Vua càn Long cùng với các đại thần hồi loan về Bắc Kinh. Loạn lạc vùng biên cảnh Tây Nam Tây Bắc đã dẹp xong, bể yên sóng lặng, thiên hạ thái bình. Vua Càn Long cùng Hương Phi ngày ngày yến tiệc nhảy múa ở trong cung, vô cùng thoải mái. Các đại thần cũng bình an vô sự, kinh sư yên ổn, phồn vinh.
Nay nói về Thuận Thiên, Phủ Doãn Lưu Quế, một hôm đang có mặt ở cung đường. Chợt nha vệ đến báo rằng: Ở Tuy An Đức thuộc phía Tây Thành, có vụ án chết người. Ngay lập tức Lưu Quế phái người đi điều tra. Chẳng mất bao nhiêu thời gian, người đi kiểm nghiệm xác chết đã về báo:
- Con xin bẩm lên quan Phủ Doãn rằng: Người chết là một thầy lang ở trong ngõ Tuy An Đức thuộc phía tây thành tên là Mạnh Bật Khoa, hơn năm mươi tuổi. Con đã xem xét kỷ: Tứ chi đều nguyên vẹn, ngũ thể không thương tổn, nhưng chết vì một nhát dao đâm vào ngực.
Cùng lúc đó, nha dịch cũng trình lên một chiếc ví đựng tiền, nói - Chiếc ví này là cậy từ trong tay người chết ra.
- Trình lên đây!
Lưu Quế cầm lấy chiếc ví, xem xét tỉ mỉ một lát, rồi nói:
- Chiếc ví thường là vật trao duyên, định tình, mà lại bị giết chết tàn bạo như thế, xem ra trong vụ án này tất phải có chuyện tình ái gian dâm. Nhưng anh có biết cái ví tiền này là của ai không?
Người nơi xảy ra vụ án nghĩ một lát rồi nói:
- Bẩm quan lớn, con không biết, chiếc ví thêu này, tất là phải do tay đàn bà con gái thêu ra. Mạnh Bật Khoa có một cô con gái, tên là Văn Nương. Quan lớn cho gọi cô ta tới đây, cứ hỏi một cái là biết ngay.
Phủ Doãn Lưu Quế liền nói:
- Văn Nương hiện ở đâu?
Nha dịch đáp:
- Hiện đã cho đưa về đây, đang chờ hầu ở bên ngoài.
Lưu Quế bèn đập miếng gỗ lệnh, phán:
- Cho dẫn vào.
Do cái chết quá thê thảm của cha nên Văn Nương đã khóc lóc đến chết đi sống lại nhiều lần, cổ đã khản đặc lại khuôn mặt bé nhỏ cũng bệch bạc ra, hầu như không còn một tia máu nào nữa, đôi mắt cũng khóc đến sưng húp híp.
Văn Nương bị dẫn lên cung đường, vừa sợ vừa hãi, lại vừa đau khổ vừa bi thương, may mà mình được bà Tiết người hàng xóm tốt bụng đi kèm đưa vào cung đường, cả hai người run rẩy ngẩn ngơ quỳ xuống đó. Đầu cúi gằm, và cũng không biết làm thế nào cho phải.
Thuận Thiên Phủ Doãn khi thấy đã dẫn Văn Nuơng tới, bèn nghiêm giọng quát:
- Ngẩng đầu lên!
Ván Nương giật thót mình, ngơ ngác, ngẩng lên. Thuận Thiên Phủ Doãn nhìn cô, sau đó mới cầm chiếc ví thêu lên hỏi:
- Chiếc ví này có phải của mi không?
Văn Nương vừa nhìn chiếc ví, đã chợt rụng rời, tự hỏi trong lòng - "Chiếc ví? Đó, đó đúng là của mình! Mình,hôm đó... Thế này là thế nào nhỉ?"
Quan Phủ Doãn nhận ra sự bàng hoàng, bối rối của Văn Nương, thấy vui hẳn lên, cười ha ha, rồi lại hỏi:
- Văn Nương, chiếc ví thêu này của mi, mi đã đem tặng cho ai. . . Hử?
Những tên nha dịch đứng trực xung quanh cùng đồng thanh quát:
- Nói!
Nhưng đôi mắt Văn Nương ngây dại, không nói một lời.
Quan Phủ Doãn bừng bừng giận dữ:
- Giỏi cho con Văn Nương này to gan, dám không nói vì không sợ chết, thật là độc ác đến cùng cực rồi. Bay đâu - Tra khảo cho ta!
Bọn nha dịch lại cùng “dạ” ran, xô vào đấm đá. Bà Tiết vội vã chạy lên, quỳ xuống trước cung đường, sau đó nói:
- Xin quan lớn bớt giận.
Quan Phủ Doãn phẩy tay với bọn nha dịch, bọn chúng đều lui ra.
Bà Tiết liền khuyên Văn Nương:
- Văn Nương, đừng có chỉ một mực khóc lóc như thế, quan lớn đã hỏi, thì con phải trả lời đi chứ! Đừng sợ và cũng đừng cuống, có điều gì, cứ nói hết cả ra... đi!
Văn Nương nhìn bà Tiết, lại nhìn quan Phủ Doãn, rồi cô cúi đầu xuống, suy nghĩ:
"Chiếc ví thêu này rõ ràng là Tống lang đã cầm đi làm tín vật, làm sao nó lại lọt được vào tay ông quan này? Lẽ nào Tống lang lại là hung thủ giết chết cha mình? Lẽ nào chính mình lại mang tới cái đại họa tử vong cho chính cha mình? Không...Không thể như thế được… Bụng cô nghĩ vậy, nhưng cô đã vô ý nói bật ra khỏi miệng.
Lưu Quế đập bàn:
- Còn không cái nỗi gì? Khai ra mau!
Bà Tiết kề bên, cũng khuyên cô nên nói mau ra. Văn Nương không hiểu đầu cuối ra sao, nhưng đã bị dồn vào cái cảnh này, không biết xoay trở ra sao, cô cắn chặt răng rồi buột miệng nói:
- Chiếc ví thêu là con tặng Tống…
Nói đến đây, cô lại ngừng lời. Hai tay quan phủ ôm lấy khuỷu tay, đặt trên bàn, nhô mình về phía trước hỏi:
- Tống gì? Sao còn không nói ra.
Văn Nương kinh sợ nói:
- Tống Hữu Bạch
Quan Phủ Doãn hỏi:
- Tống Hữu Bạch, người ở đâu?
Người ở bản địa đáp:
- Tú tài ở thành ta.
Quan Phủ Doãn quát:
- Bay đâu! Hãy tức tốc đi tróc nã, bắt ngay tên giết người Tống Hữu Bạch về nha phủ để xét xử!
Nhũng tên chuyên đi bắt người cùng "dạ" một tiếng rồi lập tức đi bắt người ngay.
Lúc này Văn Nương bắt đầu âm thầm hối hận, đáng ra mình chẳng nên nói tên Tống lang ra làm gì. Nhưng bây giờ còn có cách nào khác nữa? Nên cô vội vã bò thêm mấy bước, tới trước bàn quan Phủ Doãn, nói to:
- Bẩm quan lớn, chàng tú tài họ Tống đó, chẳng chẳng... tuyệt đối không thể là hung thủ được!
Quan Phủ Doãn lại đập bàn:
- Câm mồm! Mối thù giết cha không lo, lại còn bênh vục cho hung thủ nữa, xem ra mi cũng chẳng phải là một con người tử tế gì đâu. Đem giam vào ngục.
Bọn nha dịch lại đồng thanh dạ ran, lập tức lôi Vân Nương đi.
Sau khi Văn Nương đã bị lôi đi, Lưu Quế chộp ngay lấy bút viết giấy bắt người, hạ lệnh cho quân lính lập tức đi bắt ngay Tống Hữu Bạch về xét xử. Bọn nha dịch lập tức ra đi. Lưu Quế cần thẩm vấn Tống Hữu Bạch ngay.
***
Lại nói tới chuyện của Văn Nương và Tống Hữu Bạch, và phải bắt đầu từ chuyện của mấy ngày hôm trước. Hôm đó là một ngày nắng dịu, gió êm, ông Mạnh Bật Khoa, cha của Văn Nương đi chữa bệnh, trước khi ra đi, ông dặn Văn Nương đem cất tấm biển hiệu vẫn còn treo bên ngoài cửa đi để tránh có người đến hỏi han. Văn Nương vâng dạ, và Mạnh Bật Khoa liền ra đi.
Nhưng Văn Nương đang ngồi thêu thùa, lại đúng vào lúc tâm trí đang tập trung vào đường kim mũi chỉ, nên đã quên ngay việc đem cất tấm biển hiệu đi. Có một người đàn ông, tên là Tống Hữu Bạch, nhà ở cách đó không xa, lại đương lúc mẹ già ốm đau, bèn tìm đến nhà Mạnh Bật Khoa cắt thuốc. Nhìn thấy bên ngoài cửa có treo biển hiệu, nên bước vào trong cổng. Thấy một mảnh sân tuy không rộng lớn, nhung xếp đặt, bố trí rất có ngăn nắp.
Hôm ấy là một ngày trong xuân, trời xanh trong trẻo trong sân có một cây ngọc lan đang tỏa hương. Tống Hữu Bạch dừng chân đứng dưới gốc ngọc lan, tự nhiên thấy mình say đắm mùi hương, lẳng lặng rất lâu, chẳng nói năng gì .
Cô Văn Nương, tuổi vừa 17, dáng vẻ tuyệt vời, mày thanh mục tú. Cô đang bận việc thêu thùa, nghe thấy có tiếng bước chân ở sân, nên chạy ra xem ai. Tống Hữu Bạch nghe tiếng bước chân, ngẩng đầu lên nhìn, bốn mắt gặp nhau. Văn Nương thấy Tống Hữu Bạch là một thư sinh tuấn tú, đầy vẻ tài hoa, xem ra là một người có học và tấm lòng thiếu nữ chợt thấy xao xuyến, bồi hồi, cô giật mình, đúng sững nhìn Tống Hữu Bạch.
Tống Hữu Bạch cũng là một con người có đạo đức gia giáo rất nghiêm, biết lễ nghĩa thi thư, thuộc vào loại người đường hoàng. Thấy người đẹp nhìn mình, chàng bèn quay người lánh mặt, và nói:
- Tiểu sinh là Tống Hữu Bạch, đến đây cắt thuốc về cho mẫu thân, chẳng biết Mạnh tiên sinh có nhà không?
Văn Nương thấy Tống Hữu Bạch là một thư sinh đầy mình nho nhã, tình xuân trong người cũng thấy tràn ngập trái tim, nên cảm thấy khó xử. Nàng cúi đầu nói:
- Cha thiếp vừa đi chữa bệnh ở ngoài, phải đến chiều mới trở về.
Tống Hữu Bạch nghe xong, cúi đầu làm lễ, rồi nói:
- Như vậy thì tôi không dám làm phiền nữa.
Nói xong, quay người bước ra khỏi cổng.
Văn Nương nghĩ tới bệnh tình của mẹ người đàn ông chắc không thể để chậm trễ được, liền đuổi theo ra ngoài cổng, nói với Tống Hữu Bạch:
- Thưa công tử, nếu như bệnh cấp, xin mời đốn ngỏ Xa Khẩu chỗ gốc cây hòe già, nhà thứ hai ở bên trái tìm thầy lang Tề. ông là bạn của cha thiếp, y đạo cũng giỏi lắm. Nếu không cấp thiết lắm, thì độ một canh giờ nữa xin mời trở lại.
Tống Hữu Bạch dừng chân ngoảnh nhìn cô gái, thấy cô chu đáo như vậy, cũng vô cùng cảm động. Hai người như có cái gì đó không dứt ra được, đứng đăm đăm nhìn nhau một lát, rồi Tống Hữu Bạch mới quay người dời chân. Thấy Tống Hữu Bạch đã đi xa, Văn Nương mới thấy ngượng nghịu, cúi đầu, quay vào nhà.
Ở phía đối diện xế cửa nhà của Văn Nương, đúng lúc đó, có một người phụ nữ trẻ xuất hiện, đã nhìn thấy tận mắt và nghe thấy tận tai, câu chuyện trao đổi giữa hai người. Thế là mang theo luôn vật đang cầm trên tay, đi theo vào sân nhà Văn Nương.
Người phụ nữ trẻ tuổi này, tên là Lư Hồng Ngọc, là chị họ xa với Văn Nương, chồng mới chết, hiện đang sống góa bụa tại nhà. Bước vào trong sân chị ta liền gọi:
- Cô em của tôi ơi, khá là ân cần chu đáo đấy nhé!
Vừa nói lộc cộc bước vào nhà.
Văn Nương thấy Lư Hồng Ngọc bước vào, vội vàng đem giấu cái vật quê mùa của mình vào trong giỏ khâu.
Lư Hồng Ngọc nhanh mắt bèn hỏi:
- Cô em gái, giấu giấu giếm giếm cái gì vậy? Cho chị xem với nào.
Văn Nương, không cho xem, hai người xúm lại giằng co với nhau. Nhưng Lư Hồng Ngọc khỏe hơn và nhanh tay hơn, nên đã cướp được vật đó:
- Trời đất ơi? Cô em gái của chị ơi. Vật này có phải là để tặng cho người đàn ông ấy phải không đây?
Văn Nương xấu hổ, mặt đỏ như một áng mây chiều.
Lư Hồng Ngọc ôm chầm lấy Văn Nương, nói:
- Em gái ơi, thế là em mê say anh chàng họ Tống rồi phải không?
Văn Nương đâu có dám nói ra. Nhưng rồi cô chợt nghĩ khác, và hỏi:
- Chị ơi, làm sao chị lại biết anh Tống.
Lư Hồng Ngọc nghe vậy, chợt giật mình, nên ừ ào vài tiếng, rồi thuận miệng nói:
- Chàng là bạn thân của người anh họ chị, họ cùng ở trong hẻm phía Bắc trong ngõ tuy An Đức đấy mà.
Văn Nương tuổi còn ít, nên không thể nhận ra đó là nhũng lời nói dối của Lư Hồng Ngọc. Cô có biết đâu rằng trong đó còn có một ẩn tình không thể nói ra được.
Lư Hồng Ngọc nói tiếp:
- Theo chị ấy mà, hai người bọn em, một người tình, một người có ý, chị đã nhìn thấy rõ mười mươi rồi. Hai người bọn em cũng có thể tính được là trai tài gái sắc, cũng được coi như cái chỉ ông trời se. Chị em mình là chị em tốt với nhau, cái việc làm mối ấy, chị nhận cho.
Vừa nói Lư Hồng Ngọc vừa hẩy hẩy vào người Văn Nương.
Văn Nương chẳng cười, mà cũng chẳng đáp lời, một mực lắc đầu, chỉ nói:
- Không biết ông anh chị có chịu giúp cho không, và cũng chẳng biết anh Tống có chịu nhận lời cho không.
Lư Hồng Ngọc nhận thấy Văn Nương quả thực là có một mối chân tình, liền bảo:
- Em gái của chị ơi, theo chị ta nên làm như thế này này. Tối nay, chị đi tìm ông anh chị, van nài anh ấy đi nói chuyện với anh Tống hộ. Nếu quả mà anh Tống đồng cầu thân với em, hoặc như chàng không đồng ý câu chuyện nhân duyên này, thì ngay ngày mai chị sẽ trả lời cho em. Em thấy thế nào?
Văn Nương vẫn là cô bé ít tuổi, việc đời chưa trải, mới nghe chị Lư nói thế, cũng đồng ý ngay.
Cuối cùng, Lư Hồng Ngọc lại hẩy hẩy vào người Văn Nương, nói:
- Việc này, chị xin đảm bảo, lại không thành được sao.
Văn Nương thấy rằng, việc này cũng chỉ đành như thế. Hai người còn chuyện trò thêm một lúc lâu nữa, Văn Nương đem chiếc ví thêu ra thêu nốt mấy mũi chỉ nữa, thêu xong đưa cho Lư Hồng Ngọc xem. Cô Văn Nương ngây thơ, cứ tưởng Tống Hữu Bạch sẽ đến chạm ngõ nhà mình.
Lại nói việc Lư Hồng Ngọc đi thẳng về nhà, cơm tối xong, liền thu xếp nhà cửa thật gọn ghẽ. Lư Hồng ngọc thu dọn như thế để làm gì nhỉ? Nhưng thu dọn như thế, chẳng qua là chỉ để cùng với "ông anh" đêm nay cùng đánh bài, uống rượu, họ thường chơi đùa với nhau đến quá nửa đêm còn chưa đi ngủ .
Lại nói về người "anh họ" của chị ta, tên gọi là Tiết Bình Như. Thực ra họ chẳng hề có quan hệ ruột thịt máu mủ gì, gọi là anh họ cũng chẳng qua chỉ là để "che mắt" thiên hạ mà thôi. Bình thường, hai người, trước mặt mọi người, chẳng để lộ ra một chút sơ hở nào. Nhưng cứ đến đêm, Tiết Bình Như đã mò đến cửa nhà Lư Hồng Ngọc họ đã có ám hiệu với nhau, chỉ khe khẽ đập đập cái vòng cửa thôi. Còn Lư Hồng Ngọc, đã sớm chú ý lắng nghe rồi, chỉ nửa tiếng vòng đập cửa vang lên, đã vội nhảy chồm ra cửa, hé mở nửa cánh. Tiết Bình Như đã lẻn vào được trong nhà, hai người quấn tròn lại với nhau.
Hôm đó Lư Hồng Ngọc sớm đã tinh tươm chuẩn bị xong mọi thứ, sẵn sàng chờ Tiết Bình Như tới. Quả nhiên đã có tiếng gõ cửa, Lư Hồng Ngọc khoác áo xuống giường hé mở nửa cánh cửa, cho Tiết Bình Như lẻn vào. Hai người ôm nhau thành một.
Vì vậy có bài thơ rằng:
Chiều vàng nhớ, ngày trắng mong
Ngóng kẻ đa tình, sát nhân, không đến
Vì chàng vì chàng, mà chết hao mòn,
Thương thay, chăng gối cũng cô đơn.
Tối tối một mình, trước bàn trang điểm,
Màu xuân nhạt, chẳng tô thêm
Tóc rối, trâm nghiêng, thêm bối rối
Tình nồng thấp thỏm ngóng thâu đêm. Sau một giờ mây mưa hành lạc, nằm ôm nhau trò chuyện. Họ nói mãi, nói mãi, rồi nói tới chuyện, lúc ban ngày Lư Hồng Ngọc bắt gặp Văn Nương cùng Tống Hữu Bạch. Lư Hồng Ngọc đã nói lại tỷ mỷ mọi chuyện cho Tiết Bình Như nghe.
Sau khi nghe xong, Tiết Bình Như nói:
- Hay đấy!
Lư Hồng Ngọc nói:
- Em đã nói với Văn Nương rằng: Em có một người anh họ, mà chính là anh đấy, vốn là chỗ bạn thân của Tống công tử, để nhờ anh ấy đi mối lái hộ, bảo đảm đã nói là xong. Cái cô Văn Nương ấy, vẫn còn chẳng yên tâm, lại hỏi lại: "Liệu ông anh của chị có chịu đi giúp không?".
Tiết Bình Như vội hỏi:
- Em nói thế nào?
Lư Hồng Ngọc đáp:
- Em nói: "Chị xin bảo đảm!"
Lúc đó chừng như Tiết Bình Như không thích thú lắm, nói:
- Em có vẻ thích thú đấy, nhưng em chẳng cần biết xem anh có đồng ý hay không đã chứ?
Lư Hồng Ngọc bèn nói:
- Sao vậy. Sao hôm nay lại thích giở trò ra như thế?
Tiết Bình Như bèn giả vờ, trêu đùa, nói:
- Thế mà em cũng tưởng là thật à?
Hai người lại ôm riết lấy nhau. Tiết Bình Như vừa ôm chặt lấy Lư Hồng Ngọc, vừa thay đổi cách suy nghĩ của mình.
Lư Hồng Ngọc hỏi:
- Vậy là không phải anh không đồng ý chứ gì?
Tiết Bình Như nói:
- Em nói đi đâu vậy?
Lư Hồng Ngọc lại hỏi :
- Liệu Tống công tử có đồng ý không? Nếu nhỡ mà không đồng ý thì sao?
Tiết Bình Nhi đáp:
- Sao lại không đồng ý được cơ chứ? Chính Tống Hữu Bạch cũng đã từng nói với anh chuyện hỏi vợ rồi. Có điều là anh quên đi mất, với lại cũng chưa có đám nào gọi là thích hợp. Anh nói chuyện này với Tống Hữu Bạch, chắc là anh ta rất mừng.
Lư Hồng Ngọc vẫn nửa tin nửa ngờ, hỏi:
- Thật không?
Tiết Bình Như bèn nói:
- Chắc chắn đấy! Em cứ yên tâm đi!
Lư Hồng Ngọc lúc này mới đồng ý với hắn, hai người lại ôm nhau ngả xuống giường, Tiết Bình Như giả vờ như nói chuyện chơi, hỏi rõ mọi đường lối vào nhà Văn Nương.
Thực ra, khi Tiết Bình Như nghe Lư Hồng Ngọc nhờ hắn chuyện mối lái giúp Văn Nương, trong lòng hắn thấy ngứa ngáy khó chịu. Cho nên, sự tức giận của hắn chưa chắc đã là thật. Mà hắn đã nghĩ tới cô gái mới mười bẩy tuổi này từ lâu rồi. Có điều, một là vì, Văn Nương và Lư Hồng Ngọc cũng có quan hệ họ hàng với nhau, hai là vì sợ Lư Hồng Ngọc ghen tuông. Nay đã nghe Lư Hồng Ngọc nói thế, nên ngay lập tức trong lòng liền có một âm mưu.
Ngày hôm sau, khi thấy trời cũng đã tối, Văn Nương thu dẹp nhà cửa, rồi rửa ráy đi ngủ. Cha vẫn ngồi đọc sách dưới đèn. Cô chạy lên nhà trên vấn an cha rồi về phòng riêng đi nghỉ. Kể từ khi mẹ qua đời, hai cha con cô gần như không rời nhau nửa bước.
Khi canh hai đã qua đi. Ông Mạnh Bật Khoa cũng đã tắt đèn đi nghỉ. Chợt nghe có tiếng "bịch", rồi có một bóng người nhảy vào trong sân. ông Mạnh Bật Khoa cũng đã bị nặng tai, nên không nghe thấy gì. Nhưng Văn Nương đã nhổm ngay dậy, trong dạ thì run run sợ sợ, nên cũng không gấp gáp ra khỏi giường, mà chỉ nằm trong chăn lắng nghe.
Bóng người đó, lần mò đi về hướng phòng ngủ của Văn Nương. Đi đến bên cửa sổ, bèn nhè nhẹ gõ vào cửa sổ. Văn Nương sợ đến hết hồn. Bóng người đó cũng vẫn từ tốn, nhè nhẹ tiếp tục gõ cửa. Văn Nương thấy chẳng còn cách nào khác, liền lên tiếng hỏi:
- Ai?
Bóng đen đó đáp:
- Tiểu sinh là Tống Hữu Bạch, hôm nay xin đến bái kiến cô nương. Rất đội ơn tiểu thư đã có ý định gửi tặng chiếc ví thêu, trong lòng cũng lấy làm cảm động vô cùng. Xin tiểu thư mở cửa để nhận lấy của tiểu sinh một cái lễ này.
Văn Nương nghe nói là Tống Hữu Bạch nên cũng yên tâm được phần nào. Nhưng giữa nửa đêm, canh ba, khuya khoắt mà người lại nhảy tường mà vào trộm, trong lòng cũng thấy Tống Công tử thật là đáng trách. Song, cô vẫn khoác áo, xuống khỏi giường, đi đến bên cửa sổ, rồi người bên ngoài, kẻ bên trong cửa sổ, cách nhau mà nói chuyện.
- Đội ơn Tống công tử không chê thiếp là người hèn mọn, tiểu nữ cũng vô cùng quý mến công tử. Chỉ có điểm rằng, công tử đến đây vào giữa lúc này, tiểu nữ thấy thật không tiện. Nên xin mời công tử trở lại nhà, hôm khác tới thì hơn.
Tiếng bên ngoài đáp lại:
- Tiểu thư không biết đấy thôi, thực tế bệnh tình của mẫu thân tôi vô cùng nguy hiểm. Ban ngày không sao rời xa người được một bước. Cho đến tận lúc vừa mới đây, người mới chợp mắt đi được, tiểu sinh cũng mới được yên, nên vội vã chạy tới đây ngay, gấp gáp gặp mặt tiểu thư một chút. Tiểu thư đâu có biết, lòng dạ tiểu sinh giống như dầu sôi, lửa cháy, kể từ buổi tương kiến hôm qua, thực tế tiểu sinh đã nhớ thương đắm đuối mất rồi!
Văn Nương gấp gáp nói:
- Không tiện!
Tiếng bên ngoài lại nói:
- Tiểu thư thật là lượng trời cao cả, đã gửi gấm Lưu Hồng Ngọc nói cho tiểu sinh biết. Nếu tiểu thư không cho gặp mặt, thật đúng là tiểu thư đã giết chết tiểu sinh rồi.
Vừa nói vừa quỳ xuống bên ngoài cửa nghe một tiếng bịch.
Văn Nương vô cùng băn khoăn, bối rối, giữa nửa đêm khuya khoắt, làm gì có chuyện nam nữ gặp nhau, thêm nữa, nếu cha mà biết được chạy ra vặn hỏi, dù có muốn giải thích, thật cũng khó có đường mà giải thích nổi. Nhưng ở bên ngoài kia, Tống Hữu Bạch, bảo đi cũng dứt khoát không chịu đi.
Văn Nương không dám mở cửa, chỉ biết hết lời van xin, nhưng cũng đã thấy mềm lòng.
Lúc đó, bên ngoài lại có tiếng nói đau thương, thống thiết:
- Một khi tiểu thư đã không chịu mở cưa, cũng tức là tiểu thư không còn thèm ngó ngàng gì đến tiểu sinh nữa rồi. Nếu đã không đồng tình, nguyện ý cùng nhau, làm sao lại phải nhờ đến chị Lư nói giúp, làm sao lại bảo gửi tặng chiếc ví thêu?
Văn Nương nghe xong nhũng lời nói ấy, cũng thấy mũi mình cay cay, và nước mắt ứa ra.
Bên ngoài vẫn tiếp tục nói:
- Đã như vậy thì, quả thực kẻ tiểu sinh này vẫn đang còn một bà mẹ già trên giường bệnh cần chăm sóc, tiểu sinh xin cáo từ. Chỉ muốn xin tiểu thư một điều rằng: Xin tiểu thư hãy hé nửa cánh cửa ra, để tiểu thư nhận lấy một lễ này của kẻ tiểu sinh, để từ nay về sau, tiểu sinh không bao giờ dám bén mảng tới đây nữa.
Nói xong, Tống hữu Bạch bắt đầu khóc lóc thảm thiết.
Văn Nương cuối cùng vẫn là người ít tuổi mà nhân hậu, vừa mềm lòng lại vừa thương yêu Tống công tử. Rồi thì Tống Hữu Bạch vừa khóc lóc vừa van xin, nên những giọt nước mắt đã làm xiêu lòng người thiếu nữ. Bắt đầu còn nói là không tiện, sau không nói gì nữa, cuối cùng là sững người ra một lát, rồi mở cửa ra.
Cửa mới từ từ mở được nửa cánh, Văn Nương đã thấy bóng người đứng bên ngoài, còng lưng, cúi đầu vái chào một cái vái thật dài. Văn Nương đứng ngây tại đó, không động cựa gì, anh chàng Tống Hữu Bạch đó đã vội vã lao tới, quỳ xuống, ôm lấy chân Văn Nương, van xin.
Văn Nương đã ngã lòng, trong lòng nghĩ rằng, cũng đã là đem thân hứa hẹn với người. Còn anh chàng Tống Hữu Bạch kia cứ quấn riết lấy Văn Nương, và sự đòi hỏi tà tục của người đàn ông cũng đã bùng lên, Văn Nương vừa kinh hãi vừa khiếp sợ, Văn Nương không chịu nhưng làm sao chống đỡ nổi với sức lực đàn ông mạnh mẽ, khỏe mạnh, đè sấn cô xuống, khiến khắp người cô đau đớn vô cùng. Văn Nương thấy hối hận, đáng ra cũng chẳng nên quyến luyến một kẻ cuồng si như thế này, nhưng bây giò nghĩ lại thật chẳng còn có cách nào nữa. Lòng cô rối loạn bời bời.
Không ngờ rằng, người đàn ông kia đã xé rách cả áo khoác của Văn Nương, rồi với cánh tay thô lỗ, cùng với sức mạnh mẽ ghê gớm của mình, và bắt đầu cả gan, làm những hành động dâm tà. Thương thay cho cô Văn Nương lòng dạ rối bời, tâm thần mê muội, đã để cho người đàn ông kia chiếm đoạt. Cô thiếu nữ ngây thơ chỉ còn biết khóc, và đau khổ thấy mình đã mất đi sự tiết trinh. Cô thiếu nữ kia, làm sao có thể chống đỡ nổi sự điên cuồng của Tống Hữu Bạch, thể xác cô bị dày vò.
Có thơ rằng:
Măng ngọc nhú mầm, xinh đẹp khuôn trăng.
Chiếc ví con con, tàn tạ tấm thân.
Hoa vào chúm chím,
Hương tỏa ngát,
Giống như thoa phượng đến ân cần
Đã vội đón mời bằng thân ngà yểu điệu...
Nào đâu biết kẻ cuồng si, bẻ liễu,
Hoa rụng phấn rơi, tơi tả dưới chân. Lại nói Văn Nương bị Tống Hữu Bạch liều lĩnh, bậy bạ cưỡng đoạt mất tiết trinh, chỉ còn biết khóc ròng. Anh chàng Tống Hữu Bạch đó cũng hết lời dỗ dành, khuyên can. Nhà tối, Văn Nương định đi thắp đèn, người đàn ông đó đã hết lời ngăn cản, Văn Nương đành thôi không thắp đèn lên nữa. Hai người trò chuyện một lát, Văn Nương cũng chẳng thấy hợp chuyện. Nhưng sự việc đã đến thế rồi, cũng đành bấm bụng cho qua.
Lại một canh trôi qua, Văn Nương khuyên Tống Hữu Bạch hãy nên về nhà:
- Anh Tống, hôm khác lại tới, còn hôm nay cũng nên về thôi.
Nào ngờ cái tên Tống Hữu Bạch ấy, lại còn đòi hỏi cô thêm một lần nữa, Văn Nương không chống đỡ nổi, nên cũng đành mặc hắn.
Có bài thơ làm chứng:
Mây tình mưa ý, dạ còn vương,
Đắm sắc mê hoa, luống tiếc thương.
Dây chuyện thế gian từng đã thấy,
Nhành non hoa bẻ, cuống say hương.
Đợi cho lần hành lạc thứ hai đã xong, Văn Nương bèn rút chiếc ví mới thêu xong lúc ban ngày, nhét cho Tống Hữu Bạch. Anh chàng Tống Hữu Bạch cũng đợi cho đến khi xong lần hành lạc thứ hai, chân tay mới trở nên nhanh nhẹn, vơ vội lấy chiếc ví thêu, nhét vào trong áo, và nào còn thiết gì nghe nhũng chuyện thổ lộ, si tình của Văn Nương. Một lát sau, quần áo đã mặc xong, rồi hôn hít qua loa Văn Nương, mở cửa trong bóng tối, đầu không thèm ngoảnh lại, lại trèo tường mà ra.
Lại nói về Văn Nương, kể từ lúc Tống Hữu Bạch đã đi rồi, ngồi nghĩ ngợi rồi khóc, khóc lóc rồi lại nghi, càng nghĩ càng thấy ngậm ngùi. Cứ những tưởng Tống công tử là một đấng nhân tài, văn chương nho nhã, vậy mà không ngờ rằng, chỉ trong một đêm nay, lại giống như một kẻ cuồng bạo, hành vi vô cùng khiếm nhã, làm khổ cả hai người, nếu như, rồi đây cả cuộc đời mình, trên cỏi trần gian này, rơi vào tay một con người như thế, sẽ là bất hạnh biết bao nhiêu. Rồi cô lại hối hận rằng mình đã để cho kẻ cuồng bạo đó, được những hai lần đắc ý. Một niềm hối hận khắc xương ghi dạ. Cô khóc một mạch đến tận canh năm, rồi mới thiếp ngủ đi.
Khi tỉnh giấc vào sáng hôm sau, mặt trời cũng lên cao rồi. Người đau nhừ, mệt mỏi chẳng muốn ra khỏi giường nữa. Nhưng ông Mạnh Bật Khoa lại phải đi chữa bệnh, mà thấy con gái vẫn chưa dậy, bèn đứng trong sân nói:
- Văn Nương, cha đi đây, cha đóng cửa cẩn thận, nhưng con cũng nên dậy đi thôi!
Từ trong phòng riêng, Văn Nương vâng một tiếng đáp lời cha, ông Mạnh Bật Khoa liền ra đi. Văn Nương lại thiêm thiếp ngủ đi mất. Mãi cho đến tận gần trưa, cô mới trở dậy cô mặc xong quần áo, rồi ra đi tiểu, và cũng biết rằng ngoài sân chẳng có ai. Khi vừa đi tiểu xong, quay lại, thấy có người đập cửa, vội hỏi rằng ai?
- Chị đây, cô em ơi!
Đúng là tiếng nói của Lư Hồng Ngọc. Văn Nương chẳng muốn ra mở cửa, nhưng Lư Hồng Ngọc đâu có biết nguyên nhân, nỗi niềm, nên càng thúc giục mở cửa mau hơn.
Văn Nương cũng đành phải đi mở cửa. Lư Hồng Ngọc mới chợt nhìn thấy Văn Nương, đã rụng rời kinh ngạc.
Thấy đầu tóc Văn Nương rối bù, mặt mày nhợt nhạt, cặp mắt thất thần, đỏ dọc, sưng vù. Lư Hồng Ngọc túm vội lấy tay Văn Nương, ân cần hỏi:
- Em ốm đấy hả?
Ván Nương vốn định giấu giếm không nói, nhưng không ngờ nỗi đau lại từ trong ruột bùng ra, nên bật khóc thảm thiết. Vào trong nhà, sau khi nghe Văn Nương vừa khóc lóc vừa kể lể; Hồng Ngọc tức giận đến dựng ngược cả cặp lông mày lá liễu, đôi mắt hạnh trợn tròn, hai hàm răng trắng nghiến vào nhau kèn kẹt, rồi vung tay, đi tìm Tiết Bình Như, để đến chữi cho Tống Hữu Bạch một trận thật ra gì.
***
Lại nói về Thuận Thiên Phủ Doãn Lưu Quế, thấy bọn nha dịch, bay biến đi tróc nã Tống Hữu Bạch, bèn rời khỏi cung đường, vào phòng trong dùng trà, nghỉ ngơi.
Chỉ một lát sau, đã nghe thấy bên ngoài có tiếng ồn ào Biết rằng đã bắt được Tống Hữu Bạch, lập tức thăng đường .
Lưu Quế thăng đường, lập tức hỏi:
- Đã bắt được Tống Hữu Bạch về chưa?
Nha dịch đáp, đã bắt được, Lưu Quế nói:
- Dẫn vào!
Bọn nha dịch đẩy Tống Hữu Bạch vào trong cung đừơng.
Lưu Quế ngồi trên cung đường, nhìn từ xa, thấy Tống Hữu Bạch mặt trắng môi hồng, ngoài việc sợ hãi vì bị nha dịch bắt đi còn chưa định thần lại được, thì hoàn toàn là một văn nhân nho nhã. Vậy mà không ngờ lại làm ra cái việc cầm thú như thế này. Trong bụng nghĩ: Vụ án giết người này nhất định phải là chuyện tình ái gian dâm. Tiếp theo, Lưu Quế đập miếng gỗ lệnh lên bàn, sau đó quát:
- Tống Hữu Bạch, ngươi đã biết tội chưa?
Tống Hữu Bạch đứng giữa cung đường, bị bọn nha dịch bắt trói từ nhà, suốt dọc đường, chỉ một mực kêu oan. Đến công đường lại bị quan Phủ Doãn quát hỏi như thế, lại càng mông lung mờ mịt, nên nói:
- Kẻ tiểu nhân vô tội!
Nghe xong câu đó, ông quan Lưu Quế ấy bừng bừng nổi giận: nghĩ bụng: Nhìn dáng vẻ đúng là nho nhã yếu đuối thực, nhưng lại vô cùng giảo quyệt. Bèn cầm tấm thẻ lệnh giơ lên nói:
- Xem tuổi tác mày cũng còn trẻ, nhưng lại vô cùng giảo quyệt, bên ngoài đầy vẻ văn nho, nhưng trong lòng lại là lang sói. Mày đã gian dâm với Văn Nương, lại còn giết cha cô ta là ông Mạnh Bật Khoa nữa. Hai tội ác liền nhau, tội chết trên một thân mày, không dùng tới cực hình, mày sẽ không khai! Tả hữu đâu!
- Có!
Bọn nha dịch như hùm như sói quát thét.
- Đại hình chờ lệnh!
Nói xong, Lưu Quế ném ngay tấm thẻ lệnh xuống giữa cung đường.
Ngay lập tức bọn nha dịch lôi tuột Tống Hữu Bạch ra khỏi cung đường. Đánh cho Tống Hữu Bạch gào thét quằn quại, bật máu khắp người. Giội nước lạnh xong, lại kéo lên cung đường.
Lưu Quế lại hỏi:
- Tống Hữu Bạch, nhận tội chưa?
Tống Hữu Bạch như người sắp bị tắt thở, thều thào nói:
- Kẻ... tiểu... vô... vô...
Tống Hữu Bạch còn chưa nói hết, Lưu Quế lại ném tấm thẻ lệnh, và chỉ nói có một chữ:
- Đánh!
Bọn nha dịch lại kéo Tống Hữu Bạch xuống, và ở dưới ngục, lại bị khảo đả bằng côn kẹp, bằng hèo với đủ các ngón đòn. Khi thấy Tống Hữu Bạch đã bị ngất đi, chúng lại lấy nước lạnh giội lên người cho tỉnh lại, rồi lôi lên cung đường.
Lần này, Lưu Quế như hùm như sói nhìn thẳng vào Tống Hữu Bạch.
Tống Hữu Bạch khắp người đau đến không sao chịu đựng nổi, nên chẳng nói năng gì nữa. Rất lâu không thấy nói.
Lưu Quế tàn bạo, tra khảo.
Đến đây thực tình Tống Hữu Bạch không còn chịu đựng nổi sự tra tấn như thế nữa, nên khóc mà nói:
- Thưa quan lớn, con nhận, con nhận?
Lưu Quế hỏi:
- Mày nhận những tội gì?
Tống Hữu Bạch chẳng biết nhận tội gì, bèn nói:
- Đại nhân phán cho con tội gì, con xin nhận tội đó và xin chịu tội.
Nỗi tức giận của Lưu Quế chừng như xẹp xuống, nói nhỏ nhẹ hơn:
- Tống Hữu Bạch, ta phán cho người tội gì, ngươi nhận tội đó. Có nên ăn nói như thế không. Đầu còn xanh mà đã rắn mày rắn mặt. Không hay gì đâu!
Nói xong, cười nhạt mấy tiếng.
Lưu Quế lại từ tốn nói:
- Bản quan coi ác như thù. Ngươi và cái con Văn Nương kia, vốn đã chẳng trong sạch gì, Văn Nương tặng ngươi chiếc ví, rồi làm sao mà người chết Mạnh Bật Khoa lại nắm được nó trong tay. Trong này còn có ẩn tình, ta nghĩ nhà ngươi hiểu rõ việc đó hơn ta. Bất kể là ngươi khai cũng được, không nhận cũng chẳng sao: Chỉ riêng chiếc ví thêu này, đã là chứng cứ thép về tội ngươi giết người.
Tiếp theo với nét mặt hầm hầm, Lưu Quế ra lệnh:
- Cho hắn ký tên.
Đợi khi nha dịch cho Tống Hữu Bạch ký tên xong, đem trình lên.
Lưu Quế nhanh chóng sắp đặt kế hoạch rồi phán:
- Tống Hữu Bạch, giết chết Mạnh Bật Khoa, chứng cứ như núi, chờ tới sau mùa thu xử chém. Bãi đường!
Nói xong, bèn rời khỏi cung đường. Bọn nha dịch lôi Tống Hữu Bạch xuống, giam vào trong ngục.
Tống Hữu Bạch biết mình sẽ bị chết chém vào sau mùa thu, đã bật khóc rống lên.
***
Lại nói về gia đình Tống Hữu Bạch, khi nghe tin Tống Hữu Bạch mắc tội giết người, và sẽ bị xử chém vào sau mùa thu, thật chẳng khác nào sét nổ ngang tai giữa lúc trời trong, cả nhà ôm nhau mà khóc lóc. Bà mẹ Tống Hữu Bạch đang trên giường bệnh, cũng khóc đến chết đi, sống lại, cô em vừa phải xô vào cấp cứu mẹ già, vừa phải chịu đựng nỗi đau thương đến tuyệt vọng. Cậu em trai ngồi dưới hiên nhà, hai bàn tay nắm chặt, những giọt lệ cứ lăn tròn, rơi xuống.
Hàng xóm phố phường, nghe tin nhà họ Tống gặp đại nạn, đều kéo nhau tới hỏi thăm, an ủi. Hầu hết những người đó đều không tin rằng Tống Hữu Bạch lại có thể giết người. Hàng xóm phố phường đều nói:
- Phải lên Thuận Thiên phủ kêu oan. Đây đúng thực là tai bay vạ gió!
Hàng xóm bèn hỏi bà mẹ của Tống Hữu Bạch xem vụ án này xảy ra vào lúc nào.
Em gái của Tống Hữu Bạch đáp:
- Bảo rằng vào ngày 19 tháng 8.
Hàng xóm lại hỏi:
- Vậy thì cái ngày 19 đó, Tống Hữu Bạch ở đâu?
Bà mẹ đáp:
- Nửa đầu đêm, cháu chăm sóc tôi. Sau đó đến lượt con em nó, nhưng thấy tôi không làm sao, nên cháu cũng về phòng đi ngủ.
Hàng xóm lại hỏi:
- Khi ấy vào khoảng canh mấy?
Bà mẹ đáp:
- Chắc vào khoảng canh hai gì đó.
Hàng xóm hỏi xong và không nói năng gì nữa. Bởi vì, thi thể Mạnh Bật Khoa được phát hiện vào lúc sáng sớm. Ai dám đảm bảo rằng, sau canh hai, Tống Hữu Bạch lại không đi giết người nhà họ Mạnh?
Lại nói, em trai của Tống Hữu Bạch tuổi tuy còn nhỏ. Biết rằng anh trai mình bị mắc hàm oan, nhưng chẳng có được chứng cứ vô tội. Nên chỉ nghiến răng lại, không nói năng gì.
Ngày hôm sau, liền đi đến chỗ nghi môn của khu Tây Đan đông đúc, nhờ người viết dùm cho một lá đơn, cậu tự bỏ ra số bạc vụn mà cậu đã dành dụm được, trả cho người ta, rồi cầm đơn đi kêu oan.
Bọn nha dịch ở Thuận Thiên Phủ nghe có người đánh trống kêu oan, bèn chạy ra xem, chợt nhìn chỉ thấy một cậu bé con, nên vô cùng giận dữ, hỏi:
- Có việc gì?
Cậu bé đó, đầu đội đơn, quỳ trên mặt đất nói:
- Huynh trưởng của con là Tống Hữu Bạch, bị khép oan vào tội chết, xét sai, xử sai! Xin quan lớn đèn trời soi xét xử lại vụ án này.
Bọn nha dịch đâu có nghe lọt tai những lời như thế, bèn lấy gậy ra đánh đuổi. Cậu bé buổi trưa vẫn còn chưa được ăn uống gì, càng nghĩ càng thấy oan uổng, đã không kêu được oan, lại còn bị một trận đánh đau. Nhưng cậu dằn lòng liều lĩnh, buổi chiều lại đi kêu oan một lần nữa.
Bọn nha dịch lại nghe thấy có người kêu oan, chạy cả ra xem lại là cái thằng bé con đó, lại dọa nạt cậu. Nhưng chẳng ai ngờ cậu bé lại quyết tâm đến thế, mặc cho đánh đá cậu vẫn một mực kêu oan.
Bất đắc dĩ, bọn nha dịch đành vào trong bẩm báo. Phủ Doãn Lưu Quế vừa nghe rằng em trai của Tống Hữu Bạch đến kêu oan, nhưng chẳng có thêm dược chứng cứ mới gì, liền quát:
- Rõ ràng là những lời nhảm nhí, đến đây để lừa dối bản quan, cho bắt giam vào ngục.
***
Gia đình họ Tống suất ngày chẳng thấy cậu em đâu, nên vô cùng lo lắng. Cho đến sáng ngày hôm sau, vẫn chẳng thấy cậu trở về. Hàng xóm láng giềng bắt đầu bàn tán xôn xao.
Cuối cùng có một ông lão nhà ở bên kia sân, mọi người vẫn gọi là Già Lưu, đứng ra nói:
- Tôi thấy cả ngày hôm trước, cậu bé chẳng nói năng một câu nào, mà hình như cũng mang đầy u uất trong lòng. Tôi e ràng cậu bé đã tự chạy lên phủ nha kêu oan rồi cũng nên?
Mọi người nghe, đều thấy có lý, nên những người mau mắn nhiệt tình, bèn chạy lên phủ nha. Sau đó trở về nói:
- Không sai! Quan phủ Doãn nói rằng, toàn những lời nhảm nhí, lừa dối phủ nha, đã bị bắt giam vào trong ngục.
Tim mọi người đập "thình" một tiếng, rồi tất cả đều im lặng, nặng nề, trầm ngâm.
Lại là Già Lưu đứng ra nói:
- Các ông bà hàng xóm láng giềng này. Tôi đã được chứng kiến anh Tống Hữu Bạch lớn lên thành người, cho đến nay đã hai mươi mốt tuổi. Nếu bảo anh ta giết người, dù có phải chết, tôi cũng không tin được. Nên tôi quyết chí cái mạng già này. Cháu gái đâu!
Em gái Tống Hữu Bạch vội thưa lên!
Già Lưu nói:
- Bác đưa cháu đi kêu oan, trước hết bác cháu ta hãy đến đại đường Hình Bộ, nếu đại đường Hình Bộ không tiếp nhận, thì bác sẽ đưa cháu đi ngăn kiệu của một người.
Mọi người hỏi:
- Ai vậy?
Một ông quan thanh liêm của triều đình, Lưu đại nhân, Lưu Dung.
Tất cả mọi người đều bảo: phải.
*
Một hôm, Lưu Dung rời triều đình về nhà. Khi vừa rẽ vào ngõ Lư Thị (Chợ Lừa), Lưu Dung ngồi trong kiệu đã nghe thấy tiếng một người con gái kêu oan.
Tim Lưu Dung chợt đập "thình" một tiếng, bụng nghĩ: Lại lôi thôi phiền phức rồi đây.
Nghĩ rồi, nói vọng từ trong kiệu ra:
- Văn Thừa, hỏi xem có chuyện gì vậy.
Văn Thừa liền tiến lên hỏi han. Lưu Dung ngồi trong kiệu nghe tiếng cô con gái nói rất rõ ràng.
Lưu Dung bèn hỏi:
- Tại sao không tới đại đường Thuận Thiên phủ xin tái thẩm?
Cô gái trả lời:
- Đã đến kêu, nhưng người đến kêu oan đã bị bắt giam vào ngục.
Lưu Dung lại hỏi:
- Cô có chứng cứ rằng, huynh trưởng của cô vô tội không?
Cô gái đó nói:
- Trong án có ẩn tình, không thể nói rõ ra được!
Khi nghe xong lời nói đó, Lưu Dung bèn vén rèm kiệu. Ông nhìn thấy một cô gái quỳ trên đất bụi, và bên cạnh còn có một ông già.
Lưu Dung nhìn đi nhìn lại, rồi hạ rèm kiệu. Nói với Văn Thừa:
- Đưa về nhà rồi xét hỏi sau.
Văn Thừa đáp:
- Dạ!