Chuyện tình yêu
Nguyên Hương
Giọng Huy thì thào: “Lan Anh”. Hai tay Huy quờ quạng về phía trước trong khi Lan Anh đang ở bên phải. Tay của Lan Anh nắm chặt vạt áo.
Một lần nữa, Huy gọi tên Lan Anh. Và Lan Anh: “Dạ”.
Tay Huy đột ngột giơ cao rồi như rơi xuống vai của Lan Anh. Lan Anh giật mình nín thở khiến bụng áo túm lại và khuôn ngực ưỡn ra, dáng đứng như nhướng cao lên chờ đợi. Vòng tay Huy xuôi xuống hông, chạm vào phần đẹp nhất của dáng người Lan Anh là vòng eo. Cô Gia Linh thấy nhẹ nhõm cả người. Đúng vậy, nhẹ nhõm và hài lòng.
Nếu Lan Anh có làn da trắng hồng và nếu Lan Anh có khuôn mặt công chúa thì những điều đó cũng là không. Nhưng với dáng người thì Huy có thể cảm nhận được toàn bộ nét đẹp của nó. Những ngón tay nổi gân xanh của Huy xoải ra gang quanh vòng eo như muốn đo xem nó thanh tú và cân đối đến nhường nào. Rồi Huy cầm tay Lan Anh đặt lên mặt của mình. Những ngón tay tái trắng dò lần trên khuôn mặt có hai gò má hóp của Huy, hai vành tai vểnh và những cọng tóc dựng lên sau gáy.
Huy giữ ngón tay Lan Anh lại giữa hai vành môi của mình. Rồi đôi môi Huy bắt đầu tìm đến khuôn mặt Lan Anh. Nhẹ nhàng chạm đến vầng trán. Nóng vội lướt xuống sống mũi, trượt qua gò má... Run rẩy, Lan Anh hé miệng, hai cái răng cửa thấp thoáng sáng trắng sau màu hồng của đôi môi căng mịn.
Môi Huy lần tìm giữa hương hoa ngào ngạt.
* * *
Chưa từng có tiền lệ nên hiệu trưởng rất bối rối. Mười năm, bao gian nan để biến từng phần của cái rẫy cà phê thành trường nuôi dạy các em khuyết tật, nay mới mở được vài lớp học nghề cho các em lớn với mục đích là những em này sẽ trở thành trụ cột cho những lứa sau.
Chăm sóc bọn trẻ từ nhỏ, quá hiểu nỗi khổ của khiếm khuyết, bà hiệu trưởng tốt bụng chỉ mong sao cho khi chúng lớn lên có được cái nghề để tự nuôi thân, bà quyết không để học trò của mình trở thành những kẻ ăn bám lòng từ thiện. Mong muốn duy nhất đó choán toàn bộ tâm trí và sức lực của hiệu trưởng, không còn chỗ cho điều nào khác.
Làm sao đây? Lần ngón trỏ đọc hết lá thư tình viết chữ nổi của Huy gửi cho Lan Anh, hiệu trưởng giật mình. Bà lục hồ sơ của hai đứa, tìm tờ phiếu trích ngang lý lịch, “Khi cần thiết, liên lạc số điện thoại...”. Bà phân vân thật lâu.
- Cô Gia Linh.
- Dạ?
- Chuyển thằng Huy từ lớp mátxa của thầy Tường qua lớp nhạc của cô nhé. Nó chơi đàn cũng được phải không?
- Dạ. Tôi từng đề nghị với phụ huynh của Huy cho em học nhạc nhưng họ thích nghề mátxa vì thực tế hơn. Tôi sợ họ sẽ phật ý khi thấy...
- Chỉ là để tạm tách hai đứa xa ra thôi mà.
- Tạm tách?
- Trước mắt là vậy. Thật sự tôi chưa biết nên làm thế nào. Nếu cô là tôi thì cô sẽ làm gì?
- ...
- Tôi giao Lan Anh cho thầy Tường, phần cô là thằng Huy. Cô hiểu ý tôi không?
- Dạ hiểu. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng có mặt tại trường.
- Buổi tối tôi sẽ nhờ bảo vệ canh chừng.
- Bà vừa hỏi nếu tôi là bà thì tôi sẽ làm gì.
- Cô sẽ làm gì?
- Tôi sẽ báo cha mẹ chúng biết ngay, còn hơn là để đến lúc quá sâu đậm.
- Tôi tiếc hai đứa đang học nghề dở dang. Một cái nghề với tụi nó là điều rất quan trọng. Cô đồng ý không?
- Quan trọng với bất kỳ ai.
* * *
Tiếng đàn của kẻ đang yêu hào hứng sôi nổi đến nỗi lớp nhạc rộn ràng hẳn lên. Ngọc Huệ, giọng ca số một của lớp nhạc, mấy hôm nay im bặt vì cảm cúm mà cũng tham gia hát hò vui vẻ dù sau mỗi bài hát là ôm ngực ho sù sụ, Huy phải day huyệt trị bệnh nhức đầu cho Ngọc Huệ. Ngọc Huệ hết lời ca ngợi phép chữa bệnh cúm bằng day huyệt khiến ai nấy đều kéo đến phòng mátxa lấy lý do tự nguyện làm người đau ốm cho học viên thực hành!
Mùa hoa cà phê là mùa cảm cúm, chứng bệnh có thuốc tiên cũng phải khật khù vài ngày. Mọi người chê thầy Tường sao không giỏi bằng Huy! Thầy Tường giơ hai tay lên trời và thấp giọng giải thích: “Ngón tay của kẻ đang yêu có điện cho nên...”.
Sức lan tỏa của tình yêu khiến không khí tươi mát những trêu chọc đùa nghịch. Cả cô Gia Linh, người biết rõ đoạn cuối của vở kịch, cũng có lúc bị lây lan không khí phấn chấn mà đâm ra mơ màng một kết thúc khác.
- Hứa hẹn một sự điều trị bệnh yêu không cần biện pháp thô bạo hả Gia Linh? - Thầy Tường nói.
Cô Gia Linh hỏi:
- Lan Anh thế nào?
- Mọi hôm xoa bóp cho một bà hơi nhiều xương là nó đã than thở mỏi tay quá rồi đòi đứa khác phải xoa bóp tay cho mình, bây giờ thì làm không biết mệt, quên cả giờ giấc.
- Chắc con bé tưởng thằng Huy qua đây tập đến lúc diễn văn nghệ xong sẽ về lớp mátxa lại.
- Tôi cũng muốn nghĩ vậy - thầy Tường đốt một điếu thuốc, phả khói xám xịt - Giá như nó đoán biết được chúng ta thật sự đang làm gì, và nó khóc lóc vùng vằng gây gổ. Đằng này ngược lại, nó đang cố gắng để chứng tỏ nó tốt đẹp hơn khi yêu. Mà quả là nó đẹp hơn, lúc nào cũng tươi tắn rạng rỡ. Tôi không chịu được ý nghĩ là mình đang lừa dối nó.
- Sắp xong rồi.
- Sắp xong cái gì?
- Hiệu trưởng nói tiện nhất là dịp tết bọn nhỏ về nhà, bà ấy sẽ báo cho gia đình của hai đứa biết rồi tùy họ quyết định.
- Nếu là cô, cô có cho con của mình tiếp tục trở lại trường không?
- ...
- Hả, Gia Linh? Cô trả lời đi.
- Không. Còn anh?
- Nếu con của tôi là con gái thì tôi cũng không.
- Con trai hay con gái trong trường hợp này là như nhau.
- Hãy đợi qua tết, cô sẽ thấy tôi nói đúng. Bao giờ trường mình nghỉ tết?
- Sáng ngày hai mươi sáu diễn văn nghệ xong là nghỉ luôn.
- Vậy chỉ còn vài ngày. Gia Linh, chúng ta có nên tặng cho hai đứa một món quà trước khi tụi nó chia tay vĩnh viễn không?
- Anh nói bằng giọng như sắp rủ tôi đi ăn trộm.
- Mối tình này có thể là niềm vui duy nhất trong cuộc đời của hai đứa nó.
- Ừ.
- Một cơ hội cho hai đứa gặp nhau, tôi muốn nói là gặp nhau đúng nghĩa tình nhân. Tất nhiên tôi và cô sẽ canh chừng không để xảy ra điều ân hận. Mẹ kiếp, có nên gọi đó là ân hận không? Cô hãy chọn một chỗ nào cho hai đứa suốt đời nhớ. Tôi muốn nói là có thể hình dung ra được chút chút.
- Đang mùa hoa cà phê.
- Đúng rồi, mùi hương.
* * *
Khi môi Huy chạm môi Lan Anh đang hé mở, cô Gia Linh định quay mặt đi nhưng vừa lúc đó cô nhìn thấy con kiến vàng bò lên chân Lan Anh.
Con kiến chui vào quai xăngđan rồi ló ra ở bên trên mu bàn chân. Nó bò chầm chậm, thong thả như đang bò trên một cành cây khô. Rồi chợt nhận ra sự chuyển động của bàn chân khi Lan Anh nhướng người lên, con kiến thay đổi thái độ, nó ngừng lại, hai con mắt màu vàng lửa man dại dụi xuống.
Cô Gia Linh trân trân nhìn những con kiến bò lên chân Huy và Lan Anh, thêm một con nữa, một con nữa... Cô giật mình, con kiến đuôi đen. Nó biến mất ở sau quai xăngđan rồi lổm ngổm hiện ra, bò lên cao hơn..., màu trắng xanh của làn da làm nổi bật cái đuôi đen nhổng lên.
Kiến đuôi đen mà cắn thì pho tượng cũng phải nhảy nhổm lên và phải uống thuốc hạ sốt.
Tiếng hét, hai thân hình buông ra và phủi giũ lia lịa, những cú nhảy khiến cành cây kêu răng rắc. Mấy con kiến nằm ngoài vùng bị phủi giũ vẫn tiếp tục bò lên cao.
* * *
Mọi người xì xào cái án kỷ luật dành cho cô Gia Linh và thầy Tường. Bà hiệu trưởng không nói gì, chỉ lẳng lặng mỗi khi chạm mặt hai người. Cái án treo lơ lửng đến ngày cuối năm thì hiệu trưởng gọi cô Gia Linh và thầy Tường lên văn phòng.
- Bọn trẻ sắp thêm một tuổi nữa - giọng bà như tiếng thở dài.
Cô Gia Linh “Dạ”.
- Chúng ta phải đối diện với một thực tế là rồi tụi nó sẽ có đứa giống thằng Huy và Lan Anh. Mà mình không thể ngăn cấm. Bằng cách này hay bằng cách khác.
Cô Gia Linh và thầy Tường đỏ mặt.
- Nhưng tự mình không bảo vệ được mình, không bắt nổi con kiến đang bò trên người mình thì làm sao mà tính chuyện xa xôi? - bà hiệu trưởng cao giọng.
Lặng im.
- Các vị có thương học trò của mình thì thương cho trót, có tạo điều kiện cho chúng được biết hương vị yêu đương thì cũng phải giải thích cho chúng hiểu rõ số kiếp của mình để mà... Các vị hiểu ý tôi không? - giọng giận dữ vụt xẹp xuống - Các vị cho tôi là gỗ đá sao?
Đúng như thầy Tường đoán, qua tết chỉ mình Huy trở lại trường. Tất nhiên Huy chưa biết điều gì đang chờ đợi mình. Sau tết, người nhập học trễ là chuyện bình thường.
Bữa ăn đầu năm có cà ri sườn chấm bánh mì. Khi đầu bếp thông báo bàn dành cho những đứa lớn được uống bia thay vì nước ngọt thì tiếng vỗ tay reo vang. Ngồi xen kẽ câm điếc và mù để đứa câm điếc gắp thức ăn cho đứa mù, và khi đứa mù nhè xương ra thì đứa câm điếc giúp hứng vào một cái chén.
Nhưng cụng ly thì mạnh ai nấy cụng. Những đứa mù giơ cao ly đón tiếng “cụp” dội lại. Huy cũng giơ cao cái ly bằng nhựa của mình, tiếng “cụp” dội lại làm ly bia chao đổ tràn ra tay. Huy mỉm cười, hai hốc mắt căng ra:
- Ai đó?
- Là anh Huy hả? - giọng Ngọc Huệ ríu rít.
* * *
Huy trở về lớp mátxa.
Học trò đã đến trường đông đủ trừ Lan Anh.
Thầy Tường nhìn theo Huy thơ thẩn đi ra cổng sáng sáng chiều chiều, hai tai vểnh lên nghe ngóng. Vết cắn của con kiến đuôi đen làm thành một cái sẹo sau gáy Huy.
Đến một ngày Huy không ra cổng nữa. Huy qua lớp nhạc của cô Gia Linh mượn đàn hát bài Nhớ. Ngọc Huệ thường kiếm cớ nhức đầu qua lớp thầy Tường nhờ Huy day huyệt. Rồi Huy dạy Ngọc Huệ day lại cho mình. Ngón tay Ngọc Huệ còn vụng về đụng phải cái sẹo:
- Anh bị sao vậy?
- Hồi nhỏ anh bị té.
Chuyện tình yêu muôn thuở giống nhau là tự dưng mình biết nói dối. Và giống nhau nữa là biết trước phải chia ly mình cũng không thể không yêu.