Khi tôi mười bảy tuổi, đời chuyển sang một thế giới khác. Thầy hiệu phó ở nhà trường, sau khi nói chuyện với nhiều người khác, đã nói chuyện với tôi. Ông bảo ông muốn nhắc tôi rằng tôi là một lãnh đạo học sinh, một kiểu mẫu của các học sinh tốt nghiệp. Chính trị là ở chỗ đó, chặt chẽ như một phương trình toán học. Ông bảo rằng tôi đã thuộc một phạm trù - phạm trù nông dân hóa. Ông nói đó là một quyết định không thể thay đổi được. Đường lối chính trị từ Bắc Kinh là một lời giáo huấn thiêng liêng. Nó được quảng đại quần chúng chấp nhận. Trách nhiệm trút lên đầu tôi là phải tuân thủ. Ông nói ông đã gửi bốn đứa con ông về làm việc ở nông thôn. Ông rất tự hào về chúng. Ông nói hai chục triệu người Trung Quốc làm việc ở những nông trang này. Ông còn nói thêm rất nhiều. Những lời lẽ trừu tượng, những lời lẽ như những câu ca. Ông còn nói: Khi ta thách đố trời, ta sẽ có niềm vui, khi ta thách đố đất, ta sẽ có niềm vui, khi ta thách đố chính bản thân mình, ta sẽ có niềm vui lớn nhất. Ông đọc lên bài thơ đó của ông Mao. Một người cộng sản chân chính thường thích được thách thức. Cô ta sẽ lao vào thử thách một cách xứng đáng. Tôi đã mười bảy. Tôi đang hứng khởi. Tôi đang nhiệt tình dâng hiến bản thân. Tôi đang nhìn thẳng vào gian lao.
Tôi lắng nghe những câu chuyện của người dân xung quanh. Một người làng xóm cạnh nhà tôi viết thư từ làng quê về nói rắng anh ta chủ ý đập nát ngón tay mình trong lao động để khai thương tích may ra được về nhà. Chị cả của Tiểu Quan phải đi biên giới phía Bắc, biên thư nói rằng cô bạn cùng phòng bị xử bắn vì đã cố tìm cách trốn sang Nga. Anh họ tôi phải đi Nội Mông viết thư nói rằng bạn thân của anh bị chết khi dập tắt đám cháy rừng. Anh được tuyên dương anh hùng vì đã không tiếc thân mình cứu kho gạo của dân làng. Anh họ tôi bảo rằng người anh hùng ấy đã làm anh hiểu được ý nghĩa chân chính của cuộc đời, vì vậy anh quyết định đem nốt quãng đời còn lại của mình trên lưng ngựa ở Nội Mông để noi gương người anh hùng.
Trong những chuyện xì xào, tôi còn nghe được chuyện con gái gia đình ông Lý bị trưởng thôn một làng ở một tỉnh Tây Nam cưỡng hiếp, rồi con trai gia đình họ Giang được tôn vinh vì đã giết chết một con gấu ăn thịt người bạn cùng làm trong một khu rừng ở nông trường phía Bắc. Những gia đình này đều bối rối. Họ mang những câu chuyện hãi hùng kia đến các vị đương chức ở địa phương. Những lá thư được đưa ra. Những gia đình này đều bảo họ không tin những chuyện dối trá ma quỷ như thế. Bởi đó là do kẻ thù dựng lên vì chúng sợ cách mạng lan rộng. Các quan chức Đảng bộ địa phương cho họ xem những hình ảnh của những nơi con cái họ tới, những hình ảnh phồn vinh. Những gia đình này đều tin tưởng va yên tâm. Gia đình các tầng trên gửi những đứa con thứ hai, thứ ba của họ về các vùng quê. Gia đình Tiểu Quan được nhận bằng khen và hoa giấy đỏ vì đã gửi ba đứa con về nông thôn. Cửa ra vào và tường của họ được dán lên những giấy khen cỡ lớn.
Cuối cùng, tên tôi xuất hiện trong danh sách Vinh quang Đỏ của nhà trường. Tôi được phân về nông trường Lửa Đỏ ở khu vực gần bờ biển Đông Trung Quốc. Hôm sau tôi được lệnh tới tòa thị chính để cắt hộ tịch Thượng Hải của tôi.
Đó là một chiều lạnh giá. Tòa thị chính không có ánh đèn. Các nhân viên làm việc trong bóng tối. Chính từ bóng tối tôi khởi đầu hành trình anh hùng của tôi. Nhân viên ở đây trả lại sổ hộ tịch của gia đình tôi. Tôi thấy tên tôi bị xóa bằng con dấu đỏ. Con dấu đỏ biểu hiện của quyền lực. Chiều hôm đó tôi cảm thấy mình như quả trứng nằm trơ trên một tảng đá. Có thể tôi sẽ đạt tới một cuộc sinh nở thực sự, cũng có thể tôi sẽ bị đập nát bởi móng vuốt của một sinh vật xa lạ nào đó. Lúc đó tôi mới nhận ra thật quá dễ dàng khi hát: "Tôi có thể đi bất cứ nơi đâu theo Mao Chủ tịch chỉ đường". Tôi nhớ lại tôi đã hát câu đó thế nào. Cho tới ngày hôm ấy, tôi chẳng bao giờ nhận ra tôi đã hát cái gì.
Tôi ngồi trong bóng tối. Và gia đình tôi cũng ngồi cùng tôi. Rồi ngày rạng.