Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lang Cuu Chien Binh

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 554 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: CanhNam 13 năm trước
Lang Cuu Chien Binh
Pham Ngoc Canh Nam

Lang Cuu Chien Binh
LÀNG CỰU CHIẾN BINH


Khi người cựu chiến binh già ngồi trên tảng đá nhìn ra biển thì bọn trẻ con bất chợt đi qua. Chúng ném đá chòng ghẹo ông già . Lúc bấy giờ, chiến tranh kết thúc đã lâu và người ta không hề biết rằng đã từng có một thời như thế. Tuy vậy trong lòng lũ trẻ vẫn ẩn nấp một nổi bất bình sâu kín về thời đại của chúng. Người cựu chiến binh nhìn lũ trẻ và cười, không sao nhớ lại được thời thơ ấu của mình. Mặt ông xám ngắt, xù xì như vỏ cây cổ thụ, được tạc vào đám râu tóc rậm rạp trắng phau. Bộ đồ chiến binh lâu ngày tẩm dày những vết máu đỏ đen loang lổ khắp trên nền vải màu nước rửa thịt nhờ nhờ, trông thật kinh dị. Cách trang phục ấy khiến bọn trẻ nổi giận. Chúng nấp sau các mô đá, luồn lách tiến tới tấn công người cựu chiến binh. Những hòn cuội tới tấp bay đến.

Ông già vụt đứng dậy, sừng sững to lớn, khiến bọn trẻ hoảng sợ chạy tản về nhà, im thin thít mà lòng vẫn thấy vô cùng ấm ức. Người cựu chiến binh già đứng quay lưng lại biển, bên tai còn vẳng nghe tiếng gươm giáo sát phạt, tiếng la hét của bầy người. Bốn nghìn năm đã trôi qua. Nỗi buồn dai dẳng thổi qua mặt ông làm gợn lên những lăn tăn day dứt. Ông lê bước đi vào làng.

Một rẻo đất mỏng manh bị biển ép sát vào chân núi. Ngôi làng tồn tại với hồi ức kinh hoàng của kẻ bị dồn đuổi đến tận cùng. Những đoàn tàu cao tốc dằng dặc xuyên thế kỷ ngày đêm nối tiếp nhau chạy qua trên tuyến đường ray phía sau làng đã nhận chìm nó vào tận đáy sâu thẳm của quá khứ. Ngôi làng ngủ quên bên lề thời gian, nhưng lại thao thức mãi trong một không gian siêu thực đầy dự cảm về số phận. Nó dựa lưng vào núi, chong mắt nhìn ra biển. Bốn nghìn năm như những hạt cát chảy qua kẽ bàn tay. Sau lưng là núi, trước mặt là biển.

“ Trời chập choạng. Bóng tối từ Thái Bình Dương kéo vào chụp xuống bầy người đang tan tác.

-Đây không còn chỗ nào để đi nữa! Ta phải chọn nơi nầy thôi! Sống cũng đây mà chết cũng đây! Lời thủ lĩnh vang lên cho cả bộ tộc cùng nghe. Rồi ông chĩa ngọn giáo ra biển nói tiếp -Đất hứa sẽ chờ ta ngoài kia!

Nhiều sông lớn từ khắp lục địa chảy qua dưới chân họ để ra biển. Nó chở theo nhiều phù sa và máu. Phù sa đỏ tiết. Trong cuộc chiến đấu triền miên để sống còn, thủ lĩnh đã đưa bộ tộc mình vượt qua nhiều sông lớn , nhiều núi cao chạy đến chỗ tận cùng của đất này. Người,ngựa kiệt quệ. Mồ hôi đầm đìa với máu. Những cơn sóng giận dữ chồm lên tát vào mặt. Núi huých vào lưng. Thủ lĩnh nhăn tít vầng trán nghí ngợi: “ Ta còn biết đi đâu!”

Quân thù đuổi theo bên gót. Gươm giáo sáng quắc xé toạc màng không. Tiếng hò reo tanh lợm đến tận hồn. Trống khua inh ỏi. Ngựa chiến hý vang. Không gian thời gian đọng lại một niềm cô đơn lạnh toát. Cả bộ tộc nhớn nhác vây quanh ông:
-Thủ lĩnh! Chúng ta ngửa cổ chịu chết sao?- Đám đông hò lên.
Thủ lĩnh vẫn nhăn tít vầng trán. Ông biết dân tộc ông anh hùng. Dân tộc ông thà chết chứ không chịu nô lệ. Nhưng đây là tình thế diệt vong. Lịch sử trao vào tay ông sứ mệnh nghiêm khắc: “ Phải bảo tồn nòi giống!” Bây giờ kéo tất cả vào con đường độc đạo kia quyết một trận sống mái cuối cùng. Thật anh hùng! Nhưng bộ tộc sẽ bị tiêu diệt. Trong bóng tối , bầy kênh kênh vẫn lượn quanh trên đầu , ré lên từng tràng thảm thiết. Thủ lĩnh vẫn ngồi bất động trên lưng ngựa, nhìn khắp một lượt những ai còn sống sót. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Tất cả rách rưới, đói khát đầy thương tích. Tất cả, sợ hãi, tuyệt vọng, căm thù, say máu? Ông biết rằng đám người trước mặt ông là một khối mâu thuẫn khổng lồ. Ai cũng muốn chiến đấu một trận cuối cùng để chết. Nhưng động cơ họ khác nhau. Người tuyệt vọng, kẻ sợ hãi , kẻ khác vì say máu căm thù, thậm chí hám danh. Đó không phải là khối đoàn kết thật sự. Đó là mầm mống diệt vong”

Khi đồng hồ trỗi lên khúc nhạc giờ thứ hai mươi bốn thì Tường nhổm dậy.
-Này! Này! Dậy đi!- Anh lay vai vợ- Có ai đang đi ngoài đường đấy!
-Đừng anh! Điềm gỡ đấy! Ngủ đi! Ngủ đi! – Liên choàng tay qua cổ chồng kéo anh phải nằm xuống. Từ lúc vào giường, nàng đã ba lần nghe tiếng chân nặng nề lê qua trước ngõ nhà mình. Bước chân thậm thịch làm thức dậy những buồn vui bồn chồn khắc khỏai của một thời đã qua.
-Mấy giờ rồi anh?- Nàng hỏi.
-Giò thứ hai mươi bốn!- Tường đáp, rồi bỗng thấy băn khoăn – Chưa đến một giờ! Anh tiếp.
-Có phải chúng ta đang ở điểm không giờ không?- Nàng hỏi rồi bỗng muốn lên cơn hen. Không ai trả lời.
-Ông ta đã trở về- Nàng nói tiếp.
-Ai?
-Người vừa đi qua nhà mình đấy! Khi chiều, em thấy ông ta ngoài bãi biển. Em cảm nhận ngay được điều gì đó như là máu thịt của mình, mà mình đã quên . Nhưng điều ấy kinh khủng quá!
-Em lại nằm mơ rồi!
-Phải! Giấc ngủ của em đầy mộng mị! Em mơ thấy một bộ tộc bị kẻ thù dồn sát vào chân núi. Chỉ có một con đường độc đạo, nhưng đường ấy dẫn đến cái chết. Còn trước mặt là biển cả mênh mông.
-Đó chỉ là giấc mơ!
-Em không biết! Đôi khi đó là sự mách bảo của hiện thực.

Ngoài đường, tiếng chân đang xa dần. Nhưng mỗi khi người cựu chiến binh già đi ngang qua một nhà nào, thì đồng hồ trong nhà lại trỗi lên khúc nhạc giờ thứ hai mươi bốn. Người ta thức dậy, bồn chồn lắng nghe , cảm giác nao nao kỳ lạ. Không ai ngủ lại được. Họ chợt nhận ra một điều gì đó canh cánh bên lòng mà lâu nay không hề biết. Từng bước chân nặng chịch rơi thỏm vào tâm thức họ, dư âm vang dội đến mấy tầng vực thẳm- thậm thịch, đều đặn một cách kiên định như quả lắc đồng hồ gõ vào mặt thời gian.

Tường với tay bật đèn, nhảy bổ đến chỗ cái đồng hồ. Kim đồng hồ vẫn chạy, quả lắc vẫn đu đưa, nhưng thời gian không hề nhích lên. Anh giơ hai tay lên trời, thấy rõ sự bất lực vĩnh cửu của mình.

-“ Thủ lĩnh! Chúng ta ngửa cổ chịu chết sao?- Đám đông lại hò lên. Thủ lĩnh nhảy phắt từ lưng ngựa xuống , quăng ngọn giáo ra xa. Ánh thép loé lên như vệt sao băng. Một mũi tên của quân thù xẹt tới cắm phập dưới chân ông. Tình thế vô cùng cấp bách.
-Mang vật tổ đến cho ta! –Ông ra lệnh- Hôm nay ta sẽ phạm vào điều cấm của tổ tiên, vì sự sống còn của các ngươi. Các ngươi hãy nhớ lấy ! Kể từ nay cho mãi mãi về sau, các ngươi và con cháu các ngươi phải nhớ lấy. Cầu xin thiên tổ soi sáng cho các ngươi và truyền đời cho con cháu các ngươi. Nếu rạng ngày mai đây mà các ngươi còn nhớ…
Nói đoạn, thủ lĩnh vốc nước biển rửa mặt rồi mặc bộ lễ phục của bộ tộc vào; áo cánh chim, đội mũ lông chim, hai tay cầm dùi đồng kính cẩn đưa cao lên trời.
-Hãy nhớ lấy! –Ông hét to.

Tùng! Tùng! Tùng! Tiếng trống đồng vừa nổi lên, lập tức trên không trung sấm ran chớp giật, cát bay đá chạy mịt mù . Mặt đất cuộn lên như sóng gầm. Cuồng phong rú rít trên đầu. Cả bộ tộc đứng im phăng phắc, cảm nhận được sức mạnh của thiên tổ đang che chở họ”.

Liên vụt dậy, ngơ ngác ôm chặt lấy chồng.
-Anh nghe gì không?
-Không!
-Tiếng trống! – Nàng run rẩy, tái mét- Ông ta đang đánh vào trống đồng và sấm sét nổi lên.
-Em lại nằm mơ rồi!- Tường trấn an vợ, nhưng chính mình lại thấy bất an hơn bao giờ hết.
-Như là mơ mà không phải anh ạ! Kẻ thù đang hùng hổ tiến lên bỗng khựng lại, ngơ ngác như người mất hồn, không còn biết mình là ai. Chúng nháo nhào tháo chạy. Bộ tộc đã thoát chết rồi! Họ đang nhảy múa ca hát. Dường như ông ta có nói gì đó mà em không nhớ ra được. Có lẽ em sắp chết rồi!

Tường lấy cho vợ một viên thuốc an thần. Anh chẳng nghe gì ngoài tiếng thở hổn hển của biển . Đêm nào cũng thế, hơi thở của Thái bình Dương thổi qua quần đảo Macsan, Mahana, đảo Guam, Philippin khiến anh bồn chồn, rạo rực, nhiều khi cuống cuồng trong nỗi u uất truyền đời của rẻo đất nằm chông chênh trên ngọn sóng này. Đó là lúc tiếng còi tàu lôi anh ra khỏi những cơn thao thức triền miên của giấc ngủ. Đêm đối với anh chẳng khác gì một con đường đầy rẫy những ổ gà, và giấc ngủ của anh dằn xóc như chiếc xe trâu lăn đi trên đó. Những đòan tàu dằng dặc xuyên thế kỷ vẫn ngày đêm nối tiếp nhau chạy qua trên tuyến đường ray phía sau làng. Đôi lúc, người lái tàu xa lạ lại cảm thấy buồn chán sao đó, bèn hụ còi inh ỏi. Quả là tiếng còi của ông đã làm cho nhiều người mất ngủ. Nhưng đối với Trường, nó giải toả được cơn dằn xóc vật vã, mang lại một cảm giác vỗ về dễ chịu. Tiếng còi rúc lên nức nở, lao vùn vụt trong đêm tối, mở ra một cuộc hành trình vô tận của tâm thức về một sân ga xa xăm nào đó ở phía trước. Nhưng đêm nay yên tĩnh lạ lùng. Đêm nay dính chặt ở điểm kết thúc và điểm khởi đầu . Ngoài ngõ lại vang lên bước chân thậm thịch. Đồng hồ lại thư thả trỗi khúc nhạc giờ thứ hai mươi bốn. Tường ôm mặt, cảm thấy da diết nhớ tiếng còi tàu.

-Một sân ga tít mù nào đó ở phía trước! -Tường nói- Tại sao không phải là ở đây? Chúng ta cứ bị lướt qua bên cạnh như một bóng ma. Nhiều lúc anh nghe được trong làn gió đưa lại từ các toa tàu, âm nhạc réo rắt sực nức mùi hoa Tuy- líp.
-Thôi đi! Nó làm em đau nhức đến từng lóng xương và lên cơn hen đấy!
-Em dị ứng với hoa Tuy-líp? - Tường lo lắng- Vậy mà trước đây em không bao giờ nói với anh. Tất cả các triều đại huy hoàng đều đã sụp đổ vì do quá mẫn cảm.
-Em ghét hoa Tuy-líp! Em đã nhiều lần ngửi thấy mùi ấy từ các toa tàu. Em không bao giờ ra đấy!
-Em nên ngửi hoa Tuy-líp nhiều hơn! Đó là thử thách cuối cùng của chúng ta.
-Em biết mình sắp chết!
-Đừng nói nhảm! Em còn sống lâu, và thực tế chúng ta còn sống lâu.
-Em sẽ tin anh khi nào, em nhớ lại được điều ông ta đã nói. – Liên thở khó nhọc, nên giọng nói của nàng thành ra đứt quãng.
-Hay lắm ! Điều ấy sẽ giúp em giải được sự quá mẫn!
Tường rất hoang mang. Anh lấy bình thuốc phun bơm vào mồm Liên. Trước kia thì nàng cảm thấy dễ chịu ngay. Nhưng bây giờ Tường phải tăng liều gấp mười bốn lần để đạt được một sự thư giãn cho buồng phổi quá mẫn của nàng.
-Ở đâu trồng hoa Tuy-líp hở anh? – Liên hỏi khi đã thấy dễ thở .
-Hà Lan! Nó còn có tên là hoa Cựu chiến binh !
-Hay quá! Em thích cái tên nầy hơn- Liên thốt lên mừng rỡ. Nàng có vẽ phấn khích nói tiếp- Có lẽ trên tàu có nhiều người Hà Lan!
-Cả Châu Âu đềi chơi hoa Tuy Líp
-Thế trên tàu toàn người Âu Châu?
-Người Mỹ, Canada cũng thích hoa Tuy-Líp.
Liên lặng thinh nghĩ ngợi, hiện ra một nét đau đớn cô độc.
-Cả vùng Nam Mỹ, Úc và Châu Phi cũng rất thích hoa Tuy-Líp! -Tường chăm chú nhìn mặt vợ.
-Thế trên tàu ….A! Hoa Cựu Chiến Binh!- Nàng reo lên, sắc mặt đổi màu xanh đỏ liên tục- Anh nghe thấy không? Nhưng thực sự em chẳng hiểu hoa Tuy-Líp là cái gì cả. A!...
Nàng há mồm ra đớp đớp lấy không khí như con cá mắc cạn.

“Những bó đuốc được gom lại thành đống lửa cao. Bầy người kéo thành vòng tròn quanh đống lửa, hai chân khuỳnh khuỳnh lắc người theo điệu nhảy và cất tiếng hát. Bài hát hùng tráng và thê lương kể lại cuộc hành trình đẫm máu của bộ tộc. Âm điệu đều đều kể lể, lặp đi lặp lại như kinh cầu. Có lúc giọng hát vụt trỗi dậy thành cao trào sôi sục, diễn tả những trận đánh quyết tử, cảnh thịt nát xương tan. Họ quay cuồng nhảy tung người lên, ngửa mặt kêu rú. Tiếng hát của họ lọt thỏm vào đêm sâu tịch mịch. Rồi họ quỳ xuống nức nở bên đống lửa.

Cha Lạc Long Quân ở đâu?
Mẹ Âu Cơ ở đâu?
Vì sao có cuộc chia ly trên núi Đọ?
Chúng con biết làm gì bây giờ?
Chúng con khốn khổ
Chúng con đã mất một nửa
Chúng con không biết một nửa kia của mình ở đâu
Suốt đời chưa bao giờ được ngủ
Cả mười lăm bộ lạc đều tan tác
Kẻ thù hung hãn xuyên mũi giáo từ sau lưng chúng con
Kẻ thù đến từ phương nào?
Trên núi hay dưới biển?
Sau lưng là núi trước mặt là biển
Núi là mẹ biển là cha
Biết trông về phương nào?
Biết ngoảnh mặt về đâu?
Phương nào là kẻ thù
Cha Lạc Long Quân ở đâu?
Mẹ Âu Cơ ở đâu?
Vì sao có cuộc chia ly trên núi Đọ?
Chúng con suốt đời chưa bao giờ được ngủ
Suốt đời chỉ có một nửa
Suốt đời chỉ biết nhìn về một phía
Biển hay là núi
Mẹ hay là cha
Lòng chúng con trống rỗng
Vì sao có cuộc chia lý trên núi Đọ?....

Đêm càng sâu. Một vài người đã gà gật lăn ra ngủ, rồi tất cả đều lục tục ngã xuống tựa hồ như kiệt sức. Họ ngủ, giấc ngủ bào thai trong bụng mẹ. Đêm yên tĩnh. Đống lửa vẫn âm thầm cháy một cách ưu tư. Trên trời, những vì sao hiện ra lấp lánh. Bên cạnh họ, nơi vừa mới đây còn là mặt biển, giờ đã thành một vùng đầm lầy rộng hàng trăm dặm. Đất đã được nới rộng ra. Rừng sát mọc ken dày. Bầy ngựa đứng nép vào nhau thở phì phò, trố mắt nhìn những con cua xanh biếc, to bằng bàn tay, đang bò lổn ngổn khắp nơi. Thỉnh thoảng một con trong bầy lại khẽ cất tiếng hí vì sợ hãi.

Từ sau cánh rừng sát bạt ngàn, mặt trời ướt đẫm nhô lên. Mặt đất lấp lánh muôn vàn viên hồng ngọc. Bầy cua đang tha thẩn, chợt giật mình ùa chạy trốn vào trong đầm lầy. NHững con cá thòi lòi kiếm ăn trên ngọn cây, lao ào xuống nước. Bầy ngựa chờ qua đêm đang lục tục đứng lên,quay nhìn về phía mặt trời đồng thanh cất tiếng hý vang. Rừng cây uốn mình đứng thẳng tắp.

Bầy người thức dậy, ngơ ngác. Đống lửa đêm qua vẫn còn âm ỉ. Đây đó họ cất tiếng hú gọi nhau vang đến tận rừng sâu. Mãi khi mặt trời đứng bóng, toàn bộ tộc mới tập trung đầy đủ bên bờ sông. Dưới chân họ, dòng nước lặng lờ trong vắt thấy rõ từng đàn cá tung tăng. Ngay khi ấy, họ nhìn thấy một con chim khổng lồ đang phủ phục trên một mô đá. Đôi cánh dài sặc sỡ rủ xuống che kín mặt đất. Bị kích động bởi nổi sợ hãi truyền đời, họ nháo nhào chạy trốn vào các lùm cây, cặp mắt đỏ quạch lom lom nhìn về phía con chim. Họ nhìn nhau dò hỏi, rồi thấy không động tịnh gì, họ bước ra, lăm lăm ngọ giáo trên tay, thận trọng tiến tới. Họ bủa vây quanh con chim. Giờ phút này, ai cũng nghe đói cồn cào. Họ nóng nảy, nhộn nhạo, mặt mày láo liêng. Có người rít lên khe khẽ như không kìm lòng được. Một mũi giáo huých nhẹ vào con chim, nó rùng mình thu cặp cánh khổng lồ lại, rồi từ từ ngẩng đầu dậy. Cả bộ tộc kinh ngạc. Con chim có khuôn mặt người, hơn nữa, một mặt người rất già. Nó nằm trên, không phải mô đá , mà là một cái trống đồng . Nó có vẻ kiệt sức, không nhấc mình lên nổi. Cặp mắt như phát ra lửa nhìn khắp một lượt bầy người đang vây quanh, như muốn hỏi han một điều gì. Rồi nó cụp mắt xuống, vẻ buồn rầu cam chịu. Bầy người bỗng gầm lên, phóng giáo tua tủa vào mình con chim. Họ nhảy nhót, phát ra những tiếng kêu chí choé để biểu lộ sự vui mừng.Con chim quằn quại đau đớn rồi gục xuống tắt thở. Máu tuôn thành vũng dưới chân trống đồng. Bầy người lao vào, tranh nhau xé xác con mồi, nhai ngấu nghiến. Riêng cái đầu có mặt người, họ dùng đá đập nát, rồi quẳng xuống sông. Họ lấy lông chim cắm trên đầu làm đồ trang sức và cũng để tượng trưng cho chiến công đầu tiên của bộ tộc.

-Họ ăn thịt ông ta rồi! – Liên khóc nấc lên . Nàng vừa trải qua một cơn hen.
Một đám đông kinh khủng ùn ùn kéo nhau qua ngõ nhà họ. Người cựu chiến binh già hai tay bị trói quặt ra sau, đang bị xô đi phía trước. Bọn trẻ con lẳng nhẳng bám theo,huých cùi chõ vào lưng ông. Thỉnh thoảng chúng giả vờ ngã , đẩy ông té sấp xuống đường rồi ré lên cười. Đêm yên tĩnh bỗng vang dội những âm thanh tích tắc của quả lắc đồng hồ. Điều đó khiến đám đông bị kích động.

-Dẫn ông ta đến đồn công an đi!
-Ông là ai ? Ở đâu tới đây ?
-Lão già câm! Ha ha ! Lão già câm !

-Nó giả vờ đấy ! Kẻ gian đều như thế cả. Cứ cho vài gậy là nó phun ra hết.

Đám đông hò lên náo nhiệt. Một cái gì đó đã vỡ bùng ra. Họ cảm thấy vui vẻ dễ chịu. Vài mụ đàn bà sụt sịt khóc, nhưng khi thấy ông già té sóng sòai dưới đất, loay hoay ngộ nghĩnh như con đười ươi thì họ lại bật cười.

-Ngộ quá ta !- Họ vui vẻ hét lên- Làm nữa đi! – Làm nữa đi !
-Chắc nó là gián điệp, dẫn tới công an đi!

Nhưng không ai nghĩ tới chuyện đưa ông già đến công an. Họ đều thấy rằng như thế thì không vui. Đám bắt người trở thành đám rước vui nhộn thật sự. Có người còn cao hứng chạy về nhà mang rượu ra uống. Quán ăn mở cửa tất bật đón khách. Rồi những tiệm cà phê cũng bật đèn chơi nhạc. Ngôi làng bồng bềnh trôi nổi, nhiều lúc lộn nhào giữa những ngọn sóng ồn ào cuồng động. Một vài thanh niên bắt đầu dậm chân nhảy điệu Đá Gà, điệu Chọi trâu. Những ông bà già thì từng cặp quàng lưng nhau nhảy điệu Xàng xê, điệu Lý. Từng cặp trai gái lom khom nhảy điệu CÁ Lóc. Họ nhảy say sưa.

-Ngộ quá ta! Những mụ đàn bà lại hét lên vui vẻ- Làm nữa đi! Làm nữa đi!

Bây giờ cả làng đổ xô ra đi dự đám rước. Ai cũng thấy đây là ngày vui chưa từng có. Những khuôn mặt hừng hực kích động. Hàng quán chật ních người. Rượu được mang ra bán ngay lề đường. Mọi người đều uống. Tất cả đều uống. Bọn trẻ con mặt đỏ gấc, xưng xửng xô bừa vào đám đông mà đi. Bỗng một đứa giơ nắm tay lên:
-Hoan hô!
Mọi người giật mình, rồi bất giác hô theo:
-Hoan hô!
-Haon hô vui quá ta !- Thằng bé lại giơ nắm tay lên
-Hoan hô! – Đám đông lặp lại.
Bọn trẻ con ré lên cười
-Hoan hô con c. !- Chúng la to.
-Hoan hô ! Hoan hô ! Hoan hô!

Đám đông hò lên cuồng nhiệt. Cả cái khối người lúc nhúc ấy khật khưỡng tiến lên từng bước như một con quaí vật . Đêm thối ình lên đủ thứ mùi phóng đãng. Ngay khi ấy, tiếng còi tàu bật lên sắc lạnh như một nhát chém, rồi lao vun vút qua không gian thời gian vô tận, kéo theo cái đuôi dài lê thê nhức nhối ở phía sau.
Phạm Ngọc Cảnh Nam



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 210

Return to top