Ở trường, Mao tuyển là một trong những bài khóa của chúng tôi. Tôi đứng đầu lớp về môn Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với tôi, lịch sử là làm thế nào để chiến thắng bọn phản động. Lịch sử phương tây là lịch sử của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Chúng tôi treo ảnh chân dung Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin và ông Mao trong lớp học. Mỗi buổi sáng chúng tôi cúi chào họ cũng như cúi chào ông Mao, vừa cầu chúc cho ông sống muôn năm. Các em gái tôi sao chép những bài tập làm văn của tôi. Các bài ấy đều là những khẩu hiệu được sưu tầm lại. Tôi luôn luôn bắt đầu bằng: "Gió đông đang thổi, tiếng trống trận đang đánh. Ai là kẻ sợ hãi trong thế giới ngày nay. Không phải là nhân dân sợ bọn tư bản Mỹ, mà chính là bọn tư bản Mỹ sợ nhân dân". Những câu ấy đã đem lại cho tôi giải thưởng. Chính Vũ phục tôi như thể tôi là một mụ phù thủy. Đối với tôi tập làm văn chẳng là cái gì.Thi tính bằng bàn tính mới là điều khó. Tôi làm tlv hộ em trai và em gái tôi. Nhưng tôi cảm thấy mình chẳng có gì chung mấy với chúng. Tôi cảm thấy tôi như một người trưởng thành. Tôi ao ước được thử thách. Tôi đến trường ngày lẫn đêm để đẩy mạnh chủ nghĩa cộng sản, làm cách mạng bằng việc sơn và kẻ các khẩu hiệu trên tường và các bảng. Tôi hướng dẫn các bạn học gom góp những đồng xu. Chúng tôi muốn đem những đồng xu này làm quà tặng cho trẻ em nghèo đói bên nước Mỹ. Chúng tôi tự hào vì những gì mình đã làm. Chúng tôi tin chắc rằng mình đang điểm thêm những chấm đỏ trên bản đồ thế giới. Chúng tôi đang chiến đấu cho nền hòa bình cùng trên hành tinh. Không một ngày nào tôi không cảm thấy mình là anh hùng. Tôi là kinh kịch.
Tôi được yêu cầu tham dự Hội nghị Ủy ban cách mạng của trường. Đó là vào năm 1970, lúc tôi mười ba tuổi. Tôi thảo luận với những người trong Ủy ban, những người cách mạng chân chính về việc tiến hành cách mạng văn hóa tại trường tiểu học Trường Phúc như thế nào. Khi giơ tay xin phát biểu ý kiến, mặt tôi chỉ hơi đỏ lên một lúc. Tôi biết tôi đang nói về cái gì. Nhưng câu lấy từ Nhân dân nhật báo và Tạp chí Hồng kỳ thao thao tuôn ra từ mồm tôi. Tôi phát biểu với tinh thần vô cùng say sưa và cao quý. Tôi được biểu dương. Bước vào tuổi mưởi bảy, việc tôi trở thành người đứng đầu Tiểu hồng vệ binh trong nhà trường đem lại vinh dự cho gia đình tôi. Nhưng giấy khen của tôi là niềm kiêu hãnh của mẹ tôi, dẫu bà không bao giờ treo nó lên tường. Tên của tôi được chính quyền thường xuyên nhắc tới và được ca ngợi như "Phần tử tích cực nghiên cứu tư tưởng Mao", "Đứa con ngoan của Mao" và "Học sinh ưu tú". Tôi nói vào micrô trong phòng phát thanh của nhà trường bất kỳ lúc nào, các em gái và em trai tôi thường lắng nghe tôi nói trong lớp học của chúng, bạn bè trong lớp thường nhìn chúng với vẻ khâm phục và ghen tị.
*
* *
Bí thư đảng bộ mới của nhà trường, một người tên là Xích là một đại diện của công nhân từ Nhà máy đóng tàu Thượng Hải tới. Ông khoảng 50 tuổi, rất gầy, như một que tre. Ông dạy tôi cách tổ chức các cuộc họp. Ông thích nói, chúng ta phải để cho thế hệ trẻ của chúng ta giữ vai trò đầy đủ của nó trong cách mạng văn hóa. Và tạo cơ hội đầy đủ cho Tiểu Hồng vệ binh phát huy sáng kiến. Ông bảo tôi đừng sợ những việc mình không hiểu.
Ông bảo:
- Em phải học suy nghĩ như vậy. Nếu trái đất có ngừng quay, tôi sẽ tự quay.
Vào đầu tuần tháng mười một, bí thư Xích gọi tôi lên. Ông xúc động bảo tôi: đảng bộ đã phát hiện được một kẻ thù giai cấp giấu mặt, một gián điệp Mỹ. Ông bảo chúng tôi sẽ tổ chức mít-tinh chống lại mụ, một cuộc tập trung chừng hai nghìn người tham dự.
Em sẽ là đại biểu học sinh phát biểu chống lại mụ.
Tôi hỏi mụ là ai. Nhíu lông mày lại, bí thư Xích đọc to lên một cái tên làm tôi choáng váng. Đó là Diệp Thu, cô giáo của chúng tôi. Tôi nghĩ mình nghe nhầm bí thư Xích. Nhưng ông chậm dãi gật đầu khẳng định với tôi là đúng. Tôi ngồi xuống. Tôi rơi phịch xuống ghế. Chân tay rụng rời.
Diệp Thu là một phụ nữ trung niên, người nhỏ nhắn, mắt cận thị nặng. Cô đeo kính tối màu, giọng khàn, dễ xúc động. Cô yêu tiếng Trung Quốc, toán học và âm nhạc. Ngày đầu tiên bước vào lớp, cô hỏi tất cả học sinh chúng tôi có thể nói cho cô biết Diệp Thu nghĩa là thế nào không. Không ai hiểu rõ. Cô cắt nghĩa: Có một bài thơ Đường nổi tiếng viết về lá mùa thu. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp và ý nghĩa của lá thu rơi. Bài thơ nói khi lá thu rơi một cách tự nhiên, nó tượng trưng cho một cuộc đời trọn vẹn. Việc trở về với đất có nghĩa sự biến cải chiếc lá vàng thành màu đất xanh tươi. Nó làm cho mầm cây màu mỡ qua mùa đông. Sự thai nghén để đâm chồi nảy lộc cho mùa xuân mới. Cô bảo chúng tôi là mùa xuân của cô.
Cô là một giáo viên nhiệt tình, không bao giờ mệt mỏi trong cách giảng dạy. Cách dạy của cô thật độc đáo, Một lần cô vươn dài hai cánh tay ngang vai, duỗi thẳng sang hai bên, biến mình thành một cây thập tự khi giảng về sự vô cùng. Lần khác, cô dụng giọng nặng tiếng Hồ Nam khi giảng về nhà thơ quê quán ở đây. Một lần cô khản đặc khi giảng về cấp số nhân cho tôi, cuối cùng khi tôi đã hiểu, cô cười không ra tiếng như một người câm, cánh tay múa trong không khí. Cô nêu gương tôi trước lớp và toàn cấp học. Khi cô biết tôi muốn trau dồi thêm tiếng Trung Quốc, cô mang cho tôi mượn sách riêng của cô để học. Cô xử sự như thế với mọi học sinh của mình. Một hôm, khi tan học, cô đưa áo mưa, ủng mưa và ô che của mình cho học sinh để về nhà, còn cô chịu ướt. Hôm sau, cô bị sốt, nhưng cô vẫn đến lớp bất chấp cơn sốt. Lúc giảng bài xong cô lại mất tiếng. Tôi không có cách nào hình dung nổi cô Diệp Thu lại là một tên gián điệp Mỹ.
Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, bí thư Xích mỉm cười hỏi tôi đã bao giờ được nghe câu: "Lửa dại lọc vàng mười" chưa? Tôi lắc đầu. Ông nói đấy chính là lúc thử thách bản thân có thấy mình là người cách mạng thực thụ hay chỉ là tên cách mạng giả hiệu. Ông đọc những lời dẫn của Mao: "Cách mạng không giống như đi dự bữa tiệc tối, cũng không giống như vẽ tranh hoặc thêu ren. Điều đó không dễ dàng và không dễ chịu đâu. Cách mạng là sự lật đổ, trong đó giai cấp này tống cổ giai cấp khác đi bằng bạo lực".
Tôi thấy lưỡi mình cứng lại, nhưng vẫn nói:
- Diệp Thu là cô giáo của em.
Bí thư Xích yêu cầu tôi thảo luận về vấn đề này. Ông châm điếu thuốc và kể tôi nghe chuyện ngụ ngôn: "Con sói đội lốt da cừu". Ông nói, Diệp Thu là con sói. Ông bảo tôi, bố Diệp Thu là người Mỹ gốc Hoa hiện đang sống ở Mỹ. Diệp Thu sinh ra và được giáo dục ở Mỹ. Ông nói tên tư bản gửi con hắn về Trung Quốc giáo dục con em chúng ta.
- Em có thấy thành vấn đề ở đó không?
Khoảng hai tiếng đồng hồ sau bí thư Xích đã thuyết phục được tôi rằng Diệp Thu là một mật vụ của bọn tư bản và đang dùng việc giảng dạy như một vũ khí phá hoại tư tưởng của chúng ta. Bí thư Xích hỏi liệu tôi có thể tha thứ cho việc đó không. Tôi nói: Tất nhiên là không, không kẻ nào có thể kéo lùi vô sản trở lại chế độ cũ. Tốt, bí thư vỗ vai tôi. Ông nói ông biết tôi sẽ là ngọn giáo sắc bén của Đảng. Tôi ngẩng cao đầu nói:
- Đồng chí bí thư, xin bảo tôi phải làm gì?
- Viết một bài phát biểu. Ông nói.
Tôi hỏi:
- Em sẽ viết như thế nào?
- Nói cho quần chúng rõ em bị đầu độc tư tưởng như thế nào.
Tôi nói tôi chưa hiểu rõ từ "đầu độc tư tưởng". Bí thư Xích nói:
- Em chưa đủ trưởng thành để hiểu thật.
Rồi ông yêu cầu tôi nói xem tôi thường nghĩ Diệp Thu là hạng người nào. Tôi nói với ông sự thật.
Bí thư Xích cười phá vào mặt tôi. Ông bảo tôi đã trở thành nạn nhân của tên gián điệp, kẻ đã hầu như giết tôi bằng thủ đoạn khôn khéo của con sói giết con cừu không để lại một giọt máu. Ông nện nắm đấm xuống bàn nói to:
- Ngay trong bản thân việc đó đã là vấn đề đáng để tranh luận rồi.
Tôi cảm thấy bối rối. Ông cười và bảo:
- Em không nên nản chí vì sự non nớt của mình.
Ông làm tôi thấy thất vọng trong lòng. Ông đề nghị:
- Để tôi giúp em.
Ông hỏi tôi những sách cô cho tôi mượn. Tôi kể ra: Ông già túc trí, Nàng tiên cá, Bạch Tuyết. Ông hỏi tên tác giả. Tôi bảo ông Andersen nào đó. Bí thư Xích giơ tay lên và nhíu lông mày. Ông nói:
- Dừng lại, vấn đề ở đây. Andersen là ai?
Tôi đáp:
- Chắc chắn là một ông già ngoại quốc.
- Những truyện thần tiên của ông ta nói về cái gì?
- Về cuộc đời các ông hoàng, bà chúa và quần chúng bé nhỏ.
- Vậy Andersen có ý định gì?
- Em không hiểu - Tôi đáp.
- Em thấy mất cảnh giác chưa - Bí thư Xích gần như hét lên với tôi - Y có thể là một tên gián điệp ngoại quốc.
Lấy một chiếc lọ thủy tinh nhỏ ra, bí thư Xích bỏ mấy viên thuốc vào mồm. Ông giải thích đó là thuốc chữa đau gan. Ông bảo ông đau ghê gớm, nhưng ông không thể nói với bác sĩ điều đó, bởi vì ông lập tức sẽ bị bắt nằm viện. Ông bảo bệnh ông mỗi lúc một tồi tệ hơn, nhưng không thể lãng phí giây phút nào trong bệnh viện.
- Làm sao tôi có thể khiến Mao chủ tịch thất vọng, người đã đặt cả niềm tin vào giai cấp công nhân chúng ta, giai cấp đã từng thấp kém hơn chó lợn trước giải phóng.
Mặt ông đỏ tía lên. Tôi ngỏ ý ông cần nghỉ ngơi. Ông xua tay tiếp tục, hai tay ép chặt chỗ gan đau. Ông bảo ông chẳng được học hành nhiều. Cha mẹ ông chết đói khi ông mới năm tuổi. Anh và em gái ông chết dịch tả, bị ném xuống biển. Ông bị bán cho tên lái buôn trẻ con lấy chưa được chục cân gạo. Ông trở thành thợ nhỏ ở xưởng đóng tàu Thượng Hải, bị chủ thường xuyên đánh đập. Sau giải phóng ông vào Đảng và được cho đi học lớp học ban đêm của công nhân.
Ông nói ông chịu ơn Đảng rất nhiều và làm việc còn chưa đủ hăng say để tỏ lòng biết ơn.
Tôi nhìn ông cảm động. Cơn đau của ông như tăng lên. Những ngón tay bóp mạnh hơn vào chỗ gan đau. Nhưng ông vẫn không chịu nghỉ:
- Em biết không, chúng tôi tìm thấy cuốn nhật ký của Diệp Thu có một đoạn nói về em.
- Thế…cô ấy nói gì…gì về em ạ? - Tôi lo lắng hỏi.
- Mụ nói em là một trong số rất ít đứa trẻ có thể giáo dục. Mụ mở ngoặc kép "có thể giáo dục". Em có nghĩ nổi như thế có nghĩa thế nào không?
Không đợi tôi trả lời, bí thư Xích nói:
- Rõ ràng Diệp Thu nghĩ rằng em có thể giáo dục được theo hình thức của mụ, hình mẫu cha mụ, hình mẫu những tên đế quốc.
Ông vạch ra, mục đích viết đoạn nhật ký là để dâng lên ông chủ Mỹ của mụ như là bằng chứng cho thành tích gián điệp của mụ.
Thế giới trong tôi sụp đổ. Tôi cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc và bị lợi dụng. Bí thư Xích hỏi tôi liệu tôi có ý thức được việc tôi được Diệp Thu dựng lên như một hình mẫu gây ảnh hưởng đến người khác không?
- Mục đích của mụ là làm cho các em phản bội chủ nghĩa cộng sản.
Tôi cảm thấy có tội và tức giận. Tôi bảo bí thư Xích ngày mai tôi sẽ nói. Ông gật đầu bảo tôi:
- Đảng chúng ta tin tưởng em và Mao Chủ tịch rất kiêu hãnh về em.
*
* *
- Lôi kẻ thù giấu mặt ra, mụ gián điệp Mỹ, Diệp Thu!
- Vạch trần mụ ra dưới ánh sáng mặt trời!
Quần chúng hô to khi cuộc mít-tinh mới bắt đầu. Tôi được ngồi lên bục của một trong nhưng người vùng dậy. Hai người đàn ông lực lưỡng điệu Diệp Thu lên bục đối mặt với đám đông hai nghìn người bao gồm học trò và đồng nghiệp của cô. Hai tay cô bị trói giật ra sau. Cô như không hiểu gì cả. Mới chỉ hai ngày tôi không nhìn thấy cô, nhưng cô như già thêm chục tuổi. Tóc cô bỗng chốc đã bạc đi. Mặt cô thất sắc. Một tấm biển "Đả đảo gián điệp Mỹ" treo dưới cổ cô. Hai người đàn ông bắt cô cúi lạy bức chân dung ông Mao ba lần. Một trong hai người bẻ cong tay trái cô lên thật mạnh và bảo cô:
- Cầu xin Mao chủ tịch tha tội cho đi!
Diệp Thu không chịu nói những lời đó. Hai người đàn ông bẻ cong hai tay cô mạnh hơn nữa. Mặt cô nhăn nhó vì đau và miệng cô mấp máy. Cô nói nhưng lời đó và hai người đàn ông buông cô ra.
Miệng tôi khô kinh khủng. Quá sức chịu nổi nhưng gì tôi thấy. Sợi dây thép treo tấm biển nặng như cứa sâu vào da cô. Tôi quên biến điều tôi phải làm, nghĩa là dẫn đầu quần chúng hô to khẩu hiệu, cho đến khi bí thư Xích đến nhắc nhiệm vụ của tôi.
- Đại chuyên chính vô sản muôn năm!
Tôi hô, theo đúng khẩu hiệu ghi trên bảng. Tôi mỗi lúc một hoang mang khi thấy cô chống lại hai người đàn ông đang cố ấn đầu cô xuống sàn, để ngửa mặt lên trời. Khi chiếc kính của cô rơi xuống, tôi thấy cô nhắm nghiền mắt lại. Bí thư Xích quát cô. Quần chúng hô:
- Thú tội, thú tôi đi!
Bí thư Xích cầm lấy micrô và nói:
- Quần chúng đã hết kiên nhẫn rồi. Hành động như vậy, Diệp Thu đang tự đào mồ chôn mình.
Diệp Thu vẫn im lặng. Khi bị đá mạnh, cô nói cô không có gì phải thú tội. Cô nói cô vô tôi. Bí thư Xích nói:
- Đảng không bao giờ truy tố những người vô tội, tuy nhiên Đảng không bao giờ cho phép kẻ thù giai cấp lọt lưới chuyên chính vô sản.
Ông nói tiếp:
- Giờ là lúc chứng minh Diệp Thu là một tên tội phạm.
Ông gật đầu ra hiệu cho tôi và quay về phía quần chúng nói:
- Chúng ta hãy để một nạn nhân nói ra.
Tôi đứng lên, đầu óc quay cuồng. Quần chúng vỗ tay. Mặt trời chói lọi làm quáng mắt tôi. Mắt tôi như hoa lên và tôi nhìn thấy hàng triệu con ong bay trước mặt, kêu vù vù như những chiếc trực thăng. Quần chúng vẫn vỗ tay. Tôi di chuyển tới trước bục. Tôi dừng lại trước micrô. Rút bài viết hôm qua, tôi bất chợt cảm thấy lẽ ra cần phải nói cho cha mẹ tôi hay. Tôi đã ngủ lại trong lớp, trên bàn học, với các Tiểu Hồng vệ binh khác, không về nhà. Năm người chúng tôi viết bài nói. Tôi hối tiếc không để cha mẹ tôi xem qua bài nói hộ tôi. Tôi thở sâu, các ngón tay tôi run rẩy như không muốn tuân theo khi lật trang.
"Đừng sợ, tất cả chúng tôi ở phía em", bí thư Xích nói nhỏ vào tai tôi khi ông tới điều chỉnh tầm cao của micrô. Ông đặt một cốc nước trước mặt tôi. Tôi cầm cốc uống cạn một hơi. Tôi thấy đôi chút khá hơn, tôi bắt đầu đọc.
Tôi đọc lên cho quần chúng nghe rằng Diệp Thu là một con sói đội lốt da cừu. Tôi lấy ra một cuốn sách cô cho tôi mượn giơ lên cho quần chúng xem. Trong khi tôi đang thao thao phát biểu, tôi liếc mắt thấy Diệp Thu quay đầu về phía tôi. Cô đang lẩm bẩm. Tôi trở nên bối rối nhưng cố tiếp tục.
- Các đồng chí! - Tôi nói - Giờ đây tôi mới hiểu tại sao Diệp Thu lại tốt với tôi đến thế. Bà ta định biến tôi thành kẻ thù của đất nước chúng ta và thành một con chó săn của bọn đế quốc.
Cứ thế tôi đọc.
Một vài khẩu hiệu được hô lên, trong khi đó tôi liếc mắt nhìn Diệp Thu. Cô thở mạnh như thể muốn ngã. Tôi đứng im, lạnh sống lưng. Tôi cố rời mắt khỏi Diệp Thu, nhưng cô bám chặt lấy. Tôi kinh hoàng khi thấy cô trừng trừng nhìn tôi bằng đôi mắt trần không kính. Đôi mắt cô trông như hai quả bóng bàn bắn ra từ hai hốc mắt.
Quần chúng hô:
- Thú tội, thú tội đi!
Diệp Thu bắt đầu chậm dãi nói với quần chúng bằng một giọng khản đặc. Cô nói cô không bao giờ muốn biến học trò nào của cô trở thành kẻ thù của đất nước. Cô bật khóc.
- Sao tôi lại như vậy được?
Cô nhắc đi nhắc lại câu hỏi đó. Cô lại mất tiếng. Cô hất đầu, cô nói ra lời, nhưng không thành tiếng. Cô lại hất đầu, cố hết sức để tiếng nói phát ra. Cô nói cha cô yêu đất nước này, và đó là lý do để cô về nước dạy học. Cả cha cô và cô đều tin tưởng vào giáo dục.
- Gián điệp ư? Em đang nói cái gì vậy? Em lấy đâu ra cái ý nghĩ ấy?
Cô nhìn tôi.
- Nếu kẻ thù không đầu hàng, chúng ta sẽ luộc sống nó, nướng nó, thiêu chín nó - Bí thư Xích hô to.
Quần chúng tiếp tục hô vang và vung nắm đấm. Bí thư Xích ra hiệu cho tôi tiếp tục, nhưng tôi run quá không nói tiếp được. Từ phía sau bục, bí thư Xích bước tới giằng lấy micrô nói với quần chúng:
- Đây là màn kịch sống của kẻ thù giai cấp. Nó cho chúng ta cơ hội thấy được kẻ thù có thể lừa bịp đến đâu. Chúng ta có cho phép mụ tiếp tục như thế hay không?
Quần chúng hô vang:
- Không!
Bí thư Xích ra lệnh cho Diệp Thu câm miệng và tiếp nhận phê bình của quần chúng với thái độ đúng đắn. Diệp Thu nói cô không thể tiếp nhận bất cứ sự việc nào không trung thực. Diệp Thu nói rằng một cô gái trẻ như tôi không thể bị lợi dụng cho một ý đồ xấu xa.
- Mi đánh giá thấp ý thức chính trị của Tiểu Hồng vệ binh chúng ta!
Bí thư Xích nói trong tiếng cười khinh thị. Diệp Thu yêu cầu được nói với tôi, bí thư Xích bảo:
- Cứ việc nói!
Ông nói ông là một người quán triệt duy vật biện chứng, ông không bao giờ đánh giá thấp vai trò của các giáo viên bởi tấm gương tiêu cực.
Quần chúng lắng xuống. Diệp Thu lồm cồm tìm kính trên mặt sàn. Đeo kính vào rồi, cô bắt đầu hỏi tôi. Tôi hoang mang. Tôi không trông đợi cô sẽ nói với tôi tử tế đến vậy. Nỗi kinh hoàng của tôi trở thành rồ dại. Tôi muốn bỏ đi. Tôi nói:
- Sao bà dám đặt tôi vòa tình trạng bị tra hỏi như một tên phản động? Thời gian qua, bà đã lợi dụng tôi phục vụ cho bọn đế quốc, giờ bà lại muốn lợi dụng tôi để trốn khỏi bị phê phán. Sẽ là nỗi nhục nếu tôi chịu thua bà!
Diệp Thu gọi tên tôi và hỏi tôi liệu tôi có thực sự tin cô là kẻ thù của đất nước hay không? Nếu tôi không tin, tôi có thể cho cô hay ai đã ép tôi nói như vậy. Cô muốn biết sự thật. Cô nói Mao chủ tịch luôn thích những thiếu niên chứng tỏ sự chân thực của mình. Cô hỏi tôi với một giọng như đã từng giúp tôi làm những bài tập về nhà. Đôi mắt cô yêu cầu tôi tập trung vào những điểm đó. Tôi không chịu nổi khi nhìn mắt cô. Chúng đã từng nhìn tôi khi sự thần diệu của toán học được cắt nghĩa. Chúng đã từng nhìn tôi khi truyện Nàng tiên cá xinh đẹp được kể cho tôi nghe. Khi tôi đoạt giải nhất thi tính bằng bàn tính, đôi mắt ấy đã nhìn tôi với niềm vui. Khi tôi ốm, đôi mắt ấy đã nhìn tôi trìu mến yêu thương. Tôi không nhận ra chân giá trị của tất cả những gì có ý nghĩa với tôi cho tới khi tôi mất nó vĩnh viễn vào cái ngày mít-tinh ấy.
Tôi nghe thấy mọi người quát tôi. Tôi cảm thấy đầu mình như một bình trà đang sôi. Đôi mắt cô Diệp Thu sau tròng kính lúc này giống như hai nòng súng đang nhả đạn vào tôi.
- Hãy chân thực!
Giọng khàn của cô dâng tới cao độ. Tôi quay về phía bí thư Xích. Ông gật đầu với tôi như thể nói: Em định chịu thua kẻ thù ư? Ông mỉm cười khinh thị nói:
- Hãy nghĩ tới con rắn độc.
Phải, con rắn độc. Tôi nhớ rồi. Đó là câu chuyện ông Mao kể trong cuốn sách của ông. Chuyện vào một ngày tuyết rơi, một nông dân thấy một con rắn nằm chết cóng trên đường mình đi. Con rắn có bộ da đẹp tuyệt vời ông ta chưa từng nhìn thấy. Ông thấy tiếc và quyết định cứu nó. Ông nhặt nó lên và luồn trong áo khoác lấy hơi ấm của mình sưởi ấm cho nó. Chợt nó tỉnh lại và thấy đói. Nó cắn người cứu nó. Người nông dân chết. Chủ tịch chỉ rõ, bí thư Xích nói khi kết thúc câu chuyện, đối với kẻ thù nhân dân phải tàn nhẫn, không thương xót.
Tôi quay lại bức chân dung ông Mao to ngang bức tường. Nó được dựng lên đằng sau sàn diễn. Đôi mắt chủ tịch long lên như hai đèn chiếu. Tôi nhớ nhiệm vụ của mình. Tôi phải chiến đấu chống lại bất kỳ ai dám đối nghịch với lời dạy của Chủ tịch Mao. Tiếng hô khẩu hiệu khích lệ tôi.
- Hãy thể hiện lập trường của mình!
Bí thư Xích đưa micrô cho tôi. Không hiểu vì sao tôi lại khóc. Tôi nghe thấy trong lòng mình tiếng tôi cầu cứu cha mẹ tôi, khi tôi cầm lấy micrô. Tôi nói:
- Bố ơi, mẹ ơi. Bố mẹ ở đâu?
Quần chúng vung nắm đấm giận dữ quát tôi:
- Xuống, xuống, xuống đi!
Tôi hoang mang vô cùng vì để mất lòng của bí thư Xích và hoang mang vì không thể tố cáo cô Diệp Thu.
Cuối cùng, tôi tập trung toàn lực từ cổ họng điên dại quát lên với cô Diệp Thu trong nước mắt:
- Phải, phải ,phải, tôi tim bà đã đầu độc tôi. Tôi tin bà đích thực là một kẻ thù. Những thủ đoạn bẩn thỉu của bà sẽ không còn hiệu lực đối với tôi nữa. Nếu bà dám ngoan cố dùng những thủ đoạn ấy với tôi nữa, tôi sẽ bịt miệng bà lại! Tôi sẽ dùng một chiếc kim khâu, khâu hai môi bà lại với nhau.
*
* *
Tôi không bao giờ được tha thứ, ngay cả tới vài chục năm sau, sau khi cách mạng qua đi. Đó là khi tôi cầu xin được tha thứ, tôi nghe thấy giọng nói khàn khàn thân quen nói với tôi: Tôi rất tiếc, tôi không nhớ cô. Tôi không bao giờ nghĩ tôi lại có một học sinh như cô.
Tại cuộc mít-tinh ấy, tôi học được nghĩa của từ "phản bội", cũng như từ "trừng phạt". Quả thực lúc đó tôi còn trẻ quá, tuy nhiên người ta không bao giờ được quá trẻ để huyênh hoang. Khi bố mẹ tôi được Hoa, San Hô, Vũ cho biết về cuộc mít-tinh ấy, bố mẹ tôi rụng rời. Ông bà nói tới chuyện từ bỏ tôi. Mẹ tôi nói:
- Mẹ cũng là cô giáo. Chẳng lẽ con thích học sinh của mẹ cũng làm với mẹ như thế ư?
Mẹ cấm cửa sáu ngày liền không cho tôi gặp. bà nói bà nhục nhã vì là mẹ của tôi.
Tôi viết những gì mẹ yêu cầu tôi một nghìn lần. Đó là lời dạy cũ từ thời Khổng Tử đã bị xem thường:
Kỷ sở bất dục, vật thị ư nhân (Điều mình không muốn, đừng làm với người khác). Mẹ yêu cầu tôi chép câu đấy ra giấy bằng bút lông. Bà nói:
- Mẹ muốn khắc sâu câu đó vào óc con. Con không là con của mẹ nữa nếu con không tuân theo lời dạy ấy.