Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lời Tâm Sự

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 454 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lời Tâm Sự
Đặng Ph. Nguyên
Tôi sẽ kể cho bạn nghe tâm sự của một sinh viên già 49 tuổi. (Thực ra, tuổi đời chưa đến nỗi, nhưng nhờ ơn "Bác-Đảng" 16 năm qua đã cho tôi thành người sớm quá!). Có lẽ tôi sẽ là một kiện tướng trong đoàn lực sĩ chạy marathon với bạn về cùng một đích. Quả thực, tôi đã chạy nhiều trên con đường học vấn nầy rồi. 4, 5 năm sinh viên dưới thời Chính quyền Sài Gòn cũ -- ra làm việc -- Sài Gòn sụp đổ -- 8 năm "sinh viên" trong "viện giáo dục lại" (Reeducation) của Cộng Sản Việt Nam - và bây giờ, là sinh viên mới MSU. Chị Hạnh-Huy đùa rằng tôi làm sinh viên suốt đời! Phải! Suốt đời chạy đua mà chưa bao giờ tới đích. Một phút suy tư thấy nhức nhối cả lòng. Tôi sẽ cùng chạy với bạn đoạn đường chót nầy. Một già, một trẻ: ai sẽ thắng ai cho cái đích đến đó?
Bài học tôi thuộc nằm lòng do "Viện giáo dục lại" của Cộng Sản đã dạy rằng: "Tư bản chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa, ai sẽ thắng ai? Đương nhiên lẽ tất thắng sẽ về phía Cộng sản là tương lai của nhân dân thế giới!!!" ???
Bạn ơi! Ít ra là chúng nó đã thắng chúng ta về cái đích chúng nó mơ được đến rồi đấy! Ta thua vì ta nhập cuộc đua nhưng chưa biết đích đến, và tệ hại hơn nữa là hành trang ta chưa chuẩn bị đủ để lên đường.
Tôi, và lứa tuổi chúng tôi đã thua, nên mới bắt Việt Nam đến nông nỗi nầy!
Tôi sinh ra vào thời ly loạn trong một gia đình thôn dã xác xơ kiếp nghèo của đại đa số nhân dân ta. Một dân tộc nhận có 4000 năm lập quốc mà chinh chiến trải dài đã gần hết chừng đó tháng năm miệt mài gian khổ và hy sinh để tự tồn. Tôi đã cố gắng học - dù chương trình học thời đó nửa Tây nửa Ta - phải học vì đó là con đường duy nhất giúp ta thoát ra cái cảnh đói nghèo mạt kiếp đó.
Tôi gọi là "may mắn" được học chương trình Tây như ai! Bạn sẽ hãnh diện là học sinh Marie Curie, Jean-Jacques Rousseau, Couvent des Oiseaux ... lắm chứ! Nói nhỏ mà nghe, nữ sinh "Dòng Chim" bay bướm lít ai bằng, vì dòng họ nhà chim vốn có cánh lớn để bay, bay cao, bay xa, mà không chịu đậu lại! Các dòng De Gaule, D Estaing... khác, thì đa số mang nền văn hóa Pháp học, được làm những cuộc "Tây-du-ký". Nói tóm lại, chúng tôi đã thiếu đi phần căn bản dân tộc học rất cần cho thời Trung học để làm hành trang lên đường vào ngưỡng của Đại học và cuộc đời.
Ta trách gì được một quê hương 4000 năm ly loạn. Hết Tàu đến Tây, hết Tây đến Nhật đến Mỹ. Mỗi thời, ta phải chịu một ít lai căng, một ít vọng ngoại - không thể tránh khỏi - nhưng cũng thêm được một số vốn mới từ thế giới văn minh, để mình nhìn lại mình mà suy ngẫm về thân phận nhược tiểu của mình.
Tuổi trẻ sinh vào các giai đoạn đó của lịch sử đã phải mang một tâm trạng hết sức hoang mang. Ngồi học mà tai cứ lẫn lộn tiếng bom rơi với tiếng thầy giảng. Khói súng che phủ bên ngoài khung của đại học làm lòa mắt ta không còn thấy tương lai đâu cả. Cái "Chính nghĩa" bên nầy miền Nam chủ xướng đối với bên kia miền Bác hô hào, vẫn chưa rỏ nét chính tà. Mà cứ chém giết nhau. Mấy triệu anh em mình đã tất tưởi ngã xuống cho một ý nghĩa "độc lập dân tộc" chưa dứt khoát thuần túy Việt Nam. Ông cha ta đã thắng ngoại xâm, bởi lẽ chỉ có Việt Nam và chỉ vì mồ mả tổ tiên Việt Nam mà chiến đấu - những cuộc chiến đấu thần thánh, không nhuốm mùi Mác-xít vong bản, cũng không tô màu tư sản lai căng. Và tổ tiên ta đã chiến thắng oanh liệt. Và chúng ta đã thua cay đắng. Miền Nam thua trước tả tơi. Miền Bắc đang thua với mớ lý thuyết Mác-Lê bị vứt vào sọt rác lịch sử, và với 50 năm dầy công gầy dựng một gia tài khổng lồ những ngổn ngang, đổ nát, xác xơ đói nghèo và tuyệt vọng.
Có lẽ cuộc đời đại học là thời kỳ vàng son của đời một con người. Trước mắt ta, trãi dài một dải thảm xanh hoa mộng và hoài bão tuổi trẻ. Ngày ngày vui chơi, đuổi bắt những bóng hình đẹp. Đêm đêm, sống đôi phút lung linh trong ánh đèn màu để xác định hoài nghi tất cả, tạm quên đi chính hình hài ta, và vận mệnh của đất nước đang chồng chềnh giữa biển lửa đấu tranh. Phạm Duy, vì vận mệnh nổi trôi của đất nước đã hô hào chiến dịch "về nguồn" với các nhóm "dân ca", "du ca"... Trịnh Công sơn ngồi khóc cho thân phận nhược tiểu da vàng. Và còn ai nữa... Nhưng đó chỉ là những tiếng kêu cứu thất thanh, cuốn hút vào cơn lốc súng đạn, chủ nghĩa, hận thù và xâu xé quyền lợi riêng tư.
Tôi đã được một vài lần đi dự hội nghị sinh viên quốc tế. Vào những năm 65, 66, mang danh công dân một nước nhược tiểu đi phó hội với đủ màu sắc văn minh năm châu, ta mới tủi cho thân phận làm người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ. Tủi cho đất nước điêu linh đói nghèo không dám ngẩn mặt nhìn người dể nói điều mình muốn nói. Hãy ngồi im đó - như một kẻ quan sát - để nghe kẻ khác quyết định vận mệnh của đất nước mình. Rồi khi trở lại hạ cánh xuốn mảnh đất cháy nám khô cằn Việt Nam, bạn mới thấy một phút bùi ngùi. Nhớ người, nhìn lại mình mà lòng uất ức muốn khóc.
Ta có mảnh áo dài tha thướt Việt Nam ta đó, đã bao phen che chở thân mẹ Việt Nam gầy guộc, qua bao năm tháng thăng trầm mà vẫn bảo vệ trọn vẹn nền đạo lý nghìn đời. Một hãnh diện đạo lý Việt Nam, ít ai sánh kiệp. Nhưng làm sao diễn tả ra đây?
Ta có tiếng hò sông Hương núi Ngự, có sáu câu Vọng cổ trữ tình miền Nam, có câu Quan họ luyến lưu miền Bắc, vẫn mãi vang vọng từ đền đài tổ tiên, là biểu tượng lịch sử Việt Nam có tổ có tông. Con cái các Ngài không đến nỗi ngu, nỗi dốt. Đã có gan dạ. Biết kiên nhẫn và chịu đựng. Thừa thông minh để đánh thắng ngoại xâm bảo tồn lịch sử và gia sản văn hóa của mình.
Còn biết bao nhiêu vẻ đẹp diễm kiều với bao nét kiêu hùng Việt Nam nữa... Làm sao ta nói hết. Nhưng có ai chịu để cho mình nói đâu. Làm sao không tức chứ?
Nhưng thôi. Ta hãy trở về lại với ta. Từ Nam chí Bắc, không một ai chịu dừng tay một phút. Để đọc lại toàn bộ lịch sử hào hùng tổ tiên. Để ôn lại bài ca dao đoàn kết yêu thương Viêt Nam. Để xóa bỏ hận thù, kết tình dân tộc mà "cứu nước thương dân". Cũng chỉ vì ngu muội say mê chiến thắng, đắm say chủ thuyết ngoại lai, để đưa Việt Nam đến thảm họa ngày nay. Hậu quả lâu dài con cháu phải gánh chịu.
Cha ăn mặn, con đi tìm dòng nước để uống. Lưu lạc bốn phương trời để tìm dòng nước trong. Thân phận dân tộc lạc loài mười hai bến nước. Nhưng cuộc hành trình tới đất hứa có giếng trong, mật ngọt đâu dễ gì. Trải qua muôn ngàn gian khổ. Chỉ có con người Việt Nam mới đủ kinh nghiệm chịu đựng những khổ đau vượt sức tưởng tượng loài người. Ta vẫn hãnh diện sức chịu đựng Việt Nam đã bao phen làm thế giới kinh ngạc. Có lẽ Trời bắt dân tộc mình đau khổ. Đau khổ để trả hết nợ hồn thiên sông núi rồi mới hóa thân làm ngưởi.
Ta ra đi như một kẻ lưu đày. "L exile partout est seul".Thi hào Lacordaire ví ta như kẻ tù chung thân cô độc. Vì ta đã mất gốc , mất nguồn.
Tôi là kẻ đến sau. Nhưng cũng chung số phận mất nước như bạn. Tôi liều tình nguyện ghi danh để chạy hết đoạn đường đời. Tất cả đều chạy. Một già một trẻ cùng nhau chạy đua. Cuộc chạy nước rút nầy rõ ràng là có hai đích đến.
Kìa! dòng suối chính "mainstream" Anglo-Saxon dồi dào nước trong, vô cùng quyến rũ cổ họng khát cháy của ta. Ôi! Được đắm mình vào đấy, để rửa sạch món nợ cội nguồn. Để hấp thụ sinh khí mới. Để vươn lên làm người, nhìn thẳng mặt người mà không mặc cảm thân phận Viêt Nam. Quả là một ước mơ to lớn! Nhưng khổ thay! tóc ta vẫn đen và da ta vẫn vàng. Vì trời lỡ bắt ta đầu thai như thế! Làm sao ta kì cọ được hết lớp vàng ngoài da tổ tiên, gột được hết màu đen trên tóc mẹ cho. Để có thể hoàn toàn hội nhập vào dòng suối trắng bạch kia. Một phút suy tư, làm ta ngở ngàng, băn khoăn.
Còn một đích đến nữa, tuy xa mà gần, tuy gần mà xa. Cội nguồn dân tộc hãy còn phía kia. Hãy chạy về đó mà uống nước mát, thật mát cho thỏa thuê. "Uống nước nhớ nguồn" mà! Vú mẹ Việt Nam vẫn căng đầy sữa ngọt nhiệm mầu, đã từng nuôi những cậu bé "Phù Đổng", qua một đêm lớn thành vô địch, cỡi ngựa sắt dẹp giặc xâm lăng cho yên bờ cõi.
Tôi vẫn nhớ những bàn tay bè bạn ngày tôi rời Tổ quốc ra đi. Những bàn tay gầy guộc dơ lên, vội vàng, lưu luyến nắm bắt tay tôi. Tôi chợt tưởng mỗi bàn tay là mỗi bản thông điệp gởi kẻ ra đi đừng quên về cội nguồn. Về đồng bào ruột thịt đang khổ đau quằn quại ở đó.
Bạn ơi! Đích đã rỏ rồi đấy! Chúng ta hãy ráng chạy cho nhanh. Tiếc thay chân tôi đã mỏi lắm rồi. Có lẽ tôi chỉ chạy cầm chừng, để khích lệ bạn và con tôi ráng chạy. Người tới đích trước chắc không phải là tôi. Biết đâu, tôi có thể bỏ cuộc đua nửa chừng, để cầm cờ đứng ngay đích đến vẫy chào các bạn chiến thắng tôi. Tôi mơ thấy cả một rừng lực sĩ Việt Nam tràn ngập phố phường thôn xớm Việt Nam, mà nước mắt rưng rưng. Các bạn dành nhau tháo ngòi cội nguồn, cho dòng đại hồng thủy chôn vùi lũ quỉ đã bắt dân ta đau khổ. Cho dòng nước nguồn thơm mát đổ tràn trên cả miền dân tộc, uống, tắm, giặt, đem về để dành. Cho dân mình hết cơn đói khát chờ mong. Bạn sẽ được tuyên dương vô địch đánh thắng đàn anh bất lực. Bạn sẽ là võ sĩ tài ba biết dùng kỹ thuật khơi cho nguồn nước để muôn đời không cạn. Nguồn nước chảy từ "Cội nguồn Dân tộc Việt Nam".
Đặng Ph. Nguyên.
Nhâm Thân, 1992



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 289

Return to top