiên Chúa.

Sự suy niệm của chúng ta trong mỗi thánh lễ trở thành lời cầu nguyện của lòng thương xót, nếu chúng ta dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Con Yêu Dấu Ngài. Các lời cầu nguyện ấy có quyền năng lớn lao đối với Chúa. Thánh nữ Magdalen Dei Pazzi học được từ Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha Hằng Hữu Máu Cực Thánh của Con Chí Thánh Ngài. Đó là việc tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thánh nữ cứ dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đến ít nhất là 50 lần mỗi ngày. Trong một lần ngất trí, bà thấy một số lớn các linh hồn tội lỗi được ơn hoán cải và một số lớn các linh hồn được giải thoát khỏi Luyện ngục qua cách thực hành này.

Nếu giá trị của việc dâng hiến cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu lớn như vậy, thì khi dâng lễ là tái diễn cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu thì giá trị còn lớn lao biết bao nhiêu nữa? Thêm vào đó, chúng ta hãy nhớ rằng đến giờ chết, các thánh lễ mà chúng ta tham dự sẽ trở nên nguồn an ủi lớn lao nhất của ta. Mỗi thánh lễ sẽ đi với chúng ta tới Tòa Phán Xét và để xin Chúa tha tội cho ta. Nơi mỗi thánh lễ, chúng ta có thể xin giảm bớt những hình phạt vì tội lỗi mình, dù nhiều hay ít.

Bằng cách tham dự thánh lễ sốt sắng, chúng ta tôn vinh bản tính nhân loại thiêng liêng của Chủa Ki Tô. Ngài đền bù cho các tội bất cẩn và thiếu sót của ta. Ngài tha thứ cho các tội nhẹ mà ta quyết tâm tránh. Ngài tha thứ cho ta những tội mà ta không biết để xưng thú. Quyền lực của Satan đặt trên ta sẽ biến mất. Chúng ta giải cứu cho các linh hồn ở luyện ngục. Mỗi thánh lễ xin cho chúng ta lúc còn sống thì tốt hơn là xin cho ta lúc ta đã chết. Chúng ta sẽ tránh được nhiều sự nguy hiểm và xui xẻo nếu như có thánh lễ dâng lên để cầu cho ta. Chúng ta giảm bớt thời gian ở luyện ngục bằng mỗi thánh lễ. Mỗi thánh lễ đem lại cho ta các vinh quang lớn hơn trên thiên đàng. Chúng ta nhận được sự chúc lành của vị linh mục mà Chúa ban trên thiên đàng. Chúng ta qùy ở trong số đông các thiên thần, khi các ngài hiện diện với sự tôn kính nơi mỗi thánh lễ. Chúng ta được Chúa chúc lành trong mọi công việc và mục vụ.


Bài 21: Maria Simma, Người Phụ Nữ Được Các Linh Hồn Hiện Về

Nguồn:MeMaria.org

Lời dịch giả: Nhân dịp tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn, xin kính tặng bài này cho các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Xin các ngài cầu bầu cho chúng con trước Tòa Thiên Chúa.

Maria Simma of Austria (1915-2004) Bà Maria Simma là môt phụ nữ người Áo, bà mất vào tháng 3, 2004 ở lứa tuổi 90. Bà được nói chuyện với các linh hồn người chết và các linh hồn đau khổ để giúp họ vơi đi các nỗi thống khổ mà họ đang gánh chịu. Bà Simma đến Vùng Holy Shroud, Ý Đại lợi và trả lời môt cuộc phỏng vấn của tờ báo Medjugorje vào ngày 5 tháng 5 năm 1999, tại nhà thờ Corpus Domini. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Thưa bà Maria, bà có thể cho chúng tôi biết lần đầu tiên bà gặp các linh hồn là lúc nào?

Đáp: Một linh hồn đầu tiên đến với tôi là vào năm 1940. Tôi thức giấc vì có người đi trong phòng ngủ của tôi. Tôi hỏi: “Ai đang đi đó?” Không có tiếng trả lời. Tôi đứng dậy và đi về phía người ấy, nhưng tôi không còn thấy họ nữa. Tôi nói:

“Xin ông làm ơn đi chỗ khác đi. Nếu ông không nói thì hãy ra khỏi đây!”

Thế rồi tôi lại vào giường để ngủ tiếp nhưng tôi không thể ngủ lại được.

Hỏi: Bà có sợ hãi không?

Đáp: Không, tôi không dễ sợ hãi đâu!

Thánh Ý Chúa Dành Cho Tôi

Hỏi: Các cuộc thăm viếng tiếp tục chứ?

Đáp: Vâng. Khi tôi còn là môt thiếu nữ, tôi cảm nghiệm rằng Chúa muốn tôi làm một điều gì đặc biệt cho Ngài. Là một bé gái, tôi nói với mẹ tôi:

“Mẹ ơi, con sẽ không lập gia đình đâu!”

Me tôi thường trả lời:

“Con sẽ đổi ý khi con lên 20 tuổi!”

Và tôi thường lập lại:

”Con sẽ không lấy chồng đâu!”

Tôi đã không lập gia đình. Khi học xong, tôi thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con? Con có nên vào tu viện không?”

Nhưng sau ba lần xin vào tu viện để sống đời tận hiến cho Chúa, tôi đều phải ra ngoài. Trong khi cầu nguyện, tôi thường xin Chúa cho tôi được hiểu Thánh Ý của Ngài. Khi được 25 tuổi, tức là vào năm 1940, các linh hồn ở luyện ngục đến thăm tôi để xin tôi giúp đỡ cho họ. Vào tháng 11 năm 1953, các linh hồn khác đến với tôi và xin tôi chịu sự đau đớn giúp cho họ.

Từ đó đến nay, các linh hồn hiện ra với tôi mỗi ngày và mỗi đêm để xin tôi chịu đau khổ cho họ. Vị linh mục ở giáo xử của tôi khuyên tôi hãy thánh hiến chính bản thân mình cho Chúa Giêsu để đền tội cho các linh hồn, và xin Chúa Giêsu ban cho tôi sức mạnh`

Từ đó, tôi bắt đầu con đường dâng mình để đền tạ thay cho họ.

Hỏi: Có phải Chúa gửi linh hồn đến luyện ngục, hay chính linh hồn ấy đi thẳng xuống luyện ngục vì họ được soi sáng và hiểu rõ trong ánh sáng của Chúa?

Đáp: Mỗi linh hồn hiểu rõ ràng họ phải đến nơi nào trong luyện ngục. Luyện ngục có hàng ngàn cách thức khác biệt.

HỎi: Đến giờ chết, các linh hồn được nhìn thấy Chúa rõ ràng hay không?

Đáp: Mỗi linh hồn một khác, có linh hôn được nhìn thấy Chúa rõ ràng, có linh hồn không được nhìn thấy Chúa.

Đi Thẳng Lên Thiên Đàng

Hỏi: Xin bà cho chúng tôi biết giá trị của việc ăn năn thống hối vào giờ chết.

Đáp: Trước khi chết, những ai biết ăn năn thống hối thì đều được cứu rỗi. Nhưng linh hồn ấy phải ở nơi luyện ngục. Có một số linh hồn đi thẳng lên Thiên Đàng mà không cần ghé Luyện ngục. Những người chịu nhiều đau khổ trên trần gian với sự kiên nhẫn, những ai hiến dâng sự đau khổ của họ lên Thiên Chúa thì sẽ đi thẳng lên Thiên Đàng, và những ai luôn thì hành Thánh Ý Chúa thì cũng được hưởng phúc Thiên Đàng.
Nước Phép

Hỏi: Vậy ma quỷ có quyền lực để tấn công các linh hồn trong giờ chết của họ không?

Đáp: Ma quỷ làm đủ mọi cách để cám dỗ một linh hồn, nhưng nếu linh hồn ấy đặt mình trong bàn tay của Đức Mẹ Maria, rồi Đức Mẹ lại tín thác linh hồn ấy cho Chúa, thì ma quỷ không còn quyền lực trên ý muốn cũa chúng ta nữa.

Hỏi: Làm cách nào để các người hấp hối được giúp đỡ?

Đáp: Nước phép được rẩy chung quanh giường của người hấp hối thì rất hiệu nghiệm. Ma quỷ sợ nước phép. Không cần phải rẩy thật nhiều nước phép, một vài giọt là đủ rồi, nhưng phải rẩy nước phép thường xuyên.

Hỏi: Nếu người thân của chúng ta bị bịnh nặng, ta có nên nói cho họ biết tình trạng nguy kịch của họ để họ chuẩn bị dọn mình chịu chết không?

Đáp: Vâng, hãy luôn nói sự thật, để người ấy chuẩn bị dọn mình chịu chết.

Luyện Ngục Ở Nhiều Nơi

Hỏi: Luyẹn ngục ở đâu? Luyên ngục giống như thế nào?

Đáp: Luyên ngục ở nhiều nơi, không phải chỉ ở một nơi. Một số linh hồn phải chịu thống khổ nơi mà họ đã phạm tội. Ở một vùng thuộc Áo Quốc, người ta thấy một người đàn ông có ánh sáng, đi lên rồi đi xuống các cánh đồng, kéo theo một hòn đá lớn.

Họ hỏi ông ta:

“Ông làm gì ở đây?

Ông ta đáp:

“Tôi không biết đặt cái hòn đá này ở chỗ nào cả!”

”Thì ông cứ đặt nó ở chỗ nào mà ông đã lấy nó lên!”

Thì ra lúc trước, ông đã lấy hòn đá này từ một cánh đồng và phạm tội bất công. Khi ông đặt viên đá xuống nơi mà ông đã lấy đi, ngay lúc ấy thì ông ta biến mất, và chúng tôi hiểu rằng ông đã trả hết nợ của ông.

Hỏi: Những tội lỗi nào dễ dẫn ta vào luyện ngục?

Đáp: Tội phạm đến tha nhân, vu cáo, hạ nhục, kiêu ngạo.

Thánh Lễ Giúp Linh Hồn Nhiều Nhất Purgatory

Hỏi: Cách thức nào hữu hiệu nhất để cứu giúp các linh hồn?

Đáp: Thánh lễ. Nhiều người không biết và không hiểu đến giá trị của các Thánh lễ.

Hỏi: Chúng ta có thể xin Chúa cho ta chịu đau khổ luyện ngục ngay trên thế gian này không?

Đáp: Dĩ nhiên có. Mỗi sự hy sinh có thể dùng để giảm thiểu sự thống khổ của Luyện ngục, nếu ta biết dâng hiến điều này lên Chúa. Cầu nguyện chuỗi Mân Côi là điều rất quan trọng.

Hỏi: Các linh hồn đã tự hủy hoại đời mình bằng cách dùng ma túy và các sự nghiện ngập khác, họ có đến thăm viếng bà không?

Đáp: Có, họ phải ở luyện ngục rất lâu xứng với thời gian mà đáng lẽ họ phải sống trên thế gian, bời vì thời lượng sống và thời gian chết của chúng ta được Chúa ấn định cho mỗi một cá nhân.

Hỏi: Có rất nhiều sự dữ trong xã hội của chúng ta và giới trẻ thường trả giá đắt. Bà có thể nói cho chúng tôi về điều này không?

Đáp: Không phải chỉ có cần sa ma tuý làm hại đời sống, mà theo một lối nào đó, sụ đồi bại luân lý có thể cắt ngắn cuộc sống chúng ta, cũng như sự phá thai và thuốc ngừa thai.

Các trẻ thơ chết mà không được rửa tội vẫn sống hạnh phúc, nhưng họ không hưởng được thị kiến đẹp đẽ về Chúa. Tuy nhiên, họ không biết điều ấy, và vẫn vui vẻ.

Nếu một phụ nữ mang thai và lo sợ rằng con mình có thể chết trong bụng, bà ấy có thể ao ước cho em bé được rửa tội. Như thế, em bé nhận được phép Rửa của lòng ao ước.

Hỏi: Các linh hồn nói gì về những người ly dị?

Đáp: Họ cần nhiều lời cầu nguyện. Những ai đã ly dị mà sống chung với người khác thì không thể nhận lãnh các Bí Tích được. Mặt khác, nếu họ sống chung với nahu như tính cách là anh chị em thì họ có thể nhận lãnh các Bí tích.

Hỏi: Bà có thể cho chúng tôi biết về việc trợ tử (giúp người bịnh chết) không?

Đáp: Ta không thể giết người, dù là giết người vì lòng trắc ẩn. Nếu con người chịu đau đớn nhiều thì hãy dâng hiến sự đau đớn ấy lên Chúa, như thế họ có thể cứu chính mình, nhận lãnh được nhiều hạnh phúc trên Thiên Đàng, và cứu được nhiều linh hồn khác. Sự thống khổ rất có giá trị.

Tôi biết một người giáo viên tốt lành. Khi tôi đến thăm chị ấy, chị hỏi tôi:

“Tại sao Chúa không lắng nghe tôi? Người ta cần tôi ở trường học.”

Tôi đáp:

“Sự đau đớn và nỗi thống khổ là dấu chứng của tình yêu Chúa.”

Chị nói:

“Tôi mong ước Chúa yêu tôi ít hơn.”

Nếu chúng ta lâm bịnh hay đau khổ vì những lý do khác, chúng ta hãy dâng những giá trị lớn lao của sự đau khổ mà dâng hiến lên Thiên Chúa, hãy đặt mọi sự trên bàn tay Đức Mẹ Maria. Mẹ biết nơi nào rất cần những phần thưởng này để sử dụng. Khi lên tới Thiên Đàng, bạn sẽ thấy rất nhiều linh hồn mà bạn đã cứu qua sự đau khổ của bạn.

Hỏi: Bà nghĩ gì về việc tự tử?

Đáp: Chúng ta cần biết tại sao họ lại tự tử. Đôi khi, những kẻ xô đẩy người khác đi đến chỗ tự tử thì kẻ ấy phải chịu tránh nhiệm nhiều hơn. Có những người bị kẻ khác xô đẩy họ đến chỗ phải tự tử, chẳng hạn như họ bị vu cáo, bị sỉ nhục, bị từ chối tình yêu. Có các linh hồn tự tử được cứu rỗi. Tuy nhiên, tôi không thể nói rằng tất cả các linh hồn tự tử đều được cứu rỗi.

Hỏi: Vai trò của Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, quan trọng như thế nào nơi luyện ngục?

Đáp: Đức Mẹ thường hay tới luyện ngục và các linh hồn rất vui mừng. Tình trạng các linh hồn ở luyện ngục khác nhau. Có các linh hồn phải ở đó cho đến ngày phán xét, những linh hồn ấy may mắn chỉ suýt thoát khỏi hỏa ngục mà thôi.

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi những linh hồn mà bà chịu đau khổ cho họ mà rồi nhờ đó, họ được giải thoát?

Đáp: Tôi cảm thấy một sự thỏa mãn sâu xa, một niềm vui vô tận vì tôi đã giúp được họ. Ngày nay, người ta it yêu mến tha nhân. Mỗi hành vi thương yêu nhỏ nhoi của chúng ta đều được Chúa đền bù xứng đáng.

Các Linh Hồn Có Thể Tự Giúp Họ Được Không?

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi bà đền tội cho các linh hồn suốt ngày và đêm? Liệu các sự đau khổ của bà có đủ để giúp các linh hồn giảm bớt thời gian đền tội nơi luyện ngục không?

Đáp: Trong thời gian trước đây, các linh hồn thường đến xin tôi giúp họ bằng sự chịu đựng đau khổ của tôi, bằng lời cầu nguyện, bằng các thánh lễ. Hiên nay, tôi đi công du khắp mọi nơi, nói chuyện trước nhiều đại hội, và có thêm nhiều người giúp tôi để cầu nguyện cho các linh hồn.

Tôi hiểu rằng các linh hồn rất vui lòng khi tôi nói giùm cho họ về các nhu cầu của họ. Tôi cũng nhận những tiền bổng lễ để xin lễ cầu cho các linh hồn.

Hỏi: Tại sao các linh hồn không thể làm gì cho chính họ?

Đáp: Bởi vì các linh hồn đã chấm dứt đời sống, nhưng chúng ta CÓ THỂ GIÚP HỌ.

Hỏi: Các linh hồn có nói gì về thời đại giông tố mà chúng ta đang trải qua không?

Đáp: Chúng ta đang chìm đắm từ từ vì chúng ta sống xa lạc Chúa. Tuy nhiên, nhiều sự sẽ xẩy ra nhờ sự can thiệp của Chúa. Giáo hội cũng sẽ được canh tân.

Hỏi: Chúng ta phải làm gì cho các linh mục?

Đáp: Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục, và hãy dâng hiến sự hy sinh cho toàn thể Giáo hội.

Hỏi: Bà nghĩ gì về sự đau khổ của trẻ thơ?

Đáp: Họ là những linh hồn đền tội cho kẻ khác. Với sự đau khổ của họ, họ có thể nhận được nhiều ân huệ. Sự đền tội rất có giá trị.

Hỏi: Liệu sự đau khổ của trẻ thơ có giá trị không, ngay cả khi cha mẹ họ không chấp nhận?

Đáp: Vâng, tất cả đều có giá trị đồng đều như nhau.

Hỏi: Bà có thể nói cho chúng tôi về giá trị của các Thánh lễ Gregorian không?

Đáp: Thánh Lễ Gregorian ( 30 Thánh lễ cử hành liên tiếp câu cho linh hồn người chết trong 30 ngày, không đứt đoạn.) rất có giá trị. Tuy nhiên, các ân huệ không luôn luôn đến với linh hồn mà chúng ta cầu cho, và Chúa biết lý do tại sao. Sự hiệp thông của các Thánh giúp ích rất nhiều cho các linh hồn. Ngay cả cho các linh hồn của các tôn giáo khác cũng được cứu rỗi, nếu như họ sống với đức tin của họ, và với một lương tâm công chính.

Hỏi: Chúng ta thường nằm mơ thấy người chết, đó có phải là dấu chỉ rằng họ cần chúng ta không?

Đáp: Vâng, có thể họ cần chúng ta cầu nguyện hay xin thánh lễ chỉ cho linh hồn họ. Nếu bạn thấy họ buồn bã thì xin hãy cầu bầu cho họ. Nếu bạn thấy họ vui mừng thì bạn có thể hiểu rằng họ được hạnh phúc.

Hỏi: Các linh hồn có thể làm mọi sự cho chúng ta không?

Đáp: Vâng, họ có thể làm rất nhiều điều cho bạn, họ giúp bạn rất nhiều, và họ có thể trở nên bạn hữu của chúng ta.

Cách Thức Xin Thánh Lễ Gregorians

RADIO GIỜ CỦA MẸ XIN QUÝ VỊ HÃY CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN BẰNG CÁCH:

Xin lễ 30 ngày liên tiếp cho người quá cố (dead person) không phải các linh hồn còn sống. Có thể xin cho ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con cái hay người thân đã chết. Đây là thánh lễ Gregorian Masses. Xin gửi tên linh hồn đã qua đời, và $130. về địa chỉ các cha dòng Phanxicô sau: Franciscan Missions, Inc., P.O. Box 130, Waterford, WI 53185, Điện thoại: (262) 534-5470, Fax: (262) 534-4342, Website: www. franciscanmissions.org, Email: framis@wi.net











________________________________________
Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại được cha Thánh Padre Pio chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Padre Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ chỉ cho các linh hồn này. Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Padre Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Padre Pio làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Hiển nhiên, các linh hồn ngày hiểu rõ rằng trái tim ngài giống như một núi lửa rực cháy vì yêu thương những ai đau khổ. Cha Padre Pio viết như sau:

“Khi tôi biết một người đang đau khổ trong linh hồn hay đang đau đớn trong thể xác, tôi phải làm mọi cách để xin Chúa giải thoát họ khỏi nỗi thống khổ ấy. Tôi muốn nhận chịu hết mọi sự đau khổ của họ để họ được cứu thoát. Và tôi muốn trao tặng họ những ơn ích của sự đau khổ, nếu Thiên Chúa cho phép tôi làm điều ấy!”

Tình yêu tha nhân sâu đậm của cha Padre Pio đôi lúc ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Ngài mong ước họ được cứu thoát và được hạnh phúc trên hết mọi sự, đến nỗi ngài thừa nhận rằng:

“Tôi vội vàng sống vì các anh chị em và sẵn sàng nhận chịu tất cả các nỗi thống khổ của họ, nên tôi đau khổ mà không than van.”

Trong lá thư thứ 615, ngài viết:

“Tôi thường nói cùng ông Môsê để thưa lên Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán rằng:

-Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi của họ hay xin Chúa loại trừ con ra khỏi sách Hằng Sống của Ngài!

Thưa các bạn đọc, nếu chúng ta muốn theo gương cha Thánh Padre Pio, thì tôi xin phép lập lại lời của cha rằng: “Xin hãy làm những gì tôi đã làm. Hãy cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho các linh hồn của người thân đã qua đời!”

Để kết luận, tôi xin chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta có thể xây một cầu thang của Chúa cho các linh hồn đáng thương nơi luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện và các hành vi bác ái để dâng lên Chúa nhằm cầu nguyện cho các ý chỉ của các linh hồn.

Bài 2: Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”

Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.

Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:

“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ. Cha nói:

“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.


Bài 3: Tôi Sẽ Dâng Thánh Lễ Cầu Cho Bạn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đức Giám mục Costa đến từ giáo phận Melfi, Ý Đại Lợi, để thăm viếng cha Padre Pio. Qua câu chuyện với cha Pio, Đức Giám mục hỏi cha có bao giờ thấy một linh hồn hiện về từ luyện ngục không, cha Padre Pio đáp:

” Thưa Đức cha, con đã gặp nhiều linh hồn hiện về với con, đến nỗi con không cảm thấy sợ họ nữa.”

Qua lời yêu cầu của Đức cha, cha Padre Pio kể lại câu chuyện có liên quan đến cha Alberto DApolito ở trong cuốn sách này. Cha Alberto vốn là một tu sinh ở vùng San Giovanni Rotondo, ngài cũng hiện diện khi cha Padre Pio kể câu chuyện sau đây:

Vào thời kỳ Thế Giới Đại Chiến thứ nhất, tu viện ở vùng San Giovanni Rotondo hầu như trống rỗng, bởi vì nhiều tu sĩ bị động viên để tham dự cuộc chiến. Tuy nhiên, các tu sinh vẫn còn đi học, dưới quyền của tôi và linh mục Paolino của vùng Casacalenda. Một buổi chiều đầy tuyết thì bà Assunta Di Tommaso là chị của cha Paolino đến thăm em của bà. Trước khi trời tối, cha Paolino bảo chị của ngài hãy đi xuống làng và vào ở trọ nhà của bà Rachelina Russo vì bà ấy có phòng cho mướn. Bà Assunta ngại đi trong mưa tuyết và sợ bầy chó sói thường hay túa ra để kiếm mồi về đêm, có thể chúng sẽ ăn thịt bà nếu bà gặp chúng. Thế là bà không dám đi. Cha Paolino nói với chị:

“Này chị Assunta, chị biết rằng tu viện này là dòng kín, và phụ nữ không được phép vào ở, vậy nếu chị không chịu đi thì em phải làm cách nào đây?”

Bà Assunta đáp:

“Thưa cha Paolino, xin cha cho con mượn một cái giường nhỏ và con sẽ nằm ngủ đỡ đêm nay, ngày mai, con sẽ đi đến nhà bà Rachelina.”

Cha Paolino bèn nói:

” Được rồi, nếu chị muốn ngủ trong phòng khách thì em sẽ nhờ người đến chuẩn bị chiếc giường cho chị để giúp chị ngủ ngon.”

Thế rồi, cha Paolino nhờ một vài tu sinh lấy một chiếc giường và đốt lò sưởi để giúp căn phòng bớt lạnh. Sau buổi cơm tối, tôi (tức là cha Padre Pio) lúc ấy đi một vòng xem các tu sinh đã ngủ chưa. Sau đó, tôi cùng cha Paolino xuống phòng dưới để chúc bà Assunta một giấc ngủ ngon. Cha Paolino nói với chị của ngài rằng:

“Chị Assunta ơi, em sẽ đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, xin chị hãy ở đây với cha Pio nhé!”

Nhưng bà Assunta đáp:

“Con cũng muốn đi đọc kinh với cha luôn!”

Thế là hai chị em cùng ra khỏi phòng khách và đóng cửa lại. Tôi ở lại một mình trong phòng. Khi tôi đang chìm sâu trong lời cầu nguyện thì tự nhiên cánh cửa mở ra và một ông già bước vào. Ông ăn mặc như những người khác ở vùng San Giovanni Rotondo, ông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi nhìn ông và tự hỏi tại sao ông lại có thể vào được trong tu viện trong đêm hôm khuya khoắt này. Tôi bèn hỏi ông:

“Ông là ai? Ông muốn gì?

Người đàn ông đáp:

“Thưa cha Pio, con là Pietro di Mauro, tên thường gọi của con là Precoco. Con chết trong tu viện này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong phòng số 4, khi tu viện này còn là một nhà dưỡng lão. Môt buổi tối con ngủ với điếu thuốc xì gà đang cháy, rồi chiếc giường của con bị bắt lửa và con chết phỏng. Con đang ở trong luyện ngục. Con rất cần một thánh lễ để được giải thoát khỏi nơi ấy. Chúa cho phép con đến gặp cha để xin cha cầu nguyện cho con.”

Sau khi nghe xong, tôi bảo ông rằng:

” Được, ông yên nghỉ nhé, tôi sẽ cử hành thánh lễ ngày mai để cầu cho linh hồn ông được giải thoát!”

Sau đó, tôi đứng lên và tiễn ông ra khỏi cửa. Tôi quên rằng các cánh cửa đã khóa kỹ bằng hai lớp cửa sắt. Tôi mở cửa và nói tạm biệt ông già ấy. Trời đang có trăng tròn và công trường trước tu viện ngập đầy tuyết trắng. Thế mà mọi sự bỗng trở nên sáng như ban ngày, và bỗng nhiên, ông ta biến mất ngay bên cạnh tôi. Tôi hoảng sợ, khóa cửa và suýt chút nữa, tôi ngất xỉu.

Khi cha Paolino và người chị trở về sau khi đã đi cầu nguyện chung, họ thấy mặt tôi trắng bệch như tuyết, họ tưởng rằng tôi lâm bịnh. Cha Paolino chúc bà Assunta ngủ ngon và hầu như phải vác tôi lên phòng của tôi. Tôi không nói cho ngài về cuộc hiện về ấy. Khi chị của ngài ra về xong, tôi mới kể cho ngài nghe chi tiết về câu chuyện đó. Tôi nói:

” Cha biết đó, con không dám nói về việc ấy vì con sợ bà Assunta sẽ không dám ngủ trong phòng khách nữa.”

Cha Padre Pio nói rằng ngày hôm sau, cha dâng một thánh lễ cầu cho linh hồn người đàn ông đó, và ông ta đã được vào Thiên Đàng. Sau đó, cha Paolino xuống khu làng và tìm hiểu thêm về lai lịch của người chết. Qủa đúng như vậy, ông Pietro di Mauro chết ngày 18 tháng 9 năm 1908, vì bị đốt cháy trên giường của ông.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng luyện ngục là nơi của lòng thương xót và nhân hậu của Chúa. Chúng ta không hể hiểu thấu được Chúa nhân từ và tốt lành biết bao. Lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn là một sự kinh ngạc cho chúng ta. Không nơi nào mà chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài tuôn chẩy dồi dào như trường hợp này. Qua lò lửa thanh luyện, chúng ta tìm gặp tình thuơng của Ngài. Dường như một linh hồn hỏi Chúa:

“Lạy Chúa, con có thể hoán cải được không ạ?”

Và Chúa đáp:

“Được chứ, con đang tiến vào Thiên Đàng. Con phải chịu đau khổ bây giờ để đền tội của mình. Và rồi con sẽ được tinh tuyền và xứng đáng để bước vào Vương Quốc của Cha.”

Rồi linh hồn được nhận vào luyện ngục với lòng biết ơn. Ở đó, linh hồn vui mừng trong sự nhân hậu của Chúa. Chúa đã thương ban cho linh hồn ấy được ở nơi thanh tẩy. Luyện ngục là nơi đền tội của các linh hồn tụ tập trong vực sâu. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, là nơi mà Lòng thuơng xót Chúa tạo dựng ra để chuẩn bị cho linh hồn được gặp gỡ Chúa trên Thiên Đàng.



:
________________________________________
Bài 4: Sự Đau Đớn Mà Linh Hồn Phải Chịu Ở Luyện Ngục
Nguồn:MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente

Theo giáo lý Công giáo, loài người phải chịu sự phán xét tùy theo cách thức họ sống khi ở trần gian. Phần thưởng hay sự trừng phạt sẽ là Thiên Đàng, Luyện ngục hay Hỏa ngục. Chúng ta thử tìm hiểu tình trạng của những nơi này, dựa theo các mặc khải của các thánh.

Thánh Frances thành Roma kể rằng Luyện ngục giống như môt phần của Hỏa ngục, và được chia ra nhiều phần. Thánh Tôma kể cho ta nghe rằng lửa của Luyện ngục cũng giống như lửa của Hỏa ngục, và Luyện ngục cũng là một phần của Hỏa ngục. Những nhận xét này giống như lời cha Thánh Padre Pio nói với Cleonice Morcaldi, một người con gái thiêng liêng của cha:

“Con gái ơi, có một số điểm ở Luyện ngục giống như Hỏa ngục.”

Tuy nhiên, công lý của Thiên Chúa có thể cho phép các linh hồn đền tội nơi mà họ đã phạm tội, như những câu chuyện về các linh hồn và về cha Pio mà sẽ được trình bày sau:

Tùy theo công lý của Thiên Chúa, Ngài sẽ cho một số linh hồn đền tội ở những nơi đặc biệt theo Ý của Ngài, để có thể dạy người còn sống và để giúp cho các linh hồn đã qua đời.

Nói về những nỗi thống khổ của Luyện ngục: sau khi Chúa đã kết án thì linh hồn phải đi về nơi nào đó, việc thanh tẩy đến với linh hồn ấy, và linh hồn biết rằng đau khổ là cách thức mau chóng nhất để sớm vào Thiên Đàng. Và nỗi thống khổ bắt đầu!

Theo Thánh Tôma thì sự đau đớn của Luyện ngục không nặng nề như đau khổ nơi Hỏa ngục. Khi ở Hỏa ngục thì thời gian đau khổ vô tận. Các nhà thần bí cũng xác nhận như vậy. Thánh Catherine thành Genoa kể cho chúng ta nghe:

“Các linh hồn ở trong tình trạng bị thanh tẩy thì đau đớn đến nỗi không lời nào có thể diễn tả nổi, không có một trí thông minh nào có thể hiểu được, trừ khi Chúa muốn cho họ hiểu, qua ơn sủng của Ngài. Có hai nỗi thống khổ ở Luyện ngục: đó là mong mỏi được gần Chúa và đau khổ cùng một lúc.”

Giáo hội không tuyên bố về bản chất của sự đau khổ trong các nơi chốn đó, nhưng đời sống của các bậc thánh thiện kể lại nhiều câu chuyện và thị kiến rõ ràng hơn.

Sau đây là câu chuyện của cuộc đời linh mục Stanislaus Chascoa, môt tu sĩ Dòng Đa Minh. Môt ngày kia, khi ngài đang cầu nguyện cho người chết, ngài nhìn thấy một linh hồn đang bị lửa bao bọc toàn thân. Ngài hỏi linh hồn ấy xem lửa có giống như lửa trên trần gian không. Linh hồn trả lời:

“Than ôi, tất cả lửa trên trần gian mà so sánh với lửa Luyện ngục thì giống như làn gío nhẹ.”

Cha Stanislaus hỏi làm sao diễn tả thì linh hồn xin cha hãy thò tay thử vào lửa ấy. Vị linh mục đặt tay ngài vào bụi tro rớt ra từ người tội nhân ấy, và ngay lập tức, ngài khóc lên và té xuống đất. Ngài rất hoảng sợ và kinh hãi. Các anh em tu sĩ vội vàng đến giúp ngài. Khi hoàn hồn, ngài kể lại câu chuyện kinh hoàng ấy cho mọi người nghe, và cha kết luận như sau:

“Ôi! các anh em ơi, nếu mỗi chúng ta hiểu được sự nghiêm trọng của việc trừng phạt, chúng ta sẽ không dám phạm tội đâu. Hãy đền tội mình trong đời sống này, để khi chết khỏi bị đền tội, bởi vì những cơn thống khổ ấy khủng khiếp quá. Chúng ta hãy chống trả lại các tật xấu, hãy để ý và sửa sai những sự bất toàn của mình, bởi vì Thiên chúa, vị Thẩm phán công minh, ghi nhận tất cả mọi sự chúng ta làm. Chúa Thánh Thiện vô cùng nên Ngài không thể chịu được một lỗi nhỏ của những kẻ được tuyển chọn.”

Thầy Modestino của thành Pietrelcina đã sống rất lâu với cha Thánh Padre Pio và luôn đi theo cha Thánh. Thầy kể lại câu chuyện sau:

Năm 1945, tôi ở tại San Giovanni Rotondo để gíup đỡ cha Padre Pio. Tôi luôn muốn ghi nhận những lời nói khôn ngoan phát ra từ cửa miệng của cha Thánh và cất dấu trong tim tôi như một món quà thiêng liêng. Một buổi tối kia, cha Padre Pio đi ra phòng ca đoàn sau khi đã chúc lành buổi tối, tôi cùng đi với cha đến ngang hành lang dẫn tới phòng cha. Tự nhiên, tôi buột miệng hỏi cha:

“Thưa cha, cha có thể nói về lửa ở Luyện ngục được không ạ?”

Cha Padre Pio đáp:

“Nếu Chúa cho phép một linh hồn đi từ lửa Luyện ngục để đến ngọn lửa nóng nhất trên trần gian, thì giống như đi từ nước nóng đến nước lạnh.” -Đó chính là những lời mà cha Padre Pio đã nói với tôi.

Trong một trường hợp khác, bà Birulli của thành Cerignola hỏi cha Padre Pio rằng:

“Thưa cha, xin cho con biết thêm về Luyện ngục.”

Cha Pio đáp:

“Con à, các linh hồn ở Luyện ngục muốn ném mình họ vào giếng lửa thế gian, bởi vì tình trạng ấy giống như một giếng nước lạnh.”

Rất nhiều nguời trong chúng ta không biết sự đau đớn của Luyện ngục. Nếu ta suy gẫm về nơi này, ta sẽ tránh những lỗi lầm mà ta không để ý, chúng ta sẽ cầu nguyện nhiều hơn cho các linh hồn đáng thương trong cuộc sống hàng ngày của ta.


Bài 5: Luyện Ngục Qua Cảm Nghiệm Của Hai Vị Thánh

Nguồn : MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một buổi tối vào năm 1921 hay 1922, khi các linh mục và tu sĩ Dòng Phanxicô đang ăn cơm tối thì Cha Padre Pio cầu nguyện trong nhà nguyện. Ngài thường không ăn tối mà lại chọn việc cầu nguyện. Sau đó, ngài mới cùng với các tu sĩ khác sưởi ấm nơi lò sưởi.

Nơi nhà nguyện, thình lình, ngài nghe một tiếng động từ phía bàn thờ. Cha Padre Pio bèn lắng tai nghe để biết chắc rằng mình không tưởng tượng. Bỗng nhiên một tiếng động khác nổi lên, đó là tiếng của các cây đèn nến rớt từ bàn thờ xuống, làm phá vỡ sự thinh lặng. Thoạt đầu, cha Padre Pio ngỡ rằng chắc là một tu sinh nào đó đi ngang qua mà làm cho các cây đèn nến đổ vỡ. Để biết chắc, ngài liền dựa đầu vào ban công của khu ca đoàn để nhìn kỹ hơn. Ngài ngạc nhiên khi thấy một tu sinh trẻ đang đứng lặng lẽ bên bàn thờ.

Cha Padre Pio lên tiếng dõng dạc hỏi:

- Này, anh đang làm gì vậy?

Không có tiếng trả lời nên cha hỏi tiếp:

- Hay thật, đây có phải là cách thức anh làm việc không? Thay vì sắp đặt mọi sự có thứ tự, anh lại làm gẫy đổ đèn nến và chân đèn!

Tuy nhiên, ngừời tu sĩ kia vẫn im lặng và không di động. Vì thế, cha Padre Pio lớn tiếng hỏi nữa:

- Này anh kia, anh đang làm gì ở đây?

Người tu sĩ đáp:

- Thưa cha, con là tu sĩ… từ…

Cha Padre Pio hỏi dồn dập:

- Anh làm gì ở đây trong giờ này?

- Thưa cha, con đang làm việc đền tội luyện ngục ở đây. Con vốn là một tu sinh trong tu viện này, và con phải đền các tội lỗi của con. Lúc trước, con đã không tận tâm trong bổn phận khi con phục vụ ở nhà thờ này.

- Anh nghe đây, tôi sẽ dâng thánh lễ cầu cho anh vào ngày mai, nhưng anh không được đến đây nữa, nghe chưa!

Trái tim cha Padre Pio đập mạnh, cha bèn rời nhà nguyện và đến ngay lò sưởi, nơi các anh em tu sĩ của cha đang ngồi. Mọi người đều nhận thấy vẻ tư lự và run rẩy của cha, nên họ hỏi lý do. Cha Padre Pio tránh nhìn đôi mắt họ mà chỉ trả lời là cha bị lạnh.

Khoảng mười phút sau đó, cha Padre Pio mời một linh mục khác cùng đi với cha đến nhà thờ. Tại đó, các ngài nhìn thấy nến và chân đèn đổ vỡ lung tung. Cha Padre Pio muốn biết thử xem cha có nghe đúng hay là trí tưởng tượng của cha làm việc.

Sau đó, cha kể về chuyện này và kết luận như sau: “Chỉ vì thiếu tận tâm trong bổn phận mà vị tu sĩ ấy phải đền tội trong Luyện ngục 60 năm, sau khi anh ta chết! Hãy thử tưởng tượng xem chúng ta sẽ phải ỡ luyện tội lâu như thế nào để đền tội cho những tội nặng nề hơn nữa?”

Cha Padre Pio nói rất đúng! Từ các mặc khải của các thánh, chúng ta hiểu được có nhiều mức độ đau đớn và thống khổ ở Luyện ngục.

Sau đây là mặc khải của Thánh nữ Mary Magdelen Dei Pazzi. Trong các vị thánh được giáo hội phong thánh, ngoài thánh Phanxico của Roma ra, thì vị thánh nữ này để lại sự miêu tả rõ ràng, chính xác và nhiều chi tiết nhất về Luyện ngục.

Môt buổi chiều khi thánh nữ và các nữ tu khác đang đi dạo trong vườn, thì bỗng nhiên linh hồn bà được cất đi. Người ta nghe bà nói:

“Vâng, con sẽ đi chung quanh chỗ này, con sẽ đi chung quanh chỗ này!”

Với những lời ấy, bà thánh cho phép Thiên thần Bản Mệnh của bà đưa bà đến Luyện ngục. Trong khi đó, các nữ tu khác đứng ngắm nhìn với vẻ ngưỡng phục. Cùng lúc, họ kinh hoảng khi thấy bà thánh bước vào cuộc hành trình đau đớn ấy. Khi cuộc ngất trí hoàn tất, bà đã kể lại một bài viết xuất sắc về Luyện ngục.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, người ta thấy bà cứ đi chung quanh một khu vườn rộng lớn của tu viện, thỉnh thoảng, bà ngừng lại và chăm chú nhìn một điều gì đó mà Thiên Thần Bản Mệnh chỉ cho bà. Mặt bà trở nên xanh mét, và bà thường giơ tay ra tỏ ý thương hại cho những ai mà bà thấy. Bà tỏ lộ cảm tưởng đau khổ và kinh hãi, đến nỗi các nữ tu đang theo dõi bà cũng cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, các nữ tu tiếp tục theo dõi và lắng nghe chăm chú khi bà ta thán về những sụ kinh khủng và sự đau lòng của bà. Họ nghe bà la lên:

“Ôi, đau khổ quá! Lạy Chúa, xin hãy thương xót. Xin Chúa thương xót, Xin Máu Thánh Cực Châu Báu của Đấng Cứu Thế hãy đổ xuống trên các linh hồn tội nghiệp này, và xin giải thoát ho khỏi nỗi thống khổ này. Ôi các linh hồn đáng thương, các ngài đau đớn quá. Tuy vậy, tôi thấy các ngài hạnh phúc và vui lòng ngay giữa những cơn khốn khổ ấy. Tuy nhiên, còn có các linh hồn khác đau đớn hơn.”

Bà than van tiếp:

“Làm cách nào mà tôi không thể nhìn đến các linh hồn ở gần tôi được?”

Rồi vì đức vâng lời, bà bước xuống sâu hơn trong hố thẳm. Sau khi đi được vài bước, bà đột nhiên đứng lại, run rẩy và sợ hãi. Bà khóc lớn lên:

” Cái gì đây? Các linh mục và tu sĩ mà phải ở nơi đáng sợ này sao? Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, các ngài bị hành hạ nhiều đến thế sao? ”

Sự run rẩy và cái nhìn lộ vẻ khiếp sợ của bà làm cho những ai hiện diện hiểu được tầm mức thống khổ mà bà đang trải qua trong giây phút ấy.

Khi ra khỏi nơi mà các tu sĩ bị giam cầm, bà đi lang thang đến một nơi bớt đau đớn hơn, nơi nhà giam của các linh hồn đơn sơ, đó là các trẻ thơ và những ai phạm tội vì sự ngu dốt. Tại đó, bà thấy không gì khác, ngoại trừ đá băng và lửa. Còn các linh hồn đi từ đá băng đến lửa và từ lửa đến đá băng. Bà nhận ra linh hồn của người em trai đã chết ít lâu trước, và bà la to lên:

“Tội nghiệp linh hồn của em trai tôi! Em đau khổ quá, dù vậy, em được an ủi. Em bị đốt cháy, nhưng em hạnh phúc, bởi vì những đau khổ này là con đường dẫn đến hạnh phúc.”

Rồi bà tiếp tục đi thêm vài bước nữa, mọi người theo dõi bà và hiểu rằng bà đang gặp các linh hồn không được hạnh phúc. Bà hét lên:

“Ôi, thật là khủng khiếp khi ở nơi này. Nơi đầy cả ma quỷ và đầy những sự hành hạ. Tôi có thể thấy các linh hồn bị đâm bởi các cây kim nhọn và bị xé ra từng mảnh.”

Lúc ấy, bà được biết đây là nơi giam giữ các linh hồn mà lúc còn sống hay muốn làm vui lòng kẻ khác và hay sống giả hình. Đi xa hơn, bà thấy một đám đông bị kéo ra khỏi một nơi, rồi các 1inh hồn ấy bị nghiền nát dưới một sức nặng lớn lao. Bà hiểu rằng đó là hình phạt dành cho các linh hồn thiếu nhẫn nại và không vâng lời. Khi bà nhìn ngắm các linh hồn ấy, bà đã diễn tả bằng mọi cử chỉ và bà thở dài với một tâm tình cảm thương.

Sau một hồi, bà cảm thấy đau khổ nên khóc thảm thiết. Sau đó bà bước vào nhà tù của những kẻ nói dối. Bà quan sát kỹ và nói lớn:

“Các người nói dối ở một nơi rất gần Hỏa ngục. Nỗi thống khổ của họ lớn lao vâ vô biên. Chất chì lỏng đổ vào miệng của họ, trong lúc ấy, họ ngập chìm trong môt hồ nước đá lạnh, để rồi họ bị cháy phỏng và lạnh cóng cùng một lúc.

Thế rồi bà đến một nhà tù ở đó đang giam cầm những linh hồn phạm tội vì sự nhu nhược, bà la lớn tiếng như sau:

“Than ôi, tôi đã sai lầm khi tin rằng qúy vị ở chung với những ai phạm tôi vì sự ngu muội, bởi vì tôi thấy qúy vị bị phỏng trong lửa nóng thiêu đốt.”

Một hồi sau, bà nhận thấy những linh hồn tham lam quá độ bị thiêu nóng chảy ra với chất chì trong lò thiêu. Rồi bà thánh tiếp tục đi mà không nói gì thêm nữa; nhưng đến cuối cuộc hành trình, người ta nghe tiếng khóc của bà:

“Ôi lạy Chúa, ý muốn tuyệt vời của Chúa là tiết lộ những nỗi thống khổ đáng sợ. Có lẽ Chúa muốn đáp lại ước muốn của con là được biết linh hồn của em trai của con đang ở đâu, hay là để khuyến khích con hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục. Vâng, con hiểu rồi. Chúa muốn con thấy để con có thể hiểu rõ hơn sự thanh khiết vô nhiễm của Ngài!”

Rồi bà đi ngang qua môt trại giam các linh hồn đầy cao vọng và kiêu ngạo, các 1inh hồn này đau đớn khủng khiếp trong sự đen tối mịt mùng. Bà nói:

“Ôi thật là khốn khổ! Các linh hồn này bị bắt buộc sống trong sự đen tối, bởi vì họ cố gắng hết sức để được nổi bật trong mắt của những người khác.”

Và rồi bà thấy các linh hồn của những người cứng lòng và vô ơn đối với Chúa. Họ không bao giờ biết yêu mến Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và là Cha của họ. Các linh hồn này bị chìm sâu trong cái hồ đầy chì lỏng. Họ phải chịu đau khổ vì họ biến suối nguồn ân sủng trở thành sự khô cằn, trơ trụi qua thái độ vô ơn của họ.

Cuối cùng, nhà tù cuối mà bà đi qua là nơi mà các linh hồn không có tội rõ ràng, nhưng chỉ có những tội nhỏ nhặt. Bà quan sát thấy các linh hồn phải đền trả cho những tội gì mà họ đã mắc phạm khi còn ở trần gian.

Sau 2 tiếng đồng hồ đau đớn khi viếng thăm luyện ngục, bà thánh trở về với thực tại, nhưng cơ thể yếu nhược và tinh thần sa sút trong một thời gian dài. Phải đợi rất lâu bà mới phục hồi sức khỏe và hoàn hồn, vì cảnh tượng kinh hoàng mà bà đã được chứng kiến với đôi mắt của bà.

Những cảm nghiệm về Luyện ngục mà bà thánh Mary Magdalen Dei Pazzi đã chứng kiến chỉ là một phần trong rất nhiều mặc khải của nhiều vị thánh trong giáo hội.


Bài 6: Thánh Padre Piô Luôn Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Cha Thánh Padre Pio luôn ban tình thương phụ tử cho các người hấp hối và người chết. Những linh hồn người chết thường hiện về với cha Padre Pio để xin ngài cầu nguyện cho họ sớm được lên Thiên Đàng. Có một số trường hợp mà cha Padre Pio hiện diện bên cạnh người hấp hối vì những người này có lòng mến mộ cha Thánh khi mà họ còn sống, bà Enedina Mori kể cho chúng ta một câu chuyện sau:

“Cha Padre Pio muốn chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi suốt ngày đêm để cứu giúp các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục được thêm ân xá. Lúc trước có những tràng hạt chuỗi Mân côi với các ân xá. Tôi bèn thưa với cha Padre Pio:

- Thưa cha, luôn luôn có những người cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi suốt ngày mà!

Ngài đáp:

- Những khi con mỏi mệt, con nên ngừng đọc một chút rồi lại bắt đầu đọc tiếp chứ!

Khi người em trai của bà Maria Pompilio qua đời, bà xin cha Padre Pio cầu bầu cho em trai bà và xin Chúa cho bà được nằm mơ thấy em mình, nhưng cha Padre Pio mắng bà:

“Chúng ta hãy sống trong thế giới thật đi, đừng nói đến các giấc mơ nữa!”

Tuy nhiên, bà Maria cứ năn nỉ cha mãi, cuối cùng, bà mơ thấy em trai về nói với bà rằng:

- Chị ơi, chị có biết là cha Padre Pio đã giúp đỡ em khi em hấp hối lâm tử không?

- Nhưng em ơi, chị đâu có thấy cha hiện diện bên giường bịnh của em?

- Em không thể nói cho chị biết, bởi vì lúc ấy em đang hấp hối, nhưng thật sự, cha Padre Pio hiện diện bên em cho đến khi Chúa phán xét em. Chúa truyền cho em phải chịu đền tội 11 năm ở luyện ngục, nhưng cha Padre Pio đã cầu bầu cho em nhiều lắm nên em chỉ còn ở luyện ngục có 1 năm thôi. Có nhiều sự nhiệm mầu trong cuộc sống của cha mà chúng ta sẽ được biết rõ khi ta sang thế giới bên kia!

Sáng hôm sau, bà Maria đi bộ từ ngoài phố đến nhà thờ. Lúc ấy, không có trạm xe buýt trong suốt 2 dặm đường. Khi cha Padre Pio nhìn thấy bà, ngài lên tiếng:

- Sao? Bà cảm thấy hạnh phúc rồi chứ?

- Thưa cha, cha đã làm gì vậy? Cha đi khắp nơi! Cha ở ngay trên trái đất mà rồi cha cũng ở trên Thiên Đàng !

- Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

- Thưa cha, em trai của con nói rằng…

Nhưng cha Padre Pio cắt ngang và nói:

- Đúng rồi, em của bà nói rằng sự nhiệm mầu của cuộc sống tôi sẽ chỉ được biết trên Thiên Đàng!

Xin tất cả mọi sự là để dành cho vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì các ân sủng dồi dào của Lòng Thương Xót Ngài đổ xuống trên chúng ta.

Vâng, Cha Thánh Padre Pio đã nói:

“Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

Như trong Thánh Kinh có kể câu chuyện các Thiên Thần đi lên xuống trên chiếc cầu thang của Tổ phụ Gia Cốp, cha Padre Pio đã ban ơn lành bằng lửa yêu mến và đền tội cho nhân loại bằng giá máu của ngài. Ai có thể hiểu nổi tình yêu mênh mông của cha Padre Pio? Ngài thường nói với chúng tôi là các con thiêng lieng của ngài rằng:

“Trái tim của cha nóng chảy còn hơn lửa mặt trời nhiệt đới. Trái tim cha ngọt ngào như tổ mật ong. Cha không sống với trái tim cha nữa, nhưng cha sống với trái tim của Thiên Chúa.”





Bài 7: Luyện Ngục: Người Do Thái Giáo Vẫn Được Cứu, Dù Chưa Có Phép Rửa Tộ

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đây là câu chuyện của gia đình bà Florence Ehrman, một người ngưỡng mộ cha Thánh Padre Pio:

“Năm 1965, ba tôi trở cơn bịnh nặng và nằm chờ chết. Tôi đã viết thư cho cha Padre Pio để xin ngài cầu bầu cho ba tôi sớm hết bịnh. Ba tôi vốn là một người chồng, một người cha tử tế và nhân hậu. Ông rất khiêm nhường và qủang đại. Ông tin tưởng mãnh liệt nơi Thiên Chúa và ông theo đạo Do Thái Giáo.

Sau đó, tôi nhận được thư hồi âm của cha Thánh Padre Pio, ngài hứa sẽ cầu nguyện cho ba tôi, và sẽ bảo vệ ba tôi.

Tháng 2 năm 1966, ba tôi qua đời, nhưng thật lạ lùng, tôi cảm thấy bình an và bình thản. Tôi lấy làm lạ vì tôi sống rất gần gũi ba tôi. Tôi yêu ba tôi nhiều hơn những người khác trong gia đình, nhưng có lẽ tôi yêu các con nhiều hơn ba. Từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thể chịu nổi nếu mà ba tôi ra đi.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu lo sợ không biết ba tôi có được ơn cứu độ hay không. Sở dĩ tôi sợ vì những người Công Giáo và Tin Lành thường nói rằng nếu muốn được ơn cứu độ thì phải qua bí tích rửa tội. Do đó, ý tưởng này bắt đầu dầy vò tôi, khiến tôi không còn sự bình an như trước nữa.

Vào tháng 10, năm 1967, tôi đến viếng vùng San Giovanni Rotondo, Ý để gặp cha Padre Pio lần thứ hai. Môt người bạn của tôi đề nghị tôi hãy viết những câu hỏi mà tôi có thể có, rồi bạn tôi sẽ đệ trình lá thư này cho cha Padre Pio.

Trong thư tôi kể lể về chuyện ba tôi chết đi mà không có phép rửa tội, nhưng ông là người rất tốt và dịu hiền. Về sau, tôi nhận được lá thư trả lời của cha Padre Pio như sau:

“Ông Julius Fine được ơn cứu độ, nhưng gia đình cần phải cầu nguyện nhiều cho linh hồn ông ấy. “

Thế là tôi lại cảm thấy bình an vì biết rằng ba tôi ở trong số các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Thật là cần thiết để cầu nguyện cho các linh hồn đang bị thanh tẩy, để nhờ lời cầu nguyện của chúng ta mà họ được lên Thiên Đàng. Lúc đó thì ta không cần phải cầu nguyện cho họ nữa. Nếu linh hồn rớt vào Hỏa ngục thì quá trễ để cầu nguyện. Trái tim tôi mừng vui và cảm động về phép lạ cứu độ. Chúa Thánh Linh đã ban ơn cho cha Padre Pio được biết để nói lời xác nhận. Tất cả chúng ta đều phải sợ hãi và run rẩy khi ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.



Bài 8: Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Của Các Đẳng Linh Hồn Ở Luyện Ngục

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Có nhiều giai thoại kể về việc Đức Mẹ Maria thường hay lui tới Luyện ngục để an ủi những linh hồn đau khổ ấy. Mỗi ngày thứ bảy là ngày đặc biệt, vì là ngày lễ biệt kính Đức Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ Thánh Thiện. Qua các mặc khải, các Thánh kể rằng ngày thứ bảy là ngày hội ở Luyện ngục, bởi vì Đức Mẹ xuống nơi ngục tù đáng thương ấy để thăm viếng và an ủi các tôi tớ trung thành và yêu mến Mẹ trong đời sống dương gian của họ.

LM Louvet kể như sau:

“Bậc Đáng Kính Nữ Tu Paola di Santa Teresa được ngất trí vào ngày thứ bảy, rồi bà được đưa vào Luyện ngục, nơi ấy, bà thấy sáng sủa như một ngày hội đặc biệt. Thế rồi, bà thánh được nhìn thấy Mẹ Maria đến và các thiên thần bao bọc chung quanh. Đức Mẹ ra lệnh cho các thiên thần hãy thả những linh hồn sùng kính Mẹ khi họ còn sống trên trần gian. Nếu cảnh nhộn nhịp này xẩy ra và các ngày thứ bảy ở Luyện ngục thì đến ngày lễ lớn kính Đức Mẹ còn lớn đến thế nào? Mẹ và các Thiên thần đem niềm vui đến cho Luyện ngục. Theo các thánh víêt kể lại thì ngày lễ huy hoàng nhất là ngày Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Thánh Phêrô Damian nói rằng mỗi năm, vào ngày lễ lớn này, Đức Trinh Nữ gỉai thoát hàng ngàn linh hồn khỏi Luyện ngục và đem họ đến niềm vui viên mãn muôn đời. Thánh nhân được thị kiến như sau:

Trong thời đại của Thánh Phêrô Damian thì tại Roma, người ta có thói quen đến viếng nhà thờ và cầm một ngọn nến, vào buổi tối trước lễ Mông Triệu ( Mẹ Lên Trời). Môt năm nọ, có một phụ nữ qúy tộc đang đi đền tội bằng hai đầu gối tại nhà thờ Đức Mẹ Aracoeli, trong thành phố Roma. Chợt bà ta thấy một phụ nữ đã chết mà nay hiện ra trước mắt bà. Bà nhận ra người đã chết từ năm ngoái ấy vốn là mẹ đỡ đầu của mình. Bà bèn đợi người quá cố nơi cửa nhà thờ để tìm lời giải thích thỏa đáng.

Bà nắm tay người phũ nữ kia, kéo đi ra cửa nhà thờ rồi hỏi:

- Thưa bà, bà có phải là mẹ đỡ đầu của con lúc con mới ra đời không?

- Đúng, tôi chính là người ấy!

- Nhưng làm sao mà bà lại có thể ở trong đám người còn sống? Bà đã chết cả năm nay rồi mà. Sự gì đã xẩy ra cho bà trong thế giới bên kia?

- Cho đến nay, tôi vẫn bị đốt cháy trong lửa, đau khổ vì các tội lỗi kiêu căng khi còn trẻ. Tuy nhiên, vì cứ mỗi ngày lễ lớn kính Đức Mẹ, thì Nữ Vương Thiên Đàng lại xuống lửa Luyện ngục, để giải thoát tôi và nhiều linh hồn khác, để cho phép chúng tôi bước vào Thiên Đàng trong đúng ngày lễ lớn của Mẹ. Cứ mỗi năm, Đức Mẹ Chúa Trời lại đổi mới phép lạ của Lòng Thương xót, và con số linh hồn được giải thoát lên đến hàng ngàn. Để tạ ơn Mẹ về hồng ân cao cả này, chúng tôi đi đến các nhà thờ được đặt tên của Mẹ. Nếu con chỉ thấy tôi thôi, nhưng tôi nói cho con biết, có rất nhiều các linh hồn cùng đi vào đây với tôi.”

Người phụ nữ tỏ vẻ không tin, thì linh hồn nói thêm:

- Để chứng tỏ đây là sự thật, tôi nói cho con biết chỉ còn một năm nữa, vào đúng ngày lễ này, con sẽ chết. Nếu thời gian đến mà con không chết thì xem như lời tôi nói cho con hôm nay chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng.

Thánh Phêrô kể thêm rằng người phụ nữ thánh thiện ấy trải qua một năm thực hành mọi việc đạo đức để chuẩn bị cho cái chết. Vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm sau, bà ấy đã chết.

Giáo hội nhận ra sự lãnh đạo của Nữ Vương, nên họ chăm sóc các linh hồn trong luyện ngục, an ủi, giúp đỡ họ cho đến khi họ được bước vào niềm vui của đời sống vĩnh hằng.

Còn người lãnh đạo nào tốt lành hơn là người mẹ hiền của Chúa Giêsu? Còn đường nào an toàn dẫn tới Bê Lem, Can-va-rê và sự Phục sinh bằng các chuỗi Kinh Mân Côi? Với Đức Mẹ, qua chuỗi kinh Mân Côi, chúng ta bước đi một cách an toàn trên con đường cứu độ. Đây là con đường lịch sử mà Công Đồng Vatican II khuyến khích.


Bài 9: Đức Mẹ Maria, Nơi Trú Ẩn An Toàn Của Kẻ Tội Lỗi

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Liệu một linh hồn sẽ ở một mình cô độc hay có ai chung quanh linh hồn ấy trong giờ phán xét. Có thể linh hồn ấy bị ma quỷ hiện diện để cám dỗ, cũng có thể linh hồn ấy được Đức Mẹ Maria cùng các thánh ở bên cạnh để cầu bầu cho. Khi nói về sự can thiệp của Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy nghe mặc khải của thánh Alphonso Liguori như sau:

“Một nữ tu thánh thiện tên là Nữ tu Catherine của Dòng Thánh Augustino có một thói quen đặc biệt là cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn mồ côi hay các lin hồn có liên hệ với sơ. Tuy nhiên, trong thành phố nơi Sơ Catherine ở có một người phụ nữ tội lỗi tên là Maria. Khi bà này chết, ai cũng nghĩ rằng bà ấy mất linh hồn. Vì thế, đám tang của bà có ít người tham dự để cầu nguyện cho bà. Chẳng những thế, sơ Catherine cũng không cầu nguyện cho linh hồn ấy, bởi vì sơ cũng nghĩ rằng bà ta xuống hỏa ngục rồi.

Bốn năm trôi qua. Môt ngày nọ, sơ Catherine thấy một linh hồn từ luyện ngục hiện về nói với sơ rằng:

- Thưa sơ Catherine, sơ luôn có thói quen thánh thiện là cầu nguyện cho các linh hồn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi với!

- Bà là ai?

- Tôi là Maria, người đã chết trong sự bỏ rơi của mọi người.

- Bà nói thế có nghĩa là gì? Bà cũng được ơn cứu độ à?

- Thưa vâng, tôi được ơn cứu độ nhờ vào lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria. Khi hấp hối, tôi biết rằng mình sẽ chết trong sự bỏ rơi của mọi người, nên tôi đã tha thiết cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Tôi nài xin Mẹ như sau:

“Lạy Nữ Vương của con! Mẹ là nơi trú ẩn của các kẻ tội lỗi và kẻ bị bỏ rơi. Xin Mẹ hãy nhìn đến tình trạng bơ vơ của con trong lúc này, và xin Mẹ hãy giúp đỡ con!”

Đức Trinh Nữ Thánh Thiện đã nghe tiếng tôi cầu nguyện và đến cứu giúp tôi. Mẹ ban cho tôi ơn ăn năn thống hối trọn vẹn để tôi được cứu thoát khi lâm tử. Và Đức Mẹ nhân từ giàu lòng thương xót còn ban thêm ơn cho tôi. Khi tôi đến trước tòa phán xét của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã xin Con của Mẹ một ơn khác để giảm bớt thời gian tôi phải đền trả nơi luyện ngục. Bởi vì công lý của Thiên Chúa không thể đi ngược lại với quyền lực của Ngài, nên tôi đau khổ nhiều lắm, hầu đền bù lại những tội lỗi tôi đã phạm. Lúc này đây, tôi rất cần thêm các thánh lễ để được giải thoát. Khi linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tôi, thì sự thống khổ được giảm thiểu. Xin sơ hãy thương xót tôi và xin lễ cầu nguyện cho tôi. Tôi hứa sẽ không ngừng cầu nguyện với Chúa và Đức Nữ Đồng Trinh Thánh thiện cho sơ.”

Sơ Catherine vội vàng xin lễ cầu cho linh hồn bà Maria ấy, và vài ngày sau, sơ thấy linh hồn này bay lên Thiên Đàng, trước đó bà đến cảm ơn sơ đã vì lòng bác ái mà xin lễ cầu cho linh hồn bà.

Đức Mẹ quả thật là nơi trú ẩn của các người tội lỗi. Cha thánh Padre Pio dư biết điều này. Có nhiều câu chuyện kể lại mối liên hệ giữa cha và Đức Mẹ. Trong một lá thư, cha Padre PIo đã viết như sau:

“Mẹ yêu dấu, sao Mẹ thương con nhiều thế? Con cảm nhận được tình yêu của Mẹ một lần nữa vào buổi bình minh của tháng Năm. Mẹ đã âu yếm đi cùng với con lên bàn thánh vào sáng hôm ấy. Con có cảm tưởng rằng Mẹ chỉ nghĩ đến con mà thôi. Mẹ đổ tràn đầy trong trái tim con với tình yêu thánh thiện của Mẹ…Con ước ao có một giọng nói mạnh mẽ đủ để mời gọi những kẻ tội lỗi của thế giới hãy yêu mến Mẹ. Nhưng điều này không ở trong quyền năng của con, con đang cầu nguyện và sẽ cầu nguyện với thiên thần của con để ngài thi hành nhiệm vụ ấy giúp cho con.”

Đức Mẹ Maria đã nói với Thánh Brigid rằng Mẹ là Nữ Vương và Mẹ của những ai ở nơi đền tội. Lời cầu bầu của Mẹ làm giảm bớt nỗi thống khổ của họ rất nhiều. Cha Louvet nói:

“Trong sự hiện diện của Đức Mẹ, nơi đáng sợ ấy trở nên một nơi huy hoàng, đặc biệt cho những ai khi còn sống mà có lòng hâm mộ và sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Còn những ai đeo áo Đức Bà trong suốt cuộc đời thì Mẹ hứa rằng vào thứ bảy đầu tiên, sau khi họ chết thì Mẹ sẽ xuống luyện ngục mà giải thoát họ khỏi nơi đau khổ ấy.

Vậy chúng ta hãy bắt chước cha Thánh Padre Pio, yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện liên tục cho các linh hồn ở luyện ngục được sớm giải thoát. Đó là điều làm cho Mẹ vui lòng hơn hết.




________________________________________
Bài 10: Luyện Ngục: Các Linh Mục Đền Tội Lâu Hơn Các Giáo Dân

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sau đây là câu chuyện của bà Carmela Marocchino nói về ngừơi anh của bà là Linh mục Vittore. Vị linh mục này mất ngày 29 tháng 1 năm 1958. Bà kể lại chuyện và hỏi thăm cha Padre Pio về tình trạng linh hồn của anh bà:

Mặc dù tôi luôn tuân theo Thánh ý của Chúa, nhưng tôi băn khoăn về tình trạng linh hồn của anh tôi, bởi vì anh của tôi chết bất thình lình. Sau khi anh tôi qua đời, tôi khóc thảm thiết, và cha Padre Pio cũng khóc nữa. Tôi hỏi cha Pio:

- Thưa cha, tại sao Chúa lại chọn anh của con?

- Con có biết Chúa Giêsu làm gì với anh của con không? Chúa Giêsu vào trong vườn hoa, ở đó có nhiều đóá hoa, nhưng có một đoá hoa đẹp hơn những hoa khác. Ngài liền bước đến bên đóa hoa ấy và ngắt đi. Đó là điều Chúa Giêsu làm với anh của con.

- Thưa cha, anh con có được ơn cứu độ không?

- Được, nhưng chúng ta phải cầu nguyện cho ngài.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 1958, ngày lễ quan thầy của anh tôi. Tôi hy vọng anh đã được ở Thiên đàng rồi, trong tòa giải tội, tôi bèn hỏi cha Padre Pio xem anh tôi đã ở Thiên đàng chưa, ngài đáp:

- Con biết không? Các linh mục chúng tôi có nhiều trách nhiệm hơn trước Tòa Chúa, và khi chúng tôi xuất hiện trước Nhan Ngài, chúng tôi rất sợ hãi và run rẩy. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện.

Vào ngày 28 tháng 12 năm 1958, trong ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, tôi đến xưng tội. Đến lúc cuối, cha Pio hỏi xem tôi còn tội gì khác để xưng thú nữa không, nên tôi hỏi ngài:

- Thưa cha, cha biết hết mọi sự mà Chúa mặc khải cho cha. Xin cha cho con biết là anh của con là cha Vittore đang ở đâu?

- Ngài đang ở trên Thiên Đàng rồi.

Tôi rất vui mừng, mặc dù anh của tôi là linh mục và là môn sinh của cha Pio, vậy mà anh tôi phải ở Luyện ngục đến 11 tháng, bởi vì trách nhiệm của anh tôi đối với các linh hồn mà anh hướng dẫn.

Vào một dịp khác, tôi hỏi cha Padre Pio nếu tôi có cần phải cầu nguyện cho cha mẹ tôi khi họ đã chết lâu rồi, và ngài đáp:

“Ngay cả khi cha mẹ của con đã ở Thiên Đàng rồi, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện. Nếu họ không cần lời cầu nguyện nữa thì các lời cầu nguyện ấy vẫn được chỉ cho các linh hồn khác.

Bài 11: Sự Thông Công Giữa Các Thánh, Các Linh Hồn Và Loài Người Ở Trần Gian

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sự hiệp thông giữa các thánh gồm có tất cả những ai sống trên trái đất, các thánh trên Thiên Đàng và các linh hồn dưới luyện ngục. Ba Hội Thánh Chiến Đấu, Khải Hòan, và Đau Khổ kết hợp thành một gia đình lớn, và hiệp thông với nhau một cách đặc biệt. Vì thế, sự thống khổ và niềm vui của một người cũng là của tất cả mọi người. Sự khải hoàn của các thánh, sự đau khổ của các linh hồn và sự thử thách của các người còn sống trên thế gian là điều kinh nghiệm của mọi người. Khi chúng ta ở thế gian vui mừng khi nghĩ về các thánh, và buồn cho các linh hồn ở luyện ngục, thì các ngài, dù ở trên Trời hay còn ở luyện tôi, cũng đều lo lắng cho số phận của chúng ta trên trần thế. Các ngài thấy và biết rõ các nguy hiểm mà chúng ta đang sống.

Các linh hồn ở Luyện ngục tham dự vào niềm vui huynh đệ với các thánh trên Thiên Đàng, và họ cảm ơn các việc lành thánh mà chúng ta làm để dâng hiến cho họ được sớm giải thoát. Họ xem chúng ta là những ân nhân của họ. Khi từ lửa luyện ngục, họ nhìn lên Thiên Đàng và thấy các thánh đang hạnh phúc, thì họ nghĩ rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ được hạnh phúc như thế. Các linh hồn ở Luyện ngục cũng biết rằng họ có các bạn hữu trên Thiên Đàng đang cầu bầu cho họ trước Ngai Tòa của Chúa. Do đó, sự liên hệ đặc biệt giữa các linh hồn ở Luyện ngục, với nhân loại trên trần gian, và với các thánh nơi Thiên Đàng, không bị quên lãng.

Chúng ta đừng quên các Thiên Thần, vì dĩ nhiên, các ngài rất chăm sóc cho các linh hồn ở Luyẹn ngục. Nhiều linh hồn phú thác cho các Thiên Thần của Chúa. Các Thiên Thần cho rằng sứ mệnh của họ chưa chấm dứt cho đến khi nào họ đem được các linh hồn lên Thiên Đàng. Toàn thể các Thiên Thần luôn chú ý đến những linh hồn khi còn sống mà biết tôn kính các ngài.

Nghi lễ cho ngày lễ kính Thánh Micae cho ta biết rằng ngài đã được Chúa chỉ định cho việc nhận các linh hồn vào Thiên Đàng, khi họ rời Luyện ngục. Do đó, Thánh Micae như là một vị Hoàng tử của vương quốc thống khổ. Ngài có lòng trắc ẩn với các linh hồn này, và Ngài tiếp tục cầu bầu cho các linh hồn ấy.

Thánh Frances thành Roma rất vui thích khi nói đến các Thiên Thần chăm lo cho mọi người trong suốt đời sống của họ. Bà nói rằng:

” Khi một người chết, tùy theo mức độ công trạng của họ, vị Thiên thần Bản mệnh dẫn đưa người ấy tới phần sâu của Luyện ngục, và ở lại bên phía tay phải của người ấy, trong khi ma quỷ ở phía tay trái người ấy. Thiên Thần dâng lên Chúa Giêsu các lời cầu nguyện để cầu bầu cho linh hồn ấy được giảm bớt sự đau đớn. Trong khi ấy, ma quỷ thì chịu sự điều khiển của Lucifer, nên bị hành hạ một cách đặc biệt vì không thể dụ dỗ linh hồn ấy vào Hỏa ngục. Khi giờ đền tội của một linh hồn đã hoàn tất, người ấy được chuyển qua một nơi chốn cao hơn, và ma quỷ rời linh hồn ấy để trở về với đồng bọn của hắn, những tên ma quỷ khác sẽ chỉ trích hắn vì hắn đã thất bại trong việc dụ dỗ linh hồn ấy.

Như vậy, các Thiên Thần Bản Mệnh thăm viếng các linh hồn nơi Luyện ngục và cầu bầu cho họ trước Tòa Chúa.

Trong chuyến thăm viếng Luyện nguc dài 2 tiếng đồng hồ của Thánh Nữ Mary Magdalen Dei Pazzi, bà thánh đến thăm một nhà tù mà người ta phạm tội vì sự ngu dốt hay yếu kém, và bà thấy các Thiên Thần Bản Mệnh của các linh hồn ấy ở ngay bên cạnh họ để an ủi.

Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque cũng vậy, trong khi bà bị bịnh, Thiên Thần Bản Mệnh của bà mời bà đến thăm Luyện ngục với Ngài. Ngài đưa bà đến một nơi rộng lớn đầy những lửa và than đá. Tại đó, Ngài cho bà thánh thấy rất nhiều linh hồn trong hình dáng con người, đang giơ tay ra để cầu xin lòng thương xót, và bên cạnh họ là các Thiên Thần Bản Mệnh đang an ủi họ với những lời yêu thương.

Các mặc khải trên đây đúng theo lời giảng dạy về Thần Học và hợp với đại đa số các Tiến sĩ Hội Thánh. Các ngài nói rằng các Thiên Thần Bản Mệnh đưa các linh hồn vào Luyện ngục, và để cho họ liên lạc với chúng ta, linh hứng để ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy, và rồi báo tin cho các linh hồn xem ai là người cầu bầu cho họ. Khi thời kỳ đền tội đã hoàn tất, các Thiên thần đưa họ lên Thiên Đàng và đến với chúng ta để báo cho ta biết về sự giải phóng của họ. Chúng ta đoan chắc rằng các Thiên Thần hành động như người trung gian giữa Luyện ngục và Trần gian.

Ngoài ra, các Thiên Thần còn là người trung gian giữa Luyện ngục và Thiên Đàng. Chúng ta đã nhắc đến việc họ dâng lên Chúa các lời nguyện và sư hy sinh mà chúng ta dâng lên để cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, và các ngài đem những an ủi mà Chúa ban đến cho các linh hồn.

Mỗi khi Chúa hay Đức Mẹ Maria ngự xuống Luyện ngục thì đều có các Thiên thần bao quanh, sự huy hoàng và sáng láng của các Ngài đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các linh hồn ấy. Nếu các Thiên Thần đã chăm sóc cho các linh hồn ấy khi ở trần gian, tại sao lại không chăm lo cho họ trong thời gian họ ở trong Luyện ngục chứ?

Để kết luận, và để hiểu rõ sự lưu tâm của các Thiên thần ở trong Luyện ngục, chúng tôi kể một câu chuyện do nhà văn Rossignoli kể trong tác phẩm của ông:

“Trong tu viện của Thánh Catherine ở vùng Naples, các tu sĩ có thói quen đạo đức là đọc kinh chiều cho các linh hồn vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ. Như vậy, trước khi nghỉ ngơi, người tu sĩ có thể đem lại chút ủi an cho các linh hồn. Một tối kia, các nữ tu vì quá mỏi mệt vì làm lao động mệt nhoài, nên họ không đọc kinh chiều cầu cho các linh hồn. Do đó, một ca đoàn Thiên Thần từ Thiên Đàng đi xuống và bắt đầu đọc kinh chiều cho các linh hồn trong cung ca đoàn của tu viện. Nhờ vậy, các linh hồn không lo buồn vì sự thiếu kinh nguyện. Như vậy chúng ta có cần thêm chứng từ nữa không?

Vậy chúng ta hãy luôn nhớ rằng niềm vui và hạnh phúc của các thánh, sự đau đớn và thống khổ của các linh hồn ở Luyện ngục và các thử thách và phiền muộn của các người đang sống ở thế gian đều hợp thông với nhau. Các thánh ở trên Thiên Đàng rất cảm động khi nhìn thấy sự nguy hiểm mà loài người trên trần gian phải đi qua, và các ngài nhìn xuống Luyện ngục với lòng thương xót và trắc ẩn. Họ cầu bầu cho các anh chị em của họ sớm hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng. Còn các linh hồn thì cảm ơn các ân nhân ở trần gian, và ngước mắt lên trời để chiêm ngắm các thánh đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Họ vui mừng và đầy hy vọng khi biết rằng lời cầu bầu của các anh chị em trên trời cũng như trên thế gian sẽ giúp rút ngắn thời gian thống khổ. Thật là một tương quan đẹp đẽ và thân thiện giữa Luyện ngục, Thiên Đàng và Trần gian, và đó chính là di sản quý báu và đẹp đẽ của Giáo hội Công giáo.


Bài 12: Vị Cố Linh Mục Chánh Xứ Hiện Về Đền Tội

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Tại thành phố Pietrelcina, Ý Đại Lợi vào sau năm 1910, cha Thánh Padre Pio được thụ phong linh mục bởi tay của Đức Giám mục Schinosi ở Benevento. Vì sức khỏe của cha Pio yếu kém nên ngài phải vâng lời Bề trên để ở lại Pietrelcina. Ai cũng hy vọng rằng với không khí trong lành, với sự săn sóc của mẹ ngài, và với sự tự do khỏi vướng bận những lo lắng của đời sống cộng đoàn thì cha Pio mạnh khỏe hơn.

Vị cha xứ tên là Giovanni Caporaso đã qua đời ít lâu nay. Vị cha xứ mới là cha Don Salvatore Pannullo đến thay thế. Ngài vốn là thầy dạy môn Thần Học của cha Padre Pio. Mỗi ngày, vị linh mục mới là cha Pio đều đến nhà thờ của giáo xứ để cử hành Thánh lễ. Ngay từ khởi đầu, các thánh lễ của cha Padre Pio cử hành đều mang sắc thái khác biệt.

Ngày ấy chưa có phòng Thánh. Vì thế vị linh mục thường mặc áo lễ sau bàn thờ. Một vài lần, cha Padre Pio mặc áo lễ ngay sau bàn thờ. Nhưng sau đó, cha xứ Don Salvatore chuẩn bị một bàn nhỏ ở bên cạnh bàn thờ chính. Ngài đặt các vật dụng cần thiết cho Thánh lễ trên bàn nhỏ ấy và dặn cha Padre Pio hãy mặc áo lễ bên cạnh bàn nhỏ, thay vì sau bàn thờ.

Cha Padre Pio vâng lời với sự đơn sơ thánh thiện. Sau đó, ngài hỏi lý do tại sao lại phải mặc áo lễ ở chỗ mới thì cha xứ Don Salvatore nói rằng rất nhiều lần, trong thánh lễ do cha Padre Pio cử hành thì cha Don Salvatore thấy vị linh mục qúa cố Caporaso hiện về, quỳ nơi hàng ghế sau bàn thờ. Ngài qùy và tham dự thánh lễ sốt sắng rồi biến đi.

Người ta cũng còn thấy cha xứ Caporaso hiện về qùy trong nhà thờ nhỏ tên Thánh Pio Tử Đạo, trong một lâu đài. Khi ông trùm đến rung chuông nơi nhà thờ chính vào mỗi buổi sáng thì bà vợ của ông ta đến rung chuông ở ngôi nhà thờ nhỏ ở trong lâu đài. Bà này chuẩn bị mọi sự trên bàn thờ môt cách chu đáo và tươm tất. Khi vừa đi về thì bà gặp cố linh mục Caporaso đang qùy trên các bậc thang ở cung thánh và sốt sắng cầu nguyện. Không tin vào đôi mắt mình, bà dụi mắt vì nghĩ rằng mình đang buồn ngủ. Rồi bà nhìn ngắm lần nữa.Đúng là ngài rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!

Bà ta bèn chạy ù té ra khỏi nhà thơ nhỏ, tim bà đập thình thịch. Vẻ mặt xanh mét, bà chạy đến nhà thờ chính để kể lại cho chồng nghe. Ông linh cảm có một điều gì ghê gớm đã xẩy ra cho vợ. Bà vợ kêu lên:

- Nè, nè, em không đến nơi nhà thờ nhỏ nữa đâu. Từ nay anh liệu mà sang bên ấy rung chuông đi nhé!

- Tại sao vậy?

- Bởi vì em vừa nhìn thấy ông cha xứ đã chết mà nay lại trở về trước bàn thờ, ông ấy làm cho em sợ mất vía đi thôi!

Thật ra, chính cha Padre Pio cũng đã thấy vị linh mục qùy cầu nguyện ở đó, nhưng ngài chỉ nhìn thấy phía đàng sau nên không biết là ai cả.

Việc hiện ra của cha Caporaso kéo dài khoảng 1 tháng. Vào lần cuối, cha quá cố nói với cha xứ như sau:

” Cha Salvatore ơi, tôi đi đây, và tôi sẽ không trở về nữa. Thật là khủng khiếp cho tôi, và tôi phải trả giá đắt khi xong Thánh lễ mà không tạ ơn Chúa, mà cứ đi thẳng một mạch.”

Lời nói này làm gương cho cha xứ mới. Cha xứ quá cố là một vị linh mục thật thà và công chính, chỉ vì không tạ ơn Chúa sau Thánh lễ và vội vàng đi chơi với bạn bè nên ngài phải đền tội. Lời cầu nguyện của cha Thánh Padre Pio rất hữu ích cho cha xứ quá cố. Nhờ vậy mà ngài được giải thoát khỏi Luyện ngục.








________________________________________
Bài 16: Với Thiên Chúa, Không Có Quá Khứ Hay Tương Lai

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Vào cuối năm 1949, một vị bác sĩ quen thân với cha Padre Pio nhận được lá thư của một bà mẹ có con gái đau nặng. Bà mẹ xin cha Padre Pio cầu nguyện cho con gái của bà sớm bình phục. Vị bác sĩ thông cảm nỗi lòng người mẹ nên ông vội đi tìm cha Pio. Ông nói:

-Thưa cha Pio, con có môt lá thư mà người ta xin cha cầu nguyện. Con đọc thư cho cha nhé?

Cha Pio đáp:

-Bác sĩ có thể đọc cho tôi sau được không? Bây giờ tôi rất bận.

Tuy nhiên, lá thư ấy không được đọc sớm. Vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, vị bác sĩ phải rời San Giovanni Rotondo bởi có chuyện gấp trong gia đình. Khi trở lại, vị bác sĩ thấy lá thư ấy vẫn còn nằm trên chiếc bàn của phòng giải phẫu. Ông tự nhủ:

-Tội nghiệp cho bà mẹ này, tôi phải nói chuyện cho cha Pio vào tối nay thôi!

Thế là chiều hôm đó, vị bác sĩ vào phòng của cha Pio và đọc thư cho cha nghe. Đọc xong, ông ta hỏi cha Pio:

-Thưa cha, bây giờ con phải nói thế nào đây?

Cha Pio đáp:

-Hãy nói: “Xin vâng!”

-Cha nói cái gì?

-Tôi nói: “Hãy xin vâng!”

Lúc ấy, cô bé bịnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, vị bác sĩ biết rằng thời gian đã trôi qua từ lâu, có lẽ chậm mất rồi, nếu có cầu nguyện bây giờ thì cũng vô ích thôi. Nhưng cha Pio hiểu ông ta nghĩ gì nên cha nói tiếp:

-Có lẽ ông không hiểu rằng: bây giờ, tôi có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi có một cái chết hạnh phúc.

-Nhưng ông cố nội của cha đã chết từ nhiều năm về trước rồi mà!

-Tôi biết chứ, nhưng bây giờ, tôi vẫn có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi chết trong hạnh phúc. Để tôi giải thích cho ông rõ hơn. Ví dụ ông và tôi cùng chết, qua sự may mắn, và qua lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ, chúng ta phải đền tội trong luyện ngục 100 năm. Trong những năm này, không ai còn nhớ đến chúng ta để mà xin Thánh lễ cầu nguyện cho chúng ta hay đọc kinh đền tội cho ta. Ai cũng nghĩ rằng cha Padre Pio và ông bác sĩ đã chết lâu lắm rồi, họ đã xin lễ cho chúng ta rồi. Nhưng đối với Thiên Chúa thì quá khứ và tương lai không hiện hữu. Tất cả đều là hiện tại vĩnh cửu. Các lời cầu nguyện được nhậm lời. Vậy tôi xin lập lại, bây giờ tôi vẫn có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố nội tôi!

Câu chuyện ngừng lại ở đó, rồi vị bác sĩ ra về. Đến nhà, vợ bác sĩ trao cho chồng một lá thư khác của bà mẹ cô bé bị bịnh. Bà cám ơn bác sĩ và cha Padre Pio vì con bà đã có dấu hiệu bình phục.

Hôm sau, bác sĩ lại đưa lá thư cho cha Padre Pio, cha mỉm cười:

- Hãy xin vâng nhé. Ông tưởng Thiên Chúa cần đến các thủ tục hành chánh như loài người ư? Chẳng lẽ người ta cần phải viết thư trên giấy để nhờ cha Pio xin ơn Chúa sao?

Trên đây quả thật là một câu chuyện làm cho mọi người phấn chấn tinh thần. Môt điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục, cho dù họ đã chết rất lâu rồi, bởi vì với Thiên Chúa sẽ không có quá khứ hay tương lai, mà tất cả chỉ là hiện tại vĩnh cửu mà thôi.



Bài 17: Lời Chúc Bình An

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một người bạn của LM Alessio Parente là ông Vincenzo Mercurio đã kể cho cha Parente câu chuyện về người cha của ông ta như sau:

“Lúc tôi còn thơ ấu thì ba tôi thường làm công tác đạo đức. Ông hay rủ tôi cùng đi với ông, và tôi rất hân hoan được đi với ba tôi. Cha con tôi thường cùng nhau thức dậy sớm để đến nghĩa địa cầu nguyện cho người chết. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, ông dành ra 2 tiếng đồng hồ để thăm viếng mộ phần của người chết. Mỗi ngày Chúa nhật, ba tôi thường đọc kinh Cầu hồn trong nhà nguyện, trước Thánh Thể Chúa.

Trong các buổi sáng ấy, chúng tôi dậy rất sớm bởi vì ba tôi phải về nhà để đi làm trước 8 giờ sáng. Ba tôi có thói quen ở trong nhà thờ khoảng 1 tiếng rưỡi để cầu nguyện. Chúng tôi phải đi bộ khoảng chừng 40 phút. Lúc ấy, tôi không thể hiểu được tại sao ba tôi lại dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho các linh hồn nơi nghĩa địa như thế. Rất nhiều lần, ba tôi phải đánh thức người gác cửa nghĩa địa để ông ta mở cửa sớm. Ba tôi thường đến viếng mộ của ba má ông, của thân nhân và bạn bè ông. Thế rồi ông đến nhà nguyện để cầu hồn cho người chết cùng với các người khác, rồi ông phụ giúp lễ buổi sáng. Ba tôi luôn chăm sóc cho các linh hồn và thăm hỏi họ rất ân cần.

Một hôm, vào ngày Tết Dương lịch, ba tôi cảm thấy thoải mái khi đi thăm mộ vì ông không phải vội vàng về đi làm. Thế là cha con tôi đến nhà nguyện dành cho Đức Me. Sau khi cầu nguyện xong, ông chào các linh hồn: “Chúc qúy vị bình an!” Ngay tức khắc, tôi nghe một giọng nói của trẻ thơ vọng trả lời:

“Chúc ba bình an!”

Tôi tò mò hỏi ba tôi xem giọng nói ấy là của ai vậy? Ba tôi đáp:

-Đó là tiếng của em trai con thay mặt cho các linh hồn để trả lời ba. Con có biết rằng các thân nhân của chúng ta đều được chôn ở trong nhà nguyện ấy không?

Lúc đó, tôi mới biết rằng đại gia đình tôi được chôn trong nhà nguyện. Tôi có thể kể cách chính xác nơi phát xuất ra giọng nói đáp lời ba của tôi, dù rằng nơi ấy giờ chỉ còn xương người chết mà thôi. Sau đó, chúng tôi đến các mộ phần khác ở trong nhà nguyện chính. Tôi không còn nghĩ đến giọng nói của trẻ thơ kia. Nhưng khi ba tôi nói lời chúc bình an thì tôi lại nghe một giọng nói của bà cụ già đáp lại:

“Chúc ông bình an!”

Tôi nói với ba tôi là tôi vừa nghe lời chúc của một bà cụ già, ba tôi nói chuyện một cách thản nhiên:

-Ồ, đó là giọng nói của một người nghèo trong gia tộc mình. Các người này nghèo nên họ không thể mua nổi một nấm mộ riêng, vì thế họ được chôn chung ở chỗ này. Câu chuyên này được xem như bình thường, vì thế ba tôi và tôi không kể lại cho gia đình nghe. Câu chuyện này chỉ trở lại trong ký ức của tôi khi mà tôi trở lại với niềm tin Công giáo để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, và qua sự hướng dẫn của cha Thánh Padre Pio.

Các linh hồn Thánh thiện cho phép ba tôi chăm sóc cho họ, và họ cũng bảo vệ ba tôi. Ba tôi biết điều ấy, và ông rất mang ơn các linh hồn. Ông đối xử với các linh hồn như họ là người thân trong gia đình ông. Ba tôi mong ước được trở thành người canh cửa nghĩa địa.

Với niềm tin tưởng, tôi kể lại câu chuyện sau đây:

Một buổi sáng sớm kia, khi ba tôi đang chờ đợi người canh cửa nghĩa địa mở cửa cho ông vào, vì cửa còn đóng kín. Ông thấy nhà nguyện chính được thắp sáng bởi một luồng ánh sáng tuyệt vời. Vì ba tôi siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn nên ông không hỏi người canh cửa nghĩa địa về bất cứ điều gì. Trong thâm tâm, ba nghĩ rằng ông kia đến nhà nguyện trước để chuẩn bị cho Thánh lễ và cho việc cầu hồn.

Thế rồi ba tôi đến thăm từng mộ phần, và các phần mộ chôn chung khác. Nhưng khi ba tôi đến nhà nguyện chính thì nơi đây vẫn còn đóng kín cửa. Ba tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nguyện chính chưa hề được mở cửa. Thế mà ba tôi đã chính mắt nhìn thấy vào nửa giờ trước đó, một luồng ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng như là đã có một Thánh lễ vĩ đại xẩy ra ở nơi ấy.


Bài 18: Thân Phụ Của Cha Thánh Padre Pio Nhìn Thấy Hai Linh Hồn Về
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Linh mục Francesco Napolitano kể cho chúng tôi câu chuyện sau đây:

Vào năm 1928, cha của Cha Thánh Padre Pio là Ông Orazio thường đến thăm con trai ở vùng San Giovanni Rotondo trong một vài ngày. Một buổi tối kia, sau bữa cơm tối, ông Orazio chào con và các tu sĩ khác để lên lầu ngủ. Căn phòng đựơc giao cho ông nằm trên lầu 1, và là phòng số 10. Lên đến nơi, ông Orazio ngạc nhiên khi thấy hai tu sĩ đứng ngay trước cửa phòng của ông và không cho ông vào phòng.

Ông Orazio thấy đó là hai tu sĩ lạ mặt, và có lẽ họ đi lộn phòng. Lúc ấy, các tu sĩ thường đến thăm viếng cha Padre Pio để xin ngài ban phép lành cho. Ông lịch sự giải thích rằng đây là phòng được dành riêng cho ông, xin họ cho phép ông đi vào. Nhưng vô ích, ông lập lại câu nói vài lần nữa nhưng hai người kia không trả lời. Cảm thấy khó chịu, ông dùng hết sức lực để bước vào phòng. Ông còn cho họ biết rằng đây chỉ cómột giường, chứ không có hai giường.

Khi ông cố gắng vượt qua hai tu sĩ thì họ bổng biến mất. Quá hoảng sợ, ông vội chạy đi tìm con là cha Thánh Padre Pio để kể cho con nghe. Cha Padre Pio hiểu ngay câu chuyện. Ngài bèn quàng tay qua vai cha mình và dùng lời lẽ để trấn an và khuyến khích cha đi ngủ.

Khi thấy cha lấy lại sự bình tĩnh, cha Pio nói với cha mình:

-Thưa ba, đó là hai vị tu sĩ đang ở luyện ngục. Họ phải làm việc đền tội ở chỗ mà họ đã phạm lề luật của thánh Phanxico. Xin ba yên tâm và đi ngủ trong sự bình an, bởi vì họ sẽ không đến làm phiền ba nữa đâu!

Thế rồi, cha Padre Pio đưa cha mình lên phòng số 10 và ngồi đợi cho đến khi người cha lên giường. Ngài chào cha và trở lại phòng mình.

Có lẽ người đọc tưởng rằng bất cứ linh hồn nào cũng có thể hiện về với người sống phải không? Không phải như thế đâu. Một người chết không thể trở về, nếu như Chúa không cho phép, bởi vì người chết không có quyền trên thân xác vật chất của mình nữa. “Chúa có thể cho phép linh hồn của người tín hữu trở về với người sống vì một mục đích hữu ích, và chủ yếu là biểu lộ sự thật.”

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, linh hồn người chết, qua lòng thương xót vô biên và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, thì có thể hiện về với người sống. Chúng ta có lời của cha Padre Pio, của các thánh, và những người đạo đức khác.





________________________________________
Bài 19: Linh Hồn Các Binh Sĩ Về Cảm Ơn Cha Thánh Padre Pio

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Trong đời cha Padre Pio có nhiều sự lạ xẩy ra, chẳng hạn như khi các linh hồn về cảm ơn cha vì cha đã cầu nguyện cho họ. Câu chuyện này xẩy ra khi có Đại Chiến thứ hai.

Một buổi tối nọ, sau bữa cơm chiều, tu viện đã đóng cửa, nhưng các tu sĩ đều nghe tiếng hoan hô vọng đến từ phiá dưới thang lầu: “Hoan hô cha Padre Pio!”

Lúc ấy cha bề trên là LM Raffaele gọi tu sĩ gác cửa là thầy Gerardo và bảo thầy hãy xuống cầu thang mà đuổi những ai dám xông vào hành lang dưới nhà. Thầy Gerardo vâng lòi đi xuống. Tuy nhiên, khi đến hành lang, thầy thấy tất cả chìm trong bóng tối, cửa chính đóng kín, còn có hai thanh sắt cài ngang. Thầy liền báo cáo sự thật lên cha bề trên. Sáng hôm sau, cha bề trên gọi cha Padre Pio đến để giải thích tại sao lại có sự kiện lạ lùng ấy. Cha Padre Pio nói rằng những tiếng hoan hô đó là của những binh sĩ đã chết nhưng họ đến để cảm ơn ngài đã thường cầu nguyện cho họ.

Trong các trường hợp lạ lùng như vậy, cha Padre Pio luôn khiêm nhường và trầm tĩnh. Ngài ít khi nào kể chuyện lạ lùng này, nếu như cha bề trên không hỏi. Ngài biết rõ rằng những điều quan trọng không phải là những gì lạ thừơng, nhưng Thiên Chúa dùng những kết qủa của các điều lạ thường để giúp các linh hồn. Ngài rất khiêm tốn trong mọi sự. Ai ai cũng biết cha Padre Pio là người khiêm nhường.

Ngài được Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng ngài xin Chúa lấy những dấu bề ngoài đi, và chỉ để lại sự đau đớn thôi. Ngài than thở vì thấy chỉ có một số ít các linh hồn yêu mà không vụ lợi. Ngài đau khổ khi thấy bản thân mình bất xứng. Đó là những dấu tích rõ ràng mà Chúa hành động trong linh hồn ngài. Những hành động của Chúa cần được đánh giá cao trọng hơn những biến cố lạ thường. Cha Padre Pio luôn đánh giá cao và chú trọng đến các hành động của Chúa.


Bài 20: Quyền Năng Của Lời Cầu Nguyện

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Chân Phước Suso đã hứa với người bạn rằng ngài sẽ dâng hai thánh lễ mỗi tuần trong suốt một năm nếu người bạn của ngài chết trứớc. Nhưng sau đó, khi người bạn chết, ngài đã quên lời hứa nên không dâng Thánh lễ cầu cho người bạn.

Một buổi tối kia, khi đang suy niệm thì ngài thấy linh hồn người bạn hiện về trước mặt mình. Người bạn âu yếm nhìn ngài và nhắc nhở ngài đã không giữ lời hứa. Chân phước Suso xin lỗi và hỏi bạn:

-Tôi đã dâng bao nhiêu lời cầu nguyện và việc làm đạo đức cho anh rồi mà, bộ chừng đó không đủ sao?

-Ồ, không anh ạ, chỉ có Máu Thánh Chúa Giêsu Ki Tô là điều cần thiết để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tôi. Chỉ có sự hy sinh cao cả của Chúa mới giải thoát tôi ra khỏi sự đầy đọa này.

Chân Phước vội vàng đáp lời kêu gọi của linh hồn thống khổ ấy để đền bù lỗi của mình. Vì thế, ngài cử hành nhiều thánh lễ hơn cả những gì ngài đã hứa với bạn. Một thời gian sau, người bạn hiện về với nét mặt hớn hở và chung quanh đầy hào quang. Linh hồn ấy nói:

-Cám ơn người bạn trung thành của tôi. Bạn hãy nhìn xem, bằng gía máu của Đấng Cứu Thế, tôi đã được giải thoát khỏi sự thống khổ rồi.

Chúa đã tỏ lộ cho một tu sĩ thánh thiện là Gioan thành Alvernia, kết qủa của hy lễ dâng lên trên các bàn thờ trong ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn. Vị tu sĩ thấy Luyện ngục mở cửa, và rất nhiều linh hồn được bay lên nhờ hy lễ. Các linh hồn giống các đóm lửa rực sáng bay ra từ các lò lửa.

Hy lễ thánh giá có giá trị tuyệt đối. Dưới con mắt của Chúa, hy lễ trên bàn thờ có giá trị tương tự. Tuy nhiên, hy lễ thánh này chỉ áp dụng một phần cho các linh hồn và tùy theo Công Lý của Thiên Chúa.

Sự suy niệm của chúng ta trong mỗi thánh lễ trở thành lời cầu nguyện của lòng thương xót, nếu chúng ta dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Con Yêu Dấu Ngài. Các lời cầu nguyện ấy có quyền năng lớn lao đối với Chúa. Thánh nữ Magdalen Dei Pazzi học được từ Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha Hằng Hữu Máu Cực Thánh của Con Chí Thánh Ngài. Đó là việc tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thánh nữ cứ dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đến ít nhất là 50 lần mỗi ngày. Trong một lần ngất trí, bà thấy một số lớn các linh hồn tội lỗi được ơn hoán cải và một số lớn các linh hồn được giải thoát khỏi Luyện ngục qua cách thực hành này.

Nếu giá trị của việc dâng hiến cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu lớn như vậy, thì khi dâng lễ là tái diễn cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu thì giá trị còn lớn lao biết bao nhiêu nữa? Thêm vào đó, chúng ta hãy nhớ rằng đến giờ chết, các thánh lễ mà chúng ta tham dự sẽ trở nên nguồn an ủi lớn lao nhất của ta. Mỗi thánh lễ sẽ đi với chúng ta tới Tòa Phán Xét và để xin Chúa tha tội cho ta. Nơi mỗi thánh lễ, chúng ta có thể xin giảm bớt những hình phạt vì tội lỗi mình, dù nhiều hay ít.

Bằng cách tham dự thánh lễ sốt sắng, chúng ta tôn vinh bản tính nhân loại thiêng liêng của Chủa Ki Tô. Ngài đền bù cho các tội bất cẩn và thiếu sót của ta. Ngài tha thứ cho các tội nhẹ mà ta quyết tâm tránh. Ngài tha thứ cho ta những tội mà ta không biết để xưng thú. Quyền lực của Satan đặt trên ta sẽ biến mất. Chúng ta giải cứu cho các linh hồn ở luyện ngục. Mỗi thánh lễ xin cho chúng ta lúc còn sống thì tốt hơn là xin cho ta lúc ta đã chết. Chúng ta sẽ tránh được nhiều sự nguy hiểm và xui xẻo nếu như có thánh lễ dâng lên để cầu cho ta. Chúng ta giảm bớt thời gian ở luyện ngục bằng mỗi thánh lễ. Mỗi thánh lễ đem lại cho ta các vinh quang lớn hơn trên thiên đàng. Chúng ta nhận được sự chúc lành của vị linh mục mà Chúa ban trên thiên đàng. Chúng ta qùy ở trong số đông các thiên thần, khi các ngài hiện diện với sự tôn kính nơi mỗi thánh lễ. Chúng ta được Chúa chúc lành trong mọi công việc và mục vụ.


Bài 21: Maria Simma, Người Phụ Nữ Được Các Linh Hồn Hiện Về

Nguồn:MeMaria.org

Lời dịch giả: Nhân dịp tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn, xin kính tặng bài này cho các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Xin các ngài cầu bầu cho chúng con trước Tòa Thiên Chúa.

Maria Simma of Austria (1915-2004) Bà Maria Simma là môt phụ nữ người Áo, bà mất vào tháng 3, 2004 ở lứa tuổi 90. Bà được nói chuyện với các linh hồn người chết và các linh hồn đau khổ để giúp họ vơi đi các nỗi thống khổ mà họ đang gánh chịu. Bà Simma đến Vùng Holy Shroud, Ý Đại lợi và trả lời môt cuộc phỏng vấn của tờ báo Medjugorje vào ngày 5 tháng 5 năm 1999, tại nhà thờ Corpus Domini. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Thưa bà Maria, bà có thể cho chúng tôi biết lần đầu tiên bà gặp các linh hồn là lúc nào?

Đáp: Một linh hồn đầu tiên đến với tôi là vào năm 1940. Tôi thức giấc vì có người đi trong phòng ngủ của tôi. Tôi hỏi: “Ai đang đi đó?” Không có tiếng trả lời. Tôi đứng dậy và đi về phía người ấy, nhưng tôi không còn thấy họ nữa. Tôi nói:

“Xin ông làm ơn đi chỗ khác đi. Nếu ông không nói thì hãy ra khỏi đây!”

Thế rồi tôi lại vào giường để ngủ tiếp nhưng tôi không thể ngủ lại được.

Hỏi: Bà có sợ hãi không?

Đáp: Không, tôi không dễ sợ hãi đâu!

Thánh Ý Chúa Dành Cho Tôi

Hỏi: Các cuộc thăm viếng tiếp tục chứ?

Đáp: Vâng. Khi tôi còn là môt thiếu nữ, tôi cảm nghiệm rằng Chúa muốn tôi làm một điều gì đặc biệt cho Ngài. Là một bé gái, tôi nói với mẹ tôi:

“Mẹ ơi, con sẽ không lập gia đình đâu!”

Me tôi thường trả lời:

“Con sẽ đổi ý khi con lên 20 tuổi!”

Và tôi thường lập lại:

”Con sẽ không lấy chồng đâu!”

Tôi đã không lập gia đình. Khi học xong, tôi thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con? Con có nên vào tu viện không?”

Nhưng sau ba lần xin vào tu viện để sống đời tận hiến cho Chúa, tôi đều phải ra ngoài. Trong khi cầu nguyện, tôi thường xin Chúa cho tôi được hiểu Thánh Ý của Ngài. Khi được 25 tuổi, tức là vào năm 1940, các linh hồn ở luyện ngục đến thăm tôi để xin tôi giúp đỡ cho họ. Vào tháng 11 năm 1953, các linh hồn khác đến với tôi và xin tôi chịu sự đau đớn giúp cho họ.

Từ đó đến nay, các linh hồn hiện ra với tôi mỗi ngày và mỗi đêm để xin tôi chịu đau khổ cho họ. Vị linh mục ở giáo xử của tôi khuyên tôi hãy thánh hiến chính bản thân mình cho Chúa Giêsu để đền tội cho các linh hồn, và xin Chúa Giêsu ban cho tôi sức mạnh`

Từ đó, tôi bắt đầu con đường dâng mình để đền tạ thay cho họ.

Hỏi: Có phải Chúa gửi linh hồn đến luyện ngục, hay chính linh hồn ấy đi thẳng xuống luyện ngục vì họ được soi sáng và hiểu rõ trong ánh sáng của Chúa?

Đáp: Mỗi linh hồn hiểu rõ ràng họ phải đến nơi nào trong luyện ngục. Luyện ngục có hàng ngàn cách thức khác biệt.

HỎi: Đến giờ chết, các linh hồn được nhìn thấy Chúa rõ ràng hay không?

Đáp: Mỗi linh hồn một khác, có linh hôn được nhìn thấy Chúa rõ ràng, có linh hồn không được nhìn thấy Chúa.

Đi Thẳng Lên Thiên Đàng

Hỏi: Xin bà cho chúng tôi biết giá trị của việc ăn năn thống hối vào giờ chết.

Đáp: Trước khi chết, những ai biết ăn năn thống hối thì đều được cứu rỗi. Nhưng linh hồn ấy phải ở nơi luyện ngục. Có một số linh hồn đi thẳng lên Thiên Đàng mà không cần ghé Luyện ngục. Những người chịu nhiều đau khổ trên trần gian với sự kiên nhẫn, những ai hiến dâng sự đau khổ của họ lên Thiên Chúa thì sẽ đi thẳng lên Thiên Đàng, và những ai luôn thì hành Thánh Ý Chúa thì cũng được hưởng phúc Thiên Đàng.
Nước Phép

Hỏi: Vậy ma quỷ có quyền lực để tấn công các linh hồn trong giờ chết của họ không?

Đáp: Ma quỷ làm đủ mọi cách để cám dỗ một linh hồn, nhưng nếu linh hồn ấy đặt mình trong bàn tay của Đức Mẹ Maria, rồi Đức Mẹ lại tín thác linh hồn ấy cho Chúa, thì ma quỷ không còn quyền lực trên ý muốn cũa chúng ta nữa.

Hỏi: Làm cách nào để các người hấp hối được giúp đỡ?

Đáp: Nước phép được rẩy chung quanh giường của người hấp hối thì rất hiệu nghiệm. Ma quỷ sợ nước phép. Không cần phải rẩy thật nhiều nước phép, một vài giọt là đủ rồi, nhưng phải rẩy nước phép thường xuyên.

Hỏi: Nếu người thân của chúng ta bị bịnh nặng, ta có nên nói cho họ biết tình trạng nguy kịch của họ để họ chuẩn bị dọn mình chịu chết không?

Đáp: Vâng, hãy luôn nói sự thật, để người ấy chuẩn bị dọn mình chịu chết.

Luyện Ngục Ở Nhiều Nơi

Hỏi: Luyẹn ngục ở đâu? Luyên ngục giống như thế nào?

Đáp: Luyên ngục ở nhiều nơi, không phải chỉ ở một nơi. Một số linh hồn phải chịu thống khổ nơi mà họ đã phạm tội. Ở một vùng thuộc Áo Quốc, người ta thấy một người đàn ông có ánh sáng, đi lên rồi đi xuống các cánh đồng, kéo theo một hòn đá lớn.

Họ hỏi ông ta:

“Ông làm gì ở đây?

Ông ta đáp:

“Tôi không biết đặt cái hòn đá này ở chỗ nào cả!”

”Thì ông cứ đặt nó ở chỗ nào mà ông đã lấy nó lên!”

Thì ra lúc trước, ông đã lấy hòn đá này từ một cánh đồng và phạm tội bất công. Khi ông đặt viên đá xuống nơi mà ông đã lấy đi, ngay lúc ấy thì ông ta biến mất, và chúng tôi hiểu rằng ông đã trả hết nợ của ông.

Hỏi: Những tội lỗi nào dễ dẫn ta vào luyện ngục?

Đáp: Tội phạm đến tha nhân, vu cáo, hạ nhục, kiêu ngạo.

Thánh Lễ Giúp Linh Hồn Nhiều Nhất Purgatory

Hỏi: Cách thức nào hữu hiệu nhất để cứu giúp các linh hồn?

Đáp: Thánh lễ. Nhiều người không biết và không hiểu đến giá trị của các Thánh lễ.

Hỏi: Chúng ta có thể xin Chúa cho ta chịu đau khổ luyện ngục ngay trên thế gian này không?

Đáp: Dĩ nhiên có. Mỗi sự hy sinh có thể dùng để giảm thiểu sự thống khổ của Luyện ngục, nếu ta biết dâng hiến điều này lên Chúa. Cầu nguyện chuỗi Mân Côi là điều rất quan trọng.

Hỏi: Các linh hồn đã tự hủy hoại đời mình bằng cách dùng ma túy và các sự nghiện ngập khác, họ có đến thăm viếng bà không?

Đáp: Có, họ phải ở luyện ngục rất lâu xứng với thời gian mà đáng lẽ họ phải sống trên thế gian, bời vì thời lượng sống và thời gian chết của chúng ta được Chúa ấn định cho mỗi một cá nhân.

Hỏi: Có rất nhiều sự dữ trong xã hội của chúng ta và giới trẻ thường trả giá đắt. Bà có thể nói cho chúng tôi về điều này không?

Đáp: Không phải chỉ có cần sa ma tuý làm hại đời sống, mà theo một lối nào đó, sụ đồi bại luân lý có thể cắt ngắn cuộc sống chúng ta, cũng như sự phá thai và thuốc ngừa thai.

Các trẻ thơ chết mà không được rửa tội vẫn sống hạnh phúc, nhưng họ không hưởng được thị kiến đẹp đẽ về Chúa. Tuy nhiên, họ không biết điều ấy, và vẫn vui vẻ.

Nếu một phụ nữ mang thai và lo sợ rằng con mình có thể chết trong bụng, bà ấy có thể ao ước cho em bé được rửa tội. Như thế, em bé nhận được phép Rửa của lòng ao ước.

Hỏi: Các linh hồn nói gì về những người ly dị?

Đáp: Họ cần nhiều lời cầu nguyện. Những ai đã ly dị mà sống chung với người khác thì không thể nhận lãnh các Bí Tích được. Mặt khác, nếu họ sống chung với nahu như tính cách là anh chị em thì họ có thể nhận lãnh các Bí tích.

Hỏi: Bà có thể cho chúng tôi biết về việc trợ tử (giúp người bịnh chết) không?

Đáp: Ta không thể giết người, dù là giết người vì lòng trắc ẩn. Nếu con người chịu đau đớn nhiều thì hãy dâng hiến sự đau đớn ấy lên Chúa, như thế họ có thể cứu chính mình, nhận lãnh được nhiều hạnh phúc trên Thiên Đàng, và cứu được nhiều linh hồn khác. Sự thống khổ rất có giá trị.

Tôi biết một người giáo viên tốt lành. Khi tôi đến thăm chị ấy, chị hỏi tôi:

“Tại sao Chúa không lắng nghe tôi? Người ta cần tôi ở trường học.”

Tôi đáp:

“Sự đau đớn và nỗi thống khổ là dấu chứng của tình yêu Chúa.”

Chị nói:

“Tôi mong ước Chúa yêu tôi ít hơn.”

Nếu chúng ta lâm bịnh hay đau khổ vì những lý do khác, chúng ta hãy dâng những giá trị lớn lao của sự đau khổ mà dâng hiến lên Thiên Chúa, hãy đặt mọi sự trên bàn tay Đức Mẹ Maria. Mẹ biết nơi nào rất cần những phần thưởng này để sử dụng. Khi lên tới Thiên Đàng, bạn sẽ thấy rất nhiều linh hồn mà bạn đã cứu qua sự đau khổ của bạn.

Hỏi: Bà nghĩ gì về việc tự tử?

Đáp: Chúng ta cần biết tại sao họ lại tự tử. Đôi khi, những kẻ xô đẩy người khác đi đến chỗ tự tử thì kẻ ấy phải chịu tránh nhiệm nhiều hơn. Có những người bị kẻ khác xô đẩy họ đến chỗ phải tự tử, chẳng hạn như họ bị vu cáo, bị sỉ nhục, bị từ chối tình yêu. Có các linh hồn tự tử được cứu rỗi. Tuy nhiên, tôi không thể nói rằng tất cả các linh hồn tự tử đều được cứu rỗi.

Hỏi: Vai trò của Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, quan trọng như thế nào nơi luyện ngục?

Đáp: Đức Mẹ thường hay tới luyện ngục và các linh hồn rất vui mừng. Tình trạng các linh hồn ở luyện ngục khác nhau. Có các linh hồn phải ở đó cho đến ngày phán xét, những linh hồn ấy may mắn chỉ suýt thoát khỏi hỏa ngục mà thôi.

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi những linh hồn mà bà chịu đau khổ cho họ mà rồi nhờ đó, họ được giải thoát?

Đáp: Tôi cảm thấy một sự thỏa mãn sâu xa, một niềm vui vô tận vì tôi đã giúp được họ. Ngày nay, người ta it yêu mến tha nhân. Mỗi hành vi thương yêu nhỏ nhoi của chúng ta đều được Chúa đền bù xứng đáng.

Các Linh Hồn Có Thể Tự Giúp Họ Được Không?

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi bà đền tội cho các linh hồn suốt ngày và đêm? Liệu các sự đau khổ của bà có đủ để giúp các linh hồn giảm bớt thời gian đền tội nơi luyện ngục không?

Đáp: Trong thời gian trước đây, các linh hồn thường đến xin tôi giúp họ bằng sự chịu đựng đau khổ của tôi, bằng lời cầu nguyện, bằng các thánh lễ. Hiên nay, tôi đi công du khắp mọi nơi, nói chuyện trước nhiều đại hội, và có thêm nhiều người giúp tôi để cầu nguyện cho các linh hồn.

Tôi hiểu rằng các linh hồn rất vui lòng khi tôi nói giùm cho họ về các nhu cầu của họ. Tôi cũng nhận những tiền bổng lễ để xin lễ cầu cho các linh hồn.

Hỏi: Tại sao các linh hồn không thể làm gì cho chính họ?

Đáp: Bởi vì các linh hồn đã chấm dứt đời sống, nhưng chúng ta CÓ THỂ GIÚP HỌ.

Hỏi: Các linh hồn có nói gì về thời đại giông tố mà chúng ta đang trải qua không?

Đáp: Chúng ta đang chìm đắm từ từ vì chúng ta sống xa lạc Chúa. Tuy nhiên, nhiều sự sẽ xẩy ra nhờ sự can thiệp của Chúa. Giáo hội cũng sẽ được canh tân.

Hỏi: Chúng ta phải làm gì cho các linh mục?

Đáp: Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục, và hãy dâng hiến sự hy sinh cho toàn thể Giáo hội.

Hỏi: Bà nghĩ gì về sự đau khổ của trẻ thơ?

Đáp: Họ là những linh hồn đền tội cho kẻ khác. Với sự đau khổ của họ, họ có thể nhận được nhiều ân huệ. Sự đền tội rất có giá trị.

Hỏi: Liệu sự đau khổ của trẻ thơ có giá trị không, ngay cả khi cha mẹ họ không chấp nhận?

Đáp: Vâng, tất cả đều có giá trị đồng đều như nhau.

Hỏi: Bà có thể nói cho chúng tôi về giá trị của các Thánh lễ Gregorian không?

Đáp: Thánh Lễ Gregorian ( 30 Thánh lễ cử hành liên tiếp câu cho linh hồn người chết trong 30 ngày, không đứt đoạn.) rất có giá trị. Tuy nhiên, các ân huệ không luôn luôn đến với linh hồn mà chúng ta cầu cho, và Chúa biết lý do tại sao. Sự hiệp thông của các Thánh giúp ích rất nhiều cho các linh hồn. Ngay cả cho các linh hồn của các tôn giáo khác cũng được cứu rỗi, nếu như họ sống với đức tin của họ, và với một lương tâm công chính.

Hỏi: Chúng ta thường nằm mơ thấy người chết, đó có phải là dấu chỉ rằng họ cần chúng ta không?

Đáp: Vâng, có thể họ cần chúng ta cầu nguyện hay xin thánh lễ chỉ cho linh hồn họ. Nếu bạn thấy họ buồn bã thì xin hãy cầu bầu cho họ. Nếu bạn thấy họ vui mừng thì bạn có thể hiểu rằng họ được hạnh phúc.

Hỏi: Các linh hồn có thể làm mọi sự cho chúng ta không?

Đáp: Vâng, họ có thể làm rất nhiều điều cho bạn, họ giúp bạn rất nhiều, và họ có thể trở nên bạn hữu của chúng ta.

Cách Thức Xin Thánh Lễ Gregorians

RADIO GIỜ CỦA MẸ XIN QUÝ VỊ HÃY CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN BẰNG CÁCH:

Xin lễ 30 ngày liên tiếp cho người quá cố (dead person) không phải các linh hồn còn sống. Có thể xin cho ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con cái hay người thân đã chết. Đây là thánh lễ Gregorian Masses. Xin gửi tên linh hồn đã qua đời, và $130. về địa chỉ các cha dòng Phanxicô sau: Franciscan Missions, Inc., P.O. Box 130, Waterford, WI 53185, Điện thoại: (262) 534-5470, Fax: (262) 534-4342, Website: www. franciscanmissions.org, Email: framis@wi.net


















________________________________________
Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại được cha Thánh Padre Pio chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Padre Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ chỉ cho các linh hồn này. Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Padre Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Padre Pio làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Hiển nhiên, các linh hồn ngày hiểu rõ rằng trái tim ngài giống như một núi lửa rực cháy vì yêu thương những ai đau khổ. Cha Padre Pio viết như sau:

“Khi tôi biết một người đang đau khổ trong linh hồn hay đang đau đớn trong thể xác, tôi phải làm mọi cách để xin Chúa giải thoát họ khỏi nỗi thống khổ ấy. Tôi muốn nhận chịu hết mọi sự đau khổ của họ để họ được cứu thoát. Và tôi muốn trao tặng họ những ơn ích của sự đau khổ, nếu Thiên Chúa cho phép tôi làm điều ấy!”

Tình yêu tha nhân sâu đậm của cha Padre Pio đôi lúc ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Ngài mong ước họ được cứu thoát và được hạnh phúc trên hết mọi sự, đến nỗi ngài thừa nhận rằng:

“Tôi vội vàng sống vì các anh chị em và sẵn sàng nhận chịu tất cả các nỗi thống khổ của họ, nên tôi đau khổ mà không than van.”

Trong lá thư thứ 615, ngài viết:

“Tôi thường nói cùng ông Môsê để thưa lên Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán rằng:

-Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi của họ hay xin Chúa loại trừ con ra khỏi sách Hằng Sống của Ngài!

Thưa các bạn đọc, nếu chúng ta muốn theo gương cha Thánh Padre Pio, thì tôi xin phép lập lại lời của cha rằng: “Xin hãy làm những gì tôi đã làm. Hãy cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho các linh hồn của người thân đã qua đời!”

Để kết luận, tôi xin chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta có thể xây một cầu thang của Chúa cho các linh hồn đáng thương nơi luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện và các hành vi bác ái để dâng lên Chúa nhằm cầu nguyện cho các ý chỉ của các linh hồn.

Bài 2: Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”

Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.

Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:

“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ. Cha nói:

“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.


Bài 3: Tôi Sẽ Dâng Thánh Lễ Cầu Cho Bạn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đức Giám mục Costa đến từ giáo phận Melfi, Ý Đại Lợi, để thăm viếng cha Padre Pio. Qua câu chuyện với cha Pio, Đức Giám mục hỏi cha có bao giờ thấy một linh hồn hiện về từ luyện ngục không, cha Padre Pio đáp:

” Thưa Đức cha, con đã gặp nhiều linh hồn hiện về với con, đến nỗi con không cảm thấy sợ họ nữa.”

Qua lời yêu cầu của Đức cha, cha Padre Pio kể lại câu chuyện có liên quan đến cha Alberto DApolito ở trong cuốn sách này. Cha Alberto vốn là một tu sinh ở vùng San Giovanni Rotondo, ngài cũng hiện diện khi cha Padre Pio kể câu chuyện sau đây:

Vào thời kỳ Thế Giới Đại Chiến thứ nhất, tu viện ở vùng San Giovanni Rotondo hầu như trống rỗng, bởi vì nhiều tu sĩ bị động viên để tham dự cuộc chiến. Tuy nhiên, các tu sinh vẫn còn đi học, dưới quyền của tôi và linh mục Paolino của vùng Casacalenda. Một buổi chiều đầy tuyết thì bà Assunta Di Tommaso là chị của cha Paolino đến thăm em của bà. Trước khi trời tối, cha Paolino bảo chị của ngài hãy đi xuống làng và vào ở trọ nhà của bà Rachelina Russo vì bà ấy có phòng cho mướn. Bà Assunta ngại đi trong mưa tuyết và sợ bầy chó sói thường hay túa ra để kiếm mồi về đêm, có thể chúng sẽ ăn thịt bà nếu bà gặp chúng. Thế là bà không dám đi. Cha Paolino nói với chị:

“Này chị Assunta, chị biết rằng tu viện này là dòng kín, và phụ nữ không được phép vào ở, vậy nếu chị không chịu đi thì em phải làm cách nào đây?”

Bà Assunta đáp:

“Thưa cha Paolino, xin cha cho con mượn một cái giường nhỏ và con sẽ nằm ngủ đỡ đêm nay, ngày mai, con sẽ đi đến nhà bà Rachelina.”

Cha Paolino bèn nói:

” Được rồi, nếu chị muốn ngủ trong phòng khách thì em sẽ nhờ người đến chuẩn bị chiếc giường cho chị để giúp chị ngủ ngon.”

Thế rồi, cha Paolino nhờ một vài tu sinh lấy một chiếc giường và đốt lò sưởi để giúp căn phòng bớt lạnh. Sau buổi cơm tối, tôi (tức là cha Padre Pio) lúc ấy đi một vòng xem các tu sinh đã ngủ chưa. Sau đó, tôi cùng cha Paolino xuống phòng dưới để chúc bà Assunta một giấc ngủ ngon. Cha Paolino nói với chị của ngài rằng:

“Chị Assunta ơi, em sẽ đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, xin chị hãy ở đây với cha Pio nhé!”

Nhưng bà Assunta đáp:

“Con cũng muốn đi đọc kinh với cha luôn!”

Thế là hai chị em cùng ra khỏi phòng khách và đóng cửa lại. Tôi ở lại một mình trong phòng. Khi tôi đang chìm sâu trong lời cầu nguyện thì tự nhiên cánh cửa mở ra và một ông già bước vào. Ông ăn mặc như những người khác ở vùng San Giovanni Rotondo, ông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi nhìn ông và tự hỏi tại sao ông lại có thể vào được trong tu viện trong đêm hôm khuya khoắt này. Tôi bèn hỏi ông:

“Ông là ai? Ông muốn gì?

Người đàn ông đáp:

“Thưa cha Pio, con là Pietro di Mauro, tên thường gọi của con là Precoco. Con chết trong tu viện này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong phòng số 4, khi tu viện này còn là một nhà dưỡng lão. Môt buổi tối con ngủ với điếu thuốc xì gà đang cháy, rồi chiếc giường của con bị bắt lửa và con chết phỏng. Con đang ở trong luyện ngục. Con rất cần một thánh lễ để được giải thoát khỏi nơi ấy. Chúa cho phép con đến gặp cha để xin cha cầu nguyện cho con.”

Sau khi nghe xong, tôi bảo ông rằng:

” Được, ông yên nghỉ nhé, tôi sẽ cử hành thánh lễ ngày mai để cầu cho linh hồn ông được giải thoát!”

Sau đó, tôi đứng lên và tiễn ông ra khỏi cửa. Tôi quên rằng các cánh cửa đã khóa kỹ bằng hai lớp cửa sắt. Tôi mở cửa và nói tạm biệt ông già ấy. Trời đang có trăng tròn và công trường trước tu viện ngập đầy tuyết trắng. Thế mà mọi sự bỗng trở nên sáng như ban ngày, và bỗng nhiên, ông ta biến mất ngay bên cạnh tôi. Tôi hoảng sợ, khóa cửa và suýt chút nữa, tôi ngất xỉu.

Khi cha Paolino và người chị trở về sau khi đã đi cầu nguyện chung, họ thấy mặt tôi trắng bệch như tuyết, họ tưởng rằng tôi lâm bịnh. Cha Paolino chúc bà Assunta ngủ ngon và hầu như phải vác tôi lên phòng của tôi. Tôi không nói cho ngài về cuộc hiện về ấy. Khi chị của ngài ra về xong, tôi mới kể cho ngài nghe chi tiết về câu chuyện đó. Tôi nói:

” Cha biết đó, con không dám nói về việc ấy vì con sợ bà Assunta sẽ không dám ngủ trong phòng khách nữa.”

Cha Padre Pio nói rằng ngày hôm sau, cha dâng một thánh lễ cầu cho linh hồn người đàn ông đó, và ông ta đã được vào Thiên Đàng. Sau đó, cha Paolino xuống khu làng và tìm hiểu thêm về lai lịch của người chết. Qủa đúng như vậy, ông Pietro di Mauro chết ngày 18 tháng 9 năm 1908, vì bị đốt cháy trên giường của ông.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng luyện ngục là nơi của lòng thương xót và nhân hậu của Chúa. Chúng ta không hể hiểu thấu được Chúa nhân từ và tốt lành biết bao. Lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn là một sự kinh ngạc cho chúng ta. Không nơi nào mà chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài tuôn chẩy dồi dào như trường hợp này. Qua lò lửa thanh luyện, chúng ta tìm gặp tình thuơng của Ngài. Dường như một linh hồn hỏi Chúa:

“Lạy Chúa, con có thể hoán cải được không ạ?”

Và Chúa đáp:

“Được chứ, con đang tiến vào Thiên Đàng. Con phải chịu đau khổ bây giờ để đền tội của mình. Và rồi con sẽ được tinh tuyền và xứng đáng để bước vào Vương Quốc của Cha.”

Rồi linh hồn được nhận vào luyện ngục với lòng biết ơn. Ở đó, linh hồn vui mừng trong sự nhân hậu của Chúa. Chúa đã thương ban cho linh hồn ấy được ở nơi thanh tẩy. Luyện ngục là nơi đền tội của các linh hồn tụ tập trong vực sâu. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, là nơi mà Lòng thuơng xót Chúa tạo dựng ra để chuẩn bị cho linh hồn được gặp gỡ Chúa trên Thiên Đàng.



:
________________________________________
Bài 4: Sự Đau Đớn Mà Linh Hồn Phải Chịu Ở Luyện Ngục
Nguồn:MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente

Theo giáo lý Công giáo, loài người phải chịu sự phán xét tùy theo cách thức họ sống khi ở trần gian. Phần thưởng hay sự trừng phạt sẽ là Thiên Đàng, Luyện ngục hay Hỏa ngục. Chúng ta thử tìm hiểu tình trạng của những nơi này, dựa theo các mặc khải của các thánh.

Thánh Frances thành Roma kể rằng Luyện ngục giống như môt phần của Hỏa ngục, và được chia ra nhiều phần. Thánh Tôma kể cho ta nghe rằng lửa của Luyện ngục cũng giống như lửa của Hỏa ngục, và Luyện ngục cũng là một phần của Hỏa ngục. Những nhận xét này giống như lời cha Thánh Padre Pio nói với Cleonice Morcaldi, một người con gái thiêng liêng của cha:

“Con gái ơi, có một số điểm ở Luyện ngục giống như Hỏa ngục.”

Tuy nhiên, công lý của Thiên Chúa có thể cho phép các linh hồn đền tội nơi mà họ đã phạm tội, như những câu chuyện về các linh hồn và về cha Pio mà sẽ được trình bày sau:

Tùy theo công lý của Thiên Chúa, Ngài sẽ cho một số linh hồn đền tội ở những nơi đặc biệt theo Ý của Ngài, để có thể dạy người còn sống và để giúp cho các linh hồn đã qua đời.

Nói về những nỗi thống khổ của Luyện ngục: sau khi Chúa đã kết án thì linh hồn phải đi về nơi nào đó, việc thanh tẩy đến với linh hồn ấy, và linh hồn biết rằng đau khổ là cách thức mau chóng nhất để sớm vào Thiên Đàng. Và nỗi thống khổ bắt đầu!

Theo Thánh Tôma thì sự đau đớn của Luyện ngục không nặng nề như đau khổ nơi Hỏa ngục. Khi ở Hỏa ngục thì thời gian đau khổ vô tận. Các nhà thần bí cũng xác nhận như vậy. Thánh Catherine thành Genoa kể cho chúng ta nghe:

“Các linh hồn ở trong tình trạng bị thanh tẩy thì đau đớn đến nỗi không lời nào có thể diễn tả nổi, không có một trí thông minh nào có thể hiểu được, trừ khi Chúa muốn cho họ hiểu, qua ơn sủng của Ngài. Có hai nỗi thống khổ ở Luyện ngục: đó là mong mỏi được gần Chúa và đau khổ cùng một lúc.”

Giáo hội không tuyên bố về bản chất của sự đau khổ trong các nơi chốn đó, nhưng đời sống của các bậc thánh thiện kể lại nhiều câu chuyện và thị kiến rõ ràng hơn.

Sau đây là câu chuyện của cuộc đời linh mục Stanislaus Chascoa, môt tu sĩ Dòng Đa Minh. Môt ngày kia, khi ngài đang cầu nguyện cho người chết, ngài nhìn thấy một linh hồn đang bị lửa bao bọc toàn thân. Ngài hỏi linh hồn ấy xem lửa có giống như lửa trên trần gian không. Linh hồn trả lời:

“Than ôi, tất cả lửa trên trần gian mà so sánh với lửa Luyện ngục thì giống như làn gío nhẹ.”

Cha Stanislaus hỏi làm sao diễn tả thì linh hồn xin cha hãy thò tay thử vào lửa ấy. Vị linh mục đặt tay ngài vào bụi tro rớt ra từ người tội nhân ấy, và ngay lập tức, ngài khóc lên và té xuống đất. Ngài rất hoảng sợ và kinh hãi. Các anh em tu sĩ vội vàng đến giúp ngài. Khi hoàn hồn, ngài kể lại câu chuyện kinh hoàng ấy cho mọi người nghe, và cha kết luận như sau:

“Ôi! các anh em ơi, nếu mỗi chúng ta hiểu được sự nghiêm trọng của việc trừng phạt, chúng ta sẽ không dám phạm tội đâu. Hãy đền tội mình trong đời sống này, để khi chết khỏi bị đền tội, bởi vì những cơn thống khổ ấy khủng khiếp quá. Chúng ta hãy chống trả lại các tật xấu, hãy để ý và sửa sai những sự bất toàn của mình, bởi vì Thiên chúa, vị Thẩm phán công minh, ghi nhận tất cả mọi sự chúng ta làm. Chúa Thánh Thiện vô cùng nên Ngài không thể chịu được một lỗi nhỏ của những kẻ được tuyển chọn.”

Thầy Modestino của thành Pietrelcina đã sống rất lâu với cha Thánh Padre Pio và luôn đi theo cha Thánh. Thầy kể lại câu chuyện sau:

Năm 1945, tôi ở tại San Giovanni Rotondo để gíup đỡ cha Padre Pio. Tôi luôn muốn ghi nhận những lời nói khôn ngoan phát ra từ cửa miệng của cha Thánh và cất dấu trong tim tôi như một món quà thiêng liêng. Một buổi tối kia, cha Padre Pio đi ra phòng ca đoàn sau khi đã chúc lành buổi tối, tôi cùng đi với cha đến ngang hành lang dẫn tới phòng cha. Tự nhiên, tôi buột miệng hỏi cha:

“Thưa cha, cha có thể nói về lửa ở Luyện ngục được không ạ?”

Cha Padre Pio đáp:

“Nếu Chúa cho phép một linh hồn đi từ lửa Luyện ngục để đến ngọn lửa nóng nhất trên trần gian, thì giống như đi từ nước nóng đến nước lạnh.” -Đó chính là những lời mà cha Padre Pio đã nói với tôi.

Trong một trường hợp khác, bà Birulli của thành Cerignola hỏi cha Padre Pio rằng:

“Thưa cha, xin cho con biết thêm về Luyện ngục.”

Cha Pio đáp:

“Con à, các linh hồn ở Luyện ngục muốn ném mình họ vào giếng lửa thế gian, bởi vì tình trạng ấy giống như một giếng nước lạnh.”

Rất nhiều nguời trong chúng ta không biết sự đau đớn của Luyện ngục. Nếu ta suy gẫm về nơi này, ta sẽ tránh những lỗi lầm mà ta không để ý, chúng ta sẽ cầu nguyện nhiều hơn cho các linh hồn đáng thương trong cuộc sống hàng ngày của ta.


Bài 5: Luyện Ngục Qua Cảm Nghiệm Của Hai Vị Thánh

Nguồn : MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một buổi tối vào năm 1921 hay 1922, khi các linh mục và tu sĩ Dòng Phanxicô đang ăn cơm tối thì Cha Padre Pio cầu nguyện trong nhà nguyện. Ngài thường không ăn tối mà lại chọn việc cầu nguyện. Sau đó, ngài mới cùng với các tu sĩ khác sưởi ấm nơi lò sưởi.

Nơi nhà nguyện, thình lình, ngài nghe một tiếng động từ phía bàn thờ. Cha Padre Pio bèn lắng tai nghe để biết chắc rằng mình không tưởng tượng. Bỗng nhiên một tiếng động khác nổi lên, đó là tiếng của các cây đèn nến rớt từ bàn thờ xuống, làm phá vỡ sự thinh lặng. Thoạt đầu, cha Padre Pio ngỡ rằng chắc là một tu sinh nào đó đi ngang qua mà làm cho các cây đèn nến đổ vỡ. Để biết chắc, ngài liền dựa đầu vào ban công của khu ca đoàn để nhìn kỹ hơn. Ngài ngạc nhiên khi thấy một tu sinh trẻ đang đứng lặng lẽ bên bàn thờ.

Cha Padre Pio lên tiếng dõng dạc hỏi:

- Này, anh đang làm gì vậy?

Không có tiếng trả lời nên cha hỏi tiếp:

- Hay thật, đây có phải là cách thức anh làm việc không? Thay vì sắp đặt mọi sự có thứ tự, anh lại làm gẫy đổ đèn nến và chân đèn!

Tuy nhiên, ngừời tu sĩ kia vẫn im lặng và không di động. Vì thế, cha Padre Pio lớn tiếng hỏi nữa:

- Này anh kia, anh đang làm gì ở đây?

Người tu sĩ đáp:

- Thưa cha, con là tu sĩ… từ…

Cha Padre Pio hỏi dồn dập:

- Anh làm gì ở đây trong giờ này?

- Thưa cha, con đang làm việc đền tội luyện ngục ở đây. Con vốn là một tu sinh trong tu viện này, và con phải đền các tội lỗi của con. Lúc trước, con đã không tận tâm trong bổn phận khi con phục vụ ở nhà thờ này.

- Anh nghe đây, tôi sẽ dâng thánh lễ cầu cho anh vào ngày mai, nhưng anh không được đến đây nữa, nghe chưa!

Trái tim cha Padre Pio đập mạnh, cha bèn rời nhà nguyện và đến ngay lò sưởi, nơi các anh em tu sĩ của cha đang ngồi. Mọi người đều nhận thấy vẻ tư lự và run rẩy của cha, nên họ hỏi lý do. Cha Padre Pio tránh nhìn đôi mắt họ mà chỉ trả lời là cha bị lạnh.

Khoảng mười phút sau đó, cha Padre Pio mời một linh mục khác cùng đi với cha đến nhà thờ. Tại đó, các ngài nhìn thấy nến và chân đèn đổ vỡ lung tung. Cha Padre Pio muốn biết thử xem cha có nghe đúng hay là trí tưởng tượng của cha làm việc.

Sau đó, cha kể về chuyện này và kết luận như sau: “Chỉ vì thiếu tận tâm trong bổn phận mà vị tu sĩ ấy phải đền tội trong Luyện ngục 60 năm, sau khi anh ta chết! Hãy thử tưởng tượng xem chúng ta sẽ phải ỡ luyện tội lâu như thế nào để đền tội cho những tội nặng nề hơn nữa?”

Cha Padre Pio nói rất đúng! Từ các mặc khải của các thánh, chúng ta hiểu được có nhiều mức độ đau đớn và thống khổ ở Luyện ngục.

Sau đây là mặc khải của Thánh nữ Mary Magdelen Dei Pazzi. Trong các vị thánh được giáo hội phong thánh, ngoài thánh Phanxico của Roma ra, thì vị thánh nữ này để lại sự miêu tả rõ ràng, chính xác và nhiều chi tiết nhất về Luyện ngục.

Môt buổi chiều khi thánh nữ và các nữ tu khác đang đi dạo trong vườn, thì bỗng nhiên linh hồn bà được cất đi. Người ta nghe bà nói:

“Vâng, con sẽ đi chung quanh chỗ này, con sẽ đi chung quanh chỗ này!”

Với những lời ấy, bà thánh cho phép Thiên thần Bản Mệnh của bà đưa bà đến Luyện ngục. Trong khi đó, các nữ tu khác đứng ngắm nhìn với vẻ ngưỡng phục. Cùng lúc, họ kinh hoảng khi thấy bà thánh bước vào cuộc hành trình đau đớn ấy. Khi cuộc ngất trí hoàn tất, bà đã kể lại một bài viết xuất sắc về Luyện ngục.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, người ta thấy bà cứ đi chung quanh một khu vườn rộng lớn của tu viện, thỉnh thoảng, bà ngừng lại và chăm chú nhìn một điều gì đó mà Thiên Thần Bản Mệnh chỉ cho bà. Mặt bà trở nên xanh mét, và bà thường giơ tay ra tỏ ý thương hại cho những ai mà bà thấy. Bà tỏ lộ cảm tưởng đau khổ và kinh hãi, đến nỗi các nữ tu đang theo dõi bà cũng cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, các nữ tu tiếp tục theo dõi và lắng nghe chăm chú khi bà ta thán về những sụ kinh khủng và sự đau lòng của bà. Họ nghe bà la lên:

“Ôi, đau khổ quá! Lạy Chúa, xin hãy thương xót. Xin Chúa thương xót, Xin Máu Thánh Cực Châu Báu của Đấng Cứu Thế hãy đổ xuống trên các linh hồn tội nghiệp này, và xin giải thoát ho khỏi nỗi thống khổ này. Ôi các linh hồn đáng thương, các ngài đau đớn quá. Tuy vậy, tôi thấy các ngài hạnh phúc và vui lòng ngay giữa những cơn khốn khổ ấy. Tuy nhiên, còn có các linh hồn khác đau đớn hơn.”

Bà than van tiếp:

“Làm cách nào mà tôi không thể nhìn đến các linh hồn ở gần tôi được?”

Rồi vì đức vâng lời, bà bước xuống sâu hơn trong hố thẳm. Sau khi đi được vài bước, bà đột nhiên đứng lại, run rẩy và sợ hãi. Bà khóc lớn lên:

” Cái gì đây? Các linh mục và tu sĩ mà phải ở nơi đáng sợ này sao? Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, các ngài bị hành hạ nhiều đến thế sao? ”

Sự run rẩy và cái nhìn lộ vẻ khiếp sợ của bà làm cho những ai hiện diện hiểu được tầm mức thống khổ mà bà đang trải qua trong giây phút ấy.

Khi ra khỏi nơi mà các tu sĩ bị giam cầm, bà đi lang thang đến một nơi bớt đau đớn hơn, nơi nhà giam của các linh hồn đơn sơ, đó là các trẻ thơ và những ai phạm tội vì sự ngu dốt. Tại đó, bà thấy không gì khác, ngoại trừ đá băng và lửa. Còn các linh hồn đi từ đá băng đến lửa và từ lửa đến đá băng. Bà nhận ra linh hồn của người em trai đã chết ít lâu trước, và bà la to lên:

“Tội nghiệp linh hồn của em trai tôi! Em đau khổ quá, dù vậy, em được an ủi. Em bị đốt cháy, nhưng em hạnh phúc, bởi vì những đau khổ này là con đường dẫn đến hạnh phúc.”

Rồi bà tiếp tục đi thêm vài bước nữa, mọi người theo dõi bà và hiểu rằng bà đang gặp các linh hồn không được hạnh phúc. Bà hét lên:

“Ôi, thật là khủng khiếp khi ở nơi này. Nơi đầy cả ma quỷ và đầy những sự hành hạ. Tôi có thể thấy các linh hồn bị đâm bởi các cây kim nhọn và bị xé ra từng mảnh.”

Lúc ấy, bà được biết đây là nơi giam giữ các linh hồn mà lúc còn sống hay muốn làm vui lòng kẻ khác và hay sống giả hình. Đi xa hơn, bà thấy một đám đông bị kéo ra khỏi một nơi, rồi các 1inh hồn ấy bị nghiền nát dưới một sức nặng lớn lao. Bà hiểu rằng đó là hình phạt dành cho các linh hồn thiếu nhẫn nại và không vâng lời. Khi bà nhìn ngắm các linh hồn ấy, bà đã diễn tả bằng mọi cử chỉ và bà thở dài với một tâm tình cảm thương.

Sau một hồi, bà cảm thấy đau khổ nên khóc thảm thiết. Sau đó bà bước vào nhà tù của những kẻ nói dối. Bà quan sát kỹ và nói lớn:

“Các người nói dối ở một nơi rất gần Hỏa ngục. Nỗi thống khổ của họ lớn lao vâ vô biên. Chất chì lỏng đổ vào miệng của họ, trong lúc ấy, họ ngập chìm trong môt hồ nước đá lạnh, để rồi họ bị cháy phỏng và lạnh cóng cùng một lúc.

Thế rồi bà đến một nhà tù ở đó đang giam cầm những linh hồn phạm tội vì sự nhu nhược, bà la lớn tiếng như sau:

“Than ôi, tôi đã sai lầm khi tin rằng qúy vị ở chung với những ai phạm tôi vì sự ngu muội, bởi vì tôi thấy qúy vị bị phỏng trong lửa nóng thiêu đốt.”

Một hồi sau, bà nhận thấy những linh hồn tham lam quá độ bị thiêu nóng chảy ra với chất chì trong lò thiêu. Rồi bà thánh tiếp tục đi mà không nói gì thêm nữa; nhưng đến cuối cuộc hành trình, người ta nghe tiếng khóc của bà:

“Ôi lạy Chúa, ý muốn tuyệt vời của Chúa là tiết lộ những nỗi thống khổ đáng sợ. Có lẽ Chúa muốn đáp lại ước muốn của con là được biết linh hồn của em trai của con đang ở đâu, hay là để khuyến khích con hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục. Vâng, con hiểu rồi. Chúa muốn con thấy để con có thể hiểu rõ hơn sự thanh khiết vô nhiễm của Ngài!”

Rồi bà đi ngang qua môt trại giam các linh hồn đầy cao vọng và kiêu ngạo, các 1inh hồn này đau đớn khủng khiếp trong sự đen tối mịt mùng. Bà nói:

“Ôi thật là khốn khổ! Các linh hồn này bị bắt buộc sống trong sự đen tối, bởi vì họ cố gắng hết sức để được nổi bật trong mắt của những người khác.”

Và rồi bà thấy các linh hồn của những người cứng lòng và vô ơn đối với Chúa. Họ không bao giờ biết yêu mến Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và là Cha của họ. Các linh hồn này bị chìm sâu trong cái hồ đầy chì lỏng. Họ phải chịu đau khổ vì họ biến suối nguồn ân sủng trở thành sự khô cằn, trơ trụi qua thái độ vô ơn của họ.

Cuối cùng, nhà tù cuối mà bà đi qua là nơi mà các linh hồn không có tội rõ ràng, nhưng chỉ có những tội nhỏ nhặt. Bà quan sát thấy các linh hồn phải đền trả cho những tội gì mà họ đã mắc phạm khi còn ở trần gian.

Sau 2 tiếng đồng hồ đau đớn khi viếng thăm luyện ngục, bà thánh trở về với thực tại, nhưng cơ thể yếu nhược và tinh thần sa sút trong một thời gian dài. Phải đợi rất lâu bà mới phục hồi sức khỏe và hoàn hồn, vì cảnh tượng kinh hoàng mà bà đã được chứng kiến với đôi mắt của bà.

Những cảm nghiệm về Luyện ngục mà bà thánh Mary Magdalen Dei Pazzi đã chứng kiến chỉ là một phần trong rất nhiều mặc khải của nhiều vị thánh trong giáo hội.


Bài 6: Thánh Padre Piô Luôn Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Cha Thánh Padre Pio luôn ban tình thương phụ tử cho các người hấp hối và người chết. Những linh hồn người chết thường hiện về với cha Padre Pio để xin ngài cầu nguyện cho họ sớm được lên Thiên Đàng. Có một số trường hợp mà cha Padre Pio hiện diện bên cạnh người hấp hối vì những người này có lòng mến mộ cha Thánh khi mà họ còn sống, bà Enedina Mori kể cho chúng ta một câu chuyện sau:

“Cha Padre Pio muốn chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi suốt ngày đêm để cứu giúp các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục được thêm ân xá. Lúc trước có những tràng hạt chuỗi Mân côi với các ân xá. Tôi bèn thưa với cha Padre Pio:

- Thưa cha, luôn luôn có những người cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi suốt ngày mà!

Ngài đáp:

- Những khi con mỏi mệt, con nên ngừng đọc một chút rồi lại bắt đầu đọc tiếp chứ!

Khi người em trai của bà Maria Pompilio qua đời, bà xin cha Padre Pio cầu bầu cho em trai bà và xin Chúa cho bà được nằm mơ thấy em mình, nhưng cha Padre Pio mắng bà:

“Chúng ta hãy sống trong thế giới thật đi, đừng nói đến các giấc mơ nữa!”

Tuy nhiên, bà Maria cứ năn nỉ cha mãi, cuối cùng, bà mơ thấy em trai về nói với bà rằng:

- Chị ơi, chị có biết là cha Padre Pio đã giúp đỡ em khi em hấp hối lâm tử không?

- Nhưng em ơi, chị đâu có thấy cha hiện diện bên giường bịnh của em?

- Em không thể nói cho chị biết, bởi vì lúc ấy em đang hấp hối, nhưng thật sự, cha Padre Pio hiện diện bên em cho đến khi Chúa phán xét em. Chúa truyền cho em phải chịu đền tội 11 năm ở luyện ngục, nhưng cha Padre Pio đã cầu bầu cho em nhiều lắm nên em chỉ còn ở luyện ngục có 1 năm thôi. Có nhiều sự nhiệm mầu trong cuộc sống của cha mà chúng ta sẽ được biết rõ khi ta sang thế giới bên kia!

Sáng hôm sau, bà Maria đi bộ từ ngoài phố đến nhà thờ. Lúc ấy, không có trạm xe buýt trong suốt 2 dặm đường. Khi cha Padre Pio nhìn thấy bà, ngài lên tiếng:

- Sao? Bà cảm thấy hạnh phúc rồi chứ?

- Thưa cha, cha đã làm gì vậy? Cha đi khắp nơi! Cha ở ngay trên trái đất mà rồi cha cũng ở trên Thiên Đàng !

- Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

- Thưa cha, em trai của con nói rằng…

Nhưng cha Padre Pio cắt ngang và nói:

- Đúng rồi, em của bà nói rằng sự nhiệm mầu của cuộc sống tôi sẽ chỉ được biết trên Thiên Đàng!

Xin tất cả mọi sự là để dành cho vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì các ân sủng dồi dào của Lòng Thương Xót Ngài đổ xuống trên chúng ta.

Vâng, Cha Thánh Padre Pio đã nói:

“Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

Như trong Thánh Kinh có kể câu chuyện các Thiên Thần đi lên xuống trên chiếc cầu thang của Tổ phụ Gia Cốp, cha Padre Pio đã ban ơn lành bằng lửa yêu mến và đền tội cho nhân loại bằng giá máu của ngài. Ai có thể hiểu nổi tình yêu mênh mông của cha Padre Pio? Ngài thường nói với chúng tôi là các con thiêng lieng của ngài rằng:

“Trái tim của cha nóng chảy còn hơn lửa mặt trời nhiệt đới. Trái tim cha ngọt ngào như tổ mật ong. Cha không sống với trái tim cha nữa, nhưng cha sống với trái tim của Thiên Chúa.”





Bài 7: Luyện Ngục: Người Do Thái Giáo Vẫn Được Cứu, Dù Chưa Có Phép Rửa Tộ

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đây là câu chuyện của gia đình bà Florence Ehrman, một người ngưỡng mộ cha Thánh Padre Pio:

“Năm 1965, ba tôi trở cơn bịnh nặng và nằm chờ chết. Tôi đã viết thư cho cha Padre Pio để xin ngài cầu bầu cho ba tôi sớm hết bịnh. Ba tôi vốn là một người chồng, một người cha tử tế và nhân hậu. Ông rất khiêm nhường và qủang đại. Ông tin tưởng mãnh liệt nơi Thiên Chúa và ông theo đạo Do Thái Giáo.

Sau đó, tôi nhận được thư hồi âm của cha Thánh Padre Pio, ngài hứa sẽ cầu nguyện cho ba tôi, và sẽ bảo vệ ba tôi.

Tháng 2 năm 1966, ba tôi qua đời, nhưng thật lạ lùng, tôi cảm thấy bình an và bình thản. Tôi lấy làm lạ vì tôi sống rất gần gũi ba tôi. Tôi yêu ba tôi nhiều hơn những người khác trong gia đình, nhưng có lẽ tôi yêu các con nhiều hơn ba. Từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thể chịu nổi nếu mà ba tôi ra đi.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu lo sợ không biết ba tôi có được ơn cứu độ hay không. Sở dĩ tôi sợ vì những người Công Giáo và Tin Lành thường nói rằng nếu muốn được ơn cứu độ thì phải qua bí tích rửa tội. Do đó, ý tưởng này bắt đầu dầy vò tôi, khiến tôi không còn sự bình an như trước nữa.

Vào tháng 10, năm 1967, tôi đến viếng vùng San Giovanni Rotondo, Ý để gặp cha Padre Pio lần thứ hai. Môt người bạn của tôi đề nghị tôi hãy viết những câu hỏi mà tôi có thể có, rồi bạn tôi sẽ đệ trình lá thư này cho cha Padre Pio.

Trong thư tôi kể lể về chuyện ba tôi chết đi mà không có phép rửa tội, nhưng ông là người rất tốt và dịu hiền. Về sau, tôi nhận được lá thư trả lời của cha Padre Pio như sau:

“Ông Julius Fine được ơn cứu độ, nhưng gia đình cần phải cầu nguyện nhiều cho linh hồn ông ấy. “

Thế là tôi lại cảm thấy bình an vì biết rằng ba tôi ở trong số các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Thật là cần thiết để cầu nguyện cho các linh hồn đang bị thanh tẩy, để nhờ lời cầu nguyện của chúng ta mà họ được lên Thiên Đàng. Lúc đó thì ta không cần phải cầu nguyện cho họ nữa. Nếu linh hồn rớt vào Hỏa ngục thì quá trễ để cầu nguyện. Trái tim tôi mừng vui và cảm động về phép lạ cứu độ. Chúa Thánh Linh đã ban ơn cho cha Padre Pio được biết để nói lời xác nhận. Tất cả chúng ta đều phải sợ hãi và run rẩy khi ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.



Bài 8: Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Của Các Đẳng Linh Hồn Ở Luyện Ngục

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Có nhiều giai thoại kể về việc Đức Mẹ Maria thường hay lui tới Luyện ngục để an ủi những linh hồn đau khổ ấy. Mỗi ngày thứ bảy là ngày đặc biệt, vì là ngày lễ biệt kính Đức Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ Thánh Thiện. Qua các mặc khải, các Thánh kể rằng ngày thứ bảy là ngày hội ở Luyện ngục, bởi vì Đức Mẹ xuống nơi ngục tù đáng thương ấy để thăm viếng và an ủi các tôi tớ trung thành và yêu mến Mẹ trong đời sống dương gian của họ.

LM Louvet kể như sau:

“Bậc Đáng Kính Nữ Tu Paola di Santa Teresa được ngất trí vào ngày thứ bảy, rồi bà được đưa vào Luyện ngục, nơi ấy, bà thấy sáng sủa như một ngày hội đặc biệt. Thế rồi, bà thánh được nhìn thấy Mẹ Maria đến và các thiên thần bao bọc chung quanh. Đức Mẹ ra lệnh cho các thiên thần hãy thả những linh hồn sùng kính Mẹ khi họ còn sống trên trần gian. Nếu cảnh nhộn nhịp này xẩy ra và các ngày thứ bảy ở Luyện ngục thì đến ngày lễ lớn kính Đức Mẹ còn lớn đến thế nào? Mẹ và các Thiên thần đem niềm vui đến cho Luyện ngục. Theo các thánh víêt kể lại thì ngày lễ huy hoàng nhất là ngày Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Thánh Phêrô Damian nói rằng mỗi năm, vào ngày lễ lớn này, Đức Trinh Nữ gỉai thoát hàng ngàn linh hồn khỏi Luyện ngục và đem họ đến niềm vui viên mãn muôn đời. Thánh nhân được thị kiến như sau:

Trong thời đại của Thánh Phêrô Damian thì tại Roma, người ta có thói quen đến viếng nhà thờ và cầm một ngọn nến, vào buổi tối trước lễ Mông Triệu ( Mẹ Lên Trời). Môt năm nọ, có một phụ nữ qúy tộc đang đi đền tội bằng hai đầu gối tại nhà thờ Đức Mẹ Aracoeli, trong thành phố Roma. Chợt bà ta thấy một phụ nữ đã chết mà nay hiện ra trước mắt bà. Bà nhận ra người đã chết từ năm ngoái ấy vốn là mẹ đỡ đầu của mình. Bà bèn đợi người quá cố nơi cửa nhà thờ để tìm lời giải thích thỏa đáng.

Bà nắm tay người phũ nữ kia, kéo đi ra cửa nhà thờ rồi hỏi:

- Thưa bà, bà có phải là mẹ đỡ đầu của con lúc con mới ra đời không?

- Đúng, tôi chính là người ấy!

- Nhưng làm sao mà bà lại có thể ở trong đám người còn sống? Bà đã chết cả năm nay rồi mà. Sự gì đã xẩy ra cho bà trong thế giới bên kia?

- Cho đến nay, tôi vẫn bị đốt cháy trong lửa, đau khổ vì các tội lỗi kiêu căng khi còn trẻ. Tuy nhiên, vì cứ mỗi ngày lễ lớn kính Đức Mẹ, thì Nữ Vương Thiên Đàng lại xuống lửa Luyện ngục, để giải thoát tôi và nhiều linh hồn khác, để cho phép chúng tôi bước vào Thiên Đàng trong đúng ngày lễ lớn của Mẹ. Cứ mỗi năm, Đức Mẹ Chúa Trời lại đổi mới phép lạ của Lòng Thương xót, và con số linh hồn được giải thoát lên đến hàng ngàn. Để tạ ơn Mẹ về hồng ân cao cả này, chúng tôi đi đến các nhà thờ được đặt tên của Mẹ. Nếu con chỉ thấy tôi thôi, nhưng tôi nói cho con biết, có rất nhiều các linh hồn cùng đi vào đây với tôi.”

Người phụ nữ tỏ vẻ không tin, thì linh hồn nói thêm:

- Để chứng tỏ đây là sự thật, tôi nói cho con biết chỉ còn một năm nữa, vào đúng ngày lễ này, con sẽ chết. Nếu thời gian đến mà con không chết thì xem như lời tôi nói cho con hôm nay chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng.

Thánh Phêrô kể thêm rằng người phụ nữ thánh thiện ấy trải qua một năm thực hành mọi việc đạo đức để chuẩn bị cho cái chết. Vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm sau, bà ấy đã chết.

Giáo hội nhận ra sự lãnh đạo của Nữ Vương, nên họ chăm sóc các linh hồn trong luyện ngục, an ủi, giúp đỡ họ cho đến khi họ được bước vào niềm vui của đời sống vĩnh hằng.

Còn người lãnh đạo nào tốt lành hơn là người mẹ hiền của Chúa Giêsu? Còn đường nào an toàn dẫn tới Bê Lem, Can-va-rê và sự Phục sinh bằng các chuỗi Kinh Mân Côi? Với Đức Mẹ, qua chuỗi kinh Mân Côi, chúng ta bước đi một cách an toàn trên con đường cứu độ. Đây là con đường lịch sử mà Công Đồng Vatican II khuyến khích.


Bài 9: Đức Mẹ Maria, Nơi Trú Ẩn An Toàn Của Kẻ Tội Lỗi

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Liệu một linh hồn sẽ ở một mình cô độc hay có ai chung quanh linh hồn ấy trong giờ phán xét. Có thể linh hồn ấy bị ma quỷ hiện diện để cám dỗ, cũng có thể linh hồn ấy được Đức Mẹ Maria cùng các thánh ở bên cạnh để cầu bầu cho. Khi nói về sự can thiệp của Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy nghe mặc khải của thánh Alphonso Liguori như sau:

“Một nữ tu thánh thiện tên là Nữ tu Catherine của Dòng Thánh Augustino có một thói quen đặc biệt là cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn mồ côi hay các lin hồn có liên hệ với sơ. Tuy nhiên, trong thành phố nơi Sơ Catherine ở có một người phụ nữ tội lỗi tên là Maria. Khi bà này chết, ai cũng nghĩ rằng bà ấy mất linh hồn. Vì thế, đám tang của bà có ít người tham dự để cầu nguyện cho bà. Chẳng những thế, sơ Catherine cũng không cầu nguyện cho linh hồn ấy, bởi vì sơ cũng nghĩ rằng bà ta xuống hỏa ngục rồi.

Bốn năm trôi qua. Môt ngày nọ, sơ Catherine thấy một linh hồn từ luyện ngục hiện về nói với sơ rằng:

- Thưa sơ Catherine, sơ luôn có thói quen thánh thiện là cầu nguyện cho các linh hồn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi với!

- Bà là ai?

- Tôi là Maria, người đã chết trong sự bỏ rơi của mọi người.

- Bà nói thế có nghĩa là gì? Bà cũng được ơn cứu độ à?

- Thưa vâng, tôi được ơn cứu độ nhờ vào lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria. Khi hấp hối, tôi biết rằng mình sẽ chết trong sự bỏ rơi của mọi người, nên tôi đã tha thiết cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Tôi nài xin Mẹ như sau:

“Lạy Nữ Vương của con! Mẹ là nơi trú ẩn của các kẻ tội lỗi và kẻ bị bỏ rơi. Xin Mẹ hãy nhìn đến tình trạng bơ vơ của con trong lúc này, và xin Mẹ hãy giúp đỡ con!”

Đức Trinh Nữ Thánh Thiện đã nghe tiếng tôi cầu nguyện và đến cứu giúp tôi. Mẹ ban cho tôi ơn ăn năn thống hối trọn vẹn để tôi được cứu thoát khi lâm tử. Và Đức Mẹ nhân từ giàu lòng thương xót còn ban thêm ơn cho tôi. Khi tôi đến trước tòa phán xét của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã xin Con của Mẹ một ơn khác để giảm bớt thời gian tôi phải đền trả nơi luyện ngục. Bởi vì công lý của Thiên Chúa không thể đi ngược lại với quyền lực của Ngài, nên tôi đau khổ nhiều lắm, hầu đền bù lại những tội lỗi tôi đã phạm. Lúc này đây, tôi rất cần thêm các thánh lễ để được giải thoát. Khi linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tôi, thì sự thống khổ được giảm thiểu. Xin sơ hãy thương xót tôi và xin lễ cầu nguyện cho tôi. Tôi hứa sẽ không ngừng cầu nguyện với Chúa và Đức Nữ Đồng Trinh Thánh thiện cho sơ.”

Sơ Catherine vội vàng xin lễ cầu cho linh hồn bà Maria ấy, và vài ngày sau, sơ thấy linh hồn này bay lên Thiên Đàng, trước đó bà đến cảm ơn sơ đã vì lòng bác ái mà xin lễ cầu cho linh hồn bà.

Đức Mẹ quả thật là nơi trú ẩn của các người tội lỗi. Cha thánh Padre Pio dư biết điều này. Có nhiều câu chuyện kể lại mối liên hệ giữa cha và Đức Mẹ. Trong một lá thư, cha Padre PIo đã viết như sau:

“Mẹ yêu dấu, sao Mẹ thương con nhiều thế? Con cảm nhận được tình yêu của Mẹ một lần nữa vào buổi bình minh của tháng Năm. Mẹ đã âu yếm đi cùng với con lên bàn thánh vào sáng hôm ấy. Con có cảm tưởng rằng Mẹ chỉ nghĩ đến con mà thôi. Mẹ đổ tràn đầy trong trái tim con với tình yêu thánh thiện của Mẹ…Con ước ao có một giọng nói mạnh mẽ đủ để mời gọi những kẻ tội lỗi của thế giới hãy yêu mến Mẹ. Nhưng điều này không ở trong quyền năng của con, con đang cầu nguyện và sẽ cầu nguyện với thiên thần của con để ngài thi hành nhiệm vụ ấy giúp cho con.”

Đức Mẹ Maria đã nói với Thánh Brigid rằng Mẹ là Nữ Vương và Mẹ của những ai ở nơi đền tội. Lời cầu bầu của Mẹ làm giảm bớt nỗi thống khổ của họ rất nhiều. Cha Louvet nói:

“Trong sự hiện diện của Đức Mẹ, nơi đáng sợ ấy trở nên một nơi huy hoàng, đặc biệt cho những ai khi còn sống mà có lòng hâm mộ và sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Còn những ai đeo áo Đức Bà trong suốt cuộc đời thì Mẹ hứa rằng vào thứ bảy đầu tiên, sau khi họ chết thì Mẹ sẽ xuống luyện ngục mà giải thoát họ khỏi nơi đau khổ ấy.

Vậy chúng ta hãy bắt chước cha Thánh Padre Pio, yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện liên tục cho các linh hồn ở luyện ngục được sớm giải thoát. Đó là điều làm cho Mẹ vui lòng hơn hết.




________________________________________
Bài 10: Luyện Ngục: Các Linh Mục Đền Tội Lâu Hơn Các Giáo Dân

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sau đây là câu chuyện của bà Carmela Marocchino nói về ngừơi anh của bà là Linh mục Vittore. Vị linh mục này mất ngày 29 tháng 1 năm 1958. Bà kể lại chuyện và hỏi thăm cha Padre Pio về tình trạng linh hồn của anh bà:

Mặc dù tôi luôn tuân theo Thánh ý của Chúa, nhưng tôi băn khoăn về tình trạng linh hồn của anh tôi, bởi vì anh của tôi chết bất thình lình. Sau khi anh tôi qua đời, tôi khóc thảm thiết, và cha Padre Pio cũng khóc nữa. Tôi hỏi cha Pio:

- Thưa cha, tại sao Chúa lại chọn anh của con?

- Con có biết Chúa Giêsu làm gì với anh của con không? Chúa Giêsu vào trong vườn hoa, ở đó có nhiều đóá hoa, nhưng có một đoá hoa đẹp hơn những hoa khác. Ngài liền bước đến bên đóa hoa ấy và ngắt đi. Đó là điều Chúa Giêsu làm với anh của con.

- Thưa cha, anh con có được ơn cứu độ không?

- Được, nhưng chúng ta phải cầu nguyện cho ngài.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 1958, ngày lễ quan thầy của anh tôi. Tôi hy vọng anh đã được ở Thiên đàng rồi, trong tòa giải tội, tôi bèn hỏi cha Padre Pio xem anh tôi đã ở Thiên đàng chưa, ngài đáp:

- Con biết không? Các linh mục chúng tôi có nhiều trách nhiệm hơn trước Tòa Chúa, và khi chúng tôi xuất hiện trước Nhan Ngài, chúng tôi rất sợ hãi và run rẩy. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện.

Vào ngày 28 tháng 12 năm 1958, trong ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, tôi đến xưng tội. Đến lúc cuối, cha Pio hỏi xem tôi còn tội gì khác để xưng thú nữa không, nên tôi hỏi ngài:

- Thưa cha, cha biết hết mọi sự mà Chúa mặc khải cho cha. Xin cha cho con biết là anh của con là cha Vittore đang ở đâu?

- Ngài đang ở trên Thiên Đàng rồi.

Tôi rất vui mừng, mặc dù anh của tôi là linh mục và là môn sinh của cha Pio, vậy mà anh tôi phải ở Luyện ngục đến 11 tháng, bởi vì trách nhiệm của anh tôi đối với các linh hồn mà anh hướng dẫn.

Vào một dịp khác, tôi hỏi cha Padre Pio nếu tôi có cần phải cầu nguyện cho cha mẹ tôi khi họ đã chết lâu rồi, và ngài đáp:

“Ngay cả khi cha mẹ của con đã ở Thiên Đàng rồi, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện. Nếu họ không cần lời cầu nguyện nữa thì các lời cầu nguyện ấy vẫn được chỉ cho các linh hồn khác.

Bài 11: Sự Thông Công Giữa Các Thánh, Các Linh Hồn Và Loài Người Ở Trần Gian

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sự hiệp thông giữa các thánh gồm có tất cả những ai sống trên trái đất, các thánh trên Thiên Đàng và các linh hồn dưới luyện ngục. Ba Hội Thánh Chiến Đấu, Khải Hòan, và Đau Khổ kết hợp thành một gia đình lớn, và hiệp thông với nhau một cách đặc biệt. Vì thế, sự thống khổ và niềm vui của một người cũng là của tất cả mọi người. Sự khải hoàn của các thánh, sự đau khổ của các linh hồn và sự thử thách của các người còn sống trên thế gian là điều kinh nghiệm của mọi người. Khi chúng ta ở thế gian vui mừng khi nghĩ về các thánh, và buồn cho các linh hồn ở luyện ngục, thì các ngài, dù ở trên Trời hay còn ở luyện tôi, cũng đều lo lắng cho số phận của chúng ta trên trần thế. Các ngài thấy và biết rõ các nguy hiểm mà chúng ta đang sống.

Các linh hồn ở Luyện ngục tham dự vào niềm vui huynh đệ với các thánh trên Thiên Đàng, và họ cảm ơn các việc lành thánh mà chúng ta làm để dâng hiến cho họ được sớm giải thoát. Họ xem chúng ta là những ân nhân của họ. Khi từ lửa luyện ngục, họ nhìn lên Thiên Đàng và thấy các thánh đang hạnh phúc, thì họ nghĩ rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ được hạnh phúc như thế. Các linh hồn ở Luyện ngục cũng biết rằng họ có các bạn hữu trên Thiên Đàng đang cầu bầu cho họ trước Ngai Tòa của Chúa. Do đó, sự liên hệ đặc biệt giữa các linh hồn ở Luyện ngục, với nhân loại trên trần gian, và với các thánh nơi Thiên Đàng, không bị quên lãng.

Chúng ta đừng quên các Thiên Thần, vì dĩ nhiên, các ngài rất chăm sóc cho các linh hồn ở Luyẹn ngục. Nhiều linh hồn phú thác cho các Thiên Thần của Chúa. Các Thiên Thần cho rằng sứ mệnh của họ chưa chấm dứt cho đến khi nào họ đem được các linh hồn lên Thiên Đàng. Toàn thể các Thiên Thần luôn chú ý đến những linh hồn khi còn sống mà biết tôn kính các ngài.

Nghi lễ cho ngày lễ kính Thánh Micae cho ta biết rằng ngài đã được Chúa chỉ định cho việc nhận các linh hồn vào Thiên Đàng, khi họ rời Luyện ngục. Do đó, Thánh Micae như là một vị Hoàng tử của vương quốc thống khổ. Ngài có lòng trắc ẩn với các linh hồn này, và Ngài tiếp tục cầu bầu cho các linh hồn ấy.

Thánh Frances thành Roma rất vui thích khi nói đến các Thiên Thần chăm lo cho mọi người trong suốt đời sống của họ. Bà nói rằng:

” Khi một người chết, tùy theo mức độ công trạng của họ, vị Thiên thần Bản mệnh dẫn đưa người ấy tới phần sâu của Luyện ngục, và ở lại bên phía tay phải của người ấy, trong khi ma quỷ ở phía tay trái người ấy. Thiên Thần dâng lên Chúa Giêsu các lời cầu nguyện để cầu bầu cho linh hồn ấy được giảm bớt sự đau đớn. Trong khi ấy, ma quỷ thì chịu sự điều khiển của Lucifer, nên bị hành hạ một cách đặc biệt vì không thể dụ dỗ linh hồn ấy vào Hỏa ngục. Khi giờ đền tội của một linh hồn đã hoàn tất, người ấy được chuyển qua một nơi chốn cao hơn, và ma quỷ rời linh hồn ấy để trở về với đồng bọn của hắn, những tên ma quỷ khác sẽ chỉ trích hắn vì hắn đã thất bại trong việc dụ dỗ linh hồn ấy.

Như vậy, các Thiên Thần Bản Mệnh thăm viếng các linh hồn nơi Luyện ngục và cầu bầu cho họ trước Tòa Chúa.

Trong chuyến thăm viếng Luyện nguc dài 2 tiếng đồng hồ của Thánh Nữ Mary Magdalen Dei Pazzi, bà thánh đến thăm một nhà tù mà người ta phạm tội vì sự ngu dốt hay yếu kém, và bà thấy các Thiên Thần Bản Mệnh của các linh hồn ấy ở ngay bên cạnh họ để an ủi.

Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque cũng vậy, trong khi bà bị bịnh, Thiên Thần Bản Mệnh của bà mời bà đến thăm Luyện ngục với Ngài. Ngài đưa bà đến một nơi rộng lớn đầy những lửa và than đá. Tại đó, Ngài cho bà thánh thấy rất nhiều linh hồn trong hình dáng con người, đang giơ tay ra để cầu xin lòng thương xót, và bên cạnh họ là các Thiên Thần Bản Mệnh đang an ủi họ với những lời yêu thương.

Các mặc khải trên đây đúng theo lời giảng dạy về Thần Học và hợp với đại đa số các Tiến sĩ Hội Thánh. Các ngài nói rằng các Thiên Thần Bản Mệnh đưa các linh hồn vào Luyện ngục, và để cho họ liên lạc với chúng ta, linh hứng để ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy, và rồi báo tin cho các linh hồn xem ai là người cầu bầu cho họ. Khi thời kỳ đền tội đã hoàn tất, các Thiên thần đưa họ lên Thiên Đàng và đến với chúng ta để báo cho ta biết về sự giải phóng của họ. Chúng ta đoan chắc rằng các Thiên Thần hành động như người trung gian giữa Luyện ngục và Trần gian.

Ngoài ra, các Thiên Thần còn là người trung gian giữa Luyện ngục và Thiên Đàng. Chúng ta đã nhắc đến việc họ dâng lên Chúa các lời nguyện và sư hy sinh mà chúng ta dâng lên để cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, và các ngài đem những an ủi mà Chúa ban đến cho các linh hồn.

Mỗi khi Chúa hay Đức Mẹ Maria ngự xuống Luyện ngục thì đều có các Thiên thần bao quanh, sự huy hoàng và sáng láng của các Ngài đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các linh hồn ấy. Nếu các Thiên Thần đã chăm sóc cho các linh hồn ấy khi ở trần gian, tại sao lại không chăm lo cho họ trong thời gian họ ở trong Luyện ngục chứ?

Để kết luận, và để hiểu rõ sự lưu tâm của các Thiên thần ở trong Luyện ngục, chúng tôi kể một câu chuyện do nhà văn Rossignoli kể trong tác phẩm của ông:

“Trong tu viện của Thánh Catherine ở vùng Naples, các tu sĩ có thói quen đạo đức là đọc kinh chiều cho các linh hồn vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ. Như vậy, trước khi nghỉ ngơi, người tu sĩ có thể đem lại chút ủi an cho các linh hồn. Một tối kia, các nữ tu vì quá mỏi mệt vì làm lao động mệt nhoài, nên họ không đọc kinh chiều cầu cho các linh hồn. Do đó, một ca đoàn Thiên Thần từ Thiên Đàng đi xuống và bắt đầu đọc kinh chiều cho các linh hồn trong cung ca đoàn của tu viện. Nhờ vậy, các linh hồn không lo buồn vì sự thiếu kinh nguyện. Như vậy chúng ta có cần thêm chứng từ nữa không?

Vậy chúng ta hãy luôn nhớ rằng niềm vui và hạnh phúc của các thánh, sự đau đớn và thống khổ của các linh hồn ở Luyện ngục và các thử thách và phiền muộn của các người đang sống ở thế gian đều hợp thông với nhau. Các thánh ở trên Thiên Đàng rất cảm động khi nhìn thấy sự nguy hiểm mà loài người trên trần gian phải đi qua, và các ngài nhìn xuống Luyện ngục với lòng thương xót và trắc ẩn. Họ cầu bầu cho các anh chị em của họ sớm hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng. Còn các linh hồn thì cảm ơn các ân nhân ở trần gian, và ngước mắt lên trời để chiêm ngắm các thánh đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Họ vui mừng và đầy hy vọng khi biết rằng lời cầu bầu của các anh chị em trên trời cũng như trên thế gian sẽ giúp rút ngắn thời gian thống khổ. Thật là một tương quan đẹp đẽ và thân thiện giữa Luyện ngục, Thiên Đàng và Trần gian, và đó chính là di sản quý báu và đẹp đẽ của Giáo hội Công giáo.


Bài 12: Vị Cố Linh Mục Chánh Xứ Hiện Về Đền Tội

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Tại thành phố Pietrelcina, Ý Đại Lợi vào sau năm 1910, cha Thánh Padre Pio được thụ phong linh mục bởi tay của Đức Giám mục Schinosi ở Benevento. Vì sức khỏe của cha Pio yếu kém nên ngài phải vâng lời Bề trên để ở lại Pietrelcina. Ai cũng hy vọng rằng với không khí trong lành, với sự săn sóc của mẹ ngài, và với sự tự do khỏi vướng bận những lo lắng của đời sống cộng đoàn thì cha Pio mạnh khỏe hơn.

Vị cha xứ tên là Giovanni Caporaso đã qua đời ít lâu nay. Vị cha xứ mới là cha Don Salvatore Pannullo đến thay thế. Ngài vốn là thầy dạy môn Thần Học của cha Padre Pio. Mỗi ngày, vị linh mục mới là cha Pio đều đến nhà thờ của giáo xứ để cử hành Thánh lễ. Ngay từ khởi đầu, các thánh lễ của cha Padre Pio cử hành đều mang sắc thái khác biệt.

Ngày ấy chưa có phòng Thánh. Vì thế vị linh mục thường mặc áo lễ sau bàn thờ. Một vài lần, cha Padre Pio mặc áo lễ ngay sau bàn thờ. Nhưng sau đó, cha xứ Don Salvatore chuẩn bị một bàn nhỏ ở bên cạnh bàn thờ chính. Ngài đặt các vật dụng cần thiết cho Thánh lễ trên bàn nhỏ ấy và dặn cha Padre Pio hãy mặc áo lễ bên cạnh bàn nhỏ, thay vì sau bàn thờ.

Cha Padre Pio vâng lời với sự đơn sơ thánh thiện. Sau đó, ngài hỏi lý do tại sao lại phải mặc áo lễ ở chỗ mới thì cha xứ Don Salvatore nói rằng rất nhiều lần, trong thánh lễ do cha Padre Pio cử hành thì cha Don Salvatore thấy vị linh mục qúa cố Caporaso hiện về, quỳ nơi hàng ghế sau bàn thờ. Ngài qùy và tham dự thánh lễ sốt sắng rồi biến đi.

Người ta cũng còn thấy cha xứ Caporaso hiện về qùy trong nhà thờ nhỏ tên Thánh Pio Tử Đạo, trong một lâu đài. Khi ông trùm đến rung chuông nơi nhà thờ chính vào mỗi buổi sáng thì bà vợ của ông ta đến rung chuông ở ngôi nhà thờ nhỏ ở trong lâu đài. Bà này chuẩn bị mọi sự trên bàn thờ môt cách chu đáo và tươm tất. Khi vừa đi về thì bà gặp cố linh mục Caporaso đang qùy trên các bậc thang ở cung thánh và sốt sắng cầu nguyện. Không tin vào đôi mắt mình, bà dụi mắt vì nghĩ rằng mình đang buồn ngủ. Rồi bà nhìn ngắm lần nữa.Đúng là ngài rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!

Bà ta bèn chạy ù té ra khỏi nhà thơ nhỏ, tim bà đập thình thịch. Vẻ mặt xanh mét, bà chạy đến nhà thờ chính để kể lại cho chồng nghe. Ông linh cảm có một điều gì ghê gớm đã xẩy ra cho vợ. Bà vợ kêu lên:

- Nè, nè, em không đến nơi nhà thờ nhỏ nữa đâu. Từ nay anh liệu mà sang bên ấy rung chuông đi nhé!

- Tại sao vậy?

- Bởi vì em vừa nhìn thấy ông cha xứ đã chết mà nay lại trở về trước bàn thờ, ông ấy làm cho em sợ mất vía đi thôi!

Thật ra, chính cha Padre Pio cũng đã thấy vị linh mục qùy cầu nguyện ở đó, nhưng ngài chỉ nhìn thấy phía đàng sau nên không biết là ai cả.

Việc hiện ra của cha Caporaso kéo dài khoảng 1 tháng. Vào lần cuối, cha quá cố nói với cha xứ như sau:

” Cha Salvatore ơi, tôi đi đây, và tôi sẽ không trở về nữa. Thật là khủng khiếp cho tôi, và tôi phải trả giá đắt khi xong Thánh lễ mà không tạ ơn Chúa, mà cứ đi thẳng một mạch.”

Lời nói này làm gương cho cha xứ mới. Cha xứ quá cố là một vị linh mục thật thà và công chính, chỉ vì không tạ ơn Chúa sau Thánh lễ và vội vàng đi chơi với bạn bè nên ngài phải đền tội. Lời cầu nguyện của cha Thánh Padre Pio rất hữu ích cho cha xứ quá cố. Nhờ vậy mà ngài được giải thoát khỏi Luyện ngục.








________________________________________
Bài 16: Với Thiên Chúa, Không Có Quá Khứ Hay Tương Lai

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Vào cuối năm 1949, một vị bác sĩ quen thân với cha Padre Pio nhận được lá thư của một bà mẹ có con gái đau nặng. Bà mẹ xin cha Padre Pio cầu nguyện cho con gái của bà sớm bình phục. Vị bác sĩ thông cảm nỗi lòng người mẹ nên ông vội đi tìm cha Pio. Ông nói:

-Thưa cha Pio, con có môt lá thư mà người ta xin cha cầu nguyện. Con đọc thư cho cha nhé?

Cha Pio đáp:

-Bác sĩ có thể đọc cho tôi sau được không? Bây giờ tôi rất bận.

Tuy nhiên, lá thư ấy không được đọc sớm. Vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, vị bác sĩ phải rời San Giovanni Rotondo bởi có chuyện gấp trong gia đình. Khi trở lại, vị bác sĩ thấy lá thư ấy vẫn còn nằm trên chiếc bàn của phòng giải phẫu. Ông tự nhủ:

-Tội nghiệp cho bà mẹ này, tôi phải nói chuyện cho cha Pio vào tối nay thôi!

Thế là chiều hôm đó, vị bác sĩ vào phòng của cha Pio và đọc thư cho cha nghe. Đọc xong, ông ta hỏi cha Pio:

-Thưa cha, bây giờ con phải nói thế nào đây?

Cha Pio đáp:

-Hãy nói: “Xin vâng!”

-Cha nói cái gì?

-Tôi nói: “Hãy xin vâng!”

Lúc ấy, cô bé bịnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, vị bác sĩ biết rằng thời gian đã trôi qua từ lâu, có lẽ chậm mất rồi, nếu có cầu nguyện bây giờ thì cũng vô ích thôi. Nhưng cha Pio hiểu ông ta nghĩ gì nên cha nói tiếp:

-Có lẽ ông không hiểu rằng: bây giờ, tôi có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi có một cái chết hạnh phúc.

-Nhưng ông cố nội của cha đã chết từ nhiều năm về trước rồi mà!

-Tôi biết chứ, nhưng bây giờ, tôi vẫn có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi chết trong hạnh phúc. Để tôi giải thích cho ông rõ hơn. Ví dụ ông và tôi cùng chết, qua sự may mắn, và qua lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ, chúng ta phải đền tội trong luyện ngục 100 năm. Trong những năm này, không ai còn nhớ đến chúng ta để mà xin Thánh lễ cầu nguyện cho chúng ta hay đọc kinh đền tội cho ta. Ai cũng nghĩ rằng cha Padre Pio và ông bác sĩ đã chết lâu lắm rồi, họ đã xin lễ cho chúng ta rồi. Nhưng đối với Thiên Chúa thì quá khứ và tương lai không hiện hữu. Tất cả đều là hiện tại vĩnh cửu. Các lời cầu nguyện được nhậm lời. Vậy tôi xin lập lại, bây giờ tôi vẫn có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố nội tôi!

Câu chuyện ngừng lại ở đó, rồi vị bác sĩ ra về. Đến nhà, vợ bác sĩ trao cho chồng một lá thư khác của bà mẹ cô bé bị bịnh. Bà cám ơn bác sĩ và cha Padre Pio vì con bà đã có dấu hiệu bình phục.

Hôm sau, bác sĩ lại đưa lá thư cho cha Padre Pio, cha mỉm cười:

- Hãy xin vâng nhé. Ông tưởng Thiên Chúa cần đến các thủ tục hành chánh như loài người ư? Chẳng lẽ người ta cần phải viết thư trên giấy để nhờ cha Pio xin ơn Chúa sao?

Trên đây quả thật là một câu chuyện làm cho mọi người phấn chấn tinh thần. Môt điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục, cho dù họ đã chết rất lâu rồi, bởi vì với Thiên Chúa sẽ không có quá khứ hay tương lai, mà tất cả chỉ là hiện tại vĩnh cửu mà thôi.



Bài 17: Lời Chúc Bình An

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một người bạn của LM Alessio Parente là ông Vincenzo Mercurio đã kể cho cha Parente câu chuyện về người cha của ông ta như sau:

“Lúc tôi còn thơ ấu thì ba tôi thường làm công tác đạo đức. Ông hay rủ tôi cùng đi với ông, và tôi rất hân hoan được đi với ba tôi. Cha con tôi thường cùng nhau thức dậy sớm để đến nghĩa địa cầu nguyện cho người chết. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, ông dành ra 2 tiếng đồng hồ để thăm viếng mộ phần của người chết. Mỗi ngày Chúa nhật, ba tôi thường đọc kinh Cầu hồn trong nhà nguyện, trước Thánh Thể Chúa.

Trong các buổi sáng ấy, chúng tôi dậy rất sớm bởi vì ba tôi phải về nhà để đi làm trước 8 giờ sáng. Ba tôi có thói quen ở trong nhà thờ khoảng 1 tiếng rưỡi để cầu nguyện. Chúng tôi phải đi bộ khoảng chừng 40 phút. Lúc ấy, tôi không thể hiểu được tại sao ba tôi lại dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho các linh hồn nơi nghĩa địa như thế. Rất nhiều lần, ba tôi phải đánh thức người gác cửa nghĩa địa để ông ta mở cửa sớm. Ba tôi thường đến viếng mộ của ba má ông, của thân nhân và bạn bè ông. Thế rồi ông đến nhà nguyện để cầu hồn cho người chết cùng với các người khác, rồi ông phụ giúp lễ buổi sáng. Ba tôi luôn chăm sóc cho các linh hồn và thăm hỏi họ rất ân cần.

Một hôm, vào ngày Tết Dương lịch, ba tôi cảm thấy thoải mái khi đi thăm mộ vì ông không phải vội vàng về đi làm. Thế là cha con tôi đến nhà nguyện dành cho Đức Me. Sau khi cầu nguyện xong, ông chào các linh hồn: “Chúc qúy vị bình an!” Ngay tức khắc, tôi nghe một giọng nói của trẻ thơ vọng trả lời:

“Chúc ba bình an!”

Tôi tò mò hỏi ba tôi xem giọng nói ấy là của ai vậy? Ba tôi đáp:

-Đó là tiếng của em trai con thay mặt cho các linh hồn để trả lời ba. Con có biết rằng các thân nhân của chúng ta đều được chôn ở trong nhà nguyện ấy không?

Lúc đó, tôi mới biết rằng đại gia đình tôi được chôn trong nhà nguyện. Tôi có thể kể cách chính xác nơi phát xuất ra giọng nói đáp lời ba của tôi, dù rằng nơi ấy giờ chỉ còn xương người chết mà thôi. Sau đó, chúng tôi đến các mộ phần khác ở trong nhà nguyện chính. Tôi không còn nghĩ đến giọng nói của trẻ thơ kia. Nhưng khi ba tôi nói lời chúc bình an thì tôi lại nghe một giọng nói của bà cụ già đáp lại:

“Chúc ông bình an!”

Tôi nói với ba tôi là tôi vừa nghe lời chúc của một bà cụ già, ba tôi nói chuyện một cách thản nhiên:

-Ồ, đó là giọng nói của một người nghèo trong gia tộc mình. Các người này nghèo nên họ không thể mua nổi một nấm mộ riêng, vì thế họ được chôn chung ở chỗ này. Câu chuyên này được xem như bình thường, vì thế ba tôi và tôi không kể lại cho gia đình nghe. Câu chuyện này chỉ trở lại trong ký ức của tôi khi mà tôi trở lại với niềm tin Công giáo để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, và qua sự hướng dẫn của cha Thánh Padre Pio.

Các linh hồn Thánh thiện cho phép ba tôi chăm sóc cho họ, và họ cũng bảo vệ ba tôi. Ba tôi biết điều ấy, và ông rất mang ơn các linh hồn. Ông đối xử với các linh hồn như họ là người thân trong gia đình ông. Ba tôi mong ước được trở thành người canh cửa nghĩa địa.

Với niềm tin tưởng, tôi kể lại câu chuyện sau đây:

Một buổi sáng sớm kia, khi ba tôi đang chờ đợi người canh cửa nghĩa địa mở cửa cho ông vào, vì cửa còn đóng kín. Ông thấy nhà nguyện chính được thắp sáng bởi một luồng ánh sáng tuyệt vời. Vì ba tôi siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn nên ông không hỏi người canh cửa nghĩa địa về bất cứ điều gì. Trong thâm tâm, ba nghĩ rằng ông kia đến nhà nguyện trước để chuẩn bị cho Thánh lễ và cho việc cầu hồn.

Thế rồi ba tôi đến thăm từng mộ phần, và các phần mộ chôn chung khác. Nhưng khi ba tôi đến nhà nguyện chính thì nơi đây vẫn còn đóng kín cửa. Ba tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nguyện chính chưa hề được mở cửa. Thế mà ba tôi đã chính mắt nhìn thấy vào nửa giờ trước đó, một luồng ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng như là đã có một Thánh lễ vĩ đại xẩy ra ở nơi ấy.


Bài 18: Thân Phụ Của Cha Thánh Padre Pio Nhìn Thấy Hai Linh Hồn Về
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Linh mục Francesco Napolitano kể cho chúng tôi câu chuyện sau đây:

Vào năm 1928, cha của Cha Thánh Padre Pio là Ông Orazio thường đến thăm con trai ở vùng San Giovanni Rotondo trong một vài ngày. Một buổi tối kia, sau bữa cơm tối, ông Orazio chào con và các tu sĩ khác để lên lầu ngủ. Căn phòng đựơc giao cho ông nằm trên lầu 1, và là phòng số 10. Lên đến nơi, ông Orazio ngạc nhiên khi thấy hai tu sĩ đứng ngay trước cửa phòng của ông và không cho ông vào phòng.

Ông Orazio thấy đó là hai tu sĩ lạ mặt, và có lẽ họ đi lộn phòng. Lúc ấy, các tu sĩ thường đến thăm viếng cha Padre Pio để xin ngài ban phép lành cho. Ông lịch sự giải thích rằng đây là phòng được dành riêng cho ông, xin họ cho phép ông đi vào. Nhưng vô ích, ông lập lại câu nói vài lần nữa nhưng hai người kia không trả lời. Cảm thấy khó chịu, ông dùng hết sức lực để bước vào phòng. Ông còn cho họ biết rằng đây chỉ cómột giường, chứ không có hai giường.

Khi ông cố gắng vượt qua hai tu sĩ thì họ bổng biến mất. Quá hoảng sợ, ông vội chạy đi tìm con là cha Thánh Padre Pio để kể cho con nghe. Cha Padre Pio hiểu ngay câu chuyện. Ngài bèn quàng tay qua vai cha mình và dùng lời lẽ để trấn an và khuyến khích cha đi ngủ.

Khi thấy cha lấy lại sự bình tĩnh, cha Pio nói với cha mình:

-Thưa ba, đó là hai vị tu sĩ đang ở luyện ngục. Họ phải làm việc đền tội ở chỗ mà họ đã phạm lề luật của thánh Phanxico. Xin ba yên tâm và đi ngủ trong sự bình an, bởi vì họ sẽ không đến làm phiền ba nữa đâu!

Thế rồi, cha Padre Pio đưa cha mình lên phòng số 10 và ngồi đợi cho đến khi người cha lên giường. Ngài chào cha và trở lại phòng mình.

Có lẽ người đọc tưởng rằng bất cứ linh hồn nào cũng có thể hiện về với người sống phải không? Không phải như thế đâu. Một người chết không thể trở về, nếu như Chúa không cho phép, bởi vì người chết không có quyền trên thân xác vật chất của mình nữa. “Chúa có thể cho phép linh hồn của người tín hữu trở về với người sống vì một mục đích hữu ích, và chủ yếu là biểu lộ sự thật.”

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, linh hồn người chết, qua lòng thương xót vô biên và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, thì có thể hiện về với người sống. Chúng ta có lời của cha Padre Pio, của các thánh, và những người đạo đức khác.





________________________________________
Bài 19: Linh Hồn Các Binh Sĩ Về Cảm Ơn Cha Thánh Padre Pio

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Trong đời cha Padre Pio có nhiều sự lạ xẩy ra, chẳng hạn như khi các linh hồn về cảm ơn cha vì cha đã cầu nguyện cho họ. Câu chuyện này xẩy ra khi có Đại Chiến thứ hai.

Một buổi tối nọ, sau bữa cơm chiều, tu viện đã đóng cửa, nhưng các tu sĩ đều nghe tiếng hoan hô vọng đến từ phiá dưới thang lầu: “Hoan hô cha Padre Pio!”

Lúc ấy cha bề trên là LM Raffaele gọi tu sĩ gác cửa là thầy Gerardo và bảo thầy hãy xuống cầu thang mà đuổi những ai dám xông vào hành lang dưới nhà. Thầy Gerardo vâng lòi đi xuống. Tuy nhiên, khi đến hành lang, thầy thấy tất cả chìm trong bóng tối, cửa chính đóng kín, còn có hai thanh sắt cài ngang. Thầy liền báo cáo sự thật lên cha bề trên. Sáng hôm sau, cha bề trên gọi cha Padre Pio đến để giải thích tại sao lại có sự kiện lạ lùng ấy. Cha Padre Pio nói rằng những tiếng hoan hô đó là của những binh sĩ đã chết nhưng họ đến để cảm ơn ngài đã thường cầu nguyện cho họ.

Trong các trường hợp lạ lùng như vậy, cha Padre Pio luôn khiêm nhường và trầm tĩnh. Ngài ít khi nào kể chuyện lạ lùng này, nếu như cha bề trên không hỏi. Ngài biết rõ rằng những điều quan trọng không phải là những gì lạ thừơng, nhưng Thiên Chúa dùng những kết qủa của các điều lạ thường để giúp các linh hồn. Ngài rất khiêm tốn trong mọi sự. Ai ai cũng biết cha Padre Pio là người khiêm nhường.

Ngài được Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng ngài xin Chúa lấy những dấu bề ngoài đi, và chỉ để lại sự đau đớn thôi. Ngài than thở vì thấy chỉ có một số ít các linh hồn yêu mà không vụ lợi. Ngài đau khổ khi thấy bản thân mình bất xứng. Đó là những dấu tích rõ ràng mà Chúa hành động trong linh hồn ngài. Những hành động của Chúa cần được đánh giá cao trọng hơn những biến cố lạ thường. Cha Padre Pio luôn đánh giá cao và chú trọng đến các hành động của Chúa.


Bài 20: Quyền Năng Của Lời Cầu Nguyện

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Chân Phước Suso đã hứa với người bạn rằng ngài sẽ dâng hai thánh lễ mỗi tuần trong suốt một năm nếu người bạn của ngài chết trứớc. Nhưng sau đó, khi người bạn chết, ngài đã quên lời hứa nên không dâng Thánh lễ cầu cho người bạn.

Một buổi tối kia, khi đang suy niệm thì ngài thấy linh hồn người bạn hiện về trước mặt mình. Người bạn âu yếm nhìn ngài và nhắc nhở ngài đã không giữ lời hứa. Chân phước Suso xin lỗi và hỏi bạn:

-Tôi đã dâng bao nhiêu lời cầu nguyện và việc làm đạo đức cho anh rồi mà, bộ chừng đó không đủ sao?

-Ồ, không anh ạ, chỉ có Máu Thánh Chúa Giêsu Ki Tô là điều cần thiết để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tôi. Chỉ có sự hy sinh cao cả của Chúa mới giải thoát tôi ra khỏi sự đầy đọa này.

Chân Phước vội vàng đáp lời kêu gọi của linh hồn thống khổ ấy để đền bù lỗi của mình. Vì thế, ngài cử hành nhiều thánh lễ hơn cả những gì ngài đã hứa với bạn. Một thời gian sau, người bạn hiện về với nét mặt hớn hở và chung quanh đầy hào quang. Linh hồn ấy nói:

-Cám ơn người bạn trung thành của tôi. Bạn hãy nhìn xem, bằng gía máu của Đấng Cứu Thế, tôi đã được giải thoát khỏi sự thống khổ rồi.

Chúa đã tỏ lộ cho một tu sĩ thánh thiện là Gioan thành Alvernia, kết qủa của hy lễ dâng lên trên các bàn thờ trong ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn. Vị tu sĩ thấy Luyện ngục mở cửa, và rất nhiều linh hồn được bay lên nhờ hy lễ. Các linh hồn giống các đóm lửa rực sáng bay ra từ các lò lửa.

Hy lễ thánh giá có giá trị tuyệt đối. Dưới con mắt của Chúa, hy lễ trên bàn thờ có giá trị tương tự. Tuy nhiên, hy lễ thánh này chỉ áp dụng một phần cho các linh hồn và tùy theo Công Lý của Thiên Chúa.

Sự suy niệm của chúng ta trong mỗi thánh lễ trở thành lời cầu nguyện của lòng thương xót, nếu chúng ta dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Con Yêu Dấu Ngài. Các lời cầu nguyện ấy có quyền năng lớn lao đối với Chúa. Thánh nữ Magdalen Dei Pazzi học được từ Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha Hằng Hữu Máu Cực Thánh của Con Chí Thánh Ngài. Đó là việc tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thánh nữ cứ dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đến ít nhất là 50 lần mỗi ngày. Trong một lần ngất trí, bà thấy một số lớn các linh hồn tội lỗi được ơn hoán cải và một số lớn các linh hồn được giải thoát khỏi Luyện ngục qua cách thực hành này.

Nếu giá trị của việc dâng hiến cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu lớn như vậy, thì khi dâng lễ là tái diễn cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu thì giá trị còn lớn lao biết bao nhiêu nữa? Thêm vào đó, chúng ta hãy nhớ rằng đến giờ chết, các thánh lễ mà chúng ta tham dự sẽ trở nên nguồn an ủi lớn lao nhất của ta. Mỗi thánh lễ sẽ đi với chúng ta tới Tòa Phán Xét và để xin Chúa tha tội cho ta. Nơi mỗi thánh lễ, chúng ta có thể xin giảm bớt những hình phạt vì tội lỗi mình, dù nhiều hay ít.

Bằng cách tham dự thánh lễ sốt sắng, chúng ta tôn vinh bản tính nhân loại thiêng liêng của Chủa Ki Tô. Ngài đền bù cho các tội bất cẩn và thiếu sót của ta. Ngài tha thứ cho các tội nhẹ mà ta quyết tâm tránh. Ngài tha thứ cho ta những tội mà ta không biết để xưng thú. Quyền lực của Satan đặt trên ta sẽ biến mất. Chúng ta giải cứu cho các linh hồn ở luyện ngục. Mỗi thánh lễ xin cho chúng ta lúc còn sống thì tốt hơn là xin cho ta lúc ta đã chết. Chúng ta sẽ tránh được nhiều sự nguy hiểm và xui xẻo nếu như có thánh lễ dâng lên để cầu cho ta. Chúng ta giảm bớt thời gian ở luyện ngục bằng mỗi thánh lễ. Mỗi thánh lễ đem lại cho ta các vinh quang lớn hơn trên thiên đàng. Chúng ta nhận được sự chúc lành của vị linh mục mà Chúa ban trên thiên đàng. Chúng ta qùy ở trong số đông các thiên thần, khi các ngài hiện diện với sự tôn kính nơi mỗi thánh lễ. Chúng ta được Chúa chúc lành trong mọi công việc và mục vụ.


Bài 21: Maria Simma, Người Phụ Nữ Được Các Linh Hồn Hiện Về

Nguồn:MeMaria.org

Lời dịch giả: Nhân dịp tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn, xin kính tặng bài này cho các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Xin các ngài cầu bầu cho chúng con trước Tòa Thiên Chúa.

Maria Simma of Austria (1915-2004) Bà Maria Simma là môt phụ nữ người Áo, bà mất vào tháng 3, 2004 ở lứa tuổi 90. Bà được nói chuyện với các linh hồn người chết và các linh hồn đau khổ để giúp họ vơi đi các nỗi thống khổ mà họ đang gánh chịu. Bà Simma đến Vùng Holy Shroud, Ý Đại lợi và trả lời môt cuộc phỏng vấn của tờ báo Medjugorje vào ngày 5 tháng 5 năm 1999, tại nhà thờ Corpus Domini. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Thưa bà Maria, bà có thể cho chúng tôi biết lần đầu tiên bà gặp các linh hồn là lúc nào?

Đáp: Một linh hồn đầu tiên đến với tôi là vào năm 1940. Tôi thức giấc vì có người đi trong phòng ngủ của tôi. Tôi hỏi: “Ai đang đi đó?” Không có tiếng trả lời. Tôi đứng dậy và đi về phía người ấy, nhưng tôi không còn thấy họ nữa. Tôi nói:

“Xin ông làm ơn đi chỗ khác đi. Nếu ông không nói thì hãy ra khỏi đây!”

Thế rồi tôi lại vào giường để ngủ tiếp nhưng tôi không thể ngủ lại được.

Hỏi: Bà có sợ hãi không?

Đáp: Không, tôi không dễ sợ hãi đâu!

Thánh Ý Chúa Dành Cho Tôi

Hỏi: Các cuộc thăm viếng tiếp tục chứ?

Đáp: Vâng. Khi tôi còn là môt thiếu nữ, tôi cảm nghiệm rằng Chúa muốn tôi làm một điều gì đặc biệt cho Ngài. Là một bé gái, tôi nói với mẹ tôi:

“Mẹ ơi, con sẽ không lập gia đình đâu!”

Me tôi thường trả lời:

“Con sẽ đổi ý khi con lên 20 tuổi!”

Và tôi thường lập lại:

”Con sẽ không lấy chồng đâu!”

Tôi đã không lập gia đình. Khi học xong, tôi thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con? Con có nên vào tu viện không?”

Nhưng sau ba lần xin vào tu viện để sống đời tận hiến cho Chúa, tôi đều phải ra ngoài. Trong khi cầu nguyện, tôi thường xin Chúa cho tôi được hiểu Thánh Ý của Ngài. Khi được 25 tuổi, tức là vào năm 1940, các linh hồn ở luyện ngục đến thăm tôi để xin tôi giúp đỡ cho họ. Vào tháng 11 năm 1953, các linh hồn khác đến với tôi và xin tôi chịu sự đau đớn giúp cho họ.

Từ đó đến nay, các linh hồn hiện ra với tôi mỗi ngày và mỗi đêm để xin tôi chịu đau khổ cho họ. Vị linh mục ở giáo xử của tôi khuyên tôi hãy thánh hiến chính bản thân mình cho Chúa Giêsu để đền tội cho các linh hồn, và xin Chúa Giêsu ban cho tôi sức mạnh`

Từ đó, tôi bắt đầu con đường dâng mình để đền tạ thay cho họ.

Hỏi: Có phải Chúa gửi linh hồn đến luyện ngục, hay chính linh hồn ấy đi thẳng xuống luyện ngục vì họ được soi sáng và hiểu rõ trong ánh sáng của Chúa?

Đáp: Mỗi linh hồn hiểu rõ ràng họ phải đến nơi nào trong luyện ngục. Luyện ngục có hàng ngàn cách thức khác biệt.

HỎi: Đến giờ chết, các linh hồn được nhìn thấy Chúa rõ ràng hay không?

Đáp: Mỗi linh hồn một khác, có linh hôn được nhìn thấy Chúa rõ ràng, có linh hồn không được nhìn thấy Chúa.

Đi Thẳng Lên Thiên Đàng

Hỏi: Xin bà cho chúng tôi biết giá trị của việc ăn năn thống hối vào giờ chết.

Đáp: Trước khi chết, những ai biết ăn năn thống hối thì đều được cứu rỗi. Nhưng linh hồn ấy phải ở nơi luyện ngục. Có một số linh hồn đi thẳng lên Thiên Đàng mà không cần ghé Luyện ngục. Những người chịu nhiều đau khổ trên trần gian với sự kiên nhẫn, những ai hiến dâng sự đau khổ của họ lên Thiên Chúa thì sẽ đi thẳng lên Thiên Đàng, và những ai luôn thì hành Thánh Ý Chúa thì cũng được hưởng phúc Thiên Đàng.
Nước Phép

Hỏi: Vậy ma quỷ có quyền lực để tấn công các linh hồn trong giờ chết của họ không?

Đáp: Ma quỷ làm đủ mọi cách để cám dỗ một linh hồn, nhưng nếu linh hồn ấy đặt mình trong bàn tay của Đức Mẹ Maria, rồi Đức Mẹ lại tín thác linh hồn ấy cho Chúa, thì ma quỷ không còn quyền lực trên ý muốn cũa chúng ta nữa.

Hỏi: Làm cách nào để các người hấp hối được giúp đỡ?

Đáp: Nước phép được rẩy chung quanh giường của người hấp hối thì rất hiệu nghiệm. Ma quỷ sợ nước phép. Không cần phải rẩy thật nhiều nước phép, một vài giọt là đủ rồi, nhưng phải rẩy nước phép thường xuyên.

Hỏi: Nếu người thân của chúng ta bị bịnh nặng, ta có nên nói cho họ biết tình trạng nguy kịch của họ để họ chuẩn bị dọn mình chịu chết không?

Đáp: Vâng, hãy luôn nói sự thật, để người ấy chuẩn bị dọn mình chịu chết.

Luyện Ngục Ở Nhiều Nơi

Hỏi: Luyẹn ngục ở đâu? Luyên ngục giống như thế nào?

Đáp: Luyên ngục ở nhiều nơi, không phải chỉ ở một nơi. Một số linh hồn phải chịu thống khổ nơi mà họ đã phạm tội. Ở một vùng thuộc Áo Quốc, người ta thấy một người đàn ông có ánh sáng, đi lên rồi đi xuống các cánh đồng, kéo theo một hòn đá lớn.

Họ hỏi ông ta:

“Ông làm gì ở đây?

Ông ta đáp:

“Tôi không biết đặt cái hòn đá này ở chỗ nào cả!”

”Thì ông cứ đặt nó ở chỗ nào mà ông đã lấy nó lên!”

Thì ra lúc trước, ông đã lấy hòn đá này từ một cánh đồng và phạm tội bất công. Khi ông đặt viên đá xuống nơi mà ông đã lấy đi, ngay lúc ấy thì ông ta biến mất, và chúng tôi hiểu rằng ông đã trả hết nợ của ông.

Hỏi: Những tội lỗi nào dễ dẫn ta vào luyện ngục?

Đáp: Tội phạm đến tha nhân, vu cáo, hạ nhục, kiêu ngạo.

Thánh Lễ Giúp Linh Hồn Nhiều Nhất Purgatory

Hỏi: Cách thức nào hữu hiệu nhất để cứu giúp các linh hồn?

Đáp: Thánh lễ. Nhiều người không biết và không hiểu đến giá trị của các Thánh lễ.

Hỏi: Chúng ta có thể xin Chúa cho ta chịu đau khổ luyện ngục ngay trên thế gian này không?

Đáp: Dĩ nhiên có. Mỗi sự hy sinh có thể dùng để giảm thiểu sự thống khổ của Luyện ngục, nếu ta biết dâng hiến điều này lên Chúa. Cầu nguyện chuỗi Mân Côi là điều rất quan trọng.

Hỏi: Các linh hồn đã tự hủy hoại đời mình bằng cách dùng ma túy và các sự nghiện ngập khác, họ có đến thăm viếng bà không?

Đáp: Có, họ phải ở luyện ngục rất lâu xứng với thời gian mà đáng lẽ họ phải sống trên thế gian, bời vì thời lượng sống và thời gian chết của chúng ta được Chúa ấn định cho mỗi một cá nhân.

Hỏi: Có rất nhiều sự dữ trong xã hội của chúng ta và giới trẻ thường trả giá đắt. Bà có thể nói cho chúng tôi về điều này không?

Đáp: Không phải chỉ có cần sa ma tuý làm hại đời sống, mà theo một lối nào đó, sụ đồi bại luân lý có thể cắt ngắn cuộc sống chúng ta, cũng như sự phá thai và thuốc ngừa thai.

Các trẻ thơ chết mà không được rửa tội vẫn sống hạnh phúc, nhưng họ không hưởng được thị kiến đẹp đẽ về Chúa. Tuy nhiên, họ không biết điều ấy, và vẫn vui vẻ.

Nếu một phụ nữ mang thai và lo sợ rằng con mình có thể chết trong bụng, bà ấy có thể ao ước cho em bé được rửa tội. Như thế, em bé nhận được phép Rửa của lòng ao ước.

Hỏi: Các linh hồn nói gì về những người ly dị?

Đáp: Họ cần nhiều lời cầu nguyện. Những ai đã ly dị mà sống chung với người khác thì không thể nhận lãnh các Bí Tích được. Mặt khác, nếu họ sống chung với nahu như tính cách là anh chị em thì họ có thể nhận lãnh các Bí tích.

Hỏi: Bà có thể cho chúng tôi biết về việc trợ tử (giúp người bịnh chết) không?

Đáp: Ta không thể giết người, dù là giết người vì lòng trắc ẩn. Nếu con người chịu đau đớn nhiều thì hãy dâng hiến sự đau đớn ấy lên Chúa, như thế họ có thể cứu chính mình, nhận lãnh được nhiều hạnh phúc trên Thiên Đàng, và cứu được nhiều linh hồn khác. Sự thống khổ rất có giá trị.

Tôi biết một người giáo viên tốt lành. Khi tôi đến thăm chị ấy, chị hỏi tôi:

“Tại sao Chúa không lắng nghe tôi? Người ta cần tôi ở trường học.”

Tôi đáp:

“Sự đau đớn và nỗi thống khổ là dấu chứng của tình yêu Chúa.”

Chị nói:

“Tôi mong ước Chúa yêu tôi ít hơn.”

Nếu chúng ta lâm bịnh hay đau khổ vì những lý do khác, chúng ta hãy dâng những giá trị lớn lao của sự đau khổ mà dâng hiến lên Thiên Chúa, hãy đặt mọi sự trên bàn tay Đức Mẹ Maria. Mẹ biết nơi nào rất cần những phần thưởng này để sử dụng. Khi lên tới Thiên Đàng, bạn sẽ thấy rất nhiều linh hồn mà bạn đã cứu qua sự đau khổ của bạn.

Hỏi: Bà nghĩ gì về việc tự tử?

Đáp: Chúng ta cần biết tại sao họ lại tự tử. Đôi khi, những kẻ xô đẩy người khác đi đến chỗ tự tử thì kẻ ấy phải chịu tránh nhiệm nhiều hơn. Có những người bị kẻ khác xô đẩy họ đến chỗ phải tự tử, chẳng hạn như họ bị vu cáo, bị sỉ nhục, bị từ chối tình yêu. Có các linh hồn tự tử được cứu rỗi. Tuy nhiên, tôi không thể nói rằng tất cả các linh hồn tự tử đều được cứu rỗi.

Hỏi: Vai trò của Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, quan trọng như thế nào nơi luyện ngục?

Đáp: Đức Mẹ thường hay tới luyện ngục và các linh hồn rất vui mừng. Tình trạng các linh hồn ở luyện ngục khác nhau. Có các linh hồn phải ở đó cho đến ngày phán xét, những linh hồn ấy may mắn chỉ suýt thoát khỏi hỏa ngục mà thôi.

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi những linh hồn mà bà chịu đau khổ cho họ mà rồi nhờ đó, họ được giải thoát?

Đáp: Tôi cảm thấy một sự thỏa mãn sâu xa, một niềm vui vô tận vì tôi đã giúp được họ. Ngày nay, người ta it yêu mến tha nhân. Mỗi hành vi thương yêu nhỏ nhoi của chúng ta đều được Chúa đền bù xứng đáng.

Các Linh Hồn Có Thể Tự Giúp Họ Được Không?

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi bà đền tội cho các linh hồn suốt ngày và đêm? Liệu các sự đau khổ của bà có đủ để giúp các linh hồn giảm bớt thời gian đền tội nơi luyện ngục không?

Đáp: Trong thời gian trước đây, các linh hồn thường đến xin tôi giúp họ bằng sự chịu đựng đau khổ của tôi, bằng lời cầu nguyện, bằng các thánh lễ. Hiên nay, tôi đi công du khắp mọi nơi, nói chuyện trước nhiều đại hội, và có thêm nhiều người giúp tôi để cầu nguyện cho các linh hồn.

Tôi hiểu rằng các linh hồn rất vui lòng khi tôi nói giùm cho họ về các nhu cầu của họ. Tôi cũng nhận những tiền bổng lễ để xin lễ cầu cho các linh hồn.

Hỏi: Tại sao các linh hồn không thể làm gì cho chính họ?

Đáp: Bởi vì các linh hồn đã chấm dứt đời sống, nhưng chúng ta CÓ THỂ GIÚP HỌ.

Hỏi: Các linh hồn có nói gì về thời đại giông tố mà chúng ta đang trải qua không?

Đáp: Chúng ta đang chìm đắm từ từ vì chúng ta sống xa lạc Chúa. Tuy nhiên, nhiều sự sẽ xẩy ra nhờ sự can thiệp của Chúa. Giáo hội cũng sẽ được canh tân.

Hỏi: Chúng ta phải làm gì cho các linh mục?

Đáp: Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục, và hãy dâng hiến sự hy sinh cho toàn thể Giáo hội.

Hỏi: Bà nghĩ gì về sự đau khổ của trẻ thơ?

Đáp: Họ là những linh hồn đền tội cho kẻ khác. Với sự đau khổ của họ, họ có thể nhận được nhiều ân huệ. Sự đền tội rất có giá trị.

Hỏi: Liệu sự đau khổ của trẻ thơ có giá trị không, ngay cả khi cha mẹ họ không chấp nhận?

Đáp: Vâng, tất cả đều có giá trị đồng đều như nhau.

Hỏi: Bà có thể nói cho chúng tôi về giá trị của các Thánh lễ Gregorian không?

Đáp: Thánh Lễ Gregorian ( 30 Thánh lễ cử hành liên tiếp câu cho linh hồn người chết trong 30 ngày, không đứt đoạn.) rất có giá trị. Tuy nhiên, các ân huệ không luôn luôn đến với linh hồn mà chúng ta cầu cho, và Chúa biết lý do tại sao. Sự hiệp thông của các Thánh giúp ích rất nhiều cho các linh hồn. Ngay cả cho các linh hồn của các tôn giáo khác cũng được cứu rỗi, nếu như họ sống với đức tin của họ, và với một lương tâm công chính.

Hỏi: Chúng ta thường nằm mơ thấy người chết, đó có phải là dấu chỉ rằng họ cần chúng ta không?

Đáp: Vâng, có thể họ cần chúng ta cầu nguyện hay xin thánh lễ chỉ cho linh hồn họ. Nếu bạn thấy họ buồn bã thì xin hãy cầu bầu cho họ. Nếu bạn thấy họ vui mừng thì bạn có thể hiểu rằng họ được hạnh phúc.

Hỏi: Các linh hồn có thể làm mọi sự cho chúng ta không?

Đáp: Vâng, họ có thể làm rất nhiều điều cho bạn, họ giúp bạn rất nhiều, và họ có thể trở nên bạn hữu của chúng ta.

Cách Thức Xin Thánh Lễ Gregorians

RADIO GIỜ CỦA MẸ XIN QUÝ VỊ HÃY CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN BẰNG CÁCH:

Xin lễ 30 ngày liên tiếp cho người quá cố (dead person) không phải các linh hồn còn sống. Có thể xin cho ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con cái hay người thân đã chết. Đây là thánh lễ Gregorian Masses. Xin gửi tên linh hồn đã qua đời, và $130. về địa chỉ các cha dòng Phanxicô sau: Franciscan Missions, Inc., P.O. Box 130, Waterford, WI 53185, Điện thoại: (262) 534-5470, Fax: (262) 534-4342, Website: www. franciscanmissions.org, Email: framis@wi.net









________________________________________
Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại được cha Thánh Padre Pio chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Padre Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ chỉ cho các linh hồn này. Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Padre Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Padre Pio làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Hiển nhiên, các linh hồn ngày hiểu rõ rằng trái tim ngài giống như một núi lửa rực cháy vì yêu thương những ai đau khổ. Cha Padre Pio viết như sau:

“Khi tôi biết một người đang đau khổ trong linh hồn hay đang đau đớn trong thể xác, tôi phải làm mọi cách để xin Chúa giải thoát họ khỏi nỗi thống khổ ấy. Tôi muốn nhận chịu hết mọi sự đau khổ của họ để họ được cứu thoát. Và tôi muốn trao tặng họ những ơn ích của sự đau khổ, nếu Thiên Chúa cho phép tôi làm điều ấy!”

Tình yêu tha nhân sâu đậm của cha Padre Pio đôi lúc ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Ngài mong ước họ được cứu thoát và được hạnh phúc trên hết mọi sự, đến nỗi ngài thừa nhận rằng:

“Tôi vội vàng sống vì các anh chị em và sẵn sàng nhận chịu tất cả các nỗi thống khổ của họ, nên tôi đau khổ mà không than van.”

Trong lá thư thứ 615, ngài viết:

“Tôi thường nói cùng ông Môsê để thưa lên Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán rằng:

-Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi của họ hay xin Chúa loại trừ con ra khỏi sách Hằng Sống của Ngài!

Thưa các bạn đọc, nếu chúng ta muốn theo gương cha Thánh Padre Pio, thì tôi xin phép lập lại lời của cha rằng: “Xin hãy làm những gì tôi đã làm. Hãy cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho các linh hồn của người thân đã qua đời!”

Để kết luận, tôi xin chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta có thể xây một cầu thang của Chúa cho các linh hồn đáng thương nơi luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện và các hành vi bác ái để dâng lên Chúa nhằm cầu nguyện cho các ý chỉ của các linh hồn.

Bài 2: Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”

Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.

Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:

“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ. Cha nói:

“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.


Bài 3: Tôi Sẽ Dâng Thánh Lễ Cầu Cho Bạn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đức Giám mục Costa đến từ giáo phận Melfi, Ý Đại Lợi, để thăm viếng cha Padre Pio. Qua câu chuyện với cha Pio, Đức Giám mục hỏi cha có bao giờ thấy một linh hồn hiện về từ luyện ngục không, cha Padre Pio đáp:

” Thưa Đức cha, con đã gặp nhiều linh hồn hiện về với con, đến nỗi con không cảm thấy sợ họ nữa.”

Qua lời yêu cầu của Đức cha, cha Padre Pio kể lại câu chuyện có liên quan đến cha Alberto DApolito ở trong cuốn sách này. Cha Alberto vốn là một tu sinh ở vùng San Giovanni Rotondo, ngài cũng hiện diện khi cha Padre Pio kể câu chuyện sau đây:

Vào thời kỳ Thế Giới Đại Chiến thứ nhất, tu viện ở vùng San Giovanni Rotondo hầu như trống rỗng, bởi vì nhiều tu sĩ bị động viên để tham dự cuộc chiến. Tuy nhiên, các tu sinh vẫn còn đi học, dưới quyền của tôi và linh mục Paolino của vùng Casacalenda. Một buổi chiều đầy tuyết thì bà Assunta Di Tommaso là chị của cha Paolino đến thăm em của bà. Trước khi trời tối, cha Paolino bảo chị của ngài hãy đi xuống làng và vào ở trọ nhà của bà Rachelina Russo vì bà ấy có phòng cho mướn. Bà Assunta ngại đi trong mưa tuyết và sợ bầy chó sói thường hay túa ra để kiếm mồi về đêm, có thể chúng sẽ ăn thịt bà nếu bà gặp chúng. Thế là bà không dám đi. Cha Paolino nói với chị:

“Này chị Assunta, chị biết rằng tu viện này là dòng kín, và phụ nữ không được phép vào ở, vậy nếu chị không chịu đi thì em phải làm cách nào đây?”

Bà Assunta đáp:

“Thưa cha Paolino, xin cha cho con mượn một cái giường nhỏ và con sẽ nằm ngủ đỡ đêm nay, ngày mai, con sẽ đi đến nhà bà Rachelina.”

Cha Paolino bèn nói:

” Được rồi, nếu chị muốn ngủ trong phòng khách thì em sẽ nhờ người đến chuẩn bị chiếc giường cho chị để giúp chị ngủ ngon.”

Thế rồi, cha Paolino nhờ một vài tu sinh lấy một chiếc giường và đốt lò sưởi để giúp căn phòng bớt lạnh. Sau buổi cơm tối, tôi (tức là cha Padre Pio) lúc ấy đi một vòng xem các tu sinh đã ngủ chưa. Sau đó, tôi cùng cha Paolino xuống phòng dưới để chúc bà Assunta một giấc ngủ ngon. Cha Paolino nói với chị của ngài rằng:

“Chị Assunta ơi, em sẽ đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, xin chị hãy ở đây với cha Pio nhé!”

Nhưng bà Assunta đáp:

“Con cũng muốn đi đọc kinh với cha luôn!”

Thế là hai chị em cùng ra khỏi phòng khách và đóng cửa lại. Tôi ở lại một mình trong phòng. Khi tôi đang chìm sâu trong lời cầu nguyện thì tự nhiên cánh cửa mở ra và một ông già bước vào. Ông ăn mặc như những người khác ở vùng San Giovanni Rotondo, ông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi nhìn ông và tự hỏi tại sao ông lại có thể vào được trong tu viện trong đêm hôm khuya khoắt này. Tôi bèn hỏi ông:

“Ông là ai? Ông muốn gì?

Người đàn ông đáp:

“Thưa cha Pio, con là Pietro di Mauro, tên thường gọi của con là Precoco. Con chết trong tu viện này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong phòng số 4, khi tu viện này còn là một nhà dưỡng lão. Môt buổi tối con ngủ với điếu thuốc xì gà đang cháy, rồi chiếc giường của con bị bắt lửa và con chết phỏng. Con đang ở trong luyện ngục. Con rất cần một thánh lễ để được giải thoát khỏi nơi ấy. Chúa cho phép con đến gặp cha để xin cha cầu nguyện cho con.”

Sau khi nghe xong, tôi bảo ông rằng:

” Được, ông yên nghỉ nhé, tôi sẽ cử hành thánh lễ ngày mai để cầu cho linh hồn ông được giải thoát!”

Sau đó, tôi đứng lên và tiễn ông ra khỏi cửa. Tôi quên rằng các cánh cửa đã khóa kỹ bằng hai lớp cửa sắt. Tôi mở cửa và nói tạm biệt ông già ấy. Trời đang có trăng tròn và công trường trước tu viện ngập đầy tuyết trắng. Thế mà mọi sự bỗng trở nên sáng như ban ngày, và bỗng nhiên, ông ta biến mất ngay bên cạnh tôi. Tôi hoảng sợ, khóa cửa và suýt chút nữa, tôi ngất xỉu.

Khi cha Paolino và người chị trở về sau khi đã đi cầu nguyện chung, họ thấy mặt tôi trắng bệch như tuyết, họ tưởng rằng tôi lâm bịnh. Cha Paolino chúc bà Assunta ngủ ngon và hầu như phải vác tôi lên phòng của tôi. Tôi không nói cho ngài về cuộc hiện về ấy. Khi chị của ngài ra về xong, tôi mới kể cho ngài nghe chi tiết về câu chuyện đó. Tôi nói:

” Cha biết đó, con không dám nói về việc ấy vì con sợ bà Assunta sẽ không dám ngủ trong phòng khách nữa.”

Cha Padre Pio nói rằng ngày hôm sau, cha dâng một thánh lễ cầu cho linh hồn người đàn ông đó, và ông ta đã được vào Thiên Đàng. Sau đó, cha Paolino xuống khu làng và tìm hiểu thêm về lai lịch của người chết. Qủa đúng như vậy, ông Pietro di Mauro chết ngày 18 tháng 9 năm 1908, vì bị đốt cháy trên giường của ông.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng luyện ngục là nơi của lòng thương xót và nhân hậu của Chúa. Chúng ta không hể hiểu thấu được Chúa nhân từ và tốt lành biết bao. Lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn là một sự kinh ngạc cho chúng ta. Không nơi nào mà chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài tuôn chẩy dồi dào như trường hợp này. Qua lò lửa thanh luyện, chúng ta tìm gặp tình thuơng của Ngài. Dường như một linh hồn hỏi Chúa:

“Lạy Chúa, con có thể hoán cải được không ạ?”

Và Chúa đáp:

“Được chứ, con đang tiến vào Thiên Đàng. Con phải chịu đau khổ bây giờ để đền tội của mình. Và rồi con sẽ được tinh tuyền và xứng đáng để bước vào Vương Quốc của Cha.”

Rồi linh hồn được nhận vào luyện ngục với lòng biết ơn. Ở đó, linh hồn vui mừng trong sự nhân hậu của Chúa. Chúa đã thương ban cho linh hồn ấy được ở nơi thanh tẩy. Luyện ngục là nơi đền tội của các linh hồn tụ tập trong vực sâu. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, là nơi mà Lòng thuơng xót Chúa tạo dựng ra để chuẩn bị cho linh hồn được gặp gỡ Chúa trên Thiên Đàng.



:
________________________________________
Bài 4: Sự Đau Đớn Mà Linh Hồn Phải Chịu Ở Luyện Ngục
Nguồn:MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente

Theo giáo lý Công giáo, loài người phải chịu sự phán xét tùy theo cách thức họ sống khi ở trần gian. Phần thưởng hay sự trừng phạt sẽ là Thiên Đàng, Luyện ngục hay Hỏa ngục. Chúng ta thử tìm hiểu tình trạng của những nơi này, dựa theo các mặc khải của các thánh.

Thánh Frances thành Roma kể rằng Luyện ngục giống như môt phần của Hỏa ngục, và được chia ra nhiều phần. Thánh Tôma kể cho ta nghe rằng lửa của Luyện ngục cũng giống như lửa của Hỏa ngục, và Luyện ngục cũng là một phần của Hỏa ngục. Những nhận xét này giống như lời cha Thánh Padre Pio nói với Cleonice Morcaldi, một người con gái thiêng liêng của cha:

“Con gái ơi, có một số điểm ở Luyện ngục giống như Hỏa ngục.”

Tuy nhiên, công lý của Thiên Chúa có thể cho phép các linh hồn đền tội nơi mà họ đã phạm tội, như những câu chuyện về các linh hồn và về cha Pio mà sẽ được trình bày sau:

Tùy theo công lý của Thiên Chúa, Ngài sẽ cho một số linh hồn đền tội ở những nơi đặc biệt theo Ý của Ngài, để có thể dạy người còn sống và để giúp cho các linh hồn đã qua đời.

Nói về những nỗi thống khổ của Luyện ngục: sau khi Chúa đã kết án thì linh hồn phải đi về nơi nào đó, việc thanh tẩy đến với linh hồn ấy, và linh hồn biết rằng đau khổ là cách thức mau chóng nhất để sớm vào Thiên Đàng. Và nỗi thống khổ bắt đầu!

Theo Thánh Tôma thì sự đau đớn của Luyện ngục không nặng nề như đau khổ nơi Hỏa ngục. Khi ở Hỏa ngục thì thời gian đau khổ vô tận. Các nhà thần bí cũng xác nhận như vậy. Thánh Catherine thành Genoa kể cho chúng ta nghe:

“Các linh hồn ở trong tình trạng bị thanh tẩy thì đau đớn đến nỗi không lời nào có thể diễn tả nổi, không có một trí thông minh nào có thể hiểu được, trừ khi Chúa muốn cho họ hiểu, qua ơn sủng của Ngài. Có hai nỗi thống khổ ở Luyện ngục: đó là mong mỏi được gần Chúa và đau khổ cùng một lúc.”

Giáo hội không tuyên bố về bản chất của sự đau khổ trong các nơi chốn đó, nhưng đời sống của các bậc thánh thiện kể lại nhiều câu chuyện và thị kiến rõ ràng hơn.

Sau đây là câu chuyện của cuộc đời linh mục Stanislaus Chascoa, môt tu sĩ Dòng Đa Minh. Môt ngày kia, khi ngài đang cầu nguyện cho người chết, ngài nhìn thấy một linh hồn đang bị lửa bao bọc toàn thân. Ngài hỏi linh hồn ấy xem lửa có giống như lửa trên trần gian không. Linh hồn trả lời:

“Than ôi, tất cả lửa trên trần gian mà so sánh với lửa Luyện ngục thì giống như làn gío nhẹ.”

Cha Stanislaus hỏi làm sao diễn tả thì linh hồn xin cha hãy thò tay thử vào lửa ấy. Vị linh mục đặt tay ngài vào bụi tro rớt ra từ người tội nhân ấy, và ngay lập tức, ngài khóc lên và té xuống đất. Ngài rất hoảng sợ và kinh hãi. Các anh em tu sĩ vội vàng đến giúp ngài. Khi hoàn hồn, ngài kể lại câu chuyện kinh hoàng ấy cho mọi người nghe, và cha kết luận như sau:

“Ôi! các anh em ơi, nếu mỗi chúng ta hiểu được sự nghiêm trọng của việc trừng phạt, chúng ta sẽ không dám phạm tội đâu. Hãy đền tội mình trong đời sống này, để khi chết khỏi bị đền tội, bởi vì những cơn thống khổ ấy khủng khiếp quá. Chúng ta hãy chống trả lại các tật xấu, hãy để ý và sửa sai những sự bất toàn của mình, bởi vì Thiên chúa, vị Thẩm phán công minh, ghi nhận tất cả mọi sự chúng ta làm. Chúa Thánh Thiện vô cùng nên Ngài không thể chịu được một lỗi nhỏ của những kẻ được tuyển chọn.”

Thầy Modestino của thành Pietrelcina đã sống rất lâu với cha Thánh Padre Pio và luôn đi theo cha Thánh. Thầy kể lại câu chuyện sau:

Năm 1945, tôi ở tại San Giovanni Rotondo để gíup đỡ cha Padre Pio. Tôi luôn muốn ghi nhận những lời nói khôn ngoan phát ra từ cửa miệng của cha Thánh và cất dấu trong tim tôi như một món quà thiêng liêng. Một buổi tối kia, cha Padre Pio đi ra phòng ca đoàn sau khi đã chúc lành buổi tối, tôi cùng đi với cha đến ngang hành lang dẫn tới phòng cha. Tự nhiên, tôi buột miệng hỏi cha:

“Thưa cha, cha có thể nói về lửa ở Luyện ngục được không ạ?”

Cha Padre Pio đáp:

“Nếu Chúa cho phép một linh hồn đi từ lửa Luyện ngục để đến ngọn lửa nóng nhất trên trần gian, thì giống như đi từ nước nóng đến nước lạnh.” -Đó chính là những lời mà cha Padre Pio đã nói với tôi.

Trong một trường hợp khác, bà Birulli của thành Cerignola hỏi cha Padre Pio rằng:

“Thưa cha, xin cho con biết thêm về Luyện ngục.”

Cha Pio đáp:

“Con à, các linh hồn ở Luyện ngục muốn ném mình họ vào giếng lửa thế gian, bởi vì tình trạng ấy giống như một giếng nước lạnh.”

Rất nhiều nguời trong chúng ta không biết sự đau đớn của Luyện ngục. Nếu ta suy gẫm về nơi này, ta sẽ tránh những lỗi lầm mà ta không để ý, chúng ta sẽ cầu nguyện nhiều hơn cho các linh hồn đáng thương trong cuộc sống hàng ngày của ta.


Bài 5: Luyện Ngục Qua Cảm Nghiệm Của Hai Vị Thánh

Nguồn : MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một buổi tối vào năm 1921 hay 1922, khi các linh mục và tu sĩ Dòng Phanxicô đang ăn cơm tối thì Cha Padre Pio cầu nguyện trong nhà nguyện. Ngài thường không ăn tối mà lại chọn việc cầu nguyện. Sau đó, ngài mới cùng với các tu sĩ khác sưởi ấm nơi lò sưởi.

Nơi nhà nguyện, thình lình, ngài nghe một tiếng động từ phía bàn thờ. Cha Padre Pio bèn lắng tai nghe để biết chắc rằng mình không tưởng tượng. Bỗng nhiên một tiếng động khác nổi lên, đó là tiếng của các cây đèn nến rớt từ bàn thờ xuống, làm phá vỡ sự thinh lặng. Thoạt đầu, cha Padre Pio ngỡ rằng chắc là một tu sinh nào đó đi ngang qua mà làm cho các cây đèn nến đổ vỡ. Để biết chắc, ngài liền dựa đầu vào ban công của khu ca đoàn để nhìn kỹ hơn. Ngài ngạc nhiên khi thấy một tu sinh trẻ đang đứng lặng lẽ bên bàn thờ.

Cha Padre Pio lên tiếng dõng dạc hỏi:

- Này, anh đang làm gì vậy?

Không có tiếng trả lời nên cha hỏi tiếp:

- Hay thật, đây có phải là cách thức anh làm việc không? Thay vì sắp đặt mọi sự có thứ tự, anh lại làm gẫy đổ đèn nến và chân đèn!

Tuy nhiên, ngừời tu sĩ kia vẫn im lặng và không di động. Vì thế, cha Padre Pio lớn tiếng hỏi nữa:

- Này anh kia, anh đang làm gì ở đây?

Người tu sĩ đáp:

- Thưa cha, con là tu sĩ… từ…

Cha Padre Pio hỏi dồn dập:

- Anh làm gì ở đây trong giờ này?

- Thưa cha, con đang làm việc đền tội luyện ngục ở đây. Con vốn là một tu sinh trong tu viện này, và con phải đền các tội lỗi của con. Lúc trước, con đã không tận tâm trong bổn phận khi con phục vụ ở nhà thờ này.

- Anh nghe đây, tôi sẽ dâng thánh lễ cầu cho anh vào ngày mai, nhưng anh không được đến đây nữa, nghe chưa!

Trái tim cha Padre Pio đập mạnh, cha bèn rời nhà nguyện và đến ngay lò sưởi, nơi các anh em tu sĩ của cha đang ngồi. Mọi người đều nhận thấy vẻ tư lự và run rẩy của cha, nên họ hỏi lý do. Cha Padre Pio tránh nhìn đôi mắt họ mà chỉ trả lời là cha bị lạnh.

Khoảng mười phút sau đó, cha Padre Pio mời một linh mục khác cùng đi với cha đến nhà thờ. Tại đó, các ngài nhìn thấy nến và chân đèn đổ vỡ lung tung. Cha Padre Pio muốn biết thử xem cha có nghe đúng hay là trí tưởng tượng của cha làm việc.

Sau đó, cha kể về chuyện này và kết luận như sau: “Chỉ vì thiếu tận tâm trong bổn phận mà vị tu sĩ ấy phải đền tội trong Luyện ngục 60 năm, sau khi anh ta chết! Hãy thử tưởng tượng xem chúng ta sẽ phải ỡ luyện tội lâu như thế nào để đền tội cho những tội nặng nề hơn nữa?”

Cha Padre Pio nói rất đúng! Từ các mặc khải của các thánh, chúng ta hiểu được có nhiều mức độ đau đớn và thống khổ ở Luyện ngục.

Sau đây là mặc khải của Thánh nữ Mary Magdelen Dei Pazzi. Trong các vị thánh được giáo hội phong thánh, ngoài thánh Phanxico của Roma ra, thì vị thánh nữ này để lại sự miêu tả rõ ràng, chính xác và nhiều chi tiết nhất về Luyện ngục.

Môt buổi chiều khi thánh nữ và các nữ tu khác đang đi dạo trong vườn, thì bỗng nhiên linh hồn bà được cất đi. Người ta nghe bà nói:

“Vâng, con sẽ đi chung quanh chỗ này, con sẽ đi chung quanh chỗ này!”

Với những lời ấy, bà thánh cho phép Thiên thần Bản Mệnh của bà đưa bà đến Luyện ngục. Trong khi đó, các nữ tu khác đứng ngắm nhìn với vẻ ngưỡng phục. Cùng lúc, họ kinh hoảng khi thấy bà thánh bước vào cuộc hành trình đau đớn ấy. Khi cuộc ngất trí hoàn tất, bà đã kể lại một bài viết xuất sắc về Luyện ngục.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, người ta thấy bà cứ đi chung quanh một khu vườn rộng lớn của tu viện, thỉnh thoảng, bà ngừng lại và chăm chú nhìn một điều gì đó mà Thiên Thần Bản Mệnh chỉ cho bà. Mặt bà trở nên xanh mét, và bà thường giơ tay ra tỏ ý thương hại cho những ai mà bà thấy. Bà tỏ lộ cảm tưởng đau khổ và kinh hãi, đến nỗi các nữ tu đang theo dõi bà cũng cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, các nữ tu tiếp tục theo dõi và lắng nghe chăm chú khi bà ta thán về những sụ kinh khủng và sự đau lòng của bà. Họ nghe bà la lên:

“Ôi, đau khổ quá! Lạy Chúa, xin hãy thương xót. Xin Chúa thương xót, Xin Máu Thánh Cực Châu Báu của Đấng Cứu Thế hãy đổ xuống trên các linh hồn tội nghiệp này, và xin giải thoát ho khỏi nỗi thống khổ này. Ôi các linh hồn đáng thương, các ngài đau đớn quá. Tuy vậy, tôi thấy các ngài hạnh phúc và vui lòng ngay giữa những cơn khốn khổ ấy. Tuy nhiên, còn có các linh hồn khác đau đớn hơn.”

Bà than van tiếp:

“Làm cách nào mà tôi không thể nhìn đến các linh hồn ở gần tôi được?”

Rồi vì đức vâng lời, bà bước xuống sâu hơn trong hố thẳm. Sau khi đi được vài bước, bà đột nhiên đứng lại, run rẩy và sợ hãi. Bà khóc lớn lên:

” Cái gì đây? Các linh mục và tu sĩ mà phải ở nơi đáng sợ này sao? Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, các ngài bị hành hạ nhiều đến thế sao? ”

Sự run rẩy và cái nhìn lộ vẻ khiếp sợ của bà làm cho những ai hiện diện hiểu được tầm mức thống khổ mà bà đang trải qua trong giây phút ấy.

Khi ra khỏi nơi mà các tu sĩ bị giam cầm, bà đi lang thang đến một nơi bớt đau đớn hơn, nơi nhà giam của các linh hồn đơn sơ, đó là các trẻ thơ và những ai phạm tội vì sự ngu dốt. Tại đó, bà thấy không gì khác, ngoại trừ đá băng và lửa. Còn các linh hồn đi từ đá băng đến lửa và từ lửa đến đá băng. Bà nhận ra linh hồn của người em trai đã chết ít lâu trước, và bà la to lên:

“Tội nghiệp linh hồn của em trai tôi! Em đau khổ quá, dù vậy, em được an ủi. Em bị đốt cháy, nhưng em hạnh phúc, bởi vì những đau khổ này là con đường dẫn đến hạnh phúc.”

Rồi bà tiếp tục đi thêm vài bước nữa, mọi người theo dõi bà và hiểu rằng bà đang gặp các linh hồn không được hạnh phúc. Bà hét lên:

“Ôi, thật là khủng khiếp khi ở nơi này. Nơi đầy cả ma quỷ và đầy những sự hành hạ. Tôi có thể thấy các linh hồn bị đâm bởi các cây kim nhọn và bị xé ra từng mảnh.”

Lúc ấy, bà được biết đây là nơi giam giữ các linh hồn mà lúc còn sống hay muốn làm vui lòng kẻ khác và hay sống giả hình. Đi xa hơn, bà thấy một đám đông bị kéo ra khỏi một nơi, rồi các 1inh hồn ấy bị nghiền nát dưới một sức nặng lớn lao. Bà hiểu rằng đó là hình phạt dành cho các linh hồn thiếu nhẫn nại và không vâng lời. Khi bà nhìn ngắm các linh hồn ấy, bà đã diễn tả bằng mọi cử chỉ và bà thở dài với một tâm tình cảm thương.

Sau một hồi, bà cảm thấy đau khổ nên khóc thảm thiết. Sau đó bà bước vào nhà tù của những kẻ nói dối. Bà quan sát kỹ và nói lớn:

“Các người nói dối ở một nơi rất gần Hỏa ngục. Nỗi thống khổ của họ lớn lao vâ vô biên. Chất chì lỏng đổ vào miệng của họ, trong lúc ấy, họ ngập chìm trong môt hồ nước đá lạnh, để rồi họ bị cháy phỏng và lạnh cóng cùng một lúc.

Thế rồi bà đến một nhà tù ở đó đang giam cầm những linh hồn phạm tội vì sự nhu nhược, bà la lớn tiếng như sau:

“Than ôi, tôi đã sai lầm khi tin rằng qúy vị ở chung với những ai phạm tôi vì sự ngu muội, bởi vì tôi thấy qúy vị bị phỏng trong lửa nóng thiêu đốt.”

Một hồi sau, bà nhận thấy những linh hồn tham lam quá độ bị thiêu nóng chảy ra với chất chì trong lò thiêu. Rồi bà thánh tiếp tục đi mà không nói gì thêm nữa; nhưng đến cuối cuộc hành trình, người ta nghe tiếng khóc của bà:

“Ôi lạy Chúa, ý muốn tuyệt vời của Chúa là tiết lộ những nỗi thống khổ đáng sợ. Có lẽ Chúa muốn đáp lại ước muốn của con là được biết linh hồn của em trai của con đang ở đâu, hay là để khuyến khích con hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục. Vâng, con hiểu rồi. Chúa muốn con thấy để con có thể hiểu rõ hơn sự thanh khiết vô nhiễm của Ngài!”

Rồi bà đi ngang qua môt trại giam các linh hồn đầy cao vọng và kiêu ngạo, các 1inh hồn này đau đớn khủng khiếp trong sự đen tối mịt mùng. Bà nói:

“Ôi thật là khốn khổ! Các linh hồn này bị bắt buộc sống trong sự đen tối, bởi vì họ cố gắng hết sức để được nổi bật trong mắt của những người khác.”

Và rồi bà thấy các linh hồn của những người cứng lòng và vô ơn đối với Chúa. Họ không bao giờ biết yêu mến Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và là Cha của họ. Các linh hồn này bị chìm sâu trong cái hồ đầy chì lỏng. Họ phải chịu đau khổ vì họ biến suối nguồn ân sủng trở thành sự khô cằn, trơ trụi qua thái độ vô ơn của họ.

Cuối cùng, nhà tù cuối mà bà đi qua là nơi mà các linh hồn không có tội rõ ràng, nhưng chỉ có những tội nhỏ nhặt. Bà quan sát thấy các linh hồn phải đền trả cho những tội gì mà họ đã mắc phạm khi còn ở trần gian.

Sau 2 tiếng đồng hồ đau đớn khi viếng thăm luyện ngục, bà thánh trở về với thực tại, nhưng cơ thể yếu nhược và tinh thần sa sút trong một thời gian dài. Phải đợi rất lâu bà mới phục hồi sức khỏe và hoàn hồn, vì cảnh tượng kinh hoàng mà bà đã được chứng kiến với đôi mắt của bà.

Những cảm nghiệm về Luyện ngục mà bà thánh Mary Magdalen Dei Pazzi đã chứng kiến chỉ là một phần trong rất nhiều mặc khải của nhiều vị thánh trong giáo hội.


Bài 6: Thánh Padre Piô Luôn Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Cha Thánh Padre Pio luôn ban tình thương phụ tử cho các người hấp hối và người chết. Những linh hồn người chết thường hiện về với cha Padre Pio để xin ngài cầu nguyện cho họ sớm được lên Thiên Đàng. Có một số trường hợp mà cha Padre Pio hiện diện bên cạnh người hấp hối vì những người này có lòng mến mộ cha Thánh khi mà họ còn sống, bà Enedina Mori kể cho chúng ta một câu chuyện sau:

“Cha Padre Pio muốn chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi suốt ngày đêm để cứu giúp các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục được thêm ân xá. Lúc trước có những tràng hạt chuỗi Mân côi với các ân xá. Tôi bèn thưa với cha Padre Pio:

- Thưa cha, luôn luôn có những người cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi suốt ngày mà!

Ngài đáp:

- Những khi con mỏi mệt, con nên ngừng đọc một chút rồi lại bắt đầu đọc tiếp chứ!

Khi người em trai của bà Maria Pompilio qua đời, bà xin cha Padre Pio cầu bầu cho em trai bà và xin Chúa cho bà được nằm mơ thấy em mình, nhưng cha Padre Pio mắng bà:

“Chúng ta hãy sống trong thế giới thật đi, đừng nói đến các giấc mơ nữa!”

Tuy nhiên, bà Maria cứ năn nỉ cha mãi, cuối cùng, bà mơ thấy em trai về nói với bà rằng:

- Chị ơi, chị có biết là cha Padre Pio đã giúp đỡ em khi em hấp hối lâm tử không?

- Nhưng em ơi, chị đâu có thấy cha hiện diện bên giường bịnh của em?

- Em không thể nói cho chị biết, bởi vì lúc ấy em đang hấp hối, nhưng thật sự, cha Padre Pio hiện diện bên em cho đến khi Chúa phán xét em. Chúa truyền cho em phải chịu đền tội 11 năm ở luyện ngục, nhưng cha Padre Pio đã cầu bầu cho em nhiều lắm nên em chỉ còn ở luyện ngục có 1 năm thôi. Có nhiều sự nhiệm mầu trong cuộc sống của cha mà chúng ta sẽ được biết rõ khi ta sang thế giới bên kia!

Sáng hôm sau, bà Maria đi bộ từ ngoài phố đến nhà thờ. Lúc ấy, không có trạm xe buýt trong suốt 2 dặm đường. Khi cha Padre Pio nhìn thấy bà, ngài lên tiếng:

- Sao? Bà cảm thấy hạnh phúc rồi chứ?

- Thưa cha, cha đã làm gì vậy? Cha đi khắp nơi! Cha ở ngay trên trái đất mà rồi cha cũng ở trên Thiên Đàng !

- Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

- Thưa cha, em trai của con nói rằng…

Nhưng cha Padre Pio cắt ngang và nói:

- Đúng rồi, em của bà nói rằng sự nhiệm mầu của cuộc sống tôi sẽ chỉ được biết trên Thiên Đàng!

Xin tất cả mọi sự là để dành cho vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì các ân sủng dồi dào của Lòng Thương Xót Ngài đổ xuống trên chúng ta.

Vâng, Cha Thánh Padre Pio đã nói:

“Tôi sẽ làm gì trên trái đất nếu tôi không thể đi lên đi xuống?

Như trong Thánh Kinh có kể câu chuyện các Thiên Thần đi lên xuống trên chiếc cầu thang của Tổ phụ Gia Cốp, cha Padre Pio đã ban ơn lành bằng lửa yêu mến và đền tội cho nhân loại bằng giá máu của ngài. Ai có thể hiểu nổi tình yêu mênh mông của cha Padre Pio? Ngài thường nói với chúng tôi là các con thiêng lieng của ngài rằng:

“Trái tim của cha nóng chảy còn hơn lửa mặt trời nhiệt đới. Trái tim cha ngọt ngào như tổ mật ong. Cha không sống với trái tim cha nữa, nhưng cha sống với trái tim của Thiên Chúa.”





Bài 7: Luyện Ngục: Người Do Thái Giáo Vẫn Được Cứu, Dù Chưa Có Phép Rửa Tộ

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đây là câu chuyện của gia đình bà Florence Ehrman, một người ngưỡng mộ cha Thánh Padre Pio:

“Năm 1965, ba tôi trở cơn bịnh nặng và nằm chờ chết. Tôi đã viết thư cho cha Padre Pio để xin ngài cầu bầu cho ba tôi sớm hết bịnh. Ba tôi vốn là một người chồng, một người cha tử tế và nhân hậu. Ông rất khiêm nhường và qủang đại. Ông tin tưởng mãnh liệt nơi Thiên Chúa và ông theo đạo Do Thái Giáo.

Sau đó, tôi nhận được thư hồi âm của cha Thánh Padre Pio, ngài hứa sẽ cầu nguyện cho ba tôi, và sẽ bảo vệ ba tôi.

Tháng 2 năm 1966, ba tôi qua đời, nhưng thật lạ lùng, tôi cảm thấy bình an và bình thản. Tôi lấy làm lạ vì tôi sống rất gần gũi ba tôi. Tôi yêu ba tôi nhiều hơn những người khác trong gia đình, nhưng có lẽ tôi yêu các con nhiều hơn ba. Từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thể chịu nổi nếu mà ba tôi ra đi.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu lo sợ không biết ba tôi có được ơn cứu độ hay không. Sở dĩ tôi sợ vì những người Công Giáo và Tin Lành thường nói rằng nếu muốn được ơn cứu độ thì phải qua bí tích rửa tội. Do đó, ý tưởng này bắt đầu dầy vò tôi, khiến tôi không còn sự bình an như trước nữa.

Vào tháng 10, năm 1967, tôi đến viếng vùng San Giovanni Rotondo, Ý để gặp cha Padre Pio lần thứ hai. Môt người bạn của tôi đề nghị tôi hãy viết những câu hỏi mà tôi có thể có, rồi bạn tôi sẽ đệ trình lá thư này cho cha Padre Pio.

Trong thư tôi kể lể về chuyện ba tôi chết đi mà không có phép rửa tội, nhưng ông là người rất tốt và dịu hiền. Về sau, tôi nhận được lá thư trả lời của cha Padre Pio như sau:

“Ông Julius Fine được ơn cứu độ, nhưng gia đình cần phải cầu nguyện nhiều cho linh hồn ông ấy. “

Thế là tôi lại cảm thấy bình an vì biết rằng ba tôi ở trong số các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Thật là cần thiết để cầu nguyện cho các linh hồn đang bị thanh tẩy, để nhờ lời cầu nguyện của chúng ta mà họ được lên Thiên Đàng. Lúc đó thì ta không cần phải cầu nguyện cho họ nữa. Nếu linh hồn rớt vào Hỏa ngục thì quá trễ để cầu nguyện. Trái tim tôi mừng vui và cảm động về phép lạ cứu độ. Chúa Thánh Linh đã ban ơn cho cha Padre Pio được biết để nói lời xác nhận. Tất cả chúng ta đều phải sợ hãi và run rẩy khi ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa.



Bài 8: Đức Mẹ Maria, Nữ Vương Của Các Đẳng Linh Hồn Ở Luyện Ngục

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Có nhiều giai thoại kể về việc Đức Mẹ Maria thường hay lui tới Luyện ngục để an ủi những linh hồn đau khổ ấy. Mỗi ngày thứ bảy là ngày đặc biệt, vì là ngày lễ biệt kính Đức Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ Thánh Thiện. Qua các mặc khải, các Thánh kể rằng ngày thứ bảy là ngày hội ở Luyện ngục, bởi vì Đức Mẹ xuống nơi ngục tù đáng thương ấy để thăm viếng và an ủi các tôi tớ trung thành và yêu mến Mẹ trong đời sống dương gian của họ.

LM Louvet kể như sau:

“Bậc Đáng Kính Nữ Tu Paola di Santa Teresa được ngất trí vào ngày thứ bảy, rồi bà được đưa vào Luyện ngục, nơi ấy, bà thấy sáng sủa như một ngày hội đặc biệt. Thế rồi, bà thánh được nhìn thấy Mẹ Maria đến và các thiên thần bao bọc chung quanh. Đức Mẹ ra lệnh cho các thiên thần hãy thả những linh hồn sùng kính Mẹ khi họ còn sống trên trần gian. Nếu cảnh nhộn nhịp này xẩy ra và các ngày thứ bảy ở Luyện ngục thì đến ngày lễ lớn kính Đức Mẹ còn lớn đến thế nào? Mẹ và các Thiên thần đem niềm vui đến cho Luyện ngục. Theo các thánh víêt kể lại thì ngày lễ huy hoàng nhất là ngày Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Thánh Phêrô Damian nói rằng mỗi năm, vào ngày lễ lớn này, Đức Trinh Nữ gỉai thoát hàng ngàn linh hồn khỏi Luyện ngục và đem họ đến niềm vui viên mãn muôn đời. Thánh nhân được thị kiến như sau:

Trong thời đại của Thánh Phêrô Damian thì tại Roma, người ta có thói quen đến viếng nhà thờ và cầm một ngọn nến, vào buổi tối trước lễ Mông Triệu ( Mẹ Lên Trời). Môt năm nọ, có một phụ nữ qúy tộc đang đi đền tội bằng hai đầu gối tại nhà thờ Đức Mẹ Aracoeli, trong thành phố Roma. Chợt bà ta thấy một phụ nữ đã chết mà nay hiện ra trước mắt bà. Bà nhận ra người đã chết từ năm ngoái ấy vốn là mẹ đỡ đầu của mình. Bà bèn đợi người quá cố nơi cửa nhà thờ để tìm lời giải thích thỏa đáng.

Bà nắm tay người phũ nữ kia, kéo đi ra cửa nhà thờ rồi hỏi:

- Thưa bà, bà có phải là mẹ đỡ đầu của con lúc con mới ra đời không?

- Đúng, tôi chính là người ấy!

- Nhưng làm sao mà bà lại có thể ở trong đám người còn sống? Bà đã chết cả năm nay rồi mà. Sự gì đã xẩy ra cho bà trong thế giới bên kia?

- Cho đến nay, tôi vẫn bị đốt cháy trong lửa, đau khổ vì các tội lỗi kiêu căng khi còn trẻ. Tuy nhiên, vì cứ mỗi ngày lễ lớn kính Đức Mẹ, thì Nữ Vương Thiên Đàng lại xuống lửa Luyện ngục, để giải thoát tôi và nhiều linh hồn khác, để cho phép chúng tôi bước vào Thiên Đàng trong đúng ngày lễ lớn của Mẹ. Cứ mỗi năm, Đức Mẹ Chúa Trời lại đổi mới phép lạ của Lòng Thương xót, và con số linh hồn được giải thoát lên đến hàng ngàn. Để tạ ơn Mẹ về hồng ân cao cả này, chúng tôi đi đến các nhà thờ được đặt tên của Mẹ. Nếu con chỉ thấy tôi thôi, nhưng tôi nói cho con biết, có rất nhiều các linh hồn cùng đi vào đây với tôi.”

Người phụ nữ tỏ vẻ không tin, thì linh hồn nói thêm:

- Để chứng tỏ đây là sự thật, tôi nói cho con biết chỉ còn một năm nữa, vào đúng ngày lễ này, con sẽ chết. Nếu thời gian đến mà con không chết thì xem như lời tôi nói cho con hôm nay chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng.

Thánh Phêrô kể thêm rằng người phụ nữ thánh thiện ấy trải qua một năm thực hành mọi việc đạo đức để chuẩn bị cho cái chết. Vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm sau, bà ấy đã chết.

Giáo hội nhận ra sự lãnh đạo của Nữ Vương, nên họ chăm sóc các linh hồn trong luyện ngục, an ủi, giúp đỡ họ cho đến khi họ được bước vào niềm vui của đời sống vĩnh hằng.

Còn người lãnh đạo nào tốt lành hơn là người mẹ hiền của Chúa Giêsu? Còn đường nào an toàn dẫn tới Bê Lem, Can-va-rê và sự Phục sinh bằng các chuỗi Kinh Mân Côi? Với Đức Mẹ, qua chuỗi kinh Mân Côi, chúng ta bước đi một cách an toàn trên con đường cứu độ. Đây là con đường lịch sử mà Công Đồng Vatican II khuyến khích.


Bài 9: Đức Mẹ Maria, Nơi Trú Ẩn An Toàn Của Kẻ Tội Lỗi

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Liệu một linh hồn sẽ ở một mình cô độc hay có ai chung quanh linh hồn ấy trong giờ phán xét. Có thể linh hồn ấy bị ma quỷ hiện diện để cám dỗ, cũng có thể linh hồn ấy được Đức Mẹ Maria cùng các thánh ở bên cạnh để cầu bầu cho. Khi nói về sự can thiệp của Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy nghe mặc khải của thánh Alphonso Liguori như sau:

“Một nữ tu thánh thiện tên là Nữ tu Catherine của Dòng Thánh Augustino có một thói quen đặc biệt là cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn mồ côi hay các lin hồn có liên hệ với sơ. Tuy nhiên, trong thành phố nơi Sơ Catherine ở có một người phụ nữ tội lỗi tên là Maria. Khi bà này chết, ai cũng nghĩ rằng bà ấy mất linh hồn. Vì thế, đám tang của bà có ít người tham dự để cầu nguyện cho bà. Chẳng những thế, sơ Catherine cũng không cầu nguyện cho linh hồn ấy, bởi vì sơ cũng nghĩ rằng bà ta xuống hỏa ngục rồi.

Bốn năm trôi qua. Môt ngày nọ, sơ Catherine thấy một linh hồn từ luyện ngục hiện về nói với sơ rằng:

- Thưa sơ Catherine, sơ luôn có thói quen thánh thiện là cầu nguyện cho các linh hồn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi với!

- Bà là ai?

- Tôi là Maria, người đã chết trong sự bỏ rơi của mọi người.

- Bà nói thế có nghĩa là gì? Bà cũng được ơn cứu độ à?

- Thưa vâng, tôi được ơn cứu độ nhờ vào lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria. Khi hấp hối, tôi biết rằng mình sẽ chết trong sự bỏ rơi của mọi người, nên tôi đã tha thiết cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Tôi nài xin Mẹ như sau:

“Lạy Nữ Vương của con! Mẹ là nơi trú ẩn của các kẻ tội lỗi và kẻ bị bỏ rơi. Xin Mẹ hãy nhìn đến tình trạng bơ vơ của con trong lúc này, và xin Mẹ hãy giúp đỡ con!”

Đức Trinh Nữ Thánh Thiện đã nghe tiếng tôi cầu nguyện và đến cứu giúp tôi. Mẹ ban cho tôi ơn ăn năn thống hối trọn vẹn để tôi được cứu thoát khi lâm tử. Và Đức Mẹ nhân từ giàu lòng thương xót còn ban thêm ơn cho tôi. Khi tôi đến trước tòa phán xét của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã xin Con của Mẹ một ơn khác để giảm bớt thời gian tôi phải đền trả nơi luyện ngục. Bởi vì công lý của Thiên Chúa không thể đi ngược lại với quyền lực của Ngài, nên tôi đau khổ nhiều lắm, hầu đền bù lại những tội lỗi tôi đã phạm. Lúc này đây, tôi rất cần thêm các thánh lễ để được giải thoát. Khi linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tôi, thì sự thống khổ được giảm thiểu. Xin sơ hãy thương xót tôi và xin lễ cầu nguyện cho tôi. Tôi hứa sẽ không ngừng cầu nguyện với Chúa và Đức Nữ Đồng Trinh Thánh thiện cho sơ.”

Sơ Catherine vội vàng xin lễ cầu cho linh hồn bà Maria ấy, và vài ngày sau, sơ thấy linh hồn này bay lên Thiên Đàng, trước đó bà đến cảm ơn sơ đã vì lòng bác ái mà xin lễ cầu cho linh hồn bà.

Đức Mẹ quả thật là nơi trú ẩn của các người tội lỗi. Cha thánh Padre Pio dư biết điều này. Có nhiều câu chuyện kể lại mối liên hệ giữa cha và Đức Mẹ. Trong một lá thư, cha Padre PIo đã viết như sau:

“Mẹ yêu dấu, sao Mẹ thương con nhiều thế? Con cảm nhận được tình yêu của Mẹ một lần nữa vào buổi bình minh của tháng Năm. Mẹ đã âu yếm đi cùng với con lên bàn thánh vào sáng hôm ấy. Con có cảm tưởng rằng Mẹ chỉ nghĩ đến con mà thôi. Mẹ đổ tràn đầy trong trái tim con với tình yêu thánh thiện của Mẹ…Con ước ao có một giọng nói mạnh mẽ đủ để mời gọi những kẻ tội lỗi của thế giới hãy yêu mến Mẹ. Nhưng điều này không ở trong quyền năng của con, con đang cầu nguyện và sẽ cầu nguyện với thiên thần của con để ngài thi hành nhiệm vụ ấy giúp cho con.”

Đức Mẹ Maria đã nói với Thánh Brigid rằng Mẹ là Nữ Vương và Mẹ của những ai ở nơi đền tội. Lời cầu bầu của Mẹ làm giảm bớt nỗi thống khổ của họ rất nhiều. Cha Louvet nói:

“Trong sự hiện diện của Đức Mẹ, nơi đáng sợ ấy trở nên một nơi huy hoàng, đặc biệt cho những ai khi còn sống mà có lòng hâm mộ và sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Còn những ai đeo áo Đức Bà trong suốt cuộc đời thì Mẹ hứa rằng vào thứ bảy đầu tiên, sau khi họ chết thì Mẹ sẽ xuống luyện ngục mà giải thoát họ khỏi nơi đau khổ ấy.

Vậy chúng ta hãy bắt chước cha Thánh Padre Pio, yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện liên tục cho các linh hồn ở luyện ngục được sớm giải thoát. Đó là điều làm cho Mẹ vui lòng hơn hết.




________________________________________
Bài 10: Luyện Ngục: Các Linh Mục Đền Tội Lâu Hơn Các Giáo Dân

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sau đây là câu chuyện của bà Carmela Marocchino nói về ngừơi anh của bà là Linh mục Vittore. Vị linh mục này mất ngày 29 tháng 1 năm 1958. Bà kể lại chuyện và hỏi thăm cha Padre Pio về tình trạng linh hồn của anh bà:

Mặc dù tôi luôn tuân theo Thánh ý của Chúa, nhưng tôi băn khoăn về tình trạng linh hồn của anh tôi, bởi vì anh của tôi chết bất thình lình. Sau khi anh tôi qua đời, tôi khóc thảm thiết, và cha Padre Pio cũng khóc nữa. Tôi hỏi cha Pio:

- Thưa cha, tại sao Chúa lại chọn anh của con?

- Con có biết Chúa Giêsu làm gì với anh của con không? Chúa Giêsu vào trong vườn hoa, ở đó có nhiều đóá hoa, nhưng có một đoá hoa đẹp hơn những hoa khác. Ngài liền bước đến bên đóa hoa ấy và ngắt đi. Đó là điều Chúa Giêsu làm với anh của con.

- Thưa cha, anh con có được ơn cứu độ không?

- Được, nhưng chúng ta phải cầu nguyện cho ngài.

Vào ngày 29 tháng 7 năm 1958, ngày lễ quan thầy của anh tôi. Tôi hy vọng anh đã được ở Thiên đàng rồi, trong tòa giải tội, tôi bèn hỏi cha Padre Pio xem anh tôi đã ở Thiên đàng chưa, ngài đáp:

- Con biết không? Các linh mục chúng tôi có nhiều trách nhiệm hơn trước Tòa Chúa, và khi chúng tôi xuất hiện trước Nhan Ngài, chúng tôi rất sợ hãi và run rẩy. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện.

Vào ngày 28 tháng 12 năm 1958, trong ngày lễ kính Các Thánh Anh Hài, tôi đến xưng tội. Đến lúc cuối, cha Pio hỏi xem tôi còn tội gì khác để xưng thú nữa không, nên tôi hỏi ngài:

- Thưa cha, cha biết hết mọi sự mà Chúa mặc khải cho cha. Xin cha cho con biết là anh của con là cha Vittore đang ở đâu?

- Ngài đang ở trên Thiên Đàng rồi.

Tôi rất vui mừng, mặc dù anh của tôi là linh mục và là môn sinh của cha Pio, vậy mà anh tôi phải ở Luyện ngục đến 11 tháng, bởi vì trách nhiệm của anh tôi đối với các linh hồn mà anh hướng dẫn.

Vào một dịp khác, tôi hỏi cha Padre Pio nếu tôi có cần phải cầu nguyện cho cha mẹ tôi khi họ đã chết lâu rồi, và ngài đáp:

“Ngay cả khi cha mẹ của con đã ở Thiên Đàng rồi, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện. Nếu họ không cần lời cầu nguyện nữa thì các lời cầu nguyện ấy vẫn được chỉ cho các linh hồn khác.

Bài 11: Sự Thông Công Giữa Các Thánh, Các Linh Hồn Và Loài Người Ở Trần Gian

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Sự hiệp thông giữa các thánh gồm có tất cả những ai sống trên trái đất, các thánh trên Thiên Đàng và các linh hồn dưới luyện ngục. Ba Hội Thánh Chiến Đấu, Khải Hòan, và Đau Khổ kết hợp thành một gia đình lớn, và hiệp thông với nhau một cách đặc biệt. Vì thế, sự thống khổ và niềm vui của một người cũng là của tất cả mọi người. Sự khải hoàn của các thánh, sự đau khổ của các linh hồn và sự thử thách của các người còn sống trên thế gian là điều kinh nghiệm của mọi người. Khi chúng ta ở thế gian vui mừng khi nghĩ về các thánh, và buồn cho các linh hồn ở luyện ngục, thì các ngài, dù ở trên Trời hay còn ở luyện tôi, cũng đều lo lắng cho số phận của chúng ta trên trần thế. Các ngài thấy và biết rõ các nguy hiểm mà chúng ta đang sống.

Các linh hồn ở Luyện ngục tham dự vào niềm vui huynh đệ với các thánh trên Thiên Đàng, và họ cảm ơn các việc lành thánh mà chúng ta làm để dâng hiến cho họ được sớm giải thoát. Họ xem chúng ta là những ân nhân của họ. Khi từ lửa luyện ngục, họ nhìn lên Thiên Đàng và thấy các thánh đang hạnh phúc, thì họ nghĩ rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ được hạnh phúc như thế. Các linh hồn ở Luyện ngục cũng biết rằng họ có các bạn hữu trên Thiên Đàng đang cầu bầu cho họ trước Ngai Tòa của Chúa. Do đó, sự liên hệ đặc biệt giữa các linh hồn ở Luyện ngục, với nhân loại trên trần gian, và với các thánh nơi Thiên Đàng, không bị quên lãng.

Chúng ta đừng quên các Thiên Thần, vì dĩ nhiên, các ngài rất chăm sóc cho các linh hồn ở Luyẹn ngục. Nhiều linh hồn phú thác cho các Thiên Thần của Chúa. Các Thiên Thần cho rằng sứ mệnh của họ chưa chấm dứt cho đến khi nào họ đem được các linh hồn lên Thiên Đàng. Toàn thể các Thiên Thần luôn chú ý đến những linh hồn khi còn sống mà biết tôn kính các ngài.

Nghi lễ cho ngày lễ kính Thánh Micae cho ta biết rằng ngài đã được Chúa chỉ định cho việc nhận các linh hồn vào Thiên Đàng, khi họ rời Luyện ngục. Do đó, Thánh Micae như là một vị Hoàng tử của vương quốc thống khổ. Ngài có lòng trắc ẩn với các linh hồn này, và Ngài tiếp tục cầu bầu cho các linh hồn ấy.

Thánh Frances thành Roma rất vui thích khi nói đến các Thiên Thần chăm lo cho mọi người trong suốt đời sống của họ. Bà nói rằng:

” Khi một người chết, tùy theo mức độ công trạng của họ, vị Thiên thần Bản mệnh dẫn đưa người ấy tới phần sâu của Luyện ngục, và ở lại bên phía tay phải của người ấy, trong khi ma quỷ ở phía tay trái người ấy. Thiên Thần dâng lên Chúa Giêsu các lời cầu nguyện để cầu bầu cho linh hồn ấy được giảm bớt sự đau đớn. Trong khi ấy, ma quỷ thì chịu sự điều khiển của Lucifer, nên bị hành hạ một cách đặc biệt vì không thể dụ dỗ linh hồn ấy vào Hỏa ngục. Khi giờ đền tội của một linh hồn đã hoàn tất, người ấy được chuyển qua một nơi chốn cao hơn, và ma quỷ rời linh hồn ấy để trở về với đồng bọn của hắn, những tên ma quỷ khác sẽ chỉ trích hắn vì hắn đã thất bại trong việc dụ dỗ linh hồn ấy.

Như vậy, các Thiên Thần Bản Mệnh thăm viếng các linh hồn nơi Luyện ngục và cầu bầu cho họ trước Tòa Chúa.

Trong chuyến thăm viếng Luyện nguc dài 2 tiếng đồng hồ của Thánh Nữ Mary Magdalen Dei Pazzi, bà thánh đến thăm một nhà tù mà người ta phạm tội vì sự ngu dốt hay yếu kém, và bà thấy các Thiên Thần Bản Mệnh của các linh hồn ấy ở ngay bên cạnh họ để an ủi.

Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque cũng vậy, trong khi bà bị bịnh, Thiên Thần Bản Mệnh của bà mời bà đến thăm Luyện ngục với Ngài. Ngài đưa bà đến một nơi rộng lớn đầy những lửa và than đá. Tại đó, Ngài cho bà thánh thấy rất nhiều linh hồn trong hình dáng con người, đang giơ tay ra để cầu xin lòng thương xót, và bên cạnh họ là các Thiên Thần Bản Mệnh đang an ủi họ với những lời yêu thương.

Các mặc khải trên đây đúng theo lời giảng dạy về Thần Học và hợp với đại đa số các Tiến sĩ Hội Thánh. Các ngài nói rằng các Thiên Thần Bản Mệnh đưa các linh hồn vào Luyện ngục, và để cho họ liên lạc với chúng ta, linh hứng để ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy, và rồi báo tin cho các linh hồn xem ai là người cầu bầu cho họ. Khi thời kỳ đền tội đã hoàn tất, các Thiên thần đưa họ lên Thiên Đàng và đến với chúng ta để báo cho ta biết về sự giải phóng của họ. Chúng ta đoan chắc rằng các Thiên Thần hành động như người trung gian giữa Luyện ngục và Trần gian.

Ngoài ra, các Thiên Thần còn là người trung gian giữa Luyện ngục và Thiên Đàng. Chúng ta đã nhắc đến việc họ dâng lên Chúa các lời nguyện và sư hy sinh mà chúng ta dâng lên để cầu cho các linh hồn ở Luyện ngục, và các ngài đem những an ủi mà Chúa ban đến cho các linh hồn.

Mỗi khi Chúa hay Đức Mẹ Maria ngự xuống Luyện ngục thì đều có các Thiên thần bao quanh, sự huy hoàng và sáng láng của các Ngài đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các linh hồn ấy. Nếu các Thiên Thần đã chăm sóc cho các linh hồn ấy khi ở trần gian, tại sao lại không chăm lo cho họ trong thời gian họ ở trong Luyện ngục chứ?

Để kết luận, và để hiểu rõ sự lưu tâm của các Thiên thần ở trong Luyện ngục, chúng tôi kể một câu chuyện do nhà văn Rossignoli kể trong tác phẩm của ông:

“Trong tu viện của Thánh Catherine ở vùng Naples, các tu sĩ có thói quen đạo đức là đọc kinh chiều cho các linh hồn vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ. Như vậy, trước khi nghỉ ngơi, người tu sĩ có thể đem lại chút ủi an cho các linh hồn. Một tối kia, các nữ tu vì quá mỏi mệt vì làm lao động mệt nhoài, nên họ không đọc kinh chiều cầu cho các linh hồn. Do đó, một ca đoàn Thiên Thần từ Thiên Đàng đi xuống và bắt đầu đọc kinh chiều cho các linh hồn trong cung ca đoàn của tu viện. Nhờ vậy, các linh hồn không lo buồn vì sự thiếu kinh nguyện. Như vậy chúng ta có cần thêm chứng từ nữa không?

Vậy chúng ta hãy luôn nhớ rằng niềm vui và hạnh phúc của các thánh, sự đau đớn và thống khổ của các linh hồn ở Luyện ngục và các thử thách và phiền muộn của các người đang sống ở thế gian đều hợp thông với nhau. Các thánh ở trên Thiên Đàng rất cảm động khi nhìn thấy sự nguy hiểm mà loài người trên trần gian phải đi qua, và các ngài nhìn xuống Luyện ngục với lòng thương xót và trắc ẩn. Họ cầu bầu cho các anh chị em của họ sớm hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng. Còn các linh hồn thì cảm ơn các ân nhân ở trần gian, và ngước mắt lên trời để chiêm ngắm các thánh đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Họ vui mừng và đầy hy vọng khi biết rằng lời cầu bầu của các anh chị em trên trời cũng như trên thế gian sẽ giúp rút ngắn thời gian thống khổ. Thật là một tương quan đẹp đẽ và thân thiện giữa Luyện ngục, Thiên Đàng và Trần gian, và đó chính là di sản quý báu và đẹp đẽ của Giáo hội Công giáo.


Bài 12: Vị Cố Linh Mục Chánh Xứ Hiện Về Đền Tội

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Tại thành phố Pietrelcina, Ý Đại Lợi vào sau năm 1910, cha Thánh Padre Pio được thụ phong linh mục bởi tay của Đức Giám mục Schinosi ở Benevento. Vì sức khỏe của cha Pio yếu kém nên ngài phải vâng lời Bề trên để ở lại Pietrelcina. Ai cũng hy vọng rằng với không khí trong lành, với sự săn sóc của mẹ ngài, và với sự tự do khỏi vướng bận những lo lắng của đời sống cộng đoàn thì cha Pio mạnh khỏe hơn.

Vị cha xứ tên là Giovanni Caporaso đã qua đời ít lâu nay. Vị cha xứ mới là cha Don Salvatore Pannullo đến thay thế. Ngài vốn là thầy dạy môn Thần Học của cha Padre Pio. Mỗi ngày, vị linh mục mới là cha Pio đều đến nhà thờ của giáo xứ để cử hành Thánh lễ. Ngay từ khởi đầu, các thánh lễ của cha Padre Pio cử hành đều mang sắc thái khác biệt.

Ngày ấy chưa có phòng Thánh. Vì thế vị linh mục thường mặc áo lễ sau bàn thờ. Một vài lần, cha Padre Pio mặc áo lễ ngay sau bàn thờ. Nhưng sau đó, cha xứ Don Salvatore chuẩn bị một bàn nhỏ ở bên cạnh bàn thờ chính. Ngài đặt các vật dụng cần thiết cho Thánh lễ trên bàn nhỏ ấy và dặn cha Padre Pio hãy mặc áo lễ bên cạnh bàn nhỏ, thay vì sau bàn thờ.

Cha Padre Pio vâng lời với sự đơn sơ thánh thiện. Sau đó, ngài hỏi lý do tại sao lại phải mặc áo lễ ở chỗ mới thì cha xứ Don Salvatore nói rằng rất nhiều lần, trong thánh lễ do cha Padre Pio cử hành thì cha Don Salvatore thấy vị linh mục qúa cố Caporaso hiện về, quỳ nơi hàng ghế sau bàn thờ. Ngài qùy và tham dự thánh lễ sốt sắng rồi biến đi.

Người ta cũng còn thấy cha xứ Caporaso hiện về qùy trong nhà thờ nhỏ tên Thánh Pio Tử Đạo, trong một lâu đài. Khi ông trùm đến rung chuông nơi nhà thờ chính vào mỗi buổi sáng thì bà vợ của ông ta đến rung chuông ở ngôi nhà thờ nhỏ ở trong lâu đài. Bà này chuẩn bị mọi sự trên bàn thờ môt cách chu đáo và tươm tất. Khi vừa đi về thì bà gặp cố linh mục Caporaso đang qùy trên các bậc thang ở cung thánh và sốt sắng cầu nguyện. Không tin vào đôi mắt mình, bà dụi mắt vì nghĩ rằng mình đang buồn ngủ. Rồi bà nhìn ngắm lần nữa.Đúng là ngài rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!

Bà ta bèn chạy ù té ra khỏi nhà thơ nhỏ, tim bà đập thình thịch. Vẻ mặt xanh mét, bà chạy đến nhà thờ chính để kể lại cho chồng nghe. Ông linh cảm có một điều gì ghê gớm đã xẩy ra cho vợ. Bà vợ kêu lên:

- Nè, nè, em không đến nơi nhà thờ nhỏ nữa đâu. Từ nay anh liệu mà sang bên ấy rung chuông đi nhé!

- Tại sao vậy?

- Bởi vì em vừa nhìn thấy ông cha xứ đã chết mà nay lại trở về trước bàn thờ, ông ấy làm cho em sợ mất vía đi thôi!

Thật ra, chính cha Padre Pio cũng đã thấy vị linh mục qùy cầu nguyện ở đó, nhưng ngài chỉ nhìn thấy phía đàng sau nên không biết là ai cả.

Việc hiện ra của cha Caporaso kéo dài khoảng 1 tháng. Vào lần cuối, cha quá cố nói với cha xứ như sau:

” Cha Salvatore ơi, tôi đi đây, và tôi sẽ không trở về nữa. Thật là khủng khiếp cho tôi, và tôi phải trả giá đắt khi xong Thánh lễ mà không tạ ơn Chúa, mà cứ đi thẳng một mạch.”

Lời nói này làm gương cho cha xứ mới. Cha xứ quá cố là một vị linh mục thật thà và công chính, chỉ vì không tạ ơn Chúa sau Thánh lễ và vội vàng đi chơi với bạn bè nên ngài phải đền tội. Lời cầu nguyện của cha Thánh Padre Pio rất hữu ích cho cha xứ quá cố. Nhờ vậy mà ngài được giải thoát khỏi Luyện ngục.








________________________________________
Bài 16: Với Thiên Chúa, Không Có Quá Khứ Hay Tương Lai

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Vào cuối năm 1949, một vị bác sĩ quen thân với cha Padre Pio nhận được lá thư của một bà mẹ có con gái đau nặng. Bà mẹ xin cha Padre Pio cầu nguyện cho con gái của bà sớm bình phục. Vị bác sĩ thông cảm nỗi lòng người mẹ nên ông vội đi tìm cha Pio. Ông nói:

-Thưa cha Pio, con có môt lá thư mà người ta xin cha cầu nguyện. Con đọc thư cho cha nhé?

Cha Pio đáp:

-Bác sĩ có thể đọc cho tôi sau được không? Bây giờ tôi rất bận.

Tuy nhiên, lá thư ấy không được đọc sớm. Vì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, vị bác sĩ phải rời San Giovanni Rotondo bởi có chuyện gấp trong gia đình. Khi trở lại, vị bác sĩ thấy lá thư ấy vẫn còn nằm trên chiếc bàn của phòng giải phẫu. Ông tự nhủ:

-Tội nghiệp cho bà mẹ này, tôi phải nói chuyện cho cha Pio vào tối nay thôi!

Thế là chiều hôm đó, vị bác sĩ vào phòng của cha Pio và đọc thư cho cha nghe. Đọc xong, ông ta hỏi cha Pio:

-Thưa cha, bây giờ con phải nói thế nào đây?

Cha Pio đáp:

-Hãy nói: “Xin vâng!”

-Cha nói cái gì?

-Tôi nói: “Hãy xin vâng!”

Lúc ấy, cô bé bịnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, vị bác sĩ biết rằng thời gian đã trôi qua từ lâu, có lẽ chậm mất rồi, nếu có cầu nguyện bây giờ thì cũng vô ích thôi. Nhưng cha Pio hiểu ông ta nghĩ gì nên cha nói tiếp:

-Có lẽ ông không hiểu rằng: bây giờ, tôi có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi có một cái chết hạnh phúc.

-Nhưng ông cố nội của cha đã chết từ nhiều năm về trước rồi mà!

-Tôi biết chứ, nhưng bây giờ, tôi vẫn có thể cầu nguyện cho ông cố nội tôi chết trong hạnh phúc. Để tôi giải thích cho ông rõ hơn. Ví dụ ông và tôi cùng chết, qua sự may mắn, và qua lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ, chúng ta phải đền tội trong luyện ngục 100 năm. Trong những năm này, không ai còn nhớ đến chúng ta để mà xin Thánh lễ cầu nguyện cho chúng ta hay đọc kinh đền tội cho ta. Ai cũng nghĩ rằng cha Padre Pio và ông bác sĩ đã chết lâu lắm rồi, họ đã xin lễ cho chúng ta rồi. Nhưng đối với Thiên Chúa thì quá khứ và tương lai không hiện hữu. Tất cả đều là hiện tại vĩnh cửu. Các lời cầu nguyện được nhậm lời. Vậy tôi xin lập lại, bây giờ tôi vẫn có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố nội tôi!

Câu chuyện ngừng lại ở đó, rồi vị bác sĩ ra về. Đến nhà, vợ bác sĩ trao cho chồng một lá thư khác của bà mẹ cô bé bị bịnh. Bà cám ơn bác sĩ và cha Padre Pio vì con bà đã có dấu hiệu bình phục.

Hôm sau, bác sĩ lại đưa lá thư cho cha Padre Pio, cha mỉm cười:

- Hãy xin vâng nhé. Ông tưởng Thiên Chúa cần đến các thủ tục hành chánh như loài người ư? Chẳng lẽ người ta cần phải viết thư trên giấy để nhờ cha Pio xin ơn Chúa sao?

Trên đây quả thật là một câu chuyện làm cho mọi người phấn chấn tinh thần. Môt điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục, cho dù họ đã chết rất lâu rồi, bởi vì với Thiên Chúa sẽ không có quá khứ hay tương lai, mà tất cả chỉ là hiện tại vĩnh cửu mà thôi.



Bài 17: Lời Chúc Bình An

Nguồn:MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Một người bạn của LM Alessio Parente là ông Vincenzo Mercurio đã kể cho cha Parente câu chuyện về người cha của ông ta như sau:

“Lúc tôi còn thơ ấu thì ba tôi thường làm công tác đạo đức. Ông hay rủ tôi cùng đi với ông, và tôi rất hân hoan được đi với ba tôi. Cha con tôi thường cùng nhau thức dậy sớm để đến nghĩa địa cầu nguyện cho người chết. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, ông dành ra 2 tiếng đồng hồ để thăm viếng mộ phần của người chết. Mỗi ngày Chúa nhật, ba tôi thường đọc kinh Cầu hồn trong nhà nguyện, trước Thánh Thể Chúa.

Trong các buổi sáng ấy, chúng tôi dậy rất sớm bởi vì ba tôi phải về nhà để đi làm trước 8 giờ sáng. Ba tôi có thói quen ở trong nhà thờ khoảng 1 tiếng rưỡi để cầu nguyện. Chúng tôi phải đi bộ khoảng chừng 40 phút. Lúc ấy, tôi không thể hiểu được tại sao ba tôi lại dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho các linh hồn nơi nghĩa địa như thế. Rất nhiều lần, ba tôi phải đánh thức người gác cửa nghĩa địa để ông ta mở cửa sớm. Ba tôi thường đến viếng mộ của ba má ông, của thân nhân và bạn bè ông. Thế rồi ông đến nhà nguyện để cầu hồn cho người chết cùng với các người khác, rồi ông phụ giúp lễ buổi sáng. Ba tôi luôn chăm sóc cho các linh hồn và thăm hỏi họ rất ân cần.

Một hôm, vào ngày Tết Dương lịch, ba tôi cảm thấy thoải mái khi đi thăm mộ vì ông không phải vội vàng về đi làm. Thế là cha con tôi đến nhà nguyện dành cho Đức Me. Sau khi cầu nguyện xong, ông chào các linh hồn: “Chúc qúy vị bình an!” Ngay tức khắc, tôi nghe một giọng nói của trẻ thơ vọng trả lời:

“Chúc ba bình an!”

Tôi tò mò hỏi ba tôi xem giọng nói ấy là của ai vậy? Ba tôi đáp:

-Đó là tiếng của em trai con thay mặt cho các linh hồn để trả lời ba. Con có biết rằng các thân nhân của chúng ta đều được chôn ở trong nhà nguyện ấy không?

Lúc đó, tôi mới biết rằng đại gia đình tôi được chôn trong nhà nguyện. Tôi có thể kể cách chính xác nơi phát xuất ra giọng nói đáp lời ba của tôi, dù rằng nơi ấy giờ chỉ còn xương người chết mà thôi. Sau đó, chúng tôi đến các mộ phần khác ở trong nhà nguyện chính. Tôi không còn nghĩ đến giọng nói của trẻ thơ kia. Nhưng khi ba tôi nói lời chúc bình an thì tôi lại nghe một giọng nói của bà cụ già đáp lại:

“Chúc ông bình an!”

Tôi nói với ba tôi là tôi vừa nghe lời chúc của một bà cụ già, ba tôi nói chuyện một cách thản nhiên:

-Ồ, đó là giọng nói của một người nghèo trong gia tộc mình. Các người này nghèo nên họ không thể mua nổi một nấm mộ riêng, vì thế họ được chôn chung ở chỗ này. Câu chuyên này được xem như bình thường, vì thế ba tôi và tôi không kể lại cho gia đình nghe. Câu chuyện này chỉ trở lại trong ký ức của tôi khi mà tôi trở lại với niềm tin Công giáo để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, và qua sự hướng dẫn của cha Thánh Padre Pio.

Các linh hồn Thánh thiện cho phép ba tôi chăm sóc cho họ, và họ cũng bảo vệ ba tôi. Ba tôi biết điều ấy, và ông rất mang ơn các linh hồn. Ông đối xử với các linh hồn như họ là người thân trong gia đình ông. Ba tôi mong ước được trở thành người canh cửa nghĩa địa.

Với niềm tin tưởng, tôi kể lại câu chuyện sau đây:

Một buổi sáng sớm kia, khi ba tôi đang chờ đợi người canh cửa nghĩa địa mở cửa cho ông vào, vì cửa còn đóng kín. Ông thấy nhà nguyện chính được thắp sáng bởi một luồng ánh sáng tuyệt vời. Vì ba tôi siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn nên ông không hỏi người canh cửa nghĩa địa về bất cứ điều gì. Trong thâm tâm, ba nghĩ rằng ông kia đến nhà nguyện trước để chuẩn bị cho Thánh lễ và cho việc cầu hồn.

Thế rồi ba tôi đến thăm từng mộ phần, và các phần mộ chôn chung khác. Nhưng khi ba tôi đến nhà nguyện chính thì nơi đây vẫn còn đóng kín cửa. Ba tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nguyện chính chưa hề được mở cửa. Thế mà ba tôi đã chính mắt nhìn thấy vào nửa giờ trước đó, một luồng ánh sáng kỳ diệu tỏa sáng như là đã có một Thánh lễ vĩ đại xẩy ra ở nơi ấy.


Bài 18: Thân Phụ Của Cha Thánh Padre Pio Nhìn Thấy Hai Linh Hồn Về
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Linh mục Francesco Napolitano kể cho chúng tôi câu chuyện sau đây:

Vào năm 1928, cha của Cha Thánh Padre Pio là Ông Orazio thường đến thăm con trai ở vùng San Giovanni Rotondo trong một vài ngày. Một buổi tối kia, sau bữa cơm tối, ông Orazio chào con và các tu sĩ khác để lên lầu ngủ. Căn phòng đựơc giao cho ông nằm trên lầu 1, và là phòng số 10. Lên đến nơi, ông Orazio ngạc nhiên khi thấy hai tu sĩ đứng ngay trước cửa phòng của ông và không cho ông vào phòng.

Ông Orazio thấy đó là hai tu sĩ lạ mặt, và có lẽ họ đi lộn phòng. Lúc ấy, các tu sĩ thường đến thăm viếng cha Padre Pio để xin ngài ban phép lành cho. Ông lịch sự giải thích rằng đây là phòng được dành riêng cho ông, xin họ cho phép ông đi vào. Nhưng vô ích, ông lập lại câu nói vài lần nữa nhưng hai người kia không trả lời. Cảm thấy khó chịu, ông dùng hết sức lực để bước vào phòng. Ông còn cho họ biết rằng đây chỉ cómột giường, chứ không có hai giường.

Khi ông cố gắng vượt qua hai tu sĩ thì họ bổng biến mất. Quá hoảng sợ, ông vội chạy đi tìm con là cha Thánh Padre Pio để kể cho con nghe. Cha Padre Pio hiểu ngay câu chuyện. Ngài bèn quàng tay qua vai cha mình và dùng lời lẽ để trấn an và khuyến khích cha đi ngủ.

Khi thấy cha lấy lại sự bình tĩnh, cha Pio nói với cha mình:

-Thưa ba, đó là hai vị tu sĩ đang ở luyện ngục. Họ phải làm việc đền tội ở chỗ mà họ đã phạm lề luật của thánh Phanxico. Xin ba yên tâm và đi ngủ trong sự bình an, bởi vì họ sẽ không đến làm phiền ba nữa đâu!

Thế rồi, cha Padre Pio đưa cha mình lên phòng số 10 và ngồi đợi cho đến khi người cha lên giường. Ngài chào cha và trở lại phòng mình.

Có lẽ người đọc tưởng rằng bất cứ linh hồn nào cũng có thể hiện về với người sống phải không? Không phải như thế đâu. Một người chết không thể trở về, nếu như Chúa không cho phép, bởi vì người chết không có quyền trên thân xác vật chất của mình nữa. “Chúa có thể cho phép linh hồn của người tín hữu trở về với người sống vì một mục đích hữu ích, và chủ yếu là biểu lộ sự thật.”

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, linh hồn người chết, qua lòng thương xót vô biên và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, thì có thể hiện về với người sống. Chúng ta có lời của cha Padre Pio, của các thánh, và những người đạo đức khác.





________________________________________
Bài 19: Linh Hồn Các Binh Sĩ Về Cảm Ơn Cha Thánh Padre Pio

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Trong đời cha Padre Pio có nhiều sự lạ xẩy ra, chẳng hạn như khi các linh hồn về cảm ơn cha vì cha đã cầu nguyện cho họ. Câu chuyện này xẩy ra khi có Đại Chiến thứ hai.

Một buổi tối nọ, sau bữa cơm chiều, tu viện đã đóng cửa, nhưng các tu sĩ đều nghe tiếng hoan hô vọng đến từ phiá dưới thang lầu: “Hoan hô cha Padre Pio!”

Lúc ấy cha bề trên là LM Raffaele gọi tu sĩ gác cửa là thầy Gerardo và bảo thầy hãy xuống cầu thang mà đuổi những ai dám xông vào hành lang dưới nhà. Thầy Gerardo vâng lòi đi xuống. Tuy nhiên, khi đến hành lang, thầy thấy tất cả chìm trong bóng tối, cửa chính đóng kín, còn có hai thanh sắt cài ngang. Thầy liền báo cáo sự thật lên cha bề trên. Sáng hôm sau, cha bề trên gọi cha Padre Pio đến để giải thích tại sao lại có sự kiện lạ lùng ấy. Cha Padre Pio nói rằng những tiếng hoan hô đó là của những binh sĩ đã chết nhưng họ đến để cảm ơn ngài đã thường cầu nguyện cho họ.

Trong các trường hợp lạ lùng như vậy, cha Padre Pio luôn khiêm nhường và trầm tĩnh. Ngài ít khi nào kể chuyện lạ lùng này, nếu như cha bề trên không hỏi. Ngài biết rõ rằng những điều quan trọng không phải là những gì lạ thừơng, nhưng Thiên Chúa dùng những kết qủa của các điều lạ thường để giúp các linh hồn. Ngài rất khiêm tốn trong mọi sự. Ai ai cũng biết cha Padre Pio là người khiêm nhường.

Ngài được Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng ngài xin Chúa lấy những dấu bề ngoài đi, và chỉ để lại sự đau đớn thôi. Ngài than thở vì thấy chỉ có một số ít các linh hồn yêu mà không vụ lợi. Ngài đau khổ khi thấy bản thân mình bất xứng. Đó là những dấu tích rõ ràng mà Chúa hành động trong linh hồn ngài. Những hành động của Chúa cần được đánh giá cao trọng hơn những biến cố lạ thường. Cha Padre Pio luôn đánh giá cao và chú trọng đến các hành động của Chúa.


Bài 20: Quyền Năng Của Lời Cầu Nguyện

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong tác phẩm The Holy Souls, của Lm Alessio Parente

Chân Phước Suso đã hứa với người bạn rằng ngài sẽ dâng hai thánh lễ mỗi tuần trong suốt một năm nếu người bạn của ngài chết trứớc. Nhưng sau đó, khi người bạn chết, ngài đã quên lời hứa nên không dâng Thánh lễ cầu cho người bạn.

Một buổi tối kia, khi đang suy niệm thì ngài thấy linh hồn người bạn hiện về trước mặt mình. Người bạn âu yếm nhìn ngài và nhắc nhở ngài đã không giữ lời hứa. Chân phước Suso xin lỗi và hỏi bạn:

-Tôi đã dâng bao nhiêu lời cầu nguyện và việc làm đạo đức cho anh rồi mà, bộ chừng đó không đủ sao?

-Ồ, không anh ạ, chỉ có Máu Thánh Chúa Giêsu Ki Tô là điều cần thiết để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tôi. Chỉ có sự hy sinh cao cả của Chúa mới giải thoát tôi ra khỏi sự đầy đọa này.

Chân Phước vội vàng đáp lời kêu gọi của linh hồn thống khổ ấy để đền bù lỗi của mình. Vì thế, ngài cử hành nhiều thánh lễ hơn cả những gì ngài đã hứa với bạn. Một thời gian sau, người bạn hiện về với nét mặt hớn hở và chung quanh đầy hào quang. Linh hồn ấy nói:

-Cám ơn người bạn trung thành của tôi. Bạn hãy nhìn xem, bằng gía máu của Đấng Cứu Thế, tôi đã được giải thoát khỏi sự thống khổ rồi.

Chúa đã tỏ lộ cho một tu sĩ thánh thiện là Gioan thành Alvernia, kết qủa của hy lễ dâng lên trên các bàn thờ trong ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn. Vị tu sĩ thấy Luyện ngục mở cửa, và rất nhiều linh hồn được bay lên nhờ hy lễ. Các linh hồn giống các đóm lửa rực sáng bay ra từ các lò lửa.

Hy lễ thánh giá có giá trị tuyệt đối. Dưới con mắt của Chúa, hy lễ trên bàn thờ có giá trị tương tự. Tuy nhiên, hy lễ thánh này chỉ áp dụng một phần cho các linh hồn và tùy theo Công Lý của Thiên Chúa.

Sự suy niệm của chúng ta trong mỗi thánh lễ trở thành lời cầu nguyện của lòng thương xót, nếu chúng ta dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Con Yêu Dấu Ngài. Các lời cầu nguyện ấy có quyền năng lớn lao đối với Chúa. Thánh nữ Magdalen Dei Pazzi học được từ Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha Hằng Hữu Máu Cực Thánh của Con Chí Thánh Ngài. Đó là việc tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Thánh nữ cứ dâng lên Chúa Cha Máu Cực Thánh của Chúa Giêsu đến ít nhất là 50 lần mỗi ngày. Trong một lần ngất trí, bà thấy một số lớn các linh hồn tội lỗi được ơn hoán cải và một số lớn các linh hồn được giải thoát khỏi Luyện ngục qua cách thực hành này.

Nếu giá trị của việc dâng hiến cuộc Khổ nạn Chúa Giêsu lớn như vậy, thì khi dâng lễ là tái diễn cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu thì giá trị còn lớn lao biết bao nhiêu nữa? Thêm vào đó, chúng ta hãy nhớ rằng đến giờ chết, các thánh lễ mà chúng ta tham dự sẽ trở nên nguồn an ủi lớn lao nhất của ta. Mỗi thánh lễ sẽ đi với chúng ta tới Tòa Phán Xét và để xin Chúa tha tội cho ta. Nơi mỗi thánh lễ, chúng ta có thể xin giảm bớt những hình phạt vì tội lỗi mình, dù nhiều hay ít.

Bằng cách tham dự thánh lễ sốt sắng, chúng ta tôn vinh bản tính nhân loại thiêng liêng của Chủa Ki Tô. Ngài đền bù cho các tội bất cẩn và thiếu sót của ta. Ngài tha thứ cho các tội nhẹ mà ta quyết tâm tránh. Ngài tha thứ cho ta những tội mà ta không biết để xưng thú. Quyền lực của Satan đặt trên ta sẽ biến mất. Chúng ta giải cứu cho các linh hồn ở luyện ngục. Mỗi thánh lễ xin cho chúng ta lúc còn sống thì tốt hơn là xin cho ta lúc ta đã chết. Chúng ta sẽ tránh được nhiều sự nguy hiểm và xui xẻo nếu như có thánh lễ dâng lên để cầu cho ta. Chúng ta giảm bớt thời gian ở luyện ngục bằng mỗi thánh lễ. Mỗi thánh lễ đem lại cho ta các vinh quang lớn hơn trên thiên đàng. Chúng ta nhận được sự chúc lành của vị linh mục mà Chúa ban trên thiên đàng. Chúng ta qùy ở trong số đông các thiên thần, khi các ngài hiện diện với sự tôn kính nơi mỗi thánh lễ. Chúng ta được Chúa chúc lành trong mọi công việc và mục vụ.


Bài 21: Maria Simma, Người Phụ Nữ Được Các Linh Hồn Hiện Về

Nguồn:MeMaria.org

Lời dịch giả: Nhân dịp tháng 11 là tháng cầu cho các linh hồn, xin kính tặng bài này cho các linh hồn thánh thiện nơi luyện ngục. Xin các ngài cầu bầu cho chúng con trước Tòa Thiên Chúa.

Maria Simma of Austria (1915-2004) Bà Maria Simma là môt phụ nữ người Áo, bà mất vào tháng 3, 2004 ở lứa tuổi 90. Bà được nói chuyện với các linh hồn người chết và các linh hồn đau khổ để giúp họ vơi đi các nỗi thống khổ mà họ đang gánh chịu. Bà Simma đến Vùng Holy Shroud, Ý Đại lợi và trả lời môt cuộc phỏng vấn của tờ báo Medjugorje vào ngày 5 tháng 5 năm 1999, tại nhà thờ Corpus Domini. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Hỏi: Thưa bà Maria, bà có thể cho chúng tôi biết lần đầu tiên bà gặp các linh hồn là lúc nào?

Đáp: Một linh hồn đầu tiên đến với tôi là vào năm 1940. Tôi thức giấc vì có người đi trong phòng ngủ của tôi. Tôi hỏi: “Ai đang đi đó?” Không có tiếng trả lời. Tôi đứng dậy và đi về phía người ấy, nhưng tôi không còn thấy họ nữa. Tôi nói:

“Xin ông làm ơn đi chỗ khác đi. Nếu ông không nói thì hãy ra khỏi đây!”

Thế rồi tôi lại vào giường để ngủ tiếp nhưng tôi không thể ngủ lại được.

Hỏi: Bà có sợ hãi không?

Đáp: Không, tôi không dễ sợ hãi đâu!

Thánh Ý Chúa Dành Cho Tôi

Hỏi: Các cuộc thăm viếng tiếp tục chứ?

Đáp: Vâng. Khi tôi còn là môt thiếu nữ, tôi cảm nghiệm rằng Chúa muốn tôi làm một điều gì đặc biệt cho Ngài. Là một bé gái, tôi nói với mẹ tôi:

“Mẹ ơi, con sẽ không lập gia đình đâu!”

Me tôi thường trả lời:

“Con sẽ đổi ý khi con lên 20 tuổi!”

Và tôi thường lập lại:

”Con sẽ không lấy chồng đâu!”

Tôi đã không lập gia đình. Khi học xong, tôi thưa với Chúa:

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con? Con có nên vào tu viện không?”

Nhưng sau ba lần xin vào tu viện để sống đời tận hiến cho Chúa, tôi đều phải ra ngoài. Trong khi cầu nguyện, tôi thường xin Chúa cho tôi được hiểu Thánh Ý của Ngài. Khi được 25 tuổi, tức là vào năm 1940, các linh hồn ở luyện ngục đến thăm tôi để xin tôi giúp đỡ cho họ. Vào tháng 11 năm 1953, các linh hồn khác đến với tôi và xin tôi chịu sự đau đớn giúp cho họ.

Từ đó đến nay, các linh hồn hiện ra với tôi mỗi ngày và mỗi đêm để xin tôi chịu đau khổ cho họ. Vị linh mục ở giáo xử của tôi khuyên tôi hãy thánh hiến chính bản thân mình cho Chúa Giêsu để đền tội cho các linh hồn, và xin Chúa Giêsu ban cho tôi sức mạnh`

Từ đó, tôi bắt đầu con đường dâng mình để đền tạ thay cho họ.

Hỏi: Có phải Chúa gửi linh hồn đến luyện ngục, hay chính linh hồn ấy đi thẳng xuống luyện ngục vì họ được soi sáng và hiểu rõ trong ánh sáng của Chúa?

Đáp: Mỗi linh hồn hiểu rõ ràng họ phải đến nơi nào trong luyện ngục. Luyện ngục có hàng ngàn cách thức khác biệt.

HỎi: Đến giờ chết, các linh hồn được nhìn thấy Chúa rõ ràng hay không?

Đáp: Mỗi linh hồn một khác, có linh hôn được nhìn thấy Chúa rõ ràng, có linh hồn không được nhìn thấy Chúa.

Đi Thẳng Lên Thiên Đàng

Hỏi: Xin bà cho chúng tôi biết giá trị của việc ăn năn thống hối vào giờ chết.

Đáp: Trước khi chết, những ai biết ăn năn thống hối thì đều được cứu rỗi. Nhưng linh hồn ấy phải ở nơi luyện ngục. Có một số linh hồn đi thẳng lên Thiên Đàng mà không cần ghé Luyện ngục. Những người chịu nhiều đau khổ trên trần gian với sự kiên nhẫn, những ai hiến dâng sự đau khổ của họ lên Thiên Chúa thì sẽ đi thẳng lên Thiên Đàng, và những ai luôn thì hành Thánh Ý Chúa thì cũng được hưởng phúc Thiên Đàng.
Nước Phép

Hỏi: Vậy ma quỷ có quyền lực để tấn công các linh hồn trong giờ chết của họ không?

Đáp: Ma quỷ làm đủ mọi cách để cám dỗ một linh hồn, nhưng nếu linh hồn ấy đặt mình trong bàn tay của Đức Mẹ Maria, rồi Đức Mẹ lại tín thác linh hồn ấy cho Chúa, thì ma quỷ không còn quyền lực trên ý muốn cũa chúng ta nữa.

Hỏi: Làm cách nào để các người hấp hối được giúp đỡ?

Đáp: Nước phép được rẩy chung quanh giường của người hấp hối thì rất hiệu nghiệm. Ma quỷ sợ nước phép. Không cần phải rẩy thật nhiều nước phép, một vài giọt là đủ rồi, nhưng phải rẩy nước phép thường xuyên.

Hỏi: Nếu người thân của chúng ta bị bịnh nặng, ta có nên nói cho họ biết tình trạng nguy kịch của họ để họ chuẩn bị dọn mình chịu chết không?

Đáp: Vâng, hãy luôn nói sự thật, để người ấy chuẩn bị dọn mình chịu chết.

Luyện Ngục Ở Nhiều Nơi

Hỏi: Luyẹn ngục ở đâu? Luyên ngục giống như thế nào?

Đáp: Luyên ngục ở nhiều nơi, không phải chỉ ở một nơi. Một số linh hồn phải chịu thống khổ nơi mà họ đã phạm tội. Ở một vùng thuộc Áo Quốc, người ta thấy một người đàn ông có ánh sáng, đi lên rồi đi xuống các cánh đồng, kéo theo một hòn đá lớn.

Họ hỏi ông ta:

“Ông làm gì ở đây?

Ông ta đáp:

“Tôi không biết đặt cái hòn đá này ở chỗ nào cả!”

”Thì ông cứ đặt nó ở chỗ nào mà ông đã lấy nó lên!”

Thì ra lúc trước, ông đã lấy hòn đá này từ một cánh đồng và phạm tội bất công. Khi ông đặt viên đá xuống nơi mà ông đã lấy đi, ngay lúc ấy thì ông ta biến mất, và chúng tôi hiểu rằng ông đã trả hết nợ của ông.

Hỏi: Những tội lỗi nào dễ dẫn ta vào luyện ngục?

Đáp: Tội phạm đến tha nhân, vu cáo, hạ nhục, kiêu ngạo.

Thánh Lễ Giúp Linh Hồn Nhiều Nhất Purgatory

Hỏi: Cách thức nào hữu hiệu nhất để cứu giúp các linh hồn?

Đáp: Thánh lễ. Nhiều người không biết và không hiểu đến giá trị của các Thánh lễ.

Hỏi: Chúng ta có thể xin Chúa cho ta chịu đau khổ luyện ngục ngay trên thế gian này không?

Đáp: Dĩ nhiên có. Mỗi sự hy sinh có thể dùng để giảm thiểu sự thống khổ của Luyện ngục, nếu ta biết dâng hiến điều này lên Chúa. Cầu nguyện chuỗi Mân Côi là điều rất quan trọng.

Hỏi: Các linh hồn đã tự hủy hoại đời mình bằng cách dùng ma túy và các sự nghiện ngập khác, họ có đến thăm viếng bà không?

Đáp: Có, họ phải ở luyện ngục rất lâu xứng với thời gian mà đáng lẽ họ phải sống trên thế gian, bời vì thời lượng sống và thời gian chết của chúng ta được Chúa ấn định cho mỗi một cá nhân.

Hỏi: Có rất nhiều sự dữ trong xã hội của chúng ta và giới trẻ thường trả giá đắt. Bà có thể nói cho chúng tôi về điều này không?

Đáp: Không phải chỉ có cần sa ma tuý làm hại đời sống, mà theo một lối nào đó, sụ đồi bại luân lý có thể cắt ngắn cuộc sống chúng ta, cũng như sự phá thai và thuốc ngừa thai.

Các trẻ thơ chết mà không được rửa tội vẫn sống hạnh phúc, nhưng họ không hưởng được thị kiến đẹp đẽ về Chúa. Tuy nhiên, họ không biết điều ấy, và vẫn vui vẻ.

Nếu một phụ nữ mang thai và lo sợ rằng con mình có thể chết trong bụng, bà ấy có thể ao ước cho em bé được rửa tội. Như thế, em bé nhận được phép Rửa của lòng ao ước.

Hỏi: Các linh hồn nói gì về những người ly dị?

Đáp: Họ cần nhiều lời cầu nguyện. Những ai đã ly dị mà sống chung với người khác thì không thể nhận lãnh các Bí Tích được. Mặt khác, nếu họ sống chung với nahu như tính cách là anh chị em thì họ có thể nhận lãnh các Bí tích.

Hỏi: Bà có thể cho chúng tôi biết về việc trợ tử (giúp người bịnh chết) không?

Đáp: Ta không thể giết người, dù là giết người vì lòng trắc ẩn. Nếu con người chịu đau đớn nhiều thì hãy dâng hiến sự đau đớn ấy lên Chúa, như thế họ có thể cứu chính mình, nhận lãnh được nhiều hạnh phúc trên Thiên Đàng, và cứu được nhiều linh hồn khác. Sự thống khổ rất có giá trị.

Tôi biết một người giáo viên tốt lành. Khi tôi đến thăm chị ấy, chị hỏi tôi:

“Tại sao Chúa không lắng nghe tôi? Người ta cần tôi ở trường học.”

Tôi đáp:

“Sự đau đớn và nỗi thống khổ là dấu chứng của tình yêu Chúa.”

Chị nói:

“Tôi mong ước Chúa yêu tôi ít hơn.”

Nếu chúng ta lâm bịnh hay đau khổ vì những lý do khác, chúng ta hãy dâng những giá trị lớn lao của sự đau khổ mà dâng hiến lên Thiên Chúa, hãy đặt mọi sự trên bàn tay Đức Mẹ Maria. Mẹ biết nơi nào rất cần những phần thưởng này để sử dụng. Khi lên tới Thiên Đàng, bạn sẽ thấy rất nhiều linh hồn mà bạn đã cứu qua sự đau khổ của bạn.

Hỏi: Bà nghĩ gì về việc tự tử?

Đáp: Chúng ta cần biết tại sao họ lại tự tử. Đôi khi, những kẻ xô đẩy người khác đi đến chỗ tự tử thì kẻ ấy phải chịu tránh nhiệm nhiều hơn. Có những người bị kẻ khác xô đẩy họ đến chỗ phải tự tử, chẳng hạn như họ bị vu cáo, bị sỉ nhục, bị từ chối tình yêu. Có các linh hồn tự tử được cứu rỗi. Tuy nhiên, tôi không thể nói rằng tất cả các linh hồn tự tử đều được cứu rỗi.

Hỏi: Vai trò của Đức Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, quan trọng như thế nào nơi luyện ngục?

Đáp: Đức Mẹ thường hay tới luyện ngục và các linh hồn rất vui mừng. Tình trạng các linh hồn ở luyện ngục khác nhau. Có các linh hồn phải ở đó cho đến ngày phán xét, những linh hồn ấy may mắn chỉ suýt thoát khỏi hỏa ngục mà thôi.

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi những linh hồn mà bà chịu đau khổ cho họ mà rồi nhờ đó, họ được giải thoát?

Đáp: Tôi cảm thấy một sự thỏa mãn sâu xa, một niềm vui vô tận vì tôi đã giúp được họ. Ngày nay, người ta it yêu mến tha nhân. Mỗi hành vi thương yêu nhỏ nhoi của chúng ta đều được Chúa đền bù xứng đáng.

Các Linh Hồn Có Thể Tự Giúp Họ Được Không?

Hỏi: Bà Maria ơi, bà cảm thấy thế nào khi bà đền tội cho các linh hồn suốt ngày và đêm? Liệu các sự đau khổ của bà có đủ để giúp các linh hồn giảm bớt thời gian đền tội nơi luyện ngục không?

Đáp: Trong thời gian trước đây, các linh hồn thường đến xin tôi giúp họ bằng sự chịu đựng đau khổ của tôi, bằng lời cầu nguyện, bằng các thánh lễ. Hiên nay, tôi đi công du khắp mọi nơi, nói chuyện trước nhiều đại hội, và có thêm nhiều người giúp tôi để cầu nguyện cho các linh hồn.

Tôi hiểu rằng các linh hồn rất vui lòng khi tôi nói giùm cho họ về các nhu cầu của họ. Tôi cũng nhận những tiền bổng lễ để xin lễ cầu cho các linh hồn.

Hỏi: Tại sao các linh hồn không thể làm gì cho chính họ?

Đáp: Bởi vì các linh hồn đã chấm dứt đời sống, nhưng chúng ta CÓ THỂ GIÚP HỌ.

Hỏi: Các linh hồn có nói gì về thời đại giông tố mà chúng ta đang trải qua không?

Đáp: Chúng ta đang chìm đắm từ từ vì chúng ta sống xa lạc Chúa. Tuy nhiên, nhiều sự sẽ xẩy ra nhờ sự can thiệp của Chúa. Giáo hội cũng sẽ được canh tân.

Hỏi: Chúng ta phải làm gì cho các linh mục?

Đáp: Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục, và hãy dâng hiến sự hy sinh cho toàn thể Giáo hội.

Hỏi: Bà nghĩ gì về sự đau khổ của trẻ thơ?

Đáp: Họ là những linh hồn đền tội cho kẻ khác. Với sự đau khổ của họ, họ có thể nhận được nhiều ân huệ. Sự đền tội rất có giá trị.

Hỏi: Liệu sự đau khổ của trẻ thơ có giá trị không, ngay cả khi cha mẹ họ không chấp nhận?

Đáp: Vâng, tất cả đều có giá trị đồng đều như nhau.

Hỏi: Bà có thể nói cho chúng tôi về giá trị của các Thánh lễ Gregorian không?

Đáp: Thánh Lễ Gregorian ( 30 Thánh lễ cử hành liên tiếp câu cho linh hồn người chết trong 30 ngày, không đứt đoạn.) rất có giá trị. Tuy nhiên, các ân huệ không luôn luôn đến với linh hồn mà chúng ta cầu cho, và Chúa biết lý do tại sao. Sự hiệp thông của các Thánh giúp ích rất nhiều cho các linh hồn. Ngay cả cho các linh hồn của các tôn giáo khác cũng được cứu rỗi, nếu như họ sống với đức tin của họ, và với một lương tâm công chính.

Hỏi: Chúng ta thường nằm mơ thấy người chết, đó có phải là dấu chỉ rằng họ cần chúng ta không?

Đáp: Vâng, có thể họ cần chúng ta cầu nguyện hay xin thánh lễ chỉ cho linh hồn họ. Nếu bạn thấy họ buồn bã thì xin hãy cầu bầu cho họ. Nếu bạn thấy họ vui mừng thì bạn có thể hiểu rằng họ được hạnh phúc.

Hỏi: Các linh hồn có thể làm mọi sự cho chúng ta không?

Đáp: Vâng, họ có thể làm rất nhiều điều cho bạn, họ giúp bạn rất nhiều, và họ có thể trở nên bạn hữu của chúng ta.

Cách Thức Xin Thánh Lễ Gregorians

RADIO GIỜ CỦA MẸ XIN QUÝ VỊ HÃY CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN BẰNG CÁCH:

Xin lễ 30 ngày liên tiếp cho người quá cố (dead person) không phải các linh hồn còn sống. Có thể xin cho ông, bà, cha, mẹ, vợ chồng, con cái hay người thân đã chết. Đây là thánh lễ Gregorian Masses. Xin gửi tên linh hồn đã qua đời, và $130. về địa chỉ các cha dòng Phanxicô sau: Franciscan Missions, Inc., P.O. Box 130, Waterford, WI 53185, Điện thoại: (262) 534-5470, Fax: (262) 534-4342, Website: www. franciscanmissions.org, Email: framis@wi.net








________________________________________
Bài 1: Cha Thánh Padre Pio Chăm Lo Cho Các Linh Hồn Mồ Côi
Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại được cha Thánh Padre Pio chăm sóc kỹ lưỡng. Họ có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Padre Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ chỉ cho các linh hồn này. Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Padre Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Padre Pio làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Hiển nhiên, các linh hồn ngày hiểu rõ rằng trái tim ngài giống như một núi lửa rực cháy vì yêu thương những ai đau khổ. Cha Padre Pio viết như sau:

“Khi tôi biết một người đang đau khổ trong linh hồn hay đang đau đớn trong thể xác, tôi phải làm mọi cách để xin Chúa giải thoát họ khỏi nỗi thống khổ ấy. Tôi muốn nhận chịu hết mọi sự đau khổ của họ để họ được cứu thoát. Và tôi muốn trao tặng họ những ơn ích của sự đau khổ, nếu Thiên Chúa cho phép tôi làm điều ấy!”

Tình yêu tha nhân sâu đậm của cha Padre Pio đôi lúc ảnh hưởng đến sức khỏe của cha. Ngài mong ước họ được cứu thoát và được hạnh phúc trên hết mọi sự, đến nỗi ngài thừa nhận rằng:

“Tôi vội vàng sống vì các anh chị em và sẵn sàng nhận chịu tất cả các nỗi thống khổ của họ, nên tôi đau khổ mà không than van.”

Trong lá thư thứ 615, ngài viết:

“Tôi thường nói cùng ông Môsê để thưa lên Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán rằng:

-Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi của họ hay xin Chúa loại trừ con ra khỏi sách Hằng Sống của Ngài!

Thưa các bạn đọc, nếu chúng ta muốn theo gương cha Thánh Padre Pio, thì tôi xin phép lập lại lời của cha rằng: “Xin hãy làm những gì tôi đã làm. Hãy cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho các linh hồn của người thân đã qua đời!”

Để kết luận, tôi xin chúng ta hãy nhớ rằng, chúng ta có thể xây một cầu thang của Chúa cho các linh hồn đáng thương nơi luyện ngục, bằng những lời cầu nguyện và các hành vi bác ái để dâng lên Chúa nhằm cầu nguyện cho các ý chỉ của các linh hồn.

Bài 2: Cha Thánh Padre Pio Tình Nguyện Chịu Đau Khổ Để Cứu Các Linh Hồn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1910, cha Padre Pio đã viết cho cha linh hướng của ngài là LM Benedetto để giải thích về những sự đánh phá của ma qủy và ngài muốn được giải thoát khỏi sự thử thách ấy. Nhưng sau đó, cha Pio xin phép cha linh hướng để được trở nên một nạn nhân đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Cha viết như sau:

“Thưa cha linh hướng, con xin phép cha để trình bày một việc. Đôi lúc, con cảm thấy có nhu cầu dâng hiến chính mình con lên Chúa như là một nạn nhân để đền tội cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Mong ước này lớn mạnh trong trái tim con, đến nỗi con phải gọi là một nỗi đam mê vô biên. Con đã dâng lên Chúa lời thỉnh nguyện này rất nhiều lần. Con cầu xin Chúa cho con gánh chịu mọi sự trừng phạt mà Chúa đã chuẩn bị dành cho các người tội lỗi và cho các linh hồn ở luyện ngục. Xin Chúa hãy trừng phạt con và cho con chịu đau khổ gấp trăm lần để cho các người tội lỗi được ơn hoán cải, và để cho các linh hồn được sớm lên Thiên Đàng. Nhưng con biết, con phải xin phép cha để trở nên của lễ hy sinh. Con cảm thấy Chúa Giêsu rất muốn con làm điều này. Con chắn chắn rằng cha sẽ không gặp khó khăn khi cho phép con.”

Qua sự dâng hiến vô điều kiện để hứng chịu mọi sự trừng phạt gấp trăm lần, hầu mong các người tội lỗi được ơn hoán cải và các linh hồn được giải thoát khỏi luyện ngục, cha Padre Pio đã trao ban cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ. Cha Benedetto đã cho phép cha Padre Pio làm việc ấy.

Trong lá thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1910, cha Benedetto viết:

“Xin cha hãy dâng hiến những gì cha đã nói, và điều này sẽ được Chúa nhận lời. Xin cha hãy mở rộng đôi tay và thánh giá của cha. Bằng cách dâng hiến sự hy sinh, cha hiệp thông với Chúa Cứu Thế, cha hãy chịu đau khổ và cầu nguyện cho những kẻ ác nhân trên trần gian và cho các linh hồn tội nghiệp, là những người đáng cho chúng ta thương xót vì họ đang nhẫn nại chịu đau khổ mà không kể xiết được.”

Nhân danh sự vâng lời, cha Pio đã trở nên một nạn nhân cho giáo hội chiến đấu và cho giáo hội đau khổ. Sự dâng hiến này có thể giải thích bằng các cơn bịnh bí mật, những thử thách, những cuộc chiến đấu với ma qủy. Nhân loại luôn cần sự tha thứ và giáo hội đau khổ luôn cần sự đền tội. Cha Padre Pio trở nên một nạn nhân, vác thánh giá và bị đóng đinh vào cây thánh giá vô hình như Chúa Giêsu đã bị đóng đinh để cứu rỗi nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống ngục tối để giải thoát những ai mong chờ sự cứu độ. Chúa Cứu Thế đã ban cho họ sự tự do và đưa họ lên Trời.

Cha Padre Pio qủa là một linh hồn anh hùng và quảng đại. Ngài luôn nghĩ đến tha nhân, cầu bầu cho họ, dâng hiến chính mình ngài như là một nạn nhân cho người khác được ơn cứu độ, những người trong giáo hội chiến đấu và giáo hội đau khổ. Đau khổ và thương yêu là hai con đường mà cha Padre Pio đã dùng để bắt buộc bản thân mình chịu thống khổ. Cha nói:

“Tôi cảm thấy mình ngụp lặn trong đại dương mênh mông của Đấng Hằng Yêu Thương. Tôi luôn sống trong tình yêu ấy.”

Kề từ khi cha Padre Pio được phép trở nên một nạn nhân, và từ khi cha tình nguyện dâng hiến bản thân mình thì các linh hồn người chết hiện về với cha nhiều vô số kể. Qua lời kể của cha Padre Pio, chúng ta có thể thấy những cuộc hiện ra này xẩy ra rất nhiều lần, và điều này không làm cho cha Pio sợ hãi hay bực mình.


Bài 3: Tôi Sẽ Dâng Thánh Lễ Cầu Cho Bạn

Nguồn: MeMaria.org

Trích trong Holy Souls, LM Alessio Parente
Kim Hà dịch thuật

Đức Giám mục Costa đến từ giáo phận Melfi, Ý Đại Lợi, để thăm viếng cha Padre Pio. Qua câu chuyện với cha Pio, Đức Giám mục hỏi cha có bao giờ thấy một linh hồn hiện về từ luyện ngục không, cha Padre Pio đáp:

” Thưa Đức cha, con đã gặp nhiều linh hồn hiện về với con, đến nỗi con không cảm thấy sợ họ nữa.”

Qua lời yêu cầu của Đức cha, cha Padre Pio kể lại câu chuyện có liên quan đến cha Alberto DApolito ở trong cuốn sách này. Cha Alberto vốn là một tu sinh ở vùng San Giovanni Rotondo, ngài cũng hiện diện khi cha Padre Pio kể câu chuyện sau đây:

Vào thời kỳ Thế Giới Đại Chiến thứ nhất, tu viện ở vùng San Giovanni Rotondo hầu như trống rỗng, bởi vì nhiều tu sĩ bị động viên để tham dự cuộc chiến. Tuy nhiên, các tu sinh vẫn còn đi học, dưới quyền của tôi và linh mục Paolino của vùng Casacalenda. Một buổi chiều đầy tuyết thì bà Assunta Di Tommaso là chị của cha Paolino đến thăm em của bà. Trước khi trời tối, cha Paolino bảo chị của ngài hãy đi xuống làng và vào ở trọ nhà của bà Rachelina Russo vì bà ấy có phòng cho mướn. Bà Assunta ngại đi trong mưa tuyết và sợ bầy chó sói thường hay túa ra để kiếm mồi về đêm, có thể chúng sẽ ăn thịt bà nếu bà gặp chúng. Thế là bà không dám đi. Cha Paolino nói với chị:

“Này chị Assunta, chị biết rằng tu viện này là dòng kín, và phụ nữ không được phép vào ở, vậy nếu chị không chịu đi thì em phải làm cách nào đây?”

Bà Assunta đáp:

“Thưa cha Paolino, xin cha cho con mượn một cái giường nhỏ và con sẽ nằm ngủ đỡ đêm nay, ngày mai, con sẽ đi đến nhà bà Rachelina.”

Cha Paolino bèn nói:

” Được rồi, nếu chị muốn ngủ trong phòng khách thì em sẽ nhờ người đến chuẩn bị chiếc giường cho chị để giúp chị ngủ ngon.”

Thế rồi, cha Paolino nhờ một vài tu sinh lấy một chiếc giường và đốt lò sưởi để giúp căn phòng bớt lạnh. Sau buổi cơm tối, tôi (tức là cha Padre Pio) lúc ấy đi một vòng xem các tu sinh đã ngủ chưa. Sau đó, tôi cùng cha Paolino xuống phòng dưới để chúc bà Assunta một giấc ngủ ngon. Cha Paolino nói với chị của ngài rằng:

“Chị Assunta ơi, em sẽ đọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, xin chị hãy ở đây với cha Pio nhé!”

Nhưng bà Assunta đáp:

“Con cũng muốn đi đọc kinh với cha luôn!”

Thế là hai chị em cùng ra khỏi phòng khách và đóng cửa lại. Tôi ở lại một mình trong phòng. Khi tôi đang chìm sâu trong lời cầu nguyện thì tự nhiên cánh cửa mở ra và một ông già bước vào. Ông ăn mặc như những người khác ở vùng San Giovanni Rotondo, ông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi nhìn ông và tự hỏi tại sao ông lại có thể vào được trong tu viện trong đêm hôm khuya khoắt này. Tôi bèn hỏi ông:

“Ông là ai? Ông muốn gì?

Người đàn ông đáp:

“Thưa cha Pio, con là Pietro di Mauro, tên thường gọi của con là Precoco. Con chết trong tu viện này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong phòng số 4, khi tu viện này còn là một nhà dưỡng lão. Môt buổi tối con ngủ với điếu thuốc xì gà đang cháy, rồi chiếc giường của con bị bắt lửa và con chết phỏng. Con đang ở trong luyện ngục. Con rất cần một thánh lễ để được giải thoát khỏi nơi ấy. Chúa cho phép con đến gặp cha để xin cha cầu nguyện cho con.”

Sau khi nghe xong, tôi bảo ông rằng:

” Được, ông yên nghỉ nhé, tôi sẽ cử hành thánh lễ ngày mai để cầu cho linh hồn ông được giải thoát!”

Sau đó, tôi đứng lên và tiễn ông ra khỏi cửa. Tôi quên rằng các cánh cửa đã khóa kỹ bằng hai lớp cửa sắt. Tôi mở cửa và nói tạm biệt ông già ấy. Trời đang có trăng tròn và công trường trước tu viện ngập đầy tuyết trắng. Thế mà mọi sự bỗng trở nên sáng như ban ngày, và bỗng nhiên, ông ta biến mất ngay bên cạnh tôi. Tôi hoảng sợ, khóa cửa và suýt chút nữa, tôi ngất xỉu.

Khi cha Paolino và người chị trở về sau khi đã đi cầu nguyện chung, họ thấy mặt tôi trắng bệch như tuyết, họ tưởng rằng tôi lâm bịnh. Cha Paolino chúc bà Assunta ngủ ngon và hầu như phải vác tôi lên phòng của tôi. Tôi không nói cho ngài về cuộc hiện về ấy. Khi chị của ngài ra về xong, tôi mới kể cho ngài nghe chi tiết về câu chuyện đó. Tôi nói:

” Cha biết đó, con không dám nói về việc ấy vì con sợ bà Assunta sẽ không dám ngủ trong phòng khách nữa.”

Cha Padre Pio nói rằng ngày hôm sau, cha dâng một thánh lễ cầu cho linh hồn người đàn ông đó, và ông ta đã được vào Thiên Đàng. Sau đó, cha Paolino xuống khu làng và tìm hiểu thêm về lai lịch của người chết. Qủa đúng như vậy, ông Pietro di Mauro chết ngày 18 tháng 9 năm 1908, vì bị đốt cháy trên giường của ông.

Từ câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng luyện ngục là nơi của lòng thương xót và nhân hậu của Chúa. Chúng ta không hể hiểu thấu được Chúa nhân từ và tốt lành biết bao. Lòng thương xót của Ngài đối với các linh hồn là một sự kinh ngạc cho chúng ta. Không nơi nào mà chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài tuôn chẩy dồi dào như trường hợp này. Qua lò lửa thanh luyện, chúng ta tìm gặp tình thuơng của Ngài. Dường như một linh hồn hỏi Chúa:

“Lạy Chúa, con có thể hoán cải được không ạ?”

Và Chúa đáp:

“Được chứ, con đang tiến vào Thiên Đàng. Con phải chịu đau khổ bây giờ để đền tội của mình. Và rồi con sẽ được tinh tuyền và xứng đáng để bước vào Vương Quốc của Cha.”

Rồi linh hồn được nhận vào luyện ngục với lòng biết ơn. Ở đó, linh hồn vui mừng trong sự nhân hậu của Chúa. Chúa đã thương ban cho linh hồn ấy được ở nơi thanh tẩy. Luyện ngục là nơi đền tội của các linh hồn tụ tập trong vực sâu. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, là nơi mà Lòng thuơng xót Chúa tạo dựng ra để chuẩn bị cho linh hồn được gặp gỡ Chúa trên Thiên Đàng.

LUYỆN NGỤC: MỘT LẦN ĐẾN THĂM
________________________________________

Một buổi tối vào năm 1921 hay 1922, khi các linh mục và tu sĩ Dòng Phanxicô đang ăn cơm tối thì Cha Padre Pio cầu nguyện trong nhà nguyện. Ngài thường không ăn tối mà lại chọn việc cầu nguyện. Sau đó, ngài mới cùng với các tu sĩ khác sưởi ấm nơi lò sưởi.

Nơi nhà nguyện, thình lình, ngài nghe một tiếng động từ phía bàn thờ. Cha Padre Pio bèn lắng tai nghe để biết chắc rằng mình không tưởng tượng. Bỗng nhiên một tiếng động khác nổi lên, đó là tiếng của các cây đèn nến rớt từ bàn thờ xuống, làm phá vỡ sự thinh lặng. Thoạt đầu, cha Padre Pio ngỡ rằng chắc là một tu sinh nào đó đi ngang qua mà làm cho các cây đèn nến đổ vỡ. Để biết chắc, ngài liền dựa đầu vào ban công của khu ca đoàn để nhìn kỹ hơn. Ngài ngạc nhiên khi thấy một tu sinh trẻ đang đứng lặng lẽ bên bàn thờ.

Cha Padre Pio lên tiếng dõng dạc hỏi:

- Này, anh đang làm gì vậy?

Không có tiếng trả lời nên cha hỏi tiếp:

- Hay thật, đây có phải là cách thức anh làm việc không? Thay vì sắp đặt mọi sự có thứ tự, anh lại làm gẫy đổ đèn nến và chân đèn!

Tuy nhiên, ngừời tu sĩ kia vẫn im lặng và không di động. Vì thế, cha Padre Pio lớn tiếng hỏi nữa:

- Này anh kia, anh đang làm gì ở đây?

Người tu sĩ đáp:

- Thưa cha, con là tu sĩ… từ…

Cha Padre Pio hỏi dồn dập:

- Anh làm gì ở đây trong giờ này?

- Thưa cha, con đang làm việc đền tội luyện ngục ở đây. Con vốn là một tu sinh trong tu viện này, và con phải đền các tội lỗi của con. Lúc trước, con đã không tận tâm trong bổn phận khi con phục vụ ở nhà thờ này.

- Anh nghe đây, tôi sẽ dâng thánh lễ cầu cho anh vào ngày mai, nhưng anh không được đến đây nữa, nghe chưa!

Trái tim cha Padre Pio đập mạnh, cha bèn rời nhà nguyện và đến ngay lò sưởi, nơi các anh em tu sĩ của cha đang ngồi. Mọi người đều nhận thấy vẻ tư lự và run rẩy của cha, nên họ hỏi lý do. Cha Padre Pio tránh nhìn đôi mắt họ mà chỉ trả lời là cha bị lạnh.

Khoảng mười phút sau đó, cha Padre Pio mời một linh mục khác cùng đi với cha đến nhà thờ. Tại đó, các ngài nhìn thấy nến và chân đèn đổ vỡ lung tung. Cha Padre Pio muốn biết thử xem cha có nghe đúng hay là trí tưởng tượng của cha làm việc.

Sau đó, cha kể về chuyện này và kết luận như sau: “Chỉ vì thiếu tận tâm trong bổn phận mà vị tu sĩ ấy phải đền tội trong Luyện ngục 60 năm, sau khi anh ta chết! Hãy thử tưởng tượng xem chúng ta sẽ phải ỡ luyện tội lâu như thế nào để đền tội cho những tội nặng nề hơn nữa?”

Cha Padre Pio nói rất đúng! Từ các mặc khải của các thánh, chúng ta hiểu được có nhiều mức độ đau đớn và thống khổ ở Luyện ngục.

Sau đây là mặc khải của Thánh nữ Mary Magdelen Dei Pazzi. Trong các vị thánh được giáo hội phong thánh, ngoài thánh Phanxico của Roma ra, thì vị thánh nữ này để lại sự miêu tả rõ ràng, chính xác và nhiều chi tiết nhất về Luyện ngục.

Môt buổi chiều khi thánh nữ và các nữ tu khác đang đi dạo trong vườn, thì bỗng nhiên linh hồn bà được cất đi. Người ta nghe bà nói:

“Vâng, con sẽ đi chung quanh chỗ này, con sẽ đi chung quanh chỗ này!”

Với những lời ấy, bà thánh cho phép Thiên thần Bản Mệnh của bà đưa bà đến Luyện ngục. Trong khi đó, các nữ tu khác đứng ngắm nhìn với vẻ ngưỡng phục. Cùng lúc, họ kinh hoảng khi thấy bà thánh bước vào cuộc hành trình đau đớn ấy. Khi cuộc ngất trí hoàn tất, bà đã kể lại một bài viết xuất sắc về Luyện ngục.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, người ta thấy bà cứ đi chung quanh một khu vườn rộng lớn của tu viện, thỉnh thoảng, bà ngừng lại và chăm chú nhìn một điều gì đó mà Thiên Thần Bản Mệnh chỉ cho bà. Mặt bà trở nên xanh mét, và bà thường giơ tay ra tỏ ý thương hại cho những ai mà bà thấy. Bà tỏ lộ cảm tưởng đau khổ và kinh hãi, đến nỗi các nữ tu đang theo dõi bà cũng cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, các nữ tu tiếp tục theo dõi và lắng nghe chăm chú khi bà ta thán về những sụ kinh khủng và sự đau lòng của bà. Họ nghe bà la lên:

“Ôi, đau khổ quá! Lạy Chúa, xin hãy thương xót. Xin Chúa thương xót, Xin Máu Thánh Cực Châu Báu của Đấng Cứu Thế hãy đổ xuống trên các linh hồn tội nghiệp này, và xin giải thoát ho khỏi nỗi thống khổ này. Ôi các linh hồn đáng thương, các ngài đau đớn quá. Tuy vậy, tôi thấy các ngài hạnh phúc và vui lòng ngay giữa những cơn khốn khổ ấy. Tuy nhiên, còn có các linh hồn khác đau đớn hơn.”

Bà than van tiếp:

“Làm cách nào mà tôi không thể nhìn đến các linh hồn ở gần tôi được?”

Rồi vì đức vâng lời, bà bước xuống sâu hơn trong hố thẳm. Sau khi đi được vài bước, bà đột nhiên đứng lại, run rẩy và sợ hãi. Bà khóc lớn lên:

”Cái gì đây? Các linh mục và tu sĩ mà phải ở nơi đáng sợ này sao? Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, các ngài bị hành hạ nhiều đến thế sao? ”

Sự run rẩy và cái nhìn lộ vẻ khiếp sợ của bà làm cho những ai hiện diện hiểu được tầm mức thống khổ mà bà đang trải qua trong giây phút ấy.

Khi ra khỏi nơi mà các tu sĩ bị giam cầm, bà đi lang thang đến một nơi bớt đau đớn hơn, nơi nhà giam của các linh hồn đơn sơ, đó là các trẻ thơ và những ai phạm tội vì sự ngu dốt. Tại đó, bà thấy không gì khác, ngoại trừ đá băng và lửa. Còn các linh hồn đi từ đá băng đến lửa và từ lửa đến đá băng. Bà nhận ra linh hồn của người em trai đã chết ít lâu trước, và bà la to lên:

“Tội nghiệp linh hồn của em trai tôi! Em đau khổ quá, dù vậy, em được an ủi. Em bị đốt cháy, nhưng em hạnh phúc, bởi vì những đau khổ này là con đường dẫn đến hạnh phúc.”

Rồi bà tiếp tục đi thêm vài bước nữa, mọi người theo dõi bà và hiểu rằng bà đang gặp các linh hồn không được hạnh phúc. Bà hét lên:

“Ôi, thật là khủng khiếp khi ở nơi này. Nơi đầy cả ma quỷ và đầy những sự hành hạ. Tôi có thể thấy các linh hồn bị đâm bởi các cây kim nhọn và bị xé ra từng mảnh.”

Lúc ấy, bà được biết đây là nơi giam giữ các linh hồn mà lúc còn sống hay muốn làm vui lòng kẻ khác và hay sống giả hình. Đi xa hơn, bà thấy một đám đông bị kéo ra khỏi một nơi, rồi các linh hồn ấy bị nghiền nát dưới một sức nặng lớn lao. Bà hiểu rằng đó là hình phạt dành cho các linh hồn thiếu nhẫn nại và không vâng lời. Khi bà nhìn ngắm các linh hồn ấy, bà đã diễn tả bằng mọi cử chỉ và bà thở dài với một tâm tình cảm thương.

Sau một hồi, bà cảm thấy đau khổ nên khóc thảm thiết. Sau đó bà bước vào nhà tù của những kẻ nói dối. Bà quan sát kỹ và nói lớn:

“Các người nói dối ở một nơi rất gần Hỏa ngục. Nỗi thống khổ của họ lớn lao vâ vô biên. Chất chì lỏng đổ vào miệng của họ, trong lúc ấy, họ ngập chìm trong môt hồ nước đá lạnh, để rồi họ bị cháy phỏng và lạnh cóng cùng một lúc!"

Thế rồi bà đến một nhà tù ở đó đang giam cầm những linh hồn phạm tội vì sự nhu nhược, bà la lớn tiếng như sau:

“Than ôi, tôi đã sai lầm khi tin rằng qúy vị ở chung với những ai phạm tôi vì sự ngu muội, bởi vì tôi thấy qúy vị bị phỏng trong lửa nóng thiêu đốt.”

Một hồi sau, bà nhận thấy những linh hồn tham lam quá độ bị thiêu nóng chảy ra với chất chì trong lò thiêu. Rồi bà thánh tiếp tục đi mà không nói gì thêm nữa; nhưng đến cuối cuộc hành trình, người ta nghe tiếng khóc của bà:

“Ôi lạy Chúa, ý muốn tuyệt vời của Chúa là tiết lộ những nỗi thống khổ đáng sợ. Có lẽ Chúa muốn đáp lại ước muốn của con là được biết linh hồn của em trai của con đang ở đâu, hay là để khuyến khích con hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục. Vâng, con hiểu rồi. Chúa muốn con thấy để con có thể hiểu rõ hơn sự thanh khiết vô nhiễm của Ngài!”

Rồi bà đi ngang qua môt trại giam các linh hồn đầy cao vọng và kiêu ngạo, các linh hồn này đau đớn khủng khiếp trong sự đen tối mịt mùng. Bà nói:

“Ôi thật là khốn khổ! Các linh hồn này bị bắt buộc sống trong sự đen tối, bởi vì họ cố gắng hết sức để được nổi bật trong mắt của những người khác.”

Và rồi bà thấy các linh hồn của những người cứng lòng và vô ơn đối với Chúa. Họ không bao giờ biết yêu mến Chúa là Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và là Cha của họ. Các linh hồn này bị chìm sâu trong cái hồ đầy chì lỏng. Họ phải chịu đau khổ vì họ biến suối nguồn ân sủng trở thành sự khô cằn, trơ trụi qua thái độ vô ơn của họ.

Cuối cùng, nhà tù cuối mà bà đi qua là nơi mà các linh hồn không có tội rõ ràng, nhưng chỉ có những tội nhỏ nhặt. Bà quan sát thấy các linh hồn phải đền trả cho những tội gì mà họ đã mắc phạm khi còn ở trần gian.

Sau 2 tiếng đồng hồ đau đớn khi viếng thăm luyện ngục, bà thánh trở về với thực tại, nhưng cơ thể yếu nhược và tinh thần sa sút trong một thời gian dài. Phải đợi rất lâu bà mới phục hồi sức khỏe và hoàn hồn, vì cảnh tượng kinh hoàng mà bà đã được chứng kiến với đôi mắt của bà.

Những cảm nghiệm về Luyện ngục mà bà thánh Mary Magdalen Dei Pazzi đã chứng kiến chỉ là một phần trong rất nhiều mặc khải của nhiều vị thánh trong giáo hội.

Trích từ: memaria.org






































Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 270

Return to top