Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Mẹ La Vang Q. Trị Huế &Đức Giêsu là Chúa.

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1808 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: Thythoa 13 năm trước
Mẹ La Vang Q. Trị Huế &Đức Giêsu là Chúa.
Dynh Thy Thoa sưu tầm

Mẹ La Vang Q. Trị Huế &Đức Giêsu là Chúa.
PHẦN BẢY

ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG

I. NHỮNG ƠN LẠ ĐIỂN HÌNH XẢY RA Ở TIỀN BÁN THẾ KỶ XX

1. BÁT CANH, VÀY CỎ LA VANG[1]

Ở họ Kim Long, địa phận Huế, có chàng thanh niên tuổi mười bảy tên Luật, xuất thân con nhà đạo đức, gia cảnh đủ ăn, cha mẹ tuổi ngoại lục tuần, anh chị em đông nhưng mỗi người một phương. Luật là con út ở nhà với cha mẹ, ân cần khuya sớm.

Giữa năm Giáp Dần 1914, Luật đang khỏe mạnh bỗng lâm những chứng bệnh dị thường. Bắt đầu từ đau cúm, hết cúm đến chàm bàm (quai bị), hết chàm bàm đến đen lưỡi: “Lưỡi hóa đen thui tợ than bôi, nhám tợ da cóc, khô như miếng mực nang. Môi tím ngắt dường máu bầm. Thêm thay hỏa phát gần gan mà sinh nói dại như người sốt máu. Bạ chi nói nấy... Ăn thì chẳng đặng bao lăm mà không hề ngủ. Nó đòi rước cha cho nó xưng tội, song cha đến nó cứ nói tầm phào... như đứa điên dại.”

Cha mẹ Luật thương con không ngại tốn hao chạy đủ phương đủ hướng, đủ thầy đủ thuốc, nhưng tất cả - Nam y và Tây y - đều vô vọng. Cuối cùng ông bà thuê đò đưa con xuống nhà thương Huế. “Quan Năm thầy thuốc án mạch cùng chích thử vài huyệt để coi bèn chắc lưỡi lắc đầu đoán cho là nan chi bệnh. Bởi đó phải chở nó về nhà, việc sống thác phó mặc đấng cầm quyền sinh tử”.

Từ khi về nhà bệnh càng thêm nặng: “Nước miếng keo như mật thắng, trắng tợ xà bông. Mặt mày võ vàng, da thịt chai đá. Không biết sợ, nỏ biết đau. Đạp phản ầm ầm, đấm rầm độp độp mà kể như không. Nhiều lần loa đầu lõa máu mà cũng vui cười...” Để tránh nguy hiểm cha mẹ nó phải trói tay chân nó lại.

Ngày 09.01.1915, nhằm ngày 24.11 năm Giáp Dần, một đứa con trong gia đình đang học “ở trường Huế” về thăm nhà, lãnh ý cha mẹ vội vàng đi xe lửa ra La Vang khấn xin Đức Mẹ cứu giúp bệnh tình em trai. Khấn xong thầy ra vườn nhổ nắm cỏ rồi hối hả quay về cho kịp chuyến tàu vô, mong về nhà sớm cho em mau nhờ thuốc Mẹ.

Nghỉ một đêm, sáng ra đi lễ vừa về thầy đem nắm cỏ biểu em trai nhai sống ít vày, còn bao nhiêu đem nấu canh cho nó uống. Nội ngày ấy đã thấy dấu hiệu lành, cách ngày sau thấy khá hơn. Từ đó bệnh tình diễn biến càng lúc càng khả quan: “Lưỡi trắng ra lần hồi, da đỏ lại như trước, biết uống nước sau khi ăn, biết xét lời trước khi nói, hết nói nhảm, thôi làm chạ...”

Ước chừng một tháng qua, nhân dịp Tết, ngày mồng Một thấy nó rước lễ trong nhà thờ. Điệu bộ chững chàng, da dẻ hồng hào, mặt mày tươi tỉnh, bà con thân nhân, hàng xóm láng giềng ai cũng mừng, quả quyết đó là ơn lạ Đức Mẹ La Vang cứu chữa.

2. THUỐC LA VANG[2]

Nguyên năm 1913 là năm tổ chức Đại Hội La Vang lần thứ 5, giáo hữu đến tham dự đông đúc, trong đó có số giáo hữu tân tòng mới nhập đạo. Hai vợ chồng người lính Xitêphanô Xứng tuy mới chịu phép Rửa tội, đi La Vang lần đầu song thấy cuộc kiệu trọng thể và mọi người tỏ lòng sốt sắng thì cũng dốc tâm sùng bái Đức Mẹ. Vì vậy khi vừa mãn cuộc kiệu, cả hai vợ chồng cố chen lấn bứt cỏ, lặt lá trong vườn Đức Mẹ rồi xin cha làm phép đem về phòng khi bất trắc. Trong nhà có ai đau ốm thì vợ chồng lính Xứng cứ việc nấu lá cho uống, bình an vô sự.

Ngày kia, bà Bộ Chạng làng An Xuân, người lương, đau nặng đã bốn năm ngày, thuốc thang tốn kém cũng nhiều song vô hiệu. Vì có bà con họ hàng, vợ chồng lính Xứng qua lại thăm viếng. Trong cơn thất vọng, nghe lính Xứng có đi đạo, ông Bộ Chạng hỏi Xứng: “Anh có thuốc gì bên đạo cứu tôi với ?” Xứng thưa rằng: “Có! Có thứ lá tôi xin ngoài nhà thờ Đức Mẹ La Vang, nếu ông bằng lòng tôi sắc cho vợ ông uống. Thiên hạ nói nhà thờ ấy linh lắm.” Bộ Chạng đồng ý. Lính Xứng xăng xái về nhà lấy lá biểu Bộ Chạng sắc cho vợ uống. Bà Bộ Chạng uống liền mấy lần, sắc mặt hồng hào, trong mình khỏe khoắn. Uống thêm mấy bữa thì mạnh luôn.

Lần kia, đứa con ông trưởng hội giáo làng An Xuân đau cổ trướng, sình bụng, sôi bọt miếng nằm bất tỉnh, gia đình đã toan lo hậu sự. Xứng nghe thế qua thăm, nhằm lúc vợ chồng hội trưởng, cũng là tân tòng, đức tin chưa vững, bồng đứa nhỏ ra để nơi nhà thờ hội kẻo sợ ma quỉ hay ông bà về bắt. Xứng an ủi còn nước còn tát, xin phép ông bà cho cháu nhỏ uống nước lá La Vang, hòng xin ơn Mẹ cứu giúp. Trong cơn rối rắm, ừ, thì bảo sao nghe vậy. Lạ thật, nước lá uống đến đâu đứa nhỏ tỉnh ra đến đó. Nó mở mắt đòi bú. Nghe lạ, cả làng An Xuân đều đến xem, chứng kiến chuyện cải tử hoàn sinh.

Khi ơn lạ nầy được đăng báo thì bệnh nhi đã khỏe mạnh, nhân chứng còn sống cả. Cha Giuse Trang sẵn sàng làm chứng.

3. ĐÔI VỢ CHỒNG HIẾM MUỘN[3]

Họ Tùng Luật thuộc địa sở Di Loan trước đây có số gia đình Công giáo tương đối đông nhưng nay đã trở lại toàn lương, chỉ trừ hai vợ chồng son kia.

Hai ông bà kết hôn đã lâu, cuộc sống phu thê đầm ấm, vật chất dùng đủ, đạo hạnh hẳn hoi nhưng rủi chẳng có mụn con nào. Đã nửa đời người mà phải cảnh vợ chồng son. Tâm sự nhỏ to, bàn bạc trước sau, chỉ còn cách vào La Vang khấn Mẹ.

Bấy giờ là khoảng năm 1916, người chồng lãnh phận sự ra đi, vào đền thờ Mẹ cầu nguyện khấn xin rồi theo cách người ta thường làm quơ đại nắm cỏ mang về cho vợ uống. Chẳng bao lâu, người vợ thọ thai sinh được đứa con trai bụ bẫm. Cả nhà mừng vui tạ ơn Mẹ.

Song chẳng may, “cách ít lâu con trẻ ấy ngộ bệnh phát đau gần chết. Vợ chồng chạy đã hết hơi, nào là lá cỏ lá cây, nào là thuốc viên thuốc bột, người chỉ thầy nọ, kẻ vẽ thầy kia song đều vô ích”. Vợ chồng tính đã hết phương, nghĩ chỉ còn cách dâng con cho Đức Mẹ La Vang: “Con Đức Mẹ phú cho Đức Mẹ, sinh ra cũng nhờ Đức Mẹ, chết sống cũng trong tay Đức Mẹ.” Dâng con xong vợ chồng khấn xin: “Nếu Đức Mẹ thương thì cho con gặp thầy gặp thuốc.”

Thế rồi “có bà lạ kia đi bán vải tới nhà vào buổi trưa, nghỉ chân ăn trầu uống nước. Bà thấy con trẻ đau làm vậy thì đưa cho người chồng ít viên thuốc và dặn hãy cho cháu uống ắt thuyên bệnh, tôi đi bán vải quanh đây sẽ trở lại”. Người chồng theo lời dặn đem thuốc cho con uống thấy dấu hiệu khả quan, cho uống thêm vài viên thì tỉnh lại, đòi ăn. Vừa hết thuốc thì cháu bé vừa lành. Vợ chồng mừng rỡ, sực nhớ chạy tìm bà bán vải để tạ ơn song hỏi han khắp nơi chẳng ai biết tăm dạng. Hay bà này chính là người Đức Mẹ soi đàng chỉ lối đem thuốc đến cứu giúp con mình ? Hai vợ chồng cả nghĩ mà không có câu trả lời. Chỉ biết một điều con mình là con Đức Mẹ La Vang ban cho.

4. CHÚT CỎ VƯỜN MẸ[4]

Chúng tôi đi viếng Đức Mẹ lần nầy là vì cha Mathêu Đức, cha sở Hạnh Thông Tây, hạt Gia Định năm nay đã 58 tuổi, năm kia cha đau nặng, đau trong ruột, ăn uống không đặng, đau đã lâu năm lâu tháng, một ngày một yếu. Sau hết chẳng còn làm việc đặng, nằm luôn bốn tháng, bệnh một ngày một thêm. Khi thấy cha nằm thì coi như xác chết nằm đó mà chưa liệm. Chạy đủ thầy danh sư, chân đã dẫy sưng nhiều lần, sưng tới trên bụng. Thầy Tây, Nam đủ hết, bệnh cứ một ngày một thêm. Các cha cùng bổn đạo tới thăm ai nấy đều sa nước mắt, sợ nay mai ắt cha sẽ lìa thế. Những kẻ tới thăm thì nói chuyện nho nhỏ với nhau kẻo người mệt. Ấy chỉ dấu là bệnh nặng quá. Tờ trối cha đã làm rồi. Mọi sự hồn xác cha đã sắp đặt hầu lên đàng xa! Rất đỗi thảm thương! Lúc ấy có hai vợ chồng thầy Lê Phát An đến thăm, thấy vậy thì liền lên xe hơi rước một thầy Tây rất danh tiếng là Docteur Vielle thầy nầy đạo đức, tuần mạch kỹ cang. Thầy Đốc tờ thăm bệnh cha độ trót một giờ. Cha xin thầy nói thiệt bệnh cha làm sao. Thầy trả lời rằng: bệnh cha rất nặng, sức người thế gian không thể chữa đặng vì ruột gan cha đã hư bấy hết. Như mà bằng an, nghĩa là cha không bị cơn rét hành cha thì tự nhiên trong một tháng nữa cha phải chết. Còn như có điều chi uất trắc chút đỉnh, hoặc tại đồ ăn không tiêu, hoặc có rét chút ít thì bất kỳ nay mai gì cũng chết đặng vì yếu lắm rồi. Dầu vậy thầy vẫn làm toa kỹ lưỡng mà bổ thuốc cho cha uống thử, cùng chỉ đồ ăn nhẹ là trứng gà luộc sơ, nước xúp chút đỉnh. Cha làm như lời thầy dạy ba ngày mà một ngày một thêm mệt đuối.

Còn đồ ăn dù rất nhẹ là lòng đỏ trứng gà luộc sơ mà cũng không tiêu � trứng gà ra trứng gà y nguy. Mỗi tuần ở Chợ Lớn tôi đều qua thăm cha, ở luôn cả ngày. Lúc đau nặng năng đến hơn. Tôi thấy trước mắt thật là thảm thương!

Bây giờ là lúc thiên hạ ngã lòng thì mới rõ phép Chúa. Nhớ lại Đức Mẹ La Vang đã chữa vợ thầy Thạnh tại Cầu Kho, cũng đau nặng mà Đức Mẹ cứu. Cô nầy khi mạnh đã đi tạ ơn Đức Mẹ, lần ấy có lấy cỏ tại La Vang đem về. Biết vậy, cha sai người đi xin chút cỏ ấy, rồi xin đưa viết chì và giấy. Cha nằm mà viết lời nguyện như sau:

“Kính lạy Đức Mẹ khoan nhơn hay thương giúp kẻ ngặt nghèo và chẳng hề từ rảy lời kẻ tin cậy, cầu khẩn cùng Đức Mẹ. Nay bệnh con đã cùng thế, ai nấy đều nói không còn trông đặng thuốc thế gian. Hôm nay là thứ bảy đầu tháng, là ngày riêng của Đức Mẹ. Xin Mẹ dùng quyền phép Mẹ và lòng nhân từ Mẹ mà cứu chữa con. Nầy có chút dấu tích Mẹ nơi cung thánh La Vang, con xin dùng chút nầy như thuốc Mẹ bởi trời giáng xuống. Xin Mẹ làm cho con đặng đã các bệnh hoạn trong mình. Mẹ cứu con thì con sẽ đến nơi cung thánh La Vang mà tạ ơn Đức Mẹ và dâng mình lại cho Đức Mẹ mà làm tôi Chúa, cho sáng danh con Đức Mẹ và sáng danh Đức Mẹ cho đến muôn đời. Amen.” 02. Avril 1921.

Cho uống nước có chút cỏ La Vang vào và đọc kinh ấy ba ngày. Còn thuốc trị bệnh thì cha vẫn rước lại thầy Annam hốt thuốc xưa nay cho cha. Thầy bốc thuốc và cho cha ăn cơm như người thường, thầy biểu cha cứ ăn, không sao. Sự lạ! Chút tròng đỏ trứng gà không tiêu mà bây giờ ăn cơm đặng liền. Đó, khỏi ba ngày uống nước cỏ La Vang, đọc kinh cha viết đó, còn thuốc thì vẫn thuốc thầy xưa nay, không phải danh sư mà bệnh một ngày một giảm. Cách ít bữa cha làm lễ đặng rồi kiệu ảnh trong họ mà tạ ơn Đức Mẹ. Trong buổi kiệu có ít cha đến, có vợ chồng thầy Lê Phát An, vợ chồng thầy Thạnh đến xem lễ cha làm tạ ơn Đức Mẹ tại Hạnh Thông Tây. Sau đó cha chờ lệnh Đức cha ban phép đi La Vang mà tạ ơn Đức Mẹ như lời cha đã khấn nguyện.

Khi cha Mathêu Đức đặng ơn Đức Mẹ mà lành bệnh thì mọi người đều lấy làm lạ. Có kẻ không muốn tin cha mạnh, tưởng đồn huyển vì có gặp hồi đau và biết là bệnh bất trị, mà nay nghe mạnh, làm lễ đặng, giảng dạy đặng như thường, cha nói khá hơn lúc chưa đau nữa thì lấy làm lạ quá, đi thăm thấy thất kinh. Chính mình tôi gặp hoài mà khi thấy người đi đứng chững chàng thì tưởng là người nào khác đã chết lâu năm mà sống lại, coi như việc chiêm bao vậy. Người ta tưởng khác mà Chúa làm khác, mà việc Chúa làm thì trí người đời không thấu đặng.

Năm ngoái, khi thấy khá rồi thì cha xin phép Đức cha đi viếng Đức Mẹ tại La Vang mà tạ ơn. Đức cha sợ ngài chưa mạnh thiệt mà lủi dọc đường e bất trắc gì chăng nên dạy đợi một năm. Năm nay dù chưa đúng kỳ Đức cha dạy đợi song nhân dịp tháng nghỉ nên cha xin Đức cha cho phép đi và xin một cha nhà trường coi họ thế. Đức cha cho phép song thêm rằng “Cho đi mà phải có một cha đi theo”. Cha chỉ tôi thì Đức cha thuận liền. Bởi thuở nay tôi không tính đi La Vang bao giờ nhứt là không có xe nên không tưởng đến. Lại việc trong họ lăng xăng, đương lo cất nhà thờ mà một đồng không có, bỏ nhà mà đi làm sao? Bởi đó trong bụng không vui mấy.

… Đang khi cha Mathêu Đức làm lễ (tại bàn thờ chính trong ngôi nhà thờ ngói cổ) thì xem rất động lòng vì thấy đó là Đức Mẹ cứu cho khỏi chết cách lạ. Một năm trước đây thì ai nấy ngã lòng, không hy vọng gì cha mạnh lại. Mọi việc thật đã hết sức rồi mà cha vẫn trong tình trạng gần chết, chắc chết. Nay, đi đàng xa mà chẳng có dấu chi mệt, một ngày một thấy khỏe thêm. Hồi đi, Đức cha và cha Bề trên dặn tôi đừng đi luôn cả ngày, phải nghỉ nhiều chặng kẻo cha mệt. Song hôm đi, thấy càng đi cha càng khỏe nên đi riết cả ngày. Sớm mai bốn giờ đã thức dậy rồi đi luôn đến chín mười giờ tối, lên đèo xuống ải luôn luôn mà không thấy cha mệt chút nào nên mới đi luôn cho mau tới Đức Mẹ...[5]

5. QUÃNG ĐỜI RẮC RỐI[6]

Gia đình tôi chỉ còn lại hai cha con. Tôi học lớp Tứ Niên trường Đồng Khánh, còn cha tôi là một quan chức hồi hưu.

Năm ấy cha tôi mắc phải bệnh lao, tôi đành xếp sách lo phụng dưỡng cha già. Vốn không dư dật khá giả, nay phải thuốc thang cho cha, nhà tôi lâm cảnh túng bấn. Đã thế, trong cơn quẩn bách, tôi phải vơ vét hết những tư trang kỷ niệm cuối cùng dùng vào các việc dị đoan, cúng bái chỉ mong cứu mạng cha già.

Tôi nhớ có lần chị X, bạn thân nói chuyện Đức Bà La Vang ở Quảng Trị hay làm phép lạ, thi ân giáng phúc cho người dù lương hay giáo. Tôi giấu cha tôi lặng lẽ ra miền La Vang với một chút hy vọng. Tôi là người lương, không biết đọc kinh, không biết cầu nguyện nhưng thấy người ta vào nhà thờ, tôi vào theo. May sao khi ra cửa gặp cha Tây, mặt mày hiền từ, nghe tôi nói hoàn cảnh ngài an ủi đôi lời rồi cho ăn cơm, sai người múc cho tôi chai nước giếng và còn hứa sẽ cầu nguyện cho gia đình tôi.

Thế rồi một thời gian cha tôi trở bệnh nặng. Trong lúc vô kế khả thi tôi sực nhớ tới chai nước giếng La Vang. Vừa uống xong một ly nhỏ, cha tôi buột miệng: “Mát mẻ thật!”, khi ấy khuôn mặt cha tôi trông thơ thới như người khỏe mạnh, rồi ngả mình an giấc.

Từ giờ phút ấy chai nước đối với tôi trở nên vật quý giá vô cùng. Suốt đêm tôi ngồi ôm chai nước, chỉ chờ cha tôi thức giấc để rót thêm cho uống. Uống được vài lần cha tôi hết ho hen, ngủ yên cho tới sáng. Ôi nước giếng La Vang, thần dược hiệu nghiệm. Tôi sung sướng đến quên cả mệt mỏi dù đã thức trắng một đêm. Cha tôi tỉnh giấc, tôi định vớ chai nước rót thêm nhưng cha tôi ngăn lại hỏi: “Con ơi, vậy chớ thuốc gì đâu mà chỉ vài ly nhỏ mà bệnh cha qua một đêm mười phần đã hết tám chín?” Tôi thưa bẩm ậm ẹ cho qua chuyện, không dám nói tới chữ “La Vang” vì biết cha tôi trước nay không ưa gì chữ “đạo”.

Một tháng sau, uống hết chai nước thì cha tôi lành mạnh lại như xưa, ăn uống, đi đứng bình thường.

Tôi không thể không nghĩ đến Đức Bà La Vang đã ban ơn tái tạo đấng sinh thành. Tôi giấu cha tôi, nói đi dự đám cưới rồi lẻn ra La Vang tạ ơn Thánh Mẫu. Ai dè ở nhà có người đâm tin, cha tôi giận dữ cầm gậy săng (gỗ) tức tốc lên tàu hỏa ra La Vang tìm tôi. Bao nhiêu nỗi bực tức đều được trút lên cây gậy săng. Tôi cắn răng chịu trận, bầm mình bầm mẩy, tóc tai bù xù, miệng tứa máu. Trên chuyến tàu vô, người ta nhìn tôi mỉa mai thậm tệ, chắc họ nghĩ trong đầu tôi là gái hư bỏ nhà đi hoang.

Về nhà tôi còn chịu thêm mấy trận đòn như thế vì cha tôi chưa nguôi giận cái tội tôi đi đạo. Tôi cố chịu đựng và thầm hy vọng đòn vọt nầy có thể cảm hóa được cha tôi. Mà quả như tôi dự đoán, khi giận thì đánh đập tưng bừng nhưng khi thấy con tơi tả thì cầm lòng không đậu mà khóc ròng theo con. Thừa dịp tôi ôm chầm lấy chân cha tôi kể hết mọi sự tình. Nào chuyện mồ côi nhớ mẹ, nào chuyện tư trang kỷ niệm phải bán đi để thuốc thang cho cha, nào chuyện cái chai nước La Vang có phép mầu nhiệm cải tử hoàn sinh... Thật bất ngờ, cha tôi trở giọng dịu dàng: “Con ơi, thật thì cha chẳng giấu chi con, hồi trước khi con cầm chai rót nước thì lạ sao mắt cha thấy những hào quang sáng láng nhấp nhánh quanh miệng chai. Cha đã cố tình nhìn kỹ đôi ba lần cũng đều thấy rõ như vậy... Nhưng con ơi, hẳn con cũng biết cha là một quan viên ăn trên ngồi trước trong làng mà bây giờ cải lương tòng giáo thì dân làng sẽ coi cha ra sao?” Tôi lựa lời an ủi cha tôi và không quên cầu xin ơn Đức Bà La Vang phù hộ.

...

Hôm nay, đã mười lăm năm trôi qua, một buổi tối thật đầm ấm hạnh phúc, cả nhà chúng tôi - cha con, vợ chồng, các cháu - quây quần bên nhau, chén tạc chén thù mừng thượng thọ thất tuần cha tôi. Tiệc chưa mãn cha tôi đã nhắc: “Sắp tới giờ thắp đèn đọc kinh trước bàn thờ Đức Mẹ La Vang rồi nghe.” Đó cũng là lúc tôi hạ bút kết thúc câu chuyện QUÃNG ĐỜI RẮC RỐI rất thật, rất hậu của chính đời tôi.

6. GIẤC MƠ HOA[7] ...

Hai ông bà Nghè Nguyễn Khắc Nhân và Tôn Nữ Thị Quyên đã luống tuổi mà chỉ có ba trai. Cậu út bấy giờ cũng đã lên năm nên ông bà ao ước được mụn con gái vui hưởng tuổi già. Bà Nghè dù chưa nhập đạo nhưng cũng có lòng tôn kính Đức Mẹ La Vang, bà thường khấn: “Xin Đức Mẹ La Vang linh thiêng ban cho một đứa con gái. Nếu toại nguyện bà xin theo đạo như ông.”

Một tối kia bà Nghè nằm mơ thấy một Bà rất tốt đẹp, bận toàn trắng, tay cầm nhiều tràng hoa thọ kép. Bà Nghè xin một tràng, Bà kia cho. Xin thêm tràng nữa thì Bà mỉm cười rồi biến mất. Bà Nghè thức dậy thuật lại giấc mơ cho chồng nghe. Ông quả quyết: “Đức Mẹ La Vang đã nhận lời, mình sẽ mang thai và sinh con gái.” Từ ngày đó bà Nghè có thai thật.

Ngày 15.08.1913, hai ông bà cùng đến nhà thờ Thạch Hãn dự lễ như mọi khi. Đi được nửa đường bà thấy trong mình có khác nên quay về. Ông một mình vừa đến nhà thờ thì linh tính thế nào cũng quay về theo. Tới nhà nghe bà chuyển bụng, có cô mụ hộ sinh mà vẫn không sinh được. Ông Nghè biết thai nghịch vội vã mượn ngựa phóng lên La Vang cầu xin Mẹ và xin nước phép mang về cho bà uống rồi dùng nước ấy vỗ lên trán. Lạ thay bà sinh nở dễ dàng.

Ông Nghè ôm con đến dâng trước bàn thờ Đức Mẹ: “Lạy Mẹ, đây thật là con của Mẹ. Chúng con xin dâng cho Mẹ.” Ông cụ đặt tên con là Nguyễn Thị Phi Phụng và âu yếm nói với con: “Ba ước ao sau này con sẽ được huy hoàng như chim phụng. Còn nếu con làm gì nên vẻ vang thì con sẽ mang tên Mộng Hoa để kỷ niệm giấc mơ hoa mà má con chiêm mộng.”

Ba ngày sau, bé gái được đưa vào nhà thờ chịu phép rửa với thánh danh Maria. Mười sáu năm sau Maria Phi Phụng nổi danh trên đường nghệ thuật, khắp toàn quốc. Người ta biết đến bà với tên Maria Mộng Hoa.

II. NHỮNG ƠN LẠ ĐIỂN HÌNH XẢY RA THỜI HIỆN ĐẠI.

1.PHÉP LẠ CÓ ÂM VANG TIN MỪNG[8]

Chị Maria Nguyễn Thị Nhung quê ở giáo xứ Bình Lâm, giáo phận Xuân Lộc mắc bệnh tâm thần, suốt ngày nói nhảm như bị quỷ ám. Đã năm năm trôi qua chị từng đến nhiều bệnh viện chữa trị và mời mười một thầy pháp về nhà trừ quỷ nhưng không chút kết quả. Người nhà đưa chị lên giáo xứ Tuân Hóa, Bảo Lộc gặp cha Truyền, cha khuyên nên đưa bệnh nhân đi La Vang.

Sáng ngày 04.01.1999, chi Maria Nguyễn Thị Nhung, mẹ chị là bà Brigita Nguyễn Thị Gấm cùng 17 người hành hương trong đó có bốn người tôn giáo bạn, từ Đồng Nai đón xe Nam Bắc, đến La Vang lúc 12.30 ngày 05.01.1999.

Vừa bước chân vào quảng trường Mân Côi chị trì lại không chịu vào, nói sợ Đức Mẹ. Đoàn hành hương gọi xe thồ, phụ nhau bồng chị lên xe đẩy vào linh đài. Đến bậc thềm thứ tư chị không lên nữa, quỳ xuống từ một giờ trưa đến hơn bốn giờ chiều giữa nắng gắt vùng Quảng Trị.

Bà Gấm, mẹ bệnh nhân cho biết: “Hai ngón chân cái của chị Nhung sít cứng lại với nhau, tôi cố ý tách hai ngón chân ra và xoa dầu nóng nhưng lạ thay lôi mãi không sao tách rời được... Lần lượt nhiều người cố hết sức kéo cho hai ngón chân rời ra nhưng vẫn không xong. Một phụ nữ trẻ đã kéo không được còn té ngửa vào tôi.”

Ông Nguyễn Ngọc Đính, khách hành hương trong đoàn cho biết thêm: “Bệnh nhân quỳ, mình vặn vẹo, hai chân duỗi, tỳ thẳng vào bậc thềm, tiếp đến cả hai tay. Bệnh nhân nói Đức Mẹ chưa cho ngồi.”

Trong tình trạng bị Đức Mẹ khóa như vậy thì nước giếng La Vang chính là chiếc chìa khóa vạn năng cởi trói cho bệnh nhân. Khi đem nước đã được cha Giuse Dương Đức Toại làm phép cho bệnh nhân uống thì hai tay hai chân của bệnh nhân đang dính đét vào bậc thềm linh đài Đức Mẹ bật tung ra, bệnh nhân nằm bất tỉnh nhân sự. Mấy phút sau bệnh nhân hồi tỉnh, cùng khách hành hương đọc kinh, ca hát ngợi khen Đức Mẹ. Ơn lạ xảy ra trước sự chứng kiến của 60 người, lương có, giáo có.

Chị Maria Nguyễn Thị Nhung ở lại thêm ba ngày nữa mới từ giã La Vang về quê sinh sống.

Vào những ngày giáp tết Kỷ Mão 1999, cha mẹ chị ra La Vang khấn tạ cho biết chị đã hoàn toàn bình phục, đang mua bán làm ăn như cũ. Ngày 20.03.1999, chính chị dẫn một đoàn hành hương ra La Vang tạ ơn Mẹ. Chị sẵn sàng làm chứng về một ơn lạ có âm vang Tin Mừng mà chính chị là người được ơn.

2. CHÁU ĐẠT HẾT CÂM[9]

Cháu Phêrô Hồ Tấn Đạt, 6 tuổi, con ông Giuse Hồ Văn Đông, cư ngụ ở quận Gò Vấp, Tp HCM, bị câm từ nhỏ, không nói được, chỉ ú ớ. Gia đình hết sức lo buồn cho tương lai cháu nên tốn kém mấy cũng cố gắng tìm thầy chạy thuốc. Cuối cùng vẫn tiền mất tật mang.

Trong cơn tuyệt vọng ông Đông nhớ lại lời khuyên của người bạn vừa đi hành hương La Vang về: “Nên đem cháu Đạt ra khấn nguyện Đức Mẹ La Vang vì Mẹ hằng ban ơn thật nhiều cho những ai đến cầu khẩn Mẹ.” Ông vội vàng thu xếp đem cháu Đạt và cả bà nội cháu là bà Catarina Hồ Kim Anh cùng đi La Vang.

Cả ba người đến chầu ở linh đài Mẹ, lấy nước múc ở giếng Mẹ khấn xin rồi cho cháu Đạt uống. Uống xong tiếp tục cầu nguyện, lại cho uống thêm. Bỗng dưng cháu Đạt biến đổi sắc mặt và hớn hở reo lên: “Bố ơi! Nội ơi! Con nói được rồi!”

Từ ngày ở La Vang về cháu Đạt nói năng bình thường, linh hoạt như trẻ con cùng trang lứa. Gia đình đã bắt đầu cho cháu đến trường. Ai cũng trầm trồ ngạc nhiên và công nhận đây là ơn lạ đặc biệt mà Mẹ La Vang đã thương ban cho gia đình ông Đông.

3. CHÁU NAM LÀNH BỆNH[10]

Ông Nguyễn Hữu Như, giáo dân họ Thuận Nghĩa (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), giáo phận Vinh có đứa con trai lên năm tên là Nguyễn Hữu Nam. Cháu Nam bị bệnh tắt mao mạch, da bị hoại tử, toàn thân máu mủ hôi thối. Ai nhìn vào cũng thương cảm, tội nghiệp cho cháu Nam.

Ông Như và gia đình đã cố gắng chạy thầy chạy thuốc cho cháu Nam nhưng tất cả đều vô hiệu. Các toa thuốc kháng sinh liều cao chẳng những không hiệu quả gì mà ngược lại còn gây biến chứng khiến toàn thân cháu phù lên, bụng sình to nguy hiểm đến tính mạng. Cả nhà hầu như tuyệt vọng.

Ba năm cháu Nam lâm bệnh cũng là ba năm cả nhà ông Như dốc tâm cầu nguyện. Dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa họ cũng vững niềm tin vào Chúa và Đức Mẹ. Một khi phương thuốc thế gian đã không còn hiệu nghiệm thì họ chỉ còn trông mong vào linh dược thiêng liêng mà thôi.

Quả thật Đức Mẹ đã ban ơn soi sáng, đưa đường chỉ lối, tạo cơ hội để ông Như đem con đi La Vang khấn xin ơn Mẹ.

Chiều chuẩn bị khởi hành thì cháu Nam trở bệnh nặng, tính mạng chỉ còn ngàn cân treo sợi tóc. Gia đình lo lắng không biết hai cha con có đi đến nơi về đến chốn không hay rủi ro có điều gì thì làm sao xoay xở. Cuối cùng, vì một lòng tin phó thác nơi Mẹ, ông Như quyết định dứt khoát lên đường.

Vài ngày quý báu ở La Vang, ông Như dành hết thời gian để cầu nguyện, thực hành các việc đạo đức và cuối cùng dâng con cho Đức Mẹ.

Ở La Vang về thì bệnh tình cháu Nam có dấu hiệu giảm. Một tuần sau thì lành hẳn. Nhiều người, trong đó có cả trí thức đến thăm thấy sự thể cháu Nam trước và sau đi La Vang đều lấy làm ngạc nhiên. Những người ngoài Công giáo thì thật thà thẳng thắng: “Tôi không phải là người Công giáo nhưng nay tôi cũng tin vì thấy tận mắt là cháu Nam đã lành bệnh chỉ một tuần sau khi đi La Vang về.”

Riêng ông Như, quá sung sướng đã nói lên nỗi lòng của mình qua thư gởi cha quản nhiệm TTTMLV: “Con không biết phải cám ơn Mẹ thế nào, chỉ biết xin cha loan báo rộng rãi cho nhiều người biết để khi gặp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống chạy đến cùng Đức Mẹ La Vang mà cầu xin.”

4. NGẬM NGẢI TÌM TRẦM[11]

Anh Nguyễn Đức Năm, 34 tuổi, cư ngụ ở giáo xứ Ngọc Lâm, giáo phận Xuân Lộc, vì gia cảnh khó khăn, không nghề nghiệp nên theo bạn bè lên núi xanh tìm trầm. Tìm trầm vốn là công việc gian khổ, hiểm nguy, mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng trời mà kết quả thường phụ thuộc vào sự rủi may.

Cũng như những anh em khác, một đôi lần anh Năm gặp may kiếm được hàng mang về bán lấy tiền phụng dưỡng cha mẹ già và lo cho mấy em ăn học. Nhưng vận may không phải có hoài, một lần trong chuyến đi xa lâu ngày anh Năm nhiễm căn bệnh lạ, và từ đó anh trở thành ngớ ngẩn như người mất trí. Có người nói anh bị nhiễm độc, người khác bảo anh bị đánh bùa ngải, bị ma ám, quỷ ám. Kẻ ganh tị thì chua cay: “Đó, ăn của rừng rưng rưng nước mắt!”...

Từ ngày gặp nạn gia đình anh Năm gắng sức chạy vạy hòng cứu chữa cho anh, người lao động chính trong gia đình. Anh được đưa đến bệnh viện tỉnh Đồng Nai và một vài bệnh viện khác ở Tp HCM, nhưng tất cả đều bó tay. Người nhà đem anh về chữa ngoại khoa, đông y cũng không ăn thua. Ngã lòng, gia đình quay qua tìm thầy bùa, thầy ngải. Anh Năm được đưa đến các vị thầy nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ nhưng phép thầy không linh. Anh Năm sống trong khốn khổ và tuyệt vọng suốt 11 năm liền.

Đầu năm 1999 một số giáo dân trong giáo xứ Ngọc Lâm đi hành hương La Vang nghe thấy và chứng kiến nhiều ơn lạ nhãn tiền Mẹ ban đã khuyên gia đình đưa anh Năm ra La Vang khấn xin ơn Mẹ. Gặp lúc túng quẩn nhưng gia đình vẫn cố chạy vạy đưa anh Năm đi. Họ ở La Vang chuyên tâm cầu nguyện đã hai ngày đêm. Qua ngày thứ ba, 18.04.1999, khi đang cho anh Năm uống nước Đức Mẹ và rảy nước thánh lên người anh thì bỗng dưng cả thân mình anh run lên cầm cập như người bị động kinh rồi đổ gục xuống bậc thềm trên đài Mẹ bất tỉnh nhân sự. Một lúc sau, anh tỉnh dậy ngơ ngác nhìn mọi người chung quanh đang sốt sắng đọc kinh. Anh vươn mình đứng dậy, cảm giác khoan khoái như vừa trải qua một giấc ngủ ngon. Anh nhận ra mình đã hết bệnh, quỳ gối khấu đầu tạ ơn Mẹ.

Anh Năm và gia đình ở lại La Vang thêm một ngày nữa để anh được xưng tội, rước lễ và tham dự vào các việc đạo đức cần thiết khác.

Ngày trở về, bà con lối xóm nhìn anh Năm với ánh mắt đầy kinh ngạc: “Lạ, một người tâm thần lâu năm mới đi hành hương có mấy ngày mà lành mạnh như thường? Lạ! Lạ thật!” Đến khi nghe người nhà anh Năm thuật lại ơn lạ nhãn tiền tại La Vang thì mọi người mới hiểu. Bà con chung vui và không ngớt lời ca khen quyền phép Đức Mẹ.

5. PHÉP LẠ TRỪ QUỶ[12]

Cô Têrêsa Trần Thị Kim The, 25 tuổi ở An Khê, tỉnh Gia Lai, giáo phận Kontum bị quỷ ám đã tám năm, lần thứ ba cùng chồng là Vinsentê Nguyễn Xuân Phát ra La Vang khấn Mẹ, vào dịp Tuần Thánh năm 2003.

Sáng Chúa Nhật Phục Sinh 20.04.2003, được cha quản nhiệm đặt tay cầu nguyện, cô Kim The cảm nhận một sự biến chuyển lạ lùng trong người bởi sức thần thiêng. Cô tin chắc đây là dấu hiệu Đức Mẹ sẽ cứu.

Tối Chúa Nhật cùng ngày, hai vợ chồng, từ Nhà Khách Số 2 định lên đài Mẹ cầu nguyện nhưng vừa ra khỏi cổng cô không chịu đi: “ Quỷ sợ Đức Mẹ lắm, Quỷ không muốn đến gần Đức Mẹ đâu.” Cô hét lên những tiếng ghê rợn rồi chạy trốn vào nhà bà Kim, đối diện Nhà Khách số 2. Hai giáo dân bồng cô đến linh đài đặt dưới chân Đức Mẹ. Cô tiếp tục la hét kinh hồn khiến nhiều người đổ dồn về đài Mẹ chứng kiến một cô gái điên tả tơi đang kêu la gào thét. Cô tự xưng: “Ta là Luxiphe, ta ngoan cố, ta lì lắm, vì ta không chịu ra nên Mẹ xiềng ta lại. Mẹ đánh ta.” Rồi dãy dụa, run sợ kêu van: “Mẹ ơi! Mẹ đừng đánh con đau, con sợ lắm, con đau lắm Mẹ ơi!” Luxiphe nói: “Mẹ xiềng tay chân ta lại rồi, Mẹ còn lấy roi sắt để đánh.” Mỗi lần như vậy cô nẩy người lên tỏ vẻ đau đớn rồi thảm thiết cầu xin.

Quỷ Luxiphe nói, cố ý cho mọi người nghe: “Mẹ nhậm lời nó rồi, ta sẽ đi. Từ nay ta mất vợ rồi, ta không còn vợ nữa!” Rồi nói với Phát: “Phát ơi! Mày ngu lắm. Tao là Luxiphe, 33 tuổi. Tao chiếm vợ mầy tám năm nay mà mầy tưởng vợ mầy bị thần kinh. Mầy đem vợ mầy đi bệnh viện thần kinh cho tốn tiền. Mầy cho vợ mầy uống thuốc thần kinh để hại thân xác vợ mầy...”

Cô tiếp tục la hét bằng những âm thanh ghê rợn và nói trong run sợ: “Mẹ ơi! Đừng chảy nước mắt máu nữa. Mỗi giọt nước mắt máu của Mẹ nhỏ xuống là như một tảng đá đè trên mình con, con đau đớn lắm. Mẹ đánh con bầm tím cả người rồi, Mẹ còn làm con đau đớn nữa.” Rồi quay qua mọi người: “Các ngươi là người trần nên không thấy đâu. Ta là Luxiphe ta mới thấy Mẹ chảy nước mắt máu... Thôi, ta sẽ đi, ta vĩnh biệt mọi người.”

Kim The đau đớn lăn lộn, mệt nhoài, tả tơi. Thấy vậy một sơ đến quạt, cô bảo: “Sơ đi đi! Sơ không biết ta là thanh niên, là đàn ông sao?” Cho uống nước Đức Mẹ cô phun ra kêu đắng, mặn. Ép lắm mới uống một tí. Rảy nước thánh lên người cô giật mình, mắt trợn ngược, tay co quắp đưa lên biểu thị chống lại.

Đêm đã khuya nhưng mọi người vẫn kiên trì đọc kinh lần hạt, cầu nguyện cho cô. Kim The phản ứng: “Sơ ơi! Đừng lần hạt nữa, sơ có biết không mỗi tràng hạt là những làn roi sắt Mẹ đánh lên mình con, con đau lắm. Đừng lần hạt nữa!” Một người thử vả nhẹ vào miệng, cô bảo: “Mầy là người trần, mầy đánh tao không thấm xí cà que gì, chỉ có Đức Mẹ đánh tao mới sợ.” Các sơ giúp cô cầu nguyện, nhưng cô bảo: “Quỷ không cho nói.” Nhìn mặt cô lúc đó thật khủng khiếp.

Một giờ sáng ngày 21.04.2003, Kim The đang trong tư thế quỳ bỗng run rẩy bật ngã ra. Nằm im một lát rồi ngồi dậy sấp mình thờ lạy Chúa và Đức Mẹ. Sau đó cô quỳ lên, tự cầu nguyện bằng những lời rất thảm thương, đầy sốt sắng khiến những người có mặt cảm động, khóc theo.

Quỷ Luxiphe còn đeo bám quậy phá mấy ngày nữa khiến Kim The chưa dám rời xa Mẹ, ăn uống nghỉ ngơi dước chân Mẹ. Đến ngày thứ sáu 25.04.2003, ba mẹ và chồng cô xin cha ban phép giải tội Kim The mới thật sự bình an.

Ngày đầu tháng hoa 01.05.2003, Kim The thay mặt giáo phận Kontum dâng hoa lên đài Mẹ. Ngày 02.05.2003, Đức TGM Huế chủ lễ đồng tế kỷ niệm một năm chầu Thánh Thể luân phiên, Kim The lên đọc Bài Đọc 2. Sau đó cô ở lại La Vang thêm một thời gian nữa trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình phục.

Ngày 14.06.2003, trước khi từ giã La Vang, Kim The để lại thư cám ơn, có đoạn: “Con thật xúc động khi nói lời chào tạm biệt chốn thân yêu nầy, nơi mà Chúa và Đức Mẹ đã cho con Trời mới, Đất mới và một tương lai mới”...

[1] Nội dung từ bài ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG. Đức cha Đ. Hồ Ngọc Cẩn. Tb. NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 327. Ngày 29.04.1915, tr.247-249. Những câu trong ngoặc kép là nguyên văn. Tựa do người biên tập đặt.

[2] Nội dung từ bài ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG. Joseph (cha Giuse Trang). Tb. NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 353. Ngày 28.10.1915, tr.661,662. Những câu trong ngoặc kép là nguyên văn. Tựa do người biên tập đặt.

[3] Nội dung từ bài ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG. Phêrô Nghĩa (Lm. Philiphê Lê Thiện Bá). Tb. NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 610. Ngày 04.11.1920, tr.697,698. Tựa do người biên tập đặt.

[4] Lược trích nguyên văn bài ĐI VIẾNG CUNG THÁNH ĐỨC MẸ LA VANG. Lm. GB Hướng (cha sở Chợ Lớn). Tb. NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 729. Ngày 08.03.1923, tr.136,137 + Số 730. Ngày 15.03.1923, tr.156,157 + Số 734. Ngày 12.04.1923, tr 219,220. Tựa do người biên tập đặt.

[5] Trong cuộc hành hương này cha Matthêu Đức còn đi thăm dòng Phước Sơn, TCV An Ninh, sở Phước Môn, họ Phú Ngạn (nơi cha Giuse Trang làm quản xứ) và danh lam thắng cảnh Huế… trong tình trạng sức khoẻ hoàn toàn bình phục.

[6] Nội dung từ bài QUÃNG ĐỜI RẮC RỐI. Mme HTKN. Tb. VÌ CHÚA. Số 11. Ngày 27.11.1936, tr.5,6 + Số 12. Ngày 04.12.1936, tr.3,4 + Số 13.Ngày 11.12.1936, tr.6 + Số 14. Ngày 18.12.1936, tr.5.

[7] Nội dung từ bài NHỮNG ƠN LẠ. Xuân Lý. Ns. ĐỨC MẸ LA VANG. Số 09. Tháng 05.1962, tr.57,59. Tựa do người biên tập đặt.

[8] Nội dung từ bài PHÉP LẠ CÓ ÂM VANG TIN MỪNG. Đặc san kỷ niệm 150 NĂM THÀNH LẬP GIÁO PHẬN HUẾ. 1850 – 2000. Tr.63,64.

[9] Nội dung từ thư của ông Giuse Hồ Văn Đông đề ngày 04.06.2001 gởi Lm Quản nhiệm TTTMLV. Nội san SỐNG TIN MỪNG (Lm E. Nguyễn Vinh Gioang). Số 13. Tháng 07.2001, tr.7,8.

[10] Nội dung từ thư của ông Nguyễn Hữu Như đề ngày 13.09.2001 gởi Lm Quản nhiệm TTTMLV. Nội san SỐNG TIN MỪNG (Lm E. Nguyễn Vinh Gioang). Số 19. Tháng 01.2002, tr.18,19.

[11] Nội dung từ thư của anh Nguyễn Đức Năm đề ngày 27.04.2001 gởi Lm Quản nhiệm TTTMLV. Nội san SỐNG TIN MỪNG (Lm E. Nguyễn Vinh Gioang). Số 19. Bộ mới – Khổ A4. Tháng 03.2002, tr.8. Tựa do người biên tập đặt.

[12] Nội dung từ bài ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG. Lm E. Nguyễn Vinh Gioang suu tầm. Nội san SỐNG TIN MỪNG (Lm E. Nguyễn Vinh Gioang). Số 37. Tháng 08.2003, tr.8-12. Tựa do người biên tập đặt.
Đức Giêsu là Chúa!
Thứ sáu, 21 Tháng 8 2009 00:59
In

1. Đức Giêsu giới thiệu mình là Con của Thiên Chúa.
Trong lịch sử tôn giáo nhân loại, chúng ta không thấy có một nhân vật lãnh đạo tôn giáo nào dám tự xưng mình là Thiên Chúa, hoặc dám tự xung mình là Con của Thiên Chúa. Dẫu có nhiều uy tín đến đâu mặc lòng, họ chỉ cóthể dám nói : "Tôi nhận được một sứ mệnh bởi Trời .... Tôi là kẻ Trời sai đến .... ”

Trái lại, chúng ta thấy Đức Giêsu giới thiệu rõ ràng Ngài là Con của Thiên Chúa: "Người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”. Người Do-Thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,31-32).

Ngày kia, Đức Giêsu hỏi các tông đồ về Con Người của Ngài thế nào. Các tông đồ nói cho Ngài biết trong dân chúng có nhiều quan niệm trái ngược nhau về Ngài: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ ” (Mt 16,14).

Muốn biết ý kiến của các tông đồ, Đức Giêsu hỏi thẳng họ nghĩ gì về Ngài. Phêrô, được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, liền trả lời: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Đức Giêsu khen Phêrô nói được như vậy là do Thiên Chúa Cha mặc khải cho biết : " .... không phải phàm nhân mặc khải cho con điều nầy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17).

2. Đức Giêsu tuyên bố mình ngang hàng với Thiên Chúa

Đức Giêsu năng nói Thiên Chúa là Cha của Ngài và Ngài cũng là Thiên Chúa như Thiên Chúa Cha. Hai điều nầy làm cho các kẻ nghịch của Ngài hết tức tối và tìm cách hại Ngài.

Khi đứng trước Tòa Án Thượng Phẩm, Đức Giêsu tuyên bố rõ ràng, dứt khoát, công khai và long trọng, Ngài là Con của Thiên Chúa: "Vị thượng tế nói với Người: "Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống, mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô, Con của Thiên Chúa không?” Đức Giêsu trả lời: "Chính ngài nói đó.” Và Đức Giêsu đã bị lên án chết vì câu trả lời dứt khoát nầy: "Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao!” Họ liền đáp: "Hắn đáng chết!” (Mt 26,65-66).

3. Đức Giêsu có những quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa

Đức Giêsu bắt buộc những ai tin theo Ngài, phải bỏ tất cả để đi theo Ngài: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, anh hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,21 ). Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền bắt buộc như vậy!

Đức Giêsu đòi hỏi người ta phải yêu mến Ngài trên hết, yêu hơn cha, hơn mẹ, hơn vợ, hơn chồng, hơn con cái của mình: "Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 11,37). Chỉ có Thiên Chúa mới đòi hỏi được như vậy!

Đức Giêsu bảo đảm cho những ai tin theo Ngài, được thưởng hạn phúc đời đời sau nầy trên thiên đàng: "Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Chỉ có Thiên Chúa mới bảo đảm được như vậy!

Đức Giêsu nói lời tha tội một cách nhẹ nhàng, một cách dễ dàng, một cách gọn gàng, ngay cả đối với những tội nhân phạm tội tầy trời: "Tội con đã được tha rồi!” (Lc 7,48). Chỉ có Thiên Chúa mới tha tội trong một vài từ vắn gọn như vậy!

Đức Giêsu ban phần thưởng thiên đàng ngay cho kẻ có lòng ăn năn sám hối trước khi chết: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,43). Chỉ có Thiên Chúa mới hứa được như vậy!

Đức Giêsu chữa bệnh một cách dễ dàng, cho lành ngay lập tức những bệnh nan y, những bệnh không thể nào chữa lành ngay được: "Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi! ” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.” (Mt 6,6-7). Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền chữa lành bệnh một cách lạ lùng như vậy!

Đức Giêsu cầm tay kẻ chết còn nằm trên giường, lôi dậy và cho sống lại: "Người còn đang nói với họ như thế, thì kìa, một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết ....” Người đi vào, cầm lấy tay em bé, nó liền chổi dậy. ” (Mt 9,18-25). Đức Giêsu phán một lời, kẻ chết đang được gánh đem đi chôn, sống lại ngay: "Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: “Hãy chỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.” (Lc 7,14-15). Đức Giêsu cho kẻ chết hôi thối nhiều ngày nằm trong mộ, được sống lại và ra khỏi mộ dễ dàng: "Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” (Ga 11,43-44). Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm cho kẻ chết được sống lại như vậy!

Đức Giêsu hiểu hết và biết hết tất cả những gì người ta suy nghĩ trong đầu óc, những gì người ta ao ước trong tâm tư: "Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi." Và kìa, máy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng." Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?” (Mt 9,2-4). Chỉ có Thiên Chúa mới thông minh lạ lùng như vậy!

Đức Giêsu không để cho ai bắt giết Ngài được khi Ngài chưa cho phép họ thi hành độc kế giết Ngài: "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,18). Chỉ có Thiên Chúa mới có toàn quyền như vậy!

4. Đức Giêsu lại còn dùng nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa.

Chúng ta thấy rằng Đức Giêsu dạy những lời của Thiên Chúa và bắt buộc người nghe phải tin theo Ngài như tin theo Thiên Chúa. Nhưng sự tin nầy rất khó vì Đức Giêsu dạy những chân lý của Nước Trời, những điều vượt quá sự hiểu biết thông thường của loài người.

Vì vậy, nếu Đức Giêsu không chứng minh những lời dạy cao siêu của Ngài bằng những phép lạ mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được, thì không ai dám tin Ngài đâu. Đó là lý do tại sao các phép lạ lại đầy dẫy trong các trong sách Tin Mừng. Bất cứ ai mở các sách Tin Mừng và tìm được dễ dàng.

Đức Giêsu không làm phép lạ vì háo danh hay vì trục lợi. Ngài không muốn lôi kéo người ta theo mình một cách hời hợt và mù quáng. Ngài làm phép lạ để yêu thương, để an ủi. Ngài làm phép lạ để nâng đỡ đức tin cho những ai đang có. Ngài làm phép lạ để giúp đem lại lòng tin cho những ai đã mất. Mục đích khi Đức Giêsu làm phép lạ, là để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, đang xây dựng nước công bình bác ái của Thiên Chúa giữa trần gian nầy.

Để cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, có quyền trên mọi sức lực trong trời đất nầy, Đức Giêsu tức khắc dẹp yên gió bão đang hung hăng trên biển cả (x. Mt 8,23-27), di chuyễn nhẹ nhàng trên mặt biển (x. Mc 6,45-52), ra lệnh cho nước lạnh hóa thành rượu ngon (x.Ga 2,11-12), truyền cho một vài chiếc bánh hóa thành ra vô số để nuôi nhiều người ăn no (x.Lc 9,10-17), v.v....

Để cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, có toàn quyền trên mọi bệnh tật của con người, Đức Giêsu chữa lành bất cứ bệnh nhân nào tìm đến với Ngài, dù họ là những người mang những chứng bệnh nan y như mù từ thuở bình sinh (Ga 9,1), những chứng bệnh rất kinh tởm như phung cùi thúi tha (x.Lc 17,11-14), v.v....

Để cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, có toàn quyền trên sự sống cũng như trên sự chết của con người, Đức Giêsu làm cho kẻ đã chết được sống lại dễ dàng (x.Ga 11,43-44), v.v....

Để cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, biết rõ mọi việc tương lai, Đức Giêsu đã nói những lời tiên tri về chính Ngài (x.Mt 16,21).

Thật, Đức Giêsu là Chúa!

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang


<< Mẹ La Vang Q. Trị Huế &Đức Giêsu là Chúa. |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 226

Return to top